Wednesday, November 26, 2008

MỘT THỜI ĐỂ MẤT * 5

====



Bùi Ngọc Tấn

Một thời để mất


4.




Chiếc xe đạp của Nguyên Hồng thật tận tuỵ với anh đã cùng anh chia sẻ mọi vinh quang, cay đắng. Đó là chiếc xe thiếu nhi Liên xô, khung ngắn, bàn đạp ngắn ghi đông ngắn, người lớn ngồi trông như gấu, khi vận hành hai chân cứ nhoay nhoáy nhoay nhoáy, đầu gối chạm ghi đông. Nó còn một đặc điểm nữa là không đạp ngược được. Quay ngược chiều ru-líp là phanh, là khựng lại Nhưng thời ấy cũng phải bình chọn, cũng phải phiếu. Có khi hàng trăm người mới được một chiếc, hơn nữa lâu lắm mới có một đợt phân phối. Giá cung cấp chỉ trăm đồng, mua xong bán được gần gấp đôi. Tôi cũng có một chiếc xe ấy. Nhưng xe của tôi mới cứng, do anh cả tôi tận Quảng Ninh mua phân phối giá cao cho tôi nghĩa là 150 đồng, nếu có bán chỉ được lời bốn chục. Xe của Nguyên Hồng thuộc loại tàng tàng. Mỗi lần đi đâu trên chiếc xe thiếu nhi Liên xô, tôi cố làm ra vẻ tự nhiên thoải mái, nhưng hẳn mọi người đều nhận thấy vẻ mắc cỡ của tôi. Tuy vậy nó cũng là một sự cải thiện lớn của gia đình tôi. Hai vợ chồng, mỗi đứa một xe. Bao nhiêu người thèm được như vậy.
Với chiếc xe thiếu nhi Liên xô, tôi đã đưa vợ tôi đi học đại học tận Tam Dương Vĩnh Phú. Nhưng nó ở với tôi chẳng được bao lâu. Sau chuyến đưa vợ đi dùi mài kinh sử, lúc trở về nhà, tôi bị bắt. Vợ tôi phải bán nó.
Xe của Nguyên Hồng han rỉ. Anh đi đến đâu là lũ trẻ ở đấy thèm thuồng nhìn theo. Khi anh dựng xe ngồi chơi ở bãi cảng, đã có nhiều em đến gạ gẫm: “Cho cháu đi một tý bác nhé. Cháu đi quanh đây thôi”. Lại còn: “Hay bác cho cháu thuê. Cháu có hai hào đây”.
Nguyên Hồng yêu quý chiếc xe đạp của anh như một người bạn trung thành. Anh đã kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu chuyện về nó. Anh gọi nó là Cún, một tên gọi thân yêu, ta thường gọi con cháu ta khi chúng còn nhỏ.
Tôi rất giận cho trí nhớ của mình. Giờ đây tôi chỉ còn nhớ mỗi chuyện về anh với Cún.
Đó là một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời anh đến gặp. Anh cùng Cún đến Thủ tướng phủ. Anh cười:
- Cún của tôi cũng oanh liệt lắm chứ có phải thường đâu!
Anh dắt Cún qua trạm gác, vào chỗ gửi xe. Toàn những xe sang trọng. Những Đi-a-măng, Juy-ni-o, Stec-linh, Pơ-giô, bét nhất cũng là xe Thống Nhất. Lại còn bên ga ra ô-tô nữa mới kinh khủng. Din, Dít, Von-ga, Pô-bê-đa, Mốt-cô-vich, cả Phê-gát, cả Xi-tờ-rô-en. Sáng loáng lên. Đủ các mầu sắc. Cún của anh sơn xanh xỉn, nhỏ bé đen đủi, bùn đất. Hoá ra Cún lại nổi nhất mới chết chứ. Ai cũng nhìn chằm chằm vào Cún. Người ta đưa anh lên gặp Thủ tướng. Thủ tướng hỏi anh về tình hình văn nghệ, về đời sống anh em văn nghệ sĩ...
Khi ra về Thủ tướng tiễn anh xuống tận sân. Anh bắt tay Thủ tướng và dắt Cún đi qua những bồn hoa, những lối đi thẳng tắp đẹp đẽ uy nghiêm của dinh Thủ tướng, ra cổng và lên xe: Lại nhoay nhoáy nhoay nhoáy - quần áo nâu, chòm râu phơ phất. Lại hoà vào đám đông. Lại là một tế bào của đám đông lam lũ vất vả.
Việc ấy qua đi. Anh không nghĩ đến nữa. Thì một hôm, có một cán bộ lãnh đạo ngành thương nghiệp Bắc Giang đến Đồi Cháy gặp anh. Ông cán bộ ấy bắt tay anh một cách kính cẩn và đưa cho anh một cái phiếu phân phối xe đạp Thống Nhất, xe loại một, giá cung cấp, kèm theo 310 đồng tiền mặt.
- Thưa anh - Thủ tướng Phạm Văn Đồng có giao cho chúng tôi chuyển đến anh món quà này của Thủ tướng tặng anh.
Cũng dễ hình dung ra sự bất ngờ của Nguyên Hồng và tôi còn nghĩ rằng anh khóc nữa. Nhưng nếu chuyện chỉ có vậy thì cũng không có gì đáng nói.
Ngày mua xe thật là một ngày hội. Mọi người mặt rạng rỡ nhìn chiếc xe dựng ở sân. Đó là cả một tài sản. Lại là xe loại một. Phần lớn phụ tùng đều là hàng ngoại. Giá trị cái xe tương đương một tấn rưỡi thóc. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện bán. Đây là quà của Thủ tướng.
Nhưng ai đi? Các con anh nhao nhao:
- Bố để xe này ở nhà.
- Con đi học xa, đi bộ khổ lắm.
Ở nhà cũng cần có một cái xe, thỉnh thoảng còn đèo mẹ đi nơi này nơi khác.
Nguyên Hồng thấy những lý do ấy đều chính đáng. Còn anh, đi xe nào cũng được. Anh cũng không nỡ bỏ Cún, có mới nới cũ. Cún trung thành tận tuỵ của anh. Anh vẫn lại cùng Cún về Hà Nội, xuống Hải Phòng. Anh lại cùng Cún tới Hội nhà văn, tới trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, tới nhà máy xi măng, ra cảng...
Một buổi sáng anh đang cùng Cún thong thả trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) rợp bóng sấu, miệng nhẩm những câu thơ (anh có thói quen sáng tác thơ trong khi đi xe đạp trên đường) thì một chiếc Von-ga phanh kít và đỗ lại bên anh. Một mái đầu húi cao điểm bạc ngó qua khuôn cửa. Anh ngỡ ngàng: Thủ tướng Phạm Văn Đồng!
Thủ tướng mở cửa bước ra. Anh vội xuống xe. Thủ tướng bắt tay thăm hỏi sức khoẻ của anh, sức khỏe gia đình và anh hình sáng tác bộ Cửa Biển của anh.
- Thủ tướng không hỏi gì mình về cái xe Thống Nhất. Chắc Thủ tướng cho mình túng quá, bán rồi. Mình ngượng chín người, cứ đứng một tay giữ Cún. Cây con Cún khốn nạn phản chủ này, nó cứ kềnh càng trên đường, không quẳng đi đâu được. Giá đất nứt ra để nó rơi xuống. Mà đất có nứt thì mình cũng chui xuống luôn cho đỡ ngượng!
***
Tôi chưa được một lần nhìn Nguyên Hồng viết văn, nhìn Nguyên Hồng sáng tác, cái công việc khổ sai mà ai đã vướng vào thì không sao gỡ ra cho được. Kim Lân, người bạn thân thiết của Nguyên Hồng, người tôi quen từ hồi còn đi học đêm ở Phú Bình đã viết rất hay, rất chính xác về lao động nhà văn của anh: “Bàn viết của Nguyên Hồng là cái giường tre anh vẫn ngủ. Anh hay dùng giường nằm làm bàn. Anh cũng còn cái bàn viết bằng cái mâm tre, ở nông thôn dùng làm mâm ăn. Nó giống như cái chõng tre thu ngắn. Nó thay thế cho cái vạn kỷ, chân quỳ, gỗ xưa, gỗ trác (?), mà các tay chơi đồ cổ đặt trên đấy cái ống bút hay bộ đồ trà. Trước cái bàn viết ấy, Nguyên Hồng trải chiếu, ngồi xuống đất viết. Thường làm việc gì anh cũng làm một cách tất bật, vội vàng qua quýt cho xong. Nhưng khi Nguyên Hồng chuẩn bị viết, tự dưng anh điềm đạm hẳn lại. Trang trọng, từ tốn. Những lúc ấy anh phải thu dọn xung quanh cho gọn gàng sạch sẽ. Anh quét nhà, anh lau bàn ghế, anh sắp xếp lại những tập sách, giải chiếu xuống đất, vuốt ve mấy tờ giấy trắng, để bút để mực sẵn sàng. Rồi anh đi loanh quanh, đi ra đi vào, mặt mũi đăm chiêu khổ sở.
Anh vẫn gọi việc ấy là dọn ổ đẻ. Nom anh lúc ấy bịn rịn, băn khoăn giống như con gà sắp đẻ thật. Nguyên Hồng đến với bàn viết của anh cẩn trọng, thành kính như một tín đồ đến trước bàn thờ Chúa. Như người lính trong hàng quân đứng nghe mệnh lệnh trước giờ chiến đấu. Phải nói rằng Nguyên Hồng viết chậm, viết kỹ. Có ngày anh chỉ viết được một trang giấy. Anh viết cực nhọc, vất vả Anh đánh vật với chữ với nghĩa. Anh gọi viết là cày. Nom anh ngồi viết văn còn vất vả hơn người đi cày. Những buổi chiều hè đứng gió, hơi nóng từ quả đồi sỏi đỏ lừ đừ bốc lên, ngột ngạt, nặng trĩu. Trong gian nhà tối thấp im phắc, Nguyên Hồng vẫn ngồi viết. Mặt anh đẫm mồ hôi.
Chỉ nhìn vào những dòng chữ trên trang bản thảo Nguyên Hồng viết, cũng đã thấy được anh vật lộn với mình như thế nào. Anh viết như cào xuống giấy. Những dòng chữ bị dằn xuống, nét chữ thật to, thật đậm, gẫy góc, có chỗ rách cả giấy, có chỗ mực chấm đầy quá rớt xuống xanh lè. Những dòng chữ xô vào nhau gập ghềnh lên xuống...
Đọc Kim Lân, tôi mới biết lai lịch từ mâm viết trong một bức thư Nguyên Hồng gửi cho tôi từ Yên Thế. Không nhớ là năm nào nữa. Cuộc chiến tranh leo thang đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt. Ngày và cả đêm luôn vang lên tiếng còi báo động và giọng nói giật cục, dõng dạc, đanh thép trên loa truyền thanh: “Lệnh dự báo báo động. Máy bay địch đang hoạt động gần thành phố. Các lực lượng vũ trang lên vị trí chiến đấu. Đồng bào xuống ngay hầm trú ẩn...”
Máy bay ném bom phá huỷ đường 5. Máy bay bắn Sở Dầu. Máy bay bắn xà lan, tầu dầu ăn dầu từ tầu Liên xô tăng-bo qua cửa Nam Triệu vào ban đêm, từ cửa sổ nhà tôi trông thấy đạn đỏ lừ. Máy bay đánh các cầu đúng giờ và không đúng giờ. Máy bay đánh vào trận địa pháo Tân Dương. Người cháu họ tôi, pháo thủ, hôm trước còn sang thăm tôi, hôm sau đã hy sinh ngay giữa trận địa. Cơ quan báo Hải Phòng sơ tán về An Lão. Tôi, với tấm thẻ do chủ tịch uỷ ban ký, ở lại thành phố. Cũng coi như một thứ phóng viên chiến tranh.
Ở lại nội thành tôi có hai cảm giác lẫn lộn: thích thú và sợ hãi, nhưng cảm giác thích thú nhiều hơn. Như đang ở một thành phố Hải Phòng thứ hai vậy. Một Hải Phòng với khuôn mặt khác hẳn. Không còn là Hải Phòng tôi từng biết. Hải Phòng sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu quyết liệt Một thành phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có vài người đạp xe hối hả. Hải Phòng bộc lộ những nét vẫn ẩn giấu bên trong, hồn nhiên, đằm thắm, tin cậy. Hải Phòng ra đi, để lại tất cả cho một số ít chúng tôi còn trong thành phố.
Tôi đi lang thang, rẽ vào những dẫy nhà cửa đóng kín, khoá cũng rất sơ sài. Những cánh cửa đóng kín ấy là những hòm thư lưu. Trên một cánh cửa khu nhà Ngõ Đá, tôi đọc Anh, Chủ nhật tới em không về. Các con vẫn khoẻ. Thuốc lá để trong ngăn kéo bàn. Một cánh cửa khác ở khu công nhân cảng: Con chào bố mẹ. Con lại đi đây. Con chỉ tạt được về nhà hai tiếng thôi...
Những buổi chiều tà, khi máy bay không hoạt động nữa, tôi hay đảo ra các cây cầu để có thêm cảm hứng sáng tác tập trường ca Đầu cầu của tôi. Ở đó xe đi, xe về, cuồn cuộn sức sống không gì dập tắt được. Kết thúc mỗi ngày, tin tức được nhắc đến nhiều nhất là tin về những cây cầu những cây cầu đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu, như một sự tự hào chiến thắng.
Nhiều câu thở trong chương Những người lái xe tôi đã nhẩm ngay khi đứng ở đầu cầu:
(...) đầu cầu xe về
Nước sôi trong két
Anh lái xe mắt xếch
Tắt máy chờ qua sông
Đầu gục vô lăng
Tranh thủ
Ngủ
Giấc ngủ treo bao ngày đêm mỏi rời mi mắt
Giấc ngủ đợi chờ vụt biến đi đâu
Khi đến đây đầu cầu,
Đáy vực không gian sâu thăm thẳm.
Sương rơi nắp ca-pô
Sương rỏ giọt ngoằn ngoèo kính cửa,
Sương Hải Phòng ướt bụi Trường Sơn,
Sương buông thanh bình như ngàn năm trước
sương buông
Anh lái xe dựa vô lăng nghe đất trời yên lặng
Nghe máu mình khe khẽ thái dương
Dốc cầu
Còi
Hiệu lệnh
Lên đường!
Đèn pha vụt sáng.
Máy nổ
Bánh lăn,
Chào cô em áo bành tô chân cầu đứng gác.
Anh gửi tới đồng chí thanh niên xung phong
một ánh đèn loé trên cặp tóc...
Bom đạn tập trung vào những cây cầu, vào các đoàn xe, kho tàng. Nhưng bom đạn cũng rơi trên đường phố. Rốc két bắn ngay Ngã Sáu, hơi ép làm vỡ kính cửa nhà tôi. Đi thăm các kho tàng, tôi rợn người khi bước vào kho quan tài. Những chiếc áo quan vừa được gấp rút hoàn thành trong một đợt thi đua sản xuất của các xí nghiệp gỗ quốc doanh. Toàn một màu đỏ máu, thơm mùi gỗ, cay hắc mùi sơn, cái nọ chồng lên cái kia, từ dưới đất lên tận nóc. Gian áo quan trẻ con làm tôi lạnh buốt tim, như có một nhát búa đập mạnh vào sọ. Những chiếc quan tài đủ mọi lứa tuổi, chiếc chỉ to như cái hộp dành cho trẻ sơ sinh, chiếc cho những lớp tuổi lớn hơn, có cả những chiếc nhơ nhỡ dành cho tuổi sắp dậy thì, gán như của người lớn.
Chúng ta chuẩn bị cho cuộc chiến tranh leo thang thật tỉ mỉ, chi tiết và chu đáo. Phải dự trù tính toán tất cả với một đầu óc lạnh lùng tỉnh táo. Nhưng nhìn thấy kho áo quan này thì thật ghê rợn. Đó là điều kinh khủng nhất tôi đã trải qua trong những năm tháng ấy.
Tôi ghi chép. Tôi làm thơ. Tôi viết bút ký về những anh thợ hàn, hàn phuy xăng, phải chui vào bên trong phuy, làm việc trong khói hàn mù mịt và tiếng động được nhân lên nhiều lần của que hàn chấy dưới hồ quang. Những tiếng động bị nhốt” tên của bài bút ký đã làm tôi lôi thôi sau này khi tôi bị bắt. Nó có vẻ một sự ám chỉ. Tôi đến Sở Dầu lúc khói và lửa từ những bồn dầu bị cháy còn đang cuồn cuộn ngất trời. Tôi sang bên kia cầu xi măng, cùng các anh chị công nhân bê đá hộc kè lại đoạn đường vừa bị bom Mỹ phá buổi chiều, quá nửa đêm mới về đến nhà, chong đèn ngồi viết tin để sáng sớm kịp gửi theo đường dây sang An Lão, nơi cơ quan sơ tán...
Tất cả mọi người hướng về những con đường, những cây cầu huyết mạch. Và hướng về những anh bộ đội trên các trận địa phòng không, những anh bộ đội đem tính mạng của mình bảo vệ vùng trời, những anh bộ đội suốt ngày đêm ngồi trên mâm pháo.
Tiếng mâm pháo đã trở thành cuộc sống. Tinh mơ hôm ấy, tôi đạp xe sang Trường Thành (An Lão) họp cơ quan theo lịch. Tới Kiến An trời vẫn còn chưa sáng hẳn. Ngồi nghỉ ở vệ đường một lúc. Trời rạng dần. Nhìn chung quanh thấy một tấm biển cắm ngay sau lưng. Chăm chú nhìn trong ánh lờ mờ. Thấy hiện ra chữ đề: Bom chưa nổ. Hú hồn. Đạp xe một mạch tới nơi sơ tán. Vừa bước chân vào văn phòng cơ quan đã thấy một bức thư của Nguyên Hồng nằm chờ không biết bao ngày rồi. Anh gửi theo địa chỉ cơ quan, bưu điện chuyển về nơi sơ tán. Anh hỏi thăm gia đình tôi, hỏi thăm bè bạn, hỏi thăm Hải Phòng đang bước vào cuộc chiến đấu gay go quyết liệt. Anh kể chuyện anh ở Yên Thế, cái nóng tháng sáu khủng khiếp ở vùng trung du. Anh nói về những bữa rượu nhắm cua đồng rang muối rất thú vị của anh và “Tấn ơi! Khi các anh bộ đội đang ngồi trên mâm pháo thì tôi cũng cởi trần hì hục trên “mâm viết”. Tôi đã cười mãi về chữ mâm viết anh sáng tạo ra và tôi cũng hình dung anh đang chúm miệng cười sau chòm râu khi viết tới hai chữ này. Hóm hỉnh, mang tính thời sự và nói được cái lao động cực nhọc của nhà văn. Giờ đây, đọc Kim Lân tôi mới biết xuất xứ của từ ấy, tôi mới biết cái mâm viết cụ thể của anh. Gia đình bố mẹ tôi vẫn ăn cơm bằng loại mâm ấy. Chúng tôi gọi là mâm chõng. Mâm chõng thường được dùng đến khi chúng tôi ăn cơm ở ngoài sân, những buổi chiều hè. Bố mẹ tôi, chúng tôi và các cháu, mỗi người một cái ghế con (mà chúng tôi gọi là cái đòn) ngồi chung quanh mâm. Xum họp, đầm ấm, hạnh phúc. Cơm độn mì. Cá kho khế. Tép rang. Rau muống luộc đánh dấm chay. Mây bay trên đầu. Gió thổi và cây lá chung quanh.
Trong cuộc chiến tranh leo thang, có một vùng quê không xa lắm, có bố mẹ để đưa con về sơ tán thật là may mắn. Chúng được nuôi nấng trông nom dạy dỗ như khi còn ở với mình. Những bữa cơm sum họp ấy ngon đến tận hôm nay, hạnh phúc tới tận hôm nay. Thỉnh thoảng trong khi đang ăn, một chiếc máy bay do thám không người lái lướt qua, không ai trông thấy nó mà chỉ nghe tiếng ầm ầm trên trời. Những quả tên lửa bay lên để lại những vệt khói ngoằn ngoèo mãi mới tan. Hoặc bùng nở trên cao những bông hoa khói rồi sau đó rộ lên dội đến tiếng cao xạ phòng không từ những trận địa quanh Hải Phòng, tiếng máy bay bổ nhào và tiếng bom rền... Người dân quê tôi cảm thấy hơi thở của chiến tranh bằng những nét riêng. Những đợt tuyển quân cả vay tuổi lẫn đúng tuổi. Những buổi tiễn đưa, cờ bay ở nơi tập trung giao quân. Những giọt nước mắt. Đường làng vắng bóng thanh niên, những chàng trai quê đang độ bẻ gẫy sừng trâu, chưa một lần tới nơi hò hẹn. Làng nhiều hơn những cặp mắt mong mỏi đợi chờ, nhiều hơn những vành khăn trắng. Thỉnh thoảng lại có một lớp tân binh về đóng ở làng, huấn luyện ngắn ngày rồi lên Yên Tử, tiếp tục tập, đeo gạch, leo núi. Dân làng đón họ như đón con cái mình. Tình cảm đối với con em đang chiến đấu ở phương xa dành hết cho lớp tân binh về đóng ở làng, còn quá trẻ, quần áo Tô Châu mới tinh, rộng thùng, tập ngoài bãi suốt trưa nắng. Bộ đội đối với dân làng cũng vậy...
Có một anh cán bộ huấn luyện quá yêu quý cháu Hải Yến, con gái thứ ba của tôi khi ấy mới bốn, năm tuổi. Trông thấy cháu con cón trên đường là anh bước tới, xốc cháu lên, chầm vập. Anh dò hỏi được nhà cháu, nghĩa là nhà bố mẹ tôi. Anh đến chơi với cháu, bố bố con con với cháu, cho cháu khi miếng cháy cạy ở vạc cơm của đơn vị, khi miếng chả bớt từ khẩu phần ăn của anh. Bố mẹ tôi gọi anh là Bố cho cháy, Bố cho chả của cháu. Nhưng anh làm cháu sợ. Cứ thoáng thấy bóng anh vào ngõ, cháu lại chạy xuống bếp nấp. Những đợt huấn luyện sau không thấy anh. Thăm hỏi, được biết anh đã đi B và hy sinh ngay trên đường hành quân. Lại được biết anh có một đứa con gái bằng độ tuổi cháu Yến. Trước khi đi B, Bố cho cháy, Bố cho chả được về nhà (Hải Hậu, Nam Định) thăm vợ, thăm con gái rồi không trở về. Vĩnh viễn không trở về.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, Đỗ An Bình chuyển từ Ty Hải Đăng vào phụ trách một trạm đảm bảo giao thông ở khu 4, khu vực cán gáo, nơi tỷ lệ bom đạn tính theo đầu người cao nhất thế giới. Đỗ An Bình cùng đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm huyết mạch giao thông không bao giờ đứt. Từ khu 4, anh viết những bức thư dài về cho tôi. Anh kể về những trận bom đánh suốt ngày đêm. Ban đêm một con đom đóm to hơn cỡ bình thường cũng khó lòng sống sót, người ta đuổi theo giết cho bằng được. Cả đơn vị đã khóc khi trông thấy máy bay Mỹ đuổi bắn hai tầu hải quân đã mất hết sức kháng cự, lượn vòng, bổ nhào, bay cao, xuống thấp như trong một buổi diễn tập. Hàng chở bằng tàu nhỏ bị bắn chìm. Chở bằng thuyền gỗ bị bắn chìm. Hàng mất. Phương tiện đắm. Người hy sinh. Những người ra đi là những người quyết tử, là những người một đi không trở lại. Thương vong lớn quá, lại nghĩ ra phương án chở hàng bằng thuyền nan, lập tổ tam tam, mỗi thuyền một nam, hai nữ. Rồi lại thấy như vậy là hơi xa xỉ vì cái điều xẩy ra vẫn cứ xẩy ra một khi nam nữ gần nhau, cho dù là tổ tam tam một nam hai nữ, nên rút xuống chỉ còn một nam một nữ không kể tuổi tác nhằm bảo đảm quân số, bảo đảm an toàn hàng giang và tăng thêm sức động viên. Nhưng các thuyền vẫn bị bắn chìm quá nhiều. Người thương vong quá nhiều. Những thuyền vượt qua được bom đạn có thêm kết quả phụ: một loạt các cháu bé ra đời.
Cuối cùng chỉ còn một cách: đóng túi ni lông. Những thùng lương khô, những cân đường, những gói sữa bột và cả thuốc men được cho vào túi ni lông buộc chặt, thả trôi sông. Nước chảy dạt vào bờ, những người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thiếu thốn, đói khát về nhà lấy sào đẩy những túi thực phẩm, thuốc men quý báu ấy ra ngoài luồng để nó tiếp tục trôi xuôi, đến nơi tập kết chuyển vào Nam cho bộ đội. Bình kể về những trận bom xoá sổ hẳn một đơn vị. Anh cùng mọi người đi nhặt xác đồng đội. Cứ hai chân, hai tay, một đầu là cho vào một túi ni lông, không biết ai vào với ai. Có khi còn nhầm cả giữa nam và nữ. Lúc đó không thấy sợ. Lúc đó gần như không nghĩ gì hết. Lại còn vừa tập kết tử thi về một chỗ thì bom lại bỏ đúng nơi ấy. Những xác chết bị giết lần nữa. Những đồng đội bị giết tới hai lần. Và chuyện những cô gái thanh niên xung phong thường xuyên sống dưới hầm hào bom dội rung chuyển, vá đường dựng tiêu trong mù mịt khói bom, người khét mùi thuốc súng, quần áo tơi tả, mắt quầng vì thiếu ăn thiếu ngủ bỗng ôm chầm lấy những anh lái xe, công khai bày tỏ niềm khao khát được ôm ấp vuốt ve, được hiến dâng tất cả và tận hưởng tất cả trong vòng tay nam giới.
Tôi viết thư vào cho Bình, giục Bình viết, giục Bình ghi lại tất cả những gì đã trải. Nhưng Bình trả lời tôi bằng hai câu thơ trong Sử Ký của Tư Mã Thiên:
Văn chương làm hại cuộc đời
Tay mài đốt mực, tay mài đốt xương
Mãi đến sau này tôi mới thấm thía điều Bình nói...
Những bức thư của Đỗ An Bình tôi đều đưa cho bè bạn đọc. Những bức thư từ tuyến lửa, hồn nhiên, chân thật cuốn hút các bạn tôi hơn mọi thứ văn chương. Vũ Thư Hiên nói với vẻ thèm thuồng. - Giá chúng mình được vào đấy nhỉ. Rồi tiếp vẫn với giọng sôi nổi của anh: - Bây giờ được ra Cồn Cỏ chỉ một tuần thôi. Viết một tập Người Cồn Cỏ. Chỉ chép tiểu sử từng người. Và những suy nghĩ chân thật của từng người, những chuyện chiến đấu...
Nguyên Hồng đọc xong xếp thư, ngồi thừ thượt. Một lúc lâu sau anh mới nói, giọng buồn buồn:
- Nhân dân mình xứng đáng được hưởng sung sướng, hạnh phúc.
Đã nhiều lần Nguyên Hồng nói với tôi điều ấy. Đi Liên xô về, anh kể chuyện những bà mẹ Liên xô khóc khi thấy anh ăn quá ít:
- Bọn đế quốc nó làm các con không ăn được nữa...
Rồi anh nói:
- Nhân dân mình phải được hưởng hạnh phúc.
Tôi bày tỏ sự lo ngại với Nguyên Hồng rằng những chuyện như Đỗ An Bình viết sẽ rơi vào quên lãng.
Nguyên Hồng lắc đầu:
- Những chuyện như vậy mà không được ghi lại sẽ là tội ác. Thế hệ sau phải được biết cha ông chúng đã sống và chiến đấu như thế nào.
Tôi đáp:
- Nhưng không thể viết chân thật như thế. Người ta sợ chuyện ghép hai người một thuyền, một nam một nữ sẽ hạ thấp giá trị tư tưởng của nhân vật. Người ta bảo rằng cảnh nhặt xác đồng đội làm mọi người sợ hãi chiến tranh.
Nguyên Hồng im lặng. Không rõ từ lúc nào, anh trở thành kín đáo. Tôi tiếp tục nói với anh những suy nghĩ của tôi:
- Chúng ta đang tước bỏ hiện thực. Những chuyện cảm động như trong thư Đỗ An Bình viết nếu đưa vào tác phẩm sẽ bị diệt cho đến chết. Nào là tự nhiên chủ nghĩa, nào là hiện thực trần truồng. Người ta không biết rằng những chi tiết ấy, những chi tiết dường như hạ thấp nhân vật ấy chỉ làm cho nhân vật gần gũi hơn, “người” hơn, do đó nâng cao nhân vật hơn, có sức thuyết phục hơn.
Nguyên Hồng lặng lẽ:
- Tất cả những chuyện ấy phải có mặt trong tác phẩm.
Phản ánh chân thực cuộc sống, đó là nguyện vọng của tất cả những người cầm bút chân chính, nhưng điều ấy nào dễ đàng gì. Nó như một kiểu lấy cờ hồng đánh lại cờ hồng. Nhà văn nói tôi đi theo đường lối văn nghệ của Đảng, tôi là cờ hồng. Nhà phê bình nói: Anh đã đi trệch đường lối văn nghệ của Đảng. Anh đã rời bỏ ngọn cờ hồng, tôi mới là cờ hồng, ngọn cờ hồng tôi vác. Thế là cờ hồng đánh nhau, lẫn lộn không còn biết đâu là cờ hồng nữa. Tuy nhiên thắng lợi bao giờ cũng thuộc về các nhà phê bình lý luận. Hơn thế, không chỉ có các nhà phê bình chuyên nghiệp. Còn các nhà phê bình nghiệp dư, những ban tuyên huấn thành đoàn, những giáo viên trường cấp hai huyện, những cán bộ thương nghiệp sính văn chương... Thật là buồn nản. Chẳng ai nghĩ mình lại có thể thoát khỏi búa rìu.
Nguyên Ngọc sau khi hoàn thành tiểu thuyết Đất nước đứng lên, một anh hùng ca đậm chất thơ núi rừng Tây Nguyên, tràn đầy tinh thần quật cường dân tộc, đã trở vào cầm súng chiến đấu tại chiến trường khu 5, một chiến trường ác liệt nhất thời đó, đem tính mạng mình ra bảo vệ đất nước. Thế nhưng người ta vẫn không tha anh.
Nhà văn Đỗ Quang Tiến công tác tại báo Văn Nghệ hơn một lần nói với tôi, mặt nhăn lại, ghê sợ:
- Đến như Nguyên Ngọc mà cũng có được yên đâu. Nhiều thư gửi đến toà soạn vạch rõ: Trong Mạch nước ngầm của Nguyên Ngọc có mạch nước ngầm.
Một cách quy kết rất “văn chương” kín kín hở hở, suy diễn thế nào cũng được, nhưng rõ ràng muốn nói với người đọc rằng đó là một tác phẩm được viết với dụng ý xấu một thứ biểu tượng hai mặt symbole équivoque cần phải tiếp tục vạch trần.
Chính Nguyên Hồng cũng vướng vào chuyện ấy khi anh in truyện Con hùm.
Đó là một truyện ngắn cực hay của anh. Vẫn là Nguyên Hồng, nhưng là một Nguyên Hồng khác. Lần đầu tiên truyện in trên trang nhất báo Văn nghệ (hay Văn học) với minh hoạ của Sĩ Ngọc. Tôi yêu bức minh hoạ. Tôi yêu cả cái tên truyện, một cái tên truyện dài tới mười sáu từ Chuyện cái xóm tha hương, Ở cửa rừng Suối Cát và Con hùm con mồ côi. Đó là những giây phút giải lao giữa những trang Cửa Biển, là lời chào núi rừng Yên Thế của anh. Ai cũng khen truyện ngắn ấy. Cái nặng nề của cành lá cổ thụ, cái sần sùi của rễ của đá không còn nữa. Anh bỗng nhìn đời bằng mắt trẻ thơ.
Nhưng rồi có nhiều điều xì xầm về truyện ngắn ấy.
Thời gian ấy lưu truyền những bản án về những con vật Con voi của Bành Bảo. Con nai đen của Nguyễn Đình Thi. Con chó xấu xí của Kim Lân. Con dế mèn của Tô Hoài (tác phẩm được trẻ em và người lớn rất thích này bị quy kết có tư tưởng hoà bình chủ nghĩa!). Con ngan (Văn ngan tướng công) còn bị nặng nề hơn. Một anh bạn tôi ở nhà xuất bản Thanh Niên nói: Có nhiều thư gửi đến nhà xuất bản Kim Đồng phản đối, lên án Văn Ngan tướng công có dụng ý xấu. Có cả một bài phân tích sâu sắc Nghị quyết 6 (khoá 3) của Trung ương Đảng là nghị quyết phát triển nông nghiệp. Trong nông nghiệp có gia súc, gia cầm. Ngan là một loại gia cầm. Vũ Tú Nam nói xấu con ngan, làm cho mọi người, nhất là các em không yêu ngan, do đó không nuôi ngan nữa. Như vậy bằng một thủ đoạn tinh vi, Vũ Tú Nam đã đánh thẳng vào nghị quyết 6 (!).
Giờ đây nhớ lại, tưởng như một chuyện hài hước, gây cười. Nhưng lúc đó là những án treo lơ lửng trên các sinh mạng chính trị tác giả. Có biết bao người muốn bày tỏ lập trường kiên định, sự sắc sảo chính trị của mình và chứng minh rằng bọn nhà văn hay viết xỏ xiên và đáng phải cảnh giác, phải vạch trần như thế nào. Con voi, con chó, con nai... Giờ lại đến con hùm? Đã bao nhiêu dư luận về con hùm ấy. Và con hùm còn nguy hiểm hơn những con kia biết bao lần. Cũng như tôi, Nguyên Hồng biết anh đang gặp phải hiểm nguy. Chỉ cần một ông tổng biên tập nào đó cho đăng những ý kiến phê Con hùm con mồ côi thì chưa biết chừng có thể dấy lên một đợt phê phán mà anh không có phương tiện để chống đỡ. Tuy nhiên trong câu chuyện giữa chúng tôi, không ai nhắc đến Chuyện cái xóm tha hương nữa. Tôi rất muốn khen nó, nhưng ngại rằng những lời khen của tôi làm anh thêm suy nghĩ, làm anh thêm buồn. Nhưng Vũ Thư Hiên nói. Nói thẳng với Nguyên Hồng. Tối hôm ấy, tôi, Nguyên Hồng, Nguyên Bình đang ngồi than thở với nhau về nghề viết, Hiên đến như một cơn gió. Tếu, ồn ào, đang vui câu chuyện Liên xô Trung Quốc, Vũ Thư Hiên hỏi:
- Các vị đã có ai đọc Lôi Phong chưa?
Cả ba chúng tôi cùng lắc đầu, thú thật là mới chỉ đọc loáng thoáng một vài mẩu đăng trên báo. Lôi Phong là một nhân vật nổi tiếng Trung Quốc được đoàn Thanh niên Trung Quốc phát động học tập trong toàn đoàn và toàn thể thanh niên. Tên tuổi anh ta bay đến Việt Nam với những thành tích đại loại như: không đi xe điện đi làm mà đi bộ, dậy sớm đi bộ, để mỗi ngày tiết kiệm 5 xu góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ăn đói để dành gạo xây dựng chủ nghĩa xã hội... Báo chí nước ta đã đăng tải Lôi Phong. Một nhà xuất bản đã dịch in truyện Lôi Phong, nhằm giới thiệu một điển hình. Nhiều bạn trẻ đã mua Lôi Phong tặng người yêu với lời đề tặng “để học tập người trong truyện”. Nguyên Hồng trả lời rành rọt hơn:
- Tôi chưa đọc Lôi Phong, nhưng ông Xuân Diệu bạn tôi đọc rồi. Ông Xuân Diệu ca ngợi Lôi Phong lắm. Ông ấy bảo cái bát ông ấy ăn cơm buổi sáng chưa rửa để đấy mà ta gọi là bát rếch ấy mà, nếu buổi trưa lại xới cơm vào đấy là ông ấy không dám ăn, mặc dù là bát rếch của chính ông ấy, ông ấy cũng sợ. Thế mà Lôi Phong bới nhặt cái bàn chải cũ người ta vất đi ở đống rác ngoài đường, đem về đánh răng thì giỏi thật!
Làm sao chúng tôi không cười cho được về lời khen ấy của Xuân Diệu. Hai má Nguyên Hồng ướt đẫm nước mắt vì cười. Nhưng chưa hết. Lấy tay áo quệt ngang mặt, anh kể tiếp một chuyện nữa về nhà thơ Xuân Diệu:
- Lại một lần Bộ nội thương mời các văn nghệ sĩ tới tiếp xúc để đẩy mạnh sáng tác về đề tài mậu dịch làm dâu trăm họ. Tiệc rượu linh đình. Ông Xuân Diệu đứng lên đề nghị anh chị em văn nghệ sĩ nhiệt liệt hưởng ứng ý kiến của đồng chí lãnh đạo bộ. Vì nghệ thuật và thương nghiệp duyên nợ với nhau từ lâu, thời Nguyên Du đã có rồi. Bằng chứng là trong truyện Kiều đã có thằng bán tơ...
Không chờ dứt trận cười, Vũ Thư Hiên trừng mắt nhìn thẳng vào Nguyên Hồng:
- Anh vẫn chứng nào tật ấy. Chê không nói thẳng ra lại đi mượn lời ông Xuân Diệu. Thảo nào người ta nói anh là người nguy hiểm nhất. Anh có biết con hùm của anh có những vấn đề gì không? Đế quốc Mỹ là con hổ giấy. Hổ là đế quốc. Anh đã chứng minh rằng có thể cải tạo bản chất của hổ, nghĩa là có thể cải tạo được bản chất của đế quốc.
Nguyên Hồng cười gượng.
- Không. Không có vấn đề gì. Nhà Kim Đồng đã ký hợp đồng xuất bản con hổ của tôi rồi.
Nguyên Hồng rút trong cặp ra bản hợp đồng (ký ngay sau khi truyện đăng trên báo, nhưng nhiều năm sau nhà xuất bản mới cho in với cái tên đã rút ngắn lại nhiều, Chuyện xóm cửa rừng). Anh nâng niu bản hợp đồng đó như một cái bùa hộ mệnh.
Vũ Thư Hiên liếc qua bản hợp đồng rồi ngẩng lên:.
- Thế thì nhà xuất bản coi thường dư luận.
Đúng. Vũ Thư Hiên đã phát ngôn cho cái dư luận mà mình không hề đại điện để trêu Nguyên Hồng. Nguyên Hồng rất thấm thứ dư luận ấy. Anh im lặng rồi bỗng mắt sáng lên ranh mãnh.
- Tôi sẽ chứng minh rằng hổ không phải là đế quốc. Mà cũng không phải chỉ mình tôi ca tụng hổ. Hà Nội có một phố lấy tên hổ. Đó là phố Tăng Bạt Hổ. Hàng vạn dân thủ đô đã đón một con hổ! Ấy là... (anh nói tên một cầu thủ trong đội bóng Bát Nhất (Trung Quốc) đã sang nước ta mang tên Hổ). Chúng ta còn có một nhà thơ tên hổ: Chiêu Hổ.
Chúng tôi cười thoải mái trước những lý lẽ đanh thép tự bảo vệ của anh.
Vũ Thư Hiên xem đồng hồ để chuẩn bị ra ga. Hiên khoác túi đứng lên vỗ vai và nhìn thẳng vào mắt Nguyên Hồng:
- Ông Hồng này. Còn một điều này nữa. Tôi sẽ chuyển Bỉ vỏ của ông thành phim. Tôi rất thích làm phim Bỉ vỏ vì hai lý do: Một là cái ấy rất điện ảnh. Hai là nó rất nhân đạo chung chung..
Không để Nguyên Hồng kịp phản ứng lại, Vũ Thư Hiên đi nhanh ra cửa, xuống thang, vừa đi vừa nghẹn trong tiếng cười.
Chúng tôi cũng cười. Cười ra nước mắt.
***
Nguyên Hồng để râu vào thời gian sau khi in truyện con hùm. Kỳ ấy anh xa Hải Phòng hơi lâu, dễ đến gần một năm, bởi vì khi anh từ nhà tôi về Hà Nội, mày râu còn nhẵn nhụi, khi trở lại, anh đã có cả một chòm râu dài hết cỡ so với lực của anh. Tôi nhớ trước khi ra tầu anh còn với tay lên giá lấy hộp dao cạo râu của tôi đưa lên cằm. Tôi chỉ có một lưỡi dao quá cùn, anh cứ phải liếc mãi vào lòng bàn tay. Anh trở về với chòm râu và cứ đứng ở cửa nhìn tôi, cười.
- Râu đây, râu đây...
Thế là tôi được nhìn thấy chòm râu của anh, chòm râu tôi đã nghe nói đến từ lâu...
Trước đó Dương Tường từ Hà Nội về đã bảo tôi:
- Ông Nguyên Hồng để râu rồi. Mày biết chưa?
Tôi ngơ ngác
- Chưa. Râu thế nào?
- Tu phủ hầu.
Tôi không hình dung được bộ râu cằm trên gương mặt anh. Tôi không hình dung được Nguyên Hồng có râu đang đạp xe đạp ở Hà Nội.
Thế rồi Vũ Thư Hiên về cũng bảo tôi:
- Nguyên Hồng để râu rồi. Tu phủ hầu.
Tin tức dồn dập. Hấp dẫn. Tươi rói. Người ta đã có cả thời gian để thống nhất tên gọi bộ râu của anh. Thế mà mang tiếng là thân với Nguyên Hồng, tôi vẫn chưa biết. Anh cũng không báo cho tôi biết cái ý định táo bạo, mới mẻ ấy của anh.
Tôi viết thư hỏi Nguyên Hồng. Một bức thư dài trả lời tôi, mà đến nay tôi còn nhớ một đoạn: “... Tấn có hỏi tôi về chuyện để râu. Thế này Tấn ạ. Bây giờ người ta chơi nhiều thứ quá. Chơi Trung Quốc, chơi An-ba-ni, chơi hồ Ba-la-tông, chơi In-đô-nê-xi-a... vừa chơi vừa có cả buôn nữa. Còn tôi, già lão, ngô ngọng, lẩm cẩm, chậm chân thì chơi... râu vậy...”
Tôi tin lý do để râu ấy của Nguyên Hồng do chính anh thổ lộ. Nhưng trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài giải thích điều ấy một cách khác hẳn. Tô Hoài nói rằng dạo ấy lưỡi dao cạo rất hiếm. Chẳng lẽ lại đạp xe từ Yên Thế về Hà Nội chỉ để mua một lưỡi dao cạo râu do công đoàn bình xét và phân phối. Thế là Nguyên Hồng để râu. Để râu còn có một tác dụng phụ nhưng rất quan trọng. Nguyên Hồng đi đâu cũng thường mang rượu nhà đi theo, thứ rượu có ngâm mấy cái vỏ quýt giả làm rượu thuốc để đánh lừa cán bộ thuế. Nguyên Hồng hạ chiếc bị trên vai áo nâu bạc, một tay khoanh lại đấm lưng, một tay lôi hũ rượu thuốc gia truyền đi đâu cũng mang theo: Các anh thông cảm. Chẳng cán bộ thuế nào ỡi ơi đến lão nhà quê ấy. Không biết trên bộ râu nguỵ trang, hai con mắt nhanh như chớp” (Tô Hoài - Cát bụi chân ai)
Tôi cũng lại tin lời giải thích của Tô Hoài về chuyện Nguyên Hồng để râu. Bởi vì, tôi hiểu giá trị một lưỡi dao cạo râu hồi đó. Và anh bạn Lê Bầu của tôi cũng đã khốn khổ với các ông phòng thuế vì lít rượu anh mang từ Bắc Giang quê anh ra Hà Nội để thỉnh thoảng nhâm nhi cùng bè bạn. Không giống Nguyên Hồng nghiện rượu, Lê Bầu không biết uống, nhưng anh muốn bè bạn hưởng thú vui. Anh đã cho bi đông rượu vào túi, rồi chịu khó đạp xe chứ không di tầu hoả, nơi tập trung sự chú ý của phòng thuế. Lẽ ra là xuôi. Nhưng có một người bộ hành bị cảm nắng trên đường. Anh lấy rượu ra đánh cảm cho người ốm. Công an, phòng thuế cũng đang có mặt ở nơi cấp cứu đã tịch thu bi đông rượu của anh.
Tôi tin cả Nguyên Hồng. Tôi tin cả Tô Hoài. Tôi vốn là người nhẹ dạ. Xin đừng vì bộ râu của nhà văn mà nói tôi là kẻ ba phải.



===

No comments: