Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
Ngày 12 tháng 4 năm 1992
I. Cách mạng tại các quốc gia lạc hậu sau khi thắng lợi không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội
Hôm nay Triệu nói trước: ở những quốc gia phát triển kinh tế lạc hậu làm cách mạng chỉ có thể do đảng cộng sản đại biểu giai cấp vô sản lãnh đạo. Ở những nước loại hình này giai cấp tư sản yếu đuối, không thể làm được nhiệm vụ đó, nước Nga và Trung Quốc có khả năng thuyết minh vấn đề này. Điều này bảo đảm sau khi cách mạng thắng lợi có thể tiến lên theo phương hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng sau khi cách mạng thắng lợi ở một số nước này, do bị điều kiện kinh tế văn hóa ràng buộc, đã không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội, chỉ có thể tiến hành chuẩn bị chủ nghĩa xã hội hoặc gọi là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, tức giai đoạn chuẩn bị, cũng có thể gọi là giai đoạn chủ nghĩa dân chủ mới. Đúng như Chủ tịch Mao đã trình bầy trong cuốn sách “Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới”: Trung Quốc không nhiều thêm một chủ nghĩa tư bản, mà nhiều thêm một chủ nghĩa đế quốc, một chủ nghĩa tư bản quan liêu, một chủ nghĩa phong kiến; cũng có nghĩa là nói, phải phát triển hàng hóa, kinh tế thị trường mà sự phát triển hàng hóa, kinh tế thị trường lại là một giai đoạn dài dằng dặc.
Còn xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, làm thế nào mới có thể tiến vào chủ nghĩa xã hội? Triệu đã đưa ra câu hỏi như vậy. Ông nói tiếp: đó là một quá trình diễn biến tự nhiên, tiệm tiến dài dằng dặc. Trước đây, chúng ta chế định trước một mô hình do con người làm ra, phát huy tính năng động chủ quan, làm theo khuôn khổ của ý chí chủ quan, chỉ có thể làm cho chủ nghĩa xã hội biến hình, không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội chân chính. Nói đến đây, ông đứng dậy lấy trên giá sách cuốn lời nói đầu “Phê phán kinh tế chính trị học” của Marx, rồi đọc cho tôi nghe một đoạn:
“Bất kể loại hình thái xã hội nào, trước khi toàn bộ sức sản xuất mà chúng có thể dung nạp phát huy được thì quyết không bị diệt vong; còn quan hệ sản xuất cao mới hơn trong điều kiện vật chất nó tồn tại trong bào thai xã hội cũ trước khi chín muồi thì quyết không thể xuất hiện.”
Engels cũng chỉ ra: “đối với việc thực hiện xã hội chiếm hữu hết mọi tư liệu sản xuất” loại chiếm hữu khi điều kiện vật chất để thực hiện nó đã đầy đủ, thì mới thành khả năng, mới có thể thành tính tất yếu của lịch sử.
Triệu nói tiếp: trước đây chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội hoàn toàn trái với những luận đoán của Marx và Engels; không căn cứ vào sự phát triển kinh tế, trình độ sức sản xuất mà dựa vào phát động quần chúng, dùng thủ đoạn đấu tranh chính trị để thúc đấy chủ nghĩa xã hội, điều này tất nhiên phải nhấn mạnh đấu tranh hình thái ý thức, ra sức triển khai đấu tranh giai cấp, thực hiện chuyên chính vô sản lãnh tụ độc tài, cũng như tổ chức kỷ luật nghiêm khắc, áp dụng thủ đoạn sức ép cao thậm chí dùng biện pháp đàn áp. Hậu quả nghiêm trọng của nó là, biến thành chủ nghĩa xã hội dị hình, thành mặt đối lập với nhân dân.
Tôi nói: áp dụng biện pháp sức ép cao để thúc đẩy chủ nghĩa xã hội, cái giá phải trả là rất cao, cũng là bi kịch lịch sử. Do có ý kiến bất đồng nên ở Liên Xô, Stalin đã dùng các tội danh như “phần tử chủ nghĩa hữu khuynh”, “phái đối lập”, “gián điệp”, “kẻ thù của nhân dân” để xử tử hàng ngàn hàng vạn người bị án oan, án giả, án sai.
Tôi lại nói: ở Trung Quốc do bất đồng ý kiến với Nhẩy vọt lớn, Công xã nhân dân mà cũng có hàng ngàn hàng vạn người bị qui thành “phần tử chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”, cho đến cả Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ cũng vì thế mà bị bức hại đến chết.
Tôi còn nói: sau khi nông thôn thực hiện công xã nhân dân, tôi đã từng về quê tìm hiểu. Lúc đó ruộng đất đều vào đại đội, người người ăn nồi cơm chung, trong nồi toàn là cháo, canh rau cải trắng; người đói đến mức đi không nổi, uể oải lười biếng khi ra đồng, phần lớn núp trên bờ không làm việc, lại không tích trữ phân, có dại cao hơn lúa, dân chúng nói, nếu không dùng biện pháp mới [chia ruộng đến hộ] thì chỉ hai, ba năm nữa, mọi người đều chết đói. Lại thêm thị trường hồi đó khép kín, không có đường kiếm sống, không có hộ khẩu thành phố thì không có cửa vào thành phố xin cơm, chỉ có thể ngồi nhà đợi chết đói, thật là thảm kịch trần gian. Mấy năm đó chẳng ai nói rõ được rốt cuộc cả nước có bao nhiêu người chết đói. Tóm lại, những tai họa mà Công xã nhân dân mang lại và sự bần cùng mà nó tạo thành và sự phá hoại sức sản xuất, thực khiến người ta sợ hãi. Nhưng Mao Trạch Đông lại tự nhận là, tự ông ta đã tìm được ở Trung Quốc một Công xã nhân dân nhất thể hóa công, nông, binh, thương, học, vừa văn lại vừa võ, là hướng tới con đường lớn cộng sản chủ nghĩa, là một sáng tạo vĩ đại. Những vấn đề mà Marx, Engels, Lenin, Stalin đều chưa giải quyết được thì đã giải quyết ở Trung Quốc. Thế là ngang nhiên, quyết nhiên tiến hành làm thử trên mảnh đất Trung Quốc, để thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa nông nghiệp của ông.
Cuối cùng, tôi vô cùng cảm khái, nói: thực hiện biện pháp sức ép cao chuyên chính thực ra là bức hại nhân dân như vậy, rõ ràng là tội phạm. Không phải là nhân dân phản bội chủ nghĩa xã hội mà là chủ nghĩa xã hội hiện thực của người lãnh đạo độc tài phản bội lại nhân dân. Chủ nghĩa xã hội như vậy tất nhiên bị tan rã.
Triệu tiếp tục: “muốn đạt thành công gấp” là bệnh chung của những người cách mạng. Marx đã dự đoán cách mạng sẽ thắng lợi trước tại các nước tư bản châu Âu phát triển. Bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ XIX, trước tiên Marx để mục tiêu vào nước Anh, sau đó lại chuyển mục tiêu sang nước Pháp. Bởi vì năm 1848, nước Pháp bùng nổ cách mạng. Năm 1871, công nhân Paris lại tiến hành khởi nghĩa. Nhưng công xã Paris Pháp chỉ tồn tại có 72 ngày, là đã bị trấn áp. Sau đó, Marx, Engels lại tập trung sức chú ý vào nước Đức, sau lại chuyển sang Italia. Nhưng hy vọng của các ông hết lần này sang lần khác đều không thành. Triệu đã dẫn chứng một đoạn viết của Engels. Những năm 90 của thế kỷ XIX, Engels tự phản tỉnh nói: lịch sử chứng tỏ chúng ta sai, “quan điểm mà chúng ta giữ lúc đó chỉ là một ảo tưởng” và phân tích: “Lịch sử đã biểu minh rõ ràng, tình hình phát triển kinh tế đại lục châu Âu lúc đó, vẫn còn xa mới đạt được trình độ phương thức có thể loại bỏ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản vẫn còn có năng lực bành trướng rất lớn, mà bản thân giai cấp vô sản còn chưa chín muồi đến mức đủ để thực hiện cải tạo xã hội và có trình độ tiến hành thống trị chính trị.”
Triệu nói: cho dù sau “cách mạng tháng Mười”, Lenin cũng có kỳ vọng cách mạng vô sản phát sinh ở châu Âu; cho rằng chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn giãy chết. Stalin càng cho rằng chủ nghĩa tư bản đã bước vào tổng khủng hoảng tức thời kỳ sụp đổ. Ông lãnh đạo Quốc tế cộng sản hiệu triệu phải tiến quân vào cách mạng thế giới, mệnh lệnh đảng cộng sản các nước phải phục tùng đường lối này, phàm không hành động theo ý chí đó đều bị coi là “chủ nghĩa xét lại” là kẻ phản bội quốc tế cộng sản, đồng thời áp dụng chính sách đả kích đảng dân chủ xã hội và một số thế lực trung gian. Đương nhiên, để ứng phó với chiến tranh, trong tình hình đấu tranh khốc liệt Liên Xô bị chủ nghĩa tư bản bao vây, 14 nước đế quốc can thiệp lúc đó, chỉ có thể áp dụng thể chế nhất thể hóa tập trung cao độ, dùng thủ đoạn chuyên chính để tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Triệu tiếp tục: rõ ràng là, xã hội loài người trước sau đều phát triển theo hướng càng hợp lý hơn, còn nguyên tắc lý tưởng của chủ nghĩa xã hội cũng phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội loài người; cuối cùng chủ nghĩa xã hội phải thay thế chủ nghĩa tư bản, nhưng phải thay thế dần dần, điều này chỉ có thể căn cứ vào sự phát triển của kinh tế và trình độ sức sản xuất để quyết định, chứ không thể dựa vào mô hình ảo tưởng để thi hành một cách cưỡng chế theo ý con người.
Triệu nói: như sự xuất hiện chế độ cổ phần tại các nước tư bản phát triển là do sự thay đổi của chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa, còn sự xuất hiện của giai cấp trung gian, sự thu nhỏ tương đối của nhà tư sản và đội ngũ vô sản, sự gia tăng của công nhân cổ trắng, sự đang giảm nhỏ của công nhân cổ xanh đều là sự thay đổi cơ cấu giai cấp tại các nước tư bản, các nước tư bản thực hiện lần phân phối và nhà nước can thiệp lần thứ hai, qui định tiêu chuẩn tiền lương thấp nhất, nhấn mạnh chấp hành bảo hiểm xã hội và sự nghiệp phúc lợi xã hội đó là sự thay đổi chức năng của nhà nước tư bản; và về chính trị, nhà nước tư bản cũng đang phát triển theo hướng dân chủ hóa, điều này thuyết minh, chủ nghĩa tư bản đang phát sinh thay đổi, hơn nữa là phát triển hướng về phương diện chủ nghĩa xã hội.
Nói tới đây, Triệu đưa ví dụ: để thích ứng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới, chủ nghĩa tư bản hiện đại lại có thay đổi mới. Như áp dụng chế độ luân lưu, mười mấy người luân lưu lắp ráp ô tô trên một thiết bị, như thế là đã loại bỏ ranh giới giữa người lãnh đạo với công nhân, ranh giới giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Ông vô cùng tán thưởng quan điểm của Thiên Gia Câu [1] , cho rằng chủ nghĩa tư bản đang phát sinh biến đổi, chủ nghĩa xã hội cũng phải biến đổi, biến đổi là tiến bộ, vì thế không thể phản đối diễn biến hòa bình.
Cuối cùng, Triệu nói: sự tan rã của chủ nghĩa xã hội Đông Âu, Liên Xô là sự thất bại của mô hình Stalin, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ công hữu. Trước đây nước ta cũng bỏ qua giai đoạn, công hữu hóa “đi quá mức”, cải cách là uốn nắn những chỗ “quá mức” lại. Như vậy từ trên tư tưởng đã xác định rõ, thống nhất nhận thức, sức cản với cải cách sẽ nhỏ đi một chút, tiến trình cải cách cũng có thể thuận lợi hơn một chút.
II. Một số cách nhìn về những bài nói chuyện trong chuyến đi thăm miền nam của Đặng
Khi bàn đến những bài nói trong chuyến đi thăm miền nam của Đặng, trước tiên Triệu để tôi nói một chút về cách nhìn của mình.
Tôi nói: đó là bất đắc dĩ, là do cải cách xuất hiện trúc trắc, tình hình cải cách phát sinh chuyển ngược lại. Sau “4-6” trong một hội nghị của Quốc Vụ viện, Diêu Y Lâm tuyên bố: phải nhảy ra khỏi hai cái bẫy, một là cái bẫy cải cách do các nhà kinh tế tư sản phương Tây thiết kế; một là cái bẫy cải cách của Triệu. Lúc đó người ta đều bàn luận: chẳng lẽ cái mà Triệu chấp hành không phải là đường lối cải cách của Đặng Tiểu Bình ư? Hồ Kiều Mộc phát biểu bài viết, nói: “ từ khi cải cách mở cửa đến nay, hai Tổng Bí thư đều phạm sai lầm”. Điều đó cho thấy đường lối cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình là có vấn đề. Đặng Lực Quần phát biểu “phải tóm phái đương quyền đi con đường tư bản trong đảng”, đồng thời điểm tên Triệu. Bọn họ rêu rao: “sự kiện Thiên An Môn” trở thành một cuộc đấu tranh giai cấp, xã hội Trung Quốc đã phân hóa hai cực, đã sản sinh giai cấp, làm đấu tranh giai cấp, động loạn Thiên An Môn và bạo loạn phản cách mạng là kết quả của diễn biến hòa bình. Giang Trạch Dân phát biểu bài nói tại trường đảng, đề xuất phải ra sức chống diễn biến hòa bình, điều đó là muốn khôi phục lại cuộc đấu tranh hình thái ý thức trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Giang Trạch Dân nhấn mạnh có hai loại quan điểm cải cách, nói trên vấn đề cải cách trước tiên phải hỏi họ “xã” họ “tư” [2] , như thế là muốn trói chặt chân tay cải cách, khiến nó không dám cất bước.
Tôi lại nói: sau cơn sóng gió “4-6”, lại trải qua sự luận chứng của giới lý luận đương thời, phương châm chỉ đạo theo hướng thị trường hóa “nhà nước điều tiết khống chế thị trường, thị trường hướng dẫn doanh nghiệp” được đại hội đảng 13 chính thức thông qua đã bị đổi lại là “cùng kết hợp kinh tế kế hoạch và điều tiết thị trường”, như thế là muốn làm cho nhà nước tiếp tục đi vào quỹ đạo kinh tế kế hoạch. Diêu Y Lâm nói: thực hiện kinh tế thị trường, địa phương đòi phân quyền, Trung ương không thể tập trung thống nhất lãnh đạo, cũng khó thực hiện sự lãnh đạo của đảng; đề xuất cải cách đã kha khá rồi, bây giờ cần trị “loạn”, trị “phân tán”. Điều đó là muốn thu quyền của địa phương, thu quyền của doanh nghiệp, thực hiện lãnh đạo tập trung; về chính sách kinh tế họ nhấn mạnh kinh tế tập thể, muốn làm suy yếu kinh tế cá thể, tuyên truyền nào là cá thể làm tan rã tập thể gì gì đó, xí nghiệp hương trấn làm tan rã xí nghiệp quốc doanh. Giang Trạch Dân đề xuất đối với hộ cá thể vi phạm pháp luật, phải chỉnh cho họ khuynh gia bại sản. Trên vấn đề cán bộ, càng lấy “4-6” để vạch ranh giới, chỉnh đốn ban lãnh đạo các cấp.
Như vậy, công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc rõ ràng là đã xuất hiện cục diện thụt lùi chuyển động ngược lại. Tình hình chuyển động ngược lại ấy cũng đã thể hiện ra tại hội nghị nghiên cứu của “Ủy ban cải cách thể chế” triệu tập trong năm nay, như nhà kinh tế Vương Trác, tỉnh Quảng Đông đã đề xuất, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, khi bị hội nghị ngăn cản, đã rất không chịu phục nói với tôi: hiện nay có đấu tranh giai cấp hay không? Tôi nói: vẫn tồn tại đấu tranh giai cấp, nhưng đúng như Lâm Lăng, Viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên đã nói, hiện nay có người đề xuất tại đại hội, không có lợi cho vấn đề nghiên cứu, không có lợi cho việc đua tiếng của các loại quan điểm.
Tôi lại tiếp tục: cách nhìn của tôi là cục diện chính trị của Trung Quốc rõ ràng là do Trần Vân, Lý Bằng, Diêu Y Lâm đang nắm, Giang Trạch Dân đang thuận theo tình thế đó đi, bài nói của Đặng không nhất định nghe vào. Để cứu vãn cục diện đó, cộng thêm sức ép tăng trưởng kinh tế của bốn con rồng bên ngoài Đông Nam Á, Đặng không thể không đứng ra và đưa ra bài nói nhân chuyến đi thăm miền Nam.
Khi bàn đến nội dung bài nói trong chuyến đi thăm miền Nam, tại “Ủy Ban cải cách thể chế nhà nước” tôi nghe được tin đồn: Đặng phê bình Diêu Y Lâm, Đặng nói khuôn sáo đó của anh không được. Đặng còn rêu rao, báo cáo chính trị của Triệu tại đại hội 13, một chữ cũng không được được động đến, khi tiếp kiến người lãnh đạo quân chính địa phương tại Vũ Hán, Đặng lại nói, tiện thể báo cho Bắc Kinh một tin: ai không làm cải cách, người đó sẽ bị mất chức. Ở miền Nam, Đặng lại chỉ ra từ năm 1984-1988, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là tốt, khẳng định trong năm năm đó “của cải nước ta đã gia tăng một mức to lớn, toàn bộ nền kinh tế bước lên một bậc thang mới”, “phát triển với tốc độ nhanh trong năm năm này, công lao của Triệu không nhỏ, đó là sự đánh giá của tôi”. Đặng còn nói: dẫn đến Đông Âu thay đổi gấp, Liên Xô tan rã không thể đơn giản cho rằng nguyên nhân chỉ là diễn biến hòa bình của bên ngoài, hoặc có nhân vật cá biệt nào đó. Có một số nhà lý luận, nhà chính trị muốn mượn việc đó để đưa ra bài học, cho rằng mâu thuẫn giữa hai con đường, hai giai cấp hiện nay so với bất kỳ lúc nào cũng đều càng “rõ rệt”, “dữ dội”, “gay gắt” hơn, ý đồ đưa chống“diễn biến hòa bình” lên địa vị đột xuất, thay thế cái trung tâm xây dựng kinh tế. Điều này không chỉ là quấy rối đường lối cơ bản mà còn là muốn thay đổi đường lối đó, nếu như một mực nhiệt tình với tranh chấp họ “tư” họ “xã”, thì kết quả chỉ có thể là tặng cho chủ nghĩa tư bản một số cái tốt đẹp như giầu có, dân chủ, tự do, khiến chủ nghĩa xã hội chỉ còn lại nghèo nàn, lạc hậu, ngu muội.
Tôi nói với Triệu: thời gian gần đây người ta đồn là, Đặng đang suy tính tới việc ban lãnh đạo Trung ương có phòng tuyến thứ hai, đối với ban lãnh đạo hiện nay cũng sẽ có cách nói, cũng bàn luận việc trở lại của Triệu; còn luận chứng: năm đó, Chủ tịch Mao còn để cho Đặng Tiểu Bình mấy lần lên mấy lần xuống, vì sao Đặng Tiểu Bình không thể làm như vậy với Triệu?
Triệu nói: bài nói nhân chuyến đi thăm miền Nam của Đặng là một tuyên ngôn, đồng thời cũng là để thay đổi lần cuối cùng hình tượng của mình sau sự kiện “4-6” một chút. Còn về vấn đề ban lãnh đạo, Đặng không còn sức giải quyết. Cái gọi là “phòng tuyến thứ hai” là không có khả năng; bởi vì vấn đề này không thể một người nói là xong. Nhất định phải trải qua suy nghĩ chuẩn bị; nếu đồn ra ngoài sẽ loạn.
Đối với ban lãnh đạo hiện nay, Triệu cũng nói, không biết ai là phái cải cách, ông phân tích nói: trước mắt Lý Bằng là phái thực lực, trên thực tế Giang nghe Lý Bằng. Bởi vì ông ta vừa lên Bắc Kinh, là làm việc theo ý kiến của Lý. Còn giữa Kiều Thạch và Lý Bằng là có mâu thuẫn nhưng Kiều là người có kiến giải, tuy vậy ông ta tròn trịa không dám chịu trách nhiệm, Lý Thụy Hoàn có chút khôn vặt, khi công tác ở Thiên Tân chỉ nắm xây dựng thành phố; về kinh tế, nhất là về phương diện xí nghiệp chẳng làm cái gì cả. Còn về Hồ Cẩm Đào, đại khái tự cho rằng tư lịch của mình nông cạn, có chút người ta nói sao tào lao làm vậy. Vạn Lý còn có năng lực làm cải cách, nếu ông ta không đảm nhiệm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vị Quốc hội nữa, để nhận chức Chủ tịch nước thì cũng điều hợp lẽ.
Bàn đến đây, tôi nói xen: Đồng Đại Lâm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách thể chế đã từng nói với tôi: hiện nay Trung ương, cái ban lãnh đạo này nhìn không ra ai là phái cải cách, người nào là làm cải cách.
Triệu nói tiếp: cho dù sau này cải cách mở cửa xuất hiện tình hình khó khăn, Đặng cũng không thể giống như chủ tịch Mao, dùng lại tôi. Một là, Đặng định tính vấn đề “4-6”, khẳng định là ông ta sẽ không thay đổi; mà tôi thì cũng không kiểm điểm. Trên vấn đề kiểm thảo phản tỉnh, niềm tin của mình là: đã có hôm nay, hà tất có ban đầu? Hai là, Đặng không có uy vọng như chủ tịch Mao, ông ta cũng không thể tự mình làm chủ được, còn phải thương lượng với các ông già khác. Ba là, năm đó chủ tịch Mao và Đặng không có vấn đề ân oán, còn vấn đề “4-6” cuối cùng đã hình thành trên thực tế sự đối lập giữa tôi và Đặng Tiểu Bình, lại thêm cuộc nói chuyện giữa tôi và Gorbachov đã khiến Đặng nghi ngờ.
Tử Dương vô cùng cảm khái nói: từ nay trở đi chỉ cầu được hoạt động tự do.
Triệu lại nói: Đặng kiên quyết nắm chặt về chính trị, sẽ không mở cửa. Ở Hồng Kông, có người nói: trên vấn đề dân chủ không thể tranh với Đặng Tiểu Bình, chỉ có thể phát biểu kiến giải của mình về mặt cải cách mở cửa kinh tế. Bình luận này đúng là rất thực tế. Lần nói chuyện nhân chuyến đi thăm miến Nam này của Đặng, tính tích cực của địa phương sẽ tăng cao, nhất là vùng ven biển có hơn một trăm triệu dân có khả năng phát triển càng nhanh hơn. Như vậy, cùng kết hợp với bốn con rồng sẽ hình thành khu kinh tế, sau năm năm có thể đạt được trình độ kinh tế cao. Có người đã đề xuất “vòng kinh tế đại Trung Hoa”. Tóm lại sự phát triển của tương lai là rất khả quan. Tất nhiên như vậy, sự phát triển của miền Tây sẽ chậm một chút, nhưng nếu miền Đông phát triển lên sẽ thúc đẩy miền Tây phát triển, đưa vốn, kỹ thuật, nhân tài của miền Đông vào miền Tây, sẽ không giống như lo lắng của một số người rằng nhất định sẽ làm cho mâu thuẫn nội bộ lớn lên.
Triệu cho rằng vùng ven biển phát triển lớn là một xu thế không gì ngăn nổi; bài nói của Đặng đã cho địa phương một vũ khí để đối phó với Trung ương, để ép Trung ương, nếu Trung ương không đưa ra được biện pháp sẽ càng bị động; nếu không suy ngẫm lại sẽ bị rơi ngay xuống đầu mình. Tất nhiên nếu kinh tế phát sinh bành trướng, mục tiêu cũng sẽ chuyển vào Đặng, sẽ ép lên đầu Đặng.
Triệu nói: bất kể như thế nào, cục diện lớn miền ven biển phát triển lớn theo thị trường là không thể nghi ngờ.
Bàn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông nói tiếp: không cải tạo doanh nghiệp lớn và vừa là không có đường ra, doanh nghiệp quốc doanh chỉ có trong môi trường thị trường cạnh tranh mới có sức sống, từ nay trở đi doanh nghiệp quốc doanh thực hiện cổ phần hóa, tất cũng làm cho tư nhân chiếm được số cổ phần nhất định, còn các doanh nghiệp quốc doanh vừa và nhỏ thì phải áp dụng mạnh biện pháp thay đổi mô hình, thay đổi chế độ.
Khi trao cho ông cuốn sách Những năm đầu và những năm cuối đời của Mao Trạch Đông của Lý Nhuệ, tôi có nói đến cuốn sách đã đề xuất những phân tích về chủ tịch Mao là người thực hiện lý tưởng chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, Triệu đã rất tán thành. Đối với bài viết của Mao Dân Tiên được Ủy ban cải cách thể chế ủy nhiệm viết về Marx, trình bầy chủ nghĩa xã hội hiện thực có liên quan không phải là chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa vốn có của chủ nghĩa Marx, Triệu cho rằng là có giá trị, đề nghị tôi chuyển lời cho tác giả.
=
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
Ngày 5 tháng 7 năm 1992
II. Sự hiểu lầm của việc không hề nghĩ tới: cuộc nói chuyện với Gorbachev
Tôi nói: An Chí Văn [1] nhờ tôi chuyển lời nói với ông, sau khi kết thúc lập án thẩm tra vấn đề của ông, hy vọng khi gặp các đồng chí già, [ông] không nói tới vấn đề “4-6”, để tránh dẫn tới phiền phức, bởi vì quan điểm của ông mọi người đều rõ, nhân dân cũng đều rõ. Tôi cũng truyền đạt tin đồn mà An nghe được, nói ông là Trương Học Lương thứ hai [2] . An nói, thể chế của Trung Quốc đại lục không giống Đài Loan, Trương Học Lương có thể cùng các bạn cũ qua lại như thường, ở đại lục thì không được, người nào qua lại như vậy người đó sẽ bị coi là không đứng về phía với người đang cầm quyền. An nói thêm, hiện nay Vạn Lý, Dương Thượng Côn cũng không làm việc gì cả.
Triệu Tử Dương nói: cách nhìn của đồng chí An Chí Văn có đạo lý, đó là đối với vấn đề của tôi dù kết thúc thẩm tra thì bất kể giao chức vụ vinh dự nào, tôi cũng không làm. Chức vụ quan trọng thì bọn họ không giao; hơn nữa, cũng không thay đổi kết luận về tôi. Nếu đã như vậy thì hà tất? Nếu như lúc đó không biểu thị thái độ về vấn đề “4-6” thì tiếp đó, [tôi] cũng có thể bảo lưu được chức vụ đã có.
Triệu lại nói: tôi không hối hận gì về việc biểu thị thái độ đối với “4-6”; những người thế hệ sau, khi đứng trước những đúng sai lớn như “4-6” trên lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói chung sẽ có người đứng ra chứ không mơ mơ hồ hồ nghe theo. Tôi không thèm để ý đến việc cách hết mọi chức vụ của tôi.
Nhưng ông nói tiếp, với tâm tư nặng nề: điều tôi rất không dự tính tới là, trên vấn đề của “Đặng”, những lời tôi nói với Gorbachev vốn hoàn toàn xuất phát từ ý nghĩ tốt, hoàn toàn là để bảo vệ ông ta, một lòng một dạ nhằm cứu vãn hình tượng của ông ta, nhưng kết quả là bị nghi ngờ, tạo ra hiểu nhầm. Tình hình đó sau này khó vãn hồi, xoay chuyển, làm tôi rất đau lòng, nuối tiếc.
Triệu Tử Dương lại nói: sở dĩ tôi thông báo cho Gorbachev, nói Thường vụ Trung ương chúng tôi có quyết định, khi gặp vấn đề trọng đại, vẫn cần đồng chí Đặng Tiểu Bình cầm lái. Đó là vì bọn họ đã lôi Đặng Tiểu Bình ra, quần chúng trên quảng trường Thiên An Môn đã trực tiếp chĩa mũi nhọn vào Đặng Tiểu Bình rồi.
Buổi tối ngày thứ hai sau khi tôi đi Triều Tiên, [Bí thư] Lý Tích Minh, Trần Hy Đồng ở thành ủy Bắc Kinh đề xuất phải báo cáo với Thường vụ Trung ương. Dưới sự chủ trì của Lý Bằng, Thường vụ họp nghe báo cáo. Lý, Trần nói tình hình rất nghiêm trọng. Đúng như mọi người nói, bọn họ đã cố ý báo sai tình hình quân đội.
Triệu Tử Dương nói: trước khi tôi đi Triều Tiên, thành ủy Bắc Kinh nói với tôi, họ cho rằng trên thực tế, phong trào học sinh đang lắng xuống. Tất nhiên không phải là không có một số tình hình mà sau này bọn họ nói trong hội nghị Thường vụ, thế nhưng bọn họ đã nói thành rất nghiêm trọng. Căn cứ vào đó, Lý Bằng tổng kết: “phong trào học sinh lần này là hành động chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội có lãnh đạo, có tổ chức, có cương lĩnh”.
Bọn họ tới chỗ Đặng báo cáo. Vừa nghe Lý Bằng nói, Đặng cảm thấy vấn đề nghiêm trọng, nên đã phát biểu “bài nói ngày 25-4”, định tính cho phong trào học sinh là “động loạn chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội”. Thế là Lý Bằng lập tức thông tri cho các đơn vị truyền đạt, thành phố Bắc Kinh họp hội nghị mấy ngàn người truyền đạt, tiếp đó lại phát biểu “xã luận ngày 26-4” do đó mà dẫn tới cuộc tuần hành lớn của mười mấy vạn người ngày 27 tháng 4 nhằm thẳng vào xã luận, nhằm thẳng vào Đặng, như thế là làm cho sự tình loạn to lên. Lý Bằng và một số người khác cũng cho rằng “xã luận ngày 26-4” làm [tình hình] xấu đi. Còn Đặng Tiểu Bình đúng là cũng rất không phấn khởi trước việc Lý Bằng cho thông báo “bài nói ngày 25-4”.
Triệu Tử Dương nói: trong tình hình đó để giải thoát Đặng Tiểu Bình, để xoay chuyển cách nhìn của mọi người đối với ông ta và bảo vệ uy tín của ông ta, tôi mới nói ra quyết định của Ủy ban Thường vụ Trung ương.
Triệu giải thích: trong cuộc nói chuyện với Gorbachev, không phải [đã nói] “mọi lời đều do Đặng Tiểu Bình quyết định”, tôi còn nói “nói chung, đồng chí Đặng Tiểu Bình hết sức ủng hộ công tác của chúng tôi, ủng hộ những quyết sách do tập thể chúng tôi đưa ra”. Theo lý mà nói, những nội dung này, không thể gây cho người ta ấn tượng là tất cả mọi việc đều do Đặng Tiểu Bình quyết định.
Tôi cho rằng dụng ý đó của Triệu Tử Dương là tốt, đúng là để bảo vệ Đặng Tiểu Bình, đó là điều không thể nghi ngờ. Dụng ý của Triệu Tử Dương đối với Đặng Tiểu Bình là gian khổ, có thể nói là lòng trung son sắt, thế nhưng hiệu quả lại hoàn toàn ngược lại. Theo tôi thấy, đại khái Triệu không ý thức được là sự phát sinh của phong trào học sinh Thiên An Môn, ngoài việc chống hủ bại, chống những tác phong không chính đáng trên xã hội ra, trên thực tế còn phản đối “chính trị người già”, biểu thị sự bất mãn và đồng tình với việc Hồ Diệu Bang mất chức và ốm chết; còn bài nói chuyện của ông với Gor[bachov] lại gây cho người ta cảm giác là Đặng Tiểu Bình đang “buông rèm nghe việc triều đình”. Đến nỗi xuất hiện những khẩu hiệu kích tiến “đả đảo Đặng Tiểu Bình”, “đả đảo kẻ độc tài mới” v.v.., Đặng khó có thể chịu đựng được điều này. Vốn là Đặng Tiểu Bình, như ông ta tự nói: “là một người chỉ tay năm ngón”, “không chuyên quyền”.
Triệu Tử Dương nói với tôi: “ông ta muốn làm chủ nhưng lại không hỏi việc cụ thể; không phải là vấn đề trọng đại, ông ta không nói, nhưng vào giờ phút then chốt, những lời ông ta nói đều phải nghe”. Đặng cũng là người làm quyền uy chính trị, ông ta đã từng rêu rao Trung Quốc chỉ có thể có một mẹ chồng, ý muốn chỉ, ông ta nói là xong. Nhưng ông ta lại rêu rao xưa nay mình “không chuyên quyền”, bày tỏ mình là minh bạch. Vì vậy Đặng rất kiêng kỵ người khác nói ông ta “buông rèm nghe việc triều đình”. Còn câu chuyện giữa Triệu Tử Dương và Gor, đối với Đặng Tiểu Bình mà nói, thì xem ra đã đâm thẳng vào tim ông ta, điều này đã làm cho quan hệ giữa Đặng và Triệu đi đến tan vỡ.
Triệu lại nói: “Đặng vô cùng chú trọng đến hình tượng của mình. Khi đứng trên Thiên An Môn thấy quần chúng giương biểu ngữ “kính chào Tiểu Bình” ông ta vô cùng phấn khởi.
III. Đàn áp “4-6” không phải là bất đắc dĩ
Triệu Tử Dương nói: vấn đề “4-6” không phải là không thể dùng đối thoại làm cho lắng dịu đi. Lúc đó có ba cơ hội có thể dùng đối thoại giải quyết:
Một là sau khi đưa linh cữu Hồ Diệu Bang đến Bát Bảo Sơn, dùng đối thoại thuyết phục, không nên làm mâu thuẫn gay gắt hóa. Tập thể học sinh truy điệu Hồ Diệu Bang, tôi chủ trương không nên can thiệp vào hoạt động truy điệu của học sinh, bởi vì yêu cầu truy điệu của học sinh không thể nói là không tốt; bọn họ truy điệu ở bên ngoài, chúng ta truy điệu ở bên trong Đại Lễ đường Nhân dân, làm lễ truy điệu. Sau khi làm xong lễ truy điệu, linh cữu Diệu Bang đã thuận lợi đưa đến Bát Bảo Sơn, có thể nói học sinh không còn lý do để lại gây chuyện. Qua sự động viên thuyết phục nhiều mặt trở về học lại, sự việc có thể lắng dịu đi. Trên thực tế là trước khi tôi đi Triều Tiên, sự việc đã phát triển theo hướng dịu đi, tức là thay đổi theo hướng lắng dịu.
Lúc đó, tôi xen vào: mọi người trách ông, lúc đó không nên đi thăm Triều Tiên.
Triệu nói ngay: nếu như thay đổi thời gian đi thăm, dư luận quốc tế sẽ cho là tình hình trong nước nghiêm trọng, cục diện chính trị không ổn định; hơn nữa tình hình trong nước lúc đó đã dịu đi rồi, tôi cảm thấy không thể có vấn đề lớn, có thể đi, nên mới yên tâm đi Triều Tiên. Về vấn đề phong trào học sinh lúc đó, trước khi tôi đi thăm Triều Tiên vẫn chưa có tranh luận rõ rệt, phương châm nêu ra lúc đó bao gồm phương châm không làm gay gắt thêm mâu thuẫn, Đặng đã đồng ý; nội tâm Lý Bằng có thể có cách nghĩ, nhưng trước lúc tôi đi Triều Tiên anh ta chưa thể hiện ra một cách rõ rệt. Khi tiễn tôi đến ga xe lửa, Lý Bằng còn hỏi tôi có dặn dò gì nữa không. Tôi nói: chỉ có mấy điều thôi, một là đừng làm mâu thuẫn gay gắt thêm, không được sử dụng vũ lực; hai là lễ truy điệu Diệu Bang kết thúc rồi, cần khôi phục trật tự bình thường, phải quay về học; ba là để ra ngoài những kẻ đánh, đập phá, cướp, đốt. Lý Bằng cũng không nói không đồng ý. Sau khi về, anh ta đã báo cáo ý kiến của tôi lên Đặng. Đặng nói: làm theo ý kiến của Tử Dương. Thế nhưng tối thứ hai sau khi tôi đi Triều Tiên, Lý Tích Minh, Trần Hy đồng ở Thành ủy Bắc Kinh đề xuất phải cáo cáo với Thường vụ, tung tin là tình hình nghiêm trọng. Ban Thường vụ nghe báo cáo của Thành ủy Bắc Kinh, đúng như mọi người đã nói là báo sai tình hình, tập trung rất nhiều sự việc lại, nói học sinh yêu cầu bắt rễ xâu chuỗi lớn có tính toàn quốc, yêu cầu thành lập tổ chức, nói tình hình chung không tốt. Trước khi tôi đi Triều Tiên ở Bắc Kinh, bọn họ không nói với tôi, cũng đồng ý phán đoán phong trào học sinh đang lắng dịu. Nhưng tại hội nghị Thường vụ, bọn họ lại nói tình hình đặc biệt nghiêm trọng. Lý Bằng chủ trì hội nghị. Anh ta tổng kết: “là hành động chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội có lãnh đạo, có tổ chức, có cương lĩnh.” Ngày hôm sau anh ta đến chỗ Đặng báo cáo, Đặng luôn luôn có phản cảm với việc học sinh tuần hành gây chuyện, nghe Lý Bằng nói, ông ta cảm thấy vấn đề nghiêm trọng, nên đã phát biểu luận đoán như thế này: “mục đích của chúng là muốn làm lòng người phân tán, làm loạn cả nước, phá hoại cục diện chính trị ổn định đoàn kết; đó là một cuộc động loạn phủ định sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nếu như nhân nhượng vô nguyên tắc đối với cuộc động loạn này, nghe rồi bỏ mặc, sẽ xuất hiện cục diện hỗn loạn nghiêm trọng.” Đó chính là “bài nói ngày 25-4” định tính cho phong trào học sinh là “cuộc động loạn chống đảng chống chủ nghĩa xã hội”. Điều này đã dẫn tới cuộc tuần hành mười mấy vạn người ngày 27 tháng 4, làm mâu thuẫn gay gắt lên.
Hai là, đầu tháng 5, sau khi tôi từ Triều Tiên trở về đã nói chuyện với Hội nghị Ngân hàng châu Á, đề xuất giải quyết vấn đề trên quỹ đạo dân chủ và pháp trị, được học sinh tiếp thu, các mặt phản ánh là tốt, các trường cũng bắt đầu khôi phục việc giảng dạy.
Triệu nói: sau khi tôi từ Triều Tiên trở về, tình hình đã rất không tốt, có bài nói của đồng chí Tiểu Bình, lại phát biểu xã luận; nói kết luận là do Đặng định rồi không thể động tới, phía học sinh thì lại yêu cầu thu hồi xã luận, sợ sẽ tính sổ sau mùa thu. Còn Lý Bằng và Thành ủy Bắc Kinh kiên trì xã luận “26-4” không thể lùi. Bọn họ bao vây tôi, tung tin nhất định giữ chặt xã luận không thể thay đổi. Dưới cục diện cứng nhắc đó, chỉ có thể sử dụng biện pháp làm dịu từng bước, làm nhạt đi từng bước, không nêu xã luận “26-4” nữa. Để di chuyển tầm nhìn, căn cứ vào tiêu điểm dư luận trên xã hội, tôi đề xuất chống đặc quyền. Tôi biểu thị với Trung ương, điều tra con tôi trước [3] , nếu có vấn đề, sẽ chịu xử lý theo pháp luật nhà nước, nếu liên quan tới bản thân tôi, thì cũng như vậy. Hơn nữa, phản đối đặc quyền phải bắt đầu từ Trung ương, bắt đầu từ Thường vụ Trung ương: xóa bỏ cung cấp đặc biệt cho Thường vụ Trung ương (chế độ được hưởng thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt giá rẻ cho những cán bộ từ Phó thủ tướng trở lên). Những người già nhiều tuổi có thể suy tính làm chậm một chút; cải cách (chế độ) chuyên cơ, chuyên xa, chế độ cảnh vệ của Thường vụ khi ra ngoài, mấy vị cao tuổi có thể bảo lưu, Thường vụ mới nên đơn giản bớt.
Ngoài ra, ngày 4 tháng 5 khi tiếp đại biểu hội nghị Ngân hàng châu Á, tôi đã phát biểu bài nói giải quyết vấn đề theo phương châm tám chữ: học sinh và chính phủ phải bình tĩnh, lý trí, kiềm chế, trật tự; chủ trương thông qua biện pháp dân chủ và pháp trị giải quyết vấn đề. Phản ánh về bài nói đó là tốt, 7 trường đại học ở Bắc Kinh đã trở lại học, báo chí lúc đó cũng có chuyển tải; lúc đó nếu tiếp tục đối thoại, khẩn trương làm công tác thì tình hình có thể chuyển biến tốt.
Thế nhưng, Triệu nói: Hà Đông Xương [4] lúc đó lại nói trước hội nghị Bí thư đảng ủy các trường đại học rằng bài nói của Triệu Tử Dương không nhất trí với tinh thần “xã luận ngày 26-4”, một số lời nói là ý kiến cá nhân ông ta. Điều này trên thực tế đã phủ định bài nói của tôi tại hội nghị Ngân hàng châu Á. Một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục mà dám ngang nhiên phủ định bài nói của tôi, điều này nhất định là có bối cảnh. Bài nói của Hà Đông Xương được truyền đạt xuống dưới đã khiến mọi người phổ biến cho rằng bài nói của Triệu Tử Dương không đại biểu Trung ương.
Do đó học sinh càng thêm lo lắng, yêu cầu có cách nói đối với “xã luận 26-4”. Còn bên này một số người lại kiên trì “xã luận 26-4” không thể lùi, đồng thời còn thu thập một số tài liệu có tính kích thích gửi lên chỗ Đặng Tiểu Bình, còn phát biểu một số lời kích thích tâm tình học sinh, khiêu khích cả hai mặt. Còn tôi và học sinh không có liên hệ gì, cả hai mặt đều không theo tôi, tôi ở vào cảnh ngộ vô cùng khó khăn. Phía học sinh ngày càng đòi hỏi phải có cách nói về “xã luận 26-4”, gia tăng sức ép với chính phủ, phía Đặng thì quyết tâm cũng càng ngày càng lớn; học sinh làm ngày càng lợi hại, ảnh hưởng của Lý Bằng và Thành ủy Bắc Kinh đối với Đặng cũng càng ngày càng lớn, thế là hình thành cục diện cứng nhắc. Lý Bằng còn gây khó khăn cho tôi, nói: “đồng chí chủ trương biện pháp làm dịu, không làm gay gắt thêm mâu thuẫn, không có hiệu quả rồi; đối thoại với học sinh một lần, chúng gây chuyện một lần.”
Ba là, lúc đó tôi cảm thấy một cách sâu sắc rằng, chỉ cần Đặng Tiểu Bình nói một câu: “bây giờ xem ra vấn đề học sinh không nghiêm trọng như đã nói.”, những công việc còn lại sẽ do tôi quản, tôi chịu trách nhiệm những vấn đề xã hội. Tôi cho rằng qua cố gắng chung của nhiều phái, tình hình vẫn có khả năng lắng dịu đi.
Triệu Tử Dương cho rằng mặc dù tình hình đã tới bước như vậy cũng không nhất định không dùng vũ lực không được. Ông nói dùng thiết quân luật, tất sẽ phát sinh xung đột, một khi có xung đột sẽ phải đổ máu; ông lo là như vậy sẽ dẫn tới công nhân đại bãi công. Lúc đó cho dù có cường điệu lên là vi phạm đường lối chính sách, ép quần chúng thì cũng không thiêng nữa, dùng nhân sĩ quyền uy ép cũng không thiêng; chỉ có lùi một điểm trong “xã luận ngày 26-4”, sửa chữa xã luận vẫn là tiêu điểm không thể đi vòng qua. Sự tình lúc đó đã bị kéo quá dài rồi, học sinh cũng đã mệt, số học sinh có trên quảng trường Thiên An Môn đã không còn nhiều, học sinh Bắc Kinh đều đã về nhà, ở lại quảng trường đa số là học sinh ngoại tỉnh, lùi một bước cho chúng một cái thang để xuống, loại trừ mối lo bị tính sổ sau mùa thu thì tình hình đã có thể chuyển biến tốt rồi.
Lúc đó, tôi xen vào: tôi đã từng đi xem quảng trường Thiên An Môn, đúng là học sinh đã mệt mỏi, số người không đông. Lúc đó mọi người đều nói: nếu như trên dưới cùng động viên, ra lệnh cho người lãnh đạo các trường nhất luật phải phụ trách động viên học sinh trường mình trở về, đồng thời hứa là sau này sẽ không truy cứu, như thế chỉ còn rất ít người, lúc này phối hợp với cảnh sát, thực thi cưỡng chế sơ tán là cũng có thể làm được.
Nhưng Triệu Tử Dương ngắt lời tôi, ông không đồng ý dùng cảnh sát, vì như vậy sẽ chọc giận đông đảo quần chúng.
Rồi nói tiếp: để làm dịu xung đột, tranh thủ lùi một điểm, thế là tôi mời Hứa Gia Đồn [5] tới, để từ đó làm một số cảm thông hòa giải. Tôi nói với Hứa: vấn đề chủ yếu hiện nay là tranh thủ đồng chí Tiểu Bình có thể đồng ý thay đổi định tính đối với phong trào học sinh, còn phải xin ý kiến Thường vụ, nhờ đồng chí giúp một tay. (theo hồi ức của Hứa Gia Đồn thì lúc đó Dương Thượng Côn rêu rao: tôi đi nói với ông già [Đặng], nhưng tính nết ông già đồng chí biết rồi, ông ta có thể nghe lọt tai mà cũng có thể nghe không lọt tai. Dương Thượng Côn còn nói với Hứa, anh bảo với Triệu Tử Dương, bảo anh ta hãy làm như thế trước, nếu như có trách nhiệm, tôi sẽ là người đầu tiên.)
Triệu nói: sáng ngày 16 tháng 5, Đặng Tiểu Bình hội kiến Gorbachev, buổi chiều tôi hội kiến. Buổi tối họp Thường vụ. Tại hội nghị tôi chính thức đề xuất phải có cách nói đối với “xã luận 26-4”, định tính không thỏa đáng, phải sửa. Mặc dù tôi chưa đọc bài xã luận đó nhưng tôi vẫn chịu trách nhiệm, sửa “xã luận 26-4” không thể liên quan đến Đặng Tiểu Bình, đồng chí Tiểu Bình chỉ cần nói một câu: “bây giờ xem ra vấn đề học sinh không đến nỗi nghiêm trọng như vốn đã nói” là được.
Tôi lại xen vào: tôi nghe được truyền đạt trong đảng là, khi ông ở Triều Tiên đã điện bài xã luận “26-4” cho ông, ông đồng ý với bài xã luận, nhưng sau khi về nước ông lại thay đổi.
Triệu nói: bức điện gửi cho tôi khi còn ở Triều Tiên là “bài nói 25-4” của Đặng Tiểu Bình, sứ quán đưa cho tôi xem, tôi đã biểu thị thái độ, đồng ý bài nói của đồng chí Tiểu Bình về ổn định tình hình, vì là bài nói trong nội bộ nên tôi không thể không đồng ý. Nhưng tôi không ngờ là bọn họ lại đưa ra công khai bài nói của Tiểu Bình, càng không ngờ là công khai phát biểu “xã luận 26-4”. Khi còn ở Triều Tiên tôi chưa từng đọc bài xã luận đó, về căn bản không gửi cho tôi.
Ông nói: dẫn tới vấn đề “4-6” căn bản là do xã luận đã dẫn tới sự chống đối của quần chúng với qui mô chưa hề có. Trong thời gian truy điệu Hồ Diệu Bang có rất nhiều học sinh không xuống đường tuần hành, “xã luận 26-4” đã động viên được số học sinh trung gian đứng lên tham gia.
Tử Dương nói: đúng vào cái đêm tôi đề xuất phải sửa chữa xã luận và tuyên bố, mặc dù mình chưa đọc bài xã luận đó, nhưng tự mình cũng phải chịu trách nhiệm. Lý Bằng nói: nếu sửa thì ông và tôi đều mất chức. Triệu bác lại, nói: tình hình không đến nỗi nghiêm trọng như vậy. Lý Bằng nói: không nhất thiết để ông chịu trách nhiệm. Đó không phải là thái độ của nhà chính trị. Thế là tôi và Lý Bằng xẩy ra tranh luận. Lý Bằng lại nói: “xã luận 26-4” là bài nói của Đặng. Tôi nói: không phải, đó là do Thường vụ định giọng điệu, sau khi báo cáo Đặng mới có bài nói đó; là định tính trước, nói chuyện sau. Tiếp đó Lý Bằng còn nói: trong điện trả lời của ông khi ở Triều Tiên nói, đồng ý ngăn chặn động loạn. Tôi nói động loạn là một từ trung tính, rối loạn, xáo động, sóng gió đều là nói qui mô, không nói tính chất. Tiểu Bình nói động loạn không có vấn đề gì, vấn đề là động loạn như thế nào, động loạn có mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cũng có mâu thuẫn địch ta, vấn đề là ở chỗ cái định tính “chống đảng chống chủ nghĩa xã hội”.
Tử Dương lại nói: ngày hôm sau, 17 tháng 5 phát sinh tranh luận trong hội nghị Thường vụ họp ở nhà Đặng, tôi vẫn nói như vậy.
Bàn đến đây, Triệu nói với tôi: xem ra Lý Bằng có khả năng có lòng tư lợi.
Tôi nói: trong nội bộ cơ quan Ủy Ban cải cách thể chế có tin đồn, có người đang làm âm mưu.
Triệu nói tiếp: ngày hôm sau, sau tranh luận với Lý Bằng tối hôm 16 tháng 5, tôi viết thư cho Đặng yêu cầu trực tiếp bàn. Đặng đã thông tri mấy người, có Lý Bằng, Diêu Y Lâm, Hồ Khởi lập, Kiều Thạch, Dương Thượng Côn và tôi. Chúng tôi đến nhà Đặng. Vốn là tôi yêu cầu nói chuyện, nhưng ông ta lại thông tri nhiều người như vậy, rõ ràng là không muốn nghe ý kiến của tôi, thế nhưng tôi vẫn nhắc lại ý kiến của mình. Diêu Y Lâm, Lý Bằng nói: không thể ngăn chặn được động loạn của học sinh là do bài nói của Triệu Tử Dương tại hội nghị Ngân hàng châu Á dẫn tới, bài nói đó làm cho học sinh cảm thấy ở Trung ương có hai tiếng nói. Thế là đột ngột hỏi vặn tôi trên hội nghị, xem ra bọn họ đã họp trước với nhau rồi. Trong cuộc họp đã bàn đến việc thực hiện thiết quân luật, thực hiện thiết quân luật tôi lo là sẽ xuất hiện tình hình nghiêm trọng, tôi rất khó chấp hành. Vào giờ phút then chốt cuối cùng, nếu như tôi tán thành thiết quân luật, chức Tổng Bí thư vẫn có thể làm, tôi phản đối thiết quân luật là phải mất chức. Tiếp tục làm Tổng Bí thư thực hiện phương châm cứng rắn với học sinh, hay là mất chức, tôi đã chọn cái sau. Nói đến đó, Triệu Tử Dương im lặng một chút, tiếp đó đã trịnh trọng nói: tôi đã suy nghĩ liền cả hai việc không tán thành thiết quân luật và không làm Tổng Bí thư. Sau khi họp xong ở nhà Đặng ra về, tôi viết đơn xin từ chức. Hồ Khởi Lập cũng phản đối thiết quân luật; Kiều Thạch vốn cũng không tán thành thiết quân luật, nhưng đã tán thành trong hội nghị này; Dương Thượng Côn vốn phản đối thiết quân luật sau này cũng tán thành; kiên quyết nhất là Lý Bằng, Diêu Y lâm.
Triệu nói: thực ra trong vấn đề thiết quân luật, thái độ của mấy người đó là không đáng kể; cho dù cả năm người bọn họ đều không tán thành cũng sẽ thực hành thiết quân luật. Trước khi họp ở nhà Đặng, ý kiến của tôi là đa số, tôi, Khởi Lập, Kiều thạch, Thượng Côn đều nhất trí.
Sau khi nghe những lời nói của Triệu Tử Dương thà không cần “chiếc ghế báu” Tổng Bí thư, phải kiên trì tính chính nghĩa, đúng là tôi đã khâm phục từ đáy lòng. Từ trong đó tôi cũng hiểu ra được, áp dụng đối thoại đối với vấn đề “4-6” là không thể giải quyết được vấn đề; Lý Bằng rêu rao cái gọi là nổ súng là “bất đắc dĩ”, chẳng qua là sau đó tìm lời nói tránh đi, giải thoát cho mình là xong. An Chí Văn nói: sự việc là, các nguyên lão do Đặng Tiểu Bình đứng đầu đã đánh giá tình hình nghiêm trọng, cho rằng nếu nhượng bộ là sẽ giống như Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan, đã nổ ra là không thể thu lại được, cục diện chính trị Trung Quốc nhất định sẽ phát sinh thay đổi. Tóm lại là các nguyên lão vẫn dùng mô thức tư duy trước đây và quan điểm hình thái ý thức đấu tranh giai cấp là then chốt, cho rằng trên xã hội một khi xẩy ra sóng gió là đã cho rằng muốn lật đổ sự lãnh đạo của đảng cộng sản, phản đối xã hội chủ nghĩa; một khi trong đảng vừa có ý kiến và cách nhìn khác nhau, đã cho rằng đấu tranh trong đảng là sự phản ánh của đấu tranh ngoài đảng, của đấu tranh giai cấp, cái gọi là vấn đề ngoài đảng phản ánh vào trong đảng, là kết quả của sự dung túng và ủng hộ của một số lãnh đạo trong đảng.
Tôi còn trình bầy với Triệu: sau khi tin học sinh bị bắn chết trước Thiên An Môn được truyền đi, một học sinh không hề quen biết mở miệng nói với tôi: “đảng cộng sản hết đời rồi!”, người ta đau thương bàn bạc: đối với bọn học sinh tay không tấc sắt, thế mà dùng xe tăng, súng máy đàn áp; cho rằng đó là việc ngay cả quân phiệt Bắc Dương và Tưởng Giới Thạch Quốc Dân đảng cũng không dám làm, nhưng đảng cộng sản lại làm! Một vị giáo sư già ở trường của tôi đã khóc dài suốt trên mấy dặm đường từ nhà trường về nhà; một bác sĩ của bệnh viện số 3 gần trường nói với tôi: lúc đó trước cửa bệnh viện để đầy những người bị thương, phần lớn là thanh niên học sinh, cũng có chiến sĩ giải phóng quân, việc cứu chữa không biết bắt đầu từ người bị thương nào, đành lựa chọn những người bị thương nặng nhất để phẫu thuật. Mọi người đều tròn mắt đờ người, đối mặt với tình ấy, cảnh ấy quả thật là thương cảm. Có một vị giảng viên của bệnh viện nói một câu “nợ máu phải trả bằng máu”, sau đó mấy cảnh sát mặc thường phục đã vào tận phòng bệnh bắt ông ta đưa lên xe quân sự; ngày hôm sau người nhà đến thăm đã không biết giải đi đâu. Vị bác sĩ này còn nói với tôi: do định tính là bạo loạn phản cách mạng, những người bị thương sợ bị định là “phần tử phản cách mạng” để xử tội, nên có người chưa mổ xong đã được người nhà, bạn thân đến đón đi giấu ở nơi khác, như thế mà xuất viện thì kết quả chỉ có chết! Có người nói “học sinh rất vô tư, thật đáng thương”. Sau đàn áp “4-6”, trong hội nghị từ cấp vụ, cục trở lên tại Ủy Ban cải cách thể chế, đã có rất nhiều người chảy nước mắt. Bất kể người khác như thế nào, tôi vẫn tham gia lễ truy điệu một học sinh tử nạn của trường - một nghiên cứu sinh và tặng tiền cho người nhà. Điều này đại để là “tôi làm theo cách của tôi”. Sau “4-6” khi tiến hành thanh lý về tổ chức, tôi kiên trì cách nhìn của mình cho rằng tham gia “lễ truy điệu”, “tặng tiền” không phải là sai lầm! Tôi kiên trì sự kiện “4-6” không phải là động loạn phản cách mạng mà là phong trào học sinh. Tư tưởng của tôi là, bất kể là xử lý tôi như thế nào, vẫn phải kiên trì chính nghĩa.
Cuối cùng tôi nói, về bên ngoài “4-6”là đàn áp, nhưng người ta bình luận là đã mất lòng đảng, lòng dân, lòng tin vào đảng sụp đổ, tổ chức đảng rã rời, trên quốc tế đã dẫn tới những kinh ngạc và ảnh hưởng tiêu cực rất lớn.
Tôi cho rằng sự kiện “4-6” là một đại bi kịch, đó là định luận của lịch sử. Người ta đang bàn luận: cái bệnh táo bón của lịch sử này cuối cùng cũng phải giải quyết, bất kể sau này là xử lý nóng hay xử lý lạnh, cuối cùng thì lịch sử vẫn trở lại bộ mặt vốn có của lịch sử. Cách nhìn của tôi là, người nào giương cao được ngọn cờ đó, người đó sẽ được lòng người.
Cuối cùng Triệu Tử Dương còn bàn đến việc muốn xây dựng một quỹ, muốn cùng một số người cùng chí hướng làm một số sự nghiệp công ích cho xã hội, cho quốc gia. Cũng bàn đến việc hoặc là có thể viết hồi ức. Triệu nói: hai nhiệm vụ này đều rất nặng, cũng rất khó, nếu làm nhất định phải làm tốt, nhưng đều rất tốn sức. Căn cứ vào tinh lực của mình xem ra thì chỉ có thể làm một thôi, biểu thị hy vọng tôi giúp ông suy tính một chút.
Sau khi thúc cuộc nói chuyện, trước khi về, Triệu Tử Dương còn mỉm cười nói với tôi: ông Tôn, từ mấy lần gặp mặt nói chuyện, ông có thể thấy, mặc dù tôi không có công tác, nhưng bộ óc tôi không có nhàn.
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách thể chế, thành viên lãnh đạo tổ kinh tế thời Triệu Tử Dương, lúc này là Hội trưởng Hội nghiên cứu cải cách thể chế Trung Quốc.
[2]Trương Học Lương (1907-2001) người Tứ Xuyên, con trai Trương Tác Lâm, Tư lệnh quân Đông Bắc, mùa đông năm 1936, liên Cộng chống Nhật, phát động sự biến Tây An, bắt sống Tưởng Giới Thạch. Khi trở về Nam Kinh bị Tưởng Giới Thạch giam lỏng. Năm 1990 được khôi phục tự do, năm 1995, sống tại Hawai Mỹ, với tư cách kiều dân.
[3]Khi đó xã hội có tin đồn, Triệu Đại Quân con trai Triệu Tử Dương buôn lậu TV mầu. Sau này Ban Kiểm tra TW kiểm tra chứng thực đó là tin đồn sai, hướng dẫn sai. Triệu Tử Dương đề xuất phải điều tra kết luận trong phạm vi nhất định rồi công bố, nhưng Lý Bằng kiên quyết không đồng ý, sợ gây ra phản ứng dây chuyền. (TG)
[4]Hà Đông Xương (1923 - ) người Chiết Giang, từng là Bí thư Đảng ủy trường Đại Học Thanh Hoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách Giáo dục Quốc gia.
[5]Hứa Gia Đồn (1916 - ) người Giang Tô, từng làm Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư Ủy ban công tác Hồng Kông, Ma Cao, Phân xã trưởng Tân Hoa xã tại Hồng Kông, năm 1990 sang Mỹ, năm 1991, bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khai trừ.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219
bản để in Gửi bài này cho bạn bè
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]Thiên Gia Câu (1909-2001), người Triết Giang, nhà kinh tế, đã từng giữ chức Cố vấn Viện Khoa học Xã hội, Ủy viên Thường vụ Chính Hiệp, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Đồng minh.
[2]Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa (BT)
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219
No comments:
Post a Comment