Tuesday, November 25, 2008

TRUYỆN KỂ NĂM 2000 * 20

===


Bùi Ngọc Tấn

Chuyện kể năm 2000

Chương 20

Hắn đã về đến P. Tàu hỏa đang đưa hắn vào ga.
Hắn gọi xích-lô. Không mặc cả. Hắn đã phải ở lại Hà Nội thêm một ngày nữa. Nghĩa là từ lúc cầm quyết định, nhận tiền của trại là ba ngày rồi. Hắn không thể chiu đựng lâu được nữa. Anh Diệu đã gọi điện ra ga. Nhà ga cho biết trừ một ngày đột xuất không có tàu, nhà ga vẫn có hai chuyến tàu trong ngày.
Hắn đi chuyến tàu sớm. Hắn dậy từ tinh mơ. sự xếp hàng mua vé hôm đó thật khổ ải. Hành khách dồn lại từ hôm trước. Không. Hắn quyết chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Hắn ra ga Hàng Cỏ từ lúc còn tối đất. Hắn là một trong những người xếp hàng đầu tiên.
Khi ấn cái vé bằng giấy các-tông hình chữ nhật có ghi giá tiền 2 đồng 05 vào túi, hắn sung sướng như người vớ được của. Hắn đi lang thang trong sân ga. Hắn đã đút số tiền anh Diệu cho vào túi quần trước, nhưng hắn vẫn cảnh giác. Trong tù Giang là đã dặn hắn: Đó là chỗ an toàn hơn túi sơ-mi, hơn túi quần sau. Tiền để ở đó rất khó đá.
Ngoài sân ga, người ngồi, người đứng, người trải nỉ-lông nằm ngủ. Một dãy người đang ngồi hướng về một của bán vé còn dóng im ỉm, bỗng đồng loạt đứng lên chạy cả về một phía: Rầm rập, hốt hoảng, vội vã. Và lại tranh nhau, xô nhau đứng rồi ngồi, hướng cả vào một cửa ghi-sê khác cũng đóng im ỉm. Hắn hỏi một thanh niên ngồi cuối hàng, giọng lễ phép và được một câu trả lời ngắn, đanh như phát súng CKC:
- Vinh nhanh!
Cũng súc tích như "cá mè ô 5", câu trả lời đó có nghĩa là lấy vé tàu nhanh đi Vinh. Nhưng hắn không hiểu. Không hiểu, nhưng không dám hỏi thêm nữa. Hắn nghĩ đến vợ hắn. Đã bao lần vợ hắn lang thang bồng bế con cái, vật vạ ở ga để đi học đại học, để đi tiếp tế cho hắn. Bị móc túi, bị mất cắp cả túi xách. Khóc rồi về. Hắn đã kể chuyện vợ hắn bị mất cắp sạch cho Giang nghe. Giang là bạn tù, là lính mổ. Giang rất thân với hắn. Giang kêu:
- Thôi Anh đừng kể nữa. Em sợ lắm!
ở sân ga, hắn quan sát nhưng chàng lính mổ vật vờ. Đã ở nơi ấy ra rồi thì dễ nhận thôi. Những anh trạc tuổi 17, 18 cứ lượn vòng ngoài. Hay ngồi hàng nước. Thường đi có đôi. Nét đặc biệt là quần áo Tô Châu. Để mọi người, nhất là dân quác tưởng nhầm bộ đội. Và móng trắng. Dép nhựa Tiền Phong có quai hậu, cài khóa tử tế. Để bùng cho nhanh mà. Nhiều lính móng trắng.
Trong tù những lính móng trắng bị tỏi , ngoài đời lại có những lính móng trắng khác. Bao giờ hết được. ở tù ra, hắn nhìn bọn này với một phần thông cảm hơn. Hắn không chỉ ghê tởm, căm ghét như trước. Hắn nghĩ xã hội, gia đình phải chịu trách nhiệm môt phần. Như Giang chẳng hạn. Giang là con liệt sĩ...
Thông cảm với các chú thì thông cảm, nhưng anh vẫn phải cảnh giác. Hắn thò tay vào túi quần, nắm chặt gần chục đồng còn lại. Hắn lên tàu và rất nhanh tìm được chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Bao nhiêu năm rồi đói thèm cửa sổ. Khi tàu ra khỏi thành phố, hắn mới thực sự biết thế nào là tốc độ. Thì ra tự do là liên tiếp nâng cao tốc độ. Hôm đi ô-tô từ trại về Hà Nội, hắn đứng giữa những người là người. Mãi đến khi gần về đến Hà Nội, xe mới vắng một chút. Nhưng hắn vẫn phải ngồi ở giữa xe. Hôm nay hắn ngồi ngay cạnh cửa sổ. Gió thổi tung tóc hắn, như muốn rứt tóc hắn ném đi. Còn tàu thở hồng hộc. Cố lên. Nhanh nữa lên. Đồng bằng, lũy tre. Những hàng bạch đàn hai bên những con mương. Cầu sắt, một cái vó bè, những chiếc ô-tô ngược trở lại và những chiếc ô-tô xuôi theo đoàn tàu, chạy song song chỗ hắn ngồi một lúc, rồi vượt lên...
Hắn xuống ga P. Hắn đã tính trước. Tàu về P. lúc mười một giờ. Giờ ấy hẳn vợ hắn đã đi làm về. Vợ con hắn hẳn ra Ngã Bảy mua rau. Ngồi trên xích-lô, tay ôm cái túi vải, hắn bỗng cảm thấy buốt hai chân. Hắn hồi hộp quá. Ông xích- lô không biết gì về tâm trạng hắn, vẫn phóng nhanh. Hắn muốn ông đi chậm lại. Để hắn tìm trong những phụ nữ đang quay mặt vào phía những người bán hàng ngồi trên vỉa hè kia xem ai là vợ hắn. Hai mắt cá chân hắn buốt. Buốt trong tủy, chạy từ mắt cá chân lên đầu gối. Như người mắc bệnh phong thấp. Như người bị lạnh quá. Cả đời hắn chưa thấy thế bao giờ. Hắn khẽ nhấc một chân lên. Rồi chân kia. Không. Chán hắn vẫn cử động được, nhưng đau và khó khăn. Cầu cho chân hắn đừng đau. Xích-lô dừng lại. Hắn trả tiền và xách túi vào nhà. Hắn không muốn gặp ai trong căn nhà đông hộ này. Và hắn đã gặp may.
Hắn bước nhanh lên gác. Nhẹ nhàng không một tiếng dộng. Như một con mèo. Hắn nhô người lên cầu thang. Nhìn vào nhà hắn. Cửa mở. Hai đứa trẻ đang ngồi chơi trong nhà. Con chị, thang em. Hắn nhận ngay ra chúng. Đã 5 năm, nó đã lớn, khác trước rất nhiều. Đó là nói về con chị. Còn thằng em. Thằng con bé của hắn. Hắn chưa hề gặp. Nhưng hắn cũng nhận ra đó là con hắn. Con chị kêu lên:
- Bố!
Nó đứng bật dậy chạy ra. ôi! Nó đã lớn như vậy. Nó đã lớn như thế này ư? Hắn ôm và bế bổng đứa con gái lên. Trong bếp, thằng lớn đang nấu cơm thò ra. Nó đứng chôn chân ở cửa bếp. Nó toét mồm cười:
- Bố về.
Và chạy lại phía bố. Ba bố con ôm chặt nhau. Hắn ghì những mẩu đời của hắn. Hắn ghì những mảnh thịt xương của hắn. Hắn hít má con hắn. Trong nhà thằng bé đứng ngơ ngác. Nó không dám ra.
- Dương ơi! Bố về. Ra với bố!
Chị nó gọi nó. Hắn đứng quay về phía thằng bé con, hai tay dang rộng chờ đợi. Thằng bé ngước đôi mắt trẻ thơ nhìn người đàn ông râu ria xa lạ mà anh chị nó gọi là bố. Nó vẫn nghe ông bà, mẹ, anh chị nói về bố. Khi nó khóc, mọi người dỗ nó: "Nín đi, bố về, bố yêu ".
Thời gian sơ tán, nó ỏ nhà ông bà, với thằng Téng, bằng tuổi nó, thằng Đường kém tuổi nó, đều là con bác nó. Tối nó được ngủ với ông, nhưng chỉ được ôm lưng ông, còn thằng Đường bé hơn, được ông nằm nghiêng ôm vào lòng.
Chủ nhật nào bố thằng Đường cũng về. Thằng Đường, thằng Téng gọi bố. Bác nó bế thằng Đường lên. Rồi bác nó bế nó. Nó gọi bác bằng bác. Không phải bố. Nó mong bố. Chủ nhật càng mong hơn. Mong mãi. Nó hỏi mẹ: "Bố đi đâu hả mẹ Sao bố không về ”.
Chính nó một hôm đã nghiến răng, mắt long lên, bảo mẹ: "Con với mẹ đi đánh điện cho bố về với con đi”. Nó biết nó có bố. Nó vẫn chờ lúc bố nó trở về. Hôm nay bố nó đã về. Nó do dự bước về phía bố.
Một bước, hai bước.
Hắn không thể chờ đợi được ntta. Hắn chạy vào, xốc thằng bé con lên, chạy quanh căn buồng hẹp. Hắn ghì thừng bé vào ngực. Hắn nâng thằng bé lên đỉnh đầu. Rồi hắn ngồi xuống giữa nhà. Đứa con trai sinh ra khi hắn đi tù, đứng trong vòng chân khoanh tròn của hắn.
Thằng bé hình như bây giờ mới thật tin rằng đây là bố nó. Chỉ có bố mới có thể yêu nó như thế. Bố nó đã về. Từ lúc sinh ra, nó không có bố, nay nó cũng đã có bố như thằng Téng, thằng Đường.
Nó ôm lấy cổ bố, nép vào ngực bố.
- Bố ơi Sao bố đi lâu thế?
Đó là một câu hỏi. Một lời trách móc. Hay tiếng than thân?
Những giọt nước mắt to nóng lăn trên má hắn.
Hắn không giữ được. Hắn quệt ngang, sợ thằng bé trông thấy. Không thể để tổn thương tới một tâm hồn 4 tuổi. Không thể bắn những mũi tên vào dôi mắt trẻ thơ 4 tuổi.
Một lúc sau, khi đã nằm ngửa trong vòng tay hắn, bé Dương đưa tay lên cằm hắn, chạm vào những sợi râu rễ tre của hắn.
Nó nỉ non:
- Bố ơi! Bố già chưa, hả bố?
Hắn cúi xuống nhìn đôi má non bệu, cái miệng xinh xinh hé mở có mấy cái răng sữa trắng nhỏ như gạo nếp của đứa con đang đợi hắn trả lời. Hắn áp mặt vào ngực thằng bé, nghe rõ tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực nhỏ nhoi. Hắn day day mặt vào đấy, thầm thì trong óc: “ôi con tôi. Bố già rồi. Bố chết rồi. Bố đã qua một kiếp. Bố vừa sống lại về với con đây.
hết: Chương 20, xem tiếp: Chương 21


==

No comments: