Friday, September 19, 2008

NGUYỄN SĨ GIÁC * GIÁO DỤC VÀ KHOA CỬ ĐỜi NGUYỄN

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác


===


Giới thiệu
Thầy tôi, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác (1888- 197?) , quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông thuộc dòng dõi tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Thầy với Tản Đà là đồng tông, mà vị tổ đời trước là Nguyễn Công Thái tướng công. Thầy đỗ tiến sĩ khoa canh tuất (1910). Sau đó thầy theo ra ngoại quốc hoạt động cách mạng, vì thất bại mả phải trở về Việt Nam. Năm 1954 thầy di cư vào Nam, làm giáo sư Hán Văn tại trường đại học Văn Khoa và Sư Phạm Sài Gòn là nơi tôi từng theo học trong thập niên 60. Thầy cũng như tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu, Viện Đại Học Huế là những vị tiến sĩ cuối cùng của nhà Nguyễn.

Trước 1975, khi thầy thôi dạy học, lui về Khánh Hội, lúc đó thầy đã gần 90 tuổi, tôi có đến thăm nhiều lần và có lần đã hỏi thầy về thi hương, thi hội, Thầy trao cho tôi một xấp tài liệu đánh máy đang ở trong tình trạng bản nháp ( vì đánh nhiều bản khác nhau). Thầy đã viết xong rồi hay chưa xong? Thầy đã đăng tải bài này hay chưa đăng? Sau khi nhận xấp tài liệu này tôi không còn gặp lại thầy tôi nữa vì tôi phải xa Sai Gòn, đi dạy học ở Lục tỉnh! It lâu sau, đi trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, tôi thấy mộ bia của thầy thấp thoáng trong đám cỏ tranh vàng úa. Khi sang Canada, tôi mang theo bản thảo của thầy. Nay tôi đánh máy lại, trung thành với nguyên bản và xin gủi đến quý vị .


Tác phẩm của thầy nay còn lại một tập bản thảo trong đó có bài này,một số bài thơ và bốn tác phẩm dịch Hán văn khi thầy cộng tác với trường Đại Học Luật khoa Sai Gòn :
+Phan Huy Chú. Quan Chức Chí (Lich Triều Hiến Chương Loại
Chí.). Cao Nãi Quang, Nguyễn Sĩ Giác dịch, VĐH
Saìgòn, 1957, 563 tr.
+Hồng Đức Thiện Chính Thư, Nguyễn Sĩ Giác dịch. Sài Gòn: Trường Đại Học Luật Khoa, 1959. 159 tr.
+Lê Triều Chiếu Lệnh Thiện Chính. Nguyễn Sĩ Giác dịch. Viện ĐH Sai Gòn 1961, 505 tr.
+Đại Nam Điển Lệ. Nguyễn Sĩ Giác dịch, Viện ĐH Sai Gòn, 1962, 571 tr.

Nguyễn Thiên Thụ







Đề tài này là một đề tài đã cũ, trước đây đã có mấy nhà Hán học nói đến, thế mà ngày nay còn đem ra thuật lại thì mới nghe ai cũng cho là một câu truyện cũ rích, có lẽ cho là một đề tài buồn, không để ý đến. Song le tôi cứ trộm phép đem đề tài này ra trình bày là chủ ý muốn thuật lại một cách tường tận và đầy đủ gọi là giúp ích cho các nhà khảo cứu một ít tài liệu về một vấn đề quan hệ cho văn hóa một nước.
Bài này tôi chỉ trình bày về chế độ triều Nguyễn, bắt đầu từ đời Gia Long, vì từ đời Hậu Lê trở về trước, trong quốc sử ta không chép rõ, đến nay không khảo cứu vào đâu mà thuật rõ được chế độ này của các triều trước, tức là từ đời Lý, bắt đầu mở khoa thi tiến sĩ, mà thời ấy gọi là Thái học sinh.
Nuớc Việt ta từ lúc mới dựng nước, chuyên học chữ Hán, đó là một điều sai lầm., đến nỗi coi chữ Tàu là chữ nước nhà. Bởi thế, tập quán, phong tục, lễ nghi, luân thường đạo lý, cho đến pháp luật, chế độ, chính sự, văn chương, cái gì cũng theo giống như Trung Hoa, chỉ khác có một điều là người Việt ta nói tiếng Việt, mà tiếng này viết ra thành chữ, lại gọi là chữ nôm, tức là chữ bản quốc. Thứ chữ này cũng dùng chữ Tàu ghép lại mà thành ra tiếng Việt. Chữ nôm thông dụng ở nước ta trải hơn một ngàn năm, trước khi chữ quốc ngữ Việt Nam, ghép bằng chữ La tinh xuất hiện.
Bởi lý do này, khắp nước ta đều lấy chữ Hán dạy ở các trường, trường công cũng như trường tư, mà chữ nôm thời không dạy, cho nên chữ bản quốc chỉ theo tập quán mà viết mà dùng, chứ không có quy tắc nhất định và lối văn chương cũng không có văn phạm nữa.


Ta xét mà xem nước Việt Nam ta là một nước văn hóa có kém gì Trung Hoa. Từ đời Đinh về sau, trải mấy đời Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn, lúc nào ta cũng giữ được nền độc lập. Trong khoảng hơn một ngàn năm, có bao nhiêu là anh hùng liệt nữ chống giữ đất nước, đối chọi với người Tàu. Vũ công đã lừng lẫy như vậy, há rằng văn hóa lại kém người Tàu? Thế mà sưu tầm đến tác phẩm văn hóa của ta thì những thơ văn bằng quốc ngữ lơ thơ như sao buổi sáng. Sao trải bao nhiêu triều đại, nhân tài và văn học sánh đôi với Trung quốc mà tác phẩm về văn nghệ bằng chữ bản quốc không thấy lưu truyền được bao nhiêu? Điều này rất dễ hiểu, chỉ vì các học giả nước nhà, xưa kia có trước tác, đều làm bằng Hán văn, cho nên tác phẩm bằng quốc văn ít có. Đó cũng vì quốc gia ngày trước chỉ chuyên chú về Hán học, xem bài này ta nhận thấy chế độ về giáo dục và khoa cử chép nguyên của Tàu, cho nên nhân tài đều do Hán học mà ra, thành ra bao nhiêu tác phẩm về văn nghệ, đến chin muơi chín phần trăm bằng chữ Hán.
Bởi thế trong thời đại triều Nguyễn, các bậc tiền hiền sang sứ Tàu nhiều vị được các nhà văn Trung Hoa tôn trọng.


I. Chế độ giáo dục
1. Trưòng công
Các trường công của nhà nước dựng ra gồm có trường Quốc tử giám ở kinh đô là một trường đại học cho cả nước và các trường tỉnh và trường phủ huyện.
Về ngạch học quan, tại trường Quốc tử giám trên nhất là Tế tửu và Tư nghiệp. Quan Tế tửu là chánh, quan Tư nghiệp là phó giám đốc trường Quốc tử giám ở kinh thành. Trường này dạy các cử nhân, tôn sinh tú tài, ấm sinh tú tài và học sinh tú tài. Trường Quốc tử giám chuyên dạy những học sinh luyện tập để thi hội. Ngoài ra các tỉnh, mỗi tỉnh có một trường , do quan đốc học dạy. Mỗi phủ có một trường do quan giáo thụ dạy. Mỗi một huyện có một trường do quan huấn đạo dạy. Các chức giáo thụ và huấn đạo thì thuộc quyền quan đốc học về phương diện giáo dục. và thuộc quan tổng đốc hay tuần vũ về phương diện hành chánh.

2. Trường tư
Các trường học công khai thuật ở trên này là những trường dạy học sinh lớn tuổi, đã đủ khả năng để thi hương. Đây là một vấn đề rất quan trọng, mà quốc gia ngày trước không săn sóc đến. Trải bao nhiêu triều đại, quốc gia đã không săn sóc đến lớp đồng sinh, từ lúc mới vỡ lòng cho đến khi học đã gần có khả năng để thi hưong. Vậy thì học trò ta ngày trước được có nơi học để thành tài đều nhờ ở trường tư thục. Mà nói cho đúng, thì các trường công có các trường kể trên nào có đủ chỗ cho hết thảy học trò lớn tuổi theo học. Ngày xưa có một phong tục rất tốt.
Các nhà khoa bảng sau khi thi đỗ , có nhiều vị không ra làm quan, chỉ ở nhà mở trường dạy học, suốt đời lấy sự đào tạo anh tài làm vui thú và lại coi là một điều vinh dự nữa. Ông Mạnh tử nói:' Bậc quân tử có ba điều vui mà một là giáo dục bậc anh tài trong nuớc'. Điều vui này coi hơn cả sự ra cầm quyền trị nước. Xem câu này ta đủ biết chí hướng của các bậc tiền hiền ngày xưa.


Trường tư thục ngày trước rải rác khắp các hương thôn. Mỗi trường có một thầy, hoặc là do khoa bảng xuất thân mà phần nhiều là các ông cử, ông tú hay hoặc các vị túc nho tuy không đỗ song có một học lực uyên thâm đủ để đào tạo bọn hậu tiến. Các vị cử, tú này mở trường vừa dạy học các lớp cao vừa tự luyện thi hương , thi Hội, còn có các các ông đồ mở trường dạy các đồng sinh mà tục ngữ ta gọi là làm nghề gõ đầu trẻ, cũng là một trong các trường tư thục ở nước ta. Bởi tập quán và sự thực hành này, cho nên các con em nhà thế gia nghĩa là những nhà nhiều phụ huynh học thành tài thì phần nhiều có phụ huynh đào luyện cho, do đó được nhiều ưu điểm hơn những đệ tử nhà bình dân. Các đệ tử nhà bình dân không những bị thiệt thòi vì thiếu phụ huynh giỏi, hoặc hiền sư hữu hiệu đào tạo, lại còn bị thiệt thòi vì sự thiếu sách học nữa.



Chế độ của quốc gia ngày xưa rất rộng, học trò không cứ học trường công hay tư đều được ứng thí một cách rất dễ dàng. Cứ như ý tôi thì học trò được thành tài phần đông là nhờ các trường tư, nhất là học ở các trường do các vị khoa bảng mở ra, học vấn đã uyên thâm mà sự dạy dỗ lại tận tâm là đằng khác. Phong tục ngày xưa, học trò đối với thầy không khác gì con cái đối với cha mẹ mà sự kính lê và lòng nhớ ơn còn sâu xa hơn. Thật tôi đã được thấy nhiều vị tiền bối, do khoa bảng xuất thân, làm quan đến cực phẩm, thế mà đối với thầy học cũ, chỉ là một ông tú hay một ông cử, hay là một ông đồ không đỗ đạt gì, vốn vẫn một niềm tôn kính như cha. Đó là do học đạo Khổng Mạnh, học trò đối với thầy, không những là ngoài mặt phải giữ lễ đã đành, mà thật trong thâm tâm, cũng một niềm thủy chung, không lúc nào phai nhạt. Các vị tôn sư dạy học cũng giữ một đạo đức cao thượng, yên cái cảnh thanh bạch, lấy sự đào tạo nhân tài làm vui, như trên tôi đã thuật môt câu trong sách Mạnh tử thì đủ rõ các phong hóa ngày trước là thế nào. Các vị sư nho ta ngày xưa không những lấy văn học mà rèn luyện bọn hậu sinh, còn tự mình đem đạo đức ra làm gương mẫu, cho nên học trò đối với thầy, không những là nhớ ơn đã đào tạo cho nên người, còn quý trọng cái đạo đức của thầy khác nào một tín đồ đối với một giáo chủ vậy.



3. Việc học tâp
Lối học chữ Hán ngày trước, các đồng sinh học được mấy quyển như tứ thư chẳng hạn , bắt đầu học làm câu đối.
Câu đối:
Nghĩa là thầy ra cho một câu trong sách, học trò lại tìm một câu mà đối cho chỉnh. Trong câu đó danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ vân vân.
Thí dụ: Ra: Tuế hữu tứ thời
Đối : Thiên vô nhị nhật.
Ra: Học nhi thời tập
Đối: Bằng tự viễn lai.
Biết làm câu đối rồi thì học làm thơ, làm phú. đoạn rồi học làm kinh nghĩa.
Kinh nghĩa
Kinh nghĩa là gì? Là ra một câu ở trong ngũ kinh, hay tứ thư rồi học trò làm một bài giải thích câu ấy.
Thí dụ ra câu: Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ ( Con em khi vào phải hiếu với cha mẹ, khi ra thì phải thảo với anh em ). Học trò phải làm thành một bài giải thích câu ấy.
Kinh nghĩa làm theo lối văn bát cổ ( tám vế), mở đầu bằng hai câu phá, 3,4 câu thừa.
Thơ:
Thơ, có hai lối Đường luật là bảy chữ và năm chữ. Đường luật bảy chữ có tám câu, năm vần. Đường luật năm chữ có 16 câu tám vần.
Phú:
Phú cũng là văn vần. Phú thường ra một câu đầu bài, và lấy một câu nữa làm vần. Thí dụ ra câu: Mạnh tử kiến Lương Huệ vương. Lấy câu :Tẩu bất viễn thiên lý nhi lai làm vần. Thế là bài phú này phải làm bảy vần. Vần nào ít ra cũng phải có ba vần, mà câu nào cũng phải đối nhau. Vần đầu là vần Tẩu, vần thứ hai là Bất vân vân.
Văn sách:
Văn sách có cổ văn, kim văn. Cổ văn thì hỏi về sách cổ, kim văn thì phần nhiều hỏi về thời sự.
Chiếu, biểu, sớ:
Ngoài thơ, phú, kinh nghĩa, và văn sách còn có lối làm chiếu, là lời của nhà vua tuyên bố cho thần dân. Biểu là bài của một vị bầy tôi tâu lên vua. Lối văn biểu là lối văn tứ lục, có câu ngắn, có câu dài mà câu nào cũng phải đối nhau.
Bài sớ: lối văn này là lối văn xuôi, không phải đối nhau, mà cũng là bài của một bày tôi tâu lên vua. Thí dụ tờ sớ xin nhà vua khai một con sông, mở một nơi dinh điền.



iI. CHẾ ĐÔ THI CỬ
A. Thi Hương
Thi hương bắt đầu từ khoa đinh mão ( 1807) , năm thứ 6 niên hiệu Gia Long. Suốt đời vua Gia Long chỉ có ba khoa thi Hương là khoa đinh mão, khoa quý dậu (1813) năm thứ 12 Gia Long và khoa kỷ mão ( 1819), năm thứ 18 Gia Long. Từ đời Minh Mạng mới ấn định ba năm một khoa, cứ mở vào năm tí, năm mão, năm ngọ và năm dậu. Song từ đời Minh mạng đến đời Đồng Khánh, ngoài những khoa chính mở vào các năm tí, mão, ngọ, dậu, còn thỉnh thoảng lại mở khoa thi bất thường, gọi là ân khoa. Ân khoa hay mở vào dịp nhà nước có việc vui mùng, nhất là dịp nhà vua mới lên ngôi.

1. Điều kiện dự thi Hương
Các học trò đã đỗ tú tài, các tôn sinh ( học trò con cháu nhà vua), các ấm sinh ( học trò con các quan từ ngũ phẩm trở lên đã sát hạch đươc liệt vào hạng ấm sinh) đều được đi thi Hương không phải qua kỳ hạch ở tỉnh. Ngoài ra các học trò thường, mới bắt đầu mang lều chõng ( chưa thi bao giờ) hay đã thi một khoa hay nhiều khoa, đã được vào nhị trường tam trường từ khoa trước, đều phải đỗ kỳ hạch ở tỉnh mới được thi. Thí dụ gặp năm dậu có kỳ thi, những học trò tuy đã thi khoa trước là khoa ngọ mà được vào nhị hay tam trường, đến khoa dậu này vẫn phải đỗ kỳ hạch ở tỉnh mới được dự thí.
Mỗi khi gặp khoa thi thường lệ hay ân khoa, trước đó năm hay sáu tháng, quan đốc học ở tỉnh phải mở một kỳ hạch học trò. Hạch có một kỳ, đầu bài thường ra mỗt bài kinh nghĩa, một bài thơ, hay hai vần phú với một đoạn văn sách. Quyển các học trò phải là phê thứ trở lên cho đến ưu, bình mới đuợc đỗ hạch. Kỳ hạch này ai đỗ đầu thì gọi là tỉnh nguyên hay tiếng Việt gọi là Đầu Xứ. Lúc thi, quyển thi của các thí sinh, sĩ nhân hay tú tài đều như nhau, không phân biệt.

Trước khi thi Hương, học trò phải nộp quyển thi. Chế độ của quốc gia rất rộng, học trò không cứ là là học ở trường công hay học ở trường tư đều dược ứng thí. Lúc nộp quyển thi, ai học trường công thì khai'thụ nghiệp bản tỉnh, hay mỗ tính đốc học quan', bản phủ, hay mỗ phủ giáo thụ quan, bản huyện hay mỗ huyện huấn đạo quan. Học trò trường tư thì chỉ phải khai ba chữ ' Nguyên tư thục'. Lối khai này rất giản tiện. Trước kỳ thi, thí sinh phải nộp quyển thi. Ngoài mặt ghi họ tên bằng chữ to. Rồi ở dưới họ tên, viết hai dòng chữ nhỏ. Giòng trên thì khai quán chỉ. Thí dụ như tôi thì khai ở dưới họ tên tôi :Hà Đông tỉnh, Thường Tín phủ, Thanh Trì huyện, Khương Đình tổng, Kim Lũ xã.

Giòng bên này , nửa trên khai tuổi. Thí dụ năm tôi đi thi 22 tuổi, thì khai: Niên canh mậu tí, nhị thập nhị tuế. Liền đó, nếu tôi thụ nghiệp quan đốc học Hà Đông thì khai thụ nghiệp Hà Đông tỉnh đốc học quan. Nếu tôi học trường tư thì chỉ khai hai chữ : tư thục hay ba chữ nguyên tư thục. Nối giòng này là đến giòng khai ba đời cụ, ông và cha. Truớc hết viết bốn chữ cung khai tam đại : Tăng tổ họ tên, nếu có đỗ hay làm công chức gì thì dưới họ tên khai mỗ khoa tiến sĩ, phó bảng hay cử nhân, tú tài, và chức nghiệp. Đến đời ông khai: Tổ, họ tên. Đời cha: Phụ: họ tên. Còn sống thì khai chữ tồn, mất rồi thì khai chữ cố. Nếu ba đời không có đỗ và làm công chức thì khai hai chữ: nghiệp nông tồn hay cố.



2 . Các kỳ thi Hương
Thi Hương từ đời Gia Long đến đời Kiến Phúc chỉ có ba kỳ. Trước tiên, phép thi đặt kỳ đệ nhất thi hai bài kinh nghĩa, đệ nhị thi ba bài chiếu, biểu, chế.Kỳ đệ tam thi văn sách.

3.Vị trí trường thi Hương
Khu trường thi Hương khá rộng. Mỗi khi gặp khoa thi, trường thi mới sửa sang lại. Nguyên trường thi ở vào một nơi đồng bằng rộng rãi. Những năm không có khoa thi thì trường thi trừ một nhà Thập đạo làm bằng gạch lợp ngói là còn nguyên ở giữa, xung quanh thì lại thành ruộng cho dân cày cấy. Đến khi có khoa thi, mới sửa sang lại, xung quanh rào lại thành bốn vi bao quanh nhà Thập đạo ; về phía sau đến năm thi thì mới làm nhà gỗ lợp lá để làm nơi các khảo quan, từ quan chánh phó chủ khảo đến các quan sơ khảo cư trú trong vụ thi. Trường có bốn vi là giáp Ất, và Tả, Hữu là chỗ cho các thí sinh đóng lều mà làm bài ở xung quanh nhà Thập đạo. Cửa trong vi đi ra thì vi nào cũng phải qua nhà thập đạo. Cách kiến trúc này là để ngăn những học trò không dự thí lẻn vào mà làm bài gian cho người khác.

4. Các khảo quan
Tuỳ theo trường thi lớn nhỏ mà số khảo quan nhiều hay ít. Trung bình mỗi trường có một quan chánh chủ khảo, một quan phó chủ khảo, hai hay ba quan giám khảo, hai hay ba quan phân khảo, độ sáu hay tám quan phúc khảo, và độ mười quan sơ khảo. Các quan phân khảo có nhiệm vụ quan trọng, cho nên triều đình ngày trước thường chọn những ông đỗ đại khoa xuất thân sung vào. Các quan phân khảo chỉ chấm những quyển nào bị giám khảo phê liệt. Giấu của quan phân khảo cũng như chủ khảo, phó chủ khảo nghĩa là giấu chung thẩm. Thí dụ quyển ở nội trường giám khảo phê liệt, mà quan phân khảo phê ưu hay phê bình thì quyển ấy được ưu hay bình. Bởi thế chức vụ phân khảo là hệ trọng nhưng rất buồn vì suốt một vụ thi, chỉ được chấm những quyển dở, quan giám khảo đã phê liệt.
Ngoài ra có ban giám sát, gồm các quan Ngự sử và các quan Đề Điệu.





5. Các thủ tục trong trường thi
a. Lễ tiến trường
Lễ tiến trường là một lễ rất long trọng. Trước ngày thi độ mười ngày, các khảo quan vào làm lễ tiến trường. Có điều này là lạ, tôi phải thuật ra đây để quý vị độc giả nhận xét cái nhân tâm về đường tin tưởng trải hơn ngàn năm không thay đổi. Khi các quan vào trường để phụng hành việc thi, gọi là lễ tiến trường, thì trước khi vào có một viên chức đứng ở cửa tiền trường thi, lớn tiếng xướng mấy câu như sau:
'Phụng hành tiến trường lễ,
Báo oán giả tiên nhập,
Báo ân giả thứ nhập,
Chư trường quan dĩ thứ nhi nhập.
(Dịch nghĩa:
Phụng cử hành lễ tiến trường,
Ai báo oán vào trước,
Ai báo ân vào thứ hai,
rồi các khảo quan theo thứ tự mà vào).
Xướng xong mấy câu này, ai nấy im lặng mấy phút, rồi võng hai quan chánh chủ khảo, phó chủ khảo, rồi đến các quan dự việc thi như các quan phân khảo, các quan giám khảo, các quan phúc khảo, và các quan sơ khảo, là các quan ở ban chấm quyển, đến ban kiểm sát có các quan giám sát ngự sử, các quan đề điệu vân vân, cứ lần lượt theo thứ tự mà tiến vào trường. Các quan vào trường xong, cửa trường đóng lại.
Đây là theo cổ tục. Mãy câu xướng thuật trên này khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. Vì có câu xướng như thế nhưng nào có thấy ai đuợc đi trước các khảo quan mà tiến vào trường. Vậy thì báo oán giả và báo ân giả là ai? Báo oán giả và báo ân giả đã không có hình người cho mọi người trông thấy thì xướng câu ấy làm gì và chủ ý như thế nào? Từ lúc này cho đến hôm xướng danh là ngày việc trường xong, chỉ có những viên chức phụ trách việc cung ứng cho các khảo quan đuợc ra vào, và sự ra vào này đã do ban kiểm sát khám xét cho khỏi sự gian lậu.

b. Lệ xướng danh
Trước hôm vào thi kỳ đệ nhất, quan trường đã yết bảng tên các thí sinh nào vào vi nào. Đến đêm, bốn vi đều xướng tên cho các thí sinh vào. Trường đông thí sinh dự thí, thì sự xướng danh này có khi phải bắt đầu từ chập tối. Như vậy thì đến gần sáng mới xong.
Học trò vào thi phải mang những gì? Một cái lều có những gọng bằng tre và một cái suốt ngang, một cái áo lều, hoặc làm bằng vải sơn, hoặc làm bằng giấy bản phất nước cậy. Áo lều là để phủ lên trên, che mưa che nắng mà ngồi trong lều để làm bài. Cần nhất các thí sinh ai nấy cũng phải có một ống quyển, để khi nhận quyển vào thi, thì bỏ quyển vào trong ống, đem quyển ra viết, khi nghỉ viết lại bỏ quyển trong ống, vì phải giữ quyển cho sạch sẽ. Nếu quyển thi có một chút dấu vết là bị phạm trường quy, dù văn bài có hay đến đâu cũng bị loại ngay. Ngoài ra các thí sinh phải mang cơm nước đủ dùng trong một ngày, cùng là đèn nến để viết bài trong lúc trời tối.
Khi thí sinh vào trường quan chánh chủ khảo phải ngồi ở trên ghế cao, ta gọi là ghế chéo ở vi Giáp; quan Phó chủ khảo vi Ất; quan Phân Khảo hay Giám khảo ở vi Tả và vi Hữu. Lúc xướng tên các thí sinh vào trong vi, vì có cấm đem sách vở nên có sự khám xét rất nghiêm nhặt các thứ của thí sinh mang vào, như lều, như chiếu,chõng và các thứ mang trong tráp hay trong yên.

c.Thời hạn thi:
Từ năm canh tí (1900) trở về trước, thời hạn thi hương thường gần đến nửa đêm, sự này là tùy độ lượng của các quan trường rộng rãi hay nghiêm ngặt. Từ năm quý mão (1903) trở về sau, thời hạn thi nhất định là từ sáng sớm đến bảy giờ tối.

d. Trống thu quyển
Thi kỳ nào cũng vậy, cứ độ ba, bốn giờ chiều trở đi là bắt đầu có trống thu quyển. Trống này có ba hồi, song cứ đánh rải rác độ năm phút có một tiếng thùng, cứ kéo dài như thế độ hai ba giờ mới hết một hồi. Từ hồi thứ ba trở đi thì ở trên chòi cao, lính cứ thỉnh thoảng lại đem loa ra gọi
'' Các thí sinh hãy mau mau nộp qưyển, không thì sẽ bị ngoại hàm.'' Những loa gọi này làm cho những thí sinh mới thi một khoa phải mất vía, có người cuống quít không làm được bài nữa. Song đối với các ông đã lão luyện trong trường thi, nghĩa là đã thi hai, ba khoa rồi thì chẳng thèm để ý đến. Các ông ấy cứ ung dung ngồi làm bài cho hay, khác nào như những tướng đã ra trận quen. Còn như học trò mới thi một khoa, mới tối đã phải làm xong mà nộp rồi ra trường, chỉ sợ ngoại hạn.

e. Giấu Nhật Trung
Kỳ nào cũng vậy, từ 10 giờ sáng đến khoảng hai giờ chiều, các thí sinh phải đem quyển của mình, xin đóng cho một cái dấu vào trong quyển thi của mình. Giấu này gọi là giấu 'nhật trung'. Lại phòng đóng giấu vào giữa dòng, rồi thí sinh đem quyển về lều, viết bài tiếp vào dưới giấu ấy.
6. Cách chấm bài thi
Cách phê bài thi bằng bốn chữ ưu, bình, thứ, liệt. Hạng ưu là lời văn rất hay, phê chữ Ưu to hay kém một chút, phê chữ ưu nhỏ, rồi đến chữ bình to, chữ bình vừa vừa, và chữ bình nhỏ. Hạng thứ cũng có nhiều hạng. Thí dụ phê chữ thứ to , gọi là thứ mác to, là hạng kém quyển văn phê chữ bình nhỏ, đến chữ thứ mác nhỏ, đến hạng thứ chấm to, đến hạng thứ chấm vừa vừa , cuối cùng là hạng thứ nhỏ , tục gọi là thứ muỗi. Quyển văn nào đáng loại, thì phê liệt . Quyển thí sinh nào bị phê liệt là bị loại. Có nhiều quyển đệ nhất phê ưu, đệ nhị phê ưu, giá đệ tam được cái thứ muỗi là sẽ liệt vào hạng cử nhân cao, thế mà không may bị phê liệt, thôi thế là bị loại hẳn. Nhiều khi quản quyển thấy có trường hợp nói trên dù các khảo quan có bụng yêu nhân tài, cũng đành phải đánh hỏng, không sao cứu được. Chúng ta nên biết rằng quyển văn phê liệt so với quyển phê thứ muỗi nhiều khi không hơn kém gì nhau, cũng như thi bây giờ phê 10 điểm là đủ moyenne, mà 9 điểm là dưới moyenne. Bây giờ phép thi tuy món nào bị bị phê dưới moyenne, còn lấy món khác bù vào, chứ ngày xưa hễ phê liệt, dưới moyenne là bị loại hẳn, cho nên mới có trường hợp tôi thuật ở trên, thật đáng tiếc cho thí sinh ấy.
Các quyển thi đều phải có bốn dấu chấm. Bốn dấu chấm ấy là quan sơ khảo chấm trước tiên, đến quan phúc khảo, rồi đến quan giám khảo. Ba dấu này gọi là dấu nội trường. Ba dấu này chấm xong, mới đến dấu ngoại trường, là dấu chấm của các quan chánh chủ khảo hay phó chủ khảo hay quan phân khảo. Dấu ngoại trường rất quan trọng, vì quyển nào cũng lấy dấu này làm chủ đích. Thí dụ ba dấu trong phê ưu hay bình, mà đến quan ngoại trường mà đến quan ngoại trường phê liệt thì quyển ấy phải bị loại. Ba dấu trong phê liệt mà mà đến dấu ngoại trường phê ưu hay bình thì quyển ấy cũng dược coi là ưu hay bình. Có một quy chế rất nghiêm về trường hợp này là quyển nào ở ba dấu nội trường( sơ khảo, phúc khảo và giám khảo) cớ dấu nào phê liệt hay cả ba dấu đều phê liệt mà đến quan ngoại trường trái lại phê ưu thì quan nào phê liệt phải phù xuất, nghĩa là phải mất chức khảo quan, không đưọc chấm nữa. Trái lại dấu nội trường sơ phúc hay giám khảo phê ưu mà quan ngoại trường xét lại phê liệt thì quan sơ khảo, phúc khảo giám khảo nào đã phê ưu phải phù xuất. Tuy có quy chế nghiêm thế này, mà tôi xem ra từ trước đến sau, chưa có trường hợp nào quan nội trường bị phù xuất bao giờ, nghĩa là chưa thấy bao giờ trong nội trường phê ưu mà đến quan ngoại trường lại phê liệt, cùng là nội trường phê liệt mà ngoại trường lại phê ưu bao giờ.


7. Cách lấy đỗ ở trường thi Hương
Các thí sinh vào kỳ đệ nhất, quyển nào bị phê liệt là bị loại ngay không được vào thi kỳ đệ nhị. Kỳ đệ nhị cũng thế. Thi xong ba kỳ, thí sinh nào trong ba kỳ, ít nhất phải có một kỳ phê bình, hai kỳ phê thứ mới đuợc để vào hạng cử nhân. Song mỗi khoa thi, mỗi trường thi, triều đình đều định số đỗ trước, gọi là giải ngạch. Cứ một cử nhân thì lấy đỗ ba tú tài.. Thí dụ trường Hà Nam, sau này là trường thi chung cho cả Bắc Việt, giải ngạch cử nhân định là 50 người, thì giải ngạch tú tài sẽ lấy đỗ 150 người. Giải ngạch cử nhân nếu tăng lên lấy 60 người, thì giải ngạch tú tài sẽ lấy đỗ 180.
Vì số giải ngạch nhất định như thế nên có quyển thí sinh ba kỳ có một kỳ bình, hai kỳ thứ mà phải xuống tú tài là vì số đỗ cử nhân đã đủ. Từ đời vua Gia Long đến đời vua Kiến Phúc, các thí sinh đuợc dự vào hàng cử nhân, sau ba kỳ thi rồi , khảo quan cứ lấy đỗ rồi xướng danh cho đỗ. Sau lúc xướng danh mới sát hạch lại hoặc một bài thơ, hay một bài chiếu, biểu để xem ông cử có thực tài không. Nhưng đến khoa giáp thân, năm đằu niên hiệu Kiến phúc, phép thi đổi lại, đặt ra kỳ phúc hạch. Những quyển thí sinh nào trong ba kỳ phải ít nhất một kỳ phê bình, hai kỳ phê thứ mới đuợc vào kỳ phúc hạch. Thi xong kỳ phúc hạch, quan trường mới xem xét cả bốn kỳ mà định quyển lấy đỗ và định trên dưới.


Tôi xem tất cả các kỳ thi thì số thí sinh được vào phúc hạch, khoa nào cũng nhiều hơn số định lấy đỗ. Thí dụ thi trường Hà Nam, năm ấy định lấy đỗ 60 hay năm mươi cử nhân thì số thí sinh được vào phúc hạch tất là trên số giải ngạch, ít ra cũng mươi quyển, có khoa đến 20 hay 30 quyển. Thế rồi kỳ thi phúc hạch xong, quan trường lấy số cử nhân theo số nhà nước đã định trước, còn thừa bao nhiêu, để xuống hạng tú tài.


Vì chế độ thi Hương như vậy, nên đến ngày xướng danh, có một sự hồi hộp lạ thường trong các thí sinh được vào kỳ phúc hạch. Sự hồi hộp này không những là chỉ ở các thí sinh mà đến cả gia quyến, thân thích, bè bạn các thí sinh cũng vậy. Sáng hôm xướng danh, trước giờ đã định, các thí sinh được vào phúc hạch đếu phải chực sẵn trước cửa trường. Vì kết quả không cho biết trước nên mới có sự hồi hộp này. Nhất là khoa nào số được vào phúc hạch nhiều hơn số giải ngạch quá nhiều. Thí dụ số giải ngạch cử nhân định là 50 mà số đuợc vào phúc hạch những 80 thế là có 30 thí sinh phải xuống tú tài.




B. THI HộI
Trường Hội và trường Đình bắt đầu mở từ khoa nhâm ngọ, năm thứ ba đời Minh Mạng. Khoa này đỗ đầu là ông Nguyễn Ý, người huyện Thanh Trì tỉnh Hà nội ( sau đổi Hà Đông). Ông Ý đỗ nhị giáp tiến sĩ ( hoàng giáp). Thi Hội và thi Đình tuy là hai trường thi nhưng kết quả thì có một. Do hai trường thi này, nhà nước lấy các thí sinh trúng tuyển mà cho danh hiệu chánh bảng và phó bảng.


1. Trường thi Hội
Trường Hội mở ở kinh đô Huế cho nên vị trí lịch sự hơn trường hương. Song cách xếp đặt cũng như trường hương. Nhà thập đạo ở giữa, bốn vi ở bốn chung quanh, khi thí sinh làm bài xong nộp quyển mà ra đều phải qua nhà Thập đạo. Bốn vi đều xây tường gạch xung quanh, cứ đến năm có khoa thi thì trong vi làm lều cho thí sinh ngồi làm bài. Vì thế các thí sinh vào thi không phải mang lều chõng chỉ phải mang một chiếu để giải trong lều ngồi mà làm văn, ngoài ra phải mang một cái cháp hay cái yên, trong đựng giấy bút mực và ít thực phẩm đủ dùng trong một ngày, cùng là cây đèn nến để viết khi mặt trời đã lặn vì thời hạn thi từ khoa đinh vị ( 1907) về trước, đều rộng cho đến canh hai, có khi đến nửa đêm.
Các cống sinh vào thi hội lúc xướng đến tên mà lĩnh quyển rồi vào vi đều phải mang áo thụng xanh cả. Số cống sinh dự thí thì khoa nào cũng không đến một ngàn người, nên lều làm trong vi, cứ cái nọ cách cái kia đến hơn mười thước. Cống sinh phải ngồi riêng mỗi người mỗi lều, chừng độ bốn thước vuông, trên lều lợp tranh, xung quanh quây cót kín. Các cống sinh không được qua lều khác mà hỏi nhau về văn bài.



2. Điều kiện dự thi.
Các cử nhân được dự thi đã đành. Ngoài ra các tôn sinh tú tài, ấm sinh tú tài, và học sinh tú tài, ai muốn dự thi Hội phải qua một kỳ sát hạch. Kỳ hạch này cũng mở trước khoa hội độ hai tháng. Hạch có một kỳ, có ba bài, một bài chiếu, môt bài biểu, một bài sớ hay một bài luận. Văn phải được 15 điểm trở lên( bình hạng) mới đuợc trúng tuyển mà vào thi hội. Những tôn sinh tú tài, ấm sinh tú tài và học sinh tú tài đã được trúng kỳ sát hạch mà thi khoa hội năm ấy, nếu ở trường hội được vào đệ tam rồi hỏng thì khoa hội sau lại được thi, không phải qua kỳsát hạch nữa.



3. Chương trình thi
Chương trình thi Hội có bốn kỳ, đệ nhất thi ba bài kinh nghĩa, đệ nhị thi ba bài: một bài chiếu, một bài biểu và một bài luận, đệ tam thi một bài ngũ ngôn Đường luật 8 vần, và một bài phú cũng 8 vần, đệ tứ thi một bài văn sách, cũng gồm cổ văn và kim văn như đầu bài thi Hương, nhưng văn sách hỏi dài hơn, và sách cũng hỏi rộng hơn.
Kỳ đệ nhất, quan trường ra bảy đề mục: năm đề lấy ở ngũ kinh, và hai đề lấy ở tứ truyện ( tứ thư). Cống sinh (thí sinh thi hi gọi là cống sinh) mỗi người phải làm ba bài, hai bài kinh, một bài truyện. Cống sinh nào làm cả bảy bài, gọi là kiêm trị như lệ thi Hương cũng được. Nếu không làm cả bảy bài, thì chỉ làm được ba bài, không đuợc làm 4, 5 hay 6 bài.


4. Lễ tiến trường và cách chấm thi
Lễ tiến trường ở trường hội cũng như trường hương, không có gì đáng kể. Duy ban chấm thi chỉ có hai dấu, một dấu ở nội trường có bốn quan đồng khảo, và ở ngoại trường có ba vị. Một quan chánh chủ khảo, một quan phó chủ khảo và một quan Tri cống cử. Ba vị này đếu chấm cả cũng như các vị đồng khảo ở nội trường. Thí dụ có 400 quyển thi, trước hết chia cho bốn vị đồng khảo chấm, mỗi vị chấm 100 quyển. Bốn vị chấm xong, ông này chấm quyển nào định phê bao nhiêu thì buôm lên số phân định phê, rồi đưa cho ba vị kia xem lại. Khi bốn ông đã đồng ý, quyển nào định phê bao nhiêu phân, lúc ấy mới cùng thự tên:
Đồng khảo Nguyễn Giáp
Đồng khảo Lê Ất
Đồng khảo Trần Bính
Đồng khảo Trương Đinh phụng nghĩ:
Văn lý đắc nhất phân hay nhị phân, tam phân vân vân.
Các quyển thi nội trường đã chấm xong đưa ra ngoại trường, ông chủ khảo giữ bao nhiêu quyển để chấm, còn thì chia cho ông phó chủ khảo và tri cống cử chấm. Các ông chấm xong cũng buôm lên từng quyển, rồi quyển do ông chủ khảo chấm lại đưa cho ông phó chủ khảo và tri cống cử xem lại. Những quyển do hai vị này chấm. Những quyển do hai vị này chấm cũng phải đưa trình quan chánh chủ khảo xem lại. Khi ba vị ngoại trường đều đồng ý, mớI đem từng quyển ra phê.

Quốc gia ta ngày trước, về việc khoa cử rất là chú trọng, trong kỳ thi, thi hương cũng như thi hội đã có bao nhiêu cách đề phòng để trừ cái tệ gian lậu, như nội trong kỳ thi, các khảo quan phải ở luôn trong trường, không đuợc giao thông với ngoài. Thi Hội, thi dình còn có cách đề phòng này nữa. Quyển thi của các cống sinh nộp rồi, rọc phách đi rồi, không đưa ngay cho nội trường là các vị đồng khảo chấm. Những quyển thi này đều giao cho một ban sao tả ra quyển khác. Quyển thí sinh viết bằng mực thì quyển sao ra viết bằng son. Sao tả tất cả các quyển thi xong đã có ban kiểm sát soát lại xem lại phòng sao có nhầm chữ nào không. Khi đã soát xong mới đưa quyển cho các quan đồng khảo chấm. Nội trường chấm xong, đến các quan ngoại trường chấm, đều chấm quyển sao bằng chữ son. Thi Hội thi lấy dấu ngoại trường làm chung thẩm, thi đình lấy dấu hai quan Độc quyển làm chung thẩm. Cách đề phòng này là để các khảo quan không thể nhận được dấu chữ của thí sinh.

Văn bài thi không phê ưu, bình, thứ, liệt mà phê phân, từ một phân đến mười phân. Một phân là thứ con, hai phân là thứ lớn, ba phân là bình thứ, bốn năm phân là bình, sáu bảy tám phân là bình lớn, chín mười phân là ưu. Quyển nào văn dở đánh hỏng thì phê bất cập nhất phân. Bất cập nhất phân tức là liệt.

Thi hương nếu văn của thí sinh nào bị phê liệt thì liền bị loại, không được vào kỳ sau. Nhưng thi hội thì khác. Văn của thì sinh mới bị một kỳ bất cập nhất phân vẫn được vào kỳ sau. Nếu kỳ sau lại bị bất cập nhất phân mới bị hỏng. Thí dụ đệ nhất bất cập nhất phân, vẫn được vào đệ nhị. Đệ nhị được một phân, hay dệ nhất được một phân, đệ nhị bất cập vẫn được vào đệ tam. Đệ tam lại được một phân, vẫn được vào đệ tứ. Thí sinh nào trong bốn kỳ, không bị kỳ nào bất cập mà cũng bốn kỳ được từ bốn đén bảy phân, sẽ được đỗ thứ trúng cách. Hoặc là trong bốn kỳ, có mt kỳ phê bất cập nhất phân, mà ba kỳ khác cộng được từ 8 phân trở lên cũng đươc đỗ thứ trúng cách. Các thí sinh bốn kỳ không bị phê bất cập nhất phân mà cng bốn kỳ đuơc từ 8 phân trở lên được đỗ chánh trúng cách. Như vậy những thí sinh, trong bốn kỳ có một kỳ bất cập nhất phân, còn ba kỳ khác đuợc nhiều phân ( mười lăm hay hai mươi phân chẳng hạn) có đuợc đỗ chánh trúng cách hay không? Trường hợp này không có lệ nhất định. Tôi nhận thấy khoa giáp thìn ( 1904), một thí sinh là Trần Văn Thống, một kỳ bị bất cập, ba kỳ được 13 phân, đuợc đỗ chánh trúng cách, rồi vào thi đình đỗ tiến sĩ, song tôi không thấy lệ định về trường hợp một kỳ bất cập, thì ba kỳ khác phải được bao nhiêu phân mới được đỗ chánh trúng cách.




C. THI ĐÌNH
1. Điều kiện vào thi đình
Từ năm thứ 18 niên hiệu Tự Đức trở về trước chỉ có chánh trúng cách đỗ ở kỳ thi hội mới được vào thi đình, và mới được xếp đặt vào hạng tam giáp, nhị giáp hay nhất giáp, tùy theo kỳ văn đình mà định. Còn những cống sinh đỗ thứ trứng cách ở kỳ thi hội, đều xếp ngay vào hạng phó bảng mà không được vào thi đình. Đến năm thứ 18, niên hiệu Tự Đức đổi lại phép thi. Các thí sinh chánh trúng cách hay thứ trúng cách đều được vào thi đình, rồi nhà vua tùy theo văn đình mà chia ra cho đỗ nhất giáp, nhị giáp hay tam giáp hay phó bảng.


2. Diễn tiến cuộc thi
Thi đình là một khoa thi của nhà vua nên chính vị thiên tử làm chủ khảo. Đến ngày thi, các cống sinh phải chực ở Đại cung môn từ mờ mờ sáng. Kế đó vào trước sân điện Cần chánh đã có một ban giám sát phụ trách việc trông coi. Ban giám sát toàn là vũ quan. Các cống sinh vào ở trứơc sân điện Cần Chánh đứng sắp hàng, số lẻ từ số 1 số 3 trở xuống, và số chẵn từ số 2, số 4 trở xuống, chia ra hai bên, rồi một viên chức phát đầu bài chế sách cho các cống sinh, mỗi người một tờ đầu bài. Đầu bài này viết bằng giấy vàng, cun tròn lại đưa cho cống sinh. Nhận đầu bài xong, cống sinh lạy năm lạy ở trước sân Cần Chánh, rồi về chỗ. Từ giáp điện Cần Chánh quanh hành lang cho đến cửa Đại cung môn là nơi cống sinh ngồi làm bài. Cống sinh ngồi hai bên hành lang đã có chiếu trải sẵn. Số lẻ ngồi một bên, số chẵn ngồi một bên. Thí dụ bên lẻ cống sinh đỗ số trúng cách số một, rồi đến số ba; bên chẵn, cống sinh đỗ trúng cách số hai, rồi đến số bốn. Cống sinh người này ngồi cách người kia độ năm thước. Ban giám sát trông coi luôn, không cho các cống sinh được hỏi nhau. Kỳ thi đình, cống sinh chỉ vào người không, các thứ cần dùng, nhà vua đều ban cho. Quyển thi, giấy để nháp bài trước khi viết vào quyển, bút và mực, đều được ban cho. Sáng sớm có ban bánh và nước trà, buổI trưa ban mt bữa cơm thường, rồi từ trưa đến tối thỉnh thoảng lại ban bánh và nuớc trà. Thí sinh làm bài từ sáng sớm đến tối mịt là hết hạn, vì không có đèn cho nên các thí sinh phải liệu sao cho trước lúc tối phải viết bài cho xong. Một đôi khoa nếu bài chế sách có dài quá, nhà vua gia ân cho cống sinh mỗi người một cây sáp, đó là đặc ân lâm thời, chứ theo lệ thì bài thi phải viết xong trước lúc tối quá.



3. Cách chấm thi
Đầu bài tự vua ra. Kỳ thi đình là kỳ thi của nhà vua, chính nhà vua thân hành ra đầu bài, gọi là chế sách. Bài của các cống sanh làm, gọi là đối sách nghĩa là giải đáp những câu trong chế sách hỏi. Trong bài chế sách hỏi cả cổ và kim. Bởi lý do này vua đặt ra một ban giám khảo để giúp vua chấm bài. Ban này chia làm hai tiểu ban, nghĩa là bài thi có hai dấu chấm, là ban Duyệt quyển (dấu nội) và ban Độc quyển. Duyệt quyển là chấm sơ, có hai vị, thường thường cử các quan tam phẩm hay tứ phẩm sung vào. Độc quyển là chấm phúc, cũng có hai vị, là các quan đọc các quyển thi cho vua nghe mà định sự thủ xả. Chức độc quyển thì thì tất là cử các quan đại thần, hàng thượng thơ, ít nhất là nhị phẩm. Dãu phê lấy dấu ban Độc quyển làm nhất định. Thí dụ quyển thi nào ban duyệt quyển phê có một hay hai phân, ban độc quyển phê ba phân thì theo dấu phê của ban Độc quyển mà lấy đỗ. Ban độc quyển chấm xong, phê xong, mới định quyển nào nên cho đỗ hạng nào, rồi đệ tâu lên để nhà vua định đoạt. Khi số đỗ đã định và đã được chỉ vua chuẩn y, thì kết quả đuợc tuyên bố trước ngày truyền lô hai ngày. Thí dụ mồng mười là ngày truyền lô, thì sáng mồng tám các cống sinh đã phải chực ở bộ Lễ để xem kết quả.



4. Cách lấy đỗ tiến sĩ và phó bảng
Cách lấy đỗ này, từ khoa đinh vị (1907) về trước hoàn toàn căn cứ vào văn đình. Các thí sinh đỗ chánh trúng cách cũng như các thí sinh đỗ thứ trúng cách, hễ văn đình đuợc phê ba phân là đuợc liệt vào hạng tam giáp, đuợc phê bốn hay năm phân là đuợc liệt vào hạng nhị giáp, đuợc phê sáu hay bảy phân là đuợc liệt vào hạng nhất giáp đệ tam danh (thám hoa), đuợc phê tám hay chín phân là đuợc xếp vào hạng đệ nhất giáp đệ nhị danh (Bảng nhãn), đuợc phê mười phân là đuợc liệt vào hạng đệ nhất giáp đệ nhất danh ( trạng nguyên). Nhưng những thí sinh đỗ chánh trúng cách ở kỳ thi Hội, đuợc một ưu điểm hơn hạng thứ trúng cách là khi vào thi Đình, nếu văn đình chỉ phê một phân hay hai phân mà vì là chánh trúng cách ở kỳ thi Hội cho nên đuợc đỗ tam giáp tiến sĩ. Ngoài cái ưu điểm này, các thi sinh đỗ chánh trúng cách cũng như các thí sinh đỗ thứ trúng cách đuợc đỗ nhất giáp, nhị giáp hay tam giáp đôi bên cũng như nhau cả. Xem cách này ta nhận thấy cách lấy đỗ ở trường hội, trường đình chú trọng văn đình nhiều lắm. Thí dụ hai cống sinh, một người văn hội nhiều điểm lắm ( 15 hay 20 phân) được đỗ hội nguyên ( đầu kỳ thi Hội). Đến khi vào thi đình văn chỉ được có một phân, tuy rằng vẫn đưọc đỗ tiến sĩ song phải đỗ cuối bảng. Cùng khoa ấy, một cống sinh ở trường hội, mỗi kỳ chỉ được có một phân, bốn kỳ bốn phân, đỗ cuối bảng thứ trúng cách, vào thi đình, văn đình được phê ba phân, thế là cả hội lẫn đình cộng đuợc có 7 phân, thế mà ông đỗ cuối thứ trúng cách này được đỗ tam giáp tiến sĩ, đỗ trên ông chánh trúng cách, văn đình chỉ có một phân.


Thi Hội và thi đình không có giải ngạch định trước. Khoa nào cũng như khoa nào, cứ tùy văn thi mà lấy đỗ. Bởi thế có khoa đỗ nhiều đỗ ít. Có khoa có thám hoa, hoàng giáp và tiến sĩ, phó bảng, có khoa chỉ có tam giáp đồng tiến sĩ và phó bảng mà thôi. Thi Đình là để nhà vua tùy văn Đình mà cho đỗ chánh bảng hay phó bảng.
Chánh bảng có ba hạng.
Một là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ
Hai là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. ( hoàng giáp)
Ba là Đệ tam giáp dồng tiến sĩ xuất thân.
Hạng đệ nhất giáp lại có ba bậc:
-Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên)
-Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh ( Bảng nhãn)
-Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đê tam danh ( Thám hoa)
Phó bảng chỉ có một hạng là phó bảng.



5. Nghi lễ
Sau khi cuộc chấm thi Đình xong, nhà vua đặt ra nhiều nghi lễ long trọng:
a-Lễ truyền lô: Lễ truyền lô là lễ xướng tên
các ông mới đỗ đại khoa, từ tam giáp tiến sĩ trở lên.
b-Lễ dự yến : vua ban yến cho các tân khoa
c-.Khán hoa: xem hoa ở vườn thượng uyển.
d-Du nhai: dạo chơi các phố phường.
e-Tạ biểu: các quan tân khoa làm biểu tạ ơn vua.
f-Lễ thích điện: ở văn miếu Khổng tử.
Nguyễn Sĩ Giác



Đã đăng
1-Dòng Việt, số 10, California, 2001, tr.74-88.
2-Bên Kia Bờ Đại Dương tập II, số 45, 6-2002



====

No comments: