Ngày 6 tháng 5 năm 1993
I. Về vấn đề thế nào là chủ nghĩa xã hội
Triệu nói: về vấn đề thế nào là chủ nghĩa xã hội không nên xuất phát từ nguyên tắc, khái niệm, không thể định nghĩa theo mô hình mục tiêu cấu thành từ suy lý tư duy lôgíc, mà nên xuất phát từ sự phát triển thực tế của lịch sử kinh tế; cũng có nghĩa là nói, không thể cấu tạo mô hình một cách “lý tính” từ trong đầu óc con người. Đúng như Đặng Tiểu Bình đã từng nói, rốt cuộc thì chủ nghĩa xã hội là như thế nào đúng là chẳng ai nói rõ được. Trước đây [xác] định chủ nghĩa xã hội là kinh tế kế hoạch, trải qua thực tiễn chứng minh là con đường thể chế kinh tế kế hoạch đi không thông; trước đây coi phân phối theo lao động là một thước đo, nhưng kết quả là chưa bao giờ thực hiện được; trước đây cũng đã luôn luôn coi “chế độ công hữu” là tiêu chí của chủ nghĩa xã hội, kết quả là các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện chế độ công hữu đều là đầu vào cao hiệu quả thấp, phát triển sức sản xuất hoặc còn xa mới đạt được lý tưởng, hoặc mang lại rất nhiều vấn đề. Thực tế chứng minh kết quả thực hiện “chế độ công hữu” là thất bại. Vì vậy nói, không thể định trước một khuôn mẫu nào, một mô hình mục tiêu nào cho chủ nghĩa xã hội, mà nên xuất phát từ chỗ làm thế nào để phát triển sức sản xuất. Bởi vì bản chất của chủ nghĩa xã hội là phát triển sức sản xuất. Chỉ có phát triển một cách thuận lợi sức sản xuất xã hội lên, hiển thị được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, mới có thể thể hiện được sức sống dồi dào. Tiêu chí của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là sức sản xuất xã hội phát triển cao.
Vì thế, Triệu nói tiếp một cách rõ ràng: nếu như thay đổi chế độ sở hữu thực hiện tư hữu hoá, giống như thực hiện kinh tế thị trường đều có lợi cho phát triển sức sản xuất xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội; nên nói là, cũng có thể thực hiện tư hữu hoá để phát triển chủ nghĩa tư bản. Điều này cũng chẳng có gì đáng sợ cả. Tiện đây nói rõ ra, đó chính là học bù về chủ nghĩa tư bản, cũng chẳng có cái gì đáng trách cả.
Triệu còn nói: hiện nay thực hiện kinh tế thị trường có thể nói là, đã được mọi người công nhận và đưa vào hiến pháp. Nhưng mới chỉ đột phá được một nửa. Bởi vì trong đó còn có vấn đề họ “tư”, họ “xã”. Có người vẫn còn nói, các anh thực hiện kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa họ “tư” không phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa họ “xã”. Do vậy vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phái “tả” phản công, thụt lùi.
Lúc này Triệu lại luyến tiếc nói tiếp: cộng thêm tầng lớp lãnh đạo hiện nay luôn nhấn mạnh chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiền đề chủ thể… Thế nhưng dưới điều kiện đó, muốn phát triển sức sản xuât cũng không được. Ông nói như qui nạp, xét cho cùng cái khu cấm này của chế độ sở hữu vẫn chưa thể đột phá, (Ông nhấn mạnh) nên nói là bất kể là chế độ sở hữu gì chỉ cần có lợi cho phát triển sức sản xuất đều có thể áp dụng, không lảng tránh điểm này, phải đột phá khu cấm này.
Ở đây, tôi thể hội được phương thức tư duy của Triệu là coi trọng thực tiễn, không câu nệ vào suy ngẫm lý tính. Vì thế tôi dẫn chứng một đoạn viết của [Eduard] Bernstein [1] : “đối với một học thuyết đã lấy phát triển tư tưởng làm cơ sở thì không thể có mục đích cuối cùng nào”. “Xã hội loài người ở trong quá trình phát triển không ngừng, căn cứ vào học thuyết này có thể có đường lối phương châm và mục tiêu lớn, nhưng không thể có mục đích cuối cùng. Cũng không nên từ trong đầu óc hư cấu một cách tiên nghiệm ra, mà phải xuất phát từ bản thân cuộc đấu tranh thực tế của phong trào mà hình thành.” Đó là đạo lý.
Tôi nói: trước đây đúng là chúng ta đã thiết kế một “mục đích cuối cùng”, các nước tư bản chủ nghĩa nói họ là mô hình mục tiêu tốt nhất, chủ nghĩa xã hội cho rằng mình là mô hình tốt nhất, chủ nghĩa phát xít lại nói chủ nghĩa xã hội của đất nước họ là mô hình mục tiêu tốt nhất, do đó mà hai bên đã không từ thủ đoạn tiến hành cuộc đấu tranh “mày sống tao chết” gây ra mấy cuộc tai họa lớn cho xã hội loài người trong thế kỷ XX. Thực ra, người ta không thể thiết kế mô hình nào đó cho xã hội. Tôi vô cùng tán thành luận điểm mà Hayek [2] đề xuất trong cuốn “Con đường đi tới nô dịch”, tức là lịch sử xã hội là do con người sáng tạo, nhưng con người không thể thiết kế. Hiện nay người ta dần dần nhận thức được xã hội cộng sản mà Marx ý tưởng vẫn chỉ là một loại hy vọng, chỉ có thể là cái theo đuổi của lý tưởng, lòng tin, không thể là mô hình mục tiêu.
II. Nguồn gốc của chuyên chính vô sản
Triệu lại tiếp tục: còn về vấn đề thiết lập chủ nghĩa xã hội, xem ra nhiệm vụ chủ yếu của các nước lạc hậu, các nước đang phát triển, sau khi giành được cách mạng thắng lợi là vấn đề làm thế nào để phát triển sức sản xuất, cũng có nghĩa là nói, biện pháp nào có lợi cho phát triển sức sản xuất thì áp dụng biện pháp đó, không nên xuất phát từ việc xây dựng một chế độ có mô hình mục tiêu nào đó, nhưng cần phải thuyết minh rõ rằng là phát triển hướng về con đường xã hội chủ nghĩa, phải sáng tạo điều kiện và chuẩn bị điều kiện đầy đủ cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như vậy có thể tránh được những đau khổ và tai họa do lộ trình tích luỹ nguyên thủy tư bản chủ nghĩa đi qua mang lại cho mọi người; điều này đã sửa lại lần bàn luận trước của tôi về cách nêu các nước lạc hậu sau khi cách mạng giành được thắng lợi không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là không nên xây dựng chủ nghĩa xã hội quá sớm. Hai cách nói này trên thực tế là nhất trí, nhưng cách nói sau tinh xác hơn một chút.
Triệu lại nói: trước đây chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội là vượt giai đoạn. Cái gọi là “cải cách” là phải điều chỉnh lại những cách làm vượt giai đoạn, điều chỉnh này cũng căn cứ vào nguyên lý mà Marx đã thuật rõ trong “Lời dẫn” [Lời nói đầu] Phê phán kinh tế chính trị học. (Triệu đọc cho tôi nghe một đoạn của Marx): “bất kể loại hình thái xã hội nào trước khi nó phát huy được toàn bộ sức sản xuất mà nó dung nạp thì quyết không thể diệt vong; còn quan hệ sản xuất mới cao hơn, trước khi nó thành thục trong bào thai của xã hội cũ mà nó tồn tại thì quyết không thể xuất hiện được. Vì vậy nhân loại trước sau chỉ đề xuất những nhiệm vụ mà tự mình có thể giải quyết được, bởi vì chỉ cần khảo sát tỷ mỷ là có thể phát hiện, bản thân nhiệm vụ, chỉ có thể sản sinh ra khi điều kiện vật chất giải quyết nó đã tồn tại hoặc chí ít là đang trong quá trình hình thành.” (Lúc này, Triệu cảm thán nói): những việc chúng ta đã làm trong thực tiễn xã hội chủ nghĩa trước đây hoàn toàn vi phạm nguyên lý này của Marx. Do thiếu điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã vượt giai đoạn, chỉ làm việc theo ý chí chủ quan, điều này tất nhiên phải dựa vào mệnh lệnh hành chính để thực hiện, thực hiện cưỡng bức, thậm chí dùng biện pháp trấn áp. Để thuận lợi đạt được mục đích tất nhiên phải tạo ra sùng bái cá nhân, dựa vào “quyền uy” để điều khiển tình hình; để thống nhất ý chí, phải tạo ra dư luận giống nhau, không thể cho phép tân văn và ngôn luận tự do; để ổn định phải tiến hành thống trị, tất nhiên không cho phép những người bất đồng chính kiến tồn tại, thực hiện ngoài đảng không có đảng, trong đảng không có phái, càng không thể cho phép đa nguyên hoá chính trị, thực hiện chế độ đa đảng, những việc này tất nhiên đi vào con đường độc tài chuyên chính hơn nữa là con đường chuyên chính tư tưởng, muốn người người đều biến thành “công cụ thuần phục”.
Tôi nói: trước đây tôi luôn luôn mê hoặc không hiểu, mâu thuẫn của chuyên chính vô sản vì sao lại chuyển hướng vào nội bộ nhân dân, cũng thực hiện chuyên chính với nhân dân. Bây giờ tôi mới bước đầu minh bạch, đó là do điều kiện không đầy đủ mà lại miễn cưỡng thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa tạo ra; đối với những người quyết sách thấy, vì sự nghiệp vĩ đại thì thi hành chuyên chính, thực hiện trấn áp với một số người là việc nên làm, bởi vì những người này không tán thành thực hiện chế độ mới, tức là phản đối chủ nghĩa xã hội. Tôi hiểu được ở đây Triệu đã đề xuất một vấn đề rất trọng đại, chuyên chính vô sản đã diễn biến như vậy. Điều này có khả năng cũng là một bài học lớn của lịch sử phát triển lý luận Marx.
*
Ngày 16 tháng 5 năm 1993
Liêu Quí Lập bàn vấn đề chủ nghĩa xã hội với Triệu
Liêu Quí Lập [3] viết một luận văn nhờ tôi chuyển tới Triệu, muốn trực tiếp trình bầy những kiến giải của mình với Triệu, được sự đồng ý của Triệu, tôi tháp tùng đến cuộc nói chuyện này. Theo đề cương đã chuẩn bị tốt, Liêu liên tục trình bày.
Liêu Quí Lập nói: về việc chủ nghĩa xã hội vẫn còn là giai đoạn quá độ, hiện nay là giai đoạn đầu, tương lai sẽ có giai đoạn trung và giai đoạn cao.
I. Về vấn đề chế độ sở hữu
Chủ nghĩa xã hội sinh ra và lớn lên từ xã hội cũ, tức trên cơ sở chủ nghĩa tư bản. Tất nhiên nó phải mang theo những dấu vết của chủ nghĩa tư bản, cũng giống như chủ nghĩa phong kiến đã phát triển trên cơ sở xã hội nô lệ. Trung Quốc mới của chúng ta được xây dựng trên cơ sơ xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến. Vì thế trước đây chỉ chống tư tưởng tư bản chủ nghĩa không chống tư tưởng phong kiến chủ nghĩa là không đúng.
Hiện nay là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, đã được mọi người công nhận, điều này phải có nhiều thành phần kinh tế, từ đó phải có nhiều loại hình thức sở hữu; mà chế độ sở hữu vẫn là một hình thức tổ chức kinh tế, căn cứ vào trình độ và giai đoạn phát triển của sức sản xuất mà có hình thức tổ chức kinh tế khác nhau, tức hình thức chế độ sở hữu. Bất kể là chế độ xã hội nào, cũng đều không tồn tại hình thức tổ chức kinh tế thuần túy, đơn nhất.
Marx phân tích mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn giữa tính xã hội của sản xuất và chiếm hữu tư nhân, có ý đồ dùng chế độ sở hữu xã hội hoặc chế độ sở hữu toàn dân thay thế chế độ tư hữu, còn Lenin, Stalin là dùng chế độ quốc hữu để đột phá và thay thế chế độ tư nhân độc chiếm. Thế nhưng dùng chế độ sở hữu hỗn hợp như thực hiện chế độ cổ phần làm cho quyền sở hữu tài sản xã hội hoá, như thế có nghĩa là nói, đã không còn là tư bản tư nhân giản đơn mà là xã hội tư bản rồi. Nó đã do xã hội quản lý, nó cũng có thể đột phá và thay thế chế độ độc chiếm tư nhân.
Sự thực chứng minh hiệu quả của doanh nghiệp quốc doanh rất kém, là thất bại. Điều này có thể thuyết minh từ Đông Âu, Liên Xô. Trước đây Marx đề xuất phải thực hiện “chế độ công hữu” vẫn chỉ là một trạng thái lý tưởng, là sản phẩm của lôgíc suy lý. Tất nhiên phát triển cuối cùng của của xã hội vẫn là chế độ sở hữu xã hội. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện nay cũng đã đột phá hình thức chế độ sở hữu của mình, do xuất hiện chế độ cổ phần, hình thái “tư bản tư nhân” biến thành “hình thái tư bản xã hội”, những người nắm giữ chủ yếu cổ phần đã không còn là cá nhân mà là các công ty lớn và các loại tổ chức quỹ và do tầng lớp kinh doanh quản lý, quyền sở hữu tài sản của chủ nghĩa tư bản cũng biến thành mơ hồ.
Vì vậy, sự phân chia trong xã hội không nên lấy chế độ sở hữu làm tiêu chí mà nên lấy sức sản xuất làm tiêu chí; chủ nghĩa xã hội nên là sức sản xuất xã hội phát triển cao. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là phát triển sức sản xuất (tất nhiên còn có cùng giầu có) cũng không nên phân chia bằng việc lấy chế độ sở hữu làm chủ thể hoặc là ưu thế, càng không nên áp đặt bằng những mô hình khái niệm và định nghĩa tiên nghiệm.
Triệu nói xen vào: sự biến đổi to lớn ở Đông Âu, sự tan rã của Liên Xô là sự thất bại của chế độ công hữu.
Liêu Quý Lập tiếp tục nói: ở Trung Quốc, cho dù thành phần tư bản chủ nghĩa nhiều, tỷ trọng kinh tế tư nhân lớn nhưng nếu có thể phát triển sức sản xuất, nâng cao mức sống của nhân dân thì cũng tốt. Không thể lảng tránh điểm này, bởi vì chính quyền ở trong tay chúng ta, sợ cái gì? Còn có thể thông qua phân phối lại để giải quyết vấn đề cùng giầu có. Như vậy vừa giải quyết được vấn đề phát triển sức sản xuất lại vừa có thể đạt được mục đích cùng giầu có, nâng cao đời sống nhân dân.
II. Về vấn đề phân phối
Trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội tất nhiên có nhiều loại hình phân phối, hơn nữa, tất nhiên còn tồn tại bất công. Điều này do trình độ phát triển kinh tế khách quan quyết định, cái gọi là phân phối công bằng chỉ là tương đối. Nó không chỉ căn cứ vào chế độ sở hữu, mà còn căn cứ vào sức sản xuất và chịu sự kiềm chế của trình độ phát triển sức sản xuất; đồng thời, vấn đề phân phối vẫn còn phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế. Chủ nghĩa tư bản nhấn mạnh hiệu quả, thiếu phân phối công bằng dẫn tới tiêu dùng không đủ, sản xuất co lại gây ra khủng hoảng kinh tế, hình thành kinh tế thiếu hụt. Tóm lại đều đi về cực đoan. Trên thực tế, hiệu quả nên là vị trí số một, không có hiệu quả thì bàn không nổi phân phối công bằng; không có phân phối công bằng có hiệu quả thì là cùng nghèo khó.
Trước đây đảng Dân chủ xã hội của đệ nhị quốc tế ở rất nhiều nước ven biển, như Thuỵ Điển, Na Uy đã áp dụng dân doanh quốc hữu, thực hiện kinh doanh tư nhân, đã nâng cao hiệu quả; lại dùng nhà nước can thiệp, thực hiện biện pháp phân phối lại để giải quyết vấn đề công bằng. Phương hướng và biện pháp này là thích hợp.
III. Về vấn đề thị trường
Kế hoạch và thị trường là điều tiết hai hướng, đều là thủ đoạn, điều này đã được mọi người có nhận thức chung. Nhưng điều cần làm rõ là thị trường có tác dụng cơ sở, tác dụng quyết định. Hiện nay tình hình nước ta lại ngược lại, đó là kế hoạch đang có tác dụng chủ đạo, tác dụng quyết định. Như vậy không thiết lập được cơ chế thị trường.
Vấn đề kinh tế thị trường mà nước ta dang bàn thực tế là vấn đề thể chế kinh tế, tức là phải từ thể chế kinh tế kế hoạch chuyển sang thể chế kinh tế thị trường. Hiện nay, kiềm chế kinh tế thị trường phát triển vẫn là hành vi của chính quyền là chính quyền can thiệp quá nhiều vào doanh nghiệp; không thay đổi, không làm suy yếu chức năng của chính quyền thì kinh tế thị trường khó mà phát triển. Những nền kinh tế quốc hữu, tỉnh hữu [sở hữu tỉnh], huyện hữu [sở hữu huyện] trước đây đều là sản phẩm của hành chính, đều là vật phụ thuộc của chính quyền; không thực hiện khu vực hóa kinh tế, không cải thiện quan hệ quyền sở hữu tài sản, không sử dụng chế độ cổ phần, chỉ thay đổi cơ chế kinh doanh của doanh nghiệp là không được. Mà kinh tế thị trường cũng không phát triển được, đặc biệt là việc chia cắt địa khu, xây dựng trùng lặp - những vấn đề cũ ấy cũng không giải quyết nổi.
Nói chung, điều tiết kế hoạch chỉ có thể giải quyết vấn đề cân bằng, qui hoạch tổng lượng tức những vấn đề mà thị trường không thể giải quyết. Điều chỉnh và khống chế thị trường thực sự vẫn là tác dụng của ngân hàng. Trước mắt, ngân hàng nước ta vẫn là vật phụ thuộc ngành tài chính, kế hoạch, đều đang hướng về ngân hàng “chi quá thu”; ngân hàng Trung ương không thể làm nổi tác dụng “độc lập”của ngân hàng Trung ương, cũng chưa xử lý tốt quan hệ giữa ngân hàng Trung ương với các ngân hàng chuyên ngành mà ngân hàng các địa phương lại là sản phẩm của sự phân chia hành chính cũng là vật phụ thuốc của chính quyền các nơi.
Xem ra, kinh tế thị trường, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc có kinh tế thị trường do đảng cộng sản lãnh đạo; dưới chế độ tư bản chủ nghĩa có kinh tế thị trường do giai cấp tư bản lãnh đạo.
IV. Về vấn đề chuyên chính vô sản
Chuyên chính vô sản vẫn là vấn đề hình thái chính trị, cũng là nói là chính trị giai cấp vô sản tức vấn đề dân chủ giai cấp vô sản, chứ không phải là một vấn đề thể chế và chế độ. Nhưng ở nước ta lại hình thành một thể chế chuyên chính, điều này không phù hợp với những nguyên lý của Marx.
Sau khi cách mạng giành được thắng lợi, sau khi giai cấp bóc lột bị tiêu diệt, mà lại chuyên chính chỉ là sự chuyên cái chính của giai cấp vô sản mình. đả kích nhân dân của mình.
Triệu nói xen: danh từ chuyên chính vô sản đã bị vứt bỏ từ lâu ở Đông Âu, Liên Xô cũ.
Tôi cũng nói xen: ở nước Pháp, đại hội lần thứ 22 của đảng cộng sản Pháp năm 1976 đã vứt bỏ cách nêu “chuyên chính vô sản”; năm 1977 đã vứt bỏ “chủ nghĩa quốc tế vô sản” đồng thời đã đề xuất chủ trương “quản lý tự trị” trong hình thức chính quyền. Sau này đã huỷ bỏ chế độ tập trung dân chủ của đảng.
Liêu Quí Lập tiếp tục: nhưng chúng ta lại một mực kiên tri. Về lý luận chuyên chính vô sản, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Công xã Paris thất bại Marx đã tổng kết ra, coi như là đề xuất ra một bài học kinh nghiệm. Cho rằng không thực hiện chuyên chính đối với giai cấp tư sản là cho kẻ thù cơ hội phản công, dẫn đến cách mạng bị trấn áp mà thất bại. Nhưng sau khi cách mạng thắng lợi giành được chính quyền và xây dựng được ưu thế, nên nhấn mạnh dân chủ và pháp trị để đoàn kết lực lượng các mặt trong xã hội để xây dựng xã hội mới, xây dựng trật tự mới chính trị dân chủ; nếu vẫn nhấn mạnh chuyên chính vô sản, thì sẽ đẩy các giai cấp và thành phần xã hội khác vào mặt đối lập để tiến hành đả kích. Còn về những tội phạm, phần tử phạm pháp trong xã hội thì bất kỳ xã hội nào cũng có, và cũng là hiện tượng phổ biến phát sinh trong bất kỳ xã hội nào. Chỉ có thể xử lý theo pháp luật chứ không thể lẫn lộn với nhân dân, thực hiện trấn áp.
Bài học kinh tế của Trung Quốc, Liên Xô là: thực hiện cái gọi là chế độ tập trung dân chủ, thực hiện cái gọi là dân chủ, trên thực tế đều vì tập trung; nguyên tắc của chế độ tập trung này là cái gọi là toàn đảng phục tùng Trung ương, trên thực tế đã hình thành phục tùng một người, kết quả là cá nhân nói là xong, biến thành chuyên chính cá nhân.
Triệu nói xen: thực tế đã hình thành chuyên chính lãnh tụ.
V. Về hướng đi của chủ nghĩa xã hội trong tương lai
Liêu Quí Lập nói: tóm lại, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ nay trở đi nên là một thể [chế] nhiều [hình] thức; chủ nghĩa xã hội không thể là một hình thức cố định cũng không thể có một hình thức tiên nghiệm nào đó.
Triệu nói xen: chủ nghĩa xã hội nên là sản phẩm thực tế, là căn cứ vào thực tiễn tổng kết ra; cũng là một loại hình thái xã hội không ngừng thay đổi, là đang từng bước hoàn thiện, phát triển không ngừng.
Liêu tiếp tục: sự phát triển của xã hội loài người là nhiều kiểu nhiều dạng, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội cũng nên nhiều kiểu nhiều dạng. Hiện nay nước Đức cho rằng mình đang thực hiện chủ nghĩa dân chủ xã hội; đệ nhị quốc tế cho rằng mình thực hiện chủ nghĩa xã hội dân chủ; các nước tư bản chủ nghĩa cũng rêu rao minh cũng đang tiến lên trên con đường công bằng xã hội, giầu có, đời sống so với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa còn tốt hơn; ngay Lý Đăng Huy của Đài Loan cũng tuyên bố phải thực hiện mục tiêu “cùng giầu”. Xu thế chung của thế giới là, đều phải trong cạnh tranh hoà bình để nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ.
Cải cách của Trung Quốc trước đây trải qua tranh luận nhiều năm, đã đột phá kinh tế kế hoạch, bước tiếp sau của phát triển cải cách là đột phá chế độ công hữu. Khi điều đó xẩy ra thì tiêu chí của chủ nghĩa xã hội là gì? Rốt cuộc thế nào là chủ nghĩa xã hội, đúng là không nói rõ được. Xem ra thực hiện chế độ công hữu cố nhiên là không được, mà lấy chế độ công hữu là chủ thể cũng không được; chế độ công hữu chiếm ưu thế cũng không được; chỉ có thể chiếm 25%. Bởi vì nó không có hiệu quả, không phát triển được sức sản xuất, không thể đi tới giầu có.
Triệu nói xen: phân tích của Marx đối với chủ nghĩa tư bản trước đây có hai điểm đánh giá là chưa đầy đủ: một là về năng lực chủ nghĩa tư bản dung nạp kỹ thuật; một là năng lực tự động điều tiết kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản. Xem ra sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ nay về sau chỉ có thể là quá độ hoà bình, con đường lại làm cách mạng bạo lực đi không thông. Sự phát triển kinh tế Trung Quốc từ nay trở đi cũng chỉ có thể dựa vào thành phần kinh tế phi quốc hữu, phải ra sức phát triển thành phần kinh tế phi quốc hữu; hướng đi của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc từ nay trở đi vừa không có nhân vật người hùng như Gorbachov xuất hiện, nhưng lại dám đột phá khuôn khổ cũ của thể chế cũ; cũng không thể có thế lực chính trị khác chống đối đảng cộng sản, còn nhân dân lại mong muốn ổn định, sợ động loạn. Vì thế vẫn là phải dựa vào lực lượng tích cực hiện có trong tầng lớp lãnh đạo để thúc đẩy cải cách xã hội tiến lên. Nếu không dễ phát sinh dùng bạo loạn thay bạo loạn, lật đổ một chính thể chuyên chính lại có thể có một chuyên chính mới đến.
Liêu tiếp tục: trong quá trình tiến hành cải cách ở Trung Quốc trước đây đã có tranh luận lâu dài giữa kinh tế kế hoach và kinh tế thị trường, từ nay trở đi sẽ đến lượt tranh luận giữa chế độ công hữu và kinh tế thị trường; liệu hai cái đó có thể thống nhất nội tại hay không? Xem ra chỉ có sử dụng chế độ sở hữu hỗn hợp tiến tới thực hiện chế độ sở hữu xã hội mới có thể thống nhất được. Chế độ quốc hữu không phải là tiêu chí của chủ nghĩa xã hội bởi vì chủ nghĩa tư bản cũng có chế độ quốc hữu; tỷ trọng kinh tế tư hữu lớn cũng không phải là tư bản chủ nghĩa bởi vì ở Trung Quốc có đảng cộng sản lãnh đạo, có thể đi tới cùng giầu có. Loại chế độ sở hữu nào có thể phát triển được sức sản xuất thì nên sử dụng chế độ sở hữu đó chứ không hỏi họ “tư” họ “xã”. Hiện nay cũng không nên nêu lấy chế độ công hữu làm chủ thể, bởi vì thực tế đã chứng minh chế độ công hữu không có hiệu quả, là thất bại, nhưng có thể nêu tác dụng lãnh đạo, tác dụng chủ đạo của chế độ công hữu; cũng không nên coi kinh tế tư hữu là bổ sung có ích, mà nên nêu là bộ phận tổ thành hữu cơ của nền kinh tế quốc dân. Hoặc giả nói, đều là chủ thể của nền kinh tế quốc dân, đều nên được bảo vệ và duy trì, ủng hộ như nhau để phát triển.
Tôi bổ sung: Liêu lão có một lần nói với tôi, kinh tế tư nhân trong nhà nước xã hội chủ nghĩa nên là tính chất xã hội chủ nghĩa, không xác định rõ như vậy, kinh tế tư nhân không thể phát triển được.
Cuối cùng Liêu nói: tiêu chí của xã hội tiên tiến không ở chế độ sở hữu mà ở hiệu quả. Chế độ xã hội không có hiệu quả kinh tế là không có sức sống. Đã xác định bản chất chủ nghĩa xã hội là phát triển sức sản xuất là cùng giầu có, thế thì chế độ công hữu không thể là tiêu chí cho nó, bởi vì nồi cơm chung không có hiệu quả. Rốt cuộc chủ nghĩa xã hội là như thế nào, chỉ có thể là sản phẩm của xã hội.
Triệu Tử Dương cuối cùng cũng nói: trước đây mình học tập, hiểu biết lý luận Marx còn rất chưa đủ.
Khi từ biệt, Liêu Quí Lập nói: sau này có cách nhìn gì khác sẽ báo cáo với đồng chí.
Trương Xương Minh, Uỷ ban cải cách thể chế quốc gia, sau khi biết giữa Triệu và Liêu Quí Lập có cuộc nói chuyện trên đã yêu cầu tôi [cho biết], để tiện làm tài liệu lịch sử lưu giữ. Sau đó tôi đã ghi nhớ chép lại một bản, bọn họ sau khi đọc xong nói với tôi: những quan điểm này của Liêu là đại biểu cho cách nhìn của những người bình thường ở Uỷ ban cải cách.
Bản tiếng Việt © 2008 talawas
[1](1850 - 1932), người Đức, Chính trị gia, lý thuyết gia Xã hội Dân chủ. (BT)
[2]Friedrich Hayek (1899-1992) nhà kinh tế học Anh chủ trương tự do thị trường tư bản chủ nghĩa, phản đối chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Keyne, năm 1974 được Giải thưởng Nobel về kinh tế. Năm 1944 ra cuốn sách Con đường đi tới nô dịch chỉ ra kinh tế kế hoạch tất sẽ dẫn đến chủ nghĩa cực quyền.
[3]Một đại biểu phái cải cách của giới kinh tế quan phương, chủ trương kinh tế hàng hoá trong thời kỳ đầu cải cách kinh tế.
===
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
Ngày 3 tháng 4 năm 1993
I. Người già lãnh đạo: đặc sắc của lãnh đạo chính trị Trung Quốc
Triệu Tử Dương nói: xem ra một nước lớn như Trung Quốc đòi hỏi có người hùng, có người có quyền uy lãnh đạo. Điều đó quyết định bởi việc, đất đai Trung Quốc quá rộng lớn, phát triển lại rất không cân bằng, phát triển kinh tế, văn hoá lại lạc hậu; xem xét từ sự phát triển lịch sử xã hội Trung Quốc thấy xưa nay cũng đều như thế. Hiện nay Trung Quốc đang thực hiện “chính trị người già” do các nguyên lão lãnh đạo. Điều này được hình thành trong đấu tranh cách mạng lâu dài trước đây của Trung Quốc. Là các vị ấy lãnh đạo giành được cách mạng thắng lợi, thành lập Trung Quốc mới, tất nhiên phải do các vị lãnh đạo. Đó là việc mà ai cũng không thể thay thế được. Cũng giống như đế vương phong kiến các đời, tự mình đánh lấy thiên hạ thì tự mình ngồi, sau đó cũng tất nhiên phải do gia tộc mình tiến hành thống trị, người khác không thể chia hưởng. Nói tóm lại cũng giống như một gia đình là do gia trưởng lập nghiệp tạo ra gia sản, tất nhiên phải do gia trưởng làm chủ, đó là đặc sắc chính trị của Trung Quốc.
Tôi nói xen vào: theo tôi được biết, khi Uỷ ban Cố vấn Trung ương họp hội nghị thảo luận, đều không đồng ý bỏ “Ban Cố vấn” cho rằng nếu làm như vậy, một số đồng chí già ngay chỗ họp hành nêu ý kiến cũng không còn nữa, vì thế đã yêu cầu chí ít phải bảo lưu một tiểu tổ cố vấn. Tóm lại các vị kiên quyết không đồng ý xoá bỏ hoàn toàn “Ban Cố vấn”. Lúc đó Bạc Nhất Ba đang chủ trì hội nghị, không biết kết thúc thế nào, bất đắc dĩ phải dựa vào Đặng Tiểu Bình, nói: quyết định này là do Đặng quyết. Vừa nói ra như vậy, hội nghị liền im bặt, chẳng ai nêu ý kiến nữa.
Triệu nói: ở nước ngoài không thể như thế, đó là đặc sắc Trung Quốc.
Tôi nói: quốc dân tính của Trung Quốc là từ trên xuống dưới đều thần phục người hùng, thần phục quyền uy, cái gọi là đặc sắc cũng là có cơ sở kinh tế xã hội. Do Trung Quốc là một xã hội nông nghiệp lâu dài, kinh tế tự nhiên, nông nghiệp cá thể, năng lực của kinh tế cá thể nông dân chống thiên tai cực yếu, tạo ra nghèo khó, đói rét, họ không tin là mình có thể cứu được mình, nên gửi gắm hy vọng vào các vị hoàng đế “khai minh”, “thanh quan” hoặc người hùng, quyền uy, phổ biến tồn tại tâm lý ỷ lại. Từ xưa đến nay lại ảnh hưởng của quan niệm luân lý theo học thuyết của nhà Nho “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, lại thêm nhiều năm nay đảng cộng sản một mực nhấn mạnh, cá nhân nhất định phải phục tùng tổ chức, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, phải nghe lời đảng, phải làm một công cụ phục tùng. Trên thực tế không được nêu ý kiến bất đồng, nhấn mạnh hết mức quan niệm phụ thuộc, vì vậy làm sao quần chúng còn có ý thức tự chủ được? Đều lấy ý chí của người hùng, quyền uy làm ý chí [của mình] trên thực tế đó là sự phát triển tiếp tục của tính nô lệ, tính nô tài.
Triệu lại nói: người hùng, quyền uy Đặng Tiểu Bình một khi ra đi, xem xét từ lịch sử, nhìn chung có thể nói là tầng lớp lãnh đạo phải có thay đổi. Triệu phân tích có ba loại khả năng: một là lại có một người hùng, quyền uy nữa xuất hiện. Khả năng này không lớn, bởi vì không có điều kiện lịch sử, hơn nữa hiện nay là trào lưu dân chủ hễ cứ nói tới quyền uy, thống trị cá nhân là người ta phản cảm, về tư tưởng, căn bản không tiếp nhận. Hai là xẩy ra động loạn. Do thực hiện kinh tế thị trường và xã hội tiến hành thay đổi mô hình, dẫn đến có nhiều mâu thuẫn xã hội, tích lũy lại dễ hình thành cùng động đất, phát sinh động loạn. Đó là điều mà mọi người không muốn nhìn thấy. Trước tiên là nhân dân cả nước muốn ổn định sợ động loạn. Thứ hai, căn cứ vào phân tích tình hình quốc tế tình hình trong nước, loại khả năng này không lớn. Thế nhưng một vài năm sau nông nghiệp Trung Quốc sẽ phát sinh khủng hoảng. Do xây dựng cơ bản mỗi năm mất 4 triệu mẫu [1] đất đai bị chiếm dụng mà dân số vẫn gia tăng nhanh chóng; mà kỳ vọng của nông dân lại cao, các vùng khác nhau xa, chênh lệch thành thị và nông thôn mở rộng, lại cộng thêm đóng góp nặng thu nhập giảm. Vì vậy sẽ xẩy ra đât bỏ hoang, chạy về thành phố hình thành cục diện nông dân bỏ đi, hướng mạnh vào thành phố. Ba là, tập quyền Trung ương cao độ thỏa hiệp với các tỉnh, thành phố địa phương, thực hiện phân quyền, mở rộng quyền tự chủ cho địa phương, khả năng này tương đối lớn.
Triệu nói: đạo lý rất đơn giản, do thực hiện kinh tế thị trường nên đã xuất hiện kinh tế đa nguyên, xuất hiện những tập đoàn có lợi ích khác nhau, sự thay đổi cơ cấu kinh tế đó, tất nhiên phải yêu cầu mở cửa về chính trị, ý đồ tiến hành thống trị theo biện pháp vốn có là khống chế không nổi. Ví dụ như nông dân đã thực hiện khoán tới gia đình, mỗi nhà, mỗi hộ tiến hành sản xuất hướng ra thị trường, liệu anh có khống chế được không?
Triệu lại nói: từ nay trở đi, thể chế chính trị tập trung cao độ cố nhiên không thích hợp nữa, nhưng biện pháp dân chủ nghị viện, đa đảng luân lưu cầm quyền của phương Tây cũng không nhất định là rất tốt, cũng không phải là chế độ lý tưởng.
Sau một lúc dừng lại, suy nghĩ một chút ông tiếp tục nói: dưới sự lãnh đạo độc đảng nên mở cửa dư luận, mở cửa việc cấm đoán báo chí, thực hiện tự do ngôn luận, tiến hành giám sát công khai. Hồng Kông dưới sự thống trị thực dân, về chính trị là tập trung, quyền lực không thể chia hưởng nhưng nhân dân được tự do, báo chí được mở cửa, có thể phê bình bất cứ người lãnh đạo nào, có thể tiến hành diễu hành thị uy, kiềm chế và giám sát chính quyền và người lãnh đạo.
Tôi hiểu được cách suy nghĩ của Triệu Tử Dương, đảng cộng sản cầm quyền phải thực hiện chính trị minh bạch, dân chủ.
…
Ngày 31 tháng 5 năm 1993
II. Hai tay chính trị, kinh tế của Đặng đều rắn
Tại lần gặp này, tôi nói trước: bài nói của Đặng trong chuyến tuần du miền nam năm ngoái biểu thị không hài lòng với ban lãnh đạo mới, sau đó Đặng lại công khai phê bình ở Công ty Gang thép thủ đô. Lúc đó người ta bàn luận Đặng muốn điều chỉnh ban lãnh đạo, bây giờ khi Lý Bằng đi thăm, bị giễu cợt ở Pháp, sau này lại ốm phải nằm viện, tại cuộc họp quốc hội lần này lại bị phản đối; mà bài nói của Kiều Thạch, Điền Kỷ Vân bên quốc hội và Lý Thụy Hoàn bên Chính hiệp lại nhấn mạnh quan điểm pháp trị, được bình luận tốt. Như vậy liệu Đặng có suy tính tới việc sắp xếp nhân sự nữa hay không?
Triệu Tử Dương nói: không có khả năng. Đặng sẽ không có sự sắp xếp nào nữa đối với ban lãnh đạo mới đâu. Tiếp đó Triệu Tủ Dương nói với giọng điệu vô cùng kiên định: căn cứ vào kết quả mình quen biết Đặng trong 8 năm, tôi đã hiểu tính cách Đặng, phàm những vấn đề ông ta đã định, là quyết không thể thay đổi.
Với cảm nhận thiết thân của mình trong quá khứ, Triệu chỉ ra một cách rõ ràng: về chính trị Đặng kiên quyết đi con đường, là quyền lãnh đạo của đảng phải tập trung, quyết không được chia quyền, điểm này quyết không thể thay đổi và cũng quyết không được dao động. Về kinh tế có thể làm kinh tế phương Tây, ra sức tiến hành cải cách mở cửa, điểm này cũng như vậy, không thể thay đổi, không thể dao động. Triệu đặc biệt nhấn mạnh, cả hai tay này của Đặng đều rắn cả. Ai chạm tới hai điều đó, ông ta tuyệt đối không cho phép, vì thế báo chí Hồng Kông bình luận nói, về chính trị “chỉ cần dân chủ” không cần động chạm đến ông ta; nếu không, ông ta chỉ nói một câu: muốn “chống tự do hoá” là sẽ bị phái “tả” tóm chặt, bị lợi dụng để đả kích thế lực cải cách. Triệu lại nói tiếp một cách thương cảm, trong sự kiện “4-6” chính vì lúc đó có một số khẩu hiệu kích tiến, lời nói bị lợi dụng, đưa tới chỗ Đặng, chọc giận Đặng, mới bắt đầu trấn áp.
Triệu quay lại đầu đề câu chuyện và nói: cũng như vậy, đối với ban lãnh đạo mới, Đặng phải ủng hộ thể chế Giang [Trạch Dân], Lý [Bằng], đó là vấn đề Đặng đã định. Mặc dù không vừa lòng Lý Bằng nhưng vì “4-6” nên cũng không thể lại có dư địa để tiến thoái. Vì đã như thế, nên Đặng không cho phép có người có ý kiến khác. Và cũng chính vì thế mà Dương Thượng Côn, Vạn Lý do có cách nhìn khác với Giang, Lý mà bị hạ bệ; nếu không, Vạn Lý thôi không làm Chủ tịch Uỷ ban thường vụ quốc hội nữa chuyển sang nhận chức Chủ tịch nước là việc hoàn toàn rành mạch.
Tôi xen vào: theo tôi biết, sau khi Vạn Lý xuống, đã nhẹ nhõm nói với người thân cận: “thế là mình đã hạ cánh an toàn.”
Triệu nói: còn về quốc hội, chính hiệp, với Đặng đều là những cơ cấu chẳng quan trọng gì. Xưa nay chưa bao giờ Đặng coi quốc hội là cơ cấu quyền lực cao nhất mà chỉ coi là nơi để sắp xếp người, chẳng thể có vai trò gì đối với chính quyền. Lần hội nghị này đối với Lý Bằng ở Quốc vụ viện, Kiều Thạch ở quốc hội mà nói, quyền lực của bọn họ không có tăng cường gì cả; ngược lại do thành lập Tổ lãnh đạo kinh tế tài chính do Giang [Trạch Dân] kiêm nhiệm, còn là cái làm yếu quyền lực của Lý Bằng, khiến Lý không thể muốn làm gì thì làm. Giống như lúc tôi còn đang chức, Đặng bảo Diêu Y Lâm nói với tôi kiêm nhiệm chức Tổ trưởng lãnh đạo tài chính kinh tế.
Triệu lại nói: gần đây Lý Bằng đi thăm nước ngoài, bị giễu cợt và phản đối (tôi nói xen, nghe nói do nhân dân diễu hành thị uy, Lý Bằng không dám đi cửa chính, mà phải đi ra từ cửa sau), ở trong nước cũng bị phản đối như vậy. Đặc biệt là trong lần bầu cử này ở quốc hội có tới hàng trăm người không bỏ phiếu, có đoàn đại biểu còn công khai viết thư cho trung ương nói không thể để Lý Bằng lại làm Thủ tướng. Làm cho trung ương rất căng thẳng, sợ sẽ không trúng cử, phải luôn cử người làm công tác với địa phương.
Triệu nói: như vậy ở trong, ngoài nước Lý Bằng đều bị kích thích, còn Chu Dung Cơ đi thăm nước ngoài đều được hoan ngênh; so sánh khiến tinh thần không thoải mái, sợ rằng đó là nguyên nhân ốm của Lý Bằng lần này. Chính là do hình tượng Lý Bằng bị tổn hại, xem ra chỗ dựa của Giang lộ ra càng mạnh. Lần này ở miền nam, Giang tự xuất đầu, tự triệu tập hội nghị công tác kinh tế sáu tỉnh, và không cho nhân viên Quốc vụ viện tham gia, đây là việc trước đây chưa hề có; trước đây Giang không dám chạm đến công việc của Quốc vụ viện, vì Lý Bằng là phái thực lực. Nhưng hiện nay tình hình thay đổi rồi, thay đổi sau khi hình tượng Lý Bằng bị hạ thấp.
III. Chỉ ra: giam lỏng [là] vi phạm điều lệ đảng, hiến pháp
Triệu Tử Dương nói: mấy hôm trước tôi đề xuất đi Dưỡng Phong hiệp đạo (nơi vui chơi giải trí của cán bộ cấp Bộ) đánh bóng, nhưng không cho đi, tôi cứ đi bộ tới, bọn họ không làm gì được. Sau này họ chỉ đồng ý cho tôi đi đánh bóng vào các buổi sáng thứ ba, thứ năm, mà hai buối đó đều là ngày không mở cửa, không có người đến. Điều này rõ ràng là không muốn có người tiếp xúc với tôi. Tôi đề xuất muốn đi đánh golf, chỉ đồng ý cho tôi tới Thuận Nghĩa, các nơi khác như sân golf hợp doanh Trung Nhật cũng ở ngay Thuận Nghĩa lại không thể đi; tất nhiên còn qui định không cho phép tôi được tới những nơi phồn hoa trong thành phố, nhưng các công viên ở ngoại ô có thể đi. Tôi đã từng đề xuất tới Mộ Điền Cốc, dù cũng là ở ngoại ô, nhưng vẫn không đồng ý… Còn có một lần tôi ở Quảng Tây, có đồng chí già tên là Hạ Diệc Nhiên ba lần yêu cầu gặp tôi, đều không cho phép. Sau này tôi đề xuất muốn gặp đồng chí Hạ Diệc Nhiên, bọn họ không còn cách gì nữa mới đồng ý cho Hạ Diệc Nhiên tới, nhưng bọn họ nói với Hạ Diệc Nhiên chỉ đồng ý cho phép nói chuyện mười phút. Tất nhiên những tình hình đó sau này tôi mới biết.
Triệu Tử Dương giận dữ, nói: vì thế tôi gửi một bức thư cho Giang Trạch Dân, chỉ ra như vậy là “giam lỏng” tôi, đồng thời chỉ rõ rằng, hạn chế tự do như thế là vi phạm điều lệ đảng, vi phạm hiến pháp. Đến nay đã hai tuần lễ cũng chưa trả lời, nghĩa là không để ý. Tôi cũng đã từng đề xuất, đưa lại cho tôi một số tư liệu bài nói đã công khai và chưa công khai của tôi trước đây để xem duyệt lại, để tiện viết hồi ký, nhưng cũng không để ý.
Triệu lại nói: trước đây tôi đã từng nhờ Đoạn Quân Nghị [2] chuyển lời cho Giang Trạch Dân, không thể tiến hành khống chế như vậy, như thế là vi phạm điều lệ đảng, vi phạm hiến pháp. Yêu cầu tự do tiếp khách. Đã cuối đời rồi, tự mình chẳng có cách gì khác, chỉ hy vọng cuối đời thoải mái một chút.
Tôi nói xen: Đoạn Quân Nghị nói với tôi, ông đã chuyển những lời đó cho Giang Trạch Dân rồi.
Triệu nói tiếp: đại khái Giang Trạch Dân đã cử người chuyển lời cho Đoạn Quân Nghị: xin Đoạn lão nghỉ ngơi cho tốt! Có ý là bảo Đoạn đừng quản những việc không quan hệ gì tới mình. Thời gian vừa qua, cũng chuyển lời cho tôi, Triệu không kiềm chế như Hoa [Quốc Phong]. Rêu rao đó là lời của một người phụ trách trung ương, nhưng không nói tên.
Nghe xong, trong lòng tôi ấm ức, như thế chẳng phải là muốn Triệu Tử Dương mãi mãi làm một tù nhân à? Tôi không thể hiểu được vì sao lại đối xử với Triệu Tử Dương như vậy. Sau này tôi trao đổi tình hình đó với An Chí Văn, An nói: “có tính hợp pháp của Triệu Tử Dương thì không có tính hợp pháp của Giang, Lý; bọn họ cho rằng Triệu Tử Dương [là sự] đe dọa quyền lực, địa vị của họ, bởi vì trong sự kiện “4-6” bọn họ là những người được lợi. “ Đại khái vấn đề là ở chỗ đó. Từ đó, tôi hiểu ra: tất cả là vì quyền lực của mình, vì nhu cầu của sự thống trị thì chẳng cần suy tính tới hiến pháp gì đó, và cũng chẳng cần lấy sự thực làm căn cứ để xử lý vấn đề, quốc gia nhân trị là như vậy đó, đại khái bản chất của vấn đề là ở chỗ đó, cũng là đặc trưng của chính thể chuyên chế. Pháp luật có cũng như không, công dân không được luật pháp bảo vệ, còn nói gì tới nhân quyền!
Bản tiếng Việt © 2008 talawas
[1]Một mẫu TQ bằng 1/15 ha, 4 triệu mẫu bằng khoảng trên 266.000 ha. ND
[2]Đoạn Quân Nghị (1910-2004), người Sơn Đông. Giữ chức Bí thư thứ nhất thành uỷ Bắc Kinh trong thập kỷ 80, về hưu năm 1992.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219
No comments:
Post a Comment