Sunday, November 23, 2008

BA PHÚT SỰ THẬT * IV

===

Phùng Quán

Ba Phút Sự Thật

7. Nhà thơ với tệ tham nhũng


Cách đây đã nhiều năm… Một buổi trưa mùa hè, tôi ra bãi An Dương phía ngoài đê sông Hồng, tìm thăm nhà thơ Đoàn Phú Tứ, tác giả bài thơ bất hủ Màu thời gian. Năm đó nhà thơ đã ngoài 70 tuổi. Nắng hè thiêu đốt nóng đến ngạt thở. Tôi thật sự kinh khiếp khi thấy ông tóc bạc trắng, cởi trần, thản nhiên ngồi đọc sách trên bức phản gỗ mọt, mặe cho mồ hôi chảy đầm đìa trên mặt, trên lưng, giọt giọt từ chòm râu xuống những trang Ngôi nhà búp bê của Íp-en. Ông đặt sách xuống tiếp tôi ông gần như dốc ngược chai rượu mới được đầy một chén, và sẻ cho tôi một nửa. Tôi đọc ông nghe bài thơ vừa mới viết về đề tài kháng chiến. Đọc đến câu: Giữa chiến khu võ vàng đói khát, Cả tiểu đội tôi chỉ còn mắt với răng…, ông đặt chén rượu đã uống cạn xuống, ngắt lời tôi: "Chỉ vì những người lính - chỉ còn mắt với răng" các cậu mà năm đó mình đã đụng độ với thằng Trần Dụ Châu… Cậu có biết Trần Dụ Châu không?" Tôi nói: "Những người lính chống Pháp bọn em, ai mà không biết Trần Dụ Châu…". Hắn là Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu, trông coi việc ăn mặc cho toàn quân. Ngày đó chúng tôi thường gọi: "Màn Trần Dụ Châu", vì mỗi cái màn lính hắn ăn cắp mất hai tấc vải, nên hễ ngồi lên là đầu đụng trần màn; "Áo mền trấn thủ Trần Dụ Châu" vì hắn ăn cắp bông lót trong áo, trong mền và thay vào bằng bao tải… Nét mặt ông vụt sa sầm khi nghe tôi nhắc lại những chuyện đó. Kỷ niệm một thời hào hùng đánh giặc cứu nước bất ngờ ập đến, cặp mắt già nua của nhà thơ lóe ánh giận dữ. Ông kể:
Mùa đông năm 1949, ông ở chiến khu Việt Bắc. Là nhà thơ, ông còn là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông cùng với một đoàn nhà văn đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội vừa đánh giặc trở về. Ông đã khóc nấc lên khi thấy các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng, và hầu hết chiến sĩ đều rách rưới, "võ vàng đói khát", "chỉ còn mắt với răng", mà mùa đông năm đó tiết trời chiến khu lạnh tới mức nươce đóng băng… Ông trở về cơ quan chân ướt chân ráo thì nhận được thiệp mời của Trần Dụ Châu, đến dự lễ cưới mà hắn đứng ra tổ chức cho cán bộ cấp dưới đặc biệt thân cận, phụ trách công tác vật tư, tên là Lê Sĩ Cửu.
Ông bước vào phòng cưới mà cứ ngỡ mình nằm mê. Cái hội trường dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi, sáng trưng những dãy bạch lạp to bằng cổ tay. Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bê thui, rượu tây, cốc thuỷ tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Ban nhạc sống của nhạc sĩ Canh Thân được mời từ khu 3 lên tấu nhạc réo rắt…
Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới, theo sau hắn là một vệ sĩ cao lớn, súng "côn bạt" đeo xệ bên hông. Tân khách ngồi chật kín hội trường, mắt hau háu nhìn bàn tiệc. Rượu vang đỏ rót đầy các cốc. Vị chủ hôn Trần Dụ Châu oai phong, đỏ đắn, đầy quyền uy bước ra tuyên bố làm lễ thành hôn cho đôi vợ chồng mà hắn đỡ đầu, và trịnh trọng mời tân khách nâng cốc… trong tiếng nhạc vang lừng. Nhìn thấy nhà thơ ngồi ở bàn đầu, hắn liền tươi cười giới thiệu: "Đám cưới hôm nay có một vị khách đặc biệt là ông Đoàn Phú Tứ, nhà thơ cự phách cửa nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Xin mời nhà thơ nổi tiếng lên đọc một bài thơ mừng cô dâu chú rể và quý vị tân khách".
Đoàn Phú Tứ đứng lên, mắt đăm đăm nhìn cốc rượu vang đỏ như máu đầy tràn trước mắt… Ông bỗng thấy giận run lên với ý nghĩ: "Bọn võ biền đốn mạt đầy quyền uy này, đã quen coi thi sĩ là kẻ nô bộc, và thơ là món đồ trang sức, một thứ gia vị cho bữa ăn tội lỗi của chúng thêm ngon miệng… Chúng sẽ được thơ dạy cho một bài học đích đáng!…". Ông ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt Trần Dụ Châu, nói lớn, nhấn mạnh từng từ một cho tất cả những người dự tiệc cưới đều nghe thấy: "Tôi xin đọc tặng vị chủ hôn, cô dâu chú rể và tất cả các vị có mặt hôm nay, một câu thơ hay nhất mà tôi vừa chợt nghĩ ra"… Khắp các bàn tiệc dậy lên tiếng xì xào tán thưởng: "Hoan hô Xuân Thu Nhã Tập! Hoan hô thi sĩ Đoàn Phú Tứ!". Chắc phải hay hơn câu nghìn trùng e lệ phụng quân vương (1) … Chờ cho tiếng xì xào im hẳn, nhà thơ nói tiếp: Câu thơ đó như sau: "Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ! – "Láo", Trần Dụ Châu mặt vụt tái nhợt quát to. Tiếp liền theo đó là tên vệ sĩ của hắn xông tới tát bốp vào mặt nhà thơ. Nhà thơ lặng lẽ rút khăn tay lau mặt, ném khăn xuống đất, rồi nhổ vào cốc rượu đỏ như máu đầy tràn trước mặt, và đĩnh đạc bước ra khỏi phòng cưới.
Ngay đêm hôm đó, nhà thơ viết một bức thư dài gửi lên Hồ Chủ Tịch, trình bày toàn bộ sự việc.
Một tuần sau tòa án quân sự được thiết lập cũng tại khu vực hội trường đó. Trần Dụ Châu bị điệu ra trước vành móng ngựa, cúi đầu nhận hết mọi tội lỗi, và lãnh án tử hình vì tội tham nhũng. Hồ Chủ Tịch đã tự tay ký vào bản án tứ hình. ĐÓ là bản án tử hình đầu tiên mà Người đã ký, kể từ ngày Người lên nhậm chức Chủ tịch nước (2).
"Thế còn chú rể Lê Sĩ Cửu?". Tôi hỏi. "Hắn tự sát trong nhà tù để khỏi phải phơi mặt trước vành móng ngựa". Tôi nâng chén rượu chưa kịp uống, dâng lên nhà thơ và nói: "Vô cùng cảm ơn anh. Anh đã làm vinh quang cho thi sĩ của đất nước. Người đầu tiên đứng ìên chống hiểm họa tham nhũng tàn hại đất nước không phải ai khác, mà chính là thi sĩ, mà đã chống một cách can đảm, dữ dội và quyết liệt biết chừng nào!".
Chú thích:
(1) Câu thơ trong bài Màu thời gian.
(2) Tôn trọng tác giả đã quá cố, chúng tôi in nguyên bản thảo, song nhận thấy có môt vài điểm cần nói thêm. Theo tư hệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh thì thời gian xảy ra vụ án Trần Dụ Châu là cuối năm 1950. Trong biên bản cuộc họp Hội đồng Chính phủ các ngày 15, 16 và 17-11-1950 do Hồ Chủ Tịch chủ tọa, mục thứ 35 kiểm điểm vụ án này. Tại đây Người đã phát biểu: "Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân. Xã hội ham danh, ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đấy là khuyết điểm".
Điều nữa là chúng ta không có sư phê bình và tư phê bình. Chúng ta hay nể nả nhau nên chỉ biết mình thanh liêm là đủ.Quan niệm thanh cao tự thủ thế là không đu. Tất cả chúng ta phải phụ trách trước nhân dân".
Một điểm nữa mà theo pháp luật, bản án tử hình chỉ do tòa án xử. Chủ tịch nước chỉ ký sắc lệnh đối với đơn xin ân xá. Trước vụ án Trần Dụ Châu đã có một sắc lệnh do Người ký bác đơn xin ân xá môt án tử hình xảy ra ở miền Trung.
Chưa thấy có sắc lệnh nào của Người liên quan đến vụ án Trần Dụ Châu.
(Chú thích của Tạp chí Xưa & Nay, số 31-9 -1996)
hết: 7. Nhà thơ với tệ tham nhũng, xem tiếp: 8. Chút nghĩa cũ càng

Scane é Hiệu đính: Nguyễn Học
Nguồn: Nguyễn Học wbrW VNthuquan - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 24 tháng 7 năm 2006


===

Ba Phút Sự Thật

8. Chút nghĩa cũ càng


(…) Cách hơn một tháng trước, vợ tôi đến thăm chị Khiêm lúc này đã ốm liệt giường. Ngoài cân đường biếu người ốm, tôi gửi biếu nhà thơ nửa ìít rượu. Nhà thơ hỏi vợ tôi: "Thằng Phùng Quán chết rồi hay sao mà lâu nay nó không đến thăm tôi?,. Chị Khiêm đưa mắt lườm chồng, nói: "Đừng chấp lão ta làm gì… mồm miệng lúc nào cũng độc địa như thế…". Vợ tôi kể lại chuyện này và có ý giận sự độc mồm độc miệng của ông. Nhưng tôi thì rớm nước mắt vì cảm động. Tôi thấy đằng sau lời rủa độc ấy là tình thương quý của ông đối với tôi - "Mình là cái con khỉ gì mà được nhà thơ Đoàn Phú Tứ thương quý làm vậy?". Tôi thầm nghĩ thế và lòng xốn xang tình cảm biết ơn…
Bây giờ nhà thơ đã qua đời. Nhớ lại tất cả những chuyện đó, tôi càng buồn rầu hơn vì vô phương giúp đỡ gia đình ông trong cảnh tang gia cùng quẫn. Tôi lục lọi khắp nhà xem tìm được vật gì sớm mai đem bán. Nhưng cảnh nhà tôi cũng chẳng hơn gì cảnh nhà ông. Vật dụng có giá trị nhất trong nhà tôi là cái xe đạp mi-ni cũ nát, đem bán chưa chắc đã nổi hai chục nghìn.
Cái khó ló cái khôn. Trong đầu tôi chợt lóe lên "sáng kiến": Nghe nói Đoàn Phú Tứ đã từng là đại biểu Quốc hội khóa I, vậy mình sẽ lên thẳng Quốc hội xin tiền làm ma cho ông. Sáng kiến có vẻ hay đấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy khó lòng thực hiện nổi. Tôi lấy tư cách gì để lên tận Quốc hội xin tiền cho ông? Tôi không phải là bà con ruột thịt, không phải họ hàng, cũng không phải là bạn của ông… Tôi không có chức danh gì trong các doàn thể văn học nghệ thuật… Xuất thân là một người hnh trinh sát của một trung đoàn thiện chiến, tôi thường bị kẹt vào những tình huống hiểm nguy tường chừng không lối thoát, nhưng cuối cùng vẫn thoát. Quân đội đã rèn giũa cho tôi từ thuở thiếu mên cái ý chí: hãy tìm cho ra một kẽ hở ở những chân tường kiên cố nhất, để chui qua.
***
Một giờ sáng, trằn trọc trên Chòi ngắm sóng, tôi đã tìm ra kẽ hở đó. Nhưng kẽ hở này là một hạ sách, vì nó vi phạm nghiêm trọng đạo lý con người và nhà văn: Nói dối. Nghĩ vậy, tôi cảm thấy chùn tay. Nhưng thời gian gấp quá rồì, chỉ còn một buổi sáng ngày mai… Tôi tự an ủi: Mục đích sẽ biện hộ cho phương tiện. Tôi bật đèn, tìm giấy bút và sáng tác một bức thư:
"Kính gửi đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Kính thưa đồng chí, tôi xin báo với đồng chí một tin buồn: ông Đoàn Phú Tứ, nhà thơ, nhà viểt kịch, nhà dịch thuật, và đồng thời là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thọ 80 tuổi, đã từ trần ngày hôm qua. Họa vô đơn chí. Vợ ông là chị Nguyễn Thị Khiêm vừa mất cách đây hai tháng. Sau ngày vợ mất, ông Đoàn Phú Tứ tìm gặp tôi và nói: "Mình cảm thấy như ngọn đèn đã cạn dầu, lụi bấc, chưa biết tắt lúc nào. Tám mươi tuổi rồi, chết không phải là điều đáng sợ, chỉ sợ một nỗi đến lúc nằm xuống, các con chẳng biết lấy gì để làm ma cho bố. Bởi vậy mình uỷ thác Phùng Quán một việc. Nếu mình nằm xuống, thì Quán hãy viết thư kêu ông Chủ tịch Quốc hội, trình bày hoàn cảnh gia đình mình, và chuyển lời mình đến với ông: "Nểu Quốc hội còn nhớ đến tình cũ nghĩa xưa, thì xin ông một cỗ áo quan và một chút tiền để mai táng". Bây giờ ông Đoàn Phú Tứ đã nằm xuống. Tôi xin chuyển đến đồng chí lời uỷ thác của ông. Mong đồng chí lưu tâm giải quyết. Hai giờ chiều mai, gia đình ông Đoàn Phú Tứ sẽ đưa ông về Văn Điển. Nay kính thư, Phùng Quán".
Trong cuộc đời làm văn của tôi, chưa bao giờ viết một đoạn văn nào mà tôi phải đắn đo, cẩn trọng đến như bức thư này. Tôi chép đi chép lại bức thư nhiều lần, cân nhắc từng chữ một, sửa chữa, thêm bớt.
Tôi chép lại bức thư với nét chữ nắn nót, đề địa chỉ người nhận, với dòng chữ trong ngoặc đơn: "Kính nhờ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chuyển".
Đồng hồ chỉ 3 giờ sáng.
Tôi đến Trụ sở Hội Nhà văn vào đầu giờ làm việc May mắn nhà văn Xuân Thiều cũng vừa đến. Tôi trao bức thư và nói gần như năn nỉ: "Anh cố gắng chuyển thư đến tay anh Đạo vào buổi sáng nay, anh ấy mới giải quyết kịp". Xuân Thiều xem bức thư rồi trao lại cho tôi, nói: "Không ăn thua đâu Quán. Chuyện tiền nong đâu có thể giải quyết một cách chóng vánh, dễ dàng như vậy?".
Tôi buột miệng đọc câu thơ của Uytman: "Dù cho ai thất vọng về người - Ta, ta vẫn đời đời tin tưởng" Tôi nói: "Đã thế tôi sẽ lên thẳng Quốc hội gặp anh Đạo". Tôi dắt xe đến thẳng chòi gác, cố lấy dáng đi thật chững chạc.
Anh công an gác trước Trụ sở Quốc hội (33 Ngô Quyền) bước ra hỏi:
- Cụ đến có việc gì ạ?
- Báo cáo đồng chí, tôi muốn gặp Chủ tịch Lê Quang Đạo.
- Chắc cụ muốn đưa đơn kiện phải không?
Tôi đoán anh ta cho tôi là một lão nông từ làng quê lên. Mà các cụ ở nông thôn đã tìm lên đến tận Quốc hội thì chỉ có mỗi việc là đệ đơn kháng cáo những chuyện bê bối của chính quyền địa phương.
- Không, đồng chí ạ. Tôi không có chuyện kiện cáo gì đâu. Chỉ cần gặp ông Chủ tịch để đề đạt một công việc cần thiết.
- Thế thì mời cụ dựng xe đằng kia rồi vào gặp bác thường trực.
Ông già thường trực sau khi nghe tôi trình bày vắn tắt, liền trá lời với giọng Quảng Trị đặc sệt:
- Ông Lê Quang Đạo và ông Vũ Mão mới về Hải Phòng chiều qua để kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử hội đồng nhân dân các cấp…
"Thế thì không ăn thua gì rồi anh Tứ ơi… Anh đen quá, đen cho đến chết. Anh dịch "Đỏ và đen" mà số anh chỉ nhận được toàn phần đen… Tôi đã hết sức với anh, nhưng số phận đã được an bài… Mong vong linh anh đừng giận tôi".
Tôi đưa phong thư và bộ "Tuổi thơ dữ dội", nhờ ông thường trực chuyển giúp cho Chủ tịch Lê Quang Đạo ông ta lên mục kỉnh, đọc tên tôi trên phong bì thư. Ông ngẩng mặt lên hỏi: "Có phải Phùng Quán "Vượt Côn Đảo" không?"
- Đúng rồi…
- Dạo ni nom già hớm hí. Cậu quên tớ rồi à?
Tôi chăm chú nhìn ông, lòng lấy làm lạ: "Ở một nơi uy nghiêm như thế này sao lại nảy nòi ra một anh quen biết hạng người như mình?"
- Thật tình mình không nhớ được… Tôi bối rối nói.
- Vô đây uống chén nước đã, rồi ta nhắc cho mà nhớ. Cậu là lính "Trăm lẻ một", tớ là lính "Chín lăm". Cậu có nhớ trận phục kích đoàn công-voa gần đồn Hòa Lục Nam, chiến dịch Phan Đình Phùng năm 1952 không?
- Có, có, nhớ rồi…
- Lúc thu chiến lợi phẩm, cậu với tớ giành nhau khẩu ga-răng, cậu đạp tớ một cú giữa bụng, tớ nện cậu một cú vô quai hàm, nhớ chưa?
- Nhớ rồi, nhớ rồi… Mà ngày xưa tớ nom cậu to con hơn…
- Xí… già thì người phải teo tóp lại như trái mướp khô… Rứa cậu gặp ông Đạo có việc chi?
Tôi trình bày tóm tắt câu chuyện và nói: "Thế mà ông Đạo lại đi vắng…, có hết hơi không?…
- Cậu cứ ngồi đó, chưa chi dã chủ bại. Tớ thấy hồi còn làm lính "Trăm lẻ một" cậu coi bộ cứng cổ hơn:.. Để tớ gọi điện thoại cho ông Phó Tổng biên tập báo "Người đại biểu nhân dân", hỏi ý kiến ông ta, liệu có giải quyết được không?
Người chiến hữu cũ của tôi gọi điện thoại, quay lại nhìn tôi gật gật: "Ông ấy mời cậu lên gặp. Điệu ni là có hy vọng đấy. Chừ cậu đi lên tầng gác hai, thấy gian phòng ngoài cửa có tấm biển đề Tổng biên tập. Ông ta đang ngồi ở đó".
Phó Tổng biên tập báo "Người đại biểu nhân dân" kém tôi vài tuổi, tên là Thọ. Anh Thọ không những bỉết Đoàn Phú Tứ mà còn biết cả chuyện ông là người đầu tiên đã ra tay chống tệ nạn tham nhũng, trong vụ Trần Dụ Châu và Lê Sĩ Cửu, từ thời chiến khu Việt Bắc.
Đọc xong bức thư gứi đồng chí Lê Quang Đạo, anh Thọ nói: "Đây không phải là chuyện nghĩa cử mà còn liên quan đến ảnh hưởng chính trị… Anh Phùng Quán ngồi đây chờ tôi mười phút, tôi chạy đi mời một số cán bộ chủ chốt của cơ quan. Chúng ta sẽ cùng họp bàn cách giải quyết trong khi anh Đạo đi vắng". Lát sau tôi được mời vào phòng họp.
Ngoài anh Thọ có Vụ trưởng Vụ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách, một chuyên viên đặc trách những việc đột xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bức thư gửi lên đồng chí Lê Quang Đạo được anh Thọ đọc to lên cho tất cả cùng nghe. Vụ trưởng Vụ Chính sách trạc năm mươi tuổi, người cao gầy, ánh mắt sắc sảo, nói: "Trước khi bàn bạc cách giải quyết, chúng ta phải cần kiểm tra xem ông Đoàn Phú Tứ có phải là đại biểu Quốc hội không đã…" Ông đứng lên ra khỏi phòng họp một lúc rồi trở vào, tay cầm cuốn sổ dày cộp, bìa bọc vải có chữ mạ vàng. Ông đặt cuốn sổ trước mặt tôi, giới thiệu: "Đây là Kỷ yếu danh sách đại biểu Quốc hội từ khóa I đến nay. Tên đại biểu được xếp theo vần A, B, C. Đoàn Phú Tứ, ta tra vần T. Ông lật giở kỷ yếu tìm vần T. Chúng tôi cùng chụm đầu trên ba trang vần T. Không có tên Đoàn Phú Tứ. Tôi tái mặt… Dò tìm lại lần nữa. Có tên Nguyễn Đình Thi, Phan Tứ… nhưng Đoàn Phú Tứ thì không. Tôi hoảng sợ thật sự. Thật ra, việc Đoàn Phú Tứ là đại biểu Quốc hội khóa I thì tôi cũng chỉ nghe nói vậy thôi, chứ chưa bao giờ hỏi thẳng ông… Nếu Đoàn Phú Tứ không phải là đại biểu Quốc hội thì những con người sắc sảo này sẽ nhận ra ngay sự gian dối của bức thư. Như vậy thì tôi đã tự chuốc lấy một hoàn cảnh hết sức lố bịch. Tôi chợt nghĩ: vẫn còn một tia hy vọng. Tôi nói: "Nhưng nhà thơ Đoàn Phú Tứ chi là đại biểu có mấy năm, sau đó ông bỏ thành…" Vụ trưởng Chính sách nói: "Đây là Kỷ yếu. Trong số này có cả tên Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh".
Lúc này tôi chỉ muốn chui xuống đất. Tôi lắp bắp, ấp úng: "Việc này tôi nghe các anh ở Hội Nhà văn nói chắc lắm. Có lẽ để tôi về hỏi lại anh Nguyễn Đình Thi xem sao. Anh Thi cũng là đại biểu Quốc hội khóa I…". Miệng nói, chân tôi dợm đứng lên, cốt làm sao rút được ra nhanh khỏi gian phòng họp. Bất chợt tôi nhìn thấy trong sổ Kỷ yếu có mục: Những đại biểu Quốc hội đào nhiệm. Tôi hồi hộp nói: "Thử tra cứu mục này xem có tên ông Tứ không?"
Ngón tay trỏ tôi lần dọc theo các hàng tên… "Đoàn Phú Tứ đây rồi!" - Tôi nói gần như reo. Vụ trưởng Chính sách xem xét lại lần nữa, rồi gật đầu: "Qua khâu kiểm tra, ông Đoàn Phú Tứ đúng là có danh sách trong đại biểu Quốc hội. Nhưng ông đã đào nhiệm từ năm 1951. Chúng tôi không còn trách nhiệm gì về ông, nên không có chính sách cấp tiền làm tang lễ cho ông…"
- Chính sách đất nước quý trọng nhân tài - Tôi nóng nảy ngắt lời ông. - Tuy ông đào nhiệm, nhưng trước đó ông là nhà thơ đầu tiên đứng lên chống tệ tham nhũng. Và ông đã chống một cách thật can đảm. Ông đã vạch mặt Trần Dụ Châu, đại tá Cục trưởng Cục quân nhu phè phỡn trên xương máu chiến sĩ. Trần Dụ Châu đã bị xử bắn như chúng ta đã biết…
Cảm thấy chừng ấy lý lẽ cũng chưa đủ thuyết phục họ, tôi liền vận dụng đến thơ. Tôi nói: "Một nhà thơ cộng sản người Đức tên là Bectôn Brếch, từng viết những câu thơ đầy sức giáo huấn:
Mộ~ người đấu tranh một giờ là một người tốt. Một người đấu tranh nhiều ngày là một người tốt hơn
Một người đấu tranh nhiều năm là một người tốt hơn nữa
Một người đấu tranh suốt đời thì rất hiếm…
Thật ra đoạn thơ này còn có câu cuối cùng:
"Những người đó mới thật cần thiết cho chúng ta", nhưng tôi đã cắt bỏ câu này để cho việc trích dẫn thơ có lợi cho mục đích của tôi. Tôi nói tiếp: "Như vậy nhà thơ Đoàn Phú Tứ là "một người tốt hơn nữa", vì ông đã đấu tranh nhiều năm".
- Thơ hay quá! Mọi người trầm trồ, đề nghị anh đọc lại cho chúng tôi chép.
Tất cả cùng mở sổ tay, rút bút bi. Tôi đọc chậm rãi từng câu theo kiểu thầy giáo đọc chính tả cho học sinh… Vụ trưởng Tài vụ hỏi:
- Đồng chí nhà thơ cộng sản này là Đông Đức hay Tây Đức?
- Cộng hòa dân chủ Đức, người đã sáng lập ra Đoàn kịch nói quốc gia Béc-lanh.
Tôi không ngờ thơ lại có sức mạnh thuyết phục đến như thế. Vụ trưởng Vụ Chính sách hăng hái nói:
- Đúng, chúng ta cần phải gửi tiền đến để góp phần tổ chức tang lễ cho nhà thơ, mặc dầu chưa có chính sách về những trường hợp như thế này. Chúng ta cần phải linh động chính sách.
Vụ trưởng Tài vụ có vẻ nghĩ ngợi lung lắm, ông nói: "Nhưng ký duyệt những khoản tiền đột xuất như thế này thì phải đồng chí Lê Quang Đạo, hoặc đồng chí Vũ Mão… Mà bây giờ cả hai đồng chí đều đi vắng…".
Anh Thọ nói: "Nếu chưa kịp gửi tiền thì chúng ta có thể gửi một vòng hoa đến viếng". Vụ trưởng Tài vụ gật đầu: "Việc mua vòng hoa thì quyền hạn tôi có thể giảỉ quyết được". Nhìn lên đồng hồ đã 11 giờ, ông đứng lên: "Các đồng chí cứ ngồi đây nói chuyện. Tôi cho người đi đặt vòng hoa thì mới kịp".
Vụ trưởng Chính sách băn khoăn: "Không biết nên đề lên vòng hoa như thế nào… Vì ông Tứ không còn là đại biểu Quốc hội nữa…". Tôi nói: "Theo tôi có thể đề: "Kính viếng hương hồn nhà thơ Đoàn Phú Tứ - Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Quốc hội gửi vòng hoa viếng một nhà thơ nổi tiếng, việc này vừa hợp với đạo lý vừa có ảnh hưởng chính trị tốt không những chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài". Mọi người đều tán thành cách giải quyết của tôi. Anh Thọ gọi điện cho họa sĩ phụ trách "mi" của báo "Người đại biểu nhân dân", để yêu cầu tạm xếp công việc "mi", viết ngay một "băng-rôn" vải đỏ chữ vàng với nội dung trên.
Vụ trưởng chính sách hỏi tôi địa chỉ cua nhà thơ. Tôi nói: "Nhà ông ở bãi An Dương, hơi khó tìm. Tôi sẽ làm người dẫn đường. Đúng 1g30 tôi sẽ có mặt ở đây để cùng di với các đồng chí".
Đồng hồ chỉ 12 giờ. Tôi thấy mệt lả và đói mềm người. Nhưng tôi tính toán: nếu trở về nhà ăn cơm rồi đạp xe đến thì không kịp mất. Tôi quyết định ở lại đây buổi trưa. Tôi ghé vào phòng thường trực ngồi chơi với người chỉến hữu cũ của sư đoàn, hút thuốc lào và ôn lại những kỷ niệm chiến trường để dịu bớt cơn đói.
Đúng 1g30, chiếc Vonga đen choáng lộn mang biển số Văn phòng Quốc hội, chở một vòng hoa lớn, vắt chéo tấm băng-rôn đỏ nổi bật dòng chữ nhũ vàng do một họa sĩ trang trí viết: "Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước - Kính viếng hương hồn nhà thơ nổi tiếng Đoàn Phú Tứ" chạy về phía bãi An Dương.
(…) Nhiều năm tháng đã trôi qua. Mộ nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã được các con cải táng… Nhưng lòng tôi sao vẫn ray rứt mãi không yên. Trong sự việc này, tôi đã phạm hai lần nói dối. Càng luống tuổi, càng sống, càng chiêm nghiệm tôi càng không tin rằng "mục đích có thể biện hộ cho phương tiện". Trên khắp thế gian, người ta đã phạm biết bao nhiêu tội ác chỉ vì cái lập luận đáng sợ này. Những lỗi lầm mà tôi đã phạm phải trong công chuyện nhà thơ Đoàn Phú Tứ, có nguồn gốc sâu xa của nó. Năm tôi mười tám tuổi, là lính trinh sát của Trung đoàn 101. Tôi được cử vào đội bảo vệ một đoàn văn nghệ sĩ từ vùng tự do Liên khu 4, vào Thừa Thiên đi thực tế chiến trường. Trong đoàn này có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Thanh Tịnh, Phạm Duy, Bửu Tiến…
Đội bảo vệ chúng tôi có 8 người, vừa làm công tác bảo vệ, vừa dẫn chương trình, trinh sát. Trước khi lên đường nhận công tác, Chính uỷ Trung đoàn Trần Quý Hai đến gặp chúng tôi, chỉ thị: "Nhân tài là vốn quý của đất nước. Một đất nước không có nhân tài thì đất nước đó sẽ lụn bại. Bởi vậy các đồng chí phải bảo vệ văn nghệ sĩ như bảo vệ con ngươi giũa mắt mình". Chúng tôi đã thi hành chỉ thị của Chính uỷ hết sức nghiêm chỉnh. Ngày đó chiến trường Thừa Thiên bom đạn đầy trời, giặc càn quét ìiên miên. Suốt hai tháng, đạn giặc không đụng đến được cái lông chân đoàn văn nghệ sĩ. Đội bảo vệ chúng tôi hy sinh mất hết hai chiến sĩ, còn tôi bị thương ở cẳng chân, suýt bị cưa phía trên đầu gối.
Do được ở gần đoàn văn nghệ sĩ, cánh lính bảo vệ chúng tôi cũng tập tọng bắt chước các anh, làm thơ. Tôi cũng có làm được vài câu nôm na như sau:
"Nếu các anh bị bốn bề vây súng giặc - Chúng tôi sẽ xông ra lấy ngực che đạn cho các anh…".
Do đó về sau này, mỗi lần nhìn thấy các anh văn nghệ sĩ có tên tuổi, có tài năng phải sống khổ cực như nhà thơ Đoàn Phú Tứ, tôi lại chợt nhớ đến lời dạy của Chính uỷ năm nào… Khốn nỗi, bây giờ muốn che chở, bảo vệ nhân tài, không còn cần đến ngực, đến máu (thứ chúng tôi có sẵn) như ngày ở chiến trường. Mà cần tiền - thứ chúng tôi hoàn toàn không có - Bởi vậy, tôi phải sứ dụng đòn liều mạng, mà trong thâm tâm tôi biết đó là một biện pháp rất tồi tệ, không thể nào tha thứ được. Tôi coi thiên hồi ức này là sự tạ tội trước hương hồn nhà thơ Đoàn Phú Tứ - vì nội dung điều nóỉ dối của tôi không phù hợp với tính cách con người ông; đồng thời đây cũng là lời tự thú với đồng chí Lê Quang Đạo mà tôi hết lòng kính trọng, với các anh ở cơ quan Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, và với độc giả!
Tôi trông chờ vào sự phán xét dù nghiêm khắc đến đâu. Tôi hy vọng có như vậy tôi mới được cứu rỗi.
Hồ Tây - 1993
hết: 8. Chút nghĩa cũ càng, xem tiếp: 9. Hằng Nga thức dậy

Scan & Hiệu đính: Nguyễn Học


===


Phùng Quán

Ba Phút Sự Thật

9. Hằng Nga thức dậy


Phùng Cung (1) xuất thân là người viết văn xuôi, sở trường truyện ngắn. Anh viết truyện ngắn từ hồi còn ở chiến khu Việt Bắc.
(…) Anh còn một tập truyện ngắn, đâu như tám truyện thì phải, cũng một dòng "ngựa, voi", chưa kịp ra mắt bạn đọc thì đã bị cái khách quan khắc nghiệt "bảo lưu" cùng với tài năng của tác giả.
Truyện nào viết xong anh cũng đưa tôi đọc. Truyện nào cũng làm tôi say mê vì vẻ đẹp của ngôn từ. Cái kho ngôn từ dân dã của anh dường như vô tận. So với tất cả văn xuôi của tôi đã in ra, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài viết tiếng Việt. Sau mười hai năm cách ly đời thường, Phùng Cung như xa lạ với môi trường văn nghệ. Được trả tự do. Việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ "Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán". Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề đập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, rỉ sắt, mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn…
Tôi thường đạp xe từ Nghi Tàm lên phố Mai Hắc Đế thăm anh, khi mang cho con diếc, con trôi vừa câu trộm được, khi mang bó rau muống cấy ở vệ hồ. Trong khi đó, thật bất ngờ, anh sáng tác thơ. Đọc thơ anh, có bài chỉ vài ba câu, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp xao xuyến tận đáy lòng - những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn mà không thấy. Mới đây, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trích quỹ sáng tác của Hội làm món quà tặng sáu hội viên (trong đó có tôi) đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong 30 năm qua. Hội in cho mỗi người một tập thơ bao cấp, tác giả tự chọn những bài thơ vừa ý trong thơ mình, dày từ hai trăm trang trở lại. Năm anh bạn đang dựng bản thảo. Tôi cả đời chưa bao giờ được in riêng một tập thơ càng hăm hở chuẩn bị.
Và bản thảo đã chuẩn bị xong, chỉ còn mang đến nộp. Trước khi nộp tôi đem đến anh Cung để tranh thủ một vài nhận xét. Nhân dịp này tôi đã dại dột đọc lại tập thơ tích lũy của anh. Đọc xong, lòng hăm hở của tôi chùng lại. Tôi không còn muốn in thơ nữa. Tôi tự nhủ: in làm gì khi chưa có cặp mắt biết nhìn như Phùng Cung?
Thoảng mùi ruộng ải
Thóc giống cựa mình
Nắng vắt ngọn tre đuôi én
Đủng đỉnh điệu cu cườm
Lay nhịp gió may.
(Mùa gieo mạ)
Dưới mắt anh, cảnh vật hiện ra sinh động đến thế! Ngòi bút của tôi đâu còn dám đua chen.
Thấy tôi chán nản, anh Cung động viên khéo:
"Thời cơ chế thị trường, dư luận khách hàng mới là khuôn vàng thước ngọc. Hãy cứ cho ra rồi lắng nghe dư luận".
Trái với tình thế của tôi có điều kiện in rồi mà còn đắn đo, tình thế của anh Cung lại là muốn in mà không có điều kiện. Anh dí dỏm gọi mỉa mai tập bản thảo thơ anh là "Hằng Nga ngủ trong rừng".
Như mọi người đã thấy, ngày nay ở nước ta xuất bản thơ là việc khó khăn lắm. Bạn muốn in thơ?
Xin mời! Cứ việc bỏ tiền ra mà in. Nhà xuất bản chỉ có thể tham gia bằng cách chịu một phần trách nhiệm về nội dung và đứng ra xin giấy phép xuất bản, với điều kiện bạn trả tiền lệ phí. Một nhà thơ nghèo như Phùng Cung, năm nay đã sáu mươi nhăm tuổi có lẽ đến lúc "chọn đất sạch dọn mình vào vĩnh viễn" cũng không hy vọng thơ mình được người đọc thưởng thức qua những dòng chữ in. Hằng tháng chỉ với mâm cơm gia đình "bốn mùa rong ruổi chốn rau dưa" cộng thêm vài chục nghìn tiền điện, dăm nghìn tiền nước, chị Thoa vợ anh cũng đã phải tất tả chạy "giật nóng" quanh bà con lối xóm. Thơ anh đành nằm chờ…
Nhưng tôi quyết tâm in bằng được thơ anh. Tôi sẽ đi khắp Trung, Nam, Bắc đọc rong thơ của anh và quyên góp tiền. Tôi ước tính muốn có đủ tiền để in hai trăm bài thơ ngắn, tôi sẽ phải đọc thơ và quyên tiền đến một năm, trong khi đó bao nhiêu chuyện có thể xảy ra làm cho công việc thêm phức tạp.
Quá trình phấn đấu hẳn phải chia thành nhiều đợt đi đi về về. Nhưng tôi đã gặp một chuyện bất ngờ. Một hôm trong bữa cơm gia đình có anh Nguyễn Hữu Đang dự, tôi nói:
- Em sắp đi xa, vắng nhà chừng khoảng một năm. Anh nhớ luôn luôn đến nhà em ăn cơm với vợ con em cho vui.
- Chú có công chuyện gì mà phải đi xa nhà lâu thế?
- Em đi dọc thơ rong, quyên góp tiền để in cho anh Phùng Cung tập thơ. Cả một đời gian khổ vì cái nghiệp bút mực, anh ấy chỉ có một ước vọng được in một tập thơ để tặng bạn hữu và góp mặt với đời trước khi vĩnh biệt chúng ta.
- Tôi gặp chú Cung luôn, sao không thấy chú ấy nói chuyện này với tôi?
- Anh Cung không nói, em cho là anh ấy nghĩ có nói anh cũng không giúp được gì, chỉ làm anh thêm bận tâm.
- Tập thơ chú Cung đâu, chú đưa tôi xem.
Anh Đang chăm chú đọc hết tập thơ. Anh khẽ gật đầu có mái tóc ngắn quen thuộc nói:
- Tôi không ngờ thơ chú Cung khá thế. Theo tôi còn khá hơn văn xuôi chú ấy. Bây giờ thế này chú Quán nhé: chú không phải đi đâu hết. Tôi sẽ cho chú Cung tiền để in tập thơ.
Tôi trợn tròn mắt:
- Thơ không rẻ như bèo đâu anh ơi? In một tập thơ vài trăm trang với hình thức chỉ xoàng xoàng thôi, anh có biết phải mất bao nhiêu tiền không? Từ hai trỉệu đến hai triệu rưỡi đấy!
Tôi tưởng anh tái mặt tưng hửng trước số tiền mà tôi thông báo. Anh vẫn bình tĩnh lật lật những trang thơ, đọc lại một vài bài vừa rồi chưa đọc kỹ, rồi chậm rãi nói:
- Tôi sẽ cho chú Cung đủ tiền để in dù có tốn như chú vừa nói.
Không để tôi hỏi anh lấy đâu ra tiền, anh giải thích luôn:
- Tôi cho chú ấy dùng tất cả số tiền tôi dè sẻn từng đồng dành dụm được trong hai mươi năm qua, nhất là từ bốn năm trở lại đây tôi có lương hưu, lại được những anh chị em cùng hoạt động hồi Mặt trận Dân chủ, Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Văn hóa cứu quốc, các đội Tuyên truyền xung phong chống Pháp, ngành Bình dân học vụ cùng những bạn bè xa gần, biết tôỉ còn sống và nghèo khổ, kẻ ít người nhiều họ gửi tiền đến giúp đỡ. Ngoài những khoản chi tiêu cần thiết hằng tháng, còn lại bao nhiêu tôi gửi tất cả vào quỹ tiết kiệm ngân hàng, phòng xa phải dựng túp lều khi không còn ai cho ở nhờ, phòng xa lúc ốm nặng kéo dài, phòng xa cả lúc chết nữa. Nhờ vậy mà số tiền tiết kiệm của tôi cho đến hôm nay đã lên đến hơn bốn triệu đồng. Sổ tiết kiệm đây…
Anh móc túi áo bộ đội cũ mặc bên trong, lấy ra cuốn sổ bọc trong ba lần giấy nhựa bóng, chằng ngang, dọc bốn dây cao su. Anh đặt sổ trước mặt tôi và bảo:
- Chú giữ lấy. Tôi sẽ làm giấy uỷ quyền cho chú rút tiền ra sử dụng. Nếu số tiền này chưa đủ, tôi sẽ về quê đòi vài tạ thóc cho vay, bán đi rồi gửi thêm tiền cho chú. Tôi yêu cầu tập thơ phải in thật đẹp, mà đẹp giản dị, chứ không rườm rà, lòe loẹt như nhiều tập thơ đang bày bán.
Không hiểu sao nghe anh nói tim tôi hồi hộp và cổ tôi như nghẹn ngào. Tôi được quen biết anh đã gần bốn mươi năm nhưng cho mãi tới hôm ấy tôi mới thật hiểu anh là người như thế nào. Nguyễn Hữu Đang là người nếu chi dùng cho bản thân thì một trăm đồng ba quả khế chua để gội đầu (thay chanh mà anh vẫn sợ đắt) cũng tiếc tiền, bất đắc dĩ mới phải mua, nhưng đã là việc nghĩa hiệp thì sẵn sàng san sẻ đến đồng tiền cuối cùng.
Thế đấy. Nếu bản thảo thơ Phùng Cung là "Hằng Nga ngủ trong rừng" thì tấm lòng trợ giúp vô tư của Nguyễn Hữu Đang chính là "Hoàng Tử đẹp trai" đến đánh thức.
Và tập "Xem đêm" sẽ ra đời.
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1994
hết: 9. Hằng Nga thức dậy, xem tiếp: 10. Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội

Scan& Hiệu đính: Nguyễn Học


===

No comments: