===
Bùi Ngọc Tấn
Một thời để mất
6.
Chưa bao giờ tôi thấy Nguyên Hồng khóc nhiều như lần ấy. Anh không muốn thế nhưng không giữ được. Tôi nhìn anh, bối rối vì những giọt nước mắt lớn lao của anh. Tôi biết anh là người dễ xúc động, nhiều khi khóc chỉ vì những chuyện bình thường, nhưng lần này tôi hiểu những giọt nước mắt của anh.
Vậy là lại được gặp nhau. “Ba lần ngập trong nước sôi. Ba lần chìm trong nước giặt. Ta trong sạch hơn những người trong sạch” (trường ca Nga: Khúc ca về cuộc hành trình I-go). Nguyên Hồng đã vào tù. Nguyên Hồng đã đi an trí. Anh hiểu tôi đã chịu đựng những gì.
Cho đến khi anh ngồi vào ghế, tôi đã pha trà mời anh, anh vẫn chưa nói được một tiếng nào. Anh ngồi im lặng, mắt rỗng không. Rồi anh rút mùi soa, cái khăn mùi soa bẩn thỉu, nhàu trong túi áo nâu ra thấm nước mắt, hỏi tôi với giọng trầm khẽ như hỏi một người vừa qua cơn hấp hối:
- Tấn khoẻ không?
- Khoẻ anh ạ. Nhớ anh quá.
Nguyên Hồng uống chén trà và dần dần bình tĩnh trở lại.
Nhưng câu chuyện giữa chúng tôi không còn như xưa nữa. Chúng tôi đều hiểu ngay rằng đã có một cái gì đó ngăn cách chúng tôi. Điều chính yếu, không nói được cùng nhau. Với anh là chuyện sáng tác. Với tôi là chuyện tù đầy. Tình bạn vong niên giữa chúng tôi không còn như trước. Và vì cả hai cùng muốn trung thực nên trong câu chuyện thường có những lúc im lặng nặng nề.
Bởi vậy sau này Nguyên Hồng ít lại nhà tôi. Biết tôi buồn, nhưng Nguyên Hồng không động viên tôi. Anh cho là vô ích hay hiểu tôi không cần đến sự động viên. Anh chỉ nói chuyện vui. Anh hớn hở khoe với tôi là đã được đích thân Thủ tướng phạm Văn Đồng giải quyết gạo sổ cho gia đình anh, niềm ao ước lớn thứ hai của anh sau sáng tác. Anh nói về một ngày tết anh trực ở cơ quan Hội nhà văn. Chiều, anh đạp xe từ Hà Nội về yên Thế. Tới lúc mệt, anh dừng lại nghỉ. Nhưng phía tay phải đường không có cây để dựng Cún. Anh quành sang bên trái dựa
Cún vào một gốc cây và thuận tay anh quành đầu Cún trở về phía Hà Nội. Anh nằm xuống thảm cỏ vệ đường, ngay cạnh Cún ở pooc-ba-ga có chằng buộc một cái làn ràng ràng nhét đầy chai lọ.
Anh ngủ lúc nào.
Anh ngủ ngon lành say sưa, mặc cho người, xe đạp, ô tô ngược xuôi sát cạnh.
Khi choàng mắt dậy dã thấy chiều tà. Anh lên xe hối hả đạp. Đạp vội vã, rút ngắn khoảng cách, bù lại thời gian ngủ. Anh sợ tối dọc đường, không có mặt ở nhà như đã hẹn. Anh cắm cúi đạp và... bỗng thấy cầu Long Biên lên đèn trước mặt! Anh chợt hiểu rằng trong lúc cuống cuồng vội vã mình cứ thẳng phía đầu xe, đạp ngược về Hà Nội.
Thế là lại phải quay đầu Cún trở lại, miệt mài cùng Cún mãi nửa đêm mới tới Cầu Đen...
Chưa bao giờ anh hỏi tôi do những nguyên nhân gì tôi bị vào tù cũng như chưa bao giờ anh hỏi tôi những chuyện ở trong tù. Anh không quan tâm đến những người dưới đáy nữa hay sao? Anh lảng tránh nó, điều trước đây anh rất quan tâm. Nó đã làm nên sự nghiệp của anh. Nó làm anh nổi tiếng khi anh mới mười sáu tuổi và trở thành bất tử. Nó làm nên vẻ riêng biệt của anh, không một nhà văn nào có được.
Hãy nghe Nguyên Hồng nói vì sao anh viết Bỉ vỏ:
Năm ấy tôi mười sáu tuổi, hết hạn tù, được tha... Bao nhiêu ngày tháng bị câu thúc thân thể và phải làm những việc bẩn thỉu nặng nhọc quá sức mình, tôi tưởng khi thoát khỏi cảnh tù tội đầy ải ấy thì sẽ sống no ấm... ngờ đâu! Vì thế xác thịt tôi dần dần suy nhược ôm cái ngực thỉnh thoảng đau chói lên, tôi cảm thấy đời tôi đã bị rút ngắn di và một ngày rất gần kia sẽ hết... Chết! Mỗi lần cái chữ đen tối khủng bố ấy hiện ra, sao mà tôi thấy chung quanh tôi, sự vật gì cũng sáng sủa tươi đẹp thế. Hết thảy đều kêu gọi lòng ham sống của tôi.
(...) Những lúc lo sợ, đau đớn quá, trong tâm trí người ta hay nẩy ra những ý muốn khác thường. Tôi, tôi muốn có một cái gì để mãi mãi an ủi mẹ tôi và để tỏ lòng tôi mến tiếc và thương nhớ những người và vật đã làm tôi vui thích đến say mê. Nghĩa là tôi phải để lại một cái gì tinh khiết nhất của hồn và xác tôi cho cõi đời mà tôi yêu mến.
Cái gì tinh khiết nhất của hồn và xác Nguyên Hồng là tập tiểu thuyết Bỉ vỏ, là sự hiểu biết cặn kẽ, sự thông cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của con người, khẳng định những phẩm chất của họ cho dù có bị đầy đoạ vào giữa bùn lầy rác rưởi. (Theo Tổng tập văn học Việt Nam)
Chỉ có một lần, một lần duy nhất, anh nói gần tới chuyện đó của tôi.
Năm ấy đứa con trai lớn của chúng tôi thi vào đại học. Biết thân biết phận, thương bố thương mẹ, cháu làm mọi việc để san sẻ một phần gánh nặng của bố mẹ. Cháu kéo xe ba gác. Quấn thuốc lá tới khuya. Làm bốc vác. Cháu có ít thời gian học bài. Nhưng cháu vẫn đạt điểm cao nhất trong kỳ thi vào trường Đại học đường thuỷ: 21,5 điểm. 13 điểm được vào trường. 18 điểm được đi học nước ngoài. Vậy mà việc học trong nước cũng rất khó khăn, mặc dù ông Trần Đông, giám đốc sở Công an Hải Phòng đã nói cùng tôi khi tôi đi tù về: “Con anh sẽ được vào đại học”. Chạy vạy mãi cháu cũng được vào trường nhưng muộn mất một tháng. Thật vô cùng may mắn. Chúng tôi đâu dám mơ tưởng đến chuyện cháu đi học nước ngoài. Dù đã xác định như vậy sao trong lòng vẫn thấy đau. Bởi vì có một đứa con đi học nước ngoài thì không phải nuôi nó suốt năm năm, nó lại còn là chỗ dựa cho gia đình về kinh tế. Hơn nữa, đây còn là lẽ công bằng, là thực hiện đúng chính sách của Đảng.
Một buổi trưa tôi và Nguyên Hồng, Nguyên Bình đang ngồi chờ vợ tôi làm cơm ăn thì tiếng loa Ngã Sáu vọng vào báo tin Trung Quốc vừa bắt bè lũ bốn tên: Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều.
Chúng tôi ngừng chuyện, lắng nghe.
Thói hài hước vẫn chưa chết hẳn trong tôi. Tôi nói:
- Thế là từ nay con Giang Thanh không được đi học nước ngoài nữa rồi.
Nguyên Hồng trách tôi:
- Cứ cái kiểu nói như thế.
Nguyên Bình ngơ ngác
- Ừ nhỉ? Con Giang Thanh mà không được đi học nước ngoài thì gay thật...
* * *
Nguyên Bình nhận xét rằng: Sau khi tôi bị bắt, Nguyên Hồng đối với Nguyên Bình khác trước. Thân hơn. Quý hơn. Nhiệt tình hơn. Nguyên Bình nghĩ cái phần hơn ấy là phần Nguyên Hồng dành cho tôi.
Khi Nguyên Hồng đi Tiệp Khắc về, Nguyên Bình gặp anh tại căn buồng chuồng chim của anh trên gác Hội nhà văn.
Đang lúi húi với cái bếp điện anh reo lên:
- Bình đấy hở? Mới lên đấy hở? Ở đây ăn cơm. Có hai chúng mình thôi. Chờ tý! Chờ tý? Đi mua thêm quả cà chua rồi về ngay đây?
Nguyên Hồng xuống thang, tất tưởi ra phố.
Nguyên Bình kể:
- Trên bàn có chai rượu chanh, lại một chai rượu cam cụ bảo mua ở Bằng Tường. Chai nào cũng uống dở. Ở ghế tựa ngồi viết treo một chai rượu bèn bẹt đút trong vỏ da rất đẹp có dùi lỗ và luồn dây như kiểu dây giầy. Chai rượu nhỏ nhưng nắp xoáy lại rất to cao, như một cái ly. Biết là loại rượu đặc biệt cụ vừa mang từ Tiệp về, cụ không mời mình loại rượu này đâu vì cụ vẫn tự cho phép mình uống rượu ngon mà không mời người cụ cho là không biết thưởng thức, tao mở nắp rót gần đầy một nắp. Quặn ruột. Cay cả mắt. Nước mắt tao giàn ra. Tao vội vặn nắp treo trả chai rượu vào ghế và đi ra cầu thang đón cụ, để có đủ bằng chứng là mình... ngoại phạm.
Chúng tôi cùng cười vì tiếng ngoại phạm Bình hồn nhiên thốt ra. Bình đứng chờ và thấy Nguyên Hồng bước vào sân, hai tay hai nắm hành và cà chua. Nguyên Hồng lấy khuỷu tay huých huých mở vòi nước dưới sân Hội nhà văn, cho xối vào món la ghim cầm tay rồi cùng Bình lên gác. Tới nơi anh liếc nhìn chai rượu quý. Hẳn là nghĩ đến sự mất cảnh giác không thể tha thứ được của mình trong suốt lúc đi chợ.
Cũng chỉ một cái nhìn ấy thôi. Suốt buổi trưa tiếp Bình, anh không nhìn nó một lần nào nữa, anh làm như không có nó, làm như nó là một cái chổi, hay cái khăn lau, không có gì đáng giá, không có gì phải quan tâm. Tay ướt đẫm, Nguyên Hồng thái hành, thái cà chua bằng con dao i nốc sáng loáng mới mua.
- Xong rồi đây. Xong rồi đây.
Bày hành vào một đĩa, cà chua vào một đĩa. Nhìn. Ngắm. Vẻ hài lòng. Rồi mở va li. Lục. Lấy ra cái bánh mì gối:
- Bánh mì Tiệp. Mang từ Tiệp về. Ngon lắm. Ngon lắm!
Mở hộp ba tê. Lấy chai rượu trên bàn rót ra chén. Uống. Ăn. Và kể chuyện. Chuyện chuyến đi Tiệp Khắc vừa xong. Tất nhiên thích thú nhất vẫn là chuyện rượu. Sang Tiệp Khắc, Nguyên Hồng về thăm một xí nghiệp vùng Bô-hêm, chuyên sản xuất pha lê mỹ nghệ. Người ta giới thiệu với anh dây chuyền sản xuất pha lê nổi tiếng thế giới và mời anh thăm phòng truyền thống, trong đó lưu giữ những mặt hàng cực kỳ quý giá: chao đèn cho nhà vua Phổ, bình hoa của nữ hoàng Anh... Tất cả những điều ấy đều thú vị nhưng không bằng chuyện anh được kết nạp vào hội nghiện rượu, trở thành hội viên hội nghiện rượu của xí nghiệp. Mà lại là một hội viên quốc tế xứng đáng, nòng cốt chứ không phải loại chiếu cố như một vài hội viên khác.
Bữa ấy đến xí nghiệp có Nguyên Hồng và một vị khách châu Âu. Sau khi thử tài rượu trong buổi chiêu đãi, lễ kết nạp hội viên được tổ chức. Chủ khách đứng quanh một cái bàn dài và hẹp. Chủ tịch hội đọc diễn văn, nói lịch sử và quá trình phát triển của hội, công bố danh sách hội viên quốc tế với những tổng thống, thủ tướng, hoàng tử của nhiều nước và giới thiệu hai vị cảm tình hội đang được thử thách lần cuối cùng trước khi chính thức kết nạp.
Vỗ tay ran. Rượu được bưng ra. Mỗi người phải cạn một hơi một cốc to rượu mạnh. Tất cả uống và nhìn cả vào hai người sắp trở thành hội viên, một người châu Âu, một người châu Á. Cả hai đều vững. Đều cạn và dốc ngược cốc. Không còn một giọt. Lại vỗ tay. Rượu cháy cổ. Có lẽ phải 50 độ. Đã thấy rần rật cả người. Hai chai rượu khác và một hộp vuông vắn được mang đến. Mọi người lùi ra. Đứng gần bàn chỉ có Nguyên Hồng và người khách châu Âu đang bước vào cuộc sát hạch cuối cùng.
Để dễ hình dung, cái hộp vuông đó giống như chiếc máy quay đĩa ngày xưa. Nó có mô tơ làm quay một đĩa tròn bọc nỉ, trên đặt sáu ly có chân. Người được sát hạch phải mở chai rượu mới, rót đầy sáu cái ly đó, không được làm vãi một giọt trong khi đĩa, cốc vẫn quay và đầu óc chân tay mình lảo đảo. Vị khách châu Âu cố đứng vững, tay run run làm rớt rượu xuống đĩa. Đến lượt Nguyên Hồng. Rượu đã ngấm. Hơi chếnh choáng. Anh mở chai rượu mới. Thơm lừng. Muốn nếm một ngụm quá. Anh rót. Đĩa quay. Cốc chạy khỏi tay anh. Anh đưa chai theo cốc. Một cốc. Rồi hai cốc. Ba cốc. Cả sáu cốc đều đầy. Không rớt ra ngoài một giọt.
Như chỉ đợi điều kỳ diệu ấy, một tràng vỗ tay bật lên. Ông chủ tịch đọc bài diễn văn kết nạp hội viên đã chuẩn bị sẵn. Ông ca ngợi sự thần kỳ của rượu kể cả về mặt triết học. Rượu là điều dễ hiểu nhất về sự thống nhất giữa các mặt đối lập, vừa là nước vừa là lửa, vừa là niềm vui lại vừa là nỗi buồn, một người bạn bao giờ cũng đến đúng lúc, dù mình cô đơn hay đang xum họp đông vui... Ông ca ngợi tửu lượng của hai vị khách, và long trọng tuyên bố: Kể từ nay các vị là những hội viên quốc tế hội nghiện rượu của xí nghiệp chúng tôi. Các vị có thể đến đây uống rượu bất kỳ lúc nào mà không phải trả tiền... Cả hai đã được kết nạp. Vị khách châu Âu được chiếu cố. Còn Nguyên Hồng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, hoàn toàn xứng đáng. Là hội viên quốc tế, Nguyên Hồng có thể đến xí nghiệp uống rượu không mất tiền, nhưng anh không có dịp trở lại Bô-hêm nữa.
Câu chuyện được kết nạp vào hội nghiện rượu ở Tiệp Khắc này khi về Hải Phòng, Nguyên Hồng cũng có kể tặng tôi. Ngoài ra anh còn có quà cho con tôi, đứa con đầu khi đó đã học đại học.
- Đây, thước của cháu Hiến đây.
Anh xếp ra những chiếc thước vẽ kỹ thuật bằng nhựa nhiều kiểu cong lượn và thủng ở giữa.
- Đúng chưa nào?
Chả là trước khi đi Tiệp, anh lại nhà tôi hỏi xem có cần mua gì ở bên ấy không? Chúng tôi trả lời là không và chỉ chúc anh đi mạnh khoẻ, khi về có nhiều chuyện vui. Riêng cháu Hiến quá cần đến thước vẽ kỹ thuật mà bên ta không có bán. Mặc cho chúng tôi mắng cháu “Đừng làm phiền bác” cháu vẫn nhờ anh mua và cố giảng cho anh về những chiếc thước khác thường dùng trong môn học. Nhìn những thước trên bàn, khuôn mặt cháu sáng lên.
- Cháu xin bác. Đúng rồi ạ. Đấy, cháu đã bảo bác mà, cứ nói thước vẽ kỹ thuật là họ biết.
- Thì bác cứ tưởng thước là phải thẳng. Ai biết đâu lại có thước ngoằn ngoèo thế này. Các cụ nhà mình đã nói thẳng mực thước mà lại.
Và quà cho tôi, một cái sơ mi phin trắng tàu tàu. Tôi giơ áo lên: Cổ áo có ghi số và chữ BTC. Áo anh được mượn để mặc sang thăm Tiệp Khắc.
- Sao anh yểm được cái áo này. Tưởng anh phải trả Bộ Tài Chính chứ?
Tôi quen mồm dùng chữ “yểm”. Trong tù có nghĩa là giấu. Thứ ngôn ngữ ấy chẳng xa lạ với Nguyên Hồng.
- Mình khai là rách, là mất. Thiếu gì cách.
Anh vốn không biết nói dối. Anh đã nói dối vì tôi. Anh nói dối vì không biết buôn mà lại muốn cho tôi cái áo cũ. Tôi đang thiếu áo. Chiếc áo ấy tôi mặc đi làm. Làm hợp tác xã cơ khí. Làm miến. Kéo xe bò. Bốc vác phân đạm ở Cảng.
* * *
Tôi đã sống cuộc sống vỉa hè đường phố bụi bặm mồ hôi vất vả khó khăn cơ cực. Từ trước tới nay tôi không được đào tạo để thích ứng với cuộc sống đó. Ngược lại tôi được dạy dỗ rằng cuộc sống vỉa hè là cuộc sống phải cải tạo vì đó là cá thể, là mảnh đất mầu mỡ hàng ngày hàng giờ nẩy sinh mầm mống của chủ nghĩa tư bản. Gặp việc gì làm việc ấy. Lên sân Bon-nan chỗ tôi và Nguyên Hồng đã ngồi xem trận đấu bóng An-giê-ri - Hải Phòng năm nào, phụ vá xe đạp cho một anh bạn. Đón hàng kéo xe bò. Dán hộp giấy gia công cho công ty vợ tôi Đục lỗ khay hấp mì cho xí nghiệp mì sợi Vĩnh Niệm. Phải làm sao tự nuôi được mình và góp phần với vợ nuôi bốn đứa con. Cái gánh nặng ấy nàng mang quá lâu rồi. Nhưng việc khi có khi không. Rất bấp bênh. Tôi nghĩ đến thầy giáo Thứ Sống mòn, đến Nguyên Hồng khi còn ở xóm Cấm, đến Thanh trong Sóng gầm kéo lê guốc mòn vẹt đi các nơi xin việc.
Tôi không thể đọc sách được từ dạo ấy. Tôi không tìm được trong sách những điều bổ ích. Sách đâu có nói đến khổ đau. Làm sao tôi có thể đọc được những tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài viết về tính hơn hẳn của hợp tác xã, ý thức làm chủ của xã viên, sự cùng đường của người làm cá thể, những truyện cải tiến kỹ thuật trong công nghiệp. Làm sao có thể đọc những truyện viết về trí thức, kỹ sư, phó tiến sĩ, với dăm thuật ngữ kỹ thuật kể chuyện nàng vì tập thể, vì ước mơ vì lý tưởng, còn chàng ngại khó ngại khổ, cá nhân chủ nghĩa, chỉ muốn về thành phố và sang Liên xô học thêm, cuối cùng tình yêu tan vỡ. Những truyện này đọc trang trước biết trang sau, đọc đầu biết giữa, đọc giữa biết cuối, những truyện lảng tránh những đau khổ, những suy nghĩ thực của nhân dân, những truyện quên mất thân phận con người. Hãy nhớ rằng những khổ đau vẫn còn đó.
Gần hai mươi năm sau tôi mới tập đọc trở lại. Nhờ có Nguyên Bình. Nguyên Bình đưa tờ báo Văn Nghệ cho tôi,
- Mày đọc truyện này đi. Khá lắm.
Nể Nguyên Bình, tôi đọc. Truyện ngắn ấy đã cuốn hút tôi. Đó là truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi lại đọc được từ ấy. Có lẽ tôi đọc lại được nhờ Nguyễn Huy Thiệp thì đúng hơn.
Trong tù, một người bạn tù già rất giỏi xem tướng số (nhưng rất ít khi xem cho người khác vì sợ bị kỷ luật về tội tuyên truyền mê tín dị đoan) một hôm lúc vắng người, kéo bàn tay tôi ra ngắm nghía. Sau khi khen bàn tay tôi đầy đặn, mềm - dù làm việc vất vả tay tôi vẫn mềm - người tù ấy nói:
- Sau này anh chuyển nghệ. Anh không làm nghề cũ nữa.
Tôi im lặng. Nhưng trong lòng không tin. Không bao giờ tôi bỏ sáng tác. Tôi đã sống vì nó. Và đã chết vì nó. Không ai có thể làm tôi rời bỏ việc sáng tác. Thế nhưng xuýt nữa tôi đã rời bỏ nó. Mang trong lòng nỗi oan ức, nỗi lo kiếm sống, làm lụng vất vả, lo lắng, thường xuyên bị kiểm tra hộ khẩu, bị gọi ra đồn khai lại lý lịch, hết bố lại tới con, được công an thăm viếng nhắc nhở, không ai cấm mình viết, nhưng mình có viết cũng không ai in..., tất cả chỉ là một mặt của sự chán nản. Còn mặt chán nản khác Nếu cho đến bây giờ vẫn viết như những sách đã in (kể cả những sách ít ỏi của tôi đã in hoặc còn dưới dạng bản thảo) thì viết làm gì nhỉ?
Một lần gặp Châu Diên, cũng là lâu lắm mới gặp nhau, Châu Diên giục tôi viết. Tôi nổi cáu lên với Châu Diên:
- Đất nước này cần sự thay đổi. Đất nước không cần đến những sáng tác như vậy. Mày xui tao viết làm gì, thằng gàn?
Và tôi đã nói với Lê Bầu, Nguyễn Vĩnh trong cuộc gặp gỡ ở nhà Lê Bầu:
- Nói thật nhé. Tôi ở dưới cơ sở, tôi biết. Người ta quan tâm đến những cái gì cơ! Người ta không đọc sách mấy ông viết đâu.
Nguyễn Vĩnh cùng ở báo Tiền Phong một thời với tôi. Anh chuyển sang báo Văn Nghệ phụ trách tổ dịch.
Nguyễn Vĩnh rất tán thành điều tôi nói:
- Đúng rồi. Mấy ông nhà văn viết, mấy ông nhà văn đọc với nhau thôi. Rồi khen nhau: Chữ ông dùng đắt lắm. Có chữ nào đắt bằng quả trứng vịt lộn!
Trong những ngày mệt bã ra ấy, thỉnh thoảng tôi lên Hội Văn nghệ gặp Nguyên Bình. Anh đã dọn hẳn lên Hội ở. Anh em Hội Văn nghệ nhìn tôi thật lạ. Không ra nhìn thấy. Không ra không nhìn thấy. Không ra chào, không ra không. Chẳng là quen mà cũng không là lạ. Mọi người nhìn tôi như nhìn một người chết còn sống, một cái xác biết đi. Kể cả Nguyên Hồng. Cả Nguyên Bình nữa. Không phải chỉ các anh em văn nghệ. Tất cả những ai quen biết tôi đều nhìn tôi như một cái gì đã kết thúc rồi. Tôi hiểu: Tương lai tôi đã được định đoạt. Nó là thế đấy. Một hôm tôi và Nguyên Bình đang lúi húi sửa điện trong buồng. Nguyên Bình thì thấy đầu Nguyên Hồng ló vào. Vẫn đứng ngoài sân, Nguyên Hồng hỏi:
- Tấn với Nguyên Bình uống... uống rượu đấy à?
Chờ Nguyên Hồng đi, Nguyên Bình thì thào:
- Cụ lên cơn nghiền đấy. Tuốc nơ vít, kìm, giây điện thế này mà cụ lại nhìn ra cốc chén, chai lọ thì ghê thật.
Lại một buổi sáng, tôi và Nguyễn Văn Chuông đang đứng ở sân sau Hội Văn nghệ thì Nguyên Hồng dắt Cún vào, theo sau là một thanh niên. Nguyên Hồng dựng xe, tháo cái làn ràng ràng đặt xuống sân. Anh thanh niên ngồi xuống bên cạnh. Nguyên Hồng lấy từ trong làn ra một cái gì đó đưa cho anh thanh niên. Anh đứng lên, giũ mạnh. Một cái quần. Một cái quần xi-mi-li mầu nâu. (Chắc là giống cái quần cho Thi Hoàng). Nguyên Hồng cũng đứng lên, ngước nhìn cái quần, vẻ mặt căng thẳng chờ đợi lời phán xét. Bỗng anh thanh niên kêu:
- Ơ! Quần con gái hở bố?
Nguyên Hồng ớ ra, không nói được một lời.
Chuông kéo tay tôi, chuồn vội ra phía trước.
- Đi mau. Cụ bán quần. Mầu sắc, vải đúng cả rồi. Nhưng lại là quần con gái.
Hẳn là lúc ấy trông tôi phong trần lắm, nên Nguyễn Văn Chuông an ủi tôi:
- Con người ta có số hết anh ạ.
Ngày ấy Chuông đã tin ở số. Khi về hưu, Chuông càng nghiền ngẫm, càng tin tưởng. Trong bữa rượu với tôi ở Kênh Giang, Chuông an ủi tôi: Anh không lâm nạn là anh hỏng đấy. Dạo ấy anh viết nhiều nhưng anh sắp hỏng, thật đấy. Anh bị bắt có khi lại là may. Anh lại có một cuộc sống không ai có được.
Cùng ý của Chuông nhưng Phùng Quán nói khác. Phùng Quán tới nhà tôi cũng phải sau một phần tư thế kỷ.
Gặp nhau lần trước tóc còn xanh, còn đi đứng như một thanh niên, lần gặp nhau sau râu tóc bạc trắng, trông anh già hơn cả Nguyên Hồng.
Chúng tôi ôm lấy nhau như những người qua cơn hoạn nạn còn sống ôm lấy nhau.
Quán có trí nhớ tuyệt vời. Anh vẫn nhớ tên vợ tôi, vẫn nhớ số nhà vợ chồng tôi ở Hà Nội ngày trước. Chúng tôi nhắc lại bao nhiêu chuyện. Quán thú thật với tôi về phiên bản thu nhỏ bức tượng Vệ nữ ở Mi lô mà Lê Bầu từ Thượng Hải mò lên tận Vô Tích mua, gửi bằng đường bưu điện về báo Tiền Phong cho tôi năm 1956. Thích bức tượng quá, Quán mượn và không trả, nói dối tôi là nó vỡ mất rồi!
Tôi hỏi Quán có nhớ Quán dạy tiếng Pháp cho một sĩ quan cao cấp ở Hà Nội không? Với giọng Huế du dương, Quán cao giọng, bắt chước người học sinh già ngày xưa hỏi anh:
- Sao lại đọc là sec sê mà không đọc là sec sec?
Chả từ chercher tiếng Pháp (nghĩa là tìm) gồm hai nhóm chữ hoàn toàn giống nhau đã khiến học sinh chất vấn thầy về cách đọc.
Chúng tôi cả cười. Ôi! Những chuyện một thời xa lắc xa lơ. Một thời đẹp gần ngang thời thơ ấu?
Quán nói về những ngày hậu Nhân văn, anh đi lao động cải tạo tại công trường thuỷ lợi. Run rủi thế nào lại đúng vào đơn vị anh ruột tôi, anh Bùi Ngọc Chương (cùng sinh năm 1932 với Quán) làm thủ trưởng. Quán chỉ xin anh Chương tôi một tờ giấy khen, “với các anh nó cũng bình thường thôi, nhưng với tôi quan trọng lắm. Họ có thể rút ngắn thời gian lao động của tôi”. Anh lại cười. Cười đấy nhưng đôi mắt ông già Quán đượm buồn. Anh bảo tôi (và có lẽ cũng để nói với chính mình):
- Đừng buồn. Ông Giê-su phải tự mình vác cây thập tự tới chỗ hành hình. Không có cây thập tự, Đức Giê-su không còn là Đức Giê-su nữa. Mỗi người đều có cây thập tự của mình, phải tự mình vác nó. Tao có cây thập tự của tao. Mày có cây thập tự của mày. Không có nó, ông Giê- su không còn là ông Giê-su, tao không còn là tao, mà mày cũng chẳng phải là mày.
Nghe lời Phùng Quán, tôi mang cây thập tự của tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Đúng là trên đời này ai cũng phải mang một cây thập tự.
Nguyên Hồng cũng có cây thập tự mà anh mang vác nó cho đến lúc chết. Đó là sự đam mê viết - luôn bị ám ảnh bởi công việc, ngoài viết ra không còn thiết gì nữa như Nguyễn Tuân đã nói. Anh tự khoác cho mình những cái ách rồi gò lưng kéo, nhiều khi quá cả sức mình. Anh muốn anh em trẻ cũng như anh. Trước hết là phải đam mê.
Trong những ngày tôi sống cuộc sống vỉa hè đường phố ấy, Nguyên Hồng đưa anh em trong Hội Văn nghệ Hải Phòng đi Lào Cai, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An. Anh muốn anh em hiểu được bài học về đất nước.
Uống rượu bằng bát ở Lào Cai, thăm nhà tu kín Phát Diệm, nghe ông phó chủ tịch tỉnh Nghệ An báo cáo công trình dồn dân Quỳnh Lưu lên núi, sắp xếp lại nông thôn, “tạo dáng cho một cánh đồng chính là tạo dáng cho một cuộc đời”.
Người ta đã viết nhiều về chuyện ở Mường khương, đang đêm, nghe tin bóng đá qua loa truyền thanh, Nguyên Hồng bật dậy, gọi chánh văn phòng Hội Văn nghệ cùng đi:
- Min ơi. Dậy đi! Đi đánh điện về chúc mừng đi! Hải Phòng ta thắng rồi!
Ở Mường khương tiếp đón long trọng quá. Món thịt thắng cố ninh trong vạc lớn. Rượu múc từng bát. Một chút gì hoang dã. Một chút gì Lương Sơn Bạc. Ăn uống xong, thâm nhập thực tế. Sổ sách, giấy bút, hỏi han, ghi chép. Nhưng anh em nhởn nhơ, không viết. Nguyên Hồng họp tất cả lại, mắng nhiếc tàn tệ:
- Viết đi! Người ta tiếp đón như thế mà không viết thì thì thì... khốn nạn!
Tất nhiên anh em viết ngay. Có bài ngay. Gửi đăng báo Lào Cai. Tất cả đều được đăng. Cả thơ, bút ký, phóng sự.
Nguyên Hồng hài lòng. Bữa rượu chia tay, tất cả say.
Ngồi trên ô tô từ Mường khương về Lào Cai xuôi dốc Ô quy hồ, Nguyên Hồng bốc lên:
- Min ạ! Sang Liên xô, tao có thèm đến thăm Sô-lô-khốn đâu. Sô-lô-khốp hơn gì tao. Bộ Cửa biển của tao có kém cũng chỉ kém, kém, kém một tí thôi!
Từ Lào Cai trở về bằng tầu đêm. Nguyên Hồng bắt anh em xếp hàng mua mỗi người một vé toa đen, toa chở hàng, không có ghế. Phải giải ni lông nằm chen chúc dưới sàn.
- Thế này mới biết, mới viết được. Chứ chúng mày ngồi toa trên kia, chẳng biết được cái gì mà viết đâu!
Nằm thế cũng được thôi, nhưng bí một cái trong toa không có chỗ đi tiểu. Ông chủ tịch hội Nguyên Hồng thao diễn cách giải quyết ngay. Lấy một cái ca, quay mặt vào một góc. Rồi hất qua cửa sổ toa tàu: Thế là xong! Tất cả anh em, các ông các bà hành khách nằm ngổn ngang trên tàu nghe tiếng ro ro từ ca phát ra đều công nhận cách ấy là tốt nhất và cũng là duy nhất.
Không chỉ những cuộc dã ngoại quy mô như thế. Còn tranh thủ đi ngay trong thành phố. Anh đưa Thanh Tùng về thăm Ao Than, nhà Nguyễn Sơn Hà, nhà Bạch Thái Bưởi. Anh cùng Đoàn Min về lại xóm Cấm, nhìn lại gian nhà anh ngồi viết Bỉ vỏ. Vào chơi nhà ông Đoá, ông Mô, những học trò của cậu giáo Hồng ngày trước.
Bà Đoá nói:
- Cậu giáo còn nhớ không? Cánh cửa hạ xuống làm bàn học, kê ở chỗ này...
Ông Mô gọi vợ lên chào cậu giáo Hồng, vợ ông khi ấy còn bé tý chưa đi học mà chỉ được cậu giáo bế lên lòng. Ngày ấy có nhiều học sinh cứ đến cuối tháng là trốn học vì không có tiền nộp học, cậu giáo lại phải đi từng nhà nói để các em vẫn đến lớp, duy trì lớp.
Những chuyện ấy Nguyên Hồng không kề với tôi.
Tôi cảm ơn anh về sự tế nhị ấy. Anh đến nhà tôi chỉ để nghỉ ngơi, xem chúng tôi sống ra sao và uống rượu. Tôi hỏi anh đến bao giờ anh đi Sài Gòn. Đấy là quê hương Năm Sài Gòn, lại có Cửu Long giang ta ơi. Anh không trả lời vào câu hỏi mà đi kể chuyện Nguyễn Tuân:
- Ông Tuân vào Sài Gòn đi xích lô, hỏi ông xích lô là từ khi giải phóng đến giờ ông sợ cái gì nhất? Ông xích lô nói: Sợ nhất là đổi tên phố...
Rồi cười:
- Quái quỷ!
Và bỗng nhiên nhẩy sang một chuyện hoàn toàn khác, kiểu nhớ đâu nói đấy:
- Ông Tuân hỏi tôi có biết tiêu chuẩn mai táng của mình là Văn Điển hay Mai Dịch không? Được bao nhiêu dòng cáo phó trên trang tư các báo, có nắm được không? Biết để khi chết còn đấu tranh.
Lại cười:
- Quái quỷ!
Cũng có khi chẳng chuyện, chẳng rượu. Chỉ nằm khểnh trên chiếc giường cá nhân (vợ tôi mới mua lại của một công nhân Cảng, khi tôi còn ở tù) bắc chân chữ ngũ đọc văn tế Hen ri Rivière của Nguyễn Khuyến mà các cụ vẫn gọi là văn tế Thuyền-đồ-phổ-nghĩa:
Nhớ ông xưa
Mắt ông xanh lè
Mũi ông thò lõ
Đít ông cưỡi lừa
Mồm ông huýt chó
Nhà ông bày toàn những chai
Và ngồi bật dậy:
- Đau thật! Đau thật? Nhà ông bày toàn những chai có đau không cơ chứ. Các cụ bày sập gụ tủ chè, hoành phi câu đối, bát cổ đĩa cổ, đồ sứ Giang Tây, đồ trà Thế Đức mà nó lại bày toàn chai. Đểu thật? Khốn nạn thật!
Lại lấy giọng ngâm tiếp:
- Nhà ông bày toàn những chai. Vườn ông giồng toàn những cỏ.
Rồi nhăn nhó:
- Nhà ông bày toàn những chai đã đủ đau rồi. Lại còn vườn ông giồng toàn những cỏ. Khốn nạn. Vườn tưởng giồng gì. Lại đi giồng toàn những cỏ. Lan không. Cúc không. Trúc không, đào cũng không. Đau quá. Chịu thế nào được. Cho nên phải khôn nạn thân ông, đéo mẹ cha nó!
Một bữa Nguyên Hồng đến nhà đúng lúc tôi đang thử một cái áo mới may. Nó bằng pô-pơ-lin pha ni lông. Cái áo vải tổng hợp đầu tiên trong cuộc đời tôi. Nhìn người ta mặc mãi rồi cuối cùng tôi cũng có. Mặc vào mà cứ thấy mình ngang tầm thời đại.
Anh xuýt xoa:
- Áo đẹp quá nhỉ?
Đó là niềm tự hào của vợ tôi. Bao nhiêu cố gắng vất vả. Xếp hàng nửa ngày trời để cắt ô S, mua “xi”, rồi bán “xi” lấy lãi, mua cho tôi mảnh vải này. Rồi xoay tiền công may.
Bị anh bắt quả tang trong lúc đang ngắm vuốt, tôi chỉ nói:
- Cái áo anh cho rách rồi.
Anh hỏi:
- Cái này có pha lon không?
Anh nói tiếng pha lon dòn tan như tiếng các cô mậu dịch viên bách hoá. Không đợi tôi trả lời, anh tiếp:
- Văn bây giờ cũng phải pha lon. Văn-pha-lon ha ha...
Tiếng cười quen thuộc của anh vang dòn.
Giáng Hương của bác đã thành thiếu nữ. Cháu đã học bài “Lê Văn Quất con ơi! Hôm nay bố cúng cơm con đây, tạp nhất bản phù lưu thanh thuỷ...” (Cỗ một mâm, có trầu cau và nước trong. Chú thích của Nguyên Hồng trong Sóng gầm). Cháu vào bếp nướng mực khô. Đó là món anh thích. Tự tay anh pha chế thứ chấm mực khô: Muối, chanh và một thìa con mỡ nước. Anh rút từ trong làn ra mấy củ hành. Anh uống và nói với vợ tôi, chân tình như nói với một người em gái:
- Một trong những phát minh lớn nhất của nhân loại là phát minh ra men rượu. Uống đi chị Tấn ạ. Chị sẽ tìm thấy hạnh phúc trong rượu.
===
No comments:
Post a Comment