Sunday, November 23, 2008

GẶP TỐ HỮU 4

===

Nhật Hoa Khanh
Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng
(Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu) 5 kỳ
1 2 3 4 5

Về cụ Phan Khôi, phải đánh giá lại. Không thể quên được hình ảnh gương mẫu và nồng nhiệt của cụ trong đội quân văn nghệ kháng chiến chống Pháp. Không thể bỏ qua được những kết quả của cụ trong việc đổi mới thơ Việt Nam trước khi xuất hiện phong trào Thơ Mới. Phan Khôi còn là một học giả về văn học Trung Quốc. Muốn hay không, cụ cũng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta thế kỷ 20.

Nhà văn Phùng Cung cũng cần được minh oan cùng với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh. Cần lắm. Con ngựa già của chúa Trịnh chỉ là con ngựa già của chúa Trịnh mà thôi, không có ẩn ý gì xấu như bốn mươi năm trước đây một số người lầm tưởng.

Ngay từ nhưng năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Phùng Cung đã được đồng nghiệp nhìn nhận như một cán bộ văn nghệ đầy nhựa sống, giàu đức tin và rất chân thành. Với những ưu điểm nổi bật ấy, suốt cuộc đời mình, anh đã đi cùng dân tộc, đi cùng cách mạng.

Hãy dành thời gian và công sức nghiên cứu thơ và kịch nói Đoàn Phú Tứ. Tác phẩm của anh Tứ là tiếng vang của trí tuệ trí thức Thăng Long Hà Nội trước cách mạng Tháng Tám.

Thêm một nhân vật tôi muốn nói: học giả Trương Tửu. Trương Tửu có năng lực đặc biệt về phê bình và lí luận văn học. Không thể tùy tiện quy kết anh là cơ hội, là tờ-rốt-kít. Đến bây giờ chúng ta đều rõ: anh sống thẳng thắn, sống lương thiện và hết lòng với các công trình nghiên cứu của mình. Cần khẳng định những đóng góp độc đáo của anh đối với phê bình và lí luận văn học.
Phải nêu thêm không ít trường hợp nữa.

Xuân thu nhã tập, tập thơ cao nhã viết vào hai mùa xuân thu. Hầu hết các tác giả Xuân thu nhã tập đều là những người có tài có đức và đều vững vàng sáng tạo trong lửa đạn hai cuộc chiến tranh cứu nước. Xuân thu nhã tập là một tác phẩm trong sáng về tư tưởng, một tác phẩm viết bằng những vần thơ sâu sắc và mới lạ, một tác phẩm phản ánh khát vọng giữ gìn cái hồn dân tộc vào thời kì tiền khởi nghĩa, vào những ngày tháng sắp sửa bùng nổ cách mạng Tháng Tám. Khó hiểu không phải là khuyết điểm của tập thơ. Khó hiểu không đồng nghĩa với bí hiểm. Khó hiểu đồng nghĩa với tắc tị. Phê bình Xuân thu nhã tập khó hiểu, bí hiểm, tắc tị, yếu đuối, đó là sự phê bình sai lầm, thiếu một cái nhìn lịch sử và thận trọng. Chính đồng chí Trường Chinh có lần nói với tôi: Xuân thu nhã tập chủ yếu hướng về cội nguồn dân tộc, không lai căng, tắc tị, hấp hối, chuẩn bị vào nhà xác như một vài người nào đó đã nhận xét.

Phổ thơ Lê Minh, Trường chinh ca của Lương Ngọc Trác là một khúc quân hành hợp xướng, phong phú và nhiều sáng tạo, xứng đáng được tạc vào bia đá đặt trong Bảo tàng Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ở đây, thơ và nhạc thống nhất với nhau, nhạc đẩy thơ lên, thơ nâng cao nhạc. Lời thơ Trường chinh ca phảng phất màu sắc thơ cổ điển nhưng vẫn lấp lánh ánh sáng thơ hiện đại.

Trường chinh ca thơ và nhạc hoàn toàn không có chút gì là anh hùng cá nhân, là hiệp sĩ, là tiêu cực tiểu tư sản như một số người phê phán. Trái lại, thơ và nhạc Trường chinh ca nói chung thấm sâu chủ nghĩa anh hùng cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và nói riêng, bừng sáng phong thái hào hoa của người chiến sĩ thanh niên tiểu tư sản trí thức Thăng Long Hà Nội, Trường chinh ca dựng lên thành công những nét cơ bản của hình tượng người chiến sĩ cứu nước trẻ tuổi vừa có ý thức sâu sắc về tình đồng chí vừa có ý thức sâu sắc về sự quên mình, coi thường gian khổ, chiến thắng cái chết trên đường trường chinh đầy lửa máu. Lời thơ đẹp, giản dị hòa lẫn với chất trí tuệ. Nhạc điệu tinh tế, khi tha thiết, lúc dồn dập, khi hùng tráng, lúc đau thương. Trường chinh ca là một trong những chiến công hàng đầu và rất sớm của thơ và ca khúc kháng chiến chống Pháp, một trong những chiến công nổi bật của thơ và ca khúc Việt Nam nói chung từ cách mạng Tháng Tám đến nay.

Phải sống ở Thăng Long Hà Nội trước cách mạng Tháng Tám, phải hiểu sâu sắc Thăng Long Hà Nội trước cách mạng Tháng Tám, phải yêu nồng nàn Hà Nội Thăng Long trước cách mạng Tháng Tám, phải say mê cuộc sống trường chinh gian khổ của người chiến sĩ vệ quốc thì mới có thể viết được những câu thơ trong Trường Chinh ca đặc sắc như thế và mới có thể phổ nhạc vào Trường chinh ca đặc sắc đến thế!

Bài thơ Ngày về của Chính Hữu và bản nhạc cùng tên của Lương Ngọc Trác phổ bài Ngày về là hai tác phẩm vừa trữ tình vừa lãng mạn cách mạng, phản ánh khí thế tiến công và niềm tin tưởng vững chắc ở ngày về giải phóng thủ đô của Trung đoàn Thủ Đô thông qua những lời thơ và điệu nhạc vừa tinh tế vừa trí tuệ. Ấy thế mà cả thơ lẫn nhạc Ngày về đều bị phê phán là anh hùng cá nhân, là tiểu tư sản. Suy nghĩ cho kỹ suốt bao nhiêu năm nay, tôi chẳng thấy ở bài thơ và bản nhạc ấy một bóng dáng lờ mờ nào của chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Các cán bộ chỉ huy và chiến sĩ tiểu tư sản phiên chế trong Trung đoàn thủ đô, kể cả anh Chính Hữu và anh Lương Ngọc Trác, đều vững vàng, lạc quan, hào hoa, thông minh và gan góc. Những vần thơ đặc sắc ca ngợi cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo tuyệt vời suốt gần hai tháng để bảo vệ thủ đô của những con người như vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng tại sao lại bị phê phán là anh hùng cá nhân, là tiểu tư sản?

Tiểu tư sản, dưới ngòi bút của một số nhà phê bình, thường đi đôi với lập trường bấp bênh. Tiểu tư sản, theo quan niệm của một số nhà phê bình, là những người hay dao động, hoang mang và sợ gian khổ. Sao lại thành kiến nặng nề như vậy? Tiểu tư sản hay tư sản hay nhà nho hay quan lại yêu nước thì cũng đáng quý như công nhân và nông dân yêu nước. Trên thực tế, hàng chục vạn thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo các ngành, các giới xuất thân tiểu tư sản rất vững vàng và sáng suốt trong cách mạng giải phóng dân tộc như chúng ta đã biết. Cứ thấy văn nghệ sĩ xuất thân từ tiểu tư sản là chụp ngay xuống đầu họ hàng tá mũ anh hùng cá nhân, dao động. Phê bình kiểu ấy là thành kiến, là ấu trĩ tả khuynh, thui chột tài năng, giết chết sáng tạo của nghệ sĩ! Phê bình kiểu đó là trái ngược với truyền thống nhân văn chiến đấu của dân tộc Việt Nam!

Một trong những điểm sáng lung linh của Ngày về thơ là ở chỗ tác giả đã diễn tả được phong thái hào hoa và oai hùng của người chiến sĩ thanh niên Thăng Long Hà Nội. Hơn nữa, lại diễn tả bằng ngôn ngữ hàm súc cổ điển kết hợp với ngôn ngữ hiện đại, tạo ra được sự tiếp nối giữa thơ hiện đại với thơ cổ điển. Sự tiếp nối này, cho đến nay, rất ít bài thơ và rất ít nhà thơ thực hiện được. Ta hãy nghe: Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. Đúng là hình ảnh vừa oai hùng vừa chân thực vừa lãng mạn vừa sinh động của người chiến sĩ thanh niên Thăng Long Hà Nội trong những ngày bảo vệ thủ đô cuối 1946 đầu 1947 và mấy năm đầu cuộc chống Pháp tột đỉnh gian khổ, thiếu cả súng trường, đói cơm rách áo nhưng hết sức sáng tạo, vô cùng anh dũng và tràn ngập niềm tin thắng lợi.

Hình ảnh ấy tất yếu phải khác hẳn hình ảnh anh vệ quốc nông dân miền Bắc “tì tay lên mũi súng” trong “Cá nước” của tôi. Hình ảnh ấy cũng tất yếu phải khác hẳn hình ảnh anh vệ quốc nông dân Nam Trung Bộ “Áo vải chân không/ Đi lùng giặc đánh” trong Nhớ của Hồng Nguyên. Nếu anh vệ quốc trong Ngày về mà giống anh vệ quốc trong Nhớ hoặc giống anh vệ quốc trong Cá nước, thì Ngày về mất tính chân thực lịch sử và sẽ trở thành một bài thơ tầm thường và giả tạo. Chiến sĩ vệ quốc thủ đô Thăng Long Hà Nội hồi ấy bao giờ cũng phải cẩn thận, đội mũ, đi giày và ăn vận quần áo rất sạch sẽ và chỉnh tề để đánh Pháp. Đúng là “áo hào hoa”! Hoàn toàn đúng là “áo hào hoa”. Họ dùng tiền bạc của chính mình hoặc của gia đình để tự trang bị vũ khí và quân phục. Chất hào hoa Thăng Long Hà Nội là thế! Sao lại phê phán? Họ đáng giặc hết sức gan dạ, hết sức sáng tạo, vừa đánh vừa hát vang bài ca của Hoàng Quý, Văn Cao và một số nhạc sĩ khác. Chất hào hoa Hà Nội Thăng Long là thế! Sao lại phê phán? Bằng vũ khí thô sơ, suốt gần hai tháng trong một mùa đông giá buốt, họ chiến thắng giặc Pháp có đủ binh hùng tướng mạnh và vũ khí tối tân trên không, dưới đất, trên sông, dưới biển! Họ mở ra một trong những trang đầu tiên cực kì oanh liệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Họ làm sống lại hình ảnh oai hùng của các đội quân chủ lực của Trần Hưng Đạo bảo vệ Thăng Long sáu thế kỉ trước. Hãy đọc to lên mấy lần: Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. Hay quá! Sáng tạo quá! Lãng mạn cách mạng quá! Chân thực quá! Hùng tráng quá! Trí tuệ quá! Phải sống ở Thăng Long Hà Nội trước cách mạng Tháng Tám và nhất là phải hiểu Thăng Long Hà Nội trước cách mạng Tháng Tám mới có thể viết được những vần thơ sâu sắc và tinh tế đến vậy.

Một trong những thành công quan trọng của Ngày về thơ chính là ở đó. Nhưng đau đớn thay, nhưng tiếc thay, chính điểm thành công quan trọng này lại là cái đích phê phán hoàn toàn vô lí và hoàn toàn định kiến của một số cây bút phê bình sai lệch về truyền thống hào hoa, bất khuất của thủ đô Hà Nội!

Cám ơn ba nghệ sĩ Lê Minh, Lương Ngọc Trác, Chính Hữu đã để lại cho đời những bài thơ và những bản nhạc thơm ngát chất Thăng Long Hà Nội!

Các anh Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Hồng Nghi, Xuân Thủy, v.v. đều nói với tôi: nếu không có các tác phẩm thơ nhạc như Ngày về, Trường chinh ca, Người Hà Nội, Tây tiến, Tiến về Hà Nội, v.v. và các bức tranh về người và cảnh Thăng Long Hà Nội của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, v.v. cùng các tác phẩm văn xuôi về Thăng Long Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, v.v. thì việc dàn dựng các tác phẩm sân khấu, các tác phẩm điện ảnh, v.v. nói về Hà Nội từ đầu 1947 trở về trước bị sai lệch rất nhiều bởi vì càng ngày càng ít người biết về Hà Nội từ toàn quốc kháng chiến cuối 1946 đầu 1947 trở về trước. Ngoài một số điểm tương tự nào đó, nhìn chung Thăng Long Hà Nội hồi ấy, thuở ấy khác rất xa với Hà Nội ngày nay.

Cần nhanh chóng khôi phục vị trí danh dự cho bài thơ xuất sắc và bản nhạc xuất sắc Ngày về. Bài thơ và bản nhạc Ngày về, đó là niềm tự hào của thơ và ca khúc Việt Nam thế kỉ 20, một trong những niềm tự hào của thơ và ca khúc thủ đô, niềm tự hào của Trung đoàn Thủ Đô vừa anh hùng vừa hào hoa vừa trí tuệ. Bài thơ và bản nhạc Ngày về, đó là hai trong những thành quả rất sớm của thơ và ca khúc kháng chiến chống Pháp, xứng đáng có mặt trong các tuyển tập thơ và ca khúc Việt Nam nhiều thế kỷ sau.

Rất tiếc cho đến nay, vẫn chưa có một tuyển tập ca khúc Hoàng Quý. Trước, trong và ngay sau cách mạng Tháng Tám, mấy chục bài hát trữ tình và chiến đấu đầy sức lôi cuốn của Hoàng Quý vang lên khắp đất nước trong học sinh, sinh viên và cả lực lượng vũ trang. Nhạc và lời trong ca khúc Hoàng Quý bao giờ cũng truyền cảm, dễ hiểu, sâu sắc, gợi nhớ lịch sử, gắn với hiện tại, hướng tới tương lai, vẫy gọi tình yêu, thôi thúc lên đường. Hoàng Quý là một trong những nhạc sĩ yêu nước và cách mạng tài năng nhất giai đoạn 1940–1946. Tất cả các bài hát của Hoàng Quý trong đó có Chùa Hương, Cô láng giềng, v.v. chan chứa tình yêu quê hương đất nước và tình yêu lứa đôi. Cảm tử quân (1944) của anh là một trong những khúc quân hành đầu tiên của quân đội cách mạng, một trong những khúc quân hành tiêu biểu về nội dung lẫn nghệ thuật của âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Cảm tử quân được hát vang ngay tại mặt trận thủ đô Hà Nội và ở các mặt trân Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn, v.v. những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Tôi không thể quên hình ảnh hào hùng của hàng ngàn thanh niên và học sinh Hà Nội tình nguyện nhập ngũ suốt ngày đêm cùng cất cao tiếng hát vang trời các hành khúc Cảm tử quân, Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao) và Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), v.v. trên các toa xe lửa đi qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế để vào Nam cứu nước trong phong trào Nam tiến cuối năm 1946.

Các bài hát chiến đấu và các bài hát trữ tình của Hoàng Quỹ, Văn Cao và Phan Huỳnh Điểu, Lương Ngọc Trác, v.v. cần được đưa vào phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên trong giai đoạn Đổi Mới hiện nay vì chúng vẫn tươi mới cả về nội dung lẫn nghệ thuật và vẫn còn nguyên vẹn ánh lửa thời sự.

Cuối cùng, là trường hợp của chính tôi. Đánh giá thơ tôi như thế nào, điều đó thuộc quyền của các nhà lí luận–phê bình–nghiên cứu. Nhưng ca ngợi thơ tôi là lá cờ đầu của thơ cách mạng thì thật hoàn toàn vô lí. Nếu thơ Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ cách mạng thì thơ Bác Hồ, thơ Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Thai Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.v. là những lá cờ thứ hai, thứ ba, thứ tư hay sao? Đáng tiếc, sự đánh giá đó lại là của những cây bút được xếp vào loại lá cờ đầu của giới nghiên cứu–lí luận– phê bình văn học! Đừng vì quá quý mến tôi mà phóng tôi lên mặt trăng và hạ thấp những nhà thơ cách mạng lớn khác!

Nhân đây, tôi xin nói một chút về bài thơ Giữa thành phố trụi.

Tôi không tán thành ý kiến phê bình Giữa thành phố trụi của tôi là một bài thơ tiểu tư sản, thiếu tính công nông, thiếu tính vô sản. Tôi yêu thích Giữa thành phố trụi bởi vì bài thơ được viết bằng thể tự do, viết bằng những lời thơ phóng khoáng; bởi vì nó diễn tả được khung cảnh hoang tàn của Huế hồi đầu kháng chiến chống Pháp, diễn tả được khí phách kiên cường của các chiến sĩ Huế quyết tâm phá tan cuộc tiến công mùa đông của Pháp ở Huế.

Với tất cả tinh thần khiêm tốn cần có của người sáng tác, tôi vẫn có thể nói rằng: tác giả những lời phê bình trên không hiểu về tinh thần quyết tử của nhân dân và chiến sĩ Huế trong cuộc chiến đấu hoàn toàn không ngang sức với thực dân Pháp hồi cuối 1946 đầu 1947. Mặt khác, tác giả những lời phê bình trên còn áp đặt những thành kiến vô lí trên tầng lớp tiểu tư sản trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp. Thêm vào đó, cây bút phê bình trên cũng không tiếp nhận được thể thơ tự do mà tôi đã sử dụng để viết Giữa thành phố trụi.

Xin kính gửi lời biết ơn của tôi lên anh linh bậc đàn anh tài đức kiêm toàn Nguyễn Xuân Khoát về việc anh đã phổ nhạc thành công Ta đi tới.

Xin gửi lời biết ơn của tôi lên anh linh nhạc sĩ Đỗ Nhuận về việc anh đã lấy cảm hứng từ Tâm tư trong tù của tôi để sáng tác Chiều tù, lấy cảm hứng từ Tiếng sáo Ly Quê và Mã Chiếm Sơn của tôi để sáng tác Hận Sơn La bất tử.

Tôi vô cùng biết ơn tác giả xuất sắc Xi-mô-nốp và sau đó, biết ơn người dịch ra tiếng Pháp tuyệt tác Đợi anh về. Nếu không có bản tiếng Pháp, tôi không thể nào dịch được Đợi anh về sang tiếng Việt bởi vì tôi không biết tiếng Nga.

Tôi cũng xin gửi lời biết ơn của mình lên anh linh nhạc sĩ Văn Chung, người phổ nhạc Đợi anh về bản tiếng Việt.

Bản nhạc Đợi anh về vừa đậm đà tính dân tộc Việt Nam vừa phản ánh trọn vẹn tình yêu tha thiết, nồng nàn, lạc quan, vượt lên trên cái chết và phản ánh trọn vẹn niềm tin bất diệt ở ngày toàn thắng trở về của người lính mà Xi-mô-nốp đã diển tả.

Về mặt phổ nhạc vào thơ dịch, sau Nguyễn Xuân Khoát là người đầu tiên (phổ một đoạn Chinh phụ ngâm) thì Văn Chung là người thứ hai.

Mùa hè 1963, tôi được mời xuống Hải Phòng nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề giảng dạy văn học toàn miền Bắc ở trường cấp 3 Ngô Quyền. Giờ giải lao, một thày giáo miền xuôi lên dạy học ở Khu tự trị Tây Bắc tên Phạm Xuân Chự gặp tôi. Mắt đỏ hoe, anh Chự nói: Đợi anh về (nhạc Văn Chung) đã thổi ngọn lửa tình yêu con người, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương trong trái tim anh cháy to hơn nữa.

Tôi cảm ơn nhạc sĩ Tô Vũ về việc anh đã phổ nhạc Ta đi tới (sau anh Nguyễn Xuân Khoát). Tôi cũng cảm ơn Tô Vũ vì anh là người thứ hai sáng tác một ca khúc dựa trên ý thơ bản dịch tiếng Việt Đợi anh về (sau nhạc sĩ Văn Chung).

Anh Lương Ngọc Trác thời chống Pháp phổ nhạc Em bé Triều Tiên (tập Việt Bắc) với những âm điệu sâu lắng và u uất; thời chống Mỹ, phổ nhạc Chiếc áo xanh (tập Ra trận) với những âm điệu đằm thắm. Xin cảm ơn người nhạc sĩ vừa cao tài vừa có tâm hồn thơ muôn điệu đó.

Tôi đặc biệt cảm ơn nghệ sĩ Hoàng Cầm về những lời phê bình sắc sảo, chính xác và chân thành của anh bốn mươi năm trước đây đối với thơ tôi.

Tôi cảm ơn giáo sư–nghệ sĩ Hoàng Như Mai về việc anh đánh giá đúng trường ca Nước non ngàn dặm của tôi trong bài giới thiệu của anh về trường ca này trên Đài Tiếng Nói Việt Nam năm 1973.

Tôi khâm phục tài năng và ý chí của nghệ sĩ Đặng Đình Hưng. Đối với tôi, cuộc đời anh Hưng là một bài giảng cao cấp về niềm tin ở sự thật.

Tôi thành tâm nhớ ơn họa sĩ lớn Dương Bích Liên. Anh Liên đã cho tôi một bài học về tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Ở chiến khu Việt Bắc, khi được trao trách nhiệm vẽ Bác Hồ, Dương Bích Liên gần như bỏ ăn bỏ ngủ suy nghĩ về nhân vật Hồ Chí Minh. Cuối cùng, anh đã để lại cho đời những bức danh họa về nhà yêu nước–nhà chiến lược – nhà văn hóa–nhà nhân văn chủ nghĩa Hồ Chí Minh. Tôi nhớ mãi lời Dương Bích Liên nói với tôi: Lành ạ, đã bao lần mình lặng ngắm Bác Hồ cô đơn trong cảnh rừng Việt Bắc lúc chiều tà. Chẳng hạn, có lần lặng ngắm Hồ Chí Minh cô đơn quét lá trong rừng nơi Bác ở. Chính hình ảnh ấy góp phần giúp mình nhận rõ: vẽ Hồ Chí Minh, trước hết là vẽ một Con Người bình thường và từ Con Người bình thường ấy toát lên ánh sáng lung linh của chủ nghĩa nhân văn chiến đấu Việt Nam. Mình không thần thánh hóa Bác Hồ nhưng chính vì thế, mình mới diễn tả được phần nào tầm vóc thần thánh của Bác.

Tôi khâm phục tinh thần trách nhiệm cao ấy của Dương Bích Liên, người họa sĩ vừa khiêm tốn vừa tràn đầy cá tính và vừa dồi dào năng lực sáng tạo.

Ngay trong lúc làm công tác văn nghệ tại mặt trận Điện Biên Phủ, Hoàng Vân đã viết xong Hò kéo pháo. Hò kéo pháo lập tức trở nên một trong những bệ phóng tư tưởng tiến công và quyết thắng của toàn thể chiến sĩ Điện Biên Phủ, toàn thể thanh niên xung phong và dân công Điện Biên Phủ.

Ngay sau khi cuộc chiến tranh leo thang bùng nổ trên Miền Bắc, Hoàng Vân đã hoàn thành ca khúc Quảng Bình quê ta ơi. Quảng Bình quê ta ơi lập tức trở nên một trong những quả trên lửa của binh chủng âm nhạc bắn lên những máy bay chiến đấu của giặc Mỹ. Quảng Bình quê ta ơi không chỉ là của Quảng Bình. Nó lập tức trở nên đồng nghĩa với Việt Nam quê ta ơi. Hàng triệu thanh niên tiền tuyến và hậu phương đã say mê đi vào cuộc chống Mỹ trên nhiều lĩnh vực trong lời ca và điệu nhạc của Quảng Bình quê ta ơi cao vút tinh thần lãng mạn cách mạng.

Vào những ngày Mậu Thân 1968 sôi động, âm thanh của Hoàng Vân lại cuộn sóng với Chào anh giải phóng quân – chào mùa xuân đại thắng.

Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơi và Chào anh giải phóng quân – chào mùa xuân đại thắng gợi nhớ đến sức mạnh nghệ thuật của Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam và Hải quân Việt Nam của Văn Cao.

Vào thời điểm vô cùng khó khăn về nhiều mặt của đất nước, năm 1984, Hoàng Vân đã hoàn thành một nhạc phẩm lớn về Toàn Thắng Điện Biên Phủ. Rất tiếc không hiểu vì sao nhạc phẩm đó cho đến nay vẫn chưa được công diễn.

Xin gửi đến Hoàng Vân sự kính trọng của cá nhân tôi và của tất cả những ai đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Điện Biên Phủ, tất cả những ai tự hào về Toàn Thắng Điện Biên Phủ, tất cả những ai đã từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Hoàng Vân, anh xứng đáng là một nghệ sĩ chân chính, một nghệ sĩ đầy lòng quả cảm, một nghệ sĩ lãng mạn cách mạng trong lửa đạn chiến tranh.

Tôi cũng muốn nói về học giả Phan Ngọc. Nhờ anh, tôi đã có những giờ phút phiêu diêu với Tư Mã Thiên và với lịch sử Trung Quốc cổ đại. Ngôn ngữ trong nhiều bản dịch tiếng Việt của Phan Ngọc nói chung vừa gọn gàng, vừa chính xác. Đó là chưa kể những nét đặc sắc trong các bài viết của anh về văn học.

Trên lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân tộc, đứng ngay sau bậc thày và người anh cả Nguyễn Xuân Khoát, là nhạc sĩ Tô Vũ (tức Hoàng Phú, em ruột nhạc sĩ Hoàng Quý). Ở Tô Vũ, có một sự tổng hòa giữa con người nghệ sĩ đa cảm và con người nghiên cứu thâm thúy. Các bài nghiên cứu của Tô Vũ chứa đựng nhiều nhận xét vừa mới lạ vừa sâu sắc và một ý thức dân tộc mạnh mẽ. Tô Vũ không chịu ảnh hưởng thụ động của các nguyên tắc lí luận–phê bình–nghiên cứu của phương Tây. Anh vận dụng thận trọng và sáng tạo các nguyên tắc lí luận–phê bình–nghiên cứu của phương Tây để khẳng định hàng loạt giá trị cao quý và độc đáo của âm nhạc dân tộc. Tô Vũ đã góp phần to lớn vào việc đổi mới và nâng cao nhận thức của nhiều người Việt Nam và nhiều người nước ngoài về âm nhạc Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám và các thế kỉ trước. Tô Vũ đã đạt tới tầm vóc một nhà phê bình sáng suốt, un critique éclairé.

Ngay từ trước cách mạng Tháng Tám, Tô Vũ đã được giới học sinh, sinh viên và hướng đạo sinh quý mến với ca khúc yêu nước Ngày xưa (do anh viết cả nhạc lẫn lời). Ngày xưa làm sống lại không khí oai hùng của dân tộc ta thời Hai Bà Trưng, thời Trần Hưng Đạo. Ngày xưa góp phần giục giã lớp thanh niên trước cách mạng Tháng Tám lao vào bão táp của cuộc đấu tranh cứu nước.

Những ca khúc lãng mạn vang dội ở những mức độ khác nhau của anh hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp như Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu, v.v. đều ánh lên tình yêu con người, tình yêu hòa bình, tình yêu lứa đôi chân chính. Những tình ca hoặc ca khúc trữ tình ấy của Tô Vũ chứa đựng một tư duy mới lạ và có màu sắc triết lí. Giờ đây, chúng ta nên có một cái nhìn rộng rãi về các bản tình ca hoặc ca khúc trữ tình đó bởi vì chúng góp phần làm phong phú chủ nghĩa nhân văn của nền âm nhạc kháng chiến chống Pháp và của nền âm nhạc cách mạng nói chung ở nước ta.

Tô Vũ còn đáng yêu trong ca khúc Cấy chiêm (lời: Quách Đàm) duyên dáng và đằm thắm chất chèo miền Bắc. Những nhạc sĩ vừa có biệt tài sáng tác vừa có năng lực nghiên cứu cao như Tô Vũ ngày càng hiếm. Tiếc rằng lâu nay, đôi cánh sáng tác giàu chất thơ và đậm chất trí tuệ của Tô Vũ không tung bay lên nữa, không rõ vì lí do gì! Tôi cũng phải nói thêm: tiếng Việt trong ca khúc Tô Vũ là một thứ tiếng Việt trong sáng, giản dị, giàu chất thơ và giàu hình ảnh.

Nụ cười sơn cước (Tô Hải), Tình quê hương (Việt Lang), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Tiếng hát quay tơ (Tử Phác), Sóng nước ngọc tuyền (Huy Du), v.v. đều là những bản tình ca hoặc ca khúc trữ tình lành mạnh đầu tiên của âm nhạc kháng chiến chống Pháp. Những ca khúc ấy chứng tỏ con người Việt Nam trong lửa đạn ngút trời của cuộc chiến tranh giữ nước vẫn thanh thản yêu đương, vẫn khát khao hạnh phúc lứa đôi, vẫn mơ ước cuộc sống hòa bình. Đó chính là một trong những mặt tích cực và độc đáo của con người Việt Nam kháng chiến từ hàng ngàn năm trước. Sao lại phê phán? Nợ nước thù chồng. Câu ấy có nghĩa là càng yêu chồng càng yêu nước, càng yêu nước càng yêu chồng. Bà Trưng Trắc là một tấm gương chói lọi. Sao lại phê phán người nghệ sĩ khi người nghệ sĩ nói đến tình yêu trong chiến tranh giải phóng? Cần có một cái nhìn đổi mới về những ca khúc tình yêu nói trên. Tình yêu lứa đôi chính là một trong những sức mạnh chiến thắng của người lính nói riêng và của thanh niên nói chung trong máu lửa cứu nước từ thời Bà Trưng, Bà Triệu.

Riêng Sơn nữ ca (Trần Hoàn) cần được đánh giá cao. Sơn nữ ca: một trong những tình ca lãng mạn cách mạng đầu tiên của ca khúc cách mạng và một trong những tình ca hay nhất của ca khúc Việt Nam cả nhạc lẫn lời thế kỷ 20. Sơn nữ ca: sự giao lưu tình cảm giữa một anh du kích người Kinh và một số cô sơn nữ (thực ra là những nữ sinh trong thành phố sơ tán về miền núi để học tập). Tình cảm ấy bay lên trong một đêm trăng thơ mộng giữa núi rừng tạm im tiếng súng. Chắc chắn nó sẽ là động lực thúc đẩy anh du kích hăng hái đánh giặc hơn nữa. Còn mấy cô sơn nữ kia, biết đâu, chính nhờ tình cảm ấy, một ngày nào đó, sẽ tình nguyện vào du kích như người bạn trai thoáng gặp đêm nay! Lời và nhạc Sơn nữ ca hòa quyện với nhau tinh tế và sâu sắc. Hãy nghĩ lại mà xem: Sơn nữ ca lạc quan đấy, Sơn nữ ca nhân văn đấy! Hãy khôi phục vị trí của Sơn nữ ca trong đời sống âm nhạc hôm nay! Việc phê phán Sơn nữ ca và phê phán những tác phẩm tương tự Sơn nữ ca nói trên là một trong những biểu hiện của căn bệnh ấu trĩ tả khuynh của công tác phê bình âm nhạc.

Một ca khúc nữa của Trần Hoàn: Lời người ra đi (1951). Tôi cho rằng Lời người ra đi là một tình ca vào loại khá. Người nghệ sĩ có quyền nói và phải nói đến những hi sinh và gian khổ trong cuộc chiến tranh vì độc lập dân tộc. Không nên căn cứ vào một vài từ ngữ nào đó của Lời người ra đi mà chụp cái mũ bi quan xuống đầu tác giả để từ đó, xóa bỏ một thành quả của lao động nghệ thuật.

Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp chồng chất vô vàn gian khó, ai nấy đều dò dẫm tìm đường. Trong hoàn cảnh ấy, viết được một tình ca như Lời người ra đi là đáng khuyến khích! Giờ đây, Lời người ra đi vẫn đọng lại trong trái tim lớp trẻ và vẫn vượt xa nhiều bản tình ca nông cạn hôm nay.

Điều đáng tiếc: chính tác giả Trần Hoàn cũng “vui lòng” từ bỏ hai đứa con tinh thần tươi trẻ và cứng cáp ấy của anh!

Các nhà phê bình, xin các bạn đừng bứt bẻ từng chi tiết trong một tác phẩm văn học nghệ thuật! Các nhà sáng tác, xin các bạn hãy giữ vững tinh thần, đừng vì những lời phê bình tả khuynh ấu trĩ mà vội vàng từ bỏ đứa con nghệ thuật của mình!

Tôi tin rằng một ngày kia, người mẹ thông minh và hiền dịu Trần Hoàn sẽ về lại với hai đứa con Sơn nữ ca và Lời người ra đi mà một thời anh đã vội vàng từ bỏ. Tôi cũng tin rằng một hôm nào đó, người mẹ tóc bạc Trần Hoàn mắt nhòa lệ sẽ run run đưa hai tay ra ôm hai đứa con Lời người ra đi và Sơn nữ ca mà anh đã bao năm “tự nguyện” xa lìa!

Có một thực tế không thể chối cãi được: các bản tình ca nói trên của Trần Hoàn, Tô Hải, Nguyễn Văn Tý, Huy Du, Tử Phác, Việt Lang, v.v. suốt nửa thế kỉ nay vẫn đang lay động tâm hồn hàng vạn con người đủ các lứa tuổi. Đó chính là thước đo giá trị của các bài hát ấy.

Về tình ca cách mạng, phải ghi công lớn và ghi công đầu cho nhạc sĩ Hoàng Việt.

Ngay buổi đầu kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, trong sự cấm kị đối với đề tài tình yêu, Hoàng Việt đã làm rung động hàng vạn trái tim thanh niên nông thôn Nam Bộ bằng Lên ngàn. Lên ngàn là một trong những thành công sớm nhất của tình ca cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Lời ca đầy chất dân tộc, đậm nét đồng quê, vang lên một tình yêu bất diệt và trong sáng. Nhạc điệu du dương, dìu dặt, mơ màng, phảng phất chất dân ca Nam Bộ bay vút lên ở cuối bài rồi dần dần lắng xuống. Với Lên ngàn, Hoàng Việt đột nhiên làm cho âm nhạc kháng chiến chống Pháp được chắp thêm đôi cánh dập dờn và mạnh mẽ của tình yêu.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tình ca của Hoàng Việt phát triển lên một giai đoạn mới. Năm 1957, trong khi hầu hết các nhạc sĩ chúng ta không vẫy lên đôi cánh tình ca, thì với tình ca “Tình ca”, Hoàng Việt trở nên một trong những người đầu tiên viết tình ca cách mạng thời chống Mỹ như khoảng mười năm trước đó, anh đã là một trong những nhạc sĩ đầu tiên thời chống Pháp viết tình ca cách mạng. Tình ca “Tình ca” đạt tới đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn trong ca khúc Việt Nam thế kỷ 20. Một tình yêu mãnh liệt, rực cháy, thủy chung và bất tử áp đảo bão táp cuộc đời, băng qua bom đạn chiến tranh. Một tình yêu như thế vang vọng từ đầu đến cuối tác phẩm. Không như Lên ngàn, tình ca của thanh niên nông thôn, tình ca “Tình ca” là tiếng hát trái tim của thanh niên nói chung, cả nông thôn lẫn thành thị, nhất là thành thị. Nhờ đó, bài hát chinh phục được tất cả các tầng lớp thanh niên từ Bắc chí Nam.

Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tình ca “Tình ca” lôi cuốn lớp lớp thanh niên cả nước lên đường lao vào lửa đạn để giữ gìn tình yêu và hạnh phúc con người. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tình ca “Tình ca” góp phần động viên không ít thanh niên cách mạng vượt qua những đòn tra tấn trong nhà tù của Mỹ ngụy.

Giờ đây, trên tổ quốc hòa bình và thống nhất, tình ca “Tình ca”, với một sức sống diệu kì, vẫn như một hạt kim cương tiếp tục tỏa sáng trong trái tim tuổi trẻ.

Trên bầu trời nghệ thuật dân tộc Việt Nam trong chiến đấu và trong hòa bình xây dựng cần phải có hàng vạn đôi cánh tình ca tung bay để chứng minh cho chủ nghĩa nhân văn chiến đấu của nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Đó là bài học vô cùng đắt giá rút ra từ công tác phê bình của các ngành nghệ thuật trong nửa thế kỷ qua ở nước ta kể từ sau cách mạng Tháng Tám.

Cô em xóm núi xay ngô tối / Xay hết lò than đã rực hồng. Trong cảnh tù đày khổ cực, Hồ Chí Minh vẫn bình thản bay lên với đôi cánh nhân và lãng mạn.

Cho đến nay, chúng ta cũng chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện nào về người trí thức yêu nước lỗi lạc Trần Đức Thảo. Anh Thảo vừa nổi tiếng trong phong trào chống thực dân Pháp vừa nổi tiếng trên lĩnh vực nghiên cứu triết học Mác-xít ngay từ hồi anh đang học đại học Xoóc-bon và làm việc tại Pa-ri. Anh Thảo suốt đời bảo vệ chủ nghĩa Mác, kể cả khi Liên Xô đã sụp đổ. Anh Thảo là một nhà nghiên cứu triết học tài giỏi nhất ở nước ta. Anh Thảo có công lớn nhất trong việc phát triển ngôn ngữ lí luận Việt Nam, phát triển ngôn ngữ triết học Việt Nam, phát triển tư duy triết học và tư duy luận lí (tức tư duy lô-gích) Việt Nam. Trần Đức Thảo là một mẫu mực của lòng say mê nghiên cứu và sáng tạo vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên lĩnh vực triết học.

Cuộc đời người trí thức lớn đỗ đầu hai bằng tiến sĩ luật và văn chương đại học Xoóc-bon Nguyễn Mạnh Tường cũng bùng bùng ngọn lửa yêu nước và yêu công lí. Tại hội nghị Đà Lạt (Tây Nguyên) do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Phó trưởng đoàn, Nguyễn Mạnh Tường đã làm cho đối phương phải khâm phục vì trình độ tiếng Pháp vừa hùng hồn vừa bay bướm tuyệt diệu của anh. Anh còn là thành viên của hội nghị Phông-ten-nơ-blô 1946.

Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần khẳng định được vị trí tiên phong của đội ngũ trí thức cách mạng kiệt xuất và hùng mạnh xuất thân Nho học và Tây học của nước ta thế kỷ 20 dẫn đầu là các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Thân, Đặng Nguyên Cần, Nguyễn An Ninh, Ngô Đức Kế, Phan Kế Toại, v.v.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ nào về thân thế và sự nghiệp nhà thơ lớn, nhà thơ dân tộc, nhà thơ chiến đấu–trữ tình Nguyễn Bính. Thật là đáng tiếc, Tiểu đoàn 307 thơ Nguyễn Bính và nhạc Nguyễn Hữu Trí chính là hai đóa hồng của văn nghệ cách mạng. Nguyễn Bính suốt đời lặng lẽ sáng tác và sôi nổi chiến đấu vì độc lập của dân tộc, vì tự do của con người và vì chủ nghĩa nhân văn của văn học Việt Nam.

Bên cạnh những thành quả nhất định, phê bình của chúng ta còn có rất nhiều hạn chế cơ bản. Phê bình của chúng ta còn nặng về xã hội học. Nhiều cây bút phê bình chỉ biết thuộc lòng một số “nguyên lí” nào đó. Rồi họ cầm cái “khuôn vàng thước ngọc nguyên lí” ấy, cứ thế, cứ thế đối chiếu máy móc và lạnh lùng vào tác phẩm văn học nghệ thuật. Nói như anh Nguyễn Đình Thi: họ “soi đo”. Rồi họ kết luận: tác phẩm này có và thiếu tính dân tộc, tác phẩm kia có hoặc thiếu tính chiến đấu, tác phẩm nọ có hoặc thiếu tính điển hình, tác phẩm khác có hoặc thiếu cá tính hóa nhân vật, v.v. Họ nói như thánh phán, parler comme un oracle. Tệ hại hơn, một số trường hợp phê bình một tác phẩm nhưng người phê bình chưa hề đọc tác phẩm ấy bao giờ! Đấy là chưa kể, đôi khi, vài ba cây bút phê bình còn tìm mọi cách ngụy biện để đề cao và tung hô dăm ba người nào đó, để quảng cáo cho dăm ba người nào đó nhằm những mục đích không trong sáng. Tôi biết quá đi chứ!

Hồi 1989, tôi viết:

Văn chương bút bẩn, bao hàng rởm Lý luận dầu trơn, ối tập dày! Nói những ba voi, không bát xáo Tàn canh, quảng cáo cái gì đây?”

“Thưa anh, biết. Bài “Quảng cáo”.”

Im lặng nhìn tôi một thoáng, tác giả Nước non ngàn dặm nói tiếp:

“Do áp dụng máy móc lí luận về cái tôi trong văn học phương Tây vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu–lí luận–phê bình đã đi đến một nhận định sai lầm: cái tôi trong văn học Việt Nam chỉ xuất hiện từ phong trào Thơ Mới! Thật hài hước! Đến là hài hước! Không thể dùng định nghĩa về cái tôi của văn học phương Tây để đi tìm cái tôi trong văn học Việt Nam!

Thơ văn Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, v.v. chất ngất cái tôi. Trong Trùng Quang tâm sử, một nhân vật của Phan Bội Châu đã hùng hồn phát biểu: Đời tôi, tôi chỉ thích anh hùng và người đàn bà đẹp, Nhiều bức tượng dân gian hiện vẫn còn lưu giữ được trên đất nước ta diễn tả những cuộc giao hoan trai gái.

Những tác phẩm văn học nghệ thuật đó biểu hiện sâu sắc cái tôi mãnh liệt, cái tôi trí tuệ, cái tôi nhân văn chủ nghĩa của riêng Việt Nam. Sao lại bảo trước khi phong trào Thơ Mới ra đời, văn học Việt Nam chưa xuất hiện cái tôi?! Các nhà nghiên cứu–lí luận–phê bình nói trên không thấy được cái tôi trong tác phẩm của các bậc danh nho và đại danh nho Việt Nam, về căn bản, khác hẳn cái tôi trong văn học Pháp, văn học phương Tây, văn học Nga và văn học Trung Quốc, v.v.

Xa rời thực tiễn Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu–lí luận–phê bình đã máy móc và lạnh lùng đem định nghĩa về điển hình hóa và cá tính hóa nhân vật trong văn học phương Tây thế kỷ 19 làm tiêu chuẩn đánh giá truyện thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu Việt Nam từ thời phong kiến cho tới bây giờ!

Xa rời thực tiễn Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu–lí luận–phê bình đã áp dụng máy móc và lạnh lùng định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Liên Xô (hiện thực cách mạng kết hợp với lãng mạn cách mạng) vào việc đánh giá văn học cách mạng Việt Nam 1930–45 và văn học Việt Nam nói chung từ sau cách mạng Tháng Tám trở đi. Thật vô lí khi đem lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Liên xô đối chiếu máy móc và lạnh lùng vào các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam về đề tài giải phóng dân tộc và đề tài xây dựng đất nước Việt Nam! Khi Liên Xô còn tồn tại, sự đối chiếu máy móc và lạnh lùng ấy đã vô lí. Nhưng càng vô lí gấp bội, khi giờ đây, Liên Xô tan rã, nhiều nhà lí luận–phê bình–nghiên cứu vẫn lạnh lùng và máy móc đem lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của Liên Xô cũ làm khuôn mẫu đánh giá văn học và nghệ thuật nước ta trong giai đoạn Đổi Mới hiện nay! Họ rơi tõm vào cái hố của chủ nghĩa giáo điều! Họ quên bẵng một nhận xét sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc: Châu Âu không phải là toàn thế giới. Họ quên bẵng một câu nói quan trọng của Hồ Chí Minh: Học Mác là học tinh thần của Mác chứ không phải là thuộc lòng chủ nghĩa Mác để rồi cứ thế mà đem áp dụng máy móc vào thực tiễn sinh động và muôn hình muôn vẻ ở nước ta. Họ quên rằng hoàn cảnh Liên Xô, về cơ bản, khác hẳn hoàn cảnh Việt Nam. Họ luôn luôn kêu gọi chống giáo điều và chống máy móc nhưng chính họ lại tự giam mình trong vòng vây của chủ nghĩa máy móc và chủ nghĩa giáo điều!

Đã đến lúc cần có một cái nhìn khác đi, một cái nhìn vô tư và dũng cảm về những nhà văn nghệ cách mạng nói trên và nhiều nhà văn nghệ khác, nhiều tác phẩm văn nghệ khác.

Đã đến lúc phải tìm ra bằng được tiêu chuẩn Việt Nam để đánh giá, để bình luận văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tiêu chuẩn cao nhất về nội dung là tinh thần dân tộc, là tinh thần yêu nước, là ý chí cứu nước, là tinh thần đoàn kết dân tộc, là chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và tâm hồn Việt Nam. Tiêu chuẩn cao nhất về nghệ thuật cũng là những nét đặc thù của dân tộc Việt Nam. Tham khảo các tiêu chuẩn nước ngoài, tham khảo lí luận nước ngoài nhưng không lệ thuộc nước ngoài, không xóa bỏ các tiêu chuẩn Việt Nam và không xa rời thực tiễn Việt Nam. Đừng đánh giá văn học nghệ thuật nước ta theo bất cứ khuôn mẫu nào lấy từ bất cứ một nước ngoài nào. Đừng đánh giá văn học nghệ thuật Việt Nam theo bất cứ câu nói nào hoặc bất cứ “lời dạy” nào của bất cứ ai ở bất cứ một nước ngoài nào. Tôi không bài Xô. Tôi không bài Trung. Tôi không bài ngoại. Tuy nhiên, càng về sau này, tôi càng thấy cần phải dựa vào những tiêu chuẩn Việt Nam do các bậc đại danh nho và danh nho Việt Nam đặt ra từ nhiều thế kỷ trước kết hợp với những nguyên tắc do Bác Hồ gợi ý, tôi nói: Bác Hồ gợi ý chứ không nói: Bác Hồ chỉ thị, để phê bình và nghiên cứu văn học nghệ thuật và quy hoạch đô thị nước ta.”

Nguồn: Nhật Hoa Khanh, Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng, 2004, không ghi nhà xuất bản



===

No comments: