9.
Tôi tới bệnh viên khám vết thương lần cuối cùng, tôi được tháo băng, cả hai mắt đều nhìn được như trước, khi mới bỏ băng tôi choáng vàng rất lâu, gần như mất thăng bằng vì thói quen, vị bác sĩ nói với tôi:
"Thật may mắn cho ông rất nhiều, tôi vẫn lo con mắt có thể ảnh hưởng nhưng nay thì yên tâm rồi; có sẹo một chút thế này không sao. Đàn ông mà. Thấy mắt thế nào?"
"Dạ thưa như thường. Cám ơn bác sĩ".
Tôi ra khỏi bệnh viện, cô y tá nhìn tôi mỉm cười chừng như ái ngại, cô nhìn tôi rất lâu, cô nói:
"Ông rất may mắn, tôi vẫn lo con mắt của ông không được bình thường, nay thì không sao rồi, chút sẹo có hơi xấu trai một chút, thật tôi chưa bao giờ thấy một tai nạn như thế. Nó hung bạo quá".
Tôi nghe câu nói thương hại chừng như còn theo đuổi tôi, chợt tôi thấy có vẻ khác thường, mặt mũi tôi có vẻ gớm ghiếc lắm phải không. Tôi nhìn mọi người và chừng ai cũng chú ý đến tôi một cách đặc biệt, chừng như tôi được phân biệt với những người chung quanh, tôi lạ ra trong đám đông. Họ đang nghĩ gì về tôi, họ đang phỏng chừng gì, tự hỏi gì, bàn tán gì. Tôi muốn che mặt tôi đi cho không ai nhìn thấy. Trên xe điện, giữa đường phố, trong đám đông tôi tưởng tôi như một con vật lạ cho người ta ngắm nhìn, cùng tiếng nói cười chế nhạo của Hùng như vang lên, thằng khốn nạn, cho hết dấu vết tội lỗi đi, như đang cất lên trong đám đông vặn mình không ngừng.
Tôi vừa đi vừa như chạy khỏi những đường phố và về tới nhà còn tự hỏi có phải mình đã trở về đến nhà rồi không? Phải, mình đã trở về được đến nhà. Tôi bỏ mình xuống giường và khóc, tôi nghĩ thế, tại sao mình không thể khóc một chút cho đỡ buồn tủi.
Khi đứng trước gương, nhìn thẳng vào mặt, tôi mới thấy nỗi sợ hãi mà tôi tưởng tượng chưa thấm vào đâu, nửa mặt tôi bị đốt cháy, da co dúm lại như một mớ giẻ rách, những vết sẹo nhăn ngang dọc, một bên lông mày không còn, mắt bị kéo xếch lên và trở thành trơ trẽn.
Thuốc đỏ chưa hết như máu khô trên làn da non còn trắng, tôi sờ lên làn da những đường nhăn nổi cồn và không đủ can đảm để làm quen với khuôn mặt mình lâu hơn nữa.
Trong bữa ăn tôi không dám nhìn mặt ai, chị Huệ, người mẹ đều như ái ngại, mọi người nói những chuyện đâu đâu như để tôi nghe không nghĩ đến vết thương trên mặt. Quả là hắn đã trả thù tôi một cách đích đáng. Sau bữa tôi nằm vùi trên giường, chị Huệ hỏi:
"Em buồn chuyện gì?"
"Em nhớ Hiền".
Buổi tối tôi nằm nghe tiếng tụng kinh của người mẹ, tôi vuốt tay lên mặt, trong đêm tối tôi thấy khuôn mặt tôi thay đổi từng lúc, nó trôi nổi như một khuôn mặt giả trong tay người phù thủy, khuôn mặt ấy khiến tôi sửng sốt, tôi lạ tôi quá lắm; tôi mong giấc ngủ đến, nhưng khuôn mặt tôi chập chờn nhảy múa khiến tôi không sao nhắm mắt được.
Trong đêm tôi nhớ đến chú tôi, tôi trở dậy viết thư cho chú.
"Thưa chú,
Sau cùng cháu không vâng theo những lời khuyên của chú cùng những điều chú trông mong nhờ cậy cháu trong khi chú đi xa. Hôm qua đây cháu đã mang đồ đạc rời khỏi căn nhà đầy những kỷ niệm thân yêu và những tai ương hãi hùng, cháu đã dọn xuống ở nơi nhà một người bạn, sau đó cháu sẽ nhận một công việc làm. Việc cháu làm chắc chắn không làm chú vui lòng nhưng cháu nghĩ chú cũng không phiền trách cháu. Làm sao để cháu có thể nói hết những buồn tủi của cháu trong ngày nay.
Chiều hôm cháu rời khỏi nhà, ông đã ngạc nhiên, chắc ông vẫn nghĩ không bao giờ cháu làm vậy vì cháu phải bám vào gia đình để sống, sau nữa cháu phải ở đây sau này hưởng cái gia tài do ông để lại. Không, những điều đó cháu không bận tâm đến. Cháu muốn tự cháu nuôi sống cháu, cháu nhờ cậy đến như vậy đã là quá nhiều và ngày nay cháu cảm thấy cần thiết hơn bao giờ hết phải thoát ra khỏi tâm trạng của một đứa trẻ yếu đuối, thụ động, tự ti, quanh quẩn trong một kỷ niệm không nguôi về sự bất hạnh của mình do cha mẹ mình để lại. Về cái gia tài của ông, cháu thấy cháu cũng không được quyền hưởng vì cha mẹ cháu cũng như cháu không làm một điều gì để giúp cho ông có được gia tài như hiện nay. Nhưng thái độ ngạc nhiên sững sờ của ông làm cháu xúc động, cháu vẫn tự hỏi tại sao cha cháu lại hoá điên? Tại sao ông lại lựa chọn cách sống như hiện nay? Quả thật cháu không xứng đáng là cháu của ông, nghĩ lại cũng làm cháu ân hận. Sống dưới mái nhà ấy đã bao lâu rồi mà cháu chẳng làm được điều gì gọi là vui lòng ông. Có phải nhiều lý do từ ngoài đưa đến đã phá hủy những gì gọi là thiêng liêng, và những giá trị luân lý bất biến? Cháu và nhiều người trẻ tuổi khác đã sống lên trong một hoàn cảnh lơ láo, biến loạn, những thông điệp tinh thần chỉ còn là những giáo điều chết cứng, chính nó làm cho cháu không còn gì để tuân theo, gìn giữ bảo vệ và sống với nó? Cháu nói với ông, ông hãy để cho thằng Hùng nó hưởng gia tài và nuôi ông, nó cũng là cháu của ông. Nhưng quả thật nhìn thím khóc, nhìn các em cháu đã không muốn rời đi. Như trước đây cháu đã có lần được thưa với chú: cháu muốn được sống dưới một mái nhà, trong một gia đình, cháu cũng như bất cứ một người nào khác không bao giờ muốn mình là một người mồ côi, một người khách lạ mặt trong một căn nhà, một gia đình có ông nội, có chú thím các em và ở đó có một người cha đã sống, một người mẹ hiền đã chết. Có một gia đình, có một mái nhà nhưng cháu lại không thể ở đó, bởi vì ở một chỗ khác để làm một người lạ, một người khách người ta có thể sống được còn ở trong một nơi được gọi là gia đình, một mái nhà mà người ta phải sống làm một người khách thì cháu không thể chịu đựng được. Chú đã khuyên cháu thì cháu không thể chịu được. Chú đã khuyên cháu nhiều lần, chấp nhận cuộc sống tầm thường với những xấu tốt chen lẫn, sự tình cờ đưa chúng ta đến đời sống như một định mệnh, dù chúng ta có tự do, tự do chúng ta tạo ra, chúng ta phải chấp nhận một hoàn cảnh cùng những liên đới nào đấy và sống với tấm lòng của mình. Vâng, cháu cũng nghĩ như thế. Đơn giản hơn, cháu nghĩ, gạt ra ngoài những gì gọi là giá trị, những giáo điều, những luận cứ, trước tiên con người phải được sống trong một bầu khí, một mái nhà, ở đó lớn lên với những gì gọi là tình người, chia xẻ những vui buồn, ước vọng với những kẻ chung quanh nhìn thấy nhau lúc sớm tối, ngồi ăn cùng mâm cơm. Con người sống ở đó làm điều quấy có người chê trách, làm điều phải được khen ngợi tán đồng. Trong bầu khí dưới mái nhà ấy hắn được cột chặt vào một sợi dây tinh thần. Hắn sống lên và chết ở đó. Cháu lại thiếu tất cả. Ngày thơ ấu thiếu mẹ hiền nuông chiều nuôi dạy, không tình thương, một người cha biến chứng hung bạo, uất ức không coi sóc đến. Kỷ niệm về một người mẹ không đủ nuôi sống cháu. Kỷ niệm về một người cha trong một lần giữ chặt lấy cháu, với đôi mắt đỏ ngầu hung hãn và tiếng cười phá lên làm cháu không nguôi kinh hoàng, ngày nay nhiều lúc cháu cũng cười lên như thế.
Cháu không có được một dẫn dắt tinh thần của cha mẹ, cháu không thể nói với chú những điều có thể quá tầm thường với chú nhưng lại lớn lao quan trọng với tầm mức của lứa tuổi cháu. Trong gia đình còn lại ông, có một điều cháu chưa bao giờ hỏi chú: Có phải vì ông mà cha cháu đã phát điên? Có phải vì ông mà chú đã không ở nhà? Một người ông đáng ra cháu phải kính mến thì cháu lại khinh lờn coi rẻ, điều này thật là quá tệ, cháu đã không nghĩ thế. Nhưng làm sao để kính yêu một người ông suốt ngày chửi bới, suốt ngày lo kiếm tiền bằng cách cho vay nặng lãi, trong lời ăn tiếng nói không bao giờ có được sự bao dung yêu thương. Trong hoàn cảnh, không khí lơ láo và khác thường đó cháu đã sống lên như một đứa con hoang.
Không có một nương tựa trong gia đình, cháu lại phải sống với một xã hội chiến tranh, một sinh hoạt tráo trở bấp bênh xáo trộn hết thảy những trật tự cũ đã mòn mỏi, ốm đau, liệt bại… Bao nhiêu điều hay lẽ phải trong sách toàn trái ngược trong thực tế. Bao nhiêu sự kiện mới nảy sinh, bao nhiêu lý thuyết đối chọi nhau, bao nhiêu giá trị tinh thần sụp đổ, bao nhiêu thần tượng bị nghi ngờ… Tất cả làm cháu quay cuồng không biết đâu mà sống cho yên được. Có lẽ chưa bao giờ con người lại phải sống trong hoàn cảnh khốc liệt như hiện nay. Tuổi hoa niên không có trong đời cháu, cháu không được thấy một cái gì còn nguyên vẹn tinh khôi, không được biết thế nào là hay là đẹp, là hạnh phúc, thưa chú như vậy làm sao để cháu tin tưởng mà sống? Và nhất là nghĩ đến một tương lai còn ở phía trước mặt? Trước hết cháu muốn cái thực tại này đã, nhưng thực tại thì, chú cũng thấy, làm sao để cháu sống yên và chấp nhận được nó? Cháu muốn lấp đầy cái thực tại này.
Bây giờ cháu đã rời đi, thoát ra khỏi một nơi cháu cho là tù túng nhưng rất yên hàn, để bắt đầu làm những gì mình muốn, và tất nhiên cháu sẽ thường trực ở một tình trạng mà cháu phải chịu đựng, những chịu đứng cháu tạo ra. Nhưng cháu yên tâm và tự tin hơn. Đó là một điều cháu chưa bao giờ có.
Cháu đang tự hỏi, chú có bao giờ tưởng tượng được khuôn mặt cháu sau khi đã cởi tấm băng ra không? Thật cháu cũng không ngờ đến như thế, thế là dấu vết của một tội lỗi khác trở thành rõ ràng, lớn hơn xưa kia, cháu, với một khuôn mặt bị tàn phá, một tâm não bị lay động, thật cháu không hiểu tại sao cháu phải chịu đựng để tiếp tục cuộc sống.
Bao giờ cháu còn có dịp trở về căn nhà xưa kia mẹ cháu đã chết, cha cháu đã sống để nhìn mặt một đứa em đã muốn giết cháu, cháu cũng không còn nơi để cúng giỗ mẹ cháu nữa. Tất cả những điều cháu thưa cùng chú chỉ để giải thích cùng chú phần nào việc cháu đã không còn ở lại căn nhà xưa nữa.
Khi nào chú trở về chú cho cháu biết tin để cháu về thăm chú. Mong chú hiểu cho cháu và tha thứ cho cháu vì cháu không thể làm gì khác được".
Mỗi buổi sáng thức dậy mua một tờ nhật báo đọc những tin tức, tôi đọc hết tờ báo không bỏ một mục nào kể cả những dòng quảng cáo, những cáo phó, hỉ tín, rồi ăn sáng với xôi lúa hoặc bánh tây chị Huệ đã mua sẵn. Tuyệt nhiên tôi không muốn ra đường. Tôi đọc lại những cuốn sách cũ. Tôi thấy nhớ trường học, nhớ bạn bè, bây giờ Vịnh đã đến đâu, Thu chết chưa?
Tôi mong có một người nào đến thăm, nhưng liên tiếp những buổi chiều tôi chỉ thấy Huệ gánh hàng trở về, chị vừa nấu ăn vừa nói với tôi những chuyện xảy ra ngoài chợ, chuyện kẻ cắp, đánh nhau, những tin đồn đại… Mỗi ngày tôi một thấy tôi già và tiều tụy đi, tôi thấy tôi như bị khoét rỗng bởi những điều trong trí não. Có thật tôi hư vô?
Chị Huệ nhìn tôi xanh gầy thì lo âu, chị nhắc tôi chuyện tôi định kiếm việc làm, chị nói tôi phải làm gì đấy và đi học trở lại. Chị nói trong niềm thân yêu che chở:
"Sao em buồn quá vậy, em đừng lo nghĩ nhiều hãy coi đây cũng như nhà em".
Không, tôi không muốn đây là nhà tôi như tôi đã bỏ đi, tôi muốn đây là nơi tôi tìm kiếm, tôi nói:
"Em buồn vì em thấy em khổ quá, em không còn ai".
"Em không nghĩ là còn chị sao?"
Tôi nhìn vào mắt chị, tôi chưa bao giờ xao xuyến như thế, đôi mắt chị sao hiền từ, có phải đôi mắt mẹ tôi xưa kia cũng như vậy.
Chị Huệ hơn tôi hai tuổi, nhưng đời sống vất vả, nỗi cơ cực trong những ngày tháng chiến tranh, cuộc sống cô đơn bên người mẹ già khiến chị già trước tuổi, tôi nghĩ chắc chị chưa bao giờ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng chị.
Chị sống âm thầm như người góa phụ thương tiếc một dĩ vãng không bao giờ trở lại, tôi nhìn mắt chị mà muốn khóc, có lẽ chưa ai dành cho tôi nhiều yêu thương như chị và lo âu như chị. Nhiều tối tôi ngồi trên đầu giường kể chuyện Hiền cho chị nghe, tôi nhắc đến những lần dạo chơi, một lần đi chợ và lạc nhau, tình cảnh của Hiền, tôi nói những lo âu của tôi về Hiền và tôi bất lực không bảo vệ được nàng:
"Chắc em không bao giờ còn tìm thấy Hiền nữa, em không tìm thấy điều em mơ ước".
"Không, chị tin Hiền sẽ về, chị cũng tin Vịnh sẽ về".
"Em cũng cố tin, nhưng em sợ không được, em sợ khi Hiền về thì cũng không còn là Hiền ngày trước nữa. Thời buổi buồn quá phải không chị".
Tôi kể cho chị Huệ nghe về mẹ tôi, về bố tôi, tôi đọc cho chị nghe lá thư của chú tôi gửi cho tôi khuyên tôi ở nhà trông nom mấy đứa em, chịu đựng ông và lo gây dựng, học hành.
"Nhưng em không làm được như chú mong và dặn dò".
Nghe tôi nói chị Huệ như muốn khóc, có phải chị khóc cho tôi không.
Giữa khi tôi không còn trông ai nữa thì Trương đến, Trương nói tìm không ra nhà, tôi giới thiệu Trương với chị Huệ. Tôi hỏi tin Thu, Trương nói:
"Hắn bị thương và về điều trị ở nhà thương Đồn Thủy, mình khuyên nó bỏ lính. Còn Vịnh ra sao?"
Tôi nói không biết thế nào, không có cả tin về nhà. Trương ở lại tới chiều tối mới về, tôi thấy Trương băn khoăn chừng như muốn nói với tôi điều gì, tôi chờ đợi nhưng Trương không nói.
Tôi đã trở lại trường học, mượn bài vở và định dành tâm trí học hành, ai hỏi tôi về bộ mặt tôi mỉm cười nói một tai nạn. Chẳng bao lâu tôi cũng thấy quen và không thắc mắc đến nó nữa.
Hiền đã đi bao lâu, tôi không nghĩ đến việc trở về căn nhà cũ dù một lần, tôi thấy tôi tàn nhẫn quá lắm. Có khi ông tôi đã chết. Tôi vẫn tự hỏi sao tôi không có Hiền như chị Huệ. Tôi không còn gặp Hợp, có phải Hợp cũng đã đi.
Một buổi đi ở trường về tôi chợt thấy chú tôi, tôi ngạc nhiên chú đã về bao giờ sao chú không thư cho tôi hoặc tìm tôi, chú tôi cũng sửng sốt.
"Chú mới về?"
"Chú về hàng tháng rồi, chú không biết cháu ở đâu mà tìm, sao không thấy cháu về nhà một lần? Chú gặp nạn và thím cũng gặp nạn nữa, thím nằm nhà thương. Xuống dưới đó được ít lâu người ta vu cho chú liên can vào một vụ phá hoại dưới tàu, chú bị bắt, rồi mất việc, thím được tin chú vội xuống tìm, tàu đến Hải Dương thì gặp mìn, thím bị nặng lắm, hỏng cả mắt, gãy cả chân tay. Thật khổ quá, chú được tha ra để nhìn thấy thím tàn tật".
Chú nói cảm động gần như khóc. Lúc đứng trước giường thím, tôi cũng không giữ được nước mắt, thím đã khá, nhưng khuôn mặt còn bị tàn phá khủng khiếp hơn tôi nhiều, hai con mắt đã không còn thấy gì nữa, lòng trắng như lẫn cả vào tròng đen thím cố mở nhưng không bao giờ thím còn nhìn thấy gì nữa, hai tay bị cụt lên tận khuỷu, chân bị cưa, tôi tự hỏi làm sao thím lại có thể sống được với một thân thể như thế. Tôi nói:
"Thím còn nhận ra cháu không. Ngạc đây thím".
"Ngạc đấy à, sau lâu không thấy cháu về, cháu mạnh chứ?"
"Vâng".
"Thím khổ quá cháu ơi, giời hại thím".
Tôi nghĩ thế là thím không bao giờ còn nhìn thấy mặt thím.
"Bây giờ cháu thế nào, vẫn đi học chứ".
"Vâng, cháu đã đi học lại, cháu không thể ngờ được, cháu có lỗi quá".
"Cháu đừng nghĩ thế, chú thím biết và thương cháu, bây giờ chú về ở luôn nhà rồi…"
Tối về nhà tôi không sao ăn được cơm, mỗi ngày sau đó tôi đều về thăm thím, tôi đổ sữa, bón cơm ăn và chơi với mấy đứa em. Thím không còn là một người nữa, tôi nghĩ thế và tôi thấy thương thím cực độ. Tôi tự hỏi sao thím tôi phải chịu hình phạt đến như thế, đời nhẫn nại chịu đựng của thím có tội tình gì, chỉ mỗi ước vọng trông nom chăm sóc chồng con, mong con cái sau này lớn khôn thành người để cho cha mẹ an hưởng tuổi già. Tôi nghĩ chắc ngày nay thím cũng vẫn ước vọng như thế.
Nhưng tôi với thân thể vô dụng kia, tôi phải chết, vì sống như vậy cũng là chết rồi còn gì. Tôi nghĩ đến Tân trong bệnh viện, Tân có biết còn những người bất hạnh hơn Tân nhiều. Hồi này chú tôi xanh gầy võ vàng đi vì lo buồn.
Hơn hai tháng thím tôi mới về nhà, tôi ngại trở về căn nhà xưa, tôi thấy tôi không có ràng buộc gì với nó. Nghĩ đến thím tôi muốn về nhưng nghĩ đến ông tôi, đến thằng Hùng, tôi không muốn phải giáp mặt với những người đó nữa.
Một buổi sáng tôi thấy tôi muốn ghé về nhà, tôi đi ngay vì sợ tôi lại thay đổi ý kiến. Buổi sáng căn nhà yên lặng, ông tôi nằm co trên giường, những đứa em đi học, đứa bé nhất nằm bên cạnh thím, đứa ở đang làm cơm, nó cất tiếng chào, tôi vào ngồi bên cạnh giường thím tôi. Tôi nói:
"Cháu về thăm thím, thím có khá không?"
"Thím khá rồi, nhưng thực vô dụng, ăn không ăn được, đi không đi được, chẳng thấy gì. Sao thím không chết cho xong, cháu thử nghĩ xem. Chú thì bận, các em nó mãi chơi nhiều lúc khát khô cả cổ không có người rót cho ngụm được, ông thì gần như không muốn biết đến thím nữa, có phải thím là cái tội cho nhà này không chẳng biết được".
Đứa bé khóc, thím cúi xuống như muốn bế, cánh tay cụt đưa lên đưa xuống một cách bất lực, tôi đỡ đứa em dậy cho nó ngồi dựa lưng vào thím.
"Chả ai khổ như thím phải không cháu".
Thím tôi lại khóc, nước mắt chảy trên khuôn mặt tàn phá có phải những giọt nước mắt cũng sắp khô cạn trong thím, một đời người được bao nhiêu nước mắt để khóc. Nếu thím còn mắt để nhìn thấy mình, nhìn thấy khuôn mặt những người chung quanh, những khuôn mặt âu sầu, khi đó chắc thím tôi còn buồn hơn nhiều nữa.
Tôi ở lại đến bữa cơm cho thím ăn, Hùng về thấy tôi thì lẩn mặt lên gác xưa tôi ở, hắn không ăn cơm. Những đứa em thấy tôi về đều ngoan ngoãn ăn cơm không dám nghịch ngợm. Thím vừa ăn vừa nói:
"Thấy cháu ở nhà chúng nó mới thế đó, không chúng nghịch lắm, chú lại chiều chúng nữa".
Trong một lần khác trở về, tôi ngồi nghe thím kể những chuyện trong nhà, nói chuyện chú tôi đang lo kiếm việc làm, giọng thím buồn buồn lo âu. Tôi hỏi thím:
"Bây giờ thím ước gì?"
"Thím chỉ muốn chết. Thím sống làm khổ nhiều người quá, bây giờ thím không còn giúp gì được cho chú và trông nom các em nữa. Cháu thấy vậy không?"
Tôi đau đớn, ngồi yên nghe thím nói, thím không còn ước mong nhìn thấy những đứa con lớn khôn thành đạt để an hưởng tuổi già. Thím đã nghĩ đến cái chết. Tôi cũng nghĩ: thím chết còn sướng hơn phải sống.
10.
Trịnh viết được nhiều, Trịnh trình bày những thực tại về đất nước, thân phận những người còn phải sống. Trong một buổi tối chúng tôi đi dạo bên bờ Hồ, cơn mưa ập xuống khiến chúng tôi không kịp tìm chỗ trú, đứng run dưới một gốc cây tôi hỏi:
"Những ngày trước đây cậu ốm đau thì ai trông nom cho cậu?"
"Làm gì có chuyện hạnh phúc đó, một mình".
"Gia đình khi xưa bây giờ ra sao?"
"Mình có cảm tưởng mình sinh ra trong một cái thùng rác nào đó rồi người ta thấy ngọ ngoạy là một người nên lôi ra nuôi cầu may cho nó có vẻ làm phúc vậy chứ, lúc mình biết mình vẫn còn ở trong trại tế bần, rỗi mãi thầy mẹ mình hồi xưa đó vào xin mình ra làm con nuôi. Mình được sống sung sướng. Dù chỉ với cha mẹ nuôi, đến khi chạy tản cư về Hưng Yên, trong một trận dội bom cả hai cậu mợ mình đều chết. Thế là mình bắt đầu khổ trở lại. Mình chỉ còn giữ lại được chiếc nhẫn cưới tháo ra từ một bàn tay rời của mẹ mình. Khi trở về rồi người ta lại rủ đi, đi rồi về, lông bông không định".
"Tôi cũng chẳng khá gì".
"Quá khứ như một toà thành cổ, muốn nghĩ về ngày mai một chút nếu không thì đến có lúc tự tử".
"Tương lai có lẽ chúng ta không còn đủ bình tĩnh nữa. Đời sống chung quanh đây…"
Đêm đó tôi rủ Trịnh về nhà ngủ: nhiều lần tôi mơ gặp Hiền. Sau tôi lại lên kiếm nàng. Vừa bước chân vào ngưỡng cửa, mẹ Hiền nhìn thấy đã khóc, tôi nghĩ vì thấy tôi bà nghĩ đến Hiền mà khóc sao. Tôi cất tiếng hỏi:
"Bác có được tin gì của Hiền không?"
Mẹ Hiền cảm động, bà kéo vạt áo lên lau nước mắt nhìn tôi nghẹn ngào:
"Em nó về rồi cháu, nhưng… ai ngờ, thằng Lâm nó hại đời em nó, nó bắt…"
"Làm sao bác?"
"Lâm bạn cháu nữa đó, ai ngờ hỏi em không được nó làm liều. Nó đi làm công an ở bên Hải Dương, rồi nó làm bậy… Nó làm cho em nó có mang rồi dẫn về xin cưới. Khốn nạn quá".
Bà cụ khóc, tôi đứng như chôn chân xuống đất, tôi không biết mình tỉnh hay mê. Tôi nghe như có tiếng khóc của Hiền phía trong nhà. Thế là hết, tôi nhủ thầm. Không còn gì. Tôi mất Hiền. Tôi đi vào, Hiền đang ngồi nơi đầu giường, dáng rũ rượi, nước da xanh vàng, nàng cúi người tôi không thấy mặt, bụng nàng lớn chừng như đã có mang ba bốn tháng. Tôi bàng hoàng không biết nói sao, mãi sau tôi nghe thấy tiếng Hiền gọi:
"Anh… anh…"
Hiền ngẩng mặt lên nước mắt ràn rụa. Tôi có cảm tưởng người ngồi trước mặt tôi là một người không quen biết. Một người lạ mặt. Sự oan trái trong suốt lứa tuổi chúng tôi không sao kể siết. Phải thế không Thịnh, câu chuyện ngày đi, lời căn dặn, những hẹn ước tan biến như sáp loãng trong lò lửa. Tôi vịn tay vào thành giường nói:
"Em có nhận ra anh không?"
"Em khổ quá anh ơi, em muốn chết. Anh có giận em không?"
"Không, không, đâu phải tại em, đâu phải tại anh, anh cũng không bao giờ ngờ như thế".
"Hết cả rồi anh ơi, anh làm sao vậy?"
"Người ta cũng định giết anh nữa. Thôi em hãy cố chịu đựng. Thế thằng khốn nó đâu?"
"Thôi anh đừng nhắc đến nó nữa…"
Tôi thấy tôi xa lạ trôi đi, tôi không biết phải nói gì với nàng cả những lời an ủi. Tôi sợ tôi khóc trước mặt nàng, tôi vội vàng rời khỏi căn nhà, tôi nghĩ thế là tôi không bao giờ còn lý do để trở lại đó nữa. Tôi chào mẹ Hiền, tôi nghe tiếng Hiền gọi phía sau nhưng tôi không quay lại.
Tôi đi như chạy, thế là hết, tôi mất Hiền, không một niềm hy vọng, tôi không về nhà mà xuống tìm Trương. Trương nhìn tôi thiểu não hỏi, sao vậy; tôi nói không, Trương kêu trông cậu như người vừa chết sống dậy. Trương rủ tôi xuống nhà thương Đồn Thủy thăm Thu, hắn đã gần lành rồi. Trương nói:
"Làm sao cho nó ra, mình không thể ngồi trông nó chết. Nó còn ít tuổi không chịu nghe mình. Nó bảo nó có lý. Nó làm sao mình không thể sống được".
"Từ trước đến giờ cậu vẫn sống thôi".
"Bây giờ mình chỉ còn một mình nó. Nó làm vậy là nó tự tử".
"Nó có ý kiến của nó, mình có ý kiến của mình. Thì thằng Vịnh đó. Tôi sợ nó không nghe cậu đâu, nó làm với những lý do có thật".
Trương lặng đi một lúc lo âu, chợt Trương nói:
"Có thư của thằng Vịnh, nó bảo hãy vứt bỏ hết đi, hãy lột xác đúng lúc nếu không hối chẳng kịp nữa, nó bảo hãy ra ngoài cùng nó xây dựng một thiên đàng…"
"Ý kiến thật hay, nhưng tôi ví dụ có thiên đàng thì máu xương cũng đủ sức xây dựng những cung điện để cho mọi người sống sót ở không hết".
"Mình nghĩ làm gì mà có được, nó còn ảo tưởng hơn bọn mình".
"Cứ tin là có, nhắm mắt làm đại đi".
Trương cau mặt không nói thêm. Ngày Chủ nhật ở nhà thương quân đội cũng không ồn ào, nhưng sinh hoạt có vẻ tấp nập, những người ra vào thường là quân nhân, tôi nghĩ chắc họ vào thăm bạn bè. Chúng tôi gặp Thu ở ngay dưới sân chơi. Thu đi dạo với một người bạn. Khi thấy chúng tôi người bạn cúi chào và chia tay Thu, cả ba chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá. Tôi hỏi Thu:
"Đã khỏi thực chưa?"
"Chỉ vài ngày nữa em trở lại đơn vị".
"Vẫn còn nhảy được sao?"
"Như thường, có sao đâu, bác sĩ cũng bảo vậy".
"Sao lại trở lại; em có thể xin ra mà, hôm trước em nói với anh vậy thôi. Bị gãy còn nhảy gì được nữa. Ra ngoài sống với anh".
"Em chưa nghĩ thế".
"Em chưa nghĩ, bây giờ anh chỉ còn có mình em, em nghĩ lại xem… Cũng sắp đến ngày giỗ thầy rồi, chắc em nhớ".
"Em nhớ hơn anh. Ngay cả cái chết của thầy. Cho nên em muốn đi đánh nhau nữa".
Trương gần như nổi xung, tôi xen vào:
"Vì thầy em chết mà em muốn vào lính đi trả thù? Ai cũng là người giết thầy em sao? Em có biết là em đang đi lính cho Tây không?"
"Không, đi lính cho Tây hay cho ai cũng được hết miễn là họ cùng đứng với mình về một phía giết bọn kẻ thù. Bọn nó như vậy mà không đáng giết sao? Các anh chỉ hỏi tại sao thế này, tại sao thế khác, cả đời chỉ hỏi tại sao mà không dám làm gì. Các anh ôm lấy câu hỏi và chết theo. Xuống dưới âm phủ có khi còn không hiểu tại sao mình chết. Hãy hoạt động đã và khi đó không nghĩ gì. Phải trải bày ra đó mà các anh có thế này thế khác".
"Em nên nghe lời anh Trương, làm vậy để rồi đi đến đâu, đi đến chết mà ích gì cho ai, kể cả người đã chết, anh nghĩ em nên ra ngoài sống với anh Trương vẫn hơn. Có kẻ đã giết thầy em, nhưng không phải tất cả những người ở ngoài đó đều nhúng tay, trong khi cầm súng thì em đã làm hai bao nhiêu người khác cùng giòng giống với mình. Đó là điều anh muốn em nghĩ".
Thu không nói nữa. Thu cầm từ trong túi ra một khẩu súng lục nhỏ như bao diêm nhấc nhấc trong tay, Thu có dáng băn khoăn suy nghĩ, Trương đứng lên đi loanh quanh gần bồn hoa. Tôi cầm lấy khẩu súng ở tay Thu xem, tôi nói:
"Vào bệnh viện mà còn mang súng theo làm gì, họ không cấm sao?"
"Họ cấm chứ, cấm ngặt nữa là khác, mới đây có một anh chàng mang súng theo, bị thương nặng khiến anh ta tự tử, người ta nói còn có anh chàng mổ bụng nữa. Khẩu súng này của một thằng bạn vào chơi nó cho. Nó thoát trong một trận ác liệt lắm. Đây là khí giới Trung cộng. Chỉ có hai viên đạn. Súng ở ngoài nên trong này không có đạn".
"Cho anh được không?"
"Để anh làm gì? Tây bắt được thì mất xác nếu không cũng mục xương trong tù".
"Anh thấy hay hay, giữ chơi làm kỷ niệm".
Tôi cầm khẩu súng nhấc nhấc, nài nỉ:
"Cho anh, khi ra mặt trận em kiếm khẩu khác. Thiếu quái gì ba thứ quỷ này".
Cuối cùng Thu bằng lòng, tôi cẩn thận dắt vào trong người. Những điều chúng tôi nói không làm Thu thay đổi ý kiến. Tôi ngầm hiểu Thu sẽ trở ra mặt trận và rồi hắn chết ở đâu đó trong vô số những người khác. Lúc về tôi bắt tay Thu rất chặt, tôi nói nhỏ với Thu như khuyến khích:
"Chúc may mắn".
Lúc về đến nhà tôi bảo Trương:
"Nó sẽ làm theo ý nó, chúng ta không còn quyền gì nữa".
Buổi tối tôi ở lại ngủ với Trương, chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Tôi nói chuyện Hiền cho Trương nghe, tôi bảo cậu không yêu ai thực sao. Trương nói giọng đùa:
"Tôi yêu tôi".
Tôi nói:
"Thủ dâm hả?"
Nói xong tôi cười lớn. Trương bảo:
"Chỉ bậy, cậu yêu người ta thì cậu có được gì không, tôi trông cậu mỗi ngày một tệ đi".
Tôi nói có lẽ, tôi tệ hại đi. Tôi nhớ đến khuôn mặt Hiền, khuôn mặt chị Huệ: "Em đi đâu - Không, em ở lại đây".
Nhiều lần tôi mân mê khẩu súng trên tay, khẩu súng của Thu, và nghĩ nếu để lên mang tai nổ đạn thì sẽ như thế nào, có thể nổ lại lần thứ hai không. Chị Huệ trông thấy khẩu súng một lần bảo tôi:
"Sao em dại dột thế… có làm sao thì…"
"Không sao đâu chị, đồ trẻ con chơi đó…"
Tôi mỉm cười cho chị Huệ yên tâm. Tôi nghĩ đến thím tôi: thím chỉ muốn chết, hai cánh tay cụt, hai con mắt đục như ứa máu. Tôi nghĩ đến thằng Lâm - tên khốn kiếp. Tao muốn bắn vào giữa mặt mày cho tan ra. Tôi mong Trương nhưng không thấy đến, một tối Trịnh lại mang theo một lá thư của Trương. Tôi ngạc nhiên. Trịnh nói:
"Nó bỏ đi rồi".
Tôi đọc thư, một lời báo tin. Tôi nói với Trịnh:
"Như thế cũng xong. Nhưng đi đâu?"
Tôi hoang mang buồn chán cực độ. Có những đêm nằm với Trịnh chúng tôi ôm lấy nhau ngủ, kể chuyện thời thơ ấu, có những điều chúng tôi chưa được sống, có một câu kết luận chúng tôi nói đi nói lại nhiều lần: thuở bé sướng nhỉ và tôi ứa nước mắt.
Có đêm chị Huệ thấy chúng tôi thức khuya trở dậy đốt đèn nhìn vào mặt.
Những ngày buồn nản, đêm tối bưng bít. Tại sao mình không bắn lên một phát súng trong thành phố này.
Nhưng tôi không có một chút can đảm nào để nhấn tay lên cò súng.
Những đêm nằm xoa tay lên mặt, da nhăn nhúm, sượng sần, tôi xao xuyến xót xa. Tôi mê sảng về Hiền, về Vịnh, về Trương, Thu… bây giờ họ ra sao. Tôi bỏ khẩu súng trong túi và đi chơi long rong, một lần gặp Hùng giữa đường, tôi chặn lại móc súng đưa ra trước mặt:
"Mày có chơi không tao cho".
Hùng tái mặt ù té chạy. Tôi cười lớn như một tên khùng giữa đường phố, những người đi qua ngó ngàng vẻ mặt ngạc nhiên. Tôi sẽ tới thăm Hiền trong gian nhà thiếu ánh sáng, ở đấy một khuôn mặt gầy buồn, một cái bụng mang thai, một mùi dầu nóng ốm đau và một thằng khốn nạn. Tôi muốn bắn vỡ mặt nó. Một đứa con sẽ ra đời. Nhiều lúc tôi mang cảm tưởng mặt trời quay trên đầu mình. Tôi muốn ghé lại thăm Hiền, nhiều khi lên gần đến nhà tôi lại quay trở về. Một buổi sáng tôi ngang qua nhà và ghé vào. Ông tôi ngồi khoác một cái chăn, chú tôi khuôn mặt gầy, đôi mắt sâu, mấy đứa em lê la chơi dưới đất. Chú tôi hỏi sao lâu không về, tôi không thấy thương nổi, tôi không biết nói sao. Ông tôi lặng lẽ đôi mắt như nhắm lại. Tôi thấy thương tuổi già cô đơn của ông. Mấy đứa nhỏ sợ sệt nhìn tôi im lặng. Tôi bế đứa em út lên tay, nó gầy xanh lèo nhèo như một con mèo ốm. Thím tôi không còn chăm sóc được cho chúng nữa. Tôi để đứa em xuống và đi vào buồng thím tôi. Thím ngồi nơi đầu giường im lặng, mắt ngước lên như theo dõi gì trên trần nhà. Tôi cất tiếng hỏi, mặt thím tôi hơi động rồi thím hơi mỉm cười, môi thím run như muốn nói nhưng mãi tôi không nghe thấy tiếng. Tôi cất tiếng nói tiếp:
"Thím đã ăn điểm tâm chưa?"
"Rồi cháu. Em lớn nó cho ăn rồi nó mới đi học. Cháu cho thím xin ngụm được đi, hồi này cháu thế nào, sao không thấy về nhà, chú nhắc luôn".
Tôi đi lại chiếc bàn rót nước trà nơi chiếc ấm tích vào chiếc chén sành mang lại bưng lên môi cho thím uống. Tôi ngồi xuống bên:
"Thím thấy có khá không?"
"Thím mạnh rồi nhưng vô dụng, chỉ khổ những người chung quanh, sao thím không chết cho xong. Cháu thấy vậy không".
Tôi thò tay vào túi và gặp khẩu súng trong đó. Tôi nhìn vào đôi mắt đục lờ lờ của thím tôi, chừng như thím tôi lại đang khóc, tôi quay nhìn chung quanh gian phòng không đủ ánh sáng:
"Bây giờ thím muốn gì nhất?"
"Hình như đã có lần cháu hỏi và thím đã trả lời cháu. Thím khổ quá phải không cháu, thím chẳng giúp gì được ai, khổ cả những người chung quanh, mặt cháu có khá hơn không?"
"Thưa thím cũng đỡ hơn".
Thím tôi hơi cúi xuống, đôi mắt chớp chớp, hai cánh tay cụt như muốn cử động, thím cúi mặt dụi nước mắt xuống đầu xương tay.
Thím nói giọng mỏi mệt:
"Bây giờ thím chỉ muốn được chết".
Tôi cầm khẩu súng ra khỏi túi:
"Để cháu giúp thím".
Tôi để khẩu súng lên mang tai thím và nảy cò, tiếng nổ vang dội, thím tôi gục xuống không kêu thành tiếng, máu chảy đầy mặt loang xuống áo. Ông và chú tôi chạy vào, chú đến vội bên đỡ lấy thím tôi, chú lồng tay vào ngực, áp tai vào nghe, lúc sau lắc đầu rồi đặt thím tôi nằm xuống giường, chú nhìn vào mặt tôi nói:
"Chết rồi".
Tôi thấy khô nơi cổ họng và nóng trên mắt, tôi cố gắng thè lưỡi ra liếm làn môi khô. Ông tôi túm lấy vai tôi nhìn vào mặt nói như quát:
"Mày điên sao mà giết thím mày".
Tôi nói đủ nghe:
"Tôi còn một viên đạn nữa".
Mọi người lo sợ nhìn tôi với khẩu súng trong tay. Tôi để khẩu súng lên mặt bàn rồi ngồi trên một chiếc ghế bên giường thím. Tôi nhớ những ngày cũ, tôi chảy nước mắt ràn rụa. Tôi nói cho mọi người nghe:
"Như vậy thím sướng hơn là phải sống".
Khi khâm liệm tôi bỏ khẩu súng vào quan tài và giữ lấy viên đạn chì. Tôi ở lại hai ngày tới khi chôn thím xong. Buổi tối khi trở về ngõ Yên Thái, bên ánh lửa chị Huệ đang nấu ăn, tôi đến đứng bên chị.
"Kìa, em đi đâu hai ngày vậy, chị lo quá".
"Chị Huệ…"
Đôi mắt chị mở lớn, tôi cầm tay chị để vào đó viên đạn chì, tay chị Huệ run lên, miệng tôi khô cứng mãi sau mới nói được:
"Chị có nghĩ là em yêu chị không?"
11.
Cơn bệnh kéo đến như một cơn giông trong mùa mưa rươi tháng chín, mây đen kéo đến trong vẻ vội vàng hấp tấp rồi những hạt mưa ào xuống. Sau những cơn sốt thảng thốt ngừng lại tôi chợt thấy bên tôi chị Huệ dáng lo âu trên khuôn mặt những tàn nhan nhưng nhỏ li ti làm nước da như xám thêm trên tuổi trẻ đã qua; ngày con gái vượt qua tuổi dậy thì mà tình yêu không đến. Khoảng không ngắn cho tôi nhìn thấy những thảng thốt trên khuôn mặt ấy. Không, không, tiếng chị Huệ kêu lên nhỏ, yếu ớt như chống đỡ lấy nỗi kinh hoàng xiêu đổ của chính mình trong buổi chiều nhá nhem bên ánh lửa. Chị Huệ, chị có nghĩ là em yêu chị không. Không, không. Khuôn mặt tái đi rồi ửng đỏ, đôi mắt luống cuống, đôi tay như thừa thãi và đôi đũa cả trên tay chị như không biết để vào đâu. Không, không. Tôi như tắc cổ họng, tiếng nói biến mất. Chị Huệ bỏ chạy lại bên bếp cơm. Không, không. Khoảng không gần kề như xa đi, khoảng trống trải bao la những vòng xanh đỏ, những ngôi sao bay chạy cuống quýt. Không, không và tiếng nói như đặc cứng đưa tôi vào cảm giác mệt lả và cơn sốt ập xuống. Khuôn mặt bà mẹ già cằn đi trong từng giây phút, những nếp nhan như đường cày trên lần đất thịt rồi cơn mưa xối làm mòn. Đôi mắt những tia máu và những màng tráng chùm lấp lên nhau: Cháu thấy trong người ra sao, mấy hôm nay cháu đi đâu vậy, tội nghiệp. Cháu phải nói cho bác nghe để bác lo cho cháu chứ. Thôi để mai nói chị cho cháu ra bác sĩ họ coi cho - "Con chắc Ngạc nó cảm" - "Nếu đến mai con phải mua lá về xông cho nó, mấy hôm trước, từ sau khi nó đi cắt bỏ băng về nhìn thấy sẹo ở mặt chắc làm nó buồn, mẹ thấy nó mấy đêm liền không ngủ khiến cho nó gầy tọp hẳn đi, nó đau vì nó lo buồn nhiều quá. Không biết mấy hôm rồi nó đi đâu". "Chừng như Ngạc nó về đằng nhà chú. Ông chú nó chắc tệ lắm nếu không đâu nó không ở đằng nhà, người ta vẫn bảo sẩy cha còn chú sẩy mẹ bú dì nhưng có nhiều người đâu có biết thương ai bao giờ. Nó cũng là đứa ngoan ngoãn chứ đâu hoang toàng gì. Chắc nó mồ côi từ nhỏ. Con cũng không nghe thấy Ngạc nói bao giờ hoặc than vãn điều chi, chừng như Ngạc không muốn nhờ cậy mãi. Ngạc có ý tìm việc làm và đi học". Tiếng thở dài của người mẹ già. Có phải chị Huệ đang khóc. Đôi mắt đỏ. Không, không. Thím chết còn sướng hơn phải sống. Viên đạn chì còn lại đâu. Mày điên sao mà giết thím mày. Tôi còn một viên đạn nữa. Không, không. Cơn sốt rang thân thể tôi trong cảm giác nhức mỏi mỗi lúc một nhiều, cơn nước dâng lên thật cao rồi rút xuống từng hồi. Hiền ơi, Hiền ơi. Chợt trong giây phút tôi thấy nhẹ nhàng thoải mái. Một bầu trời xanh cao mở ra trước mặt những lọn mây trắng như những chùm bông gạo cơn gió thổi bay từ trên những ngọn cây cao trơ trụi như những cánh tay phơi khô quờ quạng trên nền trời. Có bao nhiêu bầu trời xanh. Dưới chân tôi là một cánh đồng mạ non chạy rất xa, những màu xanh ánh lên hơi vàng hoặc thẫm lại từng ô nhỏ, mùi mạ phảng phất và mùi đất bùn ngái ngái dễ chịu. Ai đã mang tôi đến đây. Tiếng Hiền: "Có lúc nào anh ước mong được về sống trong một vùng quê, em nhớ một vài lần ngang qua những cánh đồng lúa chín, những cánh đồng mạ non, những khu rừng cây xanh em thấy ở đấy những người làm ruộng lam lũ nhưng sao khoẻ mạnh và bình thản quá". Tôi cười, ở xa chúng ta chừng như ao ước một đời sống trong đồng ruộng nhưng thực tế đó chỉ là một điều ước mơ mà chúng ta không bao giờ trở nên thực hiện. Nếu em biết những người ở quê ước mơ làm sao thì em sẽ hiểu. Người ở quê ước mơ những ngôi nhà cao, những xe hơi, điện nước… và bây giờ người ta đang tìm cách bỏ những cánh đồng. Tiếng Hiền cười reo lên: "Nhưng bây giờ thì chúng ta ở lại đây không đi đâu cả, em ở lại đây, em hỏi anh, anh có ở lại đây không". Hiền chạy như một con chim lướt trên những ngọn mạ, cánh áo dài trắng như cánh bướm bay lượn trong ánh nắng như pha lê, chừng như một từng vết ánh sáng bị cắt ra từng tảng rơi lả tả như những hạt kim cương. "Anh Ngạc, anh Ngạc ơi… Nếu bây giờ em bay lên trời được, em bay lên trời anh có theo không… Em muốn được bay lên trời". Bóng Hiền như xa như gần từng lúc một thấp thoáng ẩn hiện, mái tóc dài bay rối. "Anh Ngạc ơi đố anh biết em ở đâu". Tiếng gọi của Hiền bay thoảng trong gió cùng tiếng sáo nhẹ lướt trên những ngọn mạ uốn mình rung rinh như mặt nước gợn sóng. Hiền tan biến trong đó. Tôi gọi: "Hiền ơi, Hiền ơi!" Tiếng gió thổi gây tiếng động mơ hồ. "Hiền ơi, Hiền ơi!" Gió cuốn tiếng gọi giật dờ có lúc trải ra, có lúc như vo tròn lại. "Hiền ơi, Hiền ơi!" Những ngọn mạ như đứng im, tiếng gọi mất tăm. Tôi chạy về phía Hiền vừa tới nhưng chân tôi nặng nề như bị chôn chặt xuống đất, tôi cố gắng vươn người và cất tiếng gọi, "Hiền ơi, Hiền ơi…" những tiếng gọi chừng như chỉ một mình tôi nghe thấy, không gian im vắng lặng lờ không một chút lay động. Tôi lao người lên nhưng không đủ sức mang mình chạy tới, đà người lả về phía trước khiến tôi ngã xuống, tôi vùng vẫy nhưng mỗi lúc một bị nhận chìm trong tối tăm.
"Ngạc, Ngạc…"
Tôi mở mắt và nhìn thấy đôi mắt đỏ long lanh yếu ớt, hàng mi ướt làm bết những sợi lông vào mi mắt, quầng mắt thâm quầng vẻ mệt nhọc:
"Ngạc, Ngạc em tỉnh chưa?"
Tôi nhắm mắt lại một lúc rồi mở ra. Những hàng nước mắt chảy xuống theo sống mũi, tôi cựa mình rồi gượng ngồi dậy, cơn sốt đã hạ xuống và tôi thấy nhẹ trên hai thái dương, tôi thấy tôi khô ráo, tôi dụi mắt và nhìn chị Huệ:
"Sao, em thấy người thế nào?"
"Em thấy đỡ rồi".
"Em ăn cháo nghe, ăn cháo hành cho ra mồ hôi".
Chị Huệ đưa tay lên trán tôi, một cảm giác mát dịu nằm đó:
"Trán thấy đỡ nóng rồi, em sốt gì mà mơ nhiều thế làm mẹ chị cứ lo em ốm thương hàn".
Tôi gượng nhếch mép cố làm một nụ cười nhưng tôi thấy môi khô và cứng, miệng đắng và chát khó chịu.
"Mấy hôm em đi đâu vậy?"
"Em về đằng nhà, thím em chết rồi".
"Hồi nào?"
"Ngay hôm em về".
"Sao vậy, tội nghiệp mấy đứa nhỏ".
"Em giết thím".
Chị Huệ mở lớn đôi mắt, khuôn mặt bất động một lúc, tôi có cảm tưởng chị sắp kêu thành tiếng, tôi nhắm mắt chờ đợi, khuôn mặt bị tàn phá, đôi mắt mù chớp như muốn mở ra của thím cùng đôi tay cụt cử động trước mắt làm tôi choáng váng:
"Em đã bắn thím một phát chết ngay, em giết thím, thím không kịp kêu một tiếng, nhưng thím chết sướng hơn sống, chị biết không, thím em bị mìn hư mắt, cụt cả chân tay, chị hãy tưởng tượng về một người như vậy mà phải sống. Em đã giúp thím chết như thím mong mỏi. Chị tin không? Em đã giết người… Còn viên đạn đâu chị".
"Chị không thể tưởng được một việc như vậy lại xảy ra, em không nói mê đấy chứ. Ngạc hãy nhìn chị coi".
Tôi mở mắt và nhìn thẳng vào mắt chị, nỗi xao xuyến như ập tới làm tôi nhói nơi ngực và choáng váng như cơn say. Những váng vất dâng lên từng đợt ngất ngư:
"Ngạc, Ngạc!"
Tiếng chị Huệ run rẩy yếu đuối như váng nước trên một mặt ao tù cơn gió thoảng qua xô dẩy làm gọn nhẹ, như những chiếc bong bóng xà phòng dần dần thành hình, lớn lên nơi đầu chiếc ống cỏ rồi bay là là hay vỡ ra vô tăm. Đôi mí mắt nặng nề của tôi chỉ muốn khép lại. Tôi cố gắng cử động mạnh và ngồi dậy, chân tay như tê dại, tôi lùi vào mặt tường và ngả đầu dựa vào, tôi đưa hay tay bưng lấy bát cháo:
"Chị đưa cho em, em tỉnh rồi mà".
Chị Huệ ngạc nhiên và chợt như vui mừng, bát cháo còn bốc hơi, tôi đưa lên miệng húp vội vàng, mùi hành hăng hăng xông lên ống mũi. Bỏ bát cháo ra chị Huệ đưa cho tôi chiếc khăn mặt rồi giục:
"Thôi em nằm xuống đi, kéo chăn đắp cho ra mồ hôi".
Tôi vâng lời ngoan ngoãn. Trong lần chăn kín tôi tỉnh lại dần trong một cảm giác ngột ngạt. Tôi chưa chết. Lúc sau tôi mở mắt nhìn ánh sáng lọt từ ngoài vào qua một lỗ chăn thủng bằng ngón tay. Tiếng động mơ hồ từ ngoài, tôi không đoán chừng được chị Huệ đang làm gì và mẹ Vịnh có nhà hay đi vắng, chừng như bà cụ ra khỏi nhà.
Hai hôm liền tôi nằm trong trạng thái hôn mê, sang ngày thứ ba tôi tỉnh dần lại. Trong những giấc ngủ mệt nhọc kéo dài liên miên và những thức dậy không rõ ràng tôi từ những giấc mê này sang giấc mê khác không sao phân biệt được. Có lúc tôi thấy ở trên cánh đồng cỏ với Hiền, có lúc tôi thấy tôi cuồng trên một con đường đá dăm không biết đưa tới tận đâu về phía chân trời; tôi chạy, tôi chạy, ngực ran, hơi thở nóng, tôi chạy với đôi chân nặng và cảm giác nhức buốt vì những hòn đá nhỏ mới được trải trên mặt đường, tôi chạy như thế một cách vô ích cho tới khi gục xuống, cũng có lúc tôi gặp Hiền, gặp Trương, gặp Vịnh, gặp Hợp, nhưng những khuôn mặt lúc xanh lúc đỏ lúc tím lúc vàng. Tôi còn gặp vô vàn những người lạ mặt tôi chưa bao giờ thấy. Tôi ngạc nhiên gặp thím tôi mặc chiếc áo dài màu gụ xách làn đi chợ, thím vừa bước đi vừa nhai trầu bỏm bẻm, đôi môi cắn chỉ hé ra làn lợi đỏ tươi, thím gặp tôi tươi cười nhưng không nói, tôi hỏi thím đi chợ sao, thím lặng thinh rồi mặt cau lại ra vẻ khó chịu, tôi hỏi thím hết đau rồi sao, thím tôi bỏ chạy cuống cuồng, tôi đuổi theo như bị một sức hút kéo về phía trước không sao cưỡng lại được, tôi la lên thím đợi cháu với, chợt thím tôi dừng lại, tôi tiến lên và gặp một người lạ, bà ta kêu cái gì, cái gì, tôi đứng cứng không nhúc nhích thoát cái người lạ đó tôi nhận ra là cô y tá trong bệnh viện, tôi mừng rỡ và muốn tới gần để nói thì có một cái bao bố từ đâu chụp vào đầu tôi rồi chừng như có một người nào bế tôi lên và chạy, tôi nghe tiếng gió ào ào, tiếng sấm chớp vây phủ và tôi bị ném vào một khu ồn ào đầy tiếng động như một khu chợ, tôi ngó ngàng chung quanh không biết bao nhiêu là người, ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, vui cười chừng như là một đám hội thì phải, tiếng cười nói, tiếng âm nhạc rộn ràng. Tôi thấy tất cả những người quen, Hiền, Vịnh, Lâm, Thân, Hùng, Trương, Thu, tôi vẫy tay cười với họ, nhưng ai cũng lước qua bên tôi như một người lạ hoàn toàn, chừng như ai cũng vui chơi không nhận ra tôi. Tôi la lên và đám người tan loãng biến mất. Trong đêm tôi lạc vào một nơi không có chút ánh sáng nào. Tôi nghe tiếng một người đàn bà hay con gái đang kể chuyện với một người nào đó, tôi lắng nghe tiếng nói nhẹ nhàng âu yếm có những lúc dừng lại, tôi nghe như có tiếng thở dài của người thứ hai, người thứ hai là một người thân hay một người tình, lúc đầu tiếng nói nhỏ không rõ, tôi phải lắng nghe rất lâu mới nhận ra, tôi di động rất nhẹ, lo âu tiếng nói sẽ biến mất, phải rồi, tôi nhận ra tiếng tâm sự của một cặp tình nhân: em nhớ anh ấy lúc anh ấy chưa đi, anh ấy hẹn rồi anh ấy sẽ trở về, em tin anh ấy sẽ trở về, anh có tin anh ấy sẽ trở về không, những này nào em cùng anh ấy đi chơi, chia nhau những kỷ niệm, rồi thời gian xa cách, lâu lâu nhận được của anh ấy một lá thư, những lá thư anh ấy vỗ về em chờ đợi, anh ấy nói mất em, không có em anh ấy lấy gì để sống, để hy vọng, em đọc những lá thư ấy rồi ôm vào ngực mà khóc, và rồi em khóc, khóc mãi khi nghe tin anh ấy đã lập gia đình với một người khác, phải rồi anh ấy đã lấy một người khác không có em, anh ấy vẫn sống, anh ấy vẫn hy vọng, chỉ có mình em một mình trong tuyệt vọng và tuổi trẻ lướt trôi tàn nhẫn, thôi ngày thanh xuân không bao giờ trở lại, không bao giờ anh ấy trở lại nữa, và em chỉ còn giấc mộng không bao giờ được sống, em già rồi phải không anh, anh thì còn trẻ, có phải anh đến với em vì thương hại em. Anh nói thật đi, có phải anh thương hại em, như em yêu anh, em yêu anh hơn là yêu anh ấy, chúng ta sẽ gây dựng một cuộc đời mà em tin là đẹp, anh hãy thề với em đi; anh hãy thề không bao giờ xa em; không bao giờ bỏ em một mình, anh hãy thề với em đi; anh sẽ mang đến cho em hạnh phúc như tuổi thơ đã mất. Anh thấy tay em bây giờ đã khô khan gầy guộc đi phải không, những đốt xương như lớn ra nhô cao, anh đâu còn được thấy đôi bàn tay nhỏ nhắn trắng mịn những ngón tay búp măng trắng muốt và hồng lên ở đầu ngón và những đầu móng tay trong như cánh hoa chanh trắng ngần. Mắt em đã thâm quầng và sâu vào, hai gò má cũng nhô cao, đôi má hồng đã biến mất nhường lại cho những chiếc mụn nhỏ mọc lên rồi thâm đi, tóc em đâu còn mượt óng… Em đã già rồi phải không anh, anh hãy nói cho em nghe đi; em đã già và anh thương hại em, mọi người đều thương hại em, cả mẹ em, không hiểu anh ấy ở một nơi nào đó rất xa có bao giờ thương hại em, có bao giờ nhớ lại những ngày xưa của em, chắc anh ấy không còn nhớ, mọi người đã quên, tất cả mọi người đã quên, trừ một mình em còn nhớ. Anh làm sao đó; có phải anh đang khóc, anh khóc vì tình yêu của chúng ta, anh khóc vì thương em hay anh khóc vì hối hận anh trả lời em đi anh; sao nước mắt của anh nóng thế, phải rồi em đã già, anh như một người em mới đúng, vậy sao anh đã nói yêu em, tại sao vậy anh? Anh đã yêu bao nhiêu người rồi, anh nói đi anh, em muốn nghe thấy tiếng anh nói, anh nói đi anh, nói anh chưa bao giờ yêu ai, phải rồi không bao giờ, chưa bao giờ anh yêu ai; anh yêu em là mối tình đầu. Anh hãy cứ nói dối, em biết anh yêu em không phải là mối tình đầu trong đời anh, anh đã yêu rất nhiều người, những người anh đã gặp có ai giống em không, chắc không. Có phải anh đã khổ vì những tình yêu đó và anh tìm về với em làm nơi trú ẩn. Không. Không, em không muốn em là một hầm trú ẩn trong thời gian cho anh nương nhờ, em không muốn em là nơi cho anh lấp đầy khoảng trống đời anh trong giây phút, không bao giờ, không bao giờ em tự lừa dối nữa, em muốn biết chắc anh đã trải qua và sống với em như chưa bắt đầu. Người ta có thể bắt đầu lại không người anh hùng. Anh nói đi, anh nói cho em nghe. Em có cảm tưởng anh đã im lặng không biết bao nhiêu ngày tháng, vậy những ngày ấy anh nghĩ gì, anh nghĩ về bố, mẹ, anh em… anh mơ mộng và hy vọng. Nhưng anh không thấy mơ mộng là thực tế, không thấy hy vọng thành đạt, anh đã thất bại, phải không. Anh không có những ngày ấu thơ, anh không được sống trong tình thương yêu của mọi người, anh lớn lên trong lơ láo lạ mặt, anh hít thở không khí pháo xiết, độc dược của cô đơn, khói súng, máu tanh và da thịt thiêu đốt trong ngọn lửa kinh hoàng tàn bạo. Phải không. Anh có bao giờ chạy đổi trong bãi sông, chăn trâu trong những cánh đồng, có bao giờ ngồi nghe ông bà kể chuyện cổ tích, ngồi trước cửa nhà chờ mẹ đi chợ mang quà bánh về. Anh nói đi. Có phải anh không có gì để nhớ. Môi miệng anh đâu. Mắt mũi anh đâu. Chân tay anh đâu. Sao bây giờ chúng ta không được ngồi trong một sân đất trước cửa nhà, ánh trăng chan hoà như sữa chảy trên những mái lá, ngọn cây, tiếng côn trùng rì rào như tâm sự trong bóng tối. Em nhớ, em có tuổi thơ nhưng em không có tuổi con gái và thành tựu một hạnh phúc. Anh ơi, anh ơi… Tiếng gọi hoảng hốt và xa dần như tan vào trong khoảng không. Tiếng gió rít lên, tiếng chân chạy. Tôi nhủ thầm: đây là đâu. Tiếng nói lại trở lại. Anh, anh có nghe thấy gì không, anh là cục đá sao. Chúng ta sẽ có hạnh phúc, em sẽ cho anh một và rồi những đứa con. Anh có chịu vậy không. Anh nói đi, em chờ anh nói, chỉ chờ anh nói, em không đòi gì cả, em yêu anh, phải rồi em yêu anh. Tôi lắng nghe nhưng tiếng lại mất tăm, tiếng gió thổi cào cấu lạnh buốt cơ thể, rồi tiếng khóc thê thiết nhỏ lớn dần như ào vỡ trong cổ họng, tiếng khóc phá loãng tiếng gió rít, trong không gian như vô vàn những thỏi kim khí và mảnh thủy tinh đổ xuống, âm thanh chát chúa đau mỏi làm tôi không đủ kiên nhẫn đứng vững, tôi vùng chạy nhưng tiếng động kinh hoàng vẫn đuổi theo bám sát và trong bóng tối bao la dày đặc không sao tìm ra phương hướng, tôi va đầu vào những chướng ngại không biết là gì, sau chót tôi va đầu vào một cái gì cứng nhọn và đầu tôi cắm vào đấy không rút ra được, chừng như máu chảy chan hoà, tôi thấy lạnh ở cổ, rồi ngực, rồi bụng, mùi tanh nồng nặc. Tôi nhủ thầm: tôi sắp chết đây.
Tôi thức dậy sau những giấc mơ kinh hoàng như vậy. Bao giờ tôi nhớ không rõ ràng, nhưng những giấc mơ khiến tôi lả đi khi tỉnh thức và hồi tưởng để rồi một giấc mơ khác kéo đến như khúc phim không dứt.
Tôi chợp đi một lúc rồi thức dậy tỉnh táo, mồ hôi ướt đầm đìa, bết cả tóc, tôi mở chăn ngồi lên và bước xuống khỏi giường buổi chiều đang xuống, ánh nắng yếu nhạt leo ngoài cửa sổ, khói từ phía sau nhà bay luồn ra ngoài tạo thành vệt sáng di chuyển và đổi màu. Tôi bỏ chân vào đôi dép cao su rồi xuống nhà dưới, chị Huệ nhặt thóc và sạn trong giá gạo. Tôi nói:
"Mồ hôi ra nhiều em thấy dễ chịu rồi".
"Em thay quần áo đi, đừng ra gió có khi phải lại thì khổ".
Tôi nói vâng, chị nói:
"Bị cảm ăn cháo hành tốt lắm, để sáng mai chị làm cháo trứng cho ăn, em đau dễ sợ quá - giọng chị buồn - không biết Vịnh đi ra ngoài có ai chăm sóc cho không. Vịnh đâu có khoẻ gì, hôm trước lại mới bị như vậy".
Một buổi tối tôi đã khoẻ trở lại, tôi kể cho chị Huệ nghe về cái chết của thím tôi, chị hỏi:
"Em có thương thím không?"
"Em thương và quý thím, em vẫn nghĩ tại sao ông em không chết mà lại là thím em, em không biết mẹ em ra sao nhưng có lẽ mẹ em cũng gần như thím, và những người đó đều đã chết, bây giờ chú em phải lo tất cả, năm đứa em, một đứa mới biết chạy đi. Em thương chú thím nhưng em không làm gì được cho chú thím, đó là điều vẫn làm em khổ tâm. Em muốn về ở với chú, nhưng ngay đó em biết rằng em không giúp gì được cho chú cả. Ông em giàu, nhiều của nhưng em vẫn không hiểu tại sao ông chỉ thích có tiền để cất đi hay làm giàu nữa. Giàu để làm gì. Mà ông còn sống bao lâu nữa. Nếu còn bố em… Nhưng không được nữa. Chị có nghĩ là em tệ với gia đình không?"
"Chị cũng không biết nữa, hình như em cũng như Vịnh, đều muốn thoát khỏi gia đình. Tại sao vậy?"
Tôi thấy tôi nhỏ bé và tàn nhẫn, tại sao vậy, có phải chúng tôi bị một thứ ma lực nào quyến rũ, tại sao mình không thể làm những gì nhỏ bé trong cuộc sống riêng tư của mình, có phải chúng tôi mang một thứ bệnh ảo tưởng trong người, và chúng tôi chết đi trong niềm ảo tưởng và bất lực đó. Tôi dò tìm tôi như một kẻ lạ mặt và không tìm ra điều chi khác những mâu thuẫn trong tâm tư mình. Chiến tranh đang diễn ra, chúng tôi đứng trước những thảm trạng lớn lao của cả một dân tộc, chúng tôi muốn làm một cái gì đó có ích cho mọi người, nhưng ngay đó chúng tôi lại biết ngay rằng chúng tôi không làm được gì với sự nhỏ bé của mình. Chúng tôi vô vọng trong cuộc sống. Chúng tôi nhỏ bé và yếu hèn, chúng tôi biết thế nhưng chúng tôi không dám nhận và sống với thực tế đó, chúng tôi không dám chấp nhận sự vô ích của mình và sự vô nghĩa của cuộc sống bao quanh, chúng tôi tìm cách bào chữa, trốn tránh. Có điều tôi nghe thấy những lẽ phải tầm thường kêu gọi trong lương tâm mình. Tôi nói:
"Trước khi Vịnh đi em đã nói với Vịnh như thế. Em không hiểu Vịnh nghĩ như thế nào; phần em, em hiểu, em muốn sống trong gia đình, nhưng em không có gia đình như em nghĩ cho em sống, em không có một mái nhà… Chị thấy vậy không? Làm sao để người ta sống trong một gia đình mà người ta thấy mình như một người xa lạ. Em phải làm việc trở lại. Em đã không nghĩ được từ trước là không phải mọi người đều tốt, cái gì cũng đẹp. Thím em đã chết vô lý nhưng cho đến lúc này em vẫn nghĩ rằng thím chết sướng hơn là phải sống. Nhưng nếu hôm đó em gặp Lâm, sự việc sẽ xảy ra như thế nào.
"Thôi em đừng nghĩ quẩn. Em hãy lo cho lành bệnh rồi em tìm một việc gì đó làm và đi học, em phải bình thường đã, em hãy tội nghiệp cho Lâm và thương Hiền. Chuyện đã rồi - giọng chị Huệ run run - em thương Hiền mà em còn làm khổ Hiền nữa sao".
Chị Huệ vừa nói vừa quay đi. Có phải chị nhớ lại. Chị có nghĩ là em yêu chị không. Tôi quay nhìn vào ngọn đèn.
"Chị Huệ…"
"Gì em".
Tôi thấy mình lo âu vô cớ, có thực tôi yêu chị Huệ, có thực tôi thương thím tôi. Khuôn mặt Hiền xanh xao thoáng hiện.
"Nếu không loạn chắc mọi người đều sung sướng, Vịnh ở nhà, chị sống ở nhà quê. Em không buồn. Nhiều lúc chị chỉ biết khóc".
Tôi với tay giữ lấy tay chị, chị Huệ lặng im:
"Em cần có chị".
Không khí im lặng vây quanh, chừng như đã khuya lắm, bà mẹ đã nằm ngủ im trong màn, tôi kéo chị Huệ lại gần, chị yếu ớt không chống lại, chị kêu nhỏ: "Đừng Ngạc, đừng Ngạc…" Tôi ôm chặt lấy chị, người chị run lên, hơi thở dồn dập ngắt quảng: "Huệ, Huệ…" Tôi bâng khuâng một cách rời rã. Có thực tôi thương thím tôi, có thực tôi yêu chị Huệ. Tôi vội buông chị Huệ ra và chạy vào phòng, đóng cửa lại và gieo người xuống giường. Bóng tối dày đặc vây quanh, tôi lắng nghe tiếng muỗi kêu vo ve, chị Huệ vẫn ngồi? Chị Huệ đang khóc? Tại sao chị chưa có gia đình? Giấc mơ trong cơn bệnh hôm nào chợt ập đến. Lúc sau tôi nghe thấy tiếng chân bước rời rã, tiếng động phía nhà sau, rồi đèn tắt.
Tôi nằm im trong bóng tối, tôi thấy tôi yếu đuối và nhỏ bé. Tôi có nên trở về với chú tôi, về đó tôi có thể giúp được gì cho chú tôi. Khuôn mặt Hùng hiện ra, thằng đó lại cười nữa, cho hết dấu vết tội lỗi đi, hắn nói như thế, có phải hắn làm vậy cũng như tôi đã làm với thím tôi. Nếu Vịnh có mặt ở nhà, nếu Vịnh biết tôi yêu chị Huệ, Vịnh sẽ làm gì. Tôi thấy tôi lả đi trong cơn váng vất triền miên nặng nề.
Nguồn: Tuổi nước độc. Truyện dài của Dương Nghiễm Mậu, mẫu bìa của Văn Thanh, do tập san Văn xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn, xong ngày 28-01-1966. Ngoài ấn bản thường, có in riêng 50 cuốn đặc biệt trên giấy trắng mịn dành cho tác giả và nhà xuất bản. Giấy phép xuất bản số 4809/LCBC3/XB, Sài Gòn ngày 15-11-1965. Giá 20đ. Bản điện tử do talawas thực hiện dưới sự cho phép của tác giả.
12.
Tôi nhớ 100 ngày thím tôi chết và trở về nhà, chú tôi thương hại trên nét mặt, chú hỏi:
"Trông cháu xanh lắm, sao vậy?"
"Từ hôm đó cháu đau luôn, mất hơn một tháng".
Tôi ngồi chơi với bốn đứa em, tôi hỏi đứa nhỏ, chú nói gửi nhờ người ta nuôi hộ, chú nói giọng lo âu:
"Bây giờ không thể xuống Cảng được nữa, chú phải ở nhà trông các em, ông cũng không sống thêm bao lâu nữa, cháu có thể về nhà được không?"
Tôi không biết trả lời sao, tôi nhìn lên bàn thờ, ảnh thím tôi để phía sau bình hương, hai ngọn nến trắng leo lét cháy, trên đó có chén nước, quả trứng gà và mấy bát cơm trắng. Khuôn mặt chú tôi khô đi, tôi hỏi:
"Chú định làm gì?"
"Chú đã nhận dạy cho mấy trường, chú cũng có ý định dành thì giờ viết sách. Chú đã nói với ông về chuyện thằng Hùng, chú bắt nó phải đi học lại.
"Thân có về không chú?"
"Không, Hùng nói Thân đã xin đi xa, không biết Thân đi đâu, nó là một người có lý tưởng".
"Hôm cháu còn ở trong bệnh viện Thân nói nhận đi phục trong một bệnh viện dành cho người cùi đâu mãi trong một tỉnh ở cao nguyên Trung phần. Chú nghĩ Thân là người có lý tưởng?"
"Một người theo đuổi một mục đích cho đến cùng, trung thành với điều mình nghĩ, với chú như vậy thấy có lý tưởng. Lúc còn trẻ như cháu chú đã nghĩ như thế, cũng như ba cháu nhưng cả hai anh em không làm được theo như ý nghĩ. Nghĩ lại chú vẫn buồn. Bây giờ thì chú có những chuyện thực tế phải làm, trách nhiệm làm cho mình sống có ý nghĩa ra".
Tôi lặng im nghe chú nói, lúc sau tôi nói:
"Chú có phiền trách gì việc cháu đã làm với thím không?"
Chú tôi ngồi xuống bên, đứa em gái sà vào lòng, chú ôm lấy nó nâng niu, chú vuốt đầu cho nó áp mặt vào ngực:
"Khi tai nạn xảy ra nhìn thấy thím cháu nằm trên giường bệnh chú không dám nhìn lâu, chú không bao giờ muốn nhìn thím nữa, bởi vì nhìn thím chú không có can đảm để chịu đựng, chú không dám nhìn thím vì chú thương thím, thương nhưng chú không thể làm cho mắt thím mở ra, cho tay chân thím mọc dài. Thấy thím không chết khi đó chú mừng lắm nhưng là nỗi vui mừng đau xót. Nếu thím chết ai cũng thương nhưng chắc là khỏi phải chịu đựng dày vò đeo đẳng, chú thương thím, cũng như cháu, nhưng cả chú lẫn cháu đều bất lực và khi đó mình mong cho người thân yêu chết đi. Có lẽ thím chết sướng hơn là sống? Với cháu chú không có điều gì phải phiền trách. Chú hiểu, ai rồi cũng phải chết. Chú chỉ thương cho các em không có một người mẹ trông nom săn sóc, đó là mối bận tâm nhất cho chú hiện nay".
Tôi lặng im, lúc sau tôi thấy ông tôi đi đâu về cùng với Hùng, tôi cúi chào, Hùng lúng túng đến bên, tôi hỏi:
"Đi đâu với ông vậy?"
"Dẫn ông đi lấy thuốc, trông như anh đau?"
Tôi nói đau, rồi thôi, tôi không kiếm được chuyện để nói tiếp. Đã đến trưa chú tôi lo phụ người làm dọn cơm cúng, tôi cũng giúp một tay lau đũa bát, những đứa nhỏ nô đùa chừng như chúng không mấy nhớ đến người mẹ nữa, chúng còn nhỏ, khi lớn lên chúng sẽ nhớ và sẽ khóc. Đứng trước bàn thờ cúi đầu vái, tôi nghĩ tôi có thể nói gì nếu trên đó có linh hồn của thím tôi, tôi muốn nói: Cháu thương thím và chắc thím cũng thương cháu, thím tha thứ cho cháu như chú đã tha thứ cho cháu vậy. Tôi thấy nước mắt chảy theo hai bên sống mũi vào miệng, đã lâu tôi mới lại khóc được".
Ông tôi ngồi nói chuyện thuốc men, Hùng ngồi đọc một tờ báo cũ bọc ngoài một gói cam mà hắn đã mang về, hôm nay tôi trông hắn hiền lành và ngoan ngoãn khác hẳn lúc trước. Thật thế hay là tôi đã đổi khác. Sau khi ăn cơm chú rủ tôi xuống nghĩa trang đắp lại nấm mộ của thím. Chú nói:
"Để ít ngày nữa chú thuê người ta xây cho thím một cái mộ gạch. Chú buồn là không mang được thím về chôn ở quê như mẹ cháu. Thôi để khi cải táng vậy. Ở đây thím nằm một mình kể cũng buồn".
Chú nói chuyện nghe thản nhiên, không một chút ngập ngừng trong giọng nói khiến tôi có cảm tưởng như ngay bên chúng tôi thím vẫn còn sống. Nấm đất hôm nào nay đã dẹp xuống; vài ngọn cỏ nhú lên. Thím đã chết không biết gì nữa. Tôi không có mồ của mẹ tôi để thăm. Trong tôi một xúc động âm thầm lúc nào cũng như nằm sẵn chờ đợi. Tôi nghĩ đến bố tôi:
"Chú nghĩ là ba cháu còn sống không?"
Chú tôi đang cắm lại những nén nhang cho ngay ngắn, chú nhìn lên:
"Chú chắc ba cháu cũng mất, từ ngày đó đến nay đã hơn mười năm rồi còn gì. Nếu ba cháu còn sống thì đã có tin, ba cháu cũng thương chú lắm dù anh em không hợp nhau".
"Sao vậy chú?"
"Vì chú yên phận hơn cha cháu, ba cháu có sẵn trong người những ý nghĩ bay nhảy, đây đó. Trên đời này có ai giống ai đâu, cháu cũng chẳng giống ba cháu nữa".
Lúc ra về chú tôi cười chúm chím có vẻ thích vì điều gì, chú nói với tôi thân mật:
"Chú với ba cháu không thích chơi chung với nhau cái gì, sách vở, bàn ngồi, ngủ cũng riêng trừ chuyện xuống Bông Đỏ đi hát cô đầu thì rủ nhau, chính nhờ ba cháu mà chú mới biết đánh trống chầu. Ai đời ba cháu đi thửa trống rồi phách về nhà cho chú tập, ba cháu làm nhà tơ, tiếng phách của ba cháu giòn ghê lắm, nhiều cô đầu mê ba cháu vì tiếng phách lắm. Ba cháu là một người hào hoa, say mê gì thì ghê lắm nhưng nếu cần thì bỏ ngay không bị ràng buộc, ngay cả chuyện cô đầu".
Lúc lên xe điện tôi hỏi:
"Có phải ba cháu điên vì ông không?"
Chú lưỡng lự một lúc:
"Một phần nào thôi. Từ hồi mẹ cháu mất, ba cháu đã buồn rồi, sau đó ba cháu lại thất bại nhiều chuyện khác nữa, rồi quẫn trí mà hoá điên. Một người có tâm hồn như ba cháu nếu gặp xúc động bất ngờ thì khó mà lường được. Nhưng biết làm sao".
Gần chiều chúng tôi về đến bờ hồ, chú tôi hỏi:
"Bây giờ cháu đi đâu?"
"Cháu về nhà".
"Nhà nào?"
Tôi tự mỉm cười:
"Nhà cháu, chú ghé lại chỗ cháu cho biết, nhà của một người bạn thân đã bỏ ra ngoài, còn lại một người mẹ và một người chị buôn hàng tấm".
"Có dễ chịu không?"
"Họ là những người tốt. Cháu cũng đang tìm một việc để đi làm, có lẽ có việc làm sẽ giúp cháu bình tĩnh lại. Cháu nghĩ quá nhiều khiến thành quẫn, nhiều lúc mất thăng bằng.
"Cháu đã bỏ ý định ra ngoài chưa?"
"Bọn cháu có một mặc cảm lớn với đời sống. Chúng cháu thấy nhiều việc phải làm quá. Nhìn cái gì cũng thấy nó hỏng; từ những vấn đề tinh thần tới những cơ cấu trong xã hội, và nhất là tình trạng chiến tranh. Phải chấm dứt tình trạng chiến tranh, phải cách mạng những cơ cấu trong xã hội cho có một xã hội hợp lý, phải tìm kiếm tạo thành một giá trị tinh thần mới. Nhưng phải giải quyết ra sao cho tình trạng hiện nay, cùng đó là những vấn đề khác. Từ ngay trong đời sống gia đình chúng cháu đã có một mặc cảm bất lực. Cháu nghĩ trước nhất cháu chấp nhận tình trạng đã rồi sau này trong cuộc sống riêng tư có làm gì mới làm, ra ngoài để làm gì, tới đâu, cháu hỏi cháu vậy, cháu không trả lời được nên cháu ở lại. Một phần nữa việc chú và một vài người khác rời bỏ ngoài đó khiến cháu hiểu một phần nào kết quả của việc ra ngoài. Nhưng còn chiến tranh?"
"Chú nghĩ chắc còn lâu lắm. Chưa biết rồi đời sống còn đưa đến những biến cố nào, nhưng hẳn là còn khổ nhiều nữa".
"Biết mà không hiểu phải làm sao?"
"Như một người mang chứng nan y, biết cái chết đến từ từ nhưng không thể làm sao khác là đợi nó. Nỗi kinh hoàng là thời gian đợi chờ".
Tôi và chú tôi đi ngược lên phía chợ, tới hàng Bồ tôi rẽ trái chú tôi ngần ngừ một lúc rồi nói thôi để hôm khác sẽ lại chơi. Tôi nói vâng rồi đi luôn.
Mùa xuân trôi qua trong những ngày tháng thản nhiên nhưng tàn bạo, tôi thảng thốt mệt mề tỉnh táo, tôi không còn tìm gặp ai. Trương đã đi đến đâu. Vịnh đã đến đâu làm gì và Hợp với mối tình đầu, tôi giấu mặt trong căn nhà im vắng, tôi vẫn không quyết định việc trở về nhà và không trả lời được với chú tôi: bây giờ cháu có thể về nhà không.
Không khí chiến tranh vẫn bùng bùng vây phủ một cách thảm khốc, thành phố mỗi lúc một đông dân cư rời khỏi những làng quê không còn an ninh trong cuộc sống tranh tối tranh sáng. Họ rời khỏi cuộc sống nông dân lên thành phố làm kẻ buôn thúng bán mẹt chui rúc trong những căn nhà đổ nát, trên hè phố những kẻ tàn tật, những nạn nhân chiến tranh ngồi nơi những góc đường như những gia đình kêu khóc xin bố thí, lâu lâu thành phố lại tắt đèn, tiếng nổ khủng bố chợt đánh thức, và khi đó những khuôn mặt thất thần nhìn nhau ngơ ngác, đe dọa nằm trong cả những hang cùng ngõ hẻm, những bàng hoàng lay động làm thành một sinh hoạt giả tạo rời rã, tôi lo một công việc để bắt đầu, sau cùng chị Huệ khuyên tôi nhận việc bán vé chiếu bóng cho rạp Bắc Đô ở ngay phố hàng Giấy, bà mẹ nói:
"Ông chủ là một người bạn thân cũ của nhà tôi khi xưa, về thành mới được hơn một năm mà ông ấy đã thành giàu lớn, ai có ngờ được. Ông ấy cũng là một người tốt hôm gặp bác ông ấy hỏi thăm thằng Vịnh, bác hỏi ông có cần người làm không, ông ấy kêu đang cần người trông nom tiền bạc của rạp chiếu bóng. Bác thấy chuyện ấy cháu có thể làm được vì ban ngày nghỉ cháu có thể đi học. Ông ấy chưa nói gì đến tiền bạc, nếu muốn thì cháu nhận và nói chuyện với ông ấy".
Tôi nói:
"Vâng để cháu xem thế nào".
Chị Huệ nói:
"Làm người bán vé hát liệu có xấu hổ không?"
"Xấu hổ, có gì đâu, là việc làm cả, em cũng muốn kiếm một việc làm như thế, một việc làm bằng tay chân có lẽ thích hơn".
"Em không thích hợp đâu, việc này có vẻ nhàn, tha hồ coi chiếu bóng không mất tiền".
Tôi nói chắc chắn là thế, rồi im, chừng như chị Huệ chờ tôi nói gì nữa. Tôi hỏi:
"Bác có biết bao giờ rạp khai trương không?"
Bà mẹ dở và miếng trầu từ cối vào miệng, lúc sau mới nói:
"Bác không hỏi nhưng chừng như cũng sắp, mai cháu theo chị Huệ lên nhà ông ấy xem, nếu nhận thì tới ngay không người khác người ta nhận mất, công việc làm ăn bây giờ đâu phải nhiều gì".
Ngay buổi chiều hôm sau tôi theo chị Huệ lên nhà ông Đặng ở phố hàng Bún, căn nhà một tầng bằng gạch, chiến tranh không để lại vết tích gì, ông tiếp chúng tôi ngoài phòng khách, ông nhìn tôi từ đâu đến chân, ông hỏi tôi chuyện học hành đến đâu, tôi nói, ông bảo được, được, thanh niên mình cần phải bắt chước thanh niên Âu Mỹ nghĩa là làm việc, sống độc lập, không coi bất cứ công việc nào nên làm hay không nên làm, ông nói thao thao không muốn tôi ngắt quãng, tôi ngắm nghía ông từ chiếc đầu hói, da mặt đen, trán bóng, người thấp và tròn, ông trạc độ trên dưới bốn mươi, giọng ông thân mật một cách xã giao. Có lúc ông ngắt quãng câu chuyện với tôi để nói với chị Huệ, ông hỏi về Vịnh, chị Huệ nói Vịnh bỏ ra ngoài, ông giơ tay lên trời kêu trời đất ơi thằng nhỏ bạt tử, ra ngoài mà chết sao. Ông nhắc một vài kỷ niệm về cha Vịnh, ông nói có chút nào thương hại và chừng như cố gắng chứng minh rằng ông và cha chị Huệ rất thân với nhau, chợt như nhớ ra sự liên lạc giữa hai gia đình người bạn cũ với tôi, ông hỏi tôi:
"Cậu là thế nào với ông Vịnh?"
Tôi lúng túng một lúc, chị Huệ xen vào trả lời:
"Ngạc là cháu của mẹ cháu".
Ông Đặng ngúc ngúc cái đầu:
"Ừ phải thế chứ, Vịnh nó không có nhà mà không có ai là đàn ông đâu được. Công việc này không khó khăn gì cả, chỉ cần một người chăm, cẩn thận, tinh ý thôi. Cậu làm thừa sức mà. Còn độ tuần lễ nữa thì khai trương nhưng cậu cũng đi làm hộ tôi, bây giờ tôi cần có người giúp cho vài việc lặt vặt, vậy hôm nào thì cậu đến được?"
"Dạ thưa nếu cần thì mai cháu có thể đến".
"Thế thì hay lắm, mai nhá, cậu đến khoảng chín giờ, chín giờ đi, chúng ta bắt đầu ngay. Bây giờ thì giờ giấc còn lộn xộn ít bữa rồi sau mới bình thường".
Ông Đặng kêu người làm lấy nước mời chúng tôi; ông tiếp tục nói về những công việc làm ăn, chúng tôi chỉ biết ngồi im nghe nhưng lâu lâu ông lại hỏi ngang một câu không liên lạc gì với câu chuyện ông đang nói, tôi không hiểu trí óc của ông làm việc ra sao, có lúc ông hỏi chị Huệ: Cháu lập gia đình chưa, chị Huệ lúng túng nói chưa, chừng như ông không chú ý nghe câu nói và ông tiếp tục câu chuyện đang nói. Có lúc ông hỏi tôi: Cậu mộng ước gì, cậu định chọn một người vợ như thế nào, cậu có biết uống rượu, có biết khiêu vũ không, rồi ông khoái trá nói:
"Cậu biết không, tôi là người không biết bơi".
Câu chuyện với ông Đặng khá lâu, nhiều lúc tôi muốn đứng lên nhưng không dám hoặc không có lúc ông ngừng lại. Mãi sau chợt ông ngó đồng hồ rồi nói:
"Thôi bây giờ cháu Huệ với cậu Ngạc về nhà, tôi có hẹn với người ta, cháu về nói với đẻ bác hỏi thăm, hôm nào cháu dẫn đẻ lên chơi, nói bác mời đẻ nhá".
Tôi đứng lên, ông đưa tay bắt rất chặt rồi đưa chúng tôi ra đến bậc hiên.
Đường phố trồng tren hai lề đường những gốc bàng đã già phủ ra một quầng tán rộng làm tối lòng phố buổi chiều, những học sinh tan học từ phía trường hàng Than và trường Đỗ Hữu Vị đổ ra đông nghịt, chúng tôi theo phố cửa Bắc trở về, tôi nói với chị Huệ về ông Đặng, chị khen ông ấy là người tốt, dễ chịu chắc làm việc cho ông cũng thích. Đường phố cũ khiến tôi chợt nhớ đến Hiền, chúng tôi có lần đi với nhau trên con phố này, bây giờ thì không, bên tôi là chị Huệ lúc ngang qua chỗ gậm Cầu tôi chỉ cho chị Huệ thấy nhà ông tôi, nơi trước đây tôi đã sống, chúng tôi cũng dừng lại ngay cửa rạp Bắc Đô, một người đàn ông đang treo nơi tấm bảng lót dạ xanh một tờ quảng cáo, tôi đứng đọc thầm, chị Huệ nói:
"Nay mai người kia sẽ là bạn của Ngạc".
Tôi nhìn người đàn ông nhỏ thó, nhanh nhẹn đang cắm cúi, tôi nói giọng đùa:
"Nhưng bây giờ ông ta là một người lạ".
Một người lạ, tôi lặng đi, chúng tôi theo phố hàng Đồng trở về. Đã sẩm tối, chị Huệ bỏ áo dài rồi vội vàng đi nấu cơm, bà mẹ hỏi tôi về công việc, tôi nói đã xong, ông Đặng xem ra dễ tính và tốt lắm, tôi nói ông ấy mời bác hôm nào lên chơi, bà mẹ lắng nghe tôi nói rồi mỉm cười một mình, tôi nhủ thầm: đã có một công việc rồi, tôi thấy dửng dưng và sự buồn lại ập đến, sẽ chiều tới, đêm về, ngủ, sáng thức dậy, và cứ thế cho tới chết cũng được. Chẳng có gì, chẳng có gì, phải không. Thím tôi đã chết, những nếp nhăn chằng chịt trên má sẽ chẳng bao giờ hết đi, nhiều lúc tôi ngắm tôi một cách nhạt nhẽo. Sao mắt tôi không mù, tôi nghĩ nếu bố tôi còn sống, một hôm nào trở về nhìn thấy tôi, ông có nhận ra tôi không, biết đâu bố tôi còn sống, có khi ông có gia đình và những đứa con. Tôi biết chắc tôi không muốn trở về nhà nữa, nếu gặp chú tôi sẽ nói cho bố tôi, và cũng từ đó tôi thấy tôi trôi xa mãi những gì ràng buộc với đời sống cũ.
Những ngày đầu tiên đi làm tôi giúp ông Đặng việc thư từ giao dịch với những nhà buôn để nhận quảng cáo, trông nom việc đăng quảng cáo trên các báo, ông nói tôi được việc lắm, công việc làm cho thì giờ chạy qua mau hơn, nhưng những lúc dừng lại tôi thấy vô vị, nhiều ngày bận rộn khi ngày khai trương sát bên nên tôi phải làm việc muộn, có lần ông giữ tôi lại ăn cơm với gia đình, bà vợ ông là người nhà quê, hai người con gái đầu, cô lớn tên Tuyết, cô nhỏ tên Hạnh, sau chót là cậu con trai 9 tuổi. Tôi phải theo một người bạn của ông xuống tập sự bán vé nơi rạp Kinh Đô ở chợ cửa Nam, ở đây người bán vé là một cô gái, cô ta ngạc nhiên nhìn tôi hỏi:
"Sao ông chủ lại mượn đàn ông bán vé. Anh có thích công việc này không?"
"Ông chủ tôi không ưa con gái, có lẽ vậy - tôi cười - tôi chưa làm nên chưa biết thích hay không".
"Không ngờ tôi thành một giáo sư thực tập cho anh".
"Tôi không có xôi ga để nhập môn, xin cô nhận cho".
Con gái tự giới thiệu tên là Ánh, nàng giúp tôi dễ thân mật với nàng, lúc vắng người tôi nghe Ánh tâm sự; nàng nói đang lo mất việc vì ông chủ này định thay người khác. Tôi hỏi tại sao, nàng bảo vì ông ấy tán tôi không được. Tôi nói khổ vậy nữa, may quá tôi không phải là con gái, nhưng chắc tôi là con gái cũng không có ai tán, cô thấy vậy không. Ánh cười, tôi thấy một cái răng khểnh về phía bên trái. Ánh chỉ cho tôi việc phải làm, cách kiểm vé, ghi giờ chiếu, cách nhận tiền trả lại tiền. Tôi ngồi ở chỗ bán vé cả buổi tối, bán xong suất chiếu cuối cùng Ánh ngồi kiểm tiền, kiểm vé, vào sổ rồi đợi ông chủ đến, Ánh nói:
"Bây giờ anh có thể về được rồi, mai anh đến nữa không?"
"Có lẽ không, chẳng lẽ người ta trả lương cho tôi để đi chơi mãi sao, tôi muốn đến lắm. Tôi chờ cô rồi cùng về".
Ánh thu xếp những thứ lặt vặt, tôi rời phòng vé vào đứng phía trong coi phim đang chiếu trên màn ảnh, người đưa ghế thấy có người đứng rọi đèn pin đưa lên đưa xuống, lúc nhìn thấy tôi người đó nói, ngồi xem không, tôi nói đứng chơi chút tôi phải về, ngọn đèn tắt tôi thấy điểm sáng của đầu điếu thuốc sáng lên từng lúc, trong rạp tối bỗng ào lên theo tiếng vỗ tay, trên màn ảnh một cặp trai gái Ai Cập ngồi trên một tấm thảm bay dần lên cao thoát khỏi cuộc vây bắt của quân lính. Một phép thần thông trong những truyện cổ tích hoang đường. Họ đã thoát, những cặp tình nhân đều mong được như vậy.
"Về chưa anh?"
Tôi quay lại, trong bóng tối không nhìn thấy mặt Ánh, lúc sau ánh sáng thấp thoáng trên màn ảnh làm tôi thấy nàng mơ hồ, chúng tôi ra ngoài, tôi hỏi:
"Cô ở đâu?"
"Nhà em ở Ngõ Trạm, gần cổng xe lửa".
"Tôi cũng gần ở đó".
Chúng tôi bỏ cửa rạp ánh sáng choá loà xanh đỏ, đi qua vườn hoa, mấy hàng quà bánh, mấy người ngồi chơi lơ đãng, những khoảng bóng tối nhiều hơn khoảng sáng, Ánh nói:
"Tôi mời anh đi ăn phở gánh. Tôi đói rồi".
"Ý kiến rất hay, khuya thế này đi ăn phở thích lắm, tôi nhớ những đêm mùa lạnh đi với mấy thằng bạn ăn phở hay uống cà phê. Lâu lắm tôi không có dịp đi ăn phở như thế".
Chúng tôi sang phía bên kia vườn hoa, nơi hè đường và ngồi xuống cái ghế nhỏ quây lấy một bên gánh phở, người bán hàng nhanh nhẹn vừa xúc bánh vừa hỏi khách hàng, hai tay thoăn thoắt thái những miếng thịt mỏng bay, tôi vừa ăn vừa suýt xoa, tôi nghe những người ngồi bên vừa ăn vừa nói chuyện, những câu chuyện riêng khiến tôi không nghe ra ý nghĩa gì hết, ăn hết bát, Ánh hỏi anh ăn nữa không, tôi nói thôi cứng bụng về ngủ không được, Ánh trả tiền rồi chúng tôi đứng lên. Trên con đường Thành vắng tanh tôi hỏi:
"Khuya về trên con đường này cô không sợ sao?"
"Nhưng biết làm sao, rồi cũng quen, vả cũng chỉ có một quãng ngắn".
Tới quãng tường dài, Ánh nói:
"Tôi ở phía sau bức tường này, gia đình người anh".
Tới một cái cửa rộng hai cánh bằng gỗ khép tôi nhận đó là một xưởng sửa xe ô tô, mấy chiếc xe vận tải nằm phía sau, một ngọn đèn nhỏ treo trên một cái cột ở giữa sân, phía tay phải có một dãy nhà có người ở; ánh sáng từ những cửa chiếu ra khoảng sân bẩn thỉu, tôi đoán chừng Ánh ở một trong những căn nhà đó. Tôi nói:
"Cô ngủ ngon tôi về, hôm nào thong thả cô lên chỗ tôi làm chơi".
Ánh lặng lẽ vào khuất trong bức tường, tôi về nhà, chị Huệ ngồi ở phía ngoài hỏi:
"Sao hôm nay Ngạc về trễ vậy?"
Tôi kể chuyện đi tập sự nghề, chị nghe không nói.
Chị Huệ nhắc tôi có chè đậu đen phần tôi trong chạn bát, bà mẹ nói:
"Hồi chiều có cậu Trịnh lại tìm cháu, chút nữa bác quên, cậu ấy có lên tìm cháu ở trên rạp không? À cậu ấy có viết giấy cho cháu, bác để ở trong bàn cháu".
"Vâng, anh ấy có lên cũng không gặp cháu, hôm nay cháu làm ở chỗ khác".
Tôi lại bàn, Trịnh nói không thấy tôi nên lại chơi, vậy thôi. Tôi vơ vẩn không biết làm gì nên mắc màn đi ngủ, nằm trong màn tôi tỉnh táo nên lại trở dậy. Lúc trước tôi nghĩ nếu có công việc tôi vẫn thấy vô vị, tôi vẫn quanh quẩn những ý nghĩ đâu đâu, nhiều lúc tôi nhớ vơ vẩn về Hiền, những lời của Vịnh không làm tôi thôi nghĩ ngợi. Tôi bực tức việc Trương đi, hắn đi đâu? Tôi cố mường tượng xem hắn có thể đến một nơi nào, chẳng lẽ Trương theo con đường của Vịnh, nếu không đi đâu. Nhưng có lúc tôi lại cho rằng có lẽ Trương ở đâu quanh tôi, giấu mặt làm vẻ ngạc nhiên nhìn tôi trong cuộc sống. Hay là Trương cũng theo con đường của Thu, cả hai anh em đều đang tìm cách trả thù một kẻ trong đám đông không mặt mũi. Chúng tôi tan loãng ra. Tôi nhớ lúc trước nghe một cách ví dụ của Trương về tình trạng xã hội trong thành, Trương gọi nó như một bè chuối trong mùa nước, con sóng đã làm đứt những dây buộc và những thân chuối đó, mỗi thân chuối một vài người, chỉ còn sức để bám và trôi đến đâu đều không biết nữa. Trong đời sống người ta không tìm thấy dây nhợ của một nền tảng, từ trên tinh thần cho đến tổ chức không còn một cố kết toàn thể nào. Chiến tranh lại thúc bách mỗi giờ phút, không ra ngoài, không vào lính, tôi đứng ngoài lề. Rồi đi đến đâu, tôi vẫn hỏi vậy. Chính nghĩa quốc gia đã bị những người quốc gia phá hoại nó, vang động của những biến động lịch sử hào hùng chỉ còn là những dĩ vãng đẹp, lâu nay chàng nghe nói đến người này người khác từ hải ngoại trở về để cộng tác với Pháp, tôi hỏi Pháp bây giờ khác với Pháp khi xưa sao, tôi nào thấy gì khác, tại sao lại không có một lực lượng của những người quốc gia. Lựa chọn đặt ra cho chúng tôi thành bế tắc lúng túng rồi thành thụ động buồn chán. Mọi người chừng như cố để quên chiến tranh, quên mọi điều để sống trong sự tầm thường nhỏ bé, nhưng họ đều không quên mãi được.
Tôi tỉnh táo một cách khó chịu, đêm sâu kín, mọi người đều ngủ say phải không? Những giấc mơ nào đến với họ? Một cảnh đoàn viên trong thanh bình? Hội hè? Hay tiếng nổ, bom đạn và thú dữ?
13.
Tôi nhận việc được hơn một tháng thì ông Đặng dẫn tôi đi ăn cơm tiệm cùng với gia đình, ông còn đưa cho tôi một chiếc phong bì với năm trăm bạc thêm vào số lương tôi lãnh, ông nói tôi là một người cộng tác tốt. Công việc đều của tôi không thay đổi gì, trước sáu giờ chiều tôi tới rạp, mở ngăn kéo tiền cởi những bó bạc lẻ ra, ba xấp vé màu khác nhau. Những khuôn mặt đến liên tiếp phía ngoài song sắt, nhiều lúc tôi tưởng tôi là một con thú nhốt trong Thảo cầm viên, những bàn tay đủ loại thò vào với những tờ giấy bạc, tay tôi với thói quen đếm tiền, trả lại tiền, xé vé, xếp tiền vào ngăn kéo theo từng loại giấy bạc. Có lúc tôi chợt nhớ tới Ánh, không biết Ánh còn làm không, tôi định hôm nào sẽ tạt qua thăm nàng. Hai lần tôi tạt qua nhà dẫn mấy đứa em vào cho chúng xem, Hùng cũng ra coi, nó có tiền mua vé, tôi cũng dẫn nó vào xem. Chú tôi chỉ đến một lần, chú đứng phía ngoài nói chuyện với tôi, chú nói:
"Cháu không định học hành nữa sao, công việc này đâu phải để cháu làm, chú muốn cháu về nhà, nghèo chú cũng nuôi nổi cháu, cháu nghĩ lại xem".
"Cháu không muốn nhờ cậy mãi, cháu biết chú thương cháu, muốn cho cháu khá, cháu đi làm cũng không mất bao nhiêu thì giờ, cháu nghỉ tới hết niên học, bắt đầu niên khoá cháu sẽ đi học trở lại".
Chú tôi nói chuyện đi dạy, chú nói sắp cho in sách giáo khoa, chú bảo nếu muốn có thể thu xếp cho chỗ dạy, tôi nói để rồi tôi xem thế nào đã. Chú đứng lại rất lâu coi tôi bán vé, chú nhìn những tranh quảng cáo một cách lơ đãng, mãi chú mới về. Trịnh có lên, tôi chia cho Trịnh một ít tiền, Trịnh nói cũng đang xin việc làm nhưng là công chức, có một người quen giúp còn chờ công an điều tra đã.
Một buổi tôi tới hơi sớm, tôi đứng ở ngoài cửa chơi, mấy hôm nay người coi quá đông, phim Đêm Ba Lê, với những màn nhảy múa và thoát y, ông Đặng nói, tôi phải chạy chọt mãi mới xin được phép, phim này có lẽ phải chiếu nửa tháng, tôi chịu về nhận xét của ông, nhiều người nhà quê ngang qua rạp chiếu nhìn lên tấm quảng cáo, nhìn ảnh một cô gái… thì chỉ chỏ nói với nhau và cười, bọn trẻ con thì vẽ bậy lên một tấm quảng cáo để dưới thấp, chúng vẽ… trông thật thô tục, nhìn thấy tôi cũng phải cười. Tôi thơ thẩn ngó ngàng rồi ngồi ngay xuống bậc thềm bên cửa sắt mở hé, một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc cẩn thận cắp một chiếc cặp da lớn, ông ngó vào phía rạp rồi nhăn mặt, ông ngó chung quanh và ngó thấy tôi, lưỡng lự một lúc ông tiến đến mở cặp đưa cho tôi mấy tập sách mỏng, tôi tưởng ông bán nhưng sau thấy ông nói huyên thuyên về Đức Chúa Trời, tôi biết ông đi truyền đạo Tin lành, tôi lắng nghe những lời trôi chảy, trơn tuồn tuột, ông hỏi tôi có thắc mắc gì không, tôi nói không, ông hỏi tôi là chủ rạp hát phải không, sao lại chiếu phim tội lỗi như vậy, tôi nói tôi làm công, ông nói giọng thảm hại: mỗi lúc nhân loại một thêm tội lỗi. Tôi nói vâng. Ông cũng ngồi xuống bên tôi, ông hỏi thăm gia đình, còn đi học không, sống có khổ lắm không, ông lấy ra một gói cam thảo thái mỏng mời tôi cùng ăn, tôi cầm một miếng nhỏ, vị nhợ nơi đầu lưỡi. Sau rốt ông khuyên tôi theo đạo, tôi cười nói tôi thờ mẹ tôi, ông nói chưa đủ, ông thuyết tôi đủ điều, tôi chỉ cười, ông không biết phải nói gì hơn nữa, khi đứng lên ông nói: "Cậu phải lựa nếu không rồi muộn". Tôi nói vâng, tôi sẽ tìm ông khi thấy cần thiết, ông không có vẻ hài lòng mà đượm vẻ thất vọng. Ông tiếp tục đưa tặng những cuốn sách cho những người ở đó, có người ông nói một vài câu, có người không, lúc sau ông mất vào đám đông. Tôi mở tập sách mỏng ra đọc, đó là tập "Hãy quyết định ngay bây giờ". Tôi đọc loáng thoáng những dòng: Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời… Loài người không thể nào tự giải thoát mình khỏi tội lỗi - họ phải nhờ Đức Chúa Trời tha tội cho mình. Tội lỗi dẫn đến sự chết mất linh hồn, vì "Tiền công của tội lỗi là sự chết"… Đấng Christ… vì tội lỗi chịu chết… ấy là nhờ ân điển bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bên là sự ban cho của Đức Chúa Trời… Xưng ngài trước mặt mọi người… Nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa… Không đổ huyết không có sự tha thứ… chẳng muốn một người nào chết mất nhưng muốn mọi người đều ăn năn… Người lao công ra mở cửa ngạc nhiên nhìn tôi, ông nói tới giờ rồi, tôi ngó quanh thấy nhiều người đã đứng đợi vào, máy hát đã mở, tôi vào và bắt đầu bán vé, một lúc có người hỏi tôi tờ chương trình, tôi với tay cầm một tờ ra, người đó kêu, tôi xin chương trình mà, tôi ngó lại và cười, xin lỗi ông, tôi đã đưa cuốn giảng đạo cho ông mà không biết, tôi vội bỏ vào một ngăn kéo sợ lẫn trở lại. Những người vào xuất đầu đã vãn, tôi nhận thấy Hùng thơ thẩn đứng ngó những tấm ảnh phía bên kia cửa rạp, tôi lặng im nhìn, tôi nghĩ chốc nữa hắn sẽ đến. Hắn quanh quẩn một lúc rồi hắn đi lúc nào tôi không biết. Chắc nó nhớ lại những ngày trong tu viện. Tại sao Thân có thể tiếp tục con đường đã đi mà Hùng không thể tiếp tục? Nơi nào tội lỗi đã gia tăng thì ân điển càng dư dật hơn. Những ai là người nghe thấy tiếng gọi? Những ai không? Mọi người đều chết, mẹ tôi chết, thím tôi chết, rồi ông tôi, chú tôi, tôi và mọi người, mỗi người đều chết dù cách chết khác nhau, ví dụ có người không bao giờ chết, tôi nghĩ nếu tôi ở trong trường hợp này chắc tôi tự tử. Chúa không chết, Trời không chết.
Đã lâu tôi không gặp Hiền, nàng ra sao, tôi dành một buổi sáng lên Ngọc Hà tìm Trịnh, trại lính được mở rộng thêm, số người mặc quần áo kaki chen nhau trong con đường nhỏ, với một cái chợ xép ngay bên trại con gái. Trịnh đã khoẻ hơn nhiều, vi trùng của bệnh sốt rét rừng chừng như thất thế, trông Trịnh có da có thịt hơn, tôi kể công việc cho Trịnh nghe, Trịnh nói việc làm chưa xong, có lẽ vì không có tiền chè lá, tôi hỏi chuyện viết sách, Trịnh cười:
"Tinh thần không đủ nuôi sống người ta".
Chúng tôi ngồi nơi cửa nói chuyện, khi hàng bún riêu đi ngang qua tôi gọi vào ăn, Trịnh nói:
"Bọn mình ảo mộng quá, tôi chắc thằng Trương nó đi làm cao su trong Nam bộ rồi".
"Biết đâu hắn không ở quanh đây hay đã vào lính".
"Không vậy được, bây giờ cậu ước gì?"
Thánh Thần nhờ ông Đặng, tôi mỉm cười:
"Cậu như một người già, mình chẳng ước gì".
"Buồn nhỉ?"
"Tôi hay cậu?"
"Chẳng riêng ai nhưng vẫn phải sống. Cậu ở đây chút mình dẫn đi chơi nhà thổ. Buổi sáng đi chơi nhà thổ hay ghê lắm, hôm qua mới kiếm được món tiền, chắc cậu chưa đi chơi".
"Toàn đĩ già".
"Trách nào không mở mày mở mặt ra được. Thanh niên đều được đĩ huấn luyện cho cách ngủ với vợ, chán quá".
Trịnh mặc quần áo rồi kéo tay tôi đi, chúng tôi sang phía gần chỗ Quần Ngựa, những căn nhà nằm ép bên một con đường đất, Trịnh bước vào một căn có treo mành mành trước cửa; Trịnh vào trong, tôi đứng ngoài cửa, tiếng Trịnh:
"Có đứa nào không?"
"Bọn nó đi chơi hết rồi, sao lại lên buổi sáng?"
"Thích vậy, không còn đứa nào sao, cụt chân cụt tay gì cũng được, mang một thằng bạn đi thết nó mà về không chán chết".
Tiếng cười hô hố của một người đàn ông, Trịnh trở ra, tôi thấy không muốn trở về nhà nhưng cũng không biết đi đâu, ở nhà Trịnh một lúc rồi tôi về, tôi ngang qua Ngõ Trạm và nhớ tới Ánh, tôi qua cửa nhưng không vào, tôi nghĩ chắc Anh đã thôi việc. Tôi lên rạp, cửa khoá, tôi bấm chuông, người lao công nhìn tôi:
"Có việc gì vậy cậu?"
"Không, ông mở cửa cho tôi vào, tôi ngang qua buồn ngủ quá nên tính vào ngủ".
Người lao công vừa mở cửa vừa cười:
"Cậu ăn cơm chưa?"
"Chưa nhưng tôi không thấy đói".
"Xuống tôi ăn luôn, bà vợ tôi làm cơm xong rồi".
Tôi nói thôi, ông mặc tôi, tôi vào trong rạp trống trơn, các cửa đều mở, người ta rửa rạp vào buổi sáng nên không khí ẩm thấp, tôi đi giữa những chiếc ghế mặt bị lật nghiêng, màn ảnh trống trắng mờ trong khung đen, người lao công đã đi khỏi, tôi ngồi xuống một cái ghế gác chân lên, tôi thiếp đi, chợt tôi thức dậy vì tiếng gọi vang lên: "Cậu Ngạc, cậu Ngạc", tôi nằm im, tiếng gọi của người lao công, tiếng bước chân cùng tiếng cửa mở, chừng như ông ta không thấy tôi và đang đi tìm, ông đang lên gác, tiếng cửa, "cậu Ngạc ơi, cái cậu này biến đâu rồi vậy", đèn bỗng bật sáng trưng, tôi quay lại và thấy ông ta đang đứng trên gác, hai tay tì vào lan can nhìn xuống, "trời ơi cậu ngủ rồi sao, xuống tôi ăn miếng cơm cho vui, nhà tôi nó chờ cậu, tôi có mua được ít thịt bò thui, xuống uống hớp rượu, cậu chê bọn tôi nghèo à". "Không, tôi xuống đây". Tôi đứng lên, đèn tắt, tôi phải đứng im một lúc chờ cho mắt bình thường, chỗ ở của người lao công là một phần của nhà hầm phía dưới sân khấu, căn phòng thấp hẹp, hai vợ chồng và đứa con sống trên một cái giường, nấu cơm bằng bếp cồn ngay trong nhà, tôi ngồi lên góc giường, mâm cơm có một đĩa lòng heo, đĩa thịt bò thui mà tôi chắc bà ta vừa đi mua ở tiệm ngay ngoài gậm cầu, ông ta ép tôi uống một ly rượu trắng nhỏ, sau bữa ăn tôi thấy chếnh choáng, ông ta mang cho tôi một chiếc chiếu giải xuống ngay gần màn ảnh, tôi gối đầu trên đống giấy chương trình và ngủ.
14.
Mùa nắng bắt đầu mang những cơn váng vất trở lại cơ thể, mồ hôi ứa ra từ những lỗ chân lông, chị Huệ co người lại như một con sâu đo bị thương, không, không. Ngạc ơi, tiếng kêu yếu ớt trong đêm khuya, tôi kéo chị lại gần, chúng tôi như loài rắn thoát khỏi lớp da đã bao bọc trong nhiều năm, nước mắt chị ứa ra chảy dòng, đôi mắt sáng lên long lanh, chị cố gắng nghiến chặt hai hàm răng, những thớ thịt căng lên ở xương hàm, tôi ham hố dữ dằn rồi lả xuống, cả hai đứa đều đã thua không chống đỡ lại được nữa, tôi rà môi trên khuôn mặt u tối nuốt cho hết những giọt nước mắt mặn và chua. Thế là hết. Chị Huệ khóc vùi. Tôi lặng câm cố giữ chị trong tay, vuốt ve trên sống lưng, chúng ta sẽ cưới nhau, tôi vỗ về trong bất lực, Ngạc yêu Huệ không, Ngạc của Huệ, mãi mãi, chị, không, Huệ, không, mày là một thằng khốn nạn, một thằng đểu cáng, một thằng… Đêm khuya sâu kín, tôi kéo chiếc chăn đơn lên phủ hết ngực Huệ và tôi tụt xuống để đầu nằm im trong ngực Huệ nghe tiếng tim đập và hơi thở rộn ràng, Huệ vuốt tay trên đầu tôi như vuốt ve một con mèo trong lòng vào những đêm lạnh giữa mùa đông, tôi đã giết đi thêm một người nữa, tôi giết đi một người chị, phải rồi, tôi sẽ nói thế nào đây khi Vịnh trở về nhìn tôi là anh của nó, tôi sẽ nói thế nào với người mẹ bạn, tôi tồi tệ phải không Huệ, tôi muốn la lên nhưng cổ tôi khô cháy, thôi hết, hết rồi phải không Hiền, hết rồi phải không tuổi thanh xuân trong đời này hỡi Ngạc, thằng nhỏ khốn khó. Tiếng ho của người mẹ già đánh thức giấc ngủ bồng bềnh trôi nổi của chúng tôi, bàn tay không còn lần trên tóc, trên sống lưng, hơi thở như ngưng lại, Huệt thoát ra nhẹ nhàng cầm lấy quần áo, không nghe tiếng bước chân, đêm tối vây phủ, cảm giác rời ra dâng lên rút đi liên tiếp như sóng dồi, tôi nằm ngay, những đốt xương chừng như đã tách khỏi nhau, trong cảm tưởng tỉnh táo tôi nghĩ cái chết đang bò đến như không khí đang len vào trong một gian phòng mới bị đốt nóng, tôi thiếp đi trong đêm.
Khi thức dậy buổi sáng đã bắt đầu từ lâu, các cửa đều đóng kín, ánh nắng theo khe ván gỗ len vào, tôi nằm im nghe ngóng, tôi chợt nhận thấy một sợi tóc dày nằm trên mặt gối trắng, tôi cầm lên tay xoe cho nó quay tít, tôi cầm hai đầu sợi tóc căng ngang qua miệng. Giờ này Huệ đang ngồi bên những chồng vải đủ màu, đã hết thời con gái thật sự trong người chị cũ, tôi nhớ khuôn mặt như khô lại chịu đựng đau đớn, hai hàm răng nghiến lấy nhau, trên làn da khô chừng như mạch máu chạy nhiều hơn và làm sống lại những thớ thịt nằm im đã lâu, tôi loãng đi trong đó và khô nóng trên cổ. Chừng như mùi da thịt còn phảng phất trong màn, trên chăn chiếu và gối, tôi đánh mất một người chị. Bây giờ tôi phải làm sao, chợt tôi thấy lúng túng trong cách gọi, đêm qua tôi nhớ, chị Huệ không dám chưng là chị, không kêu tôi em, chị kêu Ngạc nhỏ, tôi cũng không dám gọi chị nữa, bây giờ tôi phải gọi sao đây. Chị hơn tôi hai tuổi, điều đó không có gì lạ nếu trước đó chúng tôi không là chị em, dù chỉ là chị bạn, tôi áy náy trong lòng. Nếu bà mẹ biết câu chuyện đã xảy ra thế nào. Có nên trở lại đây hay trở về nhà chú tôi. Không, không còn con đường trở về nữa. Tôi vê cho sợi tóc lăn trên mặt tạo thành cảm giác nhột nhạt trên da. Tôi đã đánh mất thêm một người bao bọc. Tôi có thể cười chị Huệ không. Tại sao không. Tôi cật vấn tôi và tôi tìm cách bào chữa. Có điều tôi yêu chị Huệ không? Tôi nhớ những kỷ niệm với Hiền, tôi thấy tôi thảm hại quá lắm. Tôi cũng yêu chị Huệ nhưng là tình yêu của một người bao bọc mình. Chợt mối lo âu lạnh nhạt len đến. Tôi phải làm gì. Nếu tôi giết Lâm, tôi có dám lấy Hiền với đứa con của một tình địch trong bụng? Căn nhà không ánh sáng, tiếng Hiền yếu đuối van vỉ nét mặt kinh hoàng, nước da vàng vọt, thôi còn gì nữa. Nếu bây giờ Thịnh trở về nhìn thấy chúng tôi mỗi đứa một cuộc sống không lựa chọn, không dự định, nhìn chúng tôi thảm hại trong bó buộc chấp nhận Thịnh sẽ buồn cho chúng tôi? Thế là từ đó, tất cả chúng tôi khởi đầu một phiêu lưu trên con đường không mặt mũi, với những náo động không nguôi và chúng tôi không còn là mình, chúng tôi bị thanh toán, bị nghiến đi trong một guồng máy, tiếng nổ chát chúa vang vọng thay tiếng cười, tiếng than van thay tiếng hát và cuộc sống không còn là một giấc mộng có hoa nở chim hót. Anh có yêu em không. Ngạc yêu Huệ, Ngạc yêu Huệ…
Buổi chiều khi chị Huệ gánh hàng trở về nhìn thấy tôi, chị lúng túng, mặt đỏ, chị cố tìm cách không đối diện với tôi, tôi không biết phải nói thế nào, chị lúi húi như hổ thẹn. Tôi ăn vội cơm rồi đi làm, tôi cũng thấy khó chịu, nhột nhạt, một sự không yên tâm. Tôi muốn lẩn trốn cũng không được, tôi phải đối diện với sự thực.
Những ngày khó chịu qua đi dần, nhiều đêm chị Huệ lại bò vào giường tôi, hoặc tôi tìm chị, chúng tôi thầm lặng vuốt ve nhau, hai kẻ tội lỗi đều biết rằng hình phạt đang chờ đợi, nhưng thói quen cùng nỗi cô đơn khiến chúng tôi không dừng lại được nữa, chúng tôi miệt mài trong những giây phút say mê như kẻ ghiền ma túy để sau đó lả người buồn chán.
Tôi lười biếng trong trí óc, mỗi sáng tôi thức dậy muộn, tôi quanh quẩn cho hết ngày, ăn cơm, ngủ trưa, buổi chiều ăn cơm rồi đến rạp ngồi vào ghế với những tấm vé, những đồng tiền, tay tôi như một cái máy, đầu óc rỗng không, tôi ngó ngàng mọi người ra vào, đến đi không nhớ gì, tôi gặp ông tôi một lần khi ông từ trên xe xích lô bước xuống, tôi nhìn đôi mắt ông mở lớn không nói và bước đi, chú tôi bận rộn công việc không gặp, tôi không trở về nhà một lần. Tôi thấy chị Huệ nhắc gì đến chuyện chúng tôi sẽ cưới nhau, tôi cũng không nói đến, tôi nghĩ có phải chúng tôi sợ phải đứng trước một quyết định liên quan đến người khác, như con đà điểu trước nguy khốn chỉ biết chúi đầu vào cát chờ đợi không vùng vẫy, kháng cự.
Nhiều lúc tôi chợt nhớ đến Trương, Vịnh, chúng nó về nhìn tôi thảm hại chúng nó không ngờ. Tôi không còn muốn nghĩ đến những gì cao xa nữa. Có phải tôi đã đánh mất tất cả. Tôi tồi tệ chịu thua, phải không.
Tôi không còn ai đối diện, cùng tôi tìm kiếm một câu trả lời nào, tôi không còn đọc nhật báo mỗi ngày, không muốn biết tin tức chiến sự đang diễn ra trên đất nước, tôi chỉ trông vào cuộc sống tất tưởi vội vàng chung quanh, những kẻ đi ngang trong phố ngơ ngác, những người trên đường phố mỗi lúc một đông khiến tôi cảm thấy rằng vòng vây đang thít chặt lại, những đe dọa nhiều hơn và người dân quê tìm cách đến vùng có an ninh, họ sống trong kham khổ và chờ đợi, có lẽ họ cũng không hiểu họ chờ đợi đến bao giờ. Những bấp bênh đó khiến cho việc buôn bán của chị Huệ khá ra, cũng như ông Đặng vui mừng thấy công việc làm ăn dễ dàng, ông Đặng nói với tôi công việc xây cất một rạp chiếu bóng mới mãi dưới chợ Hôm, ông nói: Người ta phải vui chơi cho quên, nếu bây giờ được phép mở sòng bạc như trong Sài Gòn thì mấy lúc mà giàu to, khi loạn người ta sống vội cho qua nên dễ làm ăn, những gì thuộc về ăn chơi sẽ được thịnh hành. Tôi nghe ông nói và thấy hợp lý. Quán ăn mỗi lúc một nhiều mà người vẫn đông, những nhà nhảy đầm, nhà thổ quét vôi màu đỏ xuất hiện nhiều trong thành phố, và những toán lính Tây sau rượu mỗi đêm cũng tăng. Chỉ tiền và tiền, mọi người quay cuồng theo nó không biết gì khác nữa. Rồi ai cũng chết, tôi nhủ thầm.
Chiều thứ Bảy tôi phải đi làm từ hai giờ, tôi không được ngủ trưa nên người như khô ráo và váng vất. Rạp đông kẹt không còn chỗ, tôi không thể bán thêm vé dù người đứng đợi đông kịt. Tôi ngồi chờ cho hết xuất, chợt tôi nhận ra Vịnh từ trên thang gác đi xuống, tôi sửng sốt nhìn kỹ xem tôi có lầm không. Đúng là Vịnh và một người khác nữa đang xuống thang vội vã, hắn về bao giờ, sao lúc này tôi không thấy hắn, tôi kêu:
"Vịnh, Vịnh!"
Hắn ngơ ngác nhìn quanh nhưng không dừng lại:
"Vịnh, Vịnh!"
Hắn xuống khỏi thang và vội vàng chạy lẩn vào đám đông, tôi bỏ phòng vé, mở cửa chạy ra, tôi trông theo hút và túm được lưng áo:
"Vịnh, mày về bao giờ?"
Hắn quay lại, mắt mở lớn ngơ ngác, hắn như cố muốn gỡ khỏi tay tôi, người thanh niên lạ đi bên hắn chừng như muốn kéo hắn chạy khỏi:
"Mày không đi sao? Sao mày không về nhà?"
Chợt một tiếng nổ vang động phía rạp, tôi quay lại nhiều những người đứng đó đang chạy túa ra, tôi ngó lại thì Vịnh và người lạ đã cùng nhau lẩn đi. Tôi không muốn đuổi nữa, tôi chạy trở lại, người ta đang từ trong rạp chạy ra như kiến vỡ tổ, tiếng kêu khóc vang dậy, lựu đạn nổ trong rạp, người ta kêu lên hốt hoảng; tôi cố gắng lắm mới len được trở vào, trong rạp khói mù mịt và hơi khét, người ta nhào lên nhau mà chạy, hai cửa mở toang, tôi cố gắng đóng cửa phòng vé lại, khoá mấy ngăn kéo tiền; lính và cảnh binh từ phía bót hàng Đậu đã chạy đến bao quanh, chiếc xe cứu thương rú còi chạy đến, người ta đã ra hết khỏi rạp; tôi trông thấy mấy người bị thương máu chảy trên mặt và trên tay, người lao công đến bên chỗ tôi mặt không còn chút máu, tôi bảo mấy người soát vé đâu, tôi gọi lớn nhưng chỉ thấy một người, tôi trở vào, người cảnh binh níu tôi lại hỏi đi đâu, tôi nói tôi là người coi rạp, tôi ngó thấy nơi giữa rạp bốn năm chiếc ghế bị phá hư, sáu bảy người nằm trong vũng máu, tôi nhìn thấy một người còn cựa quậy. Người cảnh binh nói bọn phá hoại dã man, giết thường dân. Tôi bảo người lao công về tìm ông Đặng báo tin, tôi ngồi coi người ta lập biên bản, chở những người bị nạn, tôi nhận ra một người bị banh ruột chết, một đứa trẻ con khoảng chín tuổi bị gãy chân, khi người ta bế nó chiếc chân gãy buông bêng như sắp rời ra. Có tất cả hai người chết ngay, tám người bị thương, trong đó có hai người đàn bà và hai thanh niên. Ông Đặng lên với dáng tất tưởi, mồ hôi vã trên trán, ông vào trong rạp xem xét rồi theo người cảnh binh lên quận, tôi và hai người soát vé cùng người lao công cũng phải theo lên, người cảnh binh gác cửa lúc xảy ra tiếng nổ không có ở rạp, ông ta đi uống nước. Chúng tôi được lấy khẩu cung rồi cho về, người cảnh binh nói có bắt giữ một người tình nghi ở đó. Tôi nhớ đến Vịnh và cuộc gặp gỡ bất ngờ.
Vụ nổ đã làm tôi kinh hoàng, trong bữa cơm tối tôi kể chuyện lại cho người mẹ và chị Huệ nghe nhưng tôi không nhắc đến chuyện gặp Vịnh từ trong rạp đi ra, dáng hấp tấp chạy trốn khi đứng trước mặt tôi, tôi nghĩ hắn có liên can đến vụ nổ vào buổi chiều. Có thực Vịnh đủ tàn nhẫn để làm công việc đó, tại sao lại làm công việc đó, trong đám đông ấy có kẻ thù của Vịnh, kẻ thù của Vịnh là đàn bà trẻ con, những người không quen biết gặp gỡ bao giờ? Tôi nói:
"Chắc phải nghỉ việc lâu và không biết có khỏi gặp rắc rối gì không?"
"Sao vậy?"
"Vì nổ trong rạp, mình là người có mặt ở đấy".
"Chị thấy người ta vẫn khám xét những người đi coi mà, ở rạp đó không có cảnh sát sao?"
"Có, nhưng làm sao để kiểm soát cho hết với những kẻ cố tình, họ thiếu gì cách".
Sau bữa cơm tôi đi uống cà phê, những lo âu như tia chớp loé lên trong bầu trời, tôi hút nhiều thuốc khiến cho lưỡi như khô đi, tôi nhớ tới Ánh, tôi nghĩ biết đâu cô ấy vẫn còn đi làm, tôi bỏ quán rồi xuống rạp Cửa Nam, tôi nhận thấy Ánh ngồi phía trong chỗ bán vé, tôi đến bên, đưa tay vào với một đồng bạc, Ánh đưa tay lấy tiền chợt nhận ra có một đồng thì nhíu mày nhìn lên và nhận ra tôi, nàng cười và nói:
"Anh còn sống sao, tôi mới nghe tin vụ nổ đây, anh kể tôi nghe nào".
"Người chết, thế đó".
"Ai chẳng biết những chuyện đó".
"Thế còn chuyện gì khác hơn nữa".
"Lúc đó anh đang ở đâu?"
"Ngồi như cô vậy, hỏi như công an hỏi cung thế".
Ánh cười, đứng lên đi ra mở cửa:
"Anh vào đây đã, biết đâu anh còn trở lại, nghe nói tôi cũng lo cho anh, biết sao được, tai nạn có chừa ai đâu, tôi sợ hôm nào tôi nằm trong đống gạch vụn chẳng hạn".
Tôi ngần ngại, Ánh giục anh vào đi, tôi nói sợ phiền lòng ông chủ, Ánh nheo con mắt tình tứ, thôi đi anh can chi mà, thế thì vào, cô bảo đảm đấy nhé.
Vào trong, tôi ngồi nơi chiếc ghế thấp hơn nhìn Ánh, tôi kể lại những gì tôi nhìn thấy cho Ánh nghe, tôi hỏi Ánh công việc làm ăn ra sao, Ánh nói đang tìm việc khác cho chắc chắn hơn, có người nói đưa vào làm trong nhà binh Pháp, tôi nói cô định lấy Tây, Ánh véo vào vai tôi, để đẻ ra mấy thằng mũi lõ à; tôi nói cô phải lấy chồng, Ánh im lặng, tôi thấy tôi người lớn hơn Ánh, tôi áng chừng Ánh cũng vào cỡ tuổi Hiền, tôi nói con gái mà phải đi làm cực quá, con gái sinh ra để ở nhà, làm con gái, là vợ, làm mẹ, làm bà. Thôi anh ơi, bây giờ không làm thì chết đói, đâu có như ngày xưa nữa, gia đình em đông lắm, ở một chỗ còn không hết. Khi Ánh đếm tiền, đếm vé, vào sổ, tôi cầm một tờ báo tiểu thuyết đọc vơ vẩn những mẫu vui cười, tranh hí họa và những câu danh ngôn, Ánh kêu hôm nay nhiều người làm chóng cả mặt. Tôi nói không ngờ tôi được nghỉ một cách bất ngờ, rạp sửa chữa xong cũng mất hàng tuần. Ánh kêu thích nhỉ. Lúc ra khỏi rạp tôi rủ Ánh đi bờ hồ ăn kem, Ánh nói anh giàu rồi sao, tôi nói đi làm cũng có tiền tiêu. Phố vắng, đường hàng Bông đã không còn xe điện, nhiều tiệm đã đóng cửa, chúng tôi xuống ngồi ở quán Mụ Béo trông sang nhà thuốc Vũ Đỗ Thìn sáng đèn, mặt hồ từng khoảng sáng từ bờ ánh ra, trong khu đền Ngọc Sơn mấy ngọn đèn trong những lùm cây, cây cầu màu đỏ sẫm mơ hồ, Ánh nói:
"Mình sung sướng quá anh nhỉ?"
"Đã chắc gì, Ánh thấy sung sướng thật sao?"
"Trong lúc này có bao nhiêu người phải làm việc, những người chui nhủi đánh nhau… mình ngồi đây ăn kem, hóng mát, nói chuyện, anh còn đòi gì nữa. Ít nhất mình cũng có việc làm. Anh chưa đến tuổi động viên sao?"
"Cũng sắp".
Tôi lại chợt nhớ đến Vịnh.
"Ở quê em đánh nhau tơi bời, nhà em lại mới có người lên, bọn Tây khiếp quá, bọn nó đốt trụi cả làng, bọn Ba-ti-giăng nó vơ vét cướp bóc không tha cái gì từ quần áo đàn bà trở đi, bà già cũng bị hiếp".
Tôi đút từng miếng kem nhỏ vào miệng nghe tiếng Ánh nói, tôi muốn bảo đừng nói những chuyện đó. Ánh kể nhiều chuyện ở quê rồi kể chuyện gia đình. Khuya Ánh phải về, tôi đứng dậy rồi đưa nàng tới nhà, trong một quãng đường ngắn vắng có lúc tôi nghe thấy Ánh hát.
Về nhà đứng trước cửa tôi thấy đèn vẫn còn sáng, sao hôm nay bà mẹ chưa ngủ, tôi đẩy cửa nhưng cửa đóng, tôi gõ nhẹ, tiếng bước chân đi ra, cửa mở, Vịnh đứng trước mặt tôi, hai đứa im lặng lúc lâu, Vịnh lánh sang một bên cho tôi vào rồi Vịnh đóng cửa lại, bà mẹ và chị Huệ đều đã đi nằm, Vịnh nói:
"Mình không ngờ cậu về ở đây… cũng được".
"Cậu về ở luôn hay cậu lại đi, nếu cậu về tôi sẽ dọn đi".
"Không, sáng mai tôi đi rồi, cậu nên ở đây".
Tôi thấy chúng tôi có một khoảng cách lớn, những lạnh nhạt mà xưa kia chúng tôi không có dù mỗi đứa có những lý lẽ riêng để lựa chọn, Vịnh nói:
"Trương thế nào?"
"Hắn đã đi khỏi không biết đi đâu, hắn nói đi ngoại quốc nhưng tôi không tin, thằng Thu vào lính nhảy dù khiến nó buồn".
"Cái thằng đàn bà, nó sợ rồi giết em nó sao. Tôi ngủ với cậu đến sáng mai. Lần này chắc đi tôi không còn trở về nữa cho đến khi…"
Vịnh nằm vào phía trong giường, tôi thay quần áo, rửa chân tay, lúc ngồi vào bàn tôi thấy mấy tờ báo và truyền đơn ở ngoài, tôi cầm đọc lơ đãng, tôi nói:
"Cậu đã biết những gì xảy ra sau đó không, hai người chết ngay, tám người bị thương không rõ số mạng, cậu có thể làm việc như vậy sao? Và để làm gì?"
"Cậu tưởng trong thành phố này là chỗ an toàn sao, mỗi ngày vô số người chết tan xác, ai làm những chuyện ấy, ai cho phép những người ở đây được sung sướng hưởng thụ cùng với quân thù. Thằng Cao ủy mới sắp sang nhậm chức phải cho chúng nó kinh hoàng, còn nhiều nữa, cậu nên biết thế, cậu nhân đạo thì cậu đi báo cho lính nó đến bắt tôi".
"Cậu thách thức tôi phải không, trước kia tôi đã từng nói với cậu, mỗi kẻ có những lựa chọn tự do, nhưng tôi chống lại những hành vi vô nhân đạo. Không có gì bó buộc mọi người phải lựa chọn làm kẻ thù của nhau. Đó là mục đích các cậu theo đuổi sao?"
"Không, cậu nhầm, đó là phương tiện".
"Chính cả cậu nữa. Cậu cũng là phương tiện".
"Tôi không nói với cậu nữa".
"Cậu sợ phải không, sao cậu không dám nhìn thẳng vào cậu".
"Tranh đấu không từ phương tiện, tôi chấp nhận nó, tôi có là phương tiện đi nữa tôi cũng làm phương tiện cho mục đích tốt. Sống như cậu đã có ích lợi gì cho ai?"
"Thà vậy, tôi không có ích cho ai, nhưng tôi không thể giết người như cậu".
Tôi tức giận, chừng như cổ tôi bị nghẹn lại, tôi không có ích gì cho ai, phải rồi. Tôi đứng dậy tắt đèn, buông màn, Vịnh nằm quay mặt vào trong tường. Hắn có thể ngủ im được sao, hắn đã hài lòng về công việc, hắn giết mấy mạng người để dọa một tên Cao ủy thôi sao. Trong mỗi cuộc được mệnh danh là tranh đấu có bao nhiêu người ngoài cuộc phải hy sinh như thế, nhưng ai chịu sự thiệt thòi cho những bà mẹ, những người bố, những người con mồ côi? Tôi thấy vô lý quá lắm. Tại sao tôi không tố cáo một kẻ đã giết người; có thực tôi là một thằng hèn?
Một lúc Vịnh trở mình nói:
"Những thằng như cậu rồi phải bị đào thải".
"Tôi chờ nó, tôi không bận tâm về điều đó, cậu cũng như tôi dù làm gì đi nữa rồi cũng chết. Cậu nên nhớ điều đó".
"Bọn hư vô".
Tôi nằm sấp nghe máu dồn lên mặt, nếu còn khẩu súng tôi bắn chết hắn. Tôi lả người mệt mề, tôi thiếp đi từng lúc rồi lại thức dậy tỉnh táo. Hắn vẫn nằm bên tôi xa lạ.
Buổi sáng khi tôi dậy Vịnh đã đi khỏi, tôi thấy xấp báo và truyền đơn vẫn để trên bàn, tôi cầm xuống bếp đốt trong hỏa lò. Chị Huệ đỏ mắt, tôi biết chị khóc vì thằng em, bà mẹ hỏi tôi:
"Cháu có khuyên Vịnh gì không?"
"Thưa bác cháu không đủ sức để giữ Vịnh. Cháu có nói với Vịnh nhưng Vịnh không nghe, Vịnh còn muốn cháu đi theo Vịnh".
"Cháu cũng định đi nữa?"
Tôi ngó vào đôi mắt lo âu của người mẹ, tôi muốn đấm vào mặt Vịnh, tại sao vậy?
"Thưa bác không".
Chị Huệ dọn cháo cho tôi ăn, chắc đêm qua chị không ngủ, chị đã dậy sớm nấu cháo cho Vịnh ăn trước khi đi, chị có nghe thấy những điều chúng tôi nói với nhau không. Tôi lo âu vơ vẩn. Khắp cả không còn một nơi nào yên ổn, muốn quên cũng không được. Tôi thấy chị Huệ quanh quẩn thu dọn, tôi hỏi:
"Chị không đi chợ sao?"
"Hôm nay chị thấy khó chịu không muốn đi".
Tôi ăn cháo xong ngồi trở lại bàn, làm gì cho hết ngày. Tôi nghĩ vơ vẩn không đâu vào đâu, sau tôi mặc quần áo lên trên rạp. Cửa khoá, có thêm một người cảnh binh nữa gác, mấy tấm quảng cáo nghiêng ngả; những người qua đường đứng ngó rồi đi, tôi định vào nhưng lại thôi.
Tôi lên nhà ông Đặng; ông ấy vừa đi khỏi, tôi nói chuyện với bà vợ, bà hỏi tôi không việc gì chứ, như vậy là phúc lắm không có người làm nào bị nạn, bà nói ông Đặng đi lo giấy tờ, mai bắt đầu sửa chữa chắc mất mấy ngày, bà lo âu:
"Sợ mở cửa mà không ai dám đi xem, đi xem chớp bóng mà chết thì ai còn ham. Người ta nói có lẽ họ ném lựu đạn từ trên gác xuống, may nó không nổ lưng chừng, không còn chết nhiều".
Tôi nói vâng rồi xin phép về, bà nói:
"Anh đợi nhà tôi xem có việc gì không".
"Để khoảng trưa cháu lại, cháu đi chơi một chút".
Ra khỏi nhà ông Đặng tôi không biết đi đâu, tôi vơ vẩn trong những đường phố quen biết:
"Anh Ngạc".
Tôi ngạc nhiên đứng lại, trước mặt tôi là Lâm, Lâm mặc chiếc sơ mi trắng, quần kaki, tóc chải cẩn thận, trông Lâm người lớn một cách đứng đắn, tôi lúng túng không biết nói sao, tôi đưa tay ra bắt, Lâm nói:
"Anh vẫn mạnh".
"Vâng, còn anh sao?"
"Tôi đã nghỉ việc ở bên Hải Dương".
"Thế à".
"Chắc anh giận tôi lắm, tôi vẫn muốn được gặp anh. Chắc anh cho tôi là một thằng khốn nạn. Tôi biết vậy. Tôi đã nghỉ việc, tôi không còn muốn làm công việc ấy nữa".
Tôi đứng nghe, tôi trông dáng tội nghiệp của Lâm, hắn có biết chuyện tôi định giết hắn không, hắn đã thôi việc, hắn nhắc hai lần rồi, có phải hắn muốn thanh minh với tôi. Tôi mỉm cười, tôi thấy tôi vẫn còn cầm tay hắn rất chặt, tôi muốn buông ra nhưng ngượng nghịu không biết làm cách nào, mãi sau Lâm mới buông tay, tôi lấy thuốc mời Lâm và châm một điếu, Lâm nói tiếp:
"Hôm trước tôi có nghe nhà tôi nói anh lên chơi".
"Vâng, nhưng không gặp anh".
"Bây giờ tôi ở nhà, hồi đó có khi cả tháng mới về, anh Nghĩa đổi đi Hà Đông rồi, tôi thấy phải ở nhà. Anh biết nhà tôi sinh cháu trai chưa nhỉ".
"Chưa".
"Anh định đi đâu vậy, anh lên tôi chơi".
Tôi lắng nghe tiếng Lâm nói, lên Hiền chơi, tôi đứng im suy nghĩ. Dáng Lâm chờ đợi.
"Tôi biết tôi làm việc quấy, bây giờ Hiền đã tha thứ cho tôi, tôi muốn anh… anh tha thứ cho tôi… tôi muốn… anh nghĩ lại… thấy anh lên chơi chắc chắn Hiền sẽ vui lắm".
Lâm nói liên hồi, Lâm làm tôi không biết tính sao, tôi nửa muốn từ chối, nửa muốn nhận lời. Đằng nào thì bây giờ cũng đã xong mọi chuyện, trước dáng điệu, tôi thấy Lâm tội nghiệp:
"Anh có bận gì không, chắc không bận gì lắm".
"Lâu lắm tôi không lên trên đó chơi, cũng không bận lắm, để tôi cùng lên với anh, anh đi đâu vậy".
"Tôi đi mua thuốc cho thằng nhỏ".
Chúng tôi đi ngang qua nhà máy đèn, Lâm gọi một chiếc xích lô, những con phố vẫn không có gì thay đổi, nắng đã lên rất cao. Lâm nói công việc trước đây, Lâm hỏi tôi về những người bạn cũ, tôi nói không còn ai nữa. Lâm kết luận về công việc đã làm với một dáng điệu như hối hận:
"Tôi không ngờ mình đã dám làm những việc đó".
Căn nhà khi xưa nay đã đổi khác, cửa tiệm tạp hoá đã dẹp bỏ; những bức tường cũ đã được quét vôi màu xanh sáng sủa, vừa bước chân vào nhà Lâm đã rối rít gọi Hiền, bà mẹ Hiền bế đứa cháu chạy ra vẻ sung sướng, Hiền ở dưới nhà bếp chừng như đang sửa soạn làm cơm, nàng đứng dưới cửa nhìn tôi ngạc nhiên, trông Hiền khoẻ mạnh, tóc búi cao, chiếc áo cánh gọn gàng:
"Trời lâu quá không thấy anh, hồi này anh làm gì?"
"Anh đi bán vé hát".
Bà cụ hỏi:
"Thật sao, trông cháu xanh và gầy lắm, này cháu trông thằng nhỏ có kháu không, con chó dậy đi, có bác lên chơi này".
Tôi đưa tay bế đứa nhỏ, Lâm loay hoay ở bên, đứa bé đang ngủ miệng ngậm chiếc vú cao su, tay lồng trong tất trắng, mới ngày nào nay đứa nhỏ đã ra đời, Hiền từ dưới lên ngượng nghịu bên tôi, Lâm nói:
"May sao anh vừa mua thuốc ra thì gặp anh ấy, nói mãi anh ấy mới lên đó, mình nên giữ anh ấy ở lại ăn cơm".
"Phải rồi, hôm nay anh ở đây đi".
Bà mẹ Hiền cũng xen vào:
"Bác vẫn nhắc tới cháu, ở lại đây ăn cơm cho vui. Nghĩa nó đổi đi xa nên nhà vắng, may có thằng nhỏ này nó quấy cho, cháu thấy nó thế nào?"
Tôi nựng thằng bé trong tay, nó nhỏ và như dài hơn bất cứ đứa nhỏ nào, tóc vàng và thưa, lông mày chưa có, sao trông mặt nó không vui, nước da nó xám như thiếu máu. Tôi nói:
"Trông nó ngoan lắm".
Lâm nói:
"Thôi cho nó làm con nuôi anh đấy".
"Không dám đâu, tôi lấy gì để nuôi nó. Bao giờ anh chị có mười đứa tôi sẽ xin một đứa".
"Thôi anh ơi, mười đứa để em còn bằng cái tăm sao. Anh xui dại chúng em quá".
Hiền cười, có phải căn nhà của những ngày tháng buồn thảm đã qua đi, tôi thấy như lạc vào một khí hậu mùa xuân, nhưng sự thay đổi khí hậu bất ngờ làm tôi khó chịu. Tôi trao đứa nhỏ cho Hiền, ngồi xuống bàn bưng chén nước chè nóng lên uống. Hiền ngồi nơi góc phản phía trước mặt, không còn Hiền những ngày cũ, bây giờ là một người vợ, một người mẹ, một bó buộc tầm thường phải chấp nhận. Có phải Lâm mang hạnh phúc đến cho Hiền? Có lúc tôi thấy vợ chồng Lâm cùng xuống dưới nhà, tôi nói chuyện với mẹ Hiền, bà nói với tôi về Thịnh, không có tin tức gì cả, bà nói có lẽ người ta đã nhầm Thịnh với một người khác, dễ gì để có thể từ Nam bộ trở ra được. Bà nói:
"Chắc Thịnh cũng chết rồi. Nhiều lần bác mơ thấy Thịnh, nó không nói gì cả. Những giấc mơ ấy giống với những giấc mơ sau khi thầy thằng Thịnh mất".
Lâm từ dưới lên nói với tôi ở lại ăn cơm, Lâm chạy ra ngoài một chút, tôi nghĩ Lâm đi mua thức ăn, tôi nói tôi ăn cơm thường đừng vẽ ra. Lâm nói vâng ăn cơm thường.
Có lúc Hiền bế đứa nhỏ lên ngồi ghế trước mặt, nàng im lặng kín đáo, có lúc nàng chạy lên chạy xuống thấp thoáng trông đứa nhỏ và canh chừng nấu ăn, những câu chuyện ngắt quãng không ăn khớp với nhau, có lúc nàng hỏi về việc làm ăn, nàng hỏi tôi về trường hợp cái mặt, tôi nói đã biết rồi còn hỏi gì nữa, nàng nói có nghe nhưng không rõ ra sao, tôi ngồi kể lại, tôi cũng nói tôi có tang bà thím, nàng nói mới ít thời gian mà nhiều chuyện quá, bao nhiêu là thay đổi, ai ngờ được như thế này, tôi mỉm cười, Hiền nói:
"Chỉ có anh là không có gì thay đổi, còn em thế là xong, không còn gì nữa, em thấy em quá già rồi".
Giọng Hiền xa vắng, nghe bình thản nhưng chua chát, tôi thì mỗi ngày một buồn hơn, tôi cũng thấy như tôi già nua. Tôi nghĩ tới hồi Thịnh đi.
Hiền nín lặng, nàng không nói nữa, tôi không hiểu tại sao, tôi cũng có gia đình rồi, có gì đâu, mọi chuyện đều có thể đến, tôi ngồi đó mà như tôi phiêu lãng đâu đâu, có lúc tôi nghe thấy đứa nhỏ khóc, tiếng khò khè như con mèo ốm.
Nguồn: Tuổi nước độc. Truyện dài của Dương Nghiễm Mậu, mẫu bìa của Văn Thanh, do tập san Văn xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn, xong ngày 28-01-1966. Ngoài ấn bản thường, có in riêng 50 cuốn đặc biệt trên giấy trắng mịn dành cho tác giả và nhà xuất bản. Giấy phép xuất bản số 4809/LCBC3/XB, Sài Gòn ngày 15-11-1965. Giá 20đ. Bản điện tử do talawas thực hiện dưới sự cho phép của tác giả.
|
|
|
|
|
No comments:
Post a Comment