Tử tù tự sử lý nội bộ
1. Những năm hòa bình mới lập lại tôi đã sống một không khí thật là hào hứng. Không phải chỉ là vì tôi bước vào hòa bình với trên vai một ba lô thành tích có thể làm cho một thanh niên như tôi cảm thấy tự hào được. Cũng không phải chỉ vì đất nước tôi vừa thực hiện được một kỳ tích lịch sử chấn động địa cầu, mở đầu một phản ứng dây chuyền làm sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa thế giới.
Mà còn là vì phong trào cộng sản quốc tế và phe xã hội chủ nghĩa đang ở điểm cao vinh quang chói lọi của nó. Liên xô chiến thắng trong một cuộc chiến tranh đẫm máu chưa từng có trong lịch sử, đã cứu loài người khỏi hiểm họa phát xít. Cách Mạng Trung quốc thành công đã ném một quả tạ ngàn cân lên cán cân so sánh lực lượng giữa hai phe trên thế giới. Và với Cuba, chủ nghĩa xã hội đã đặt được đầu cầu sang tận châu Mỹ. Rồi tên lửa vượt đại châu, rồi đại nhảy vọt, vân vân và vân vân.
... Không còn như Mác nói nữa, không phải bóng ma cộng sản đang ám ảnh châu Âu, mà là ánh hào quang của chủ nghĩa cộng sản đang tỏa ra khắp thế giới. Nhân loại khao khát hòa bình và nhân ái, mệt mỏi vì những tai ương mà chủ nghĩa tư bản đem lại cho họ - thất nghiệp và khủng hoảng định kỳ, sự bóc lột thuộc địa, hai cuộc đại chiến thế giới trong vòng 30 năm, chủ nghĩa phát xít và lò thiêu người v.v... hướng con mắt hy vọng về phía những người cộng sản. Những nước đế quốc đầu sỏ cũng nhìn phe xã hội chủ nghĩa lớn mạnh lên bằng con mắt lo ngại và đã huy động toàn bộ lực lượng của họ để ngăn chặn làn sóng đỏ.
Lúc bấy giờ, là một người cộng sản quả thật là một niềm kiêu hãnh lớn lao.
Nếu là hoa tôi sẽ là hoa hướng dương.
Nếu là chim tôi sẽ là bồ câu trắng.
Nếu là người tôi sẽ người cộng sản.
Mà tôi thì không những là người cộng sản, lại còn kiêm thêm là lính Bác Hồ nữa.
2. Sau tiếp quản ít ngày tôi về thăm nhà. Gia đình tôi tản cư lên Việt Bắc vài năm, hết lương, đã hồi cư về Hà Nội. Hôm ấy về Hà Nội tôi đã đánh bộ quần áo cánh nâu, đội chiếc mũ lá, đi dép lốp, súng lục côn bát (Colt) đeo trễ hông, cứ thế nhâng nháo bước giữa đường phố Hà Thành hoa lệ. Tôi có ngờ đâu chính hình ảnh của tôi lúc ấy đã là hình ảnh chàng trai lý tưởng của nhiều cô gái Hà Nội.
Ông cụ tôi cứ nhất định đòi sắm cho tôi một chiếc xe đạp và một bộ complê mới. Tất nhiên tôi chẳng nhận làm gì. Tôi không muốn đổi cuộc sống khắc khổ của bộ đội chúng tôi lấy bất cứ cái gì khác. Và quân lệnh như sơn, kỷ luật tiếp quản nghiêm như kỷ luật chiến trường. ở đây không phải là những viên đạn đồng mà là những viên đạn bọc đường đang nhắm vào chúng tôi. Vả lại tôi chẳng thiếu gì: trong tay tôi là cả một giang sơn, trong tầm tay tôi là cả thế giới.
Ông cụ tôi thấy tôi từ chối thì không bằng lòng. Cuối cùng cụ thốt lên:
- Nghiêm như Nhật!
3. Đối với cụ đó là lời khen ngợi cao nhất.
Bây giờ người ta tốn nhiều công sức để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Thậm chí người ta còn phải ghi điều đó vào hiến pháp để không cho ai được phép nghi ngờ và phủ định. Nhưng đối với tôi hồi ấy, và chẳng phải riêng tôi, vấn đề thật rõ rành rành, không cần nhiều lời, không cần hiến pháp.
Đành rằng có những chuyện chẳng hay (ai mà tránh được không bao giờ phạm sai lầm, kể cả Đảng?) nhưng chẳng rõ rành rành là Đảng đã dẫn dắt chúng tôi vượt qua muôn vàn thác ghềnh đi tới thắng lợi vĩ đại ngày nay hay sao? Chẳng phải là Đảng đã nêu cho tôi biết bao tấm gương hy sinh, tấm gương đồng cam cộng khổ với dân, hơn thế nữa, khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư đó sao? Đảng đã dạy cho tôi biết phải trái, biết yêu, biết ghét, biết quên, biết nhớ, nhớ nỗi nhục mất nước, quên bản thân mình. Trên ý nghĩa đó Đảng đã sinh ra tôi lần thứ hai.
Mon parti m'a rendu les yeux et la mémoire.
Je ne savais plus rien de ce qu'un enfant sait
Que mon sang fut si rouge et mon coeur francais
Je savais seulement que la nuit était noire
Mon parti m'a rendu les yeux et la mémoire.
4. Cho nên đối với tôi thì không nghi ngờ gì nữa, chủ nghĩa Mác Lênin là chân lý phổ biến tung ra bốn biển đều đúng, rằng chủ nghĩa tư bản đang dẫy chết và chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng vô sản. Đối với tôi lúc ấy, tất cả những gì của Liên xô, Trung quốc đều là tốt, là đúng, và nếu có cái gì chưa tốt thì có thể giải thích được bằng những nguyên nhân khách quan, những điều kiện lịch sử cụ thể.
Và tất cả những gì của tư bản, đế quốc đều là xấu, và nếu có cái gì xem ra là tốt thì chỉ là cái bề ngoài giả dối hoặc là cái phụ. Tôi đọc Thăm Liên xô Về của Ang-drê Gít (Andre Gide) nó không vào, cứ bật ra, rồi cuối cùng tôi bỏ dở, không đủ kiên nhẫn đọc hết. Những bài báo hồi bấy giờ tôi viết thì đầy dẫy những câu trích dẫn của Mác, Ang-ghen, Lênin, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và đủ thứ nghị quyết của Đảng.
Không thể khác được. Không phải do tôi lựa chọn. Tôi chỉ thực sự lựa chọn có một điều: giành lại độc lập cho đất nước. Còn tất cả những cái khác là tự nó đến, dần dần, một cách tự nhiên. Và tôi cũng không phải người cuồng tín nhất.
5. Từ sau chiến dịch Biên Giới cuối năm 1950, tư tưởng Mao Trạch Đông ùa vào Việt nam. Từ đó trở đi, càng ngày tôi càng cảm thấy mình bị coi là phần tử tiểu tư sản bấp bênh, hồi đó được gọi là dân tạch tạch sè. Chưa lấy gì làm nặng nề lắm nhưng đôi lúc cũng khó chịu, lâu dài thành mặc cảm. Mao Chủ Tịch nói: Tri thức sách vở không bằng cục cứt. Cứt còn bón được ruộng chứ tri thức sách vở thì không dùng được vào việc gì. Mà tôi thì hầu như chỉ có tri thức sách vở. Thế mới thật là mệt! Chính cái đó đã kích thích tôi cứ nằng nặc xin bằng được ra đơn vị chiến đấu. Để xem mèo nào cắn miêu nào!
2003-03-29 08:20:25Câu linh tinh như cái bồ hàng xén xuất xứ là như thế. Bà khách hàng ngồi tựa gối trên phản vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa xướng lên những món hàng mình cần, xướng đến đâu thì bố tôi lại ghi thành cột vào quyển vở mua hàng lem nhem của bà, còn mẹ tôi thì gảy bàn tính lách cách tính tiền. Tôi còn làm cái nhiệm vụ đi lấy hàng, nghĩa là chỉ có việc đến nhà chủ hàng bảo họ mang đến cho một tải đường chẳng hạn. Tuổi nhỏ mải chơi, nhiều lúc đi được nửa đường thì quên, không nhớ ở nhà dặn đi lấy gì, phải quay về hỏi lại.
2. Tản cư theo kháng chiến cụ tưởng chỉ vài ba năm là cùng. Cụ gửi giấy tờ vào Hà Nội nhờ bán cái nhà lấy tiền theo đuổi kháng chiến đến thắng lợi. Bán tống bán tháo. Dân thành thị, chồng già, vợ ốm, con nhỏ, không nghề ngỗng gì, chỉ ngồi ăn thì núi cũng lở. Ăn đã mòn vẹt cả cái nhà mà xem ra kháng chiến vẫn chưa đâu vào đâu, nên đầu năm 1950 lại dắt díu khiêng cáng nhau hồi cư. Về Hà Nội không có nhà, lên ở nhờ nhà thờ tổ. Còn ít tiền, chung vốn với một người cháu mở hàng phở.
Hàng phở ăn dần vào vốn. Lại quay trở về nghề hàng xén. Vốn ít, cửa hàng không có thì ngồi vỉa hè vậy. May mắn có ông anh vợ chỉ tản cư có mấy tháng, sớm hồi cư nên nhà cửa còn giữ được, và thời chiến tranh buôn bán phất lên như diều, nên khá giả. Tình anh em, ông giúp đỡ bố mẹ tôi và cho ngồi nhờ đầu hè. May mắn thứ hai là cụ đã có một sáng kiến: đá lửa đen bán được giá hơn đá lửa trắng. Cụ bèn cậy bút chì ra lấy ruột, cạo thành bột, rồi tối tối cả nhà ngồi xúm lại hồ đá trắng bằng bột chì. Rồi bán lại cho các cửa hiệu buôn. Cái công việc tạp nham ấy chẳng ai thèm làm, không ngờ lại kiếm được khá.
3. Khi tôi đi kháng chiến về thì các cụ đã thuê được một cửa hàng nhỏ, buôn bán cũng có vẻ nhộn nhịp, và vẫn cung cách như ngày trước. Và ngồi đâu tôi cũng thấy những viên đá lửa nằm lọt trong khe giường, khe bàn ghế.
Lần tôi về Hà Nội khi mới tiếp quản, ông bác tôi - ông bác đã cho bố mẹ tôi ngồi nhờ cửa hàng - một hôm sang chơi nhà tôi, vẻ mặt rất băn khoăn, và hỏi tôi:
Hôm qua có ba ông bộ đội vào nhà bác hỏi lôi thôi nhiều chuyện lắm. Hình như muốn dò la cái gì đấy. Một lần trước đã có ba ông vào, bây giờ lại ba ông khác. Liệu có sợ gì không anh?
Tôi cười giải thích rằng anh em đến thăm hỏi đấy thôi, bộ đội ta ở đâu mà chẳng phải thăm hỏi dân.
Đúng là bộ đội tiếp quản phải làm công tác dân vận, đi thăm hỏi dân, và phải đi thành tổ tam tam chế (tổ ba người), đảm bảo an toàn. Anh em ở nông thôn và miền ngược không quen giao tiếp với dân thành thị vùng mới giải phóng, có thể đã thăm... hỏi kỹ quá, nên đã bị hiểu lầm. Lời giải thích của tôi không làm cho ông bác tôi yên tâm.
Và khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng thì ông đã cùng vợ con xuống tàu đi theo vào Sài Gòn, để lại bức thư cho bố mẹ tôi bảo dọn sang nhà ông, ở trông nhà hộ. Bố tôi là người cẩn thận, đã lên báo cáo ủy ban và nộp hết đồ đạc của ông anh để lại: sập gụ, tủ chè, v.v... và được giữ lại quầy, tủ hàng và số ít hàng hóa ông anh còn để lại để ngụy trang việc chuẩn bị ra đi của ông.
4. Lúc này, ông cụ tôi ở đỉnh cao của sự phấn khởi: nước nhà đã độc lập, gia đình còn nguyên không sứt mẻ ai, con lớn có công với cách mạng, tự dưng mình có nhà ở và cửa hàng đàng hoàng. Cụ hăng hái tham gia mọi hoạt động xã hội ở khu phố. Rồi người ta kết nạp cụ vào Đảng Dân Chủ. Không rõ cái nguy cơ ẩn náu trong việc kết nạp ấy, cụ càng phấn khởi và càng hăng hái hơn.
Từ nay cụ cũng là đảng viên, được đi họp chi bộ và xưng hô với nhau bằng đồng chí, được làm công tác đảng. Trước đó cụ mặc quần áo lương, quần trắng, áo dài trắng hay thâm tùy mùa, đội khăn xếp, đi giày tây. Bây giờ thành đồng chí rồi, cụ chuyển sang mặc bộ đồ complê kaki, đội mũ cát kaki. Còn cái sự không biết đi xe đạp thì không thể khắc phục được. Đi họp, cụ cứ cuốc bộ phăng phăng, dù họp ở xa đến đâu. Nhìn cụ, tôi cảm thấy tội nghiệp.
Đi kháng chiến về tôi thấy tính tình cụ thay đổi nhiều, dễ dãi ra hẳn, rất khoan dung. Có lẽ vì cụ cảm thấy xung quanh mình mọi sự đều tốt đẹp.
5. Thuở bé tôi là một đứa trẻ ham chơi và rất sợ đi ỉa. Chẳng là vì nhà xí thùng ở thành phố rất hôi. Thường là tôi nhịn cho đến lúc tình hình căng thẳng thì mới đi. Cởi truồng đứng trước cửa nhà xí, tôi hít một hơi dài, mở cửa bước vội vào, cắt bom rơi đánh bịch một cái rồi chạy ra, mặt đỏ tía tai vì cái động tác nín thở bóp cò ấy. Một lần khác, để trì hoãn cái công việc khổ ải ấy, tôi lấy giấy cuộn thành cái nút, đút nút lỗ đít lại. Thấy có mùi thôi thối, cụ túm lấy tôi, lột phăng quần ra, rồi kêu lên:
- Đúng rồi, có cục cứt thòi lòi ra đây này!
6. Đâu phải! Đó là cái nút giấy thôi. Cái nút giấy rút ra có cái mùi không được thơm tho gì cho lắm. Không cần phải kể sự thể sau đó đã diễn ra không êm đềm như thế nào.
Thằng con đầu lòng của tôi hình như cũng mang cái gien (gene) ấy. Hồi lên năm lên sáu, nó ở với cụ. Một hôm nó đi chơi đâu không thấy mặt, cụ bổ đi tìm. Và thấy ông mãnh ở chợ Hàng Da, cởi truồng, đang hí húi giặt cái quần ỉa đùn ở máy nước công cộng. Những tội tày đình như thế xưa kia thì đầy hậu quả, nhưng bây giờ chỉ làm cụ buồn cười.
7. Rồi trong niềm vui đất nước giải phóng, gia đình đoàn tụ, làm ăn yên ổn, dần dần có cái gì nổi cộm: thuế má đánh ngày càng nặng. Cụ cắn răng chịu, không để lộ gì ra với tôi. Thỉnh thoảng về nhà, tôi chỉ thấy hai cụ thì thầm bàn luận có vẻ băn khoăn lắm. Hàng phố nhiều nhà đã nghỉ buôn, cứu lấy cái vốn để ngồi ăn dần.
Cụ tôi thì không dám, sợ bị đảng của cụ phê bình là phản ứng với chính sách của Đảng. Nhưng cụ cũng thu nhỏ bớt lại để hạn chế thiệt hại. Làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều, càng làm càng lỗ. Cụ thực sự hoang mang, không còn hiểu ra làm sao. Cụ làm sao hiểu được rằng đó là người ta đang làm cái việc tước đoạt lại của những kẻ đi tước đoạt. Cụ sẽ còn phải mất hết.
8. Rồi cái gì phải xảy ra đã xảy ra: người ta đã triệu tập cụ đi học tập cải tạo thương nghiệp tư bản chủ nghĩa. Họa vô đơn chí, thấy một cục hạch nổi lên ở cổ, cụ đi khám thì người ta kết luận là ung thư hạch. Lymphosarcome, một trong mấy dạng ung thư nguy hiểm nhất. Ai cũng biết người bị ung thư chỉ mấy tháng cuối cùng mới đau đớn và rạc đi nhanh, còn trước đó trông vẫn như người bình thường. Cụ vẫn đi họp, làm công tác đảng, học tập cải tạo và ngày ngày vẫn cuốc bộ đến bệnh viện 108, cả đi lẫn về khoảng sáu bảy cây số, để chạy tia phóng xạ. Vẫn làm mọi việc băng băng, nhưng xem vẻ trầm uất, ít nói.
Đầu năm 1961, bệnh của cụ bước vào giai đoạn cuối. Cổ và ngực đen thui và cứng như mo nang vì sự bắn phá của tia phóng xạ. Thở bắt đầu khó vì các u chèn ép. Bây giờ thì cụ chỉ còn ngồi trên giường bó gối, chiếc chăn chùm quanh vai, không nói năng gì. Một hôm tôi về nhà đang ngồi thì có một chị cán bộ ban cải tạo vào. Chị thăm hỏi rồi gợi ý nếu cố gắng đi được thì cụ nên đi học tiếp, còn vài buổi nữa thôi. Hôm ấy, lần đầu tiên tôi thấy cụ phản kháng. Cụ tung chăn ra, phanh ngực áo, gõ cồm cộp vào bộ ngực đen sì và cứng như gỗ của mình, nói gay gắt:
- Sắp chết đây này, học với hành gì!
9. Tất nhiên chị cán bộ chỉ còn biết rút lui sao cho đẹp. Còn cụ thì quay mặt đi tránh nhìn tôi. Cụ đang bị cuộc đời dồn vào chân tường. Mà tôi thì không làm gì được cho cụ cả. Cả hai cái tai họa đổ lên đầu cụ đều bất khả kháng.
Rồi bắt đầu những cơn đau dữ dội. Nhăn nhó, quằn quại nhưng không kêu la. Bây giờ tất cả tâm trí của cụ chỉ còn có ngong ngóng đợi vợ tôi về tiêm cho cụ mũi moóc phin. Và hôm nào cũng vậy, khi vợ tôi ra đi, cụ lại năn nỉ dặn:
- Mai chị nhớ về tiêm cho tôi nhá...
Cụ chỉ lo vợ tôi quên.
10. Đến lúc này thì đêm đêm tôi phải về nhà ngủ, canh cụ thay cho mẹ tôi đã quá mỏi mệt. Đêm hôm ấy như thường lệ, tôi rời tòa soạn, về nhà. Trong nội đêm ấy tôi phải viết xong bài xã luận nói về Nghị Quyết III của Đảng, nghị quyết xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tôi đã chọn một câu trong bài thơ chúc Tết đầu năm của Hồ Chủ Tịch để làm đầu đề cho bài xã luận: Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang.
Tôi ngồi một mình bên chiếc bàn đá tròn kê gần giường cụ, cắm cúi viết. Và thỉnh thoảng lại ngó sang. Cụ nằm nhắm mắt, thở mệt nhọc. Khoảng hai giờ sáng viết xong, tôi ra nhìn cụ một lần nữa, rồi ngả lưng xuống chiếc ghế dài, ngủ thiếp đi.
Sáng, bừng tỉnh dậy ra xem thì người cụ đã lạnh. Cụ đi không giối giăng được câu nào.
Tôi chạy vội lên gác gọi mẹ và hai em tôi xuống.
Qua lúc xúc động, khóc lóc, tôi đứng nhìn khuôn mặt khắc khổ của cụ, trong lòng bâng khuâng... Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang.
2003-03-29 08:21:30
1. Cuối năm 1963, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 9, khóa Đại Hội III, ra nghị quyết Chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Trước đó ba năm. Đảng đã ký vào bản Tuyên Ngôn và Cương lĩnh chung của 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới, chấp nhận lập trường chung của 81 đảng. Nhưng sau đó thì từng bước ngả sang lập trường mao-ít của Đảng cộng sản Trung quốc, và đến nghị quyết 9 thì ngả hẳn, coi lập trường của 81 đảng do Liên xô đề xướng là chủ nghĩa xét lại hiện đại.
Anh Văn Doãn, tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, lúc ấy đang học ở trường Đảng cao cấp của Liên xô, được tin trên, đã xin ở lại cư trú chính trị ở Liên xô cùng các anh Lê Vinh Quốc, nguyên phó chính ủy Đại đoàn 308, chính ủy Quân Khu Tả Ngạn, và anh Nguyễn Minh Cần, thường vụ Thành ủy, phó chủ tịch Hà Nội. Việc Văn Doãn ở lại Liên xô đã đặt ban biên tập báo Quân Đội Nhân Dân chúng tôi, và cá nhân tôi vào một tình thế tế nhị.
2. Doãn đối với tôi là một người bạn khá gần gũi. Tôi nhớ, cách đó 20 năm, tức là năm 1944, khi tôi mới tham gia Việt Minh ít lâu, một hôm tôi được nhóm trưởng hẹn đến một địa điểm ở phố Hàng Bát Đàn, Hà Nội, để nghe một thượng cấp giảng chính trị. Tôi đến thì gặp một thanh niên thấp nhưng đậm người, củ mỉ củ mì và có đôi mắt to và sáng. Đó là Văn Doãn. Thượng cấp của tôi lúc ấy mới 17 tuổi (còn kém tôi một tuổi) là người Duyên Hà, Thái Bình, lên Hà Nội làm gia sư để kiếm tiền trọ học.
3. Lớp học chính trị ấy đối với tôi là một sự khám phá. Cho tới lúc ấy, toàn bộ vốn liếng chính trị của tôi được gói gọn trong hai cuốn Đông Dương SOS của Viôlis (Violiste?) và Việt nam của Manrô (André Malraux), tôi đã mượn đọc ở thư viện trung ương, và trong nội dung những tờ truyền đơn bươm bướm mà tôi đã dán đại ở các góc phố hoặc đút bừa vào khe cửa các nhà: ủng Hộ Việt Minh, Đánh Đuổi Nhật Pháp, Việt nam Độc Lập.
Và đây là lần đầu tiên tôi được biết thế giới chia làm hai phe, có bốn mâu thuẫn, được biết thế nào là tuyên truyền, tổ chức quần chúng v.v... tóm lại là nội dung của cái được gọi là bốn bài Việt Minh. Văn Doãn không quên đem câu chuyện quả trứng và con gà để giải thích cho chúng tôi rõ cách mạng sẽ nổ ra như thế nào.
4. Sau đó ít lâu, Doãn về quê tham gia phong trào địa phương, và cướp chính quyền xong, làm chủ tịch huyện Duyên Hà, rồi trưởng ty công an tỉnh. Lần cụ Hồ về thăm Thái Bình, Doãn lên bộ complê, cravát ra đón. Chắc hẳn thấy anh chàng non choẹt đóng bộ complê nom buồn cười, cụ đã túm lấy cravát của Doãn kéo thít vào cổ, nói đùa:
- Cái chú này, đeo cái dây thắt cổ này vào làm gì!
5. Tháng 11-1946, súng nổ ở Hải Phòng, cuộc kháng chiến ở Hải Phòng đã nổ ra sớm hơn kháng chiến toàn quốc một tháng. Lúc ấy tôi đang ở Hà Nội tham gia việc xây dựng chiến lũy đường phố, bỗng một hôm nhận được thư của Doãn.
Thư viết ngắn gọn, bằng một giọng Gia-cô-banh đối với tôi lúc ấy không phải không có sức thuyết phục. Đại thể là: quân thù đã nổ súng, tổ quốc lâm nguy, hãy xốc tới mặt trận v.v... Và cuối cùng rủ tôi và Mai Luân về làm báo Quân Bạch Đằng của chiến khu ba với anh. Hai chúng tôi đã khăn gói ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc lâm nguy, về Thái Bình làm báo với anh mấy năm. Sau đó mỗi người đi một ngả, ra đơn vị chiến đấu, Doãn về làm chính ủy Trung Đoàn 52, Đại Đoàn 320, tôi về Tả Ngạn.
Hai năm sau khi hòa bình lập lại, tôi về báo Quân Đội Nhân Dân, gặp lại Văn Doãn thì Doãn nghiễm nhiên đã trở thành cây lý luận. Lên lớp chính trị không cầm giấy bao giờ, cứ hai tay đút túi quần rủ rỉ nói cả ngày, trích dẫn từng đoạn dài của Mác, Lênin v.v... cấm sai chữ nào nghe rất sướng tai.
Những dịp có bài có tính chất lý luận cần viết cho báo chí trong hoặc ngoài nước, ông đại tướng Võ Nguyên Giáp thường giao cho Doãn chấp bút. Cả ông đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng vậy. Một lần ông Thanh giao cho Doãn viết một bài quan trọng, tôi nhớ là bài Chiến Tranh Nhân Dân thì phải. Doãn đã viết một bài dài đăng kín hai trang báo, sau đó nhà xuất bản Sự thật in thành sách. Ông Thanh không biết đã nghĩ như thế nào, không nỡ ký tên một mình, đã bảo ký tên hai đồng tác giả: Nguyễn Chí Thanh - Văn Doãn.
6. Báo Quân Đội Nhân Dân nổi đình đám một thời thì một phần quan trọng cũng là nhờ lòng nhiệt tình, tài năng sắc sảo và đầu óc nhạy bén của Doãn. Và về sau báo Quân Đội Nhân Dân có trở thành cái lô cốt của chủ nghĩa xét lại hiện đại (theo như nhận định của Tổng Cục Chính Trị) cần phải đập tan và người ta đã đập tan thì một phần quan trọng cũng là tội của Doãn.
Rồi một buổi sáng, không báo trước, Tổng Cục Chính Trị cho xe đến bốc cả nhà Doãn, già trẻ lớn bé lít nhít, đưa thốc lên Vĩnh Yên, giao cho một đơn vị quân y quản lý.
Chừng vài năm sau, tôi nghe tin đồn Doãn đã chết ở Liên xô. Người ta bảo Doãn đã nhảy từ một tầng nhà cao xuống tự tử. Tôi không tin. Vì trong bao nhiêu năm tôi cứ đinh ninh là Doãn, Quốc và Cần ở lại Liên xô đã tìm thấy môi trường chính trị thích hợp và chắc là anh sẽ làm được nhiều việc, chí ít thì cũng học tập được thành tài.
Thiếu những thông tin xác thực, tôi cứ nghĩ rằng sau khi thay Khơrutsốp (Krutchev), Brêgiơnép (Brezniev) vẫn tiếp tục thực hiện đường lối của Đại Hội 20, chỉ có khác là mềm mỏng và thận trọng hơn mà thôi.
8. Đài phát thanh Bắc Kinh đã chẳng nói ra rả rằng Brêgiơnép là chủ nghĩa Khơrutsốp không có Khơrutsốp đó sao? Còn các nhà lãnh đạo của ta thì vẫn thi hành chính sách hai mặt, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Liên xô vừa chống chủ nghĩa xét lại Liên xô. Hàng chục năm về sau, dưới ánh sáng cải tổ của Liên xô tôi mới vỡ nhẽ chế độ Brêgiơnép là như thế nào. Và đến lúc ấy tôi mới hiểu cái bi kịch của Doãn, Quốc và Cần. Vậy hãy còn may mắn là các anh không bị trục xuất trả về nước. Nghe nói anh Minh Cần cũng bị ý nghĩ quyên sinh ám ảnh một thời gian dài.
Những nẻo đường nào đã đưa Văn Doãn, một thanh niên yêu nước và đảng viên cộng sản nhiệt thành; một con người hiền lành nhất mực không hề đấu đá ai bao giờ, đã được mệnh danh là Doãn bụt và được chị em phụ nữ, kể cả các cô văn công xinh đẹp quý mến và tin cậy gửi gắm tâm sự riêng (chắc vì tin rằng quan hệ với anh thì rất an toàn không sợ xảy ra sự cố); một con người khiêm tốn ưa sống nội tâm, không thích xuất đầu lộ diện, ít nói, ngồi trò chuyện đông thường chỉ nghe và mỉm cười một cán bộ đã chiếm được lòng tin vững chắc của nhiều nhà lãnh đạo đảng và quân đội, những nẻo đường nào đã đưa một con người như thế đến chỗ trở thành một tên phản quốc lưu vong? Đó cũng là những nẻo đường đã dẫn tôi và nhiều anh em khác vào nhà tù Hỏa Lò.
9. Vậy là bước đường đoạn trường của chúng tôi bắt đầu từ Nghị Quyết 9, năm 1963. Trong học tập nghị quyết, tuyệt đại đa số anh em chúng tôi ở báo Quân Đội Nhân Dân đã tỏ ra không thông. Phần lớn phát biểu vòng vo, có che chắn, dưới dạng thắc mắc, còn thẳng thắn cũng chỉ vài ba người. Và cũng chỉ tương đối thẳng thắn thôi, vì cũng sợ. Người phát biểu thẳng thắn hơn cả là anh Đào Phan, tức Đào Duy Dếnh. Ngồi họp, anh đặt trước mặt mình cả một chồng sách báo, các loại nghị quyết để trích dẫn làm bằng chứng, chứng minh rằng Nghị Quyết 9 là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin, trái với Nghị Quyết Đại Hội 3 và các nghị quyết trước đây của bản thân Trung ương.
Anh em nhà họ Đào (Đào Duy Anh, Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dếnh) quả thực là có gien bướng bỉnh. Chẳng thế mà ông Lê Quang Đạo, lúc ấy là phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị đã nói: Cứ mỗi lần Đảng gặp khó khăn là y như rằng thấy Đào Phan xuất hiện. Lần trước mà đảng gặp khó khăn và Đào Phan đã xuất hiện là lần sai lầm cải cách ruộng đất tiếp theo là vụ Nhân Văn Giai Phẩm.
10. Về cuối đợt học tập, một số anh em chúng tôi tin vào lời đả thông là ai chưa thông thì có quyền bảo lưu ý kiến, đã xin bảo lưu. Sau chuyện tổng biên tập Văn Doãn ở lại Liên xô xin cư trú chính trị, việc làm trên của chúng tôi quả thật là một hành động khinh xuất.
Cho nên chỉ sau đó ít lâu, báo Quân Đội Nhân Dân bị tính sổ. Tổng Cục Chính Trị cho rà soát lại nội dung các báo Quân Đội Nhân Dân đã phát hành mấy năm qua để tìm những chỗ viết sai đường lối của Đảng. Và người được giao cái công việc bới lông tìm vết ấy không phải ai khác mà chính là ông Bùi Tín lúc ấy là một cán bộ Cục Tuyên Huấn, Tổng Cục Chính Trị.
Tôi kể chuyện này không hề với ý định bới móc ông Bùi Tín. Trái lại, tôi cũng muốn tỏ lời hoan nghênh ông trong hai quyển sách của mình đã kéo cái vụ đàn áp được người ta bưng bít rất kỹ lưỡng này ra trước ánh sáng dư luận. Nhắc lại chuyện này tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta đều từ một lò mà ra cả, chẳng qua là kẻ ra trước người ra sau, mỗi người ra một kiểu mà thôi. Và trước sau rồi sẽ ra hết.
11. Đó là sự lột xác của cả một thế hệ đã có một thời ngộ nhận chân lý, một sự tự phủ định day dứt kéo dài. Đối với tôi quá trình ấy kéo dài hơn 30 năm từ năm 1960, khi những tư tưởng của Đại Hội 20, Đảng cộng sản Liên xô và Hội Nghị 81 Đảng bắt đầu thấm vào tôi.
Đối với các bạn trẻ bây giờ thì câu Đại Hội 20 không gây một ấn tượng nào cả, thậm chí các bạn cũng chẳng biết nó là cái gì. Nhưng đối với thế hệ chúng tôi hồi ấy thì nó là một cú sốc dữ dội. Nó là quả bom tấn nổ bất thần trên bầu trời tưởng như quang đãng của thế giới cộng sản.
Thế là sau mấy chục năm trời dối trá, một sự dối trá đã tung được hỏa mù vào cả những bộ óc vĩ đại nhất, những nhà bác học, nhà văn, nhà thơ tầm nhân loại, những Giải Thưởng Nôben (Nobel), từ Lăng-giơ-vanh (Langevin), Quy-ri (Curie) đến Xác-tơ-rơ (Sartre) và A-ra-gông, bức màn bí mật bao phủ chế độ Xô Viết đã bị xé toang, phơi bày ra ánh sáng những tội ác ghê tởm và chế độ độc tài của Stalin. Và xé toang bởi một người mà không ai có thể nghi ngờ được độ đáng tin cậy của lời nói:
Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Liên xô, Nikita Khơrútsốp. Bản báo cáo của Khơrútsốp đã làm chấn động thế giới và nổi tiếng đến mức người ta không gọi bằng cái tên gọi nào khác là cái tên tắt Bản Báo Cáo K.
12.Lúc ấy Stalin đang là một huyền thoại. Ta nhớ rằng khi Stalin chết, hàng ngày có hàng ngàn người dân Matxcơva đến tụ tập ở Quảng Trường Đỏ khóc lóc:
- Stalin chết rồi, ta biết sống với ai?
Cứ như Stalin chết thì trời sập vậy.
Ở Việt nam ông được coi là ông thánh không bao giờ phạm sai lầm. Năm 1949, ở Việt bắc, ông Nguyễn Sơn và ông Bùi Công Trừng đến giảng ở trường Nguyễn ái Quốc đã phê phán kịch liệt chính sách ruộng đất của Đảng và khẩu hiệu tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công. Hai ông được nhiều người đồng tình. Ông Trường Chinh giải đáp không xong. Cuối cùng ông Hồ đến chỉ cần nói một câu:
- Bác đã sang Liên xô báo cáo với đồng chí Stalin (Stalin). Đồng chí Stalin hoàn toàn tán thành đường lối của Đảng ta. Stalin đã nói đúng là đúng.
Thế là xong! Nhẹ nhàng.
13. Cho nên vạch trần tội ác của Stalin đòi hỏi phải có một tinh thần dũng cảm lớn lao. Lòng dũng cảm ấy đã phải trả giá đắt. Về sau này là cái giá của sự phân liệt phong trào cộng sản quốc tế. Phe xã hội chủ nghĩa tưởng vững như núi Thái Sơn đã tách làm đôi. Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới đều tách làm đôi (ở những đảng cầm quyền thì tách thành hai khuynh hướng tồn tại trong cùng một tổ chức, ở nhiều đảng không cầm quyền thì đã tách ra cả về mặt tổ chức, mỗi đảng thành hai đảng đều tự coi mình là mácxít lêninnit).
Còn ngay lúc ấy trên thế giới diễn ra cả một trào lưu rời bỏ hàng ngũ đảng cộng sản (ở các nước đảng chưa nắm được chính quyền) của những người, chủ yếu là trong giới trí thức và đại trí thức, vốn vẫn hoài bão lý tưởng giải phóng con người của chủ nghĩa xã hội, lâu nay bán tín bán nghi trước những lời tố cáo chế độ Xô Viết nhưng vẫn cố giữ lòng tin, thì nay, trước sự thật phũ phàng, đã buộc phải đi đến kết luận: cái mà người ta gọi là chủ nghĩa xã hội chỉ là chế độ toàn trị (totalitarisme) của một đảng quyền lực độc tôn thống trị không có kiểm soát, chế độ ấy không giải phóng con người mà chỉ nhân danh sự giải phóng con người để thay sự áp bức này bằng sự áp bức khác mà thôi. Một niềm hy vọng bị lừa dối.
Đối với tôi, và có lẽ cũng là đối với tuyệt đại đa số những người cộng sản Việt nam thì bản báo cáo của Khơrútsôp chỉ là nói lên những lỗi lầm của cá nhân Stalin mà thôi, và khắc phục được những sai lầm đó, chủ nghĩa xã hội sẽ trở lại trong sáng hơn xưa. Niềm tin của tôi vào chủ nghĩa xã hội không những không bị lung lay mà còn vững chắc hơn. Và quả thật Đại Hội 20 không chỉ phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin, mà còn đưa ra một loạt luận điểm nó đem lại một bộ mặt mới cho chủ nghĩa xã hội.
15. Hòn đá tảng của Đại Hội 20 là tinh thần hòa bình. Hòa hoãn, hòa dịu, chung sống hòa bình, thi đua hòa bình, hợp tác và học tập lẫn nhau giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, giải quyết các cuộc tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, chấm dứt chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị... Rồi bản thân cách mạng vô sản cũng được dự kiến một con đường mới, con đường quá độ hòa bình. Về chính sách đối nội là tinh thần dân chủ hóa. Dân chủ hóa sinh hoạt xã hội, sinh hoạt Đảng, nhấn mạnh pháp chế xã hội chủ nghĩa, dân chủ hóa quản lý kinh tế...
Bây giờ đây ta thấy những điều đó là chuyện đương nhiên, được thực hiện khắp nơi, và còn làm quá thế nhiều. Nhưng chính những điều đó hồi ấy đã bị coi là chủ nghĩa xét lại hiện đại.
Một thí dụ: bây giờ các vị lãnh tụ của ta đi thăm các nước tư bản tấp nập để tìm kiếm sự hợp tác giúp đỡ. Người đầu tiên thực hiện cái chính sách ngoại giao cởi mở ấy chính là Khơrútsốp (và đi đến đâu, kể cả đến Mỹ, tư thế còn hách hơn các vị lãnh tụ của ta nhiều) nhưng lại không được các nhà macxit lêninnit hồi ấy hoan nghênh. ở một buổi họp trong quân đội tôi được nghe ông Nguyễn Chí Thanh phê phán Khơrútsốp như sau: Việc gì phải cắp cặp chạy long tóc gáy như thế?
16. Trông cụ đây này (cụ tức là Mao Trạch Đông), cụ không đi đâu cả, cứ ngồi nhà, anh nào muốn yết kiến thì đến mà gõ cửa xin gặp, cụ sẽ cho gặp. Nếu ông Thanh còn sống đến bây giờ thì chắc phải là tổng bí thư... Và nếu như vậy, không rõ ông sẽ chọn phương án nào: chạy long tóc gáy hay là cứ ngồi nhà?
Hồi ấy có một chuyện nhỏ nhưng đã làm tôi nhớ lâu: ngôi sao balê của Liên xô, Plisetxcaia, được mời đi Luân Đôn biểu diễn, nhưng không được các nhà lãnh đạo cho đi, vì sợ cô bùng. Plisetxcaia đã viết thư khiếu nại lên Khơrútsốp. Ông đã chấp nhận đề nghị của cô, và giải thích chủ trương ấy của mình như sau: Ta không thể xây dựng một thiên đường, lùa người ta vào đó như một đàn cừu, rồi khóa trái cửa nhốt tịt họ lại được. Plisetxcaia đã ra đi, và biểu diễn xong đã trở về.
17. Câu chuyện đó tôi nhớ lâu là vì, đối với tôi lúc bấy giờ, Đại Hội 20 trước nhất không phải những vấn đề chính trị toàn cầu, mà là niềm hy vọng vào một cuộc sống trong đó không còn lo tái diễn những cuộc bắt bớ oan uổng, những cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, một cuộc sống trong đó không còn đủ mọi sự cấm đoán mà trước kia tôi thấy là tự nhiên và bây giờ mới thấy là vô lý; một cuộc sống trong đó phẩm giá con người được tôn trọng, trong đó không còn những câu lẩy Kiều như:
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may ô mới được phần may ô.
18. Bây giờ tư duy và thực tiễn đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa đã tiến những bước bỏ xa những phát kiến của Đại Hội 20. Nhưng cái gì cũng phải có bước mở đầu. Đại Hội 20 chính là cuộc thử nghiệm đổi mới đầu tiên của chủ nghĩa xã hội trên bình diện thế giới. Bước mở đầu ấy so với bây giờ là bảo thủ lắm, và không nhất quán. Nhưng thế mới gọi là bước mở đầu.
Nếu sau Đại Hội 20 tình hình thông đồng bén giọt, tư tưởng đổi mới không bị đánh bại, thì có thể tin chắc rằng bộ mặt thế giới ngày nay sẽ khác.
2003-03-29 08:22:36
1. Vài câu chuyện về sự tồn tại trước Nghị Quyết 9 của hai khuynh hướng ở trong Đảng cộng sản Việt nam.
Năm 1963, Chủ Tịch Đảng cộng sản kiêm Chủ Tịch nước Tiệp Khắc sang thăm Việt nam, và đã ký với Chủ Tịch Hồ Chí Minh một bản tuyên bố chung. Bản tuyên bố chung Hồ Chí Minh Nôvôtny (Novotny) ấy hoàn toàn đứng trên lập trường của 81 đảng. Điều đó làm ông Lê Duẩn rất tức giận. Ông Ung Văn Khiêm bị cách chức bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Đó là trước mắt, còn sau này thì một số phận tồi tệ hơn sẽ được dành cho ông. Ông Lê Quang Đạo giải thích cho chúng tôi:
- Bác tin đồng chí Ung Văn Khiêm nên Bác cứ ký, không xem lại. Thật kỳ lạ Hồ Chí Minh mà lại nhắm mắt ký bừa vào một văn kiện quan trọng như vậy, nhất là trong tình thế rất phức tạp của phe xã hội chủ nghĩa nói chung và của Việt nam nói riêng. Đó không có tí gì là cái tác phong Hồ Chí Minh vẫn được nêu lên cho toàn Đảng học tập. Ai cũng biết câu châm ngôn phân cấp: chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chí Minh.
2. Vụ Caribê (Caribe) còn rắc rối hơn. Cả thế giới nín thở theo dõi sự diễn biến tình hình thay đổi từng giờ từng phút. Không khí một cuộc chiến tranh thế giới đã lơ lửng trên đầu nhân loại . ở Mỹ người ta đã đổ xô đi mua hầm tránh bom nguyên tử. Tình hình ở Mátxcơva cũng căng thẳng không kém. Chắc chắn là hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của cả hai phía đã chĩa sang nhau, sẵn sàng chờ một hiệu lệnh. Trong khi đó thì những người đứng đầu hai nước Mỹ và Liên xô liên tục trao đổi với nhau trực tiếp qua điện thoại, tìm kiếm một cách khó khăn một phương án thỏa hiệp mà hai bên đều có thể chấp nhận.
Mỹ là con hổ giấy, chỉ già dái non hột, ta cứ làm tới thì nó phải nhượng bộ? Hoặc họ muốn thế giới đại loạn, vì theo quan niệm của họ thì thế giới đại loạn là môi trường thuận lợi cho cách mạng thế giới nổ ra? Hoặc họ muốn tọa sơn quan hổ đấu, ngồi trên núi mà xem hai con hổ đánh nhau? Không rõ.
May mắn sao có hai bài báo nhận định hòa bình thế giới đang treo trên sợi tóc và tán thành chủ trương của Liên xô hòa giải với Mỹ.
Bài thứ nhất đăng trên báo Nhân Dân, ký tên T. L. Ai cũng biết T. L là chữ viết tắt của Trần Lực, và Trần Lực không phải ai khác mà chính là Hồ Chí Minh. Sau này tôi lại được nghe anh Lê Liêm lúc bấy giờ là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, kể lại rằng cuộc tranh luận trong cơ quan lãnh đạo Đảng rất găng và ông Hồ có phát biểu: cần thì đưa tên lửa vào, cần thì lại rút ra, có gì là lạ?
4. Bài thứ hai là bài xã luận của báo Học Tập, tạp chí lý luận của Ban Chấp Hành Trung ương. Về sau này tôi mới biết bài ấy là do anh Kỳ Vân, phó tổng biên tập báo Học Tập viết. Anh Kỳ Vân về sau cũng bị bắt trong cùng vụ chúng tôi. Vào tù mấy năm thì anh bị ốm nặng, đến lúc nguy kịch thì được thả ra cho về chết ở gia đình, đỡ tai tiếng. Gọi là chết ở gia đình, nhưng gia đình anh đã tan đàn xẻ nghé.
Vợ anh, một cô giáo đi sơ tán cùng học trò, đã chết đuối trong một lần đi tắm sông, ngay trước mắt anh, trông thấy mà chịu. Một đứa con gái của anh đã hy sinh trên Trường Sơn, trong đội ngũ những người thanh niên xung phong chống Mỹ đầu tiên. Nay anh chết nốt để lại thằng con nhỏ cho chị nó nuôi. Rồi ít lâu sau cô chị cũng lâm bệnh chết, và thằng bé được họ hàng cưu mang. Cháu bé ấy tên là Phạm Kỳ Tân. Năm 1981, tôi được đọc một lá thư của cháu Tân lúc này đã 19 tuổi, gửi lên các bác lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, thống thiết xin các bác trả lời cho cháu biết bố cháu có tội tình gì? Các bác đã không trả lời.
Anh Kỳ Vân là một đảng viên kỳ cựu từ thời Mặt Trận Bình Dân năm 1936, xứ ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ, và đã được thực dân Pháp tặng cho hai án tù, vào tù, vượt ngục, rồi lại vào tù.
2003-03-29 08:23:52
1. Vấn đề mấu chốt chia rẽ Việt nam với Liên xô là vấn đề chiến tranh và hòa bình. Các nhà lãnh đạo Việt nam không quan tâm lắm đến lý luận, cái mà họ quan tâm là một vấn đề thực tiễn: Việt nam muốn đánh giải phóng miền Nam, còn Liên xô thì không muốn bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu nguyên tử với Mỹ. Vụ Caribê đã để lại cho họ một bài học.
Thực ra khi đặt bút ký Hiệp Định Giơnevơ 1954 (Genève) lập lại hòa bình ở Việt nam, các nhà lãnh đạo Việt nam thực lòng mong muốn việc thống nhất đất nước sẽ được thực hiện một cách hòa bình thông qua tổng tuyển cử trên cả hai miền. Nhưng Pháp đã rút chân khỏi miền Nam, trốn tránh trách nhiệm thi hành hiệp nghị. Còn Diệm thì kiên quyết cự tuyệt hiệp thương, một mực hô vượt sông Bến Hải và kéo lê máy chém khắp miền Nam.
2. Mỹ nhảy vào đã tiếp quản luôn cái vai trò thực dân không lấy gì làm vẻ vang của Pháp, cho nên cuộc chiến tranh ở miền Nam được coi là tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc. Nhưng ngay từ hồi ấy, trong giới nghiên cứu đã có ý kiến cho rằng sự đối đầu giữa hai miền đã dần dần trở thành một thứ nội chiến Quốc-Cộng có sự can thiệp của bên ngoài, một cuộc chiến tranh ý thức hệ không khoan nhượng nằm trong sự đối đầu ý thức hệ đang phân chia thế giới.
Diệm thì quyết chống cộng đến cùng, còn cộng thì quyết làm chủ cả nước để đưa cả nước đi lên chủ nghĩa cộng sản. Các nhà lãnh đạo miền Bắc có tán thành tổng tuyển cử hòa bình thì chẳng qua cũng chỉ là vì họ chắc chắn tổng tuyển cử thì họ sẽ thắng. Niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở. Thanh thế của lực lượng kháng chiến đang lừng lẫy năm châu. Diệm cũng biết thế và chính vì thế mà Diệm kiên quyết cự tuyệt tổng tuyển cử.
Xét theo mục tiêu và sự không khoan nhượng của cả hai bên thì cuộc chiến tranh giữa hai miền là không tránh khỏi.
Có đồng chí thắc mắc mới được hưởng hòa bình có mười năm. Đáng ra là phải nói: thế ra là ta đã được hưởng hòa bình những mười năm rồi cơ à! Vì đối với người cộng sản thì mười năm hòa bình là quá nhiều. Cho nên phải xốc balô lên vai, nắm chắc tay súng. Đánh đời ta không xong thì đánh đến đời con, đời con không xong thì đánh đến đời cháu.
3. Cũng vào hồi ấy, ở Việt nam có cuộc thi đấu hữu nghị giữa các đội bóng quân đội các nước xã hội chủ nghĩa. Trận chung kết là trận giữa hai đội Anbani và Liên xô. Khán giả sân Hàng Đẫy xưa nay vẫn được tiếng là vô tư và hiếu khách, hôm ấy đã hò reo ủng hộ đội Anbani và la ó đội Liên xô. Gần chỗ tôi ngồi, có một vị sĩ quan quân đội hăng máu nhảy chồm lên giơ nắm đấm:
- Oánh bỏ mẹ bọn xét lại đi!
4. Trước cái tâm lý xã hội như thế, nếu có ai chủ trương chung sống hòa bình và thi đua hòa bình giữa hai miền thì cũng chẳng dám nói ra. Bây giờ nhìn ngược trở lại ta có thể nói nếu thi đua hòa bình thì cầm chắc miền Bắc sẽ thua. Hồi ấy bản tin tham khảo đặc biệt của Việt nam Thông Tấn Xã có trích đăng một lời phát biểu của ông Xihanuc (Shihanouk) mà đến bây giờ tôi mới thấy là có lý:
Việt Cộng sống trong hòa bình như con voi sống trong một cửa hiệu bán đồ thủy tinh. Con voi là chúa tể rừng xanh, nhưng trong một cửa hàng thủy tinh thì nó không biết làm thế nào cho khỏi đổ vỡ. Suy rộng ra thì là: để làm chiến tranh cách mạng thì chủ nghĩa Mác Lênin là một vũ khí tuyệt diệu, nhưng để xây dựng trong hòa bình thì đó là một cái không dùng được.
Lúc ấy, trung thành với lý tưởng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa, tôi cũng nghĩ là phải đánh, chẳng có con đường nào khác. Vấn đề còn lại là đánh như thế nào?
Trung quốc bảo ta là muốn chống chủ nghĩa đế quốc thì phải chống chủ nghĩa xét lại, tức là chống Liên xô và những người đồng tình với Liên xô. Anh em chúng tôi thì lại nghĩ rằng nếu trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ta không thể thiếu được sự giúp đỡ của Liên xô thì trong cuộc chiến tranh chống Mỹ lại càng như thế. Muốn Liên xô giúp đỡ mà lại chống Liên xô là một điều vô nghĩa. Chính vì thế mà chúng tôi đã không thông với Nghị Quyết 9.
5. Mặt khác, khi còn là chiến tranh đặc biệt tức là giữa một bên là chính quyền miền Nam được sự hỗ trợ của Mỹ và một bên là nhân dân miền Nam được sự giúp đỡ của miền Bắc thì không có chuyện gì. Vấn đề nảy sinh khi trước những thất bại của chính quyền miền Nam, Mỹ đe dọa đổ quân vào miền Nam mở rộng cuộc chiến thành chiến tranh cục bộ. Vậy Việt nam lựa chọn như thế nào?
Trong khi làm việc với anh Đinh Chân, cán bộ báo Quân Đội Nhân Dân, được ban biên tập cử vào giúp ông biên tập một số văn kiện, ông Giáp có giải thích cho Đinh Chân:
- Nếu Mỹ đưa vào miền Nam năm vạn quân thì đã khó (cho ta), nếu họ đưa vào 10 vạn thì rất khó, và nếu họ đưa vào 15 vạn trở lên thì cực khó.
Tôi được đọc như thế trong cuốn sổ ghi chép của Đinh Chân. Như vậy rõ ràng là ông Giáp cân nhắc rất thận trọng. Và vấn đề quả là rất đáng phải thận trọng. Tiện đây tôi cũng xin kể là về sau Đinh Chân cũng bị bắt sau tôi ít tháng.
6. Trên đây là một nhận định của ông Giáp. Còn ông Duẩn thì phát biểu trong một buổi nói chuyện với cán bộ:
- Nếu Mỹ đánh ta bằng chiến tranh đặc biệt thì ta sẽ thắng nó trong chiến tranh đặc biệt, còn nếu nó đánh ta bằng chiến tranh cục bộ ta sẽ thắng nó trong chiến tranh cục bộ.
Đại để có thể hiểu là: Việt nam để cho Mỹ chọn, tùy, kiểu nào cũng ô-kê. Trong khi nghị quyết của Trung ương thì nói là phải kìm Mỹ trong chiến tranh đặc biệt mà đánh.
Còn ông Kôxưghin (Kossigyn), chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Liên xô sang thăm Việt nam đầu năm 1965 thì phát biểu: Nếu Việt nam chủ trương đánh thì Liên xô ủng hộ Việt nam đánh, nếu Việt nam chủ trương đàm thì Liên xô ủng hộ Việt nam đàm. Chuyện này do chính ông Duẩn kể lại trong một cuộc nói chuyện với cán bộ. Như vậy là ngay từ 1965, Liên xô đã trông thấy có hai khả năng giải quyết vấn đề, đàm và đánh, chọn cách nào là chủ quyền của Việt nam.
7. Hòa hay chiến? Đó là một câu hỏi mà tìm được lời giải không phải dễ. Tôi tự đánh giá mình hiểu biết còn quá ít cho nên không dám phê phán điều gì. Tôi chỉ căn cứ vào chút ít hiểu biết của mình để có một ý nghĩ cho riêng mình mà thôi.
Trong lịch sử chiến tranh của ta, đã có một lần Mỹ định nhảy vào Việt nam. Đó là sau khi ta thắng trận Điện Biên Phủ. Trước nguy cơ mở rộng chiến tranh, ta đã không thừa thắng xông lên, mà đã dừng lại, ký kết hiệp định Giơ ne vơ, chặn đứng Mỹ lại đã, rồi sẽ tính sau. Cho tới nay chưa ai bảo việc làm đó là sai lầm.
Trong cuộc chiến tranh ở Miền Nam, rốt cuộc ta cũng phải ngồi vào đàm phán với Mỹ, ký hiệp định Pari (Paris), gạt Mỹ ra, để người Việt nam xử sự riêng với nhau. Tôi nghĩ rằng chặn Mỹ lại khi họ chưa nhảy vào có lẽ dễ hơn là để họ đưa mấy chục vạn quân vào rồi mới tìm cách đẩy họ ra. Để làm được việc đó, ta đã phải mất tám năm, với bao nhiêu triệu sinh mạng con người và bao nhiêu tổn thất khác đến tận bây giờ vẫn chưa khắc phục được.
8. Tôi nghe nói trong một lần tiếp một vị khách Thái Lan (thủ tướng hay bộ trưởng gì đó), ông Đỗ Mười đã nói: Nhân dân Việt nam chúng tôi đã phải trải qua ba cuộc chiến tranh... Để nói Việt nam là anh hùng? Hay là để nói Việt nam đang có nhiều khó khăn do ba cuộc chiến tranh để lại?
Không rõ. Và trong lời đáp từ, vị khách Thái Lan đã nói: Nhân dân Thái Lan chúng tôi đã may mắn tránh được ba cuộc chiến tranh...
Nếu chuyện đó là có thật thì vị khách Thái Lan quả là đã nói một câu thâm thúy.
2003-03-29 08:25:26
1. Lần đầu tiên tôi được biết ông Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính Trị, là năm 1953 khi tôi dự lớp chỉnh quân cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Trước khi chúng tôi bước vào kiểm thảo, ông Thanh đã đến động viên anh em chúng tôi. Là một người lính chiến đấu ở vùng sau lưng địch quen với những tình huống khẩn trương đòi hỏi những mệnh lệnh ngắn gọn và những lời động viên mộc mạc, lần đầu tiên nghe ông Thanh nói, tôi đã có một ấn tượng rất sâu sắc.
Tôi nhớ đã đọc thấy ở đâu rằng để giành giật quần chúng với giai cấp thống trị, người cộng sản chỉ có hai vũ khí: nói và viết (cho nên người cộng sản phải là người diễn thuyết giỏi và viết báo giỏi). Ông Thanh có cái vũ khí thứ nhất.
Và có lẽ cũng chỉ cần thế thôi.
Phải thừa nhận là ông có tài hùng biện. Khi cần chế riễu ông biết sâu cay, khi cần khuấy động tâm can người nghe thì biết tìm ra những lời thống thiết. Mà không cần lý luận dài dòng gì, chỉ bằng những câu nôm na bắn trúng điểm đen, với một cách nói sôi nổi, đầy nhiệt tình. Đúng là một agitateur thượng đẳng.
Động viên chúng tôi ông nói về trách nhiệm của người cộng sản đối với giai cấp nông dân về tình thương yêu của Đảng đối với chúng tôi, chỉ mong chúng tôi nhận ra khuyết điểm để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình mà thôi.
Lời lẽ của ông cứ thấm vào ruột gan tôi. Không cần phải nói là trong lần kiểm thảo ấy tôi đã tự sỉ vả, bôi nhọ mình bằng thích.
Sang năm sau, trung đoàn tôi được lệnh làm thí điểm chỉnh quân cải cách ruộng đất. Trước đó, bộ đội địch hậu không làm chỉnh quân sợ xảy ra tình huống phức tạp: trước đấu tranh giai cấp quyết liệt, có thể có những người nhảy sang phía địch chỉ cách ta có gang tấc. Và lần này cũng chỉ làm thí điểm một tiểu đoàn, cộng thêm một bộ phận trung đoàn bộ và quân khu bộ. Và cũng không dám làm tại chỗ, phải dắt díu nhau ra tận vùng tự do Thanh Hóa, cách mấy trăm cây số để quần nhau.
3. Tôi lúc ấy là phó chính ủy trung đoàn được giao phụ trách lớp ấy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Lê Tự, phó chính ủy quân khu. Anh Tự đi Việt Bắc nhận chỉ thị chỉnh quân về phổ biến lại cho ban chỉ huy trung đoàn chúng tôi:
- Yêu cầu chính của chỉnh quân là phải phát động quần chúng đấu tranh vạch mặt được những tên phản động, gián điệp chui vào hàng ngũ ta phá hoại, và phải làm kiên quyết, không được để lọt lưới.
Tôi thắc mắc lắm và phát biểu lại:
- Theo như tôi được nghe anh Thanh nói ở lớp học của chúng tôi thì chỉnh quân là để nâng cao giác ngộ cho quần chúng ngang tầm với nhiệm vụ mới của cách mạng, chứ đâu phải để đấu tố nội bộ?
4. Trung đoàn trưởng Nguyễn Tiệp cũng băn khoăn lắm, nghe tôi nói thì tán thành ngay:
- Anh Thư nói tôi nghe có lý hơn.
Anh Lê Tự hơi bị lúng túng, rồi giải thích:
- Đó là sau cuộc hội nghị phổ biến kế hoạch, anh Thanh có giữ mình lại dặn riêng như vậy.
Đây là lần đầu tiên tôi có cái cảm giác về sự không đi đôi giữa lời nói và việc làm của các nhà lãnh đạo, về sự khác biệt giữa cái chủ trương công khai và cái chỉ đạo ngầm. Nhưng cũng chỉ là thoáng qua. Tôi còn bao công việc phải lo.
6. May mắn là đang chỉnh quân dở dang thì diễn ra Điện Biên Phủ, cấp trên còn bận bao nhiêu việc khác, chẳng ai nghĩ đến chuyện tổng kết kinh nghiệm của đơn vị thí điểm, chứ nếu không thì cũng phiền cho anh Tự và tôi. Chỉ có tôi là bị kiểm điểm vì một sự cố xảy ra trong chỉnh quân: tối học phụ, xem phim Bạch Mao Nữ, một chiến sĩ, có lẽ vì quá căm thù giai cấp và sẵn súng trong tay, đã tương luôn một phát lên màn ảnh, tiêu diệt tên địa chủ Hoàng Thế Nhân, làm náo loạn cả lên, phải bỏ dở buổi chiếu bóng. Phúc tổ cho tôi hôm ấy là phim chứ không phải là diễn kịch.
7. Hòa bình lập lại, về báo Quân Đội Nhân Dân, tôi được nghe nhiều cuộc nói chuyện và lên lớp của ông Thanh vốn là chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị, cơ quan chủ quản của báo. Và cũng phải mất vài năm, nhờ Đại Hội 20 tôi mới dần dần thoát ra khỏi được cái ma lực của ông, nghe ông bằng cái tai tỉnh táo hơn.
8. Ông cũng phê bình các cô văn công (thế hệ văn công hồi ấy là thế hệ các chị Thùy Chi, Kim Ngọc, Tường Vi v.v...) sao không cặp tóc như bình thường mà lại lấy mùi soa buộc vểnh ngược lên như cái đuôi ngựa. Ông gọi các bà lớn học làm sang là con gì thì tôi chẳng lấy thế làm động lòng, chỉ thương mấy cô văn công làm cái nghề đòi hỏi phải làm dáng mà lại nghèo, có cái khăn mùi soa buộc lên tóc mà cũng bị nhiếc như mẹ chồng nhiếc vậy.
Tòa soạn chúng tôi có anh Sanh Thí, thuộc loại người ăn nói không cần giữ mồm giữ miệng. Chẳng hiểu anh đã kêu ca với ai về đời sống khó khăn và gọi nó là une chienne de vie (sống khổ như chó) mà câu ấy đã đến tai ông Thanh. Ông đã kể lại câu chuyện và phê phán Sanh Thí là sống une vie de chien (sống kiểu chó má). Ông tỏ vẻ thích thú về cách chơi chữ này của mình.
9. Thoạt đầu tôi cũng chỉ nghĩ ông Thanh là người khắt khe, không thông cảm với những yêu cầu bình thường của quần chúng sau mười năm chiến tranh gian khổ. Cho đến khi tôi được nghe câu chuyện mừng hụt của ông Nguyễn Tuân. Ông Tuân kể rằng trong một lần dẫn nhà văn Pie Abraham vào thăm Vĩnh Linh, đến Đồng Hới ông đã đưa khách vào nghỉ ở nhà giao tế. Thấy trên tủ hàng có bày hai chai Môét Săngđông, ông Tuân vốn là người sành rượu, thích quá, nói với ông Yêm, phụ trách nhà giao tế:
- Thật là châu về Hợp Phố. Tiếp khách Pháp lại có rượu Pháp.
10. Bây giờ hai chai Môét Săngđông là chuyện vô nghĩa, nhưng ở cái thời xếp gạch ấy, nó quý như vàng. Nhưng ông Yêm tỏ ý tiếc. Nhà giao tế có mười chai, gia đình ông Thanh vào đây nghỉ đã dùng hết tám, còn lại hai chai này phải dành nốt cho ông. Ông Thanh qua đây bao giờ cũng chỉ uống rượu vang ấy. Sáng hôm sau, đến giờ ăn, ông Tuân dẫn khách xuống, thấy một bàn ăn bày rất thịnh soạn, nghĩ bụng:
- Cái nhà giao tế này nó cũng chu đáo đấy chứ nhỉ!
Nhưng một lần nữa ông lại mừng hụt. Người ta dẫn hai nhà văn đến một bàn gọn nhẹ hơn. Còn cái bàn thịnh soạn kia là bữa ăn trưa của gia đình ông Thanh lúc ấy vào rừng đi săn chưa về.
Hóa ra cái gọi là hưởng lạc chỉ là quả cấm đối với những ai đó thôi.
12. Và nhiều anh em chắc còn nhớ vụ án văn học Vào Đời, tiểu thuyết của Hà Minh Tuân. Vào Đời là câu chuyện một cô học sinh mà tuổi vào đời đã bị trắc trở do vào làm việc ở một nhà máy, gặp phải những người cán bộ đã lợi dụng sự dại dột và lòng khao khát sống của cô để làm điều nhảm nhí. Câu chuyện chỉ có thế, và viết không hay, nhiều chỗ sượng, giả sử để yên thì cuốn sách chắc cũng có ít độc giả.
Nhưng báo Tiền Phong đã viết một bài phê bình. Cũng chẳng sao. Báo Tiền Phong có quyền phê bình, và ông Hà Minh Tuân, lúc ấy là giám đốc Nhà Xuất Bản Văn Học, chắc cũng chẳng kém cựa gì mà không dám trả lời.
Nhưng ông Thanh đã nhảy vào cuộc và chuyển câu chuyện văn học sang thành một vấn đề chính trị: thế là bôi nhọ chế độ, là mất lập trường giai cấp. Ông tổ chức một buổi nói chuyện. Một khi ông Thanh đã lên tiếng thì tất cả các báo phải lần lượt lên tiếng. Và khi các báo đều lên tiếng thì tự nhiên sẽ nổi lên một phong trào quần chúng khắp nơi lên tiếng, đả kích Hà Minh Tuân dữ dội. Trong những người lên tiếng ấy, tôi tin rằng không ít người chưa đọc cuốn sách ấy, vì có sách đâu mà đọc.
13. Tội nghiệp Hà Minh Tuân, thà rằng anh là Nhân Văn Giai Phẩm thì nó còn đi một nhẽ. Dẫu sao thì anh em Nhân Văn cũng đấu tranh trực diện, lớn tiếng nói lên những bất đồng với lãnh đạo, và đôi lúc khá chua cay. Nào là Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ (Trần Dần), nào là Đặt bục công an giữa trái tim người (Lê Đạt). Còn Hà Minh Tuân thì không có một tí gì như thế cả.
Anh là một học sinh Hà Nội tham gia tự vệ chiến đấu khá sớm hồi tiền khởi nghĩa, và trong kháng chiến đã làm phó chính ủy một trung đoàn. Hòa bình lập lại, là một cán bộ tin cậy và yêu viết văn, anh đã được điều ra ngoài quân đội, làm hạt nhân lãnh đạo văn nghệ, phụ trách giám đốc Nhà Xuất Bản Văn học. Vào hồi ấy, cái chức vụ ấy là thuộc loại to. Anh đã có vài cuốn tiểu thuyết nhưng bị coi là mờ nhạt. Cho nên lần này anh định viết một cuốn có chiều sâu một tí, không tô hồng một chiều.
14. Thế thôi. Nào ngờ! Anh đã bị treo bút, cách chức giám đốc nhà xuất bản, đưa đi làm công tác thủy sản, đánh cá nước ngọt.
Theo Tuân nói với tôi thì Vào Đời là một câu chuyện có thật mà anh đã khai thác được trong một chuyến đi thâm nhập thực tế, chứ không phải anh bịa. Điều đó tôi không rõ, nhưng đã là tiểu thuyết thì cần gì phải là chuyện có thật? Và nếu vì quyển ấy mà Tuân bị như thế thì các nhà văn, nhà báo bây giờ viết về chống tiêu cực đáng bị như thế nào?
15. Sau này gặp Hà Minh Tuân, tôi gợi lại chuyện cũ, và anh kể:
- Hồi ấy, mỗi buổi sáng, ngồi một mình trong phòng làm việc, vì anh em cũng tránh gặp mình sợ bị vạ lây, mình giở các báo xuất bản trong ngày ra xem một lượt và có cảm tưởng mình như một đơn vị bị bao vây, ngồi cắn răng chịu đựng những đợt pháo từ tứ phía nã tới.
Và anh cười:
- Mình có để ý đến chữ đồng chí của các cậu.
Câu chuyện là như thế này:
Lúc ấy đã là những ngày cuối chiến dịch phê phán. Các báo đã lên tiếng cả, riêng báo Quân Đội Nhân Dân vẫn im hơi lặng tiếng. Như thế thật là nguy hiểm. Sau khi bàn bạc, thấy không thể trốn tránh được, chúng tôi phân công cho anh Mai Luân viết một bài. Dù muốn hay không, Luân cũng phải nhai lại vài điều các báo đã nói, và ở cuối bài, để tự xoa dịu lương tâm, thêm một câu đỡ đòn kín đáo cho Tuân và gọi anh là đồng chí Hà Minh Tuân.
Chẳng là vì tất cả các bài phê phán Tuân đều dùng một giọng gay gắt, và cứ Hà Minh Tuân trống không mà réo, không một bài nào có đến một chữ anh, hoặc chữ đồng chí thường dùng. Bằng chữ đồng chí ở cuối bài, Mai Luân muốn ám chỉ rằng ta nên coi Hà Minh Tuân là đồng chí, và có thái độ đồng chí với anh. Chỉ có thế thôi mà phải đắn đo mãi. Và hai chữ đồng chí chìm khuất trong cuối bài ấy, Tuân cũng mò ra. Chứng tỏ anh đã dùng kính lúp để soi từng chữ các bài phê phán anh.
16. Đang chiến dịch Vào Đời thì cuốn Phá Vây của Phù Thăng bị ông Thanh rờ tới. Phá Vây là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, nghiêm chỉnh từ đầu đến cuối. Nhưng để cho thêm sâu sắc (vẫn cái bệnh muốn cho sâu sắc), anh Phù Thăng đã đặt vào miệng chính ủy trung đoàn mấy câu triết lý về chiến tranh. Dài khoảng một trang in gì đó. Và thế là rắc rối. Lại chiến tranh chung chung, không phân biệt chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa!
17. Trông gương Hà Minh Tuân, Phù Thăng hoảng quá, xin gặp ông Thanh để phân trần và nhận khuyết điểm. Và được ông ban cho một câu:
- Không có gì, cứ yên tâm, lần sau viết thì rút kinh nghiệm. Phù Thăng mừng như bắt được của, gặp tôi hoa chân múa tay:
- Không có gì! không có gì! Hú vía!
Năm 1962 tôi được cử đi học ở Trường Chính Trị trung cao cấp của quân đội. Chương trình gồm ba môn: chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học của Mác, và lịch sử Đảng. Thời gian học: ba tháng. Với chương trình ấy và thời gian ấy, ai cũng có thể đánh giá được chúng tôi đã học một cách đại khái như thế nào. Nhưng hôm lớp học bế mạc, ông Thanh đến huấn thị, đã phát biểu:
- Các đồng chí học như thế là quá nhiều rồi, bây giờ về đốt sách đi, để đi vào thực tế.
18. Lại thêm một vị nữa chưa làm vua mà đã muốn đốt sách.
Về sau tôi có được nghe ông kể về chuyện đi vào thực tế của ông. Lúc ấy ông được phân công nắm thêm nông nghiệp. Ông có đặt cho một kỹ sư chăn nuôi một câu hỏi: làm thế nào để có được hai triệu con lợn? Anh kỹ sư đã trình ông cả một kế hoạch bao gồm: chuồng, trại, vốn, con giống, thức ăn, phòng chữa bệnh, chính sách giá cả v.v... Ông Thanh đã gạt đi, bảo là lý thuyết suông. Ông nói: chỉ cần phát huy tinh thần cách mạng của nông dân, mỗi nhà nuôi hai con lợn là trong vòng một năm ta sẽ có hai triệu con lợn. Đó là phương pháp cách mạng, là quan điểm quần chúng. Chỉ tiếc rằng về sau, thực tế đã chứng tỏ là phương pháp cách mạng ấy đã không đẻ ra được lợn.
19. Nghe nói rằng ông Mai Quang Ca, bí thư riêng của ông Thanh, đã ca ngợi ông Thanh không cần đọc nhiều, chỉ đọc một cuốn Nhà Nước Và Cách Mạng của Lênin là đủ để lãnh đạo cách mạng. Nếu chuyện đó có thật thì cũng chẳng lấy gì làm lạ: khối vị như thế. Chỉ có điều là có thực ông Thanh đã đọc hết cuốn Nhà Nước Và Cách Mạng hay không thì tôi cũng còn hồ nghi lắm.
2003-03-29 08:26:40
No comments:
Post a Comment