Lữ Phương
Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh
(Sự hình thành một chọn lựa)
Thay cho lời nói đầu
Một số chương rời của cuốn sách mỏng này đã lần lượt xuất hiện trên tạp chí Thư Nhà
ở Sài Gòn vào những năm 2001-2002 – một tạp chí ở Úc, gửi về Việt Nam
đã được một số thân hữu tại Sài Gòn nhân ra nhiều bản – sau đó đã được
tập hợp lại dưới nhan đề Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh (với
cái tên phụ là “Sự hình thành một chọn lựa”), sao chụp nhiều đợt, phổ
biến như một tài liệu chuyền tay được nhiều người tìm đọc.
Được đưa lên mạng hải ngoại để dội về nội địa, cuốn sách đã được xem
là một ấn phẩm chứa đựng một thứ nội dung chưa từng có đối với cái
không gian chữ nghĩa trong nước: lần đầu tiên đã xuất hiện sự phê phán
một cách công khai và có hệ thống điều thường được gọi là sự “chọn lựa
xã hội chủ nghĩa” mà vị lĩnh tụ tối cao của chế độ đương quyền, là ông
Hồ Chí Minh, đã mang về cho Việt Nam trong quá trình chống chủ nghĩa
thực dân.
Do đã quan tâm đến đề tài này từ lâu (với một loạt bài viết về chủ
nghĩa Marx) tôi có nhiều lần nhắc đến Hồ Chí Minh, nhưng ý định tìm hiểu
sâu hơn, đầy đủ hơn về quá trình hình thành nên sự “chọn lựa” nói trên
của ông – từ những ngày sang Pháp (1911) cho đến ngày ông về nước (1941)
– chỉ nẩy ra với tôi khi thấy những nhà ý thức hệ của Đảng Cộng sản
Việt Nam bắt đầu nói rất nhiều đến “tư tưởng Hồ Chí Minh” để định hướng
cho con đường phát triển của đất nước, sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ.
Đối với người Việt Nam trong nước lẫn ngoài nước, ai cũng biết đây
là một vấn đề gai góc, rất dễ gây ngộ nhận, chia rẽ. Và lý do thì quá
rõ: tuy Hồ Chí Minh đã trở thành một nhân vật của quá khứ rồi, nhưng cái
di sản nhiều mặt mà ông để lại cho những người còn sống thì vẫn còn
nguyên, dưới những sắc thái ngược nhau như lửa với nước. Sự sùng bái,
thần phục tồn tại song song với những nguyền rủa, căm hờn, thái độ nào
cũng diễn ra dưới những trạng thái cực đoan, dường như ngày càng nặng nề
hơn.
Cảnh giác không để rơi vào những tranh cãi nguy hiểm đó, tôi đã thử
học theo phương pháp quen thuộc của những người theo trường phái hàn
lâm: để cho những tài liệu nghiên cứu lên tiếng thay cho tư biện. Những
tài liệu ấy, hầu hết là thứ cấp, và cũng chẳng thấm vào đâu, nhưng khi
phê bình, đối chiếu, so sánh những gì tìm được, tôi nhận ra được tính
hiện thực rất hiển nhiên của một số sự kiện có thể đính chính được khá
nhiều sai lạc về cuộc đời và tư tưởng của Hồ Chí Minh thường được lưu
truyền từ trước đến nay.
Những đính chính ấy bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách mỏng này.
Không phải chỉ là những chi tiết thuộc về cuộc sống riêng tư, những tình
huống thăng trầm trong hoạt động của ông mà quan trọng hơn hết là những
kết quả tinh thần của cuộc dấn thân mà ông đã đem về cho đất nước. Tôi
hy vọng rằng những ý kiến mà tôi đưa ra để tìm câu trả lời cho những chủ
đề rốt ráo ấy vẫn có khả năng điều chỉnh lại một số điều đã bị huyễn
hoặc về những cái gọi là “công tội” mà người ta đã viết đã nói về sự
nghiệp của ông.
Tôi hoàn toàn ý thức được những giới hạn trong công việc nhỏ bé của
mình. Việc nghiên cứu nghiêm chỉnh về vai trò lịch sử của Hồ Chí Minh
vẫn đang tiếp tục trong giới nghiên cứu. Với những tư liệu tập hợp được
từ những nguồn đã có, tôi chỉ mong tìm ra một cách nhìn hiện thực hơn về
một nhân vật đã từng đẩy tôi vào những vòng xoáy lịch sử do ông tạo ra,
không phải bằng sự bình thản của lý tính mà bằng những sôi bỏng của đam
mê và huyền thoại. Ý định đơn giản này nếu được bạn đọc nhận ra qua
những trang viết về nhân vật ấy, đối với tôi, thật sự là một điều mong
ước.
Những dòng “thay cho lời nói đầu” này tôi viết riêng cho lần “tái bản” cuốn Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh gửi đăng trên talawas. Một số hiệu đính, sửa chữa cũng đã được thực hiện, trong đó có thêm vào hai chương “Phụ lục”, vốn cũng là những bài rời liên hệ đến cùng một chủ đề.
Sài Gòn, 22.1.2007
Lữ Phương
Chương 1
Ra đi “tìm đường cứu nước”
Những ai quan tâm đến tiểu sử của Hồ Chí Minh đều biết cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch
của Trần Dân Tiên, viết từ năm 1948, đến nay in đi in lại đã có cả chục
lần rồi. Cuốn sách này đã đóng vai trò hết sức đặc biệt đối với giới
nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh trong chế độ cộng sản Việt Nam từ
đó đến nay: nó được mọi người coi như là tác phẩm do chính Hồ Chí Minh
viết về mình dưới bút danh Trần Dân Tiên, một tài liệu được tác giả giới
thiệu như một “tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu
dệt, không bày đặt” [1]
. Cuốn sách vì thế đã thành một nguồn tham khảo căn bản, quan trọng
nhất cho tất cả những công trình biên khảo về Hồ Chí Minh: các sự kiện
về cuộc đời hoạt động của ông đã được đương nhiên coi là chính xác,
không thể nói khác, nói ngược lại.
Tuy vậy, đọc kỹ sẽ thấy đó không phải là một “tiểu sử” đúng nghĩa. Nó được thể hiện theo hình thức một thứ truyện kể [2]
, gián tiếp mượn người khác nói về mình, và chỉ nói những gì tác giả
cho là cần thiết, còn những điều rất quan trọng khác thì lại được cố
tình giấu đi bằng kỹ thuật gọi là “biệt tích” không rõ lý do của nhân
vật chính. Nói chung là một cuốn sách rất gần với thể loại gọi là truyện
ký “người thật việc thật”, chứa đựng khá nhiều những yếu tố hư cấu để
tuyên truyền, rất tiêu biểu trong nền văn chương tuyên huấn cách mạng,
vì vậy những sự kiện ở đây đã không còn hoàn toàn là những cái mà chúng
ta thường gọi là khách quan, sử học nữa.
Muốn có được cái nhìn trung thực hơn về các sự kiện trong đời hoạt
động của Hồ Chí Minh trong cuốn sách nói trên, thiết tưởng chúng ta
không có cách nào khác là đối chiếu chúng với những nguồn tài liệu khác,
những nguồn tài liệu này đã được giới nghiên cứu phát hiện khá phong
phú trong suốt mấy chục năm qua.
Chúng ta hãy dừng lại ở một thời điểm khá quan trọng đối với cuộc
đời cách mạng của Hồ Chí Minh – đó là cuộc bỏ nước sang Pháp của ông năm
1911 – để thử làm công việc đó.
“Phê phán” trước khi ra đi?
Trước hết, chúng ta hãy đọc lại đoạn văn nói về sự kiện ra đi nói
trên trong “quyển truyện” của Trần Dân Tiên. Khi còn là người thiếu niên
mười lăm tuổi, Hồ Chí Minh
“đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng
bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.
Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục
các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu
nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của người nào. Vì:
Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống
Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến.
Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Cụ Phan Bội Châu vào
bậc chú bác của Anh, Cụ Phan Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên
sang Nhật. Nhưng anh không đi” [3] .
Vậy anh muốn làm gì ? Một nhân vật thuật lại lời anh như sau:
“Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi
xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” [4] .
Những ai không phải là người sùng bái Hồ Chí Minh, khi đọc thêm
những tài liệu khác sẽ dễ dàng nhận ra khá nhiều điều cần hiệu đính
trong đoạn văn trên đây.
a) Hồ Chí Minh lúc bấy giờ “đã tham gia công tác bí mật, nhận công
việc liên lạc”. Không có bằng cớ xác nhận ông đã làm như vậy. Tất cả
những tác giả, dù theo khuynh hướng nào, viết về Hồ Chí Minh sau này
chẳng ai nhắc lại để sử dụng cả. Sự kiện đó được liệt vào lĩnh vực hư
cấu thuần tuý.
b) “Cụ Phan Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng Anh không đi”. Không đúng!
“Trong cuốn hồi ký Năm mươi bốn năm hải ngoại của Trần
Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) có đoạn: Tôi cùng cụ Sào Nam ở chung
trong một thuyền. Chín mười ngày sau, lúc các đồng chí đã đến họp, bàn
bạc xong, cụ lên đường ra Bắc, tôi cùng Ngư Hải tiên sinh đi cáo biệt
với cách mạng đồng chí và tìm thanh niên xuất dương du học. Cụ Phó bảng
Thái Sơn đương thời có tặng tôi một bài thơ xuất ngôn tuyệt cú để làm
quà tiễn biệt. Chúng tôi trước tới nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rủ
anh Nguyễn Sinh Cung đồng đi, nhưng anh Cung đã đi ra Bắc không được
gặp” [5] .
c) Khen Hoàng Hoa Thám là “thực tế, vì trực tiếp đấu tranh chống
Pháp” nhưng lại cho rằng chủ trương của Phan Bội Châu nhờ Nhật đuổi Pháp
là “chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” là cố ý gác qua
bên mối quan hệ giữa hai nhà yêu nước này. Trước khi qua Nhật, Phan Bội
Châu đã tìm gặp và muốn dựa vào Hoàng Hoa Thám để xây dựng lực lượng
trong nước. Còn việc “Đông độ” “cầu viện” của nhà chí sĩ này (năm 1905)
thì đó không phải là một kế hoạch tự thân mà chỉ để phối hợp với những
hoạt động khác trong nước. Tuy nhiên, chủ trương này đã được điều chỉnh
lại vì khi sang Nhật, nghe lời khuyên của Lương Khải Siêu và một số
chính khách Nhật, Phan Bội Châu đã chuyển sang cổ vũ phong trào du học.
1907, chủ trương này cũng lại không đi đến đâu vì Nhật ký hiệp ước với
Pháp cấm hoạt động. Bị trục xuất, Phan Bội Châu đã phải cùng các đồng
chí chạy sang Thái Lan, Trung Quốc [6]
. Chỉ có khoảng 5 năm, Phan Bội Châu đã chuyển đường lối nhiều lần:
1911, khi Nguyễn Tất Thành sang Pháp, Phan Bội Châu đã ở Trung Quốc và
đã từ quân chủ lập hiến chuyển sang ủng hộ cộng hoà kiểu Tôn Dật Tiên
rồi.
Bốn mươi năm sau (1948) nhìn lại những gì đã xảy ra trên đất nước mà chỉ lẩy ra trong phong trào của Phan Bội Châu khía cạnh “Đông du cầu viện” để phê phán là rất thiếu sót.
d) Cho rằng chủ trương cải lương của Phan Chu Trinh là “sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương” cũng không có ý muốn hiểu tới nơi tới chốn đường lối của nhà chí sĩ này. Sở dĩ Phan Chu Trinh không chấp nhận bạo động vì ông đã thấy cái gương chiến đấu anh dũng nhưng tuyệt vọng của các chiến sĩ Cần vương. Cũng không tán thành chủ trương bạo lực của Phan Bội Châu vì ông cho rằng khi chưa có đủ thực lực thì chỉ dắt nhau vào cái chết vô ích.
Vấn đề cứu nước do Phan Chu Trinh đặt ra không đơn thuần là giành
lại chủ quyền mà phải hiện đại hoá thì vấn đề chủ quyền mới giải quyết
triệt để được, vì theo ông hiện đại hoá chính là nội dung của độc lập
dân tộc trong thời kỳ mới, khác hẳn với thời phong kiến trước đây. Cách
đặt vấn đề này cũng không khác Phan Bội Châu, sự khác nhau chỉ là giải
quyết như thế nào về mối quan hệ giữa độc lập và hiện đại hoá. Trong khi
mò mẫm chưa hiểu rõ con đường hiện đại hoá, Phan Bội Châu đặt ưu tiên
cho việc vũ trang khởi nghĩa, dựa vào cơ sở có sẵn còn lại của phong
trào Cần vương phối hợp với một số hoạt động khác.
Phan Chu Trinh thấy rõ tình trạng lạc hậu thấp kém của xã hội truyền
thống, cũng lại thấy phương thức dùng bạo lực là chưa có triển vọng nên
đã chủ trương giành ưu tiên cho sự nghiệp nâng cao dân trí, học hỏi văn
hoá dân chủ sau đó mới từng bước tính chuyện giành lại độc lập [7]
. Chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến” của ông đã dựa trên nhận định ấy. Chủ
trương ấy không phải là không có cơ sở: trong nước Pháp dân chủ, ông đã
được khá đông những người thuộc phe tả (Đảng Xã hội, Hội Nhân quyền,
những nhân vật cấp tiến trong bộ máy cầm quyền của nước Pháp…) giúp đỡ,
ủng hộ, tạo áp lực với chính phủ Pháp đòi thay đổi chính sách thuộc địa.
Xét về lâu dài, trước thưc tế ngoan cố của thực dân Pháp, nếu kéo dài
mãi chủ trương ấy có thể sẽ đưa nhân dân vào con đường thoả hiệp, nhưng
trong cơn tăm tối của đầu thế kỷ 20, đó cũng là một cách tìm đường. Dùng
mấy chữ “xin giặc rủ lòng thương” đối với Phan Chu Trinh là không thể
tất nhân tình.
e) Không có gì nghi ngờ chủ trương muốn đi sang Pháp và các nước
khác, “xem xét họ làm như thế nào”, rồi “sẽ trở về giúp đồng bào chúng
ta” là chọn lựa của Hồ Chí Minh vào lúc bấy giờ như chính ông (dưới cái
tên mới là Nguyễn Ái Quốc) đã xác nhận trong các cuộc trả lời phỏng vấn
khi sang Nga năm 1924:
“Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên nghe được ba chữ Pháp: Tự
do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là
người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen
với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đàng sau những chữ ấy.
Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như
dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không
phải chỉ sách của những nhà văn mới, mà cả Rousseau và Montesquieu cũng
bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra
nước ngoài” [8] .
Nhưng lời lẽ phát biểu có nhiều chỗ quá cường điệu so với kinh nghiệm và nhận thức của một thiếu niên 13 tuổi! Giả sử như có mang chút ưu tư của một người trẻ tuổi sớm biết quan tâm đến thời cuộc thì đó vẫn chỉ là những nghĩ ngợi bâng khuâng, những cảm nhận có tính chất trực giác trước tình trạng bế tắc chung của đất nước, không có lý luận gì để có thể gọi là cao hơn những chủ trương đấu tranh của các vị tiền bối. Mới dự định đi ra ngoài “xem” người ta làm gì, nghĩa là chưa thấy gì chưa biết gì thì làm sao có thể khẳng định chuyện này chuyện nọ? Có gì bảo đảm rằng cứ phải sang Âu châu người ta mới tìm ra phương cách “giúp đỡ đồng bào”? Vả lại nội dung của mấy chữ “giúp đỡ đồng bào” lúc bấy giờ đã có gì rõ rệt, có gì gọi là vượt trội để có thể tự cho mình đứng được ở vị trí cao hơn để gọi là “phê phán” [9] các bậc cha chú?
“Phê phán” sau khi ra đi?
Chúng ta hãy cứ giả định theo lời lẽ của Trần Dân Tiên cho rằng chủ trương sang Pháp để “xem” người ta làm gì rồi “sẽ về giúp đồng bào” của Nguyễn Tất Thành đáng được gọi là “con đường nên đi” thì điều đó thật sự cũng chẳng có gì là mới mẻ so với những chọn lựa của tiền bối. Ít nhất là đối với người tiền bối rất thân cận với gia đình của Nguyễn Tất Thành, là phó bảng Phan Chu Trinh. Ngược hẳn lại những luận điệu gọi là “phê phán cha chú” của những người sùng bái Hồ Chí Minh, chúng ta đã có rất nhiều tài liệu chứng minh rằng suốt cả một thời gian dài từ trong nước đến sau khi ra ngoài, Hồ Chí Minh lúc ấy đã hoàn toàn phụ thuộc vào Phan Chu Trinh về sự bảo trợ và cả đường lối.
a) Bà Phan Thị Minh (cháu ngoại của Phan Chu Trinh) đã được ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của ông Hồ từ Cách mạng Tháng Tám) xác nhận sự khẳng định của ông Hồ về mối quan hệ của mình với Phan Chu Trinh như sau:
“Mình biết Cụ từ trong nước rất sớm vì Cụ là bạn thân của cha mình. Sang Pháp là dựa vào Cụ để sống và hoạt động. Cụ Phan đã giúp mình rất nhiều, thực sự là ngưới đỡ đầu mình trong một thời gian dài khi mình ở Paris …” [10]
Ông Phạm Văn Đồng cũng cho biết những điều tương tự:
“Tôi đã được Bác Hồ nói nhiều về cụ Phan. Bác cho biết cụ đã quý và giúp Bác nhiều. Trước khi lên đường đi Pháp đã được cụ hướng dẫn… Nhận một công việc thời đó cho là thấp kém để dễ qua mắt mật thám, dễ ra đi cũng là theo ý Cụ… Sang Pháp là tiếp xúc ngay với Cụ… Quan hệ Bác với Cụ rất gần gũi, thân thiết như ruột thịt. Đi xa sang Mỹ hay ở Anh, Bác đều viết thư cho Cụ và nhận được thư Cụ phúc đáp đều đặn. Thư viết phải thật vắn tắt vì mật thám theo dõi chặt, nhưng có dịp là tranh thủ đến gặp Cụ để được bàn bạc và dặn dò mọi việc. Đi năm châu bốn biển để mở rộng kiến thức, học nhiều ngoại ngữ, đọc sách nhiều, giao tiếp rộng là những điều Cụ rất tâm đắc và khuyến khích…” [11] .
Căn cứ vào những lời chứng nhận trên đây, bà Phan Thị Minh đã khẳng
định cái giả thuyết mà các nhà nghiên cứu trước đây đưa ra về việc ông
Nguyễn Sinh Huy cùng Nguyễn Tất Thành đã kịp gặp Cụ Phan tại Mỹ Tho (nơi
Cụ bị quản chế sau khi từ Côn Đảo về) hoặc tại Sài Gòn trước khi cụ
Phan sang Pháp để bàn bạc kế hoạch ra đi của Nguyễn Tất Thành [12]
. Không hề có dấu hiệu gì chứng tỏ Nguyễn Tất Thành đã “hoàn toàn không
tán thành” cách làm của cụ Phan như sách của Trần Dân Tiên đã viết.
b) Bà Phan Thị Minh cũng cho biết rằng khi Nguyễn Tất Thành sang
Pháp, ghé cảng Le Havre khoảng 40 ngày (do tàu cần sửa chữa), có thể
Nguyễn Tất Thành đã về Paris (cách Le Havre khoảng 100 km) thăm Phan Chu
Trinh nhân đó gặp Bùi Kỷ là người quen cũ [13]
– về sau sẽ là thư ký của Hội Đồng bào Thân ái do Phan Chu Trinh và
Phan Văn Trương lập ra năm 1912 – và có thể ở đây ông này đã gợi ý và
thảo lá đơn xin vào học nội trú Ecole Coloniale cho Nguyễn Tất Thành
chép lại tại Marseille ngày 15-9-1911 và gửi Tổng thống Pháp, trong đó
có những dòng sau đây:
Tôi hoàn toàn trắng tay nhưng rất ham muốn học hỏi. Đối với đồng
bào tôi, tôi mong muốn trở nên hữu ích cho nước Pháp đồng thời có thể
làm cho họ hưởng được những lợi ích của học vấn” [14] .
Có nhiều ý kiến ngược nhau về lá đơn này: người thì cho rằng Nguyễn
Tất Thành lúc đầu vì chưa có ý định làm cách mạng nên đã tính đi làm cho
Pháp (và chỉ đi làm cách mạng vì không được đi làm cho Pháp!), người
lại cho rằng lúc đó vì đã có ý định làm cách mạng rồi nên Nguyễn tất
Thành đã chủ động “chui” vào Trường Thuộc địa để “xây dựng phong trào
yêu nước ngay trong lòng thực dân”. Tuy vậy, phần đông những người
nghiên cứu đều cho rằng lá đơn trên đây đã phản ánh chủ trương rất rõ
của Phan Chu Trinh: phải học văn hoá khai sáng và dân chủ của Pháp để
canh tân đất nước.
c) Sau thời gian theo tàu đi các nơi đến năm 1913 dừng lại ở Anh,
Nguyễn Tất Thành vẫn thường xuyên liên hệ với nhóm ông Phan Chu Trinh,
Phan Văn Trường. Ngoài những chuyện kiếm sống, học tiếng Anh, quan tâm
chút ít đến Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất sắp nổ ra, không thấy
Nguyễn Tất Thành cho biết đã tìm ra một cái gì mới hơn để tranh cãi với
Phan Chu Trinh [15]
. Sự tranh cãi chỉ xảy ra sau này khi từ Anh trở lại Pháp, lúc Nguyễn
Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc, và cũng chỉ xảy ra sau khi mang
tên Nguyễn Ái Quốc một thời gian khá dài. Sự bất đồng đó như thế nào,
chúng ta sẽ có dịp nói đến, hiện giờ, qua những tài liệu trên, chúng ta
có thể kết luận được mấy điều về cuộc ra đi của Hồ Chí Minh thời còn
mang tên là Nguyễn Tất Thành như sau:
- Trước khi ra đi, Nguyễn Tất Thành chưa có được những hiểu
biết vượt trội nào để gọi là “phê phán” hoặc “phủ định” các phương pháp
tranh đấu của các vị tiền bối.
- Người thanh niên ấy chỉ mới có ý định sang Pháp xem xét và
học hỏi, nhưng chưa học được gì và xem được gì để có thể nói về những
chuyện quan trọng hơn bản thân.
- Sự chọn lựa ấy cũng đã bắt nguồn từ sự khuyên nhủ, chỉ vẽ, sắp xếp của Phan Chu Trinh, được Phan Chu Trinh giúp đỡ và cùng hoạt động trong một thời gian dài.
Ra đi không “phê phán”!
Có thể nói cuộc ra đi hiện thực của Nguyễn tất Thành là một cuộc ra
đi mà phần lớn sự định hướng ban đầu không phải do mình quyết định với
một ý thức phủ nhận mọi cái đã có một cách quyết liệt, sáng suốt như
“quyển truyện” của Trần Dân Tiên đã viết và được những nhà sùng bái Hồ
Chí Minh khai thác. Cuộc ra đi ấy đã được định hướng theo một con đường
đã cũ và đó chính là con đường “Tây du” kiểu Phan Chu Trinh. Nhưng có
một yếu tố khác cũng đã góp phần không kém quan trọng để tạo nên kịch
bản ra đi này là sự góp sức của ông Nguyễn Sinh Huy, thân phụ của Nguyễn
Tất Thành.
a) Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng năm 1901; 1906 vào Huế nhậm chức
thừa biện Bộ Lễ; 1909 được cử làm tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định),
nhưng chỉ 7 tháng sau, tháng 1-1910, thì bị bãi chức và bị triệu hồi về
Huế. Lý do: theo Sở mật thám ông đã uống rượu say và đánh chết người.
Nguyễn Sinh Huy phản bác (thừa nhận có đánh một tù nhân, nhưng cho
rằng cái chết không phải do roi của ông), tuy thế do xét nghiệm cho biết
người bị đánh đã phát bệnh mà chết, nên ông vẫn bị giáng bốn cấp và bãi
chức. Sự nghiệp tan vỡ, ông xin vào Nam, từ đó về sau lưu lạc rày đây
mai đó, kiếm sống bằng đủ thứ nghề, khi viết câu đối, dạy chữ Nho, lúc
bốc thuốc, làm cai đồn điền, đã từng đi bộ lên Đế thiên Đế thích ở
Cambốt nhưng lại không bao giờ trở về Huế và về quê, cũng chẳng bao giờ
gặp lại con cái. Cuối cùng dừng lại tại làng Hoà An, tỉnh Cao Lãnh…,
trước khi chết đã bị mật thám nghi ngờ có gia nhập một thứ tổ chức thần
bí nào đó mang tên là Thiên địa Hội.
Hình ảnh thực tế của Nguyễn Sinh Huy qua những tài liệu do D. Hémery công bố [16]
trên đây không hoàn toàn lý tưởng như người ta đã vẽ ra. Khá thân cận
với những nhà nho tiêu biểu trong phong trào Duy Tân Đông du bấy giờ, bị
mật thám theo dõi nhưng lại không bị liệt vào các phần tử nguy hiểm, do
lẽ ông không trực tiếp dính líu đến các tổ chức chống đối. Không theo
con đường từ quan tranh đấu của những bạn đồng khoa như Phan Chu Trinh,
Ngô Đức Kế, ông vẫn chấp nhận đi vào guồng máy cai trị thuộc địa một
cách miễn cưỡng, cuối cùng có lẽ do buồn chán mà trở nên sa sút [17] , ông đã tự gạt mình ra khỏi cái cái guồng máy quan lại cuối mùa để sống một cuộc sống giang hồ, cô độc. [18]
b) Ảnh hưởng của Nguyễn Sinh Huy với người con thứ ba của mình ra
sao, chúng ta không biết rõ. Nhưng có điều chắc chắn là việc bị bãi chức
của ông cũng đã kéo Nguyễn Tất Thành theo cùng số phận với mình: anh
không còn khả năng tiếp tục theo con đường học vấn kiểu “Pháp-bản xứ” để
sau này gia nhập vào guồng máy cai trị của thực dân dưới một hình thức
mới, trong chính sách khai thác thuộc địa đã qua thời bình định. Có thể
Nguyễn Tất Thành chưa chắc đã đi vào quỹ đạo đó; nhưng giả sử như anh
còn giữ được ý định “giúp đỡ đồng bào” thì anh sẽ làm gì với mớ kiến
thức kiểu thuộc địa mà anh đã thu lượm được? Có thể anh sẽ bỏ học để làm
cách mạng cộng sản, nhưng ai sẽ thay anh đóng vai Nguyễn-Người-Yêu-Nước
để liên hệ với Đệ tam Quốc tế và liệu có xuất hiện được một mẫu người
cộng sản Việt Nam nào đó như anh? Thật khó trả lời.
Nhưng cũng rất may, những câu hỏi giả định ấy đã không có cơ sở để
đặt ra. Có lẽ để chuộc lại lỗi lầm, ông Nguyễn Sinh Huy đã đặc biệt quan
tâm đến Nguyễn Tất Thành và đã không để anh phải bươn chải một mình.
Như chúng ta đã biết, sau khi bị cách chức, về quê xin phép vào Nam để
“tìm kế sinh nhai”, nghe tin Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn [19]
vào Sài Gòn, ông đã xoay xở đi theo và có lẽ đã dẫn được Nguyễn Tất
Thành đến gặp Phan Chu Trinh trước khi ông này sang Pháp (tháng 4-1911).
Ông trông đợi gì nơi Nguyễn Tất Thành qua sự gửi gắm này với Phan Chu
Trinh? Cũng do ông biết rõ đường lối của người bạn đồng khoa của ông là
như thế nào, chắc hẳn ông sẽ không thể nào tưởng tượng ra được một ngày
nào đó người con của ông lại trở thành một nhân vật như Nguyễn Ái Quốc.
Với tính cách của ông, có thể suy nghĩ sau đây không sai sự thật lắm:
thiếu gì cách dùng học vấn của mình để giúp đỡ đồng bào, đâu nhất thiết
phải làm cách mạng? Dù sao ông cũng đã góp phần đẩy ra phía trước một
người con sau này đã đi xa hơn kỳ vọng của ông rất nhiều.
c) Về phần Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ thì điều mà chúng ta biết
được tương đối rõ là suốt một thời gian dài anh luôn luôn nhớ đến cha và
cố gắng thực hiện những mong đợi của cha khi gửi gắm anh cho Phan Chu
Trinh.
Chúng ta đã biết lá đơn của anh gửi Tổng thống Pháp ngày 15-9-1911
xin được vào học Ecole Coloniale với ước muốn vừa có ích cho nước Pháp
vừa làm lợi cho đồng bào mình. Điều chúng ta cần biết thêm là sau khi
gửi bức thư đó, Nguyễn Tất Thành đã theo tàu trở về Việt Nam qua hành
trình Marseille–Sài Gòn–Hải Phòng–Sài Gòn–Marseille–Le Havre… Tại Sài
Gòn, anh đã gửi thư cho anh là ông Cả Khiêm (Nguyễn Sinh Khâm hoặc
Nguyễn Tất Đạt) lúc ấy đang giúp việc vặt tại Khâm sứ Trung Kỳ, nhờ vận
động xin vào Ecole Coloniale. Ông Khiêm đã gửi thư lên Toàn quyền Albert
Sarraut và thư này được chuyển về Khâm sứ Trung Kỳ. Và như mọi người có
thể đoán, Khâm sứ Trung Kỳ đã trả lời Toàn quyền Đông dương, với lý do
bác bỏ như sau: muốn vào Ecole Coloniale phải đang học ở thuộc địa, và
chỉ những thanh niên xứng đáng trong hàng ngũ quan lại cao cấp mới được
chọn [20]
. Qua sự khẩn khoản này, chúng ta thấy quyết tâm muốn tìm một chỗ học
nhất định để ổn định cuộc sống của Nguyễn Tất Thành là như thế nào.
Sự quan tâm lo lắng của Nguyễn Tất Thành với cha cũng rất đáng chú ý
với cách thức đặc biệt của anh. Cũng tại Sài Gòn nhân chuyến về nước
nói trên [21]
, cùng với việc gửi thư cho Nguyễn Sinh Khâm nhờ vận động vào Ecole
Coloniale, ngày 31-10-1911, Nguyễn Tất Thành cũng đã gửi thư cho Khâm sứ
Trung kỳ xin nhờ chuyển mandat 15 đồng (Đông Dương) cho cha, vì cha anh
không thể nhận mandat trực tiếp được [22] .
Suốt thời gian làm việc trên tàu, đi đây đó, nhưng nỗi lo lắng về
cha vẫn làm Nguyễn Tất Thành bứt rứt: không phải chỉ gửi tiền giúp, anh
còn có ý xin chính quyền thuộc địa phục chức hoặc tìm việc cho cha nữa.
Bản khai của Bùi Quang Chiêu với Mật thám Sài Gòn ngày 21-9-1922 có nói
đến việc ông gặp Nguyễn Tất Thành (mang tên Văn Ba) trên tàu
Latouche-Tréville (ông nói đã quên tên) như sau:
“Anh đang làm việc trên tàu. Anh đến gặp tôi vì tôi từng là giáo
sư nông nghiệp dạy cha anh tại Huế khoảng 1901-1902. Anh nói với tôi
rằng lần đầu tiên anh sang Pháp, mục đích là để khiếu nại cho cha anh về
việc ông vừa mới bị bãi chức. Anh muốn đến ở nhà thuyền trưởng
Do-huu-Chan (?) đang công tác tại Marseille, với tư cách là người giúp
việc nhà cho ông, để nhờ ông giúp đỡ trong việc khiếu nại đó” [23] .
Ngày 15-12-1912, khi qua Mỹ, thư gửi Khâm sứ Huế báo rằng trong ba
cái mandat gửi cha, anh chỉ nhận được một thư trả lời, ấy là nhờ do lần
ấy mandat đã được chính Khâm sứ chuyển trực tiếp. Lần này anh muốn gửi
tiền hàng tháng cho cha, cũng nhờ Khâm sứ giúp đỡ và nhân đó xin Khâm sứ
tìm việc làm cho cha nữa. Trong thư, có những đoạn lời lẽ như sau:
“Ôi! Hoàn cảnh của tôi gay go biết bao! Sống quá xa cha mẹ, rất
hiếm nhận được tin tức của họ, muốn giúp đỡ họ mà không biết làm sao!
Thôi thúc bởi tình yêu của đứa con, tôi dám xin Ngài vui lòng
thuận cho cha tôi một công việc như là thừa biện ở các Bộ hay Huấn đạo
giáo thư (?) để, dưới tấm lòng nhân hậu cao cả của Ngài, ông ấy có được
kế sinh nhai” [24] .
Có một chi tiết đáng lưu ý: dưới thư, ký là “Paul Tatthanh”, Poste
restante 1, rue Amiral Courbet, 1 – Le Havre. Tên “Paul” này đã được
Nguyễn Tất Thành sử dụng lại có biến dạng đi một chút gọi là “Paul
Thành” trong một bức thư từ Anh viết cho Toàn quyền Đông Dương, đề ngày
16-4-1915, qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ chuyển cho cha, nhưng không
đến tay vì không tìm được địa chỉ [25] .
Qua thư gửi Tổng thống Pháp xin vào học Ecole Coloniale, các thư gửi
Khâm sứ Huế hoặc Toàn quyền Đông Dương nhờ liên lạc chuyển tiền và tìm
việc cho cha, tên ký có lúc là “Paul Tatthanh” (từ Mỹ, 1912), có lúc là
“Paul Thành” (từ Anh, 1915), chúng ta thấy nơi sự ra đi của người con
thứ ba của ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy một cung cách ứng xử chưa có gì
gọi được “cách mạng” cả. Lý tưởng đi học để về giúp đồng bào theo chủ
trương của Phan Chu Trinh chưa có điều kiện để bật lên thành mục đích
chủ yếu, chế độ thực dân chưa thành đối tượng tố cáo, đả kích không
khoan nhượng, tình nhà còn đè lên tâm tư nặng nề, cuộc mưu sinh của một
thanh niên xa xứ cũng không kém phần bức xúc… Nói chung anh là một kẻ
mới vào đời, tuy được những người thân hướng dẫn để đi xa, nhưng trong
những ngày khởi đầu của cuộc hành trình này, Nguyễn Tất Thành vẫn chưa
xác định được một vị trí nào thật rõ rệt về cuộc sống tương lai cho
mình.
Sự so sánh trên đây cho chúng ta thấy rất nhiều khác biệt giữa hình ảnh của một Nguyễn Tất Thành dưối ngọn bút của Trần Dân Tiên năm 1948 với một Nguyễn Tất Thành trong hầu hết những tài liệu mới phát hiện về sau.
a) Nguyễn Tất Thành, trong cuốn sách của Trần Dân Tiên, đã được quan
niệm như là tiền thân của những nhân vật Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh,
không phải chỉ theo trật tự về thời gian mà còn là về lô gích: cái
trước tất yếu dẫn đến cái sau, muốn hiểu cái sau phải biết cái trước và
ngược lại. Cuộc đời Hồ Chí Minh phải được quan niệm như một tổng thể
cách mạng nhất quán và có ý thức từ đầu đến cuối. Trước khi trở thành Hồ
Chí Minh người yêu nước-cộng sản, theo nghĩa mà những người cộng
sản quan niệm “chủ nghĩa yêu nước chân chính cũng là chủ nghĩa cộng
sản”, thì Nguyễn Tất Thành tiền thân của Hồ Chí Minh phải là người chuẩn
bị: chưa tìm được đường đến với chủ nghĩa cộng sản thì tâm tưởng của
anh phải là mảnh đất thuận lợi để nẩy mầm chủ nghĩa cộng sản về sau –
anh phải là người dọn đất, người phủ định, người “không tán thành” những
phương cách yêu nước của cha chú mình, nghĩa là phải làm được người đại
biểu tiềm thể cho cuộc cách mạng tương lai mà Hồ Chí Minh sẽ là đại
biểu hiện thực.
Khác hẳn với một Nguyễn Tất Thành thực tế – một Nguyễn Tất Thành như
là Nguyễn Tất Thành con của ông Nguyễn Sinh Huy – mà các tài liệu sau
này đã phác hoạ: tuy đã được định hướng để ra đi, nhưng cái hướng ấy
không tất yếu phải là cuộc cách mạng sau này anh sẽ chọn lựa, bởi vì để
đến với cuộc cách mạng ấy, anh phải có được hàng loạt những cơ duyên
khác xa với những ngày anh bỏ nước ra đi. Ở anh Nguyễn Tất Thành thanh
thiếu niên ấy chưa có gì tất định báo hiệu anh sẽ là Nguyễn Ái Quốc hay
Hồ Chí Minh về sau.
b) Anh Nguyễn Tất Thành được Trần Dân Tiên giao cho cái nhiệm vụ tiền thân ấy, anh Nguyễn Tất Thành được xem là “hình ảnh của nhà ái quốc xứ Nghệ An rời quê mẹ ra đi tìm đường giải phóng đất nước”, theo cách diễn tả của D. Hémery trong tài liệu đã kể, “chỉ thuộc về điều tưởng tượng huyễn hoặc của những năm sau 1945 hoặc sau 1920” [26] .
- Sau 1920, nhất là sau Đại hội Tours, khi Nguyễn Tất Thành đã vượt khỏi Phan Chu Trinh để trở thành người yêu nước-cộng sản: cần phải đẩy thật mạnh việc tố cáo tội ác của thực dân để kêu gọi sự chú ý, sự giúp đỡ của những người hoạt động khuynh tả khắp nơi, đặc biệt thúc đẩy Đảng Cộng sản Pháp, và sau 1923, khi đã sang Nga, vận động Quốc tế Cộng sản, thiết thực ủng hộ phong trào chống thực dân ở Đông Dương. Những bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc vào thời kỳ này đã bộc lộ rõ xu hướng ấy. Động cơ muốn xem văn minh Pháp được kích động thêm bởi tinh thần “chống đối về bản chất” của những người lính lê dương [27] – và chỉ như vậy mà thôi: đó là tất cả những gì Nguyễn Ái Quốc có thể nhớ lại về chuyến ra đi của Nguyễn Tất Thành để bày tỏ quan điểm chính trị mới của mình. Đối với câu hỏi “Khi học xong, anh dự định làm gì?”, mà trả lời là: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi” [28] thì cái động cơ “chống đối” nêu ra ở trên là không thể nào khác được. Không còn dấu vết gì của tờ đơn xin vào Ecole Coloniale, những lá thư gửi Khâm sứ Huế nhờ chuyển tiền, xin việc làm cho cha …
- Sau 1945, khi Nguyễn Tất Thành đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với cái tên mới là Hồ Chí Minh (dân chúng chưa biết rõ lắm về lai lịch của cái tên này), 1948 đang ở chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: phải tạo cho mình hình ảnh một “đấng bậc trưởng thượng” kiểu châu Á có uy tín vượt trội, vừa truyền thống vừa hiện đại, yêu nước và mập mờ nhận là cộng sản, tuy cuộc đời ba chìm bẩy nổi, ẩn hiện bí mật cao siêu, nhưng mục đích suốt đời không có gì khác hơn là hy sinh cho độc lập của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, một con người trong sạch, giản dị, hoà mình vào quần chúng, được bạn bè khắp hoàn vũ mến yêu giúp đỡ còn đồng bào trong nước thì đặt hình lĩnh tụ của mình lên bàn thờ [29] và tôn xưng là “Cha già của dân tộc” v.v…
Cuốn “tiểu sử” viết về Hồ Chí Minh của Trần Dân Tiên đã biểu lộ rất
rõ cái nhu cầu năm 1948 mà Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông đang
muốn tạo ra cho phong trào yêu nước cộng sản trước tình hình mới – một
lĩnh tụ tuyệt vời và chỉ có lĩnh tụ đó mới là tuyệt vời thôi!
Tất cả những gì tốt đẹp trong những thời kỳ hoạt động vinh quang
nhất của vị lĩnh tụ này đều được mô tả chi tiết, còn đối với những cái
khó nói và không nên nói trong những giai đoạn “quan trọng” đặc biệt –
thí dụ như những năm sau khi thành lập Đảng 1930, bị xu hướng tả khuynh
trong Đảng ở Việt Nam và Quốc tế cộng sản đả kích, phê phán khá nặng nề
đến nỗi bị lưu giữ để “học tập” một thời gian ở Liên Xô cho đến 1938 mới
được cho phép đi ra hoạt động lại [30]
– thì lại cố tình giấu đi: phô bày những điều ấy ra chẳng những bất
lợi cho hình ảnh của lĩnh tụ mà còn phá vỡ sự thống nhất cần thiết của
Đảng do lĩnh tụ tạo ra.
c) Trần Dân Tiên có phải là bút danh của Hồ Chí Minh như bấy lâu nay
người ta vẫn cho là như vậy? Gần đây, bà Phan Thị Minh đã đưa ra một
thông tin mới rất đáng chú ý như sau:
“Chiều ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư
ký riêng của Bác từ Cách mạng tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng
một số người quanh Bác là đồng tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” với bút danh Trần Dân Tiên” [31] .
Chưa thấy ông Vũ Kỳ nói rõ hơn về chuyện này nên chúng ta chưa biết
ông cùng những người “quanh Bác” đã làm việc như thế nào để thực hiện
cuốn Những mẩu chuyện… lừng danh ấy. Ông và những cộng sự có phải
đi đây đi đó khắp nơi gặp gần 10 nhân vật đã được nhắc đến trong cuốn
sách để phỏng vấn về mối quan hệ của họ với ông Hồ? Dòng cuối cho ta
biết sách viết xong vào mùa thu năm 1948, lúc bấy giờ ông Vũ Kỳ đã phải
đi theo Hồ Chí Minh lên chiến khu Việt Bắc (Tuyên Quang, Thái Nguyên),
nếu theo cách đó thì làm sao thực hiện được trong điều kiện kháng chiến
đường xá cách trở? Cách trình bày được mô tả trong sách – những nhân vật
thay nhau kể chuyện – do đó có lẽ chỉ là một thủ thuật và đó là thủ
thuật của những người viết tiểu thuyết nhiều hơn là “tiểu sử”.
Cứ tạm tin rằng cái “tiểu sử” dưới hình thức “truyện” ấy được chính
Vũ Kỳ và những người cộng sự viết ra và ký là Trần Dân Tiên. Nhưng như
vậy thì lại gặp điều khó khăn phải giải thích tại sao cuốn sách tầm
thường của một tác giả vô danh là Trần Dân Tiên ấy lại có thể trở thành
một thứ tài liệu tham khảo quan trọng bậc nhất về Hồ Chí Minh như đã xảy
ra, đặc biệt trong giới nghiên cứu, giảng dạy? Sự quan trọng ấy không
thể nào có được nếu những gì đã viết về ông Hồ trong cuốn sách ấy (giả
sử là của Vũ Kỳ) không được chính ông xét duyệt (Vũ Kỳ là thư ký riêng
của ông), và một cách nào đó cũng đã làm cho người ta hiểu rằng chính
ông đã muốn phổ biến cuốn “tiểu sử” có nội dung như vậy. Cuốn sách, do
đó, dù cho có do Vũ Kỳ lấy tài liệu từ Hồ Chí Minh để viết hoặc do chính
Hồ Chí Minh trực tiếp viết [32]
(hay đọc cho Vũ Kỳ viết), thiết tưởng ý nghĩa cũng đều như nhau: sự
xuất hiện của nó là “cái cần thiết” cho nhu cầu cách mạng của bản thân
Hồ Chí Minh sau 1945.
Vào thời điểm này, Nguyễn Tất Thành đã không còn là cá nhân một
thanh niên 21 tuổi ngỡ ngàng trong cuộc bỏ nước ra đi năm 1911 nữa: anh
đã về nước với tên Hồ Chí Minh và tự cho mình là biểu tượng của sự chọn
lựa cuối cùng sau mọi chọn lựa của đất nước – một Nguyễn Tất Thành trở
thành cộng sản, đã hoàn thành Cách mạng tháng Tám và đang lãnh đạo kháng
chiến bảo vệ cuộc cách mạng ấy để sau này đưa đất nước tiến lên chủ
nghĩa cộng sản. Quá khứ của Hồ Chí Minh hồi 21 tuổi có được tạo dựng lại
cho phù hợp với vị trí của Hồ Chí Minh khi 58 tuổi là điều không có gì
khó hiểu: thực chất các sự việc không phải như vậy, có thể nói khác đi
vào lúc khác, nhưng khi cần thì vẫn có thể thêu dệt, tô vẽ lên để tuyên
truyền – lợi ích của cách mạng buộc phải như thế. Nếu Hồ Chí Minh không
làm điều đó thì cũng sẽ có những kẻ thay ông. Vì rất nhiều lý do khác
nhau, những người sùng bái ông sau 1945 kể ra là vô số.
© 2007 talawas
[1]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn Học, (in lần thứ tám), Hà Nội, 1975, tr. 16.
[2]“Chúng
tôi không có tham vọng viết một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch, chúng
tôi chỉ mong quyển truyện này giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị
lãnh tụ đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (Trần Dân Tiên:
Sđd, tr. 138).
[3]Sách đã dẫn, tr. 10.
[4]Như trên, tr. 11
[5]Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, Chú thích 2, tr. 32.
[6]Xem “Phan Bội Châu niên biểu”, trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Thuận Hoá, Huế, 1990.
[7]Xem Vĩnh Sính: Việt Nam và Nhật bản, giao lưu văn hoá, Nxb Văn Nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 300.
[8]Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn báo Ogoniok (Liên xô) ngày 23-12-1923, trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 477.
[9]“Rõ ràng: trước khi bước chân xuống tàu rời Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành đã chuẩn
bị cho mình những tiền đề tư tưởng bao gồm việc phê phán những con
đường cứu nước của các bậc cha chú, lựa chọn những hướng đi và điểm tới
của mình” (Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam (1921-1930), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 15).
[10]Phan
Thị Minh: “Tìm hiểu thêm về quan hệ của Bác Hồ với cụ Phan Chu Trinh
trong những năm Bác chưa sang Pháp”, phụ lục trong Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Sđd, tr. 403.
[11]Như trên, tr. 404
[12]Như trên, tr. 409
[13]Ông Vũ Kỳ đã thuật cho nhà văn Sơn Tùng viết lại (Tạp chí Cầu Đường,
Xuân Kỷ Mão) rằng Hồ Chí Minh đã nói về ông Bùi Kỷ, nhân nghe tin ông
này qua đời, nội dung như sau: “Thân sinh ông Bùi Kỷ là cụ Bùi Thức đã
là bạn của cụ Sinh Huy từ khoa thi Hội 1898, làm quen nhau trong trường
thi, lui tới với nhau trong khi đợi kết quả: cụ Bùi Thức đỗ Tiến sĩ, cụ
Sinh Huy bị hỏng. Năm 1901, sau khi thi đỗ Phó bảng, cụ Sinh Huy có đưa
Tất Thành ra Bắc tìm thăm cụ Bùi Thức tại xã Châu Cầu huyện Kim Bảng
tỉnh Hà Nam. Hai cậu thiếu niên Tất Thành và Bùi Kỷ đã quen nhau từ thuở
ấy. Anh thanh niên Bùi Kỷ mới hơn 20 tuổi đã đỗ Phó bảng. Anh nỗ lực
học tiếng Pháp và được học bổng sang học trường Thuộc địa từ tháng
2-1911. Họ đã vui mừng tái ngộ tại nhà bác Phan trong các dịp Tất Thành
đến thăm bác Phan tại Paris …” (Xem Phan Thị Minh: Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới, Quyển 3, Nxb Đà Nẵng, 2001, tr. 190).
Bà Phan Thị Minh đã cho biết thêm về lý lịch của ông Bùi Kỷ như sau:
“Chúng tôi đã kiểm tra trong hồ sơ trường Thuộc địa thì đúng là trong
danh sách học sinh đến Pháp tháng 2-1911 có ông Bùi Kỷ. Ông đã đỗ Phó
bảng rồi học trường Thông ngôn sau đó sang học trường Thuộc địa và đã
sớm gần gũi ông Trinh và con: ông đã cùng ông Trường và ông Chuyên kèm
cặp giúp Dật (con ông Trinh) học tiếng Pháp. Dật tôn trọng ông và gọi
ông là “thầy Bảng Kỷ”. Ông đã làm thư ký Hội Đồng bào Thân ái và có
thuyết trình trong buổi họp về đề tài khoa học”. (Như trên, Chú thích 1,
tr. 183).
[14]Xem Daniel Hémery: “Jeunesse d’un colonisé, genèse d’un exil. Ho Chi Minh jusqu’en 1911”, Approche-Asie,
No. 11, 1992, Tài liệu số 6, tr. 131. Tất cả những tài liệu mà D.
Hémery công bố và sử dụng trong bài viết nói trên đều có xuất xứ từ
Trung Tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp (Centres des Archives d’Outre-mer -
CAOM) tại thành phố Aix-en-Provence.
[15]Xem Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Sđd, tr. 29.
[16]D. Hémery: Sđd, Các tài liệu phụ lục, tr. 127-152
[17]Theo
lời khai với Sở mật thám Trung kỳ của Nguyễn Thị Thanh, con gái lớn của
ông Nguyễn Sinh Huy, thì năm 1906, bà có dẫn một phụ nữ giúp việc ra
Huế định ở với cha. Nhưng do không chịu nổi tật say rượu và thô bạo của
ông (bà cho biết đã bị cha đánh nhiều lần) năm sau bà đã phải trở về Kim
Liên. ( Xem D. Hémery: Sđd, tài liệu 18, tr. 149)
[18]Bùi Quang Chiêu đã khai với Mật thám Sài Gòn về Nguyễn Sinh Huy khi được hỏi về Nguyễn Ái Quốc như sau: “Từ
Pháp về nước năm 1913, tôi đã gặp trên đường phố Sài Gòn một người
trông quen, trên vai có một đòn xeo, mút đầu có treo một cái bọc. Đó
chính là người cha của người thanh niên mà ta đang đề cập (Nguyễn Ái
Quốc), ông đang đi qua Sài Gòn. Ông nói với tôi về những cực khổ của
mình. Đỗ cử nhân (Phó bảng mới đúng - LP) lúc khoảng 30 tuổi, năm
1901 hoặc 1902, học trường nông nghiệp ở đấy tôi đã từng là giáo sư.
Sau đó được bổ nhậm quan huyện rồi bị bãi chức (…). Ông ấy kể chuyện đó
với tôi đầy vẻ oán hận. Tôi nhớ ông đã nói thêm: “một ngày nào đó tôi sẽ
làm quan trở lại”. Tôi không gặp lại ông từ lúc đó”. (Xem D. Hémery: Sđd, tài liệu 19, tr. 151).
[19]Tháng
6-1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào huyện Bình Khê (Bình Định), được
cha gửi đến Quy Nhơn học tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại
trường tiểu học Pháp-bản xứ Quy Nhơn, theo chương trình cours supérieur.
Tháng 1-1910, cha bị cách chức và triệu hồi về Huế, tháng 9 năm ấy,
Nguyễn Tất Thành vào Sài gòn, hết tiền nên phải ghé qua Phan Thiết, vào
trường Dục Thanh, dạy học một thời gian ngắn. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 39-43)
[20]D. Hémery: Sđd, Tài liệu 8, tr. 133
[21]Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,
Trần Dân Tiên đã mượn lời một nhân vật và viết: “Chúng tôi theo tàu lên
Havre để sửa chữa. Chúng tôi được đưa sang làm việc ở một chiếc tàu
khác, trở về Đông Dương. Anh Ba không muốn trở về” (Trần Dân Tiên: Sđd,
tr. 16).
[22]D. Hémery: Sđd, Tài liệu 7, tr. 32
[23]Như trên, Tài liệu 19, tr. 151. Nhưng trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên lại viết về cuộc gặp gỡ của Nguyễn Tất Thành với Bùi Quang Chiêu trên tàu Latouche-Tréville như sau: “Hồi
ấy, Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông vào làng Tây, đi tàu hạng nhất
cùng với gia đình. Ông ta đưa con sang Pháp học. Trông thấy Ba, ông ta
gọi anh lại và thân mật bảo: Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này?
Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn… Anh Ba lễ phép
cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay không” (Sđd, tr. 14-15).
[24]D. Hémery: Sđd, Tài liệu 9, tr. 134
[25]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 58
[26]D. Hémery: Sđd, tr. 124
[27]“Trước
dây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có
tính chống đối ở Annam, có những người lính lê dương do Poincaré gửi
sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những
kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra
ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi đã tới Paris. Khi trường Đại
học Phương Đông ở Matxcơva mở, tôi bèn xin học”. (Nguyễn Ái Quốc: “Trả
lời phỏng vấn của phóng viên báo L'Unità” (Ý), 15-3-1924, trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 480)
[28]Như trên, tr. 482
[29]“Ông
có biết anh Ba hiện nay thế nào không? – "Không, tôi rất tiếc là tôi
không biết" – "Ông có muốn tôi nói cho ông biết không?" – "Còn gì bằng
nữa!" – "Ông quay lại xem, anh Ba ấy đây kìa!" Tôi vừa nói vừa chỉ chân
dung Hồ Chủ tịch treo trên bàn thờ giữa những bình hoa, bình hương, đèn
nến”. ( Trần Dân Tiên: Sđd, tr. 19)
[30]Xem Sophie Quinn-Judge: Nguyen Ai Quoc, The Comintern and the Vietnamese Communist Mouvement (1919-1941) (Luận án). Luận án này đã được tác giả xuất bản với nhan đề HO CHI MINH The missing years, The University of California Press, California, 2002.
[31]Phan
Thị Minh: “Tìm hiểu thêm về quan hệ của Bác Hồ với cụ Phan Châu Trinh
trong những năm Bác chưa sang Pháp”, trong Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Sđd, tr. 403. [Trong cuốn Càng nhớ Bác Hồ
của mình (Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999, tr. 10), Vũ Kỳ đã cho biết là
ông về làm thư ký riêng cho “cụ Nguyễn Ái Quốc” bắt đầu từ ngày 27 tháng
8 năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám chừng một tuần.]
Thông tin trên đây của bà Phan Thị Minh hoàn toàn ngược lại với
những khẳng định trước đó của nhiều tác giả – như Nguyễn Khắc Viện,
Nguyễn Khánh Toàn, Hà Minh Đức… – về sự đồng nhất giữa Trần Dân Tiên và
Hồ Chí Minh (Xem sự khẳng định của Hà Minh Đức: Những tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985).
[32]Theo William J. Duiker, cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch
gần đây đã được giới quan chức Hà Nội xác nhận là của Hồ Chí Minh và ấn
bản đầy đủ nhất của cuốn tiểu sử này đã được xuất bản tại Thượng Hải
năm 1949 bằng Trung văn (nhà xuất bản Ba Ywe, mang tựa Hu Zhi Ming Zhuan).
Khác với những bản dịch ra ngoại văn xuất hiện về sau, cuốn này đã
khẳng định Hồ Chí Minh chính là tên giả của Nguyễn Ái Quốc. [Xem William
D. Duiker: Ho Chi Minh, a life, Hyperion, New York, 2000, tr. 582].
Chương 2
Đến với chủ nghĩa cộng sản
Đến với chủ nghĩa cộng sản
Điểm xuất phát: Cái nôi Phan Châu Trinh
Cuộc đời chính trị của Nguyễn Tất Thành chỉ thực sự bắt đầu khi từ
Anh trở lại Pháp với cái tên mới là Nguyễn Ái Quốc ký dưới bản Những yêu sách của nhân dân Annam,
đại diện cho “Nhóm những người Annam yêu nước”, gửi Hội nghị Versailles
vào tháng 6 năm 1919. Về sự kiện này Trần Dân Tiên, tác giả cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch đã viết như sau:
“Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước ở Paris và ở các
tỉnh ở Pháp. Với danh nghĩa này, ông đã đưa những yêu cầu ra trước hội
nghị Versailles (…) Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn
đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ, ông
Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Châu
Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam
yêu nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con” [1] .
Chủ đích của đoạn văn trên là khá rõ rệt: cái nhóm “thanh niên” mà Nguyễn Ái Quốc đã nhân danh để gửi bản Yêu sách tám điểm cho Hội nghị Versailles vào tháng 6 năm 1919 là tổ chức do Nguyễn Ái Quốc “sáng lập” [2]
, hoạt động riêng biệt, không được các ông Phan Châu Trinh và Phan Văn
Trường ủng hộ. Tham khảo nhiều tài liệu khác, chúng ta thấy sự việc
không hoàn toàn như vậy.
a. Bà Thu Trang trong cuốn Nguyễn Ái Quốc, những năm tại Paris (1917-1923) [3] , căn cứ vào lời một nhân vật trong cuốn sách của Trần Dân Tiên [4]
, cho rằng Nguyễn Tất Thành đã từ Anh trở lại Pháp vào 1917 và như vậy
thì có thể Nguyễn Tất Thành đã góp phần lập ra Hội những người Annam yêu
nước. Vì theo bà, thì vào khoảng cuối năm 1916, Phan Châu Trinh và Phan
Văn Trường đã lập ra hội này để kế tục Hội Đồng bào Thân ái lập ra 1912
đã ngưng hoạt động. Tuy vậy, do chưa tìm thêm được bằng cớ xác nhận
Nguyễn Tất Thành đã đến Pháp năm 1917– đặc biệt không thấy có báo cáo
nào của Mật thám Pháp về việc Nguyễn Tất Thành ở Paris vào thời gian đó –
nên người ta vẫn chỉ coi đó là một giả thuyết.
Cũng có một giả thuyết khác nữa về năm đến Pháp của Nguyễn Tất
Thành. Giả thuyết này cũng căn cứ vào Hồ Chí Minh nhưng không phải là Hồ Chí Minh-Trần Dân Tiên mà là Hồ Chí Minh-Nguyễn Ái Quốc: khi bị Sở Cảnh sát Paris gọi đến xét hỏi vào năm 1919 và 1920, Nguyễn Ái Quốc khai đã đến Pháp tháng 6-1919 [5]
và cũng chính cái thời điểm 1919 sang Pháp đó mà 20 năm sau (1938),
Nguyễn Ái Quốc đã khai với Quốc tế Cộng sản, còn những năm về trước
(1917-1918) thì đang làm việc cho một nhà giàu ở Brooklyn (Mỹ) [6]
. Cũng chẳng có gì ngăn cản người ta tin hay không tin vào giả thuyết
này (những lời khai của Hồ Chí Minh với “ta” hay với “địch” thường bất
nhất [7]
), nhưng dù thế nào đi nữa thì việc Nguyễn Ái Quốc tự cho mình đứng ra
lập “Hội những người Annam yêu nước” và hoạt động không cần sự hợp tác
của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường là điều hoàn toàn tưởng tượng [8] .
b. Câu chuyện Nguyễn Ái Quốc bị chỉ trích “trẻ con” là chuyện có
thật. Nhưng lại không thật hoàn toàn: chỉ có Phan Châu Trinh, do là bậc
cha chú, mới hay chỉ trích Nguyễn thôi. Và cũng chỉ trích trong một hoàn
cảnh khác, không dính dáng gì đến bản Yêu sách tám điểm năm
1919. Một mật thám mang tên “Edouard” đã thuật lại một cuộc tranh luận
giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc tại căn nhà số 6 Villa des
Gobelins (nơi Nguyễn Ái Quốc đã về ở chung với hai ông họ Phan) về đề
tài người dân bản xứ có thể đòi hỏi gì ở toàn quyền Maurice Long vừa mới
sang Việt Nam thay Albert Sarraut (về làm Bộ trưởng Bộ thuộc địa).
Nguyễn Ái Quốc nói:
“Tại sao hai mươi triệu đồng bào ta không làm gì để buộc Chính
phủ phải cho chúng ta quyền làm người? Chúng ta cũng là người và chúng
ta phải được đối xử như vậy. Những ai từ chối coi chúng ta là những
người bình đẳng là kẻ thù của chúng ta”.
Phan Châu Trinh đã trách Nguyễn Ái Quốc là quá bộp chộp:
“Anh muốn đồng bào tay không của chúng ta làm gì để chống lại
những người châu Âu với những vũ khí của họ. Tại sao dân chúng phải chết
vô ích mà không có kết quả nào” [9] .
Sự tường thuật trong báo cáo của mật thám “Edouard” đề ngày 20-12-1919, sau cả nửa năm ngày Nguyễn Ái Quốc công bố Yêu sách tám điểm.
Có thể đây là những dấu hiệu khởi đầu để Nguyễn Ái Quốc vượt khỏi Phan
Châu Trinh, nhưng ý nghĩa của sự “không tán thành” ấy của Phan Châu
Trinh chẳng liên quan gì đến sự ra đời của “Hội những người Annam yêu
nước” cả.
c. Việc Trần Dân Tiên kể về sự kiện bấy giờ Nguyễn Ái Quốc chưa viết
được tiếng Pháp nên phải nhờ Phan Văn Trường viết hộ khá nhiều bài báo [10] là đúng [11] . Nhưng khi nhà viết tiểu sử đó cho rằng trường hợp Yêu sách tám điểm
của Nhóm những người Annam yêu nước sáng kiến là do Nguyễn Ái Quốc, còn
Phan Văn Trường chỉ viết ra nhưng lại cùng với Phan Châu Trinh “không
tán thành hoạt động của nhóm” thì lại không phải là sự thật.
Sự thật là bản Yêu sách ấy là do Phan Văn Trường viết bằng
tiếng Pháp, Phan Châu Trinh chuyển ra Hán văn, và Nguyễn Ái Quốc thì
được giao cho dịch ra văn vần viết bằng chữ “quốc âm” [12] , Yêu sách
này hình thành được là do sự thoả thuận của nhiều người nhưng xét về
nội dung thì biểu hiện hoàn toàn lập trường của nhóm Phan Châu Trinh và
Phan Văn Trường vào thời điểm ấy. Chỉ đọc một đoạn của bản Yêu sách do Nguyễn Ái Quốc dịch ra “quốc âm” trích dẫn sau đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó:
“Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào, bác ái, sánh tày không ai!
Nỡ nào ngoảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay từng núp bóng cờ tự do…”
Đồng bào, bác ái, sánh tày không ai!
Nỡ nào ngoảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay từng núp bóng cờ tự do…”
d. Không phải chỉ nội dung mà ngay cái tên Nguyễn Ái Quốc ký dưới Yêu sách
ấy, sau này được Nguyễn Tất Thành giữ luôn làm tên hoạt động, lúc ban
đầu cũng chỉ là một bí danh tập thể, do hai ông Phan tạo ra, chứ không
phải do Nguyễn Tất Thành tự đặt. Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì bí danh
này
“có thể là tên tượng trưng của tất cả người Việt (Nguyễn là họ
thông thường của nhiều người Việt, chứ không phải là họ của Tất Thành).
Nguyễn yêu nước, ba chữ ấy ứng vào tiếng Pháp: Groupes des Patriotes
Annamites thấy ký dưới truyền đơn: Bản yêu cầu tám điểm. Có lẽ một mặt
vì họ Nguyễn mà mật thám coi đó là tên của Nguyễn Tất Thành. Rồi sau
Nguyễn Tất Thành cũng mang tên ấy một thời gian mà thôi” [13] .
Điều “có thể” đó đã được bà Phan Thị Minh nói rõ hơn trong câu
chuyện do mẹ bà kể lại hồi bà còn nhỏ về việc Phan Châu Trinh (từ Pháp
về) gặp lại Nguyễn Sinh Huy tại Sài Gòn như sau:
“Sau gần 15 năm cách biệt, hai người bạn tâm giao mới lại gặp
nhau: một người trên giường bệnh, gần kề cõi chết, người kia bao nhiêu
năm lang bạt, cảnh giác tránh né mọi sự khủng bố của thực dân đối với
cha đẻ của một lãnh tụ yêu nước lừng danh lúc này đã về đến Quảng Châu.
Hai vị đã tâm sự nhiều ngày về người con trai yêu quý. Cụ Sinh Huy vui
mừng khôn xiết với lời ngợi khen và niềm tin tưởng của cụ Châu Trinh
dành cho con mình. Cụ Phan kể: Trước đó chúng tôi đã có vài bài ký danh
Nguyễn Ái Quốc, nhưng ít ai chú ý. Chỉ sau khi có tờ truyền đơn của dân
Nam gởi đến Hoà đàm Versailles và công bố rộng ra thì mới được chú ý. Bộ
Thuộc địa và Cảnh sát Pháp đã đưa giấy đến cho tôi, đòi Nguyễn Ái Quốc
ra trình diện. Chúng ngỡ tôi sẽ ra. Tôi đã bảo Tất Thành ra làm chúng
rất ngạc nhiên. Đó là lần đầu tiên chúng xáp mặt Tất Thành với tên hoạt
động là Nguyễn Ái Quốc” [14] .
Nếu chuyện trên đây của bà Phan Thị Minh là sự thật thì “cái điểm
xuất phát” của Nguyễn Tất Thành về mặt chính trị khi bắt đầu hoạt động ở
Pháp lại càng được khẳng định rõ rệt hơn: Nguyễn Tất Thành trở thành
được Nguyễn Ái Quốc nổi danh với bản Yêu sách tám điểm là hoàn toàn do sự sắp xếp của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường [15] .
Môi trường yêu nước và khuynh tả
a. Cái “điểm xuất phát” ấy, tuy sau này bị những người sùng bái Hồ
Chí Minh có ý xem thường khi nhìn lại, nhưng thật sự đã đóng vai trò rất
quan trọng trong việc hun đúc nên rất nhiều nhà yêu nước thuộc thế hệ
mới, trong đó có bản thân Hồ Chí Minh.
Đối với Việt Nam, từ 1911 trở đi, cùng với Quảng Châu, nơi hoạt động
của Phan Bội Châu từ Nhật chạy giạt sang, Paris đã trở thành một trung
tâm cách mạng ở hải ngoại (duy nhất ở châu Âu) từ khi có sự hiện diện
của Phan Châu Trinh. Nhờ uy tín đã tạo ra trong nước, khi mới sang Pháp,
Phan Châu Trinh đã tìm ngay được sự hợp tác của Phan Văn Trường [16] ; nhờ đó, ngoài việc tiếp tục cuộc đấu tranh từ trước, ông đã cùng với Phan Văn Trường lập ra được Hội Đồng bào Thân ái [17]
, quy tụ những người Việt Nam lúc bấy giờ còn rất ít tại Pháp. Đây
chính là cái cơ sở ban đầu để những tổ chức khác nối tiếp, ngay sau đó
là Hội những người Annam yêu nước (1917). .
Có một điều đặc biệt khác khá quan trọng cần chú ý: cũng như ở Quảng
Châu, những hoạt động của những người Việt Nam yêu nước ở Paris bấy giờ
đã diễn ra một cách công khai, có gì khác thì chỉ là nếu ở Trung Quốc,
Phan Bội Châu dựa được vào cuộc cách mạng cộng hoà vừa ra đời của Tôn
Dân Tiên thì ở Pháp những hoạt động của Phan Châu Trinh và Phan Văn
Trường lại diễn ra ngay cái đầu não của một đế quốc theo đuổi một chính
sách thực dân khắc nghiệt. Trong tình thế ấy, những người không có những
điều kiện như Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường chắc chắn sẽ không thể
nào hoạt động được theo cái cách mà các ông đã hoạt động. Đặc biệt nhất
là với Phan Châu Trinh: vừa được chính quyền mẫu quốc tranh thủ, mua
chuộc [18]
đồng thời lại được khá đông những nhà hoạt động văn hoá, chính trị
(Babut, Marius Moutet, Jules Roux…) trong Hội Nhân quyền và Đảng Xã hội,
dựa vào những nguyên tắc của nền dân chủ và dân quyền của Cách mạng
Pháp, ủng hộ, giúp đỡ.
b. Dù 1917 hay 1919 thì khi trở lại Paris, Nguyễn Tất Thành đã gặp
tất cả những thuận lợi mà hai ông Phan đã tạo ra sẵn cho anh. Không bị
những lo liệu vì sinh kế trói buộc (trong một thời gian anh đã sống nhờ
vào sự giúp đỡ của Phan Châu Trinh và một người trong nhóm là Khánh Ký [19]
), anh còn được Phan Châu Trinh đẩy ra ngay phía trước, trực tiếp đảm
nhận công việc của một người lãnh đạo mới. Có thể nói không có sự yểm
trợ của nhóm các ông Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thì không thể có
sự xuất hiện của Nguyễn Tất Thành với danh nghĩa Nguyễn Ái Quốc.
Cái môi trường chính trị khách quan ở “mẫu quốc” lúc bấy giờ cũng đã
hỗ trợ Nguyễn Ái Quốc không ít. Không những anh có thể đọc được các thứ
sách báo mà trong nước anh từng cho biết là bị cấm đọc (anh hay nói đến
Rousseau, Montesquieu) mà còn có thể dựa vào những điều sở đắc được
trong những thứ sách báo ấy để chống lại chủ nghĩa thực dân, không chỉ
bằng viết lách, tuyên truyền mà còn có bằng những phương tiện khác như
biểu tình, kiến nghị , tổ chức, lập hội… được luật pháp của chế độ cho
phép nữa.
Cái môi trường hoạt động ấy, tuy bị nhiều người coi là “cải lương”,
nhưng ở Pháp vào lúc bấy giờ đã mang tính chất khuynh tả rất rõ rệt. Ở
đây ngay cả những chỉ trích, đòi hỏi ôn hoà với chính sách thống trị của
chủ nghĩa thực dân cũng chỉ tìm được sự ủng hộ nơi những người hoạt
động như Hội Nhân quyền và Đảng Xã hội như chúng ta đã biết. Vấn đề vận
động cho chủ quyền dân tộc ở đây tất yếu đã gắn liền với lập trường
khuynh tả về xã hội, cái đà xuất phát ấy là bước khởi đầu rất quan trọng
đối với Nguyễn Tất Thành. Người ta không lấy làm lạ khi thấy Nguyễn Tất
Thành sau khi trở thành Nguyễn Ái Quốc một thời gian ngắn, đã là đảng
viên của Đảng Xã hội Pháp. Khi hỏi vì sao gia nhập đảng này, anh đã trả
lời một câu mà về sau anh sẽ còn lặp lại trong nhiều trường hợp khác:
“Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ
chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: tự do,
bình đẳng, bác ái” [20] .
Tất cả những cái khác dường như anh không quan tâm lắm như về sau này anh cho biết:
“Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng là vì các ‘ông bà’ ấy – hồi
đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế – đã tỏ đồng tình với tôi, với
cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn
là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu” [21] .
Có lẽ vì vậy mà hoạt động của anh vẫn chưa có gì thật sự mới mẻ:
người ta thấy anh vẫn thường đi chung với Phan Châu Trinh trong những
cuộc họp do Đảng Xã hội tổ chức, Yêu sách tám điểm vẫn được anh
sử dụng trong vận động tuyên truyền. Nhưng cũng nhờ việc tham gia Đảng
Xã hội mà những quan hệ chính trị của anh bắt đầu trở nên rộng rãi hơn
và tích cực hơn. Những người anh tiếp xúc đã vượt ra ngoài các vị trong
Hội Nhân quyền từng ủng hộ Phan Châu Trinh. Với danh tiếng một lĩnh tụ,
không những anh đã quen những nhân vật nổi tiếng trong Đảng Xã hội như
Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Léon Blum, Raymond Lefèvre, Jean
Longuet, Gaston Monmousseau… mà còn cả những chính khách từ những nước
Á, Phi tìm đến nước Pháp nhân Hội nghị Versailles sau Chiến tranh Thế
giới lần Thứ nhất để vận động độc lập cho đất nước của họ.
“Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”
a. Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trở nên sôi nổi đặc biệt có lẽ
từ khi anh bắt đầu tham gia các hoạt động của Uỷ ban Quốc tế Ba của
Đảng Xã hội thành lập vào những tháng cuối năm 1919. Với sự bồng bột của
tuổi trẻ [22]
, có lẽ nhận thấy cuộc vận động kiểu Phan Châu Trinh từ trước đến nay
quá chậm chạp, ôn hoà, anh đã bắt đầu nghiêng sang những giải pháp đấu
tranh triệt để hơn, cách mạng hơn. Anh tham gia tích cực hoạt động của
Uỷ ban Quốc tế Ba, đi quyên tiền cứu trợ nạn đói ở Nga, rải truyền đơn
chống lại sự can thiệp vũ trang của chính phủ Pháp vào nước Nga. Ngoài
việc thu thập tư liệu viết Những người bị áp bức chống chủ nghĩa
thực dân, anh cũng đã bắt đầu quan tâm đến chủ nghĩa cộng sản và đã đăng
đàn nói chuyện về đề tài này nhiều lần [23] .
Chúng ta không biết trong những buổi diễn thuyết đó anh nói gì,
nhưng cho đến tháng 7-1920, khi lần đầu tiên anh tiếp xúc với tác phẩm
của Lenin có tên là Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên L'humanité
của Đảng Xã hội (ngày 16-6-1920) thì như anh thuật lại sau này, ngay cả
chữ nghĩa trong văn bản nói trên anh cũng chỉ hiểu loáng thoáng thôi.
Nhưng dù vậy nó đã có tác dụng quyết định toàn bộ sự chọn lựa chính trị
của anh từ đó cho đến hết cuộc đời: trong Đại hội Tours cuối năm 1920
anh đã theo một bộ phận của Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành tham gia
Quốc tế Ba để trở thành cộng sản. Và lý do của quyết định lần này cũng
không khác lần anh vào Đảng Xã hội trước đây: “chỉ vì Đệ Tam Quốc tế rất
chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa” [24]
. Và chỉ vì lý do ấy thôi, ngay từ hôm ấy, như anh cho biết về sau, anh
đã trở thành người học trò tuyệt đối trung thành của Lenin:
“Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng
tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình
trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:
‘Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây
là con đường giải phóng chúng ta’” [25] .
b. Chúng ta cũng không biết sau đó Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu thêm
các vấn đề liên hệ đến chủ nghĩa Lenin như thế nào nhưng đến tháng
5-1921, người ta thấy xuất hiện trên La Revue Communiste số 15 [26]
một bài tham luận của anh bàn về đề tài: “Chế độ cộng sản có áp dụng
được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?”.
Câu trả lời của bài viết hiển nhiên là: được! Nhưng không phải chỉ
như vậy: vì hoàn cảnh lịch sử, chủ nghĩa cộng sản còn có thể thâm nhập
vào châu Á “dễ dàng hơn là châu Âu”! Lý do: a) Triều đại nhà Hạ (2205
trước CN) đặt ra chế độ lao động bắt buộc, b) Khổng tử (551 trước CN)
khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản, 3) Luật
pháp Annam cấm mua bán toàn bộ đất đai! Với truyền thống đó châu Á có
thể tiến thẳng lên chủ nghĩa cộng sản không cần phải đi qua chủ nghĩa tư
bản.
D. Hémery khi đọc lại bài viết này đã cho rằng “ông Hồ Chí Minh
tương lai dám gợi ý trái với quan điểm chính thống của Quốc tế, rằng
mảnh đất tốt cho chủ nghĩa cộng sản phát triển là châu Á” [27]
. Thật sự thì đây không phải chỉ là quan điểm của Nguyễn Ái Quốc.
Mahendra Nath Roy, đến từ Ấn Độ, đã từng phát biểu trong Đại hội II Quốc
tế Cộng sản (mùa hè 1920) về tầm quan trọng quyết định của cách mạng vô
sản ở những nước phương Đông đối với cách mạng vô sản phương Tây [28]
. Không biết Nguyễn Ái Quốc đã nghe nói đến ý kiến trên đây chưa, nhưng
bài viết của anh tỏ ra đã có những điểm đồng tình với xu hướng ấy trong
cuộc tranh luận về vần đề chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng
dân tộc lúc bấy giờ [29] .
Điều mà chúng ta ghi nhận ở đây là khác hẳn những phân tích thực tế
của Roy, Nguyễn Ái Quốc lại dựa vào truyền thống châu Á để biện luận.
Nhưng về mặt này anh lại tỏ ra quá khiên cưỡng: đem chế độ lao động
cưỡng bức, chế độ công hữu về ruộng đất và cả… Khổng tử ra thuyết minh
cho sự tất yếu về con đường cộng sản mác-xít đối với châu Á! Rõ ràng sự
hiểu biết của anh về cách mạng vẫn còn quá “cảm tính” như sau này anh
nói [30]
. Anh không thấy được cái vực thẳm giữa các thứ công xã tiền tư bản chủ
nghĩa và cái “thế giới đại đồng” hậu tư bản chủ nghĩa của Marx là ghê
gớm đến như thế nào.
Niềm tin của anh về cái mà anh gọi là “chủ nghĩa cộng sản” dường như
quá dễ dãi: không biết dựa vào đâu anh hy vọng được vào cái khả năng
Đảng Xã hội Nhật có thể “ngăn cản nước Nhật trượt dài đến vực thẳm của
hiện tượng phương Tây hoá không thể cứu vãn” cùng với cái viễn cảnh vô
cùng tươi sáng về một nước Trung Hoa “được tổ chức lại và vô sản hoá”
theo con đường cách mạng của Tôn Dật Tiên!
Có lẽ Nguyễn Ái Quốc không có ý định hình thành lý luận cho một mô
hình cộng sản châu Á. Với sự hiểu biết vào lúc bấy giờ, anh không thể
làm điều đó được và dường như, xét về tính cách của anh, anh cũng không
muốn làm điều đó. Mục đích của anh thiết thực hơn nhiều: anh chỉ muốn
khẳng mạnh mẽ định lòng tin mới mà anh đang có được để kêu gọi sự giúp
đỡ của những đồng chí châu Âu đối với Đông Dương. Giúp đỡ những gì? Anh
viết:
“Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản là những điều kiện cơ bản nhất để hành động:
Tự do báo chí
Tự do du lịch
Tự do dạy và học
Tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hoá thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man)” [31] .
Nhưng về mặt này chúng ta cũng thật khó mà hình dung ra một cái gì
đó có thể đơn giản hơn: có tự do mới có thể thành cộng sản, còn không có
tự do thì sao!
c. Thật sự thì tuy đã trở thành cộng sản rồi, Nguyễn Ái Quốc vẫn chưa vượt cái chân trời trong bản Yêu sách tám điểm!
Vì cái đảng cộng sản mà anh mới góp phần sáng lập ra chưa phải là chính
đảng nào khác hơn là Đảng Cộng sản Pháp ở châu Âu, hoạt động trong lòng
một chế độ dân chủ. Anh vẫn cứ phải theo những phương thức hoạt động
của một đảng khuynh tả từ khi còn hợp tác với Phan Châu Trinh: vận động
và tuyên truyền là chính. Nhưng do quần chúng Việt Nam ở Pháp lúc bây
giờ không nhiều [32]
lại ngán ngại những gì quá gay gắt nên anh phải đến với quần chúng
Pháp. Ngoài việc xin vào Hội Tam điểm, anh còn thường xuyên dự những
buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Faubourg để thảo luận đủ thứ các loại đề
tài, đại loại như “Thầy thuốc là một lũ lang băm hay là những ân nhân
của loài người” hoặc “Phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên”… Trong những
cuộc họp ấy, khi có dịp anh thường lái câu chuyên sang vấn đề… tội ác
của thực dân! Chẳng hạn trong lần thảo luận về thôi miên, anh đã phản
đối kịch liệt vì anh cho rằng “thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để
đàn áp và bóc lột chúng tôi” [33] !
Tuy vậy vào thời kỳ này, anh cũng đã thực hiện được một số công việc đặc biệt khi tham gia Đảng Cộng sản Pháp như sau:
- Thúc đẩy Đảng Cộng sản Pháp quan tâm và giúp đỡ thiết thực
phong trào đấu tranh chống thực dân ở Đông Dương. Trong các buổi họp chi
bộ, hoặc hội nghị của Đảng, hễ có dịp là anh nêu ra vấn đề để nhắc nhở
phê bình. Cuối năm 1922, tham gia Ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng
sản Pháp, được cử làm Trưởng ban Đông Dương.
- Liên hệ với đại biểu những xu hướng chống thực dân ở một số nước Á Phi để lập mặt trận quốc tế những nước bị trị mà biểu hiện cụ thể là thành lập “Hội Liên hiệp Thuộc địa” cuối năm 1921 với cơ quan ngôn luận là Le Paria. Tổ chức mới này đã trở thành cơ sở hoạt động mới của Nguyễn Ái Quốc, thay cho Hội những người Annam yêu nước cũ.
“Ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội”?
a. Việc Nguyễn Tất Thành dần dần tách rời khỏi cái “điểm xuất phát”
để mang cho danh xưng Nguyễn Ái Quốc nội dung “cộng sản” là điều rất
hiển nhiên. Phan Châu Trinh, người nâng đỡ anh suốt một thời gian dài,
tuy có bộc lộ thái độ “không tán thành” anh nhiều điểm, nhưng ông vẫn
giữ thái độ cởi mở và quan hệ tốt với anh. Ông chỉ phê bình cái phương
pháp hoạt động mà ông gọi là “ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” [34] mà anh đang theo đuổi thôi. Trong bức thư đề ngày 18-2-1922 từ Marseille [35] , ông đã viết cho anh những dòng mang tính chất tổng kết về cái nhóm yêu nước trong đó có anh như sau:
“Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan (Phan Văn Trường) đàm đạo
nhiều việc, mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân
trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích
cái phương pháp ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội của anh, và cả
cái lý thuyết thâu nhân tâm của Phan. Bởi phương pháp bất hoà mà anh đã
nói với anh Phan là tôi là hạng hủ nho thủ cựu. Cái điều anh gán cho
tôi, tôi chẳng giận tí nào cả, bởi vì suy ra thì tôi đã thấy rằng: tôi
đọc chữ Pháp bập bẹ, nên đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh
Phan” .
Phan Châu Trinh bày tỏ sự khâm phục của mình với Nguyễn Ái Quốc
nhưng ông cho rằng cái phương pháp “ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột
nội” – mà ông diễn tả tóm tắt là “quanh quẩn bên này”, “viết bài đăng
báo chương trên đất người để mà hô hào quốc dân đồng bào bên nhà đem
tinh thần nghị lực ra làm việc nước”–, cái phương pháp mà anh đang theo
đuổi ấy sẽ làm cho tài năng của anh “lần hồi mai một” “phí công mà
thôi”. Trong thư, Phan Châu Trinh biết rõ Nguyễn Ái Quốc đang tôn thờ
chủ nghĩa của hai ông “Mã, Lý”, nhưng không bày tỏ ý kiến gì về việc đó
mà chỉ khuyên anh nên đem cái chủ nghĩa ấy về bên nhà “quảng cáo cho
quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết” rồi “hô hào quốc dân đồng bào, đồng
tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế” – như vậy sẽ “hay biết chừng
nào”, “ắt là thành công”.
b. Những ý kiến của Phan Châu Trinh trong bức thư nói trên đã giúp
chúng ta nhìn lại rõ hơn những hoạt động của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái
Quốc trong thời gian anh trở lại Pháp. Bà Thu Trang đã chia khoảng thời
gian ấy thành hai giai đoạn: 1) Thời gian đầu đến 1920: từ Anh sang
Paris học hỏi, phần nào chịu ảnh hưởng của Phan Châu Trinh, 2) Từ 1920
đến 1923 (trước khi sang Nga): tìm đường đến với chủ nghĩa cộng sản, mở
rộng môi trường hoạt động, tách rời khỏi ảnh hưởng của Phan Châu Trinh [36] .
Cái mốc biến chuyển tuy có rõ rệt nhưng trong thực tế phương thức
hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong cả hai giai đoạn nói trên đều chưa có
gì khác nhau lắm. Như chúng ta đã biết, tất cả đều diễn ra trong cái
môi trường chính trị của “mẫu quốc”, được truyền thống của một định chế
dân chủ cho phép, được một số người Pháp cấp tiến giúp đỡ, trong một
cộng đồng “Việt kiều” ít ỏi, nên những hoạt động dù đã chuyển biến từ
“xã hội” (tả) sang cộng sản (“cực tả”) đi nữa, tất cả đều chưa thoát
khỏi giới hạn của những điều kiện đã quy định chúng: các cuộc vận động
đều chỉ nhằm vào tác dụng đánh động, tố cáo, kêu gọi sự giúp đỡ từ bên
ngoài từ nhiều nguồn, chứ chưa đụng chạm trực tiếp gì đến những vấn đề
nội tại là vấn đề then chốt của mọi công cuộc giải phóng.
Việc Nguyễn Ái Quốc trở thành cộng sản và tham gia – kể cả sáng lập –
Đảng Cộng sản Pháp cũng không đưa đến những bước đi vượt bậc được. Về
mặt này, những hoạt động nói trên của Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ lặp lại
những toan tính ban đầu của những bậc cha chú của anh là Phan Bội Châu
và Phan Châu Trinh: trước tình trạng bế tắc hoàn toàn về viễn cảnh của
đất nước, nội lực bên trong chưa có gì, việc đi ra ngoài tìm một “quới
nhơn” để dựa dẫm, giúp đỡ là điều không tránh khỏi. Phan Bội Châu muốn
dựa vào Nhật, rồi sau là Trung Hoa. Phan Châu Trinh muốn dựa vào nước
Pháp của Cách mạng 1789. Bây giờ Nguyễn Ái Quốc muốn dựa vào Đảng Cộng
sản Pháp đã theo Đệ Tam Quốc tế. Sự khác nhau chỉ là những lực lượng cụ
thể, không có gì bảo đảm về sự hiệu nghiệm tất yếu do các thực thể ấy
mang lại.
Cả một thời gian dài, sau khi gia nhập, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn
nhân danh “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lenin để phê
bình và kêu gọi Đảng Cộng sản Pháp quan tâm thiết thực đến các thuộc
địa. Nhưng những đề nghị của anh về việc giúp đỡ này vẫn không có gì
khác hơn là tuyên truyền và tố cáo! Trong khi đó thì Đảng Cộng sản Pháp
vừa mới hình thành, đường lối chưa rõ rệt, phương tiện hoạt động bị giới
hạn, dù có cố gắng đến thế nào đi nữa cũng không thể làm cho tình thế
các thuộc địa khá hơn ngoài việc đẩy mạnh việc… tuyên truyền và tố cáo!
Lý do: Đảng chỉ là một đảng quần chúng, một đảng chưa có ngân sách và
guồng máy của một đảng đã cầm quyền như đảng ở Nga. Hoạt động trong một
môi trường chính trị như vậy, Nguyễn Ái Quốc không biết làm gì khác hơn
là “ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” như Phan Châu Trinh đã miêu
tả rất chính xác.
Sự chọn lựa Đệ Tam Quốc tế của Nguyễn Ái Quốc trong những năm ở Pháp
do đó chỉ là một bước dò đường tiếp nối sau cuộc ra đi và sau những
ngày được ấp ủ trong cái nôi của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Sự
chọn lựa chưa thể mang đến một điều gì thật quan trọng cho Việt Nam như
những người sùng bái Hồ Chí Minh đã cho là như vậy. Chúng ta hãy giả
định điều sau đây: nếu Nguyễn Ái Quốc cứ ở luôn tại Pháp thì liệu anh có
trở thành Hồ Chí Minh sau này không? Nếu anh ở luôn ở Pháp thì anh sẽ
có gì khác với những người đồng thời với anh, cũng đã sang Pháp và trở
thành “khuynh tả” như anh, những Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh [37] , Nguyễn Thế Truyền [38] …?
Nhưng cũng may lần này câu hỏi giả định của chúng ta vẫn không được
đặt ra trong thực tế. Trong thực tế, sau thời gian thể nghiệm một mô
thức hoạt động cộng sản kiểu châu Âu, vì một lý do chẳng có gì là tất
định, Nguyễn Ái Quốc đã rẽ sang một bước ngoặt quyết liệt: có lẽ nghe
lời khuyên ngày 18-2-1922 của Phan Châu Trinh, anh đi sang Nga dự một
hội nghị trong một thời gian ngắn rồi sẽ tìm đường về nước hoạt động.
Nhưng chính trong chuyến đi này anh đã tạo ra được những quan hệ mới với
phong trào cộng sản quốc tế, từ đó lao hẳn vào một hướng đi có chất
lượng khác hoàn toàn: anh không còn hoạt động trong môi trường văn hoá
châu Âu nữa. Anh trở về với cái thế giới phương Đông xưa cũ của anh, có
lẽ vì đó mà anh mới có được điều kiện để từ giã thật sự cái nôi Phan
Châu Trinh đã ấp ủ anh từ ngày hướng về phương Tây, anh bỏ nước ra đi.
[1]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1975, tr. 28-29.
[2]“Người đã sáng lập ra Hội những người Annam yêu nước, gửi đến Hội nghị Vécxây Yêu sách của nhân dân Annam t…” t. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Chú thích số 23, tr. 492.
[3]Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1920), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 60.
[4]Trần Dân Tiên: Sđd, tr. 27.
[5]Xem Phan Thị Minh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Đà Nẵng, 2001, Quyển 4, tr. 240.
[6]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 27-28.
[7]Cũng
trong bản khai với Quốc tế Cộng sản 1938, Nguyễn Ái Quốc đã cho biết
ngày sinh của ông là 1903 (trong khi ngày công bố chính thức: 1900), mẹ
ông mất 1910 (thật ra là 1901). Xem Sophie Quinn-Judge: Như trên, tr.
27.
[8]Nhóm
những người Annam yêu nước năm 1920-1921 “tập hợp độ 15 người tích cực
yêu nước, gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, những người xuất dương
đầu tiên và những phần tử trẻ nhất, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn
An Ninh và Nguyễn Thế Truyền kể từ 1922” (D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Nguyễn Trọng Cổn lược dịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001, tr.26).
[9]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 24-25.
[10]“Ông
Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan
Văn Trường viết thay. Ông Trường viết gỉỏi nhưng không muốn ký tên. Mà
chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo.” (Trần Dân Tiên: Sđd, tr.
31)
[11]Thu Trang đã phân tích bài “Thư trả lời ông Outrey” (Le Populaire, 14-10-1919) và bài “Vấn đề người bản xứ Đông Dương” (L'humanité,
2-8-1919) và cho rằng tuy ký tên Nguyễn Ái Quốc nhưng văn phong và cách
lập luận là của Phan Văn Trường (Xem Thu Trang: Sđd, tr. 92-96).
[12]Nguyễn Ái Quốc: “Việt Nam yêu cầu ca”, Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 438-439.
[13]Xem Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (1911-1925), Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, Chú thích 11, Chương năm, tr. 150.
[14]Phan Thị Minh: “Thử xác định thêm năm nào Hồ Chí Minh đến Pháp và xuất xứ của danh hiệu Nguyễn Ái Quốc”, trong Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923), Sđd, tr. 422-423.
[15]Phan
Châu Trinh và Phan Văn Trường được chính quyền Pháp trả tự do vào tháng
7-1915, (vì không đủ bằng chứng kết tội hai ông về việc nhận tiền của
Đức để chống Pháp), luôn bị mật thám theo dõi, khó hoạt động, nên có
người đã cho rằng có thể vì đó hai ông “đã chủ động kéo” Nguyễn Tất
Thành sang Pháp để “chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao thế hệ”, từ việc
lập ra “Hội những người Annam yêu nước” (1917) đến việc công bố Yêu sách tám điểm (1919). Xem Phan Thị Minh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Năng, 2001, Quyển 4, tr. 247. Thiết tưởng đây vẫn chỉ là một giả thuyết.
[16]Kém
Phan Châu Trinh 3 tuổi. Quê ở làng Vẽ (Hà Nội). Vào làm toà Khâm sứ Bắc
Kỳ, cuối 1908 được tuyển sang Paris làm phụ giảng tiếng Việt ở Trường
Ngôn ngữ phương Đông. Xin học luật và xin nhập Pháp tịch. Từ 1910, thuê
một căn hộ nhà số 6 Villa des Gobelins, những năm sau thành nơi ở của
nhóm Việt Nam yêu nước tại Pháp trong đó có Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái
Quốc. Phan Văn Trường có hai anh ruột (Phan Tấn Phong, Phan Trường
Khiêm) có liên can đến vụ ném bom ở Hà Nội năm 1913. (Xem Thu Trang:
Sđd, tr. 47 và 58). Cuối năm 1923, rời Pháp về nước và hoạt động ở Sài
Gòn. Mất 1933, 58 tuổi.(Xem Phan Thị Minh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Nẵng, 2001, Quyển 3, Tập 1, tr. 114).
[17]Hội
do Phan Văn Trường làm chủ tịch. Ra mắt ngày 18-1-1912 tại trường
Parangon nơi có đông sinh viên Việt Nam học. Phát biểu tại buổi Hội ra
mắt có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Jules Roux. Không khai báo
với sở cảnh sát. Thường họp ở tiệm cà phê hay tiệm ăn Tàu. (Xem Thu
Trang: Sđd, tr. 48).
[18]Chính
sách của chính quyền Pháp đối với Phan Châu Trinh vào những năm ông mới
sang Pháp bao gồm có việc trợ cấp sinh sống, tìm cách sử dụng làm
chuyên gia nghiên cứu một số vấn đề ở Đông Dương, nhưng đồng thời cho
mật thám và cử người ở bên cạnh theo dõi thường xuyên . (Xem Phan Thị
Minh: Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới, Sđd, Quyển 3, tập1, tr. 53-56).
[19]Tên thật là Nguyễn Văn Xuân, làm nghề buôn máy ảnh, thường đi lại bên Đức lúc bấy giờ.
[20]Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 60.
[21]Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, bài viết cho tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên xô) 1960, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr. 126.
[22]Một
mật báo tháng 1-1920 đã ghi lại những lời lẽ sau đây của Nguyễn Ái Quốc
với một “Việt kiều”: “Bây giờ anh lại trách tôi là quá mạnh. Hỏi thử
các anh đã làm gì từ năm năm nay? Chẳng một ai biết đến Annam cả. Nếu
cần phải “ba gai” hay làm cả những gì vớ vẩn để thiên hạ biết đến, chúng
ta cũng phải làm. Nếu ai hỏi tôi nhóm người cách mạng ở đâu, tôi sẽ trả
lời họ là 20 triệu người bên ấy, họ đã phản đối hàng ngày mà bị dìm đi.
Nói cho cùng ai làm gì tôi? Bỏ tù tôi ư? Lưu đày tôi ư? Hoặc cắt đầu
tôi, điều ấy có xảy ra tôi cũng bất cần!”. (Xem Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, Sđd, tr. 130-131).
[23]Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 78, 80.
[24]Trần Dân Tiên, Sđd, tr. 44.
[25]Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Sđd, tr. 127.
[26]Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 33-36.
[27]D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Sđd, tr. 29.
[28]Hélène Carrère d’Encausse et Stuart Shram: Le Marxisme et l’Asie 1853-1964, Armand Colin, Paris, 1965, p. 199.
[29]Trong
phiên họp thứ 8 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, 23-6-1924, Nguyễn Ái Quốc
đã phát biểu một luận điểm tương tự: “Tất cả các đồng chí đều biết rằng
hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập
trung ở thuộc địa hơn là chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu
cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ
nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách
mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh
thường thuộc địa” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 274).
[30]“Lúc
bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên.
Tôi chưa hiểu hết tầm lịch sử quan trọng của nó.” (Hồ Chí Minh: “Con
đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Sđd, tr. 126).
[31]Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 36.
[32]Thống
kê của chính phủ Pháp cho biết số lượng ngưới Việt Nam có mặt ở Pháp và
Bắc Phi đến 30-3-1923 là 8.245 người. (Xem D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Sđd, tr. 17).
[33]Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 117.
[34]Ngồi ngoài gọi kẻ giỏi ra, đợi thời mà vào thình lình. Ý nói: gọi người ra ngoài giúp mình để đợi thời cơ mới về.
[35]Xem Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Sđd, tr. 176-181.
[36]Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Sđd, tr. 47-48.
[37]Nguyễn
An Ninh sinh ngày 6-9-1900 tại Chợ Lớn. Gia đình tiểu địa chủ. Học tiểu
học tại Taberd và trung học tại Chasseloup-Laubat (Sài gòn). Từ 1918
đến 1920, học luật tại Đại học Hà nội, sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp
tại Paris năm 1921. Trong thời gian ở Pháp có tham gia phong trào chống
thực dân với Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Du lịch
nhiều nơi ở châu Âu để mong tìm một ý thức hệ cho Việt Nam. 1923 về Sài
Gòn lập ra báo La cloche fêlée. Khởi đầu chủ xướng đường lối hợp tác Pháp Việt, nhưng 1924 quay sang phổ biến tư tưởng của Tagore và Gandhi. 1925, La cloche fêlée
thường trực giới thiệu những tác phẩm của những nhà lý luận cộng sản
như Zinoviev, Bukharin, Karl Radek, Gabriel Péri và những bài đã in
trong L'humanité của Đảng Cộng sản Pháp. 1926, in toàn bộ Tuyên ngôn cộng sản. Tháng 5-1926, Nguyễn An Ninh bị bắt, La cloche fêlée đình bản. (Xem Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese communism 1925-1945, Cornell University Press, Ithaca and London, 1982, Chú thích 26, tr. 49-50).
[38]Nguyễn Thế Truyền sinh 17-12-1898 ở Hành Thiện (Bắc Kỳ). Uỷ viên Tiểu ban Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp. Cộng tác với tờ Le Paria. Viết lời nói đầu cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp
của Nguyễn Ái Quốc. Theo cảnh sát Pháp, từ 1925 và 1927, anh là nhà
hoạt động tích cực nhất trong phong trào cách mạng Việt Nam ở Pháp, là
linh hồn của phong trào vùng Paris. Nhưng năm 1926 hoặc 1927, anh cắt
đứt với Đảng Cộng sản, lập ra Đảng Việt Nam Độc lập và trở về Sài Gòn
ngày 9-1-1928. Trở thành người theo chủ nghĩa dân tộc, sống ở Bắc Kỳ,
rồi lại sang Pháp từ 1934 đến 1938. (Xem D. Hémery: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác, Sđd, Chú thích 3, tr. 26).
Chương 3
Từ Nga sang Trung Quốc
Thời gian ở Nga
1. Mục đích của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Nga là gì? Sách của Trần Dân Tiên không cho biết. Nhưng nhiều người cho rằng anh đến Liên Xô để dự Đại hội Quốc tế Cộng sản (QTCS) lần thứ 5 [1] .
Không đúng! Đại hội QTCS lần thứ 5 họp từ 17-6 đến 3-7-1924. Trước đó hơn hai tháng, trong bức thư đề ngày 11-4-1924 gửi Ban chấp hành QTCS, Nguyễn Ái Quốc viết:
“… từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau ba tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định” [2] .
Ý này được nhắc lại trong thư đề ngày 11-9-1924 gửi QTCS sau Đại hội cũng hơn hai tháng:
“Tôi đã đến Mátxcơva vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại ở đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác” [3] .
Như vậy, cả Đảng Cộng sản Pháp lẫn Đảng Cộng sản Nga, không đảng nào dự trù sự tham dự của Nguyễn Ái Quốc vào Đại hội 5 QTCS cả.
Thật sự thì lý do chính thức đưa Nguyễn Ái Quốc sang Nga là để dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, một tổ chức quần chúng do QTCS lập ra để tập hợp lĩnh tụ của những đảng nông dân cánh tả hoặc hiệp hội nông dân từ châu Âu, Á, Mỹ. Khai mạc tại cung Andreyev trong điện Kremlin ngày 10-10-1923 [4] .
Như trong các thư gửi QTCS, Nguyễn Ái Quốc định họp xong Hội nghị này thì sẽ sang Trung Quốc (khoảng cuối năm 1923) chứ không có ý định ở lại lâu đến hơn cả năm như đã xảy ra. Và điều này khiến Nguyễn Ái Quốc không khỏi bực bội, như lời lẽ trong hai bức thư đã chứng minh, nhất là bức đề ngày 11-9-1924 nói trên.
Có một chi tiết đáng chú ý: sau khi dự Hội nghị Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đã viết cho QTCS nhờ can thiệp về một chuyện lặt vặt, lời lẽ tỏ ra không kém gay gắt: được bố trí một nơi ở quá tồi tệ, anh đã phản đối bằng cách không đóng tiền nhà và đã bị Sở Quản lý Nhà hăm đưa ra toà [5] . Không biết vụ việc được giải quyết ra sao nhưng sau đó hơn nửa năm, anh được đổi chỗ ở đến khách sạn Lux, tạm thời thuộc biên chế Ban phương Đông. Một đại biểu được dự kiến cho Đại hội Quốc tế không bao giờ bị đối xử theo kiểu đó.
2. Như vậy là Nguyễn Ái Quốc đã bị “kẹt” lại ở Nga. Và chính do bị kẹt lại, anh mới có thời gian dự nhiều hội nghị.
Sang Trung Quốc
1. Nguyễn Ái Quốc cho biết ngày 11-11-1924 – có chỗ anh lại viết là tháng 12-1924 – anh tới Quảng Châu. Có ý kiến cho rằng trước khi sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã được cử làm phái viên toàn quyền Ban Thư ký Viễn đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản [12] . Tương tự như vậy có người đã viết: tuy không lộ cương vị trong QTCS, nhưng công khai Nguyễn Ái Quốc vẫn được xem là “cố vấn và người phiên dịch cho Borodin” [13] , nếu không cụ thể như vậy thì đại khái như một cái gì đó bao gồm cả trợ lý, thư ký, phiên dịch, chuyên viên về các vấn đề châu Á cho Borodin [14] .
Tất cả đều không đúng! Riêng về phiên dịch cho Borodin (theo nghĩa toàn diện là viết và nói được tiếng Trung Quốc) thì không thể vì chính Nguyễn Ái Quốc cho biết lúc bấy giờ anh “chỉ biết viết chứ không biết nói” thứ tiếng này [15] . Còn tư cách thật sự của anh khi sang Trung Quốc là gì đựơc anh nói rõ trong thư ngày 11-9-1924 gửi Voitinsky (Thư ký Ban Phương Đông QTCS, Phó Tiểu ban Viễn Đông):
“1) Ban sẽ giới thiệu tôi với Quốc dân Đảng để tôi làm việc ở đấy vì ngoài lộ phí, Ban không thể giúp tôi về tài chính. 2) Tôi sẽ ở chỗ đó với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản. 3) Tôi sẽ không có những quan hệ với Đảng chúng tôi (Đảng Cộng sản Pháp - LP) ở Trung Quốc.
Dù tất cả những điều kiện đó đối với tôi là khó, nhưng tôi vẫn chấp nhận để có thể đi được. Để cứu vãn các điều kiện 2 và 3, tôi yêu cầu Đảng tôi cho tôi một giấy uỷ nhiệm, và gởi cho Đảng Trung Quốc một bức thư yêu cầu giúp đỡ tôi trong công tác. Vậy là vấn đề đã được giải quyết” [16] .
Qua thư trên đây, chúng ta thấy việc Nguyễn Ái Quốc được đưa về Trung Quốc như là một bộ phận trong kế hoạch nghiêm ngặt của Nga đối với Quốc dân Đảng. Không được nhân danh QTCS, không được quan hệ với Đảng Cộng sản Pháp ở Trung Quốc. Tất nhiên không thể mang tên Nguyễn Ái Quốc như ở Nga. Có liên quan đến QTCS thì cũng chỉ đại diện cho tổ chức quần chúng của QTCS là Quốc tế Nông dân. Và cũng chỉ đại diện bí mật thôi. Gửi cho Dombal, Tổng thư ký Quốc tế Nông dân ngày 12-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đã cho biết tình trạng đặc biệt đó của mình:
“Về việc liên quan tới vị trí của tôi là ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân thì đồng chí cứ làm nếu như đồng chí xét là tốt hoặc là đề nghị thay thế tôi, ở trường hợp này đồng chí nói là tôi ốm, chứ đừng nói tôi vắng mặt, bởi vì tôi sống bất hợp pháp ở đây. Hoặc là nếu đồng chí thấy có ích thì cứ giữ lại cái danh nghĩa dân thuộc địa Nguyễn Ái Quốc để trang trí cho những tuyên ngôn và những lời kêu gọi của Hội đồng” [17] .
Nói chung, tuy ở Nga đã là cán bộ của Ban phương Đông Quốc tế [18] nhưng sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc không có một danh nghĩa nào ngoài là phóng viên và phiên dịch cho hãng Rosta (tiền thân của TASS) lương 150 đôla/ tháng, với tên Nga: Nilốpxki, tên Trung Hoa: Lý Thuỵ.
Trong tình trạng “bất hợp pháp” ấy, muốn hoạt động cho Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc phải nhờ Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu với Đảng Cộng sản Trung Quốc để móc nối với cơ sở, còn về phương tiện thì phải tự lực hoàn toàn. Vì phải dùng tiền lương vừa để sinh sống vừa chi cho công việc, Nguyễn Ái Quốc thường viết thư cho QTCS than phiền và luôn đề nghị giúp đỡ về tài chính.
2. Mặc dù với những khó khăn như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã gặp rất nhiều thuận lợi khách quan để triển khai những hoạt động đã định trước của mình.
3. Có lẽ nhờ vào những thuận lợi ấy, vừa đến Quảng Châu không lâu, ngày 18-12-1924, Nguyễn Ái Quốc đã có thể báo cáo được ngay kết quả của công tác với QTCS:
“Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia Annam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi (hai mươi thì đúng hơn - LP) năm nay. Trong thời gian đó ông ta đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp. Tất cả những cuộc nổi dậy ấy đều đã đưa tới mấy cái chết của mấy tên sĩ quan và binh lính Pháp, sự chiếm đoạt mấy khẩu súng và… là việc người của chúng ta chạy thoát, do không được giúp đỡ và viện trợ.
Mục đích duy nhất của ông này là trả thù cho nước, cho nhà đã bị bọn Pháp tàn sát. Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng. Trong các cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không có cơ sở. Ông đã đồng ý. Và đây là những việc mà chúng tôi bắt đầu cùng nhau tiến hành:
Vậy nếu “nhà cách mạng Annam” nói trên không phải là Phan Bội Châu thì là ai?
Theo sự phân tích của Sophie Quinn-Judge, đó có thể hoặc là Nguyễn Hải Thần hoặc Hồ Học Lãm, cả hai đều có anh và cha bị Pháp giết. Nhưng Hồ Học Lãm, chú của Hồ Tùng Mậu, dường như ở Hàng Châu suốt thời kỳ này. Có vẻ như Nguyễn Hải Thần thì đúng hơn. Một mật báo của Pháp 1933 cho biết khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã “khôn khéo tham khảo Nguyễn Cẩm Giàng, ông này rất có uy tín với đồng bào ông”. Báo cáo ấy cho biết với sự giúp đỡ của Nguyễn Cẩm Giàng, Nguyễn đã lập ra một nhóm mới, nhưng rồi sau này do bất đồng, Giàng đã đứng ra lập một nhóm khác. Nguyễn Cẩm Giàng là ai? Điều này đã được làm sáng tỏ trong báo cáo của Lâm Đức Thụ gửi cho mật thám Pháp: Nguyễn Cẩm Giàng chính là Nguyễn Hải Thần [26] . Trong một báo cáo khác, Lâm Đức Thụ còn nói rõ hơn: “Lý Thuỵ và Nguyễn Hải Thần đang hoạt động tích cực để thành lập Hiệp hội, Phan Bội Châu không biết” [27] .
Dù có ý thức cảnh giác khá cao, Nguyễn Ái Quốc đã vấp phải một sơ hở cực kỳ tai hại, và có lẽ cũng không lường được là ngay khi chiêu mộ người để thành lập những hạt nhân ban đầu cho tổ chức, anh đã để lọt vào hàng ngũ của mình một mật thám của Pháp là Lâm Đức Thụ [28] trong một thời gian khá dài. Tất cả những hoạt động của những tổ chức do anh tạo ra ở Quảng Châu đều đã được báo cáo hết với Mật thám Pháp, không phải từ khi vừa đến Quảng Châu mà mãi đến về sau khi anh trở lại Nga rồi sang Thái Lan (1929) [29] .
Những hạt nhân ban đầu
1. Như vậy, qua Nguyễn Hải Thần [30] , Nguyễn Ái Quốc đã lập ra được một nhóm cách mạng bí mật ở Quảng Châu, mà nội dung hoạt động của nhóm ấy, qua bức thư 18-12-1924 gửi QTCS, đúng là chương trình của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Nhưng bấy giờ, vào khoảng tháng 1, tháng 2 năm 1925, trong các thư báo cáo cho QTCS, Nguyễn Ái Quốc đều gọi đó là “Việt Nam Quốc dân Đảng”, hoặc “Quốc dân Đảng ở Đông Dương”, theo nghĩa mà ta có thể suy ra là: đã xâm nhập và chuyển hoá Quốc dân Đảng của Phan Bội Châu [31] thành một tổ nòng cốt.
Mặc dù luôn luôn than phiền về việc thiếu tiền, hoạt động của Nguyễn vẫn có những tiến triển rất đáng khích lệ. Trong báo cáo ngày 19-2-1925 gửi QTCS, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã có được 9 hội viên trong nhóm bí mật (2 người đã được đưa về nước, 3 người trong quân đội Tôn Dật Tiên, 2 đoàn viên dự bị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin, trong số những hội viên ấy có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản (có lẽ của Trung Quốc vì Việt Nam chưa có Đảng) [32] . Nguyễn Ái Quốc không nói tên, nhưng qua hồi ký của những đảng viên cộng sản Việt Nam sau này, người ta biết đó là Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Lê Quảng Đạt. Trừ có Lâm Đức Thụ là người Thái Bình, tất cả đều là người thuộc nhóm Tâm Tâm Xã quê ở Nghệ An.
Với sự chiêu tập nhờ vào tình đồng hương đó, Nguyễn Ái Quốc cũng đã tiếp nhận luôn cả cơ sở hoạt động cũ của Phan Bội Châu, trong đó có cả cơ sở ở Thái Lan, căn cứ vào đó Nguyễn Ái Quốc có ý định mở rộng thêm phạm vi (Quảng Tây, cực nam Quảng Đông, Bangkok, Tichkho (Thái Lan), Lạc Phách, tả ngạn sông Mekong (Lào). Một điều khá quan trọng trong kế hoạch của Nguyễn Ái Quốc: xin giúp đỡ tài chính để đưa sinh viên Annam sang Moskva học tập, vì đây là phương cách đào tạo cán bộ lãnh đạo không thể thiếu cho việc mở rộng phong trào.
Đầu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị, phê phán các phong trào yêu nước của các sĩ phu đầu thế kỷ 20, giới thiệu các phong trào cách mạng thế giới và những kỹ thuật tổ chức, tuyên truyền vận động quần chúng theo phương pháp của Lenin. Hầu hết những học viên của khóa học này (khoảng 10 người) đều đã hoạt động tại Quảng Châu từ trước. Đến tháng 6-1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội được thành lập, tuần báo Thanh niên cơ quan của Hội ra mắt số đầu tiên. Tháng 7-1925, phối hợp với một số người Trung Quốc lập ra Hội Liên hiệp các Dân tộc bị Áp bức; Nguyễn Ái Quốc đứng tên công khai là Lý Thuỵ (lúc này Nguyễn Hải Thần còn hợp tác) lãnh đạo Hội với chức Bí thư kiêm phụ trách tài chính đồng thời đảm nhận trực tiếp chi bộ Việt Nam của Hội.
2. Năm 1926, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu gặp khó khăn. Sau khi Tôn Trung Sơn chết vì bệnh (12-3-1925), những mâu thuẫn giữa các xu hướng trong Quốc dân Đảng Trung Quốc đã bộc lộ. Mùa hè 1925, Đới Quý Đào thuộc phe hữu xuất bản một loạt tác phẩm, trong đó có quyển Cơ sở triết học của chủ nghĩa Tôn Văn, đả kích Đảng Cộng sản, phê bình chủ nghĩa Mác. Ngày 10-3-1926, Tưởng Giới Thạch ra lệnh thiết quân luật toàn thành phố Quảng Châu, bắt giam Quyền cục trưởng Cục Hải quân Lý Chi Long, đảng viên Đảng Cộng sản, bao vây Lãnh sự quán Liên Xô [33] . Nhưng do hai bên biết kềm chế và nhượng bộ nên sự hợp tác vẫn chưa đổ vỡ. Borodin đồng ý với Thường vụ Quốc dân Đảng, giảm bớt vai trò của những đảng viên cộng sản trong Quốc dân Đảng: không được đứng đầu các ban ngành nhà nước, số người tham gia trong các Uỷ ban quy định chỉ còn 1/3 [34] .
Công việc của Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục mặc dầu có chậm lại chủ yếu là do thiếu tiền [35] . Tháng 6-1926, báo cáo với QTCS, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã làm được một số việc sau đây: 1) Lập được một tổ bí mật, 2) Tổ chức được Hội Liên hiệp Nông dân ở Xiêm, 3) Tổ chức một tổ thiếu nhi (con cái nông dân và công nhân hầu hết từ Xiêm sang), 4) Tổ chức một tổ phụ nữ cách mạng, 5) Tổ chức một trường tuyên truyền (các học viên bí mật đưa đến Quảng Châu), sau một tháng rưỡi học tập, được đưa về nước hoạt động [36] .
Sau khoá huấn luyện đầu năm 1925, từ 1926 đến 1927, với “trường huấn luyện” [37] này, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức được hai khoá nữa. Khoá 2: Bắt đầu từ tháng 6-1926. Gồm khoảng 20 học viên [38] , trong đó một số thành viên của Đảng Phục quốc ở Vinh (sau đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Tân Việt) là Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba (học trò Trần Phú). Khoá 3: Bắt đầu cuối 1926 và chấm dứt vào 2-2-1927, gồm khoảng 30 người, có đủ người ở ba miền, Nghệ Tĩnh vẫn nhiều nhất: Vương Thúc Oánh (con rể Phan Bội Châu), Phan Đăng Lưu, Hoàng Ngọc An, Ngô Sĩ Sách, Ngô Đức Trì, Hà Huy Tập (trong Việt Nam Cách mạng Đảng ở Vinh)… [39] . Cuộc vận động và huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm này đã đạt được kết quả đáng kể: việc thâu phục được Tâm Tâm Xã còn được tăng cường thêm nhiều thành viên của Phục quốc (Cách mạng Đảng). Trong lúc đó, một phái đoàn của QTCS gồm có Jacques Doriot (đã trở thành chủ tịch Ban Thuộc địa của Đảng CS Pháp), Tom Mann (Anh) và Earl Browder (Mỹ) sang Quảng Châu quan sát và đã được Nguyễn Ái Quốc hướng dẫn và tranh thủ sự giúp đỡ [40] . Ngày 3-3-1927, Doriot, Nguyễn Ái Quốc và Volin (đại diện nhóm cố vấn Nga) thoả thuận một bản ghi nhớ đồng ý để Nguyễn chuẩn bị một ngân sách gửi lên QTCS trong khi đó Doriot viết một tuyên ngôn cho Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam cùng với một nghị quyết hoạch định tương lai cho tổ chức này [41] .
3. Có thể coi tuyên ngôn do Doriot viết trên đây là tổng kết những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu trong những năm 1925-1927, trong tuyên ngôn này Doriot nói rõ Thanh niên là một tổ chức quốc gia có mục đích công khai không khác gì Quốc dân Đảng Trung Quốc. Ý tưởng được nhấn mạnh ở đây là cần thực hiện mặt trận thống nhất dân tộc: trừ một số rất nhỏ những kẻ trục lợi, tất cả mọi người (công nhân, nông dân, thương gia và trí thức) đều tìm thấy ích lợi trong sự nghiệp chống đế quốc. Không nên từ khước bất cứ cố gắng nào để lôi cuốn họ vào những cuộc tranh đấu có tổ chức hằng ngày. Không nên từ chối sự hợp tác của họ. Dù rằng tuyên ngôn ấy có kể đến Cách mạng Nga như một mẫu mực chống đế quốc, nhưng không thấy chỗ nào nói đến chủ nghĩa cộng sản. Ý định muốn xây dựng Thanh niên thành một tổ chức quốc gia của QTCS cũng đã được Lâm Đức Thụ nhấn mạnh trong báo cáo ngày 17-3-1925: “Gần đây, những nhà cách mạng Trung Quốc và Pháp đã khuyến khích ‘các đồng chí’ tạo ra một đảng giống như đảng cách mạng dân tộc Trung Quốc, với một cơ quan tuyên truyền và thông tin rộng khắp thế giới” [42] .
Nói cách khác thì để phù hợp với đường lối của QTCS – thực chất do Nga chi phối – Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chưa phải là một đảng cách mạng đúng nghĩa mà chỉ một tổ chức bình phong hoạt động theo đường lối dân tộc – cùng tồn tại đồng thời với những tổ chức quần chúng khác như Thiếu nhi, Phụ nữ, Nông hội… – tập hợp các đối tượng trong giới sinh viên trí thức, số lượng ít ỏi và chất lượng chưa cao. Xét một cách khách quan thì điều này cũng do tình hình nội tại trong nước quy định – phong trào trong nước chưa có gì. Trong điều kiện ấy, thích hợp nhất, là một tổ chức hình thành từ bên ngoài và từ bên trên trước, rồi sau đó tiến đến việc đưa dần vào bên trong và bên dưới, và cũng chính trong tổ chức ấy, hình thành những hạt nhân cộng sản (Thanh niên Cộng sản Đoàn…) làm nòng cốt điều động phương hướng cho phong trào [43] . Để tạo ra cái vốn nhân sự ban đầu ấy, theo phương pháp của QTCS, Nguyễn không biết tìm ở đâu ngoài việc tuyển mộ và chuyển hoá những thanh niên tiểu trí thức nửa Tây nửa Nho (phần lớn là những đồng hương của anh) đang hoạt động trong các tổ chức yêu nước có sẵn (Tâm Tâm Xã, Tân Việt…). Kết quả dù sao cũng rất đáng kể trong bước khởi đầu, như Nguyễn đã báo cáo tổng kết gửi Ban phương Đông vào tháng 6-1927:
“Mặc dù thiếu thời gian và tiền, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí người Nga và Annam, chúng tôi đã có thể: 1) Đưa 75 thanh niên Annam đến học ở Trường tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu, 2) Xuất bản ba tờ tuần báo nhỏ, 3) Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ 4) Thành lập một liên đoàn cách mạng do một uỷ ban gồm 5 uỷ viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Đông Dương đó” [44] .
4. Giữa lúc Nguyễn Ái Quốc cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của QTCS để mở rộng hình thức hoạt động nói trên thì tình hình ở Quảng Châu trở nên xấu đi đột ngột. Cuộc đảo chính ngày 12-4-1927 của Tưởng Giới Thạch khởi đầu từ Thượng Hải với một chiến dịch khủng bố quy mô lan tràn khắp nơi từ Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Phúc Kiến, Quảng Tây, Tứ Xuyên… đã phá nát phong trào lao động cánh tả ở đây và đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc vào hoạt động bí mật. Ngày 15-4, ở Quảng Châu có hơn 2000 vừa đảng viên cộng sản vừa dân thường bị giết. Ngày 28-4-1927, Lý Đại Chiêu, một người sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc bị giết tại Bắc Kinh [45] . Nguyễn Ái Quốc sau khi rời Trung Quốc, về đến Nga đã báo cáo tình hình ấy với Ban phương Đông QTCS như sau:
“Khi cuộc đảo chính nổ ra, 3 trong 5 uỷ viên của Uỷ ban Đông Dương bị bắt, tôi suýt bị bắt, tướng Lý Tế Thâm có quan hệ mật thiết với bọn đế quốc Pháp ở Đông Dương và ở Hạ Môn, một đồng chí người Nga duy nhất có trách nhiệm lúc đó đang ở Quảng Châu lúc đó cũng không thể giúp đỡ chúng tôi, hoặc cho một lời khuyên nào, thậm chí ngừng trả tiền cho tôi với tư cách là người phiên dịch. Khi đó tôi chỉ còn cách là phải chọn gấp giữa hai con đường hoặc là để bị bắt hay tiếp tục qua Moscou về công tác ở Xiêm” [46] .
Trong tình thế cực kỳ nguy hiểm ấy, Nguyễn Ái Quốc đã chấm dứt sứ mệnh những năm 1925-1927 của mình ở Trung Quốc. Do công việc của anh trong thời kỳ này hoàn toàn tuỳ thuộc vào đường lối hợp tác của Nga với Quốc dân Đảng cho nên sự thành công và thất bại của anh ở đây, liên hệ đến Việt Nam, cũng hoàn toàn là sự thành công và thất bại của đường lối ấy. Nhận xét này rất quan trọng để chúng ta hiểu thêm những bước thăng trầm của Nguyễn Ái Quốc trong những năm kế tiếp, đặc biệt nhất là cái khoảng thời gian trước và sau khi anh đứng ra hợp nhất các phe phái khác nhau trong phong trào cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
© 2007 talawas
[1]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tr. 179 hoặc Đặng Hoà: Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr. 69 .
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, T 1, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr. 252.
[3]Như trên, tr. 303.
[4]Ngày 16-10-1923 Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân gồm 52 người. 17-10, Hội đồng họp lần đầu tiên, được bầu vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng gồm 11 uỷ viên.
[5]“1. Trong những tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây bao giờ cũng có 4, 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục ngăn trở tôi làm việc. Ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi. Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp về tiền nhà để tỏ sự phản đối. 2. Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi phải gánh 13 rúp 74 cho tháng ba và 11 rúp 61 cho những tháng sau. So sánh không gian hẹp và trang bị nội thất quá đơn sơ so với các phòng khác rộng hơn nhiều, tiện nghi hơn, có nhiều đèn, điện thoại, tủ, ghế bành, phòng tắm, v.v… và tiền thuê thoả đáng thì giá mà người ta buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 248).
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 273-274.
[7]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 186-187
[8]Như trên, tr. 191-192.
[9]“Việc thành lập trường đại học bônsêvích đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc điạ ở phương Đông, và nhà trường đã dạy chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp, và nhà trường đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi – những người nô lệ – khả năng hoạt động chặt chẽ” (Báo L'Unità, 15-3-1924, trong Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 483).
[10]Hélène Carère et Stuart Schram: Le marxisme et l'Asie 1853-1964, Armand Colin, Paris, 1965, tr. 218.
[11]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 52
[12]Epghênhi Côbôlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, tập 1, Thanh Niên, Hà Nội, 1985, tr. 175.
[13]Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 147.
[14]Jean Lacouture: Ho Chi Minh, Vintage books, Newyork, 1968, tr. 46.
[15]Thư 19-9-1924 gửi Treint, Đảng Cộng sản Pháp, Uỷ viên Ban chấp hành QTCS. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 203).
[16]Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 303.
[17]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1.
[18]Quyết định ngày 14-4-1924 của Ban phương Đông QTCS do Petrov ký. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tr. 189).
[19]Bắt đầu từ cuối năm 1922, dưới ảnh hưởng của Nga, QTCS đã chỉ đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện đường lối “mặt trận thống nhất” của Lênin một cách hết sức đặc biệt: trong khi vẫn giữ tính độc lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mặt tổ chức thì những cá nhân các đảng viên phải gia nhập Quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên. Sau nhiều lần thương lượng với Tôn Dật Tiên, chính sách này được áp dụng rộng rãi bắt đầu từ Đại hội lần thứ nhất của Quốc dân Đảng, tháng 1 năm 1924 . (Xem Hélène Carère và Stuart Schram: Sđd, tr. 79-80).
[20]Phan Bá Ngọc, con của Phan Đình Phùng, bị cám dỗ bởi chương trình “cải cách” của Albert Sarraut, nên đã làm việc này. Bị coi là phản bội, Phan Bá Ngọc bị Lê Hồng Sơn, theo lệnh của Cường Để, ám sát năm 1922 (Phan Bội Châu: Tự phán, Sđd, tr. 229).
[21]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, trr. 8-9.
[22]Như Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 122. Không chỉ khẳng định, có tác giả còn hư cấu ra cả một “kịch bản” đối thoại về “hai ngày chung sống giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc tại báo Hàng châu quân sự, như Thanh Đạm: Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb Nghệ An – Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr. 57-71.
[23]Phan Bội Châu niên biểu được Georges Boudarel chuyển sang Pháp văn là Mémoires de Phan Bội Châu in trong tạp chí France- Asie số 194-195 (Paris, 1969). Căn cứ vào một đoạn trong PBCNB, Boudarel ghi chú: Phan Bội Châu cho biết ông đến Quảng Châu từ tháng 7 đến tháng 9 (1924), trong khi đó Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu 3 tháng sau đó (tháng 12-1924), hai người không thể gặp nhau. Xem Chương Thâu–Trần Ngọc Vương: Phan Bội Châu, về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr. 325.
[24]Xem Vĩnh Sính: “Mối liên hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc, 1924-1925 – giới thiệu tài liệu mới phát hiện”, trong Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hoá, Nxb Văn Nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 231-242.
[25]Về việc Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc, Vĩnh Sính viết: “Trong PBCNB (Phan Bội Châu niên biểu), Phan Bội Châu quy cho Nguyễn Thượng Huyền, người được Phan “nuôi dưỡng” ở Hàng Châu, tội mật báo với Pháp “thời khắc đi đường và hành động” của Phan để họ bắt cóc Phan ở ga Thượng Hải. Trong khi đó, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, trong hồi ký, lại quy cho Lâm Đức Thụ là người chủ mưu” (Vĩnh Sính: Sđd, tr. 242). Sophie Quinn-Judge trong luận án Nguyen Ai Quoc, The Comintern and The Vietnamese Communist mouvement 1919-1941 đã tỏ vẻ đồng tình với ý kiến của Cường Để và phản bác toàn bộ những cái mà bà gọi là “anti-communist version” cho rằng chính Nguyễn Ái Quốc là người đã báo cho Pháp bắt Phan Bội Châu vừa để khử một đối thủ chính trị đáng gờm, vừa để lấy tiền của Pháp lập quỹ cho cách mạng cộng sản, lại vừa tạo ra sự kích động chống Pháp trong dân chúng (Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 80-81).
[26]Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 83.
[27]Như trên, tr. 85. Thật sự thì căn cứ vào bức thư của Phan Bội Châu gửi Hồ Tùng Mậu ngày 3-3-1925, trước đó Lý Thuỵ có hỏi ý kiến Phan Bội Châu về việc thành lập đoàn “Tân Thanh niên” và Phan đã trả lời là “cực lực tán thành” (Xem Vĩnh Sính:, Sđd, tr. 239) .
[28]Lâm Đức Thụ tên thật là Nguyễn Công Viễn (thường được gọi là Trương béo), tên mật thám là Pinot (Agent Pinot), tốt nghiệp Đại học quân sự Bắc Kinh. Về sau người ta biết được đó là con của Nguyễn Hữu Đán (Đản?), ông ngày là bạn đồng song của ông thân sinh Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Sinh Huy tại Viện Hàn lâm Quốc tử giám tại Huế. Thụ làm nghề nhiếp ảnh tại Quảng Châu, rất nhiều lính mới tuyển của Thanh niên đã bị Thụ chụp hình, qua những ảnh này, thực dân Pháp đã nhận diện những người cộng sản bị nghi ngờ vào những năm 1930-1931 (Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 76).
[29]Chính vì việc này mà năm 1935, Hà Huy Tập, Tổng Bí thư ĐCSĐD sau Đại hội Macao 1935 đã tố cáo với QTCS là Nguyễn Ái Quốc phải chịu trách nhiệm về việc có cả trăm cán bộ Thanh niên khi về nước đã bị Mật thám Pháp bắt. Theo Hà Huy Tập, Nguyễn biết Lâm Đức Thụ là mật thám mà vẫn tin dùng (sẽ nói trong chương IV). Không biết đúng sai như thế nào, nhưng có bằng chứng cho biết Nguyễn rất thân thiết với Lâm: khi tới Quảng Châu hoạt động, Nguyễn đã nhờ vợ chồng Lâm Đức Thụ làm mai để cưới một người vợ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh (đám cưới tổ chức vào tháng 10-1926, khi Nguyễn Ái Quốc 36 tuổi, Tăng Tuyết Minh 21 tuổi, hôm cưới có Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu An Lai dự). Sau cuộc đảo chính 1927 của Tưởng Giới Thạch, trong khi Nguyễn qua Nga, sang châu Âu tìm cách về Xiêm, có nhờ gửi vợ một bài thơ bằng chữ Hán sau đây: [Không hiểu sao thư lại bị mật thám Đông Dương chặn được ngày 14-8-1928, hiện lưu tại CAOM (Aix-en-Provence); Daniel Hémery công bố trong HO CHI MINH: De l'Indochine au Việt Nam, Gallimard, Paris, 1990, tr. 145].
Phiên âm: Dữ muội tương biệt, Chuyển thuấn niên dư, Hoài niệm tình thâm, Bất ngôn tự hiểu, Tư nhân hồng tiện, Dao ký thốn tiên, Tỷ muội an tâm, Thị ngã ngưỡng vọng. Tinh thỉnh Nhạc mẫu vạn phúc. Ký: Chuyết huynh THUỴ.
Dịch nghĩa: Cùng em xa cách, Đã hơn một năm, Thương nhớ tình thâm, Không nói cũng rõ, Cánh hồng thuận gió, Vắn tắt vài dòng, Để em an lòng. Và xin kính chúc Nhạc mẫu vạn phúc . Ký: Anh ngu vụng: LÝ THUỴ. (Bản dịch N.H. Thành).
Tài liệu về việc Hồ Chí Minh có vợ tại Quảng Châu: Hoàng Tranh: “Hồ Chí Minh với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung hoành số tháng 11-2001, xuất bản tại Nam Ninh. Bản dịch tiếng Việt: Minh Thắng, đăng trên tạp chí Diễn Đàn (xuất bản tại Pháp), số 121 tháng 9-2002.
[30]Người theo chủ nghĩa dân tộc, xứ Bắc, chủ trương bạo động. Theo phong trào Đông du của Phan Bội Châu, qua Nhật 1905. Sau khi phong trào bị chính phủ Nhật cấm, đã sang Trung Quốc. Mật thám Pháp cho biết chính Nguyễn Hải Thần đã chỉ huy Phạm Hồng Thái đánh bom định giết toàn quyền Merlin tại Quảng Châu 1924. Do là một sĩ quan trong quân đội Vân Nam, Nguyễn Hải Thần không tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, nhưng đã hợp tác khá chặt chẽ với Nguyễn Ái Quốc trong một thời gian. Theo báo cáo của Lâm Đức Thụ thì trong hợp tác, hai người vẫn tự do theo đuổi đường lối riêng của mình. Tháng 5-1925, Nguyễn Hải Thần thất thế hoàn toàn do cùng mấy tướng quân phiệt Vân Nam nổi loạn và đã bị học viên võ bị Hoàng Phố dập tắt. Đã tham gia “Bị áp bức Liên hiệp hội” và góp phần xuất bản báo Thanh Niên. Mùa hè 1925, theo sự phân công của Lý Thuỵ, Nguyễn Hải Thần có về Bắc Kỳ vận động người sang học ở Quảng Châu. Nhưng đến 1926 thì mối quan hệ giữa hai người bắt đầu rạn nứt và chấm dứt vào 1927. Theo Lâm Đức Thụ, vì tranh giành ảnh hưởng, Nguyễn Hải Thần thường ganh tị với Lý Thuỵ. (Xem Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 95).
[31]Phan Bội Châu lập ra 1924 thay cho Việt Nam Quang phục Hội chỉ còn là “một bức thần vị để tế ở trên bàn thờ”. (Phan Bội Châu: Tự phán, Nxb Văn hoá thông tin, 2000, tr. 248).
[32]Hồ Chí Minh toàn tập, T.2, tr. 141.
[33]Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr. 270–271.
[34]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 93.
[35]Theo báo cáo của Lâm Đức Thụ, để vận động thêm tài chính, từ 1925, Lý Thuỵ đã tính đến chuyện liên hệ với người bạn cũ tên là Khánh Ký, quen từ Paris, bấy giờ đã về Sài gòn, vẫn làm nghề nhiếp ảnh. Bùi Quang Chiêu, thầy dạy cha Nguyễn Ái Quốc ở Huế, trong Đảng Lập hiến, khá giàu có, cũng được Lý Thuỵ tính đến trong việc quyên góp (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 99).
[36]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 223.
[37]Có thể cuối năm 1925 hoặc đầu năm 1926 “trường huấn luyện” này mới chính thức thành lập (các lớp huấn luyện trước đó thay đổi địa chỉ luôn). Ở lối vào nhà có tấm biển “Ban huấn luyện chính trị đặc biệt”. Trên tường phòng học có treo chân dung K. Marx. V.I. Lenin, I.V. Stalin, Tôn Dật Tiên, Phạm Hồng Thái. Được chính phủ Tôn Dật Tiên coi như một phân hiệu của Trường Quân chính Hoàng Phố và đã hoạt động dưới sự giúp đỡ của chính phủ Quảng Châu. (Xem Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, Sđd, tr. 124).
[38]Gồm có những người đến từ các địa phương: Nghệ Tĩnh: Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng; Thanh Hoá: Hoàng Văn Tùng, Lê Mạnh Trinh, Trần Văn Đức, Nguyễn Văn Khang; Bắc Kỳ: Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Danh Đới, Trần Công Bắc (tức sau này là tướng Nguyễn Sơn); Xiêm: Võ Tòng, Đặng Thái Thuyến. Phạm Văn Đồng từ Quảng Ngãi cũng đến nhưng ốm phải đợi lớp sau. Lê Mạnh Trinh giữa đường ở lại, lớp sau mới sang. Còn Tôn Quang Phiệt và Hoàng Văn Tùng dọc đường bị bắt. (Thanh Đạm: Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Sđd, tr. 126 -131).
[39]Những học viên ở các địa phương khác, Thanh Hoá: Lê Mạnh Trinh; Quảng Nam: Đỗ Quảng; Quảng Ngãi: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng; Thái Bình-Nam Định: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Ngọc Lân…; Hà Đông: Phiếm Chu; Bắc Ninh–Bắc Giang: Dương Hạc Đính, Kim Tôn; Nam Kỳ: Hồ Cao Cương (Tân An), Nguyễn Văn Thông (Sa Đéc), Bùi Văn Thêm (Sài Gòn)… Sau khi học Ngô Đức Trì, Trần Phú sang Nga học (cùng lúc với Bùi Lâm, Nguyễn Thế Rục, Bùi Công Trừng do Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu từ Pháp sang). Lê Thiết Hùng, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lê Quảng Đạt, Phùng Chí Kiên… được gửi sang trường Quân chính Hoàng phố (Thanh Đạm: Sđd, tr. 134 -138). Ngô Đức Trì (quê ở Hà Tĩnh con Ngô Đức Kế) khi về nước tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bị bắt năm 1930 và đã đầu hàng Pháp.
[40]Năm 1926, QTCS đã thành lập một Ban Bí thư mới cho nước Pháp, các thuộc địa của Pháp, Bỉ, Ý, và Thuỵ Sĩ, trong thời gian này, Đảng Cộng sản Pháp đựơc giao phụ trách phần lớn phong trào cách mạng ở Đông Dương (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 104).
[41]Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 105.
[42]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 106-107.
[43]1924, số hạt nhân thanh niên cộng sản này là 9 người, đến 1929 khi Thanh niên giải thể con số đã tăng lên đến 24 người. (Xem Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese communism 1925-1945, Cornell University Press, 1982, USA, tr. 78).
[44]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 242. Theo nhiều nghiên cứu sau này thì ngoài Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng Đồng minh Hội, còn có ba tờ báo định kỳ khác là Công Nông, Lính cách mệnh, Việt Nam tiền phong. Riêng tờ Thanh Niên từ 21-6-1925 đến tháng 4-1927 do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách đã ra được 88 số, nhưng nếu tính suốt thời kỳ tồn tại của Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội (kể cả thời gian Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu cho đến khoảng tháng 4-1930) tổng cộng khoảng 200 số. (Xem Phạm Xanh: Sđd, tr. 115).
[45]Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Sđd, tr. 273.
[46]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 242.
Chương 3
Từ Nga sang Trung Quốc
Thời gian ở Nga
1. Mục đích của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Nga là gì? Sách của Trần Dân Tiên không cho biết. Nhưng nhiều người cho rằng anh đến Liên Xô để dự Đại hội Quốc tế Cộng sản (QTCS) lần thứ 5 [1] .
Không đúng! Đại hội QTCS lần thứ 5 họp từ 17-6 đến 3-7-1924. Trước đó hơn hai tháng, trong bức thư đề ngày 11-4-1924 gửi Ban chấp hành QTCS, Nguyễn Ái Quốc viết:
“… từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau ba tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định” [2] .
Ý này được nhắc lại trong thư đề ngày 11-9-1924 gửi QTCS sau Đại hội cũng hơn hai tháng:
“Tôi đã đến Mátxcơva vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại ở đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác” [3] .
Như vậy, cả Đảng Cộng sản Pháp lẫn Đảng Cộng sản Nga, không đảng nào dự trù sự tham dự của Nguyễn Ái Quốc vào Đại hội 5 QTCS cả.
Thật sự thì lý do chính thức đưa Nguyễn Ái Quốc sang Nga là để dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, một tổ chức quần chúng do QTCS lập ra để tập hợp lĩnh tụ của những đảng nông dân cánh tả hoặc hiệp hội nông dân từ châu Âu, Á, Mỹ. Khai mạc tại cung Andreyev trong điện Kremlin ngày 10-10-1923 [4] .
Như trong các thư gửi QTCS, Nguyễn Ái Quốc định họp xong Hội nghị này thì sẽ sang Trung Quốc (khoảng cuối năm 1923) chứ không có ý định ở lại lâu đến hơn cả năm như đã xảy ra. Và điều này khiến Nguyễn Ái Quốc không khỏi bực bội, như lời lẽ trong hai bức thư đã chứng minh, nhất là bức đề ngày 11-9-1924 nói trên.
Có một chi tiết đáng chú ý: sau khi dự Hội nghị Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đã viết cho QTCS nhờ can thiệp về một chuyện lặt vặt, lời lẽ tỏ ra không kém gay gắt: được bố trí một nơi ở quá tồi tệ, anh đã phản đối bằng cách không đóng tiền nhà và đã bị Sở Quản lý Nhà hăm đưa ra toà [5] . Không biết vụ việc được giải quyết ra sao nhưng sau đó hơn nửa năm, anh được đổi chỗ ở đến khách sạn Lux, tạm thời thuộc biên chế Ban phương Đông. Một đại biểu được dự kiến cho Đại hội Quốc tế không bao giờ bị đối xử theo kiểu đó.
2. Như vậy là Nguyễn Ái Quốc đã bị “kẹt” lại ở Nga. Và chính do bị kẹt lại, anh mới có thời gian dự nhiều hội nghị.
- Sau Đại hội Quốc tế Nông dân lần 1, anh đã tham dự Đại
hội lần 5 Quốc tế Cộng sản (tháng 6, 7-1924) và Đại hội lần 3 Quốc tế
Công hội đỏ (tháng 7-1924) – từ những diễn đàn này anh có điều kiện để
tuyên truyền những chủ đề quen thuộc của anh từ trước: đánh động tố cáo
trước dư luận tình cảnh nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp nô dịch và
gióng lên tiếng chuông xin được “cứu” và “giúp”. Trong Đại hội lần thứ 5
QTCS, anh được mời tham dự với tư cách là đại biểu tư vấn (không bỏ
phiếu). Trong Đại hội này, anh đã gặp M. N. Roy, người Ấn Độ, tán thành
quan điểm của vị đại biểu này (nhấn mạnh đến tính chất quyết định của
cách mạng phương Đông đối với cách mạng phương Tây) và dựa vào đó để phê
bình thái độ “xem thường” của những “đồng chí ở chính quốc” đối với vấn
đề thuộc địa [6] .
- Anh cũng đã tìm cách gặp những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của
QTCS, góp ý trực tiếp và đề đạt những vấn đề mà anh ấp ủ từ lâu. Ngày
15-3-1924, xin gặp Zinoviev (chủ tịch QTCS) [7]
để thảo luận vấn đề thuộc địa của Pháp. Ngày 20 –5-1924, xin gặp
Petrov (Tổng thư ký Ban phương Đông của QTCS) đề nghị triệu tập Tiểu ban
phương Đông họp bàn việc thành lập một “nhóm châu Á” ở Trường Đại học
phương Đông [8]
v.v… Ý tưởng chính trong những cuộc gặp gỡ đó vẫn là dựa vào QTCS làm
áp lực với những Đảng Cộng sản châu Âu đồng thời vận động sự giúp đỡ
tích cực và thiết thực của QTCS đối với vấn đề thuộc địa.
- Ngoài việc tham dự các hội nghị để trực tiếp trao đổi ý
kiến, cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc có vào học Trường Đại học Cộng sản
của Những người Lao động phương Đông tại Moskva. Chính ở đây anh đã trả
lời phóng viên báo L'Unità của Đảng Cộng sản Ý về lý do anh rời
nước sang châu Âu, tại sao anh xin vào học Đại học phương Đông, cơ sở
giáo dục được anh ca ngợi hết mực về vai trò của nó đối với các dân tộc
thuộc địa” [9]
. Riêng đối với anh, sự quan trọng ấy về sau này là quá rõ ràng: khi
sang Trung Quốc, anh đã gửi nhiều chiến sĩ cộng sản Việt Nam sang đây
học tập. Sự đào tạo này có mục đích rất thiết thực là bồi dưỡng xây dựng
những cán bộ cốt cán cho Đảng, những cái máy cái cho phong trào cộng
sản, rất cụ thể, chứ không mơ hồ và bấp bênh như trường hợp Đông du của
Phan Bội Châu trong những năm 1905-1907.
- Tuy chưa phải là một nhân vật quan trọng trong QTCS, Nguyễn
Ái Quốc đã trở thành một cán bộ cộng sản xác tín, chuyên nghiệp. Anh
tìm thấy ở nước Nga một chỗ dựa vững chắc hơn hồi còn hoạt động trong
Đảng Cộng sản Pháp: anh đã gia nhập một tổ chức cách mạng quốc tế được
một nhà nước chính thức ủng hộ, bao bọc về nhiều mặt (đường lối, chỉ
đạo, huấn luyện, tài chính… ), một thứ “La Mecque mới” cho phương Đông
như Maring đã nói trong Đại hội QTCS lần II tháng 7-1920 [10]
. Đó là sự chuyển biến về mặt bản thân anh, nhưng khách quan, việc sang
Moskva vào thời điểm đó đã đưa anh hội nhập phong trào cách mạng vô sản
quốc tế đang đi vào một cuộc chuyển động hết sức quan trọng với những
điểm đáng chú ý như sau:
- QTCS được Đảng Cộng sản Nga sử dụng như một công cụ đối
ngoại. Do viễn cảnh ngày càng mịt mùng của cuộc cách mạng vô sản ở
phương Tây – nỗ lực cuối cùng của cách mạng vô sản Đức vào tháng 10-1923
đã gặp sự thờ ơ của công nhân Đức – Đảng Cộng sản Nga toan tính quay
sang chinh phục thế giới nông dân rộng lớn ở phương Đông. Bắt đầu bằng
thành lập Nông dân quốc tế.
- Trong bản thân nước Nga cũng đã có những thay đổi. Chủ
nghĩa cộng sản thời chiến chuyển sang NEP, thoả hiệp với nông dân. Không
thể chờ đợi sự “bổ sung” của “cuộc cách mạng thứ nhất” ở châu Âu, Nga
đã buộc phải tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước. Đối
ngoại: tranh thủ những nước ngoài châu Âu như một trong những cố gắng
phá vỡ vòng vây cô lập – Trung Quốc với chính quyền Tôn Dật Tiên đã trở
thành đối tượng hợp tác chủ yếu.
- Tất cả những yếu tố trên đây đã đưa Nguyễn Ái Quốc tới Nga. Từ Nga, Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc được cũng hoàn toàn nhờ kế hoạch ấy (vấn đề Đông Dương vào lúc bấy giờ chưa được Nga chú ý tới). Lý do Nguyễn Ái Quốc bị kẹt lại Nga, không thể nhanh chóng sang Trung Quốc như ý muốn là do việc triển khai chính sách hợp tác của Nga đối với Trung Quốc chưa hoàn tất: Borodine mới tới Quảng Châu vào mùa thu tháng 7-1923, trong khi đó thì sĩ quan và giáo viên gửi sang huấn luyện quân đội Quốc dân Đảng mãi tháng 6, tháng 7, tháng 10-1924 mới đến [11] .
- QTCS được Đảng Cộng sản Nga sử dụng như một công cụ đối
ngoại. Do viễn cảnh ngày càng mịt mùng của cuộc cách mạng vô sản ở
phương Tây – nỗ lực cuối cùng của cách mạng vô sản Đức vào tháng 10-1923
đã gặp sự thờ ơ của công nhân Đức – Đảng Cộng sản Nga toan tính quay
sang chinh phục thế giới nông dân rộng lớn ở phương Đông. Bắt đầu bằng
thành lập Nông dân quốc tế.
Sang Trung Quốc
1. Nguyễn Ái Quốc cho biết ngày 11-11-1924 – có chỗ anh lại viết là tháng 12-1924 – anh tới Quảng Châu. Có ý kiến cho rằng trước khi sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã được cử làm phái viên toàn quyền Ban Thư ký Viễn đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản [12] . Tương tự như vậy có người đã viết: tuy không lộ cương vị trong QTCS, nhưng công khai Nguyễn Ái Quốc vẫn được xem là “cố vấn và người phiên dịch cho Borodin” [13] , nếu không cụ thể như vậy thì đại khái như một cái gì đó bao gồm cả trợ lý, thư ký, phiên dịch, chuyên viên về các vấn đề châu Á cho Borodin [14] .
Tất cả đều không đúng! Riêng về phiên dịch cho Borodin (theo nghĩa toàn diện là viết và nói được tiếng Trung Quốc) thì không thể vì chính Nguyễn Ái Quốc cho biết lúc bấy giờ anh “chỉ biết viết chứ không biết nói” thứ tiếng này [15] . Còn tư cách thật sự của anh khi sang Trung Quốc là gì đựơc anh nói rõ trong thư ngày 11-9-1924 gửi Voitinsky (Thư ký Ban Phương Đông QTCS, Phó Tiểu ban Viễn Đông):
“1) Ban sẽ giới thiệu tôi với Quốc dân Đảng để tôi làm việc ở đấy vì ngoài lộ phí, Ban không thể giúp tôi về tài chính. 2) Tôi sẽ ở chỗ đó với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản. 3) Tôi sẽ không có những quan hệ với Đảng chúng tôi (Đảng Cộng sản Pháp - LP) ở Trung Quốc.
Dù tất cả những điều kiện đó đối với tôi là khó, nhưng tôi vẫn chấp nhận để có thể đi được. Để cứu vãn các điều kiện 2 và 3, tôi yêu cầu Đảng tôi cho tôi một giấy uỷ nhiệm, và gởi cho Đảng Trung Quốc một bức thư yêu cầu giúp đỡ tôi trong công tác. Vậy là vấn đề đã được giải quyết” [16] .
Qua thư trên đây, chúng ta thấy việc Nguyễn Ái Quốc được đưa về Trung Quốc như là một bộ phận trong kế hoạch nghiêm ngặt của Nga đối với Quốc dân Đảng. Không được nhân danh QTCS, không được quan hệ với Đảng Cộng sản Pháp ở Trung Quốc. Tất nhiên không thể mang tên Nguyễn Ái Quốc như ở Nga. Có liên quan đến QTCS thì cũng chỉ đại diện cho tổ chức quần chúng của QTCS là Quốc tế Nông dân. Và cũng chỉ đại diện bí mật thôi. Gửi cho Dombal, Tổng thư ký Quốc tế Nông dân ngày 12-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đã cho biết tình trạng đặc biệt đó của mình:
“Về việc liên quan tới vị trí của tôi là ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân thì đồng chí cứ làm nếu như đồng chí xét là tốt hoặc là đề nghị thay thế tôi, ở trường hợp này đồng chí nói là tôi ốm, chứ đừng nói tôi vắng mặt, bởi vì tôi sống bất hợp pháp ở đây. Hoặc là nếu đồng chí thấy có ích thì cứ giữ lại cái danh nghĩa dân thuộc địa Nguyễn Ái Quốc để trang trí cho những tuyên ngôn và những lời kêu gọi của Hội đồng” [17] .
Nói chung, tuy ở Nga đã là cán bộ của Ban phương Đông Quốc tế [18] nhưng sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc không có một danh nghĩa nào ngoài là phóng viên và phiên dịch cho hãng Rosta (tiền thân của TASS) lương 150 đôla/ tháng, với tên Nga: Nilốpxki, tên Trung Hoa: Lý Thuỵ.
Trong tình trạng “bất hợp pháp” ấy, muốn hoạt động cho Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc phải nhờ Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu với Đảng Cộng sản Trung Quốc để móc nối với cơ sở, còn về phương tiện thì phải tự lực hoàn toàn. Vì phải dùng tiền lương vừa để sinh sống vừa chi cho công việc, Nguyễn Ái Quốc thường viết thư cho QTCS than phiền và luôn đề nghị giúp đỡ về tài chính.
2. Mặc dù với những khó khăn như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã gặp rất nhiều thuận lợi khách quan để triển khai những hoạt động đã định trước của mình.
- Nguyễn Ái Quốc có mặt tại Quảng Châu vừa đúng lúc phái bộ
quân sự của Nga đã đến đầy đủ: khoảng 50 huấn luyện viên. Chuyến tàu chở
vũ khí của Nga đầu tiên từ Vladivostok đã đến Quảng Châu vào 8-10-1924.
Mặt trận thống nhất giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng đã
hình thành xong trong Đại hội lần thứ nhất của Quốc dân Đảng vào tháng
1-1924. Trong 10 đảng viên cộng sản được bầu vào Ban chấp hành Trung
ương Quốc dân Đảng thì có ba người được cử vào Ban Thường vụ [19]
. Đoàn Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa cũng gia nhập Quốc dân Đảng với tư
cách cá nhân. Trong khi đó thì việc thiết lập Trường Võ bị trên đảo
Hoàng Phố (sông Châu Giang) đã được chấp thuận thành lập.
- Để triển khai công việc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách liên
lạc ngay với cộng đồng những người Việt Nam. Sau khi đế chế Mãn Châu sụp
đổ 1911, Quảng Châu đã trở thành tiền đồn của những chiến sĩ Việt Nam
lưu vong. Nhưng sự giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc nhạt đi, cộng với
tình trạng khủng bố quyết liệt của thực dân trong nước đã làm cho những
hy vọng phai dần. Một số hành động khủng bố của Phan Bội Châu, mục đích
lôi cuốn sự quan tâm của Tôn Dật Tiên và Đức, đã làm cho Quang phục Hội
mất đi một số cán bộ. Việc đặt bom tại khách sạn Hà Nội vào tháng
4-1913, trong đó có hai người anh của Phan Văn Trường tham dự, đã làm 7
chiến sĩ bị xử tử và 57 người khác bị tù.
- Những người Việt lưu vong ở miền Nam Trung Quốc bấy giờ không phải là một cộng đồng chặt chẽ. Họ thường vào học các trường võ bị địa phương, nhiều nhất tại trường Vân Nam do tướng Yang Ximin chỉ huy. Có một số sống ngoài vòng pháp luật, như Tam Kam Say, buôn thuốc phiện và cướp trâu ở biên giới. Uy tín của Phan Bội Châu ở đây không còn như cũ. Bị quân phiệt Trung Quốc bắt giam từ 1914-1917, sau khi được tha, ông đã về Hàng Châu kiếm sống bằng những bài viết gửi cho tạp chí Hàng Châu quân sự; 1918 bị Phan Bá Ngọc thuyết dụ viết bài luận “Pháp Việt đề huề” [20] . Sau bao nhiêu thất vọng, đợi chờ, nhiều người Việt Nam lưu vong (trong đó có Phan Bội Châu) đang muốn hướng về nước Nga cộng sản như một chỗ dựa mới để chống đế quốc. Vấn đề phân liệt giữa Quốc gia/Cộng sản bấy giờ chưa hề đặt ra, nhất là trong những năm Nga-Trung hợp tác.
3. Có lẽ nhờ vào những thuận lợi ấy, vừa đến Quảng Châu không lâu, ngày 18-12-1924, Nguyễn Ái Quốc đã có thể báo cáo được ngay kết quả của công tác với QTCS:
“Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia Annam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi (hai mươi thì đúng hơn - LP) năm nay. Trong thời gian đó ông ta đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp. Tất cả những cuộc nổi dậy ấy đều đã đưa tới mấy cái chết của mấy tên sĩ quan và binh lính Pháp, sự chiếm đoạt mấy khẩu súng và… là việc người của chúng ta chạy thoát, do không được giúp đỡ và viện trợ.
Mục đích duy nhất của ông này là trả thù cho nước, cho nhà đã bị bọn Pháp tàn sát. Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng. Trong các cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không có cơ sở. Ông đã đồng ý. Và đây là những việc mà chúng tôi bắt đầu cùng nhau tiến hành:
- Tôi đã vạch một kế hoạch tổ chức và xin gửi kèm bản sao theo đây.
- Sau khi tán thành kế hoạch này, ông đã đưa cho tôi một danh sách 10 người Annam đã cùng ông hoạt động bấy lâu.
- Tôi đã chọn 5 người quê ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng tôi sẽ cử một người Annam đưa họ tới Quảng Châu. Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức. Chúng tôi sẽ gửi họ về Đông Dương hoạt động sau ba tháng học tập; và chúng tôi sẽ lấy ra một đoàn khác. Trong lúc này, đây là biện pháp duy nhất…” [21] .
Vậy nếu “nhà cách mạng Annam” nói trên không phải là Phan Bội Châu thì là ai?
Theo sự phân tích của Sophie Quinn-Judge, đó có thể hoặc là Nguyễn Hải Thần hoặc Hồ Học Lãm, cả hai đều có anh và cha bị Pháp giết. Nhưng Hồ Học Lãm, chú của Hồ Tùng Mậu, dường như ở Hàng Châu suốt thời kỳ này. Có vẻ như Nguyễn Hải Thần thì đúng hơn. Một mật báo của Pháp 1933 cho biết khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã “khôn khéo tham khảo Nguyễn Cẩm Giàng, ông này rất có uy tín với đồng bào ông”. Báo cáo ấy cho biết với sự giúp đỡ của Nguyễn Cẩm Giàng, Nguyễn đã lập ra một nhóm mới, nhưng rồi sau này do bất đồng, Giàng đã đứng ra lập một nhóm khác. Nguyễn Cẩm Giàng là ai? Điều này đã được làm sáng tỏ trong báo cáo của Lâm Đức Thụ gửi cho mật thám Pháp: Nguyễn Cẩm Giàng chính là Nguyễn Hải Thần [26] . Trong một báo cáo khác, Lâm Đức Thụ còn nói rõ hơn: “Lý Thuỵ và Nguyễn Hải Thần đang hoạt động tích cực để thành lập Hiệp hội, Phan Bội Châu không biết” [27] .
Dù có ý thức cảnh giác khá cao, Nguyễn Ái Quốc đã vấp phải một sơ hở cực kỳ tai hại, và có lẽ cũng không lường được là ngay khi chiêu mộ người để thành lập những hạt nhân ban đầu cho tổ chức, anh đã để lọt vào hàng ngũ của mình một mật thám của Pháp là Lâm Đức Thụ [28] trong một thời gian khá dài. Tất cả những hoạt động của những tổ chức do anh tạo ra ở Quảng Châu đều đã được báo cáo hết với Mật thám Pháp, không phải từ khi vừa đến Quảng Châu mà mãi đến về sau khi anh trở lại Nga rồi sang Thái Lan (1929) [29] .
Những hạt nhân ban đầu
1. Như vậy, qua Nguyễn Hải Thần [30] , Nguyễn Ái Quốc đã lập ra được một nhóm cách mạng bí mật ở Quảng Châu, mà nội dung hoạt động của nhóm ấy, qua bức thư 18-12-1924 gửi QTCS, đúng là chương trình của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Nhưng bấy giờ, vào khoảng tháng 1, tháng 2 năm 1925, trong các thư báo cáo cho QTCS, Nguyễn Ái Quốc đều gọi đó là “Việt Nam Quốc dân Đảng”, hoặc “Quốc dân Đảng ở Đông Dương”, theo nghĩa mà ta có thể suy ra là: đã xâm nhập và chuyển hoá Quốc dân Đảng của Phan Bội Châu [31] thành một tổ nòng cốt.
Mặc dù luôn luôn than phiền về việc thiếu tiền, hoạt động của Nguyễn vẫn có những tiến triển rất đáng khích lệ. Trong báo cáo ngày 19-2-1925 gửi QTCS, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã có được 9 hội viên trong nhóm bí mật (2 người đã được đưa về nước, 3 người trong quân đội Tôn Dật Tiên, 2 đoàn viên dự bị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin, trong số những hội viên ấy có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản (có lẽ của Trung Quốc vì Việt Nam chưa có Đảng) [32] . Nguyễn Ái Quốc không nói tên, nhưng qua hồi ký của những đảng viên cộng sản Việt Nam sau này, người ta biết đó là Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Lê Quảng Đạt. Trừ có Lâm Đức Thụ là người Thái Bình, tất cả đều là người thuộc nhóm Tâm Tâm Xã quê ở Nghệ An.
Với sự chiêu tập nhờ vào tình đồng hương đó, Nguyễn Ái Quốc cũng đã tiếp nhận luôn cả cơ sở hoạt động cũ của Phan Bội Châu, trong đó có cả cơ sở ở Thái Lan, căn cứ vào đó Nguyễn Ái Quốc có ý định mở rộng thêm phạm vi (Quảng Tây, cực nam Quảng Đông, Bangkok, Tichkho (Thái Lan), Lạc Phách, tả ngạn sông Mekong (Lào). Một điều khá quan trọng trong kế hoạch của Nguyễn Ái Quốc: xin giúp đỡ tài chính để đưa sinh viên Annam sang Moskva học tập, vì đây là phương cách đào tạo cán bộ lãnh đạo không thể thiếu cho việc mở rộng phong trào.
Đầu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị, phê phán các phong trào yêu nước của các sĩ phu đầu thế kỷ 20, giới thiệu các phong trào cách mạng thế giới và những kỹ thuật tổ chức, tuyên truyền vận động quần chúng theo phương pháp của Lenin. Hầu hết những học viên của khóa học này (khoảng 10 người) đều đã hoạt động tại Quảng Châu từ trước. Đến tháng 6-1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội được thành lập, tuần báo Thanh niên cơ quan của Hội ra mắt số đầu tiên. Tháng 7-1925, phối hợp với một số người Trung Quốc lập ra Hội Liên hiệp các Dân tộc bị Áp bức; Nguyễn Ái Quốc đứng tên công khai là Lý Thuỵ (lúc này Nguyễn Hải Thần còn hợp tác) lãnh đạo Hội với chức Bí thư kiêm phụ trách tài chính đồng thời đảm nhận trực tiếp chi bộ Việt Nam của Hội.
2. Năm 1926, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu gặp khó khăn. Sau khi Tôn Trung Sơn chết vì bệnh (12-3-1925), những mâu thuẫn giữa các xu hướng trong Quốc dân Đảng Trung Quốc đã bộc lộ. Mùa hè 1925, Đới Quý Đào thuộc phe hữu xuất bản một loạt tác phẩm, trong đó có quyển Cơ sở triết học của chủ nghĩa Tôn Văn, đả kích Đảng Cộng sản, phê bình chủ nghĩa Mác. Ngày 10-3-1926, Tưởng Giới Thạch ra lệnh thiết quân luật toàn thành phố Quảng Châu, bắt giam Quyền cục trưởng Cục Hải quân Lý Chi Long, đảng viên Đảng Cộng sản, bao vây Lãnh sự quán Liên Xô [33] . Nhưng do hai bên biết kềm chế và nhượng bộ nên sự hợp tác vẫn chưa đổ vỡ. Borodin đồng ý với Thường vụ Quốc dân Đảng, giảm bớt vai trò của những đảng viên cộng sản trong Quốc dân Đảng: không được đứng đầu các ban ngành nhà nước, số người tham gia trong các Uỷ ban quy định chỉ còn 1/3 [34] .
Công việc của Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục mặc dầu có chậm lại chủ yếu là do thiếu tiền [35] . Tháng 6-1926, báo cáo với QTCS, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã làm được một số việc sau đây: 1) Lập được một tổ bí mật, 2) Tổ chức được Hội Liên hiệp Nông dân ở Xiêm, 3) Tổ chức một tổ thiếu nhi (con cái nông dân và công nhân hầu hết từ Xiêm sang), 4) Tổ chức một tổ phụ nữ cách mạng, 5) Tổ chức một trường tuyên truyền (các học viên bí mật đưa đến Quảng Châu), sau một tháng rưỡi học tập, được đưa về nước hoạt động [36] .
Sau khoá huấn luyện đầu năm 1925, từ 1926 đến 1927, với “trường huấn luyện” [37] này, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức được hai khoá nữa. Khoá 2: Bắt đầu từ tháng 6-1926. Gồm khoảng 20 học viên [38] , trong đó một số thành viên của Đảng Phục quốc ở Vinh (sau đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Tân Việt) là Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba (học trò Trần Phú). Khoá 3: Bắt đầu cuối 1926 và chấm dứt vào 2-2-1927, gồm khoảng 30 người, có đủ người ở ba miền, Nghệ Tĩnh vẫn nhiều nhất: Vương Thúc Oánh (con rể Phan Bội Châu), Phan Đăng Lưu, Hoàng Ngọc An, Ngô Sĩ Sách, Ngô Đức Trì, Hà Huy Tập (trong Việt Nam Cách mạng Đảng ở Vinh)… [39] . Cuộc vận động và huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm này đã đạt được kết quả đáng kể: việc thâu phục được Tâm Tâm Xã còn được tăng cường thêm nhiều thành viên của Phục quốc (Cách mạng Đảng). Trong lúc đó, một phái đoàn của QTCS gồm có Jacques Doriot (đã trở thành chủ tịch Ban Thuộc địa của Đảng CS Pháp), Tom Mann (Anh) và Earl Browder (Mỹ) sang Quảng Châu quan sát và đã được Nguyễn Ái Quốc hướng dẫn và tranh thủ sự giúp đỡ [40] . Ngày 3-3-1927, Doriot, Nguyễn Ái Quốc và Volin (đại diện nhóm cố vấn Nga) thoả thuận một bản ghi nhớ đồng ý để Nguyễn chuẩn bị một ngân sách gửi lên QTCS trong khi đó Doriot viết một tuyên ngôn cho Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam cùng với một nghị quyết hoạch định tương lai cho tổ chức này [41] .
3. Có thể coi tuyên ngôn do Doriot viết trên đây là tổng kết những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu trong những năm 1925-1927, trong tuyên ngôn này Doriot nói rõ Thanh niên là một tổ chức quốc gia có mục đích công khai không khác gì Quốc dân Đảng Trung Quốc. Ý tưởng được nhấn mạnh ở đây là cần thực hiện mặt trận thống nhất dân tộc: trừ một số rất nhỏ những kẻ trục lợi, tất cả mọi người (công nhân, nông dân, thương gia và trí thức) đều tìm thấy ích lợi trong sự nghiệp chống đế quốc. Không nên từ khước bất cứ cố gắng nào để lôi cuốn họ vào những cuộc tranh đấu có tổ chức hằng ngày. Không nên từ chối sự hợp tác của họ. Dù rằng tuyên ngôn ấy có kể đến Cách mạng Nga như một mẫu mực chống đế quốc, nhưng không thấy chỗ nào nói đến chủ nghĩa cộng sản. Ý định muốn xây dựng Thanh niên thành một tổ chức quốc gia của QTCS cũng đã được Lâm Đức Thụ nhấn mạnh trong báo cáo ngày 17-3-1925: “Gần đây, những nhà cách mạng Trung Quốc và Pháp đã khuyến khích ‘các đồng chí’ tạo ra một đảng giống như đảng cách mạng dân tộc Trung Quốc, với một cơ quan tuyên truyền và thông tin rộng khắp thế giới” [42] .
Nói cách khác thì để phù hợp với đường lối của QTCS – thực chất do Nga chi phối – Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chưa phải là một đảng cách mạng đúng nghĩa mà chỉ một tổ chức bình phong hoạt động theo đường lối dân tộc – cùng tồn tại đồng thời với những tổ chức quần chúng khác như Thiếu nhi, Phụ nữ, Nông hội… – tập hợp các đối tượng trong giới sinh viên trí thức, số lượng ít ỏi và chất lượng chưa cao. Xét một cách khách quan thì điều này cũng do tình hình nội tại trong nước quy định – phong trào trong nước chưa có gì. Trong điều kiện ấy, thích hợp nhất, là một tổ chức hình thành từ bên ngoài và từ bên trên trước, rồi sau đó tiến đến việc đưa dần vào bên trong và bên dưới, và cũng chính trong tổ chức ấy, hình thành những hạt nhân cộng sản (Thanh niên Cộng sản Đoàn…) làm nòng cốt điều động phương hướng cho phong trào [43] . Để tạo ra cái vốn nhân sự ban đầu ấy, theo phương pháp của QTCS, Nguyễn không biết tìm ở đâu ngoài việc tuyển mộ và chuyển hoá những thanh niên tiểu trí thức nửa Tây nửa Nho (phần lớn là những đồng hương của anh) đang hoạt động trong các tổ chức yêu nước có sẵn (Tâm Tâm Xã, Tân Việt…). Kết quả dù sao cũng rất đáng kể trong bước khởi đầu, như Nguyễn đã báo cáo tổng kết gửi Ban phương Đông vào tháng 6-1927:
“Mặc dù thiếu thời gian và tiền, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí người Nga và Annam, chúng tôi đã có thể: 1) Đưa 75 thanh niên Annam đến học ở Trường tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu, 2) Xuất bản ba tờ tuần báo nhỏ, 3) Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ 4) Thành lập một liên đoàn cách mạng do một uỷ ban gồm 5 uỷ viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Đông Dương đó” [44] .
4. Giữa lúc Nguyễn Ái Quốc cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của QTCS để mở rộng hình thức hoạt động nói trên thì tình hình ở Quảng Châu trở nên xấu đi đột ngột. Cuộc đảo chính ngày 12-4-1927 của Tưởng Giới Thạch khởi đầu từ Thượng Hải với một chiến dịch khủng bố quy mô lan tràn khắp nơi từ Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Phúc Kiến, Quảng Tây, Tứ Xuyên… đã phá nát phong trào lao động cánh tả ở đây và đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc vào hoạt động bí mật. Ngày 15-4, ở Quảng Châu có hơn 2000 vừa đảng viên cộng sản vừa dân thường bị giết. Ngày 28-4-1927, Lý Đại Chiêu, một người sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc bị giết tại Bắc Kinh [45] . Nguyễn Ái Quốc sau khi rời Trung Quốc, về đến Nga đã báo cáo tình hình ấy với Ban phương Đông QTCS như sau:
“Khi cuộc đảo chính nổ ra, 3 trong 5 uỷ viên của Uỷ ban Đông Dương bị bắt, tôi suýt bị bắt, tướng Lý Tế Thâm có quan hệ mật thiết với bọn đế quốc Pháp ở Đông Dương và ở Hạ Môn, một đồng chí người Nga duy nhất có trách nhiệm lúc đó đang ở Quảng Châu lúc đó cũng không thể giúp đỡ chúng tôi, hoặc cho một lời khuyên nào, thậm chí ngừng trả tiền cho tôi với tư cách là người phiên dịch. Khi đó tôi chỉ còn cách là phải chọn gấp giữa hai con đường hoặc là để bị bắt hay tiếp tục qua Moscou về công tác ở Xiêm” [46] .
Trong tình thế cực kỳ nguy hiểm ấy, Nguyễn Ái Quốc đã chấm dứt sứ mệnh những năm 1925-1927 của mình ở Trung Quốc. Do công việc của anh trong thời kỳ này hoàn toàn tuỳ thuộc vào đường lối hợp tác của Nga với Quốc dân Đảng cho nên sự thành công và thất bại của anh ở đây, liên hệ đến Việt Nam, cũng hoàn toàn là sự thành công và thất bại của đường lối ấy. Nhận xét này rất quan trọng để chúng ta hiểu thêm những bước thăng trầm của Nguyễn Ái Quốc trong những năm kế tiếp, đặc biệt nhất là cái khoảng thời gian trước và sau khi anh đứng ra hợp nhất các phe phái khác nhau trong phong trào cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
© 2007 talawas
[1]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tr. 179 hoặc Đặng Hoà: Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr. 69 .
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, T 1, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr. 252.
[3]Như trên, tr. 303.
[4]Ngày 16-10-1923 Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân gồm 52 người. 17-10, Hội đồng họp lần đầu tiên, được bầu vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng gồm 11 uỷ viên.
[5]“1. Trong những tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây bao giờ cũng có 4, 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục ngăn trở tôi làm việc. Ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi. Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp về tiền nhà để tỏ sự phản đối. 2. Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi phải gánh 13 rúp 74 cho tháng ba và 11 rúp 61 cho những tháng sau. So sánh không gian hẹp và trang bị nội thất quá đơn sơ so với các phòng khác rộng hơn nhiều, tiện nghi hơn, có nhiều đèn, điện thoại, tủ, ghế bành, phòng tắm, v.v… và tiền thuê thoả đáng thì giá mà người ta buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 248).
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 273-274.
[7]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 186-187
[8]Như trên, tr. 191-192.
[9]“Việc thành lập trường đại học bônsêvích đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc điạ ở phương Đông, và nhà trường đã dạy chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp, và nhà trường đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi – những người nô lệ – khả năng hoạt động chặt chẽ” (Báo L'Unità, 15-3-1924, trong Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 483).
[10]Hélène Carère et Stuart Schram: Le marxisme et l'Asie 1853-1964, Armand Colin, Paris, 1965, tr. 218.
[11]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 52
[12]Epghênhi Côbôlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, tập 1, Thanh Niên, Hà Nội, 1985, tr. 175.
[13]Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 147.
[14]Jean Lacouture: Ho Chi Minh, Vintage books, Newyork, 1968, tr. 46.
[15]Thư 19-9-1924 gửi Treint, Đảng Cộng sản Pháp, Uỷ viên Ban chấp hành QTCS. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 203).
[16]Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 303.
[17]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1.
[18]Quyết định ngày 14-4-1924 của Ban phương Đông QTCS do Petrov ký. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tr. 189).
[19]Bắt đầu từ cuối năm 1922, dưới ảnh hưởng của Nga, QTCS đã chỉ đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện đường lối “mặt trận thống nhất” của Lênin một cách hết sức đặc biệt: trong khi vẫn giữ tính độc lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mặt tổ chức thì những cá nhân các đảng viên phải gia nhập Quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên. Sau nhiều lần thương lượng với Tôn Dật Tiên, chính sách này được áp dụng rộng rãi bắt đầu từ Đại hội lần thứ nhất của Quốc dân Đảng, tháng 1 năm 1924 . (Xem Hélène Carère và Stuart Schram: Sđd, tr. 79-80).
[20]Phan Bá Ngọc, con của Phan Đình Phùng, bị cám dỗ bởi chương trình “cải cách” của Albert Sarraut, nên đã làm việc này. Bị coi là phản bội, Phan Bá Ngọc bị Lê Hồng Sơn, theo lệnh của Cường Để, ám sát năm 1922 (Phan Bội Châu: Tự phán, Sđd, tr. 229).
[21]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, trr. 8-9.
[22]Như Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 122. Không chỉ khẳng định, có tác giả còn hư cấu ra cả một “kịch bản” đối thoại về “hai ngày chung sống giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc tại báo Hàng châu quân sự, như Thanh Đạm: Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb Nghệ An – Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr. 57-71.
[23]Phan Bội Châu niên biểu được Georges Boudarel chuyển sang Pháp văn là Mémoires de Phan Bội Châu in trong tạp chí France- Asie số 194-195 (Paris, 1969). Căn cứ vào một đoạn trong PBCNB, Boudarel ghi chú: Phan Bội Châu cho biết ông đến Quảng Châu từ tháng 7 đến tháng 9 (1924), trong khi đó Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu 3 tháng sau đó (tháng 12-1924), hai người không thể gặp nhau. Xem Chương Thâu–Trần Ngọc Vương: Phan Bội Châu, về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr. 325.
[24]Xem Vĩnh Sính: “Mối liên hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc, 1924-1925 – giới thiệu tài liệu mới phát hiện”, trong Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hoá, Nxb Văn Nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 231-242.
[25]Về việc Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc, Vĩnh Sính viết: “Trong PBCNB (Phan Bội Châu niên biểu), Phan Bội Châu quy cho Nguyễn Thượng Huyền, người được Phan “nuôi dưỡng” ở Hàng Châu, tội mật báo với Pháp “thời khắc đi đường và hành động” của Phan để họ bắt cóc Phan ở ga Thượng Hải. Trong khi đó, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, trong hồi ký, lại quy cho Lâm Đức Thụ là người chủ mưu” (Vĩnh Sính: Sđd, tr. 242). Sophie Quinn-Judge trong luận án Nguyen Ai Quoc, The Comintern and The Vietnamese Communist mouvement 1919-1941 đã tỏ vẻ đồng tình với ý kiến của Cường Để và phản bác toàn bộ những cái mà bà gọi là “anti-communist version” cho rằng chính Nguyễn Ái Quốc là người đã báo cho Pháp bắt Phan Bội Châu vừa để khử một đối thủ chính trị đáng gờm, vừa để lấy tiền của Pháp lập quỹ cho cách mạng cộng sản, lại vừa tạo ra sự kích động chống Pháp trong dân chúng (Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 80-81).
[26]Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 83.
[27]Như trên, tr. 85. Thật sự thì căn cứ vào bức thư của Phan Bội Châu gửi Hồ Tùng Mậu ngày 3-3-1925, trước đó Lý Thuỵ có hỏi ý kiến Phan Bội Châu về việc thành lập đoàn “Tân Thanh niên” và Phan đã trả lời là “cực lực tán thành” (Xem Vĩnh Sính:, Sđd, tr. 239) .
[28]Lâm Đức Thụ tên thật là Nguyễn Công Viễn (thường được gọi là Trương béo), tên mật thám là Pinot (Agent Pinot), tốt nghiệp Đại học quân sự Bắc Kinh. Về sau người ta biết được đó là con của Nguyễn Hữu Đán (Đản?), ông ngày là bạn đồng song của ông thân sinh Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Sinh Huy tại Viện Hàn lâm Quốc tử giám tại Huế. Thụ làm nghề nhiếp ảnh tại Quảng Châu, rất nhiều lính mới tuyển của Thanh niên đã bị Thụ chụp hình, qua những ảnh này, thực dân Pháp đã nhận diện những người cộng sản bị nghi ngờ vào những năm 1930-1931 (Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 76).
[29]Chính vì việc này mà năm 1935, Hà Huy Tập, Tổng Bí thư ĐCSĐD sau Đại hội Macao 1935 đã tố cáo với QTCS là Nguyễn Ái Quốc phải chịu trách nhiệm về việc có cả trăm cán bộ Thanh niên khi về nước đã bị Mật thám Pháp bắt. Theo Hà Huy Tập, Nguyễn biết Lâm Đức Thụ là mật thám mà vẫn tin dùng (sẽ nói trong chương IV). Không biết đúng sai như thế nào, nhưng có bằng chứng cho biết Nguyễn rất thân thiết với Lâm: khi tới Quảng Châu hoạt động, Nguyễn đã nhờ vợ chồng Lâm Đức Thụ làm mai để cưới một người vợ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh (đám cưới tổ chức vào tháng 10-1926, khi Nguyễn Ái Quốc 36 tuổi, Tăng Tuyết Minh 21 tuổi, hôm cưới có Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu An Lai dự). Sau cuộc đảo chính 1927 của Tưởng Giới Thạch, trong khi Nguyễn qua Nga, sang châu Âu tìm cách về Xiêm, có nhờ gửi vợ một bài thơ bằng chữ Hán sau đây: [Không hiểu sao thư lại bị mật thám Đông Dương chặn được ngày 14-8-1928, hiện lưu tại CAOM (Aix-en-Provence); Daniel Hémery công bố trong HO CHI MINH: De l'Indochine au Việt Nam, Gallimard, Paris, 1990, tr. 145].
Phiên âm: Dữ muội tương biệt, Chuyển thuấn niên dư, Hoài niệm tình thâm, Bất ngôn tự hiểu, Tư nhân hồng tiện, Dao ký thốn tiên, Tỷ muội an tâm, Thị ngã ngưỡng vọng. Tinh thỉnh Nhạc mẫu vạn phúc. Ký: Chuyết huynh THUỴ.
Dịch nghĩa: Cùng em xa cách, Đã hơn một năm, Thương nhớ tình thâm, Không nói cũng rõ, Cánh hồng thuận gió, Vắn tắt vài dòng, Để em an lòng. Và xin kính chúc Nhạc mẫu vạn phúc . Ký: Anh ngu vụng: LÝ THUỴ. (Bản dịch N.H. Thành).
Tài liệu về việc Hồ Chí Minh có vợ tại Quảng Châu: Hoàng Tranh: “Hồ Chí Minh với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung hoành số tháng 11-2001, xuất bản tại Nam Ninh. Bản dịch tiếng Việt: Minh Thắng, đăng trên tạp chí Diễn Đàn (xuất bản tại Pháp), số 121 tháng 9-2002.
[30]Người theo chủ nghĩa dân tộc, xứ Bắc, chủ trương bạo động. Theo phong trào Đông du của Phan Bội Châu, qua Nhật 1905. Sau khi phong trào bị chính phủ Nhật cấm, đã sang Trung Quốc. Mật thám Pháp cho biết chính Nguyễn Hải Thần đã chỉ huy Phạm Hồng Thái đánh bom định giết toàn quyền Merlin tại Quảng Châu 1924. Do là một sĩ quan trong quân đội Vân Nam, Nguyễn Hải Thần không tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, nhưng đã hợp tác khá chặt chẽ với Nguyễn Ái Quốc trong một thời gian. Theo báo cáo của Lâm Đức Thụ thì trong hợp tác, hai người vẫn tự do theo đuổi đường lối riêng của mình. Tháng 5-1925, Nguyễn Hải Thần thất thế hoàn toàn do cùng mấy tướng quân phiệt Vân Nam nổi loạn và đã bị học viên võ bị Hoàng Phố dập tắt. Đã tham gia “Bị áp bức Liên hiệp hội” và góp phần xuất bản báo Thanh Niên. Mùa hè 1925, theo sự phân công của Lý Thuỵ, Nguyễn Hải Thần có về Bắc Kỳ vận động người sang học ở Quảng Châu. Nhưng đến 1926 thì mối quan hệ giữa hai người bắt đầu rạn nứt và chấm dứt vào 1927. Theo Lâm Đức Thụ, vì tranh giành ảnh hưởng, Nguyễn Hải Thần thường ganh tị với Lý Thuỵ. (Xem Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 95).
[31]Phan Bội Châu lập ra 1924 thay cho Việt Nam Quang phục Hội chỉ còn là “một bức thần vị để tế ở trên bàn thờ”. (Phan Bội Châu: Tự phán, Nxb Văn hoá thông tin, 2000, tr. 248).
[32]Hồ Chí Minh toàn tập, T.2, tr. 141.
[33]Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr. 270–271.
[34]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 93.
[35]Theo báo cáo của Lâm Đức Thụ, để vận động thêm tài chính, từ 1925, Lý Thuỵ đã tính đến chuyện liên hệ với người bạn cũ tên là Khánh Ký, quen từ Paris, bấy giờ đã về Sài gòn, vẫn làm nghề nhiếp ảnh. Bùi Quang Chiêu, thầy dạy cha Nguyễn Ái Quốc ở Huế, trong Đảng Lập hiến, khá giàu có, cũng được Lý Thuỵ tính đến trong việc quyên góp (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 99).
[36]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 223.
[37]Có thể cuối năm 1925 hoặc đầu năm 1926 “trường huấn luyện” này mới chính thức thành lập (các lớp huấn luyện trước đó thay đổi địa chỉ luôn). Ở lối vào nhà có tấm biển “Ban huấn luyện chính trị đặc biệt”. Trên tường phòng học có treo chân dung K. Marx. V.I. Lenin, I.V. Stalin, Tôn Dật Tiên, Phạm Hồng Thái. Được chính phủ Tôn Dật Tiên coi như một phân hiệu của Trường Quân chính Hoàng Phố và đã hoạt động dưới sự giúp đỡ của chính phủ Quảng Châu. (Xem Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, Sđd, tr. 124).
[38]Gồm có những người đến từ các địa phương: Nghệ Tĩnh: Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng; Thanh Hoá: Hoàng Văn Tùng, Lê Mạnh Trinh, Trần Văn Đức, Nguyễn Văn Khang; Bắc Kỳ: Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Danh Đới, Trần Công Bắc (tức sau này là tướng Nguyễn Sơn); Xiêm: Võ Tòng, Đặng Thái Thuyến. Phạm Văn Đồng từ Quảng Ngãi cũng đến nhưng ốm phải đợi lớp sau. Lê Mạnh Trinh giữa đường ở lại, lớp sau mới sang. Còn Tôn Quang Phiệt và Hoàng Văn Tùng dọc đường bị bắt. (Thanh Đạm: Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Sđd, tr. 126 -131).
[39]Những học viên ở các địa phương khác, Thanh Hoá: Lê Mạnh Trinh; Quảng Nam: Đỗ Quảng; Quảng Ngãi: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng; Thái Bình-Nam Định: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Ngọc Lân…; Hà Đông: Phiếm Chu; Bắc Ninh–Bắc Giang: Dương Hạc Đính, Kim Tôn; Nam Kỳ: Hồ Cao Cương (Tân An), Nguyễn Văn Thông (Sa Đéc), Bùi Văn Thêm (Sài Gòn)… Sau khi học Ngô Đức Trì, Trần Phú sang Nga học (cùng lúc với Bùi Lâm, Nguyễn Thế Rục, Bùi Công Trừng do Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu từ Pháp sang). Lê Thiết Hùng, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lê Quảng Đạt, Phùng Chí Kiên… được gửi sang trường Quân chính Hoàng phố (Thanh Đạm: Sđd, tr. 134 -138). Ngô Đức Trì (quê ở Hà Tĩnh con Ngô Đức Kế) khi về nước tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bị bắt năm 1930 và đã đầu hàng Pháp.
[40]Năm 1926, QTCS đã thành lập một Ban Bí thư mới cho nước Pháp, các thuộc địa của Pháp, Bỉ, Ý, và Thuỵ Sĩ, trong thời gian này, Đảng Cộng sản Pháp đựơc giao phụ trách phần lớn phong trào cách mạng ở Đông Dương (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 104).
[41]Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 105.
[42]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 106-107.
[43]1924, số hạt nhân thanh niên cộng sản này là 9 người, đến 1929 khi Thanh niên giải thể con số đã tăng lên đến 24 người. (Xem Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese communism 1925-1945, Cornell University Press, 1982, USA, tr. 78).
[44]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 242. Theo nhiều nghiên cứu sau này thì ngoài Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng Đồng minh Hội, còn có ba tờ báo định kỳ khác là Công Nông, Lính cách mệnh, Việt Nam tiền phong. Riêng tờ Thanh Niên từ 21-6-1925 đến tháng 4-1927 do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách đã ra được 88 số, nhưng nếu tính suốt thời kỳ tồn tại của Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội (kể cả thời gian Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu cho đến khoảng tháng 4-1930) tổng cộng khoảng 200 số. (Xem Phạm Xanh: Sđd, tr. 115).
[45]Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Sđd, tr. 273.
[46]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 242.
Chương 4
Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Các sự kiện trong chương sách này, tuy có tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào luận án Nguyen Ai Quoc, The Commintern and The Vietnamese Communist Movement (1919-1941) của
Sophie Quinn-Judge, một luận án tổng hợp mới nhất về mối quan hệ giữa
Hồ Chí Minh và Quốc tế Cộng sản, kể từ ngày ông tham gia (1920) đến ngày
QTCS chấm dứt hoạt động (1941). Trong luận án này, tác giả đã xét duyệt
lại tất cả các nguồn tư liệu chủ yếu mà những người nghiên cứu về phong
trào cộng sản ở Việt Nam đều biết trước đây – như: a) Những tài liệu
mật của cộng sản mà Mật thám Pháp đã tìm thấy và được Nhà nước Pháp lưu
giữ trong Kho lưu trữ Hải ngoại (Centre d’Archives d’Outre-Mer, viết tắt: CAOM) ở
thành phố Aix-en-Provence, b) Những tài liệu trên sách báo do những tác
giả từ các nước khác nhau (chủ yếu từ châu Âu, Mỹ , Trung Quốc và Việt
Nam) sưu tập và công bố, c) Những hồ sơ của Quốc tế Cộng sản lưu trữ tại
Nga, được mở ra và cho phép sử dụng, những tài liệu này trước đây do
Viện Mác-Lênin quản lý về sau đổi thành Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu
các Tài liệu Lịch sử Hiện đại (Center for the Preservation and Study of Documents of Modern History, viết tắt: RC). Trong
những nguồn tài liệu được khai thác để hình thành luận án nói trên,
hiển nhiên sự đóng góp quan trọng nhất, mới mẻ nhất chính là những tài
liệu trong Hồ sơ QTCS mà tác giả đã khai thác được năm 1992 khi bà làm việc tại Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tác dụng của những tài liệu ấy đối với việc nghiên cứu về một
nhân vật đã thành “huyền thoại” như Hồ Chí Minh là quá rõ ràng. Hàng
loạt vấn đề chắc chắn sẽ được đặt lại và xem xét lại dưới ánh sáng của
những tư liệu đó: những suy đoán vô bằng, huyễn hoặc (đến từ nhiều phía)
trong chừng mực nào đó có thể sẽ được bác bỏ, những giả đoán thực tế
nhưng trước đây chưa đủ cơ sở có thể sẽ được làm sáng tỏ để khẳng định,
và cũng có thể một loạt những kiến giải mới sẽ xuất hiện để tiếp tục
thúc đẩy xa hơn việc nghiên cứu đề tài này. Rất tiếc là những tài liệu
ấy vẫn chưa được công bố nguyên bản, đầy đủ – giống như những tài liệu
của CAOM mà Daniel Hémery đã công bố về “cuộc ra đi tìm đường cứu
nước” năm 1911 của Hồ Chí Minh lúc còn là Nguyễn Tất Thành – để những
người nghiên cứu không có điều kiều kiện (và cả may mắn) tiếp cận những
tài liệu đầu tay ấy vẫn có thể sử dụng được.
Do không trực tiếp có được những tài liệu đó, chúng tôi đã dựa vào luận án nói trên (chủ yếu với Hồ sơ của QTCS được
khai thác) như một nguồn thứ cấp để viết nên chương sách này. Trong
việc lấy lại những ý kiến của tác giả, chúng tôi chỉ ghi tên tác giả
cùng với luận án đã dẫn (thí dụ: Sophie QuinJudge: Sđd); còn trường hợp
cần phải nêu ra một sự kiện quan trọng nâng đỡ cho một luận cứ riêng
biệt nào đó, để tránh cho người người đọc một cảm giác về sự khẳng định
vô bằng, chúng tôi sẽ chú thích thêm nguồn tài liệu do tác giả đã chú
thích, bên cạnh luận án đã dẫn của chính tác giả (thí dụ: RC, 495, 154,
556, p.17; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd). Dù có chú giải theo cách nào đi
nữa thì công việc của chúng tôi đều đặt trên giả định về sự đích thực
của tài liệu mà tác giả dẫn chứng. Trong nghiên cứu, có thể đó là một
thách thức vì có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về một tài liệu, nhưng
do những điều kiện rất giới hạn của mình, như đã nói, chúng tôi không
biết làm gì hơn.
Chỉ thị 12-9-1927 về Đông Dương
1. Sau cuộc đảo chính tháng 4-1927 của Tưởng Giới Thạch,
Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu lên Thượng Hải, qua Vladivostok, khoảng
tháng 6-1927 thì trở lại Moskva. Trên đường đi, gặp Voitinsky (đại biểu
QTCS làm việc với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), Nguyễn được
thuyết phục nên trở lại Thượng Hải để hoạt động trong đám lính Pháp và
Việt Nam đang làm việc ở đấy, nhưng anh trả lời rằng đối với anh việc
quan trọng hơn là tiếp tục công việc đang bỏ dở đối với Việt Nam sau sự
biến tháng 4-1927 ở Trung Quốc. Tại Moskva, Nguyễn gặp nhóm 5 người Việt
Nam đang học tại Đại học phương Đông (Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi
Công Trừng, Bùi Lâm, Trần Phú), viết một báo cáo cho Nông hội Quốc tế về
phong trào nông dân ở Quảng Đông, trị bệnh một thời gian ở Crimée đến
tháng 11-1927 sang Paris tìm đường về Xiêm.
2. Trên đường sang Paris, Nguyễn đã mang theo chỉ thị đề ngày
12-9-1927 của QTCS trong đó nói rõ phương hướng thành lập Đảng Cộng sản
Đông Dương mà anh được giao nhiệm vụ thực hiện. Mặc dù ra đời sau sự
thất bại ở Trung Quốc năm 1927, nội dung hai trang chỉ thị nói trên của
QTCS vẫn chưa có gì thay đổi đối với đường lối mặt trận thống nhất trong
Đại hội 5 QTCS năm 1924 mà Nguyễn có tham dự: dựa trên cơ sở của những
tổ chức cách mạng quốc gia và những phần tử cánh tả của những tổ chức ấy
để hoạt động và thành lập đảng cộng sản. Khẩu hiệu tranh đấu vẫn là độc
lập dân tộc, ruộng đất cho nông dân, quyền lợi của công nhân, tự do dân
chủ trong sinh hoạt chính trị …
Chỉ thị hướng dẫn một cách cụ thể những việc mà Nguyễn cần phải làm:
liên hệ với những “Việt kiều” tại Pháp tạo ra những hạt nhân cách mạng,
hợp tác với Đảng Cộng sản Pháp xây dựng chương trình hành động cho Đông
Dương, sau đó sẽ tìm cách chuyển cách mạng về bản địa. Chỉ thị căn dặn
rằng sau khi đã có kế hoạch, Nguyễn cần phải thảo luận lại cho rõ với
Ban Chấp hành QTCS trước khi quyết định xem nên về Xiêm hay một nước
khác nào đó kế cận Đông Dương để triển khai công việc.
3. Khi sang Paris, do Đảng Cộng sản Pháp đang bị đàn áp,
Doriot, phụ trách Uỷ ban Thuộc địa của Đảng bị bắt, nên Nguyễn không thể
theo đúng được kế hoạch do QTCS đã vạch. Nguyễn cho biết đã tìm cách
liên hệ với Uỷ ban thuộc địa nhưng đã bị các thành viên tránh né, ngay
cả việc xin địa chỉ cũng không được.
Tháng 12-1927 Nguyễn qua Brussels để dự một hội nghị mà nhiều tác
giả đã cho rằng đó là Đại hội lần thứ nhất Liên đoàn chống đế quốc. Thật
ra không đúng vì Đại hội này đã họp vào tháng 2-1927 trước đó cả năm
rồi. Hội nghị mà Nguyễn dự có lẽ là cuộc họp chuyển tiếp của Ban Chấp
hành Liên đoàn diễn ra ngày 9-12-1927. Liên đoàn chống đế quốc đã là một
địa điểm liên lạc quan trọng, ở đó Nguyễn đã gặp bà Tống Khánh Linh (vợ
goá của Tôn Dật Tiên) cuối năm 1927 có đến Berlin vận động thành lập
một “Đảng thứ ba” cho Trung Quốc.
Nguyễn sang Berlin và ở đó từ giữa tháng 12-1927 đến tháng 5-1928,
chờ thêm chỉ thị và tiền của QTCS. Trong khi chờ đợi, Nguyễn nhận trợ
cấp của Cứu tế Đỏ 18 mác mỗi tuần, số tiền mà Nguyễn cho rằng chỉ ăn
cũng không đủ. Trong thời gian này, Nguyễn đã viết một báo cáo về phong
trào nông dân Quảng Đông, coi Bành Bái là anh hùng. Quốc tế Nông dân
không xuất bản, nhưng nhiều đoạn của tài liệu này cũng đã xuất hiện trên
một vài cơ sở in ấn khác.
4. Tháng 2-1928, QTCS họp toàn thể ban chấp hành, chuẩn bị
cho Đại hội lần thứ 6. Doriot, sau khi được thả, trên đường đi dự, ghé
qua Berlin, có gặp Nguyễn và hứa chú ý giải quyết vấn đề công tác của
anh, nhưng đến nửa tháng 4, Nguyễn vẫn không được tin tức gì của Doriot
lẫn Moskva. Liên hệ với Quốc tế Nông dân cũng không đi đến đâu. Viết thư
xin 500 đôla và một kế hoạch tổ chức thực hiện thì được tổng thư ký
Quốc tế Nông dân là Dombal trả lời vì hiểu quá ít về Đông Dương nên
không giúp được gì cho Nguyễn (về tiền bạc lẫn kế hoạch), chỉ khuyên
Nguyễn nên sử dụng kinh nghiệm về phong trào nông dân Trung Quốc để tổ
chức các hiệp hội.
12-4-1928, Nguyễn cầu cứu tới Humbert-Droz người Thuỵ Sĩ trong Ban
bí thư QTCS, phụ trách các thuộc địa của Pháp, với những lời lẽ thật
thảm thiết như sau:
“Đồng chí có thể tưởng tượng tình trạng tinh thần và vật chất của
tôi hiện nay như thế nào: biết rằng có nhiều việc phải làm, nhưng chẳng
làm được gì, ở không, không tiền bạc, sống qua ngày trong tình trạng bị
ép buộc phải ở không”.
Cuối cùng rồi cũng được việc: Humbert-Droz đã đồng ý cung cấp cho
Nguyễn chi phí cho chuyến đi và 3 tháng công tác với những lời dặn:
“Những gì mà chúng tôi gửi đồng chí sau này sẽ tuỳ thuộc vào tin
tức của đồng chí. Tôi nghĩ đồng chí cần khôn khéo hơn để tự lo liệu,
không cần nhờ đến sự giúp đỡ nào cả” [1] .
Đại hội 6 Quốc tế Cộng sản
Tháng 5-1928, Nguyễn qua Thuỵ Sĩ, đến Ý, từ đó bằng tàu thuỷ đi
Bangkok. Trong khi Nguyễn lên đường, Đại hội 6 QTCS đã diễn ra – từ 17-7
đến 1-8-1928. Sự kiện này đã ảnh hưởng rất nặng nề đối với sự nghiệp
của Nguyễn trong một thời gian khá dài.
1. Nhìn vấn đề theo thời gian thì Đại hội 6 QTCS chỉ là biểu
hiện bên ngoài của quá trình tranh chấp quyền lực và đường lối cực kỳ ác
liệt trong nội bộ Đảng CS Liên Xô. Sau khi thanh toán xong nhóm đối lập
khuynh tả của Trotsky trong Đại hội 15 (cuối 1927), Stalin đã tỏ ý muốn
chấm dứt NEP, đẩy mạnh tập thể hoá nông nghiệp và công nghiệp hoá để,
trước tình hình phong trào gọi là “cách mạng vô sản thế giới” ngày càng
tỏ ra vô vọng, Liên Xô có thể tồn tại được trong sự bao vây của những
nước tư bản. Đường lối này không có gì mới, nhiều điều đã được Trotsky
đề xuất và đã bị kết án là “tả khuynh”, cho nên dự định mà Stalin đưa ra
đã gặp phản ứng của chính những đồng minh chống Trosky trước đây
(Bukharin, Rykov, Tomsky…) [2]
. Do chưa tạo đủ thực lực để thanh toán phe chống đối mới xuất hiện này
– được gọi là “Nhóm đối lập khuynh hữu”–, Stalin đã tạm hoà hoãn và tìm
cách chuyển vấn đề sang phạm vi quốc tế với nội dung tương ứng: đẩy phe
Dân chủ-Xã hội về phía cực hữu, ngang hàng với bọn tư bản phản động và
phát xít vì đã giương cao chiêu bài “hoà bình” phục vụ cho cuộc chiến
tranh sắp tới của chủ nghĩa đế quốc. Nhiệm vụ chống Dân chủ-Xã hội do đó
cũng quan trọng như việc lập mặt trận thống nhất giữa “nhân dân lao
động” trong các nước tư bản với các nước thuộc địa để biến chiến tranh
đế quốc, trong trường hợp nổ ra, thành nội chiến, lật đổ tư bản, phát
xít, thiết lập quyền lực xô viết, bảo vệ Liên Xô.
2. Chủ trương này đã được Stalin nói rất rõ khi báo cáo Nghị
quyết Hội nghị toàn thể tháng 7-1928 của Ban chấp hành ĐCSLX cho Đảng bộ
Lenigrad ngày 13-7-1928 [3]
, và giao cho Bukharin phổ biến tại Đại hội 6 QTCS, nhưng lại để cho
các đại biểu Liên Xô công khai hạ uy tín bằng cách chỉ trích một số điểm
của Đề cương mà Bukharin đã trình bày. Qua báo cáo ấy cùng với Nghị
quyết của Đại hội, những nhà nghiên cứu đã ghi nhận mấy điểm quan trọng
về đường lối của QTCS đối với những nước phụ thuộc và thuộc địa như sau:
- Chủ nghĩa đế quốc đang chuẩn bị gây chiến, nên tất cả những
phong trào chống đế quốc ở những thuộc địa phải liên minh với Liên Xô và
giai cấp vô sản ở những nước đế quốc để chống chiến tranh, bảo vệ Liên
Xô. Xét về mặt phát triển, hợp tác và chấp nhận sự lãnh đạo của Liên Xô,
những nước phụ thuộc và thuộc địa có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư
bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.
- Những sai lầm trong sự hợp tác với Quốc dân Đảng trong
những năm 1925-1927 không bắt nguồn từ đường lối của QTCS mà là do Đảng
Cộng sản Trung Quốc đã quá coi trọng thực lực của giai cấp tư sản, nên
mất cảnh giác, không giữ vững tính độc lập của mình, sau đó khi sự biến
tháng tháng 4-1927 xảy ra thì lại làm ngược lại, coi thường thực lực của
giai cấp tư sản, đưa đến chỗ manh động khởi nghĩa gây ra tổn thất nặng
nề. Dù vậy, tình hình cách mạng ở Trung Quốc vẫn đi theo xu thế phát
triển, Đảng Cộng sản cần củng cố về chiều sâu lực lượng công nông để
chuẩn bị cuộc tấn công mới [4] .
- Theo tinh thần của Nghị quyết, cùng với việc coi phe Dân chủ-Xã hội ở những nước đế quốc là kẻ thù ngang hàng với chủ nghĩa đế quốc, cũng phải chấm dứt việc thành lập mặt trận thống nhất “từ bên trên” với các thế lực tư sản dân tộc theo xu hướng cải lương ở những nước thuộc địa. Còn đối với những thế lực tiểu tư sản có thể cùng hành động thì phải hết sức đề cao cảnh giác: chỉ hợp tác trong những thời gian nhất định và chỉ trong điều kiện nắm được bá quyền cách mạng. Nhiệm vụ đặt ra cho các đảng cộng sản nói chung là chuẩn bị khí thế, lấy tinh thần “giai cấp chống giai cấp” làm phương châm hành động, xâm nhập các nghiệp đoàn, tổ chức nông dân, chuẩn bị các Xô Viết có thể hình thành bằng những cuộc vũ trang khởi nghĩa [5] .
3. Bấy giờ Việt Nam chưa có Đảng Cộng sản, phong trào cách
mạng Việt Nam lại do Đảng Cộng sản Pháp phụ trách, cho nên ba đại biểu
Việt Nam dự Đại hội 6 QTCS đã do Đảng Pháp giới thiệu. Một người là
Nguyễn Thế Vịnh (thuộc gia đình Nguyễn Thế Truyền và đã học tại Moskva
từ tháng 7 đến tháng 11-1927, nhưng sau bỏ học vì bệnh); một người tên
Ban (sau Đại hội một thời gian thì bỏ Đảng). Cả hai người này cuối cùng
không được Đại hội chấp nhận tư cách đại biểu; theo một lá thư của một
người Việt Nam ở Paris gửi Ban phương Đông thì lý do là một người đã lên
tiếng chỉ trích Uỷ ban Thuộc địa của Đảng Pháp.
Đại biểu Việt Nam còn lại là Nguyễn Văn Tạo, vốn là một đảng viên
Đảng CS Pháp, đã tổ chức một nhóm cộng sản Việt Nam tại Paris vào tháng
4-1928. Với bí danh An, đại biểu này đã báo cáo tình hình giai cấp ở
Việt Nam: sự phá sản của tiểu công nghiệp do cạnh tranh không lại với
những công ty của tư sản dân tộc và đế quốc, trong khi đó thì nông
nghiệp đình đốn, tất cả đã làm tăng lên gia cấp vô sản. Đọc báo cáo của
Nguyễn Văn Tạo, Sophie Quinn-Judge cho biết không thấy nhắc đến hoạt
động của của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc khởi
xướng ở Quảng Châu trong những năm 1925-1927. Tác giả cũng cho biết
những người Việt Nam đang có mặt tại Moskva lúc bấy giờ là Trần Phú, Ngô
Đức Trì, Lê Hồng Phong đã được mời tham dự Đại hội chỉ với tư cách là
quan sát viên [6] .
4. Những sự kiện trên đây cho biết ngay từ khi chuẩn bị, Đại
hội 6 QTCS đã có tác động ngay đến phong trào cộng sản Việt Nam. Nhưng
tác động ấy chỉ trở nên rõ ràng một năm sau khi sự chuyển hướng về đường
lối của Stalin bộc lộ một cách đầy đủ trong Hội nghị toàn thể lần thứ
10 Ban chấp hành Trung ương và Ban kiểm tra trung ương của Đảng Cộng sản
Liên Xô họp vào tháng 4-1929, Stalin giành được phần thắng đã tuyên bố
khai trừ Bukharin và Tomsky khỏi mọi chức vụ, cảnh cáo sẽ có những biện
pháp mạnh hơn nếu những người này cứ tiếp tục chống đối [7] .
Ba tháng sau, ngày 3-7-1929, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành QTCS
họp lần thứ 10, Kuunisen thay thế Bukharin phụ trách QTCS đã có thể khai
triển đến tối đa đường lối chống khuynh hữu của Stalin trên phương diện
đối ngoại với báo cáo mang tên Hoàn cảnh quốc tế và nhiệm vụ của QTCS,
trong báo cáo này vấn đề kỷ luật trong QTCS đã được đặt ra một cách
quyết liệt: đảng nào không tuân phục chủ trương đưa ra khỏi hàng ngũ
những phần tử cơ hội, hữu khuynh đảng ấy sẽ bị khai trừ khỏi QTCS.
Kuunisen tuyên bố đường lối mới của QTCS là “giai cấp chống giai cấp”,
phong trào cộng sản là một khối thuần khiết, một lực lượng vĩ đại của
giai cấp vô sản cách mạng toàn cầu. M. N. Roy, tại Đại hội 5, bị phê
bình vì đã nghi ngờ chính sách mặt trận thống nhất với giai cấp tư sản ở
những nước thuộc địa thì lần này lại bị phê bình vì đã thanh toán xong
mối nghi ngờ đó [8] .
“Quả trứng cộng sản” sau Đại hội 6 Quốc tế Cộng sản
Sự phát triển của phong trào cách mạng cộng sản Việt Nam trong những
năm 30 của thế kỷ 20, như vậy, cũng theo tình hình trong nội bộ Đảng
Cộng sản mà bộc lộ thành hai xu hướng đối địch nhau: một bên đại diện
cho Đại hội 6 và một bên đại diện cho Đại hội 5 QTCS. Và bởi vì ở Việt
Nam, đại diện cho Đại hội 5 là Nguyễn Ái Quốc và Thanh Niên cho nên xu
hướng này đã gánh chịu sự công kích cực kỳ gay gắt của các những thành
phần đại biểu cho Đại hội 6 trong suốt một thời gian khá dài, đến cả sau
Đại hội 7 QTCS (1935) cũng chưa chấm dứt.
1. Tất cả đều khởi đầu từ chủ trương “bônsêvích hoá” quá nhiệt tình của nhóm Bắc kỳ [9]
. Sau khi tự động thành lập một chi bộ cộng sản (đầu tiên), nhóm này đã
vận động chuyển Thanh Niên thành Đảng Cộng sản vì cho rằng Thanh Niên
đã lỗi thời về ý thức hệ và tổ chức, không phù hợp với khái niệm “đội
tiền phong” của Lenin. Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Dương Hạc Đính, Nguyễn
Tuân được cử đi dự Đại hội I Thanh Niên họp tại Hồng Kông từ ngày 1 đến
9-5-1929, đã đưa ra đề nghị nói trên. Nhưng Tổng bộ, được sự đồng ý của
Nhóm Nam kỳ và Xiêm, đã bác bỏ, viện lý do là chưa đủ điều kiện, nên
cần phải chuẩn bị [10]
. Trừ Dương Hạc Đính, số còn lại đã bỏ ra về. Các nhóm khác ở lại tiếp
tục họp sau đó ra tuyên bố kết án nhóm Bắc kỳ là “trẻ con”, cần phải bị
khai trừ vĩnh viễn vì không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ cách mạng
nữa.
Nhóm Bắc kỳ trở về đã trả đũa lại khá gay gắt. Họ đã ra một tuyên bố
kết án những người lãnh đạo Thanh Niên là “nhóm tiểu tư sản khởi xướng
ra những thứ cách mạng giả hiệu” vì những người này đã “gửi đại biểu đi
dự Hội nghị toàn quốc của Quốc dân Đảng chống cách mạng, chống công
nhân”. Tuyên bố kêu gọi đánh đổ bọn cách mạng giả hiệu, bọn lừa bịp công
nông, tổ chức ra một Đảng Cộng sản, lãnh đạo và giúp giai cấp vô sản
làm cách mạng [11]
. Vào ngày 17-6-1929, hơn 20 đại biểu của các chi bộ ở Bắc kỳ đã họp
tại Hà Nội lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương với một chương trình hành
động rập khuôn theo Cương lĩnh của QTCS Đại hội 6 [12] .
2. Trước sự lấn lướt của ĐCSĐD, đẩy lùi dần ảnh hưởng các
nhóm Thanh Niên ở Bắc và Trung, những Thanh Niên Nam kỳ còn lại đã liên
hệ và muốn sáp nhập vào ĐCSĐD nhưng bị từ chối. Được sự khuyến khích của
nhóm Thanh Niên hải ngoại ở Hồng Kông, nhóm Nam kỳ quyết định giải thể
Thanh Niên và chuyển thành một Đảng Cộng sản mệnh danh là Annam Cộng sản
Đảng (cuối tháng 8-1929) [13]
, đảng này được hầu hết những thành viên của Thanh Niên còn lại thừa
nhận. Và thế là xảy ra cuộc tranh giành danh nghĩa quyết liệt giữa hai
“đảng cộng sản”.
Nhóm “Đông Dương” vẫn dùng những luận điệu đả kích tổ chức Thanh
Niên đã tan vỡ để chỉ trích nhóm “An Nam”, gọi nhóm này những kẻ “cơ hội
ngả nghiêng”, hôm qua còn ra sức bảo vệ Thanh Niên, từ chối thảo luận
vấn đề thành lập Đảng Cộng sản, nay thấy mấy chữ “cộng sản” có thể lôi
kéo quần chúng thì cũng vội vã tổ chức ra một đảng mang tên như vậy.
Thực tế đó chỉ là những người cộng sản giả hiệu, họ dùng mấy chữ “cộng
sản” để phục vụ cho quyền lợi vị kỷ của họ. Nhóm “An Nam” cũng không để
bị lấn lướt. Theo họ, những người trong ĐDCSĐ không phải là một tổ chức
cách mạng đích thực. Đó chỉ là một nhóm bônsêvích vô tổ chức, quá khích,
lệch lạc, ấu trĩ, so với những những người cộng sản chân chính thì
giống như một thứ “gà đội lốt công” [14] !
Một Đảng Cộng sản thứ ba cũng ra đời vào năm 1929 từ sự phân hoá của
Tân Việt Cách mạng Đảng ở miền Trung, đảng này khởi đầu vốn theo chủ
nghĩa quốc gia nhưng do một số người lãnh đạo như Lê Duy Điếm, Trần Phú…
tiếp xúc với Thanh Niên dần dần chịu ảnh hưởng nên đã lấy Thanh Niên
làm mẫu mực về cương lĩnh và tổ chức. Những do bản thân Tân Việt bao gồm
nhiều thành phần khác nhau nên nhiều lần xúc tiến hợp nhất với Thanh
Niên đã không thành. Sau Đại hội Thanh Niên tháng 5-1929 thất bại dẫn
đến việc thành lập ĐCSĐD, Tân Việt đã chuyển hướng, muốn quay sang sáp
nhập với Đảng Cộng sản mới thành lập này. Nhưng cuộc vận động cũng không
xong: điều kiện của ĐCSĐD đòi Tân Việt giải thể với tư cách là tổ chức,
rồi sau đó sẽ gia nhập với tư cách là những cá nhân là không chấp nhận
được. Trước tình thế ấy, bộ phận cánh tả trong Tân Việt đã ly khai tổ
chức cũ để thành lập một Đảng Cộng sản khác tên gọi là Đông Dương Cộng
sản Liên đoàn [15]
, tuyên bố cùng ĐDCSĐ và ANCSĐ “liên hợp thành thành một tổ chức cộng
sản xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất” [16] .
Nguyễn Ái Quốc và việc hợp nhất các “Đảng Cộng sản”
Sự ra đời của Đảng Cộng sản thứ ba này đã là nhát búa cuối cùng đóng
vào cái nắp quan tài Hội Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập năm
1925 và Đại hội Thanh Niên lần thứ nhất diễn ra vào tháng 5-1929 cũng là
Đại hội cuối cùng của nó. Theo cách lý giải của những nhà ý thức hệ của
Đảng Cộng sản Việt Nam về sau thì hiện tượng đó đã mang ý nghĩa của sự
“khủng hoảng trưởng thành của phong trào công nhân và dân tộc ở Việt
Nam” [17]
. Nhưng theo lời lẽ của chính người đã tạo ra “phong trào” ấy là Nguyễn
Ái Quốc thì đó là “chính sách sai lầm của những người cộng sản” – những
người này trong khi làm cho “con chim non cộng sản” ra đời đã “phá huỷ
gần hết cái vỏ” của “quả trứng” đã cưu mang nó mà chẳng làm được gì hơn
là “sử dụng nhiều – nếu không nói là tất cả – nghị lực và thời gian
trong các cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái” [18] .
Nhưng Nguyễn Ái Quốc có trách nhiệm gì và đã giải quyết như thế nào tình trạng hỗn loạn cộng sản nói trên?
1. Chúng ta hãy đọc những dòng mà Nguyễn Ái Quốc đã gửi QTCS ngày 18-3-1930 nói về thời kỳ anh công tác ở Xiêm:
A. 1) Nhận được chỉ thị của QTCS về công tác ở Đông Dương, tôi từ
giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm vào tháng 7-1928. Tôi đã làm việc
với một số người Annam di cư ở đấy tới tháng 11-1929.
2) Những điều kiện ở Xiêm (đúng hơn là cả ở Lào)
a) Dân cư rất phân tán, hầu hết theo đạo Phật, một số ít theo đạo
Thiên Chúa, chừng 10 hay 15 nghìn người Annam di cư ở Xiêm và cả ở Lào.
Hơn một nửa trong số họ đã nhiều thế hệ theo đạo Thiên Chúa. (…)
B. Công tác của tôi ở Lào
1) Do những điều kiện của người Annam (nông dân tự do, thợ thủ
công, tiểu thương), họ chỉ có thể được tổ chức vào “Hội Ái hữu” với tư
tưởng yêu nước và chống đế quốc. Trước đậy họ có hơn 1000 người. Nhưng
hiện nay ít hơn vì những người Annam theo đạo Thiên chúa bị các giám mục
người Pháp đe dọa rút phép thông công nên họ đã rút ra khỏi Hội Ái hữu.
2) Ba trường học đã được tổ chức. Một trường khác sắp được tổ
chức nhưng phải hoãn lại vì : a) Địa điểm gần người Pháp, b) Tỉnh trưởng
người Xiêm theo đạo Thiên chúa, c) Có một nhà thờ do người Pháp làm cố
đạo, dĩ nhiên là ông ta chống lại chúng tôi.
3) Một tờ báo, tờ “Thân Ái” sắp được xuất bản.
C. Đi về Annam
Đã hai lần tôi cố gắng về Annam, nhưng phải quay trở lại. Bọn
cảnh sát và mật thám ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra
vụ Annam “Quốc dân Đảng” [19] .
Chúng ta đều biết sau sự biến tháng 4-1927 ở Trung Quốc, Nguyễn Ái
Quốc đã nhất định về châu Á để tiếp tục hoạt động và trên đường về Xiêm,
anh đã mang theo chỉ thị 12-9-1927 của QTCS về việc thành lập đảng cộng
sản Việt Nam. Nhưng qua báo cáo của Nguyễn về thời gian công tác tại
Xiêm chúng ta cũng thấy nhiệm vụ nói trên của anh đã không được hoàn
thành: dự định về nước bị cản trở, móc ráp với cơ sở để chỉ đạo các hoạt
động trong nước không có, tất cả công việc ở Xiêm, qua báo cáo nói
trên, cũng chẳng có gì quan trọng.
Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên [20] và Vừa đi vừa kể chuyện của T.L [21] cũng không cho chúng ta thấy gì thêm: ngoài việc thành lập Hội Thân ái Việt Nam và tuần báo Thân ái,
mở trường học dạy trẻ con, tất cả những thứ còn lại đều chỉ là những
chi tiết trong những chuyện kể phiêu lưu cách mạng, chẳng hạn như bị mật
thám theo dõi đến nỗi phải tạm thời cắt tóc… đi tu! Những kẻ sùng bái
ông Hồ có cố gắng sưu tầm ra những chi tiết cốt để làm cho thời gian đó
trở nên quan trọng hơn nhưng vẫn không thoát khỏi những chuyện tủn mủn
tương tự. Chúng ta biết thêm được hình ảnh “gầy gò” của Nguyễn – dưới bí
danh Thầu Chín – bất ngờ xuất hiện ở Phi Chít (Trung bộ nước Xiêm ) rồi
đi về Odon (Đông Bắc Xiêm) trong những buổi đọc báo, học tiếng Xiêm,
lập tủ thuốc, diễn kịch (bài ca Đức Thánh Trần…) cuốc đất, vác gạch,
dịch sách (ABC Cộng sản, Nhân loại tiến hoá sử)… hoà mình với quần chúng để vận động [22]
, nhưng tất cả đều chỉ giới hạn trong một khu vực người Việt Nam không
thuận lợi, chẳng có gì tác động quan trọng đến tình hình trong nước cả.
16 tháng ở Xiêm mà chỉ với những công việc như vậy thì một cán bộ Thanh
Niên nào đó vẫn có thể làm được.
2. Cũng trong báo cáo gửi QTCS ngày 18-2-1930 nói trên,
Nguyễn Ái Quốc cũng cho biết đã đi Trung Quốc để tiến hành hội nghị hợp
nhất như thế nào:
“Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Kông tới
Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh Niên Cách mạng bị
tan rã, những người cộng sản chia thành nhiều phái v.v…
Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó ngày 23-12. Sau đó tôi triệu
tập Đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày
mồng 6-1.
Với tư cách là phái viên của QTCS có đầy đủ quyền quyết định mọi
vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng Đông Dương, tôi nói cho họ
biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng.
Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của QTCS.
Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 uỷ viên chính thức và 7 uỷ viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2” [23] .
Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 uỷ viên chính thức và 7 uỷ viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2” [23] .
Nhưng thực tế cho chúng ta biết sự việc đã không diễn ra hoàn toàn đơn giản như Nguyễn đã viết.
- Theo báo cáo thì dường như khi còn ở Xiêm, cùng với việc
không liên hệ gì với QTCS, Nguyễn Ái Quốc cũng không biết nhiều về sự
phân liệt trong phong trào cộng sản Việt Nam sau Đại hội 6 QTCS. Nguyễn
chỉ biết tình hình ấy khi có người sang cho hay, và chỉ khi đó Nguyễn
mới tìm cách đi giải quyết. Và khi gặp gỡ các đại biểu trong Hội nghị,
Nguyễn đã gây nghi ngại không ít cho một số người: như chúng ta đã biết,
trước Hội nghị hợp nhất, nhóm Bắc kỳ chỉ muốn coi Nguyễn như một thành
viên Thanh Niên bình thường, và vì tổ chức này cần giải tán, nên Nguyễn
cũng không còn được coi đương nhiên là người lãnh đạo cao nhất của phong
trào. Và cũng chính vì vậy mà ngay trong Hội nghị hợp nhất, một thành
viên của “Đông Dương” đã đòi Nguyễn phải trưng bằng cớ là người đại diện
thật sự cho QTCS để chủ trì hội nghị [24] .
- Cũng theo báo cáo thì Hội nghị hợp nhất đã được tổ chức
theo đường lối của QTCS. Nhưng những diễn biến về sau cho biết đường lối
đó không còn phù hợp với đường lối do Đại hội 6 QTCS vạch ra. Như chúng
ta đã biết tinh thần của hai đại hội này khác nhau hoàn toàn cho nên,
kết quả của Hội nghị hợp nhất cũng rất bấp bênh. Những gì diễn ra sau đó
đã chứng minh rằng những người nắm giữ thật sự đường lối của QTCS sau
Đại hội 6 là Ngô Đức Trì và Trần Phú vừa tốt nghiệp xong trường Stalin
từ Liên Xô trở về chứ không phải là ai khác. Văn bản mới nhất mà hai
người này nắm được để định hướng cho phong trào cộng sản Việt Nam là chỉ
thị ngày 17-10-1929; nội dung của chỉ thị đó, theo lời khai của Ngô Đức
Trì với mật thám sau khi bị bắt, là hướng dẫn thành lập ra những nhóm
cộng sản trước rồi sau đó mới lập ra Đảng. Chỉ thị cũng nói rõ là trong
khi cần phải hợp tác chặt chẽ vớí các nhóm cộng sản Trung Quốc thì phải
tránh nhập nhằng với những đảng quốc gia kiểu như Đảng Độc lập của
Nguyễn Thế Truyền mới thành lập ở Pháp.
- Cùng với chỉ thị trên, Ngô Đức Trì và Trần Phú cũng được QTCS cung cấp cho một tài liệu 48 trang tựa đề “Về nhiệm vụ trước mắt của những người cộng sản Đông Dương” soạn vào tháng 11-1929 trong đó nội dung của Đại hội 6 QTCS và Hội nghị 10 Ban chấp hành QTCS đã được diễn giảng rõ ràng. Đặc biệt nhất là khi áp dụng vào thực tế, tài liệu đã phê phán Đại hội Thanh Niên tháng 5-1929 là thiếu quan điểm giai cấp. Tài liệu chỉ ra rằng tiểu tư sản không còn là “lực lượng cách mạng” nữa. Lực lượng cách mạng nhất trong nông dân là bần nông và tiểu nông. Phải vận động nông dân chống địa chủ (tô tức, thuế…). Quan hệ với những đảng phái khác hoàn toàn chỉ là lợi dụng, khai thác. Phải thành lập một đảng cộng sản bí mật để sử dụng những biện pháp công khai và bán công khai. Chuẩn bị bạo động khi có điều kiện [25] .
Kết quả Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành 10-1930
1. Chính là trên những tài liệu mới này, Ngô Đức Trì và Trần
Phú, nhân danh Đại hội 6 QTCS, đã triệu tập Ban Chấp hành Đảng Cộng sản
Việt Nam vào tháng 10-1930 phủ định toàn bộ những gì mà Nguyễn Ái Quốc
đã thực hiện trong Hội nghị hợp nhất trước đó 8 tháng. Cương lĩnh tháng
2-1930 mà Nguyễn đưa ra trong Hội nghị hợp nhất đã bị thay thế bằng
những luận đề và nghị quyết phù hợp với Đại hội 6 QTCS: đấu tranh chứ
không liên hiệp giai cấp nữa. Những phần tử yêu nước có nguồn gốc trung
gian sẽ bị thanh lọc. Trần Phú được bầu làm Thư ký, Ngô Đức Trì và
Nguyễn Trọng Nghĩa cùng với hai người khác nữa là Thường vụ.
Theo Ngô Đức Trì (khi bị bắt đã khai với mật thám Pháp) [26]
sau Hội nghị hợp nhất, Nguyễn và Trần Phú cùng đi Thượng Hải để báo
cáo với Ban phương Đông. Trần Phú trở về Hồng Kông đã mang theo một bức
thư của Nguyễn, trong thư này Nguyễn thú nhận Hội nghị hợp nhất đã được
tổ chức vội vã, có nhiều sai sót trong lãnh đạo do thiếu thông tin trong
nước. Nguyễn cũng đồng ý đổi tên Đảng thành ĐDCSĐ.
Với những kết quả như trên, có thể coi Hội nghị Toàn thể Ban Chấp
hành tháng 10-1930 giống như một đảo chính cung đình rất quen thuộc
trong những cuộc thanh lọc của những đảng cộng sản. Trong cuộc thanh lọc
ấy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành đối tượng của sự phê phán, phủ định
quyết liệt.
2. Vì tầm quan trọng của vấn đề, ngoài những xử lý cá nhân
trong nội bộ, “vấn đề Nguyễn Ái Quốc” phải được công bố cho toàn bộ
phong trào. Điều này được thể hiện trong thư ngày 9-12-1930 của Trung
ương Thường vụ gửi các cấp đảng bộ, vạch ra những sai lầm của Nguyễn về
Hội nghị hiệp nhất, phê bình hội nghị ấy là “rất sơ sài”, “có nhiều điều
không đúng với chủ trương quốc tế” [27] . Có thể tóm tắt nội dung của bức thư ấy trong mấy điểm như sau:
- Hội nghị hợp nhất không lấy tư tưởng làm nền để “hiệp nhất”
các nhóm cộng sản (“Đông Dương”, “An Nam”, “Cộng sản Liên đoàn”) nên vẫn
không chấm dứt được tình trạng hỗn tạp trong hành động và tư tưởng
trong đảng.
- Lấy tên Đảng là Cộng sản Việt Nam là không đúng: Việt Nam,
Cao Mên, Lào cùng bị đế quốc Pháp thống trị, sinh hoạt kinh tế “mật
thiết liên lạc với nhau”-
- Chính cương vắn tắt của Hội nghị hiệp nhất mơ hồ về
tính chất đấu tranh giai cấp. Với địa chủ: không thể chia địa chủ thành
“đại, tiểu và trung” rồi cho rằng hạng này có thể theo, hạng kia có thể
phản cách mạng; tất cả bọn chúng đều là giai cấp bóc lột và liên kết với
đế quốc để bóc lột, vì vậy không thể chủ trương lợi dụng hay trung lập
hóa mà phải tiêu diệt, tịch thu tất cả ruộng đất của chúng chia cho bần
và trung nông (cố nông không nằm trong phạm trù dân cày mà là vô sản).
- Đối với tư sản: Cũng không thể mập mờ nói chuyện “lợi dụng” những phần tử tư sản gọi là “chưa phản cách mạng” như Chánh cương sách lược.
“Ảnh hưởng của bọn tư bản trong quần chúng công nông là rất nguy hiểm
cho phong trào cách mạng. Bởi vậy cần phải gỡ cái mặt nạ của bọn tư bổn
trong quần chúng để giành lấy quần chúng”
- Những sai lầm của Nguyễn Ái Quốc về việc “hiệp nhất”:
“Đồng chí đứng ra chiêu tập H.n.h.n năm trước kia được Q.t cho về tuỳ hoàn cảnh mà làm việc chứ chưa có được kế hoạch rõ ràng gì. Khi đồng chí ấy về đến nơi thì thấy phong trào c.s tuy mới nổi nhưng đã chia rẽ rồi nên tự ý hành động có nhiều việc sai lầm không đúng với kế hoạch của Q.t. Vì đó mà có Hội nghị hiệp nhất. Đồng chí ấy nay đã nhận rõ những sai lầm và cũng đã đồng ý với T.ư mà sửa chữa những chỗ sai lầm lúc trước”.
Nội dung về “đấu tranh giai cấp” đã được Luận cương chính trị của Đảng trước đó (do Trần Phú soạn thảo) nói rõ hơn [28] :
- Tất cả giai cấp tư sản đều phản động dù là bộ phận “hiệp tác”
với đế quốc hay bộ phận “thoả hiệp” với đế quốc. Riêng bộ phận “thoả
hiệp này” được Luận cương kể tên: bọn Huỳnh Thúc Kháng, bọn Phạm Quỳnh, bọn Ngọ báo…
và được “vạch mặt” khá kỹ là chỉ lợi dụng phong trào quần chúng để mưu
lợi ích riêng, đòi hỏi cải cách nhưng kỳ thật là “phá hoại phong trào
cách mạng của công nông”. Mục đích là làm cho công nông “sanh mộng tưởng
mà quên con đường cách mạng”.
- Các đảng phải tiểu tư sản như (Quốc dân Đảng, Nguyễn An Ninh…) dù là theo đường lối “quốc gia cách mạng” nhưng rồi cũng hoá ra “quốc gia cải lương”. Các đảng phái ấy đều dính dáng đến bọn địa chủ và tư bản: có theo cách mạng chống đế quốc thì cũng chỉ vì quyền lợi của tư bản bản xứ, khi phong trào công nông phát triển mạnh thì chúng sẽ bỏ cách mạng “chạy về cải lương và hiệp tác với đế quốc chủ nghĩa”. Chỉ có thể “tạm thời hợp tác” và “lợi dụng” có lợi cho cách mạng. Phải giữ vững tính chất giai cấp của công nông trong hợp tác với những đảng phái ấy, và trong khi hợp tác cũng phải “hết sức đánh đổ ảnh hưởng của bọn ấy trong quần chúng” [29] .
3. Trong các đảng cộng sản, những sai lầm được vạch ra như
trên là thuộc về “đường lối” và “quan điểm”, cực kỳ trầm trọng. Cũng
chính vì vậy mà mặc dù Nguyễn đã tự kiểm điểm, Hội nghị Trung ương toàn
thể ở Sài Gòn ngày 12-2-1931 đã ghi vào chương trình nghị sự một mục gọi
là “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” và đi đến chỗ chấm dứt vai trò đại diện QTCS
của Nguyễn ở Hồng Kông: thay vì liên lạc qua Nguyễn thì Đảng CS ĐD trực
tiếp với Ban phương Đông. Theo lời Ngô Đức Trì thì do những lãnh đạo
Trung và Bắc đã than phiền về việc Nguyễn thường hay đòi họ phải báo cáo
cho Ban phương Đông ở Thượng Hải, việc này theo họ là nhiệm vụ của Ban
Thường vụ. Hội nghị đề nghị Nguyễn chấm dứt việc đòi hỏi đó; khi cần
thiết Trung ương sẽ báo cáo cho Ban phương Đông ở Hồng Kông, Nguyễn chỉ
làm công việc chuyển thôi.
Ngày 23-4-1931, Nguyễn trả lời Trung ương và qua thư này chúng ta có
thể hình dung sự việc như sau: sau Hội nghị tháng 10-1930, “trong đã có
Trung ương ngoài đã có Ban phương Đông”, nếu công việc của Nguyễn chỉ
là “thùng thơ” thì “người khác cũng làm được” cho nên Nguyễn xin “đổi
chỗ”. Vì vậy Ban phương Đông mới có thư định trách nhiệm cho Nguyễn và
trách nhiệm ấy, qua thư Nguyễn trả lời Trung ương, chúng ta thấy bao gồm
có việc “tham gia ý kiến” với trong nước và Ban phương Đông, cho nên
cần được trong nước gửi báo cáo ra, “không có gì là vô lý và lộn xộn”
như Trung ương đã nhận xét. Nguyễn đề nghị Trung ương nên thảo luận lại
“nhiệm vụ” của Nguyễn và cho biết ý kiến [30]
. Như vậy, qua bức thư trên, ta thấy Nguyễn vẫn được Ban phương Đông
giao cho công tác trong đó vẫn giữ một trách nhiệm nào đó với Đảng CS
ĐD, nhưng Trung ương ĐCSĐD lại phủ nhận vai trò này. Cuối tháng 4-1931,
Trần Phú đã viết cho Ban phương Đông báo rằng không còn dùng Nguyễn như
người trung gian nữa vì “đồng chí này quá vắn tắt và hay cho chúng tôi
nhũng ý kiến riêng không tham khảo với Ban” [31] .
Đại hội Macao và số phận Nguyễn Ái Quốc
1. Giữa lúc tình hình đang căng thẳng đó thì tháng 8-1931,
Nguyễn Ái Quốc bị bắt, cùng với đa số những người đang hoạt động tại
Trung Quốc (trong đó có Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai) và 9 cán bộ
từ Moskva trở về [32]
. Trong khi Minh Khai được đưa về Quảng Châu (sau được thả vì khai là
người Trung Quốc), Hồ Tùng Mậu được dẫn độ về Việt Nam và bị đày đi Côn
Đảo (vì bị bắt trong lãnh giới Pháp) thì Nguyễn bị giam giữ tại Hồng
Kông (nơi Nguyễn bị bắt) để chờ ngày ra toà. Trong thời gian này một tờ
báo cộng sản Anh có đưa tin Nguyễn đã chết vì bệnh lao và tin này đã
khiến nhiều người cộng sản ở nhiều nơi đã làm lễ truy điệu. Nhưng đó chỉ
là tin đồn. Nhờ có sự vận động của tổ chức Cứu trợ Đỏ, một đoàn luật sư
do Frank Loseby cầm đầu đến Hồng Kông, khôn khéo khai thác những thủ
tục xét xử phức tạp trong luật pháp Anh để bênh vực, Nguyễn đã thoát
khỏi áp lực của chính quyền thực dân Pháp đòi dẫn độ về Việt Nam, cuối
cùng đến tháng 1-1933, thì được tha. Sau một số rắc rối, cuối cùng anh
về được Moskva vào tháng 7-1934.
2. Lúc này tình hình thế giới đang có những chuyển biến quan trọng. Năm 1933, Hitler đã lên cầm quyền tại Đức [33]
. Nhiều lĩnh tụ cộng sản các nước muốn xét lại đường lối của Đại hội 6
QTCS, khuyến cáo không nên đòi lật đổ toàn bộ giai cấp tư sản, không nên
xếp phe Dân chủ-Xã hội vào loại kẻ thù số một nữa vì đường lối đó sẽ
làm yếu mặt trận chống phát xít. Xu hướng này đã được thừa nhận trong
Đại hội 7 QTCS họp vào tháng 7-1935. Ở Liên Xô, sau việc nhóm đối lập
hữu khuynh bị thanh trừng xong, cuộc hợp tác hoá nông nghiệp đã hoàn
thành, tình hình tưởng có thể lắng dịu đi, nhưng nhân việc Kirov, bí thư
Leningrad bị ám sát vào cuối năm 1934, Stalin đã đẩy cường độ cuộc
thanh trừng nội bộ lên mức hết sức tệ hại. Trotsky cấu kết với đế quốc
để chống Liên Xô đã trở thành lý lẽ biện minh cho việc bắt bớ, đầy ải
hàng ngàn những phần tử đối lập cũ đã nhận lỗi và được phục hồi sau
những cuộc trấn áp trước.
Năm 1935 và 1936, cuộc thanh trừng tiếp tục và lan rộng dần, cho đến
1937 thì đã trở thành cuộc giết hại kinh hoàng: nó không chỉ nhằm vào
những nhóm chống đối đã có mà còn mở rộng đến toàn bộ hàng ngũ những
người bônsêvích kỳ cựu, những người mà Stalin cho là tạo ra cái môi
trường có khả năng tiếp tục sinh ra chống đối mới. Dưới nhiều hình thức
khác nhau – tra tấn, dụ dỗ, rún ép gia đình, giết hại không xét xử ,
hoặc mở ra một số rất ít những cuộc xét xử để những nạn nhân tự thú… –
Stalin đã triệt tiêu 70% (98 trong tổng số 139) các uỷ viên và uỷ viên
dự khuyết được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong Đại hội 1934,
một Đại hội mệnh danh là “chiến thắng” [34] .
Cuộc thay máu ấy không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng Liên Xô, nó
lan tràn ra các đảng cộng sản “anh em” mà Stalin nghi ngờ có khả năng
chống lại đường lối của mình. Cái mũ chụp lên đầu những lĩnh tụ cộng sản
này cũng không có gì khác hơn là làm tay sai cho Trotsky phản cách
mạng! Đặc biệt nhất là đối với những đảng viên từ nhiều nước bị chủ
nghĩa phátxít thống trị (Đức, Ba Lan…), phải chạy sang Liên Xô xin tá
túc: hàng vạn người trong hàng ngũ này đã bị bắn giết hoặc vào các trại
tập trung [35] .
3. Tình hình phức tạp ở Liên Xô và trên thế giới trên đây đã
ảnh hưởng rất nhiều đến Nguyễn Ái Quốc. Sau khi dưỡng bệnh ở Crimée,
tháng 10-1934, Nguyễn vào học tại Trường Lenin (được xem là nơi đào tạo
những cán bộ cộng sản nước ngoài nhưng thật sự cũng là nơi để giáo dục
lại những cán bộ mắc phải sai lầm). Bị kiểm điểm đối với anh chắc chắn
là điều không tránh khỏi [36] . Nhưng không thấy có tài liệu nói rõ hình thức kỷ luật đối với Nguyễn.
Vào thời kỳ này, trong khi Moskva chuẩn bị Đại hội 7 QTCS thì một sự
kiện quan trọng cũng đã xảy ra đối với ĐCSĐD: Hà Huy Tập thay mặt Lê
Hồng Phong, giả định như tình hình chưa có gì thay đổi, tổ chức Đại hội
ĐCSĐD tại Macao (từ 27 đến 31 tháng 3-1935), đẩy xa hơn nội dung khuynh
tả của Đại hội 6 QTCS về đường lối lẫn thanh lọc nội bộ [37]
. Đại hội đã bầu ra một Uỷ ban Trung ương mới gồm 13 người (Hà Huy Tập
là Tổng Bí thư) trong đó Nguyễn Ái Quốc chỉ được coi như là uỷ viên dự
khuyết và được chỉ định đi dự Đại hội 7 QTCS cùng với ba đại biểu khác
là Lê Hồng Phong (cán bộ trong Văn phòng Hải ngoại ĐCSĐD), Hoàng Văn Nọn
(người Tày) và Nguyễn Thị Minh Khai [38]
– ba người này đã đến Moskva vào cuối năm 1934. Nhưng cùng với việc đề
cử đó, Hà Huy Tập đã gửi cho QTCS báo cáo về “vấn đề Nguyễn Ái Quốc”
tại Đại hội Macao trong đó có những lời lẽ như sau:
“Ở Xiêm cũng như ở Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành
cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng cách
mạng-dân tộc, trộn lẫn với chủ nghĩa cải lương và duy tâm của Hội Thanh
Niên và đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Những tàn dư này rất mạnh và tạo ra sự
cản trở rất nghiêm trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản.
Cuộc đấu tranh không thương xót chống lại những lý luận cơ hội cũ của
Quốc và Thanh Niên là cần thiết. Hai Uỷ ban Xiêm và Đông Dương sẽ ra văn
bản chống lại các xu hướng ấy. Chúng tôi đề nghị đồng chí Line cũng
viết bản tự kiểm và những thất bại đã xảy ra” [39] .
Trong một thư 4 trang viết bằng tiếng Pháp gửi QTCS đề ngày
20-4-1935,Hà Huy Tập còn nói thêm về những sai lầm cực kỳ trầm trọng của
Nguyễn Ái Quốc trong lĩnh vực tổ chức:
“a) … Quốc biết Lâm Đức Thụ là mật thám nhưng vẫn dùng, b) Quốc
đã sai lầm khi đòi học viên phải nộp 2 bức ảnh, cho biết tên thật, địa
chỉ, tên cha mẹ, ông bà…, c) trong nước cũng như ở Xiêm và trong tù,
người ta đã nói nhiều đến trách nhiệm của Quốc điều mà Quốc không hề phủ
nhận, d) những ảnh mà Quốc yêu cầu hiện đang nằm trong tay mật thám
Pháp, e) dần dà khi đường lối của Đảng càng rõ ràng thì đảng viên ngày
càng chỉ trích Quốc một cách nặng nề. Tổng thư ký của Đảng CS Xiêm,
trước đây theo Quốc nhiệt thành, nay là một trong những người đã phát
biểu rằng trước 1930, Quốc không phải là một người cộng sản” [40] .
4. Với sự thay đổi đường lối của Đại hội 7 QTCS, Nguyễn Ái Quốc chắc đã hy vọng mau chóng học tập để trở về hoạt động [41]
. Nhưng có lẽ do những báo cáo của Hà Huy Tập nói trên, cộng thêm với
không khí thanh trừng ác liệt của Stalin trong thời gian đó, tình trạng
của anh đã trở nên khó khăn hơn.
- Trong Đại hội 7 QTCS, trong khi ba người Việt Nam được coi
là đại biểu chính thức (có quyền biểu quyết) và Lê Hồng Phong được bầu
vào Ban Chấp hành QTCS, và trong khi hai đại biểu Xiêm chỉ được xem là
đại biểu tư vấn (không được bỏ phiếu) thì Nguyễn Ái Quốc đã không là gì
cả: không là đại biểu chính thức mà cũng không là đại biểu tư vấn. Nếu
có dự Đại hội thì có lẽ chỉ với tư cách là cán bộ phụ tá hay cố vấn cho
đoàn Việt Nam thôi. Chính là Vasilieva, một cán bộ Ban phương Đông, đã
quyết định chuyện này chứ không phải là ai khác. Vasilieva đã ghi chữ
“không” dứt khoát, để trả lời việc Đại hội Macao đề cử Nguyễn làm đại
biểu trong QTCS, cùng với nhận xét sau đây: “Quốc phải học tập nghiêm
chỉnh trong hai năm và không được đảm nhận một công việc nào khác, sau
khi học xong, chúng tôi sẽ có kế hoạch đặc biệt cho đồng chí”.
- Sau Đại hội, trong khi Lê Hồng Phong rồi Nguyễn Thị Minh
Khai và Hoàng Văn Nọn lần lượt trở về châu Á, thì Nguyễn vẫn ở lại Liên
Xô, học tại Trường Lenin, năm 1936 chuyển sang bộ phận Đông Dương của
Trường Stalin, làm việc dưới sự phụ trách của Vasilieva và được
Vasilieva nhận xét: “Đồng chí có khá nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng như
nhiều đồng chí Đông Dương khác, đồng chí vấp phải nhiều sai lầm, chúng
tôi rất quan tâm đến những vấn đề đó… đồng chí đang có những tiến bộ
thấy rõ…”. Không tìm thấy tài liệu cho biết Nguyễn dự định làm một luận
án về nông nghiệp như nhiều người đã viết và dường như anh cũng chẳng tỏ
ra thích thú lắm với công việc giảng dạy và nghiên cứu này.
- Cuối 1936, Vasilieva đề nghị lập một trường huấn luyện tại Trung Quốc cho các cán bộ cơ sở ở Việt Nam, với dự án 3000 đôla, mỗi khoá 2 tháng cho 10 học viên, dự định đưa Nguyễn Ái Quốc về phụ trách. Nhưng cuối bản kế hoạch này có ai đó đã viết nguệch ngoạc: “Tất cả những đề nghị này đã bị bác bỏ sau khi đã làm rõ vấn đề”. Nguyễn Ái Quốc đã có vấn đề. Vấn đề gì? Trong hồ sơ QTCS không thấy nói rõ. Chỉ biết Nguyễn phải ở lại Moskva tiếp tục làm việc tại Trường Stalin, 1937, trường này đã được tổ chức lại với tên “Viện khoa học nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa”, nhưng nội dung vẫn là đào tạo những cán bộ cho các đảng cộng sản nước ngoài. Nguyễn công tác ở trường này với tư cách vừa là giáo viên vừa là nghiên cứu sinh năm thứ nhất Ban sử. Điểm học hình như cũng không lấy gì làm đặc biệt lắm. Các môn Duy vật biện chứng, Cổ sử, Trung sử: trung bình. Chỉ có Lịch sử hiện đại là xuất sắc. Trong khi học, được phân công dạy môn Nghiên cứu Đông Dương bằng tiếng Việt [42] . Đến cuối tháng 9-1938, Nguyễn mới được chấp nhận cho về Trung Quốc công tác với tư cách là phái viên của QTCS phụ trách Đảng CSĐD.
Chúng ta hãy đọc bức thư Nguyễn gửi Manuilsky ngày 6-6-1938 [43] sau đây để hình dung ra tình cảnh của Nguyễn trong suốt khoảng thời gian “từ ngoài chỉ đạo về nước” của anh tại Liên Xô:
Đồng chí thân mến,
Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng
Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của
tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi
thay đổi tình cảnh đau buồn này.
Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy
giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn
đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không
hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của (sic) Đảng.
Tôi sẽ rất biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi. (…)
Tôi sẽ rất biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi. (…)
6-6-1938
LIN (Nguyễn Ái Quốc)
LIN (Nguyễn Ái Quốc)
Vinh quang hay thất bại?
Qua những gì đã trình bày trên đây, chúng ta thấy đối với Nguyễn Ái
Quốc, các sự việc xoay quanh việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã
không tràn ngập hào quang như những nhà ý thức hệ của Đảng hết lời ca
tụng – ít nhất thì cũng không phải là “kết quả của gần 10 năm chuẩn bị
rất công phu” mà Nguyễn đã bỏ ra“về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ
chức” [44] để hoàn thành công việc đó.
1. Như chúng ta đã biết, khi nhận chỉ thị 12-9-1927 của QTCS
về Xiêm tổ chức thành lập đảng cộng sản cho Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã
không hoàn thành được nhiệm vụ. Hàng loạt câu hỏi có thể được đặt ra và
rất khó trả lời về ý nghĩa của những hoạt động của Nguyễn trong thời
gian này: a) Tại sao có tình trạng suốt 16 tháng ở Xiêm (từ tháng 7-1928
đến 11-1929), không thấy có báo cáo nào của Nguyễn gửi về QTCS [45]
? b) Có phải vì không liên lạc quá lâu với Liên Xô và QTCS từ Đại hội 6
nên khi cần hành động Nguyễn đã không còn biết rõ vai trò của mình là
gì [46]
? c) Có lý hay không khi có người cho rằng những hoạt động của Nguyễn
Ái Quốc ở Xiêm chỉ là một cách né tránh cơn dông bão Stalin trong những
năm sau Đại hội 6 QTCS mà anh đã cảm giác được?
2. Việc Nguyễn sang Trung Quốc thực hiện Hội nghị hợp nhất
tháng 2-1930 cũng chứa đựng nhiều câu hỏi tương tự: a) Một lĩnh tụ đảng,
một cán bộ của QTCS sao lại có thể lâm vào tình trạng không bắt kịp
đường lối mới (từ Đại hội V sang Đại hội VI) của QTCS là cơ quan cấp
trên của mình, cũng không nắm được tình hình trong nước là địa bàn mình
chỉ đạo? b) Tại sao trong tình thế chưa tìm hiểu mọi việc đến nơi đến
chốn mà vẫn hành động một cách vội vàng để sau đó tự làm mất uy tín, bị
đả kích nặng nề và cuối cùng bị gạt sang bên lề một cách “đau buồn”
trong một thời gian khá dài? c) Có thể tìm lý do khách quan nào khác để
giải thích những sơ suất trên đây ngoài thái độ chủ quan của Nguyễn: xa
rời thực tế nhưng tin rằng vẫn có thể dùng uy tín cũ của mình để giải
quyết những vấn đề cấp bách mới nẩy sinh?
3. Những uẩn khúc đó không thể không dẫn chúng ta đến câu hỏi
rốt ráo hơn: phải chăng đối với Nguyễn, nhiệm vụ xây dựng nên một đảng
cộng sản cho Việt Nam đã là một thất bại? Và phải chăng do hành động
lúng túng đó, cũng là tất yếu cái hậu quả “đau buồn” mà Nguyễn phải nhận
từ nhiều phía? Từ cái QTCS ngả nghiêng mà Nguyễn đã nương theo để nặn
nên “quả trứng cộng sản”: chính cái QTCS đó chỉ sau mấy năm đã phủ định
tất cả những gì Nguyễn đã làm. Từ cả những con “chim non cộng sản” háu
ăn: sau khi bay nhảy được thì liền quay lại cào cấu không thương tiếc
cái thực thể đã đem đến cuộc sống cho chúng. Phải chăng Nguyễn đã bị
cuốn vào một guồng máy mà sự vận hành của nó đã vượt khỏi mọi tính toán
của bản thân anh?
Trước những vấn đề phức tạp trên đây, những tư liệu mới có được cho
đến nay dường như vẫn chưa giúp chúng ta tìm ra câu trả lời thật dứt
khoát. Tuy vậy, có một điều mà chúng ta tin rằng không sai lầm nhiều lắm
khi khẳng định: cũng như nhiều lần khác, trước những khó khăn lần này,
Nguyễn đã tỏ ra rất khéo léo trong việc xoay sở để vượt qua và tồn tại [47] – kiên nhẫn đợi chờ thời cơ thích hợp để thực hiện mục đích của mình.
© 2007 talawas
[1]RC, 495, 154, 556, p.17; Sophie Quinn-Judge: Nguyen Ai Quoc, The Commintern and the Vietnamese Communist Mouvement (1919-1941), Chapter IV, p. 118-121.
[2]Xem Leonard Chapiro: The Communist Party of the Soviet Union, bản Pháp văn: De Lénine à Staline, Gallimard, 1967, tr. 413-424.
[3]J.V. Stalin: Works,
Foreign Languages Publishing House, Moskva, 1954, Vol. 11, pp 206-207;
Prepared for the Internet by David J. Romagnolo, djr@marx2mao.org,
September 1998.
[4]Trước
Đại hội 6 QTCS (từ 17-7 đến 1-8-1928) khoảng một tháng, Đại hội lần thứ
6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã họp tại Moskva (từ 18-6 đến
11-7-1928) đi theo xu hướng “chống hữu khuynh” của Stalin khá rõ rệt. Để
đối phó với chính biến của Tưởng Giới Thạch năm 1927, Đảng Cộng sản
Trung Quốc đã chủ trương liên tục những cuộc khởi nghĩa, từ Vũ Xương, Vụ
mùa, Quảng Châu đến Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Phúc Kiến, Hà Nam,
Thiểm Tây… và tất cả đều bị đàn áp thảm hại. Đại hội 6 của Đảng CS Trung
Quốc họp ở Moskva rút kinh nghiệm, tuy xác định đường lối vẫn nằm trong
giai đoạn “cách mạng dân chủ tư sản” nhưng vẫn lấy thành phố làm trọng
tâm công tác, và do ảnh hưởng của Stalin, đã coi “giai cấp tư sản dân
tộc là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất cản trở thắng lợi của cách
mạng” (Nguyễn Gia Như và Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 276-278).
Đại hội đã bầu ra Bộ Chính trị mới: Xiang Zhongfa (Hướng Thiên
Phát), Qu Qiubai (Cù Thu Bạch), Zhou Enlai (Chu An Lai), Cai Hesen, Li
Lisan (Lý Lập Tam), Xiang Ying (Vương Minh); trong số này có ba người là
Xiang Zhongfa, Cai Hesen, Li Lisan đã trở về Thượng Hải trước khi Đại
hội QTCS họp, và có thể chính những lãnh tụ này đã ảnh hưởng đến phong
trào cộng sản Việt Nam trước Đại hội 6QTCS. Điều này cũng dễ hiểu: những
cán bộ Thanh Niên trong thời kỳ này đều là những người hoạt động lâu
năm ở Trung Quốc, nhiều người công tác trong Quốc dân Đảng hoặc Đảng
Cộng sản Trung Quốc, có tham gia những cuộc khởi nghĩa nông dân sau sự
biến tháng 4-1927 (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 123).
[5]Xem Hélène Carrère dEncausse et Stuart Schram: Le marxisme et l'Asie 1853-1964, Armand Colin, Paris, 1965, tr. 87-88.
[6]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, Chapter IV, tr. 126.
[7]Stalin
đã nói về nhóm Bukharin bằng những lời lẽ như sau: “Hoạt động đối lập
của nhóm đó là toan xét lại đường lối của Đảng; nó tìm cách sửa lại
đường lối của đảng và chuẩn bị điều kiện để thay thế đường lối của đảng
bằng một đường lối khác, đường lối của phái đối lập, đường lối này không
khác gì hơn là đường lối của xu hướng hữu khuynh”. Đó không phải là một
nhóm bè phái thường mà là “một nhóm đáng ghét nhất và ti tiện nhất
trong tất cả các nhóm bè phái đã có trong đảng ta”. Sai lầm lớn nhất của
nhóm Bukharin, theo Stalin, là do họ không hiểu cái lôgích đấu tranh
giai cấp “mácxít” được Stalin diễn giải như sau: do bị cách mạng đẩy vào
đường cùng, bọn phản động càng giãy dụa điền cuồng, cho nên cách mạng
càng mạnh, phản động càng yếu thì đấu tranh giai cấp càng gay gắt thêm.
(Xem I.V Stalin: “Về xu hướng hữu khuynh trong Đảng Cộng sản toàn Liên
Xô”, Diễn văn đọc tại Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương và Ban
Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản (b) toàn Liên Xô, tháng 4-1929,
trong I.V Stalin: Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin, Sự thât, Hà nội, 1977, tr. 261-343).
[8]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 127.
[9]Gồm
7 người: Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du (Phiếm
Chu), Trịnh Đình Cửu, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân. Trong số những người
này Dương Hạc Đính đã là mật thám chìm cho Pháp, còn Nguyễn Tuân thì về
sau đầu hàng, khai báo và bị đồng chí cũ thanh toán khoảng 1930. Xem
Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese communism, Cornell University, Ithaca and London, 1986, tr.117.
[10]Trước
sự nhất quyết của Nhóm Bắc kỳ, nghe nói Lâm Đức Thụ đã phát biểu: “Với
tư cách là chủ tịch Đại hội, tôi ra lệnh chấm dứt mọi thảo luận việc
thành lập đảng cộng sản. Ai muốn nói chuyện đó có thể rời hội nghị và
bàn ở một nơi khác”. Xem Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 118.
[11]Xem Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 119.
[12]Huỳnh
Kim Khánh cho biết đã tìm thấy trong Kho lưu trữ hồ sơ hải ngoại Pháp
(AOM) hơn 30 tài liệu và thư mật giữa ĐCSĐD và Tổng bộ Thanh Niên ở Hồng
Kông trao đổi về vấn đề giải tán Thanh Niên và thành lập Đảng Cộng sản.
Tất cả những văn bản được viết bằng mực vô hình đó, đã được bạch hoá
(làm lộ ra), chụp lại và dịch sang tiếntg Pháp. Trong thư gửi Tổng bộ
Thanh Niên ngày 9-10-1929, ĐCSĐD đã từ chối mọi hoà giải và hứa sẽ xem
xét sự gia nhập của những thành viên Thanh Niên vào Đông Dương với tư
cách là những cá nhân. Bức thư có thêm dòng sau đây: “Nếu Vương (Nguyễn
Ái Quốc) có trở về thì chúng tôi cũng thực hiện các thủ tục với ông ấy
giống như các thủ tục đối với các anh”. (Huỳnh Kim Khánh: Sđd, Chú thích
93, tr. 182).
Mấy chi tiết trên đây được Phạm Xanh nhắc đến trong cuốn Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam
(Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 199) nhưng không cho biết tên
sách đã dẫn và đặc biệt nhất là không biết bằng cách nào mà lại có thể
diễn dịch nội dung câu tiếng Anh trong sách của Huỳnh Kim Khánh:
“Originally written in invisible ink, they were exposed, photographed,
and translated into French” thành: “Bản gốc được viết bằng mực tím và
được dịch ra tiếng Pháp” !!! Còn câu: “If Vuong returns, we shall follow
the same procedures toward him as toward you” thì diễn thành: “Nếu
Vương trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi các phương pháp với Vương
cũng như với các anh” !!!
[13]Theo
tài liệu của QTCS mà Sophie Quinn-Judge đọc được thì cuối tháng 8-1929,
khi Hồ Tùng Mậu và khoảng 20 học viên Hoàng Phố được tha khỏi nhà tù
Quốc dân Đảng, họ đã quyết định giải thể Thanh Niên và thành lập An Nam
Cộng sản Đảng vì cho rằng tình hình mới buộc phải như vậy. Một chi bộ
AnNam CSĐ đã ra đời tại Hồng Kông, mục đích là để tạo ra một đảng chân
chính. “ĐCSĐD không phải là một đảng chân chính”. Những nhân vật lãnh
đạo Annam CSĐ: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Quảng Đạt và Lê Duy Điếm,
tuyên bố muốn thống nhất các thành viên cộng sản trong Thanh Niên khắp
Đông Dương, kể cả việc hợp nhất với ĐDCSĐ, tuy rằng vẫn không ngớt chỉ
trích đảng cộng sản này là “không chân chính”. (RC, 495, 154, 616, p.
62; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 145-146).
[14]Xem Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 122.
[15]Như trên, tr. 122-123.
[16]Ngày
31-12-1929, Đại hội thành lập ĐDCSLĐ dự định họp ở ga Thọ Trường, nhưng
vì lộ nên dời lên Chợ Thượng (Hà Tĩnh) họp trên một con đò dọc sông La
xuôi về Vinh. Tham gia Đại hội có 8 đại biểu: Nguyễn Khoa Văn (Hải
Triều), Trần Hữu Chương, Nguyễn Xuân Thanh, Trần Đại Quả, Ngô Đức Đệ,
Ngô Đình Mẫn, Lê Tiềm, Lê Tốn. Đại hội họp được hai ngày, khi đến bến đò
Trai (Hà Tĩnh) các đại biểu bị địch bắt. (Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam (1921-1930), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, Sđ, tr. 197).
[17]Trần Văn Giàu: Giai cấp công nhân Việt Nam, Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr. 441, dẫn theo Phạm Xanh: Sđd, tr. 190.
[18]Hồ Chí Minh: “Báo cáo gửi QTCS 18-2-1930”, trong Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 3, tr.12.
[19]Hồ Chí Minh toàn tập, T.3, Sđd, tr. 11-12.
[20]
“Ngoài việc cuốc đất đi buôn, ông Nguyễn còn làm công việc tuyên truyền
và tổ chức. “Hội Thân Ái Việt Nam” thành lập, một tờ tuần báo Thân Ái
được xuất bản. Trước kia ở Trung Quốc, ông Nguyễn từ phương Bắc tuyên
truyền về nước. Bây giờ ở Xiêm, ông tuyên truyền về nước từ phương Tây”
(Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoật động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Nà Nội, 1972, tr. 64).
[21]“Ở Xiêm, Bác giúp kiều bào chỉnh đốn thêm những đoàn thể yêu nước và tổ chức thêm trường học dạy các trẻ em” (T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia – Nxb Thanh niên, Hà Nội 1994, tr. 34 ). T. Lan cũng được xem là bút danh của Hồ Chí Minh.
[22]Lê Mạnh Trinh: “Những ngày ở Quảng Châu và ở Xiêm”, trong Bác Hồ, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2000, tr, 128-145.
[23]Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 12.
[24]Thép Mới: Thời dựng Đảng,
Paris, 1976, tr. 114. Dẫn lại theo Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 182. Người
chất vấn đó là Trịnh Đình Cửu trong nhóm Bắc Kỳ (Xem Hoàng Tùng: “Hồ
Chí Minh, Liên Xô và Trung Quốc”, Diễn Đàn (Paris) số 123 tháng 11-2002).
[25]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 152-153.
[26]“Tháng
3-1931, trong lúc Trung ương Đảng bí mật họp hội nghị ở Sài Gòn, Ngô
Đức Trì bị bắt và phản bội. Vì nó khai mà đồng chí Trần Phú và nhiều
đồng chí khác bị bắt. Suốt sáu tháng bị tra tấn dã man, tháng 9 năm ấy
đồng chí Trần Phú đã chết trong nhà tù” (T. Lan: Vừa đi vừa kể chuyện, Sđd, tr. 48). Theo Sophie Quinn-Jugde thì Ngô Đức Trì bị bắt ngày 1-1-1931 cùng với toàn bộ Uỷ ban Nam Kỳ (Sđd, tr. 187).
[27]Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 233-242.
[28]Văn kiện toàn tập, T2, Nt, tr. 88-103
[29]Trong sự phê phán công khai này kéo dài này, Nguyễn Ái Quốc đã bị nêu đich danh cùng với cuốn Đường Cách mệnh
mà Nguyễn soạn thảo ở Quảng Châu (một thời được coi như tài liệu gối
đầu giường của những người cộng sản) để đả kích. Đặc biệt trong những
bài viết ký tên là Hồng Thế Công đăng trên Tạp chí Bônsêvích, cơ
quan lý luận của ĐCSĐD, từ khoảng 1932 đến 1935. (Xem Huỳnh Kim Khánh:
Sđd, tr. 184-185). Huỳnh Kim Khánh cho rằng Hồng Thế Công có thể là bút
danh của “một cán bộ cao cấp của ĐCSĐD”, nhưng có thể đó là bút danh của
Hà Huy Tập, người đã chống Nguyễn Ái Quốc gay gắt nhất trong thời kỳ
này.
[30]Hồ Chí Minh toàn tập, T3, tr. 77-80.
[31]RC, 495, 32, p. 10; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 183.
[32]AOM , SPCE 368; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 190.
[33]Nhiều
tác giả cho rằng chính chính sách của Stalin của Đại hội 6 QTCS liệt
Đảng Dân chủ-Xã hội vào loại kẻ thù số một nên đã tạo cho Hitler đủ số
phiếu để thắng cử.
[34]Con số Khouchtchev công bố trong Đại hội XX ĐCS Liên Xô 1956 (Xem: Leonard Schapiro: De Lénine à Staline, Sđd, tr. 466).
[35]Hiện tượng thanh trừng này đối với các cán bộ cộng sản Việt Nam cũng đã được một tác giả nóí đến như sau: “Cuộc
đấu tranh chống những phần tử gọi là khiêu khích được mở rộng ở các
trường của QTCS vào lúc có người nêu lên luận điểm trào lưu dân chủ xã
hội là kẻ tòng phạm và anh em sinh đôi với với chủ nghĩa phát xít. Tháng
4-1934, Đặng Đình Chục quê Nam Định, mang bí danh Lê-ô, học ở trường
Đại học cộng sản phương Đông bị bắt. Một số học sinh người Việt Nam khác
cũng bị buộc phải thôi học” (Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin,
Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 302). Theo cái lôgích của đoạn văn trên
đây thì những người Việt Nam bị liệt vào hạng “khiêu khích” đó có dính
dáng đến “trào lưu dân chủ xã hội” và điều đó có nghĩa là trong phong
trào cộng sản Việt Nam bấy giờ đã tồn tại trào lưu “dân chủ xã hội”? Hay
ý tác giả muốn nói mấy chữ “khiêu khích” ấy chỉ là cái cớ để đàn áp?
Chúng ta không rõ – nhất là khi nguồn thông tin trên không xác định nội
dung và xuất xứ. Trong khi đó thì một nguồn tài liệu khác vẫn có thể sử
dụng để giải thích: những người bị thanh trừng kể trên là do bị tố cáo
làm gián điệp cho thực dân Pháp. Nhiều báo cáo ở Việt nam gửi qua vào
thời gian này đã chứng minh điều đó. Chẳng hạn như trong báo cáo ngày
28-12-1934 gửi QTCS về danh sách 37 học viên Việt Nam đã rời Moskva qua
Pháp hoặc về châu Á, Hà Huy Tập cho biết trong số đó có đến 12 người đã
là những kẻ phản bội hoặc trở thành mật thám cho Pháp, chỉ có 10 người
được xem là “cách mạng chuyên nghiệp” (RC, 495, 154, 676, p. 37; Sophie
Quinn-Judge: Sđd, tr. 205). Chúng ta biết sự đầu hàng của các lĩnh tụ và
việc xâm nhập của mật thám vào nội bộ (trường hợp Lâm Đức Thụ, Dương
Hạc Đính, Ngô Đức Trì, Nguyễn Tuân…) đã trở nên vấn đề khá trầm trọng
của phong trào cách mạng cộng sản Việt Nam lúc ấy.
[36]Một
báo cáo mấy năm sau của Anatoly Voronin, một cựu thành viên của Bộ Quốc
tế của Uỷ ban Xô viết Trung ương, cho biết trước Đại hội 7 QTCS, một bộ
ba đã được thành lập, gồm Manuilsky, Khang Sinh, và Vera Vasilieva, để
kiểm điểm Quốc. Trong khi Manuilsky trung lập, Vasilieva bênh vực thì
dường như Khang Sinh đã kết án Quốc khá nặng nề (Xem Sophie Quinn-Judge:
Sđd, tr. 205).
[37]Hành
động này không giống trường hợp Nguyễn Ái Quốc bị thực tế vượt qua.
Theo Sophie Quinn-Judge thì đó là hành động nhất quán của Hà Huy Tập:
khi Nghị quyết của Đại hội 7 QTCS về đến Đông Dương sau này, Hà Huy Tập
vẫn tìm cách cuỡng lại, không thực hiện, cho rằng Đại hội QTCS mới không
hiểu rõ tình hình cụ thể của Việt Nam (Xem Sophie Quinn-Judge: Sđ, tr.
220).
[38]Thư
ngày 31-3-1935 của Hà Huy Tập gửi QTCS đã nhắc đến Nguyễn Thị Minh Khai
như là “vợ của Nguyễn Ái Quốc”. Còn Minh Khai (bí danh là Fan Lan) đã
khai trong lý lịch dự Đại hội là “đã kết hôn” và tên chồng là “Lin” (bí
danh của Nguyễn Ái Quốc). Nhưng trong lý lịch của mình, không thấy
Nguyễn khai là đã có vợ . (RC, 495, 201, 35; Xem Sophie Quinn-Judge:
Sđd, tr. 201).
[39]RC, 495, 154, 688; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr . 204.
[40]RC, 495, 154, 586, p. 4; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 204.
Có lẽ với hy vọng về sự đổi thay của tình hình sau Đại hội 7 QTCS,
Nguyễn Ái Quốc đã viết thư cho Ban phương Đông ngày 16-1-1935, ký LIN,
phê phán khá gay gắt trình độ lý luận và kiến thức của các cán bộ: do
không đọc sách nên không hiểu thật rõ nhiều điều căn bản như cách mạng
dân chủ tư sản là gì, không hiểu tại sao phải kết hợp giữa cách mạng
phản đế với cách mạng ruộng đất… ; trong khi đó những người trí thức có
đọc sách và tự cho là có hiểu biết thì lại rơi vào bệnh giáo điều, máy
móc, bất chấp thực tế … phạm nhiều sai lầm. Tình trạng trên càng trầm
trọng hơn khi những chiến sĩ lão luyện đã bị tù đày hầu hết và được thay
bằng những người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, tr. 83-84).
[42]Cùng
công tác ở đây trong thời kỳ này có Nguyễn Khánh Toàn, và Toàn thì có
vẻ trỗi bật hơn trong nghề nghiên cứu, giảng dạy: giảng Kinh tế Chính
trị, Lịch sử tổng quát, Nghiên cứu các nước. Đến 1939 Toàn mới về Trung
Quốc.
[43]“Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản”, Hồ Chí Minh toàn tập,
Tập 3, Sđd, tr. 90. Manuilsky là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên
Xô, năm 1924 là Uỷ viên Ban Chấp hành QTCS, 1928 là Bí thư Ban Chấp hành
QTCS.
[44]Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 82 .
[45]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 128.
[46]Trong
thư Nguyễn Ái Quốc gửi Đại diện Pháp ở Quốc tế cộng sản ngày 27-2-1930,
có đoạn như sau: “Lúc này tôi chưa biết rõ vị trí của tôi. Tôi hiện là
đảng viên Đảng Cộng sản Pháp hay Đảng Cộng sản Việt Nam? Cho đến khi có
lệnh mới, tôi vẫn chỉ đạo công việc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng
với danh nghĩa gì? Tôi không tham gia Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
vì tôi chưa trở về Đông dương được, nhất là lúc này, chúng đã ban cho
tôi một cái án tử hình vắng mặt. Sự uỷ nhiệm công tá của Quốc tế cộng
sản cho tôi đã hết hạn chưa? Nếu chưa, tôi vẫn tham gia Ban phương Đông ở
đây? Tôi đề nghị các đồng chí nhắc Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản cho
quyết định về việc này” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 22).
[47]Sophie
Quinn-Judge cho rằng sở dĩ Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi sự thanh trừng
trong năm 1937 môt phần có lẽ do Đông Dương không phải là vùng ưu tiên
được Liên Xô quan tâm, phần khác lại do Nguyễn đã tập được thói quen
biết tỏ ra khiêm tốn và ít tranh cãi trong những vấn đề lý luận gai góc
(Sđd, tr. 216).
No comments:
Post a Comment