Thursday, January 6, 2011

ĐOÀN DUY THÀNH * HỒI KÝ I



LÀM NGƯỜI LÀ KHÓ

» Tác giả: Đoàn Duy Thành

1. Lời nói đầu của Văn tuyển


“… sự tranh giành quyền lực gay gắt giữa bọn kì hào lí dịch ở nông thôn hồi ấy, cảnh chèn ép lẫn nhau đến mức tàn khốc đã gây ấn tượng rất sâu sắc trong thời niên thiếu của tôi …”



Phạm Đỉnh: Tập hồi kí chính trị mà chúng tôi gửi đến bạn đọc khắp nơi hôm nay do một viên chức nhà nước cấp cao (nguyên Phó thủ tướng) viết ra. Ở cương vị như thế, đã từng nắm nhiều trọng trách như thế, tác giả tập hồi kí hẳn là hội đủ điều kiện để “được phép” viết hồi kí trong một chế độ mà bộ Văn hoá đang đề nghị ông thủ tướng “chấn chỉnh việc viết và xuất bản hồi kí, tự truyện liên quan đến các vấn đề lịch sử, bí mật công tác và bí mật quốc gia, trong đó quy định cụ thể đối tượng được viết hồi kí, thời điểm viết và những nội dung được viết...” (theo bản tin báo Tuổi Trẻ, ngày 27/12/2006, trích dẫn Công văn số 4993/BVHTT-XB). Thế nhưng tập hồi kí này lại bị cấm phổ biến từ dạng bản thảo.

Cứ sự thường thì viết hồi kí là một việc chẳng có gì mà phải ầm ĩ như cái công văn kia. Những người của công chúng thường vẫn dùng hồi kí để “nói thêm” cho công chúng biết về những sự việc mà họ đã trải qua, để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm đã qua, hay là để bổ sung những mặt thông tin từ góc độ những người trong cuộc, nhằm giúp cho xã hội có thêm những thông tin có thể chưa thật đầy đủ.

Ở đây hai mặt riêng – chung của thông tin trong thể loại hồi kí cần được cân đối để một mặt hồi kí cung cấp những lượng thông tin cần thiết và trung thực, mặt khác vẫn không xâm phạm đến những mặt riêng tư và những việc “bí mật quốc gia” cần tôn trọng. Nhưng đó là những gì thuộc về trách nhiệm của lĩnh vực xuất bản; người viết không bị ràng buộc nhiều về trách nhiệm này. Có phân công trách nhiệm như thế thì xã hội phương tây mới có được pho Hồi kí đồ sộ hàng nghìn trang sách của những chính khách như Churchill, De Gaulle mà người đương thời từng thán phục về giá trị văn học nhưng vẫn không hề nghi ngờ về giá trị thông tin trung thực của chúng về mặt sử học.

Như thế thì có thể cắt nghĩa làm sao về cái công văn quái dị của bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam nói trên kia?

Hẳn nhiên là các nhà xuất bản cần cái “khung pháp lí” cho ngành xuất bản, nhất là các nhà xuất bản của nhà nước. Về mặt này thì khó có thể tin rằng đảng cộng sản cầm quyền đã hơn 60 năm mà vẫn chưa có cái khung pháp lí đó. Cứ cho là trong buổi đầu trứng nước, nhà nước “vô tư” in và phát hành hàng trăm nghìn bản in tập “truyện kí” Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch của Trần Dân Tiên mà về sau này nhà nước thấy xấu hổ vì tính cách đánh bóng cá nhân, xa sự thật của nó nên phải loại bỏ nó cùng với tập “tự truyện” khác là Vừa đi đường vừa kể chuyện (kí tên T.Lan) ra khỏi Hồ Chí Minh toàn tập.

Nhưng đó không phải là trường hợp hồi kí Làm người là khó của Đoàn Duy Thành. Mặc dù được viết ra từ cây bút của một công thần của chế độ, tập hồi kí bị cấm phổ biến dù là ở dạng bản thảo. Không những thế, chính tác giả nó cũng trải qua những “bầm dập” vì sức ép của các cấp uỷ đảng, kể cả việc ông phải ra điều trần trước một buổi họp chi bộ đảng tại địa phương.

Lượng thông tin của tập hồi kí khá phong phú về nhiều mặt. Trong điều kiện xã hội bình thường thì đây có thể là một tập hồi kí “tốt”. Còn gì hơn là được gặp một con người có cương vị cao trong một tổ chức toàn trị đầy tràn quyền năng! Sở dĩ tập hồi kí này gặp số phận truân chiên, chỉ là vì nó phạm vào một huý kị lớn của chế độ đương thời: phơi bày những mặt ngu dốt của lãnh đạo cấp cao, cụ thể là nhân vật khét tiếng một thời: Đỗ Mười! Phê phán một nhân vật cỡ như thế trong xã hội cộng sản thì xưa nay mới chỉ thấy có một vài người, đi đầu là Krushchev với bản báo cáo mật “Tệ sùng bái cá nhân và những tác hại của nó” (1956).

Xem thế thì không chừng những lời đẹp đẽ trong công văn 4993/BVHTT-XB kia cũng chỉ là mặt ngoài màu mè để che giấu một não trạng độc tài đã thâm căn cố đế. Mà phải che giấu thôi, vì suốt sáu mươi năm cầm quyền vừa qua, không thiếu những chuyện giả dối, sai lạc sự thật nhưng đã bị bộ máy tuyên truyền vặn vẹo đi. Huống chi là trong hai ba thập niên trở lại đây, sự việc càng thêm ngổn ngang, tài cán của cán bộ thì không đủ bản lĩnh, cho nên đảng cộng sản liên tiếp bị những tranh giành quyền lực giữa các phe phái khiến dẫn đến những bi kịch cho chính những con người chỉ muốn cúc cung phục vụ cách mạng.

Dù sao đi nữa, những biến động trong nội bộ đảng cộng sản đã dần dà làm con người Việt Nam khôn ngoan thêm ra. Đã dần dà xuất hiện những tập hồi kí chính trị phơi bày nhiều sự kiện mà bộ máy tuyên giáo của đảng cộng sản muốn giấu nhẹm đi, hoặc là bị các sử quan trong các cơ quan ăn lương của đảng để nghiên cứu và viết lại lịch sử nước nhà.

Đất nước mình có nhiều việc cần phải làm để có được những công phu phục nguyên sự thật cho lịch sử, cho xã hội. Từ những chuyện xa xăm như sự thật về Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930), đến những chuyện gần đây thôi như Phố Ôn Như Hầu (1946), Cải Cách Ruộng Đất (1953-1956), Nhân Văn-Giai Phẩm(1956), vụ Xét Lại Chống Đảng (1962)... Đến thời hiện đại, những sự thật liên quan đến Hiệp Định genève (1954), về quan hệ Việt-Trung Hoa-Liên Xô... Cho đến nay, sách vở in thì nhiều nhưng chỉ là những phó bản của giọng lưỡi tuyên truyền một chiều của nhà nước. Mà nhà nước này thì có thành tích rất cao về việc viết lại sự thật theo ý mình. Rất hiếm hoi những tiếng nói như của Trần Quang Cơ trong tập hồi kí Hồi Ức Và Suy Nghĩ

Sẽ cần nhiều can đảm của những đảng viên cộng sản can dự những biến cố trên nói lên tiếng nói của mình, để công chúng tiếp cận thêm nhiều mặt khác nhau của sự việc chứ không thể “vô tư” theo các sách sử của sử quan đương triều. Và cũng là để trả lại sự thật cho lịch sử. Rồi sẽ có một ngày những dối trá của đảng cộng sản sẽ được những người cộng sản thức tỉnh và tìm cách phục nguyên sự thật lịch sử. Sẽ có một ngày những người chính phạm của những hành động xâm hại nặng nề đến sự thật lịch sử sẽ phải sám hối. Và ngày đó xã hội Việt Nam sẽ có thêm nhiều những hồi kí thật sự có ý nghĩa, bất chấp những công văn chỉ thị “phản động” kiểu như công văn 4993/BVHTTT-XB.



LÀM NGƯỜI LÀ KHÓ
(Hồi kí Đoàn Duy Thành)

TIỂU SỬ TÁC GIẢ




Đoàn Duy Thành, Sinh ngày 15 tháng 9 năm 1929. Quê gốc: thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Xuất thân trong một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước, có nề nếp ở nông thôn.
  • Năm 1942 - 1945, được cán bộ cách mạng bí mật tuyên truyền, giáo dục và đào tạo; sớm giác ngộ tham gia Việt Minh từ 1943 - 1944.
  • Ngày 1 tháng 7 năm 1945, làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. [1]
  • Ngày 16 tháng 8 năm 1945, tham gia cướp chính quyền ở huyện Kim thành, tỉnh Hải Dương; làm Bí thư xã bộ Việt Minh xã Cộng Hòa. Tham gia xóa nạn mù chữ và các hoạt động xã hội khác. Trúng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã với số phiếu cao nhất - Lúc này vừa tròn 17 tuổi.
  • Ngày 15 tháng 10 năm 1946, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; Làm Bí thư Chi bộ xã Cộng Hòa.
  • Năm 1948, làm Bí thư rồi Phó Bí thư Quận ủy Ngô Quyền, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính, Chính trị viên Quận đội Quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
  • Ngày 18 tháng 9 năm 1951, bị Pháp bắt giam và đầy đi Nhà tù Côn Đảo.
  • Ngày 12 tháng 12 năm 1952, tham gia cuộc vượt ngục nổi tiếng (Vụ vượt ngục Côn Đảo). Sau khi vượt ngục, tham gia hoạt động tại Văn phòng Thành ủy Hải Phòng; là Bí thư Chi bộ Văn phòng Thành ủy, Trợ lý cho Lãnh đạo Thành ủy.
  • Từ năm 1958 đến 1976, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Công ty Bách hóa, Công ty Bông Vải Sợi, Công ty Bách hóa bán buôn, Công ty Bông Vải Sợi và may mặc; Phó Chủ nhiệm Liên hiệp xã Thủ Công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp và Thủ công nghiệp, Giám đốc Sở Thủ Công nghiệp Hải Phòng, Chủ nhiệm Liên hiệp xã Thủ Công nghiệp.
  • Năm 1968, là Thành ủy viên Thành ủy Hải Phòng; làm Trưởng các ban của Thành ủy: Tài mậu, Công nghiệp, Khoa học Kỹ thuật; rồi Giám đốc Sở Thương nghiệp Hải Phòng.
  • Tháng 6 năm 1976, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng.
  • Tháng 8 năm 1979, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng.
  • Tháng 2 năm 1982 đến tháng 11 năm 1983, là Ủy viên Dự khuyết và từ tháng 12 năm 1983 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Thành ủy Hải Phòng. [2]
  • Tháng 7 năm 1986, làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.
  • Tháng 2 năm 1987, làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại. [3]
  • Năm 1990, làm Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
  • Năm 1993 đến năm 2002, làm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  • Năm 2003, Ông được nghỉ hưu tại Nhà riêng số 216 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Cống hiến

  • Năm 1980, Chỉ đạo và tổ chức đắp đập Đình Vũ và đắp đê đường 14, lấn ra biển một diện tích ngang với huyện Tiên Lãng. Riêng đắp đê đường 14 đã thành lập thêm được hai xã; để ghi nhớ công lao của Đoàn Duy Thành, nên đã đặt tên xã mới là Hải ThànhTân Thành.
  • Tổ chức Phong trào Ngói hóa nông thôn, không thực hiện Chỉ thị Z30 tuyệt mật bằng miệng, tịch thu những nhà 2, 3 tầng mới xây những năm 1980 [4].
  • Năm 1986, mất mùa liên tiếp, Việt Nam tự cô lập với thế giới bên ngoài, hàng hoá khan hiếm, lạm phát phi mã tới 780% năm. Nền kinh tế trong nước đang đứng trên bờ vực thẳm. Để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia của WB và IMF dự kiến, Việt Nam cần phải có 1,7 - 3 tỷ USD. Tại thời điểm đó, số tiền vài tỷ đô là vượt quá khả năng của nền kinh tế. Trên cương vị là Bộ trưởng Ngoại thương, ông đã cho nhập khẩu 160 tấn vàng - Nhiều người đã kể lại câu chuyện này như một huyền thoại. [1]
  • Đổi mới công tác xuất nhập khẩu: Mạnh dạn phân cấp, giao các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang các Bộ chuyên ngành. Xóa bỏ độc quyền ngoại thương; giao cho các doanh nghiệp trực tiếp được xuất nhập khẩu - Những năm cuối 1980.
  • Có công lao to lớn đưa vị thế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới. Vị trí của VCCI ngày càng nâng cao, mở ra nhiều hoạt động phong phú, trở thành một tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội có uy tín ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Danh hiệu Tôn vinh

  • Huân chương Lao động hạng Nhất.
  • Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm tuổi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Gia đình

  • Phu nhân là bà Phí Thị Tâm (1933 - 1999). Vợ chồng ông sinh được 4 con trai.
  • Con trai thứ nhất là Đoàn Duy Linh, hiện nay là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải phòng.
  • Con trai thứ ba là Đoàn Duy Khương, hiện nay là Tiến sỹ, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tham khảo

  1. ^ a b [1] Ông Đoàn Duy Thành - người bước cùng thời gian - Báo VietNamNet, Cập nhật lúc 18:58, Thứ Sáu, 28/05/2004 (GMT+7).
  2. ^ [2] BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ V (1982-1986), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
  3. ^ [3] Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII (1981-1987) - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
  4. ^ [4] Bài 3: Hải Phòng có cách làm khác... .
  5. ^ a b [5] Hồi ký Đoàn Duy Thành.

Liên kết ngoài

LỜI NÓI ĐẦU


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học ở một làng quê giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, tham gia cách mạng từ thuở niên thiếu và đã trở thành một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, ông Đoàn Duy Thành còn là tác giả của nhiều cuốn sách, đặc biệt là những sách viết về làm kinh tế và quản lí kinh tế trong thời kì đổi mới đã được phổ biến rộng rãi, hoặc sách dùng giáo dưỡng thế hệ trẻ.


Tiếp theo một số tác phẩm đã có dịp ra mắt bạn đọc trước đây, lần này xin được trân trọng giới thiệu cuốn Làm người là khó của tác giả.

Tập hồi kí này không chỉ là những hồi tưởng về cuộc đời mà qua đó, giúp bạn đọc hình dung một các sinh động cả một bối cảnh xã hội của đất nước cũng như Thành phố Hải Phòng qua những chặng đường lịch sử đầy biến động. Với một trí nhớ đáng ngạc nhiên, tác giả nhắc lại những sự kiện gắn bó với tên đất, tên người, những số liệu đi cùng năm tháng mà chắc chắn sẽ rất có ích cho nhiều thế hệ. Từ những ngày trước cách mạng, đến không khí hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nạn đói khủng khiếp năm 1945 do phát xít Nhật gây ra, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ II, công cuộc cải cách ruộng đất, tiếp quản Hải Phòng, cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội những ngày đầu thời kì đổi mới ở Hải Phòng, việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp v.v…

Đằng sau và bên trong của những sự kiện, chính là chân dung con người, đó là hình ảnh tác giả cùng đồng chí đồng bào, xuyên suốt mấy trăm trang viết. Là một nhà chính trị kinh tế, song tập hồi kí có sức lôi cuốn qua lối viết giàu tâm huyết, có cá tính, chân thực, thẳng thắn, nhất quán từ khi còn thuở niên thiếu giác ngộ cách mạng, vượt qua khó khăn thử thách tù đày, tưởng như không thể trụ vững được, trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Thành phố Hải Phòng, rồi một vị Bộ trưởng, một Phó Thủ tướng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Là người có vốn Nho học sâu rộng, thấm nhuần đạo lí truyền thống dân tộc và tinh thần cách mạng, ông lại sớm có tư tưởng cách tân, một tầm nhìn rộng rãi và hành động mạnh mẽ.

Dường như ông làm việc không chỉ biết chấp hành, mà luôn khai phá, năng động sáng tạo. Bởi thế, vinh quang cũng có mà không ít gian truân. Ở cương vị của ông, có không ít việc đã làm được, đã để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào; có một số việc còn dang dở mà lẽ ra có thể rút ngắn thời gian để đi xa hơn, nhanh hơn, nếu như … Chẳng hạn, nếu như cộng sự của ông cũng nhận thức như thế, nếu như ý tưởng của ông được thực thi, nếu như không có những rào cản, trước hết không phải là rào cản của điều kiện bên ngoài, mà là rào cản trong tâm thức con người. Hơn nửa thế kỷ cống hiến cũng là quá đủ đối với đóng góp một đời người, nhưng ở đây trước hết không chỉ là con số, mà là hệ lụy của những con số ấy, là sức mạnh của trí tuệ, hoài bão, là những trăn trở, tìm tòi, tuyên chiến với dốt nát, giả trá, thủ cựu, biết chấp nhận và chối từ.


Cũng là sự trùng hợp giữa các quãng thời gian đầy ắp những sự kiện lịch sử này với cuộc đời của tác giả. Thế hệ đã từng sống bấy giờ, mặc dù đã chứng kiến, chiêm nghiệm qua số phận bản thân, vẫn tìm thấy ở đây thêm lời giải đáp, có dịp nhìn nhận điềm tĩnh hơn, công tâm hơn trong cách xem xét, đánh giá đúng đắn từng vấn đề. Thế hệ sau có thể xem đây là cuốn sách đáng tin cậy để tìm hiểu về một thời hào hùng và cũng lắm thăng trầm của Thành phố Hải Phòng cùng đất nước.

Trong tình hình đất nước đang trên đà đổi mới và hội nhập, thông thoáng hơn về cách nghĩ, cách làm, việc ra mắt cuốn sách trên chắc sẽ đem lại điều bổ ích và cần thiết, ôn cũ biết mới, nhắc nhở đạo làm người.

Tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Làm người là khó với rộng rãi bạn đọc của Thành phố Hải Phòng cùng cả nước.


PHẠM NGÀ
Giám đốc Nhà xuất bản Hải Phòng


2007-04-12 09:28:00




[1] 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13


Lời nói đầu
Ch.1. Thời niên thiếu
Ch.2. Tham gia phong trào cách mạng và khởi nghĩa tháng 8 năm 1945
Ch.3. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2 trên đất Kim Thành, Hải dương
Ch.4. Cuộc chiến đấu mới, mặt đối mặt với quân thù
Ch.5. Ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng
Ch.6. Thời kì đổi mới ở Hải Phòng
Ch.7 Tòng chính tại thủ đô
Ch.8. Cuộc đối chất có một không hai trong lịch sử đảng ta
Ch.9. Con cá nó sống vì nước - Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) sống vì doanh nghiệp
Ch.10. Một số đồng chí uỷ viên bộ chính trị, uỷ viên Ban bí thư thời kì đó, đối với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng
Ch.11. Kết luận
Ch.12. Bài phát biểu tại cuộc họp chi bộ về cuốn hồi kí Làm người là khó

No comments: