===
Bùi Ngọc Tấn
Chuyện kể năm 2000
Chương 58
Thế là hắn đã bị bịt kín mọi lối. Chỉ còn một chút ánh sáng ở con đường dẫn đến ông Hoàng. Lại một lần nữa hắn được gặp ông Hoàng ở nhà khách thành phố vào một buổi tối. (Gần như những dịp về công tác tại P, có điều kiện, ông lại gặp hắn). Hắn thuật cho ông nghe mọi chuyện, từ chuyện ông Trần tới chuyện ông Khuổng. Ông nghe và im lặng.
Hắn không thấy vẻ bực bội trên khuôn mặt nhân hậu của ông, mặc dù rõ ràng như vậy là những người cán bộ cũ của ông gây ra việc oan trái nhưng không chịu sửa. Hơn thế, họ còn quyết chống lại ông, tuyên chiến với ông. Hắn lo sợ, vì hắn, ông đã bị xô đẩy vào một tình thế khó xử. Hắn nhìn ông như người có lỗi.
Ông giở cặp, lấy bút giấy ra viết. Đó là bức thư gửi giám đốc, bí thư đảng uỷ xí nghiệp đánh cá, nơi ông đã dự kiến cho hắn về làm việc. Là thủ trưởng của ngành, việc ấy với ông không gặp khó khăn. Nhưng còn cái giấy của tiểu khu. Ông hiểu chuyện ấy. Có lẽ chính ông sẽ phải xuất tướng để giải quyết cái việc cỏn con mà quan trọng này. Người ta đi làm mà cũng không cho. Thật không thể hiểu được. Cuộc sống sẽ ra sao, chế độ sẽ ra sao, nếu những việc như vậy tiếp diễn, bất chấp đạo lý, dư luận và lý tưởng của Đảng... Đồng chí Tổng Bí thư nói nếu nhìn một phụ nữ đẩy xe bò mà trong lòng không xúc động thì không còn là người cộng sản nữa. Ông nghĩ tới điều ấy vì ông bỗng thấy mình đơn độc. Lòng con người với con người xơ cứng lại rồi. Người ta dửng dưng trước những đau khổ xảy ra với người khác. Hoặc ít nhất, người ta im lặng. Chẳng có bộ luật xử những người im lặng trước nỗi đau khổ của người khác. Nhưng phải thấy đó là điều đáng sợ đối với xã hội. Đó là sự đồng loã, là môi trường để cho cái ác phát triển”. “Thương người như thể thương thân”. Câu ấy không thấy nhắc lại nữa. Vì nó không mang tính giai cấp. Hay xã hội ta tốt đẹp, không có những con người đáng thương nữa?
Đôi mắt ông đượm buồn, và hắn biết hắn là nguyên nhân nỗi buồn của ông. Hắn đỡ lá thư ông vừa viết gửi lãnh đạo xí nghiệp đánh cá, nghe ông căn dặn, động viên. Hắn muốn quì xuống cám ơn ông. Ra về, hắn nghĩ về ông. Ông như một nốt nhạc lạc lõng trơng dàn nhạc. Hẳn nhiều lúc ông thấy mình rất cô đơn...
Ngọc không nói gì khi xem bức thư của ông Hoàng. Nàng lại thắp hương. Bên cạnh cái nhìn trần thế giờ đây nàng có cái nhìn xa vắng. Cái nhìn hướng về một nơi nào đó xa vời, thăm thẳm. Nàng bảo hắn:
- Mai anh xuống xí nghiệp, đưa thư của ông Hoàng đi. Ngày mai tốt ngày đấy.
Giờ thì Ngọc tính toán rất kỹ ngày tốt ngày xấu. Hắn đi về phía cuối thành phố, nơi đặt trụ sở của xí nghiệp đánh cá với bức thư của ông Hoàng. Và những kỷ niệm lại đến với hắn. Hàng phi lao, nơi đây một lần hắn đã mua mấy cân cá mực vào dịp mồng hai tháng Chín do anh thông tin viên của xí nghiệp đã làm sẵn hoá đơn. Hàng phi lao đã to thế này, nhưng hắn vẫn nhận ra nhờ khúc đường nhựa lượn cong và con lạch dẫn nước thải đen chảy về phía bờ sông. Hắn cân mực chính ở chỗ này, chỗ có cái cống này. Và bãi sú bỗng hiện ra. Một dòng sông mải miết trôi xuôi.
Những cánh hải âu bay lượn. Đó chính là điều hắn vẫn nghĩ tới những trong ngày đêm bị nhốt ở một lòng chảo giữa rừng. Hắn như ngửi thấy mùi thoáng đãng của biển cả.
Điều đó chỉ tăng thêm sự hồi hộp khi hắn tới gặp ông giám đốc, ông bí thư đảng uỷ để đưa bức thư của ông Hoàng. ở đây người ta đã biết mọi chuyện về hắn. Ông Hoàng đã nói chuyện. Họ nhìn hắn dưới góc độ của ông Hoàng. Thật vô cùng thuận lợi.
Ông trưởng phòng tổ chức tiếp hắn, tôn trọng, cởi mở và thông cảm. Thật khác với những ông trưởng phòng tổ chức được miêu tả trong các sách thời đó. Thời đó người ta bắt đầu chán kiểu viết xuôi chiều. Người ta viết và cũng muốn gai góc trong những điều mình viết. Bí thư đảng uỷ, giám đốc thì không dám đụng đến vì giám đốc đại diện cho chính quyền, bí thư đại diện cho Đảng. Đụng đến các ông ấy là đụng đến chế độ, là khốn khổ cả đời. Các ông ấy không thể có khuyết điểm nhất là khi đã được điển hình hoá trong văn học. Nếu có đáng phê bình thì chỉ có thể là “đồng chí quá thẳng thắn thành ra đôi khi hơi nóng nảy”, hoặc như Bình nói: “Đồng chí làm việc nhiều quá, khuya quá, ít chú ý giữ gìn sức khoẻ để làm việc lâu dài. Sức khoẻ của đồng chí không còn là của riêng đồng chí. Nó thuộc về nhân dân. Nó là tài sản của nhân dân. Tôi thẳng thắn phê bình đồng chí. Dù đồng chí có hiểu nhầm tôi, nhưng tôi có bổn phận...” Vậy thì đành lôi mấy ông trưởng phòng tổ chức ra hành, vì ông là lãnh đạo, nhưng chỉ ở mức độ nào thôi. Trên ông đã có những người mẫu về đạo đức, về trí tuệ, về tác phong. Đó là giám đốc, là bí thư, những người đại diện toàn năng cho chế độ.
Ông trưởng phòng tổ chức nói rất thành thật:
- Có chỉ thị trực tiếp của anh Hoàng, chúng tôi chấp hành thôi. Không có vấn đề gì đâu. Anh không phải lo lắng gì cả. Anh về làm cho chúng tôi cái đơn và giấy giới thiệu của phòng lao động khu phố.
ắn chết lặng. Hắn đã biết đó là thủ tục bắt buộc phải có, nhưng vẫn hy vọng mình được ngoại lệ, vì ông Hoàng giới thiệu và đảm bảo. Hắn càng hiểu cái đòn của ông Khuổng (thực ra là của ông Trần - Ông Trần đánh chưởng qua tay ông Khuổng) là hiểm. Ngón đòn hắn không thể nào đỡ được. Đứng trước ngón hiểm đó hắn chỉ có thổ huyết. Cuộc đấu này giữa hắn và mấy ông không đồng cân đồng lạng. Hắn đã bị đo ván, không gượng dậy được, mà mấy ông còn xúm lại chơi đòn hội chợ diệt cho đến chết. Biết rằng không bao giờ ông Trần cho hắn gặp nữa, nhưng hắn vẫn đến Sở, đăng ký xin gặp. Còn biết bấu víu vào đâu. Khi ông Khuổng nói: “Tôi chỉ thị cho tiểu khu rồi. Tiểu khu không được ký giấy cho anh đi làm”, thì chỉ có ông Trần mới giải được câu bùa chú đó thôi. Hắn không được gặp ông và hắn nghe tin ông đi học Nguyễn ái Quốc. Đó là cửa ải ông bắt buộc phải qua, là Vũ Môn để cá chép hoá rồng.
Một chút hy vọng mơ hồ, mỏng manh mà hắn cố nhen nhóm đã tắt lịm.
Thôi. Đành chết trong cuộc sống.
hết: Chương 58, xem tiếp: Chương 59
==
No comments:
Post a Comment