XIV. HỒI KÝ CỦA LA QUÝ BA VÀ CÁC TƯỚNG TRUNG CỘNG
ĐÃ SANG GIÚP VIỆT NAM TRONG KHOẢNG 1950-1955
Sau trận đánh vào các tỉnh biên giới Việt Hoa, mối bất đồng giữa Việt Hoa không còn thể che đậy được nữa. Lê Duẩn công khai chửi Trung Quốc, và sai bộ ngoại giao viết bạch thư năm 1979 kết tội Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng đã trả lời bạch thư của Việt Cộng.
Như vậy cũng chưa đủ, Trung Quốc ra lệnh cho các tướng Trung Cộng đã sang giúp Việt Cộng trong khoảng 1950-1955 viết hồi ký. Các tướng này đã viết hoặc nhờ các văn nô viết thay cho đến 2001 mới hoàn thành, do nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, in năm 2002. Sau Dương Danh Dy dịch tài liệu này.
Bản bạch thư của Việt Cộng năm 1979 kết tội Trung Cộng âm mưu giữ nguyên trạng hai nước Việt Nam và bắt Việt cộng tuân lệnh:
Sau khi ký kết hiệp định Genève năm 1954, giới lãnh-đạo Bắc Kinh muốn duy trì vô hạn định sự phân chia Việt Nam. Nhưng nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống Mỹ gây hấn để cứu nước và đã đạt những chiến thắng càng ngày càng nhiều.. . . Cũng như sau Hiệp-Định Genève 1954 về Đông Dương,giới lãnh đạo Trung Hoa,sau khi ký Hiệp-Định Ba-Lê về Việt Nam năm 1973,đã mong muốn duy trì nguyên-trạng ở Nam Việt Nam. BẠCH THƯ BỘ NGOẠI GIAO CHXHCNVN 1979
Bạch thư cũng tố cáo dã tâm Trung Quốc muốn xâm luợc châu Á:
Chủ tịch Mao Trạch Đông,trong một buổi họp chánh trị bộ của ủy ban trung ương đảng cộng sản Trung Hoa đã xác nhận như sau :
"Chúng ta bằng mọi giá phải đặt tay lên Đông Nam Á bao gồm Nam Việt Nam,Thai Lan,Miến Điện,Mã Lai và Tân Gia Ba...Đông Nam Á rất giàu về khoáng sản,nó đáng được người ta trả một giá để chinh phục...Một khi nó lọt vào tay chúng ta,chúng ta có thể gia tăng thế lực của chúng ta trong vùng,lúc đó chúng có thể đối đầu cả với Liên Bang Sô Viết-Đông Âu,gió Đông sẽ thắng gió Tây."
Để tiến đến châu Á, Trung Quốc phải dùng Việt Nam để mở lối. Bạch thư viết:
Giới cầm quyền Trung Hoa đã tìm cách cưỡng chế Việt Nam để kiểm soát toàn bán đảo Đông Dương.Trong cuộc gặp gỡ với các đại biểu bốn đảng cộng sản Việt Nam,Trung Hoa,Indonésie và Lào ở Kouang tung vào tháng chín 1963, thủ tướng Chou En-lai đã nói:
"Nước của chúng tôi lớn,nhưng không có lối thoát, vì thế chúng tôi hết sức mong muốn là đảng lao-đông Việt Nam vạch cho chúng tôi một con đường mới hướng về Đông Nam Á"
Sau khi ký kết hiệp định Genève năm 1954,đế quốc Mỹ can thiệp càng ngày càng nhiều vào Việt Nam trong mục tiêu biến Nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới,một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Đông-Nam Á. Giới lãnh-đạo Bắc Kinh muốn duy trì vô hạn định sự phân chia Việt Nam. Nhưng nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống Mỹ gây hấn để cứu nước và đã đạt những chiến thắng càng ngày càng nhiều.
Sau khi xâm chiếm Á châu, Trung Cộng sẽ xâm lăng toàn cầu. Việt Cộng tố cáo tham vọng của Mao:
Trong một khoá họp của Ủy Ban Trung Ương đảng cộng sản Trung Hoa năm 1956,chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói:"Chúng ta phải bằng mọi giá trở nên một cường quốc thế giới hàng đầu trong các lãnh vực văn hoá,khoa học kỹ thuật và kỹ nghệ..Từ đây đến vài thập niên nữa,nếu nước chúng ta không đạt đến đó thì là điều không thể chấp nhận được ! ". Vào tháng chín 1953,trong một khóa họp của quân ủy đảng,chủ tịch Mao Trạch Đông còn nói:"Chúng ta phải chinh phục địa cầu. Đó là mục tiêu của chúng ta."
Trước những lời tố cáo của Việt Cộng, Trung Cộng liền trả lời, nội dung là nói Việt Cộng vô ơn và dối trá.
Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng đó đã là một nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Trung Hoa để đem lại một sự giúp đỡ cho nhân dân Việt Nam.Và sự giúp đỡ mang tính cách hỗ tương.Chúng tôi chẳng bao giờ hối tiếc đã giúp đỡ nước này trong quá khứ,ngay như hiện nay dù có sự chống đối của giới thẩm quyền Việt Nam đối với Trung Quốc.Bởi vì,những điều kiện lịch sử lúc đó đã đòi hỏi chúng tôi phải hành xử như thế. Bạch thư của Bộ ngoại giao Việt Nam chỉ là một thứ tạp nham và là một thú nhận sự chối bỏ toàn di ện tình thân hữu hoa việt.Đó cũng là một hành vi đáng khinh bỉ,một điều hiếm có trong các biên niên của bang giao quốc tế. TRUNG CỘNG TRẢ LỜI BẠCH THƯ VIỆT NAM
Tập Hồi Ký này có mục đích phụ họa với bức thư trả lời của Trung Quốc về bạch thư của Việt Cộng. Tập Hồi Ký này gồm 11 chương, do 6 tác giả viết:
Chương I.La Quý Ba:Hồ Chí Minh đi Bắc kinh cầu viện.
Chương II. Trương Quảng Hoa :Hồ Chí Minh đi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa
Chương III. Vu Hóa Thầm: Vai trò Vi Quốc Thanh
Chương IV, V, VI.Vương Nguyên Tuyền: Vai trò Trần Canh
Chương VII. Độc Kim Ba: Tổng kết tình hình
Chương VIII. Trương Quảng Hoa : Điện Biên Phủ
Chương IX. Như Phụng Nhất: Điện Biên Phủ
Chương X. Trương Quảng Hoa . Tổng kết công cuộc viện trợ
Chương XI. Trương Quảng Hoa: Kết
Vì nhiều tác giả viết cùng một sự kiện, một mục đích nên có nhiều chỗ trùng lặp.
So sánh quan điểm hai bên Hoa Việt, nhất là qua các văn bản kể trên với các hồi ký, ta thấy có nhiều điểm khác nhau.
I. LÝ DO VIỆN TRỢ
Trung quốc vẫn khoe khoang là viện trợ vô vị lợi, chiến đấu là vì tinh thần vô sản quốc tế trong khi Việt Nam tố cáo Trung Quốc có dã tâm:
1. Trung quốc viện trợ là do Hồ Chí Minh van xin, cầu cạnh:
Trung Quốc mới ra đời chưa được bao lâu, mùa đông năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc cung cấp viện trợ và cử người sang giúp Việt Nam.
Tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đích thân bí mật đến Bắc Kinh, yêu cầu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp.(La Quý Ba I)
2. Viện trợ là do Liên Xô phân nhiệm:
Stalin không muốn giúp Việt Nam, đẩy cho Trung Quốc:
“ Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc chứng minh Trung Quốc đã trở thành trung tâm cách mạng của Châu Á, chúng tôi cho rằng, công tác chi viện và giúp đỡ Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc gánh vác thì tốt ”.
2. Trung quốc đã ban ơn cho Việt Nam:
+Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận nước VNDCCH:
Nước Cộng Hoà nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thiết lập quan hệ ngoại giao.
+ Liên Xô khinh bỉ ông Hồ, chỉ có Trung Quốc sẵn lòng giúp Việt Nam:
Ngay tối hôm 6/2 Hồ Chí Minh đến Moskva, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô mở tiệc hoan nghênh. Stalin không đến dự. Mao Trạch Đông rất rõ tâm trạng của Stalin lúc này, Stalin lo lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, là Tito thứ hai . (HK2, Trương Quảng Hoa)
+Viện trợ cho Việt nam vô vị lợi:
Mao Trạch Đông nói tại cuộc họp : “ Chúng ta viện trợ Việt Nam là hoàn toàn không hoàn lại, không có bất cứ điều kiện gì. Tôi thấy hễ là nhu cầu thực tế của Việt Nam, chúng ta lại có thì hết sức cung cấp, phải cung cấp vật tư, cũng phải cử cố vấn quân sự ”.
(HK2, Trương Quảng Hoa)
+Viện trợ theo tinh thần vô sản quốc tế:
Mao Chủ tịch nói : “ Không phải tôi muốn cử các đồng chí đi Việt Nam, mà là Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tôi. Ai bảo cách mạng chúng ta thắng lợi trước, thì phải giúp đỡ người ta, đó gọi là chủ nghĩa quốc tế.
Kim Độc Ba cũng nhắc lại lời Mao:
Người cộng sản là người quốc tế chủ nghĩa, chủ nghĩa quốc tế tức là không chỉ giải phóng quốc gia dân tộc mình, mà còn phải giải phóng tất cả các quốc gia và dân tộc bị áp bức trên thế giới, kể cả nhân dân bị áp bức của nước đế quốc, xây dựng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa trên toàn thế giới. (HK. VII)
Vương Nghiên Tuyền viết:
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trần Canh trong chiến dịch Biên Giới, thực là một mẫu mực của chủ nghĩa quốc tế vô sản.(HK. V)
II. THÀNH QUẢ:
Các tướng Trung Quốc đã khoe khoang thành tích giúp đỡ Việt Nam.
Theo Độc Kim Ba,Trung Quốc đã giúp chấn chỉnh quân đội :
Quân đội Việt Nam phần lớn là tác chiến du kích, chưa qua chiến đấu tiêu diệt binh lực một đại đội địch trở lên. Trước mắt đã thành lập Đại đoàn tức đại đoàn 308, binh đoàn số 4 quân khu Vân Nam Trung Quốc cử đồng chí Vương Nghiên Tuyền làm cố vấn, được Trung Quốc, trang bị đầy đủ đã tiến hành chỉnh huấn, hiện đã di chuyển đến vùng Tây Bắc Cao Bằng. Đại đoàn này có 3 trung đoàn, một tiểu đoàn pháo binh. Hai đại đoàn khác đang thành lập là đại đoàn 304 và đại đoàn 312. Hai đại đoàn này do đang biên chế tổ chức trang bị, chưa thể đảm nhận nhiệm vụ tác chiến lớn.
Cố vấn của đại đoàn 304 là đồng chí Chu Hạc Vân là cán bộ của quân khu Hoa Đông cử đến, lần này sang Việt Nam cùng với Ban chỉ huy đoàn cố vấn. Ngoài ra có hai trung đoàn độc lập đã trang bị đầy đủ, tức trung đoàn 174 và trung đoàn 209. Trung đoàn 74 đã có cố vấn là đồng chí Trương Chí Thiện. Còn có 1 trung đoàn pháo binh, tức trung đoàn 95, đã trang bị đầy đủ sơn pháo, do Trung Quốc trang bị, đã trải qua mấy tháng huấn luyện, đang tập kết ở bắc Cao Bằng. Còn có một số tiểu đoàn độc lập. Chủ lực có thể tham gia tác chiến là đại đoàn 308, trung đoàn 174, 209, trung đoàn pháo binh 95 và 2 tiểu đoàn bộ binh độc lập. Ban chỉ huy đại đoàn chưa chỉ huy tập trung tác chiến ba trung đoàn, Ban chỉ huy trung đoàn cũng rất ít có kinh nghiệm tập trung tác chiến ba tiểu đoàn.
Còn lại là đội du kích, trải khắp cả nước, nằm ở vùng nông thôn rộng lớn, tiến hành tác chiến du kích nhỏ. Võ Nguyên Giáp từng nói đùa : “Đại đoàn 308 tượng trưng Bát lộ quân của Tây Bắc, cho nên các đồng chí Bát lộ quân trước đây làm cố vấn, đại đoàn 304 tượng trưng Tân tứ quân của Trung Quốc, thì do các đồng chí Tân tứ quân trước đây làm cố vấn. (HK VII)
Trương Quảng Hoa là cây bút chính trong tập này. Ông tổng kết thành tích:
Trong chiến tranh Việt Nam chống Pháp, Trung Quốc là nước duy nhất viện trợ số lớn quân sự không hoàn lại. Theo tài liệu hữu quan, Trung Quốc viện trợ cho quân đội nhân dân Việt Nam hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3.000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực, thực phẩm phụ và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men v.v..(HK II)
Trong thời gian hơn 5 năm, Đoàn cố vấn quân sự chủ yếu làm mấy việc dưới đây.
+Thứ nhất : Giúp Quân đội nhân dân tổ chức chỉ huy tác chiến, giành thắng lợi chiến tranh chống Pháp.
+Thứ hai : Giúp quân đội nhân dân tăng cường xây dựng quân sự, nâng cao tố chất quân sự của bộ đội
+Thứ ba : Giúp Quân đội nhân dân tăng cường xây dựng chính trị, nâng cao tố chất chính trị của quân đội.
+Thứ tư : Giúp Quân đội nhân dân đào tạo huấn luyện cán bộ, nâng cao tố chất của đội ngũ cán bộ.
+Thứ năm : Giúp Quân đội nhân dân tăng cường xây dựng hậu cần, nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần.
+Thứ sáu : Hỗ trợ làm tốt công tác viện trợ vật tư quân sự cho Việt Nam, bảo đảm nhu cầu tác chiến và xây dựng của Quân đội nhân dân.(HK .X)
III. TRUNG QUỐC NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Khi các tướng Trung Quốc sang Việt Nam, họ nhìn quân đội Việt Cộng bằng cặp mắt khinh bỉ.
Trong các cây bút, Kim Độc Ba nhận xét gay gắt nhất về quân đội Việt Cộng. Trong chương VII, ông viết nhiều điều, tôi xin nêu vài điểm mà thôi:
(1). Không có tinh thần quyết chiến.
Trong quá trình phía Việt Nam giới thiệu tình hình, chúng tôi hiểu được phía Việt Nam từ Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến người phụ trách chủ chốt các cơ quan đều nói đang chuẩn bị “tổng phản công”. Tổng phản công có nghĩa là quyết chiến, nhưng theo tình hình Việt Nam lúc bấy giờ, phải nói là không có tình hình đó.
(2). Pháo binh kém:
Họ lại không có kinh nghiệm nuôi lừa ngựa, cũng không có thức ăn tinh gồm các loại đậu v.v.. đều chăn thả ăn cỏ dại, nên lừa ngựa rất gầy yếu, có con bệnh tật không thể thồ nổi súng. . . Khi họ hành quân, các chiến sĩ thường vác pháo, rất ít dùng đến lừa ngựa, cho nên cũng không luyến tiếc ngựa mấy. Như vậy đến khi tác chiến, hoả pháo của trung đoàn không thể dùng hết được, chiến sĩ vác pháo hành động cũng chậm chạp, trong tình hình khẩn cấp rất khó kịp thời tham gia chiến đấu. ... (HK. VII)
(3). Hao binh:
Chúng tôi được biết ở chỗ đồng chí Trương Chí Thiện cố vấn trung đoàn 174 ; lần này trung đoàn 174 thương vong rất lớn, nhưng họ không biết con số thực tế, phía Việt Nam không nói thực, đồng chí dự tính số người thương vong có thể lớn gấp đôi số địch bị diệt, là cuộc chiến đấu lợi bất cập hại. Nguyên nhân là cán bộ chỉ huy đại đội trở lên của quân đội Việt Nam không dám áp sát mặt trận chỉ huy, sau khi đánh vào cứ điểm bộ đội tự tác chiến, rất hỗn loạn, cho nên thương vong nhiều không cần thiết.
(4). Tướng và binh hèn nhát:
Bộ chỉ huy tiền phương Bộ Tổng quân đội Việt Nam thấy binh lực địch quá lớn, có chút do dự không nghiêm khắc yêu cầu cấp dưới tiến công. Lúc này chúng tôi kiến nghị với Hoàng Văn Thái đánh dã chiến là cơ hội tốt binh lực địch tuy nhiều, nhưng không tấn công Đông Khê mà lại kêu cứu chứng tỏ địch hoang mang, không nên bỏ lỡ thời cơ tốt. Hoàng Văn Thái tuy có nói với Võ Nguyên Giáp, thấy điệu bộ của Võ Nguyên Giáp nên chưa hạ quyết tâm đánh tiếp. Chúng tôi lập tức báo cáo với tham mưu trưởng Mai, Mai nói với Trần, Vi. Lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Canh, Vi Quốc Thanh cả ba người ở trong một bản gần đó. Trần, Vi nêu kiến nghị với Hồ. Thái độ Hồ kiên quyết lệnh cho Võ Nguyên Giáp nghiêm khắc yêu cầu bộ đội nhất định phải nắm lấy thời cơ tiêu diệt toán địch này. Tối hôm đó, bộ đội của đại đoàn 308, cơ bản đến đông đủ, việc bố trí mới gọi là hoàn tất. Tuy chưa đánh lớn, nhưng địch lại đi lên dựa vào hướng tây, quân đội Việt Nam lại tiến gần mấy cây số, xa lòng chảo Đông Khê, đi vào trong rừng, điều kiện phòng không tốt hơn nhiều. Nhưng chỉ bắn tỉa địch, không xung phong.. . .
Ý của Võ Nguyên Giáp đã đánh 4 hôm bộ đội thật ra rất mệt, nên xem xét ý kiến của bộ đội. Chúng tôi kiến nghị Hoàng Văn Thái, trong giờ phút then chốt này không nên ngừng công kích, không thể để cho địch được dịp xả hơi. Lúc này Võ Nguyên Giáp bảo Hoàng Văn Thái bảo đại đoàn 308 chờ lệnh. . . . Quân đội Việt Nam muốn ngừng công kích tiến hành chỉnh đốn chủ yếu là vì chiến đấu bốn ngày liên tục, khi truy kích binh đoàn Lepage, hành động trong rừng nguyên thuỷ rất khó khăn, bộ đội mệt mỏi, tác phong không nhanh nhẹ, sợ khổ, sợ hy sinh, vả lại chủ yếu là vấn đề cán bộ.
(5). Báo cáo sơ sài, trống rỗng:
Ngày hôm sau được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến đại đoàn, nhưng sau khi trời sáng lại đi. Chúng tôi nghe đại đoàn báo cáo tình hình chiến đấu vừa qua với Võ Nguyên Giáp, là Tham mưu trưởng báo cáo, không nói khuyết điểm nhiều chỉ nói chỉ huy các cấp giỏi như thế nào, nội dung trống rỗng.
(6). Kém chỉ huy
Trong quá trình này, tôi phát hiện chức vụ cán bộ chỉ huy càng cao, càng không hiểu rõ tình hình chiến đấu cụ thể, họ có thể chỉ huy bộ đội khi tiếp cận địch, cũng có thể chỉ huy khi hai bên bắn nhau, một khi bắt đầu xung kích thì họ không hiểu tình hình. Ngược lại, cán bộ cơ sở đa số là tiểu đội trưởng, tiểu đội phó cũng có vài trung đội trưởng và chiến sĩ, khi kể về xung kích, vu hồi hoặc đột kích trận địa địch, đánh như thế nào, bắt địch như thế nào, kể rất cụ thể, và đều là hành động tự động, không có chỉ huy của cấp trên.
(7). Tình báo Việt Nam không chính xác.
IV. NHỮNG BẤT ĐỒNG Ý KIẾN
Trung Quốc là thầy mà Việt Nam cũng có nhiều ý kiến bất đồng. Theo các tướng Trung Quốc, Việt Nam bất đồng nhiều điểm. Tuy ban đầu có bất đồng nhưng cuối cùng , Việt Nam phải tuân lệnh Trung Quốc bởi vì ở đây là quan hệ chủ nô, và suy nghĩ về quyền lợi. Và đó là nguyên tắc chung trong thế giới này. Việt Nam cầu viện Trung Quốc tất phải theo lệnh Trung Quốc. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không muốn bị sa thải hoặc bị giết, tất phải nghe lệnh Mao chủ tịch vĩ đại.
Vì vậy, ta không ngạc nhiên cuối cùng Hồ Chí Minh phải cam tâm làm nô lệ Trung Quốc để được thắng lợi. Võ Nguyên Giáp ban đầu không thuận nhưng khi các tướng Trung Quốc nổi giận, gửi điện cho Mao, hay viết thư cho Hồ. Mao gọi Hồ rầy la, Hồ mắng Giáp, thế là Giáp phải nghe theo. Đúng là "cui đánh đục, đục đánh săng". Sau đây là những trường hợp cụ thể:
1. Trì chiến và tốc chiến.
Trung Quốc ỷ người đông nên thường coi khinh mạng người bởi vậy họ đã dùng chiến thuật biển người và tốc chiến tốc thắng trong khi Việt Cộng binh ít cho nên xảy ra bất đồng.
Tối ngày 4, Bộ chỉ huy Tiền phương Quân đội Việt Nam ra lệnh cho bộ đội tạm ngừng tấn công để nghỉ ngơi chỉnh đốn. Đồng thời Võ Nguyên Giáp gọi điện thoại cho Trần Canh nói : “ Căn cứ phán đoán tình hình địch, hai cánh quân địch sẽ có thể nhanh chóng gặp nhau, lực lượng sẽ được tăng cường. Bộ đội đã đánh liên tiếp 3 ngày liền, tương đối mệt nên chăng rút về nghỉ ngơi chỉnh đốn ? ”
Trần Canh nghe thế vội nói ngay : “ Một trận như thế này mà không đánh nữa thì không có trận nào nữa đâu ”. Võ Nguyên Giáp vẫn kiên trì ý kiến của mình : “ Bộ đội quá mệt tôi thấy rất khó tiến công...” Nhìn thấy thời cơ rất tốt sắp bỏ qua, Trần Canh cũng không nhẫn nhịn được nữa, nói to trước ống nghe : “ Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn ”. Ngừng một lát, Trần Canh lại nói : “ Vào giờ phút then chốt này, bộ chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi ”. Trần Canh dập máy xuống.
Trần Canh suy nghĩ một lát để bình tâm trở lại rồi lập tức cầm bút viết thư cho Hồ Chí Minh . . .. Hồ Chí Minh tiếp nhận kiến nghị của Trần Canh, lập tức ra chỉ thị cho bộ đội tiền tuyến.
Ngày 6/10, Mao Trạch Đông điện trả lời Trần Canh, nêu rõ : “ Các đồng chí phải nhanh chóng, kiên quyết, triệt để tiêu diệt quân địch ở tây nam Đông Khê, cho dù thương vong tương đối lớn cũng không nên quá lo, không nên dao động (phải tính đến trong cán bộ có thể có tình hình đó), ngoài ra, phải bám chặt bọn địch trốn khỏi Cao Bằng, không để chúng chạy thoát. Và phải có bố trí trước việc quân địch ở Lạng Sơn có thể đưa quân chi viện. Chỉ cần ba việc trên được xử lý xác đáng thì thắng lợi thuộc về các đồng chí ”.
Trần Canh xem điện trả lời của Mao Trạch Đông rất phấn khởi, lập tức báo cáo với Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cũng rất phấn khởi. Quân đội Việt Nam được Hồ Chí Minh cổ vũ tinh thần phấn chấn hẳn lên. Trải qua chiến đấu quyết liệt, binh đoàn Lepage đã không chống cự nổi. Chiều ngày 6, Lepage dẫn tàn binh bại tướng lùi về trong hang Dơi cố thủ. Sáng ngày 7, tiểu đoàn 130 quân đội Việt Nam bao vây hang này, người phó của Lepage vừa ra cửa hang, bị một tràng đạn của quân đội Việt Nam bắn chết. Lepage và nhân viên tham mưu đành phải nộp súng đầu hàng quân đội Việt Nam. (HK.III, Vũ Hóa Thầm)
2. Đông Khê và Cao Bằng
Độc Kim Ba viết:
Khi nghiên cứu trận đầu của chiến dịch, ra tay từ đâu, Trần Canh, Vi Quốc Thanh và các đồng chí cố vấn quân sự nhất trí cho rằng, trận đầu nên tấn công Đông Khê, đánh lấy Đông Khê, quyền chủ động toàn bộ chiến dịch nắm chắc trong tay quân đội Việt Nam. Không ít cán bộ trung đoàn trở lên của quân đội Việt Nam chủ trương đánh Cao Bằng trước, nói nếu đánh Đông Khê trước, địch tăng cường phòng ngự Cao Bằng thì càng khó đánh Cao Bằng. Để thuyết phục cán bộ quân đội Việt Nam, tại hội nghị cán bộ ngày 23, 24 tháng 8, tập đoàn cứ điểm và Vi Quốc Thanh đã trình bày lý lẽ có lợi vì sao đánh Đông Khê trước, cuối cùng thống nhất tư tưởng vào kế hoạch đánh Đông Khê trước. (HK. VII)
3. Tây Bắc và đồng bằng
Quan điểm Việt Công là đánh Tây Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn, chi bằng đánh đồng bằng trước. Trung Quốc có ý kiến ngược lại:
Ngay từ tháng 8/1950, khi Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam giới thiệu tình hình cho những cán bộ đi theo đồng chí Trần Canh, nói rất rõ ràng, vùng Tây Bắc Việt Nam là vùng tập trung dân tộc thiểu số, ngôn ngữ không thông, công tác cơ sở yếu, núi cao rừng rậm, đất rộng người thưa, thiếu thốn lương thực, giao thông không tiện, tác chiến đại binh đoàn rất khó khăn, và nói dù cho giải phóng vùng núi Tây Bắc cũng không giải quyết nổi những vấn đề mà Việt Nam đối mặt lúc bấy giờ, cho nên sau khi chiến dịch biên giới sẽ chuẩn bị phát triển về vùng trung du hoặc phát triển theo hướng Hoà Bình ; vùng trung du tức là vùng đồng bằng phía bắc Hà Nội. Sau chiến dịch biên giới, quân đội Việt Nam hành động theo phương án dự kiến này.(HKVI)
Sau chiến dịch Trung Du, Vi Quốc Thanh đề xuất với Việt Nam, kết quả của chiến dịch Trung Du cho thấy, tác chiến với quân Pháp ở vùng đồng bằng có rất nhiều điều bất lợi, không dễ đánh tiêu diệt chiến, chi bằng chuyển sang vùng Tây Bắc, mở chiến trường Tây Bắc. Ý kiến của Vi Quốc Thanh vẫn không được phía Việt Nam chấp nhận. Sau hai tháng nghỉ ngơi chỉnh đốn, quân đội Việt Nam lại mở chiến dịch Đông Bắc vào hạ tuần tháng 3. Lựa chọn chiến trường chính của chiến dịch Đông Bắc là vùng phụ cận Uông Bí trên quốc lộ 18 cách Hải Phòng hơn 30 km về phía bắc. Sau khi nghiên cứu hệ thống phòng ngự trên tuyến quốc lộ 18 của quân Pháp, Vi Quốc Thanh cảm thấy binh lực của địch ở vùng gần Uông Bí quả là tương đối mỏng yếu, cùng phía Việt Nam nghiên cứu và xác định bố trí tác chiến : sử dụng mỗi sư 2 trung đoàn của ba sư 308, 312, 316, tất cả binh lực là 7 trung đoàn, vẫn áp dụng cách đánh tấn công các cứ điểm, đánh chặn viện, lấy tiêu tiêu diệt một số tiểu đoàn địch và giải phóng một số vùng làm mục tiêu tác chiến.. .
Hồ Chí Minh bày tỏ hoàn toàn tán thành kiến nghị này. Các vị lãnh đạo lại thảo luận thêm vấn đề tác chiến vùng Tây Bắc và đi đến ý kiến nhất trí.
Hồ Chí Minh nêu ra với Mao Trạch Đông, chiến dịch Tây Bắc sắp bắt đầu vô cùng quan trọng, tốt nhất mời Vi Quốc Thanh sang lại Việt Nam giúp đánh tốt trận này. Mao Trạch Đông đồng ý ngay yêu cầu của Hồ Chí Minh (HK. IV)
Điểm này, chúng ta nên xét kỹ. Phải chăng Võ Nguyên Giáp và các tướng Việt Cộng không thuận đánh Tây Bắc nên Vi Quốc Thanh tức giận bỏ về nước. Hồ Chí Minh sợ hãi phải tuân theo quyết định của Trung Quốc và phải đich thân sang lạy lục Vi Quốc Thanh, mời y trở lại Việt Nam?
4. Chỉnh trị và quân sự: Học tập chính trị và lập đảng ủy trong quân đội
Tháng 8/1950, sau khi đoàn cố vấn Trung Quốc đến Việt Nam, phía Việt Nam chỉ cần cố vấn giúp đỡ về công tác quân sự, còn về công tác chính trị không muốn để cho cố vấn nhúng tay vào..
.... Tăng cường công tác chính trị tư tưởng cho bộ đội đi sâu tiến hành giáo dục chính trị cơ bản, đó là kiến nghị của cố vấn Trung Quốc được nhiều lần nêu ra kể từ khi bắt đầu công tác giúp đỡ quân đội Việt Nam tháng 8/1950, là kiến nghị mà đồng chí Trần Canh nhiều lần nhấn mạnh trong công tác giúp đỡ quân đội Việt Nam ở Việt Nam năm 1950, nhưng năm 1950, 1951 không được phía Việt Nam coi trọng, thậm chí có cán bộ lãnh đạo không đồng ý. (HK VI)
Cuối cùng, Hồ Chí Minh ra lệnh cho việc học tập chính trị và thành lập đảng ủy trong quân đội.
Theo tinh thần nghị quyết hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, năm 1952, dưới sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra “ nghị quyết về chế độ Đảng uỷ trong bộ đội chủ lực ”, quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng uỷ các cấp trong quân đội Việt Nam và quan hệ với đảng uỷ cao cấp địa phương, nghị quyết đó có tác dụng quan trọng trong việc Đảng Lao động Việt Nam tăng cường sự lãnh đạo đối với bộ đội, tăng cường xây dựng chi bộ của đảng. Bộ tổng còn ra chỉ thị coi trọng đề bạt cốt cát chiến đấu công nông bổ sung đội ngũ cán bộ, nhằm tư tưởng coi thường cốt cán, công nông tồn tại khá phổ biến, ngay sau đó đã mạnh dạn đề bạt một loạt cốt cán chiến đấu đã trải qua thử thách chiến đấu, làm lãnh đạo các cấp từ trung đoàn trở xuống. (HK .VI)
5. Cải cách ruộng đất
Mao Trạch Đông nhiều lần thôi thúc Việt Cộng thực thi CCRD nhưng Việt Cộng ngần ngừ.
Trước đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nhiều lần nêu kiến nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo khác của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc thực hành giảm tô, giảm tức, giảm nhẹ gánh nặng của nông dân, cải thiện đời sống nông dân ở vùng giải phòng Việt Nam, các cố vấn Trung Quốc trong Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng sớm cảm thấy nếu không thực hành giảm tô, giảm tức, phát động hơn nữa nhiệt tình của nông dân tham gia chiến đấu thì muốn kiên trì cuộc chiến tranh chống Pháp lâu dài đến thắng lợi cuối cùng là có khó khăn.
Tuy nhiên, cuối cùng Hồ Chí Minh tuân theo lệnh Trung Xô thực hiện CCRD.
Tháng 1/1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam triệu tập hội nghị toàn thể lần thứ 4, thông qua “ Dự thảo cương lĩnh về chính sách ruộng đất ”, quyết định phát động đông đảo nông dân vùng giải phóng tiến hành triệt để giảm tô, giảm tức động viên hơn nữa tính tích cực của đông đảo nông dân tham gia chiến tranh chống Pháp trên các mặt chính trị, kinh tế. Đó là một quyết định có ý nghĩa lịch sử. Trước đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nhiều lần nêu kiến nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo khác của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc thực hành giảm tô, giảm tức, giảm nhẹ gánh nặng của nông dân, cải thiện đời sống nông dân ở vùng giải phòng Việt Nam, các cố vấn Trung Quốc trong Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng sớm cảm thấy nếu không thực hành giảm tô, giảm tức, phát động hơn nữa nhiệt tình của nông dân tham gia chiến đấu thì muốn kiên trì cuộc chiến tranh chống Pháp lâu dài đến thắng lợi cuối cùng là có khó khăn. Sau khi Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định phát động nông dân thực hành giảm tô, giảm tức, toàn thể cố vấn đều phấn khởi vui mừng, cho rằng, một vấn đề cơ bản trong chiến tranh chống Pháp mong đợi đã lâu bắt đầu được giải quyết, cơ sở quần chúng của chiến tranh chống Pháp sẽ càng thêm sâu rộng hơn, cùng với sự chuyển hướng chiến lược quyết định năm 1952, tăng cường công tác chính trị cho bộ đội, nâng cao giác ngộ chính trị của cán bộ chỉ huy nhất định sẽ thúc đẩy rất mạnh mẽ cuộc chiến tranh chống Pháp phát triển, thắng lợi của chiến tranh chống Pháp có thể đếm từng ngày. (HK. VI)
Hồ Chí Minh không phải thương dân mà trì hoãn CCRD , chẳng qua là nếu CCRD trước 1954 , thì dân chạy về vùng quốc gia mất. Còn sau 1975, Việt Cộng đã tiến hành đấu tranh với tư bản tại Miền Nam. Người đầu tiên được lựa chọn là ông Phạm Sanh, chủ ngân hàng Tín Nghĩa. Vì ông Phạm Sanh đã giúp đỡ dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, lập hãng dệt, làm nhà cửa cho họ ở vùng Ngã Tư Bảy Hiền nên họ cương quyết không đấu tố ân nhân của họ. Vì vậy mà cộng sản tạm lui. Sau đó là vụ Việt Miên, Việt Hoa rối mù, cộng sản không dám tiến hành chứ không phải họ thương dân hay họ giác ngộ.(1)
KẾT LUẬN
Tập hồi ký này có mục đích kể công ơn của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đây là một tài liệu tuyên truyền cho nên người ta nói tốt mà thôi.
Tài liệu này có nhiều điều chưa nói hết:
+Trung Quốc viện trợ hoàn toàn cho không hay có phần tính lãi?
+Trung Quốc không cho biết bọn Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã ký kết những gì?
+Có thật Trung Quốc muốn duy trì hai nước Việt Nam như Lê Duẩn và bộ ngoại giao Việt Cộng tố cáo?Tại sao?
+Trong chiến tranh 1950-1954, Trung Quốc gửi cố vấn đã đành, còn gửi lính sang Việt Nam không? Không lẽ đem tướng mà không đem quân? Trong thư trả lời Bạch Thư Việt Nam, có đoạn " Trong những năm chiến tranh. . .rất nhiều người Trung Hoa "vị nghĩa hi sinh" (martyrs) được chôn cất ở trên đất Việt.. .
Trong chiến tranh ở miền Nam, Trung Quốc đã công khai yểm trợ:
Mùa Hè 1962, chủ tịch HCM và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã qua TH để thỉnh cầu một sự viện trợ quân sự cho các lực lượng võ trang của nhân dân miền Nam. Chỉ trong một chuyến giao hàng, TH đã cung cấp cho họ 90.000 vũ khí nhẹ. Trong những năm sau đó, TH đã cung cấp một sự viện trợ to lớn hơn với súng trường, súng đại bác, cũng như vải vóc, thóc lúa ..v..v.. khi nhân dân miền Nam bị sự phong tỏa của Mỹ ngoài biển cả cũng như trên không phận, sự phong tỏa này đã cắt đứt các đường tiếp tế thóc lúa, các thủy thủ TH, bất chấp những hiểm nguy chết người dưới sự dội bom của Mỹ đã lèo lái các tàu ngoài khơi bờ biển Nam Việt và thả những bao gạo, bọc kín trong bao nhựa. Chính thủy triều dâng lên đã đưa những món quà đó của nhân dân TH đến cho nhân dân Nam VN. Có những thủy thủ TH đã hy sinh tính mạng trong công tác đó.. .. Đầu tháng 4/1965, Lê Duẩn cầm đầu một phái đoàn VN đến Bắc Kinh, thỉnh cầu chính phủ TH gởi quân lính sang hổ trợ cho VN. Ông ta tuyên bố vào dịp đó : « Chúng tôi muốn có những phi công tự nguyện, những chiến sĩ tự nguyện…và những nhân sự cần thiết, kể cả nhân sự chuyên về ngành tái thiết đường xá và cầu cống ». Để đáp lại những đòi hỏi của VN, chính phủ TH và VN đã ký những công ước. Từ tháng giêng 1965 đến tháng 3/1968, TH đã gởi qua VN trên 320.000 binh lính vào những đơn vị phòng không, công binh, hỏa xa và tiếp liệu, có lúc đến 175.000 người trong một năm. Hòa hợp với nhân dân VN, các binh sĩ TH tại VN, đã đem xương máu và sinh mạng của mình ra để bảo vệ không phận Bắc Việt, bảo đảm sự thông trên các trục lộ Bắc Việt. Điều đó đã cho phép quân đội nhân dân VN gởi một số quan trọng bộ đội để chiến đấu tại miền Nam.
Không có tài liệu nào nói rõ nhưng có tướng ắt phải có quân vì người Trung Quốc nhiều. chết không tiếc. Hơn nữa, trong CCRD, người Trung Quốc đã về tận xã thôn miền Bắc. Như vậy, chinh quân đội Trung Quốc bao gồm tướng tá và quân lính đã đóng vai trò chính trong chiến tranh Việt Nam.
Những đều ân nghĩa đó nay thì đã rõ ràng nó nằm trong một âm mưu của người câu cá " buông dây dài để bắt cá lớn", và cũng năm trong chủ nghĩa Đại Hán đế quốc thực dân khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, lấn biên giới Việt Nam và xâm chiếm châu Phi và các nước khác bằng con đường kinh tế và thực dân.
Tập Hồi Ký cũng cho biết Võ Nguyên Giáp cũng có nhiều ý kiến độc lập, và hai bên mâu thuẫn nhau. Chúng ta không phải là nhà quân sự nên không rõ quan điểm ai hay hơn.
Tuy nhiên, chúng ta thấy ông Hồ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp dù biết suy nghĩ nhưng cuối cùng phải tuân lệnh quan thầy mà làm thân nô lệ bán nước và hại dân. Những sai lầm lớn nhất của họ là:
+Theo cộng sản phản lại dân tộc.
+Đọa đày nhân dân trong việc học tập chính trị, kiểm thảo và phê bình.Chính bọn chính ủy bóp chẹt các văn nghệ sĩ trong quân đội vì vậy Trần Dần, Tử Phác đã phản đối và NHân Văn Giai Phẩm đã đứng lên đòi tự do, dân chủ.
+Cải cách ruộng đất: giết hại dân lành, cướp tài sản nhân dân
+Chỉnh đốn đảng: Loại bỏ các giai cấp trí phú, địa hào và tư sản, đưa nông dân và công nhân ngu dốt phá hoại đất nước, giết hại và loại bỏ những người yêu nước.
+Chiến thuật biển người sẽ tiêu tan trước vũ khí tối tân như bom hạch nhân, bom vi trùng. . .
Việc kể công và khinh thị cũng là bệnh bình thường của con người có chút thành công và cũng là bệnh của "Sô vanh nước lớn".
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời ca sĩ mà thương nhau cùng!
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời tướng tá mà thương nhau cùng!
Mâu thuẫn giữa Võ Nguyên Giáp và các tướng Trung Cộng cũng là đương nhiên. Tuy nhiên, Võ Nguyên Giáp và các người khác đã nói về chiến thuật của ông tốt hơn kiểu thí quân của Trung Cộng.( Võ Nguyên Giáp .Chương ba GIẢI PHÓNG BIÊN GIỚI, trong ĐƯỜNG TỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ, nxb Quân đội Nhân dân, 2001; Trung tá Đặng Văn Việt ("hùm xám đường 4") : DE LA RC4 A LA RN4, La campagne des frontières, Ed Le Capucin, 2000)
Nói và viết sách là một chuyện, thực tế thì ai phải theo lệnh ai? Trong nhà binh, lệnh trên ban ra ai dám cãi?
Nguyễn Sơn chê Võ Nguyên Giáp và ông Hồ. Quân Võ Nguyên Giáp chê Văn Tiến Dũng. Quân Văn Tiến Dũng chê Võ Nguyên Giáp. . Trần Văn Trà là đàn em nhưng trong quyển sách của ông Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm (gồm nhiều tập, mới in tập 5 thì bị thu hồi do quan điểm bị coi là không chính thống, nên các tập sau không được xuất bản), ông cho ông là tài gỉỏi và can đảm đã đánh thắng Mỹ , còn Lê Duẩn, Lê Đức Thọ là hèn nhát , kém cỏi., sợ Mỹ .. Lẽ tất nhiên dưới mắt Trần Văn Trà, các tướng Mỹ ngụy là đồ rơm rác, không đáng kể! Hồi ký này cũng cho ta bài học: "Qua sông nên phải lụy đò" và thân phận nhược tiểu!
Nói chung, tập hồi ký này mang nhiều tính chủ quan, nhất là giọng điệu khúm núm tôn sùng Mao Trạch Đông, mỗi câu, mỗi hàng đều kính cẩn nhắc lời Mao Trạch Đông. Đó là văn phong của bộ hạ Mao Trạch Đông mà cũng là quy cách của văn chương cộng sản nói chung xuyên suốt từ Lenin, Stalin, Mao và Hồ.
____
(1). Phản biện của người dịch:
Về diễn biến ở Điện Biên Phủ cho thấy rõ Vương Nghiên Tuyền đã không ngần ngại bóp méo sự việc để tranh công, khiến cho người đọc phải nghi ngờ cả những phần khác, có thể nói đúng về công tích thực sự của các cố vấn.
Cũng cần nhấn mạnh là bài viết này cho thấy rõ : (1) Mao Trạch Đông và đoàn cố vấn Trung Quốc đã liên tục gây sức ép tiến hành cải cách ruộng đất và thanh lọc quân đội ngay từ năm 1950 -- cũng phải nói thêm : sức ép đầu tiên đến từ Stalin ; (2) Hồ Chí Minh và ĐCSVN đã nhiều lần trì hoãn, cuối cùng đến năm 1953 đã tiến hành "giảm tô giảm tức" (trên thực tế, những cuộc đấu tố đã được tổ chức ngay trong thời kì nảy), tháng 12.1953 thì làm thí điểm cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên (nạn nhân đầu tiên, như ta biết, là bà Cát Hưng Long, người dã nuôi dưỡng bộ đội và nhiều cán bộ lãnh đạo). Sau Hiệp định Genève, 5 đợt cải cách ruộng đất mới được tổ chức, với những sai lầm tác hại, những tội ác ghê gớm và những hậu quả nghiêm trọng mà mọi người đều biết. Ở đây không phải chỗ để bàn sâu về mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất & chỉnh huấn và chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng có thể nêu ra một vài ý để phản biện những luận điểm "mao... nhiều" của cố vấn họ Vương :
* ở mặt trận Điện Biên Phủ, bộ đội và cán bộ chưa bị tác động tai hại của cải cách ruộng đất : các sĩ quan, phần lớn là thành phần tiểu tư sản, chưa bị thanh lọc nhiều, bộ đội, hầu hết là nông dân, lên tình thần nhờ những hứa hẹn về ruộng đất ; những cuộc "chỉnh huấn" tuy đã nặng mùi mao có lẽ chưa biến chất được long yêu nước của binh sĩ, các phần tử lưu manh, tố điêu chưa được đề bạt nhiều để gây tác hại lớn ; tóm lại, hứa hẹn cải cách ruộng đất có lẽ đã tác động tích cực lên tinh thần chiến sĩ trong khi những tác hại "tả khuynh" trong giảm tô giảm tức chưa kịp ảnh hưởng tới bộ đội và cán bộ (theo nhiều chứng từ, tác động tiêu cực sẽ ập tới sau ngày toàn thắng ở Điện Biên)
** không thể viết lại lịch sử, nhưng có thể giả sử : nếu ĐCSVN tiến hành cải cách ruộng đất ngay từ năm 1951, với những hậu quả tai hại thấy rõ hai năm sau đó, thì kháng chiến Việt Nam có khả năng giành chiến thẳng như ở Điện Biên Phủ không ?
*** Tháng 10.1956, lãnh đạo ĐCSVN đã công khai xin lỗi nhân dân và đảng viên về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, nhưng vì những lí do đáng được tìm hiểu cặn kẽ hơn, ĐCSVN chưa hề thực sự rút kinh nghiệm rạch ròi về cuộc cải cách ruộng đất. Cái nhìn sáng suốt, tỉnh táo, và cái nhìn giáo điều, mù quáng vẫn "chung sống hoà bình" trong giới lãnh đạo. Một mặt, ta biết rằng trong thời kì 1953-54, ông Lê Duẩn, bí thư Trung ương cục, đã sáng suốt cương quyết không tiến hành cải cách ruộng đất ở Nam Bộ. Mặt khác, nhiều chứng từ cho biết khoảng năm 1964-65, đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn có ý tiến hành cải cách ruộng đất ở miền Nam (với mục đích rất thiện ý là động viên nông dân, chuẩn bị cuộc tiến công 1968). May sao, nhiều cán bộ miền Nam (Trần Bạch Đằng, Ban nông thôn...) đã cực lực phản đối, và họ được một bức điện của chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ : "Bác nghe nói chú T có chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện triệt để. Bác khuyên chú đừng làm, làm là sai, dứt khoát sai thôi" (chứng từ của ông Mười Thơ, xem Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-1975, tập II, nxb Khoa học xã hội, 2005, trang 1004).
XV. MA CHIẾN HỮU
Truyện "Ma Chiến Hữu" của nhà văn Trung Quốc là Mạc Ngôn do Dân Tộc xuất bản năm 2004, Trần Văn Hỷ dịch ra Việt văn, do Văn Học chi nhánh phía Nam kết hợp với công ty Phương Nam ấn hành đầu quý I/2008, dày 198 trang, tái bản vào tháng 1/2009, dày 214 trang .Mặc Ngôn là một nhà văn nổi tiếng đã có bảy tác phẩm. Tác phẩm này ở Việt Nam đã gây nên một cuộc tranh luận và sách bán rất chạy. Nội dung viết về cuộc chiến tranh Việt Hoa năm 1979.
Trước đây, người Trung Quốc đã viết về chuyện ma quái, thần tiên như Tây Du Ký,Phong Thần, Liêu Trai Chí Dị. Sau Mao Trạch Đông lên cầm quyền giở giọng Mac xit khoa học, bài phong phản đế, cấm loại văn chương ma quái và lãng mạn.Việt Nam cũng theo đuôi ông thầy Trung Quốc vĩ đại. Ấy thế mà gần đây Bảo Ninh đã viết về truyện ma trong quân đội và Mạc Ngôn cũng vậy.
Truyện này là truyện ma, là cuộc gặp gỡ và chuyện trò giữa hồn ma và người sống. Hồn ma cho biết hồn và 1207 đồng chí trú ngụ tại nghĩa trang liệt sĩ Ma Pha ở Vân Nam. Hồn thuật lại đời sống của hồn lúc sinh tiền và sau khi chết đi.
Mở đầu là một cảnh lụt ở miền Nam Trung Quốc. Triệu Kim là người thuật chuyện định băng qua cầu đang ngập nước để về nhà nhưng có tiếng kêu gọi Triệu Kim trở lại, khuyên Triệu Kim đừng qua cầu vì nước sẽ cuốn trôi cầu. Triệu Kim nghe lời, leo lên cây nói chuyện với người kia. Triệu Kim nhìn thấy người đối thoại là Tiền Anh Hào, bạn đồng đội đã cùng chiến đấu tại chiến trường biên giới và cũng là bạn đồng hương đã quen nhau từ nhỏ. Tiền Anh Hào đã chết trong ngày đầu tiên cuộc chiến, sau 13 năm, hai bên âm dương mới gặp lại nhau.
Đúng như tên truyện theo nguyên tác " Chiến Hữu Trùng Phùng", đây là cuộc tái ngộ của các chiến hữu. Tác phẩm hé mở cho ta thấy con người và đất nước của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
I.CUỘC ĐỜI VÔ NGHĨA.
1.Sống vô nghĩa.
Tiền Anh Hào là một chiến sĩ giỏi, môn cận chiến, ném lưu đạn, xạ kích, gài bộc phá môn nào cũng khá, đã đạt thành tích phá kỷ lục toàn quân về môn ném lưu đạn (tr.16).Tiền Anh Hào là người lanh lợi thế mà không được đề bạt làm tiểu đội trưởng và kết nạp đảng và cũng không được phục viên bởi vì có đánh giặc ở phía nam ( tr.16, 17). Tiền Anh Hào như cái tên cha mẹ đặt ra là ôm giấc mộng trở thành anh hùng như Đổng Tồn Thụy , và anh cũng rât xứng đáng làm anh hào nhưng tiếc thay vận hậu chẳng ra gì (35). Khi ra trận, anh chưa lập được công trạng gì thì đã chết một cách lãng xẹt vì anh bạn đồng đội La Nhị Hổ phía trước nhổm đít lên cao làm lộ mục tiêu.(28)
2. Chết cũng vô nghĩa.
Hồn nói về sinh hoạt ở cõi âm. Tiền Anh Hào nói rằng cái chết của anh là vô nghĩa:
Triệu Kim à, cậu có thấy tớ chết oan không? Vừa vào chiến trường, một phát súng chưa kịp bắn ra, một quả lựu đạn chưa kịp ném đi mà người ta lại hồ đồ. Giấy chứng nhận liệt sĩ bố tớ đã có, nhưng thực tế tớ chết chẳng ra gì…” (tr. 28).
Triệu Kim cũng cho rằng cái chết của Tiền Anh Hào là vô nghĩa:
" Tớ đau khổ nhưng không phải vì cậu chết mà vì cái chết của cậu chẳng có ý vị hùng tráng nào"
(28).
Cuộc đời, nhất là cuộc đời nhà binh mất tự do, xuống cõi âm, các hồn ma cũng mất tự do, vẫn là một trại lính: "Nói cho cậu hay, đừng bao giờ nghĩ rằng bọn tớ đã chết là hoàn toàn tự do. Không có chút tự do nào hết (27).
Họ vẫn ở trong quân ngũ, vẫn vào ra trình giấy tờ, điểm danh, tập họp, quay trái, quay phải, bước đều (40). Họ vẫn sinh hoạt văn nghệ, vẫn có những trò ma mảnh lường gạt nhau, hoặc những trò ngốc nghếch đưa những đưá ngu dốt ,khờ dại làm cấp chỉ huy (28).
Chúng tớ lập thành một trung đoàn. Trung đoàn trường vốn là một trung đoàn trưởng khi còn sống , sau khi chết vẫn được đề bạt làm trung đoàn trưởng (27).
Chết rồi mà vẫn tổ chức binh bị để làm gì? Phải chăng Mạc Ngôn muốn nói cái chết chỉ là cuộc sống nối dài đầy đau khổ và vô nghĩa. Danh từ giải thoát của nhà Phật là vô nghĩa, là không bao giờ có.
II. CHIẾN TRANH VÔ NGHĨA
Mục đích chính của Mạc Ngôn là nói về chiến tranh Hoa Việt. Mạc Ngôn cho rằng đây là một cuộc chiến tranh phi lý.
Cái phi lý thứ nhất là hai bên đều là cộng sản. Họ có thời liên hệ mật thiết, đã gọi nhau là "đồng chí anh em" trong phong trào " quốc tế vô sản", chứ không phải là đấu tranh giai cấp giữa tư bản và cộng sản. Tại Việt Nam, Nguyễn Duy đã nói:
AQ túm tóc Chí Phèo/ để hai bác lính nhà nghèo đều thua."
Đấy không phải là cuộc đấu tranh giai cấp nhằm giải phóng nhân loại khỏi áp bức, bóc lột mà là một cuộc chiến tranh giữa hai ông lãnh chúa, cuộc chiến tranh giữa nước lớn và nước nhỏ.
Cái phi lý thứ hai là giả dối. Vì quyền lợi, vì tham vọng, vì sự tức giận cá nhân, hai bên xua quân đánh nhau bất chấp sinh mạng binh sĩ và nhân dân. Chiến tranh Trung Xô , chiến tranh Trung Việt và chiến tranh Miên Việt chỉ là cuộc tranh chấp của các đại vương muốn tỏ ra mình mạnh. Họ là những kẻ hiếu chiến thế mà luôn nói hòa bình thế giới và tự do, dân chủ.
Bọn lãnh đạo đảng và chỉ huy quân đội luôn lên tiếng dạy dỗ binh sĩ, giáo dục nhân dân, tỏ ra vì dân vì đảng, nhưng thật ra là vì tham vọng của họ. Họ giết dân, khủng bố dân, không thực thi dân chủ, bắt nhân dân và binh sĩ phải tuyệt đối phục tòng:
“- Đồng chí này, tư tưởng của cậu có vấn đề rồi đó… Trên thế giới này không hề có tình bạn vĩnh viễn cũng không hề có một kẻ thù vĩnh viễn. Quan hệ giữa con người và con người là như vậy, quan hệ giữa nước này và nước khác cũng như vậy. Mâu thuẫn tích lũy đến một mức độ nhất định nào đó tất sẽ đánh nhau, đánh nhau thì tất sẽ có dừng. Không đánh nhau ắt không có ngày hòa bình hôm nay, cậu có hiểu không?
- Không hiểu! – Hoa Quang Trung lắc đầu nói.
- Không hiểu cũng chẳng sao, chuyện quốc gia đại sự không cần dân đen lo lắng, cũng chẳng cần người chết phải bận tâm”(56).
Câu giải thích trên là do bọn lãnh đạo cao cấp truyền xuống để che đậy đường lối chính trị ngoắt ngoéo của chúng. Marx quan niệm vô sản phải chôn sống tư bản, Stalin đưa ra quan điểm phân biệt bạn thù, không khoan nhượng với kẻ thù. Mao rất tức giận khi Khrushchev tố cáo tội ác Stalin và chủ trương sống chung hòa bình với tư bản.
Vậy thì lời nói trên là trái với Marx, Stalin và Mao. Chủ nghĩa Marx cương quyết đấu tranh, làm sao lại có quan niệm có thể sống chung, bắt tay với kẻ thù? Câu này mà nói vào thời Mao chắc chắn là đi chầu Các Mac-Le nin sớm!
Câu nói trên cũng mở ra một khoảng trời bao la và phức tạp trên phương diện thực tế và lý luận. Nào có phải chiến tranh Hoa Việt 1979 là vô nghĩa, là phi lý, mà phần lớn cuộc chiến tranh của Cộng sản , nhất là cộng sản Trung Quốc đều phi lý và vô nghĩa. Trung Quốc nhờ Liên Xô viện trợ thế mà lại chống Liên Xô! Trung Quốc chống Mỹ mà sau lại hợp tác với Mỹ rồi lại chống Mỹ! Trung Quốc nói lên 16 chữ vàng nhân nghĩa mà thực tế xâm lăng Việt Nam. Trung Quốc hô hào bảo vệ hòa bình thế giới lại đơn phương muốn chiếm biển Đông và xâm lược thế giới. Mạc Ngôn không nói nhưng thực ra ông nói rất nhiều. Ông quả là một người Trung Hoa hiểu biết và nhân hậu, yêu hòa bình.
Con người luôn giả dối. Họ đề cao lòng yêu nước, tính anh hùng của quân nhân. Họ đã bắt lính học chính trị, họ đã mở tiệc tiễn quân ra trận.Họ bày nhiều trò, nào là cắt máu viết lời thề (17, 32). Họ nói những lời rất đẹp : Chúc đồng chí lập nhiều công, giết nhiều địch để làm rạng danh quan đội anh hùng (17).. .Cá nhân phải phục tùng tổ chức, thiểu số phục tùng đa số, tăng cường tính kỷ luật, cách mạng mới có thể thắng lợi…” (19)
Một số binh sĩ đã nghe lời họ. Tiền Anh Hào, Quách Kim Khố, La Nhị Hổ và bao anh lính nông dân khi ra trận vẫn ôm mộng thành anh hùng quân giải phóng, làm những Đổng Tồn Thụy, Hoàng Kế Quang, Khâu Thiếu Vân như trong các phim ảnh tuyên truyền của Trung Cộng(tr.33) . Cái trò này cũng đã do Mao Trạch Đông truyền qua Việt Nam mà có những Lê Văn Tám, La Văn Cầu, Nguyễn Văn Trỗi! Cái danh hão một thời làm con người trở nên cuồng tín, mù quáng.
Người lính Trung Quốc đã tuân theo lời lãnh tụ và cấp chỉ huy lăn xả vào quân địch mà chết. " Cậu đeo trên người 18 quả lựu đạn, một khẩu liên thanh với 180 viên đạn nhưng chưa kịp bắn một viên đạn, chưa kịp ném một quả lựu đạn nào mà đã chết, tiếc ơi là tiếc!"... . Lại một loạt pháo nữa nổ vang kinh động cả đất trời. Một phát súng lệnh nổ lên , tất cả cùng gào lên, cùng chồm dậy, cùng vất súng và lao về phía trước (33).
Cách đánh của Trung Quốc rất lạ. và cũng rất giản dị. Họ dùng chiến thuật biển người. Khi cấp trên ra lệnh xung phong, không cần cầm súng, binh sĩ cứ xông vào. Địch bắn hết đạn, hoặc súng đỏ lòng lên, rốt cuộc phải bỏ chạy. Tại Việt Nam người ta cũng làm vậy. Tất cả phải lăn vào cõi chết. Ai không xông lên là bị cấp chỉ huy ở đàng sau xử tử. Ai đào ngũ bị xử tử. Người ta còn xích người lính vào đại bác và xe tăng. Người lính không thể chạy đi đâu mà chỉ có thể "hy sinh anh dũng" để thành những liệt sĩ cho đảng quang vinh!
+Cuộc chiến tranh này mang tính cách bi hài vì cả hai đều dùng chung một loại vũ khí, cùng chung một kỹ thuật chiến tranh và cùng theo chủ nghĩa Mác:
Một tiểu đoàn thiện chiến của địch chiếm cứ cao điểm Không tên, với những vũ khí là súng tiểu liên xung kích, trung liên và pháo cối. Tất cả đều là súng do Trung Quốc chế tạo. Vũ khí Trung Quốc đối đầu với vũ khí Trung Quốc thắng hay bại đều do con người quyết định (31).
+Các lãnh tụ, các tướng tá sống trong nhung lụa, không biết nỗi đau của chiến sĩ như hồn một liệt sĩ đã làm thơ gửi mẹ:
“Ai da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá,
Thân hình con đã bị đạn xuyên qua.
Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa,
Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi!
Tiếng kêu thương ấy vẫn văng vẳng bên tai con,
Tôi chẳng tội tình gì sao bắn vỡ đầu tôi
Nó ngăn trở giòng máu trong tôi, tôi sắp chết
Vĩnh biệt mẹ, mẹ yêu, vĩnh biệt! (41)
Không phải một vài linh hồn hồn bất mãn mà hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu tử sĩ đã khóc vì chiến tranh phi lý và phi nghĩa:
“Hoa Trung Quang… cúi đầu lặng lẽ khóc. Tiếng khóc rất dễ lây lan, nhiều chiến sĩ cũng bật lên nức nở. Tiếng khóc to dần, phát triển thành đợt cao trào. Có những tiếng khóc rất nhọn sắc như cố ý ngẩng cao cổ lên để phát ra tiếng khóc quái dị” (tr. 171).
Năm tháng họ sẽ bị quên lãng khi nắm xương tàn của họ cũng đã mục nát.Đặng Trần Côn đã viết hàng mấy thế kỷ trước:
Chinh phu, tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.
Người Trung Hoa có câu" Nhất tướng công thành vạn cốt khô"( Phơi xương trăm họ nên công một người). Bọn lãnh tụ hưởng hết những công lao động của công nông và thành tích của chiến sĩ để thành những bí thư, tỉnh ủy, trung ương ủy viên, bộ chính trị, còn trong chiến tranh Việt Hoa, chiến sĩ chết đi thì thành ma, còn người sống cũng thành quỷ. Quách Kim Khố là một chiến binh tiêu biểu cho hàng ngàn, hàng vạn thương bệnh binh trong cuộc chiến Việt Hoa. Anh nói:
“- Tai tớ bị đạn làm cho điếc rồi… Miệng tớ cũng bị lửa đạn thiêu cho cháy sém… nhưng cái gì chờ tớ nào? Phục viên! Đ. mẹ nhân gian sao mà bất công!” (tr. 131); “Bây giờ thì bộ dạng tớ thế này, có ra thể thống gì đâu, trắng tay hoàn tay trắng… sống không bằng chết” (tr.137).
+Năm tháng trôi qua lạnh lùng. Hết đánh nhau người ta lại sống chung hòa bình với 16 chữ vàng. Nhân dân hai nước và hồn các tử sĩ đều bất mãn cho những hy sinh vô nghĩa trước đây. Hồn Hoa Trung Quang tiêu biểu cho nhân dân và quân đội Trung Quốc bất mãn về mối liên hệ Việt Trung. Anh nói: Tôi càng nghĩ càng cảm thấy mình chết thật là oan uổng (56).
Bọn lãnh tụ cũng biết nhân dân và chiến sĩ oán hận. Chúng ra sức thuyết phục mong xóa tan bất mãn của nhân dân:
Trong thời gian gần đây , chung quanh vấn đề mở cửa biên giới, nhân dân hai nước nối lại tình hữu nghị truyền thống, có một số người cảm thấy trong lòng có chút uất ức, có người còn bình luận không mấy tốt về vấn đề này, nào là "máu của chúng ta đổ vô ích", nào là hy sinh của chúng ta chẳng có giá trị gì". . . Các đồng chí! Những suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm.Các đồng chí! Chúng ta là quân nhân, thiên chức của chúng ta là phục tùng mệnh lệnh. Cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu, chúng ta phải xông lên tới đó. Tình hình thế giới không ngừng thay đổi. Quan hệ giữa các nước với nhau cũng không ngừng thay đổi ( 171).
III.XÃ HỘI NGHÈO ĐÓI, BẤT CÔNG VÀ THAM NHŨNG
Trung Quốc và một số học giả ngoại quốc ca tụng Trung Quốc giàu mạnh, nhưng dưới mắt Mạc Ngôn, Trung Quốc là một nước vô cùng bi đát.
1. Trung Quốc nghèo đói thê thảm:
Mao và Đặng huyên hoang đảng cộng sản Trung Quốc là đảng của nông dân, tranh đấu cho nông dân, nhưng nông dân có lợi gì? Nông dân khổ bằng hay khổ hơn thời quân chủ? Bố mẹ, vợ con của những binh sĩ này có hơn AQ của Lỗ Tấn không?
Ta hãy nghe Khương Bảo Châu, người lính Trung Quốc kể lể về bố mẹ mình và vợ con mình:
Bố mình mắc bệnh lao, chỉ cần cử động mạnh là thở không ra hơi. Chẳng biết làm gì để có cái ăn. Chính quyền đã có chính sách hỗ trợ nhưng chỉ dựa vào khoản trợ cấp này thì liệu có sống được không? Do vậy mà phải cắm cúi ngoài đồng. Ai làm việc nặng nhọc nhất. Chỉ dựa vào mẹ mình thôi . . . Vợ mình quá khổ. Một mình chăn sóc và trồng đến hàng mẫu bông, mang gùi trên lưng cả cả ngày ngoài đồng hái lá thuốc, bỏ đứa con chỉ mới đầy tháng ở nhà. Con bé nửa tuổi của mình chỉ mặc một chiếc áo ngắn che đến rốn, còn thân dưới thì hoàn toàn trần truồng, mình sờ tay vào mông nó thấy lạnh căm căm (49).
Trung Quốc thu về hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ mỗi năm, vậy đảng công nông của Mao, Đặng có chia cho nông dân vài đồng nguyên không?
Gia đình người lính như thế, bối cảnh xung quanh cũng thế. Không có tiện nghi , không có nồi niêu, không có phích nước, và không có nước để uống:
“Ngay cả nước sôi cũng chẳng có, mẹ mình vét mấy hạt cơm dưới đáy nồi bỏ vào phích nước đã hỏng…, lát sau mở ra đã ngửi thấy một thứ mùi quái dị xông lên. Con mình uống cái thứ nước ấy” (tr. 47)
Đa số thanh niên không muốn đi lính nhưng trong chế độ cộng sản, một số thanh niên thích đi lính vì đi lính có cơm ăn, áo mặc còn ở nhà thì hoàn toàn đói rét.
Chúng mình trong bộ đội được ăn cơm trắng bánh mì thơm, con cái ở nhà, ngụm nước sôi cũng không có. Bạn biết rồi đó, nguồn nước vùng mình vừa có phèn, vừa mặn, mùi vị còn khó uống hơn cả mùi thuốc bắc, con bé làm sao có thể uống (49).
Tình trạng những người dân, người lính Trung Quốc này giống tình trạng người dân, người thanh niên miền Trung Việt Nam. Những dân miền Trung sỏi đá, có nơi quanh năm ăn khoai sắn, bắp, thỉnh thoảng mới được ăn cơm, quanh năm đói rét nên thích đi lính, thích làm công an và vào đảng để đổi đời! Ông bố chiến sĩ Trung Quốc quan niệm đi lính là lên thiên đàng:
Hai năm rời khỏi nhà, ăn được hai năm cơm ngon, mặc được hai năm áo mới, coi như chẳng uổng phí một đời (52).
2. Trung Quốc tham nhũng và bất công xã hội
Mạc Ngôn không nói nhiều nhưng qua câu chuyện của hai ông bố chiến sĩ thôn quê, ta có thể thấy hết cái nghèo và tệ tham nhũng của chế độ Mao và Đặng.
Cứ xem là nhà tôi đã khá. Thằng con tôi trước đây cũng đã từng làm công việc tẹp nhẹp trên huyện, cúi đầu xếp vó trước người ta. Tôi đã khích lệ nó, bán một con lợn to đùng, chặt ba cây ngô đồng, tất tần tật được ba trăm đồng mua đủ loại rượu và thuốc lá đi thăm tất cả lãnh đạo ở huyện rồi yên tâm mà chờ đến đợt cải tổ nhân sự, ngay lập tức con tôi được đề bạt lên chức cục trưởng, quản lý đến mấy nghìn người. Bây giờ nó ngồi xe con bóng lộn, thuốc lá thơm ngoại nhập, uống rượu hảo hạng, bữa ăn nào cũng bảy, tám món, ăn một mà nhìn đến hai ba phần, trong nhà nuôi con chó béc giê chỉ biết ăn thịt ăn cá, ăn đến nỗi lông bóng mượt, không sủa gâu gâu mà sủa oang oang, chẳng giống chó mà xem ra giống hổ hơn. Vợ con nó cứ ngồi hưởng phúc, phúc còn cao hơn cả núi, sâu hơn cả biển (52- 53).
Người ta cho rằng quân Tàu Ô của Tưởng Giới Thạch nghèo đói, bệ rạc, và quan lại Tưởng Giới Thạch tham nhũng nên Mỹ phải rút lui. Thật ra quân Mao Trạch Đông cũng nghèo đói, tham nhũng và thêm vào đó là tàn ác.Việt Nam và Trung Quốc là hai ông đồng bệnh! Cả hai đã theo Mác, cả hai đã đi xuống tận cùng của XHCN, cả hai đã trở lại tư bản chủ nghĩa và cả hai đã bóc lột nhân dân , cướp tài sản nhân dân.
Những người ngây thơ, phải chăng trong đó có Marx, tin rằng sau khi cướp tài sản tư bản, giết và bỏ tù tư sản thì không còn ai bóc lột, không còn bất công xã hội, thế giới hoà bình. Họ đều lầm. Con người vốn có lòng tham. Anh thanh niên trong tác phẩm " Sống và Chết ở Thượng Hải," lúc theo Mao, lúc theo Giang Thanh và bọn bốn tên, lúc hăng say học Anh văn để làm tôi tớ cho tư bản, hành vi khác nhau nhưng tất cả đều cùng một mục đích vị lợi. Ông Hồ viết "Sưả Đổi Lề Lối Làm Việc", chống quan liêu, tham ô, lãng phí, nhưng ngay từ buổi đầu trường kỳ kháng chiến gian khổ, chân tay thân tín của ông, Trần Dụ Châu là một đại tham nhũng. Ông Hồ ra lệnh giết Trần Dụ Châu là giết thật hay giết giả?
Cái tâm lý làm quan không phải chỉ ở trong thời quân chủ mà thời CHXHCN cũng có mà còn có mạnh hơn. Cái tâm lý ưa giàu sang thể hiện ở các câu ca dao, tục ngữ như tâm lý thích 4Đ (đảng, Đổng, Đài, Đạp ) là vào đảng, đeo dồng hồ, mang radio, và đi xe đạp là biểu hiệu của giàu sang, quyền thế ở nông thôn Việt Nam khoảng 1950-1960.
Sau 1975, thì tham vọng đó tiến lên cao hơn:
Ti vi, tủ lạnh, Honda,
Không ba thứ ấy, không ra con người!
Cái tham nhũng là do lòng tham. Cách mạng theo cộng sản là giết người để cướp tài sản địa vị. Không bao giờ hết đấu tranh giai cấp vì giai cấp bị trị cướp chính quyền là trở thành giai cấp thống trị, lại ăn trên, ngồi trước, còn tệ hơn hạng người trước. Cách mạng của cộng sản chỉ là giết người, không cải tạo được xã hội và không giáo dục được con người tốt hơn. Đấu tranh giai cấp, phân biệt bạn và thù là xô con người đi vào bất nhân, tàn ác. Đạo đức cách mạng, bãi bỏ tư hữu là chuyện dối trá.
Chỉ có bậc thánh là không tham lam, là diệt hết dục, là yêu hết mọi chúng sinh. Cộng sản thực ra còn tàn ác hơn bọn cướp. Cái mầm tham nhũng nó nằm ngay trong lòng người dân nghèo. Tiền Anh Hào, Quách Kim Khố, La Nhị Hổ và bao nông dân đều muốn từ binh nhất leo lên quan, lên làm anh hùng. Bà mẹ Khương Bảo Châu cũng nuôi mộng ước con mình ra đi sẽ trở thành quan chức vinh quang:
Chỉ mong anh rời khỏi nhà để có thể kiếm một chức tước gì đấy. Chuyện kiếm tiền ít nhiều thì không kể. chỉ muốn anh làm cho bố mẹ được mở mặt mở mày với mọi người ( 50 ).
Ông bạn của bố của Khương Bảo Châu quả là thành thực và khôn ngoan, hiểu rõ nhân tình thế thái và con đường đi lên của những kẻ hèn kém. Ông già Ba Tri này đã thành thật khuyên bạn và con bạn:
Bảo bố anh bỏ ra tí máu mua một ít quà cáp ở quê mang về đơn vị biếu cho tiểu đoàn trưởng, chính trị viên, nhất định sẽ có chỗ tốt… Bố ho sù sụ, nói: “Làm gì còn máu mà chích nữa hả ông?... Dùng mũi giáo mà đâm xuyên qua người tôi cũng chẳng có giọt máu nào chảy ra đâu. . . . Cứ tin lời tôi, lần này Bảo Châu về đơn vi, ông hãy bỏ ra khoảng ba trăm mà lo liệu, chờ cho đến khi Bảo Châu làm quan quân đội, nó sẽ thu về, ông chẳng lỗ vốn đâu mà sợ. . . Con người muốn sống phải xông về phía trước, bay lên cao . . . Không thả mồi thì không bắt được sói, không móc châu chấu thì cá chẳng cắn câu (52-53).
3. Quân đội thối nát
Trong quân đội một số chỉ huy bất tài làm cho binh sĩ bất phục. Tiền Anh Hào là người giỏi nhưng không được đề bạt làm tiểu đội trưởng và kết nạp đảng. Tên chính trị viên là kẻ lưu manh, gian ác, chính y đã đè nén Tiền Anh Hào, ác cảm với Tiền Anh Hào. Tên tiểu đội trưởng họ La luôn lên giọng cấp trên bắt bẻ, hành hạ Tiền Anh Hào về những việc nhỏ mọn như gập chăn không vuông vắn. Ngày xuất quân, tên chính trị viên đến bên Tiền Anh Hào nhưng bị anh mắng cho:
“Đừng quấy rầy tôi, đồ giả tình giả nghĩa. . .chớ có diễn vở kịch thối như cứt mèo ấy làm gì” (tr. 17-18).
Một số tin tưởng các chính trị viên, các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng ; một số bu lại nịnh hót, nhưng đa số bộ đội ghét những tay chính trị viên, và các cấp chỉ huy nói xạo và nói như con vẹt, Triệu Kim đã nói với tiểu đội trưởng La Nhị Hổ người Tứ Xuyên như sau:
“Đúng, đúng… trình độ lý luận chính trị của anh còn cao hơn cả Tư lệnh Trung tâm Quân dự bị… Bái phục! Bái phục!”..
-“Cao quái gì… Toàn là những lời giáo huấn nhắc đi nhắc lại thôi” (tr.19).
La Nhị Hổ sau khi chết được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng. Y là một chỉ huy tồi tệ.Lúc bình thường thì to miệng, luôn lên giọng chính trị cao, giọng Mac xit, nhưng lúc ra trận thì chân nhũn ra, tay ôm lấy đầu, ném lựu đạn thì quên rút chốt, đánh bộc phá thì chẳng giật nụ xòe , khi tấn công vào một điểm cao vô danh, nếu hắn không giơ cái mông quá cao làm lộ mục tiêu để mời hai quả pháo ập đến thì hắn đâu đến nỗi phải chết” (tr.28).
Một số binh sĩ được đề cao, phong là anh hùng nhưng sự thật không phải thế. Đó là trường hợp Trương Tư Quốc:
“Cậu ta trong tiểu đội phá mìn… cậu ta bị thương… ở phía sau đều trông thấy rõ ràng cậu ta bò lên trên sườn dốc cao rồi lăn lông lốc xuống… sau đó tiếng mìn nổ vang rền… Lúc ấy ai cũng nghĩ rằng cậu ta dùng thân thể kích thích cho mìn nổ, mở đường cho thắng lợi… người ta ghi công cậu ấy… chuẩn bị tài liệu báo với Quân uỷ Trung ương phong danh hiệu “anh hùng phá mìn”… Nhưng cái cậu này … nói với hai chuyên viên Cục Chính trị rằng: Tôi không hề phá mìn, ở chỗ đó chẳng có quả mìn nào cả, trời lại đang mưa, khi bị thương vào chân tôi đã bò lên sườn đồi, chiếc chân bị thương không có sức nên bị trượt xuống, lúc ấy có hai tiếng nổ vang lên. Tôi là chuyên gia phá mìn, viêc gì phải lấy thân mình kích nổ mìn, làm như thế không phải là tự tìm cái chết sao?” (tr.193).
IV. TÍNH CHẤT
- Ma quái:
Truyện có tính cách ma quái. Từ đầu đến cuối đều có tính cách ma quái. Tác giả đã tả các ma hội họp, than khóc trong nghĩa trang và tả Tiền Anh Hào rất huyền hoặc.
“Bộ quân phục của anh ta đã mục nát, tôi vừa chộp tay vào là nó đã rách toác trông như một loại giấy bồi bị thấm nước… Gương mặt đầy mụn sần sùi màu đỏ bầm đã kề sát mặt tôi (13).
2.Châm biếm
Ngọn bút của Mạc Ngôn nhiều khi châm biếm kín đáo như châm biếm Tiền Anh Hào là một chiến sĩ cấp trung đoàn nhưng chưa bắn phát đạn nào đã chết; việc Trương Tư Quốc suýt được báo cáo lên Quân ủy trung ương.
Chuyện các hồn ma vừa là phê phán vừa là châm biếm nhẹ nhàng của hài hước. Cái nhìn phê phán của Mạc Ngôn với cuộc chiến tranh Việt Hoa thật ra đã có từ lâu, ít nhất cũng khoảng 1977. Cuộc chiến này đã được tác giả nói lên qua tâm trạng đau xót của một ngàn hai trăm linh bảy hồn ma lính Trung Quốc tử trận. Đó là nỗi đau về thể xác, như lời bài thơ của một thi sĩ - tử sĩ trong quân đội Trung Quốc đã nói ở trên.
3. Hiện thực
Nghệ thuật của Mạc Ngôn rất cao. Truyện của Mạc Ngôn là những búc tranh hiện thực và linh động. Đoạn tả cảnh khổ của nông dân trên cánh đồng, và đời sống của các bô lão, phụ nữ và trẻ con rất linh hoạt. Đoạn tả mối tình của cô Ngưu Lệ Phương và Triệu Kim rất linh động, rất hiện thực khi họ tán tỉnh và làm tình gần hố xí (111- 173). Đoạn tả cuộc biểu diễn ném hạt đậu của hai bộ đôi cũng rất sống động.
Đoạn tả việc Triệu Kim đến thăm cựu chiến hữu Quách Kim Khố rất hay. Quách Kim Khố bảo vợ thiết đãi khi cựu chiến hữu Triệu Kim đến thăm:
- Mẹ nó à, chiến hữu của tôi là Thượng úy Triệu Kim đến thăm, mau đun nước pha trà đi!
Cô ta nhấp nháy đôi mắt chửi:
-Coi cái bộ mặt say đến nhừ tử nhà ông kia!
-Mau đun nước pha trà, Quach Kim Khố ra lệnh:
- Cỏ không có một cọng, trà không có một cánh, vậy đốt bằng lông… bố ông, pha bằng lông… mẹ ông à…
Người đàn bà nói như súng liên thanh với những lời cực kỳ ngoa ngoắt. Nói xong cô ta lận từ lưng quần ra một củ cải cắn một đoạn to rồi nhai rau ráu.
- Cả đời của tao đã chịu bao điều xúi quẩy với con mụ thối tha nhà mày, bữa nay
cả hai thanh toán cho sòng phẳng đây. Tao sẽ giết mày!
Người đàn bà ưỡn cái bụng thè lè ra… - … Nhằm vào đây mà đánh cho văng cái đồ chết dẫm này ra ngoài để mai mốt bà đây tái giá khỏi phải lôi theo.(137)
Mạc Ngôn đã vẽ ra hai người đàn bà khác nhau. Vợ Quách Kim Khố thì chua ngoa, đanh đá còn vợ Khương Bảo Châu thì mệt mỏi, lạnh lùng. Khương Bảo Châu thuật lại buổi gặp lại vợ sau bao năm xa cách:
Đến khuya vợ mình mới về. Cô ấy vứt cái bao đầy bông nặng trình trịch trên vai xuống, lạnh lẽo gật đầu chào mình, chẳng quan tâm gì đến chuyện ăn một miếng cơm, ôm lấy con bé (54).
Tác phẩm Ma Chiến Hữu rất đặc sắc. Mạc Ngôn có nghĩa là không nói nhưng trong tác phẩm Ma Chiến Hữu, ông đã nói rất nhiều. Đó là tiếng nói phản đối chiến tranh Hoa Việt năm 1979. Tác phẩm của ông rất có giá trị về tư tưởng, lịch sử và nghệ thuật. Chính quyền Trung Quốc tỏ ra rộng lượng khi cho ấn hành tác phẩm Chiến Hữu Trùng Phùng, một tác phẩm dám chống đối đường lối hiếu chiến của Đặng Tiểu Bình.
Trong khi đó, tại Việt Nam, có một tác phẩm cùng đề tài, nhưng bị chính quyền Việt Cộng bóp chết. Đó là tập truyện"Rồng Đá" của hai nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành bị thu hồi vì một số truyện lấy bối cảnh chiến tranh biên giới 1979. Tại sao vậy? Vì quan chức xuất bản Việt Nam sợ bị bọn Nông Đức Mạnh trừng trị và sợ thiên triều quở phạt.
Trong tập Rồng Đá có truyện Chù Mìn Phủ và Tôi viết về cuộc chiến Việt Trung 1979. Tác phẩm Ma Chiến Hữu không tả trận đánh giữa hai bên, còn Rồng Đá thì viết rất rõ về cái dã man và phi lý của hai bên.
Truyện khởi đầu là ba người lính trinh sát gồm người kể truyện, Chù Mìn Phủ và cô Thào A Máy . Cả ba qua bên kia biên giới bị dân chúng phát giác, họ phải giết "quân thù" rồi chạy về. Về đến đơn vị, họ lại nhận lệnh mới:
Ba người chúng tôi được lệnh băng rừng đến ngay quả đồi nằm trên trục đường từ Thanh Vân đi cửa Nghĩa Thuận, dẫn giải tù binh về để khai thác tình hình quân địch. Vừa đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt nhóm trinh sát.
Có dăm người dân quân địa phương ngồi quanh đống lửa uống rượu ngô và ba xác chết trần truồng, thi thể bầm dập nằm lăn lóc trên bãi cỏ, hai trai, một gái. Xác người con gái nằm ngửa, không bị đánh đập, nhưng hai đùi bị banh ra, cột chặt vào hai cái cọc được đóng sâu xuống đất, cửa mình vẫn còn củ sắn to bự cắm vào, máu lênh láng chảy ướt đầm mặt cỏ. Hai xác người đàn ông to vật vã, đầy những vết đánh thâm tím, bộ phận sinh dục bị cắt rời nguyên cả cụm, ném vào đống lửa, bốc lên mùi thịt nướng…
Mùi thịt người và cái dương vật xém vàng, nứt vỡ, xèo xèo trong lửa làm tôi nôn ọe, ghê tởm đến cùng cực. Người tôi run lên, mắt cay xè, hàm răng lập bập, chĩa súng vào đám dân quân hỏi: “Sao chúng mày ác thế, có còn là giống người nữa không?” Họ thản nhiên đáp: “Mày thì biết gì. Chúng nó còn ác hơn nữa kia. Chúng tao vây bắt, chúng nó chạy ngược vào bản đốt nhà để lừa cho mọi người mải dập lửa, chúng nó thừa cơ chạy trốn vào rừng.
Nhiều lần như thế lắm rồi. Người, ngựa chết và ngô, thóc cháy rụi, ai thương cho dân bản? Mày ư? Thương cái xương chúng tao có lúc chẳng còn.” Lúc này Chù Mìn Phủ đứng gần tôi, từ từ khụy xuống, nằm úp mặt vào đất, gào rống lên: “Giời ơi! Quả báo sắp đến rồi... Chúng mình sang bên kia cũng có khác gì họ đâu.” Anh lăn lộn giữa ba cái xác người nức nở khóc than, khiến Thào A Máy cũng ôm lấy anh khóc theo.
Trong đám dân quân lao xao bàn cãi. Có lẽ tiếng khóc của hai người làm họ tỉnh rượu, có phần ân hận và lo sợ sẽ bị tôi trừng phạt. Tôi chỉ nghe lõm bõm tiếng Mông lẫn tiếng Dao, nhưng cũng lơ mơ hiểu. Họ được lệnh giải tù binh ra quả đồi chờ giao cho bộ đội, vừa ngồi chờ họ vừa nướng sắn uống với rượu ngô.
Hơi men ngà ngà, họ quay sang tranh cãi với tù binh. Một bên chửi Việt Nam vô ơn, giở mặt theo đuôi bọn xét lại Nga Xô. Một bên chửi quân “bành trướng” Trung Quốc, vô cớ đánh bạn láng giềng “môi hở răng lạnh”. Toàn là những lời lẽ của mấy ông cán bộ tuyên huấn hai bên, chứ họ nào hiếu gì đâu cơ chứ. Thế là hơi men, sự cuồng tín và nỗi căm tức vì mất nhà, mất người thân đã xui khiến đám dân quân hò nhau xông vào lột hết quần áo, đánh đập hai người đàn ông cho đến chết.
Lúc đầu họ không nỡ đánh đàn bà, định sẽ giao nộp cho bộ đội, nhưng rồi cũng tại hơi men và cả tại máu của hai xác người đàn ông đã đánh thức bản năng thú vật của những con đực. Họ thay nhau hãm hiếp cô chưa đủ, sẵn có củ sắn mang theo, một gã thuận tay tống mạnh vào cửa mình còn đang ướt nhóet của cô cho hả giận rồi cả đám cười lên man rợ…Tôi đang bàng hoàng đau xót, không biết nên giận hay nên thương những gã trai miền sơn cước rách rưới, gầy nhom, đen nhẻm kia đã bị cuộc chiến biến thành bầy thú dữ, chợt tiếng kêu thất thanh của Thào A Máy làm tôi càng thêm kinh hãi.
Cô nhận ra xác người con gái chính là đứa bạn cùng xóm, lấy chồng bên kia biên giới. Hai người thân nhau từ nhỏ, mới xa cách nhau vài năm, giờ đã ra nông nỗi này. Chù Mìn Phủ vừa mới nguôi ngoai đôi chút, thấy vậy lại hộc lên những tiếng kêu rên: “Giời ơi! Ác giả ác báo, quả báo sắp đến rồi. Giời ơi là giời ơi!...” Đến nước này thì cả tôi cũng thành điên dại. Nhóm trinh sát ba đứa chỉ còn biết ôm nhau mà khóc đến khàn hơi, kiệt sức. Khi tôi và Chù Mìn Phủ cố hết sức dìu được Thào A Máy về đơn vị thì cả ba đứa cùng mê man thiếp đi suốt mấy ngày đêm, người hầm hập sốt. Tỉnh dậy, Thào A Máy hóa điên thực sự. Những ngày đầu, cô chỉ gào thét, đập phá, bới đất, nhai cỏ.
Nếu so sánh Ma Chiến Hữu và Rồng Đá, ta thấy Ma Chiến Hữu trừu tượng hơn, bóng bảy, nhẹ nhàng hơn còn Rồng Đá thì hiện thực hơn. Cả hai tác giả đều là những người có ý thức về thiện ác giữa bao kẻ hăng say gào thét đấu tranh giai cấp, ca tụng đảng quang vinh và bảo vệ quốc hòa bình để giết người, cướp của.
Xin đọc:
No comments:
Post a Comment