Wednesday, November 26, 2008

MỘT THỜI ĐỂ MẤT * 6

====


Bùi Ngọc Tấn

Một thời để mất


5.




Nhiều người đã viết về chuyện Nguyên Hồng đánh mất bản thảo. Cái cặp của anh bị một dân chạy vỏ đánh cắp. Nhưng khi thấy đó là cái cặp bản thảo của ông Nguyên Hồng, anh chàng lính mổ đó đã tìm cách trả lại ông kèm theo một mảnh giấy có viết “Tên kẻ trộm này khâm phục văn tài của Nguyên Hồng nhưng không phục tính đãng trí của ông”. Tôi không tin chuyện này. Nó có vẻ hư cấu. Lại một thứ “quá yêu anh nên nói những điều không đúng về anh” thôi. Tôi nghĩ Nguyên Hồng không thể đánh mất bản thảo. Khi anh đến nhà tôi, nếu ở pooc-ba-ga xe đạp là cái làn ràng ràng thì chằng buộc đơn giản thôi, nhưng cũng kỹ hơn mọi người. Còn nếu cái cặp đựng bản thảo thì tôi cứ phải chờ anh không dưới mươi phút để anh tháo cặp khi lên thang và chằng buộc cặp khi anh về. Dây cao su. Dây dù. Dây điện. Quấn nhiều vòng. Có dùng kìm cắt một hai vòng coi như chẳng có vấn đề gì.
Anh vừa chằng buộc vừa cười:
- Phải thế này chứ ngộ nhỡ nó cắt mất của ông Nguyên Hồng thì ông Nguyên Hồng chết! Ông Nguyên Hồng ốm? Có viết lại chưa chắc đã viết được như trước.
Anh cũng tự nhận mình có một đặc điểm là rất sợ mất bản thảo. Lại cười rinh rích:
- Ông Tuân viết ở Mạc Tư Khoa rằng một trong những cái sợ nhất của Nguyên Hồng là sợ mất bản thảo.
Bởi vậy tôi nghĩ nếu anh bị mất bản thảo, thế nào anh cũng nói cùng tôi. Chắc chắn cho đến năm tôi đi tù, anh chưa một lần bị mất bản thảo. Có thể anh đánh mất vào thời gian sau, thời gian tôi bị bắt hoặc sau nữa khi tôi đã ra tù. Thời gian đó anh ít lại nhà tôi, hoặc anh có lại nhưng không nói.
Dù sao chuyện Nguyên Hồng đánh mất bản thảo cũng là khó tin nếu không nói là không tin được.
Tôi đem điều nghi vấn ấy ra nói với Nguyễn Văn Chuông trong một bữa rượu tại Kênh Giang (Thuỷ Nguyên) quê anh. Một chuyến đi hẳn sẽ nằm lâu trong trí nhớ. Xe tôi đi vào giữa mùa màng (Ngày mùa - Nguyễn Huy Tưởng). Nguyễn Huy Tưởng trước đây đi xe đạp, còn hôm nay tôi đi xe máy, bánh xe lăn trên rơm rạ phơi dọc đường cái, rẽ vào đến tận nhà Chuông. Màu xanh đậm của những lùm bạch đàn, những luỹ tre từ các làng gần đó trườn sát vào chân núi rồi cuồn cuộn dâng lên lưng chừng núi cao. Trên cánh đồng vừa gặt trải rộng ra tới những xóm làng xa xa, một vệt khói thẳng đứng của những em nhỏ đốt gốc rạ ngồi sưởi. Tưởng như nhìn thấy tuổi thơ của mình. Sao mà nhớ Làn khói trắng (tên một bức tranh) của Lưu Công Nhân đến thế. Nhà Chuông quá nghèo. Nhà tranh vách đất. Không phải vách đất mà là tường đất. Tường đắp dầy khoét ra những ô vuông làm của sổ. Chuông cứ thò tay qua một ô vuông đổ bã chè, pha ấm mới khi chè nhạt. Nhà quá nhỏ và thấp. Mái rạ lâu ngày mỏng kẹt, có những khe để nước chảy trên mái. Không cổng ngõ gì hết. Cứ từ đường làng ngoặt vào một lối đi hẹp tới sân, cái sân cũng bé nhưng phơi kín một sân thóc, rồi vào nhà. Trong nhà cũng lại ngổn ngang những bao tải thóc. Chúng tôi ôm lấy nhau. Tôi quen Chuông khi anh còn ở bộ đội, khoảng cuối thập niên 50. Anh đọc tôi từ ngày ấy. Ở báo Tiền Phong cũng như ở báo Hải Phòng, tôi đều nhận được bài anh gửi tới. Chuông bảo:
- Nhà nuôi ba con lợn. Thóc từ khi khoán hộ là thừa ăn.
Lương hưu của Chuông ở phố thì gay chứ ở quê là được. Tháng chỉ hết hai mươi nghìn tiền gạo. Rau cỏ không phải mua. Chỉ thỉnh thoảng mua tí cá tí thịt thôi. Thế là cuối cùng tôi cũng về được nhà Chuông.
Chuyến đi dự định từ lâu nhưng mãi tới mùa đông năm nay mới thực hiện được. Cuộc gặp lại Chuông là cuộc gặp lại quá khứ. Với nông thôn ngày xưa, với vườn tược cổng ngõ chẳng rào dậu ngày xưa, với con người mộc mạc, đôn hậu, tết bụng ngày xưa. Bữa cơm thật ngon. Rượu ngang, rau tươi, cơm mới. Đủ mọi chuyện. Chuyện đời chuyện văn chương. Sáng tác. Bè bạn. Và chuyện Nguyên Hồng.
Nghe tôi nói Nguyên Hồng không thể đánh mất bản thảo, Chuông cười tít.
- Có đấy. Nguyên Hồng có đánh mất bản thảo đấy. Nhưng không phải như mấy ông viết lăng nhăng thế đâu. Nó là thế này.
Và Chuông kể:
Hôm ấy bế mạc trại sáng tác. Năm nào tôi không nhớ. Chỉ nhớ là anh được ra tù lâu rồi. Cụ chủ tịch hội kiêm trưởng trại nhận sáng tác của anh em. Đủ cả. Nhất Tuấn ư. Trần Tự ư. Quang Thân ư. Cụ cho tất cả bản thảo vào cái cặp to lắm. Cặp cũ, nhầu, góc không còn mà nó cứ lượn lượn nên trông giống như cái thúng cái. Nguyên Hồng buộc cặp đằng sau xe định về nhà nhưng anh em trại viên cứ kéo cụ đi, thày trò uống với nhau một tý. Ra cửa hàng. Anh nào uống cà phê thì uống. Anh nào uống rượu thì uống. Bữa ấy rất vui. Nguyên Hồng mấy lần đứng dậy định về, nhưng cụ vừa đứng lên, hàng chục cánh tay đã giơ ra nhao nhao:
- Bố phải ở đây với chúng con.
- Làm gì bố vội thế. Hôm nay kết thúc trại. Chúng con đã làm hết sức mình để có bản thảo. Bố mừng cho chúng con tí nữa.
Thế là lại rót rượu. Chắc là cụ say.
Chúng nó cũng say. Khi ra về đã tối mịt. Người nào lên xe người ấy. Về tới nhà cụ mới biết cái cặp đựng bản thảo của toàn bộ trại viên bị mất. Không biết mất từ bao giờ. Cụ hoảng quá đi tìm Nguyễn Quang Thân và cũng chỉ dám nói với Nguyễn Quang Thân thôi. Chả Thân là trại phó. Sáng hôm sau trông cụ sọp đi. Cả cơ quan Hội đã biết chuyện cụ Hồng mất bản thảo. Chúng tôi ngồi ở cái phòng to trong trụ sở Hội bây giờ. Nguyên Hồng cứ lắp bắp:
- Tê tê te te te tôi tôi tôi...
Cụ không nói được, mà cũng không biết nói thế nào.
Tất cả chúng tôi kể cả cô Phấn, cái Hiền chỉ biết ngồi im lặng. Cái Hiền khi ấy còn sống. Nó nhận cụ Hồng là bố nuôi. Chỉ có tôi vốn dĩ chẳng coi cái gì là quan trọng, tôi nói để động viên cụ:
- Mất cũng được. Cái thứ văn chương mách qué ấy mà.
Chẳng ai cười trước câu nói của tôi. Ai cũng nghĩ:
- Làm thế nào bây giờ? Câu hỏi ấy hẳn cụ nghĩ suốt đêm qua. Cụ Hồng ngồi, mắt nháy nháy, chớp chớp. Khi cụ lo là mắt cứ nháy. Rồi lại nuốt nước bọt khan. Đang ngồi như nhà có đám thế thì một người đi vào. Xem nào. Tôi còn nhớ rất rõ. Gầy cao, người hơi xanh, đi dép lê. Cứ đứng giữa nhà, tay đút túi quần ngơ ngáo:
- Đây có phải Hội văn nghệ không nhỉ?
Đang nẫu ruột, không ai thèm trả lời. Lại còn hỏi trống không như thế. Mãi sau cái Hiền mới sẵng giọng.
- Hội văn nghệ đây. Nhưng anh hỏi ai?
- À tôi đến có việc.
Người ấy khinh khỉnh nhìn lướt một lượt chúng tôi, nói một cách dửng dưng:
- Chả là tối hôm qua đi chơi phố. Vớ được một cái cặp. Giở ra toàn văn thơ.
Tất cả chúng tôi giật mình nhìn anh ta. Nguyên Hồng từ lúc đến Hội cứ nhìn xuống đất, thỉnh thoảng mới nói một tràng te te te tê tê tôi tôi..., bỗng như có điện giật.
Cụ ngẩng lên. Nhìn. Vê râu mép. Ấn chòm râu cằm vào tận dưới hàm, toè nó ra rồi lại xoắn nó lại.
Người khách tiếp:
- Không biết có phải ở đây đánh mất không?
Nguyên Hồng không nói được. Vẫn là cái Hiền nhanh nhảu:
- Vâng. Đúng là của chúng tôi. Anh làm ơn cho chúng tôi xin lại.
Nó đứng dậy, kéo ghế, nở nụ cười lịch sự, hiếu khách nhất trên đời, mời anh ta ngồi. Nhưng anh ta vẫn đứng, cười khẩy:
- Đâu lại dễ như thế được.
Và khẳng định những hiểu biết của mình về văn học:
- Thơ văn bây giờ đắt lắm.
Kể đến đây Chuông cười phá ra. Tôi cũng cười.
Chúng tôi cười đau cả bụng. Tôi nói gần như rên rỉ:
- Nó lại quá hiểu biết về giá trị thơ văn. Thế mới chết. Các bố không thể bịp được nó.
Chuông xuýt xoa.
- Bây giờ mới được cười chứ lúc ấy chúng tôi cố bấm bụng để khỏi cười trước cái giá ấy của văn thơ.
Ông khách nói rõ ràng:
- Các anh phải mang tiền đến chuộc.
Chúng tôi hoảng. Phải chuộc. Bao nhiêu. Tiền đâu.
Nhưng hoá ra anh ta biết giá trị thực của văn thơ. Chỉ giơ cao đánh khẽ thôi.
- Đúng năm mươi đồng. Có thì đi theo tôi ngay bây giờ.
Năm mươi đồng. Một tháng lương cán sự 1, ngày ấy ít thôi. Nhưng cũng là gay go.
Phải công nhận Nguyễn Quang Thân rất láu. Nó chỉ tay vào cụ:
- Giới thiệu với anh, đây là nhà văn Nguyên Hồng.
Đến lượt anh chàng kia quay phắt lại, nhìn chằm chằm vào Nguyên Hồng như không tin lời giới thiệu của Thân:
- Bác là nhà văn Nguyên Hồng?
Nguyên Hồng lúc ấy ngồi rất ngay ngắn:
- Te te tê tê tê tôi tôi là Nguyên Hồng. Tôi là người đánh mất cặp bản thảo hôm qua.
(Chuông bắt chước rất tài. Đúng là khi xúc động Nguyên Hồng hay nói lắp).
Người khách thay đổi hẳn thái độ, thay đổi hẳn giọng nói. Anh chắp hai tay lễ phép:
- Cháu rất kính trọng bác.
Và nhìn tất cả mọi người, trịnh trọng tuyên bố:
- Nếu cặp thơ văn của bác Nguyên Hồng thì chỉ phải chuộc mười đồng thôi.
Quá đẹp. Chẳng phải cò kè, mặc cả gì nữa. Nguyễn Quang Thân đưa mắt cho cô Phấn, thủ quỹ. Cô Phấn nhanh nhẹn lên gác
- Nào, ai đi chuộc bản thảo thì theo tôi lên lấy tiền nào.
***
Cái lần Thi Hoàng, Đoàn Min, Chu Văn Mười, cùng một số anh em khác trong Hội văn nghệ Hải Phòng về Kênh Giang thăm Chuông, tất cả cũng ngồi lên cái giường tôi đang ngồi. Là cái giường đẹp nhất, nó như một thứ xa-lông tiếp khách và được đặt ở góc nhà sáng nhất, cạnh hai ô vuông khoét giữa tường đất làm hai cửa sổ, nhìn qua đó ra ngoài thấy một mảnh vườn xác, một đống rơm gầy, một khóm chuối tướp lá và một cây bạch đàn khẳng khiu. Thi Hoàng kể lại:
- Đang ngồi, tự nhiên tôi thấy hạ độ cao. Tôi thấy mình đang xuống thấp dần. Cúi nhìn thì ra cả bốn chân giường cùng lún.
Trên cái giường ấy, tôi chỉ thấy hạ độ cao khi ngồi ở phía chân giường. Vạch chiếu lên mới biết giát giường làm bằng những nan tre nhỏ ken như một thứ mành mành bị võng xuống.
Đoàn Min nói rằng ở nhà Nguyên Hồng cũng có một cái giường tiếp khách như vậy. Giường đối ngoại của ông Hồng đấy ông Min ạ. Chị Nguyên Hồng nói với Đoàn Min khi thấy Min đứng ngắm tấm vải trải trên chiếu. “Giường đối ngoại của ông Hồng” có bốn chân trụ, kiểu cổ lắm rồi, giát tre. Trên giải chiếu có phủ một tấm thổ cẩm. Khách trong nước, khách quốc tế đều nghỉ ở đó. Ni-cu-lin (Nhà nghiên cứu văn học Liên xô) đã ngồi trên giường nhìn Nguyên Hồng bày xôi rượu lên bàn thờ thắp hương, xuýt xoa khấn vái và sau đó cùng Nguyên Hồng ăn uống món xôi rượu đã dâng lên tổ tiên ấy.
Đoàn Min bỗng phát hiện ra nhà Nguyên Hồng chẳng có thứ đồ mới nào gọi là được. Xa-lông tiếp khách không. Giường thì như vậy. Thậm chí tủ sách cũng chỉ có một cái đã mọt quá rồi! Về Hải Phòng, anh đề xuất với cơ quan và thành phố: Trang bị một bộ tủ giường xa-lông cho Nguyên Hồng trên Yên Thế. Ý kiến anh được tất cả tán thành. Chỉ có một mối lo: Phải chờ lâu vì đây là mặt hàng đột xuất, không nằm trong kế hoạch. Min lên xí nghiệp gỗ quốc doanh: ông giám đốc nói:
- Ai chứ nhà văn Nguyên Hồng thì không phải chờ. Ông về viết séc đi. Lấy hàng luôn.
Đoàn Min và Thi Hoàng xe tủ tạng bàn ghế ngược Yên Thế. Đêm ấy Nguyên Hồng “mở tiệc khoản đãi”. Có rau xào, thịt gà, rượu.
Cứ theo Min nói thì giường đối ngoại của Chuông không chắc chắn bằng giường đối ngoại của Nguyên Hồng. Nhưng lại đẹp hơn. Đóng kiểu giường hộp, mô đéc. Giường đối ngoại của Nguyên Hồng thực chất là cái chõng tre, trải vải.
Thấy tôi cứ rón rén trên giường, Chuông cười:
- Giường chắc ra phết đấy. Cháu nó tự đóng. Không việc gì đâu.
Rồi lại bảo:
- Anh sang thăm, tôi mừng lắm. Lúc nào rỗi lại về nhé. Từ nay đến lúc chết tôi không sang Hải Phòng nữa.
Tôi hơi ngạc nhiên về lời tuyên bố ấy của Chuông.
Từ Kênh Giang sang Hải Phòng chỉ khoảng mười cây số đường nhựa thẳng tắp. Lại nhớ lúc mới vào nhà Chuông, thấy anh đang nằm bò viết trên cái giường một kê ở góc tối nhất của căn nhà. Mới bước vào chỉ thấy một đống xam xám gù gù nằm phủ phục. Ở góc tối nhá nhem ấy, Chuông viết ngày này sang ngày khác. Tôi không được đọc bản thảo của anh nhưng những gì anh đã in đều thấm đậm không khí một vùng quê bình lặng, những gì tôi được đọc của anh đều rất có hồn. Tiếng chim tu hú. Quả vải rụng, ông lão coi vườn cho các cô gái mới lớn. Con tôm mà con vạc đánh rơi từ trên cao xuống cổ áo chú bé ngồi trên đò ngang sang sông cùng mẹ và bố dượng...
Ngoài bốn mươi tuổi, đột ngột về hưu, tránh mọi sự giao tiếp, tới nay ngoài năm mươi, chưa một lần trở lại Hải Phòng, anh sống như một người ẩn dật. Anh sợ người lạ sợ đám đông. Hình như anh mắc phải căn bệnh sợ người ta hãm hại, bước khởi phát thứ bệnh trong Nhật ký người điên của Lỗ Tấn, “con chó nhà mụ Triệu sao chiều nay cứ lườm mình mãi thế”. Và tôi ngờ rằng Nguyên Hồng cũng có tiền đề của bệnh ấy, bệnh sợ người ta hãm hại, sợ con chó nhà mụ Triệu lườm tuy có những lần anh đã vùng lên chống lại.
Nguyễn Quang Thân kể chuyện một hôm Nguyên Hồng lại nhà Nguyễn Quang Thân ăn thịt chim chèo bẻo thuôn hành răm. Chủ nhân đích thân làm bếp. Thân vốn là người nấu ăn khá. Khi Thân từ bếp bước lên thì Nguyên Hồng đã bê chai rượu trên nóc tủ xuống và đã uống quá nửa. Chiếc máy âm ghi đặt trên chiếu vọng ra bài hát Thiên Thai. Nguyên Hồng ngồi xếp bằng trước máy đang khóc nức lên: “Su-be, Mô-da cũng chỉ đến thế này! Cũng chỉ thế này! Bất công quá! Bất công với thằng Văn Cao quá?” Nguyễn Quang Thân để hai tay lên môi: “Suỵt! Khẽ chứ!” Nguyên Hồng đã khùng lên: “Nói thì nói. Sợ đ...gì”.
Nhưng sự vùng lên ấy thật hi hữu.
***
Ai cũng biết trong thập kỷ 70, Thi Hoàng là người được Nguyên Hồng rất mến yêu. Một hôm, Nguyên Hồng gọi Thi Hoàng vào phòng mình uống rượu. Anh móc trong cặp ra gói thịt chó, theo nhận xét của Thi Hoàng, ăn thừa từ hôm trước.
- Thịt chó để từ hôm trước đến hôm sau ăn vẫn tốt thôi.
Thi Hoàng nghĩ vậy..
Bữa rượu giữa hai bố con và chỉ có hai bố con thật vui. Đó là một cặp bạn vong niên tương đắc. Thậm chí Nguyên Hồng đã có ý định tác thành hôn nhân giữa Thi Hoàng với con gái mình, cô Thanh Thư, khi đó đang sống ở Cầu Tre. Anh đã nhiều lần dắt Thi Hoàng về căn hộ Cầu Tre đó, giới thiệu với con gái. Cô con gái nhà văn nổi tiếng chuyện trò với nhà thơ trẻ rồi xuống bếp làm cơm ba bố con cùng ăn. Nhưng việc không thành. Giữa hai bạn trẻ không phát sinh dòng điện...
Uống rượu, nói chuyện về rượu về say ở ngoài đời, về rượu về say trong văn chương. Bốc lên, Nguyên Hồng đọc Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ:
Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình rót uống chẳng hề say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài mặt đỏ sậm.
Nay một mình ta một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von.
Và:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút nói văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiệt,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh!
Thi Hoàng choáng váng trước bài thơ “viết rồi hãy còn say” (*chữ của Nguyễn Vỹ đề dưới bài thơ Gửi Trương Tửu) ấy. Lần đầu tiên anh được biết, còn trước đây anh chỉ nghe nói đến nó. Dễ hiểu thôi. Quyển Thi Nhân Việt Nam có in toàn bộ bài Gửi Trương Tửu cho đến năm 1987 vẫn bị coi là quyển sách cấm, ngay các trường đại học cũng không có, phải đánh máy và in rô-nê-ô, chuyền tay nhau đọc vụng.
Nguyên Hồng khóc như mỗi khi xúc động:
- Thế mới là thơ. Thế mới là say con ạ?
Thi Hoàng bật dậy:
- Con đi lấy giấy. Bố đọc cho con chép bài này.
Anh chạy đi và trở về với tờ giấy, rút bút nhìn Nguyên Hồng, chờ đợi.
- Bố đọc đi.
Câu trả lời của Nguyên Hồng làm Thi Hoàng ngơ ngác.
- Tao quên hết rồi.
Thi Hoàng hẫng. Thi Hoàng buồn. Nhưng Thi Hoàng hiểu và thông cảm với người suýt nữa trở thành nhạc phụ của anh. Thời ấy thật gay go. Cứ có ai đi Hà Nội về là tất cả xúm lại. Chuyện. Hỏi. Nghe. Xem có gì mới không. Hy vọng. Chờ đợi...
Nhưng dù sao Thi Hoàng cũng buồn.
Tôi yêu những vần thơ sau của Thi Hoàng:
Ngồi gãi lưng dưới bóng cây
Làm lụng mệt bã ra và ngáp
Trước mặt không có ai thì hạnh phúc vô cùng.
Không hiểu sao... Ảnh cha trên bàn thờ nhìn mình
căm giận thế.
Có hai câu thơ của anh được người ta nhắc tới rất nhiều, bình luận rất nhiều:
Trời thì xanh như rút ruột mà xanh
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc
Về hai câu thơ này tôi lại nghĩ đến một khía cạnh khác, ngoài những điều các nhà phê bình đã viết: Có một cái gì giống nhau giữa Thi Hoàng và Nguyên Hồng. Cái đẹp hết mình của Thi Hoàng là cái đẹp rút ruột, vặn mình, cái đẹp phải trải qua đau khổ, còn với Nguyên Hồng, Vương Trí Nhàn đã nói rất chính xác rằng “ông hiểu, sau hết, đau khổ còn là vẻ đẹp nữa”.
Có lẽ vì sự gặp nhau ấy mà khi Thi Hoàng còn ở Sở văn hoá, Nguyên Hồng đã chú ý đến anh. Thi Hoàng là người duy nhất ở Hội văn nghệ Hải Phòng được Nguyên Hồng - một người không bao giờ chú ý tới sự ăn mặc của mình - quan tâm đến sự ăn mặc
- Mày chỉ có mỗi cái quần thôi hở con. Để bố cho một cái. Con trai phải ăn vận cho nó đàng hoàng.
Cái quần Nguyên Hồng cho, Thi Hoàng mặc cũng tạm gọi là vừa. Quần áo không phải may đo, thế là đã khá lắm. Một cái quần xi màu nâu nhạt, thuộc loại sang trọng thời đó. Thi Hoàng mặc đi làm. Không ai biết lai lịch cái quần ấy. Chính Thi Hoàng cũng không biết. Không phải quần của Bố.. Bố không may loại quần đắt tiền này. Bố người to, cái quần này nhỏ. Cũng may Thi Hoàng người nhỏ nhắn, mặc vừa.
Ba hôm sau, cô con gái Nguyên Hồng đến Hội văn nghệ tìm bố. Cô con gái mà Nguyên Hồng có ý định tác thành cho Thi Hoàng nhưng chuyện không thành. Cô gái cứ nhìn cái quần Thi Hoàng đang mặc và quay đi cười. Thi Hoàng hiểu. Chờ lúc chỉ có hai người, Thi Hoàng quát hỏi Nguyên Hồng:
- Bố lấy quần cái Thư, bố cho con phải không?
Bố Nguyên Hồng không trả lời. Còn con Thi Hoàng cũng không mặc cái quần ấy nữa. Thà nhất bộ, con Thi Hoàng không mặc cái quần ấy nữa.
***
Tôi bị bắt tù năm năm. Năm năm, tôi không còn là tôi Tôi là một con số: CR880. Thật không ngờ mình lại phải ở trong tù lâu như vậy.
Trước khi bị bắt, tôi đã bị gọi lên 176 Trần Phú (nay là Nguyễn Đức Cảnh) thẩm vấn nhiều lần. Cánh cửa nhà tù mở ra trước mắt tôi. Tôi đã ngửi thấy cái hơi lạnh lẽo, ghê rợn của nó.
Một lần thẩm vấn xong, để dịu thần kinh, tôi ghé vào một hiệu sách bên bờ sông Lấp. Dạo ấy thái độ của tôi đối với sách có khác bây giờ. Dạo ấy tin hơn. Quý hơn. Tôn trọng hơn. Đứng trước những quyển sách bao giờ cũng thấy lòng mình thanh thản lại. Tôi sững sờ. Cơn bão đã đến (tập tiếp theo Sóng gầm, trong bộ Cửa biển) của Nguyên Hồng với cái gáy dày cộp bày bán ở chỗ trang trọng nhất trong tủ kính hiệu sách.
Tôi bị giáng một đòn nặng. Sách của anh xuất bản từ bao giờ mà anh không gửi tặng tôi.
Anh đã rời xa tôi.
Tôi nhận thức được tất cả tình hình nghiêm trọng mình đang lâm vào. Tôi cũng thấy thêm được một nét buồn nữa của cuộc sống.
Chưa bao giờ tôi thấy mình cô đơn như vậy.
Tôi trở về nhà lòng nặng trĩu. Căn buồng vắng. Vợ tôi đang học ở trường đại học. Các con tôi sơ tán ở quê với bố mẹ tôi. Một mình tôi trơ trọi. Không một người bạn nào ở bên tôi. Các bạn trên Hà Nội cũng đã có một số lao đao. Những người còn lại xa cách quá.
Tôi nghe rõ tiếng của im lặng.
Tôi hiểu mình phải làm gì. Điều trước tiên là không được để liên luỵ tới bạn bè.
Thế là tất cả các thư từ đều được đem ra đốt. Dưới bếp nhà anh chị tôi, vắng vẻ. Tôi nhớ là mùa nắng hanh. Những bức thư bắt lửa. Đây mới thật là lễ hiến tế... Tôi đưa từng lá thư vào lửa. Khuôn mặt của từng người bạn hiện ra trong ngọn lửa lem lem. Tôi và Nguyên Bình cùng im lặng. Không ai nói một lời trong suốt lễ hoá vàng. Không cả tiếng thở dài nữa. Mãi gần đây khi sưu tầm những tài liệu về Nguyên Hồng để viết, nhớ lại những bức thư vô giá ấy, tôi thú thật với một người bạn trẻ rằng tôi đã đốt đi nhiều thư, trong đó có những bức thư của Nguyên Hồng. Người bạn trẻ kêu lên:
-Anh đã phạm tội ác. Một tội ác đối với văn hoá. Một tội ác không thể tha thứ được.
Đúng là tôi đã phạm một tội ác. Nhưng tôi vẫn xin tha thứ. Hãy hiểu cho tôi. Tôi đã lang thang nhiều trại, nhiều năm tháng...
Khi ở tù ra, lục tìm những kỷ niệm cũ, may mắn sao vẫn còn một bức thư của Nguyên Hồng sót lại. Bức thư anh gửi cho tôi khi anh đi cùng đoàn khảo sát Sông Đà, viết đằng sau một tấm bưu ảnh Liên xô, mặt trước in hình một ga tầu điện ngầm Mạc Tư Khoa, mặt sau kín những nét chữ “to đậm, gẫy góc” “những dòng chữ xô vào nhau gập ghềnh lên xuống”.
Đoàn khảo sát Sông Đà ngày 31.12.1962
Anh Tấn, chị Tấn và các cháu mến
Mấy tháng nay không xuống được Hải Phòng, không được có dịp ngủ vạ một đêm ở nhà anh chị, không được làm phiền chị lúc đã khuya với các bữa ăn ồn ào thói quen của tôi, tôi rất nhớ anh chị và các cháu.
Có lẽ chị Tấn lại khoẻ như thời con gái sau chuyến ở cữ này. Giáng Hương em hay tiểu Dã Tượng, Yết Kiêu đây? Nhà tôi cũng đang giở dạ đấy. Có lẽ sau chuyến đi này về, tôi đến cửa nhà thì được nghe tiếng con bé khóc đây, cũng như tôi sẽ đến nhà anh Tấn, chị Tấn rất hồi hộp khi bước lên thang gác vậy.
Ra giêng này nếu công việc thu xếp để lập chi hội Văn nghệ Hải Phòng xong thì tôi xuống ít tuần. Sau đó tôi trở về Yên Thế viết, cố có sách mới để tặng các bạn, để có hàng tốt, hàng đúng trả nợ cuộc sống. Và tôi cũng mong Tấn sớm có sách để trả nợ chị Tấn là người mà anh Tấn vay nợ nhiều nhất.
Tôi có gửi tặng anh chị số Văn Học ngày 23.12.62, chắc anh chị nhận được rồi. Chúc trước anh Tân, chị Tấn một tết vui, dù khó khăn đến đâu cũng vui, hạnh phúc là thêm sung sướng được sống và làm việc.
Nguyên Hồng.
Ngoài bức thư viết trên mặt sau tấm ảnh có tính chất chúc mừng năm mới này, tôi còn tìm thấy cái phong bì mà Nguyễn Tuân vẽ lên cốc rượu với dòng chữ À votre santé monsieur Nguyên Hồng! Và những dòng anh ghi những việc phải làm trước khi đi công tác mà tôi đã nói ở phần trên. Chiếc phong bì có vẽ cốc rượu và dòng chữ của Nguyễn Tuân này đã được công bố trên tạp chí Cửa Biển và tập sách Nguyên Hồng - Cát bụi và ánh sáng. May mắn làm sao vẫn còn hai kỷ vật ấy. Đọc thư Nguyên Hồng tôi sống lại tất cả. Và tôi đã nhiều lần nguyền rủa tôi về chuyện đã đốt đi những bức thư mà tôi không thể nhớ được nội dung, những bức thư ngày ấy tôi đã biết hết giá trị của chúng và có lần tôi đã bảo Nguyên Bình:
- Tao sẽ nổi tiếng vì những bức thư này. Tao sẽ viết hồi ký...
Nguyên Hồng đi đâu cũng viết thư về cho tôi và có thể cả quyết rằng Nguyên Hồng qua những bức thư gửi cho tôi chân thực và sống động, riêng biệt rất nhiều.
Đó không phải là những bức thư công việc.
Đốt thư xong, tôi và Nguyên Bình rủ nhau đi uống cà phê. Biết “có đuôi”, nhưng chẳng cần gì nữa. Thế là hết. Bất cần đời. Lo lắng cũng vậy thôi. Cái gì đến sẽ đến. Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối (thơ Xuân Diệu), phút huy hoàng của chúng tôi là ngồi im lặng ở một góc quán cà phê Bích Thuỷ phố Hoàng Văn Thụ như nhởn nhơ lắm trước mắt người trinh sát. Vẫn chưa thể nói được cùng nhau. Sự mất mát là quá lớn. Sự mất mát sắp tới là những gì, chúng tôi không biết được.
Tôi không trách Nguyên Hồng về chuyện anh không tặng tôi sách. Tôi biết anh là người yêu quý vợ chồng tôi. Tôi biết anh là người thuỷ chung đôn hậu. Tôi thương anh. Tôi thương tôi. Mỗi chúng ta đều đáng thương. Anh đã vướng nhiều chuyện lôi thôi. Anh tránh tôi, buộc phải tránh dù lòng anh không muốn. Chúng ta có mấy khi được là chúng ta đâu.
Mới đây khi bắt tay viết tập sách này, vợ chồng tôi có ôn lại những kỷ niệm về anh. Đây là những điều vợ tôi nói:
- Đêm, em đi rán trứng cho anh với bác, bác lấy hành trong làn của bác ra. Bác nhai hành buồn cười lắm. Như là nhai bằng cả hàm ấy.
- Có lần bác đến, bác phơi quần đùi, cái quần đùi nâu, giải rút ngay ở lan can gỗ chỗ mình vẫn vắt khăn lau nhà ấy. Nước chảy tong tong, em lại đem vắt lại rồi phơi ra ngoài giây.
- Anh đi rồi. Ở nhà em đi làm dọc đường Hồng Bàng. Dạo ấy Hội Văn nghệ còn ở đường Hồng Bàng. Một ngày đi đi về về bốn lần qua trụ sở Hội. Lại càng nhớ anh, thương anh. Có lần đi qua cửa Hội, thấy bác Nguyên Hồng ngồi trong, nhìn ra cửa. Lại có lần gặp bác đi ngược chiều, không biết bác có nhìn thấy em không. Giá như trước đây, em đã gọi...
Tôi như nhìn thấy một thời đã mất. Tôi như nhìn thấy Nguyên Hồng còn sống, anh đang dựng Cún ở hành lang, lên thang và đứng trước cửa nhà tôi, chòm râu thưa, nụ cười gặp gỡ thân thiết và tươi tắn...
Ngày ấy phải sau năm năm tôi mới gặp lại anh. Năm năm đối với những người bình thường, mỗi năm được tính bằng một vòng quả đất quay chung quanh mặt trời. Với tôi năm năm ấy là vô tận, năm năm ấy là một kiếp. Khi tôi ở tù ra, Nguyên Hồng lại đến thăm tôi. Cơn bão đã đến và cơn bão đã qua rồi. Anh với tất cả dáng vẻ quen thuộc lại ở trong căn buồng sóng gió của tôi.
Nhìn anh, tôi cười.
Nhìn tôi, anh khóc.
===

No comments: