Monday, August 17, 2015

NHÃ CA * TÌNH CA CHO HUẾ ĐỔ NÁT II

Nửa khuya, mạ thức giấc rồi đánh thức cả Thục dậy. Mạ quả quyết là nghe có tiếng chân người ở ngoài sân. Nhưng Thục buồn ngủ lắm, đêm trước đón giao thừa rồi thức luôn gần đến sáng. Sáng nay đi chùa, đi thăm bà con rồi trở về nhà lo nấu nước dọn khách. Cứ hết người này đến người khác làm Thục muốn choáng váng rồi. Nhưng mạ không chịu, mạ cứ đập vào vai Thục:

"Thục, dậy, dậy. Có người.

Thục quay mặt vô vách:

"Mạ tưởng tượng rồi.

"Không, tau e như năm ngoái đó a tề. Cũng tối mồng Một, tau cũng nghe tiếng chân trong vườn rồi bắn nhau, đánh nhau.

Thục càu nhàu:

"Mạ tưởng tượng ra đó. Sợ chi mà một năm rồi còn sợ.

"Thục, con lắng tai nghe thử coi.

Nghe mạ quả quyết, Thục cũng chột dạ. Năm ngoái cũng vậy, nửa đêm mạ bảo có tiếng chân ngoài đi trong vườn rồi không ai tin hết. Anh Phước nói chắc mấy con chồn con cáo chi rình ngoài chuồng gà. Lát sau là đạn bắn vỡ trời. Rồi chạy loạn suốt một tháng. Khi về lại, căn nhà đầy lỗ đạn, căn nhà bếp sụp hoàn toàn, nhưng lạ, nhà chính vẫn đứng trơ trơ, đầy dấu tích đổ nát mà không đổ xuống. Bên đó vẫn còn bàn thờ ông bà, nhưng bàn thờ ba thì thiết tại căn nhà nhỏ ở thuê này. Từ hôm chạy loạn về, mạ không dám trở về căn nhà cũ nữa, mà thuê căn nhà kế cận. Thục lắng nghe. Quả thực thỉnh thoảng có tiếng xào xạc rồi tiếng lốp đốp. Một lát Thục nhận ra tiếng động ngoài sân rồi, Thục nói với mạ:

"Mạ ơi, không phải mô. Mấy quả bàng khô rụng lộp độp đó.

"Thiệt không?"

Mạ hơi nhỏm người lên rồi lại nằm xuống. Thục đã hết buồn ngủ, mạ nói đốt giùm tao cây đèn sáp. Thục mò xuống gối kiếm bao diêm và đốt đèn. Ngọn nến sáng lung linh, chiếc bóng của Thục chiếu lên vách thật đồ sộ. Thục thấy mạ đưa tay quệt nước mắt rồi sịt mũi.

"Mạ khóc đó hả? Răng mà khóc hoài, chuyện như từ đời xưa rồi. Tuy càu nhàu mạ nhưng lòng Thục đã nao nao. Năm ngoái cũng giờ này, ngày này, tiếng súng bắt đầu nổ. Gia đình Thục chạy thoát được vùng kiểm soát của Việt cộng nhưng ba Thục sau đó bị bắt đi. Về sau, Thục với mạ và anh Phước cứ nghe ở đâu có hầm xác là vội vã tới. Đi có mười mấy hầm mới nhìn ra được xác ba. Nằm phơi cả buổi sáng trên cỏ không sao, khi mạ con Thục tới nơi thì xác như rữa ra, rồi chảy nước vàng. Mạ ngất xỉu, rơi xuống đống nước vàng hôi hám đó. Đem được xác ba về chôn cất tử tế rồi mà mạ như mất hồn. Nhiều đêm mạ tỉnh dậy, đốt ngọn nến ngồi một mình, đôi lúc rủ Thục cùng thức, cùng ngồi luôn. Cứ ngồi ủ rũ, gục mặt lên đầu gối, hai mạ con ít nói chuyện với nhau. Mà hễ nói là mạ khóc. Thục thấy mạ cứ lắng tai nghe ngóng mãi, an ủi mạ:

"Thôi mạ, gần sáng rồi, mạ ngủ đi một tí.

"Ngủ răng được mà ngủ con ơi. Năm ngoái ba bị bắt đi rồi chết, biết ngày mô mà cúng mà kỵ. Trời ơi, nhà tui có ai ăn ở thất đức mô mà chết không biết ngày ri trời.

Thục cũng mủi lòng, nước mắt tuôn trào ra. Từ hơn tháng nay, mạ thắc mắc mãi ngày chết của ba. Mạ tính ba bị bắt ngày mười một, chắc cũng mười mấy hôm sau mới bị giết. Mà không phải ba bị giết, hình như ba bị chôn sống. Cả hầm xác đó không có ai có dầu gì chứng tỏ là bị thương. Thục nhớ lại khi đứng bên hầm xác, nhìn những xác chết nằm rải rác đắp bằng giấy báo, Thục lạnh cả xương sống, và cảm giác đó vẫn còn ở lỳ trong xương sống nàng, cứ mỗi lần Thục nhớ lại là xương sống nàng như buốt giá và đầu óc còn choáng váng. Đến bây giờ mỗi lần nhìn thấy những vạt nắng vàng trải trên cỏ là Thục liên tưởng đến những vạt nắng đã trải trên miệng hầm ở Bãi Dâu.

Có tiếng lục đục ngoài căn nhà ngoài. Chắc anh Phước đã nghe tiếng mạ khóc. Rồi tiếng dép của anh Phước kéo tới gần cửa buồng. Tiếng anh vọng vào:

"Chi rứa mạ?"

"Tau nghe có tiếng chân ngoài vườn, chắc ba mi về. Thiệt mà, từ hôm tìm ra xác ba mi, tau nghe tiếng chân đi ngoài sân hoài rứa đó. Chắc ba mi về thăm nhà.

Thục rùng mình. Giọng nói của mạ tỉnh bơ như chuyện có thực. Anh Phước càu nhàu:

"Xì. Tưởng chuyện chi".

Rồi anh trở lại giường bố. Mạ lại tiếp tục khóc, kể lể:

"Cúng ngày mô đây tụi bây ơi".

Dì Vạn cũng trở mình, dì ngồi lên. Giường bố của dì kê bên cạnh giường mạ con Thục:

"Chi rứa chị. Lại khóc rồi".

Rồi dì đập muỗi đôm đốp, vừa càu nhàu:

"Đã nói phần anh vắn số có rứa thì thôi. Bộ mình chị có chồng chết hay răng mà khóc trù trù rứa. Năm ni để chị coi, người ta cúng từ mồng Hai trở đi, cúng đầy cả tháng".

"Ừ hỉ. Rứa thì sau ngày mồng Một, ngày mô mình cũng cúng, răng cũng trùng một ngày".

Dì Vạn gạt đi:

"Chị răng tào lao quá. Thôi thì sống khôn thác thiêng. Chị cứ chọn một ngày cúng rồi anh về. Rứa có phải không? Phải không thằng Phước? Mi còn thức hay ngủ rồi".

Anh Phước nói lớn:

"Còn thức chớ dì. Dì nói phải đó".

Thục đưa cái khăn mùi xoa dấu dưới gối cho mạ:

"Thôi mạ, ngủ đi".

Nhưng mạ Thục vẫn ngồi. Đầu tóc không bới rũ rượi xuống mặt, xuống cổ. Bà cứ khóc sụt sùi và kể lể:

"Ba tụi bây chết là hết ma. Có đứa mô dám qua bên nhà thắp hương cho ông bà mô. Có chi mà sợ".

Thục không nhịn được nữa. Căn nhà bỏ hoang một năm, mái nhà chỉ dựa hờ vào mấy bức tường loang lổ đạn. Đã không dám ở mà cũng không dám dọn nhà đi. Thục gắt nhỏ:

"Mạ nói răng lạ rứa. Qua bên đó lỡ sập nhà răng".

"Cả năm ni có sập mô. Để đó, tao qua tao thắp. Sáng mai dì Vạn đi với tui nghe".

Dì Vạn dỗ mạ:

"Ừ, thôi ngủ đi. Ai đời cái nhà đẹp rứa mà bỏ không, cỏ mọc tùm lum. Coi như cái nhà ma".

Câu nói của dì Vạn làm Thục càng Thục ấy căn nhà huyền bí thêm. Người ta đồn căn nhà đó nhiều ma lắm. Dạo Tết vừa rồi trong vườn chôn nhiều xác chết lắm mà không biết ở đâu. Cứ đào lỗ vùi xuống. Nhiều người nói trẻ con chết người ta đem vào giấu trong vườn, rồi một gia đình đào cái hầm trong đó, hầm sập chết hết. Hôm mới trở về, Thục không vô nhưng anh Phước kể lại tường đầy vết máu và giữa nền nhà còn bầy nhầy những miếng da, miếng thịt, hôi thúi lắm.

Dì Vạn nói tắt đèn cho mạ mi ngủ. Thục thổi tắt ngọn đèn. Một lúc mạ cũng nằm xuống bên Tâm, nhưng Thục không thấy gì hết. Thục thấy mình cũng hoà tan trong bóng tối.

Bên ngoài như có cơn mưa nhỏ. Sáng ngày ra chắc cỏ xanh lắm, và mấy cây mai vàng sẽ sạch hơn, tươi hơn. Thục nhắm mắt. Mạ nhắm mắt hay mở mắt rứa mạ? Có mở mắt, mạ cũng chẳng trông thấy gì hết. Có tiếng ghế bố kêu lắc cắc, tiếng quẹt diêm rồi mùi khói thuốc. Thục nhìn qua, dì Vạn hút thuốc Cẩm Lệ, đốm lửa khi lớn khi nhỏ và mùi thuốc làm Thục ho sặc sụa.

Sáng hôm sau Thục dậy sớm và đi ra sân. Trời vẫn còn mưa lất phất, hạt nhỏ như bụi. Những hạt bụi trắng bám đầy trên lá cây. Khu vườn bỗng tươi mát hẳn. Thục nhìn qua khu vườn và ngôi nhà cũ. Căn nhà vẫn sừng sững. Nhưng lạ lùng, Thục thấy căn nhà thật um sùm, chả bù với những ngày mùa đông vừa qua, lá cây rụng hết, căn nhà nằm chơ vơ và luôn luôn như sắp sụp xuống. Thục chạy ra góc vườn nhìn sang. Bên sân, mấy cây mai vẫn nở vàng rực và Thục nghe có nhiều tiếng chim hót. Mấy chậu cây của ba mọc đầy cỏ, chỉ có chậu hoa tỷ muội thì sống dai ghê. Mùa hạ vừa rồi Thục nhìn sang thấy chậu khô queo, đất nứt nẻ, rứa mà chừ cũng xanh um, có hoa trắng nở chi chít từng chùm. Thục đứng dậy mà có thể tưởng tượng ra hương thơm của tỷ muội ngát mũi.

Thục định bụng sẽ nói với mạ về làng bán cái vườn cau rồi tu sửa lại ngôi nhà. Dù răng đi nữa thì cũng là mồ hôi nước mắt cả một đời của ba. Sửa mà không ở cũng được, để làm cái nhà thờ. Thật ra Thục sẽ không dám bước chân ra khỏi nhà, khi nghĩ tới trong vườn còn chôn bao xác người. Dì Vạn đã có lần nói với mạ là kêu người tới sửa sang, dọn rửa rồi coi đào tìm xác chết, nhưng mạ nói ba chết rồi, còn chi nữa mà làm lại. Mạ bỏ bê luôn và mạ cũng không muốn trở về đó nữa.

Thục thấy có mấy con chim sẻ vừa sà xuống sân, và nhảy chóc chóc đuổi nhau nơi bực thềm. Thục định lấy một hòn đá ném sang, nhưng nàng sợ hòn đá sẽ làm khuấy động sự yên tĩnh của căn nhà. Thục bỏ đi vào.

Dì Vạn đang tét bánh tét ra từng khoanh đặt lên đĩa.

Thục đói quá định cầm một miếng ăn thì dì nạt:

"Khoan, để cũng ba đã. Đi rót nước mau".

Thục rót ly nước trà bưng đặt lên bàn thờ ba. Mạ đang ngồi têm trầu nơi bàn lớn kê giữa nhà, sát bàn thờ ba. Mắt mạ đỏ hoe, chắc đêm qua bà khóc nhiều lắm. Thấy Thục, bà nói:

"Sáng ra tau ra sân thấy có bàng mô mô. Tau nói đêm qua ba tụi mi về mà đứa mô cũng cãi tau".

Dì Vạn cười:

"Chị răng hay nói tào lao. Chết rồi chớ mô nữa mà về. Bộ chị ưa anh thành ma, không siêu thoát được hay răng".

Dì Vạn bưng dĩa bánh đặt lên bàn thờ. Mạ Thục lại nói:

"Ông có ở đây mô mà cúng. Ông ở bên nhà nớ tề. Để tui đem bánh đem hương qua cúng ông".

Anh Phước đã thay xong quần áo. Anh nghe mạ nói liền tán thành:

"Đúng đó. Con đi với mạ. Mạ có sợ không?"

Thục thấy mạ ngần ngừ:

"Ừ, cũng dễ sợ".

Anh Phước cau có:

"Tui đã nói với mạ bữa trước Tết không bẻ mai bán mà. Để nó nở toát hết, uổng quá chừng".

"Ba tụi bây khi sống ông ghét đứa mô bẻ mai lắm. Kệ, để đó cho ba bây".

Dì Vạn cười. Rồi dì đi tới bên mạ:

"Chị cho miếng trầu. Ít vôi hí. Túi qua ăn miếng trầu nhiều vôi một chút mà phỏng cả miệng".

Anh Phước chọc:

"Dì phỏng miệng cho hết noái. Trong nhà dì vô địch nói nhiều".

"Chớ răng, bộ khi mô cũng khóc như mạ bây. Tao cũng goá chồng chớ bộ mạ bây goá chồng thôi a răng".

"Ôi, chồng dì chết hồi xa lắc xa lơ".

"Thì chị không nhớ răng? Hồi đó cũng Việt Minh giết. Sáng ra thấy xác cột chùm hai ba người vất nơi dốc Nam Giao đó. Cũng lâu rồi chớ ít ỏi chi".

Dì Vạn nói xong giơ tay chùi miệng, quẹt nước trầu loang ra hai bên mép rồi lau vào vạt áo nâu. Mạ Thục vẫn thắc mắc về cái nhà.

"Đêm qua tui nằm nghĩ đi nghĩ lại. Thằng Phước nó nói sửa lại cái nhà thiệt đúng. Phải sửa lại dì hí?"

"Tuỳ chị chớ".

"Trước tui buồn tui để kệ. Chừ tui thấy bỏ hoang cũng uổng".

Anh Phước chen vào:

"Mạ thiệt. Khi ri khi tê, biết mô mà lần".

Thục ngồi vắt hai chân lên nhau, đu đưa. Căn nhà thân yêu của Thục mới ngày nào đầy tiếng cười nói mà giờ đã lạnh lẽo. Làm sao Thục quên được những buổi tối, dưới ánh đèn sáng dịu, ba mạ Thục bắt ghế ngồi ngoài sân. Dì Vạn ngồi khâu áo, anh Phước học bài. Còn Thục thì mở cửa sổ đứng mơ mộng nhìn ra ngoài vườn. Những cây cối già nua, lúc nào cũng hết sức thân ái. Còn cả bức tường nơi phòng riêng của Thục nữa, những lần bị đòn Thục đóng cửa nằm khóc và lấy móng tay vạch ngang dọc lên tường. Những vòng tròn những mắt mũi đầu người, bây giờ vết đạn có xuyên qua không? Còn cái ổ kiến lớn nơi cây mít sau vườn nữa. Cây mít gần cửa sổ và thỉnh thoảng có những chú kiến đen chân cao lạc vào phòng của Thục. Thục đặt chú kiến lên một ngọn lá mít vàng, nhìn chú bò quanh quất rồi lát sau tung cả ngọn lá, cả chú kiến ra ngoài vườn, cho chú trở về nhà. Nơi phòng của anh Phước còn có những dòng công thức anh học và ghi chi chít lên tường. Tất cả bây giờ lẫn lộn với những vết đạn, vỏ đạn, với máu người thịt rữa, Thục nhắm mắt lại. Dì Vạn nói một câu gì đó mà anh Phước cười lớn. Thục bừng tỉnh ngơ ngác:

"Cái gì mà dì cười rứa?"

Dì Vạn không trả lời và tiếp tục cười. Mạ nạt:

"Dì cháu bây sướng lắm đó mà giỡn".

Thục lẳng lặng bỏ ra sân. Nàng lui lại góc vườn nhìn qua căn nhà cũ. Sáng mồng Hai năm trước, đã có người chết trước cổng nhà, nơi cây nhãn trước ngõ. Rồi chạy loạn, rồi trở về mất luôn cảnh ấm cúng ngày nào.

Cả ngày hôm đó Thục thấy mạ không vui mà cả nhà cũng không ai vui. Bà con đã đến thưa thớt. Ai cũng có tang, không muốn đến thăm nhau sợ đem xui xẻo.

Buổi chiều hôm mồng Hai, Thục đứng với anh Phước ở sân, nhìn xéo qua góc vườn. Hai anh em vừa nhìn vừa kể lại những kỷ niệm nơi căn nhà cũ. Mắt Thục mờ đi, và qua màn lệ mỏng, Thục thấy khu vườn nhòe đi và rộng mênh mông. Mái ngói rêu mốc nham nhở vết đạn. Rồi Thục thấy như căn nhà vừa rùng mình, chao nghiêng. Thục cầm chặt tay anh, dụi mắt:

"Anh".

"Chi rứa em?"

"Em thấy căn nhà vừa chao một cái".

"Anh cũng thấy rứa".

Nhưng căn nhà vẫn đứng sừng sững. Anh Phước định nói một câu gì đó, anh vừa há miệng thì bỗng một tiếng ầm. Cả căn nhà bỗng sụm xuống êm rơ. Bụi trắng bay cao, bốc lên khỏi những đọt cây rồi tan trong mưa bụi. Dì Vạn chạy ra, rồi mạ chạy ra. Mạ dụi mắt, mạ giơ tay chỉ, nhưng bà cũng không nói được lời nào. Mấy cánh tay cùng chỉ về phía vườn, nơi ngôi nhà bây giờ chỉ còn là đống gạch vụn.

Rồi bỗng mạ khuỵu xuống từ từ. Mắt bà trợn ngược lên như đã tin được chuyện xảy ra trước mắt là có thật. Khu vườn bên căn nhà cũ vẫn xanh um, sạch sẽ. Những đọt cây xanh vươn cao, như muốn che lấp hết đống gạch ngói. Mạ vẫn mở to mắt, nhìn đăm đăm về phía ngôi nhà đổ, hai chân khuỵu xuống thấp dần như sắp đổ theo với căn nhà. Nhưng rồi mạ gượng kịp. Bà đứng dậy, tay vẫn chỉ về bên vườn, giọng nửa khóc nửa cười:

"Nó đổ, nó đổ thiệt rồi".

Thục đứng yên. Mạ ôm mặt đi vào nhà. Tội nghiệp căn nhà của ba, những rung chuyển của bom đạn làm nó rạn vỡ, và đúng một năm sau, kể từ ngày phát súng đầu tiên thức tỉnh thành phố Huế, ngôi nhà sụp đổ theo. Anh Phước vẫn đứng như chôn chân xuống đất. Thế là hết. Thục dứt mọi tính toán, lo âu về căn nhà.

Khu vườn vẫn xanh um, ôm ấp đầy kỷ niệm của gia đình Thục.



Đăm nay cây mai vàng trước sân nhà nở sớm hơn mọi năm, ông nội đã cắt được một cành, đem cắm vào cái bình đồng lớn. Ông còn đoan chắc rằng, thế nào cành mai cũng nở trong mấy ngày Tết, không thể sớm hơn chiều Ba mươi được. Buổi tối Ba mươi, sau khi cúng xong, ông nội đi lui đi tới quanh quất bên nhánh mai, rồi chợt kêu lớn:

"Ê, tụi bay ra coi, tau nói có sai mô. Có mấy bông đã hé cánh rồi, sáng mai mùng Một là nở ráo cho coi.

Chị Khánh kéo tay Trâm biểu đi lại coi cành mai của ông. Quả như ông đã dự tính, một vài bông hoa đã bắt đầu hé cánh, màu vàng non như nắng. Ông nội đi lui đi tới, có vẻ khoái chí với cành mai của ông. Chị Khánh lôi Trâm ra đứng trước hiên:

"Anh Đăng chừ mà chưa tới. Anh nói với chị túi ni sang đánh tứ sắc".

Trâm giơ tay coi đồng hồ. Nàng phải nghiêng mặt, soi tay lên cao mới thấy được cái kim chỉ giờ nhỏ xíu. Chị Khánh hỏi:

"Mấy giờ mà túi quá rứa hỉ?"

"Mới bảy giờ rưỡi. Đêm Ba mươi mà chị".

"Thắp hương chưa?"

"Mới cũng xong mà chị. Túi thắp. Rồi thắp suốt đêm giao thừa luôn chị hỉ?"

Chị Khánh nhìn ra ngoài cây mai. Bên gốc mai là mộ em Tý Con. Cây hương sắp tàn còn chấm lửa nhỏ nhoi. Giọng chị trầm hẳn xuống:

"Hương nơi mộ em tàn rồi. Chạng vạng thắp hương là đúng nhứt. Vô lấy hương rồi mình thắp cho Tý Con, thắp cho ba với.

Trâm hơi ngần ngại. Mộ em Tý Con nằm nơi sân, nhưng mộ ba tận góc vườn, đầy bóng cây tối mò. Chị Khánh bỏ Trâm đứng yên, lủi vô nhà lấy ra một bó hương. Chị đốt hương rồi thổi cho tắt ngọn lửa bùng lên ở đầu hương. Trâm thấy khuôn mặt chị sáng rực rồi mờ đi. Chị Khánh hỏi:

"Có đi không?"

"Đi chị".

Trâm bíu chặt lấy tay chị Khánh làm chị đi chậm lại, chị gắt:

"Đi đàng hoàng chớ đi chi lạ rứa. Sợ ma à? Có ba rồi có em Tý Con mà sợ chi. Ba và em Tý Con luôn luôn ở cạnh mình".

Trâm nép sát vào chị:

"Răng mà năm ngoái thấy toàn người chết, chạy loạn không sợ, chừ tưởng lại em sợ bất chết rứa".

Chị Khánh không nói gì nữa. Chị chia nửa bó hương thắp lên mộ em Tý Con. Trâm thấy trong bóng tối những cánh mai như đang run lên và trong không khí yên tịnh, có những tiếng động tích tắc như tiếng đồng hồ hay tiếng gương soi.

Những bông mai đang cựa mình đấy, nếu còn em Tý Con chắc nó sẽ nói thế, em vốn mơ mộng lắm. Chị Khánh chắp tay vái mấy cái, Trâm bắt chước theo. Nàng cảm thấy lạnh ở gáy và không dám ngoảnh lại. Nàng có cảm tưởng như sau lưng có một bóng đen đang đứng nhìn mình.

Chị Khánh quỳ xuống bên mộ và chị yên lặng như thế quá lâu. Trâm đoán chắc chị đang nhớ lại hình ảnh Tý Con những năm về trước. Trâm cũng thế, bao giờ nụ cười ánh mắt vui tươi của Tý Con cũng ám ảnh nàng. Cả khuôn mặt đầy máu của Tý Con, cả câu nói cuối cùng của em đã bao lần làm Trâm bật khóc: "Chắc em chết mất chị ơi. Chị Trâm nói thương em đi, chị Khánh nói thương em đi. Ông nội nói thương cháu đi". Chỉ có điều nó không nhắc tới Tâm, người con trai mà nó có cảm tình nhất.

Năm ngoái cũng giờ này, Tý Con đứng trước cổng đợi Tâm qua, rồi kéo vào nhà đánh tứ sắc. Có cả anh Đăng nữa. Khi nghe anh Đăng cặp đôi nó với Tâm, nó vùng vằng: "Chi lạ rứa, anh dị rứa thê". Thằng Tâm đỏ mặt. Tý Con cũng đỏ mặt nhưng Trâm thấy hai đứa nó liếc nhau. Tý Con mười bảy rồi chớ nhỏ nhít gì.

Vậy mà, chỉ mấy hôm sau thôi. Bây giờ nó nằm trước sân nơi cây mai vàng mà nó thích nhất. Em Tý Con, em Tý Con của chị, Trâm cúi xuống, nắm đất vẫn vô tri, những cây cỏ chị em Khánh nhổ chưa sạch vẫn mọc thưa thớt. Riêng có những cành mai như lay động nhẹ nhàng trong bóng đêm êm đềm quấn quít như muốn ướp hai chị em Khánh vào một mùi hương xưa quen thuộc.

Chị Khánh đứng dậy, cầm tay Trâm:

"Mình ra mộ ba, em".

Trâm đi theo chị. Mắt Trâm đã quen bóng đêm và nàng đã dạn dần. Chị Khánh bắt Trâm nhảy qua những luống cây non mới ươm trên những vồng đất. Những cây cối già nua của năm qua, trong dịp tang tóc, đã bị gãy và chết gần hết. Duy còn cây vú sữa già gần nơi chôn ba vẫn không bị một vết đạn, còn sống tới giờ và vẫn xum xuê cành lá.

Buổi chiều, Trâm đã trông thấy ông nội đi ra mộ ba thắp hương một mình. Hình như ông nội đã đứng dưới cây vú sữa lâu lắm. Khi vào mắt ông hoe đỏ, chị Khánh hỏi ông tối nay có cúng giao thừa không, ông không trả lời nhưng chị Khánh cũng cứ sắp sẵn bánh mứt, mua trà thơm như mọi năm. Như mọi năm, làm gì còn như mọi năm được nữa. Năm nay thiếu mất ba, thiếu em Tý Con rồi. Trâm nhớ lại mỗi năm trước, chiều Ba mươi cúng xong thế nào ba cũng dắt mấy chị em lên đồi Vọng Cảnh thăm mộ mạ. Mộ mạ chôn thật xa, ba nói chôn trên đó cho mạ nhìn thấy cảnh thiên nhiên rộng rãi đẹp đẽ. Mạ mi xưa ưa mơ mộng lắm, các mệ mà. Vậy mà bây giờ, ba nằm trong khoảng vườn chật hẹp này.

Đem chôn được ba nơi góc vườn chật hẹp này cũng là khó khăn lắm rồi. Trâm nhớ hôm đó đúng hôm mồng Bảy Tết, ba chết trên tay ông nội. Khi đặt ba vào chiếc áo quan để dành cho ông nội, ông nội đã khóc ngất: "Thôi con yên lòng ra đi, ba tặng con cái áo của ba. Ai ngờ con ơi, măng không khóc tre mà chừ tre khóc măng…"

Chiếc hòm ba Trâm mua để dành cho ông nội, không ngờ chính ba lại ở trước. Khi chôn ba ở góc vườn, đợi sáng sớm mới ra đào đất, vậy mà máy bay trên trời thấy cuốc xới đã thả bom xuống làm gãy năm bảy cây lớn trong vườn, sạt mất nửa mái ngói. May mà mọi người kịp vất cuốc vất xẻng chạy xuống hầm được. Cho tới chiều tối mới chôn được ba xong.

Khổ thân chị em Khánh, trong những ngày loạn lạc mộ ba chỉ có mấy thước mà không ai dám đi ra thắp hương hay thăm hỏi khóc lóc. Trâm bước theo chị, hai bàn chân Trâm quệt vào những bụi cỏ ướt. Trời sáng hôm nay vẫn còn mưa, nhưng cơn mưa rất nhỏ, như chỉ rắc thêm một lớp bụi mờ trên thảm cảnh buồn đau của những ngày đầu xuân năm trước.

Hai chị em đã tới cây vú sữa. Bóng lá chiếm một vùng đen đậm trong sân. Cây diêm của chị Khánh lòe lên, ngôi mộ ba nằm riêng rẽ trên một vùng đất vuông vắn. Ông nội đã nhiều lần muốn dời lên đồi Vọng Cảnh với mạ, nhưng rồi không ai dám động tới ngôi mộ hết. Ông đành khất lại ba năm nữa. Nhưng chị em Khánh vẫn không muốn đem ba đi. Từ sau Tết Mậu Thân, nhà nào cũng có mồ chôn trong nhà, nơi trường học bên đường đi còn có nữa là. Ba nằm đây còn sung sướng biết mấy. Trâm và Khánh thường nghĩ và nói với nhau điều đó. Chị Khánh đưa hộp diêm cho Trâm, nói quẹt lửa lên soi cho chị trông thấy mà thắp hương. Cây diêm do chính Trâm quẹt lên, ngọn lửa chói trước mắt, Trâm chả nhìn thấy gì hết ngoài tia lửa lùng bùng rồi tắt phụt. Sau đó Trâm chỉ thấy nắm hương lập lòe trên ngôi mộ ba, và bóng tối của cây vú sữa xoã xuống đặc quánh. Chị Khánh lại vái và Trâm vái theo. Hình ảnh máu me của ba lại hiện về, Trâm mủi lòng, mắt rưng rưng. Chắc chị Khánh cũng thế. Trâm nghe tiếng chị sịt mũi.

Có tiếng con vện sủa trong sân. Chị Khánh kéo tay Trâm:

"Anh Đăng qua đó. Vô đánh tứ sắc".

Giọng chị Khánh có vẻ bất thường. Hai chị em vào sân đã thấy anh Đăng đứng trước hiên, ông nội thay xong mấy cây đèn sáp trên bàn thờ. Bức ảnh của ba, của em Tý còn sáng trưng, khuôn mặt ba nhìn thẳng chị em Trâm. Trâm quay đi chỗ khác. Giọng ông nội không buồn không vui:

"Đánh tứ sắc tụi bây".

Bộ bài vất trên sập ngựa. Bỗng nhiên chị Khánh bật khóc lớn. Năm ngoái ba cũng vất bộ bài trên sập ngựa, và ba cũng chết trên sập này. Tý Con cũng quay quắc trên chiếc sập này. Những vết máu trên sập ngựa đã lau sạch nhưng những vết máu trong đầu chị em Khánh không gột sạch được nữa. Ông nội nhìn chị Khánh, nhìn anh Đăng, nhìn Trâm. Chừng đó người nhưng không khí trong gia đình bỗng đơn lạnh quá chừng. Ông đưa tay áo lên dụi mắt, cố gắng giữ vẻ bình thường:

"Con Trâm đi lấy cái chiếu, trải dưới đất cho mát".

Nói cho mát mà ông nội kéo cao cái cổ áo dạ. Anh Đăng thu hai tay vào túi.

Anh Đăng cố thật vui vẻ. Anh nói chuyện khôi hài. Nhưng Trâm không thấy vui. "Em Tý Con, em về ngồi trên sập ngựa coi chị đánh tứ sắc đó chớ". Trâm nhìn xuống mặt gỗ, mặt gỗ bóng nhoáng, chiếu những tia nến sáng lung linh, Trâm có cảm tưởng như những vệt máu lâu ngày đã phai màu đang chao nghiêng, lấp loáng.

Ông nội chia bài, hình như ông muốn nhắc lại một chuyện gì đó nhưng ông giữ kịp. Trâm biết là ông đang nghĩ tới chuyện gì rồi. Đêm nay, trong bao nhiêu căn nhà mới có cũ có của thành phố Huế, bao nhiêu người đã ngồi buồn bã như thế. Giữa đêm Ba mươi, trên bức màn đen tối của đêm cuối năm, bao nhiêu hoả châu, bao nhiêu tiếng súng, bao nhiêu xác chết. Trâm thấy chị Khánh vừa nhắm mắt lại.

Ván bài từ ban đầu có bốn người, rồi ông nội Trâm bỏ cuộc trước. Vậy là tan chiếu. Chị Khánh nói anh Đăng ở lại chơi khuya khuya một chút rồi về. Trâm hỏi ông có cúng giao thừa không để đi nấu nước. Ông nội vẫn không có ý kiến gì hết. Chị Khánh nói:

"Thôi, đừng cúng kiến chi năm mới nữa. Nấu nước cúng ba, cúng mạ, cúng em Tý Con".

Hai chị em Trâm soạn bánh mứt. Anh Đăng giúp nhúm bếp dầu hôi. Ông nội có vẻ mệt mỏi nằm dài trên sập ngựa. Hai chị em Trâm với anh Đăng cắn hột dưa và ăn mứt ở nơi chiếc bàn kê trước bàn thờ. Không có anh Đăng qua chơi rồi không biết chị em Trâm ra răng nữa. Chắc hai chị em tìm hai chỗ nằm trong bóng tối để khóc quá.

Buổi chiều Trâm đi xe buýt qua chợ Đông Ba. Tết năm nay người ta cũng buôn bán đủ thứ. Chợ hoa cũng có, chợ trái cây, mứt bánh. Người đi sắm cũng đông đúc, nhưng sao Trâm thấy cả thành phố không có vẻ gì chuẩn bị đón xuân hết, mà như đang sửa soạn để cúng âm hồn. Trên mấy chiếc xe xích lô chở đầy những hình nộm, những va ly giấy. Những vành khăn trắng từ đầu năm đến nay vẫn còn quấn trên những mái đầu già trẻ một cách chặt chẽ. Mặt người nào cũng âm thầm. Đôi khi Trâm thoáng gặp những nụ cười nhưng những nụ cười ấy mang đầy ý nghĩa chua chát ngượng ngập. Trâm trở về, nàng đi bộ qua đoạn cầu bằng phẳng nối nhịp cầu gãy. Năm ngoái, chiều Ba mươi Tết, Trâm đi với Tý Con và vài cô bạn gái khác cũng qua mấy nhịp cầu này. Có đứa đầu Xuân làm đám cưới, có đứa làm đám hỏi, vậy mà nay đứa chết đứa mất tích lâu rồi. Cũng chiều mồng Một Tết, Trâm với Tý Con mặc áo mới đi tung tăng bên ba. Trâm thấy Tấn đạp xe đạp đi bên kia cầu nhìn Trâm với đôi mắt hết sức đằm thắm. Từ lâu, Trâm đinh ninh thế nào cũng nhận được lá thư tình của Tấn tỏ tình vào đầu xuân. Nhưng mấy ngày đầu xuân Tấn chết. Trâm chạy loạn ngang qua nhà Tấn, thấy xác Tấn nằm giữa sân, mất một cánh tay, người đã trương to như con bò. Nhưng Trâm không còn sức để buồn cho mối tình vừa nhúm đó. Nàng còn bận bịu với nỗi khổ lớn mất ba, mất Tý Con.

Khi đi qua cầu, Trâm cũng nhờ Tấn, và hình ảnh Tấn xình thúi ở ngoài sân làm cho Trâm choáng váng một vài giây, và nàng vội nghĩ tới cái chết của ba, của em. Trâm có cảm tưởng như mình đang khóc khô, không rớt nổi một giọt nước mắt.

Trâm nghĩ tới những ngày đầu xuân sắp tới thành phố sẽ phá vỡ ra từng tảng buồn lớn như những tảng băng bằng lệ. Những ngày đầu xuân sẽ là ngày của những âm hồn tung tăng trở về nhà hít khói hương. Tiếng khóc sẽ bật ra khắp nơi với ngày xuân đầy những giấy vàng, những hình nộm, những hương trầm u uất, mùi tử khí năm vừa qua.

Ông nội đang nằm im lặng ở sập gỗ, bỗng nhỏm dậy, gọi anh Đăng:

"Đăng à".

"Dạ, kêu cháu chi rứa bác?"

Anh Đăng vừa trả lời vừa cắn hột dưa. Ông nội nói:

"Tao nghĩ ngày mồng Năm tháng Năm đã qua, mình cúng âm hồn thất thủ kinh đô mô có bằng Tết mi hỉ".

"Dạ".

"Đố Tết vừa rồi nhà mô tránh khỏi có người chết, bà con chết".

"Năm ni nhà mô cũng cúng".

Chị Khánh nói. Ông nội lại lặng im. Anh Đăng đứng dậy về. Ông nội không giữ lại, ông chỉ nói:

"Bên mi có cúng giao thừa không?"

"Dạ con không biết chi hết. Mạ con khóc từ túi qua đến chừ, khuyên hoài mà bà cứ khóc tru tru trong nhà, rầu thúi ruột bác ơi".

Chị Khánh đưa mắt nhìn Trâm. Bên anh Đăng bác trai cũng bị chết vì mảnh bom. Bác đi tản cư gánh một gánh gạo, nồi niêu, khi bác chết, gánh hàng vẫn còn đè trên người. Đến ngày gần yên, cả nhà mới tìm thấy bác thì thịt bác đã rữa gần hết.

Trâm thấy mắt chị Khánh long lanh nước như sắp khóc. Anh Đăng nói xong thở dài và đi ra cổng.

Nhưng vừa ra tới hiên anh vội lật đật đi vào. Trâm hỏi:

"Còn quên chi nữa. Muốn mượn bộ tứ sắc về đánh à?"

Anh Đăng đi tới gần chị Khánh nói nhỏ nhưng Trâm vẫn nghe kịp:

"Nì, lạ lắm. Có ai ngồi ngoài mộ con Tý Con".

Trâm lạnh cả xương sống. Nàng bước tới gần chị Khánh mà chân nhẹ hỗng. Nơi bóng tối ở các góc nhà như cũng đang có bao bộ mặt rình rập, nhe răng, trợn mắt. Chị Khánh đang hốt nắm hột dưa, thả xuống.

"Cái chi, cái chi rứa? Ai?"

"Lạ lắm. Nó ngồi lù lù. Đen thui".

Ông nội thấy mấy anh em xì xầm, xỏ dép đi tới:

"Cái chi? Cái chi rứa Đăng?"

Chị Khánh nói không ra hơi:

"Ai ngồi lù lù ngoài mộ em Tý Con".

Trâm kêu:

"Trời ơi, dễ sợ. Chắc là ma".

Rồi Trâm chui vào đứng lọt giữa chị Khánh và anh Đăng, tay chân run cầm cập. Chắc là ma, hay Tý Con hiện về. Hình ảnh ma quỷ bỗng in vào đầu, ám ảnh Trâm làm Trâm hốt hoảng. Ông nội cầm cây đèn dầu giữa nhà:

"Mô, tụi bây theo tao".

Trâm cầm chặt áo chị Khánh, bị chị Khánh rẫy ra. Trâm cầm chặt áo anh Đăng và chen vào giữa:

"Đừng bỏ em trong nhà, em sợ quá".

Anh Đăng ôm vai Trâm dỗ:

"Đừng sợ, đi với anh".

Ông nội đã đem cây đèn ra hiên. Ông giơ cây đèn tới trước, soi soi ra sân. Quả thật nơi gốc mai có một bóng đen ngồi lù lù. Trâm suýt kêu thét lên rồi ôm chặt lấy anh Đăng. Ông nội đứng lặng yên một lúc rồi thì thầm:

"Người chớ không phải ma mô".

Cái bóng đen không nhúc nhích. Đầu hơi gục xuống và mái tóc hay cái đầu có vẻ thật lớn. Ông nội bước xuống hiên, mấy anh em vẫn đứng trên bực thềm. Ánh sáng ngọn đèn quẹt một vệt dài trên lưng bóng đen, sáng một khoảng trắng nhạt.

"Ai ngồi đó. Ai ban đêm ngồi chi đó?"

Bóng đen đứng rột dậy. Trâm kêu một tiếng, ôm chặt anh Đăng. Chị Khánh cũng lùi lại một bước ôm lấy vai anh Đăng. Ông nội tiến thêm một bước nữa:

"Ai đó? Răng kêu không nói?"

Có lẽ ông nội cũng gớm cho nên ông chỉ tiến thêm một bước rồi dừng như chôn chặt chân xuống đất.

"Dạ, cháu đây mà ông".

"Cháu là ai?"

"Dạ thằng Tâm đó ông".

Chị Khánh thả hai tay xuống.

"À, thằng Tâm".

Trâm cũng buông anh Đăng ra. Ông nội đem cây đèn đi ra thêm mấy bước nữa. Ánh sáng giúp Trâm nhận ra mặt thằng Tâm dễ dàng. Trên mộ em Tý Con có nén hương mới đang cháy. Thằng Tâm đi vào hiên. Ông nội soi đường cho mọi người vào rồi đặt cây đèn giữa bàn. Thằng Tâm còn đứng rụt rè. Ông nội hỏi nó, giọng dịu dàng:

"Răng chiều không qua ăn cúng Ba mươi rứa Tâm? Đi mô chừ mới qua?"

"Dạ, cháu ở bên nhà".

"Răng chừ mới qua?"

"Dạ".

Anh Đăng lôi Tâm xuống ghế. Mặt nó buồn xo. Nó nhìn lên bộ bài tứ sắc còn vất trên chiếu, rồi nhìn lên bàn thờ. Bức ảnh Tý Con với đôi mắt ngây thơ, đôi môi tươi tắn như chuẩn bị những bước vào đời thực vững vàng, tin tưởng. Mùi trầm hương bay thoang thoảng quyện nỗi buồn nhớ tản mát không gian. Ông nội đi thay hai ngọn nến mới, rồi ông ra hiên. Trâm thấy ông đi tuốt ra mộ Tý Con, và đứng dưới cây mai, bóng ông đôi lúc như chập vào bóng đêm đen chỉ còn hình dáng ông rõ ràng trong trí nhớ của Trâm.

Một lát anh Đăng đứng dậy đi về. Anh dặn nhớ đóng cửa ngõ cho chặt rồi ngủ. Không biết có chuyện gì xảy ra đêm nay không? Trâm nhìn lên bàn thờ, nhìn cành mai nở đúng ngày của ông nội. Chắc cây mai bên mộ em Tý Con, những bông mai đã nở sớm, như cuộc đời em đã sớm ra đi, nhưng còn lại một cành kịp cho người sống tưởng nhớ.

Khi ông nội về thì thằng Tâm đứng dậy nói xin phép về. Ông nội dặn:

"Mai mốt mùng Một mùng Hai qua bên ni nghe cháu".

Thằng Tâm dạ rồi lủi thủi đi ra cửa. Nó biến mất ra ngoài tối.

Lúc này Trâm mới nghe tiếng chó sủa khắp nơi vọng tới. Đêm Ba mươi này, biết bao oan hồn về sớm để chực chờ.

Những âm thanh rơi trong đêm hay những tiếng xào xạc của các âm hồn, bay tản trong bầu trời đen tối đầy mùi hương, đầy tiếng khóc của những người còn sống. Và hình ảnh Tâm vừa đi vừa ngước lên bầu trời đen mênh mông, để gửi một ánh mắt tới Tý Con làm Trâm cảm động muốn khóc.

Em Tý Con, nếu có linh hồn em sẽ trở về chứ? Em phải về, em Tý Con. Em có về đêm nay nhớ mở hết những cánh hoa mai ra nhé. Trâm rủ chị Khánh đi nằm nghỉ một chút để đón giao thừa. Cúng giao thừa hay cúng oan hồn đầu năm cũng vậy.

Chị Khánh chùi nước mắt. Trâm thổi tắt ngọn đèn. Nàng nằm thẳng, chân tay duỗi dài và bỗng thấy mình năm giống hệt hồi Tý Con nằm chết.


Năm nay, nhờ có thêm một tháng nhuận, năm dài thêm một chút, thành thử tháng Chạp giỗ đầu ba tôi lại trở thành tháng giỗ đầu cho cả chục ngàn người chết trong biến cố Mậu Thân ở Huế.

Chúng tôi về tới Huế vào những ngày cuối cùng của tháng Mười một. Năm ngoái khi cúng ông táo xong, buổi tối, tôi nhận được điện tín từ Huế đánh vào báo tin ba tôi đã yếu. Ngày hôm sau, khi tôi về tới thì chỉ còn đủ giờ cho ba tôi nhìn thấy khuôn mặt con gái lần cuối cùng để khép mắt. Rồi sau đó biến cố xảy ra, chạy loạn, sống sót trở vào Sài Gòn yên lành, tôi không hình dung được Huế đã tan nát như thế.

Những ngày chạy loạn, những chi tiết, những chuyện kể, bao nhiêu đó tôi vẫn chưa hình dung được vẻ tang thương của Huế, thành thử giải khăn sô cho Huế tôi đã viết gần một năm, xoá đi sửa lại mà vẫn chưa hài lòng.

Lần này chúng tôi về Huế với tất cả sự nô nức chờ đợi. Từ gần một năm qua vợ chồng con cái đã đứng ở sân bay Phú Bài, giữa sân bay cũng đầy bụi cát. Nơi này, năm ngoái tôi về để thắt chiếc khăn tang riêng rồi khi đi, cùng thắt tang chung với thành phố. Nơi này những năm về trước chồng tôi đã đi về, tôi đã cắn răng để lên máy bay, cố tình bỏ Huế, ghét Huế. Và đây là lần đầu tiên, từ ngày bỏ Huế, vợ chồng tôi mới cùng chung một chuyến về, và cảm động thay, trên tay chúng tôi, còn con bồng con mang nữa.

Ba tôi khi sống không được may mắn, quả khi chết đã được đền bù. Nếu ông nhắm mắt chỉ lùi lại vài ngày nữa thì chắc gì chúng tôi có đủ thời giờ để chôn cất tử tế, có đủ vải để thắt một giải khăn sô. Đến ngày giỗ cũng vậy, mấy hôm trước, nghe tin khí tượng tôi biết thời tiết ở Huế lạnh ghê lắm, lạnh và mưa dầm. Chúng tôi đã chuẩn bị như những người đi tới xứ tuyết. Nhưng khi đến nơi, trời nắng khô. Thời tiết không khác gì ở Sài Gòn. Từ Phú Bài chúng tôi lên xe ca vào thành phố. Xe chạy qua những cánh đồng láng nước, những làng xóm nghèo nàn rồi vào An Cựu. Những căn nhà đổ nát đã bắt đầu hiện ra, gần tới nghẹo, tôi cố tìm căn nhà thờ của gia đình tôi ở An Cựu nhưng tôi không nhận ra nổi. Xe chạy quá, tôi cũng chỉ kịp nhìn lên phía núi Tam Thái mà chưa hình dung ra được nấm mộ nhấp nhô trên sườn núi.

Thành phố đã đầy hơi thở nhọc nhằn đang gượng bò dậy. Xe qua chợ An Cựu, nơi đây ngày trước là mục tiêu của đại bác, của rốc kết, nay đã được dựng lại sơ sài bằng những mái tôn còn mới tinh, vừa gội một mùa đông đầu tiên.

Trên những nền nhà, bên cạnh những đống gạch khổng lồ, những mái tôn đã được dựng lên, hoặc những mái che sơ sài bằng những miếng vải dầu có dằn bằng bao cát. Những con đường, ngoài những ổ gà cũ kỹ vẫn còn sạch sẽ.

Xe qua Dòng Chúa Cứu Thế, ngôi nhà thờ sừng sững kiên bền vẫn còn thách thức, vậy mà những ngày đầu xuân vừa rồi, chỉ mấy tấm kiếng rơi xuống, vài viên đạn xuyên qua cửa sổ, bao nhiêu người ngã xuống, bao nhiêu máu đã chảy, khiến chúng tôi xô đạp lên nhau, kêu khóc như ri, chạy bất kể chết ra ngoài để tìm sự sống.

Tôi chỉ cho chồng tôi khu Dòng Chúa Cứu Thế này và nói những ngày đầu tiên tôi đã chạy tới đây. Chồng tôi nhìn ngôi nhà kiên cố với vẻ ngạc nhiên:

"Đâu nào, anh thấy hư hại chi đâu mấy".

Tôi không trả lời, chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao những viên đạn đã lọt vào bên trong những tấm kiếng rơi xuống mỏng manh thế mà có thể cắt xẻ thịt người. Tôi cũng không thể nào hiểu nổi sự sợ hãi đến tê điếng, chết lịm khi nghe một âm thanh xé vèo, ngọt lịm băng qua khoảng không. Cảm giác đó làm sao tôi còn tìm thấy lại một lần nữa trong đời sống?

Xe chạy vòng quanh phía hữu ngạn rồi lên đậu ở sân ga xe lửa. Cũng như mọi nơi khác, đường xe lửa đã tê liệt rồi. Tôi không nhìn thấy phía sau nhà ga nhưng cũng hình dung được những cỏ lùn đang mọc kín những khoảng đường rầy rỉ sét cũ kỹ và những toa tàu bỏ trống. Ở đây, cũng như Sài Gòn, khoảng sân ga thơ mộng của những lần hẹn hò, chia tay, của những tối đi hóng mát, ăn chè ga, ăn nem chả, bún bò đã trở thành trạm hành lý của Hàng không Việt Nam mất rồi.

Những hàng quán vẫn chưa mở lại, và trước thềm ga hình như tất cả những chiếc xích lô còn được nguyên vẹn sau Tết Mậu Thân đã tập trung hết nơi đây, mời mọc, níu kéo khó chịu.

Chúng tôi đi bộ lên dốc Nam Giao để tới Từ Đàm, hai đứa con tôi vừa nắm tay nhau đi dung dăng đằng trước, vừa chỉ những ngôi nhà đổ nát vừa cười khúc khích, hay reo lớn như trông thấy một vật quá lạ mắt. Chúng tôi nhìn nhau. Từ cầm chặt tay tôi, trong tiếng cười của con thơ, tôi nghe chừng lòng lắng lại, và bỗng muốn ứa lệ.

Trên những đống gạch vụn còn ngổn ngang giữa những nền nhà bỏ không, những giọt nắng vàng vẫn tung tăng nhảy múa. Lòng tôi cũng lung linh một giọt nắng của ba tôi đã về trời, và bao nhiêu giọt nắng khác đã về trời sau biến cố Mậu Thân. Nhưng cứ hy vọng đi, bao nhiêu giọt nắng khác đang còn nhảy nhót trên những đổ vỡ. Ba ơi, ba ơi. Tôi gọi thầm những tiếng nhỏ, những tiếng nhỏ nuốt gọn vào lòng tôi như những giọt lệ không cách nào chảy ra được lúc đó.

Chúng tôi đi về ngôi nhà của gần mười năm xa Huế.

Ngày buổi chiều hôm đó, vợ chồng con cái chúng tôi đã vội vã về An Cựu, nơi căn nhà thờ họ ba tôi đã gây dựng, đã chết ở đó.

Ngôi chùa Từ Đàm đã được quét dọn và đang sửa chữa lại, nhưng khi xe xuống dốc Bến Ngự, những căn nhà đổ nát vẫn còn nguyên vẹn. Tuy gạch ngói đã được dọn bớt, nhưng vẻ tiêu điều thê lương vẫn đeo cứng trên những bức tường đổ loang lổ vết đạn, trên những thân cây trơ trụi cành đang mọc lên những cành mới, nhỏ, không đủ sức vươn lên.

Gia đình tôi đã về hết ở An Cựu để lo việc giỗ đầu. Tôi không gặp má tôi, bà bận việc đi chợ. Ông anh cả, bà chị dâu, cô em gái và mấy đứa cháu chạy ùa ra khi xe xích lô vừa đỗ ở cổng sắt. Mấy đứa cháu nhỏ quấn quít hai đứa con tôi, còn chúng tôi thì ríu rít trả lời không kịp những câu thăm hỏi.

Vào sân, tôi nhìn quanh khu vườn, dù căn nhà đã được sửa sang lại, và hôm nay dọn dẹp tươm tất, che rạp ở sân, nhưng khu vườn vẫn mang vẻ thê lương khó tả. Cây cối như đã chết khô gần hết, sân trước, nơi khoảng đất rộng năm xưa trồng toàn cam và ổi nay mọc đầy cỏ, mà thứ cỏ vàng úa. Đứa em gái của tôi phàn nàn:

"Bột khai quang làm chết hết cây cối chị ơi".

Nó chỉ lên mấy đọt dừa:

"Chị coi mấy cây dừa năm rồi chạy loạn về còn hái được vài trái uống nước, năm ni thì không ra trái được nữa".

Mấy cây dừa không đủ sức đâm thêm những tàu lá non và những trái dừa non chưa kịp lớn đã khô quắt lại, như những chùm cau héo. Tôi nhìn ra bể cạn trước sân, cây mai vàng Tết Mậu Thân vừa rồi, dù đặc hơi súng đạn tanh máu người vẫn còn nở hết mình và vàng rực cả khoảng bể nước lớn, năm nay chỉ còn lá vàng khô và vài đọt lá non thưa thớt, chưa có một nụ hoa nào.

Cô em gái kéo hai vợ chồng tôi lại một góc vườn, chỉ xuống phía dưới cây cỏ xơ xác hỏi:

"Anh chị có thấy gì lạ không?"

Chúng tôi cùng nhìn xuống. Không có gì lạ. Trên một vùng đất chỉ có cỏ mọc lởm chởm vàng úa. Thấy chúng tôi sững sờ, cô em giải thích:

"Đây này, anh chị thấy, quanh đây chỗ nào cũng có cỏ, chỉ có khoảng này làm cỏ không mọc nổi. Tại hôm tết, ông Ba bên hàng bún bò đầu ngõ bị bắn chết, người ta chôn dưới đây không hòm không chiếu. Uất khí của ông làm cỏ không mọc được".

Câu chuyện của cô em làm tôi nắm chặt tay chồng tôi hơn. Quả nhiên, theo ngón tay chỉ của cô em, tôi đã nhận ra một vồng đất vừa bằng cỡ người nằm, trên đó không có ngọn cỏ mọc.

Xế chiều tối, khi ánh nắng ma quái của mùa cuối đông đã tắt lịm trên những lá cây héo mòn tàn tạ vì thuốc khai quang, các thầy ở chùa Từ Đàm về. Toàn là những khuôn mặt của Tết Mậu Thân cũ cả.

Tôi nhớ lại ngày chạy loạn mới về An Cựu được một hôm, buổi sáng hôm sau thấy ngoài đường xôn xao và nghe tiếng thầy về. Tôi chạy ra. Thầy Thiện Siêu, một vị thượng toạ của chùa Từ Đàm, nơi mục tiêu tập trung của đại bác câu ngày câu đêm, đã thoát được khu hiểm nghèo và về tới được. Bây giờ Từ Đàm đang ra sao? Chỉ mấy phút ghé qua nhà rồi đi, tôi chưa nhìn thấy gì hết, bây giờ nhìn lại khuôn mặt thầy trang nghiêm trước bàn thờ Phật, đang cầu siêu cho ba, lòng tôi không khỏi xúc động.

Nơi bàn Phật này ngày trước là nơi đặt quan tài của ba, cầu cho ba siêu thoát.

Tiếng cầu kinh đã đều, nhịp nhàng như ru bao giọt nắng của bao linh hồn đã mất vào không gian. Má tôi bắt đầu khóc, chị dâu tôi khóc, rồi tiếng sụt sịt của mấy đứa cháu năm ngoái không về dự đám tang được. Tôi cũng muốn khóc lắm, muốn sụt sùi lắm, nhưng ba ơi, con chỉ có thể nặn ra được hai giọt lệ mà không thể thoát ra một tiếng nấc nào. Sự thương nhớ ba đã dìm con trong suốt gần một năm nay, và bây giờ, không lý gì, con còn không biết con đã mất ba vĩnh viễn. Thôi, chỉ cầu mong linh hồn ba bình yên, linh hồn ba, một trong những giọt nắng vừa còn vương vấn ở ngoài vườn kia, bay trước về cõi siêu thoát. Còn lại bao nhiêu giọt nắng của Tết Mậu Thân, bao nhiêu oan hồn vất vưởng đó, Huế sẽ phải làm gì cho họ? Ba tôi đã có ba ngày cúng chay, cầu siêu, tế lễ, nhưng tháng Mười một của năm nhuận sắp hết rồi, ngày mồng Một tháng Chạp sẽ là ngày giỗ đầu của cả chục ngàn người ngã xuống ngày đầu tiên trong biến cố đầu năm Mậu Thân. Phải làm gì cho họ? Huế ơi.


Từ mười một giờ trưa ngày thứ Hai cho tới xế chiều hôm đó, căn nhà thờ họ của gia đình chúng tôi không ngớt người đến thăm và nhớ tưởng người chết.

Buổi trưa khi trở về, ngồi trong mâm cơm chay, nhiều người khách đã hỏi thăm tôi về Sài Gòn trong những ngày đầu xuân. Hỏi thì hỏi để biết rằng sự tang thương không chỉ có Huế gánh chịu, nhưng trong đôi mắt đang tràn đầy bóng tối u buồn, tôi biết họ đang nghĩ gì. Má tôi nhìn thấy nhiều người đến thăm viếng mà lại là đồng sở của ba tôi, bà lại khóc. Nhiều tiếng phân ưu, an ủi, không khí chỉ buồn lúc đầu, rồi tôi lại thấy vài nụ cười nở trên môi họ. Nhưng nụ cười lại tắt ngay khi những câu chuyện về biến cố Mậu Thân được khơi dậy. Chồng tôi đã mượn được bộ tang phục của đứa em bận công tác không về giỗ đầu ông bác kịp. Anh đứng khoanh tay nghe chuyện mọi người. Tôi đang buồn cũng không nhịn cười được khi có nhiều người gọi chồng tôi là ông nhà báo.

"Ông nhà báo ni, ông ở xa lắm răng biết được bữa Mậu Thân dễ sợ ra răng. Có người chết mà chó nhai hết tay chân, ăn hết mắt. Nơi nhà tôi chứ ở trong vườn còn mấy cái mả mà không biết của ai cũng không dám đào lên chôn chỗ khác, ma hiền không nói chi chớ ma dữ nó phá có mà chết cả nhà".

Khi chết rồi còn hận thù chăng? Câu chuyện của người khách làm tôi thắc mắc. Chồng tôi cười hiền lành và tiếp tục nghe chuyện về Tết Mậu Thân. Thì cũng đại để như những chuyện tôi đã nghe, đã biết. Một bà mẹ bế đứa con nhỏ đã chết chạy loạn, cứ sợ người ta chôn con mình, cứ bọc chặt trong áo và vừa đi vừa ru, vừa khóc vừa cười. Một bà già gánh một thúng đựng gạo, một thúng đựng xác cháu, chạy đi tìm chỗ nào ngớt bom đạn để chôn, cuối cùng chết dọc đường mặt úp trên chiếc thúng còn xác đứa cháu đã sình thúi. Một bà mẹ lạc con cứ chạy kiếm những xác trẻ, gặp xác nào cũng lật lên nhìn, kêu khóc, cuối cùng lượm được một khúc chân mà bà tin chắc là chân con mình. Đến khi bị thương gần chết không chôn được chân con, chị ngậm cả bàn chân vào miệng, ngậm cứng mà chết.

Dù những chuyện này tôi đã được nhìn thấy, đã chứng kiến có khi còn nhiều chuyện thê thảm hơn, nhưng khi nghe lại tôi không khỏi rùng mình nổi gai ốc. Tôi còn chứng kiến cảnh hàng trăm người đàn bà trẻ con, sư có cha có, cầm cờ trắng để chạy ùa qua một cây cầu ngắn có bốn năm thước từ vùng Việt Cộng chiếm đóng về, qua tới cầu An Cựu, ở đây đã bị lính Mỹ gác cầu bắn đùa một con chó xuống nước. Mỗi lần con chó lội được gần bờ thì những loạt đạn làm con chó dang ra xa, và đồng bào ở trên bờ la khóc như ri chạy vứt cả thúng cả gióng, rớt cả con thơ xuống đường. Lần đó tôi đã cầm chặt hòn đá trong tay, nhưng hòn đá mà ra gì? Cả thân phận đất nước chúng tôi không hơn gì một con chó bị thương đang cố bơi vào bờ, dưới những lằn đạn bắn như mưa đó. Hòn đá mà làm được gì?

Hòn đá đã rời khỏi tay tôi, hòn đá to nặng mà nhẹ bấc trong khối tủi nhục. Bên tai tôi, giọng một bà già lạc đi như sắp khóc:

"Mấy bác biết không, tui lượm được chiếc xe ba bánh chở xác ông với thằng con trai. Tui sức già kéo mô có mau, rứa mà cũng kéo được xuống cầu. Mấy thằng Việt cộng nó nói chết rồi mà ra gì, đem đi mần chi. Nó xô cả cái xe và cái xác xuống sông. Tui khóc tui lạy như tế sao mà tụi nó cứ tỉnh bơ nói đồng bào phải giúp quân giải phóng Huế, rồi Bác Hồ vào ai cũng sung sướng. Tui chạy được qua bên quốc gia thì họ nghi tui theo Việt cộng, đi liên lạc. Tui kể chuyện cho họ nghe Việt cộng xô xác chồng tui con tui xuống sông, họ nói chuyện khó tin. Về sau tui khóc quá họ mới tin rồi cho tui gạo cơm, đem tui về trường kiểu mẫu tui mới sống đó chớ".

"Rứa bữa cúng giỗ đầu chị cúng mô. Một ông già hỏi".

"Thì bưng cơm, vàng bạc ra cầu mà cúng chứ biết ông tui con tui ở mô chừ".

"Rứa chừ chị vẫn ở nhà cũ".

"Thì tui che cái mái. Thằng rể của tui đi lính trong Quảng ra mần cho đó. Nó đón tui đi vô Quảng mà tui không đi. Ở đây bao nhiêu ràng buộc mà đi răng cho đành. Tui phải cúng giỗ cho ông tui với con tui chớ. Ở cái nhà cũng sợ quá, nghe nói Việt cộng bữa đó chết trong nhà tui nhiều lắm, chôn ngoài mương cũng nhiều. Có đêm tui nằm chợt thấy đông lắm, mặc áo quần giải phóng, đeo băng đỏ bằng vàng, cứ kêu đói xin ăn. Tui kệ, nhớ lần nó xô xác chồng con xuống sông, tui không cúng".

Kể chuyện người chết xong kể chuyện ma. Cứ hết lớp này đến lớp khác, tôi nghe không biết bao nhiêu chuyện. Cho tới chiều, tôi nhìn thấy một cụ già có khuôn mặt hết sức quen. Nhớ ra là ông Lý Biện, người đánh kiềng hôm đưa đám ba tôi. Ông này có bà vợ chết vì mọt chê mười mấy ngày sau khi Huế xảy ra biến cố. Thấy tôi, ông cười: "Ba cháu rứa mà phước đức sung sướng. Cháu đừng có buồn mà phải mừng. Chết trước được cúng trước, được mồ mả đẹp con cháu đông nhà". Ông không nói thêm nhưng tôi biết là ông đang nghĩ tới bà vợ. Tôi cũng không dám nói lời an ủi nữa, tôi sợ nụ cười gượng trên môi ông sẽ tắt mất.

"Răng, ở lại vài ba bữa nữa coi cúng giỗ đầu. Tháng Chạp năm ni cả thành phố cúng. Ở lại chia buồn với quê nghe cháu".

Rồi ông quay sang mọi người đang ngồi đầy bàn:

"Răng, năm ni các ông các bà có nghe chính phủ đoái hoài chi tới Huế không?"

"Không biết. Nhưng chùa sẽ tổ chức một buổi tuần hành lặng lẽ để nhớ tới người đã khuất. Còn nghe nói thành phố sẽ tổ chức một ngày đi tảo mộ, nhổ cỏ, thăm người chết".

"Rứa cho con vợ tui nó mát mặt. Con vợ tui chết mà nó chết đói chết khát. Trời ơi là trời, đất ơi là đất".

Buổi chiều hôm trước khi nói chuyện với mấy thầy trên chùa Từ Đàm về, tôi cũng nghe các thầy nói về ngày giỗ đầu của Huế trong biến cố Mậu Thân. Anh tôi nói rằng: Dù sao cũng đỡ. Năm nay là năm nhuận, giỗ đầu sẽ vào tháng chạp, và những ngày đầu năm sẽ đỡ tang thương hơn.

Nhưng tôi lại nghĩ khác. Cái tang chung của thành phố sẽ vô cùng bền bỉ. Nó còn to tát, buồn thảm hơn ngày 23 tháng 5 cúng cô hồn, nó còn ngậm ngùi hơn ngày rằm tháng Bảy cúng chiến sĩ trận vong. Mấy trăm người chết ngày tháng Năm của Huế thất thủ đã thành một cái tang thương lớn rồi. Cứ mỗi năm, ngày này của Huế đi đâu nghe tiếng chiêng trống, tiếng kinh kệ cầu nguyện. Huống hồ cái biến cố vừa qua gần mười nghìn người đã chết.

Đám giỗ ba tôi linh đình trong ba ngày liền. Trong ba ngày tôi đã được nghe bao nhiêu mẩu chuyện, về biến cố Mậu Thân, bao nhiêu dự định cho người đã chết. Trong một buổi sáng đi ra đường vội vàng tôi đã nhìn thấy những hàng vàng hương. Đó, cả thành phố đang thành một đám giỗ vĩ đại.


Sau mấy ngày bận việc cúng giỗ, khách khứa, sáng ngày thứ ba, sau khi cúng đốt tang năm đầu cho một vài đứa cháu, chúng tôi lên núi Tam Thái thăm mộ ba tôi. Mộ ba tôi chôn trên cao, sườn núi đá ít cỏ mọc nên trông vẫn còn có vẻ mới. Nghĩa địa vẫn lặng lẽ như cũ. Hình như những người chết trong biến cố Mậu Thân không được lên đây là mấy, chỉ vài nấm mộ mọc thêm, thưa thớt. Vợ chồng tôi đốt nhang và cúi lạy trước mộ ba tôi. Bảy tám năm khi chúng con cùng trở về thì ba không còn nữa, Huế cũng đã đổi khác. Nhưng chúng con còn trở về, còn đứng trước mộ ba, chắc ba vui.

Chúng tôi đứng trên mộ cao nhìn xuống núi. Cảnh vật ở đây thật thơ mộng. Từ nói với tôi thế. Ba nằm đây chắc ba thích, cảnh ở đây hợp với tâm hồn ba lắm rồi. Tôi nhớ tới cái mũ trắng treo cùng với cây đàn bầu, cây đàn Banjo, cây Mandoline, những vật bất ly thân của ba tôi thời còn sống. Ba ơi, chắc nằm ở đây ba không có nhiều bạn bè để ngắm trăng, để làm thơ, để dạo đàn. Vài ngày nữa, ngày giỗ đầu của Huế, ba sẽ gặp nhiều người quen lắm. Ba gặp một số bạn bè cùng xóm này, ba sẽ gặp cậu Đội Hoà. Cậu đã coi dàn nhạc Đại Nội, cậu đã bị một mảnh đạn nơi thái dương và chết trong biến cố, những cây đàn của cậu cũng đã cháy chắc sẽ về theo với cậu. Con cũng mong ba gặp được cậu, ba sẽ nghe cậu đàn, sẽ hoà đàn với cậu. Ba vui nghe ba.

Vài ngày nữa ba cũng có thể gặp được em Trọng, em Trọng chết trong biến cố Mậu Thân ở Sàigòn, em con đi lính mũ đỏ và chết khi về "giải phóng" thủ đô, cạnh khu nhà chúng con ở Sàigòn đó. Khu nhà chúng con vẫn yên lành, ba ơi, thương em Trọng giùm con với. Ba cũng có thể gặp Tâm Tuý, cô bạn nhỏ của con ngày xưa đã có lần ba cho con với nó đi ăn phở đi uống nước ngọt. Nó bị chôn sống ở Gia Hội. Gặp nó ba thương nó như đã thương con ba nhé. Ba đi trước ba được yên, ba không nhìn thấy không chứng kiến đó. Nhưng ba sẽ gặp những người sắp về sau ngày giỗ đầu, rồi ba cũng sẽ biết. Ba cám ơn hết nghe ba, họ đã đi để cho lịch sử biết tủi nhục.

Ngày giỗ đầu sẽ đến, và tháng chạp đã đến, Huế ơi thắt trắng khăn sô, đốt đầy vàng hương để nhủ hồn về, những linh hồn lưu lạc từ ngày Tết Mậu Thân chết đói khát, chết mở mắt trong hầm, bên lạch nước, trong gạch vụn, ngoài cầu, trên đường, chết chôn sống. Một ngày giỗ đầu đầy vàng hương, đầy tiếng khóc đã lảng vảng tới gần với Huế.

Tôi nhặt những viên đá tím bên mộ mân mê trong lòng bàn tay, chiếc hòm sơn xám của ba tôi chắc đã trở màu. Ngày biến cố Mậu Thân, bao nhiêu người đã lấy hòm xẻ ván ra làm hầm núp bom đạn, để sau đó khi quật bao hầm xác lên không có tấc ván để chôn cất lại. Người sống đã hưởng hết phần của kẻ chết.

Ba ngày giỗ đầu ba tôi đã tàn, nhường cho thành phố chuẩn bị một giỗ đầu lớn hơn.


Buổi tối ngày thứ ba, theo lời mời của anh Vĩnh Phối và anh Thành, hai anh Giám đốc của hai trường Mỹ thuật và Âm nhạc, vợ chồng chúng tôi mượn được chiếc xe Suzuki của ông anh họ, đi sang khu Đại Nội dự buổi tiệc đầy tháng của cháu nhỏ con anh Thành.

Đi ban đêm chúng tôi mới thấy cảnh thê lương tăm tối của Huế. Thành phố hết bảy phần mười chưa có điện. Cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ vẫn còn nguyên vẻ sụp đổ. Chúng tôi phải qua hai ba trạm kiểm soát mới vào được khu vực thành nội.

Đường vắng vẻ tối om, chúng tôi lái xe như mò mẫm theo Hiền, một cậu em hoạ sĩ trẻ ở Huế. Những hàng cây mù u còn sót lại sau biến cố in những bóng đậm, đầy vẻ rình rập như lúc nào cũng chực phát ra những tiếng rên khóc của bóng ma. Tôi nép mặt vào lưng chồng, không dám nhìn quanh cảm thấy sau lưng rờn rợn như có tay ai với theo. Cho tới khi nghe tiếng xe dừng lại, tôi mới mở bừng mắt.

Tôi hơi hốt hoảng vì thấy trước mắt mình một ánh nến lung linh, nhưng tôi cũng trầm tĩnh ngay được vì có tiếng chào hỏi reo mừng và vài người bước xuống bực thềm. Chúng tôi đi vào nhà. Căn phòng rộng kê một dãy bàn trắng với một hàng nến lung linh, cắm trên những miếng ngói vỡ. Trên cửa ra vào tôi đọc hàng chữ đề: Phòng giám đốc. Hai hàng ghế đã đầy người, đông lắm. Tôi đứng nghe anh Thành giới thiệu nhưng không nhớ hết. Câu chuyện bắt đầu vui, hết chuyện thời sự rồi bàn qua văn nghệ.

Những người bạn trẻ ở Huế đang thảo luận với chồng tôi về việc trùng tu xứ Huế. Hai trường Mỹ thuật và Âm nhạc đã được sửa chữa lại, tuy nhiên vẫn chưa có điện. Sinh viên thường học ban đêm, phải học dưới ánh đèn cầy và vì lý do giữ gìn an ninh cho thành phố nên việc học hành của các sinh viên rất cực khổ.

Sự trùng tu vật chất là vậy, ít ỏi nhưng cũng có. Trên những nền nhà đổ còn có dăm miếng tôn che tạm. Nhưng còn tinh thần thì sao nhỉ? Có ai nghĩ đến chuyện trùng tu tinh thần cho Huế không, sao bao nhiêu đau thương tang tóc, nghi ngại? Trong lúc chồng tôi ngồi bàn chuyện trùng tu tinh thần cho xứ Huế với những bạn trẻ ở đây, tôi tới dãy ghế cạnh ngồi nói chuyện với một vài bà vợ trẻ. Chuyện đàn bà có nói gì đi nữa rồi cũng xoay quanh chuyện ma chuyện quỷ. Chị Tuấn cho biết trong khuôn viên hai trường này có rất nhiều mồ chôn Việt cộng.

Chị kể lại những điều gia đình chị đã chịu đựng trong Tết Mậu Thân, chuyện anh Thành, giám đốc trường Âm nhạc đã mất bốn tiếng đồng hồ để bò qua một khoảng sân ngắn. Chuyện một người lính đậu xe dưới gốc cây, gió mát anh ngủ gà ngủ gật thì nghe tiếng gọi nhỏ bên tai: Đem tôi về với các anh với, tôi lạnh lắm. Tỉnh dậy, anh nhìn dưới bánh xe, sát đường có dấu đất lồi lên, anh về gọi lính ở đồn đến đào đất bắt gặp bộ xương người. Chị Thành cười:

"Đó, chị Nhã thấy không, Việt cộng khi chết rồi cũng muốn về hồi chánh đó".

Giọng cười của chị giúp chúng tôi cười theo, nhưng tiếng cười vẫn không vui, mà ngậm ngùi, gượng gạo.

Câu chuyện về phía đàn ông đã bàn tới ngày giỗ đầu. Đàn bà ngừng chuyện ma và nép vào nhau, như câu chuyện vừa rồi còn làm cho cả bọn lạnh xương sống.

"Tôi sẽ đi dự với họ, nếu có tổ chức gì cho những người chết trong biến cố".

Tôi nghe một người nói, nhưng không nhớ tên.

Vì giờ giới nghiêm ở Huế ấn định 10 giờ, khoảng gần 9 giờ chúng tôi đứng dậy từ giã ra về. Nhà chúng tôi ở tận An Cựu, quá 10 giờ không một ai được qua cầu. Nhưng khi ra khỏi khu trường Mỹ thuật, mấy anh bạn lại rủ chúng tôi đi chơi. Đi chơi ở Huế trong hoàn cảnh này là đi lông bông ngoài đường. Tôi nhớ tới những quán cà phê như cà phê Dung, cà phê Phấn, nhưng không dám hỏi. Chúng tôi vào một ngôi nhà cổ, nơi trọ của anh Mai. Nhà không đủ ghế, chúng tôi đứng dựa vào tường, nghe anh Mai thổi Harmonica và anh Lê Gia Phàm hát, chị Tuấn hát. Từ đọc một bài thơ trong loạt thơ mới nhất. Sau khi từ giã nhau, ra tới sân, trời đen thui đến nỗi Từ mò mẫm mãi mới mở được công tắc xe.

Trời bắt đầu xuống lạnh, trên đường về, ngoại trừ những nhân viên đứng gác ra, chúng tôi ít thấy bóng xe đạp xe Honda như những ngày Huế còn phong độ. Tôi úp mặt vào lưng chồng, nghĩ thương cha thương mẹ, thương thành phố mình đã bỏ đi, thương những con đường đầy kỷ niệm thơ mộng ngày nào đã kéo đầy máu và nước mắt. Chắc còn lâu lắm chúng tôi mới đi lại được trên những con đường đó và cảm thấy ít nhiều yên ổn.

Đêm đó chúng tôi còn ở lại An Cựu. Căn nhà ngay đầu ngõ vào vườn tôi cũng có mộ chôn. Nhiều nhà ở Huế đều có mộ chôn, mộ còn có người nhận, mộ vô thừa nhận, mộ của kẻ sinh Bắc tử Nam. Nhưng dù sinh ở đâu, vì lý tưởng chủ nghĩa nào, các anh đã nằm xuống với sự khổ đau của Huế, cùng chịu với Huế, trong ngày giỗ đầu tháng Chạp năm nay, các anh cũng sẽ có phần, mồ mả các anh cũng sẽ được thu dọn sạch sẽ. Khi chết phải hết hận thù. Ba ơi, nếu ba có gặp được họ, có thể ba sẽ hỏi được chuyện ngoài Bắc, chuyện Thanh Hoá, nơi ông nội đã sinh ra, đã bỏ đi, nơi mà ba chưa trở về lần nào, và vẫn ao ước khi hoà bình về quê một chuyến.

Suốt đêm tôi không tài nào chợp mắt được. Gần về sáng, tôi nằm thật tỉnh táo và nghe tiếng lao xao và còn có thêm tiếng chân người nữa. Đêm nay, những chân người ngày cũ có còn đi lại trong những ngôi vườn đổ nát không, có còn lướt trên những đống gạch khổng lồ, có nương kịp bước chân trong gió và lá cành xao xuyến?

Không, đêm nay hoàn toàn yên tĩnh. Ánh nến ngoài bàn thờ ba tôi lung linh. Tôi nằm trên chiếc giường ba tôi đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi thao thức, trăn trở mong bắt gặp một hơi hướm, dù trong sự tưởng tượng để được cảm thấy gần gũi ba. Nhưng ba xa cách thật rồi, bên tôi chỉ còn hơi hướm đứa con trai nhỏ, đang rúc đầu vào cánh tay tôi ngủ giấc yên lành.

Trong đêm tối gió ngoài vườn dào dạt, tôi bỗng nghe thấy có điềm gì rạo rực, như là cỏ đang cựa mình mọc lên khỏi vầng đất hoang phế sau vườn, nơi ông bà Bún bò bị vùi nông hồi tết.





Suốt cả tháng nay người ta đổ xô lên các miệt lăng tẩm. Cảnh tượng này làm nhớ lại những ngày mùa xuân trước. Tháng Giêng nào cũng vậy, người ta thường đi lăng đi núi tảo mộ, thăm mộ và thường ghé vào các lăng tẩm để nhớ một thời vua chúa còn vang bóng. Nhưng tháng Giêng năm nay thì khác hẳn, người ta không ghé lăng tẩm, cũng không đi từng đoàn như trẩy hội mà đi lẻ tẻ từng tốp ba bốn người. Họ vác cuốc, vác xẻng, có đem theo cả dây thừng, vải bố và khăn bịt mũi nữa.

Trong số những toán người lẻ tẻ đi lên các miệt núi, miệt lăng, có một ông già và một người đàn bà trẻ. Ông già cột khăn trên đầu y như một ông lão tiều đời xưa. Ông mặc áo gấm xanh, chiếc áo đã cũ sờn nhiều chỗ. Người đàn bà thắt khăn tang trắng, quấn thành nhiều vòng trên đầu. Ông lão vác trên vai một cái cuốc, người đàn bà vác một cái xẻng, họ lầm lũi bước trên con đường mòn mà cỏ gai, bụi cây lấn lướt chen ra lề một cách nhởn nhơ.

Trời tháng Giêng vẫn còn lạnh lắm. Vậy mà hai cha con ông lão lại ăn mặc hết sức phong phanh. Những ngọn đồi trọc hững hờ như không thèm chú ý tới sự có mặt của loài người. Cơn mưa bụi lất phất và cỏ non xanh mơn mởn hai bên đường ngậm những hạt mưa lóng lánh. Những ngọn đồi khác có cây cối thì thật hết sức tốt tươi. Có lẽ giống sim rừng là mọc dễ dàng nhất. Cây nào cũng xanh, cũng đầy bông tím. Hình như cả mùa hè vừa qua đã vắng bóng đoàn nữ sinh Đồng Khánh đi thăm núi, đi hái sim, nhờ đó những hàng cây con đã chen chúc mọc lên quá nhanh chóng.

Người sống chật chội trong thành phố thì người chết cũng nằm chật trên các sườn núi. Những ngôi mộ cũ có, mới có nằm không hàng lớp, chỗ chừa khoảng cách quá xa, chỗ khít khao gần nhau như những kẻ láng giềng thân cận. Ông lão nhìn lên nền trời màu lam chì nặng trĩu nước, nói một mình:

"Trời ni còn lạnh lâu lắm. Cha, lạnh chi mà lạnh dữ".

Chị đàn bà đi theo sau vẫn im lặng. Bà ta lôi trong túi áo ra một miếng cau và một ngọn trầu têm sẵn bỏ vào miệng nhai tóp tép. Tiếng động làm ông lão quay lại:

"Cho bọ một điếu thuốc rê. Cha, lạnh dữ đa".

A. Đó là một cặp bố chồng nàng dâu. Chị đàn bà vòng một tay lên vai giữ cán xẻng, một tay lôi trong túi ra bao thuốc. Chị lấy một chút thuốc vo tròn rồi nhét vào kẽ răng. Xong chị vấn điếu thuốc, sửa lại cán xẻng cho ngay ngắn. Chị không gọi ông lão. Ông lão như đã đoán chừng ra thời gian bao lâu để vấn một điếu thuốc, hỏi:

"Xong chưa rứa?"

"Rồi, đây nì".

Ông lão không quay lại, ông đưa bàn tay ra sau lưng và chị đàn bà đặt điếu thuốc vào lòng bàn tay của ông. Ông dùng hai ngón tay kẹp lại, và hình như vẫn nói một mình:

"Cha, may quá, có bao diêm đây rồi".

Ông dừng lại, quay lưng về phía ngọn gió và đặt cuốc xuống đất, bật diêm đốt thuốc. Ông phải quẹt tới ba bốn cây diêm điếu thuốc mới cháy. Chị đàn bà vẫn lặng lẽ đi trước một mình. Ông lão vừa hút thuốc vừa bước nhanh hơn. Chị đàn bà lại thụt lùi đàng sau. Bàn tay ông lão chỉ vào một sườn đồi bụi cây rất thưa thớt:

"Bữa trước bọ con mình tìm trong ni rồi hí".

"Dạ".

"Chừ mình đi vòng ngửa sau coi thử hí. Cha, răng lạnh quá trời ri nè".

Ông lão rùng mình, rồi như cố gắng hết sức lực, ông mạnh dạn bước tới. Chị đàn bà chợt nhìn thấy một toán người đi ngược trở về, trên vai vác cuốc xẻng, chị kêu:

"Bọ".

"Chi?"

Nhưng ông lão cũng đã nhìn thấy toán người đang đi ngược chiều trở lại. Ông bước chậm lại, hỏi vọng:

"Nì, có khi khôn?"

Một vài cái đầu lắc lắc. Những người khác lặng lẽ đi thẳng. Ông lão quay lại nhìn mặt con dâu. Mặt chị đàn bà xanh mét và hai cặp mắt thâm quầng, tròng mắt đỏ au vì mưa và gió dập:

"Mình đi hay về đây con?"

"Tuỳ bọ".

"Tao lạnh quá. Đau trong cái ngực bất chết".

"Rứa thì về".

"Rứa con có nghe ở mô kiếm ra hầm khôn?"

Chị đàn bà lắc đầu:

"Khôn. Nhất định là anh con bị dẫn lên ngã ni mà. Bọ nhớ khôn? Hôm đào mấy hầm xác gần Lăng, có xác ông Bốn. Hôm bị bắt, anh Tằm con đi cùng với ông Bốn mà".

"Ừ, tao còn nhớ khi tao chạy ra, ông Bốn còn nhìn tao nói ông đừng lo, có tui. Không răng mô, có người ta có mình. Nì, mạ thằng Dâu nì".

"Dợ…"

"Xác lấp một năm ni rồi, có đào lên chưa chắc đã nhìn ra. Hôm thằng Tâm bị đi, mi có nhớ hắn mượn quần áo lót răng khôn?"

"Dợ hôm nớ anh con mượn được cái áo nỉ đen dài lượt thượt của bọ cho đó".

"Khôn, tao hỏi quần áo bên trong a tề".

"Dợ, áo xanh, cái áo anh thường mượn đó bọ".

Người đàn bà ngửa mặt nhìn trời, liếm mấy giọt nước mưa rơi trên mặt, đọng lại chảy thành giọt xuống gần mép. Rồi chợt nhớ ra điều gì, chị cầm vạt áo lau mặt:

"Con nhớ rồi bọ. Anh đi đôi dép cao su, đôi dép nhờ ông Nôm ở chợ lấy bánh xe làm đế với dây cao su đen đó bọ. Nó đứt một quai rồi con lấy dây thép con cột lại. Thấy là con nhìn ra liền mà bọ".

Đến lượt ông già im lặng. Những giọt mưa bụi bám vào trán ông như những giọt mồ hôi rịn và viền quanh đôi mắt hấp hem của ông như những giọt lệ nhỏ. Chị đàn bà bỗng dừng lại hẳn:

"Mình đi hay về đây bọ?"

"Đi nữa coi".

Ông già nói xong lại hăng hái bước đi. Chị đàn bà lẽo đẽo theo sau. Trên đường đi họ lại bắt gặp mấy toán người nữa. Một người đi trước quay lại hỏi ông già:

"Bữa ni ôn cũng đi tìm nữa ôn?"

"Ừ. Nghe ai noái chi khôn?"

"Tuần ni chưa có chi hết. Nghe noái có một mụ mô đó mằm chộ thấy ôn dôn về khóc noái đang nằm ngay một mạch nước lạnh lắm. Nằm về phía tây nơi một cái lăng ngày trước có hổ bạch chầu, cách ba cây thông mọc cao bằng nhau. Nghe noái mụ đang đi xin chính quyền cho đi tìm xác dôn mụ".

"Rồi chính quyền nói răng?"

"Thì nghe noái mô dưới Phú Thứ đã phát hiện ra có mấy nơi chôn xác chết, răng cũng có vụ đi quật lên mà".

"Tui già rồi, tui tình nguyện đi đào".

Người đàn ông đi trước cười:

"Thì chỗ mô mà không có ôn. Chỗ mô có đánh hơi xác chết là có ôn đi đào rồi".

Ông già cúi đầu nói lẩm bẩm một mình. Trời đã xế trưa. Có ánh nắng le lói xuyên qua mấy đám mây mỏng. Cơn mưa bụi cũng tạnh dần nhưng gió như nhanh hơn và vẫn lạnh buốt. Ông già và người con dâu vẫn lầm lũi bước sau tốp người đi trước. Giây lâu ông hỏi con dâu:

"Còn trầu thuốc chi cho bọ một miếng nữa đi con".

"Hết rồi bọ. Mơi con đem nhiều hơn".

Ông già lại nhìn trời:

"Cha, hết mưa rồi mà trời còn lạnh dữ".

Không thấy con dâu góp chuyện nữa, ông lại nói:

"Mày nhớ thằng Tâm có chi đặc biệt khôn nờ…"

"Dạ anh có cái mụt ruồi nơi vai, đen thui, to bằng con ruồi đồng phải không bọ?"

"Ờ, phải. Khi mạ mi đẻ nó ra như đã có cái mụt ruồi rồi đó. Số nó đen thui mà".

"Lần mô đào xác con cũng tìm coi mấy xác vô thừa nhận có mụt ruồi không, thịt rữa hết con tìm khôn thấy chi hết".

Đi gần tới trưa vẫn chưa ai tìm ra dấu vết gì. Ông già ngồi bệt xuống bên đường, nói với con dâu:

"Thôi về mi. Mai đi hỏi coi".

Đoàn người đi trước đã quay về. Họ ra chiều thất vọng. Ông già và cô con dâu tuy nói về nhiều bận cũng còn cố gắng đi. Hai cha con tới một bãi đất hoang cạnh một sườn núi có nhiều bụi cây mọc và nhiều chỗ đất đào lỡ dở. Ông già chống cuốc xuống đất, đứng nhìn quanh rồi nói:

"Tao nghi chỗ ni răng cũng có người. Răng mà họ đào lỡ dở rồi bỏ hết".

"Bọ thiệt kỳ. Người ta tìm không có bỏ đi, mình tìm mần chi nữa".

"Mi coi có chỗ đất mô khả nghi không?"

"Người đàn bà nhìn quanh, rồi chợt kêu ông già:

"Bọ nì, nơi mô đất lòi ni bữa trước bọ cam đoan có người chết. Chứ ai đào rồi nì, có chi mô. Người ta bỏ dở nì".

Ông già vụt sáng mắt, chạy tới khoảng đất bị đào lỡ dở:

"Mô, để tao coi nờ".

Ông đưa cuốc lên, cuốc lấy cuốc để. Một lúc sau, lớp đất đen như mun hiện ra, hình như lẩn trong đất co chút xương mục, ông lão lùi lại:

"Mộ người ta mi ơi. Đào lầm rồi. Chết cha tao rồi".

Người đàn bà tới gần, cúi xuống nhìn:

"Chắc lâu đời rồi".

"Chắc rứa. Đừng đào lên nữa mà tội".

Ông già vội cùng cô con dâu lấp đất trở lại. Chừng nửa giờ sau, một ngôi mộ mới được đắp lên. Ông già để cuốc đứng trước mộ lâm râm khấn nguyện. Cô con dâu bứt một nhánh hoa sim. Rồi nghĩ sao không biết, cô rùng mình vất cánh hoa xuống cạnh ngôi mộ mới. Xong cô quay lưng đi trở ra đường cái một cách hối hả. Ông già vác cuốc lật đật đi theo:

"Ê, mạ thằng Dâu, đi mô mà như bị ma đuổi rứa?"

"Về bọ. Về".

Mưa bụi lại bắt đầu rơi xuống. Bầu trời nặng nề đen kịt những mây. Khoảng đường vắng ngắt. Ngọn núi đứng lạnh lu ngoài hoà nỗi bí mật, thê lương từ những cụm cỏ, bụi cây. Những bông sim dại mọc bên vệ đường bỗng nở lớn, y như những con mắt ma, nhìn theo hai cha con ông già đang lật đật đi miết trên con đường đất đỏ quanh co theo sườn núi.

Chị đàn bà bỗng kéo vạt áo lau nước mắt, nức nở:

"Mơi con ở nhà, bọ đi một mình".

Ông già không nói gì nữa. Ông muốn bắt kịp đoàn người đã trở về đi phía trước. Nhưng con đường trước mặt vẫn vắng ngắt.

Hai cha con đã tới những khoảng đồi đầy mộ. Ông già bỗng chỉ một khoảng đất nằm cao nhất, còn trống, nói với con dâu:

"Tìm ra thằng Tâm tao đưa nó lên trên nớ. Nó nằm một mình cho rộng rãi".

Chị đàn bà vẫn chưa hết khóc:

"Chắc anh nằm chung chạ không có chiếc chiếu bó thân, lạnh lẽo lắm".

Ông già lại làm thinh. Hai cha con đã đi tới một quán nhỏ bên đường. Quán này ngày trước bán bánh bèo. Sau Tết Mậu Thân, chủ nhà đi mất, quán bỏ không. Giàn su su ở trước sân đã sập và các cây gác giàn đã mọc nấm. Hai cha con kẻ trước người sau vẫn bước đều. Một lúc sau chị đàn bà hết khóc, chị lau tiếp nước mưa đọng trên mặt, rồi đưa tay vuốt ve cái cán xẻng, nói một mình:

"Cái xẻng ni phải mài lại mới được".

Ông già lại hỏi:

"Có xác ở Phú Thứ thì mi dám đi khôn?"

Chị đàn bà lắc đầu:

"Khôn, bọ đi một mình. Con không muốn đi nữa".

Bóng ông già và người đàn bà khuất dần. Con đường dẫn lên ngã Lăng ngã núi lại vắng teo. Mưa bụi dày hơn và trong gió như có tiếng rít khẽ. Mấy bụi cây, mấy cụm hoa sim như thu hình lại, cọ sát vào nhau và những ngôi mộ thì như lại nở lớn, đất nở ra để đón những hạt mưa đang toả xuống. Sau một ngọn đồi, những tiếng đại bác bắn đi. Tiếng nổ sau núi dội lại. Nhưng con đường, cây cối, núi đá, mộ bia vẫn trầm tĩnh lạ lùng. Mỗi năm họ có bao nhiêu người mới đến, và họ còn chờ đợi nữa.

Những ngày mùa Xuân vẫn còn dài để cho cây cối, núi non còn đủ giờ kịp xanh tươi. Và dưới lớp đất ướt, như có điều gì lạ hấp dẫn những hạt mưa bụi nhỏ li ti, chưa rơi xuống tới đất đã bị sức hút làm biến mất, biệt tăm. Chỉ mấy phút sau, hình ảnh ông già và người đàn bà vừa đi qua trên đoạn đường dài đã bị xoá hẳn chỉ còn lại mưa mù và cây núi.

Sau biến cố Mậu Thân, gia đình Trâm lại trở về căn nhà cũ. Ngôi nhà thật tang thương nhưng cũng còn may mắn hơn nhiều nhà khác đã trở thành những đống gạch vụn khổng lồ. Cây cối trong vườn khô gãy nhiều lắm. Dạo trước, đứng ngoài cổng, bóng cây cho mất hết căn nhà, nhưng bây giờ thì trông thấy hết cả mái ngói đằng trước lỗ đổ. Ngôi nhà bị sập một phần ba, ngói trụi hết và tường thì lỗ chỗ đầy vết đạn. Gia đình Trâm không còn tiền để sửa nữa. Khi trở về, má Trâm vội nhờ mấy người bà con che mái ngói hổng bằng những miếng vải ni lông, mùa nắng, mặt trời chiếu sáng rực cả nhà, mùa mưa, trong nhà cũng đỡ tối tăm.

Sau vụ tàn sát Huế, trong nhà ai cũng có nỗi đau đớn riêng. Má thì mất hết sản nghiệp. Chị Bình mất chồng, anh Tấn bị bắt đi. Riêng Trâm, mối tình vừa chớm cũng đã tan nát theo với Huế. Ngay trong ngày đầu tiên, Thân đã theo quân Giải phóng, cầm súng đi nghênh ngang ngoài đường. Và chính hắn đã điểm chỉ, tới tận nhà bắt anh Tốn của Trâm và chồng của chị Bình đi biệt.

Khi vừa mới trở lại căn nhà cũ, nhìn cảnh vật hoang tàn, thành phố đổ nát tiêu điều, Trâm đã tưởng không bao giờ Huế còn sống trở lại được. Nhưng rồi sức sống vươn lên thật nhanh, ở đâu còn hơi thở là còn sự sống. Chợ búa, cầu cống đã được dựng lại, dù không đẹp như xưa. Những ngôi nhà đổ nát được tu bổ dần, những đống gạch khổng lồ được thanh toán. Và điều mừng nhất là trường Đồng Khánh mở cửa lại. Trâm ngạc nhiên khi thấy mình mặc áo trắng, đội nón bài thơ, đi vào cái cổng trường thân yêu đó. Rồi ngồi ở trong lớp học, Trâm cũng ngạc nhiên khi thấy cô giáo thắt khăn tang, bạn bè và ngay cả Trâm cũng thắt khăn tang. Hôm đầu tiên đi học, thầy trò vừa gặp mặt nhau nước mắt đã chan hoà. Khóc rồi cười, cười chán rồi khóc. Buổi học đầu tiên không ai nhớ là mình học gì, nói gì. Trâm chỉ còn nhớ là khi đi ra khỏi cổng trường, Trâm vấp phải một rễ cây lớn suýt ngã. Trâm bàng hoàng đứng lại, thân cây phượng vĩ đã già, các cành cây cao đã bị bom đạn tiện rụi, xơ xác. Nhưng dưới gốc, nơi chiếc rễ cây lồi lên mặt đất, sát gốc, một chồi phượng non đang đâm lên, xanh tươi, non nẻo làm Trâm vui mừng phát khóc lên được. Trâm khóc một mình trên đường về, trên những gạch vụn còn bừa bãi ra mặt đường, trên những máu me, đính đầy các bờ tường chưa kịp gội sạch. Hôm đó về tới nhà, Trâm kể chuyện ở trường cho chị Bình nghe. Chị Bình không có ý kiến gì. Từ ngày anh Bình bị bắt đi với anh Tốn, chị Bình đã trở nên một người câm. Chị chỉ nói khi quá cần thiết.

Chị Bình cũng đã sinh con sau biến cố Mậu Thân. Đứa nhỏ không sống được. Hôm Trâm vô nhà hộ sinh thăm chị Bình, chị nằm một mình. Chị chỉ còn một mình. Trâm thấy chị đưa tay sờ lên tường, mắt lạc đi như đang nghĩ tới một chuyện gì kinh khủng lắm. Những vết máu chẳng hạn.

Từ ngày đó Trâm ít gợi chuyện với chị. Cả má cũng vậy. Ai cũng như có việc riêng của mình. Đôi lúc má cũng nghĩ tới sự tu bổ ngôi nhà lại, hoặc để dành tiền thuê đào xác mấy Việt cộng đang bị chôn sau vườn lên, đem họ đi nơi khác. Má Trâm bàn với ông bác thì ông chỉ nói:

"Phiền phức lắm. Tụi nó như người Bắc hết mà thím. Phải không? Người Bắc có lệ ba năm mới cải táng. Thôi, để thủng thẳng rồi hay.

Má Trâm không bàn tới chuyện đó nữa. Căn nhà của Trâm vẫn chưa được sửa sang lại chút nào. Sau khi hồi cư về nhà mấy tháng, nghe tin trên các lăng tẩm, bên trường Gia Hội có đào nhiều hầm chôn xác dân Huế. Lần nào nghe tin chị Bình cũng vội vã đi nhìn xác. Chị dám đứng gần những xác chết, nhìn tận mặt, lần quần áo đi tìm dấu vết của anh Bình. Nhưng lần nào đi về chị cũng lặng câm, mặt nhợt nhạt như xác chết và bỏ vào buồng nằm khóc một mình. Chị chả khóc thành tiếng bao giờ nhưng khi gặp mặt chị Trâm thấy đôi mắt của chị sưng húp. Má Trâm yếu bóng vía lắm, bà sợ ngất xỉu nên bác Trâm đi thay. Ở đâu có đào xác chết là có mặt bác Trâm và chị Bình. Nhiều lần chị Bình về Trâm muốn hỏi thăm lắm, nhưng chị nhất định hà tiện câu nói. Bác Trâm kể lại:

"Cái con hắn dạn ghê. Hắn cứ chen vô, nhào tới lật từng mặt người mà nhìn. Gan như tui mà còn đứng xa cả thước. Ghê lắm cháu ơi, có xác vừa mới đào lên còn nguyên, chút nữa bỗng chảy nước hôi rình. Tao đi một lần như rứa về cả tuần không ăn cơm được.

Trâm không được tận mắt chứng kiến những vụ đào xác, nhưng nghe nói tới nhiều lắm. Trâm cũng có vài người bạn có chị hay anh, hoặc bố tìm thấy được trong những hầm xác tập thể kể lại. Trâm cũng đi đưa đám tang chồng của một người chị của cô bạn gái thân nhất. Anh này làm công chức, bị giết và nhìn được xác nhờ chiếc khăn tay của cô em gái, lúc vội vàng đã bỏ trong túi quần. Một người khác nhìn được nhờ chiếc đồng hồ cũ hay một vài dấu vết mà chỉ người thân thuộc mới biết được.

Sau Tết Mậu Thân, Huế như bị mù mắt, ù tai. Sự tang tóc bao trùm cả thành phố. Ở nhà này đầy tiếng khóc tương trợ, ở nhà kia tiếng khóc lẻ loi. Sau những ngày đi chạy loạn về, người đàn bà chở xác chồng xác con trên chiếc xe ba gác cũng đã phải chôn xác người chết, huỷ hoại chiếc xe. Nhiều người dở điên dở khùng. Nhiều người mất hết bà con quyến thuộc, mất luôn sản nghiệp và đi ăn mày. Cả thành phố mấy ngày đầu đầy gạch vụn, đầy khăn tang và đầy ăn mày. Không ai nghĩ tới việc trộm cắp, nghề đó bỗng trở nên lỗi thời. Chả ai còn gì đáng để trộm cướp nữa. Với lại nhà nào cũng đề phòng. Về lại căn nhà cũ mỗi tối má Trâm treo đầy thau, khay lên cửa để gây tiếng động nếu có kẻ đột nhập.

Chị Bình thì bận rộn ngày đêm thờ thẫn như người mất hồn. Ngay khi người ta phát giác ra vụ đào xác lần thứ nhất, vừa nghe tin chị đã nhảy xuống đất, tóc tai xổ tung. Chị chạy ra chạy vào rồi cuối cùng chị bỏ đi đúng một ngày. Buổi tối hôm đó, trở về, mắt chị đầy lệ và vành khăn tang xổ tung, đầu tóc rối bù. Mấy ngày tiếp theo đó chị cũng đi, chị đi theo từng đoàn người nhìn xác để rồi thất vọng trở về. Suốt cả tháng trời, sau khi dự lễ chôn cất những đám ma người quen biết trong thành phố, bữa cơm nào chị Bình cũng nôn oẹ như kẻ có bầu. Người chị xanh xao gầy mòn dần. Mùa đông năm vừa rồi, Trâm có cảm tưởng như chị không chịu nổi sự lạnh lẽo giá buốt. Nhưng rồi chị cũng chịu nổi và dần bình phục lại.

Thành phố Huế lại đón thêm một cái Tết nữa. Đón xuân với những cây mai vàng chưa liền dấu gãy đổ, với khăn tang, với vàng hương, giỗ đầu và nước mắt. Tết đến, nhà Trâm đón Tết hết sức quạnh hiu. Ngày mồng Một, sáng ra cả nhà dậy sớm, cố nhìn nhau, nở nụ cười chào hỏi vui tươi. Nhưng sau nụ cười, chính Trâm là người đã oà khóc trước nhất. Chị Bình quay mặt đi, chắc mắt chị vừa chạm phải ánh mắt khung ảnh thờ người chết nên chị vội vàng giấu mặt sau cánh tay, và bỏ đi nằm. Mỗi người một góc nhà, mỗi giường mỗi chiếc chiếu, mỗi nỗi quạnh hiu riêng. Ở nhà hàng xóm mùi trầm hương bay qua thơm ngát. Trâm nghĩ tới những quả bông xếp đầy giấy vàng giấy tiền đẻ cúng cho người chết.

Nhà Trâm cũng làm giỗ cúng tổ tiên. Chị Bình và má Trâm còn cúng cho anh Bình, anh Tấn. Trâm ra cây mai vàng trước sân, gần bên chiếc bể cạn bị đạn vỡ nứt, chặt được một cành mai nhỏ vào trưng trong nhà. Mấy hôm sau ông bác sang thăm, cười, nói:

"Chà, kiếm mô ra nhánh bông mai đẹp dữ ri".

Trâm chỉ ra sân:

"Cháu chặt nơi cây mai. Năm ni nó đâm ra được mấy nhánh mới".

"Cái bể cạn ba chịu a hí. Răng không tô lại".

Má Trâm làm thinh. Ông bác lại nhìn lên bàn thờ:

"Cúng mấy đứa nó hả?"

Má Trâm gật đầu. Ông bác lại nói:

"Biết tụi nó có chết không mà cúng, nhiều khi tụi nó bị bắt đi thì răng".

Má Trâm cắn môi:

"Bắt đi cũng coi như chết rồi chớ chi nữa".

Ba ngày Tết đã qua, sự xúc động cũng không còn quá đáng như trước, nhưng ông bác lại sang tung tin:

"Mạ con thím đã biết chuyện chi chưa?"

Chị Bình lật đật chạy ra, ngồi vào ghế lắng tai nghe ngóng. Má Trâm hỏi dồn:

"Chuyện chi? Chuyện chi rứa anh?"

"Nghe nói người ta lại rục rịch đi tìm xác nữa đó".

"Ủa, lạ nờ. Rứa răng tui lại nghe người ta nói vài bữa nữa đây có buổi lễ truy điệu người chết mà".

"Thì ai truy điệu cứ truy điệu, ai tìm xác cứ tìm xác. Ăn Tết xong là người ta nhớ tới người chết chớ".

Rồi bác Trâm kể:

"Người ta chộn rộn đi tìm xác là tại ri nì. Nghe nói mô bên kia cầu Gia Hội có nhà sập được ba bốn con chuột chi đó mới ra vườn đào đất chôn rồi phát giác ra mấy xác người. Nghe nói mặt mày còn nguyên, nhìn ra được. Có mấy người tới nhìn, nhận ra cha con chi đó, đem về chôn cất, làm đám rình rang lắm. Thằng Tháu ở bên đó qua kể có mụ đàn bà tìm ra xác chồng mụ, mụ ôm mụ khóc ai can cũng không được. Mụ khóc thảm lắm. Mụ khóc như ri ì: "Anh ơi là anh, tháng Chạp tui vừa mới giỗ đầu cho anh đó mà chứ tháng Giêng thì đưa đám anh. Răng mà ông trời chơi chi trò chơi kỳ cục độc ác rứa trời. Cúng anh trước, cúng đầy một năm rồi mới đưa đám anh, anh ơi". Thiệt mụ khóc nghe cũng nổi da gà chứ chơi mô. Mà trách ông trời cũng tội cho ông phải không bây? Trách súng trách đạn, trách người ta đánh nhau chớ trách chi ông trời".

Ông bác Trâm nói nghe tiếng kể nổi gai ốc, không biết ông có nổi không chớ Trâm thì nổi gai ốc đầy mình, tay chân như tê lại. Chị Bình đã lẩn đi từ lúc nào. Khi đưa ông bác ra cổng, ông chỉ căn lều nhỏ bên kia vườn, nằm bên cạnh ngôi nhà ngói bỏ không, sụp đổ, hỏi:

"Ủa, nhà ai mà nhỏ chút xíu rứa?"

"Dạ, chủ nhà không có. Nghe chừng họ chết mô hết rồi, mà bà con cũng không tới nhận. Có hai cha con ông già bị nhà cháy tới che túp lều ở tạm. Ở cũng gần một năm rồi đó bác.

"Tao thấy cửa ngõ đóng kín rứa?"

"Dạ hai cha con đi suốt ngày. Đi tìm xác".

"Lại đi tìm xác. Ở thành phố ni riết chắc điên lên quá. Thôi bác về. Bác về nghe".

"Dạ, mai một bác qua với bọn cháu. Nhà chả có ai buồn quá bác".

"Ý, chừ tới bữa truy điệu là bác bận ghê lắm. Ở khuôn hội Phật học cũng tổ chức cầu siêu, rồi đi dự lễ ở Phú Văn Lâu. Bữa đó nhiều người lắm, trong Sài Gòn cũng ra nữa.

Trâm hỏi chị Bình bữa nào có dịp đi dự bên Phú Văn Lâu không. Chị Bình lắc đầu. Tới buổi lễ chị ở nhà thật. Nhưng chị hay sang bên nhà hai cha con ông thợ rèn che nhà ở tạm vườn bên cạnh bỏ không. Người con dâu thỉnh thoảng đứng nơi hàng rào gọi chị, hai người đứng nói chuyện một lát. Trâm không hiểu họ nói gì.

Tháng Giêng đưa đám vẫn còn tiếp tục cho tới tháng Hai, tháng Ba. Rồi một tin làm chấn động xứ Huế. Đó là vụ phát giác hàng ngàn xác chết ở Phú Thứ. Ban đầu, một người đàn bà nằm mơ thấy chồng hiện về kêu lạnh lắm, đang nằm ở nơi một bãi cát trống vắng. Người đàn bà này xin phép chính quyền địa phương cho được đi tìm xác chồng. Bà ta tìm hoài nhưng không có kết quả. Rồi một nguồn tin khác tung ra làm mọi người sửng sốt. Một lũ nhỏ chăn trâu ở ngoài đồng, chúng thả trâu chạy nhảy đuổi nhau trên một bãi cát. Một đứa thấy một đầu dây điện lòi lên mặt cát bèn cầm lấy đầu dây và lôi lên. Sợi dây lên dần, rồi về sau có vẻ nặng trĩu như bị vướng. Lũ nhỏ hợp nhau lại lôi sợi dây. Cuối cùng, sợi dây điện lên khỏi mặt đất, và ở đầu dây kia buộc lủng lẳng một khúc xương tay. Lũ nhỏ vội vất đại sợi dây cùng khúc xương lại đó và ù té chạy. Lời đồn đại lan dần, chính quyền địa phương cho người ra dò xét. Những lát cuốc đào ngay chỗ đất nơi phát xuất sợi dây điện, và họ tìm ra những thây người đã rục trong cát. Tin truyền đi rất nhanh cả thành phố Huế ào về. Hàng ngày trên con đường dẫn về Phú Thứ không ngớt người đi lại y như dưới đó có hội hè. Chỉ có mấy xác chết đào lên, nằm phơi trên cát, rữa nát ra dưới ánh mặt trời mà cả hàng ngàn người tới nhận diện. Tin này đến tai ông già thợ rèn trước, rồi tới người con dâu. Và buổi tối hôm đó, tới tai chị Bình.


Khu vườn bỏ hoang không ai chăm bón, cỏ mọc đầy. Ngôi nhà gạch đổ nát, gần như sụp hẳn, mùa đông qua mưa gió mọc tràn bám đầy tường, đầy những mái ngói mọp mẹp, có mái nằm gần sát đất. Từ khi Huế yên tĩnh trở lại, thì các cây ăn trái phần bị đạn gãy, phần không ai săn sóc, nay tàn lụi rất nhanh. Lá tự dưng vàng và rụng, nhưng những cành khô không còn đâm lá non nữa, tuy nhiên rễ chúng vẫn bám chặt đất và đứng vững. Chỉ có cỏ lùng, cỏ cú thì càng ngày càng xanh, nhởn nhơ bò từ đầu vườn tới cuối vườn, bò cả vào sân chen vào cả trong thềm nhà vỡ vụn. Khu vườn này bỏ hoang lâu lắm, hơn một năm và nó điêu tàn giống như nhiều ngôi vườn khác.

Nỗi chết chóc, ma quái sẽ đè nặng trong khu vườn, người ta nhìn vào sẽ rùng rợn hơn nữa, ngạt thở hơn nữa nếu không có một túp lều tranh nhỏ dựng lên trước sân ngôi nhà đổ nát. Đó là căn lều của hai cha con ông thợ rèn. Dạo trước ông ở đâu ngoài chợ, nhưng căn lều của ông bị cháy, khi tản cư về ông bèn che một mái nhỏ trong khu vườn bỏ hoang này để tá túc. Ông bỏ hẳn nghề thợ rèn, vì thật ra có hành nghề đó cũng chả ai thuê ông nữa. Ông sống bằng nghề đi dỡ hầm. Sau Tết, nhiều hầm cát phải phá đi, nhiều khoảng đất đào trong các vườn được đắp lại. Đôi khi ông làm phụ thợ hồ. Và gần đây nhất là ông được người ta thuê đi tìm xác. Ông rất thích công việc này, ông làm một công hai việc, đứa con trai của ông cũng bị Việt cộng bắt đi dạo Tết. Đứa cháu nội nhỏ nhất của ông phải cho chị gánh nước mướn ở xóm trên nuôi vì đứa con dâu của ông khô hết sữa, mà chị gánh nước mướn vừa chết đứa con, sữa dư bỏ không. Chị này cũng người bà con làng nước. Thời buổi này giúp được nhau thiệt quý hoá còn chi bằng. Vả lại đứa con dâu của ông càng ngày càng khô quắt, bịnh hoạn, chị ta không thích làm công việc gì nữa ngoài việc theo ông già chồng đi đào xác.

Một buổi trưa, hai cha con đi bộ từ sau núi Ngự Bình về tới nhà. Cánh cổng hé mở, chỉ phải đẩy là đi vào. Túp lều tranh nghèo chả có chi đáng giá mà sợ trộm cắp. Người con dâu lách vào sau, tiện tay đẩy cánh cửa lại. Ông già đi đôi dép cao su xuống những bụi cỏ mọc nhởn nhơ, càu nhàu:

"Tụi bây sướng hí. Xanh rờn ngửi hơi người chết cũng đủ tốt tươi rồi mà".

Tiện chân ông di tiếp mấy bụi cỏ nữa. Người con dâu bỏ vô túp lều trước. Ông lão còn đứng ngó trời ngó đất. Ông đi tới mấy cái chậu sứt mẻ bỏ không, giơ chân đá nhẹ vào đó, rồi lại đi quanh mấy cây vú sữa, cây nhãn, lá rũ héo như sắp chết khô. Ông lại nhòm vào ngôi nhà, ông cúi gập cả người xuống. Một lúc sau, đứng lên, ông gọi:

"Nì, con, ra bọ noái cho nghe cái ni".

Người con dâu đi ra. Chị ta đã bỏ cái xẻng ở trong lều. Chị đứng cách ông già chồng tới ba bốn thước, lắng tai vẻ chờ đợi:

"Mi có thấy cái nhà tự nhiên mỗi ngày mỗi sát xuống không? Răng nó không nhào sập xuống mà từ từ lún xuống mới tức cười hỉ. Mi thấy không?"

Người con dâu có vẻ chán nản:

"Tưởng chuyện chi".

"Nì, lạ lắm. Mi để ý coi. Mỗi ngày nó hạ xuống chừng hai phân. Hai phân thôi nghe".

"Bộ ba không biết mỏi lưng?"

"Mỏi chớ. Tao già rồi, ngày mô cũng vác cuốc đi hàng chục cây số. Ông trời còn thương nên tao còn gượng được. Nì, mi còn tiền mua tao đồng rượu đế".

"Uống chi uống dữ rứa".

"Ừ, uống rượu tốt lắm. Nướng cho bọ vài củ hành, bọ ăn, uống rượu. Đi trên núi đầy hơi người chết, đầy ma quỷ, ăn củ hành là trừ hết. Mua cho bọ vài đồng rượu đi. Ủa, trưa ni có chi ăn cơm khôn?"

"Còn trét cá kho ngày bữa qua con nhín lại. Để con chạy qua bên vườn bà Trợ xin cô Bình, cô Trâm nhổ ít rau sam về luộc ăn".

"Khỏi, bày ra. Ra sau vườn nhà ni chán chi".

"Sợ lắm. Ra ngoài đó âm u như chốn ma ở. Mà vườn lâu ngày không dọn nhớp lắm".

"Thì tính răng thì tính".

Người con dâu đi ra khỏi ngõ, cánh cửa khép hờ. Chị đưa tay vào túi lắc lắc mấy cái đồng bạc cắc. Ông già nhìn theo rồi chép miệng ra vẻ thương hại. Ông vác cuốc đi vào lều. Ông cởi chiếc áo dài xanh đã sờn tay, móc cẩn thận trên một cái đinh đóng trên cột gỗ, rồi ngồi xuống bộ ván. Ông nhìn quanh nhà, thấy bề bộn, ông lại đi thu dọn. Một lát sau người con dâu trở về với mớ rau sam, chai rượu đế nhỏ và mấy củ hành hương khô. Ông già vui vẻ:

"Được đa. Con còn tiền đó hả?"

"Còn có mấy chục".

"Thôi, mai bọ nghỉ đi tìm xác, bọ đi phụ thợ hồ. Người ta đang gọi để đi sửa bên phố đó. Mấy cái cửa hàng mà sửa đi sửa lại hoài".

"Rứa hỉ?"

"Ủa, mà không được rồi. Nghe tin mô dưới Phú Thứ người ta tìm xác thấy hà rầm".

Người con dâu đang lặt rau đứng phắt dậy:

"Phú Thứ lận hớ? Xa rứa. Bọ nghe noái rứa?"

"Thì khi đi về bọ gặp thằng Thỉ, thằng Hê nó nói cho mà biết.

"Khi nớ con mần chi mà không nghe".

"Khi nớ mi mắc đi mô đó sau độn. Tao ngồi bên đường gặp tụi nó đi ngang qua nó noái. Mà nì, nghe mô là họ đã mở lập cả một đoàn thể hay một uỷ ban chi đó tìm xác, đào xác. Chuyến ni cũng có vẻ ghê lắm đây".

"Bọ có vô Ủy ban tìm xác không?"

"Chắc không có tiền mô. Toàn tình nguyện không mà thôi mi nợ".

"Rứa để tui tình nguyện".

Ông già đập tay xuống phản gỗ:

"Mi điên đó hớ? Con ni bữa ni nghĩ chi chi mô không rứa".

"Khôn phải con điên. Con chắc có xác anh con dưới nớ".

Ông già nghe ra, thở dài. Chị dâu con vội vã đứng dậy:

"Bọ lặt rau, coi giùm nồi cơm, con chạy qua đây chút chạy về liền".

"Đi mô. Nấu cơm đã nờ".

"Con về liền".

Ông già chưa kịp nói thêm, người con dâu đã ra khỏi cửa. Ông già gọi với theo:

"Về ăn cơm chớ mi".

Không có tiếng trả lời, ông cúi xuống lặt rau. Xong ông ghế cơm và bắc nước luộc rau. Nhìn thấy chai rượu còn để trên phản gỗ, ông lượm mấy củ hành bỏ vào bếp rồi lấy đũa sắt khều ra. Mùi hành thơm phức. Ông cầm cả củ hành còn nóng bỏng, phủi phủi rồi bỏ vào miệng nhai ngon lành. Xong ông cầm chai rượu tu một hơi. Đến lượt củ hành thứ hai thì chai rượu đã cạn nhẵn. Ông để cho những giọt rượu cặn trong chai chảy ra, dốc cả chai lên miệng chờ đợi từng giọt. Rồi bực tức, ông liệng cả cái chai ra sân. Cái chai rơi vào một bụi cỏ, không nghe tiếng vỡ. Còn lại mấy củ hành, ông nướng và ăn nốt. Xong ông bỏ mặc nước, bỏ mặc rau, leo lên phản nằm gác tay trên trán và nhìn lên nóc nhà. Mắt ông mở trừng trừng, miệng ông khà ra toàn hơi rượu. Ông chưa cảm thấy say, ông lại trở dậy, bỏ rau vào soong, chờ chín bắc ra để dưới đất. Rượu thấm dần, ông đứng lên đi vòng một vòng quanh nhà. Thấy cái cuốc, ông vác lên vai và cứ thế ông đi ra vườn. Khu vườn cỏ mọc không có chỗ cho chân bước. Ông đạp bừa lên cỏ. Ông ra tít góc sau vườn, sát với bờ thành che khuất một khu vườn kế cận. Một cây khế còn vài quả vàng ủng, queo lại, ông vừa đặt tay rung rung thân cây thì quả khế đã rơi bịch bịch. Ông nói một mình:

"Mạ cha bây. Bò chết gặp nơi khế rụng".

Nhưng ông không nhìn thấy con bò, ông cũng không nhìn thấy cả những trái khế đã khô đen còn sót lại nằm khuất trong lá cây. Những lá cây cũng vàng úa, khô queo, khó phân biệt đâu là lá, đâu là quả. Ông lại đi tới một góc vườn khác. Ở đây có những cây cà gai, những cây này mọc chen với cỏ. Những trái cà lâu ngày đã chín vàng, ông tiếc của, than thở:

"Cái con nhỏ tệ quá chừng, cà trong vườn mà khôn biết. Làm muối ăn ngon biết mấy".

Ông giơ cán cuốc lên, phạt hết những cây cà. Già khú đế rồi, ăn chi được nữa. Ông vừa cuốc mấy gốc cây vừa lầm bầm. Lúc này rượu đã thấm mạnh, người ông lảo đảo. Ông phải dựa vào tường một lúc mới đứng vững được. Ông nhìn lên nền trời, nhìn lên những tàn cây và bỗng nhiên ông cất tiếng cười:

"Bà con ơi, ra đây mà xem".

Ra đây mà xem. Xem cái gì? Chính ông già cũng không biết nữa. Ông nghe như có tiếng ai cười chế giễu ở đằng sau gốc cây. Phạt. Lưỡi cuốc đưa lui, người ông dội lại. Lưỡi cuốc chém một nhát nơi gốc cây thuỵ già. Tay ông đau buốt, ông vội thả cán cuốc ra và ngồi phệt xuống đất. Ta già yếu quá rồi. Ông rên rỉ và đưa cánh tay mình lên nhìn. Cánh tay ông khẳng khiu như một cành khô. Ông tưởng tượng được là ông dễ say sưa đến thế. Mắt ông mờ đi và ông bỗng thấy dưới lớp lá khô có những bóng đen nổi lên. Những bóng đen lúc đầu như những bóng cây rợp, mập mờ trên đất, trên lá chết. Nhưng rồi những bóng đó quay tròn trong mắt ông, mọc tay mọc chân như những hình người. Ông dụi mắt. Bây giờ một xác người nằm ngay đấng, xuôi tay xuôi chân nổi lên trên bóng lá rơi không biến đi đâu nữa. Đã gần một tháng nay ông không tìm ra một xác nào, tiền thù lao không có. Trong cơn say nhận ra có xác chết, ông mừng quýnh. Ông cất tiếng gọi con dâu: "Con ơi, con hỡi". Nhưng không ai trả lời ông hết. Ông hấp tấp tới chụp cán cuốc, nhưng ông vấp phải hòn đá nhọn nhô lên, nơi ngón chân cái của ông bị sứt móng, máu chảy lai láng. Ông mặc kệ cơn tức giận đang tràn hông, xông bừa tới cầm cán cuốc: Đây rồi, đây rồi. Ông lại kêu lên:

"Mạ thằng Dâu mô. Ra đây phụ với bọ một chút".

Những nhát cuốc bổ mạnh xuống đất, những miếng đất thịt đầy xác lá, đen như mun lần lượt được hất lên. Ông không thấy gì hết, xác chết như lún dần, lún dần xuống. Ông dụi mắt vẫn không thấy gì.

"Mày đánh lừa tao mô có được".

Ông già lại tiếp tục cuốc, những trái khế thối rơi cả lên vai, lên đầu ông.

"À mày giỏi, mày hay. Tao đào, tao đào".

Cái hố rộng dần, và ông già say quá chừng, mệt quá chừng, ông ngã xấp cạnh miệng hố. Lưỡi cuốc sút cán văng ra xa và chiếc cán bằng khúc tre nằm vắt qua miệng hố, bên cạnh đầu ông già.

Khu vườn cây vẫn lặng lẽ. Bóng nắng sáng rỡ trên mái tóc bạc của ông già, và trái khế thối chín mũn vẫn rơi lộp độp mỗi khi có cơn gió nhẹ. Ngôi nhà sập nhừ đang hạ thấp xuống.

Ngoài ngõ, người con dâu đã trở về. Chị đẩy cổng đi vào căn lều. Thấy nồi rau luộc đã được nhắc xuống bếp mà lửa vẫn còn đỏ, chị càu nhàu:

"Ông già thiệt ạ, cái bếp cũng không chịu tắt".

Rồi chị nhìn quanh:

"Ủa, ông đi mô rồi hỉ? Đi mô mà vắng ngắt như ri".

Người con dâu tắt bếp, dọn cơm, rồi chõ mồm ra cửa gọi lớn:

"Bọ, bọ ơi, vô ăn cơm. Đi mô rứa không biết nữa".

Không có tiếng trả lời, chị lại càu nhàu. Chị sực nhớ là mấy củ hành với chai rượu bỗng biến đi đâu mất. Chị lật đật đi ra cửa. Cái chai không hồi nãy vừa đầy rượu đang nằm im lìm trên một bụi cỏ. Chị lại đi quanh sân, nhìn ra sau vườn, thập thò không dám bước. Chị nén giận, nói một mình:

"Chắc ông đi mô chớ ra vườn mần chi".

Rồi chị vẫn tiếp tục nói một mình như đã quen nói cho mình mình nghe từ hồi nào:

"Ừ, ông già thiệt là lạ lùng. Dạo ni cứ dở chứng hoài, e ông sắp điên tới nơi rồi. Ui, cái vườn dễ sợ bất chết, ai mà dám ra. Hay ông đi chơi loanh quanh mô đây. Tìm mãi không thấy ông già chồng đâu, chị đâm ra hốt hoảng. Nhưng ra vườn thì chị không dám ra. Dám ổng uống rượu say ra sau vườn bị rắn cắn lắm. Chị dụi mắt đi sang nhà bên cạnh. Cô Trâm và cô Bình đang gội đầu cho nhau trước sân. Chị gọi:

"Cô ơi".

Cả Trâm và Bình cùng ngẩn lên nhìn ra. Bình vừa xổ tóc chứ chưa gội. Trâm thấy chị đàn bà thì mừng rỡ:

"Nhà hết chanh rồi. Mấy cây ngoài vườn cũng hết. Chị em mình sang bên nớ hái coi có trái mô không".

Bình đứng dậy, vấn lại tóc, rồi lững thững theo Trâm ra ngõ:

"Chi rứa chị Dâu?"

Chị con dâu ông thợ rèn vẫn dụi mắt sụt sùi:

"Ông cha chồng tui đi mô không thấy về".

"Đi răng chứ?"

"Khi tui sang báo tin cho cô đó".

Bình dịu dàng:

"Thường ông già có hay đi rứa không?"

"Khôn mô cô ơi. Ông chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài sân. Từ hôm ở đậu bên nớ ông không ra vườn nữa".

"Hay ông ra ngoài vườn".

Chị đàn bà bật khóc:

"Dám lắm cô. Vườn bỏ hoang lâu ni dám có rắn độc vô số, nó cắn thì chi còn đời nữa. Bọ ơi, bọ ơi".

Chị đàn bà lau nước mắt đang nhỏ dòng xuống má. Trâm hỏi:

"Thì chị ra sau vườn mà coi".

"Tui sợ lắm".

Trâm kéo chị:

"Đi chị Bình, qua hái chanh luôn. Em nhìn qua lỗ hổng sau vườn thấy đằng sau vườn bên nớ có cây chanh còn mấy quả to lắm, mấy lần định lòn qua hái mà thấy dễ sợ quá".

Hai chị em lặng thinh đi theo chị đàn bà. Tới ngõ, vào sân, Trâm nhìn ngôi lều nhỏ dựng sơ sài rồi nhìn mấy chậu cây bỏ không. Dạo trước vườn bên này có nhiều chậu cây quý lắm, mỗi lần đi qua Trâm đều nhìn vô để ngắm mấy chậu hoa. Nhà này còn có chó dữ nữa. Từ lúc dọn trở về nhà lại, Trâm không thấy con chó đen to lớn, mắt như sư tử của căn nhà bên cạnh nữa.

"Nhà ni hư hết rồi".

Trâm nói cốt ý cho chị Bình nghe, nhưng chị không nghe thì phải. Người đàn bà đi trước, Bình và Trâm đi theo sau. Cỏ lùng và cỏ cú mọc xanh um không thấy lối đi. Họ cứ giẫm bừa lên cỏ. Ba người tránh những đám lá dầy sợ rắn cắn. Cỏ lùng và lá khô là nơi rắn thích ẩn nhất. Một lúc sau họ tới tận sát bức thành cuối vườn. Bình là người đầu tiên đứng dừng lại, bước lui một bước. Trâm nắm chặt tay chị. Người đàn bà vội vã chạy lên.

Ông già đang nằm sấp bên cạnh một cái hố vừa mới đào. Từng nhát đất văng tứ tung. Lưỡi cuốc nằm một nơi, cán cuốc nằm một chỗ.. Ông già hình như bất tỉnh hay đã chết rồi. Chị đàn bà đã ngồi xuống bên cạnh ông già và đang cố lật mặt ông già lên:

"Bọ ơi, bọ chết rồi hay răng rứa bọ. Bọ đừng chết, bỏ con bỏ cháu bọ ơi…"

Người đàn bà bắt đầu khóc. Sức chị yếu không lật được ông già lên. Bình và Trâm muốn phụ nhưng lại ngại ngùng. Hai chị em còn lúng túng thì bỗng thấy cánh tay ông già nhúc nhích, rút cánh tay của ông quặt lại phía lưng như muốn gạt một cái gì ra. Chị con dâu vùng đứng dậy, mặt mày tái mét. Những giọt nước mắt tức thì ngừng chảy. Đồng thời ông già cũng lồm cồm bò dậy. Người con dâu hỏi lớn:

"Bọ ơi, rứa mà tui tưởng bọ chết rồi".

"Răng mà chết? Uý trời ơi, tau ngủ một giấc lâu quá trời. Ngủ chỗ ni há?"

Ông già nhìn cái hố, nhìn cái cuốc, rồi bật cười:

"Ủa".

Ông lại nhìn người con dâu:

"Răng bay khóc rứa?"

Chị con dâu lại ứa nước mắt, sụt sùi:

"Tui tưởng bọ chết rồi".

"Tau chết?"

"Tui thấy bọ nằm sấp".

"Tau nằm sấp. Lạ hỉ?"

Rồi ông nhìn lên những tàn cây, bầu trời cười lớn:

"Ha ha, ngủ một giấc khoái quá trời, rượu hết, bình tan…"

Ông nhặt lưỡi cuốc lên, tra vào cán. Ông chợt nhìn thấy ngón chân còn rỉ máu, ông cúi xuống:

"Cha, còn cái ni nữa".

Thấy dáng điệu ông già tức cười quá, nhưng Trâm không dám cười vì khuôn mặt chị Bình buồn hiu, và người con dâu mắt chưa ráo lệ. Lúc cúi xuống nhìn bàn chân, ngửng lên ông già mới thấy chị em Trâm, ông gật đầu chào rồi ông chỉ cái hố:

"Tui đào đó cô. Hồi nãy tui nhìn thấy chỗ ni có người chết, rứa là tui đào".

Ông đi lại nhìn xuống miệng hố. Ông bỗng nhảy lùi lại kêu thất thanh:

"Chết cha, có người. Bớ người ta, bớ làng nước".

Cả người con dâu và chị em Trâm chạy lại nhìn xuống miệng hố. Một cánh tay trong đất lòi ra, một cái đầu còn in một nhát cuốc nằm ngay trên sọ. Thân hình người chết còn mắc cứng trong đất chưa đào tới. Nhưng dưới lớp đất đen, Trâm nhìn thấy một cái mũ lát có gắn cờ đỏ sao vàng đã sắp mục. Một mảnh cờ lá mạ rách bun mủn dưới đất. Ông già bình tĩnh lại. Ông tới gần đứng nhìn, rồi phê bình:

"Thứ ni là Việt cộng chớ không phải dân. Nó có mũ, có cờ mà".

Chưa ai kịp nói gì thì ông già đã xô mọi người ra một bên. Ông tra lại cán cuốc, nện vào thân cây cho chắc, rồi nói:

"Thôi xê ra, để tui lấp lại cho người ta có một nấm mồ".

Người con dâu bụm mặt:

"Tui không dám ở nơi ni nữa mô. Tui sợ lắm".

Ông già đổ quạu:

"Sợ cái mồ cha mả tổ mi. Chi mà sợ".

Phía căn nhà sụp đổ có tiếng kêu rắc rắc. Mặt trời ngã bóng, tránh sau những vườn cây tiếp nối. Khu vườn bỗng âm u hẳn. Ông già lắng tai nghe, nhìn về phía căn nhà, rồi ông giơ cuốc lên. Những nhát đất bắt đầu lấp miệng hố trở lại. Ông cằn nhằn một mình:

"Sập thì sập cha nó đi cho yên chuyện, kêu rích rắc doạ hoài. Doạ chó chớ doạ ai.

Người con dâu bỗng túm lấy vai áo của chị Bình, mặt chị ta tái nhợt.

Bốn người đi bộ trên con đường làng vòng ra phía bãi cát trắng chạy dài. Dẫn đầu là một ông già, tay cầm cái cuốc, rồi tới người đàn bà cầm cái xẻng. Theo sau, một thiếu phụ còn trẻ, đầu tóc bịt kín bằng một chiếc khăn đen, sau cùng là một cô gái vận bộ đồ lụa trắng. Bãi cát chạy dài và như trải mãi về phía xa. Trên bãi cát, thỉnh thoảng có những bụi cây mọc thưa thớt dính chùm vào nhau. Phía trước cũng có nhiều người đi, phía đằng sau lưng họ, cách một quãng ngắn cũng có nhiều đoàn người đi. Họ đi lặng lẽ, không nói, hình như đằng trước mặt họ đang có một sự gì kỳ bí, lôi cuốn họ tới và họ phải nín thở.

Đi một chặng đường nữa, đoàn người trước mặt nhập vào một đám đông, đứng lố nhố, kẻ chụm lại, kẻ riêng rẽ, và hình như quay thành một vòng tròn rộng, vòng tròn gồm có dãy trong dãy ngoài, không thứ tự. Có cả kẻ ngồi bệt xuống đất đưa cả tay áo đào xuống cát như tìm bới một vật gì. Người con gái mặt cao dài trắng nhỏ nhất, hơi chùn chân lại:

"Chị, em sợ quá".

Người thiếu phụ trẻ tuổi quay lại nhìn, rồi không đáp, tiếp tục đi. Cô gái vội vã đi theo. Ông già chỉ tay vào đám đông.

"Ở nơi nớ".

Chị đàn bà gật đầu, rồi quay lui đằng sau thiếu phụ ra dấu. Cô gái đi sát vào chị hơn. Nét mặt cứng lại, trên đôi mắt thoáng vẻ hoảng hốt. Hai bày tay cô nắm chặt thành quả nắm, khi buông thỏng, khi đưa lên ngực nửa như dỗ dành trái tim, nửa như đe doạ nó: Đừng có nhảy chồm chồm lên nữa. Đám đông không hề để ý sự góp mặt của nhóm người mới đến, cũng như những nhóm đã nhập từ trước, hoặc sắp sửa. Một vài toán chụm lại, đang xem xét một cái gì. Những người đàn bà ngồi bệt xuống cát, kéo vạt áo lên phủi đầu và lau mắt. Một vài cái cuốc, cái xẻng vất bừa bãi trên cát. Một người đàn ông đứng tuổi trông thấy ông già, liền hỏi:

"Khi trưa tới chừ đi mô?"

"Vô trong khuôn hội. Rồi đi đón mấy cô đây tới nhìn xác".

Người đàn ông lén nhìn thiếu phụ và cô gái, rồi nhổ một bãi nước trầu đỏ thắm xuống cát:

"Từ rạng tới chừ mệt quá trời là mệt. Tui đi về. Mai xuống nữa không?"

Ông già lắc đầu:

"Mệt rồi, lượm xác còn nhiều hơn lượm sung rụng. Còn đào là còn xác, thôi, chừng đó đủ rồi".

"Nghe noái hết hồm rồi. Ủy ban đào xác nói khỏi tìm nữa".

"Ngày mô trên Huế cũng ùn ùn kéo về. Họ khóc lóc đòi đào tiếp, mà mần chi còn đủ hòm chôn".

"Họ có nhiều túi ni lông lắm".

"Ăn thua chi, vẫn hôi rình như thường".

Chị đàn bà đã lấy cái khăn bằng vải bịt ngang mũi miệng. Thiếu phụ bắt chước và ra dấu cho cô gái làm theo. Cô gái lúng túng cột mãi không được vì tay cô run quá. Thiếu phụ phải buộc giùm. Chị đàn bà kéo tay thiếu phụ, hai người đi tới đám đông đang đứng xung quanh một miếng hố lớn, đào dọc dài. Cô gái e dè bước thêm vài bước rồi đứng dừng lại. Một lát cô gái chạy về phía ông già cô đứng đằng sau lưng ông già lúc đó đang nói chuyện tầm phào với bạn, và ngẩn ngơ nhìn những người đàn bà khác đang vật vã la khóc bên những cái túi vải gói kín.

Chị đàn bà và thiếu phụ đã tới gần miệng hố. Dưới hố, hai ba người đàn ông đang dùng tay moi cát và lôi lên những hình người đã bấy nát, chỉ còn xương, có người còn bầy nhầy chút thịt. Thiếu phụ rùng mình, bước lui một bước, nhưng chị đàn bà thì bước tới gần hơn. Chị chen chúc với những người đang đổ xô tới nhìn và khóc oà:

"Trời ơi, ở mô cũng không có ri trời…"

Vài người mủi lòng khóc theo. Một vài người dân vệ tới kéo bớt đám đông ra, khuyên dỗ:

"Tới đằng rạp mà nhìn. Người ta để quần áo, đồ đoàng cho mà nhìn, ở đây thấy chi mà cũng đứng cho rộn đám. Dính toàn cát là cát khôn à. Đi đi, tới đằng rạp, người ta đông lắm".

Thiếu phụ hỏi, giọng cố bình tĩnh:

"Có còn ai có thẻ kiểm tra không mấy ông?"

"Có chớ, có người cột thẻ kiểm tra trên đầu. Có người đeo đồng hồ lên cánh tay, chắc muốn dấu trong áo. Người ta tìm ra cả khăn tay, cả cà vạt, cả áo len nữa. Bữa Tết rồi lạnh bất chết mà…"

"Đằng đó còn nhiều hòm chưa ai nhìn không mấy ông?"

"Chán triệu hai. Tui nói cho cô biết chớ ở Phú Thứ ni còn đào còn nhiều nữa. Hồi đó tui ở đây tui biết. Cô biết không, buổi túi họ bắt người ra, đầu đen cả cánh đồng, cả bãi cát, rứa mà sáng ra biến mất tăm hết. Dễ sợ, dễ sợ quá trời mà…"

Có tiếng khóc la chói cả tai. Một chị đàn bà đang ngồi bệt xuống cát, bỏ nón bên cạnh, trong nón đựng chiếc khăn tang. Bà ta vừa khóc vừa đưa tay bới xuống cát. Bà ta bới hoài, trước mặt bà đã hiện ra một hố nhỏ, bà ta vật vã khóc la:

"Ôi anh ơi là anh, anh chết chi mà chết oan chết ức, chết tức chết tưởi. Người ta về báo mộng cho vợ con người ta tìm xác hết mà anh cứ bặt vô âm tín, anh ơi là anh ơi. Anh đi anh mang theo mười lon gạo, nói là đi học tập, đi theo quân Giải phóng vài hôm rồi về, rứa mà anh đi luôn, anh bỏ mạ con tui một mình răng đành, anh ơi là anh ơi…"

Tiếng khóc của người đàn bà như xé ruột. Ông già đang nói chuyện về rượu với hành trừ hết hơi độc, hết mùi tử khí, bỗng dừng lại, rùng mình một cái, rồi nạt:

"Thôi im đi chớ bà ngoại non ơi. Ông cố tổ cao tằng đào cả trăm cả nghìn xác đang sắp hoá ma rồi bà ngoại non…"

Người đàn bà tức thì thọc mạnh cả hai tay xuống đất, nhìn trừng trừng xuống cát bẩn, gào lớn hơn:

"Ôi anh ưi là anh ưi… Anh theo giải phóng học tập ba ngày đem theo mười lon gạo, rồi anh chết bỏ mạ con tui bơ vơ bị người ni chửi người tê cười, anh ưi… Ui anh ươi là anh ươi…"

Ông già nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống cát, rồi quay lại nhìn phía người đàn bà và thiếu phụ:

"Thôi, đi tới đằng rạp cho cô Bình cô nhìn thử coi con".

"Ủa, con dâu của ông đó hớ?"

"Con dâu đó".

Cô gái nãy giờ im lặng theo dõi hết người này tới người kia, và đang nhìn người đàn bà la hét, mặt cô ta tái ngắt, đôi môi trắng nhợt, run bần bật. Nghe ông già nói, vội vã bước lui ra trước.

Khi ra tới đường, cô gái nói với thiếu phụ:

"Em về trước đây. Sợ lắm… Nếu không, chắc xỉu mất".

"Ừ, thì em về trước…"

Cô gái không đợi nghe nhắc tới tiếng thứ hai, lật đật bỏ đi. Cô gọi mấy người đi đằng trước mặt:

"Mấy bác ơi, mấy bác lên Huế chờ cho cháu đi với".

Cô gái nhập bọn với mấy người đi trước. Thiếu phụ, ông già và người con dâu đi về phía có tiếng chuông, tiếng mõ và tiếng khóc đang vang rân.

Tại một khu đất rộng, một cái rạp che bằng lá có, bạt có, đang vây kín bởi một đám đông khóc không thua sút đám đông ngoài bãi cát bao nhiêu. Càng tới gần tiếng tụng kinh, tiếng chuông mõ và tiếng khóc hoà hợp lại thành một thứ âm thanh quái gở, vừa ghê rợn, vừa tang thương, như xoáy vào óc người ta, giật cho những giọt lệ trào mọng mi mắt. Người con dâu bật khóc trước tiên. Chưa bước chân vào rạp chị đã khóc oà. Nhưng cũng chả ai để ý tới chị. Người ta đang bận khóc, bận tìm dấu vết người thân trên những quần áo, đồ vật để trên nắp hòm. Những chiếc hòm nằm sắp thành từng dãy dài, có đánh số thứ tự và mỗi đầu hòm đều đặt một bát hương. Có nhiều hòm đã được người ta nhìn nhận, mùi trầm hương nồng nặc trước hòm đã đặt hoa quả, chén cơm quả trứng. Ông già hỏi người con dâu:

"Tìm giùm cho cô Bình chớ mi thì tìm chi nữa mà tìm. Mấy bữa ni đi theo tao nhìn chưa đã răng. Không có nó ở chỗ ni mà. Tao noái nó nằm mô trên Lăng, trên núi mà mi không tin. Làm ở mô tao cũng tình nguyện đi đào, đào cả nghìn xác lận rồi chớ chơi mô".

Người đàn bà lặng thinh. Thiếu phụ đi tới từng chiếc hòm năm lẻ loi một mình. Những vật dụng như quần áo, khăn quàng, giày dép được đặt lên nắp hòm. Một người đàn bà đang ngồi nơi một cái ghế gỗ, đi lại phía thiếu phụ:

"Mợ đi nhìn hớ? Răng bữa ni mới xuống?"

"Dạ".

"Tìm ai, cha hay anh, hay chồng?"

"Dạ chồng".

"Có đeo đồng hồ hay nhẫn vàng chi không?"

"Có đeo nhẫn, có đồng hồ nữa".

"Đây nì, mợ theo tui.

Thiếu phụ lại đi theo người đàn bà lạ mặt. Người con dâu ông già cũng đi theo. Người đàn bà đưa ra một cái hộp đựng đủ thứ, đồng hồ nhẫn vàng, cà rá, xâu chuỗi, hoa tai… Thiếu phụ cầm lên mấy cái đồng hồ, xem qua vài chiếc nhẫn vàng rồi bụm mặt:

"Tui không nhớ nữa. Cái mô cũng giống cái mô…"

Ở đàng góc cuối rạp, có tiếng khóc thét nổi lên. Cũng giọng đàn bà. Tiếng khóc như bị ai chọc tiết rú lên từng hồi, như sau tiếng khóc là những bụm máu đang ọc ra. Thiếu phụ thẫn thờ trả chiếc hộp cho người đàn bà, rồi cùng người con dâu ông già tiếp tục đi tìm. Tiếng ông già nạt ai ở đằng đám đông:

"Ê không được, không được. Cái hòm ni nạy lên nạy xuống cả chục lần, cái nắp sắp hết đóng lại được. Người mô cũng đòi cạy nắp hòm ra mà nhìn thì ai mà mất công mà đóng lại. Không, thôi đi".

"Thôi chi mà thôi. Người ta cạy nắp nhìn được thì tui nhìn được. Lỡ chồng tui con tui thì răng?"

Người con dâu ông già nói với thiếu phụ:

"Mấy cái hòm đó vô thừa nhận, ngày mô cũng bị cạy ra để nhìn lại, thúi ình, dễ sợ quá cô ơi".

Người đàn bà cầm cái hộp lắc lắc:

"Trong ni thứ chi tôi cũng biên số hết rồi. Tìm ở chỗ ni ra là tới nhìn hòm, dỡ nắp hòm ra mần chi cho tội người chết không biết nữa".

Thiếu phụ dừng lại trước một chiếc hòm được ai cạy nắp rồi bỏ lại đó. Xác chết một người đàn bà thì phải, vì trên khuôn mặt bầy nhầy thịt rữa dính cát, chỉ còn trơ xương, mái tóc dài phủ phê như một tàng cổ thụ. Một hòm khác vừa bị nạy lên, tiếng người đàn ông kêu thảng thốt:

"Bà con ơi, cha tui đây rồi. Cha tui đây, đây mới đúng là cha tui".

Anh ta ôm lấy thân hòm, cúi mặt vào trong hòm mà kêu gào, kể lể như những người đàn bà đang kể lể khóc lóc xung quanh: "Cha ơi, rứa mà con đi nhìn xác cha chôn cha mấy lần rồi. Bây chừ mới thiệt là cha của con nì… Cái áo ni, cái khăn ni, đôi dép ni… Ối cha ơi là cha ơi…"

Thì ra anh ta đã nhiều lần đi nhìn xác, nhiều lần làm đám ma mà lần nào cũng long trọng vì tưởng là cha mình. Tiếng khóc của anh ta chỉ làm mọi người chú ý lúc đầu, rồi ai cũng bị chìm ngập trong nỗi niềm riêng của mình.

Ông già tới gần thiếu phụ:

"Thôi cô về đi. Ngày ni là ngày chót, rứa là hết rồi. Chắc mai mốt chi là người ta đi đưa đám".

Chị con dâu cãi:

"Mơi chớ khôn phải mốt".

"Rứa thì mi đưa cô về Huế đi. Đứng ở chỗ ni thành ma như tao mới không bị ma vật".

Ông già nói xong lại giật chai rượu trên tay một người đàn ông đi qua, tu một hơi. Giọng ông sặc sụa mùi rượu:

"Thôi về đi. Để tao ở lại, tối tao lên".

Đi ra khỏi rạp để xác tập thể, thiếu phụ cố ngoái cổ lại nhìn, không khí, tiếng khóc, tiếng cầu kinh, âm thanh đó đã như tiếng phụ đồng làm nàng ngây ngất và khi ra tới chỗ vắng nàng tự nhiên thấy trống rỗng buồn bã. Nàng muốn chạy lui lại, gục đầu vào bất cứ chiếc hòm này để được khóc, được kể lể như mọi người. Nhưng người con dâu ông già đã kéo tay nàng đi, và nàng ngoan ngoãn đi theo, xa dần âm thanh kỳ quái, đầy ma lực đã lôi cuốn nàng như một buổi phụ đồng ở điện Hàng Chén, lôi cuốn hàng trăm bà, trăm cô. Chị con dâu ông già nói:

"Cô dạn hơn cô Trâm".

Thiếu phụ không trả lời. Mặt trời bỗng chói chang trên mặt họ, và chiếc khăn đen trùm trên đầu thiếu phụ như ứa nước. Những giọt nước nhỏ trên trán, trên mặt, trên khóe mắt, trên má.

Vô nhân đạo, mặt trời vẫn cười.

Buổi tối, từ Phú Thứ về lại căn nhà lụp xụp trong ngôi vườn hoang, ông già uống rượu không ngừng. Ông uống rượu và nhai hành nướng rau ráu. Người con dâu phải chạy qua Trâm xin thêm hành, hết hành ông già đòi ăn tỏi. Ông say sưa rồi nằm chèo queo trên bộ ván mà ngủ. Sáng ra mặt ông tái xám, mắt ông đỏ nhừ, ông lại ra quán rượu uống tiếp:

"Bán chịu đi, mai mốt tui chán chi tiền. Tiền vàng tiền bạc đốt xuống cho ma là chúng nó phải chia cho tui. Tui là một kẻ cứu nhân độ thế… Nì mụ Ri ơi, tui đào, tui đào cả trăm cả nghìn xác… Mả cha nó, chết chi mà chết dữ dằn rứa khôn biết. Đào hoài, đào hoài… Mình đào lên rồi nó trừng trừng nhìn mình… Cứ một ngày rồi một ngày… Không biết mấy mà kể…"

"Đêm qua, ông già có gặp họ không?"

"Túi mô họ cũng hiện về đầy vườn. Họ đứng xếp hàng cám ơn tui đã cho họ gặp vợ con. Tốt, tốt lắm".

Ông già uống rượu và nói huyên thuyên đến nỗi chị bán quán phải đuổi mãi ông mới vào nhà. Ông mua chịu thêm được một lít rượu trắng nữa. Vào tới nhà ông lại tiếp tục uống cho tới lúc không còn gượng được nữa ông ngã lăn ra nhà, tháo mửa tùm lum.

Chị con dâu đã sửa soạn xong, cùng với Trâm và Bình đi dự đám tang tập thể. Đám tang từ Phú Thứ, đi bộ lên thấu núi, chôn trên miếng đất rộng, và sẽ đi qua phố. Ba người đàn bà đón đám tang gần nơi con đường nhà họ ở.

Bình mặc bộ quần áo đen, chị con dâu ông già mặc quần áo tang chồng, quấn khăn trắng, tóc tai rũ rượi như một kẻ thủ tiết, sẽ để tang chồng trọn đời. Chị đi bắt thằng con về, mặc áo tang cho nó rồi bế nó đi theo. Dọc đường người ta ra đứng sẵn chờ đám tang đông nghẹt, hai bên đường, cách quãng lại có bày bàn thờ, hoa quả và trầm hương. Trâm hỏi:

"Ông già hôm ni không xuống dưới đi đưa đám răng?"

Chị con dâu thở dài:

"Không biết răng mà ổng say quá mạng. Đêm qua ổng nằm ổng nói chuyện mà toàn chuyện chi như dưới âm phủ không? Chắc ổng nói chuyện với ma quỷ chi đó. Tui thấy mấy hôm rồi mắt ông đỏ sòng sọc như bị ma ám. Ban đêm ông đang ngủ vùng dậy đi ra vườn một mình, ông hò hét lung tung".

"Tui cũng nghe tiếng ổng hét. Trâm nói.

"Mấy hôm ni ông không ăn qua một hột cơm, chỉ uống rượu rồi nôn mửa".

"Hay ông bị bịnh. Đào xác hơi độc lắm?"

"Tui cũng đoán e rứa".

Đám đông đang đứng dọc hai bên đường bỗng nhốn nháo rồi tràn ra đường, nhìn về phía xa. Chẳng thấy gì, chỉ toàn những đầu người lố nhố.

Một lát sau, một chiếc xe jeep chở cảnh sát đi dẹp đường. Đoàn người đứng lùi vào hai bên đường. Nhưng mãi thật lâu, người ta mới nghe tiếng khóc, tiếng cầu kinh từ xa đưa lại. Đám táng bắt đầu từ Phú Thứ, đi bộ thành hàng dài lên tới Huế, qua các đường phố rồi lên Nam Giao. Tiếng khóc than nổi thành một hơi dài nhiều cây số đường xa, qua chỗ mấy chị em Trâm đang đứng. Đoàn người tức thì lại nối đuôi nhau đi theo đám tang, góp thêm nhiều tiếng khóc. Trâm lạnh người khi nhìn thấy những người đàn bà đi theo sau những cỗ quan tài, đầu chít khăn, mặc áo thun vừa đi vừa vật vã khóc lóc kể lể. Chị Bình đứng im, chị nhìn từng chiếc hòm đi qua, mắt chị dán chặt vào từng chiếc, từng chiếc. Đến lúc đoàn hòm vô thừa nhận đi tới, chị kéo tay người con dâu ông già, đi theo. Trâm cũng đi theo chị. Nhiều người đi theo những chiếc áo quan không ai nhận này. Những tiếng khóc ở đây nghẹn ngào như muốn nuốt vào bên trong cổ họng. Đoàn người còn đứng lại hai bên đường lạy theo những cỗ quan tài đi qua. Trâm nổi gai ốc đầy người. Một vài tiếng khóc dằn lại không được, bật lên, nghẹn ngào nức nở. Người con dâu ông già cũng bật khóc, khóc cho những người chết có bà con mà không ai còn nhận ra, và khóc cho chính chị, không tìm ra được xác chồng để ôm lấy cỗ áo quan mà gào lớn cho tan bớt niềm đau khổ. Không biết chị Bình nghĩ như thế nào, riêng Trâm, Trâm cho rằng, trong mấy trăm chiếc áo quan đang sắp hàng, nối nhau đi tới nghĩa địa, nếu anh Bình không có xác ở đây thì linh hồn anh vẫn đi theo, vẫn quấn quít bên cạnh những người cùng cảnh ngộ. Trâm nhìn khuôn mặt chị Bình, chị không khóc được. Hình như từ ngày biết tin anh Bình thực sự mất tích, chị chỉ khóc được có một lần, và từ đó tới nay, chị đành ngậm tăm. Da mặt chị tái xanh, và những giọt nước như chảy suốt từ đầu tới chân chị, mặt trời, cùng không khí ngột ngạt của tiếng cầu kinh, tiếng khóc, tiếng kêu la đã đun nóng chị và những giọt mồ hôi rịn suốt người chị.

Trâm muốn gọi chị đi về. Đưa đám một đoạn cũng đủ rồi. Nhưng Trâm chợt nhận ra là mình ích kỷ, chỉ đủ với Trâm thôi chớ làm sao đủ được với chị Bình, với bao người sống đang đau khổ đi theo đám tang tập thể.

Trâm cũng không mở miệng nói được. Không còn ai đủ sức nói chuyện hay hỏi người khác một câu. Và Trâm đành cứ lặng lẽ đi theo chị Bình, theo đám đông mãi.

Không biết ông già bố chồng của người đàn bà đi với chị Bình đã theo tới kịp lúc nào nữa. Khi nghe tiếng gọi, Trâm quay lại thì thấy ông đã tới sau lưng người con dâu:

"Ê mả cha mi, mi bế cháu tau đi mô rứa?"

Một vài người nhận ra ông, có tiếng xì xào ông già đào xác. Đi mô cũng gặp ông nớ hết.

Giọng ông già sặc sụa mùi rượu. Trên tay ông còn cầm cái chai không. Đứa nhỏ thấy mẹ bị kéo lại khóc thét lên. Đoàn người tiếp tục đi. Trâm, chị Bình, người con dâu và ông già đều dừng lại và bị đám đông bỏ rơi ngay. Ông già quắc mắt nhìn người con dâu:

"Tao hỏi mi đi mô, không ở nhà nướng hành, mua rượu cho tao hở?"

Ông giơ chai rượu không lên:

"Tao đào xác cả năm ni, bây chừ chúng nó mồ yên mả đẹp hết rồi. Rồi tụi bây bỏ rơi tao luôn hay răng đây.

Chị Bình và Trâm đứng yên lặng nhìn ông già. Ông đã say quá và người ông như co rút, nhỏ bé hẳn lại. Trời nóng mà ông mặc chiếc áo bành tô đen bằng nỉ, đầu đội mũ phớt cũ. Tay chân ông run lẩy bẩy và da mặt sạm lại như da người chết. Ông giơ chai rượu lên, chỉ tới trước đám táng, cười như điên dại:

"Thôi chúc các người đi may mắn nghe. Chào mấy người…"

Lão cười sặc sụa, cười đến gập người lại, đến ngồi bệt xuống đất. Người con dâu đưa đứa nhỏ cho Trâm rồi đỡ xốc ông già dậy.

"Mày nói tao say phải không? Rượu say chút cặn cũng say, chút bọt cũng say. Ê, mấy anh, mấy anh đi may mắn, đánh dây thép về, gửi thư bảo đảm về nghe".

Ông đứng dậy, người con dâu vẫn đỡ đằng sau lưng:

"Tội, nằm hơn một năm dưới mưa nắng chảy thành nước hết rồi. Thôi đám xương cũng đã được tẩm liệm. Đừng cám ơn, đừng khóc. Ê, mấy mụ nớ khóc chi dữ rứa, để người anh em ra đi thảnh thơi. Cũng xe cũng ngựa, quần áo lên đường. Ôi con ơi, bọ đào bọ xới, bọ nhìn mặt đủ người mà răng chưa tìm ra con, con ơi là con ơi".

Ông già đang cười bỗng khóc nức nở. Chị Bình nhăn mặt, nói với người con dâu:

"Chị đưa ông già về đi. Nghe dễ sợ quá".

Nhưng người con dâu lại khóc oà đòi lôi đứa nhỏ đi theo đám tang. Ông già đang khóc, ngồi rột dậy, ông bỗng tát đánh bốp vào mặt con dâu, mắt ông trợn trừng, đỏ như máu:

"Răng mi đi đưa đám. Răng mi khóc, mi muốn cầu cho con tao chết há? Con tao không có trong đám tang kia nghe chưa? Nó còn sống, nó còn sống, phải không con?"

Đám tang đã bỏ xa. Không ai buồn để ý tới cha con ông già. Người con dâu đưa tay xoa má, vừa khóc vừa nói:

"Bọ ơi, bọ say quá rồi. Bọ bịnh rồi. Để con đưa bọ về".

Chị bồng lấy đứa nhỏ trên tay Trâm, năn nỉ một bác xích lô dìu ông già lên xe, đưa về nhà. Bình và Trâm cũng lững thững đi bộ trở về, đám tang đã khuất ở cuối đường, để đầy giấy vàng và tàn hương lả tả.


Buổi tối, Trâm đang ăn cơm bỗng nghe tiếng kêu cứu của chị đàn bà ở bên khu vườn hoang. Chị Bình, má Trâm và Trâm lật đật chạy qua. Vừa vào tới túp lều, Trâm đã bụm mặt, bước thối lui. Chị Bình gan dạ cũng phải kêu lên: Ui cha một tiếng, rồi lảo đảo như muốn té. Má Trâm bình tĩnh hơn, bà xô chị em Trâm sang một bên, bước hẳn vô nhà. Giữa nhà, nằm trên mặt đất, ông lão đã cứng tay cứng chân, ông mửa máu đầy nhà, bên cạnh còn lăn lóc mấy chai rượu. Máu vãi từ trên tấm phản gỗ xuống đất, ở đâu cũng thấy máu. Ông già mắt đã lạc, hai tay cong queo đưa lên trước mặt như muốn ôm ghì một hình ảnh nào, và miệng méo xệch nửa như cười, nửa như khóc. Chị con dâu ôm chặt đứa con vào lòng, thằng nhỏ mặt mày tái mét không dám khóc, ôm chặt lấy mẹ. Chị vừa khóc vừa kêu cứu inh ỏi. Má Trâm thở dài:

"Không kịp nữa mô. Ông chết rồi".

Ông già đã đào bao nhiêu xác chết để góp thành một đám ma vĩ đại của một thành phố, của một lịch sử. Nhưng khi ông chết, đám ma ông hết sức lẻ loi. Người con dâu âm thầm theo sau quan tài và không còn nước mắt để khóc nữa.

Hai hôm sau, chị ta sang nhà Trâm. Đứa nhỏ chị đã gửi đi hồi nào. Lúc chị sang, Trâm đang đứng bên chiếc bể cạn đã bể, hòn non bộ của ông ngoại cũng bể theo. Trâm đang mân mê chiếc cầu gãy và ông tiên chống gậy đứt mất đầu bằng sành sơn xanh thì chị ta bước vào. Chị Bình lúc đó đang đứng ở cửa bếp nhìn ra. Chị con dâu ông già đào xác nói:

"Tui qua chào bà, chào mấy cô. Tui đi chỗ khác".

"Ủa, không ở bên đó nữa há?"

"Tui về dưới nhà bà con".

Chị ta vẫn vác cái xẻng ở trên vai, và bây giờ thêm cái cuốc của ông già để lại. Trâm hỏi chị đem những thứ đó theo làm chi, thì chị cho biết chị sẽ tiếp tục tìm xác cho tới khi tìm ra xác chồng.

Tuần lễ sau, Trâm nghe một đứa bạn kể lại là hôm qua, nó đi thăm mộ thấy một chị đàn bà vác một mình hai cái, vừa cuốc vừa xẻng, đi tha thẩn lên phía sau núi. Chị hỏi có ai biết chỗ nào có ba gốc thông nằm đối mặt nhau không. Cô bạn kết luận: Chắc mụ đó điên rồi.
Nhã Ca

No comments: