Thursday, January 6, 2011

TRẦN QUANG CƠ * HỒI KÝ II



“… Trong lịch sử 50 năm của nước CHND Trung Hoa thì có hơn 30 năm Trung Quốc hết chống Liên Xô lại chống Việt Nam. Trên cơ sở đó, tôi hoài nghi là liệu có thể đứng trên lý tưởng chung XHCN để tranh thủ Trung Quốc được chăng ?…”

Chương 5
TỪ CHỐNG DIỆT CHỦNG ĐẾN “GIẢI PHÁP ĐỎ”!
Rõ ràng Trung Quốc mưu dùng vấn đề Campuchia để cải thiện thế đứng trong quan hệ với các nước lớn, trước hết là trong quan hệ Trung – Xô và quan hệ Trung – Mỹ. Còn Gorbachov cũng sẵn sàng dùng món quà Campuchia để sớm gặp được Đặng, cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhằm tác động đến quan hệ Mỹ – Xô. Chính trong bối cảnh đó, đã ra đời cái gọi là “giải pháp đỏ”, xuất phát từ ý tưởng của Gorbachov muốn vấn đề Campuchia được giải quyết giữa hai nước XHCN, Việt Nam và Trung Quốc, cho nên định gán ghép hai lực lượng cộng sản Khmer thù địch, Khmer đỏ của Polpot-Ieng Sary thân Bắc Kinh và Nhà nước Campuchia thân Hà Nội, bắt tay nhau dưới cái mũ “hoà hợp dân tộc”.

Đầu tháng 3/1987, ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadzé đến Phnom Penh trong chuyến đi thăm 3 nước Đông Dương. Sau cuộc gặp Shevardnadzé, Hunxen nói với anh Đỗ Chính, trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia là: “Liên Xô có vẻ muốn thúc giục giải quyết nhanh vấn đề Campuchia cũng như vấn đề Afghanistan, Liên Xô chắc đã chuẩn bị một công thức giải pháp chính trị ở Campuchia, nhưng gạn hỏi không nói, chắc Liên Xô sẽ nêu trong cuộc gặp Gorbachov – Nguyễn Văn Linh ở Mạc-tư-khoa (tháng 5.87). Shevardnadzé nói đến hoà hợp dân tộc Campuchia và hỏi ai trong Khmer đỏ còn có thể dùng được ?” Hunxen liên hệ chuyện này với phát biểu của Gorbachov ở Vladivodstock (28.7.86) và cho rằng có thể Liên Xô nghĩ đến chuyện khuyến khích hai phái cộng sản Campuchia dàn xếp với nhau. Khi thuật lại lời Schevardnadzé khuyên Campuchia thúc đẩy mạnh hoà hợp dân tộc, Hunxen nói: “Chúng nó mà về thì chúng sẽ làm thịt những người tích cực, trước hết là bọn chúng tôi”.

Sau cuộc họp BCT 7.3.87, Lê Đức Thọ sang trao đổi với BCT Lào, rồi đến cuối tháng 4.87, Lê Đức Thọ lại cùng Lê Đức Anh bay sang Campuchia họp với những người lãnh đạo PhnomPenh bàn việc thúc đẩy giải pháp chính trị Campuchia và quan hệ với Trung Quốc, trong đoàn có tôi và anh Trần Xuân Mận của CP 87. Anh Lê Đức Thọ khi đó đã đưa ra gợi ý “giải pháp Đỏ”. Bản thân tôi lần đầu mới được biết tường tận về cái gọi là “giải pháp Đỏ”. Nói gọn lại, “giải pháp đỏ” là một sản phẩm của mộng tưởng giải quyết cuộc xung đột Campuchia bằng cách hoà giải PhnomPenh với bọn diệt chủng Polpot và lập nên một nước Campuchia XHCN vừa làm vừa lòng Trung Quốc vừa hợp ý của lãnh đạo ta. Trong thâm tâm chúng tôi – những anh em CP 87 - đều thấy không thể chấp nhận được cái “sáng kiến” kỳ quái này. Phần vì quá ghê tởm với tội ác của bọn Khmer đỏ đối với nhân dân Campuchia cũng như đối với nhân dân ta để có thể nghĩ đến chuyện hợp tác với chúng; phần vì nghĩ rằng khó có khả năng thực hiện được trò chơi nguy hiểm này. Quả nhiên lãnh đạo Phnom Penh đã đón nhận những gợi ý này với một thái độ lạnh nhạt. Họ chủ trương “ăn cả” bằng một giải pháp quân sự, coi Khmer Đỏ lẫn Sihanouk và Son San đều là đối thủ phải loại trừ. Nhưng dưới sức ép của hai đồng minh chính - Liên Xô và Việt Nam – trong cuộc họp giữa các bên Campuchia ở Jakarta, Hunxen đã thử tiếp xúc với Khiêu Samphon, song tên đẩu sỏ Khmer Đỏ này chỉ đáp lại bằng một thái độ khinh miệt.

Ngày 22.12.87, cũng theo gợi ý của Liên Xô, ta và bạn Campuchia tán thành Liên Xô gửi “Message Oral” [1] cho ngoại trưởng Trung Quốc đề nghị Liên Xô và Trung Quốc góp phần dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa CHND Campuchia và Khmer Đỏ. Nếu Trung Quốc đồng ý, Liên Xô sẵn sàng tiếp xúc với Trung Quốc ở cấp ngoại trưởng. Trung Quốc đã không đáp ứng đề nghị đó. Trung Quốc chưa muốn giải quyết vấn đề Campuchia, còn muốn dùng vấn đề này để mặc cả với Liên Xô và Mỹ, dùng “3 trở ngại” để hãm phanh quan hệ với Liên Xô.

Ngày 30.7.88, trong buổi thông báo kết quả cuộc Họp không chính thức ở Jakarta lần 1 (JIM 1) [2] cho đại sứ, đại biện các nước XHCN ở Phnôm Pênh, khi đại sứ CHDC Đức hỏi về khả năng lôi kéo Khiêu Samphon và những nhân vật ôn hoà của Khmer Đỏ, Hunxen nói: “Bọn này là thú chứ không phải là người. Cứ để chúng trong rừng, không có chúng, ta cũng giải quyết được. Chúng không thay đổi, nhân dân Campuchia không chấp nhận chúng. Chúng tôi rất hiểu Khmer Đỏ. Mong các đồng chí hiểu cho, bọn này không chơi được. Nếu chỉ riêng Campuchia thôi thì Campuchia không cần Khmer Đỏ. Nhưng Campuchia liên quan đến các nước xung quanh mà Việt Nam lại cần bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc nên chúng tôi chấp nhận chúng về chính trị... Tôi cho rằng cứ để chúng ở ngoài rừng, không sao cả ! Thái Lan đã trung lập thì Campuchia tranh thủ Sihanouk, Son San để đánh Khmer Đỏ”.

Ngày 12.10.89, tâm sự với đại sứ Ngô Điền, sau khi phê phán Liên Xô nhượng bộ Trung Quốc, ép Campuchia thoả hiệp với Trung Quốc và Khmer Đỏ, đánh đồng “tội phạm với nạn nhân”, không tôn trọng các nước bạn, Hunxen nói: “Việt Nam cũng có đồng chí nói phải nhượng bộ cái gì để giữ thể diện cho Bắc Kinh. Năm 1987 tôi cũng đã tính đến giải pháp đó. Bọn Khmer Đỏ, trừ số đầu sỏ, có thể tham gia, chúng phải xin lỗi nhân dân rồi hoà hợp dân tộc. Nay tôi đã suy nghĩ nhiều, tiếp xúc với dân ở nhiều nơi, trực tiếp gặp bọn Khiêu Samphon, tôi nhận thức rõ là dứt khoát không chơi với bọn này được, phải giải tán lực lượng của chúng”.

Tháng giêng 1989, Hunxen xuất bản cuốn sách Campuchia – con đường 10 năm, có dành một đoạn dài nói về “giải pháp Đỏ”, cho chủ trương đó là “sai lầm và nguy hiểm”, là “điều phi lý và trái đạo đức khi đánh đồng bọn tội phạm Polpot với nạn nhân của chúng”, rồi kết luận “giải pháp Đỏ là con đường nguy hiểm rất lớn cho nhân dân Campuchia. Nó không thể nào hình thành được, bởi vì chúng tôi không “Đỏ” như người ta hiểu là có thể hoà đồng vào cái “Đỏ” của bọn Polpot được”.
Ngày 1.6.90, khi gặp anh Thạch ở sân bay Nội Bài trên đường đi Tokyo găp Sihanouk, Hunxen nói: “ BCT Campuchia thấy giải pháp (đỏ ) như đã thoả thuận giữa 3 đồng chí TBT cũng có nhiều khó khăn vì 3 nhân tố:

1. Bọn Polpot là bọn rất cực đoan về chủ nghĩa dân tộc.
2. Sau hơn 10 năm đánh nhau, việc hợp tác giữa hai quân đội không thể dễ dàng được.
3. Bọn Polpot sẽ cố gắng đưa một số đảng viên lớn hơn số đảng viên đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia để giành đa số trong một đảng hợp nhất
.”

Chiều 22.6.90, anh Phun Sipasot, ngoại trưởng Lào, nói với đại sứ ta Nguyễn Xuân: “Giải pháp Đỏ là không nên và không thể thực hiện, bất lợi cho ta. Trung Quốc đang bị cô lập vì là nước duy nhất ủng hộ diệt chúng. Chắc Trung Quốc không muốn Giải pháp Đỏ mà muốn giải pháp thực chất gồm 4 bên để duy trì vai trò và vị trí của Khmer Đỏ mà không mang tiếng là ủng hộ diệt chủng.”

Ngay chính phía Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhận xét thẳng với ta về sáng kiến “giải pháp Đỏ”. Ngày 17.7.90, Lưu Thuật Khanh nói với Đại sứ Đặng Nghiêm Hoành: “Việt Nam vẫn chưa có quyết tâm, chưa dứt khoát trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Chủ trương của Hunxen giải quyết với Sihanouk là không thực tế. Chủ trương của Việt Nam hợp tác hai phái công sản Khmer cũng không thực tế. Cần có cơ chế liên hiệp 4 bên do Sihanouk đứng đầu mới được quốc tế công nhận”. Ngày 27.7.90, trong một cuộc chiêu đãi của sứ quán Ai-cập tại Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy nói rõ với Vụ phó vụ Trung Quốc Vũ Thuần: “Giải pháp Đỏ là không thực tế vì làm như vậy chẳng khác gì hút tất cả các mũi tên về mình, tự cô lập mình. Hiện nay Trung Quốc chủ trương bảo vệ CNXH ở trong nước chứ không chủ trương giương cao ngon cờ CNXH về mặt đối ngoại”.

Vậy ai đã có sáng kiến nghĩ ra cái quái thai này? Gorbachev chính là cha đẻ của nó. Còn Hunxen không phải là không tính tới chuyện này. Ngày 17.6.87, khi đi thăm Lào, Hunxen có nói với Ngoại trưởng Lào Phun Sipasot: “Muốn liên hiệp với phái Polpot không có Polpot hơn là với Sihanouk vì bọn Polpot có lực lượng nhưng không có thế chính trị, còn Sihanouk ngược lại, không có lực lượng nhưng có thế chính trị”. Song người “bảo dưỡng” Giải pháp Đỏ chu đáo nhất lại là lãnh đạo Việt Nam. Trong lãnh đạo Việt Nam suốt thời kỳ 1987-1991, có người vẫn coi Giải pháp Đỏ là nước bài hay, cho rằng giải quyết vấn đề Campuchia theo cách đó sẽ làm hài lòng Trung Quốc. Nhưng thực ra cái sáng kiến này chẳng hợp với đường lối “tranh thủ phương Tây vì mục tiêu 4 hiện đại” của Đặng Tiểu Bình chút nào mà lại gây thêm sự nghi ngại của Nhà nước Campuchia đối với ta, mà chính Trung Quốc đã đem chuyện này nói với Mỹ và các nước phương Tây để chứng tỏ rằng Việt Nam luôn có thủ đoạn lắt léo, là một đối tượng đàm phán không đáng tin cậy, bên ngoài thì hô to “chống diệt chủng” bên trong thì ép Phnom Penh thoả hiệp với bọn Polpot.

Thật đáng tiếc, ảo tưởng về “giải pháp Đỏ” này vẫn còn đeo đuổi khá lâu trong các tính toán của ta về vấn đề Campuchia, thậm chí cả sau khi Trung Quốc đã nói thẳng với ta trong cuộc gặp cấp cao ở Thành Đô là họ không thể nuốt nổi “món quà” đó !


[1] thoả thuận miệng
[2] Jakarta Informal Meeting (JIM)



Chương 6
MỘT BƯỚC TỰ CỞI TRÓI: ĐA DẠNG HOÁ ĐA PHƯƠNG HOÁ QUAN HỆ
Trong khi họp CP 87 sáng 14.5.87, chúng tôi thảo luận sôi nổi làm sao giành lại thế chủ động trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Anh Thạch có ý kiến: “Không nhất thiết ta chỉ làm với Trung Quốc. Phải thấy là ba nước lớn Mỹ-Xô-Trung đang chụm lại với nhau trao đổi về cái khung giải pháp. Cần nhớ kinh nghiệm những năm 1954, 1973, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục lợi dụng mâu thuẫn Mỹ-Xô, Trung-Xô không thể giải quyết với nhau qua đầu Mỹ, phải thoả thuận cả với Mỹ. Cho nên ta chỉ húc đầu vào một con đường nói chuyện với Trung Quốc là không đúng”. Bản thân tôi rất tâm đắc suy nghĩ đó. Lâu nay tôi thường cảm thấy ta chịu lệ thuộc hơi nhiều vào anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc trong tư duy và hành động nên đã tự hạn chế mình trong hoạt động đối ngoại trên thế giới và ở khu vực Đông Nam Á. Muốn Trung Quốc mềm đi, phải cho thấy ta ngày càng nhiều bạn. Ngược lại, nếu ta chỉ thấy có Trung Quốc thôi và nếu Trung Quốc thấy ta yếu và đơn độc thì họ sẽ rất cứng rắn với ta. Chính vì vậy mà Trung Quốc đã buộc ta phải có hết nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia. Mặt khác, Gorbachov vì lợi ích nước lớn, không rõ vô tình hay hữu ý, đã làm Việt Nam vào cái khung “phải giải quyết vấn đề Campuchia với Trung Quốc”.

Phải nói rằng với nếp suy nghĩ quá thiên lệch, quá cứng nhắc về “hai phe” lúc đó, chỉ riêng nghĩ đến chuyện quan hệ với các nước phương Tây đã gần như một điều huý kỵ, nên việc ngoại giao đề cập đến mở rộng tiếp xúc hợp tác ra ngoài thế giới XHCN gần như là chuyện động trời. Người ta chấp nhận nó không phải dễ dàng. Tư tưởng đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ đối ngoại đã đến với ta hơi chậm nhưng chưa muộn.

Theo hướng đó, ta đã nghiên cứu và mở đợt tấn công ngoại giao tháng 6-8.87 với đặc điểm:

- Không tấn công về nội dung giải pháp như mọi khi, mà tấn công về cơ chế giải quyết vấn đề;
- Thăm dò tất cả các diễn đàn có thể đưa đến giải pháp, tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp tất cả các đối phương (Trung Quốc, ASEAN, Mỹ);
- Phối hợp tốt với việc Campuchia ra “tuyên bố về chính sách hoà hợp dân tộc”.

Đợt tấn công đã đem lại những kết quả mong muốn, làm bộc lộ hai xu hướng đi ngược chiều nhau trong hàng ngũ đối phương, những mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương đã nổ ra một cách công khai gay gắt (giữa Trung Quốc với ASEAN, Mỹ, Sihanouk; trong nội bộ ASEAN, trong nội bộ 3 phái “Campuchia Dân chủ”).

Trong xu thế đối thoại đang được đẩy mạnh giữa Xô - Mỹ, thông cáo 29.7.87 của cuộc gặp giữa Việt Nam (Nguyễn Cơ Thạch) và Inđônêxia (Mochtar), đại diện cho hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN, thoả thuận dùng hình thức tổ chức “cocktail party” để họp với các bên Campuchia bàn vấn đề Campuchia gắn với vấn đề Đông Nam Á, việc Việt Nam công bố đợt rút quân 1987 có mời quan sát viên nước ngoài đã làm chuyển động tình hình. Mỹ cử đặc phái viên của tổng thống đến Việt Nam, Sihanouk tuyên bố tạm thôi chức chủ tịch Campuchia Dân chủ và sẵn sàng gặp Hunxen.

Ngày 20.5.88, BCT ra nghị quyết 13 chủ trương giải quyết vấn đề Campuchia trước năm 1990 và phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Nghị quyết nói rõ: “Phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một quá trình gay go, phức tạp, đòi hỏi có thời gian. Sau khi bình thường hoá, quan hệ hai nước khó trở lại ngay như những năm 50, 60. Cuộc đấu tranh tiếp tục dưới nhiều hình thức khác, không như tình trạng đối đầu như hiện nay… chúng ta phải luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt về mọi mặt khi bước vào cuộc đấu tranh mới, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn xấu hòng làm suy yếu ta, “diễn biến hoàn bình”, chia rẽ, phá hoại nội bộ, chia rẽ 3 nước Việt nam, Lào, Campuchia… Cần phòng ngừa, khắc phục những tư tưởng lệch lạc, chỉ thấy giới hạn Trung Quốc là bá quyền, không thấy Trung Quốc là XHCN; hoặc chỉ thấy Trung Quốc là XHCN mà không thấy bá quyền, bành trướng.” Đối với Lào và Campuchia, nghị quyết nêu rõ: “Việc Lào và Campuchia sẽ đi lên XHCN hay phát triển theo con đường dân tộc, dân chủ nhân dân là do Đảng và nhân dân hai nước đó quyết định, phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân nước đó”…

Tất cả những động thái đó đã tạo ra khả năng thực tế phá vỡ bế tắc về vấn đề Campuchia đã kéo dài hơn 8 năm qua. Trung Quốc buộc phải tính toán lại, họ không còn khả năng khống chế ASEAN cũng như Sihanouk nữa. Về phía các nước ASEAN, điều khiến họ lo ngại Việt Nam nhất trong vấn đề Campuchia là việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia nay đang được dỡ bỏ với việc Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi Campuchia. Các diễn đàn mới về vấn đề Campuchia được mở ra khiến cho sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam bị hạn chế lại.

Trong hoà hoãn giữa ba nước lớn, vai trò Trung Quốc lúc này vẫn lép nhất, hoà hoãn Xô - Mỹ phát triển mạnh nhất. Xô - Mỹ đã thoả thuận giải quyết vấn đề Afghanistan là một vấn đề châu Á mà không có vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại với cái đà đó, Xô - Mỹ rồi sẽ giải quyết các vấn đề châu Á khác như vấn đề Campuchia mà cũng không có vai trò Trung Quốc. Trung Quốc muốn giữ vai trò một trong ba nước lớn giải quyết vấn đề Campuchia. Như thế sẽ lợi cho Trung Quốc hơn là để vấn đề Campuchia được giải quyết giữa người Campuchia với nhau, giữa ASEAN - Đông Dương, hay giữa Trung Quốc - Việt Nam. Vì vậy Trung Quốc chống lại thoả thuận Việt Nam – Inđônêxia 29.7.87 ở thành phố Hồ Chí Minh, ra sức phá diễn đàn Hunxen – Sihanouk, đòi Việt Nam đàm phán với Sihanouk, hỗ trợ Thái Lan gây xung đột biên giới Thái – Lào, gây ra xung đột với hải quân ta ở Trường Sa (3-4.88). Trong tình hình đó, Việt Nam và CHND Campuchia đã công bố đợt rút quân tình nguyện Việt Nam lần thứ 7 khỏi Campuchia trong năm 1988. Đây là đợt rút quân lớn nhất từ khi ta bắt đầu rút quân năm 1982. Việc này đã làm tăng thêm khó khăn lúng túng cho Trung Quốc vì dư luận quốc tế lại bắt đầu tập trung hướng về vấn đề xử lý bọn diệt chủng Polpot, đồng thời làm tăng sự thúc bách sớm có một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia trước khi Việt Nam rút hết quân vào năm 1990 như đã tuyên bố.



Chương 7
TRUNG QUỐC UỐN MÌNH ĐỂ THÍCH NGHI VỚI THẾ CỤC
Ngày 6.12.88, sau chuyến đi Liên Xô của ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham, Liên Xô đã thông báo lại cho ta là “các phát biểu của Tiền về vấn đề Campuchia đã có thay đổi chừng nào, chứng tỏ Bắc Kinh đang dần dần nhận thức thấy việc đặt giải pháp cho vấn đề Campuchia theo kịch bản của Trung Quốc là không thực tế và Trung Quốc đang từ bỏ đường lối kéo dài cuộc xung đột”. Về giải pháp, Trung Quốc đồng ý với Liên Xô là việc rút quân Việt Nam là một bộ phận trong giải pháp; về các vấn đề nội bộ của Campuchia, Trung Quốc cho rằng “phải được giải quyết bởi bản thân nhân dân Campuchia trên cơ sở hoà hợp dân tộc, không có sự can thiệp từ bên ngoài”. Song Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ về việc lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu, giảm dần đi đến giải tán quân đội của cả 4 bên Campuchia; thực chất là xoá nguyên trạng ở Campuchia.

Ngày 24.12.88, trả lời thư ngày 15.12 của Bộ trưởng ngoại giao ta, phía Trung Quốc mời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến giữa thứ trưởng ngoại giao hai nước chuẩn bị cho cuộc gặp cấp ngoại trưởng Trung-Việt. Sau 10 năm đối đầu gay gắt và sau 8 năm một mực từ chối đàm phán với ta, đây là lần đầu Trung Quốc nhận đàm phán với Việt Nam về vấn đề Campuchia và về bình thường hoá quan hệ hai nước, thực hiện bước chuyển sách lược ở Đông Nam Á phục vụ cho việc chuyển chiến lược chung của Trung Quốc trên thế giới và trong quan hệ với Xô, Mỹ. Sự điều chỉnh chiến lược này đã được xác định tại Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà tháng 9 năm 1988, và được công khai hoá tại Quốc hội Trung Quốc tháng 3.89. Sự điều chỉnh chiến lược lần này diễn ra trong tình hình thế giới cũng như tình hình Đông Nam Á và Campuchia đã có nhưng thay đổi to lớn, đặc biệt từ năm 1987. Quan hệ Xô - Mỹ từ năm 1987 đã được cải thiện nhiều, hình thành thế hai cực giải quyết công việc thế giới và cả châu Á. Trung Quốc không còn lợi dụng được mâu thuẫn Xô - Mỹ như trước; đồng thời quan hệ Trung – Xô cải thiện chậm so với quan hệ Mỹ – Xô, làm cho vị trí của Trung Quốc bị yếu trong quan hệ giữa ba nước lớn. Mặt khác việc Xô - Mỹ giảm cam kết quân sự ở bên ngoài đã thúc đẩy xu thế độc lập của các nước khác, làm tăng xu hướng hợp tác khu vực để giải quyết các vấn đề khu vực. Quan hệ giữa các nước Đông Nam Á từ 1987 đã từ tình trạng đối đầu chuyển từng bước sang vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình. Các cuộc họp JIM 1 và JIM 2 đã giải quyết được mặt quốc tế của vấn đề Campuchia và tạo khuôn khổ hợp tác giữa hai nhóm nước ở Đông Nam Á để giải quyết các vấn đề khu vực. Đặc biệt chính quyền Chatichai ở Thái Lan lúc này quyết tâm tách khỏi chính sách đối đầu của Trung Quốc ở Đông Nam Á, thực hiện chính sách “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”. Trong tình hình đó, việc Trung Quốc tiếp tục chính sách gây căng thẳng trên bộ và trên biển ở khu vực này chỉ làm tăng mối lo ngại đối với nguy cơ bá quyền của Trung Quốc.

Với việc quân Việt Nam đã rút ba phần tư và sẽ rút hết vào tháng 9.89, cốt lõi của vấn đề Campuchia không còn là vấn đề rút quân Việt Nam nữa mà trở thành vấn đề làm sao loại trừ chế độ diệt chủng Polpot. Những biến đổi to lớn này buộc Trung Quốc phải chuyển từ chỗ kéo dài đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Liên Xô để lợi dụng mâu thuẫn Xô - Mỹ và tranh thủ vốn và kỹ thuật của Mỹ sang xúc tiến bình thường hoá toàn diện quan hệ với Liên Xô, giữ cân bằng giữa quan hệ của họ với Xô và với Mỹ, đồng thời từng bước cải thiện quan hệ với các nước láng giềng để tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc cải thiện thế của Trung Quốc trên thế giới và châu Á.

Tháng 1.89, ta nối lại đàm phán với Trung Quốc để cố gắng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đồng thời khẳng định thái độ ủng hộ Nhà nước Campuchia giữ vững thành quả cách mạng.

Ngày 5.1.89, TBT Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang Phnom Penh dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Campuchia. Ngay chiều hôm đó (16 giờ) TBT Nguyễn Văn Linh đã có cuộc hội đàm với Heng Somrin tại Hoàng Cung. Heng Somrin thông báo: “Bộ Chính trị (Campuchia) đã nhất trí sẽ tiếp tục tấn công ngoại giao trên cơ sở rút quân Việt Nam đồng thời với việc ngăn chặn viện trợ quân sự nước ngoài giúp bọn Khmer đối địch, chấm dứt mọi sự can thiệp vào cách mạng Campuchia... tạo điều kiện thuận lợi cho hoà đàm Việt Nam - Trung Quốc, Liên Xô - Trung Quốc, đẩy mạnh thương thuyết Campuchia - Thái Lan. Chúng ta phải có một lịch rút quân mới, trong đó nếu có một giải pháp chính trị, ta sẽ tuyên bố rút hết quân Việt Nam không chậm quá tháng 9.89. Nếu Việt Nam đồng ý, sẽ tuyên bố trong diễn văn của tôi và của đồng chí ngày mai”. Nguyễn Văn Linh tán thành và đề nghị thông báo lại cho Liên Xô và Lào biết. Ngay chiều tối hôm đó anh Linh đã bảo tôi sửa lại bài diễn văn của anh theo như hai bên đã thoả thuận.

Sáng 6.1.89, trong buổi mít tinh long trọng, TBT Heng Somrin tuyên bố: “Campuchia và Việt Nam đã thoả thuận là nếu có giải pháp chính trị thì quân Việt Nam sẽ rút hết, chậm nhất là vào tháng 9.90”. TBT Nguyễn Văn Linh cũng tuyên bố: “Việt Nam hoàn toàn nhất trí với Campuchia sẽ rút toàn bộ quân Việt Nam còn lại vào cuối tháng 9.90. Việc rút hết quân phải song song với việc chấm dứt viện trợ của nước ngoài, chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ nước ngoài chống Campuchia, tiến hành dưới sự kiểm soát quốc tế.”

Qua những cuộc trao đổi giữa ta với bạn, là một thành viên trong đoàn Việt Nam, tôi đã dự cảm chừng nào những khó khăn khi đi sâu vào giải pháp. Lãnh đạo Campuchia có phần quá tự tin, muốn ta hoàn toàn ủng hộ bạn ăn cả; còn ta lại thiên về giải quyết vấn đề Campuchia một cách thuận lợi cho cải thiện quan hệ Việt-Trung.

Trong nửa đầu năm 1989, đã có hai vòng đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao giữa ta với Trung Quốc (Đinh Nho Liêm và Lưu Thuật Khanh) tại Bắc Kinh. Vòng đầu (16-19.1.89). Trung Quốc chỉ trao đổi lướt qua về quan hệ hai nước rồi tập trung đàm phán vấn đề Campuchia. Hai bên thoả thuận tương đối nhanh mấy vấn đề về mặt quốc tế của giải pháp Campuchia (rút quân Việt Nam, giám sát quốc tế, chấm dứt viện trợ quân sự, tổng tuyển cử). Hai bên đồng ý thúc đẩy các bên Campuchia thương lượng để sớm đạt giải pháp về Campuchia, Trung Quốc cho là mặt quốc tế cơ bản đã xong, muốn ta thoả thuận hướng giải quyết mặt nội bộ của giải pháp Campuchia, chủ yếu là vấn đề chính quyền và vấn đề quân đội của các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ (thời gian ngừng bắn cho đến tổng tuyển cử), cho rằng có thoả thuận và đạt kết quả về 2 vấn đề này thì mới có giải pháp, nếu không thì mặt quốc tế có thoả thuận cũng không giải quyết được, và khó bàn quan hệ hai nước. Lập trường của ta là các vấn đề nội bộ Campuchia phải do các bên Campuchia giải quyết. Đáng chú ý là Tiên Kỳ Tham khi tiếp Đinh Nho Liêm có nói: “4 nước Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam, Thái Lan là những nước có liên quan trực tiếp, có trách nhiệm về vấn đề Campuchia, cần thoả thuận với nhau về chính quyền lâm thời 4 bên Campuchia trong thời kỳ quá độ thì mới giải quyết được vấn đề Campuchia”. Họ nói đã bàn với Liên Xô và Liên Xô đã nhất trí nguyên tắc này.

Ngày 11.2.89, BCT họp bàn đề án đấu tranh về vấn đề Campuchia theo hướng:

• Tách và giải quyết từng bước mặt quốc tế và mặt nội bộ của vấn đề Campuchia;
• gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với yêu cầu kiến lập hoà bình ở Đông Nam Á;
• triển khai các diễn đàn: Việt–Trung (vòng 2), JIM 2, 4 bên Campuchia, Thái–SOC, Việt–Thái, Việt–Mỹ.

Trên tinh thần đó, ngày 15.2.89, tôi cùng mấy cán bộ CP87 bay đi Jakarta họp Nhóm làm việc [1] để chuẩn bị cho cuộc họp JIM 2 (19-21.2.89) với thành phần cũng như JIM 1 (các bên Campuchia, Việt Nam, Lào và 6 nước ASEAN). Hội nghị khẳng định lại kết quả đạt được năm trước ở JIM 1 (25-28.7.88) và nhất trí là vấn đề Campuchia phải được giải quyết bằng một giải pháp chính trị, góp phần vào việc thiết lập khu vực hoà bình ổn định Đông Nam Á. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nước Campuchia độc lập, có chủ quyền, hoà bình, trung lập và không liên kết trên cơ sở quyền tự quyết và hoà hợp dân tộc. Hội nghị nhất trí cần triệu tập Hội nghị quốc tế về Campuchia để bàn và đi đến một giải pháp chính trị toàn diện, công bằng và hợp lý cho vấn đề Campuchia.

Ngày 14.3.89 BCT họp quyết định rút hết quân khỏi Campuchia vào cuối tháng 9.89 và thúc đẩy diễn đàn Hunxen – Sihanouk.

Sang vòng 2 đàm phán Việt-Trung (8-10.5.89) vẫn tại Bắc Kinh, cuộc đàm phán vấp ngay vào hai tảng đá lớn: vấn đề diệt chủng và việc xử lý các vấn đề nội bộ Campuchia (lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu, đông kết và giảm quân đội của 4 bên Campuchia). Đàm phán kết thúc mà không đi đến kết quả gì. Phía Trung Quốc đề nghị tạm thời chưa tính đến đàm phán vòng 3. Tiền Kỳ Tham nói với Đinh Nho Liêm rồi sau đó công bố: “bình thường hoá quan hệ hai nước chỉ có thể thực hiện sau khi vấn đề Campuchia đã được giải quyết, không phải là trước đó”. Sau này Trung Quốc đã nói toạc ra rằng: “Việt Nam không những phải rút hết quân ra khỏi Campuchia mà còn có trách nhiệm giải quyết những hậu quả của việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, cụ thể là xoá chính quyền và quân đội CHND Campuchia đã được hình thành sau khi quân Việt Nam vào PhnomPenh đánh đuổi bọn Polpot”.

Việc Trung Quốc nối lại đàm phán với Việt Nam lúc này, mà phía Trung Quốc gọi là “gặp gỡ nội bộ”, theo tôi, mục đích chính là để biểu diễn cho thế giới thấy là Trung Quốc đã nắm con chủ bài giải quyết vấn đề Campuchia.

(còn tiếp)
Trần Quang Cơ


<>HongYen -- 13.5.2008 11:48:10 >

(trả lời: HongYen)
Post #: 6
Hồi Ký * Trần Quang Cơ - 16.2.2007 9:40:58
Không có Bài Mới
HongYen
Mạnh thường quân



Bài viết đã đăng: 7541
Gia nhập ngày: 25.7.2003
Đến từ: Sài Gòn
Hiện trạng: offline
Hồi ức và Suy nghĩ
Trần Quang Cơ
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
“…Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ CNXH, phải cùng chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan hệ giữa 2 nước. Các vấn đề khác giải quyết sau …”

Chương 8
HIỆP MỘT CỦA HỘI NGHỊ QUỐC TẾ PARIS VỀ CAMPUCHIA
Hai tháng sau, Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia (30.7-30.8.89) được triệu tập. Hội nghị tuy chưa giải quyết được vấn đề Campuchia nhưng có thể nói đã mở ra giai đoạn kết thúc. Sau JIM, đây là đỉnh cao của các diễn đàn và là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên bàn về vấn đề Campuchia. Hội nghị tiến hành ngoài khuôn khổ của LHQ tuy có mặt De Guellar, Tổng thư ký LHQ, và bộ trưởng ngoại giao 5 nước thành viên Hội Đồng Bảo An. Tổng Thư ký LHQ dự hội nghị chỉ với tư cách một thành viên của hội nghị. Trong hội nghị này, lần đầu các bên Campuchia đối địch ngồi sát cạnh nhau, dưới một cái biển ghi tên chung là Campuchia. Ngoài đại diện của 4 phái Campuchia: Hunxen (CHND Campuchia), Khiêu Samphon (Khmer Đỏ), Ranarit (phái Sihanouk), Son Soubert (con Son San), có các đoàn đại biểu của 17 nước do bộ trưởng ngoại giao dẫn đầu: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Úc, Ấn Độ, Canada, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Inđônêxia, Singapore, Malaysia, Philippin, Brunei. Phong trào Không Liên Kết do ngoại trưởng Zimbawe đại diện. Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas và ngoại trưởng Inđônêxia Ali Alatas là đồng chủ tịch hội nghị.

Sáng 28.7.89, tôi cùng đại bộ phận đoàn ta tới Paris. Đoàn có các anh Lê Mai, Đặng Nghiêm Hoành, Ngô Điền, Hà Văn Lâu, Trần Huy Chương, Lê Công Phụng, Huỳnh Anh Dũng, chị Tôn Nữ thị Ninh. Thiếu tướng Phi Long được Bộ Quốc Phòng cử đi tham gia đoàn. Ngày 29.7 anh Nguyễn Cơ Thạch đến nơi. Hội nghị khai mạc chiều 30.7. Thành phần hội nghị tuy xem như không có lợi cho ta, song ta đến hội nghị với thế mạnh của Tuyên bố rút hết quân vào cuối tháng 9.89 mà CHND Campuchia vẫn tỏ ra vững vàng tự tin.

Ngay từ đầu Hội nghị đã vạch ra chương trình phải họp cả tháng – từ 30.7 đến 30.8.89 – vì vấn đề rất phức tạp mà lập trường giải pháp của các bên lại còn khá xa nhau. Suốt thời gian hội nghị nổi cộm lên hai vấn đề lớn:

1. Loại trừ hay chấp nhận bọn diệt chủng Polpot;
2. Duy trì hay xoá bỏ nguyên trạng chính trị và quân sự ở Campuchia.

Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trong suốt quá trình hội nghị. Đối phương dùng áp lực của 5 nước lớn và đa số trong hội nghị đòi áp đặt việc lập Chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu và đòi lập bộ máy kiểm soát quốc tế của LHQ. Còn phía ta đòi loại trừ bọn diệt chủng Polpot, đòi tôn trọng nguyên tắc nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, tôn trọng nguyên trạng ở Campuchia có hai chính quyền, tôn trọng quyền của nhân dân Campuchia tự quyết định chế độ chính trị của mình và lập chính phủ của mình thông qua tổng tuyển cử tự do. Phía ta chấp nhận vai trò của LHQ nếu LHQ chấm dứt những nghị quyết thiên vị, ủng hộ một bên chống một bên.

Phát biểu của ta tại phiên họp toàn thể tập trung lên án diệt chủng Polpot, khẳng định kết luận của JIM về hai vấn đề then chốt (rút quân Việt Nam và lên án diệt chủng) và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, đề cao vị trí của Nhà nước Campuchia. Các ngoại trưởng chỉ dự các phiên họp toàn thể hội nghị trong 3 ngày đầu và 2 ngày cuối của hội nghị, còn phần lớn thời gian dành cho các buổi họp các uỷ ban: ủy ban 1 (về kiểm soát ), uỷ ban 2 (về bảo đảm quy chế), uỷ ban 3 (về người tị nạn và vấn đề tái thiết Campuchia), uỷ ban ad hoc (gồm các bên Campuchia để bàn các vấn đề thuộc nội bộ Campuchia) và uỷ ban Phối hợp, có nhiệm vụ thảo luận thực chất nội dung của giải pháp.

Cũng trong thời gian này, ta tranh thủ tiếp xúc riêng các đoàn. Ngày 3.8, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Rogatchev cho biết: phó đoàn Trung Quốc Lưu Thuật Khanh nói do không có thời gian nên Tiền Kỳ Tham không gặp được đồng chí Nguyễn Cơ Thạch; nhưng Tiền lại nói nếu đồng chí Trần Quang Cơ yêu cầu thì có thể gặp (?). Hôm sau Lưu Thuật Khanh lại nhắn qua Rogatchev: “Chưa thấy đồng chí Cơ yêu cầu gặp, nếu yêu cầu thì sẽ nhận lời”. Đến sáng 7.8.89, ta đặt vấn đề với phía Trung Quốc: Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ đề nghị gặp quyền trưởng đoàn Trung Quốc Lưu Thuật Khanh (Tiền Kỳ Tham đã về nước) để trao đổi ý kiến. Lưu Thuật Khanh nhận lời ngay. Cuộc gặp diễn ra tại sứ quán Trung Quốc ở Paris ngay 4 giờ chiều ngày hôm đó. Thái độ của Lưu tỏ ra nhã nhặn tuy lập trường Trung Quốc chưa có gì khác. Lưu nói nếu Việt Nam đồng ý có chính phủ lâm thời 4 bên Campuchia (tức là có cả Khmer đỏ như một thành viên ngang với 3 bên kia) thì vấn đề Campuchia coi như giải quyết, và thanh minh là Trung Quốc không muốn phía 3 phái chiếm 3/4 chiếc bánh, chỉ cần có sự tham gia của cả 4 bên Campuchia, còn chia phần như thế nào là tuỳ họ. Nếu chỉ 2 bên, 3 bên thì không thực tế và không chấp nhận được. Lưu đề nghị ta không dùng từ “diệt chủng”; vấn đề diệt chủng là việc nội bộ Campuchia, do họ tự giải quyết.

Sở dĩ Trung Quốc đến Hội nghị Paris trong khi chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề Campuchia là vì họ đang cố gắng gỡ thế cô lập sau sự kiện Thiên An Môn và trong lúc nội bộ họ vẫn đấu tranh gay gắt về các vấn đề đối nội và đối ngoại. Trung Quốc bất chấp tình hình thực tế, đưa ra đòi hỏi rất cao là xoá nguyên trạng ở Campuchia trước tổng tuyển cử, chia sẻ quyền lực cho 4 phái, làm suy yếu cách mạng Campuchia, chia rẽ 3 nước Đông Dương. Mỹ, phương Tây, ASEAN mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề Khmer Đỏ, nhưng thống nhất với Trung Quốc trong việc không chấp nhận nguyên trạng ở Campuchia, và có lợi ích không làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc.

Chiều 10.8, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Lambertson cùng 4 người trong đoàn Mỹ tới phòng làm việc của đoàn ta ở Trung tâm hội nghị Kléber, yêu cầu gặp tôi để trao đổi về vấn đề Campuchia. Tôi cùng anh Lê Mai đã tiếp họ trong 1 tiếng. Họ trình bày quan điểm của Mỹ về vấn đề Campuchia: cần có giải pháp toàn bộ, không nhận giải pháp bộ phận; có sự chia sẻ quyền lực thật sự cho các phái Khmer không cộng sản và trao thực quyền cho Sihanouk, chứ không phải tượng trưng, mong Việt Nam tác động để Hunxen mềm dẻo hơn. Về vấn đề diệt chủng và Khmer Đỏ, họ vẫn giữ lối nói nước đôi. Họ nói đến triển vọng quan hệ tốt giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng không quên vấn đề MIA. Ngày 11.8.89 anh Thạch về nước, đến 25.8 mới trở lại. Còn cả đoàn ở lại, chia nhau đi họp các uỷ ban

Tuy ta cố tránh tranh cãi với đoàn Trung Quốc trong các buổi họp chung như đã thoả thuận với Lưu Thuật Khanh, nhưng trong buổi họp uỷ ban 1 (Uỷ ban về kiểm soát quốc tế) ngày 16.8 bàn vấn đề diệt chủng, sau khi tôi phát biểu lên án Khmer Đỏ, vạch tội ác diệt chủng, đại biểu Trung Quốc đã phản bác: Việt Nam đòi kết tội diệt chủng là để che dấu hành động xâm lược, thoái thác trách nhiệm, viện cớ chống diệt chủng để đưa quân trở lại Campuchia; kết tội diệt chủng thì Khmer Đỏ sẽ không được tham gia chính quyền, sẽ vào rừng tiếp tục đánh nhau, do đó sẽ không có hoà bình ở Campuchia; và đổ tội cho Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của hội nghị. Tôi không thể không phát biểu đập lại các luận điệu đó, khẳng định phải giải quyết vấn đề ngăn chặn diệt chủng mới giải quyết được các vấn đề khác. Tôi vạch rõ sự thật lịch sử là những năm 1975-1978 là thời gian chế độ diệt chủng Polpot hoành hành thì Việt Nam không có mặt ở Campuchia, lúc đó chỉ có cố vấn Trung Quốc mà thôi.

Sau phát biểu của ta về vấn đề diệt chủng, trừ Trung Quốc và Singapore, không còn ai nói cắt bỏ từ “genocide” (diệt chủng). Sihanouk tuyên bố không cho Khmer Đỏ đại diện cho 3 phái, các uỷ ban đều phải ghi nhận và bàn vấn đề diệt chủng, những kẻ đòi không dùng từ “diệt chủng” cũng phải thừa nhận sự tàn bạo của Khmer Đỏ.

Ngày 29.8.89, theo chương trình đã định, các ngoại trưởng, trừ ngoại trưởng Mỹ và ngoại trưởng Trung Quốc, trở lại Paris để họp phiên kết thúc hội nghị. Ngày 30.8, sau khi trao đổi với hai đồng chủ tịch hội nghị về dự thảo tuyên bố của hội nghị quốc tế, anh Thạch chờ ở phòng họp đến 12 giờ trưa, vì tình hình sức khoẻ phải trở về sứ quán để nghỉ. Ta báo Ban Thư ký hội nghị là thứ trưởng Trần Quang Cơ sẽ là quyền trưởng đoàn Việt Nam dự phiên họp cấp bộ trưởng bế mạc hội nghị.

Cuộc họp hẹp không chính thức ở cấp bộ trưởng bắt đầu từ khoảng 14 giờ kéo dài gần 5 tiếng. Vì là họp hẹp, mỗi đoàn chỉ có 2 người dự, nên chỉ có tôi và anh Lê Mai trong phòng họp. Cuộc họp này chủ yếu tranh cãi về điều bổ sung vào dự thảo Tuyên bố hội nghị của trưởng đoàn Canada dựa theo ý của Trung Quốc, mang hàm ý phủ nhận kết luận của JIM về 2 vấn đề then chốt của giải pháp. Do chưa hiểu hết ý đồ của đối phương, anh Hunxen đã phát biểu chấp thuận bổ sung này. Để tránh chỗ sơ hở này và không để đối phương có thể khai thác sự khác nhau giữa ta và Campuchia, tôi đã yêu cầu chủ tịch cuộc họp ngừng cuộc họp ít phút để trao đổi riêng giữa 3 đoàn Việt Nam, Campuchia và Lào. Sau khi phân tích để bạn thấy được ý định nguy hiểm của đối phương trong điểm bổ sung này, tôi đề nghị cả 3 đoàn gặp 2 đồng chủ tịch yêu cầu sửa lại bổ sung này, không để cho đối phương có thể lợi dụng câu chữ mập mờ để nói là Hội nghị Quốc tế Paris đã phủ nhận kết luận của JIM về chống diệt chủng.

Sau khi dự thảo Tuyên bố của Hội nghị được thông qua, mới đi vào phiên họp chính thức để bế mạc Hội nghị sau một tháng làm việc liên tục. Tuyên bố chung ngắn gọn của Hội nghị Quốc tế Paris về Campuchia ghi nhận Hội nghị này là một bước tiến có ý nghĩa. Hội nghị tạm ngừng, kêu gọi các bên Campuchia và các nước có liên quan tiếp tục cố gắng để đi tới một giải pháp toàn bộ.

Kết quả rất hạn chế của Hội nghị phản ánh tính chất vô cùng phức tạp của vấn đề Campuchia. Việc Việt Nam rút hết quân vào tháng 9.89 và triển vọng Nhà nước Campuchia vẫn đứng vững đã thúc ép đối phương phải có hội nghị này, song chưa tới mức họ phải chấp nhận nguyên trạng chính trị quân sự ở Campuchia. Hội nghị không thành công do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là Trung Quốc và đối phương muốn giải quyết trên cơ sở xoá bỏ Nhà nước Campuchia, Mặt khác Trung Quốc còn hy vọng làm thay đổi được tình hình sau khi Việt Nam rút quân. Về phía Nhà nước Campuchia, sau chuyến đi Thái Lan ngày 25.1.89 của Hunxen theo lời mời của Thủ tướng Chatichai và sau những lần tiếp xúc với nhóm Chaovalit từ tháng 6.88, Bạn Campuchia có phần ảo tưởng ở Thái Lan và đánh giá không đúng lực lượng của bản thân mình nên tại Hội nghị TƯ lần thứ 9 tháng 7.89 ngay trước Hội nghị Paris, đã quyết tâm “ăn cả” bằng một giải pháp quân sự. Lúc này tình hình Đông Âu có những diễn biến phức tạp bắt đầu từ việc Công đoàn Đoàn kết lên cầm quyền ở Ba Lan.

Ngày 5.10.89, trong khi đã trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nói về nguyên nhân khiến hội nghị quốc tế Paris chưa thành công:

Ngay từ những ngày đầu, dư luận trong và ngoài Hội nghị đều đã thấy vật cản chính và duy nhất cho khả năng tiến triển cuả Hội nghị là nhóm đại diện của Polpot được sự khuyến khích và phụ hoạ chủ yếu của một số nước vì lợi ích riêng tư của họ. Càng về cuối Hội nghị, điều này càng thành sự thực hiển nhiên.

Để lấp liếm trách nhiệm, họ đã vu khống Việt Nam và Nhà nước Campuchia quá cứng rắn khiến Hội nghị bế tắc.

Làm sao chúng ta có thể đi đến thoả thuận được trong khi đối phương ngoan cố tới mức tự mâu thuẫn một cách trắng trợn trong lập trường cũng như các lập luận của họ ? Họ nói tôn trọng nguyên tắc chủ quyền của nhân dân Campuchia nhưng họ lại đòi phải để các nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề nội bộ Campuchia, lại áp đặt cho nhân dân Campuchia phải chấp nhận một chính phủ theo hình thức họ định ra trước; họ nói họ vô cùng phản đối tội ác giết người của bọn Polpot nhưng họ lại đòi hợp pháp hoá tổ chức diệt chủng và đòi cho chúng được chia quyền cai trị đất nước Campuchia.

Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm loại trừ hiểm hoạ diệt chủng này. Đặc biệt là những nước xưa nay lớn tiếng doạ Việt Nam rút quân trong khi đó lại lẩn tránh lên án diệt chủng, thì nay đến lượt họ phải có trách nhiệm ngăn diệt chủng gây nội chiến ở Campuchia.

Về triển vọng quan hệ giữa các nước khu vực với đà tiến triển của vấn đề Campuchia còn tuỳ thuộc các nhân tố chủ quan cũng như khách quan, trong đó có khả năng của ta chuyển hoá các nhân tố khách quan có lợi hơn cho việc thực hiện mục tiêu của ta. Chẳng hạn như khả năng thực hiện phương châm “thêm bạn bớt thù” trong đối ngoại đòi hỏi có được một ý niệm rộng rãi hơn về bạn. Tất nhiên mở rộng việc kết bạn không có nghĩa là thủ tiêu đấu tranh và phải trên cơ sở bảo vệ tốt lợi ích an ninh quốc gia của ta
”.

Cũng nên biết đối với vấn đề diệt chủng ở Campuchia, Liên Xô vì lợi ích chiến lược của mình, nên chủ trương hầu như không khác gì Trung Quốc. Trong cuộc gặp anh Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội tối 5.9.89, Heng Somrin cho biết anh vừa đi nghỉ ở Liên Xô về và kể rằng:

Trước khi đi, tôi nêu yêu cầu được gặp Gorbachov để thông báo tình hình Campuchia và trao đổi một số vấn đề, Liên Xô đồng ý. Nhưng khi đến Liên Xô, đồng chí Gorbachov không gặp tôi mà để đồng chí uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, phó chủ tịch Xô Viết tối cao gặp. Tôi hiểu rằng vì hội nghị quốc tế ở Paris chưa có kết quả gì nên Gorbachov không gặp tôi. Trong khi gặp tôi, phía Liên Xô nói thẳng là chúng tôi phải chấp nhận lập chính phủ liên hiệp 4 bên, cho cả Khmer Đỏ vào và để Sihanouk làm chủ tịch. Chính phủ đó và Sihanouk có thực quyền. Liên Xô giải thích là trong Khmer Đỏ chỉ có Polpot và vài người theo Polpot là xấu thôi, còn lại thì Phnom Penh nên chấp nhận cho họ tham gia chính phủ. Lập trường này của Liên Xô, chúng tôi không đồng ý”.

Vậy là đến lúc này cả Liên Xô lẫn Trung Quốc vì lợi ích của mình cùng nhất trí trong hành động dùng sức ép nước lớn can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền của Campuchia.

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1104

No comments: