Thursday, January 6, 2011

TRẦN THƯ * TỬ TÙ TỰ XỬ LÝ I





Ông Trần Thư Qua Đời Tại Hà Nội

VNN Cập nhật: 3/05/2006

(Hà Nội - VNN) Ông Trần Thư, một trong những nạn nhân chính của vụ án gọi là "xét lại chống đảng" liên quan đến nhiều nhân vật chính yếu của chế độ CSVN xẩy ra vào hồi thập niên 1960, đã từ trần tại Hà Nội hồi 10 giờ 40 sáng ngày 29-4 vừa qua.

Ông tham gia vào đảng cộng sản Việt Nam vào khoảng đầu thập niên 1940, chiến đấu tại Hà Nội trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi CSVN chiếm dóng miền Bắc, ông phục vụ cho tờ Quân Đội Nhân Dân, và sau đó trở thành thư ký toà soạn của tờ báo này. Trong vụ ruồng bố những người bị coi là "xét lại chống đảng", ông bị tước hết mọi chức vụ, và bị giam giữ nhiều năm. Ông đã tường thuật những sự việc này trong tác phẩm "Tử tù tự xử lý" phát hành năm 1996 tại hải ngoại.

Hiện linh cữu ông được quàn tại nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội.



Tử tù tự sử lý nội bộ




Tôi viết cuốn sách này vì nghĩ rằng mình đã may mắn được sống những hoàn cảnh mà ít người được sống, không viết ra thì thật phí của trời.
Tôi muốn viết thành một cuốn tiểu thuyết vì đủ chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết. Nhưng trong đời tôi chưa viết cuốn tiểu thuyết nào, cho nên nếu viết chắc chắn phải cần thời gian.
Mà tôi thì không còn thời gian. Tôi bị bệnh ung thư, sống chết không biết thế nào, đành chọn cách viết kể chuyện thật, tuy cũng có cái phiền của nó nhưng có thể nhanh hơn, may ra kịp.
Hy vọng rằng:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.

2003-03-29 07:21:24

(Để tiện việc biên khảo, chúng tôi xin đánh số các đoạn )


1.Nhọ mặt người một lúc thì tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh và tôi, chính trị viên, đã cùng hai đồng chí cần vụ có mặt trên đê sông Luộc. Trăng hạ tuần cho nên phải về khuya mới sáng. Địch càn quét bao giờ cũng chọn tuần trăng, cái đó đã thành quy luật. Trong bóng tối, dòng sông âm thầm cuồn cuộn chảy. Đã cuối mùa lũ nhưng nước còn khá xiết.


Trung đoàn chúng tôi vừa tránh được một nguy cơ bị tiêu diệt gần như có thể sờ mó thấy. Cuối năm 1951, trước khi đánh lên Hòa Bình, địch đã tập trung 3 GM càn quét vùng bắc Thái Bình. Trước đây cứ có triệu chứng địch tập trung lớn quân cơ động thì trong băm sáu chước, chúng tôi chọn cái chước mình coi là khôn ngoan nhất: chuồn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Quân cơ động rút đi, chúng tôi lại quay trở lại nói chuyện với bọn quân chiếm đóng.


2. Nhưng hồi ấy lực lượng chúng tôi còn yếu. Bây giờ được trang bị và tổ chức lại thành trung đoàn mạnh, và trên các mặt trận chính diện, chủ lực ta cũng đánh mạnh, nên chúng tôi nhận được nhiệm vụ phải tích cực đánh địch cả trong càn quét lớn. Lần đầu tiên toàn trung đoàn chống càn lớn chưa có kinh nghiệm, chúng tôi cứ quanh quẩn trong vòng vây, chiến đấu chặn địch trong suốt một tuần. Đến ngày thứ sáu, thấy vòng vây địch đã khép, đất tự do còn lại quá hẹp, không cơ động được, và bộ đội đã tiêu hao mệt mỏi, mới nghĩ tới chuyện rút. Nhưng đến lúc nghĩ tới thì rút không được nữa. Tất cả các mũi trinh sát tung đi đều về báo cáo chạm địch.


Thực ra kinh nghiệm về sau của chúng tôi cho thấy rõ càn quét một vùng rộng thì không có vòng vây nào hoàn toàn kín cả. Chẳng qua chỉ là vì chúng tôi đã chọn hướng rút dễ nhất: rút xuống nam Thái Bình, đường liền, đất rộng. Ta biết thế ắt địch cũng phải biết thế. Cho nên chúng đã rải quân và xe tăng ra canh phòng cẩn mật suốt dọc đường số 10 là con đường ta sẽ phải vượt qua nếu đi xuống phía nam.


3. Thế là hôm qua toàn trung đoàn đã phải lộn trở lại chiếm lĩnh các trận địa phòng ngự để quyết chiến với địch thêm một ngày nữa đợi đến tối tìm hướng rút khác. Ngày hôm qua quả thật là một ngày căng thẳng đối với tiểu đoàn tôi. Nếu hôm qua không giữ vững được, và đến đêm không rút được thì hôm nay bốn chục khẩu pháo 155 và 105 ly và không biết bao nhiêu khẩu cối 120 và 81 ly sẽ trút đạn lên đầu chúng tôi, từng đoàn máy bay sẽ đổ lửa xuống trận địa chúng tôi, và 3 binh đoàn cơ động từ mấy phía sẽ bâu vào chúng tôi...

Cố thủ đến hai giờ chiều vẫn giữ vững được, các đợt xung phong của địch đều bị đánh bật thì chúng tôi biết chắc chắn là sẽ giữ được đến tối. Cho nên từ hai giờ chiều ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi đã chuyển trọng tâm sang làm các công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân đêm. Tôi cùng các đồng chí địa phương lo chôn cất tử sĩ, săn sóc thương binh, chuyển anh em về những cơ sở có hầm bí mật, gửi vào vùng tề, và các công tác hậu cần khác. Công việc búi như lông lươn.


4. Còn tiểu đoàn trưởng Mạnh thì tổ chức trinh sát nắm tình hình địch xung quanh. Rút
kinh nghiệm đêm trước, lần này trung đoàn cho rút theo hướng khó nhất, cho nên cũng có thể là bất ngờ nhất cho địch: rút qua sông Luộc. Chắc địch không thể nghĩ rằng cả một trung đoàn đã sứt mẻ và mệt mỏi sau một tuần chiến đấu và không có phương tiện vượt sông, lại có thể đem theo toàn bộ vũ khí, khí tài và thương binh của mình trong một đêm lách qua vòng vây của họ, hành quân hàng chục cây số, vượt qua một con sông lớn, rồi lại hành quân tiếp gần chục cây số nữa về một nơi địch vừa càn xong, cơ sở bị rệu rã.

Vả lại đêm hôm trước, khi chúng tôi bị mắc lại ở đường số 10 thì một đại đội của tỉnh Hưng Yên đã qua lọt sông Luộc. Chứng tỏ phía ấy địch có sơ hở, đúng như phán đoán của chúng tôi. Mặc dù một đại đội thì lọt, còn một trung đoàn thì có thể không.
Đi cả trung đoàn thì cồng kềnh quá, Trung đoàn cho xé nhỏ một tiểu đoàn, phân tán tại chỗ. Chỉ còn hai tiểu đoàn hành quân luôn ra bờ sông đi làm hai mũi cách nhau khoảng một cây số, để nếu tiểu đoàn nào chạm địch thì tiểu đoàn kia sẽ yểm trợ. Toàn trung đoàn nhiệm vụ chính là bảo toàn lực lượng.

5. Xẩm tối, tiểu đoàn tôi đã rải dài trên đê Sa Lung để tránh trận tập kích pháo chập tối của địch và chuẩn bị hành quân chiến đấu.
Tiểu đoàn trưởng Mạnh đã nắm một tổ trinh sát và một tiểu đội trang bị toàn tiểu liên đi dò đường, nếu gặp địch phục kích thì diệt, mở đường mà đi. Dò từng quãng, thông đến đâu thì cho liên lạc về dẫn đơn vị lên, và trong khi đơn vị hành quân lên thì Mạnh dò tiếp. Nghĩa là hành quân kiểu sâu đo. Nếu không thì không kịp.

Đứng trên đê Sa Lung, tôi nóng ruột như bào. Một tiếng không có tin của Mạnh. Hai tiếng cũng không. Tôi tranh thủ thời gian này thanh toán nốt những công việc còn dở dang. Nhìn theo những chiếc võng đi khuất dần vào bóng đêm đưa anh em thương binh về các cơ sở, tôi cảm thấy trong lòng nặng trĩu.


6. Mấy ngày tới sẽ là những ngày thử thách gay gắt nhất đối với họ, số phận của họ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lòng dân, vào sự dũng cảm và sức chịu đựng của mỗi người, vào may rủi. Chúng tôi đã bỏ anh em lại trong vòng vây của địch mà ra đi. Nhưng chúng tôi ra đi có lọt hay không, ngày mai cái Trung Đoàn 42 này có còn tồn tại nữa hay không cũng là chuyện chưa rõ. Nhưng dẫu sao thì thành thật mà nói tôi không muốn ở vào hoàn cảnh của những anh em đó.


Mọi công việc tôi đã làm xong từ lâu mà Mạnh ra đi vẫn bặt vô âm tín. Lính ngồi chống báng súng ngủ la đà. Cũng như cánh cán bộ tiểu đoàn chúng tôi ở những cuộc họp trong ngôi miếu nhỏ trên gò Vú Cô Tiên.
Đó là nơi tối tối ban chỉ đạo chống càn triệu tập các cán bộ chỉ huy các đơn vị tới họp. Trong miếu không thấp đèn. Chỉ có hai ba cái đèn pin pha đèn dán kín bằng giấy than đánh máy chỉ để hở một lỗ nhỏ bằng hạt đỗ, rê đi rê lại trên tấm bản đồ trải dưới đất, tỏa ra một ánh sáng mờ mờ. Bọn cán bộ tiểu đoàn chúng tôi lợi dụng bóng tối cứ ngồi lẩn sau lưng các vị cấp trên, gục xuống ngủ. Cực kỳ mệt. Vả lại chúng tôi ở đây là đuôi trâu. Chính ủy mặt trận, Nguyễn Khai, mắt đỏ như mắt cá chày vì thiếu ngủ, thỉnh thoảng lại gọi:

7. - Này, ngủ cả à! Lay lay các tướng ấy dậy hộ tý! Phát biểu đi chứ?
Chúng tôi mắt nhắm mắt mở ậm ừ phát biểu một hai câu chung chung rồi lại... ngủ. Không cưỡng được.
Bây giờ, trên đê Sa Lung, chắc anh em chiến sĩ cũng nghĩ họ là đuôi trâu. Còn tôi thì đã thành đầu gà. Mắt cay xè và chắc cũng phải đỏ như mắt cá chày, nhưng vẫn tỉnh căng. Bây giờ nếu có kê giường trải chiếu đàng hoàng cho tôi, tôi cũng không tài nào ngủ được. Lo đến xoắn ruột. Đi đi lại lại kiểm tra các đại đội cho quên cái mặt đồng hồ lân tinh đi mà không sao quên được. Chốc chốc lại ngó. Pháo địch vẫn bắn cầm canh.


8. Cuối cùng mãi gần nửa đêm mới có liên lạc của Mạnh hiện ra từ trong đêm tối:
- Báo cáo! Anh Mạnh bảo anh cho đơn vị lên. Em dẫn đường.
Lính đang ngủ chỉ cần một lệnh khẽ đã lục tục dậy. Rồi đoàn quân chuyển mình. Cả một tiểu đoàn, lại kéo theo cả nghìn dân, hành quân đội hình một hàng dọc trên đường đồng, nếu đầu đội hình có nhởn nha bước một thì từ giữa đến cuối đội hình cũng phải chạy hộc tốc xốc gan. Vậy mà về sau tôi được nghe anh em kể lại, trong khi chạy như thế với một tinh thần luôn luôn sẵn sàng nổ súng, vẫn có một cậu chiến sĩ nào chạy qua một bãi cứt trâu, đã vừa chạy vừa ngoái cổ lại nói nhỏ bảo anh em chạy sau:
- Này, nhặt hộ cái mũ nồi!
Và một cậu chạy sau đã nhanh nhẩu thọc tay xuống bãi cứt, rồi vặc khẽ:
- Mẹ thằng xỏ lá!

9. Chạy một quãng, gặp chỗ khó đi thì dồn tầu, rồi lại chạy, lại dồn tầu, không biết bao nhiêu lần như thế, cuối cùng dừng lại đợi. Đợi Mạnh trinh sát dò đường tiếp. Lính ngồi quỵ xuống thở, súng chĩa sang hai bên. Cứ thế cho đến ba giờ sáng tôi cúi rạp xuống đất nhìn lên vẫn chưa thấy bóng đê sông Luộc đâu. Thế này thì sang sông làm sao kịp?


Tôi chạy đến đầu làng Nội thì trời đã mờ mờ sáng, gặp Mạnh đứng đón ở đó. Mạnh người Thái Nguyên, lúc ấy mới hai mươi bốn tuổi nhưng trông già. Tính tình hiền, ít nói, nhưng mặt nom lì lợm, đôi mắt lừ lừ, lính sợ lắm. Không bao giờ nói chuyện gái, chuyện vợ, ai hỏi đến chỉ cười trừ. Tình yêu của anh là garanxuya (gargantua), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là gà rán sữa. Nghĩa là mỗi lần diệt xong cái đồn nào, tỉnh ủy địa phương bao giờ cũng tặng riêng ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi 100 đồng Đông Dương, và lần nào Mạnh cũng tủm tỉm:
- Thế nào, ông Thư, garanxuya chứ!
- ừ thì garanxuya, sợ gì!


10. Lúc này anh đứng đó, cổ gầy ngẳng, mặt vêu vao, và vốn lì lợm nom càng lì lợm. Anh chỉ cho các đại đội tỏa về ba làng. Phải trú quân lại, bố trí phòng ngự chân kiềng, đợi đến đêm mới sang sông được.
Các cán bộ đại đội cũng đứng cắm ở cổng làng của đơn vị mình rồi thấy bất cứ ai chạy tới, dù là lính đơn vị nào còn rớt lại, dù là quân hay dân, cũng cứ ấn bừa cả vào trong làng. Không mau lên thì sáng toét!
Khi trời sáng hẳn, ai đi qua đầu làng thì tưởng đâu làng không người. Toàn bộ kho kinh nghiệm giữ bí mật của một đơn vị địch hậu tích lũy được từ bao lâu nay đã được các đơn vị đem ra thi thố hết.

Tôi đi vào làng, không nghe thấy một tiếng gà, không thấy bóng một con lợn, chỉ bừa bãi vỏ đồ hộp. Hỏi dân thì mới vỡ nhẽ ra là sáng hôm qua một cánh quân địch còn đóng đây. Và chính từ đây chúng đã tiến vào hợp điểm. Và đến đêm, chúng tôi đã luồn qua nách chúng về chiếm lĩnh cái trận địa chúng vừa rời khỏi ban ngày.
Như trẻ con chơi đổi chỗ vậy.

Cả đêm hôm qua chúng tôi đã chạy được... 5 ki-lô-mét. Những ki-lô-mét vô giá.
Lát sau có liên lạc của trung đoàn xuống báo tin tiểu đoàn bạn cũng phải trú quân lại và triệu tập Mạnh lên họp.


11. Được một ngày nghỉ ngơi và chuẩn bị cho cuộc vượt sông. Chập tối Mạnh đã cho một phân đội sang chiếm lĩnh đầu cầu bên kia sông và trinh sát tình hình bên trong đê. Tôi đứng trên đê nhìn các tiểu đội từ trong bóng tối nhô lên mặt đê rồi lại tụt xuống bãi. Anh nào cũng đánh độc cái quần đùi, ôm một cây chuối. Và tất cả lùi lũi đi như những bóng ma.


Các cán bộ ra lệnh cũng khe khẽ. Dưới nước các tiểu đội giàn thành hàng ngang, tiểu đội nọ cách tiểu đội kia một quãng, nom như từng làn sóng. Sườn bên phải khúc vượt sông của chúng tôi là tiểu đoàn bạn. Sườn bên trái, Mạnh đã bố trí một lực lượng đánh ca-nô, nếu chúng xuất hiện.

Dân Thái Bình hầu hết đã ở lại, đợi địch rút thì quay trở về làng. Đi theo bộ đội chỉ còn cán bộ và dân hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương bị mấy trận càn vừa xảy ra ngay trước trận càn này dồn về đây. Địa phương đã chuẩn bị được một số ít đồ gỗ, đò nan thường ngày vẫn chở khách sang ngang để chở phụ nữ và trẻ em. Còn thì xuống sông tuốt. Tuy vậy nhiều chị em cũng chuẩn bị cây chuối cho chủ động.


13. Và bây giờ thì không giữ được bà con đi sau bộ đội nữa. Qua các đường ruộng, bà con cứ tự động vọt lên đê. Rồi đến một lúc tôi thấy từ dưới chân đê nhô lên hai bóng trắng. Hai cô gái trần truồng như nhộng, một tay ôm bọc quần áo, một tay vác cây chuối trên vai, lè tè chạy tới. Trong đêm tối trông thấy rõ bốn cái vú nhảy nhảy. Đã thế, tới chỗ chúng tôi đứng, còn dừng lại ghé sát vào, thì thầm hỏi:
- Đi lối này phải không các anh?
- Phải, đi lối ấy. Nhưng sang bên kia sông nhớ mặc quần áo vào đấy nhé!
Chẳng biết ai đó trả lời, cũng bằng cái giọng thì thào như thế.
- Khỉ gió các anh!


Chắc phải là các mẹ cán bộ huyện mới dám táo tợn vậy. Không biết có phải đó là hai cái cô mà xẩm tối hôm qua, trên đê Sa Lung, tôi đã vô tình nghe lỏm được cuộc đối thoại trong bóng tối:
- Mày đi hay ở?
- Tao ở. Còn mày?
- Tao đi. Theo bộ đội.
- Mày theo, tao cũng theo.
Rồi cười rúc rích. Cuộc chọn lựa thật là dứt khoát!
Đứng trên đê, tôi lấm lét nhìn theo hai cái bóng đang tưng tưng đi xuống bờ sông. Phá vây đêm mà nom cứ trắng lốp! Và bất chợt tôi liên hệ nghĩ đến bốn khẩu pháo 105 ly sáng nay.

14. Sáng nay, sau khi chúng tôi luồn tới được vị trí mới, đôn đốc các đơn vị chuẩn bị trận địa chiến đấu xong, tôi ngồi tựa một gốc cây chợp mắt một tý cho đỡ mệt. Đang ngủ say thì bị ai vỗ đốp một cái vào vai, giật bắn mình. Và có tiếng hỏi giật:
- Này, mày ơi! Ban chỉ huy tiểu đoàn đâu?
Tôi mở mắt: một cậu chiến sĩ trạc tuổi tôi đang đứng trước mặt. Vừa bực mình, vừa buồn cười, tôi đáp lại cũng bằng cái giọng cậu ta:


- Tao đây, mày hỏi gì?
Cậu ta đỏ mặt lúng túng.
- Báo cáo anh, em mới về đơn vị, chưa thuộc...
- Chuyện gì thì nói đi.
- Báo cáo, địch kéo tới bốn khẩu pháo 105 ly, bố trí trên đê, ngay trước mặt chúng ta...


Tôi bật dậy:
- Vào báo cáo anh Mạnh! Nằm trên cái nong trong nhà kia kìa.
Vài phút sau, tôi cùng tiểu đoàn trưởng Mạnh và trung đoàn phó Nguyễn Tiệp đã nấp sau bờ tre. Trên đê có bốn khẩu 105 ly thật, giàn hàng ngang cách chỗ chúng tôi khoảng 700m đồng trống.
ùng... ùng... ùng... ùng bốn tiếng nổ đầu nòng. Đạn pháo rú qua đầu chúng tôi. Rồi oàng oàng... bốn tiếng đạn nổ sau lưng chúng tôi, cách khoảng bốn, năm cây số về hướng trận địa chúng tôi vừa rời bỏ đêm qua. Tiên sư chúng mày nhá, bố chúng mày đây cơ mà!
Trên đê, trần xì bốn khẩu pháo nằm tênh hênh, không thấy bóng một đơn vị bộ binh bảo vệ.

15. Tiểu đoàn trưởng Mạnh cười nói:
- Mẹ! Chúng nó chủ quan thật. Yên trí anh em còn đang lúng túng như gà mắc tóc trong kia mà.
Trung đoàn phó Tiệp cười khì khì, hỏi chúng tôi:
- Thế nào, oánh chứ? Trông ngon quá!
Oánh thì oánh được. Thế nào cũng diệt được một hai khẩu, còn một hai khẩu thì chắc chúng sẽ kịp móc vào xe bò chạy. Hoặc nếu cối ta bắn giỏi thì cũng có thể diệt được cả bốn. Nhưng đánh xong thì thế nào? Mình đang ở tình thế buộc phải nằm im như thóc, ẩn mình trong mấy làng, bốn bề là địch đang đi tìm mình. Đánh thì khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Thôi, các ông ơi, ngon thì đành nuốt nước bọt vậy, không xơi được đâu!


16. Thực ra cả ba chúng tôi đều hiểu thế. Trung đoàn phó có hỏi oánh chứ chẳng qua chỉ là nói lên nỗi tiếc của trời mà thôi.
Câu chuyện bốn khẩu 105 là như thế. Tôi nhìn xuống chân đê: hai cái bóng trắng đã mất hút. Chắc là xuống nước rồi. Bốn khẩu 105 ly sang sông.


Hai mẹ cán bộ huyện này đã xử lý tình huống một cách dứt khoát và nhanh gọn như thế! Còn cái cô sư nữ chùa gì tôi chẳng nhớ thì sao nhỉ? Cứ xúng xính quần chùng áo dài, hay là... thế nào? Tối qua, trên đê Sa Lung tôi thấy một cô sư nữ ngồi lẫn trong hàng quân. Quái nhỉ, dân đi theo bộ đội tôi đã cho xếp hàng, cử cán bộ phụ trách hẳn hoi, nối đuôi bộ đội, cách một quãng, để đề phòng chạm địch, phải nổ súng, sao lại có cô sư nữ này ngồi lẫn vào đám tiểu đoàn bộ? A... tôi chợt nhớ ra.


17. Cánh trinh sát tiểu đoàn bộ đồn đại nhiều về chuyện cô sư nữ này. Họ bảo cô là học trò Hải Phòng chẳng hiểu vì sao chán đời bỏ về quê đi tu. Hồi còn tề, chùa của cô là cơ sở của trinh sát. Có lần lính dõng vào định kiểm soát chùa, thấy cô đang ngồi gõ mõ tụng kinh một cách thành kính thì bỏ đi ra. Chúng có ngờ đâu trong gầm bệ thờ có cậu tiểu đội trưởng trinh sát đẹp trai, cũng học trò Hải Phòng, đang ngồi thu lu.


Rồi một tối nọ, một cậu trinh sát khác đi ngang đàng sau chùa, nghe thấy trong vườn có tiếng thở dài não nuột:
- Tiếc rằng sao bây giờ mới gặp nhau...
Cậu trinh sát tinh nghịch này ghé mồm nói qua hàng rào:
- Chưa muộn đâu! Có tổ chức thì để anh em giúp một tay! Rồi ù té chạy.
Đi đến gần chỗ cô sư nữ ngồi, tôi đã nghe thấy tiếng lính ta hỏi trêu:
- Sư mà cũng phải chạy à?
Cô đáp:
- Bắt được em thì nó cũng chẳng tha.
Phải rồi, trước kia là dõng thì có đối phó được, còn bây giờ GM chỉ toàn lính Âu Phi, cô sợ là phải. Thôi được, đối với một ni cô xinh đẹp và lại biết xưng em với lính thì ta có thể tha thứ cho nhiều điều. Xin mời cô cứ ngồi đấy. Tiểu đoàn bộ cũng có một thuyền nan nhỏ.
Như vậy là cuộc vượt sông ban đầu diễn ra khá đẹp. Nhưng nửa giờ sau, từ giữa sông bắt đầu nổi lên một tiếng ồn. Lúc đầu nhỏ và thưa thớt, rồi cứ tăng dần lên. Có lúc nghe rõ một tiếng kêu thét cụt lủn:
- Mẹ ơi!


18. Sóng sông Luộc đã đánh tan các đội hình. Dưới nước dân gọi nhau, lính gọi nhau, người đuối sức kêu cứu, người đã lên bờ cũng gọi tìm nhau. Tiếng ồn tăng lên dần, rồi trở thành như tiếng vỡ chợ. Đứng trên bờ, chúng tôi lo lắng và bất lực nhìn ra giữa sông...
Rồi bất thình lình oàng oàng, hai quả đạn đại bác nổ trên không lóe ra hai khối lửa úp xuống dòng nước:

\- đạn fusant! Tiếng ồn lặng bặt để sau đó lại nổi to hơn, hòa vào tiếng pháo địch bắn dồn dập hơn. Đạn pháo lóe lên, nhảy nhót trên trời như những khối lửa địa ngục. Đêm hôm, tiếng nổ rung chuyển cả một vùng.
Mạnh ra lệnh cho các đại đội:
- Lộ rồi, đợi một lát pháo ngớt thì cho anh em sang ào cả một lần càng nhanh càng tốt, tản rộng ra.
Và anh cho tăng cường lực lượng đánh ca-nô. Lát sau, thấy pháo đã ngớt, tôi bảo Mạnh:
- Tôi bơi sang trước. Anh đợi thuyền đi với các anh bộ tư lệnh.

19. Tôi cởi quần áo, súng lục, sắc cốt, giao cho đồng chí cần vụ để anh ta đi thuyền. Anh ta bơi kém. Tôi giữ độc chiếc quần đùi để bơi vô. Tôi không quen bơi cây chuối.
Sang tới bờ bên kia, tôi lảo đảo lội lên bãi, rồi nằm vật xuống, má áp xuống cát, mồm đớp đớp như cá mắc cạn. Đứt hơi. Tôi cứ nằm dang rộng hai tay ôm lấy cái bãi cát Lệ Chi như thế một lúc, rồi hình như nghe có tiếng ai gọi xa xa, không rõ lắm.
- Anh Thư ơi!
Tiếng gọi lặp lại gần hơn và rõ hơn.


- Anh Thư ơi!
Rồi chỉ lát sau tôi thấy cậu cần vụ của tôi vừa đi tới, vừa gọi tìm.
Tôi lóp ngóp bò dậy.
- Ôi giời ơi! Anh...
Cậu ta chạy tới đỡ tôi dậy và cười ngượng ngập như người có lỗi:
- Thế mà em cứ tưởng... Em tìm anh mãi.
Tôi nhìn ra sông. Chỉ còn ít người bơi rải rác. Mấy cái thuyền cấp cứu đang qua lại xuôi ngược. Pháo địch đã ngừng. Đồng chí cần vụ báo cáo.
- Các đơn vị sang ào cả một chuyến gần hết rồi. Sang đến đâu đi luôn. Anh Mạnh cùng vào trong kia rồi. Ta đi thôi, anh.


20.Tôi vịn vai đồng chí cần vụ đi xuyên qua xóm bãi Lệ Chi. Sức tôi hồi lại dần. Lên tới mặt đê, tôi thấy trung đoàn trưởng Nguyễn Như Thiết đang xuống dốc đê. Thoáng thấy tôi, anh ngoái cổ lại giơ cao tay làm hiệu cho tôi với một nụ cười đắc thắng.
Quả thật, đưa được một trung đoàn sang sông trong điều kiện như vậy không phải chuyện đùa.

Đi được hơn một cây số tự nhiên tôi thấy bụng đau quặn. Tôi tạt xuống ruộng, ngồi tụt xuống. Rặn mãi chỉ són ra tí nước nhầy. Tôi lê đít xuống cỏ để chùi (đào đâu ra giấy bây giờ?). Rồi đi tiếp. Một lát sau lại đau quặn. Lại tạt xuống ruộng. Lại tí nước nhầy. Lại đi. Lại đau quặn. Mấy lần như thế. Rồi tức mình chẳng rẽ xuống ruộng nữa, cứ ngồi thụp ngay bên vệ đường. Lính từng người, từng tốp chạy qua sát mặt tôi. Kệ họ! Rồi cuối cùng mệt quá, hậu môn rát như phải bỏng do lê xuống cỏ, tôi giản chính nốt cả cái động tác ngồi xuống. Cứ đi, và cứ mặc nó chảy ra quần, ướt hết cái đũng, rồi bò xuống đùi nong nóng. Mặc! Nó làm việc nó, mình làm việc mình. Đường ta ta cứ đi.


21. Về đến địa điểm bố trí, thuộc huyện Phù Cừ thì trời còn tối, nhưng đã nghe thấy tiếng phụ nữ lao xao và tiếng lợn eng éc. Chị em Phù Cừ đang mổ lợn nấu cơm cho bộ đội vượt sông.


Tôi xuống ao, kỳ cọ một lúc tỉnh người. Vào nhà thì đã thấy cậu cần vụ bưng về một bát tiết canh:
Anh mệt quá nên bị nhiệt đấy thôi. Anh ăn đi, rồi ngủ một giấc, dậy sẽ khỏi.
Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng đói quá tôi cứ cầm lên ăn. Mát ruột! Tôi ngủ độ nửa tiếng thì bật dậy lật đật đi nắm tình hình thương vong trong đêm vượt sông. Và mãi đến chiều mới để ý thấy cái cơn đau bụng kiết lỵ kia đã biến đâu mất thật! Chẳng còn hiểu ra làm sao.


22. Nghỉ một ngày để chỉnh đốn đơn vị, bổ sung quân số v.v... Một ngày nghỉ rối tung rối mù. Rồi ngay ngày hôm sau, tiểu đoàn tôi nhận được lệnh chuẩn bị gấp rút để đến tối vượt lại sông Luộc, lộn trở về Thái Bình. Địch đã cho một cánh quân từ thị xã Hưng Yên vòng xuống để truy kích chúng tôi. Trong khi đó, bên Thái Bình, địch đã cất vó xong, và đã bắt đầu rút một bộ phận, để lại một bộ phận làm công việc bình định. Nhiệm vụ của chúng tôi là trở về Thái Bình tạo cơ hội đánh bọn bình định ấy. Còn cánh quân truy kích của địch thì tiểu đoàn bạn sẽ ở lại đối phó với nó.
Trong một buổi hỏi cung tôi, ông Nhuận nói:
- Biết cái gì về anh Văn thì khai ra.


23. Câu nói thật tế nhị trong sự mập mờ của nó. Cái gì là cái gì nhỉ?
Có, tôi biết một cái. Đích xác. Vì nó liên quan trực tiếp đến chúng tôi. Tức là đến ngày thứ năm của trận chống càn nói trên, khi chúng tôi còn đang chiến đấu trong vòng vây, đầy lo âu, chúng tôi đã nhận được một bức điện ngắn gọn:
Các đồng chí cứ yên tâm. Chủ lực đã mở chiến dịch Lý Thường Kiệt đánh thu hút lực lượng địch, đỡ đòn cho các đồng chí - Ký tên: VĂN.

Chiến dịch Lý Thường Kiệt là chiến dịch Đại Đoàn 312 đánh giải phóng Nghĩa Lộ. Và quả thật, nhận được điện chúng tôi đã yên tâm.
Nhưng khai cái này ra thì chắc ông Nhuận chẳng bằng lòng. Cái khác cơ! Cái khác thì tôi không biết.

2003-03-29 08:14:56





Chương II


1. Một ngày tháng 6 năm 1973, tại trại giam quân sự Trung ương ở Bất Bạt, Sơn Tây.
Tôi quay lại nhìn một lần chót ngôi nhà nhỏ giam tôi. Đó là một ngôi nhà vuông, nom như cái chòi canh đê, đủ cho một người ở, kê một giường cá nhân, một bàn viết kèm theo ghế tựa, trên giường có giá xích đông để đặt các đồ linh tinh. Nhà có hai cửa sổ, xây trên sườn đồi thoai thoải, trước nhà là sân và vườn rộng khoảng một sào, có giếng nước trong leo lẻo với con cá lội tung tăng, có chuồng gà ghép bằng thân cây sắn, có hố vệ sinh.


Bên ngoài, dưới chân đồi là ruộng lúa và xa xa mấy ngọn đồi thông. Ngồi trước cửa sổ nhìn ra sân thấy một bụi hồng lớn, hoa lá um tùm, cao hơn đầu người, do ai bị giam ở đây trước tôi đã trồng. Không rõ loại hồng gì mà hoa chỉ nhỏ bằng những bông nhài lớn, nhưng nhiều lớp cánh đỏ chót, rất đẹp, và chi chít hàng trăm, mấy trăm bông. Bao nhiêu buổi chiều xuống, tôi đã đứng ngắm bụi hồng này hồi lâu, chọn xem bông nào là Thúy Kiều, bông nào là Thúy Vân.


2. Đại để là một ngôi nhà kẻ sĩ ở ẩn, trong đó anh muốn làm gì thì làm. Một ngôi nhà ở ẩn, nếu không có cái hàng rào dây thép gai xen lẫn với mấy hàng cây sắn cao rậm rạp, và nếu ban đêm cửa buồng không bị khóa trái. So với tất cả những nơi tôi bị giam giữ trước đó thì đây quả thật là một nơi không dám mơ ước.

Sáu tháng trước khi được chuyển từ trại giam Tân Lập, Yên Bái, về đây, tôi đã ngạc nhiên một cách thú vị. Nhưng chỉ một tuần sau là mọi sự đã rõ: gia đình tôi lên thăm, báo tin một số anh em đã được về. Vậy là tôi cũng sắp được về. Và đây là nơi tôi được chuẩn bị để làm quen dần với tự do. Thực là chu đáo quá! Nếu đùng một cái được thả ra khỏi cổng nhà tù, khéo tôi hóa rồ mất thật. Và đây cũng là nơi để người ta vỗ béo cho tôi (tất nhiên là bằng tiền của vợ con tôi) trước khi tôi được cho về triềng làng triềng nước (trình làng trình nước). Vì ở đây gia đình được đi thăm nom tiếp tế thoải mái. Chỉ sợ không có sức.

3. Vậy là một lần chót tôi quay lại nhìn từ biệt ngôi nhà nhỏ đã chứng kiến bao nhiêu tâm tư của tôi, rồi bước đi theo người quản giáo. Tôi mặc bộ quần áo tù nhuộm chàm, đầu đội nón, vai gánh chiếc ba lô lính và đồ đạc lỉnh kỉnh (nồi niêu chai lọ hộp...) treo lủng lẳng hai đầu chiếc đòn gánh làm bằng cành cây, tay trái xách chiếc bu gà có một con gà mái già đã đẻ ba bốn lứa mà bà mẹ vợ tôi đã đem đến tiếp tế cách đây mấy tháng để nó làm bạn với tôi trong cảnh cô quạnh. Bây giờ trông thấy tôi trong bộ dạng này chắc bà phải cười ra nước mắt.


Người quản giáo dẫn tôi loanh quanh đường đồi đến một gian nhà khác, bảo tôi đặt đồ lề vào góc, và chỉ cho tôi ngồi vào bên bàn, ở đó đã có ba người hai cán bộ chấp pháp của Bộ Công An và một trung tá của Cục Bảo Vệ Quân Đội, ngồi chực sẵn.
Một trong hai người kia mở đầu:
- Chắc anh đã rõ hôm nay anh được gọi ra đây để làm gì?
Tôi gật đầu:
- Có.
Rồi ông ta đọc cho tôi nghe liền một lúc bốn cái lệnh:
Lệnh thứ nhất: lệnh tạm giam Trần Thư 3 năm vì tội chống Đảng, ký tháng 12-1967.
Lệnh thứ hai: lệnh tạm giam thêm 3 năm, ký 3 năm sau, tức 1970.
Lệnh thứ ba: lệnh tạm tha, ký mấy ngày trước đây.
Đến đây thì kèm theo lời giải thích:
- Như thế là anh được về sớm 6 tháng so với thời hạn. Đó là do chính sách khoan hồng của Đảng và do anh đã cải tạo tốt.
Cuối cùng là lệnh thứ tư: lệnh quản chế ba năm lao động cải tạo tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, ký cùng ngày với lệnh tạm tha.


4. Tôi có vài ý nghĩ:
Một là: tất cả các lệnh trên đây, cùng với lệnh bắt tôi trước kia và các lệnh khác sau này, tôi chỉ được đọc cho nghe qua một lần, không được cầm đọc, càng không được có một bản sao gửi cho đương sự để thi hành, cho nên tôi không nhớ được cụ thể ngày ký và người ký. Hình như người ta không muốn tôi có được bất cứ một thứ giấy tờ gì làm bằng chứng cho việc tôi bị bắt.
Hai là: tôi có cảm tưởng cả bốn lệnh trên đây đều được ký cùng một lúc, một ngày, nhưng lại đề ngày tháng khác nhau. Nếu không thì tại sao một lệnh ký cách đây 5 năm rưỡi lại phải đợi đến bây giờ mới được đọc cho đương sự nghe để thi hành?
Ba là: tất cả đều là tạm. Tạm giam, nghĩa là không xét xử, không có án, không có thời hạn, nếu cần thì tạm giam thêm, không cần nữa thì tạm tha, nghĩa là không tha hẳn, có thể hiểu là: được cho về thì tăng xương, vớ vẩn là ông bắt lại.


Bốn là: một cơ quan Nhà Nước là Bộ Công An lại bắt giam người vì tội chống Đảng, và tha người cũng vì chính sách khoan hồng của Đảng. Tất cả các thủ thuật để làm cho việc bắt bớ tôi có vẻ hợp hiến ấy, tôi thấy nó lủng ca lủng củng quá! Nhưng những ý nghĩ ấy là mãi về sau này, ngồi nghĩ lại tôi mới nảy ra dần dần. Chứ ngay lúc đó thì những cảnh hiện ra trước mắt tôi, những câu nói lọt vào tai tôi rồi lại bay đi đâu mất, tôi đâu có để ý đến.
Chỉ có độc một ý nghĩ: Tự do! Tự do!


5. Người tôi cứ bàng hoàng, nhẹ như bấc. Và tất cả những gì đã xảy ra với tôi trong những năm tháng vừa qua bỗng trở thành một quá khứ xa xăm.
Lúc ấy tôi đã quên sạch.
Quên rồi, những đêm giá rét nằm trong xà lim Hỏa Lò, nghe tiếng chuông xe điện leng keng từ phía Cửa Nam vọng lại mà có cảm tưởng như nằm dưới đáy mồ lạnh lẽo nghe tiếng động của trần gian vọng xuống.


Quên rồi, những đêm tháng Sáu, cũng vẫn cái xà lim Hỏa Lò rộng vài mét vuông ấy với một cửa sổ thông hơi sát trần cao năm mét. Tiếng bay rào rào của hàng trăm con muỗi to bằng con ruồi. Chiếc màn ngủ bằng vải xô bí rì, đình màn còn phủ kín quần áo để che bớt cái ánh đèn điện 100 oát quái ác ở trên trần cứ chiếu xoáy vào mắt. Và bên trong cái lồng ấp ấy, tôi nằm trần truồng, vật vã trên sàn xi măng nóng hổi và nhầy nhụa mồ hôi chảy ròng ròng từ khắp người tôi xuống. Cảm giác mình như con lợn lăn lộn trong cái chuồng đầy cứt đái.

6. Quên rồi, những buổi bức cung đáng sợ. Suốt hai tháng trời chỉ có độc một câu hỏi: Hoàng Minh Chính đã lệnh cho anh hoạt động những gì ở trong quân đội? có lúc đổi thành: Hoàng Minh Chính đã truyền đạt cho anh những chỉ thị gì của Liên xô về hoạt động ở trong quân đội?, hoặc dữ dằn hơn Liên xô đã chỉ thị cho anh hoạt động những gì ở trong quân đội?
Nếu chuyện đó có thật thì chắc là tôi đã khai ra hết rồi. Vì sau chín tháng trời bị quần như thế, người tôi đã nhão hết. Vả lại... Đảng hỏi anh cơ mà, Đảng mà anh đã hy sinh cả thời trai trẻ của mình cho nó, Đảng đầy tình thương yêu đồng chí, chỉ mong anh trút bỏ tội lỗi đi thì sẽ tha thứ cho anh. Đảng chỉ muốn cứu vớt anh. Anh khai mau cho xong đi, để về. Về cho chị ấy đi học bác sĩ chứ, cơ quan chị ấy định bố trí cho chị ấy đi học lớp bác sĩ mà. Về mà chăm lo con cái chứ mặc cho một mình chị ấy hay sao? Và còn tương lai của anh nữa, anh là một cán bộ trẻ có năng lực...


Đúng là nếu chuyện mà người ta muốn tôi khai ra là có thật thì chắc chắn tôi đã khai ra hết. Nhưng chuyện đó không hề có và tôi còn đủ tỉnh táo và lương tâm để không đơm đặt điều gì cho ai. Nhưng trình bày như thế nào thì cái ông Nhuận có bộ mặt lầm lì da sát tận xương kia vẫn nhất định không tin. Và tiếp theo những lời dỗ dành ngon ngọt là một cái đập bàn: Anh định chết rũ xương trong tù hay sao mà không chịu khai? Tôi ngồi đó, lòng đầy tuyệt vọng, nước mắt chỉ muốn ứa ra và óc lởn vởn một ý nghĩ: có nên lao ra đập đầu vào cái ô cửa kính kia hay không?


7. Bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu ê chề, bao nhiêu cơ cực, bao nhiêu hờn oán nặng trĩu hai vai!
Nhưng lúc này đây tôi đã quên sạch. Tôi cứ ngồi đó, người lâng lâng, miệng mỉm cười.
Anh chú ý là về địa phương tình hình phức tạp, có những kẻ xấu, đừng để họ lôi kéo.
Câu nói ấy của một trong hai người cán bộ chấp pháp kia làm tôi bừng tỉnh. Và bất ngờ tôi bật ra một câu đối đáp:
Các anh coi thường tôi quá! Chẳng gì tôi cũng là một tên phản cách mạng cỡ kha khá, lại để mấy anh tề ngụy ở xã lôi kéo hay sao? Tôi tha lôi kéo họ thì thôi chứ!


8. Nói câu ấy là tôi muốn ám chỉ cái lệnh bắt tôi trong đó gọi tôi là tên phản cách mạng Trần Thư và cũng ám chỉ cả cái sắc lệnh trừng trị phản cách mạng đầy những điều khoản mơ hồ mà năm 1967 ban Thường Vụ Quốc Hội đã thông qua vội để làm cơ sở pháp lý cho việc bắt bớ chúng tôi. Và trong quá trình hỏi cung người ta không đánh giá tôi là cái gì khác ngoài cái là phản cách mạng, phản động, phản quốc, phản dân, phản Đảng, tóm lại là ngũ phản.


9. Nhưng nói câu ấy tôi cũng nói một cách vui vẻ, như một câu pha trò. Tôi tưởng họ sẽ phản ứng. Ngờ đâu họ cũng cười, chắc là thấy câu pha trò có duyên.
Một không khí thật là hồn nhiên vui vẻ.
Lát sau người ta bảo tôi ra xe. Anh trung tá Cục Bảo Vệ sẽ áp tải tôi về Phù Cừ. Tôi định ra lấy đồ lề thì anh ta ngăn tôi lại, ôn tồn nói:
- Anh cứ ra xe, đồ lề để đây tôi bảo anh em cảnh vệ mang đỡ ra cho.
Quả thật hôm nay, người với người là... bạn.


10. Tôi hăm hở bước ra xe com-măng-ca, hùng dũng như một vị thủ trưởng. Bỗng từ một ngọn đồi xa xa, vẳng lại một tiếng con gái trong trẻo:
- Hò lơ, hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai...
Tiếng hò của các cô gái dân công trên đường đi chiến dịch năm nào! Tôi đứng sững lại. Và nước mắt cứ thế trào ra, trào ra, không tài nào ngăn được. Còn miệng thì cười. Một nụ cười thê thảm.

2003-03-29 08:16:27




Tử tù tự sử lý nội bộ



Chương III

1. Tôi vốn là một học trò trường Bưởi, cũng như bao bạn khác, nghe lời kêu gọi của cách mạng, đã xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Hoạt động nghiệp dư hơn một năm thì tôi được chỉ thị của cấp trên thoát ly gia đình đi làm chuyên nghiệp. Tôi trốn nhà ra đi, lấy trộm mang theo một tạ gạo là toàn bộ số gạo mà bố mẹ tôi tích trữ để đề phòng nạn đói. Nhưng đi được ít lâu thì bị ông bố tôi tóm gọn.


Số là tôi có một người anh họ, cũng đi Việt Minh nhưng không thoát ly gia đình, và thỉnh thoảng tôi có qua lại nhà để trao tài liệu. Bố tôi đã thuyết phục được anh họ tôi hôm nào tôi đến thì phi báo cho cụ vì cụ muốn nói chuyện với tôi. Thế là một bữa nọ, tôi đã bị bắt sống.
Bố tôi là một ông giáo học rất nghiêm khắc. Trong họ tôi nổi tiếng sợ rắn. Duyên do là hồi tôi còn nhỏ, hàng ngày kèm tôi học ở nhà, không bữa nào cụ không củng lên cái đầu trọc lóc của tôi vài cái cốc tưởng phải thủng sọ. Vậy mà sọ tôi vẫn gin. ở trường tôi vẫn giỏi về môn tiếng Pháp, viết chính tả thường không phạm lỗi nào, hoặc chỉ một hai lỗi là cùng.

2. Nhưng cũng vẫn bài ấy, về nhà bố tôi đọc cho viết lại thì bao giờ tôi cũng phạm từ mươi lỗi trở lên. Chẳng là vì bao nhiêu tâm trí của tôi đều tập trung hết lên đỉnh đầu, nơm nớp đón đợi cái cốc như trời giáng sắp nện xuống. Này, này, sắp này... sắp này... cốc! Toàn thân tôi giật bắn lên, mắt tôi nổ đom đóm. Và có lần tôi đã vãi đái.
Riêng chữ charrette thì nó đã là cái tai họa một thời của tôi. Vì tôi viết nó không bao giờ đủ được cả hai r và hai t, không thiếu chữ nọ thì thiếu chữ kia. Cuối cùng hết kiên nhẫn, cụ tôi quát:
- Ngu lắm! Charrette là cái xe bò. Xe bò thì phải có hai càng và hai bánh, cho nên phải có hai r và hai t. Nhớ chưa?


3. Thì ra là xe bò có hai càng và hai bánh! Tôi mừng quá! Và từ đó thoát được cái nạn xe bò.
Tôi có một người chị ruột học ở trường Albert Sarraut mới vào ban tú tài. Ngày xưa con gái Hà Nội nhà tử tế đi học đều mặc áo dài, đi dép có quai hậu, và đến tuổi mười bảy, mười tám ra đường bao giờ cũng bước khoan thai, nghiêm trang nhìn thẳng trước mặt, không bao giờ ngó nghiêng hai bên. Chị tôi cũng thuộc loại ấy, mặc dầu chị được coi là hoa khôi.
Một thầy giáo chủ nhiệm người Pháp kêu chị lên bảng đọc bài không gọi bằng cái tên nào khác là Mignonne.


4. Lần ấy lớp chị tôi tổ chức liên hoan tất niên. Nhân dịp ấy, chị đã xoa một lớp phấn kín đáo và ra đi thoát qua được mặt bố tôi an toàn. Dè đâu vài phút sau cụ sực nghĩ ra:
- Con Nhung đi qua mặt tao có mùi gì thơm thơm. Nó đánh phấn!
Thế là cụ lập tức bắt tôi phải đi cùng anh người ở bưng một chậu nước thả sẵn cái khăn mặt đuổi theo chị tôi và bất kỳ bắt gặp ở đâu cũng cứ đặt chậu nước xuống, bắt chị phải rửa mặt tại chỗ.
Nhận được cái lệnh oái oăm ấy, tôi nghĩ ngay đến cái anh chàng học trò trường Bưởi trắng trẻo và nho nhã nom khá dễ thương, đi học vẫn lẽo đẽo theo sau chị tôi một quãng. Và một ngày chủ nhật gần đây, lợi dụng lúc chỉ có một mình tôi trông cửa hàng, anh ta đã ném vào cả một quyển thơ Sonnet bằng tiếng Pháp của anh viết tặng người đẹp, lời thơ đầy đau buồn và thương nhớ.

5. Tôi lấm lét nhìn vào trong nhà thấy không ai biết, vội đút ngay vào trong người, rồi đợi đến lúc mẹ tôi ra, tôi lỉnh luôn lên gác, lặng lẽ đưa chị tôi. Trong nhà, hai chị em tôi thuộc tầng lớp những người cần phải... liên hiệp lại! Chị tôi ngỡ ngàng lật ra xem, và khuôn mặt xinh đẹp của chị ửng dần lên, rồi đỏ rừ. May mắn làm sao là bà mẹ tôi đã kịp thời huy động toàn bộ dự trữ nước mắt của bà và chặn đứng được sự thực thi cái mệnh lệnh quái ác kia. Bà có ngờ đâu bà vừa làm được một việc rất thánh thiện. Còn tôi thì thở phào nhẹ nhõm.


6. Tôi biết rằng những lời thơ đau buồn ấy đã làm cho tâm hồn con gái của chị rung động. Vì đôi lần tôi bắt gặp chị mở tập thơ ra xem... trộm, thấy tôi đến lại vội cất đi. Và tôi cũng biết chắc chắn rằng chị chưa lần nào thư từ đáp lại lời tỏ tình ấy, vì nếu có thư thì tôi ắt phải là con nhạn mang thư. Ông cụ tôi như thế thì chị nào dám thư từ đi lại với ai. Và ngày ngày chị đi học vẫn có anh học trò trường Bưởi lẽo đẽo theo sau.


7. Hai năm sau chị lâm bệnh nặng qua đời.
Đám tang ngợp những vòng hoa trắng. Và ở cuối dòng người đi tiễn chị, có anh học trò bước đi những bước vô tri, mặt cúi gầm giấu hai hàng nước mắt.
Tên anh học trò ấy là Phạm Xuân Lân, nếu bây giờ còn sống, anh cũng phải khoảng 75 tuổi, liệu có lúc nào anh hồi nhớ lại mối tình đầu ấy không?


8. Trên bia mộ của chị, tôi đã thay mặt anh cho khắc câu thơ của Rông-xa (Ronsard) khóc người yêu:
Rose, elle a vécu ce que vivent les roses
L'espace d'un matin.
Thực ra ông cụ tôi không phải là người ác. Cụ chỉ sống theo một lễ giáo nào đó thôi, và không phải con người sắt đá vô tình. Chứng cớ là tôi đã được thấy cụ khóc, khóc một cách đau khổ. Đó chính là vào cái hôm cụ bắt được tôi ở nhà ông anh họ tôi. Vừa khóc vừa kể lể:
Nó đi, bỏ lại trong ngăn kéo bàn học của nó hai cái hộp in truyền đơn... Hộp thì tôi chẻ ra đem đốt, khói mù cả nhà, cả một buổi mới cháy hết... Còn đất sét thì tôi nhét xuống cống... Thế mà người ta bắt được nó thì người ta chặt đầu chứ còn gì...


9. Hồi ấy ở phố Chả Cá có chuyện lính Nhật đi đường bị một con chó hàng phố xồ ra cắn, đã rút kiếm chém một nhát đứt phăng cái đầu. Chắc là cụ đã nghĩ đến chuyện ấy, và nói đến đây, cụ đứng bật dậy, lao vào tường định đập đầu tự vẫn. Tất nhiên cả nhà đã xô đến, giữ chặt lấy cụ.
Trước cảnh tượng ấy, tôi cũng... khóc. Tôi không nhớ sau đó mọi người đã thuyết phục cụ như thế nào, chỉ biết rằng rốt cuộc cụ vẫn để tôi đi.

Tôi ra đi, lòng dạ rối bời: tôi mới mười tám tuổi.
Đoàn thể giao cho tôi in báo Hồn Nước. Cơ sở in của chúng tôi được đặt cho cái tên rất kêu là Nhà In Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, thực ra chỉ có hai người và vài viên đá li-tô, đầu tiên đặt ở làng Mọc Giáp Nhất, ngoại thành Hà Nội. Suốt ngày hai anh em chúng tôi cứ đóng cửa, cấm cung trong cái buồng đầu hồi một căn nhà lá ba gian là nhà của gia đình anh Hải Hùng, sau này là Cục Phó Cục Tuyên Huấn, Tổng Cục Chính Trị. Trong căn buồng tối tăm ấy chúng tôi suốt ngày ngồi viết chữ ngược trên đá li-tô và hì hục in, đến đêm mới được ra bờ ao mài đá. ở đó suốt một tháng mà trong làng không ai biết là có chúng tôi.


10. Đến nạn đói ất Dậu, sáng nào xe bò cũng chở kìn kìn những xác người chết đói nhặt trên các vỉa hè Hà Nội mang ra ngoại thành chôn. Chúng tôi cũng đói, vì đoàn thể không đủ gạo cung cấp. Thực ra thì không phải nhịn bữa nào, nhưng là bữa nào cũng chỉ ăn lưng lưng dạ dày. Có đêm tôi đã lẻn ra ruộng rau của dân, mạn phép đoàn thể hái trộm rau về luộc ăn.


Một đôi lần về nội thành, tôi bị bố tôi bắt gặp ngoài đường. Nhưng những lần ấy cụ chỉ mắt trước mắt sau lẳng lặng dẫn tôi đến hiệu ăn Nghi Xuân, một hiệu ăn Tàu nổi tiếng hồi ấy ở gần chợ Hàng Da, cho ăn một bữa nhớ mấy ngày. Ăn xong, cũng lại mắt trước mắt sau dúi cho tôi một hai chục đồng Đông Dương. Những đồng tiền ấy tôi giữ như những lá bùa hộ mệnh. Hồi ấy, cơ sở in của chúng tôi đã chuyển về làng Canh, đặt tại nhà anh em anh Bảo Thé (anh Bảo có giọng nói vỡ the thé và sau này là chính ủy một binh chủng) và hai chúng tôi được gia đình anh nuôi. Nhà anh Bảo là nhà gạch hai tầng xây kiểu nửa cổ nửa kim, khá to, vậy mà hồi ấy cũng thiếu, bữa nào mỗi người cũng chỉ có hai lưng cơm chan với nước bã đậu.

11. Cho nên mỗi lần về Canh, qua Cầu Giấy, tôi lại xuất ra, và cũng chỉ dám xuất ra một đồng mua một nắm cơm tấm Sài Gòn trắng bong, ở giữa nắm có ấn trũng xuống để khi có khách mua thì nhà hàng đổ vào đó thìa muối vừng mặn chát. Đối với tôi lúc ấy thế đã là sang trọng rồi.
Cách Mạng Tháng Tám thành công. Không cần phải nói rằng ông bố tôi rất lấy làm hãnh diện về thằng cả Cò nhà cụ. Nói đúng ra thì đến lúc ấy, đối với cụ tôi đâu phải thằng cả Cò nữa, và cũng không phải thằng Cung, mà là anh Cung.

Công bằng mà nói thì cụ nên tự hào về chính cụ: cụ đã vượt được lên cao hơn chính bản thân mình. Vì thực ra, lần gặp tôi ở nhà người anh họ tôi, cụ có đủ quyền uy để kéo tai tôi lôi về, rồi nhốt tịt ở một xó nhà quê nào đó. Và tất cả sẽ không còn gì để nói nữa.
Kháng chiến toàn quốc. Cụ đã thuê người cáng bà mẹ quanh năm đau ốm của tôi, cùng bầy đàn thê tử, bỏ tất cả ở lại, lốc nhốc dắt díu nhau tản cư lên Việt Bắc theo kháng chiến.
Lúc ấy tôi đang ở bộ đội.
2003-03-29 08:17:59

No comments: