Wednesday, November 26, 2008

MỘT THỜI ĐỂ MẤT * 2

==


Một thời để mất


1.




Tôi có thể khẳng định một điều là trong những năm tháng tốt đẹp ấy, lần nào về Hải Phòng, Nguyên Hồng cũng lại nhà tôi. Tôi nghĩ do nhiều nguyên nhân. Có thể anh quý mến vợ chồng tôi. Anh tìm thấy ở tôi một người đối thoại thuộc một thế hệ khác mà anh cần tìm hiểu. Vợ tôi lại sẵn sàng vui vẻ dọn một bữa rượu xoàng xĩnh để anh vui. Có thể vì chúng tôi ở riêng, hai vợ chồng làm chủ một căn buồng thoáng mát rộng hơn hai mươi mét vuông, mà anh lúc nào cũng là thượng khách. Có thể anh thấy tôi viết lách cũng tàm tạm, bè bạn tôi là những người đối thoại được cùng anh. Dạo ấy Nguyên Hồng vừa mất chức chủ bút tuần báo Văn mà Nguyễn Công Hoan làm chủ nhiệm. Sau Nhân văn, có hai người được tin tưởng sang trấn giữ hai cửa ải quan trọng nếu không nói là quan trọng nhất: Hà Minh Tuân làm giám đốc nhà xuất bản Văn Học, Nguyên Hồng làm chủ bút báo Văn, cơ quan của Hội nhà văn. Thuở ấy nào tôi đã biết gì . Tôi chỉ biết báo Văn có nhiều lệch lạc. Đăng Nhật ký người mẹ của Lê Minh, Một giọng đàn một dòng sông của Hoàng Yến, Lời mẹ dặn của Phùng Quán, Xiếc khỉ của Quang Dũng, ông Năm Chuột của Phan Khôi. Cả truyện Đống máy của ai đó nói máy móc để rỉ, để hỏng hàng đống ngoài trời?
Một tờ báo lớn đã nói rất hình ảnh: Trước chữ Văn, ta thấy chữ Nhân ló ra. Rất tình cờ may mắn, trong khi lục những tài liệu liên quan đến Nguyên Hồng, tôi tìm được một tập sách xuất bản từ năm 1957 (Nguyễn Đình Thi - Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn hoá, 1957) nói rất kỹ những sai lầm của báo Văn và của Nguyên Hồng. Xin trích:
Trên báo Văn, một bài của Nguyên Hồng viết trả lời Thế Toàn đã nêu lên một số phương hướng của tờ báo. Nguyên Hồng viết “Con người thời đại không phải là một hình ảnh khổng lồ vẽ ra. Phản ánh con người thời đại xây dựng con người thời đại không phải là dệt con người thành một trái tim khuôn sáo, dập xương thịt, tâm hổn và trí tuệ mọi người trong những cái trống rỗng, công thức, một chiều và máy móc. Vẫn sôi nổi như thế Nguyên Hồng đã nói về ý thức con người thời đại như sau: “Sự sáng suốt, khoa học của thức con người thời đại là ngay cả trong những hình thái sinh hoạt bình thường của cuộc sống cũng gạn chắt được những nét đậm đà thắm thiên, rút ra được ý nghĩa làm cho cuộc sống phong phú hơn, cần phải bảo vệ hơn, cần phải xây dựng tốt đẹp thêm”.
Tới đây chúng ta đã đi vào chính giữa vấn đề. Trước hết tôi không thấy lúc nào Nguyên Hồng đặt ra câu hỏi: Con người mới của thời đại là ai? Mà đây là vấn đề quyết định tất cả. Chắc rằng tác giả Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, và tác giả Địa ngục, Lò lửa đồng ý với tôi như vậy.
Con người, theo quan điểm của chúng ta, trước hết là con người lao động. Tất cả đời sống vật chất và tinh thần của nó là do lao động tạo nên. Con người của thời đại chúng ta hiện nay là con người lao động mới, con người lao động lần đầu tiên đứng lên làm chủ đời sống, rũ bỏ tất cả những gì ăn bám vào lao động và trói buộc lao động, giải phóng cho sức lao động vô cùng của loài người về vật chất và tinh thần. Ý thức của con người. mới ấy trước hết là ý thức lao động chủ động và tự giác, là ý thức luôn luôn sáng tạo, là luôn luôn phân đấu để thay đổi đời sống chung quanh từ cái lớn đến cái nhỏ, làm cho đời sông tốt đẹp hơn, “người” hơn. Ý thức của con người mới là lòng yêu cuộc sống, yêu đờí nước do lao động tạo nên, là lòng tin ở khả năng vô cùng của lao động và của những người lao động, và đó là ý thức cách mạng.
Gạn chắt trong sinh hoạt bình thường những nét đậm đà thắm thiết, con người mới của ta rất quý. Điều đó rất trân trọng với mỗi cái đẹp của chính mình làm ra, nhưng trước hết con người ấy xắn tay làm việc để giành lấy sự sống và nhào nặn cuộc sống cho đẹp hơn, tốt hơn. Và theo tôi, nếu không góp sự khó nhọc của mình vào với mọi người để xây dựng cuộc sống mà chỉ ngồi gạn chắt lấy những nét đậm đà thắm thiết của cuộc sống không thôi thì đó lại là cách sống của bọn ăn bám cũ.
(...) Gạn chắt trong sinh hoạt bình thường những nét đậm đà thắm thiết, Nguyên Hồng nói như thế và đã lầm vì đó mà khen ngợi đề cao cả những sáng tác biểu hiện một con người không lao động phấn đấu mà chỉ đi tìm cách gạn chắt trong những sự ăn mặnc, ngủ, yêu đi chơi, giao thiệp với bè bạn, đối xử với vợ con v.v... đủ thứ ý nghĩa hoặc nét đậm đà thắm thiết nào, con người đi gạn chắt ấy cũng không thể tìm thấy những nét, những ý nghĩa thực và lớn của đời sống được, mà xét đến cùng nó chỉ tự rút ruột ở sự gạn chắt “tâm hồn”, “xúc cảm” riêng lẻ nhỏ bé của nó mà thôi. Đó là con đường nghệ thuật nào nếu không phải là con đường nghệ thuật cũ, rất cũ? Tôi không thể công nhận sự định nghĩa của Nguyên Hồng về con người thời đại và ý thức con người thời đại, vì nó đã bỏ quên mất cái gốc của đời sống nghệ thuật. Nó lập lờ bào chữa và che giấu cho khuynh hướng tách rời lao động và những con người lao động, tách rời cuộc đấu tranh cách mạng và quần chúng cách mạng, tách rời cái sự thực và ý nghĩa căn bản nhất của đời sống con người. Chính cái quan niệm lẫn lộn của Nguyên Hồng là chỗ nấp cho cái khuynh hướng đang làm cho khá nhiều sáng tác đăng trên báo Văn đi trệch đường”.
Xin bạn đọc lượng thứ cho tôi vì những dòng trích dẫn khá dài này. Tôi muốn thanh minh cho Nguyên Hồng về việc anh quyết định bỏ tất cả, rời gia đình về Yên Thế.
Rất nhiều người sau khi lên ấp Cầu Đen (Yên Thế) thăm anh và sau khi anh mất, thăm gia đình anh, đều thương cảm về cuộc sống nghèo khó của gia đình anh. Đoàn Min, Thọ Vân mang tiền nhuận bút tái bản Bỉ vỏ lên. Cảnh nhà anh lại càng heo hút vì anh đã qua đời. Hai người ngồi chờ trong cảnh hoàng hôn của một vùng quê, cho tới khi con dâu anh về.
Tôi đã nghe nhiều người nói về sai lầm của anh khi anh đưa vợ con từ bỏ Thủ đô về Yên Thế. Nhưng tôi hiểu được anh, hiểu cách xử sự của anh trong lúc đó. Một cách xử sự của kẻ sĩ mà thế hệ chúng tôi rất ít được chứng kiến và gần như không còn nữa.
Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài có thuật lại những ngày sóng gió ấy của Nguyên Hồng. “Nguyên Hồng ôm một chồng báo Văn từ số 1 đến các cuộc họp được tổ chức để phê phán anh. Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói:
- Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần, tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó... thế thì làm sao tôi lại có thể sai... Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng... Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể...
Như người ốp đồng, không biết dường còn tỉnh hay đã mê. Nguyên Hồng để một tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mân mê xót xa vuốt mép báo”(Tô Hoài - Cát bụi chân ai).
Hết lòng vì báo thì không thể mắc sai lầm. Đúng là lý lẽ cùng đường. Nhưng có một điều Nguyên Hồng nói đúng: Anh đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng, anh đấu tranh chống sự sáo rỗng một chiều, máy móc, anh muốn mọi người yêu cuộc sống từ những nét bình thường nhất của nó. Anh muốn báo Văn phản ánh chân thực xã hội, không chỉ có ánh sáng mà còn bóng tối.
Báo Văn đóng cửa. Nguyên Hồng mất chức. Nguyên Hồng đã đi đến một quyết định ghê gớm: Chuyển tất cả gia đình từ Hà Nội về Nhã Nam. Nguyên Hồng nói với Tô Hoài: “Ông đéo chơi với chúng mày nữa. ông về Nhã Nam”.
Ở Hà Nội Nguyên Hồng đã có nhà. Vợ anh đi làm cho Nhà nước, ở hiệu sách Nhân dân. Các con anh đang học tại các trường Hà Nội. Gia đình đang được hưởng toàn bộ tem phiếu cung cấp. Rời Hà Nội là mất tất cả. Sau này khi quen Nguyên Hồng, biết được sự túng bấn ám ảnh anh, mang máng đoán được cuộc sống khó khăn của vợ anh, một phụ nữ gầy yếu, đàn con tuổi học trò xoai xoai trứng gà trứng vịt của anh, hơn một lần nghe anh thổ lộ niềm ao ước có sổ gạo cho cả gia đình, tôi vừa thương, lại cũng vừa trách anh. Nhưng tôi kính phục hành động ấy
Trong tập Nguyên Hồng - Cát bụi và ánh sáng có mục Niên biểu Nguyên Hồng sưu tầm rất công phu, chi tiết, năm nào bố mất, mẹ đi bước nữa, năm nào gặp Như Phong, gặp Tô Hiệu, năm nào phụ trách báo Văn, năm nào về thăm quê Nam Định... nhưng theo tôi, thiếu mất một điểm quan trọng, cần phải bổ sung đó là năm nào Nguyên Hồng rời cả gia đình từ thủ đô về Yên Thế. Nếu đó không là cái mốc quan trọng đối với nhà văn thì cũng mang một ý nghĩa về mặt quản lý kinh tế mà hiện nay chúng ta rất quan tâm. Nguyên Hồng, bằng hành động của mình, một cách không tự giác, là nhà văn chống bao cấp đầu tiên ở nước ta.
***
Vợ con trở lại ấp Cầu Đen, Yên Thế. Nguyên Hồng về nhà máy xi măng. Anh tìm sự yên ổn, sự động viên, lòng yêu đời, yêu cuộc sống ở nhà máy xóm thợ, ở Hải Phòng, thành phố đã khai sinh ra anh với tư cách nhà văn. Anh về Hải Phòng để nạp thêm năng lượng, chuẩn bị bộ Cửa biển anh hằng ấp ủ và hơn lúc nào hết anh phải thực hiện, bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất của anh và cũng là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất của nền văn học nước ta. Bộ tiểu thuyết của đời anh, bộ tiểu thuyết thẻ Đảng, câu trả lời của anh với những kẻ cơ hội, lời thanh minh của anh về tấm lòng của mình đối với cách mạng.
Hải Phòng đã không phụ bạc anh. Chưa bao giờ Hải Phòng phụ bạc anh. Hải Phòng đón anh với tất cả tấm lòng. Hải Phòng lại tiếp sức cho anh. Chắc chắn những nhân vật trong Sóng gầm, những cụ Ước, cụ Cam, Gái Đen, mẹ La, bố con Dâng... đã được nghiền ngẫm, định hình rõ nét hơn trong thời gian ấy.
***
Cơ quan tôi làm việc khi đó có tên là Hải Phòng kiến thiết. Nhưng những người dân Hải Phòng ít khi gọi đúng tên ấy. Thường gọi tắt: Báo Kiến thiết. Cũng có khi gọi dài, nhưng gọi ngược, Kiến thiết Hải Phòng. Về thói quen thích làm ngược lại những qui định này của dân, chú em họ tôi, một nông dân hay ra tỉnh đã tổng kết rất tài “Dân ta thích làm ngược bác ạ. Chỗ nào đề cấm họp chợ thì họ họp chợ. Chỗ nào đề cấm đái thì họ đái...”
Làm báo Kiên thiết dạo đó rất vui. Vui vì thành phố có phong trào. Nổi lên như sóng cồn là nhà máy cơ khí Duyên Hải với hội thao diễn kỹ thuật đã trở thành “sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, cùng với “gió Đại Phong” trong nông nghiệp, và phong trào “Ba Nhất” trong quân đội trở thành ba ngọn cờ thi đua của cả nước. Người gác đèn biển Phùng Văn Bằng được tôi thể hiện trong một bài ký dài với tất cả lòng yêu mến đăng trên báo Kiến thiết. Bài báo ấy được báo Nhân Dân đăng lại. Anh trở nên nổi tiếng và được tuyên dương anh hùng lao động. Tôi ngồi lia cho xong cái truyện ký về anh theo yêu cầu của Sở văn hoá Hải Phòng, để in cho kịp, có sách ra trong dịp bế mạc đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, thành phố tổ chức lễ đón anh hùng từ Hà Nội trở về. Cái bàn viết của tôi không chỉ có mình tôi. Tôi ngồi đầu bàn bên này. Dương Tường ngồi đầu bàn bên kia. Dương Tường dạo ấy làm phóng viên Việt Nam thông tấn xã, bỏ ra nửa cái phép năm về Hải Phòng viết Thuyền trưởng, truyện ký về anh hùng lao động Hồ Xuân Tuyên, thuyền trưởng một đôi tầu đánh cá. Chúng tôi mặc cả với nhau là không nói chuyện, chỉ được hút thuốc lá và uống chè. Nhưng quy định ấy luôn bị phá vỡ. Thấy Dương Tường tủm tỉm cười một mình và đã mấy lần nhìn tôi, chờ tôi bắt chuyện, đại loại như một câu hỏi: Có cái gì mà thích thế? Là anh sẽ xổ ra những ý nghĩ vừa đến trong đầu hay những dòng mới viết, tôi lại làm ra bộ chăm chú vào bản thảo của mình. Dương Tường buông bút không viết nữa. Anh ngồi thẳng người trên ghế châm thuốc lá, nhìn tôi và vẫn cứ mỉm cười một mình như vậy. Rồi không chịu được, anh giằng bút của tôi:
- Viết gì mà gớm thế. Dễ được năm chục trang rồi chứ ít à? Nghe tý đã. Tao vừa nghĩ ra được đoạn này đây.
Và anh đọc “Anh Hồ Xuân Tuyên ơi? Có thể có những điều tôi đã nói quá lên khi viết về anh. Đấy cũng chỉ là do lòng tôi yêu mến anh mà thôi...” Tường cười phá lên, rất khoái chí:
- Mày thấy không? Tao công khai nhận là tao bịa.
Thỉnh thoảng Nguyên Bình sang. Anh nhìn hai chúng tôi đang chăm chỉ. Lặng lẽ rót nước. Hút thuốc. Rồi đứng giữa nhà, anh gân cổ ngửa mặt lên trời ca vọng cô:
“Em ơi! Ba mươi hai năm, ba mươi hai lố ố ổi chúng đưa lầm lủi ơ ơ ơ ờ ơ ơ. Thời gian như một cái ơ ơ ơ nhìn ơ dà à à àng!
Cả hai chúng tôi đều phải buông bút.
Tôi đứng dậy ca tiếp:
Tôi dẫn phi - tôi, dẫn lạc lối ngoài...
Tường cười phá:
- Tuyệt thật?
Anh đã nhận ra đó là những câu thơ của anh, nói đúng ra là những ý thơ đáu tiên của anh, nó sẽ được hoàn chỉnh và có tựa đề Sinh nhật, mấy chục năm sau in trong tập 36 Bài tình, cùng với Lê Đạt, tập thơ gây khá nhiều dư luận khen, chê:
Em ơi
Ba mươi hai năm
Ba mươi hai lối chân đưa
lầm
lũi
Thời gian như một cái nhìn vàng
Tôi vẫn phi - tôi
vẫn lạc lối hoài trong một im lặng trầm hình đa giác...
Sau này mỗi khi lên Hà Nội, rủ Nguyên Bình tới thăm Dương Tường, hai chúng tôi lại song ca vọng cổ bài này, lần nào cũng được Dương Tường khen:
- Mùi mẫn thật. Mỗi ngày một mùi mẫn thêm lên.
Ngoài Nguyên Bình, còn có Vũ Tín cũng hay sang quấy rối. Vũ Tín là phóng viên nhiếp ảnh, cũng của Việt Nam thông tấn xã, nhưng anh thường trú tại Hải Phòng. Cả gia đình anh sống trong một căn buồng nhỏ ở khu tập thể cơ quan tôi, nghĩa là chỉ cách nhà tôi vài chục mét. Anh mở cửa, mắt lấc lơ lấc láo:
- Ngoài kia bán thịt không phiếu đấy. Ra mua đi.
Tôi vội quay ra:
- Thật không? Ở đâu?
- Ở cổng chợ Sắt cơ. Tớ vừa mua một cân xong. Vội sang đây bảo cậu. Nó chỉ bán cho mỗi người một cân thôi.
Tôi nhìn Tín nghi hoặc. Vẻ mặt Tín nghiêm chỉnh nhất đời.
- Có đông người xếp hàng không?
Tôi vốn rất sợ xếp hàng. Nhưng Tín bảo:
- Lúc mình mua thì vắng thôi. Chắc người ta chưa biết.
Vậy là phải đi ngay. Phải ngừng mọi chuyện văn chương chữ nghĩa lại mà đi ngay. Tôi bảo Dương Tường:
- Ở nhà nhé.
Và xách túi đi. Chỉ chờ có thế, Vũ Tín cười hề hề:
- Gượm đã. Nhưng mà có ăn được thịt chó không đã. Ở đấy người ta bán thịt chó? Thịt chó không phiếu!
Tôi bóp cổ Vũ Tín. Anh giẫy dụa, rên ư ử:
- Bỏ ra. Người ta nói có sai đâu! Đúng là bán thịt không phiếu mà lại!
Câu chuyện thịt không phiếu kết thúc. Nhưng Vũ Tín chưa chịu buông tha. Anh chỉ tay vào Dương Tường, người cùng cơ quan thông tấn xã của anh:
- Anh chàng kia? Có về ngay Hà Nội làm tin đi không? Tôi sẽ báo cáo giám đốc Hoàng Tuấn về anh đấy! Trốn cơ quan xuống đây viết văn hở?
Tôi pha trà mời Vũ Tín nhưng anh không uống:
- Thôi. Đi đây. Để các cậu còn viết.
Biết bên nhà tôi có “trại sáng tác”, anh chỉ ghé qua thăm một tí thôi. Chúng tôi cũng mất ít thời gian, nhưng đầu óc được thư giãn, sau đó làm việc tốt hơn.
Chúng tôi lia trong năm ngày. Thuyền trưởng in ở nhà Lao động, ký tên Nguyễn Trinh, tên vợ Dương Tường, cô em gái Tất Vinh. Quyển người gác đèn cửa Nam Triệu của tôi được duyệt rất kỹ. Tôi và nhà thơ Lê Đại Thanh (người của Sở văn hoá) đem xuống ty Hải đăng, đọc cho lãnh đạo ty cùng nghe. Tôi đọc mà toát hết mồ hôi. Chỉ sợ có điều gì trục trặc về “những điều tôi nói quá lên vì yêu anh mà thôi”. Nhưng may. Tất cả đều suôn sẻ. Sở văn hoá in cấp tốc 4000 bản, phát hành đúng buổi mít tinh đón anh hùng vừa được tuyên dương từ Hà Nội về thành phố. Số phận tôi may mắn hơn Dương Tường. Người gác đèn cửa Nam Triệu sau đổi tên thành Người gác đèn biển được nhà xuất bản Thanh Niên tập hợp in chung với mấy truyện ký khác viết về những anh hùng lao động là thanh niên. Tên truyện của Châu Diên được lấy làm tên chung cho cả tập: Sống giữa những người anh hùng. Sách được Trung ương Đoàn Thanh niên phát động học tập trong cả nước. Sống giữa những người anh hùng in ba lần liên tiếp với số lượng 15 vạn bản. Tất nhiên là nhuận bút nhiều. Châu Diên nói đùa nhưng rất đúng sự thật: Sống nhờ những người anh hùng.
Thế rồi đồng chí tổng biên tập báo Hải Phòng kiến thiết lại bảo tôi:
- Anh Nhân hỏi mình là ở báo có ai viết được văn xuôi không. Mình giới thiệu cậu. Anh ấy cũng có vẻ tin ở cậu. Hình như anh ấy có đọc truyện cậu viết về Phùng Văn Bằng. Mai, đầu giờ cậu sang trụ sở uỷ ban. Anh Nhân gặp.
Tôi sang gặp đồng chí Hoàng Hữu Nhân, chủ tịch uỷ ban kiêm bí thư thành uỷ. Chúng tôi trò chuyện cởi mở, thoải mái về phong trào thi đua, về thành phố, về nhà máy cơ khí Duyên Hải, về những dự định sáng tác của tôi. Đồng chí khen loạt bài tôi viết về nhà máy cơ khí Duyên Hải và sau này trong một cuộc họp thường vụ thảo luận về công tác công đoàn trong xí nghiệp, đồng chí gọi điện mời tôi sang với cương vị là một phóng viên am hiểu tình hình trong các xí nghiệp.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy tôi được đồng chí giao viết truyện ký về nhà máy cơ khí Duyên Hải. Thật ra những chuyện, những người trong nhà máy đã nằm trong đầu tôi. Những Trần Đức Lục, những Phạm Duy Tăng, những Đào Xuân Sứng, những Nguyễn Văn Chiến... mang rất nhiều tính chất tiểu thuyết theo như tôi quan niệm hồi đó. Tôi chỉ còn phải lấy thêm tài liệu, đi sâu hơn nữa, hệ thống hoá hơn nữa mà thôi. Có hai thuận lợi: Thứ nhất, hẳn là có sự giao nhiệm vụ của đồng chí bí thư thành uỷ, tôi được là thượng khách của nhà máy, hay nói đúng hơn tôi thực sự là người nhà của nhà máy, được các anh ở nhà máy dành cho những ưu tiên trong sự làm việc, lấy tài liệu. Thứ hai cũng là một điều vô cùng quan trọng: tôi được đồng chí Hoàng Hữu Nhân can thiệp với báo cho nghỉ hai tháng để sáng tác.
Hai tháng để sáng tác. Tôi chưa bao giờ có được một thời gian dài như vậy để chuyên tâm viết văn. Thường là viết tối viết đêm, viết những ngày chủ nhật, những ngày nghỉ. Và bớt xén, ăn cắp thời gian chính quyền, thời gian làm báo để viết. Thì ra ở cơ quan báo chí nào người ta cũng có ác cảm với những kẻ viết văn. Thoát khỏi báo Tiền Phong cấm sáng tác, về báo Hải Phòng kiến thiết này, viết văn bị coi như hành động ngoại tình đáng lên án. Cũng may, đồng chí tổng biên tập cũng ham sáng tác, và đã có một cái truyện ký được in. Về sau lại thêm chị Thuỳ Nga (mà chúng tôi gọi thân mật là bà Nga) vợ đồng chí Lê Duẩn, một uỷ viên biên tập, người có tâm hồn văn nghệ, viết nhiều bài bút ký trên báo tươi mát và truyền cảm.
Chị Nga rất quý tôi. Chị đưa tôi đọc bản thảo những bài viết của chị để tôi tham gia ý kiến. Phụ trách tuyên truyền khối thương nghiệp, quen biết ngành này nhiều, chị hỏi tôi có cần sổ ưu tiên mua hàng không chị giúp, nhưng tôi không dám làm phiền chị. Hai vợ chồng tôi chỉ có một cái xe đạp công của báo Hải Phòng, hàng ngày tôi đạp xe đưa vợ đi làm rồi lại đạp xe đi đón, một ngày bốn lần như vậy, lần nào cũng gặp chị trên đường từ văn phòng thành uỷ (chị ở tập thể tại đó) tới báo Hải Phòng hoặc đi ngược lại. Chị cười rất tươi chào chúng tôi khi tôi đang gò lưng đèo vợ ngược chiều với chị trên đường phó Hồng Bàng (nay cũng gọi là phố Điện Biên). Một lần chị bảo tôi, giọng thật thân tình:
- Tấn hạnh phúc quá.
Tôi nhìn chị, không biết nói gì. Tôi hiểu chị ao ước cuộc sống của một người bình thường, vợ chồng đèo nhau đi làm, sớm tối có nhau, chia ngọt sẻ bùi. Cuộc sống ấy có những thi vị chính chúng ta không nhận thấy bởi chúng ta chỉ chú ý đến khía cạnh vất vả của nó thôi.
Sau này khi thân với đồng chí Hoàng Hữu Nhân, bí thư kiêm chủ tịch thành phố, tôi cũng đã nói những ý nghĩ trên với đồng chí ấy:
- Anh không thể làm một người bình thường được. Đó là một thiệt thòi. Anh không thể đi bộ lang thang trên phố, ngồi uống một cốc cà phê đá giữa cửa hàng mậu dịch ồn ào hay ăn một bát phở vỉa hè. Tất nhiên chị hay người phục vụ có thể mua về cho anh ăn, nhưng đấy là phở của người ốm, ăn theo kiểu người ốm. Phải ăn ngay ở đấy cơ.
Như đã thấm thía điều này từ lâu rồi, đồng chí Hoàng Hữu Nhân gật đầu ngay tắp lự:
- Đúng, đúng. Bọn mình quá thiệt thòi.
Ít ngày sau tôi thấy đồng chí Hoàng Hữu Nhân đi tản bộ một mình trên hè phố Hoàng Văn Thụ. Biết mọi người nhìn cả vào mình, đồng chí đi cứng đơ, ngượng nghịu. Thành phố không chấp nhận đồng chí là một người bình thường. Đồng chí không thể trở thành người bình thường được nữa.
Có hai biên uỷ thích viết văn. Thật là thuận lợi.
Tuy nhiên chúng tôi hiểu rằng mình vẫn bị toà án dư luận của số đông lên án. Cái toà án dư luận này có tên gọi là lòng đố kỵ. Cùng làm báo như nhau nhưng chúng tôi có sách ra, có truyện in trên báo Văn Nghệ, có tiền lại có tiếng. Bởi vậy, chúng tôi hết sức giữ gìn. Cũng những cách giữ mình kinh điển như ở báo Tiền Phong thôi. Tham gia các phong trào ở báo. Ví như tập thể dục giữa giờ, tổng vệ sinh chiều thứ bẩy, gửi tiền tiết kiệm, dù chỉ một, hai đồng, đề công đoàn có một chỉ số phần trăm cao. Và làm báo tết. Để không ai nói mình vào đâu được. Có số báo tết nào không có truyện ngắn của chúng tôi. Có số báo đặc biệt nào (kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ngày Quốc tế lao động 1-5, ngày đấu tranh thống nhất 20-7, ngày cách mạng tháng tám, Quốc khánh 2-9, rồi Ga-ga-rin bay vào vũ trụ v.v...) không có bài của tôi. Tôi lăn lộn với các nhà máy, các xí nghiệp. Đến đâu tôi cũng được coi như một thành viên của họ.
Một trong những điểm yếu của chúng tôi là chúng tôi bị coi là yếu kém về chính trị. Những kẻ chuyên môn thuần tuý. Có chuyên không có hồng. Mà bây giờ phải là hồng trước chuyên sau. Phấn đấu vào Đảng nghe chừng rất khó khăn. Đồng chí bí thư chi bộ, một đại uý chuyển ngành, trực tiếp làm tổ trưởng của tôi (đồng chí còn ở trong biên uỷ nữa) viết kém, cứ nhấn mạnh là chúng tôi chưa đem hết khả năng toàn tâm toàn ý phục vụ báo (ý nói chuyện viết văn của chúng tôi). Đó là cái án treo đối với chúng tôi. Đồng chí chỉ hơn chúng tôi cái mục hồng. Nếu chúng tôi cũng hồng, đồng chí chẳng còn cái gì hơn nữa cả. Ngày mới về báo, đồng chí đi một loạt cơ sở nghiên cứu rồi về họp tổ tuyên bố một câu xanh rờn:
- Trong nghề đúc, khó nhất là đúc chảo.
Tôi đã phản bác lại ý kiến ấy, một việc không nên làm chút nào, nhưng lúc ấy tôi đã không ngồi im được. Không thể tranh luận, đặt vấn đề những bài báo của chúng tôi chính là phẩm chất chính trị của chúng tôi, việc ấy khó khăn hơn là nói mặt trời mọc ở hướng Tây. Nó lại còn nguy hiểm nữa. Chúng tôi chọn hướng khác, chúng tôi tìm đọc các sách chính trị. Ba quy luật. Bốn mâu thuẫn. Phê phán cương lĩnh Gô ta. Chống Đuy-rinh. Báo cáo chính trị tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba. Trong các cuộc học tập chính trị, nghị quyết, mọi người sửng sốt thấy chúng tôi phát biểu những nguyên lý, những trích dẫn, kể cả đôi lần trích dẫn bịa đặt. Lê-nin tuyển tập tập ba, nhà xuất bản Sự thật, trang 195, dòng 12 tính từ dưới lên. Chỉ cần khi ấy có quyển sách đó cầm tay, mở ra và cúi cúi xem xem, rồi ngẩng lên phát biểu. Ai cũng tin ráo trọi.
Chúng tôi trích dẫn bịa cũng vụ lợi đấy nhưng không bao giờ phản bội, xuyên tạc tác giả. Mà ngẫm cho cùng cũng chẳng mang lại lợi ích gì vì không bao giờ chúng tôi được đánh giá là vừa chuyên lại vừa hồng. Chỉ được mỗi điểm chúng tôi không bị coi là chính trị non nữa.
Trở lại việc tôi được nghỉ hai tháng để viết, hai tháng, một thời gian tương đối đấy chứ, hai tháng mình làm chủ thân mình, được viết mà không nơm nớp, không lo bài nộp cho biên tập. Lại được công khai sống với bà vợ bé của mình là văn nghệ (bao giờ vợ bé dấm dúi cũng đáng yêu hơn vợ cả đàng hoàng).
Nguyên Hồng đến chơi, thấy tôi đang ngồi bàn viết, cười vui:
- Lại lên ổ đẻ đấy phải không.
Nguyên Hồng gọi tôi là ả mái tơ đẻ sòn sòn, suốt ngày cục ta cục tác. Và cười rinh rích:
- Làm cho bà mái sề Nguyên Hồng cứ sốt cả ruột lên.
Ngừng một lát anh thêm:
- Lại có những bà mái sề, cứ nhẩy lên ổ ấp bóng mới chết chứ. Thấy lũ mái tơ ríu rít bà ấy ra vẻ ta đây cứ ấp. Ấp bóng. Ấp không có trứng. Rồi nhẩy từ trên ổ xuống, cục ta cục tác, quang quác điếc cả tai.
Tôi hiểu đó là một cách anh động viên khen ngợi tôi. Và tôi cũng hiểu anh định nói những ai là những bà mái sề ấp bóng.
Tôi muốn bốc lên nói với anh những điều thầm kín mà tôi không dám thổ lộ cùng ai.
Anh là nhà văn của Hải Phòng cũ, Hải Phòng tăm tối và đau khổ. Hải Phòng nước mất nhà tan. Hải Phòng bất công, lầm than, nô lệ. Hải Phòng ấy là của anh. Không ai thay thế được. Còn Hải Phòng hôm nay, Hải Phòng sang trang mới là của lớp trẻ chúng tôi và có lẽ là của chính tôi. Anh có tin được điều ấy không. Tôi sẽ làm và làm được. Tôi sẽ thể hiện Hải Phòng trong cuộc sống mới, Hải Phòng của những người nô lệ giờ đây đã đứng lên làm chủ xí nghiệp, làm chủ xã hội. Hải Phòng độc lập tự do hạnh phúc. Hải Phòng có Đảng, làm cách mạng và hưởng thành quả cách mạng.
Những ý nghĩ như vậy có trong tôi, tôi xin thú thật không giấu diếm. Tôi tự giao cho mình một nhiệm vụ: Kế tục sự nghiệp Nguyên Hồng. Nguyên Hồng là nhà văn của Hải Phòng hôm qua. Còn tôi là nhà văn của Hải Phòng hôm nay, Hải Phòng của cuộc đời mới mà Đảng đã đem lại cho mỗi con người. Tôi cảm ơn Đảng đã trao cho tôi cây bút, lại tạo dựng nên một hiện thực lớn lao để tôi viết, tôi tránh được những vết bùn của những nhà văn lớp trước chỉ loay hoay với cá nhân mình, để tôi đến với nhân dân, ghi lại hiện thực kỳ diệu về sự chuyển mình của nhân dân mà Đảng là người đạo diễn..
Trong những ngày tháng ở Hải Phòng, Nguyên Hồng không đả động đến những gì anh vừa trải qua, vừa chịu đựng. Mãi đến khi Hà Minh Tuân bị đòn hội chợ, bị dính nhiều “chưởng” vì viết và in tiểu thuyết Vào đời, Nguyên Hồng nói với tôi, vừa nói vừa cười:
- Thế là lại đến lượt thằng Tuân.
Anh cười đấy nhưng tôi thấy đôi mắt anh đượm buồn.
Hà Minh Tuân, chính uỷ trung đoàn, được tin tưởng giao trấn giữ cửa ải xuất bản, như Nguyên Hồng, nhà văn vô sản được trấn giữ báo Văn, cơ quan ngôn luận của Hội. Sau Nhân văn, đó là những thành trì đặc biệt quan trọng, cần phải giao cho những người hết sức tin cậy, những tướng tâm phúc. Nhưng chỉ sau một thời gian, cả hai đã lộ rõ là những kẻ giao động bấp bênh, nối giáo cho giặc, đều bị cách chức và phê phán.
Sau trận ấy Hà Minh Tuân gục hẳn.
Nguyên Hồng không chịu gục.
Nhớ lại khi tôi mới chuyển về Hải Phòng, Nguyên Hồng hay dắt tôi đi các nơi như kiểu một ông bố cùng con về quê sau bao năm tha phương cầu thực, dắt con đi chào họ hàng. Đi yết kiến ông Bùi Đình Đổng, giám đốc nhà máy xi măng. Đến chào và hỏi chuyện ông Lê Văn Kỳ giám đốc cảng Hải Phòng... Tất nhiên những ông này đều biết Nguyên Hồng, quý mến và kính trọng Nguyên Hồng. Tôi, một kẻ mới lớn, chỉ biết im lặng lắng nghe câu chuyện của các bậc huynh trưởng và thật sự khó chịu trước thái độ lịch sự quá mức, cung kính quá mức của Nguyên Hồng: Tôi nghĩ thầm: có thể có 100 ông Bùi Đình Đổng, 1000 ông Lê Văn Kỳ nhưng chỉ có một Nguyên Hồng mà thôi. Hình như đấy là cách Nguyên Hồng giao tiếp với những người sơ, với người thân anh không như vậy.
Sau này có lẽ biết tôi là phóng viên theo dõi các xí nghiệp, Nguyên Hồng không dắt tôi đi chào họ hàng như thế nữa. Tôi đi chỉ là vì không muốn làm anh mất lòng, khỏi phụ lòng anh chứ những buổi yết kiến như vậy chẳng bổ ích gì. Tôi nhanh chóng hiểu rằng Nguyên Hồng rất quý tôi. Vì lý do gì tôi không biết. Cùng làm báo Hải Phòng kiến thiết với tôi có anh Võ Lợi, em ruột vợ anh nhưng anh ít tới. Cứ về Hải Phòng là anh lại nhà tôi. Nằm chơi. Đọc sách. Chuyện gẫu. Nô đùa với con tôi. Uống rượu. Tôi thật sự cảm động khi một buổi chiều, Nguyên Hồng đến nhà có mang theo một cuộn giấy xi măng. Anh gọi tôi và cả vợ tôi lại. Vừa trang trọng, chậm rãi, cẩn thận, vừa cười rinh rích như kiểu đi khoe một chuyện đáng lẽ cần phải giấu, anh giở cuộn giấy xi măng, trải ra trên sàn nhà gỗ lim lúc nào cũng được lau bóng: Sơ đồ nhân vật Sóng Gầm. Nhưng ô vuông. Những đường thẳng, đường chéo diễn tả quan hệ nhân vật. Những tên người. Thi San, Lão La, Gái Đen. Có một tên quen thuộc Giáng Hương. Đó là tên cháu gái mới sinh của chúng tôi. Cháu được bảy, tám tháng. Anh hay bế cháu lên lòng khi ngồi uống rượu. Cháu nhún nhẩy trên đùi anh, vít bát anh xuống. Anh cười:
- Cái con này tợn tạo nhỉ.
Anh rất yêu cháu. Cháu bập bẹ: “Bác Ngan Hồng”.
Còn anh giơ tay:
- Giáng Hương của bác. Ra đây với bác nào.
Thế là cháu lẫm chẫm chạy tới. Hai bác cháu ôm choàng lấy nhau. Tình bạn giữa hai bác cháu phát triển theo thời gian. Khi cháu được ba bốn tuổi, nhìn qua cửa sổ thấy Nguyên Hồng đạp xe vào, bao giờ cháu cũng reo to tên bác và mời bác.
- Bố mẹ cháu mời bác uống rượu đấy.
Cũng có khi chỉ vì lời mời ấy của bé Giáng Hương mà một bữa rượu sơ sài được tổ chức cập rập, bị động, ngoài dự kiến của chúng tôi.



====

No comments: