Tuesday, October 25, 2011

HỒI KÝ 6 * HOÀNG CẦM- HOÀI THANH-NGUYỄN CÔNG HOAN

Chương X: Hoàng Cầm

Những tư liệu riêng của tôi về Hoàng Cầm, tôi đã đưa cả vào bài chân
dung: “Hoàng Cầm người và thơ”.
Giờ tôi chỉ chép lại hai câu chuyện Hoàng Cầm kể tôi nghe mà tôi chưa
có dịp viết ra:
1. Chuyện tiết mục quan họ bị đả đảo.
Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoàng Cầm lúc đó phụ trách
đoàn văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị. Ông được giao tổ chức một
cuộc liên hoan văn nghệ mừng chiến thắng trong rừng Việt Bắc. Trong chương
trình biểu diễn hôm ấy, Hoàng Cầm bố trí xen vào một tiết mục hát giao duyên
quan họ.
Đang diễn thì ở một góc hội trường, bỗng có một đám bộ đội đứng dạy
hô đả đảo. Chỉ huy đám bộ đội này là một sĩ quan nổi tiếng anh hùng lúc bấy
giờ tên là Thái Dũng. Tây rất nể nhân vật này, gọi anh là Capitaine manchot
(đại uý cụt tay). Thái Dũng hô lớn: “Trong quân đội không được hát hỏng trai
gái nhảm nhí. Đi xuống!”.
Đám văn công sợ quá, vội hạ màn. May có Nguyễn Chí Thanh can
thiệp. Ông nói đại ý: “Chúng ta chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhưng
cũng vì những điệu hát này đây!”. Ông ra lệnh tiếp tục biểu diễn.
Nhưng các diễn viên mất hết tinh thần, không còn bụng dạ đâu mà diễn
được nữa.
Chuyện này giải thích, trong chiến tranh, vì sao tình yêu trai gái bị coi
là lãng mạn tiêu cực, một đề tài mà văn học hồi ấy phải kiêng kị.
2. Tố Hữu ra lệnh bắt Trần Dần.
Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai phẩm mùa xuân, có đăng bài của Trần
Dần, Tử Phác. Tố Hữu triệu tập mấy người đến họp: Hoàng Cầm, Văn Phác
(phụ trách tổ chức Bộ Văn hoá), Chế Lan Viên... Tố Hữu cầm cuốn Giai phẩm
mùa xuân, hỏi mọi người: “Các anh thấy tập sách này thế nào?”
Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Hữu. Chế Lan Viên
nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Anh nói: “Cuốn sách đại phản động!”.
Tố Hữu hỏi Văn Phác: “Hiện nay chúng nó đang ở đâu?”. Văn Phác:
“Thưa, các anh ấy đang đi thực tế ở Yên Viên”.
Tố Hữu lệnh – Hoàng Cầm nhớ đúng sáu tiếng: “Gọi nó về, bắt lấy
nó!”
Thế là Văn Phác làm giấy tờ để bắt Trần Dần, Tử Phác.
Và đây là lời kể của Trần Dần, Hoàng Cầm thuật lại: Chiều hôm ấy có
một cái xe ôtô nhà binh đến Yên Viên. Họ gọi Trần Dần, Tử Phác ra và lập tức
bịt mắt. Trần Dần kịp thấy trên xe có lính mang súng, lưỡi lê tuốt trần.
Hoàng Cầm nói, Trần Dần là tay thần kinh rất vững. Anh ta bình tĩnh
lắng nghe để đoán xem xe đi đâu. Qua một cái cầu dài. Thế là vào Hà Nội.
Nhưng xe lại chạy tiếp khá lâu. Thế là đi quá Hà Nội. Đến một chỗ nào đấy, xe
173
đỗ lại. Người ta dắt Trần Dần, Tử Phác đi xuống một địa điểm ở sâu dưới đất –
vì cứ thấy xuống nhiều bậc, xuống mãi. Đến một độ sâu nào đấy, họ dừng lại và
đẩy Trần Dần vào một căn hầm, đóng cửa lại. Trần Dần nghĩ bụng, chắc bị thủ
tiêu. Thủ tiêu ở đây thì ai biết được? Coi như mất tích. Anh nghĩ phải tìm cách
lên được mặt đất.
Sáng ra, thấy đây là một cái hầm đào sâu dưới đất. ánh sáng lọt xuống
từ nóc hầm qua một ô cửa có chấn song, ở trên thoáng thấy có bóng một anh
lính gác.
Trần Dần thấy trong hầm có một cái phản gỗ và một bình nước. Anh
kéo cái phản ra chỗ ánh sáng từ trên nóc hầm rọi xuống, cởi áo ngoài, để phơi
áo sơ mi trắng bên trong ra, lấy một cái mince lame trong túi, nằm ngửa trên
phản , dùng lưỡi dao cạo cứa vào cổ cho máu phun ra ngực áo, rồi giẫy đạp ầm
ĩ, cốt cho anh lính gác nghe thấy. Anh lính gác nhìn xuống thấy thế hoảng quá:
Nó tự tử, phải đưa cấp cứu ngay ! Một lát sau, cửa hầm mở, người ta đưa Trần
Dần đi cấp cứu ở một bệnh viện gần đó. Té ra là bệnh viện Hà Đông. ở đây,
Trần Dần may vớ được một người quen bèn viết mẩu giấy nhờ đưa đến Tổng
cục chính trị nơi anh công tác. Nguyễn Chí Thanh lập tức đến bệnh viện và lệnh
tha ngay cả Trần Dần và Tử Phác.
Hoàng Cầm rất phục Trần Dần. Thằng cha thần kinh rất vững. Hoàng
Cầm cũng từng bị bắt giam. (ông nghe Hoàng Hưng, định đưa tập thơ Về Kinh
Bắc sang Pháp in). Ông nói: “Tôi nhát lắm, mọi tội xin nhận hết (Hết hạn tù,
người ta cho ra, còn xin ở lại viết kiểm thảo. Tô Hoài cho tôi biết thế). Sợ nhất
là trong tù cứ thấy có tiếng phát ra đều đều không biết từ đâu: “Khai thật đi!
Khai thật đi! Khai thật rồi về với vợ con!”.
Chuyện nghe khá sợ. Một hình thức khủng bố về tâm lý. Chẳng biết
Hoàng Cầm có thêm thắt gì vào sự thật không. Nhưng quả là đáng sợ. Hoàng
Cầm cũng hay tưởng tượng thêu dệt thêm ra nữa.
* *
*
Ai nấy đều thấy, thế giới nghệ thuật của thơ Hoàng Cầm là Kinh Bắc
thời xưa. Đó là quê hương của ông và cũng là quê hương nghệ thuật của ông,
nơi hồn thơ ông thường lẩn quất đi về. Rời Kinh Bắc là Hoàng Cầm hết thơ. Mà
phải là Kinh Bắc ngày xưa, Kinh Bắc của núi sông, đồng ruộng miền Bắc từ
thời ỷ Lan nhiếp chính, từ thời nhà Lý mất ngôi, từ thời bà chúa Chè về với
Trịnh Sâm, sau đó lưu lạc đi đâu về đâu không rõ, khi Trịnh Sâm qua đời, kiêu
binh nổi dậy... Một quá khứ đau buồn. Một nỗi buồn vương giả. Cho nên Kinh
Bắc trong thơ Hoàng Cầm là một Kinh Bắc vàng son, diêm dúa, lấp lánh châu
ngọc, là xiêm y xanh đỏ, là vũ đạo uốn éo, là tiếng hát cách điệu ý ới ý a... (
Không phải ngẫu nhiên mà Kim Lân, Tô Hoài, Lê Đạt cho thơ Hoàng Cầm là
vàng mã, trang kim). Nhưng mà buồn, là sự tàn tạ, là cõi xa xăm của lịch sử đau
thương của những triều đại suy vong...
Một đặc điểm nữa cũng dễ thấy ở thơ Hoàng Cầm: nặng âm tính, nói rõ
hơn là rất ướt át, rất “đĩ”. Ông thường cố tình lắp đi lắp lại những hình ảnh gợi
174
dục: “môi trầu đờ đẫn”, “ngực yếm phập phồng”, “bầu vú lửa”, “vén xiêm”,
“tốc xiêm”... Kim Lân khó chịu, cho là thưỡn thẹo, ưỡn ẹo, già mà tình tứ, dơ
dáng...
Nhưng thơ Hoàng Cầm chỉ thật sự là thơ khi ông có cảm xúc chân thật,
lời thơ tuôn trào theo bản năng tự nhiên, hồn nhiên. Hễ ông cố gò theo lý trí thì
thơ chỉ có xác (xác Kinh Bắc và cả xác tình dục) chứ không có hồn. Nguyễn
Đình Thi, Huy Cận cho thơ Hoàng Cầm là trò chơi chữ, là chủ nghĩa hình thức.
Đọc thơ Hoàng Cầm giống như tiêu tiền. Những đồng tiên lấp lánh ánh
vàng ánh bạc. Nhưng lẫn vào tiền thật, có vô số tiền giả. Đúng thế, thơ Hoàng
Cầm có vàng bạc thật, (tôi gọi là siêu thơ) và có không ít vàng bạc giả.
Láng Hạ, 7- 1 – 2008



Chương XI: Hoài Thanh
Tôi được tiếp xúc với Hoài Thanh nhiều lần.
Hồi công tác ở một cơ quan của Tỉnh đảng bộ Thái Nguyên, tôi đã được
nghe ông nói chuyện về thơ kháng chiến, tại một địa điểm ở thị trấn Phúc Trìu.
Tiếp đó tôi học ở trường sư phạm trung cấp trung ương (đóng ở Chợ Ngọc,
Tuyên Quang). ở đây tôi lại được nghe ông nói về đề tài ấy một lần nữa. Cả hai
lần đều vào năm 1949.
Khi tôi về học ở Đại học sư phạm Hà Nội (từ 1957 – 1960) thì ông đến
dạy mấy bài về văn học Việt Nam thời trung đại: Kiều, Cung oán, Hoa Tiên,
Phan Trần...
Sau này, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học, lúc đầu ở Đại học
Sư phạm Vinh, sau ở Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi luôn đến ông để hỏi về tình
hình văn học thời trước cách mạng tháng Tám và về kinh nghiệm phê bình văn
học (Khi ở Nguyễn Thượng Hiền, khi ở Trần Quốc Toản).
Hầu hết những ghi chép của tôi về ông, tôi đã sử dụng trong bài chân
dung đặt tên là “ Hoài Thanh, con người sinh ra để đọc thơ, bình thơ”.
ở đây tôi chỉ xin ghi một số điều về ông mà tôi chưa có dịp viết ra hoặc
viết ra chưa đầy đủ.
Có lẽ một trong những điều khổ tâm nhất của Hoài Thanh là hầu hết các
cây bút cùng thời với ông và cùng theo cách mạng như ông, đều gọi ông là
“thằng nịnh” (Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...)
Cho nên Xuân Sách có thơ:
Vị nghệ thuật nửa đời người
Nửa đời còn lại vị người cấp trên.
Tôi nghe nói, hồi kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Việt Bắc Hoài
Thanh luôn luôn sát cánh với Tố Hữu, luôn gần gũi trò chuyện thân mật với Tố
Hữu, trong khi anh em khác thường lảng đi chỗ khác, sợ mang tiếng cầu thân
với cán bộ lãnh đạo. Tâm lý anh trí thức thường như thế. Và họ phản ứng với
thái độ của Hoài Thanh.
Tôi thì cho rằng, Hoài Thanh là con người sống bằng tình cảm. Hồi
cách mạng tháng Tám, ông ở Huế. Lúc ấy Tố Hữu còn rất trẻ mà đã làm chủ
tịch uỷ ban khởi nghĩa của Huế. Một thanh niên vào tù ra tội, lại là một thi sĩ
thật sự và cũng mê Kiều như ông, hợp với ông, nên ông phục lắm. Tố Hữu cũng
rất quý và tin cậy Hoài Thanh. Khi được gọi ra Bắc để lãnh đạo văn nghệ, người
đầu tiên Tố Hữu cần gặp là Nguyễn Tuân. Tố Hữu đã nhờ Hoài Thanh đến
Nguyễn Tuân, thương lượng và hẹn thời gian, địa điểm gặp (Nguyễn Tuân hẹn
gặp ở nhà hàng Thuỷ Tạ bờ hồ Hoàn Kiếm). Tố Hữu còn là chỗ dựa về chính trị
của Hoài Thanh nữa.
Từ Sơn, con Hoài Thanh, có lần nói với tôi: có một bữa, ông Hoài
Thanh nằm trên giường, có vẻ mệt. Bỗng ông nói với con: “Cha mà không có
176
anh Lành thì Bùi Công Trừng nó giết cha rồi!” Té ra là thế! Cái chuyện vị nghệ
thuật, vị nhân sinh có chết ai đâu mà những ông cộng sản làm to chuyện thế, và
thù dai thế! Người ta đã đi theo cách mạng, theo kháng chiến bao năm rồi mà
vẫn không tha (cho mãi đến kỳ tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), họ
cũng không tặng cho Hoài Thanh, trong khi sẵn sàng tặng cho Hà Xuân Trường,
Hồ Tôn Trinh, tuy sự nghiệp của hai vị này có đáng gì đâu so với Hoài Thanh).
Tôi cứ nghĩ mãi, không hiểu sao, đối với trí thức, các ông cộng sản lại hẹp hòi
và ngu xuẩn đến thế. Chính các ông ấy, đã làm hại cách mạng nhiều lắm.
Anh Từ Sơn còn cho biết, hồi Hoài Thanh phụ trách tuần báo Văn nghệ.
Có một số báo, trang đầu in ảnh Trường Chinh. ảnh bị cái tít in quá đậm ở mặt
sau làm mờ đi. Trường Chinh gọi Hoài Thanh đến nói: “Anh in ảnh tôi như thế
này à?” Hoài Thanh sợ quá, cứ đi lang thang ngoài đường, vô cùng hoang
mang. Cái án vị nghệ thuật trở thành cái án chính trị, vẫn như lưỡi gươm lơ lửng
treo trên đầu.
Đúng vậy, Hoài Thanh là con người chủ yếu sống bằng tình cảm. Cái
tạng ông nó thế (Người ta từng cho ông thuộc loại phê bình tình cảm - để phân
biệt với phê bình lý trí, phê bình khoa học chủ nghĩa scientisme). Cho nên, ông
có quan hệ đặc biệt với Tố Hữu, viết rất say sưa về thơ Tố Hữu, tập thơ nào
củaTố Hữu ra đời cũng lập tức có một bài phê bình rất tâm huyết của ông. Đó,
cũng là do cái nợ tình, nợ nghĩa mà ra.
Nhưng cái: “án chính trị vị nghệ thuật” chắc cũng làm cho ông phải lên
gân lên cốt khi phủ nhận triệt để Thi nhân Việt Nam:
Thi nhân còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau.
(Xuân Sách)
Chẳng lẽ một con người giầu tình như ông mà lại dễ dàng dứt tình với
đứa con tinh thần mà ông đã gửi cả tâm hồn vào đấy. Từ Sơn nói, cuối đời, có
lần Hoài Thanh nói với anh: “Nhờ có cuốn Thi Nhân Việt Nam mà người ta mới
coi cha là một nhà văn”.
Vậy mà ông lại phủ nhận Thi nhân Việt Nam (Nhìn lại phong trào Thơ
mới và cuốn Thi nhân Việt Nam) đến mức Trần Huy Liệu cho là quá đáng, và
Tố Hữu thì nói: “Hoài Thanh đã tát mình đau quá”.
Cho nên tôi vẫn cứ ngờ ngợ thế nào về cái thái độ quá cứng, quá tả của
Hoài Thanh. Tiếp xúc với ông, thấy ông luôn luôn nói lập trường cách mạng,
lập trường giai cấp. Phải có tình cảm đúng, tình cảm đúng là tình cảm của giai
cấp công nhân. Ông tỏ ra rất phục các lãnh tụ cộng sản, coi phát ngôn của các vị
ấy là chân lý mình phải lấy làm chuẩn, kể cả những phát biểu về văn chương.
Và ông không viết về các nhà Thơ mới nữa, mà chỉ chăm chăm viết về thơ Hồ
Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, hay các cây bút đang chiến đấu ở miền Nam
như Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Anh Đức... Cứ như là mỗi bài viết phải là một
cuộc chiến đấu về tư tưởng theo gương những người cộng sản. Không biết ông
có thật sự tin ở những điều mình nói, mình viết hay không – tôi cứ ngờ ngờ thế
nào ấy.
177
Nhưng ý kiến của Hoài Thanh bên cạnh “phần cứng” cũng có những
“phần mềm”. ấy là khi ông phát biểu về những đối tượng khác. Nhiều nhận xét
của ông khá thẳng thắn, không dè dặt, né tránh.
Có lần ông nói với tôi về Viện văn học và tờ Tạp chí văn học do ông
phụ trách (Lúc này Hoài Thanh làm Viện phó Viện Văn học, thư ký toà soạn
Tạp chí văn học): “Viện văn học của chúng tôi làm sao có uy tín được như Tự
lực văn đoàn ngày trước. Nó đưa ai lên là được lên. Nó hạ ai xuống là phải
xuống”
Bây giờ ta đang chống Mỹ (1967), tạp chí của chúng tôi vẫn ra được
đều đều là coi như thắng Mỹ rồi. Mỗi số ra được đúng kì hạn là một trận
thắng... Chứ thực ra nhiều bài có chất lượng gì đâu. Tôi khổ với các ông HMĐ,
HSV quá, chữ nghĩa, câu văn, tôi cứ phải sửa rất nhiều mới đăng được.
Ông nói về Chế Lan Viên: “Chế Lan Viên sắc sảo, nhiều sáng tạo khá
hấp dẫn. Nhưng tôi cứ lởn vởn ý nghĩ về chỗ trung thực của anh. Cuốn Thi
nhân Việt Nam của tôi có nhiều sai lầm. Nhưng điều tôi ân hận hơn cả là đã
qúa khen Chế Lan Viên. Thực thì chắc có thực, nhưng có thực đến mức ấy
không? Có thật “Hồn ai trú ẩn ở đầu ta”, có thật có “tâm hồn Chàm” thế
không? Có muốn trốn lên “một tinh cầu giá lạnh” thật không? Xuân Diệu thì
chân chất, thật thà.
Về Nguyễn Đình Thi, ông nói vắn tắt: “Chưa bao giờ tôi đánh giá cao
nhân cách của Nguyễn Đình Thi”.
Hoài Thanh cũng đánh giá rất thấp con người Huy Cận: “Có người
nhân cách tốt nhưng thơ lại không hay, như Thanh Tịnh. Có người nhân cách
kém mà thơ lại hay, như Huy Cận”. Đây là ông nói Huy Cận trước cách mạng,
Huy Cận “Lửa thiêng”. Thơ Huy Cận sau cách mạng, ông cho là tầm thường
(vulgaire) – Trong tập Di bút, ông có ghi lại cuộc trao đổi của ông với Trường
Chinh ở chiến khu Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp về Huy Cận. Họ thống
nhất với nhau: thơ Huy Cận vulgaire (Khi in tập Di bút thành sách, anh Từ Sơn
ngại đụng chạm nên cắt bỏ đi, cả ý kiến của Hoài Thanh về văn của HMĐ nữa).
Còn với tôi, ông nói: “Huy Cận xưa hay hơn bây giờ. Bây giờ cũng có bài hay
nhưng ít, càng làm càng dở. Xưa trong cái u uất nặng nề, anh chàng 16, 17 tuổi
đó có nhìn thấy một góc, một khoảng trời rất trong, rất thơ.
Nay có thể là tâm hồn không u ám nữa, tiến bộ, nhưng không có được
khoảng trời rất trong như thế nữa.
Nguyễn Tuân không ưa Hoài Thanh, nói về ông nhiều câu rất ác.
Nhưng nhận xét về Nguyễn Tuân, thái độ của Hoài Thanh vẫn rất công bằng:
“Nguyễn Tuân địch có thể lợi dụng, như trước cách mạng, nó tặng anh ấy giải
thưởng Alexanơre de Rhodes – Sau cách mạng thì bọn Nhân văn lôi kéo. Nhưng
Nguyễn Tuân không bao giờ hạ mình làm những điều phi nghĩa. Nguyễn Tuân
không phải Nhân văn, không bê tha truỵ lạc trong sinh hoạt như cánh Nhân
văn. Nguyễn Tuân thích phát hiện những cái lặt vặt, thứ yếu vì cho rằng những
cái quan trọng ai cũng biết cả rồi. Nguyễn Tuân rất bướng. Cần góp ý kiến gì
với anh ấy, chúng tôi phải nhờ anh Tố Hữu. Tố Hữu nói mới nghe, mà cũng
178
nghe vừa phải thôi. Anh ấy cho giáo điều thì sinh ra xét lại. Vào Đảng như một
thứ nhân sĩ, không gắn bó với một trách nhiệm cụ thể nào, coi mình như một thế
giới uỷ, chính uỷ của thế giới, có trách nhiệm với toàn nhân loại. Cho nên chậm
tiến. Đi trong kháng chiến như đi chơi, tuy đi chơi trong kháng chiến khác đi
chơi trước cách mạng.
Bài Tờ hoa của Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên có công phát hiện, đã bỏ
đi. Thế mà sau lại đăng báo được. Tờ hoa là có ý chửi cải cách ruộng đất.
Cái gì quen đi rồi cũng thành nghề. Nguyễn Tuân có nghề chửi. Chửi
rất ác. Không thể phê bình thân ái nội bộ được. Nguyễn Tuân cứ phải chửi ác.
Nay vớ được thằng phi công Mỹ, tốt quá! Ta chửi Mỹ lâu rồi, song trước kia nó
ở tận đâu đâu ấy, nay nó trực tiếp đánh ta, ta nhìn rõ mặt nó rồi. Cái nghề chửi
của Nguyễn Tuân được dùng đến, rất tốt. Nguyễn Tuân ghét conformisme. Tôi
cho tác dụng của Nguyễn Tuân còn lâu dài đối với cách mạng giải phóng dân
tộc.
Hoài Thanh nói về Nguyên Hồng: “Lắm lúc không biết anh ấy thật hay
giả. Trên diễn đàn, đang nói, dừng lại: “Cho tôi khóc một lúc đã”. Nguyên
Hồng cũng không gắn với một trách nhiệm cụ thể nào, nên chậm tiến bộ”.
Hoài Thanh luôn luôn cho rằng phải sống gắn bó với quần chúng, có
trách nhiệm cụ thể với cách mạng mới tiến bộ được.
* *
*
Nhìn chung cuộc đời Hoài Thanh, thấy ông có mấy cái thực sự trở
thành niềm say mê:
Một là say Thơ mới (1932 – 1945). Điều này, sau cách mạng ông đã
quyết dứt bỏ. Nhưng chắc ở chỗ sâu kín của tâm hồn, vẫn không dứt bỏ được.
Hai là say Kiều. Trước cách mạng thì không nói làm gì. Ông đã ca tụng
câu nói mà ông cho là “can đảm” của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta
còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Và ông đã trân trọng ghi lên trang đầu cuốn Thi
nhân Việt Nam câu thơ của Nguyễn Du: “Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Sau cách mạng, ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến
chống Pháp, ông đã viết ngay một cuốn sách về Kiều: Quyền sống của con
người trong Truyện Kiều. Ông ca ngợi Nguyễn Du trong dịp kỉ niệm 200 năm
sinh của nhà thơ, rồi ông dạy Truyện Kiều ở Đại học Sư phạm Hà Nội...
Trong những cuộc tiếp xúc với ông, tôi thấy khi nói về quá trình phấn
đấu về tư tưởng để có được lập trường của Đảng, có được tình cảm mà ông gọi
là tình cảm đúng đắn của giai cấp công nhân, cứ thấy ông quẩn quanh, vướng
vít không sao dứt khỏi được duyên nợ với Truyện Kiều. Ông thương cô Kiều
chịu nhiều oan khổ thì không có chuyện gì. Nhưng ông cảm thông với giấc
mộng Từ Hải của Nguyễn Du thì có vấn đề. Ông biết Cụ Hồ nói: “Thằng Từ
Hải sao nó tồi thế. Nó không chết đứng thì về triều nó cũng chết ngồi”. Lê
Duẩn phê phán cuốn “Quyền sống...” của ông. Tuy ông rất phục Hồ Chí Minh
và Lê Duẩn, nhưng ông vẫn chưa thông. Đến cuộc chỉnh huấn năm 1952, Tố
179
Hữu còn phải giúp đỡ ông nhiều: “Làm sao lại lấy Từ Hải làm lý tưởng được:
một nhân vật bất mãn và bất lực”. Nhưng ông vẫn chưa thông hẳn.
Duyệt lại quá trình phê bình, nghiên cứu của Truyện Kiều của mình,
ông nói: “Trước cách mạng tháng Tám mình viết “Một phương diện của thiên
tài Nguyễn Du” (1944), nhiệt liệt ca ngợi Từ Hải. Lúc nhỏ tôi cũng có mộng
anh hùng (Hoài Thanh từng tham gia đảng Tân Việt và từng bị bắt giam một
thời gian ở Hà Nội, sau đó bị trục xuất về Nghệ An), rồi cuộc đời ác liệt quá, lại
không gắn được với một tổ chức nào cho chắc nên không dám làm anh hùng.
Nhưng vẫn có mơ ước làm anh hùng. Nguyễn Du chắc cũng vậy. Đến thời
kháng chiến, năm 1948, tôi viết Quyền sống của con người trong Truyện Kiều,
tự thấy chưa thay đổi gì lắm. Đi cách mạng, ừ thì đi. Rồi đâu cũng vào đấy thôi,
chỉ khác là có đánh Tây. Vì thế trong cuốn sách tôi chỉ thêm có một câu: “
Nhân dân ta đang thực hiện giấc mộng anh hùng của Nguyễn Du và còn vượt
xa nữa. Nói chung vẫn ca ngợi Từ Hải.
Sau chỉnh huấn 1952, cũng chưa hoàn toàn thay đổi. Trước thì viết Từ
Hải chết vì ngay thẳng mà chết. Sau viết, Từ Hải chết vì thật dạ tin người. Đến
mãi 1965, kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du tuy có phê phán Từ Hải thiếu cảnh
giác, nhưng trong phê phán vẫn có thương hại nhiều...
Đấy, qua lời tự bạch của Hoài Thanh, thấy ông không sao dứt được khỏi
tâm trí mình nỗi ám ảnh của Từ Hải, giấc mơ của Nguyễn Du trong Truyện
Kiều. Dù đấu tranh tư tưởng, dù kiểm thảo lên, kiểm thảo xuống, vẫn không dứt
ra được. Ông mê Kiều có lẽ còn hơn cả Chu Mạnh Trinh ngày trước: “Ta cũng
nói tình, thương người đồng điệu”.
Một niềm say mê nữa cũng đeo đuổi Hoài Thanh đến trọn đời là đọc
thơ, bình thơ, giảng thơ. Con người tình cảm của Hoài Thanh tất nhiên thể hiện
rất rõ ở lĩnh vực này.
Ngay giải thích những hiện tượng văn học sử ông cũng dùng kinh
nghiệm đời sống, dùng trực cảm. Ông không thích nói lý luận, có lẽ ông không
tin ở lý luận.
Ông nói, nhà thơ lãng mạn đến với cách mạng, sáng tác được ngay vì
quen ca ngợi. Còn nhà văn hiện thực phê phán lại lúng túng, không viết được, vì
chửi đã thành nghề rồi. Chỉ quen chửi. Đến với cách mạng, chửi ai?
Ông cho rằng, vấn đề dân tộc bao giờ cũng gây xúc động mạnh. Cách
mạng vô sản nói chuyện giai cấp nên khó hấp dẫn. Mặt trận Việt Minh ra đời
nêu dân tộc lên hàng đầu, làm nức lòng người.
Về tầng lớp tiểu tư sản, ông cho rằng, tiểu tư sản yêu nước song yếu
đuối. Rất sợ cây súng của Tây nên không tin tưởng. “La raison du plus fort est
toujours la meilleure” là cái triết lý nó đè lên tâm hồn như một định mệnh.
Ông nói về phê bình văn học: “Ta cho đến nay chưa có ai gọi là nhà
phê bình. Từ 1930, cái gì cũng đổi mới cả, song chưa thể nói đã có phê bình
chuyên nghiệp (nhà văn chuyên nghiệp thì có). Thường chỉ là nghiệp dư, làm
một nghề nào đó rồi mới làm thêm phê bình.
Muốn đẩy mạnh phê bình, phải giải quyết:
180
- Gây hào hứng cho phê bình. Người ta hiện nay không thích viết phê
bình, không hào hứng làm nhà phê bình.
- Tạo điều kiện để có nhà phê bình chuyên nghiệp.
- Luyện cách viết cho hay. Hiện nhiều người chưa có cách viết, không
biết cách viết. Phải viết thế nào cho người ta đọc một câu cứ phải đọc tiếp.
Nhược điểm của phê bình là không dứt khoát, tác phẩm nào cũng ưu
một chút, khuyết một chút. Như nhau. Người đọc không biết anh cho tác phẩm
là hay hay dở. Phê phán Vào đời và Đống rác cũ là trung ương phê chứ có phải
nhà phê bình nêu ra đâu.
Hiện nay có hiện tượng trái ngược là nhà văn và nhà phê bình đọc tác
phẩm rất ít, ít hơn quần chúng. Anh phê bình chỉ đọc để viết thôi. Khi cần viết
mới đọc.
Phê bình phải có hai điều kiện:
- Nhậy cảm. Xúc cảm nhạy bén.
- Có văn hoá. Dù là inpressionnisme cũng phải có văn hoá. Phải đọc
nhiều, đọc hết, có ấn tượng sâu và nhớ lâu.
Ngày xưa tôi đọc nhiều lắm, nhớ lâu, dễ khóc. Nay khó khóc quá -
“Tuổi già hạt lệ như sương”. Cũng ít nhớ. Tôi thuộc loại người cũ rồi. Lê Đình
Kỵ thế mà cũng thuộc loại cũ rồi.
Đi vào văn học mà 40 tuổi mới vào là dại. Vào làm gì! Viết văn là phải
bắt đầu từ trẻ, có nhiệt tình, nhậy cảm. Người ta viết văn bằng những ấn tượng
những năm lên năm, lên bẩy, chứ không phải 30, 35 đâu.
Và cái đó không thay đổi được. Cái tạo nên tài năng, phong cách, sở
trường là hoàn cảnh sống từ tuổi lên năm, lên bẩy: cánh đồng ấy, bờ tre ấy, cái
ao ấy... Sau này lớn lên, thay đổi quan điểm, lập trường, chứ không thay đổi
phạm vi đề tài, cách viết, cách cảm xúc, cách nghĩ. Không nên bắt người ta thay
đổi. Bắt vô ích. Mỗi ca sĩ chỉ hát hay vài bài, Tân Nhân chỉ hát hay vài bài, các
bài khác cũng hát được nhưng không hay.”
Về vấn đề tính dân tộc của văn học, tôi rất tán thành ý kiến Hoài Thanh:
“Tính dân tộc chỉ cảm thấy thôi, rất khó định nghĩa hay phân tích cho rành
mạch”. Viết văn thì phải thể hiện tính dân tộc. Nhưng tính dân tộc là gì? Hoài
Thanh bình thơ Giang Nam viết về tình vợ chồng mà ông cho là có tính dân tộc:
Dây bầu sai trái bên đầu ngõ
Vẫn đợi anh về hái nấu canh
Đó là tính dân tộc đấy, rất Việt Nam! Người vợ nghèo Việt Nam chỉ mơ
ước thế thôi.
Nhớ chồng, thương chồng, em khóc. Nhưng lại đổ tại con:
“Nó khóc làm em cũng khóc theo”
Thực ra con không khóc, em cũng khóc.
Tình cảm của người Việt Nam thường tỏ bầy, kín đáo, lặng lẽ, không ồn
ào. Đó là cái tần ngần của Kim Trọng khi trở lại vườn Thuý:
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa...
181
Người Tây thì khác: Le lac của Lamartine: Ôi, hồ! ầm ĩ cả lên.
Về việc phân biệt thơ hay thơ dở, tức là việc thẩm văn, Hoài Thanh
cũng quan niệm hết sức đơn giản, theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa. Ông nói:
“Phân biệt thơ hay thơ dở chỉ có đọc nhiều. Ăn phở mãi thì phân biệt được phở
ngon. Chứ phân chất, định nghĩa phở ngon là gì, vô ích. Nhưng phải đọc kỹ,
phải tinh. Nếu không, có khi mắc lừa. Phở có lẽ ít mắc lừa hơn.
Về điểm này, tôi thấy Hoài Thanh chỉ đúng một phần thôi. Vì thực tế có
người đọc rất nhiều mà thẩm văn vẫn kém. Quan trọng là phải sống sâu sắc với
những gì mình đọc, cũng như những gì mình thấy, mình nghe...Người sống hời
hợt thì đọc thiên kinh vạn quyển, đi khắp thế giới, sống đến trăm tuổi, cũng
chẳng có được năng lực thẩm văn tử tế. Theo tôi, Hoài Thanh sở dĩ thẩm văn
tốt, chủ yếu vì ông sống sâu sắc cuộc sống của mình, sống sâu sắc với mọi cảnh
vật quanh mình. Cứ đọc những đoạn bình thơ của ông mà xem.
Thí dụ, ông bình thơ Tố Hữu, bài Việt Nam, máu và hoa
“Ngày 29 – 1 – 1973, báo Nhân dân đăng bài Việt Nam máu và hoa của
Tố Hữu. Hôm ấy, hiệp định Pari vừa kí được hai hôm. Nhà thơ cảm thấy một
niềm vui lớn quá, tưởng chừng như không phải là chuyện thật mà là chuyện
trong mơ:
Khao khát trăm năm mãi đợi chờ,
Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ
Cả cái êm ả của bầu trời, cái bình yên của mặt đất cũng có cái gì như
là không thật:
Một trời êm ả xanh không tưởng,
Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.
Có người băn khoăn: chuyện ta chiến thắng là chuyện tất nhiên, chuyện
ta dự kiến từ lâu, chính ta tự mình làm nên chiến thắng, tại sao gọi là chuyện
trong mơ? Nhưng tuần tự và đột biến, tất nhiên mà ta vẫn cứ ngạc nhiên, cuộc
sống xưa nay là thế và chính vì thế mà say người. Một cây hoa ta trồng ta biết
nó sẽ nở hoa, nhưng đến ngày nở hoa, ta lại không khỏi có chút ngạc nhiên.
Một đôi vợ chồng trẻ, một hôm nào đó cũng không ngờ mình đã làm cha, làm
mẹ. Một bông hồng nở, một đứa bé ra đời còn thế nữa là chuyện chiến thắng
hôm nay...”
Đấy, ông có dẫn sách vở gì đâu. Toàn nói chuyện kinh nghiệm sống
thông thường mà đem đến cho ông những rung cảm trước những vần thơ.
Ông nói đúng: Đọc thơ, nếu không có vốn sống thì cứ dửng dưng,
không có xúc cảm gì. ấy là thơ đã gieo vào những tâm hồn chưa có gì để đón
đợi nó.
Cảm nhận được thơ hay thơ dở rồi, lại còn phải biết diễn đạt sao cho
hấp dẫn nữa. ở đây, Hoài Thanh có hai tư cách thống nhất làm một: nhà phê
bình và thày giáo dạy văn.
Ông nói: “Cách viết, cách nói không nên cố định, mà tuỳ bài, tuỳ nội
dung mà quyết định hình thức. Có thể đi từ đại ý đến chi tiết hay ngược lại.
Điều quan trọng là làm sao luôn luôn đặt ra những vấn đề để giải quyết – cuộc
182
sống là như thế.
Và phải nói sao buộc người nghe phải chờ đợi.
Thí dụ, năm 1941, Tố Hữu ở trong tù viết bài Quyết hy sinh, đã vẽ được
hình ảnh người chiến sĩ cộng sản rất đẹp:
Các anh chị bước lên đài gươm máy
Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi!
Song lúc đó anh mới 20 tuổi, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, nên
hình ảnh chưa sâu. Đến bài Ba mươi năm đời ta có Đảng ( 1960), hình ảnh
người chiến sĩ được vẽ sâu hơn: “Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.
Đúng hơn, sâu hơn. Đằng sau câu thơ lại có thấp thoáng hình ảnh anh Hoàng
Văn Thụ.
Thí dụ khác: Tháng Tám 1945, Tố Hữu làm bài Hồ Chí Minh. Hình ảnh
Bác rất đúng, rất đẹp:
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời.
Nhưng lúc đó, Tố Hữu chưa được gần Bác, nên có câu không đúng
“Tiếng người thét, mau lên gươm lắp súng”. Tiếng thét này không phải của
Bác. Sau này trong bài Sáng tháng năm, anh sửa lại đúng hơn:
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước.
Về cách nói, có cách nói nhợt nhạt, có câu nói cứ trơn tuồn tuột. Có
cách nói làm cho người ta phải chú ý. Chữ dùng thì phải bình dị, gần gũi. Phải
học ngôn ngữ quần chúng, học ca dao, để nói cho đỡ khô khan.
Và phải tuỳ thể loại của tác phẩm. Mỗi thể loại có ưu thế và hạn chế
của nó, đáp ứng một khía cạnh nào đó của đời sống. Chẳng hạn, đánh giá Sống
như anh phải theo đặc trưng của thể ký. Đọc ký, người ta tin có thực. Cái hay
của ký, tác dụng của ký, một phần là ở chỗ người đọc tin là có thực. Nếu là tiểu
thuyết thì người ta đòi hỏi nhân vật phải được đào sâu vào tâm lý với những
diễn biến thầm kín và phức tạp. Nhưng là ký thì không ai đòi hỏi thế. Lê Anh
Xuân làm Trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Anh tả chị Quyên đến thăm anh Trỗi ở
khám tử hình “Chấn song sắt cũng trổ cành đơm hoa”. Thơ tả thế được. Ký
không tả thế được.
* *
*
Hoài Thanh vốn là một học sinh trường Bưởi. Ông cùng Tôn Quang
Phiệt tham gia đảng Tân Việt, bị nó bắt giam rồi trục xuất khỏi Hà Nội, tống
vào Vinh. Có một thằng Tây, chủ nhà máy gạch Vinh thấy ông nói được tiếng
Pháp, gọi cho làm thư ký.
Một buổi kia đi làm, xe đạp thủng săm, đến chậm 15 phút, nó tát tai và
đuổi. Ông tìm được một gia đình xin làm gia sư. Bùi Huy Tín ở nhà in Đắc Lập,
Huế, tình cờ gặp, đưa vào trong ấy làm thợ chữa morasse (1931). Đến năm
1933, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt thành lập trường Collège tư thục Thuận
Hoá. Ông được mời dạy. Ông dạy Việt văn và tiếng Pháp, vừa đi làm, vừa đọc
183
sách, viết văn từ ngày ấy.
Hồi làm thợ chữa morasse, Hoài Thanh đã viết phê bình. Rồi nổ ra cuộc
tranh luận với Hải Triều về quan điểm nghệ thuật. Hoài Thanh hàng ngày đi làm
phải cuốc bộ, guốc gỗ, vậy mà bị quy là nhà văn phú hào. Còn Hải Triều đi xe
nhà gọng đồng, nhà có 8 đầy tớ, thì là nhà văn vô sản. Hoài Thanh ngẫm nghĩ
thấy cũng buồn cười.
Nhà in Đắc Lập, nơi làm việc của Hoài Thanh rất gần hiệu sách Hương
Giang của Hải Triều. Họ rất dễ gặp nhau. Nhưng Hải Triều tránh không muốn
gặp Hoài Thanh, vì sợ gặp, nhỡ hoà giải với nhau thì mất đối tượng đấu tranh.
Đọc thơ, bình thơ quả là niềm say mê, một niềm vui, thậm chí là lẽ sống
của Hoài Thanh. Dường như lúc nào ông cũng băn khoăn day dứt về chuyện
văn chương.
Trước cách mạng, cãi nhau với Hải Triều cũng là chuyện say mê văn
chương. Sau cách mạng, phấn đấu về tư tưởng, nhưng vẫn luôn luôn trăn trở về
quan niệm văn chương thế nào là đúng, là sai.
Năm 1954, anh Thành Thế Thái Bình được cử vào tiếp quản Thủ đô.
Trước khi nhận nhiệm vụ này, anh có tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 với
Hoài Thanh ít ngày ở Đại Từ – Thái Nguyên. Anh nhận xét, Hoài Thanh ba
cùng rất nghiêm túc, thái độ với anh đội trưởng rất kính cẩn, một thưa anh, hai
báo cáo anh, tuy anh này rất trẻ, chỉ đáng tuổi con ông thôi. Thành Thế Thái
Bình lúc đó chỉ độ 20 tuổi, cũng được ông thưa gửi như thế. Ông không hề tỏ ra
là một nhà văn, không bao giờ nói chuyện văn chương. Nhưng những buổi tối
sáng trăng, thấy ông thường ngồi trầm ngâm, ở cái chõng ngoài sân, hút thuốc
lào, vừa chống cái điếu cày, vừa nhìn trăng, thỉnh thoảng thở dài. “ Yêu trăng
có phải là vị nghệ thuật không nhỉ, cũng có thể là vị nhân sinh chứ! Có nhất
thiết cứ phải trực tiếp viết về người nghèo khổ mới là vị nhân sinh? Như thơ Hồ
Xanh: “Nước mắt của anh em vô sản, là nguồn thơ chảy ra vô tận”? Tôi đoán
ông tự hỏi mình như thế khi ngắm trăng và thở dài. Tôi nghĩ thế vì liên hệ đến
đoạn Di bút của ông sau này viết về ý kiến Lê Duẩn nói với họa sĩ Huỳnh Văn
Gấm hồi hoạt động ở trong Nam: “Không nhất thiết bức tranh nào cũng trình
bày những hình ảnh công nông. Một bông hồng rung rinh dưới ánh mặt trời
trong sương sớm sao lại không được xem là nghệ thuật vị nhân sinh?”.
Trong những ngày cuối đời, ông ghi những ý nghĩ của mình vào một tập
giấy gọi là Di bút. Đọc tập Di bút này thấy những băn khoăn day dứt cuối đời
của ông chủ yếu cũng vẫn là chuyện văn chương, đặc biệt là chuyện hiểu thơ và
bình thơ.
* *
*
Nhưng trong những ngày cuối cùng trước khi mất, theo anh Từ Sơn,
Hoài Thanh hình như có ngộ ra một cái gì đó có vẻ ngược chiều với những suy
nghĩ trước kia của ông.
Trong Di bút (bản đánh máy Từ Sơn cho tôi) tuy ông chủ yếu nói về
văn chương, nhưng cũng có nêu lên một vài thắc mắc về chế độ xã hội miền
184
Bắc. Chẳng hạn, ông nhận xét thái độ lao động của cán bộ ta không nghiêm túc
bằng những viên chức của các cơ quan dưới chính quyền nguỵ (gọi là viên chức
“lưu dung”). Thí dụ, những cô y tá, hộ lý của bệnh viện ta không phục vụ bệnh
nhân tốt như y tá, hộ lý của các bệnh viện ở Sài Gòn trước 1975 ở lại làm việc
với ta, hay những cô mậu dịch của ta thì rất hách dịch, cửa quyền. Còn luật lệ
giao thông của ta thì không nghiêm như luật lệ giao thông của Sài Gòn thời
nguỵ...Ông thuật lại câu chuyện của em ông là Nguyễn Đức Ninh là đảng uỷ
viên xã Nghĩa Mỹ huyện Nghĩa Đàn. Trong cải cách ruộng đất, khi anh bí thư
đảng uỷ bị bắt, bị quy là phản động mà Ninh không hề biết, anh rất phục đảng:
đảng tài giỏi quá!. Nhưng đến khi chính anh cũng bị bắt thì anh mới thấy, hoá ra
đảng cũng sai (Từ Sơn cho biết Nguyễn Đức Ninh bị kết án tử hình, sau hạ
xuống tù chung thân).
Ông thắc mắc cả về Lê Duẩn khi Duẩn nói Nguyễn Du không có chút
tình cảm gì với quần chúng. Ông thắc mắc cả về Hồ Chí Minh: trong 5 điều Bác
Hồ dạy “không có một điều nào nói về tình thương mẹ, thương cha. Tình
thương ấy mà không có hoặc có mà lệch lạc thì đâu có thể nói được là đã nên
người”. Hoặc là “vào khoảng năm 1952, tôi được nghe Bác nói trong một lớp
chỉnh huấn: “Bác có thể sai, Trung ương có thể sai... Nhưng đồng chí Mao
Trạch Đông, đồng chí Xitalin thì không thể sai”(...). ý kiến ấy khó có thể nói là
không sai.
Tuy thắc mắc đấy, nhưng qua cách diễn đạt, thấy ông vẫn phải rào đón
rất kỹ. Di bút chỉ viết cho con đọc thôi mà phải rào đón như thế có nghĩa là ông
chỉ phân vân thế thôi, chứ vẫn rất tin ở đảng, ở Lê Duẩn và cụ Hồ.
Về bài thơ của Xuân Sách viết về ông, Đặng Vương Hưng có viết trên
một số Văn nghệ công an rằng Xuân Sách có đến thăm Hoài Thanh khi ông
Hoài sắp mất. Xuân Sách cho biết, cuối cùng Hoài Thanh đã thú nhận Xuân
Sách viết về ông như thế là đúng. Thực ra, theo Từ Sơn, Đặng Vương Hưng đã
bịa ra chuyện ấy. Vì khi ốm nặng, Hoài Thanh ra Hà Nội, còn Xuân Sách vẫn ở
Vũng Tầu, không hề đến thăm. Theo Từ Sơn, chuyện thật chỉ là thế này: Hoài
Thanh nói với Từ Sơn: “Xuân Sách nó dùng Kiều để nói mình vì biết mình mê
Kiều. Nhưng câu thứ hai ác quá. Nên sửa như thế này cho đúng: “Nửa đời lại
phải vị người cấp trên” – thêm cho một chữ “phải”. Vậy là có thể hiểu,Hoài
Thanh quả có công nhận Xuân Sách nói đúng một phần về mình.
Khi Hoài Thanh mệt nặng, Từ Sơn có nói với Tố Hữu đến thăm.
Tố Hữu đến, Hoài Thanh quay mặt vào tường không tiếp. Tố Hữu về
rồi, ông mới quay ra. Ông nói với Từ Sơn: “Từ bài Chuyện thơ (Làm bí thư hoài
có bí ... thơ), coi như sự nghiệp của Tố Hữu đã kết thúc.
Tôi cho ông nói thế là đúng. Qua bài Chuyện thơ, Tố Hữu ngang nhiên
tuyên bố: “Ta là nhà thơ bí thư Đảng, nhà thơ lãnh tụ đây!”. Cụ Hồ làm thơ có
bao giờ tuyên bố thế đâu! Thậm chí còn coi những “bạn tù” nghiện ngập, bẩn
thỉu, ghẻ lở là tri âm tri kỷ nữa “Gẩy đàn trong ngục thấy tri âm” (Ghẻ)
Láng Hạ, 25 – 5 –2007

Phần bốn - Tư liệu riêng về một số
nhà văn Việt nam hiện đại (Tiếp theo)
187


Chương XII: Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan là người cùng làng với vợ tôi và có họ với vợ tôi:
Làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, ngày xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh, ngày nay
thuộc tỉnh Hưng Yên.
Tôi nhớ Nguyễn Công Hoan nói đùa: “Nếu nói chuyện nhãn, tôi nhận
quê ở Hưng Yên. Nếu nói chuyện văn chương thì tôi nhận quê ở Bắc Ninh”.
Nguyễn Công Hoan mất lâu rồi. Lúc ông còn sống tôi chỉ được gặp vài
lần, khoảng 1967, 1968.
Một lần tôi cùng họp với ông ở Viện Văn học. Ông tỏ ra rất ghét Vũ
Đức Phúc. Ông nói, anh Phúc chỉ viết để cho cấp trên xem thôi. Ông cho rằng
những người viết văn học sử chỉ thấy hiện tượng mà không giải thích đúng đắn
vì không hiểu hoàn cảnh lịch sử gì cả.
Thí dụ, nói nhà văn Vũ Trọng Phụng phức tạp. Hiện tượng thì đúng,
nhưng lí do vì sao. Vũ Trọng Phụng viết đủ các thứ báo: Nhật Tân, Tiểu thuyết
thứ bẩy, Hà Nội báo, Loa, Tiểu thuyết thứ năm, Sông Hương... Bấy giờ, mỗi tờ
báo ra đời đều phải tìm con đường hấp dẫn độc giả. Vũ Trọng Phụng bị lôi kéo
viết cho Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Sông Hương thì khiêu dâm (Giông
tố, Thị Mịch, Làm đĩ), nhưng khi viết Tiểu thuyết thứ bẩy thì không khiêu dâm
nữa (Người tù được tha). Vũ Trọng Phụng không phải mật thám. Mật thám, biết
ngay. Vũ Trọng Phụng mật thám sao lại nghèo! Mật thám còn viết văn làm gì!
Phân tích tác phẩm, phải hiểu tác phẩm viết năm nào, năm ấy như thế
nào mà có tác phẩm ấy. Thí dụ, năm 1935, trong Nam bộ nó bỏ kiểm duyệt. ở
Bắc thì đến 1937 mới bỏ. Từ 1937 đến 1939, viết tự do. Kiểm duyệt báo nếu
cần chỉ gọi chủ báo lên xạc thôi. Tác giả thì tha hồ. Vì thế tiểu thuyết lịch sử Đề
Thám, Hàm Nghi ra đời. Châtel sang Việt Nam, hướng thanh niên vào phong
trào thể thao thể dục. Tôi viết Tinh thần thể dục.
Nhân tiện gặp Nguyễn Công Hoan ở đấy, tôi tranh thủ hỏi mấy câu:
- Hồi Hải Triều và Hoài Thanh tranh luận với nhau chung quanh tác
phẩm Kép Tư Bền của bác, bác có đọc họ không?
- Họ viết trên báo địa phương (Huế), tôi đọc làm gì!
- Thế hồi ấy, bác tự thấy mình là vị nhân sinh hay vị nghệ thuật?
- Tôi chỉ cốt viết cho hay thôi. Các báo mời viết, gợi đề tài này khác,
thấy đề tài nào hay thì viết. Tôi không phục vụ chính trị, chỉ phục vụ nghệ thuật
thôi.
Ông nói tiếp: “Họ đấu tranh với nhau chỉ lấy mình làm một cái cớ
thôi. Hải Triều hồi ấy có mời tôi vào Huế để tiếp xúc với độc giả Kép Tư Bền và
ký tên vào sách cho những người đến mua. Ban ngày tôi ở chỗ Hải Triều, hiệu
sách Hương Giang, ban đêm tôi về ngủ với Hoài Thanh. Ban ngày ở với thằng
vị nhân sinh, ban đêm ở với thằng vị nghệ thuật.”
Nguyễn Công Hoan quan niệm chuyện đời, chuyện văn rất đơn giản,
cứ như trò đùa vậy thôi:
188
“Năm 1928, 1929, tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Hồi ấy ở Lào Cai.
Thấy tôi hay đùa, Tương Huyền, anh Tam Lang, bảo tôi viết. Tôi từ chối. Hắn
nói mày không viết tao đánh. Tôi viết ba truyện đưa Tương Huyền xem. Tương
Huyền nói: “Thế này là xã hội tiểu thuyết chứ còn thế đéo nào nữa!”. Hồi ấy do
giáo dục gia đình và do tiềm thức mà viết thế thôi. Không ai nghĩ sau này thành
nhà văn. Cứ ấm ức, hậm hực viết ra cho thoải mái. Tôi tán thành nghệ thuật vị
nghệ thuật của Hoài Thanh. Các nhà nghiên cứu cứ quy ý thức này ý thức khác,
sai cả.”
Ông nói: “Ngày nay toà soạn báo là toà không soạn. Ngày xưa toà
soạn là phải soạn, cứ ngồi tán với nhau rồi thấy có gì hay là viết. Thí dụ: Hồi
Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê, Ngô Tất Tố nói: “Thằng Phụng viết thế khỉ nào
được nông thôn. Để tôi viết cho mà xem. Thế là Tắt đèn ra đời”.
“Về cuốn Bước đường cùng tôi được đề cao quá. Người ta giải thích
do tôi có ý thức thế nào đó mới viết ra thế. Tôi ngượng quá. Bước đường cùng
và Tắt đèn không có ý thức đả đế quốc phong kiến gì cả (tiềm thức có thể có).
Chúng tôi chỉ muốn viết tiểu thuyết phong tục (roman de moeurs). May làm sao
lại thành chống đế quốc phong kiến.
Tôi thích truyện ngắn hơn. Còn Bước đường cùng thì thường thôi.
Kháng chiến, mất bản thảo. Trong thành còn giữ được một cuốn. Có thằng nó
in ra. Năm 1954, ta vào thành in lại. Tác phẩm tồn tại đến ngày nay là do thế.
Tôi thành ra nổi tiếng. Lý do rất đơn giản!
“ Nhà văn Việt Nam phải học tiếng Việt Nam. Ta quen nói kiểu trí thức
mất rồi, quên tiếng nói nhân dân.
Người dân nói “Trăm nghìn người mới có một”. Mình lại nói “trường
hợp cá biệt”. Tiếng Việt rất trong sáng, dễ hiểu. Sao cứ bịa ra những tiếng khó
hiểu. Nhiều tiếng của nhân dân, bây giờ chắc nhiều người không biết nghĩa là
gì: tại sao gọi “bến ôtô”, “bến tàu điện”? Tại sao gọi là “bát đàn, bát sứ, bát
kiểu”. Tại sao gọi là “bít tất” “Mọi nhẽ” là gì? (mọi nhẽ nghĩa như vân vân...)
Nghe Nguyễn Công Hoan nói, thấy ông không suy nghĩ điều gì sâu
sắc. Ông hay nói, “đơn giản thế thôi”, hoặc do “gặp may” hay do “tiềm thức”.
Mọi sự đối với ông rất đơn giản. Và xem ra, ông chẳng coi cái gì là quan trọng
cả. Thích gì viết thế. Thấy gì hay thì viết. Cứ theo bản năng, theo thói quen mà
làm. Con đường nghệ thuật của ông ba, bốn mươi năm khi tiến khi lùi, khi tạt
ngang tạt ngửa, khi viết truyện ngắn khi viết truyện dài, khi viết truyện tình, khi
viết truyện xã hội, khi trào phúng, khi nghiêm trang, khi lãng mạn, khi hiện
thực... Rồi thấy cái gì bở ăn, cứ làm tới, đâm ra, nói như Hoài Thanh: “nói dài,
nói dai, nói dại”..., không biết cái hay cũng có giới hạn của nó, đâu phải cứ đào
mãi mà được. Cho nên lúc thành công, lúc thất bại. Mà thành công hay thất bại
hình như ông cũng chẳng biết tại sao...
Tôi gọi thế là con đường nghệ thuật không tự giác (l’ itinéraire
inconscient)
Tô Hoài cho tôi biết: “Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, cụ Hoan phụ
trách dạy văn hoá trong quân đội. ở chỗ sơ tán, cụ “nhẩy dù” khiếp lắm! Trong
189
cuộc chỉnh huấn 1952, tôi gợi ý cụ kiểm thảo chuyện ấy. Cụ đấu tranh tư tưởng
dữ dội, mồ hôi trán chảy ròng ròng...”
* *
*
Nguyễn Công Hoan có một cô con gái cũng viết văn, bút danh Lê
Minh (tên thật là Nguyễn Tài Hồng). Lê Minh rất đanh đá và có nhiều việc làm
rất vô lối. Chẳng hạn, chị tập hợp in lại những bài của nhiều người viết về
Nguyễn Công Hoan. Chỗ nào khen giữ lại, chỗ nào chê cắt đi.
Tôi có một lần, hướng dẫn một cô làm luận án thạc sĩ về tiểu thuyết
của Nguyễn Công Hoan (một cô khác làm về truyện ngắn). Cô này tên là Bùi
Thị Hoài. Tôi giới thiệu Hoài đến Lê Minh để mượn sách. Lê Minh bắt Hoài
làm luận án phải do chị hướng dẫn. Rất chướng và rất hách.
Thấy vậy, tôi bảo Hoài không đến Lê Minh nữa. Tiểu thuyết Nguyễn
Công Hoan thực ra tìm không khó lắm.
Nguyễn Công Hoan nếu còn sống, chắc cũng ớn cô con gái của mình
lắm.
Láng Hạ, 23 – 5 – 2007


http://phusaonline.free.fr/ButViet/Hoi_ky_Nguyen_Dang_Manh%5B1%5D.pdf

No comments: