Wednesday, September 9, 2015

VIÊN LINH * TÌNH NƯỚC MẶN

Viên Linh
Tình nước mặn
1.

1.

Vào tháng tư, mưa bắt đầu đổ xuống Bắc Phố.

Ở Bắc Phố, mưa thường đến sớm hơn các nơi khác trong vùng. Thẩm tới thành phố biển này trong một ngày mưa tầm tã.

Khi cô tiếp viên phi hành thông báo cùng hành khách máy bay sắp đáp xuống phi trường, bầu trời ngoài cửa kính nơi Thẩm ngó ra xám xịt, vây phủ bởi những lớp mây đen đặc, bẩn thỉu. Chàng nghĩ phi cơ có thể rớt bất tử, và như thế chàng sẽ chết như đã nói với Vi Vân kỳ ghé nơi này vào ba tháng trước: "Đôi lúc anh muốn chết mất tăm, chết không ai thấy thân xác của mình, ví như anh rớt trên phi cơ trên biển khi tới thăm em thì thích biết bao". Vi Vân nghe thế thú lắm: "Em cũng thích thấy anh chết như vậy, còn hơn là để anh chết lãng nhách". Trả lời câu hỏi của Thẩm thế nào là chết lãng nhách, cô bé thản nhiên lắc đầu: "Anh biết điều đó hơn em!" Chết lãng nhách là sống lãng nhách".

Thẩm không tin mình sống dở như thế, song công nhận trong mấy năm sau này, đời chàng thật nhạt nhẽo. Vi Vân hỏi có phải vì thế chàng mới nghĩ tới chuyện ghé Bắc Phố thăm nàng không thì Thẩm lắc đầu. Kỳ trước, chàng tới thành phố biển chỉ mấy giờ sau khi quyết định. Bấy giờ, Thẩm cư ngụ trong nhà của một người bạn ở đường Đồng Khởi, và đánh xì phé suốt đêm trước. Tới tám giờ sáng chàng thua trên ba trăm ngàn, còn vỏn vẹn sáu ngàn trong láng. Thẩm thấy đã quá mệt mỏi, vả không còn hy vọng gỡ gạc vào giờ đó nữa, nên chờ có đôi là đánh xả láng. Chàng tuyên bố với làng, là đôi gì chàng cũng đánh xả láng. Cả ba đều khuyến khích vì đều muốn đứng dậy. Thẩm líp đôi cẩu, tới lượt đi tiền liền thực hiện lời tuyên bố: "Đôi cẩu đấy, đánh hết trăm ngàn". Cả ba nhà kia đều chấp nhận và điều đình rút tít luôn với nhau. Thẩm xoa tay nói: "Tụi mày sẽ bắt nhằng của nhau hết, để tao ăn ván này. Đớp ván này tao sẽ đi Bắc Phố thăm người yêu".

"Tiên sư đứa nào không đi". Thẩm sợ thua nói:

"O.K. Cứ cho tao đớp đi, tao đi liền sau đây như mày thấy". Hình ảnh Vi Vân hiện ra với bãi cát giữa trưa nắng vàng kỳ Thẩm ghé Bắc Phố lần thứ nhất. Hồi ấy Vi Vân mới mười ba tuổi rưỡi, vú mới nhỉnh trên vai ghế một gang tay. Thẩm không biết tí gì về gia đình cô bé. Chàng tới nơi này thăm một người bạn dạy tại trường tiểu học tỉnh, anh ta dẫn chàng tới thăm nhà Vi Vân. Mẹ Vi Vân là đồng nghiệp của anh ta.

Hồi ấy Thẩm không để ý tới ai hết, dĩ nhiên Vi Vân càng chưa đáng để ý tới, vì còn nhỏ quá. Nhưng hai năm sau Vi Vân viết thư cho chàng kể lại hôm chàng tới nhà. Thẩm mê ngay người viết thư. Giọng điệu thông minh kỳ lạ và khác thường. Thẩm trả lời lá thư…

Thẩm rút cây bài chót, hé nhìn lỗ soi giữa. Chàng la khẽ: "Đặc bung". Cả làng ngẩn mặt. Một tên nói: "Xì đấy, sức mấy có cẩu". Nhưng Thẩm tin là cẩu, vì trong bọn chúng phải có một tên tẩy xì, mà xì đã lên hai cây rồi. Chàng nặn bài tiếp, rồi quăng cây bài xuống thảm: "Chào chúng mày, tao đi Bắc Phố thăm em". Ván đó ba cẩu, Thẩm vơ về hai mươi tư ngàn.

Thẩm đếm lại tiền bỏ túi, xuống văn phòng khách sạn điện thoại ra Hàng không Việt Nam nhờ một người bạn ở đó dành chỗ đi Bắc Phố vào chuyến sớm nhất. Hai giờ trưa chàng trên đường tới thành phố biển.

Lần này Thẩm cũng tới Bắc Phố mà không báo trước cho Vi Vân. Khi máy bay đáp xuống phi trường đồng hồ đã chỉ bốn rưỡi. Vi Vân tan sở lúc bốn giờ.

Vào tới thành phố, Thẩm thuê một phòng khách sạn gần bờ biển. Sau khi tắm rửa, chàng nằm dài trên giường, chưa biết tìm cách nào để liên lạc với Vi Vân. Thẩm nhớ mang máng trong một lá thư viết cho chàng cách đây ba bốn tháng, Vi Vân khoe ngôi nhà nàng là ngôi nhà đẹp nhất ở đường Tân Viên. Ngôi nhà sơn đỏ, mọi cửa sổ cửa lớn đều mở ra vườn cây, mỗi sáng tinh mơ hay mỗi đêm khuya đều phảng phất hương thơm hoa cỏ.

Trong sân còn một chuồng chim cu gần một trăm con "Hôm nào anh về em sẽ làm món chim quay đặc biệt cho anh ăn" – Nói vậy nhưng nàng chỉ muốn bầy chim mỗi ngày một đông, bay rợp khu phố nàng ở.

Thẩm nhỏm dậy lấy quần áo mới ra mặc. Sau đó chàng xuống phố kiếm một chiếc xe. Phải đi bộ một quãng xa Thẩm mới gọi được một chiếc xích lô, đang đậu nơi ngã ba ngoài bờ biển.

Đường Tân Viên.

Chiếc xe bắt đầu chạy vào bóng tối trên quãng đường lồi lõm nhan nhản đá nổi. Tự dưng Thẩm nôn nao. Chàng không hiểu giờ này Vi Vân đang làm gì, biết đâu nàng lại không đang đi chơi với gã phi công nào. "Hôm qua – nàng viết thư kể – một chàng phi công hỏi em có đi chơi một vòng Đà Lạt, Pleiku không. Em chê. Em bảo có về Sài Gòn thì em về. Về cho anh mi một cái rồi em lại đi".

Vi Vân thường về Sài Gòn mỗi tuần, nàng đi máy bay quân sự như đi taxi. Trước cửa nhà nàng luôn luôn có xe Jeep lui tới. Nhưng không mấy khi nàng trèo lên những chiếc xe đó nếu họ không đưa nàng ra phi trường hay không đưa nàng từ phi trường về thành phố. "Anh biết không, có một chú phi công mới ngỏ ý muốn cưới em. Em muốn hỏi ý kiến anh".

Vi Vân nói trong điện thoại liên tỉnh nghe không rõ lắm.

Thẩm nhớ chuyện này mới xảy ra cách đây ít tuần. Chàng nói: "Bỏ hắn đi".

Cuộc đối thoại cho đến giờ Thẩm vẫn không rõ là đùa hay thật:

"Thiệt không?"

"Thiệt chứ sao không".

"Tại sao vậy anh?"

Thẩm cười để suy nghĩ:

"Tại em không thích hắn. Nếu em thích em đã không gọi hắn bằng chú".

Vi Vân ứ hư suy tưởng cổ:

"Anh khôn thấy bà. Em không muốn anh nói thế. Em muốn chính anh nói cơ. Về phần anh, anh nghĩ sao?"

Thẩm lại suy nghĩ. Đã ba mươi hai tuổi, chàng không thể làm những việc vô trách nhiệm. Chàng vẫn thường nghĩ không hiểu mình có thể sống với cô bé được không. Giữa hai người chàng thường gọi Vi Vân là bé con. Chàng không hiểu chàng có thể lấy con bé được không. Vì chàng đã có vợ dù rằng có đôi lần chàng muốn bỏ vợ.

"Sao anh"Nói gì đi chứ!"

"Em muốn anh nói gì?"

"Nói bất cứ điều gì".

"Em đừng lấy hắn".

"Nhất định chưa?"

"Nhất định".

Nàng cười và cúp máy. Cứ thế mỗi ngày Thẩm thấy mình có thêm một chút trách nhiệm. Mỗi tuần chàng còn nhận được ít nhất một lá thư của Vi Vân, mà Thẩm gọi là những đám mây u sầu nhỏ, gieo xuống lòng chàng những cơn mưa buồn bã. Những cơn mưa của một mối tình xa cách.

Chiếc xích lô quẹo qua quẹo lại. Thẩm ngồi trên nệm xe mà cũng thấy mệt. Chàng lại sợ biết đâu hôm nay cuối tuần, Vi Vân bổ vào Sài Gòn.

"Đường Tân Viên đây cậu".

Thẩm xuống xe, trả tiền, khởi sự quan sát nhà cửa hai bên đường, tìm ngôi nhà sơn đỏ nhiều cửa sổ như Vi Vân đã tả trong thư.

Đây là lần đầu tiên chàng đặt chân lên con đường này, nhưng trong mấy năm qua, nhất là trong mấy tháng gần đây, chàng vẫn được nghe cô bé nói đến. Vi Vân tả con đường đầy bụi bặm, rộng thênh thang, dọc hai bên lề là những bụi cây thấp, những khoảng sân trống, những ngôi nhà thấp. Ban đêm, đi về thắc thỏm vì những bóng người hiện ra lù lù, bị bao phủ trong bóng tối, thường khi gần như sắp chạm vào nhau mới nhìn thấy. Mới đi khoảng chục thước, Thẩm đã suýt chạm một người lính đi ngược chiều với chàng. Anh ta đột ngột xuất hiện, rồi lẹ làng băng qua, lẩn vào bóng đêm. Lúc chàng ngoảnh lui đã không còn nhìn thấy gì nữa.

Thẩm thấy rất nhiều ngôi nhà có thể là nhà Vi Vân. Cũng những ngôi nhà nằm ngang, cả ba gian nhìn thẳng ra đường, cũng sau một khoảng sân rộng, sau một bờ rào cây. Và có tới ba căn nhà có chuồng chim cu. Cuối cùng đi hết đường Tân Viên, chàng vẫn chưa chắc đâu là nhà Vi Vân. Chàng lại không thể nào hỏi tận nơi. Không ai có thể chấp nhận sự liên lạc giữa chàng và cô bé.

Lần trước, hai người đi với nhau từ bờ biển vào khách sạn. Dọc đường, Thẩm bắt gặp những cái nhìn tò mò, nghi hoặc. Chàng cười thầm.

"Anh cười gì vậy". Vi Vân hỏi.

"Anh thích".

"Thích gì?"

"Đi chơi với em ngoài phố. Người ta không hiểu anh với em là thế nào".

Vi Vân chùn vai:

"Nếu anh nghiêm nghị một chút, người ta sẽ tưởng lầm. Anh kém ông bố em có bảy tuổi. Anh bằng tuổi má em".

"Vậy cứ để người ta tưởng lầm".

"Cái mặt anh mà ai tưởng lầm được. Lớn đầu rồi mà nhiều lúc như con nít".

Thẩm đùa thêm:

"Chơi với con nít, người ta cũng phải con nít".

Vi Vân lắc tay chàng:

"Ê, em không có chịu đâu. Nếu khoái bạn con nít em đâu có thèm chơi với anh. Thiếu gì bọn nó xin chơi với em, em chê. Em thích chơi với người lớn".

Thẩm buồn. Chàng đang cảm thấy mình già, dù chàng mới vừa qua ba mươi tuổi. Giữa giờ làm việc, nhiều lúc Thẩm thấy mệt mỏi buồn chán. Chàng bỏ ngay công việc, bỏ luôn cả chiếc xe hàng ngày vẫn dùng để di chuyển, dùng một cách khác, tới một chỗ khác, với ý tưởng đổi thay được chút nào hơn chút đó nếp sống hiện tại. Cách khác của Thẩm không có gì ghê gớm cả.

Bỏ xe mình, chàng đi nhờ xe một người bạn, đi bộ hay gọi một chiếc taxi. Chỗ khác của chàng cũng không ở đâu xa, vẫn là một nơi nào đó trong thành phố, nhưng là một xó khuất chàng ít tới, hay chưa hề tới. Một ngõ ngách san sát nhà cửa trong khu Chợ Cũ, nơi những người Trung Hoa làm việc trong nhà, sinh hoạt chăm chỉ. Một con đường vô danh ở Chợ Lớn, với một bộ mặt nhộn nhịp, vụn nát, xám ngoét. Hay một quán cóc nào đó ở một góc đường nào đó. Chàng muốn được sống khác như bây giờ.

Vì thế hôm đó nghe Vi Vân, chàng hơi buồn. Dù sao, chàng nghĩ lại, Vi Vân kém chàng tới mười lăm tuổi, và chàng lại mới vừa qua tuổi ba mươi, chàng bằng tuổi mẹ Vi Vân.

Bà sinh cô bé năm mười bảy tuổi rưỡi.

Một chiếc xe hơi vừa quẹo vào đường Tân Viên pha đèn rực sáng. Thẩm nhìn bóng mình phóng lớn, chạy dài trên đường phố vắng. Chàng đứng dạt vào lề, chờ cho chiếc xe qua. Trong lòng chàng buồn chán và khi chiếc xe qua hẳn, trong bóng tối vừa trùm xuống trở lại, chàng ra đường lớn, kêu xe trở ra trung tâm thành phố.

Lòng Thẩm hoang mang cùng với tiếng gió vừa ào ào bay lọt con đường.

Tới phố chính, Thẩm xuống xe. Ban đêm ở đây đường như chỉ khu phố này còn sinh hoạt. Cửa hàng còn mở, bộ hành theo nhau trên lề đường, xe cộ vùn vụt ở giữa.

Thẩm hy vọng sẽ tình cờ bắt gặp Vi Vân. Trước mắt chàng, những chiếc Honda vùn vụt chạy qua, chàng dõi theo bóng các thiếu nữ đến mỏi mắt. Chàng đi dọc con phố cho tới lúc ra tới bờ biển. Lúc ấy đã khoảng mười giờ khuya.

Biển trước mặt Thẩm, biển đen ngòm. Thẩm lại hút thuốc. Cuối cùng chàng bước vào ngôi quán trên bãi cát, thả mình vào lòng chiếc ghế dựa, gác chân lên bờ rào gỗ ngăn nền quán với bãi cát phía dưới. Dưới đó, biển rào rào, rào rào bất tận.

Một chú bé tới. Thẩm gọi bia. Một chút rượu cho sự mệt mỏi cô đơn. Chai bia cạn, Thẩm kêu nữa, bắt đầu thấy lẻ loi hơn. Quán vắng, những tàu lá dừa trên đầu reo lào xào, biển ì ầm, trời đen thẫm li ti những đốm sao yếu.

Vi Vân thường giục chàng ra. "Anh không ra em cô đơn lắm, không biết em phải sống cô đơn đến bao giờ". Hôm rồi có người muốn đi hỏi em. Hải quân. Em sợ".

Thẩm vừa vượt trên năm trăm cây số, lúc này Thẩm đang ở cách nàng khoảng một cuốc xe hai mươi phút, nhưng nỗi cô đơn còn mênh mông hơn. Gặp nhau trong thời gian mới là gặp nhau, Thẩm nghĩ thế. Chúng ta đang ở rất gần nhau, nhưng em đâu biết và chẳng khác gì chúng ta sống ở hai thế giới.

Uống hết chai bia thứ ba, chàng rời quán, đi bộ về khách sạn, một chiếc xích lô đạp rề rề chạy theo. Thẩm lắc đầu. Ban đêm, bộ mặt khách sạn đổi khác. Xe hơi của một hãng thầu ngoại quốc đậu trong sân, trước cổng mấy cô gái cười đùa ầm ĩ. Thẩm nhìn họ nhưng họ lờ chàng.

Lên lầu, về phòng mình, thay quần áo, Thẩm ra ban công ngồi ngó xuống.

Phía dưới, mấy cô gái đùa nghịch nói tục cười cợt. Thẩm ngắm nghía họ, và vẫn ao ước thấy Vi Vân. Chàng hút thuốc liên miên buồn bực. Chàng vừa trải qua một ngày mệt mỏi, vượt qua quãng đường thật dài để đến đây ngồi một mình trong bóng tối. Vi Vân, không lúc nào bằng lúc này, trở nên một hình ảnh khao khát, một niềm thương, một bóng tối để chàng nằm ngủ yên ấm trong đó.

Một cô gái chỉ tay lên phía Thẩm, cười rũ. Chàng nghiêm nét mặt. Một cậu nhỏ băng qua khoảng sân rộng. Thẩm nghe tiếng chân liên tục chạy trên cầu thang. Lát sau nó thở hào hển hiện ra phía đầu hành lang. Nó cười cười đến gần người khách mới:

"Gì đó mày?"

Thẩm hất hàm hỏi, liếc mắt nhìn xuống sân khách sạn. Cô gái mặc áo đỏ ngẩng cao đầu nghênh Thẩm. Thằng nhỏ chỉ cô gái, nói:

"Chị đó biểu tôi lên hỏi anh".

Thẩm cười, trừng mắt nhìn nó. Nó cười toe toét:

"Chị biểu anh có cần gì không?"

"Để xem".

Thẩm ngó cô gái. Lần này cô quay lưng lại.

"Bao nhiêu mày?"

"Ngàn".

"Cái gì? Ở đây mà cũng một ngàn".

"Dạ".

"Cả đêm?"

"Hai ngàn. Đó là từ giờ tới sáng. Giờ cũng khuya rồi hả cậu? Còn nếu từ quãng bảy, tám giờ trở đi thì ba ngàn".

Chàng nhún vai:

"Mắc bỏ mẹ".

Thằng nhỏ muốn đi, Thẩm ngần ngừ, nhưng rồi cũng để kệ cho nó đi.

Thẩm xem giờ, thầm nhắc Vi Vân. Biễn vỗ rì rào phía dưới, bên kia con đường. Chàng lặng lẽ đứng dậy, vào phòng đóng cửa đi ngủ. Lúc vào giường, chàng thấy xa Vi Vân hơn bao giờ hết.



II

2.

Sáng sớm, Thẩm mặc vội quần áo, thuê xe tới đường Tân Viên. Chàng hy vọng đón đường Vi Vân khi cô bé đi làm. Mười tám tuổi, Vi Vân đã đi làm được một năm. "Em thấy đi học cũng thế thôi. Vả lại em học không vào nữa. Đầu óc em nghĩ đâu đâu không biết".

Kỳ về Bắc Phố lần thứ hai, cô bé đã nói như vậy. Thẩm tự lập năm mười sáu tuổi, nên chàng coi chuyện đó rất tự nhiên.

"Anh biết. Anh biết đầu óc em để đâu".

"Để đâu, anh?"

Chàng chỉ ra biển:

"Ngoài đó".

Nói rồi chàng mới thấy một con tàu đen thẫm ngoài khơi.

"Trên chiếc tàu đó hả?"

"Không. Ngoài chỗ không có gì".

Cô bé nhún vai:

"Vậy hả anh? Đúng rồi đó, đầu óc em trống rỗng".

Thẩm lắc đầu:

"Cũng không phải vậy đâu. Em nghĩ nhiều chuyện quá thì đúng hơn. Con gái nghĩ nhiều không thể sung sướng được".

"Anh muốn có vợ ngu hả?"

"Không ngu lắm, nhưng đừng nghĩ vớ vẩn. Đàn bà nghĩ vớ vẩn làm người ta bực mình".

"Anh như ông cụ hồi đời trước".

Thẩm gật đầu:

"Anh mong như vậy lắm. Các cụ văn minh lắm chứ em tưởng. Không văn minh sao trị đàn bà giỏi thế. Đàn bà hồi xưa không có lẩm cẩm như đàn bà bây giờ. Tình yêu hồi xưa cũng vậy".

"Lỡ rồi anh".

"Ử. Bởi vậy cho lỡ luôn. Cũng may em đã đi làm. Nếu em còn sống nương tựa gia đình, còn là lắm chuyện. Gia đình của mình dở lắm".

Cô bé cười:

"Bây giờ lại chê gia đình nhà người ta".

"Không. Nói chung vậy. Em không thấy anh bỏ gia đình rất sớm sao. Mười sáu tuổi. Anh sống tự lập gần hai mươi năm nay rồi. Anh ghét gia đình".

"Em quý gia đình em lắm".

"Bởi".

"Bởi sao anh?"

Thẩm cười nhẹ:

"Bởi thế anh không quyến rũ em bỏ phứt gia đình đi được. Lẽ ra anh phải làm cho em bỏ gia đình đi theo anh. Sống ở cái thành phố này mãi em không chán sao?"

"Chán lắm. Nhiều lúc em muốn điên lên được. Có hôm em lái xe chạy ào ào như một con khùng, vậy mà không chết chớ".

Thẩm nhìn vào mặt biển mênh mông:

"Nếu phải sống ở đây mãi, chắc có lúc anh lăn xuống biển tự tử. Nghe sóng rì rào không ngừng, anh chịu không nổi. Như một cái gì quanh năm suốt tháng cứ hoài hoài lặp lại, buồn chết được. Một cái gì tuyệt vọng không có cách gì thay đổi".

"Vậy mà em đã sống ở đây mười tám năm".

Thẩm ôm lấy Vi Vân:

"Đi với anh đi!"

"Đi đâu?"

"Vào Sài Gòn".

"Không được, anh".

"Có gì mà không được?"

Vi Vân có vẻ buồn bã:

"Trước kia anh đã quyến rũ một cô bỏ nhà đi theo anh rồi".

"Anh yêu cô ấy vô cùng. Tụi anh đã sống sung sướng với nhau trên một năm trời".

"Em biết".

"Anh đã sống những ngày đẹp nhất của tuổi thanh niên, tuy rằng lúc ấy anh rất nghèo. Bây giờ thì khá hơn. Chắc em cũng biết chỉ vì nghèo mà tụi anh phải xa nhau".

Vi Vân hoài nghi:

"Em không tin như vậy. Sống với anh hơn một năm là người ta đã chấp nhận cái nghèo. Em nghe nói sau đó anh yêu một cô khác nên cô ấy mới bỏ đi".

Thẩm bực:

"Không phải vậy. Chỉ vì nghèo, anh đã làm một vài việc mà nếu không nghèo, anh đã tránh được".

Cô bé gạt đi:

"Thôi đừng nói nữa, anh".

"Không nói thì thôi, nhưng đã nói, phải nói luôn. Anh không phải người xấu, anh muốn lấy cô đó làm vợ, mà bị ngăn cản".

"Đừng nói nữa, anh".

"Khi cô ấy bỏ đi, anh tưởng thế nào cô ấy cũng về. Anh nghĩ người ta không thể bỏ nhau dễ như thế".

Vi Vân đứng dậy. Thẩm đi theo sau khi đã lột giày, đi chân trần trên cát ướt.

"Nửa năm sau anh mới tin anh đã mất người con gái đó. Đời anh có hỏng cũng vì cô ta".

Vi Vân cười khanh khách:

"Ghê vậy".

Nàng ngừng ngay tiếng cười, nói:

"Em biết rõ chuyện đó của anh, em thấy rằng anh có lỗi. Nhưng sau đó, em thương anh. Ít ra anh cũng yêu cô ấy thật. Cũng như anh yêu em thật, song em không đi với anh được đâu".

"Mỗi tháng anh ra đây thăm em vậy".

"Không đủ. Em muốn có anh luôn luôn bên cạnh. Anh ra đây ở đi".

"Ở luôn?"

"Ừ".

"Lấy gì sống".

"Anh đừng lo. Em đi làm đủ tiền nuôi anh. Hơn nữa em mới mua một cái trại ở gần Đà Lạt, đang thiếu người gác dan".

Thẩm nắm chặt tay cô bé sung sướng nhưng im lặng.

"Bỏ phứt đi anh. Bao nhiêu năm nay em thấy anh cứ lúng túng mãi ở đó. Từ hồi mười ba tuổi em đã nghe những chuyện lộn xộn về anh rồi. Sao anh cứ sống mãi ở đó?"

"Anh còn công việc".

"Về trại em mà ở. Em sẽ mua đàn bò cho anh nuôi. Người ta nuôi bò ở đó nhiều lắm".

Thẩm nhìn ra biển. Chắc chắn ở đó đời sống phải khác, ít nhất cũng thảnh thơi hơn đời sống Sài Gòn. Từ bao nhiêu năm nay anh mơ ước được rời bỏ nơi bụi bặm và chen chúc ấy. Mới trên ba mươi tuổi, Thẩm đã làm việc gần hai mươi năm trời. Chàng thường nghĩ đời chàng sẽ không kéo dài quá tuổi bốn mươi. Bốn mươi tuổi, với hai mươi tư năm làm việc, như thế là quá đủ. Đủ cả sự mệt mỏi, sự cực khổ, để kiếp sống không thể bị coi là vô tích sự.


Sáng tinh mơ, Bắc Phố còn ngủ. Ngoài đường xe cộ thưa thớt, hàng quán chưa mở hết cửa. Thẩm chọn một quán ăn có thể ngồi trong đó quan sát người qua kẻ lại, để đón đường Vi Vân. Thẩm hy vọng Vi Vân phải chạy xe qua ngã ba này trên đường tới sở.

Tuy không đói, Thẩm cũng gọi một tô bún bò. Và sau đó một ly cà-phê sữa. Vừa ăn, chàng vừa ngước mắt nhìn xe chạy.

Tới gần tám giờ vẫn chưa thấy Vi Vân, Thẩm nôn nao sợ một buổi sáng trôi qua trong lãng phí. Chàng thấp thỏm không biết nên làm gì. Thình lình chàng nhìn thấy cô em Vi Vân, ngồi trên chiếc xe Cady màu cá vàng.

"Liên! Liên!"

Thẩm chạy ra khỏi quán và ân hận ngay. Cô bé mở to mắt nhìn chàng, cười nho nhỏ trong cổ họng. Cô bé không hỏi gì cả.

"Em đi học hả?"

"Vâng. Anh ra hồi nào?"

"Hôm qua".

Cô bé cười ngó vào trong quán:

"Anh ở gần đây hả?"

Thẩm buột miệng:

"Anh ở khách sạn".

Cô bé vẫn để xe nổ máy. Rồi biết chắc Thẩm muốn gì, cô nói:

"Nếu anh còn ngồi đây, thế nào chị Vi Vân cũng đi qua. Chị ấy đang uống sữa lúc em đi. Thôi em đi học".

Thẩm mỉm cười với cô bé, nụ cười có chút ngẩn ngơ. Sáng nay chàng thấy Liên đẹp quá. Vẻ đẹp xanh mát của học trò. Chiếc Cady khuất sau một chiếc xe hơi. Thẩm vào quán ngồi lại.

Châm một điếu thuốc, chàng yên tâm phần nào, nhưng lại áy náy về Liên. Hẳn cô bé đã biết chuyện Vi Vân bị gia đình cấm liên lạc với chàng. Nhưng chàng không tin Liên sẽ nói lại.

Không, chàng không tin. Dù còn nhỏ nhưng với khuôn mặt tươi sáng rạng rỡ, Liên sẽ không phải là một cô bé vô duyên. Thẩm vẫn tin chàng nhìn người khá đúng. Dưới cái nhìn của chàng, Liên là một cô bé con ý tứ. Cô sẽ im lặng về sự hiện diện của chàng ở Bắc Phố.

Thình lình Thẩm bật dậy khỏi ghế:

"Vi Vân!"

Chiếc Honda xanh chạy tới.

"Vi Vân!"

Vi Vân ngơ ngác dừng xe lại:

"Anh hả!"

"Còn ai nữa. Anh đây".

"Anh ra bao giờ?"

Thẩm nắm lấy ghi-đông xe:

"Anh ra chiều qua. Chiều qua ngồi chờ em ngoài bờ biển mãi".

"Tối qua em ở ngoài đó".

Thẩm tức tối.

"Anh ở đâu?"

"Ở chỗ cũ".

"Phòng số mấy?"

"Phòng cũ".

Cô bé mỉm cười:

"Thỉnh thoảng em vẫn đi qua con đường đó. Em nhìn lên lầu tưởng tượng anh đang đứng sau lan can".

"Có lần nào thấy không?"

"Không. Nếu thấy, em tức chết mất".

Cô bé xem giờ:

"Bây giờ anh ra quán Chim Đại Dương chờ em. Em vào sở nhờ nhỏ bạn làm giùm công việc. Nếu tiện xin nghỉ mấy hôm".

Thẩm cười:

"Tiện chứ. Anh sẽ ở lại đây hai hôm. Em xin phép nghỉ hai hôm đi. Bây giờ chở anh ra quán Chim Đại Dương".

Cô bé xuống xe:

"Anh chở em chứ".

Thẩm thảnh thơi hẳn lại. Sáng nay Bắc Phố đẹp quá. Chàng ngước nhìn trời:

"Em có thấy trời đẹp không?"

Cô bé nói bên vai:

"Vì có em. Nếu không gặp em, anh sẽ thấy sáng nay trời u ám lắm".

"Ừ, nhất định rồi".

Thẩm ngừng xe gần bờ biển:

"Em tới sở xin phép di. Anh đi bộ tới quán".

"Chờ em nhé!"

"Không ai đi mất đâu mà sợ".

"Xí, làm như người ta cần lắm".

Chờ cho Vi Vân đi khuất, Thẩm mới cất bước. Mặt biển chưa đủ màu xanh, còn mờ mờ trắng, vỗ ì ầm. Trời cao rộng. Thẩm ưỡn ngực thở. Tâm hồn chàng đang cao rộng như trời.

Chim Đại Dương, chính cái quán này nữa Thẩm vẫn nhớ, trong những ngày ở Sài Gòn. Cái quán, nơi hẹn hò đầu tiên giữa chàng và Vi Vân. Quán vuông vắn, cửa kính và lưới sắt, nằm giữa một khoảng sân rộng, cây cối bao quanh. Bàn ghế chững chạc, màu gỗ lim lên nước nâu bóng, có cái trưởng giả thanh nhã. Nhạc cổ điển, tranh cổ trên những mặt tường vàng đậm. Bà chủ quán, như Vi Vân cho biết, là vợ một người Pháp đồn điền, nhưng chồng bà ở Đà Lạt, chỉ ghé Bắc Phố mỗi tháng vài lần.

Thẩm ngồi trước ly cà-phê sữa, ngồi thụt trong ghế bành. Nơi uống cà-phê ăn sáng được đặt ở một đầu quán, ngó ra phía mặt trời mọc. Thẩm vẫn thích chỗ này, sau một đêm ân ái mệt mỏi. Tắm rửa, ra ngồi sưởi nắng lấy lại sức, chờ mặt trời chiếu tới, trước một đĩa trứng, một ly nước lạnh, một cà-phê sữa. Thẩm thấy khỏe khoắn vững vàng lắm.

Gần nửa tiếng sau Vi Vân trở lại, Thẩm ngồi yên trong lòng ghế lười biếng hưởng thụ sự có mặt của cô bé. Sau gần một ngày nôn nao tìm kiếm, chàng đã thấy đã gặp Vi Vân. Những xao xuyến bồn chồn đang rút đi, như lớp sóng triều cuối cùng của một mặt biển thoi thóp, giờ đây chỉ còn bãi cát bình yên.

"Anh đang nghĩ gì, anh?"

Thẩm mơ màng:

"Anh đang nghĩ, nếu sáng nay không gặp em…"

Cô bé ngắt lời:

"Nghĩ cái gì khác đi. Nghĩ về em hoài".

Thẩm nói tiếp:

"Nếu sáng nay không gặp em, anh về Sài Gòn liền".

"Cho về".

"Lỡ gặp em rồi, làm sao về được nữa".

"Ừ, cứ về đi. Lần sau vào Sài Gòn, em không gặp anh nữa là huề chứ gì".

Thẩm làm bộ ghen:

"Đêm qua em ra bãi làm gì?"

"Em đi dạo".

"Đi với ai?"

"Bạn chứ còn ai. Đêm qua em có nhắc đến anh".

"May quá".

Vi Vân lườm:

"Đêm nào em cũng nhắc đến anh hết. Vậy mà lúc trông thấy anh, em hết hồn. Hôm qua em định đi Đà Lạt chơi đấy chứ".

Thẩm cau mặt. Cô bé nói tiếp:

"Em tính đi thăm cái trại".

"Bà chủ non, cho tôi làm gác dan đi".

"Chỉ sợ anh không dám".

"Anh nghĩ không việc gì là anh không dám làm".

Cô bé trề môi:

"Vậy mà cái việc quan trọng nhất của anh, anh vẫn chưa làm đấy".

Thẩm im lặng. Với vẻ thản nhiên, nghiêm chỉnh cô bé nói tiếp:

"Về đây sống với em".

Thẩm ngó thấy một khuôn mặt thiếu nữ bần thần.

"Em nói thật đấy. Ban nãy lúc đến sở, em khóc. Em không chịu nổi anh nữa đâu".

Chàng nhớ lại cô bé đã luôn luôn nghĩ đến chàng trong một hai năm nay. Cô bé đã nghĩ đến chàng từ năm mười ba tuổi rưỡi.

Thẩm gọi bồi trả tiền.

"Bây giờ đi về, em".

Cô bé lắc đầu:

"Không về đâu hết".

"Sao vậy?"

"Anh trả lời em đi".

"Lát anh trả lời".

"Không, trả lời ngay bây giờ. Em không chờ đợi được nữa. Em chờ đợi anh nhiều rồi, suốt cả thời con gái của người ta chứ bộ".

Thẩm mỉm cười:

"Nói nghe ghê".

"Chớ không à. Trong khi tụi bạn em tung tăng sung sướng thì em chỉ nghĩ đến anh".

"Bây giờ tính bắt đền sao?"

"Ừ đấy. Trả lời đi. Nửa tháng thôi".

Thẩm không hiểu gì hết:

"Nửa tháng gì em".

"Đi Đà Lạt với em nửa tháng thôi. Về trại với em. Quyết định ngay bây giờ".

"Bao giờ đi".

"Cho anh một tuần lễ để thu xếp công việc. Ngày này tuần sau phải trình diện em ở Đà Lạt".

Thẩm nhìn lại bộ mặt Vi Vân. Bộ mặt đăm chiêu ngơ ngẩn. Chàng biết là cô gái không nói đùa. Cô bé đã quyết định.

Vi Vân, ngay những ngày mười lăm tuổi, đã quyết định những chuyện ghê gớm. Thẩm nhớ hồi đó tình hình chiến cuộc còn nhẹ, đường xe lửa Sài Gòn ra Trung còn tốt.

Vi Vân gây lộn sao đó Thẩm không rõ, dường như ông bố có vợ lẽ, đã sáng sớm xách va-li lên tàu một mình bỏ vào Sài Gòn. Mười lăm tuổi, trưởng thành sớm, Vi Vân như một cô gái mười bảy. Vào Sài Gòn, cô bé tìm tới sở Thẩm trong lúc chàng không có mặt. Một gã trong sở nhận là bạn chàng, đã đưa cô bé đi khắp thành phố trên chiếc xe hai bánh của gã, cho đến khi cô mệt mỏi ôm lấy gã. Nhưng cô vẫn tỉnh táo rụt lại trước một khách sạn và tính đánh gã. Cô bé vẫn kể chuyện này để trách móc Thẩm cũng như để cho chàng biết, cô có thể làm mọi chuyện.

Lần ra Bắc Phố thứ hai, trong khách sạn Thẩm không kìm hãm được lòng ham muốn ái ân. Cô bé nói:

"Ráng à. Không được đâu".

"Bao giờ?"

"Khi nào em hai mươi mốt tuổi".

Thẩm không tin lắm ở lời hứa hẹn đó, nhưng đành thôi. Lần này nghe Vi Vân bảo lên Đà Lạt mười lăm hôm, Thẩm nghĩ đến nhiều chuyện. Trả tiền, hai người ra khỏi quán Chim Đại Dương.

Trước khi lên xe, Vi Vân nhắc:

"Anh trả lời đi".

"Em nhất định chưa?"

"Nhất định rồi. Anh phải lên trại với em".

"Em tính bắt cóc anh còn gì nữa".

"Anh phải đồng ý mới được".

"Đồng ý. Nhưng trước hết bây giờ phải thanh toán sự có mặt của em đã".

"Nói gì ghê vậy".

"Nói gì về khách sạn rồi biết".

Cô bé lườm, khi ngồi lên sau xe. Chiếc xe Nhật chạy ra khỏi quán.

Thẩm cho xe chạy trên đường biển. Biển đã xanh ngắt, thăm thẳm phía chân trời. Vi Vân ôm chặt lấy người yêu, đổi ý.

"Em không muốn về khách sạn".

"Sao vậy?"

"Hình như em chưa dẫn anh đi thăm Bắc Phố".

Thẩm lắc đầu:

"Anh ra đây là để thăm em, không phải để thăm Bắc Phố".

"Nếu hai đứa chui vào một căn phòng, có khác gì anh vẫn ở Sài Gòn".

"Không sao hết".

"Có chứ. Như thế có khác gì anh đang bậy bạ với một con nhỏ nào đó ở Sài Gòn".

Thẩm cười:

"Em mới là bậy".

"Bây giờ quay lại, anh".

"Đi đâu?"

"Trước hết ra chợ mua một tí đồ ăn".

Hai người xuống phố chính. Vi Vân mua săng-uých, bánh giò, nước ngọt, khăn mặt, thuốc lá, bỏ hết vào túi vải cũng vừa mua. Xe ra khỏi thành phố, qua một chiếc cầu đá.

"Đây là Cầu Đá".

"Ừ. Nhiều năm trước anh có qua đây".

"Lúc đó anh có biết đây là Cầu Đá không?"

"Không".

"Vậy bây giờ nhớ lấy".

Thẩm cười. Đi một quãng nữa chàng thấy bên trái đường những bia đá đủ màu sặc sỡ, nhiều nhất là màu đỏ và màu xanh. Chàng chưa kịp hỏi cô bé đã nói:

"Nghĩa địa đấy".

"Nghĩa địa gì lạ vậy. Trông vui mắt nhỉ".

Cô bé chỉ sang bên tay phải:

"Bên này cũng là nghĩa địa nữa. Hai khu nghĩa địa khác hẳn nhau, anh thấy không?"

"Thấy. Bên này là bia đá không có màu".

"Bên này là nghĩa địa của người Tàu, bên này là của Tin Lành".

"Anh thích nghĩa địa của người Tàu hơn. Trông nó vui mắt".

"Anh cũng giả vờ quên cái chết à".

Thẩm bàng hoàng. Chàng vốn hay nghĩ đến cái chết. Những lúc đau khổ, tuyệt vọng, Thẩm đều nghĩ đến cái chết. Chàng tin đó là lối giải thoát cuối cùng cho một đời người, nhưng đó cũng là mối đe dọa nặng nề nhất cho cuộc sống. "Anh cũng giả vờ quên cái chết", có lẽ Vi Vân nói đúng. Những khi vui đùa, Thẩm vẫn canh cánh bên lòng mối ám ảnh của một chiều tận thế đối với riêng chàng. Một chiếc xe điên chồm lên lề đường, đè nghiến lấy Thẩm, cán bẹp Thẩm, thân xác vỡ nát tung tóe, thế là cái chết đến, rất ghê tởm. Một trái hỏa tiễn rơi vào thành phố, Thẩm chết giữa đống gạch vụn, mất xác. Một trái lựu đạn vô tình rớt xuống từ một chiếc máy bay trực thăng, vậy là Thẩm cũng lìa đời. Thẩm còn lìa đời bằng nhiều cách vô lý khác. Băng qua một bãi cỏ nào đấy, đạp nhằm một con rắn độc. Chết vì một trái banh lông đá đi bởi một đứa trẻ khi chàng đang cầm một cái kẹp tóc của đàn bà lấy ráy tai. Cái kẹp tóc đâm thụt vào óc, và Thẩm giẫy đành đạch. Chết vì rất nhiều cách khác nữa không thể nghĩ ra. "Anh giả vờ quên cái chết". Thẩm đưa tay về phía sau, vỗ vào đùi cô bé ra ý tán thưởng. Mấy ngón tay Thẩm chạm vào một đường tròn mềm mại, vội rụt lại.

"Anh!"

Cô bé kêu khẽ. Thẩm nói:

"Đúng đó, họ giả vờ quên cái chết. Họ chết vui vẻ".

Cô bé cào nhẹ lưng Thẩm:

"Anh vừa làm gì em vậy. Lưu manh thấy bà".

Thẩm nói:

"Cái chết của anh đó".

"Quẹo đây!"

Vi Vân la vội. Chiếc xe trờ tới một ngã ba. Thẩm co vai, nhấn phanh. Chiếc xe loạng choạng suýt té nhào. Thẩm càu nhàu:

"Vừa nói đến cái chết, nó định đến liền. Chết bây giờ uổng quá".

Cô bé cười:

"Ừ, chết bây giờ uổng thật đó. Đang đi chơi với đào mà chết thì uổng biết bao nhiêu. Nhất là em lại sắp đưa anh tới một nơi không có ai hết".

Chiếc xe chạy giữa màu xanh của cây cối hai bên đường. Đường đất, cây cối um tùm, những mặt nhà mộc mạc, Thẩm tưởng như đã vào sâu vùng quê.

Ít phút sau hai người tới một quán nước mái tôn cột gỗ sơ sài xiêu vẹo, giữa quán chỉ có một chiếc bàn dài độc nhất, trên bày biện đủ thứ những hộp nước ngọt, dừa, thuốc lá, mía, v.v.

Vi Vân gửi xe, hai người rời quán, leo lên một hòn núi nhỏ. Tuy là buổi sáng, ở đây nắng rực rỡ, chói lọi. Hơi nóng còn bốc lên từ những tảng đá lớp lớp chồng chất lên nhau.

Vi Vân dẫn Thẩm tới một bờ đá thấp nhất ngay chân sóng. Cô bé chỉ ra ngoài khơi:

"Anh nhìn thấy hòn đảo nhỏ kia không?"

"Thấy".

"Mình ra đó nhé".

"Thuyền đâu?"

Cô bé chỉ con thuyền đang nhấp nhô ngoài biển. Người chèo thuyền, như một cái máy nhịp nhàng, đưa con thuyền trở lại bờ.

Tới mười phút sau, hai người mới đặt chân xuống lòng ván. Thuyền tới bến đá, Thẩm nhúng tay xuống biển, nhìn nước rẽ hai bên. Chàng hỏi ông già chèo thuyền.

"Ngoài đảo có người không ông?"

"Bây giờ hả? Có hai người".

"Chỉ có hai người thôi?"

"Dạ, chỉ có hai người. Tới mười hai giờ họ về".

Thẩm hỏi Vi Vân:

"Mấy giờ mình về?"

"Ba giờ".

"Lâu vậy? Đã vậy ở đến tối".

"Lỡ họ quên không ra đón mình?"

Cô bé cười:

"Em cầu cho họ quên. Ở đó qua đêm luôn".

Thẩm nhún vai:

"Em sợ chứ anh có sợ gì".

Nghĩ thầm một điều, chàng cười thích chí. Cô bé lườm:

"Anh cười gì vậy? Em biết anh cười gì đó".

"Biết mà còn hỏi".

Thẩm lại cười, rồi nói:

"Anh nghĩ, nếu không ai ra đón mình, có lẽ cuộc đời này cũng hay".

"Ở đó mà hay. Dám lắm à".

Thẩm hỏi người chèo thuyền:

"Có bao giờ ông bỏ quên khách ngoài đảo không?"

"Trời đất, quên sao được cậu, mỗi ngày tôi chở có hai ba chuyến là cùng".

"Vậy thôi hả?"

"Dạ, ít người ra ngoài đó lắm. Có hôm không có ai hết. Hôm nào nhiều mới có bốn chuyến.

Thẩm dư biết mỗi chuyến như vậy chỉ có hai người.

Thuyền cập chân đảo, Thẩm mang đồ leo lên trước. Vi Vân hẹn ba giờ. Khi leo lên một quãng nhìn xuống, con thuyền ra xa.

"Em hay ra đây lắm hả?"

"Không có đâu anh. Đây là lần thứ hai em ra đây. Lần đầu cách đây ba bốn năm".

Chàng đùa bỡn:

"Chết cha, còn nhỏ vậy mà đã ra đây?"

"Anh chỉ nói tầm bậy. Hồi đó em ra với cả gia đình".

Thẩm vặn:

"Còn bây giờ không đi với gia đình là tầm bậy?"

"Ừ. Đi với anh là tầm bậy. Xuống đây anh".

Vi Vân nhìn thấy một chỗ bằng phẳng. Khi đến chỗ đó vẫn chưa tiện để dừng lại. Hai người lại tiếp tục đi.

Vòng vo một lát, qua những kẽ đá lớn, những hang hốc đầy đất hay cây cối, hai người chọn được một bìa núi rộng, hơi dốc có thể nằm đỡ, Thẩm cởi giầy, ngồi xuống.

"Ở đây được rồi em".

Yên lặng, ngoài tiếng sóng rì rào và gió ào ào thổi lộng. Thẩm hút thuốc. Thẩm thấy phải làm một cái gì.

Ngó nhìn cô bé, chàng bắt gặp một bộ mặt thầm lặng ngẩn ngơ.

"Em nghĩ gì vậy?"

"Anh không nghĩ sao?"

Thẩm nói:

"Có. Anh nghĩ… ở đây, mình chẳng là cái gì hết. Nhỏ nhoi như cỏ rác".

"Em cũng thấy vậy".

"Nếu mình chết ở đây đâu có ai hay biết? Vậy mà khi mình sống, mình vẫn phải thắc mắc về người khác. Không lẽ mình lại khổ sở vì kẻ khác".

"Anh có sung sướng vì người khác bao giờ không?"

"Có lẽ không bao giờ".

"Anh có sung sướng vì em bao giờ không?"

Thẩm cười:

"Cũng còn tùy".

"Nghĩa là có chứ gì nữa. Có nhưng không luôn luôn, lúc có lúc không".

"Nhưng em không phải là người khác. Em là một phần của anh rồi…"

Cô bé tươi cười:

"Thật không?"

"Thật chứ còn gì nữa".

"Ừ, nói thế có phải được không nào. Nói thế có phải người ta cưng không nào".

Thẩm hoài nghi:

"Chưa thấy cưng gì hết".

"Này cưng".

Cô bé hôn Thẩm. Chàng nằm gượng gạo trên một tảng đá lớn, giữa ba thành đá cao của ngọn núi, nhìn về phía trống trước mặt là mặt biển. Giữa trưa, mặt biển xanh ngắt.

"Anh".

"Ừ, anh nghe".

"Anh biết tụi bạn em chúng nói sao về chuyện mình không. Chúng nó bảo em dại".

"Em khôn thấy mồ".

"Em dại. Dại vì đi yêu một người như anh. Một người dĩ vãng quá nặng nề mà tương lai thì cũng chưa biết ra sao. Đúng hơn, tương lai anh cũng không thay đổi được gì".

"Có lẽ thế".

"Em không muốn anh nói như vậy. Em muốn anh phải có thay đổi. Nếu chưa bây giờ thì trong tương lai".

Thẩm lắc đầu:

"Đừng có tham lam như vậy. Em có anh bây giờ là nhất rồi".

"Anh không thuộc về ai hết".

Thẩm phác một hình ảnh vô định:

"Anh muốn làm gì thì làm, em biết không. Như em thấy đó, anh có thể tới đây, anh có thể đi bất cứ đâu, anh có thể sống như anh muốn".

Vi Vân cười gượng:

"Em không tin. Em đang lo đây này".

"Lo gì?"

"Lo con em ngày sau không có cha".

Thẩm kinh ngạc. Chàng không bao giờ nghĩ đến điều cô bé có thể nghĩ. Chàng không ngờ Vi Vân lại nghĩ đến một điều như vậy. Chàng lắc đầu:

"Em đừng tính đến chuyện đó".

"Tính chứ".

"Thôi đừng nói nữa. Nói bây giờ không giải quyết được gì hết. Em cứ tin một điều khi nào em cần đến anh thì có anh bên cạnh".

Thẩm nhắm mắt muốn ngủ, muốn quên. Ở đây im lặng quá ngoài tiếng gió thổi ào ào, ngoài sóng biển rạt rào. Niềm im lặng khiến Vi Vân nghĩ đến những chuyện đâu đâu trên con đường hình dung đời nàng, trên con đường mà nàng tin chắc thế nào nàng cũng phải đi qua. Và nàng không muốn, ở những ngày thanh xuân của đời mình, con đường đó bụi mù, nắng lửa, cỏ cây xơ xác.

Thẩm ôm cô bé, ngỏ sự yêu thương, ve vuốt. Vi Vân ôm chặt lấy chàng.

Đúng lúc hai người nghe tiếng ca nô tới gần. Chiếc ca nô đang tìm chỗ đậu.

Thẩm nói:

"Anh muốn đuổi tụi nó đi quá. Anh muốn hòn đảo này chỉ có em và anh".

"Đuổi tụi nó đi anh".

Thẩm đứng dậy, trèo lên một mỏm đá cao. Chiếc ca nô đã tắt máy, trên có một cặp còn trẻ. Người thanh niên chỉ khoảng hai mươi hai, hai mươi ba. Thẩm khoát tay ra ý đuổi. Anh ta tỏ vẻ không hiểu.

Vi Vân bỗng cười to:

"Làm sao anh đuổi người ta được. Anh lấy quyền gì đuổi người ta. Thôi kệ họ".

Thẩm cười:

"Anh phải đuổi".

"Em thách anh đuổi được đấy".

Thẩm không mặc áo, nhảy từ hòn đá xuống. Bỗng phía sau Vi Vân thét lên:

"Anh! Ngồi xuống!"

Thẩm ngơ ngác không hiểu gì cả.

"Vào đây mau, anh".

Thẩm leo vội vàng trở lại chỗ cũ. Cùng cầm tay cô bé hỏi. Nét mặt lo lắng. Vi Vân gượng cười:

"Hai cái ca nô chứ không phải một cái. Cái sau hình như có ông anh của em".

"Anh bất cần".

Cô bé ôm lấy chàng:

"Đừng làm gì bậy nghe anh".

Chàng nghĩ đến Liên, nhưng vẫn không tin chính cô bé lại nói với gia đình. Vi Vân hiểu Thẩm nghĩ gì.

"Không phải bé Liên nói đâu anh. Bé Liên người lớn lắm. Chắc bạn em nói đấy. Em đến sở xin nghỉ, chúng nó hỏi vì sao nghỉ, em nói có bồ ở Sài Gòn ra. Một con bạn em quen thân với ông anh em. Chắc nó điện thoại ngay cho ông ấy.

Thẩm nhìn qua một khe đá. Hai chiếc ca nô đều đã được neo lại. Người anh Vi Vân, mặc binh phục, trèo lên.

Người thanh niên lên tới gần chỗ hai người, song hình như anh ta lạc hướng. Họ vẫn chỉ nghe tiếng sóng biển. Vi Vân nói:

"Ghét ghê. Em cứ tưởng ra đây là yên thân. Mình không có chỗ nào được quên hết mọi người hay sao. Em muốn tới một nơi ngoài anh ra không có ai hết".

Thẩm ôm chặt cô bé:

"Anh cũng mong như vậy".

"Có chỗ nào như vậy không anh?"

Chàng cười, gật đầu:

"Có chứ em. Một chỗ thật xa loài người".

"Em hiểu. Trước kia em không hiểu vì sao người ta tự tử. Bây giờ, khi yêu anh, em mới biết".

"Vi Vân!"

Hai người giật mình. Tiếng gọi như tiếng vọng vang tắt chập chờn.

"Vi Vân!"

Thẩm nghe bứt rứt khó chịu. Tiếng gọi lúc xa lúc gần. Thẩm biết hòn đảo không rộng bao nhiêu, chỉ nửa giờ nữa là anh ta tìm ra.

Tiếng gọi lại cất lên rất gần. Sau đó là tiếng chân lạo xạo của nhiều người cùng tiếng nói chuyện. Cô bé sợ hãi:

"Sao tiếng nhiều người vậy anh?"

"Hai ba người gì đó. Anh chắc là cái cặp đi ca nô cũng ở đó với cái anh chàng nào đó ở ngoài này trước mình". Tiếng nói chuyện mỗi lúc một nghe gần hơn. "Nó là em gái tôi. Nó bị cái thằng sở khanh quyến rũ ra đây. Tìm thấy hai đứa, tôi sẽ đập chết thằng đó". Tiếng chân tới gần hơn nữa. Vi Vân cuống cuồng ôm chặt lấy Thẩm.

Chàng đứng dậy, nghĩ ngợi. Chàng châm một điếu thuốc rồi trèo lên tảng đá cao. Cách đó khoảng mười thước, cặp trai gái và gã thanh niên đang tiến tới. Thẩm giận run chân tay.

"Ê, con Vi Vân đâu?"

Chàng bước thật lẹ, chỉ tay xuống biển:

"Anh nên đi về ngay".

Gã thanh niên hét lớn:

"Tôi là anh nó. Tôi hỏi nó đâu? Nó đâu, hả?"

Thẩm tới gần anh ta:

"Anh là anh nó chớ không phải bố của nó, muốn tốt đi về".

Cặp trai gái lùi lại. Thẩm hét tướng với họ:

"Cút hết đi!"

Cặp trai gái lùi xa hơn. Người anh Vi Vân nổi giận đến lặng ngắt. Thẩm nói:

"Trước khi về Sài Gòn tôi sẽ gặp lại anh".

Anh ta chỉ về phía hốc đá đoán là có cô bé:

"Tôi muốn nó về ngay bây giờ".

"Anh về đi, tôi sẽ đưa Vi Vân về".

"Anh hứa với tôi đi".

"Anh về đi, tôi hứa tối sẽ đưa Vi Vân về".

"Tôi muốn gặp nó".

Thẩm suy nghĩ, rồi lắc đầu:

"Lúc này chắc Vi Vân không muốn gặp anh tí nào".

Anh ta hét lớn:

"Tôi muốn thấy nó".

Thẩm ngoái nhìn về phía sau. Hốc đá im lìm. Người anh cô bé định sấn lên bị chàng cản lại. Chàng thấy nóng mặt:

"Tôi bảo anh đi về".

"Nhưng tôi là… anh nó".

Chàng la:

"Là gì cũng đi về. Tôi không muốn ai thấy Vi Vân lúc này hết. Tôi sẽ đuổi hết mấy người ra khỏi đảo ngay bây giờ".

"Đảo này đâu phải của anh".

"Thế mà tôi vẫn đuổi như thường".

Anh ta có thái độ rất kỳ cục, Thẩm không thể hiểu nổi.

"Bộ anh ghen cả với tôi sao?"

Thẩm đỏ mặt:

"Nói gì lạ vậy".

Vi Vân leo lên khỏi hốc đá. Cô bé mặc chiếc áo tắm hai mảnh màu vàng. Cô lạnh lùng hỏi anh:

"Anh gặp em làm gì?"

Anh ta hầm hầm:

"Vi Vân …"

Anh ta nhìn em rồi nhìn Thẩm, không nói gì được. Cô bé lại gần anh:

"Bây giờ anh về đi. Chiều em về. Ai bảo anh ra đây?"

"Tao ra, không ai bảo hết".

Vi Vân nhún vai:

"Sao kỳ vậy? Tôi tưởng ai sai anh ra".

"Tao ra không được sao?"

"Kỳ".

Anh ta trừng mắt:

"Kỳ cái gì?"

Vi Vân đứng bên cạnh Thẩm:

"Tôi lớn rồi, anh kệ tôi. Bây giờ anh về đi".

Nói xong cô bé đi trước, ra hiệu cho người anh đi theo. Thẩm ngồi xuống tảng đá nhìn theo. Do đó chàng trông thấy cặp trai gái ban nãy. Chàng đứng lên cùng với cơn giận kỳ lạ. Chàng phất tay la to:

"Về luôn".

Cặp tình nhân ngơ ngác. Thẩm hét:

"Về luôn, không ai được ở đây hết".

Thẩm có vẻ điên. Chàng hung hăng sẵn sàng đánh lộn. Chàng đứng trân trân một chỗ như tượng chờ tới khi hai chiếc ca nô rồi đảo và Vi Vân leo trở lên. Cô bé nằm xuống tảng đá, thở ra:

"Em chán quá. Ra tới đây còn không yên".

"Vào Sài Gòn với anh là yên hết".

"Thôi đừng có quyến rũ em. Anh nói thêm một câu nữa là em đi theo anh liền".

Cô bé ngước nhìn trời, trời trong vắt với từng đám mây trắng trôi nhẹ nhàng.

Thẩm nghe mơ hồ sự viển vông nào đó bập bềnh lui tới như bọt sóng trên bãi cát vàng. Sự viển vông như mối tình. Sự viển vông như mơ ước, tan rã mỗi ngày, rơi rụng mỗi ngày. Như mỗi ngày đều có thêm những đợt sóng xa kéo tới, để rồi tan rã dưới chân cát, mất tăm, như những mối tình. Sự viển vông, những mơ ước cứ thế không ngừng kéo tới trong cuộc đời. Và Thẩm vẫn hy vọng ở ngày mai ngày mốt, hy vọng ở thời gian, vốn là đôi cánh đập không bao giờ ngừng nghỉ.



3.

Chia tay với Vi Vân tại con phố đông đúc nhất của Bắc Phố, Thẩm ưỡn ngực hưởng thụ trở lại những giây phút thảnh thơi một mình. Khi gặp nhau hay khi chia tay một người tình, Thẩm đều có những sung sướng riêng. Như lúc hối hả cuốn vào nhau, với khao khát nồng nàn, như lúc buông rời nhau, với mệt mỏi thoải mái. Lúc Vi Vân đi khuất với chiếc xe, Thẩm bắt đầu đi dạo lần đầu tiên ở thành phố biển.

Bắc Phố, ngoài biển và núi, không có gì lạ hết. Những mặt hàng có thể thấy ở Sài Gòn, những quán ăn có thể thấy ở Chợ Lớn, những phố chính tầm thường trong cái nhìn của một người đã đặt chân tới nhiều thị trấn như Thẩm. Chàng đi khoảng nửa tiếng đã bắt đầu chán ngán.

Lúc chiều xuống, Thẩm nghĩ tới một vài địa chỉ quen, bà chị một người bạn, chủ bar; một sĩ quan phục vụ trong ngành tư pháp, một bà cùng quê ngoài Bắc có sạp hàng tại chợ, nhưng cuối cùng chàng không tới thăm ai hết. Cuối cùng chàng lên một chiếc xích lô đạp, ra quán Chim Đại Dương. Cái quán như chỗ nghỉ ngơi thân thiết của Thẩm ở Bắc Phố.

Ngồi một mình trong quán, chàng bắt đầu nghĩ đến thời khắc này, nếu chàng ở Sài Gòn. Giờ này chắc chàng đang phanh ngực áo trong một căn phòng ồn ào tiếng người, tiếng máy móc lách cách, tiếng điện thoại vô duyên. Chàng đang ngồi trước một mặt bàn đầy giấy tờ, một gạt tàn thuốc ám sỉn không ngừng bốc khói, những dòng chữ nhạt nhẽo. Giờ có thể chàng sẽ ra quán cà-phê đầu phố với một hay vài người bạn, ngồi gác chân lên ghế uống la-de nói chuyện nhảm nhí.

Ở đây, Thẩm như lìa thoát, điều mà chàng vẫn mong ước từ bao nhiêu năm nay. Lìa thoát cuộc đời rất tầm thường mà bận rộn, rất thân thiết mà tẻ nhạt, rất gần gũi mà xa lạ, với chàng. Thẩm đang được lìa thoát, ít nhất là trong giây phút này, cái khung cửa bụi bặm nhức mắt, những bộ mặt tươi cười vô vị mà chàng đã sống từ hồi mười sáu tuổi.

Ở đây toàn vẹn quá. Một cái quán xa lạ, bàn ghế mới mẻ, những khung cửa lưới nhìn ra khoảng sân rộng, những hàng cây xác xơ vẫn đẹp, những bờ tường vàng ố vẫn vui. Ngoài đường, người qua lại không vội vàng, những dáng điệu không hấp tấp.

Ở đây, trong quán, Thẩm thấy những bộ mặt mới.

Những người dửng dưng rất thiện cảm, những đời sống bình thường mà riêng màu sắc. Cả đến những người bồi, với Thẩm, cũng mang lại cho chàng sự mới mẻ.

Uống xong chai bia, Thẩm bắt đầu cảm thấy có điều khác thường quanh mình, một cái nhìn dò hỏi không kín đáo. Một sự hiện diện bất trắc. Chàng ngoái cổ lại phía sau chạm mặt ngay người anh của Vi Vân. Anh ta đang ngồi với hai người khác, một mặc sắc phục không quân.

Thẩm chỉ nhác trông đã thấy mặt mũi anh ta đỏ gay. Anh ta cùng hai người kia, hẳn vừa rời một cái quán nào đó trước khi tới quán này.

Thẩm nhìn thấy một nụ cười lạ lùng. Nụ cười mở toác trắng nhởn trên khuôn mặt đỏ gay của người thanh niên. Chàng khó chịu, nán ngồi năm mười phút rồi gọi bồi tính tiền.

Chàng rời quán trong những cái nhìn đe dọa.

Thốt nhiên Thẩm dừng lại. Trước mặt chàng là người thanh niên. Chàng quay lại. Phía sau là anh chàng mặc sắc phục. Thẩm không còn cách nào khác là đi tới.

"Đứng lại nói chuyện chơi, bạn".

Chàng liếc mắt quan sát.

"Ban trưa tao muốn cho mày một trận, mà vì thương em tao, tao tạm tha mày".

Thẩm im lặng. Chàng không có gì để nói cả.

"Thằng chó đểu".

Người thanh niên nổi giận trông thấy. Rõ ràng là anh ta đã giận Thẩm lắm. Giận đến nỗi lẳng lặng theo chàng từ quán Chim Đại Dương tới quãng đường vắng này, cách quán vài chục thước.

Thẩm vẫn im lặng. Người thanh niên tới gần hét:

"Thằng chó đểu, có phải mày đó không".

Thẩm móc túi, chạm vào hộp quẹt máy. Chàng ước lượng khả năng hữu hiệu của cái hộp quẹt, thất vọng.

"Mày không dám nói gì sao. Vậy mà trưa nay có em tao mày làm phách quá vậy".

Một nụ cười trên khuôn mặt lạnh lẽo của Thẩm. Đúng lúc anh ta xô tới, chàng cũng nghe động phía sau. Gã thanh niên mặc sắc phục đánh trượt chàng một cái khoen sắt. Thẩm hãi kinh, không ngờ họ làm mạnh. Chàng lui vào sát một bờ tường.

Nghĩ tới Vi Vân, Thẩm thấy có thêm can đảm.

Nhưng chỉ có cái hộp quẹt máy trong tay, Thẩm biết không thể làm gì được. Bỗng gã mặc quân phục vội vã nhảy lên chiếc xe gắn máy, rồi người thanh niên leo lên theo. Thẩm nhận ra một chiếc xe Jeep cảnh sát xuất hiện ở đầu đường. Khi chiếc xe Jeep tới, họ đã chạy khuất.

Thẩm cười với mấy người cảnh sát, làm như không có chuyện gì. Sau đó chàng trở về khách sạn.

Đây không phải lần đầu Thẩm phải đối phó với võ lực, song lần này chàng cảm thấy nhiều rủi ro có thể xảy ra. Chàng còn đang suy nghĩ miên man thì Vi Vân xuất hiện ngoài khung cửa, sớm hơn giờ hẹn. Cô bé hớt hải ngó Thẩm khiến chàng ngạc nhiên.

"Anh không sao chứ?"

Thẩm lắc đầu.

Vi Vân thở ra:

"Vậy mà anh ấy bảo mới cho anh một trận".

Cô bé buồn xo ngồi xuống cạnh giường:

"Dù gì anh cũng phải đề phòng. Họ chưa chịu thôi đâu".

Điều này Thẩm cũng biết.

"Thôi mình ở nhà, không thèm đi đâu nữa".

Nghe cô bé nói thế, chàng ngồi bật khỏi giường:

"Đâu có được, em. Càng bị đe dọa, mình càng nên đi chơi nhiều hơn. Bây giờ mình đi ăn".

Vi Vân cười mỉm:

"Ờ, nói thế chứ em chịu vậy đó. Tưởng anh sợ chứ".

Thẩm mở va-li kín đáo lấy con dao gập lưỡi bỏ vào túi. Chàng tự tin với thứ khí giới đó:

"Anh ít khi sợ lắm. Vả lại có những việc sợ mà mình vẫn phải làm. Như việc này chẳng hạn".

Cô bé tuy lo ngại vẫn có vẻ thích thế. Hai người để xe ở khách sạn đi bộ ra bãi biển. Thẩm thấp thoáng thấy người anh của Vi Vân. Chàng bực dọc nói:

"Kỳ quái quá!"

Sau một cuốc xe xích lô y vẫn bám sát hai người. Thẩm quyết định đánh lạc hướng anh ta trước khi trở về khách sạn.

Chàng hỏi Vi Vân:

"Có phải anh em thực không?"

Cô bé chán ngán:

"Anh em mới khổ chứ".

"Anh gì mà kỳ vậy".

"Em cũng không biết nữa".

"Ngày mai nếu còn thế này anh sẽ về Sài Gòn vào buổi chiều. Tuần sau mình gặp nhau ở Đà Lạt hay hơn".

Tối hôm ấy, sau khi đưa cô bé về nhà, Thẩm đi bộ trên con phố chính của Bắc Phố, từ phía tòa hành chánh thị xã ra phía biển. Trong đêm tối, chàng thật sự lo ngại, nhưng cũng thật sự nổi giận. Hai tay nắm chặt, thỉnh thoảng bàn tay phải lại chạm vào con dao gấp lưỡi để trong túi quần. Thẩm nghĩ chàng có thể một mình quần thảo với cả hai tên, nếu chúng xuất hiện lại.

Lúc này một mình trơ trọi trên đường vắng. Thẩm hoàn toàn thấy mình trơ trọi. Nếu cuộc xung đột xảy ra, chàng cũng nghĩ, đó là chuyện hoàn toàn về phần chàng. Chàng không muốn dính Vi Vân vào đó.

Thẩm cố tách rời, để nghĩ chàng sống không liên hệ với ai hết. Càng nghĩ như thế chàng càng không lo ngại gì nữa về sự theo dõi của hai gã thanh niên, mà tới giờ phút này chàng cũng chưa biết tên.

Chàng cười thầm, thế mà lại hay, vì chàng không cần biết tên họ là gì.

Chàng muốn coi giữa chàng và họ không hề có thù oán, dù họ có thể sắp xuất hiện như những kẻ thù.

Thẩm buồn bã, muốn trốn vào một xó. Nhưng họ đã xuất hiện ngay bên cạnh chàng.

Chiếc xe gắn máy dừng lại. Vẫn hai người đó. Tuy biết rõ là vẫn hai người đó, nhưng Thẩm giận điên lên được. Thay vì chỉ tự vệ, Thẩm nhảy lên đánh trước, đánh tay không. Bao giờ cũng vậy, thấy việc không thể đừng được là Thẩm đánh trước. Chàng đánh người anh Vi Vân túi bụi, vì chàng ghét anh ta hơn hết. Bất ngờ, gã mặc áo sắc phục đập chàng từ phía sau những cú như búa bổ, suýt nữa chàng có thể khuỵu xuống. Chàng khuỵu xuống thật sau cú đánh bồi của người anh Vi Vân.

Trong lúc lăn lộn dưới đất, Thẩm rút được con dao ra khỏi túi quần. Chàng nghiến răng ken két. Gã mặc sắc phục đá thật mạnh vào tay chàng, nhưng chàng nắm chắc được chuôi dao. Cùng lúc chàng vùng dậy, đưa ngược lưỡi dao lên.

Cái âm thanh Thẩm nghe lạ lùng. Rất êm, rất lẹ. Rồi bàn tay chàng nóng hổi. Từ ngực anh ta, Thẩm rút dao ra. Máu tuôn ra có vòi, ào ào. Anh ta đổ xuống một gốc cây.

Người anh Vi Vân nín thinh đứng ngó. Rồi bất thần anh ta hét tướng. Thẩm nhào tới bắt anh ta câm mồm. Chàng nói:

"Có lẽ tao phải giết luôn cả mày".

Anh ta hốt hoảng ngó lưỡi dao trên tay chàng. Thẩm quăng con dao xuống cỏ, tới bên gã mặc sắc phục. Chàng muốn kêu lên một tiếng thật to, một tiếng tuyệt vọng. Y đã chết.

Thẩm cắm đầu chạy. Đầu tiên chàng nghĩ đến một chiếc xe. Giá có một chiếc xe, chàng sẽ đi khỏi Bắc Phố ngay lập tức. Nhưng không làm gì có xe. Mà nếu có xe, ban đêm chàng cũng chẳng thể đi đâu được.

Chạy được một quãng, Thẩm đi thong thả lại. Việc đầu tiên chàng nghĩ phải làm là trở về khách sạn. Thẩm chạy bộ. Khách sạn gần ngay đó.

Trở về phòng. Thẩm nhét quần áo vào va-li, xách va-li xuống văn phòng. Trả tiền, chàng ra cổng lẳng lặng lên một chiếc xích lô.

"Đi đâu cậu?"

"Cứ đi dọc bờ biển".

Đêm chưa khuya lắm, xe cộ chạy đều. Thẩm để ý tìm một khách sạn bên đường. Cuối cùng chàng nghĩ tốt hơn cả là tới nơi nào sang nhất.

Mười phút sau, Thẩm tới khách sạn Chim Đại Dương cũng làm quán Chim Đại Dương mà chàng đã từng tới với Vi Vân. Thẩm nghĩ ở đây chàng có luôn chỗ ăn uống, khỏi phải ra đường.

Chim Đại Dương lúc đó còn đông khách. Thẩm tiến thẳng vào văn phòng, và sau khi ghi tên, chàng được trao chìa khóa phòng số 12. Đó là căn phòng cuối cùng ở dãy sau.

Vào phòng, tay quần áo khác, Thẩm mở cửa ngó ra đường phố. Chàng thấy cần phải uống một ly rượu và vì thế, chàng ra quán.

Ngồi trước ly rượu, Thẩm nghĩ lại xem vì sao chàng đã tới Bắc Phố. Dĩ nhiên là nếu không có Vi Vân chàng đã không tới nơi này. Nhưng nghĩ thế không phải là chàng đang oán trách Vi Vân. Không, Thẩm đã tự ý tới thành phố này, tự nhiên tới.

Lần trước, vì ván bài chót của một canh xì đánh tới sáng, Thẩm đã tới Bắc Phố. Đó là lần đáng nhớ hơn cả, chính lần đó, chàng đưa Vi Vân đi chơi tới khuya, và đã hôn cô bé ngoài bãi biển. Và sau đó là những lá thư đều đặn được gửi đi.

Lần này Thẩm cũng đã lên đường một cách bất ngờ, dù rằng trong những phút buồn chán cuộc sống ở Sài Gòn trong những lúc một mình trên đường, trong rạp xi-nê, chàng vẫn nhớ đến khuôn mặt cô bé, và nhất là tâm hồn cô bé. Một đứa con gái như thế, Thẩm vẫn nghĩ không thể xử láo được. Một đứa con gái như thế phải được yêu.

Thẩm nghĩ về Vi Vân trong những lúc thao thức, không phải trong những lúc thèm khát. Thẩm nghĩ đến cô bé như nghĩ đến một chốn, lẽ ra phải đến một chốn để trở về để nghỉ ngơi, để sống thật sự như chàng hằng mong ước.

Hai hôm trước, lúc còn ở Sài Gòn, Thẩm trúng mưa trên đường về nhà, vào buổi chiều. Cơn mưa đổ xuống mù mịt, ào ào như thác. Mưa mỗi lúc mặt trận nặng, phố trắng xóa. Và một lúc Thẩm mới thấy lạnh.

Đứng dưới một mái hiên, một mình, Thẩm nghe cô quạnh lạ thường. Từ cõi xa thẳm nào đó, những hình ảnh mù mờ hiện về, rõ dần, bao vây Thẩm. Cuối cùng, cơn mưa quá khứ dìm Thẩm xuống, bắt Thẩm ngoi ngóp với những hình ảnh phai mờ, trong đó có hình ảnh Vi Vân.

Thẩm bỗng thương mình quá đỗi. Trở về quá khứ, con người chàng nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Một thế giới màu hồng, những con đường thênh thang, những ngày vui miệt mài cùng bạn hữu.

Hôm nay, con người đó đã mất. Tưởng như hai vai trĩu xuống, vầng trán nhăn lại, tưởng như bộ ngực đã thoi thóp hơi thở mệt mỏi của chiều tàn. Thẩm không còn thấy hy vọng, không còn thấy náo nức, ngay cả trong một mối tình.

Đêm khuya lắm, Thẩm biết như thế khi những người khách cuối cùng đã rời khỏi quán. Trong ngôi quán rộng lớn bây giờ chỉ còn có chàng. Thốt nhiên, nhận ra sự lẻ loi của mình, sự vắng vẻ xung quanh, Thẩm muốn đi tìm Vi Vân, muốn báo cho cô bé biết nơi ở mới của mình.

Thẩm trả tiền, ra khỏi quán.

Ra khỏi quán, chàng đứng giữa sân, lưỡng lự. Nỗi cô đơn thúc chàng đi tìm cô bé, nhưng nỗi sợ hãi trì kéo chàng.

Thẩm rất muốn báo cho Vi Vân biết nơi trú ngụ mới, nhưng lại sợ bị tiết lộ. Vả lại chàng nghĩ chỉ mai mốt chàng phải dời Bắc Phố, nên cuối cùng chàng lại đứng yên một chỗ.

Khi quán tắt đèn, chàng lầm lũi trở về phòng mình.

Đài phát thanh Bắc Phố ngay bản tin thứ nhất, hồi bảy giờ sáng, đã loan báo vụ án mạng cạnh sân vận động thị xã (Thẩm hiểu ra tại sao quãng đó vắng vẻ thế). Thẩm nghe như nghe một tin nào không liên can gì đến mình. Cô xướng ngôn viên nói: Thủ phạm hiện còn lẩn quất trong thị xã và y không thể nào rời Bắc Phố bằng đường hàng không hay đường biển được, bởi nhân viên an ninh những nơi này đã được lệnh kiểm soát chặt chẽ. Y chỉ còn con đường duy nhất là đường số 1, ra khỏi Bắc Phố bằng xe đò hay xe gắn máy, nhưng người ta cũng đã có tên tuổi y.

Thẩm lắng nghe rõ hơn. Sát nhân tên Nguyễn Văn Thẩm, khoảng ba mươi ba tuổi, dáng cao gầy, vai rộng, mũi cao, mắt sâu, rất dễ nhận diện. Sát nhân nhìn kỹ sẽ thấy đi khập khiễng…

Cô xướng ngôn viên còn nói nhà chức trách địa phương đang điều tra vụ án.

Bản tin chấm dứt ở đó. Thẩm buồn bã lo âu, thấy căn phòng trở nên khó thở. Chàng vội thay đồ ra ngoài quán.

Thẩm ngồi lọt trong chiếc ghế bành mây đan, uống cà-phê. Nơi này vẫn là chỗ ăn sáng lý tưởng nhất Bắc Phố, theo ý chàng. Trong những ngày ở Sài Gòn, chàng có viết thư cho Vi Vân nói ở xa chàng vừa nghĩ đến Vi Vân, vừa nghĩ đến quán Chim Đại Dương.

Chính cái quán, nơi uống cà-phê buổi sáng cũng như bàn ăn ở đầu đằng kia, hướng về phía Nam và phía Tây, là nơi khiến Thẩm thấy gần Vi Vân hơn.

Thẩm nghĩ Vi Vân phải nhớ ra chỗ này, và phải tinh ý hiểu là chàng đã rời khách sạn cũ để tới chỗ này. Nghĩ thế, Thẩm có ý chờ cô bé.

Thẩm ngồi rất lâu song không thấy Vi Vân tới.

Chàng vừa chú ý đến khách hàng, vừa ngó ra nhà Bưu điện. Khách hàng phần lớn là những người đứng tuổi, người ngoại quốc. Ngang nhà bưu điện là con phố dẫn ra biển. Ngồi ở quán Chim Đại Dương, chàng có thể tình cờ thấy Vi Vân chạy xe qua.

Trong lúc ngồi uống cà-phê, Thẩm dò xét những người chung quanh. Người đầu tiên mà chàng để ý là cô thu ngân viên, luôn luôn có mặt sau quầy. Cô làm việc chăm chỉ, ít khi nhìn lên. Thẩm an tâm về cô gái đó. Khuôn mặt bình thường, mắt miệng nhỏ nhắn. Thẩm nghĩ cô ta không đến nỗi nguy hiểm. Chàng gọi bồi, ngỏ ý muốn gọi điện thoại. Y bảo chàng tới chỗ bà chủ.

Anh ta chỉ cô thu ngân viên. Đó cũng là bà chủ.

Người thiếu phụ ngó nhìn Thẩm, hỏi số máy. Nàng nói:

"Để tôi gọi giùm ông".

"Bà nhớ hỏi cô Vi Vân".

"A, cô Vi Vân. Tôi biết".

Thẩm cười cười vô nghĩa.

"Cô Vi Vân, cái cô có cái răng khểnh ở đây chứ gì, ông?"

Nàng nhe răng, chỉ vào một cái răng khểnh của mình.

"Bà cũng có cái răng khểnh đó".

Thẩm chờ đợi trong khi người thiếu phụ quay số. Nàng trở ra ngay, vừa đi vừa lắc đầu:

"Hôm nay Vi Vân không đến sở".

Thẩm trở lại bàn cố nghĩ xem cô bé đi đâu. Chắc Vi Vân không thể bị giữ ở ty cảnh sát. Chắc cô bé đang đi tìm chàng.

Đúng một giờ sau, trong khi Thẩm vẫn ngồi trong ghế, đài phát thanh địa phương lại loan tin vụ án mạng, lại nhắc đến tên tuổi và hình dáng chàng. Thẩm chăm chú ngó bà chủ trẻ tuổi trong khi được phát ra. Nàng ghi chép, không tỏ vẻ gì chú ý đến bản tin.

Thẩm trở lại quầy, nhờ gọi lần nữa. Nàng ngẩng lên, rồi chỉ cái máy.

"Ông cứ vào đi".

Thẩm quay số, nghe tiếng chuông reo. Vi Vân vẫn chưa đi làm. Trở ra, chàng làm quen với bà chủ quán:

"Xung quanh Bắc Phố có khách sạn nào ở được không bà?"

"Cũng yên, trong vòng mười cây số. Chắc ông từ Sài Gòn ra?"

"Không, tôi từ Huế vào. Tôi được nghỉ phép mười lăm ngày, không biết làm gì cho qua thì giờ".

"Ông nên đi Đà Lạt nếu không muốn ở đây".

"Tôi ngại đi xe đò quá".

Người thiếu phụ cười:

"Ở đây chỉ có xe đò. Phải chi cuối tuần nhà tôi từ đồn điền về, lúc đi có thể cho ông theo đi được".

Thẩm nhớ Vi Vân có nói, bà chủ quán Chim Đại Dương có chồng Pháp, một chủ đồn điền ở gần vùng Đà Lạt. Chàng nói:

"Tôi còn ở đây một tuần. Để lúc đó xem sao, có thể nhờ đến bà".

Người thiếu phụ ngẩng lên, cười. Thẩm trở lại bên máy điện thoại.

Lần này Vi Vân đã tới. Chàng thở phào, nhưng khuôn mặt se lại, khổ sở bất ngờ:

"Vi Vân hả?"

"Em đây. Trời ơi, anh đang ở đâu đó?"

Thẩm nói tên quán, số phòng:

"Anh đừng đi đâu nhé, đợi em đến. Em cúp máy".

Vi Vân nói rất vắn tắt, khiến Thẩm thêm lo ngại. Tuy nhiên, chàng tưởng như đã trút bớt rất nhiều lo âu sau khi liên lạc được với cô bé.

Ở Bắc Phố, bây giờ chàng hoàn toàn trơ trọi.

Không quay lại, khi nghe một chiếc xe gắn máy Thẩm cũng đoán là Vi Vân. Khuôn mặt cô bé khiến chàng bàng hoàng. Chàng tưởng như vừa thấy một cái đầu lâu của một con búp bê bị bỏ lăn lóc lâu ngày, với mái tóc xơ xác và làn da trầy sượt.

"Em sao vậy?"

Vi Vân lắc đầu:

"Ngồi đây được không anh?"

Thẩm đứng dậy:

"Mình vào trong này".

Thẩm dẫn cô bé đi qua cửa sau của ngôi quán, vào một hành lang rộng. Căn phòng của chàng mở cửa ra hành lang này.

Cô bé lắc đầu, vẻ mặt thất vọng:

"Anh có thấy bà chủ nhìn em không. Chắc bà ta không thể hiểu được".

Thẩm không nói gì. Cửa khép lại, chàng ôm ghì lấy cô bé, nhưng không thấy phản ứng. Hai tay Vi Vân xụi lơ.

Chàng thì thầm:

"Anh yêu em".

Cô bé lắc đầu:

"Bây giờ đừng nói chuyện đó, anh. Anh phải đi khỏi nơi đây".

Cô bé đứng giữa phòng. Thẩm im lặng ngồi trên giường.

"Anh phải đi khỏi đây càng sớm càng tốt".

Chàng vẫn lặng thinh.

"Em chắc là có người theo em. Ban sáng đến giờ, em biết chắc có người đi xe gắn máy theo em. Em đến sở vì không thể ở nhà nổi".

Cô bé tới gần chàng:

"Đêm qua cảnh sát giữ anh em tại ty, cả đêm em không ngủ được. Bây giờ anh ấy vẫn chưa về. Em chưa biết anh ấy khai những gì".

Thẩm nói:

"Anh sẽ rời Bắc Phố ngay ngày hôm nay".

Cô bé đến gần chàng:

"Anh phải đi ngay. Em sợ họ theo em, họ sẽ tìm ra anh".

"Em đừng tới đây nữa".

"Anh".

Chàng lắc đầu:

"Em đừng nghĩ gì nữa".

Cô bé ngồi xuống cạnh chàng:

"Nhưng anh đi đâu bây giờ?"

Một nụ cười lạt lẽo trên khuôn mặt nhợt nhạt. Thẩm ngó lên khung cửa kính. Bên ngoài, ánh nắng rực rỡ.

"Anh phải rời khỏi đây. Anh cũng chưa biết phải đi đâu. Chắc họ đang đợi anh ngoài bến xe".

"Em biết. Anh không thể về Sài Gòn bằng máy bay được. Đi đâu bây giờ anh cũng không dùng máy bay được nữa".

Thẩm nghĩ đến những người bạn phi công của Vi Vân.

"Đi máy bay quân sự được không?"

Cô bé cười:

"Họ sẽ chở anh đến ty cảnh sát ngay. Anh tưởng họ có cảm tình với anh lắm sao".

Lần đầu tiên Thẩm cảm thấy Vi Vân cười trong sáng nay.

"Anh quên mất".

"Anh phải nhớ điều đó. Đi xe đò được không?"

Cô bé lắc đầu:

"Không có cách gì đâu".

Thẩm thì thầm:

"Vậy em nghĩ anh nên đi đâu bây giờ?"

Cô bé ôm vụt lấy chàng:

"Em không biết. Em không biết".

Thẩm vuốt ve Vi Vân, cảm thấy hành động trái ngược, bởi vì chính chàng mới là người phải lo sợ, phải khích lệ.

"Dù sao anh vẫn phải đi".

Chàng đẩy nhẹ cô bé ra, móc ví:

"Anh còn mười lăm ngàn tất cả, chắc anh sẽ xoay xở được".

"Liệu có thiếu không anh? Em có tiền".

Thẩm uể oải:

"Anh cần ở em thứ khác, không phải tiền".

Cô bé ủ rũ:

"Em có thể làm gì cho anh được?"

Có tiếng giày ngoài hành lang, chậm rãi bình tĩnh. Cô bé dường như không thở nữa. Một bóng người thoáng qua ngoài khung cửa.

Cô bặm môi một lát. Thẩm chờ đợi đôi môi mở ra. Cô ngồi xuống bên chàng, cầm lấy tay chàng:

"Anh nghe em điều này nhé. Lẽ ra giờ này em không ở đây với anh được đâu. Giờ này em phải ở ty cảnh sát. Anh ta chết, thế nào họ cũng hỏi đến em. Lẽ ra họ phải hỏi đến em rồi mới phải. Anh biết anh ta là ai không? Đó là vị hôn phu của em…"

Thẩm lặng ngắt.

"… Anh để em nói hết. Anh ta là bạn thân của anh em, nhà anh ta với nhà em trước kia ở cùng một con đường, cả hai gia đình giao thiệp với nhau thân thiết lắm. Ba của anh ta nói đùa lâu rồi, để em lớn sẽ hỏi em làm dâu. Ba em cũng bằng lòng. Anh Thẩm à, chuyện đùa đó đã thành sự thật cách đây ba tháng…"

Thẩm mở to mắt:

"… Vâng, ngay sau khi anh ra thăm em về. Anh về được nửa tháng thì anh ta tới hỏi. Em chịu".

Thẩm không tin:

"Em nói sao?"

Cô bé bình tĩnh nói:

"Em chịu. Đám hỏi làm hôm Chủ nhật".

Chàng kinh ngạc:

"Làm đám hỏi rồi?"

"Vâng, đám hỏi làm hôm Chủ nhật hai tuần lễ sau khi anh ở đây về. Anh, anh để em nói. Anh không thể hiểu được em đâu, bởi vì anh ở Sài Gòn, làm sao anh hiểu em được. Em sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, em chịu đựng nơi này được nếu không có anh. Như mọi người ở Bắc Phố, cuộc đời em sẽ lặng lẽ trôi qua, nhưng anh đã tới đây. Anh biết không, em vẫn nghĩ thà anh đừng đến. Em nghĩ thật đó, anh đến Bắc Phố làm gì để cho em khổ".

Thẩm cười:

"Nếu không có anh, em không khổ như thế này đâu. Anh đã mở cho em một chân trời vốn khép kín, như sau hàng dương là mặt biển vô vọng đời đời kiếp kiếp. Nhưng anh đã cho em thấy phía sau chân trời đó, em lỡ đã thấy rồi. Anh cho em thấy rồi anh bỏ em một mình thành ra em khổ hơn là trước khi biết anh".

Cô gái cười, nhẹ nhàng:

"Anh cho em biết có Thiên Đường rồi anh bỏ mặc em ở Trần Gian, như thế có phải là anh làm khổ em không, thà anh cứ để em sống như một cô bé nào đó với những ước mơ rất tầm thường của đời nó, đi làm, lấy chồng có địa vị hay có công ăn việc làm thôi cũng được, rồi đẻ con. Anh đã làm hại em".

Thẩm gật đầu chế nhạo:

"Anh đã phá hại đời con gái của em".

"Chuyện đó lại khác, còn lâu em mới cho anh làm như vậy".

"Lâu là bao giờ nhỉ?"

"Em nói rồi".

Thẩm nghịch ngợm:

"Nhưng bây giờ anh không lịch sự nữa. Anh bắt đầu bị truy nã, đời anh cũng kể như hỏng rồi, vì một cái xác chết. Nếu không có em anh ra Bắc Phố làm gì. Cho nên anh không lịch sự nữa. Em phải trả nợ trước khi anh vào tù".

Cô bé cười:

"Để ra tù đi anh".

Tiếng chân lại nổi lên ở đầu hành lang, lệt bệt kéo tới gần. Thẩm thở ra. Cả hai ngó nhau u ám. Phút đùa bỡn gượng gạo tắt ngấm ngay từ lúc vừa vừa le lói hiện tới.

Tiếng chân đi qua. Thẩm lắc đầu nói:

"Anh không thể nào ngờ được em đã làm đám hỏi với anh ta. Mà đã làm đám hỏi rồi, em còn đi chơi với anh làm gì".

Cô bé trề môi:

"Nói thế mà cũng nói. Em không đến với anh mà được? Anh lại không xồng xộc đi tìm em, không làm ầm cả thành phố lên em không phải là Vi Vân nữa".

"Vi Vân là gì mà ghê gớm thế?"

"Vi Vân là… người yêu của ông Thẩm".

Thẩm hôn cô bé trìu mến, chàng chán nản rất nhanh, buông thõng hai tay xuống. Cô bé tiếp tục nói:

"Sau khi anh về, em không thiết gì nữa. Em thấy Bắc Phố trơ trọi, xơ xác, hoàn toàn xa lạ. Có lúc em muốn lăn xuống biển mà chết, có lẽ lại sướng hơn. Em không dám đi qua những con đường mà anh đã đưa em đi. Em tưởng như em bị bỏ rơi".

"Em chẳng còn là cái gì nữa hết. Chẳng qua anh chỉ nghĩ đến em trong những lúc anh đến đây. Về Sài Gòn, anh quên hết. Em là một người thừa, rất thừa trong đời sống của anh. Anh chẳng bao giờ là của em cả".

"Vi Vân, em đừng nên nói thế".

"Em nói thật đó anh. Em nghĩ như thế thật đó".

"Sự thực không chắc như thế".

Cô bé gật đầu:

"Em biết, sự thực không chắc như thế, nhưng em trót thấy như thế rồi. Nhưng chính anh còn nói là không chắc, vậy là em nghĩ cũng không sai đâu".

Thẩm châm một điếu thuốc, thấy miệng lưỡi khô đắng khó chịu.

"Nhưng em không trách anh…"

Chàng vứt vội điếu thuốc ra:

"Em trách anh làm sao được".

"Được. Lúc em mười ba tuổi rưỡi, anh đừng viết "hôn em một cái" thì chắc là em không yêu anh đâu".

Thẩm cười rũ:

"Con gái gì kỳ quá. Người ta mới viết thế mà đã yêu. Phải chi anh viết hôn em trăm cái đi…"

"Có người đòi yêu em suốt đời em đâu có chịu. Không hiểu sao thấy anh viết thế em lại chịu. Có lẽ em thấy anh có vẻ thành thật".

Thẩm đùa bỡn:

"Thế là em mắc mưu Sở Khanh rồi".

Vi Vân buông thõng:

"Bởi!"

Chàng ôm hôn cô bé dữ dội. Rời cô bé chàng nói:

"Anh phải đi".

"Mà đi đâu mới được chớ? Đi đâu bây giờ ngay hôm nay. Chớ mai mốt thế nào cảnh sát họ cũng hỏi em. Anh em nói thế".

"Nói sao?"

"Anh ấy ở ty cảnh sát về. Anh ấy chỉ khai anh mà không hề nói gì đến em hay vị hôn phu của em hết. Anh ấy nói không hề quen biết anh, chỉ biết anh ở khách sạn gần bờ biển, hai bên đụng chạm nhau vì bên này nghênh bên nọ vậy thôi. Cũng may là anh rời khách sạn đó ngay chứ không thì bị bắt rồi".

"Thảo nào đài phát thanh kêu tên anh".

"Họ ập đến khách sạn ngay mà. Thế em mới sợ. Tụi bồi ở khách sạn đó thế nào cũng nói đến em, dù chúng nó không biết tên em".

Thẩm thấy quẫn trí. Bên ngoài nắng đã lên cao. Chàng ngắm mãi những khoảng nắng vàng lay động trên một tàng lá xanh thẫm.

Tiếng chân bước lại vang động ở đầu hành lang. Lần này rầm rập nhiều người. Một bọn ba bốn người ngoại quốc đi qua.

Cô bé xem giờ, giật mình:

"Trưa rồi anh. Tan sở được mười phút rồi".

Thẩm hoang mang:

"Em ở lại với anh được không?"

Vi Vân cầm khóa xe:

"Không được đâu anh".

"Lúc này anh sợ một mình".

"Em biết".

Cô bé đứng dậy đi nhưng không thể đi được. Cô gặng hỏi:

"Bây giờ làm sao, anh?"

Thẩm nghe giọng nói mình rời rạc:

"Anh sẽ phải rời Bắc Phố".

"Bằng cách nào, anh?"

Chàng lắc đầu:

"Anh cũng chưa biết được".

Chàng có vẻ xao xuyến:

"Bao giờ anh gặp lại em?"

Vi Vân kinh hoàng trước câu hỏi ấy:

"Chắc là không… Chắc là còn lâu, anh".

Thẩm ôm lấy cô bé:

"Không, anh cần em lắm. Đừng bỏ anh một mình".

"Em sợ lắm".

"Đừng để anh một mình ở đây. Không có em, người ta đối với anh đáng sợ lắm. Nghe sóng biển ì ầm anh không chịu nổi".

"Em sống ở đây mười tám năm rồi".

"Chiều đi làm về, nhớ ghé anh".

Cô bé gỡ tay Thẩm ra:

"Anh đừng đợi em. Chắc em không dám đến đâu".

"Vi Vân, đến đi, gọi điện thoại cho anh vậy".

Cô bé gật đầu:

"Em sẽ gọi điện thoại".

"Nhưng cũng ráng nghe anh, năm phút thôi cũng được".

Cô bé sửa soạn ra về:

"Anh đừng đợi em. Nếu đến được thì em đến nhưng anh đừng đợi. Bây giờ chắc chắn họ theo dõi em từng bước".

Thẩm ôm ghì người yêu, sợ hãi. Vi Vân sắp bỏ ra về, chỉ còn một mình chàng sống trong vòng vây, chờ đợi từng phút một những người sẽ ập đến bắt mình, hồi hộp nghe từng bước chân qua.

Cô bé gỡ tay Thẩm thoát ra khỏi những khối thân thể lạnh ngắt. Cô tự mở cửa. Ánh nắng lùa vào. Cô nói vội vàng:

"Em về".

Vừa nói Vi Vân vừa bước ra ngoài hành lang, Thẩm vội vã gật đầu, để yên tâm hai người đã chia tay nhau đẹp đẽ. (Chàng vừa nghĩ biết đâu chàng không bị bắt đi chiều nay hay tối nay).

Vi Vân vừa bước ra tới sân Thẩm đã mở cửa đi theo, thật sự không muốn rời. Chàng xao xuyến nghĩ tới cái trống trải đe dọa mà cô bé vừa để lại, cái trống trải chưa bao giờ Thẩm thấy mênh mông như thế.

Khi chàng vào tới giữa quán thì Vi Vân đã ngồi lên xe. Chiếc xe chạy vụt ra đường. Cô bé không hề ngoảnh lại một lần nào.


4.

Thẩm ra phía đầu quán ngồi xuống chiếc ghế bành ban sáng chàng đã ngồi, gọi một chai bia lạnh. Vẫn gã bồi ban sáng hầu khách. Lúc này, sau quầy, bà chủ rảnh rang ngồi đọc tiểu thuyết. Buổi chiều, gió biển thổi vào Bắc Phố mạnh hơn. Trong im vắng, Thẩm nghe những đỉnh cây rung ào ào.

Chàng rời ghế tới gợi chuyện bà chủ quán, hy vọng được biết thêm một điều gì ích lợi.

"Ông không đi đâu chơi?"

Thẩm làm bộ hỏi han:

"Tôi chỉ mới biết bờ biển Bắc Phố, không biết Bắc Phố còn chỗ nào đẹp không bà?"

"Còn chứ. Cô Vi Vân không dẫn ông đi sao?"

Thẩm cười như rất sung sướng được nghe người khác hỏi về người yêu của mình:

"Vi Vân phải đi làm, bà".

"Tưởng ông ra đây chơi, cô ấy phải nghỉ làm vài ba buổi".

"Tôi cũng mong thế".

Người đàn bà cười xòa:

"Ông không quen ai khác ở đây sao?"

"Có vài người, song tôi không muốn làm phiền họ".

"Ông phải mượn cái xe mới được".

Thẩm nói:

"Vâng, kể có cái xe thì tốt. Nhưng tôi đang đợi ông chồng bà về để theo lên Đà Lạt".

Người đàn bà ngạc nhiên:

"Ông đợi thật sao?"

Thẩm làm bộ thất vọng:

"Ban sáng tôi có nghe bà nói cuối tuần chồng bà có thể về vài hôm rồi lại trở lại Đà Lạt?"

"Vâng, tôi nói. Nhưng cũng có khi ông ấy không về".

"Thế hả bà".

"Dù sao, nếu chồng tôi về, thế nào tôi cũng giới thiệu với ông".

"Vâng, tôi đợi".

Thẩm trở ra bàn mình, chuông điện thoại bỗng reo. Thẩm đứng lại nghe. Chàng có linh tính Vi Vân ở đầu dây. Người đàn bà cúp máy. Thẩm quay lại nói:

"Vi Vân có hẹn sẽ điện thoại cho tôi. Nếu có, bà kêu giùm".

"Hình như ông ở căn phòng đầu dãy".

"Vâng".

Một chiếc xe Jeep chạy thộc vào giữa sân, Thẩm hoảng hốt vất tờ giấy bạc nhỏ lên bàn, trở về phòng mình. Chàng vừa ra khỏi lòng quán thì đám người kia bước vào.

Ít phút sau, Thẩm nghe tiếng giày bước trên hành lang, chàng kinh hãi ngó căn phòng không một chỗ ẩn trốn. Tuy nhiên, tiếng giày nhẹ nhàng như tiếng giày đàn bà, khiến Thẩm yên tâm phần nào.

Rồi tiếng gõ cửa nhè nhẹ:

"Em đây, anh".

Thẩm mừng rỡ mở toang cánh cửa. Nhưng chàng chưng hửng trước khuôn mặt lo âu của Vi Vân. Chàng đóng chặt cửa sau khi cô bé đã bước vào:

"Gì vậy em?"

Vi Vân ngồi xuống giường, tránh vòng tay của Thẩm:

"Cảnh sát trở lại tìm anh em. Dường như họ nghi ngờ điều gì đó".

"Rồi sao?"

"Anh ấy đã về đâu. Mới bị gọi đi thì em nghe tin nên vội vàng đến đây. Em sợ anh ấy phải khai sự thật. Khi đó, thế nào họ cũng gọi đến em".

Thẩm trấn an cô bé:

"Về phần em đâu có sợ gì. Vả lại lúc xảy ra án mạng em đâu có mặt ở đó".

"Đã đành, nhưng thế nào họ cũng hỏi tới hỏi lui".

"Em chớ sợ".

"Em sợ cho anh. Anh em có thể khai ra anh chứ. Anh ấy biết rõ anh, nhất là biết rõ anh chưa thể rời Bắc Phố".

Thẩm buồn xo.

Vi Vân ngập ngừng. Thẩm nhìn rõ tâm trạng người yêu, vuốt ve nhè nhẹ lưng nàng:

"Có gì em cứ nói. Đừng ngại gì hết".

"Anh phải rời Bắc Phố trong đêm nay. Ngay trong đêm nay".

"Anh biết đi đâu bây giờ".

"Người ta bàn tán xôn xao lên hết. Em đi đâu cũng nghe bàn tán, chịu không nổi. Chỗ nào họ cũng nhắc đến em. Họ làm như thương hại em lắm, kỳ thực họ càng nói bao nhiêu em càng khổ bấy nhiêu".

Cô bé cười, nói tiếp:

"Họ làm như em mới góa chồng vậy. Ai dính vào em dám chết ngoẻo hết".

Thẩm nhún vai:

"Ví như có phải chết, anh cũng không ân hận gì".

"Lúc ấy anh còn sống đâu để mà ân hận".

Có tiếng giày lạo xạo trên khoảng sân trải sỏi, tiến lên hành lang, rồi băng qua. Thẩm thở ra. Vi Vân nói:

"Khoảng tám giờ, lúc thành phố này đã lên đèn, anh nên rời Bắc Phố. Tạm thời anh hãy tới nhà bà chị em ở Ninh Hòa".

"Đi bằng cách nào?"

"Lấy xe em mà đi, chắc không ai hỏi. Em sẽ nói dối nhà xe hỏng, phải đem sửa. Cuối tuần em sẽ tới Ninh Hòa lấy xe về".

Thẩm im lặng. Cô bé mở bóp:

"Đây là địa chỉ của bà chị em. Đây là chìa khóa xe".

"Em viết cho anh cái giấy giới thiệu".

Cô bé lắc đầu:

"Anh khỏi lo. Anh phải có tiền mới vào nhà chị em được, vì đó là khách sạn. Khách sạn Ninh Hòa".

"Vậy anh cũng chỉ là khách trọ".

"Vâng. Dù sao, anh phải khéo léo".

"Nhưng còn cái xe".

Cô bé gật đầu:

"Em cũng nghĩ rồi. Tới Ninh Hòa anh phải đem xe tới nhà con bạn em gửi trước rồi hãy tới nhà chị em".

Hai người im lặng. Thẩm suy nghĩ một lát hỏi lại:

"Tuần sau mình còn gặp nhau ở ngôi trại của em ở Đà Lạt nữa không?"

Vi Vân cười gượng:

"Anh vẫn còn nghĩ tới chuyện đó sao?"

"Nghĩ chứ".

"Chắc không. Bây giờ em không còn thấy hứng thú gì nữa".

Thẩm tính nói, chàng thấy không có gì thay đổi cả, nhưng lại pha trò:

"Chắc tại anh giết chồng em".

Cô bé gật đầu:

"Chắc vậy! Thù chồng phải trả".

Thẩm cười méo mó:

"Anh mong giữa chúng ta không có gì thay đổi dù anh đã giết người, dù là ngộ sát. Lòng anh thì vậy, nhưng tâm trí thì không còn như xưa nữa. Anh không biết em…"

"Anh đừng nói đến chuyện này nữa".

Cô bé xem giờ, nói:

"Bây giờ em về".

Cô bé dùng dằng trước khi hôn nhẹ lên má Thẩm:

"Chúc anh may mắn".

Thẩm cười gượng trong khi hai người ra khỏi phòng. Nắng đã xế, Thẩm bước trên bóng mình.

Tới cổng, cô bé quay lại cười nói với người yêu rồi đi thẳng, men theo bờ tường quán Chim Đại Dương. Thẩm đứng ngó cho tới lúc đầu óc nặng trĩu, hình bóng Vi Vân đã khuất rồi. Trong tầm mắt chàng, chiều đang xuống Bắc Phố vàng vọt màu bệnh hoạn.

Thẩm trở vào quán, ngồi trước quầy gọi một ly rượu. Chàng tính khi nắng tắt, chàng sẽ lên đường liền. Như vậy là cuộc chia tay đã diễn ra rồi, bình thường như một cuộc chia tay nào đó trong khi chàng nghĩ xa Vi Vân trong lúc này chàng không thể nào chịu nổi. Vậy mà chàng vẫn sống, vẫn còn có thể ngồi uống rượu, vẫn nhìn nắng tàn và mơ hồ nghe tiếng sóng biển rì rào vọng tới.

Lúc đèn trong quán bật sáng trên những cây cột trên bốn bờ tường, Thẩm trở vào phòng thu xếp quần áo. Chàng chọn vài bộ quần áo tốt, còn bỏ lại hết, cả chiếc va-li. Sau đó, chàng trở ra trả tiền phòng.

Bà chủ ngạc nhiên trước sự ra đi bất ngờ ấy.

Thẩm giải thích qua loa, nói gửi lại bà chiếc va-li, rồi rời quán Chim Đại Dương rất vội vã.

Bọc quần áo đặt trong cái vỉ sắt đựng hành lý, Thẩm lái xe ra đường.

Tới ngã tư gần nhất, Thẩm bỗng nghe tiếng sóng biển ì ầm, gần hơn. Chàng quẹo xe, chạy dọc bờ biển. Mặt biển chết, đen ngòm. Thẩm không tìm thấy ở đó một chút hình ảnh êm đềm nào hết.

*


Ngay phút đầu tiên tới Ninh Hòa, Thẩm cảm thấy bơ vơ trong một thị trấn nghèo nàn, hiu quạnh.

Đây chỉ như một con phố ngoại ô Sài Gòn, nhà cửa, hàng quán dồn cục một chỗ, châu mặt lại qua con quốc lộ gồ ghề, bụi tung mù mịt khi một chiếc xe chạy qua.

Thẩm cho xe chạy chậm chậm men đường, tìm ngôi nhà người bạn gái của Vi Vân để gửi chiếc xe. Chàng ngó những mặt bảng hiệu bám bụi, một tiệm hớt tóc, một tiệm thuốc lào, những quán cơm, một tiệm sửa xe… Tìm đúng số, Thẩm thấy đó là một tiệm tạp hóa.

Bà cụ bán hàng chăm chú nhìn người lạ khi nghe hỏi đúng tên con gái. Bà ngơ ngác hỏi Thẩm:

"Ông hỏi cháu Nga có việc gì?"

Thẩm nói ý định của mình. Bà cụ hiểu ra, bảo Thẩm đứng đợi.

Người con gái dắt xe vào trong nhà sau khi mời Thẩm ngồi trên chiếc ghế gỗ ở giữa nhà. Cô trở ra với một tách nước trà.

"Ông ghé Ninh Hòa chơi?"

"Vâng".

"Ở đây có gì vui đâu ông? Tôi muốn rời đây đi bất cứ đâu mà không được đó".

Thẩm chữa lời:

"Thật ra cũng có chút việc, cô ạ".

"Ông có quen ai ở đây?"

"Không. Tôi đi đặt mối hàng".

"Ông buôn bán hả?"

Thẩm nói dối một cách dễ dàng:

"Nhà tôi sản xuất dép nhựa vừa dùng trong nhà, vừa dùng ngoài phố cũng được đó cô".

Cô gái có vẻ ngạc nhiên:

"Ông với Vi Vân là chỗ thế nào?"

"Em gái tôi học cùng lớp với Vi Vân".

Thẩm lại nói dối.

Một người khách vào trong tiệm, nhân dịp đó Thẩm đứng dậy cáo từ. Trước khi đi, chàng hỏi thăm khách sạn Ninh Hòa.


*


Người chị Vi Vân, Thẩm đoán, đó là người thiếu phụ duy nhất chàng thấy trong khách sạn. Nàng không giống cô bé chút nào. Nước da trắng mịn, dáng người gầy cao, và khuôn mặt vuông hoàn toàn khác em.

Nàng dò xét Thẩm không giấu giếm. Khi chàng nói ở độ một tuần, nàng đòi lấy tiền trước. Khi chỉ phòng cho Thẩm, nàng hỏi:

"Ông không có đồ đạc gì sao?"

"Thưa cô không. Tôi chỉ có mấy bộ quần áo này thôi".

Thẩm thấy nàng có vẻ nghi ngờ mình. Lúc trả tiền phòng, chàng cố ý cho nàng thấy xấp tiền dày cộm.

"Ở đây quán ăn nào sạch sẽ nhất cô?"

"Ngay trước cửa đó ông. Quán ngon nhất Ninh Hòa đó, nhưng hơi mắc một chút".

"Có hề gì".

Buổi tối, một bà cụ bước vào khách sạn cùng một cô bé gái khoảng tám chín tuổi. Đó là toàn thể gia đình người chị Vi Vân. Còn bao nhiêu đều là khách trọ.

Khách sạn có sáu phòng nhỏ, hai phòng lớn. Khách trọ hỗn tạp, đủ loại. Riêng trong phòng lớn Thẩm thấy có tới ba người, tất cả đều còn trẻ, mặt mũi sáng sủa. Họ là giáo sư, thuê tháng, ở đây đã lâu.

Thẩm ở được ba hôm thì Vi Vân tới. Chàng sung sướng lạ thường. Cô bé làm bộ tình cờ gặp Thẩm rồi nhân đó, giới thiệu chàng với người chị. Bấy giờ Thẩm mới thấy dễ chịu hơn. Chàng làm thân ngay:

"Phải biết chị sớm hơn chắc tôi khỏi bị theo dõi".

Người thiếu phụ chối:

"Có ai theo dõi cậu đâu".

"Tôi là khách lạ ở đây mà".

"Ở đây thiếu gì khách lạ, cậu".

Vi Vân được mấy ông khách kéo đến hỏi thăm. Nhân thể, nàng cũng giới thiệu Thẩm. Trong số họ chàng có cảm tình với anh chàng tóc dài, ác cảm ngay từ đầu với gã để tóc ngắn, to xác, nói cười thô lỗ.

Một giờ đồng hồ sau, Vi Vân cùng Thẩm ra khỏi khách sạn. Hai người lại nhà cô Nga lấy xe, ra khỏi thị trấn.

"Em đưa anh về vùng quê chơi".

Thẩm áy náy:

"An ninh không?"

"Em vẫn đến mà".

Họ ngừng lại ngay một cầu đá, dưới sông nước chảy trong veo, xung quanh không một bóng người.

"Có gì lạ không em?"

"Không có gì lạ hết, anh".

Chàng ngạc nhiên:

"Không có gì hết?"

Cô bé gật đầu:

"Ông anh em cũng vẫn khai không biết gì về anh. Còn em họ không hỏi tới".

"Họ không khám xét gì hết?"

"Biết đâu mà khám xét. Chắc họ tưởng anh xa chạy cao bay rồi. Với lại họ có làm gì, mình đâu có biết được".

Thẩm băn khoăn. Cô bé tươi tỉnh hơn những ngày chàng còn ở Bắc Phố.

"Liệu anh đi được chưa?"

"Có lẽ được. Nhưng anh tính đi đâu?"

"Có lẽ về Sài Gòn. Anh lấy xe đò về thẳng Sài Gòn".

Vi Vân thản nhiên:

"Chiều em trở lại Bắc Phố".

"Ngay chiều nay?"

Thẩm bàng hoàng hỏi lại nhưng cô bé vẫn thản nhiên gật đầu. Chàng lặng ngắt thấy không còn nên trông đợi gì thêm ở cô bé.

Nhìn dòng nước chảy dưới cầu, chàng nói:

"Vậy anh sẽ về Sài Gòn ngay. Xe đò thế nào cũng phải chạy qua Bắc Phố, nhưng chắc họ không để ý lắm. Sau khi em về Bắc Phố, anh sẽ đi Sài Gòn ngay".

"Vâng".

Chàng hỏi đột ngột:

"Em vẫn còn yêu anh chứ?"

Cô bé cười:

"Chắc còn".

"Chắc thôi à?"

"Lúc này em không còn dám tin em nữa. Hình như em đã thay đổi".

"Chắc chắn em phải thay đổi. Có điều may là anh chưa bị bỏ rơi ngay".

Vi Vân đứng dậy:

"Anh thường nói yêu em, yêu cả Bắc Phố. Bây giờ anh còn yêu Bắc Phố nữa không?"

Thẩm gật đầu:

"Anh vẫn yêu thành phố em ở như thường".

"Nhưng anh sẽ chẳng bao giờ còn trở lại đó được".

"Anh biết…"

Chàng hình dung lại thành phố biển. Buổi chiều đầu tiên đặt chân xuống phi trường. Buổi chiều lần thứ hai, thứ ba trở lại Bắc Phố. Lúc này khi hình dung lại, Thẩm mới thấy đó là những hình ảnh vô cùng thân yêu nơi chàng, những hình ảnh lúc trước chàng chỉ tưởng như rất mơ hồ.

Trở về tới Ninh Hòa, cô bé nói:

"Em chắc cảnh sát không theo dõi em tới đây".

Thẩm sợ hãi:

"Em chắc thế, vì họ có hỏi tới em đâu".

Vi Vân rời Ninh Hòa sau buổi cơm trưa, bằng chiếc xe gắn máy của nàng. Thẩm ôm gói quần áo ngồi đằng sau xe cô bé tới bến xe đò. Hai người chia tay tại đấy.

Thẩm chỉ chiếc xe màu đỏ:

"Anh sẽ đi chiếc xe đó".

"Cẩn thận nghe anh. Vào Sài Gòn nhớ điện thoại ra cho em biết ngay".

Thẩm cười:

"Nếu anh về được đến Sài Gòn".

"Đừng nói gở, anh".

"Biết đâu anh không trở lại Bắc Phố?"

Cô bé lắc đầu:

"Anh chẳng bao giờ còn trở lại thành phố của em được nữa. Đối với anh Bắc Phố từ nay trở thành thành phố cấm rồi".

"Càng cấm càng ham".

Bụi bay mù mịt sau một cơn gió. Hai người nhắm mắt. Cơn gió thổi thốc vào bến xe. Thẩm chảy nước mắt:

"Buồn nhỉ".

Cô bé nắm chặt tay Thẩm:

"Thôi em đi. May mắn nghe anh".

Chiếc xe gắn máy lẫn vào đám xe cộ, sau làn bụi Thẩm tới chiếc xe màu đỏ lấy vé. Người ta đòi thẻ căn cước của chàng để ghi vào sổ hành trình như những hành khách khác.

Thẩm đưa thẻ căn cước.

Lấy vé xong, chàng lên xe ngồi. Thế là bao nhiêu dự tính của chàng ở Ninh Hòa đã không có dịp mang ra thực hiện. Chàng tính làm thân với người chị của Vi Vân cũng như khách trọ trong khách sạn Ninh Hòa. Chàng tính như vậy vì nghĩ mình sẽ kẹt lại ở thị trấn này.

Nhưng Vi Vân lại làm chàng thay đổi ý định.

Nửa giờ sau, hành khách đã đông đủ. Một trong những người chót bước lên xe là một cô gái mà Thẩm thấy quen quen. Cô gái dường như cũng nhận ra chàng. Cô gật đầu chào:

"Tôi tưởng ông ở Ninh Hòa vài ba hôm chứ".

Thẩm vẫn không nhớ ra cô gái. Cô cười:

"Trời ơi, ông không nhận ra tôi sao? Tôi Nga bạn Vi Vân đây mà".

Thẩm lắc đầu nhắm mắt:

"Tệ quá, trí nhớ tôi hỏng rồi".

Chàng chỉ chỗ bên cạnh mình:

"Nếu cô đi một mình, mời cô ngồi đây".

"Tôi đi một mình. Tôi có việc đi Bắc Phố. Ông bỏ mối hàng xong chưa?"

Thẩm buồn cười, nhớ ra chàng đã nói với cô gái chàng đi bỏ mối hàng, chàng sản xuất loại dép nhựa vừa đi trong nhà vừa đi ngoài phố được.

"Xong rồi cô. Chả có ai mua cả".

Cô gái cười khúc khích:

"Ông biết không, tôi buồn cười quá".

Chàng ngạc nhiên:

"Sao vậy cô?"

Cô gái lại bụm miệng cười:

"Sao cô lại cười?"

"Ông đừng giận tôi nhé. Hôm qua, khi nghe ông nói ông đi bỏ mối hàng tôi đã buồn cười rồi. Trông ông không có vẻ gì là người buôn bán hết. Buôn bán người ta phải lanh lợi chứ tôi thấy ông làm sao ấy".

Thẩm vui vui trong lòng:

"Cô thấy tôi làm sao?"

"Ông không lanh lợi chút nào".

"Vậy là tôi không buôn bán được hở cô?"

"Chắc được, nhưng ông làm nghề khác có lẽ hợp lý hơn".

Chiếc xe chộn rộn, người khách cuối cùng đã bước lên. Sau tiếng la của người lơ xe, tài xế cho xe ra khỏi bến. Thẩm rời bỏ Ninh Hòa với chút tiếc nuối.

Khi xe bắt đầu xuôi trên quốc lộ, chàng tiếp tục chuyện trò với cô gái:

"Theo cô, cứ cái bề ngoài của tôi, tôi làm nghề gì mới phải".

Cô gái ngắm nghía Thẩm, nói:

"Ngay hôm qua, lúc mới thấy ông lần đầu, tôi đoán ông là giáo sư".

"Rồi sau đó cô còn đoán tôi là giáo sư nữa hay không?"

"Khi nghe ông nói là bạn Vi Vân tôi cũng vẫn nghĩ như vậy. Ba Vi Vân cũng là giáo sư mà".

Thẩm gật đầu:

"Hôm qua tôi nói dối cô. Tôi mà buôn bán nỗi gì".

"Vậy đúng ông là giáo sư?"

"Vâng, tôi từng đi dạy học".

Cô gái trách:

"Ông xấu lắm".

"Sao vậy cô?"

"Nói dối là xấu lắm. Dạy học mà nói dối càng xấu hơn nữa. Tại sao ông phải nói dối như vậy".

Thẩm lại nói dối:

"Tôi là thanh tra ở Bộ Giáo dục. Tôi đi thanh tra mấy ông giáo sư ở đây".

Cô gái à một tiếng. Thẩm bắt sang chuyện khác:

"Cô vào Bắc Phố có việc hay đi chơi".

"Có việc. Mai tôi lại trở ra Ninh Hòa. Ông biết rạp chớp bóng Hào Quang không?"

"Biết".

"Rạp chớp bóng của ba tôi đó".

"Vậy hả cô. Rạp Hào Quang khá lớn đấy".

"Vâng".

Chiếc xe băng qua một cây cầu.

"Ông quen Vi Vân trong dịp nào?"

Cô gái bất chợt hỏi khiến Thẩm lúng túng. Chàng nhìn nàng, bắt gặp cặp mắt long lanh. Cặp mắt cho Thẩm biết, nàng rất tinh quái. Thẩm cười nói:

"Tôi có tới nhà Vi Vân chơi với một người bạn. Thế là quen nhau".

Cô gái lại khiến chàng bất ngờ:

"Ông chưa cho tôi biết tên".

"Thế hả cô. Tôi cũng quên đấy. Tôi tên Thẩm".

Cô gái ngạc nhiên:

"Thẩm hả ông?"

Chàng tò mò:

"Vâng. Sao vậy cô?"

"Tôi nghe Vi Vân nói nhiều về ông. Nếu vậy ông không phải là giáo sư".

Chàng cười gượng, chống chế:

"Ban nãy tôi có nói với cô tôi từng dạy học. Nghĩa là tôi cũng từng là giáo sư. Tôi dạy lớp đệ ngũ, đệ tứ. Như thế tôi… có nói dối cô đâu".

Cô gái có vẻ phật lòng:

"Nếu ông đúng là ông Thẩm thì tôi biết rõ ông lắm. Ông là người yêu của Vi Vân".

Thẩm yên lặng.

"Sao ông không ở Bắc Phố với Vi Vân mà lại ra Ninh Hòa làm gì? À, mà tôi biết rồi. Tôi nghe gia đình Vi Vân không bằng lòng ông".

Chàng không đáp, gián tiếp bày tỏ rằng nàng đã nói đúng.

"Xin lỗi ông nhé. Tôi nghe Vi Vân nói ông đã có vợ".

"Vâng".

"Như thế rồi làm sao, ông?"

Thẩm ngó ra cửa xe. Xe đang chạy giữa một cánh đồng.

"Cô muốn hỏi gì? Làm sao là làm sao?"

"Ông đã có vợ mà lại còn yêu Vi Vân?"

Chàng ngắt lời:

"Có vợ vẫn còn yêu được chứ cô".

"Tôi thấy như thế… bế tắc lắm".

Thẩm không biết nói gì.

"À mà Vi Vân đã…"

Cô gái ngừng bặt. Thẩm chờ đợi nhưng cô không nói nữa. Chàng hiểu cô định nói gì.

"Có phải cô định nói Vi Vân đã nhận lời lấy người khác rồi không?"

"Ông biết".

"Vâng, tôi mới biết".

Cô gái tò mò:

"Rồi làm sao, ông?"

Thẩm thấy cần hút một hơi thuốc lá. Chàng hỏi lại cô gái:

"Làm sao là làm sao?"

"Rồi hai người xa nhau à?"

Chàng lim dim cặp mắt trong ánh nắng chiếu chấp chới:

"Phải xa nhau chứ làm sao, cô?"

"Ông có biết bao giờ Vi Vân làm đám cưới không?"

"Không, cô ạ".

"Nó không nói gì với ông sao?"

Chàng lắc đầu:

"Vậy hả? Theo tôi biết nó sẽ lấy một anh chàng sĩ quan không quân thì phải. Anh chàng hơn nó có ba bốn tuổi thôi".

Thẩm nghĩ đến người thanh niên mới bị thiệt mạng. Đúng là anh ta. Chàng tin chắc Vi Vân không yêu người thanh niên đó.

"Tôi có gặp anh chàng một lần".

Cô gái lên tiếng:

"Anh chàng theo đuổi Vi Vân lâu lắm rồi. Họ biết nhau từ hồi đi học cơ mà. Vì thế con bé nó mới lấy tên là Vi Vân".

Thẩm chưng hửng:

"Sao lạ vậy?"

Cô gái lúng túng, như mới lỡ lời. Thẩm gặng hỏi, cô cười cười:

"Tôi tưởng ông biết rồi chứ".

"Biết gì cô? Cô nói tôi không hiểu ra làm sao hết".

"Ông biết tên vị hôn phu của Vi Vân chứ? Chắc ông biết".

Thẩm lại nghĩ đến người chết.

"Không".

Cô gái suy nghĩ. Ít giây sau cô nói, giọng tâm sự, như hai người đã quen nhau hồi rất lâu:

"Ông hỏi thì tôi nói, nhưng tôi chắc ông cũng không buồn vì chuyện này, vì ông đã biết anh chàng trước sau gì cũng lấy Vi Vân. Vả lại chuyện xảy ra từ hồi nó chưa biết ông".

Thẩm hút thuốc, chờ đợi.

"Tôi có thể nói chính vì ông mà có một thời gian dài nó bỏ rơi anh chàng".

Thẩm ngạc nhiên:

"Như cô nói, Vi Vân đã yêu anh ta từ lâu rồi mà".

Cô gái liếc nhìn người bên cạnh:

"Ông đừng dùng chữ yêu".

Chàng nhún vai.

"Tôi không tin nó yêu anh chàng".

Thẩm có vẻ hài lòng.

"Vì hồi đó nó còn nhỏ quá".

Vi Vân biết Thẩm năm cô bé mười ba tuổi rưỡi. Thẩm nghĩ thầm: Trước mười bốn tuổi nhất định cô bé chưa biết yêu là gì.

"Tôi biết rõ chuyện ông với nó. Tôi cùng quê với nó, chúng tôi cũng ra chào đời ở Ninh Hòa. Tôi lại cùng học một lớp với nó trong mấy năm liên tiếp ở Ninh Hòa, ở Bắc Phố. Hồi đó nó có nhắc đến ông".

Thẩm áy náy:

"Nhắc làm sao cô?"

Chiếc xe đò lại chạy qua một cây cầu.

"Tôi nhớ hình như ông có gửi cho nó một lá thư, năm nó còn học đệ ngũ gì đó. Nó ép lá thư với một đôi bướm trong cuốn Anh văn".

Thẩm đỏ mặt nhưng sung sướng:

"Cô có đọc lá thư đó không?"

"Nó đâu có cho tôi xem. Tình cờ tôi trông thấy mà thôi".

Thẩm cảm thấy thích thú ngầm, nhưng lại nói:

"Tệ quá!"

Cô gái gật đầu:

"Vâng, tệ thật. Đó là lá thư tình đầu tiên mà tôi đọc".

Chàng ngó cô gái:

"Vậy hả, cô thấy nó ra làm sao?"

"Ông phỏng vấn tôi đấy à?"

Thẩm nhìn nàng kỹ hơn. Hàm răng nàng thật đều, trắng muốt.

"Lúc đó tôi mười lăm tuổi".

"Cô hơn Vi Vân một tuổi".

"Vâng, thế mà nó hay bắt nạt tôi lắm. Tôi lén đọc thư của ông trong giờ ra chơi lúc Vi Vân ra ăn quà. Ông viết thư hay lắm".

Chàng có vẻ khoái chí.

"Tôi nhớ ông có chép một bài thơ của ai trong lá thư. À phải rồi, thơ Nguyễn Bính".

Chàng mơ hồ nhớ lại lá thư, nhưng không nhớ được gì. Hoàn toàn quên.

"Thơ Nguyễn Bính hả?"

"Ông không nhớ sao?"

Chàng cười để không phải trả lời.

"Nếu thế thì ông tệ lắm".

Thẩm nói:

"Cô thử nghĩ xem, tôi viết lá thư đó đã năm năm nay rồi. Năm năm đó đối với Vi Vân hay cô, hầu như chỉ là một chuỗi ngày dài thơ mộng, tươi thắm. Nhưng năm năm đó đối với tôi, bây giờ nghĩ lại, tưởng như xa lắc. Như mươi mười lăm năm".

Thẩm thấy thèm được nói, thèm tâm sự:

"Đàn ông mệt lắm. Nhiều chuyện phải nghĩ đến, phải làm. Năm năm trước tôi còn là một chàng trai trẻ. Năm năm sau, như bây giờ đang ngồi với cô đây, tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi cảm thấy mình già".

Cô gái niềm nở:

"Ông nghĩ thế chứ ông chưa già đâu".

"Khi một người muốn làm lại cuộc đời thì nhất định là y đã già rồi".

"Ông muốn làm lại cuộc đời sao".

"Muốn lắm".

"Ông sống không hạnh phúc sao?"

Thẩm cười buồn:

"Hạnh phúc là cái gì tôi chưa thấy. Kể ra nói thế thì quá tệ đối với những người đã sống với tôi. Thật ra, hạnh phúc là cái mà tôi chỉ thấy trong dĩ vãng".

Chiếc xe chạy bon bon, hình ảnh xanh mát hiện ra bên khung cửa, vun vút lúi lại phía sau. Bãi cỏ xanh chạy dài, dãy núi xanh biếc, một vài lùm cây thấp. Cùng lúc ấy Thẩm còn thấy những hình ảnh khác, một ngõ hẻm chan hòa ánh điện ở Chợ Lớn, một cửa sổ mở trong đêm khuya, một bàn tay vươn ra, vẫy vẫy. Một căn nhà nhỏ tại một vùng ngoại ô Sài Gòn, một chiếc xe Solex chạy vào, một tà áo trắng thanh tân.

Thẩm chợt nhớ, quay lại hỏi cô gái:

"Ban nãy cô nói gì về cái tên Vi Vân nhỉ?"

"Tôi nói gì đâu?"

"Có. Tôi nhớ. Cô hỏi tôi có biết tên vị hôn phu của Vi Vân không, người mà Vi Vân biết từ hồi thơ ấu".

Cô gái cũng chợt nhớ ra.

"À. Vi Vân đâu có phải là tên thật nó".

"Tôi biết, tên thật Vi Vân là Vân".

"Vi là tên anh chàng sắp cưới nó. Anh chàng kể cũng chung tình, biết nó không yêu mình, biết rõ nó yêu ông mà đeo đuổi hàng bao năm nay không bỏ".

Thẩm ngạc nhiên. Điều đó chàng không ngờ. Nếu vậy có hồi Vi Vân cũng phải yêu anh ta. Chàng bỗng thấy khó chịu.

"Thật không cô?"

Cô gái có vẻ không hiểu:

"Thế ra ông không biết hả. Tuy nó không nói nhưng chắc là thật. Tôi thấy nó lấy tên Vi Vân từ hồi học đệ ngũ mà".

Hình ảnh người thanh niên xấu số lại hiện ra trong tâm trí Thẩm, trên con đường ven sân vận động ở Bắc Phố. Anh đã ngã xuống với lưỡi dao của chàng.

Thẩm thốt lo sợ. Lúc ấy chiếc xe đã phải mở đèn. Đêm đang xuống. Chàng hỏi cô gái:

"Liệu mấy giờ tới Bắc Phố, cô Nga?"

"Lối nửa tiếng nữa, ông ạ".

Cô gái chợt nói:

"Ông buồn hả?"

Chàng gật đầu:

"Có người yêu đi lấy chồng nhất định là phải buồn rồi. Vi Vân ra Ninh Hòa là để chia tay tôi".

Thẩm lại nói dối. Chàng nhìn cô gái quan sát. Nàng lắng nghe chăm chú, có vẻ ngạc nhiên:

"Vậy hả ông? Nhưng sao hai người lại phải chọn Ninh Hòa để chia tay?"

"Tại vì… thật ra…"

Thấy Thẩm lúng túng, cô gái vội nói tiếp:

"Mà thôi, tôi tò mò quá".

Chiếc xe bắt đầu chạy vào vùng ngoại ô Bắc Phố. Một xóm chài, mấy con thuyền kéo cạn, những mặt nhà tối tăm. Thẩm bồn chồn theo vòng bánh xe.

Ít phút sau chiếc xe dừng lại trước trạm kiểm soát đầu tỉnh. Người tài xế tắt máy, quay lại nói lớn với hành khách:

"Cô bác đừng rời xe".

Trong khi ông ta cầm cuốn sổ hành trình vào trong trạm, Thẩm chăm chú theo dõi. Ông ta trở ra với hai người cảnh sát. Thẩm muốn đứng vụt dậy.

Người lơ xe buột miệng:

"Đ.m. Sao hôm nay rắc rối vậy!"

Chàng hỏi vội:

"Mọi khi cho chạy luôn hả?"

Anh ta gật đầu:

"Mọi khi chạy luôn. Trình cho có lệ thôi mà. Chắc hôm nay có gì lạ".

Thẩm ngó ra. Hai người cảnh sát bước vội vã súng cầm lăm lăm trong tay. Chàng lẻn vội ra cửa xe, cô gái không kịp hỏi một lời nào.

Thẩm chạy mươi bước tới một dãy nhà thấp, trong khi phía chiếc xe hành khách lao xao. Chàng nghe tiếng quát tháo của hai người cảnh sát. Sau đó là tiếng chân chạy sầm sập mỗi lúc một đến gần hơn.

Chàng chạy qua một nghĩa địa nhỏ. Vượt khỏi nghĩa địa, chàng tới một nhà thờ.

Nửa tiếng đồng hồ sau Thẩm đã ngồi thu mình trong một quán cà-phê trên một con đường nhỏ hẻo lánh ở Bắc Phố. Trong bóng tối mờ, chàng không sợ ai nhận ra mình. Hút đến điếu thuốc thứ mười, chàng đi ra.

Thẩm vẫy một chiếc xích lô:

"Tới rạp xi-nê Hào Quang".

Khi Thẩm đã ngồi lên xe, người phu nói:

"Giờ này vô phim rồi cậu".

"Không sao".

Xe chạy lối mười phút tới nơi. Chàng đến phòng vé trong khi cô bán vé đang tính tiền.

"Giữa phim rồi ông".

"Tôi muốn hỏi cô Nga".

Cô bán vé im lặng ngó Thẩm.

"Tôi vừa đi chung xe với cô Nga từ Ninh Hòa tới".

"Vâng, tôi biết".

Theo lời chỉ dẫn của cô bán vé, mà Thẩm đoán là chị Nga, chàng trở ra, men lối vào bên trong phía sau rạp. Ngôi nhà sang trọng kế cận cùng màu vôi với rạp chiếu bóng. Một đứa nhỏ đang ăn bánh trước nhà.

"Chị Nga đâu em?"

"Trong nhà".

"Em bảo chị ra có ai hỏi gì".

Cô gái bỡ ngỡ hiện ra. Thấy Thẩm cô mừng rỡ:

"Trời ơi. Sao vậy ông?"

Chàng không nói.

"Ông làm tôi hết hồn. Họ bắt cái bà ngồi trước tôi rồi".

Thẩm ngạc nhiên.

"Bà đó buôn lậu nổi tiếng trên con đường này rồi. Nhưng tại sao ông lại bỏ chạy? Hành khách họ đoán ông cũng cùng nhóm với bà ta. Tôi chẳng hiểu sao hết".

Thẩm mừng rỡ:

"Họ có bắt được hàng hóa gì không cô?"

"Toàn đô-la xanh trong cái va-li nhỏ. Bà ta đổi từ Quy Nhơn vào. Chắc bà ta làm ăn lâu rồi, bây giờ mới bị phát giác đấy".

Thẩm cười ngớ ngẩn. Ít phút sau chàng đâm hối. Nếu chàng vững tâm ngồi nán lại trên xe…

"Mời ông vào trong nhà chơi".

Thẩm ngồi trên ghế, nghĩ mình lẩn thẩn.

Cô gái hỏi ngay:

"Tôi đi gọi Vi Vân hộ ông nhé".

Thẩm chậm rãi châm một điếu thuốc, lấy thì giờ suy nghĩ. Thật sự chàng không còn thấy muốn gặp cô bé trong lúc ấy. Có sự lỡ làng, có cái dở dang khiến Thẩm buồn chán, nản lòng.

"Ông ngại hả?"

Thẩm lắc đầu:

"Không".

"Ông không muốn gặp nó nữa sao?"

Thẩm tính nói không, cụt lủn, nhưng nghĩ tốt nhất nên cùng cô gái đi dạo một vòng ở Bắc Phố. Giờ này chàng không còn biết làm gì và chắc chắn không thể ngủ được. Nghĩ tới một căn phòng trống trải như căn phòng ở khách sạn Chim Đại Dương, chàng thấy bải hoải.

Chàng xem giờ, giả bộ:

"Chỉ sợ tối rồi, cô đi không được".

Cô gái ngó vào nhà trong:

"Ông đừng ngại. Để tôi đưa ông đi".

Sau khi vào nhà trong, cô gái trở ra và cùng Thẩm ra đường. Trong khi chàng đang tính gọi xe thì nàng chỉ chiếc xe du lịch đậu trước rạp xi-nê:

"Đi xe này, ông. Xe của ba tôi".

Thẩm cười gượng. Chiếc xe ra đường lớn. Thẩm nói:

"Mình đi một vòng đã cô".

"Ông muốn đi đâu?"

"Chạy dọc bờ biển".

Cô gái gật đầu nói:

"Thỉnh thoảng tôi mới ra bãi biển. Lần nào cũng thấy biển giống nhau".

Thẩm biết là nàng nói đúng, mặc dù Vi Vân thường nói khác thế. Trong những lá thư viết cho chàng cô bé thường nói mỗi lần ra biển lại thấy biển khác.

Lúc biển vui, lúc biển buồn. Lúc biển mặc áo vàng, lúc biển mặc áo xanh. Và Vi Vân chỉ thích biển mặc áo vàng, "là màu áo lần đầu tiên em mặc khi đi chơi với anh, trong lần đầu tiên anh về Bắc Phố".

Chiếc xe chạy trên quãng đường vắng. Biển đen ngòm, rào rào. Phía khơi xa, hàng điện trên đỉnh đồi như con sâu róm vàng trong một phim hoang đường Nhật Bản.

"Cô có bao giờ ra đó chơi không?"

"Ông nghĩ gì đó, ông Thẩm?"

Thẩm cười buồn:

"Cuộc phiêu lưu sắp chấm dứt".

Cô gái cười:

"Vậy là chính ông cũng nhận chuyện của Vi Vân với ông chỉ là một cuộc phiêu lưu?"

Chàng gật đầu:

"Bây giờ tôi cảm thấy như thế".

Cô gái cười giòn giã, thân mật:

"Chuyện thấy rõ ràng rồi chứ còn cảm thấy gì nữa".

"Vâng. Rõ ràng. Cuộc phiêu lưu đã rõ ràng là cuộc phiêu lưu thất bại".

Cô gái lắc đầu:

"Đã gọi là phiêu lưu thì thất bại nhiều hơn thành công, tưởng ông biết rõ như thế. Chỉ buồn cho Vi Vân".

Thẩm cãi:

"Tại sao lại chỉ buồn cho Vi Vân? Cô tưởng tôi vui được sao".

"Ông không thể buồn bằng Vi Vân. Đàn bà con gái vẫn buồn hơn đàn ông trong vụ này".

Thẩm hỏi thình lình:

"Cô yêu bao giờ chưa?"

"Rồi, ông ạ. Và cũng đã biết thế nào là tình yêu".

Nàng ngó Thẩm, nói vội vàng:

"Khuya rồi, để tôi đưa ông tới với người đẹp".

Thẩm lắc đầu:

"Tôi không có ý đến Vi Vân nữa".

Cô gái hỏi:

"Sao lạ vậy, ông?"

"Không có gì lạ đâu cô. Tôi không muốn tới Vi Vân nữa".

"Đêm nay ông ngủ đâu?"

"Cô làm như nếu đến Vi Vân, tôi sẽ ngủ lại đó không bằng. Tôi ngủ tạm ở khách sạn".

"Buồn chết".

Thẩm nhún vai:

"Đành chịu vậy chứ làm sao".

Thẩm ngả lưng vào ghế xe, nhớ hôm cùng Vi Vân ra đảo. Hai người thuê một con thuyền nhỏ tới đó, và chàng đã sợ hãi cái mênh mông của biển trời, dù chàng đã sống những phút êm đềm với cô bé trong căn phòng lộ thiên, cái tên chàng đặt cho nơi chàng đã nằm nói chuyện cùng Vi Vân, một phiến đá thoai thoải nằm lọt giữa ba bờ đá dựng. Hôm đó mới cách đây hai ngày, vậy mà đối với Thẩm, đã xa vời, đã lùi bẵng, đã khiến chàng hối tiếc.

Xe đi hết bờ biển, trở lại thành phố trên một đại lộ vắng.

Cô gái nói:

"Hết đường này là tới nhà Vi Vân".

Thẩm thốt hoang mang. Chàng xem giờ. Chàng muốn cản cô gái. Chàng thấy không còn lý do gì để gặp người yêu trong lúc này nữa. Tự trong thâm tâm chàng cảm thấy đã xa nàng, có lẽ đã mất nàng.

Cuộc phiêu lưu dường như sắp chấm dứt.

Chiếc xe chậm lại trước một ngã tư. Cô gái chỉ con đường băng ngang nói:

"Lối này vào phi trường, lối này vào nhà Vi Vân. Ông tính đi lối nào?"

"Đi thẳng".

Cô gái chưa tin:

"Ông không tính ghé Vi Vân thật sao?"

"Không, tôi không tính ghé đâu nữa hết".

"Sao vậy. Ít ra…"

Cô buông lửng.

"Tôi mới nghĩ ra không nên gặp Vi Vân nữa. Chẳng còn gì để nói hết. Dù sao cũng xong rồi".

Chiếc xe tiếp tục chạy với tốc độ thường:

"Vậy bây giờ ông tính đi đâu?"

"Cô cho tôi… xem nào…"

Thẩm cười gượng.

"Bây giờ ông không biết đi đâu phải không?"

Chàng gật đầu:

"Quả thế, bây giờ tôi không biết đi đâu hết. Không những thế, sáng mai tôi cũng không biết phải đi đâu".

Cô gái ngạc nhiên:

"Sao lạ vậy, ông?"

Thẩm châm thuốc, vừa có một quyết định bất ngờ:

"Đúng hơn tôi muốn về Sài Gòn mà không biết phải rời Bắc Phố bằng cách nào. Ra phi trường hay bến xe bây giờ là cảnh sát tóm tôi ngay. Vì thế ban nãy thấy cảnh sát, tôi phải lẩn trốn".

Cô gái ngó Thẩm trừng trừng:

"Ông đã làm một chuyện gì ghê gớm sao?"

"Có thể cho là ghê gớm, song bây giờ tôi không thể nói ra với cô được, vì tôi đang cần cô giúp".

"Ông cứ nói ra đi. Muốn tôi giúp, ông càng cần phải nói ra chứ".

"Đúng ra thì thế, nhưng một khi nói ra rồi cô sẽ không giúp tôi nữa".

Cô gái im lặng. Thẩm nói:

"Cô có chiếc xe này, cô có thể giúp tôi được".

"Nếu thế thì dễ quá".

"Không dễ đâu cô. Vì giờ này dù cho xe nhà cũng không rời Bắc Phố được. Phải sáng sớm mai".

"Nếu cần, sáng sớm mai tôi đưa ông đi".

Thẩm hoài nghi:

"Tôi tin cô được không?"

Cô gái nhìn chàng có vẻ thương hại:

"Cái đó là tùy ông. Tin tôi hay không tin tôi cũng thế thôi. Miễn là sáng mai tôi tới đưa ông đi".

"Cô không thắc mắc gì sao?"

"Có. Vì thế ông phải cho tôi biết".

Thẩm lắc đầu:

"Cô Nga, tính mạng tôi đang bị đe dọa. Tôi rất cần cô giúp. Nếu tôi nói ra, tôi sợ cô không giúp. Mà đã nói ra, cô có vui lòng… không rời tôi đêm nay không".

Thẩm chờ đợi nét ngạc nhiên trên khuôn mặt trắng trẻo của nàng, nhưng nàng lại che tay cười:

"Ông nói gì nghe kỳ quá".

"Tôi nói thế mà chưa rõ ràng sao. Tôi xin cô đừng rời tôi đêm nay, để sáng sớm mai cô đưa tôi ra khỏi Bắc Phố bằng chiếc xe này".

Cô gái lắc đầu:

"Đưa ông đi thì tôi sẵn sàng đưa, cho dù ông có mang đồ lậu trong mình. Nhưng đi qua đêm là chuyện nhất định không thể được. Tôi là con gái…"

"Tôi biết nói sao để cô yên tâm về điều đó?"

"Vâng. Làm sao tôi yên tâm được. Ông là một người đàn ông xa lạ, cho dù ông là bạn thân của Vi Vân, nhưng nói thật với ông, tôi không sợ gì dư luận dị nghị. Tôi vẫn từng xa nhà một hai lần, qua đêm, nhưng phải báo trước cho gia đình. Với lại ông chưa cho tôi biết rõ lý do vì sao ông muốn… ở bên tôi đêm nay".

Thẩm chỉ chiếc xe:

"Tôi cần chiếc xe này. Cần luôn tài xế nữa".

Cô gái mở to mắt:

"Dường như ông không nói đùa?"

Chàng lắc đầu:

"Tôi nói thật đấy. Lẽ ra cần phải có một bộ mặt thật dữ dằn thì cô mới tin".

"Ông không có cách nào khác sao?"

Thẩm uể oải:

"Để tôi nói cho cô nghe: Tôi đã phải trốn khỏi Bắc Phố tới Ninh Hòa mới dám lên xe đò. Bây giờ tôi không muốn làm như vậy nữa. Với lại cô Nga à, tôi không buôn lậu đâu. Tôi giết người".

Cô gái cười ngượng:

"Ông nói giỡn làm gì những chuyện ghê gớm như vậy".

"Cô vẫn không tin tôi. Quẹo vào đây, cô".

"Ông phải cho tôi về nhà báo tin cho gia đình biết chứ".

"Tôi không thể để cô về được".

"Trời ơi, ông Thẩm".

"Tôi có gì đáng sợ đâu. Tôi sẽ để cô báo tin cho gia đình, nhưng cô không thể về nhà đêm nay được. Bây giờ cô cứ làm theo lời tôi đi".

Chiếc xe chạy tới một ngã tư.

"Ra bờ biển".

Thẩm ra lệnh cho cô gái mỗi lần xe tới một ngã tư. Cuối cùng hai người vào trong sân khách sạn Chim Đại Dương.

"Để xe vào trong này, cô Nga".

Thẩm chỉ một chỗ khuất trong sân. Sau đó chàng lấy chìa khóa xe bỏ túi. Hai người bước vào trong quán.

"Cô ngồi đây".

Chàng chỉ cái ghế gần quầy, rồi đến gần bà chủ quán.

"Chào bà".

Bà ta đáp giọng bình thường, như thể không có gì xảy ra, đến nỗi Thẩm có cảm tưởng bà ta đã quên mình.

"Thưa bà, tôi muốn lấy cái phòng cũ…"

Người đàn bà vẫn ghi chép trên cuốn sổ dày, ngước mắt ngó lên. Nhận ra Thẩm, bà tươi cười:

"Kìa ông, ông trở lại sớm thế!"

Thẩm bắt đầu đóng kịch:

"Tôi mê cái quán của bà".

"Trời đất!"

"Vả lại có lẽ tôi không muốn rời Bắc Phố nữa".

"Sao, Bắc Phố đã quyến rũ được ông rồi?"

"Bắc Phố đã chôn chân tôi rồi".

Người đàn bà cười vui vẻ, lấy chìa khóa trong phòng trao cho Thẩm rồi tiếp tục cúi xuống ghi chép. Thẩm trở lại bàn ngồi với cô gái.

"Cô uống cái gì đi".

Người bồi nhiều tuổi nhất trong quán đã đợi sẵn. Không đợi cô gái chọn lựa, Thẩm gọi cho nàng một chai cam vàng và chàng một chai bia lạnh. Sau đó chàng gọi món ăn. Khi người bồi đi, chàng thở phào:

"Đói quá!"

Nhìn vẻ mặt bần thần của người thiếu nữ, chàng hỏi:

"Cô ngại ở nhà đang lo sợ phải không? Nhà có điện thoại chứ?"

"Có, ông. Điện thoại ở ngoài rạp".

Cô nói số. Thẩm ghi và trở lại quầy. Bà chủ quán trông thấy chàng chợt nói:

"À, sáng nay có người đến kiếm ông thì phải".

Thẩm lo âu:

"Họ hỏi tôi?"

"Họ không hỏi rõ tên ông, nhưng tả hình dạng, tôi đoán là họ hỏi ông".

"Người đó ra sao, bà?"

"Còn trẻ, trắng trẻo, thấp".

Thẩm đoán là người anh của Vi Vân.

"Tôi bảo ông đi rồi, anh ta ngồi uống bia cả giờ rồi mới chịu đi".

Thẩm quay điện thoại về rạp Hào Quang. Khi đầu dây bên kia được nhấc lên, chàng trao máy lại cho cô gái.

"Tôi Nga đây", cô gái nói," cho tôi nói chuyện với anh Hai tôi nhé".

Nàng phải chờ đợi một lát. Khi đầu dây có tiếng nói, nàng bỗng ấp úng:

"Anh Hai hả… em, Nga đây. Cái xe của ba hỏng rồi, anh ạ. Dạ, em cho vào ga-ra rồi. Dạ, em lại nhà Vi Vân chơi, ở nhà đừng ngại gì nha anh. Em ở đằng đó có khi sáng mai mới về".

Nàng nói tới đó Thẩm cúp máy.

Chàng lẹ làng đưa tay nhấn vội trên giá máy khiến nàng chưng hửng. Nàng há miệng tính nói, sau đành im lặng. Thẩm về bàn trước.

Khi hai người đã ngồi xuống hai bên bàn ăn, Thẩm bảo cô gái:

"Cô Nga à, tôi không có cách nào khác. Thế nào rồi cô sẽ gặp Vi Vân ngày mai. Vi Vân sẽ cho cô hiểu rõ tình cảnh của tôi mấy hôm nay".

"Bây giờ tôi bắt đầu tin có lẽ ông đã giết người thật".

Thẩm trầm ngâm, giọng lửng lơ:

"Tôi đang bị lùng bắt dữ lắm. Cô biết, nhưng tình cảnh đó, tôi có thể làm bất cứ chuyện gì để thoát thân".

"Tôi vừa hiểu như vậy, khi ông cúp điện thoại. Nhưng ông có thể kể cho tôi nghe chuyện ông giết người như thế nào không?"

"Không. Cô không nên biết làm gì".

"Tôi muốn biết".

"Trước hết mình ăn đã".

Đồ ăn được mang đến. Thẩm ăn thật ngon lành trong khi nữ tù nhân của chàng chỉ nhấm nháp cầm chừng. Nàng bắt đầu xốn xang về người đàn ông ngồi trước mặt.

"Ông nên kể cho tôi rõ chuyện gì đã xảy ra".

Thẩm ngắt:

"Cô không nên biết. Cô biết chỉ thêm bận tâm".

"Ông muốn tôi giúp ông thì ông phải nói".

Chàng ngưng ăn:

"Cô dọa tôi thì phải?"

Cô gái nhún vai:

"Ông biết rằng tôi có cảm tình với ông, tôi muốn giúp ông thật sự. Phần khác cũng vì tôi nghĩ đến Vi Vân. Tôi có thể la thật to ngay bây giờ để người ta bắt ông, nếu quả thật ông đã giết người".

Thẩm nhìn quanh quán, thấy cô gái nói có lý, nhưng gượng cãi lại:

"Ở đây làm gì có cảnh sát. Mấy người kia sẽ không tin cô chút nào. Cô lái xe vào quán với tôi, cô ngồi nói chuyện vui vẻ với tôi…"

"Vui vẻ? Ông bịa đặt".

Cô gái nhếch mép cười sau khi ngắt lời Thẩm.

"Cô nói tôi nặng lắm đấy. Lòng cô không vui vẻ gì thật, cũng như tôi bây giờ vậy, nhưng nhìn bề ngoài người ta chỉ thấy chúng ta nói chuyện tươi cười với nhau".

"Tươi cười?"

"Đó, cô nhếch mép cười đó".

"Ông nhiều tưởng tượng thật. Ông giết ai vậy?"

"Một anh chàng không đáng chết chút nào. Tôi cũng không muốn giết anh ta chút nào. Ngộ sát".

"Bao giờ?"

"Cách đây hai ngày".

"Ngay ở Bắc Phố?"

Thẩm gật đầu:

"Nếu quả tình ông giết người vì ngộ sát, tôi còn có thể tin được. Nhưng dù sao…"

Chàng đoán được ý cô gái, mặc dù nàng bỏ dở câu nói.

"Nhưng dù sao tôi cũng đã nhúng tay vào máu, phải cô định nói như vậy không? Tôi biết rõ điều đó, cô Nga. Bởi thế, dù Vi Vân không nói gì, sau khi rời khỏi nơi đây, tôi cũng sẽ không bao giờ trở lại nữa".

Cô gái sửng sốt:

"Vi Vân nó biết chưa?"

Thẩm lúng túng chưa kịp trả lời thì nàng đã nói tiếp:

"À, chắc là nó biết rồi, vì chuyện đã xảy ra cách đây hai hôm. Hèn chi ông phải ra Ninh Hòa. Phải rồi, bây giờ tôi mới nghĩ ra".

Ăn xong, Thẩm đưa cô gái tới căn phòng cuối dãy. Một người bồi nào đó đã mang trở lại chiếc va-li quần áo cho chàng.

Cô gái nhìn vào căn phòng nhỏ, chỉ có một chiếc giường, lúng túng không biết thế nào. Thẩm nói:

"Đêm nay cô sẽ ngủ trên giường. Tôi ngồi trên chiếc ghế này được rồi".

Nàng nhún vai:

"Ông phải ngồi cạnh tôi chứ. Lỡ tôi đi báo cảnh sát thì sao?"

"Liệu cô có thể đi báo cảnh sát không?"

"Có thể lắm chứ, ông".

Thẩm thấy rằng rõ ràng cô gái đã có ác cảm với chàng. Chàng đứng dậy khóa cửa:

"Có thể lắm thật. Tốt nhất là tôi không cho cô đi đâu".

Cô gái cười khẩy:

"Ông an lòng chưa? Có cần trói tôi vào chân giường nữa không?"

"Để còn xét".

"Ông có trói thì trói ngay bây giờ".

Chàng ngạc nhiên:

"Tại sao vậy? Tôi có cảm tưởng cô muốn khiêu khích một kẻ sát nhân?"

"Tôi chẳng dại gì mà làm như vậy. Nhưng tôi sắp yêu cầu ông một điều. Trói hay không là tùy ý ông".

"Điều gì vậy cô?"

"Dù thế nào ông cũng phải cho tôi biết rõ vụ này. Như thế may ra tôi mới giúp ông được. Tôi sẽ giúp ông, dù bị ép buộc, nhưng tôi cũng phải biết chuyện ghê gớm đó".

Thẩm suy nghĩ, ngắm nghía căn phòng. Chàng tin không cần phải trói cô gái. Chàng gật đầu:

"Nếu cô bắt buộc, chắc tôi không thể từ chối. Chắc chúng ta sẽ phải thức rất khuya".

"Không sao, ông ạ".

"Thế này, cô đợi tôi một chút".

Chàng mở cửa, khóa lại kỹ càng rồi ra quán gọi nước ngọt, bia, bánh ngọt, nhờ mua thuốc lá, dự trù thực phẩm cho một đêm thức khuya. Chàng trở vào cùng người bồi mang theo những thứ đó. Chàng khóa cửa trở lại khi người bồi ra khỏi phòng.

"Cô uống đi".

"Ông kệ tôi. Ông kể đi. Tôi nóng ruột lắm".

Thẩm uống bia. Chàng bắt đầu kể tất cả sự thật".

Cô gái nhìn Thẩm trừng trừng sau khi chàng kể xong.

"Ông chưa cho tôi biết tên của người bị biết".

"Tôi đâu có biết anh ta. Sau này mới biết anh ta chính là người đã đi hỏi Vi Vân".

Cô gái kinh hoàng:

"Vậy là Vi? Có phải Vi không?"

Thẩm luống cuống:

"Cô làm sao vậy?"

"Có phải Vi không? Có đúng là vị hôn phu của nó không?"

Thẩm biết chắc đó là Vi, nhưng lại nói:

"Tôi chỉ biết đó là người đã hỏi Vi Vân. Chính Vi Vân đã nói với tôi như vậy".

Cô gái vụt đứng dậy ra khỏi giường. Cô ngó Thẩm rồi cười nhạt:

"Thế là ông đã giết vị hôn phu của nó, bây giờ ông lại tính bỏ hẳn nó. Vậy là ông không nghĩ đến nó chút nào hết. Nếu quả thật như vậy, tình yêu của ông chẳng đáng gì hết".

Thẩm nhún vai:

"Có lẽ thế. Tôi cũng mới thấy tình yêu chẳng là cái quái gì. Tôi vừa qua tuổi ba mươi, tôi không còn lầm được nữa. Tình yêu chỉ là một thứ tình cảm yếu đuối khi mình không biết sống để làm gì. Bây giờ có lẽ tôi yêu tôi hơn hết mọi thứ ở đời".

Cô gái ngó Thẩm với nét mặt lạnh lùng ác cảm.

Chàng tiếp tục nói:

"Lúc này, điều quý báu nhất đối với tôi là tự do".

Chàng bỗng cười khan, tiếng cười gượng gạo:

"Chắc cô không đồng ý với tôi đâu. Vì cô đang nghĩ tới bạn cô. Tôi cũng đang nghĩ tới Vi Vân, mà nghĩ một cách khác. Tôi nghĩ đó là…"

Thẩm bỏ lửng câu nói, có lẽ vì nhận ra mình đang trở nên thô lỗ.

Chàng im bặt, lắng nghe tiếng chân lạo xạo trên sân sỏi mỗi lúc một tới gần. Cô gái nghiêng tai, cười cười, vẻ khiêu khích.

Cô nói nhỏ:

"Tôi chỉ cần kêu lên một tiếng là ông bị bắt".

Thẩm ngó nàng trừng trừng.

"Ông thù ghét tôi đến thế cơ à?"

Tiếng chân đi qua. Thẩm thở ra, trút dần hơi thở đầy ứ trong ngực:

"Cô Nga, cô không nên chọc giận tôi. Chỉ một cử động khiêu khích nhỏ của cô là tôi có thể bóp cổ cô liền. Tôi sẽ làm cô im tiếng bằng bất cứ cách nào".

Thẩm xem giờ:

"Khuya rồi, cô nên đi ngủ".

Chàng chỉ xuống mặt nệm căng mượt:

"Tôi nhường cho cô ngủ".

Thẩm tắt đèn, gian phòng chỉ còn được soi sáng bằng ngọn đèn nhỏ trong phòng vệ sinh. Cô gái kéo gối tựa lưng, ngả người trên thành giường. Thẩm mệt mỏi ngồi trên ghế kê sát cửa ra vào, mà chìa khóa đã được chàng cất trong túi.

Thẩm choàng tỉnh trong tiếng mưa đổ sầm sập rung chuyển cả căn phòng.

Chàng hốt hoảng xô ghế đứng dậy, cô gái không còn ở đấy.

Thẩm đã gắng sức mở mắt, đã nhiều lần đưa đầu đỏ điếu thuốc vào gần mi mắt, nhưng chàng đã ngủ mất lúc nào. Có lẽ từ lúc cơn mưa rì rào nhẹ nhàng khởi sự.

Chàng bước vội về phía phòng vệ sinh. Cửa khép, chàng thở phào, tin rằng cô gái ở trong đó. Dù sao chàng cũng gõ cửa.

Phía trong im lặng.

Thẩm lên tiếng sau nhiều lần gõ cửa:

"Cô Nga!"

Phía trong vẫn im lặng. Thẩm đẩy nhẹ, khe ánh sáng mở rộng, chàng lên tiếng lần nữa cho đến khi đành đẩy mạnh thêm cánh cửa. Cô gái đã biến mất.

Thẩm kinh hoảng chạy trở ra, lúc ấy mới nhận thấy cánh cửa sổ đã mở rộng. Cô gái đã thoát ra qua lối đó.

Chàng mở vội cửa ra vào. Trời mưa lớn, nước xối ào ào, khu sân rộng của quán Chim Đại Dương nằm trong bóng tối. Chiếc xe hơi của cô gái vẫn đậu nguyên chỗ cũ.

Thẩm tới gần chiếc xe, hy vọng cô gái ở trong, nhưng chiếc xe trống không. Hoảng kinh, chàng chạy vào phòng lần nữa, sau đó, chàng chạy dọc theo hành lang khu khách sạn, tới đứng ở đầu đằng kia khu hành lang, gần con đường nhỏ.

Ngay lúc đó chiếc xe đậu trước quán, một toán cảnh sát nhảy xuống. Thẩm tính leo rào ra con đường phía hông khách sạn, nhưng lại vẫn đứng yên trong bóng tối.

Toán cảnh sát chia làm hai, đi vòng quanh quán. Trong khi đó Thẩm thấy đèn trong quán bật lên, sáng trưng khắp mọi phía.

Chàng đứng trần trụi trong hành lang, dưới ánh sáng chói chang của ngọn nê-ông dài.

"Nó kia!"

Thẩm muốn chạy. Một tiếng la, rồi những tiếng chân. Chàng biết là không kịp nữa.

Ba cảnh sát viên tiến lại gần chàng, người đi sau cũng rút súng khỏi vỏ. Thẩm lặng yên để họ còng tay.

Lúc ấy cô gái xuất hiện.

"Đưa anh ta vào lấy đồ đạc".

Thẩm chỉ cho họ phòng mình. Cô gái đứng xa xa. Lát sau chàng thấy cả bà chủ quán. Bà ta lùi lại khi trông thấy chàng.

Thẩm được dẫn ra xe khi qua mặt hai người đàn bà. Chàng dừng lại trước mặt cô gái. Cô ta nhìn chàng, trừng trừng, cặp mắt dường như mỗi lúc một mở lớn hơn, sẵn sàng gây gổ nếu Thẩm có một cử chỉ nào đó có vẻ khiêu khích. Thẩm biết mình thất thế, thay vì định nói, lại thôi.

Chàng đi lướt qua, dầm mình ngoài trời mưa. Cô gái hẳn đã coi chàng là kẻ tồi bại, mọi lời với nàng chỉ là vô ích.
PAGE OF 5

5.

Trong tâm trí Vi Vân, từng bước một, nàng đi lùi trở lại khoảng thời gian những năm trước. Những năm mới lớn, nao nức ở thành phố cô đơn, ngóng trông tin tức Thẩm từ Sài Gòn vang vọng về. Khuôn mặt Thẩm hồi đó cũng khác bây giờ. Mái tóc ngắn hơn, vầng trán phẳng phiu hơn, cặp mắt trong hơn, đen hơn. Mới mấy năm trôi qua, Thẩm đã khác. Đời chàng cũng đã khác, mất đi rất nhiều dự tính, rất nhiều nét sáng tươi, để bây giờ là một người đàn ông sớm già, sớm mệt mỏi, và khổ thay, đang bó gối trong trại giam chờ ngày tòa xét xử.

"Có phải vì mình chăng" – Cô bé nghĩ – "Có phải vì mình mà chàng thay đổi như vậy?".

Cô bé vẫn thả bộ trên bãi cát, dưới nắng vàng. Cô dừng lại trước xác chết của một con cá. Xác chết trương phồng, trắng bệch. Thuở nhỏ, mỗi sáng sớm cùng mấy đứa bạn xuống bãi, có lần cô bé đã đào cát chôn xác cá. Cũng như đã xây đắp tòa lâu đài mơ ước bên bọt biển. Vi Vân nhìn xác cá, bước qua và ngước nhìn lên phía đường phố. Cô bé vội vã vẫy chiếc xích lô đang thả trôi trên đường.

Nửa tiếng sau chiếc xe dừng lại trước một căn nhà cổng sơn đỏ ở đường Tân Viên. nhiều người lố nhố đứng ngoài cổng, nhiều người đứng xa hơn, ngó vào.

Cô bé bàng hoàng. Cả Bắc Phố đã biết chuyện.

"Cô ấy về kìa!"

Vi Vân vừa định lẩn tránh, nhưng không kịp nữa. Tiếng một người nào đã dội lên. Những cặp mắt soi mói sáng rực trên những khuôn mặt tăm tối. Cô bé bắt đầu nghe nổi lên tiếng xì xào, tiếng xì xào mênh mông không rõ rệt, vô nghĩa. Cô chóng mặt phải vịn vào cánh cổng.

Một người nào đó từ trong nhà chạy ra. Liên. Quần áo trắng toát.

"Chị làm sao thế?"

Vi Vân nhìn loáng thoáng bóng người. Cô được đặt nằm xuống giường. Căn phòng im vắng lạ lùng.

"Ở nhà có gì lạ không em?"

Liên ngơ ngác ngó chị:

"Có gì đâu?"

"Sao người ta đứng ngoài cổng đông thế?"

"Em cũng không biết. Để em xem".

Vi Vân vẫy tay cản lại. Chắc chắn là Liên chưa biết gì về dư luận trong thành phố. Dư luận khởi sự trên những bộ mặt háo hức, những con mắt láo liên.

"Em rót cho chị ly trà nóng rồi để chị nằm nghỉ".

Cánh cửa mở ra nhẹ nhàng. Vi Vân mở mắt, rồi khép lại ngay. Cô bé vẫn chờ đợi phải đối diện với anh mình, từ nhiều ngày nay. Nhưng cả hai anh em đều lảng xa nhau mỗi khi có thể gặp nhau trên thềm nhà, trong phòng khách. Sự chờ đợi nặng nề đến không một chút đột ngột, dù mỗi lần nghĩ đến, Vi Vân thấy khó thở.

"Vi Vân".

Cô bé không chịu mở mắt. Khuôn mặt người anh lờ mờ trong mòng mi khép của nắng chiều soi qua khung cửa sổ.

"Vi Vân".

Cô bé vẫn nằm trên giường.

"Em nghe".

"Em khỏe chứ?"

"Bình thường".

Một bàn tay đặt nhẹ lên vầng trán nóng:

"Em đừng lo lắng gì hết. Mọi chuyện đã có anh. Anh sẽ dàn xếp ổn thỏa hết để không ai phiền đến em. Mấy hôm nay anh không nói chuyện với em được vì anh phải lo điều đình với họ".

Cô bé tính mở mắt lại thôi.

"Bây giờ thì có thể yên rồi. Cảnh sát sẽ không đến đây nữa. Không ai biết gì về chuyện em hết".

Đôi mắt mở ra, sáng rực:

"Em không sợ điều đó".

"Đã đành là em không sợ, nhưng cả thành phố biết thì có lợi gì đâu. Em lớn lên ở đây…"

Vi Vân nói nhẹ nhàng:

"Chắc em sẽ không sống ở đây mãi đâu. Em không thể sống nổi ở đây nữa, cho dù không ai biết gì. Cái khổ là em biết hết".

Bàn tay vàng khói thuốc vuốt ve trên cánh tay cô bé:

"Vi Vân, chỉ một mình em biết thôi".

"Anh tưởng thế. Với lại điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là những gì em nghĩ về Bắc Phố đã đổi khác. Thành phố này rồi phải mất em, trong khi thật ra, em cũng không mơ ước được sống ở đây".

"Vi Vân!"

Anh ta kêu lên vẻ khổ sở. Cô bé mở mắt nhìn anh:

"Em rất thương yêu mọi người trong gia đình, nhưng em thấy cô đơn lắm. Mỗi sáng đi làm, mỗi chiều rời sở, em đều đi vòng ra ngoài biển, nhìn biển thay đổi màu sắc, mỗi màu biển là một cảnh buồn. Lúc nào em cũng cô đơn. Em biết chắc em không thể sống mãi ở đây được nữa".

Người anh thủ thỉ:

"Em còn nhỏ lắm, chưa thể ra đời được đâu".

Cô bé cười:

"Anh đừng lo chuyện đó. Em có rất nhiều bạn, nên em cũng khá hiểu cuộc đời".

Một lát người anh hỏi:

"Em tính đi đâu?"

"Hiện giờ em có hai ba nơi có thể đi được. Sở em làm sẵn sàng cho em tới những nơi đó".

Người anh bỗng thắc mắc một điều gì. Sau khi mồi điếu thuốc, anh ta hỏi em:

"Lúc thằng Vi còn sống, nó có nói với anh nó không hiểu em muốn gì. Có phải em nói với nó dù làm đám cưới rồi em muốn đổi đi đâu em vẫn đổi phải không?"

"Vâng".

"Tại sao vậy?"

"Nói ra bây giờ có lẽ không nên, nhưng nếu em nhận lời lấy Vi là vì em muốn bỏ thành phố này đi bất cứ đâu".

Người anh yên lặng.

Cô bé tiếp tục nói:

"Thật đó anh. Em lấy chồng không phải vì yêu chồng. Anh thừa biết em không yêu Vi, nhất là hồi sau này, khi lớn lên, em thấy em cũng không thể yêu Vi, dù mọi người tìm đủ dịp để gán ghép. Chính Vi cũng biết như vậy, nhưng Vi hy vọng lầm rằng sau khi thành hôn em sẽ đổi khác".

Cô bé cười cười:

"Thật ra có lẽ em cũng nghi ngờ rằng lấy chồng rồi em sẽ yêu chồng, nhưng nếu em nhận lời cho Vi làm đám hỏi là vì em chỉ muốn rời Bắc Phố. Em chán sống ở đây lắm rồi. Vả lại, từ đám hỏi đến đám cưới còn cách nhau xa lắm".

"Còn hai tháng nữa".

Cô bé bỗng chảy nước mắt:

"Đó anh thấy không, mặc dù còn hai tháng nữa mà mọi sự đã đổi thay đột ngột. Hai tháng đó chẳng bao giờ nữa".

"Em thật vô tình với Vi. Nó yêu em biết bao. Em ra thăm mộ nó một tí".

Cô bé gạt đi:

"Không".

"Thôi cũng được. Em nằm nghỉ cho khoẻ, lúc nào muốn đi đâu chơi thì gọi anh".

Anh ta chần chừ một lát rồi cũng ra khỏi phòng. Nhưng Vi Vân cất tiếng gọi.

"Gì nữa?"

Cô bé nhìn anh thật chăm chú:

"Về cái chuyện em xin đổi đi chỗ khác, em đã làm đơn rồi. Em nói để anh hay, đừng lo lắng gì hết".

Người anh ngạc nhiên:

"Em làm đơn rồi?"

"Vâng. Ngày mai có kết quả".

Vi Vân rời Bắc Phố bằng chuyến máy bay cuối cùng trong ngày, cất cánh hồi bốn giờ chiều. Người anh và Nga cùng đưa nàng ra phi trường trong khi nàng chỉ muốn một mình, chỉ muốn rời bỏ thành phố biển trong lặng lẽ.

Ba người đi trên chiếc xe Nga lái. Vi Vân đòi đến thăm Thẩm trước khi lên đường, song không ai chịu. Nửa tiếng đồng hồ trước khi phi cơ cất cánh, Vi Vân khóc nức nở, đòi vào khám từ biệt Thẩm.

Nga ngắt:

"Giờ này mà Vi Vân cũng còn khổ vì anh ấy nữa. Như thế còn không đủ sao".

Cô bé không chịu:

"Thế nào Vi Vân cũng phải gặp anh Thẩm. Anh ấy phải vào tù cũng vì mình".

"Anh ấy không vì Vi Vân chút nào đâu. Người như thế chẳng sống cho ai hết".

Người anh nói thêm:

"Nga nó nói đúng đó em. Nó thì còn nghĩ đến ai. Nó chỉ nghĩ đến nó thôi".

Cô bé nhún vai:

"Sao anh biết tài thế?"

"Có gì mà không biết. Bộ em tưởng nó ra Bắc Phố vì nó nhớ em hả? Nó không có nhớ ai hết. Nó chán Sài Gòn thì đi chơi đây đó, nó chọn Bắc Phố cũng như chọn Đà Lạt, Huế mà thôi".

"Em phải vào từ biệt anh ấy. Em đi một mình cũng được".

Ba người im lặng sau câu nói đó. Một lát Vi Vân lại nói:

"Đối với em, anh ấy vẫn thế. Dù chuyện gì xảy ra, anh ấy vẫn không thay đổi gì hết".

Người anh đi đi lại lại trong phòng. Nắng xiên ngoài cửa sổ, khi anh ta dừng lại trước mặt em gái, anh ta thủ thỉ:

"Theo anh, em vào từ biệt nó bây giờ chỉ làm nó thêm khổ, nếu quả thật nó yêu em. Nó yêu em, nó yêu cả Bắc Phố. Em nên để nó tin rằng em đang ở Bắc Phố, nó cũng đang ở Bắc Phố với em. Nếu nó biết nó chỉ còn một mình ở đây, nó sẽ khổ lắm".

Vi Vân muốn khóc nữa. Quả thật như vậy. Thẩm có lần đã nói Thẩm không thể nào sống ở thành phố này nếu không có nàng. Tiếng biển rì rào, sóng biển liên miên vô tận vỗ mãi một nhịp đều đặn lên bãi cát khiến chàng không chịu nổi. Chàng tới Bắc Phố vì Vi Vân, chàng chỉ yêu Bắc Phố vì cô bé. Không gian ấy chỉ có nghĩa nếu có hai người, "anh cảm thấy không khác gì chúng mình vẫn ở cách nhau hàng ngàn cây số khi anh ngồi ngoài bãi bể, chưa biết liên lạc với em bằng cách nào dù em đang ở rất gần anh. Chúng mình vẫn xa nhau ghê gớm nếu không thấy nhau, dù anh ở cách xa em có hai mươi phút ngồi xe".

Cô bé nhớ Thẩm từng nói như vậy. Quả thật chàng vẫn nói như vậy, và cô không ghé Thẩm nữa. Chắc chắn lúc này ngồi thu mình trong bốn bức tường nhà giam, chàng tự nghĩ an ủi chàng đang sống cùng một thành phố với người tình.

Đúng bốn giờ chiều, Bắc Phố lặng lẽ trong màu nắng xế, nhỏ dần dưới cánh máy bay đang đưa Vi Vân đến một vùng trời khác.


*

Chiếc xe Jeep có Thẩm dời quán Chim Đại Dương trong cơn mưa tầm tã. Ngoài người cảnh sát lái xe, hai người còn lại ngồi hai bên Thẩm, ở băng ghế sau.

Về tới ty cảnh sát, Thẩm được dẫn ngay vào phòng trực. Toán cảnh sát trực đêm đó, ngoài ba người ngồi cùng xe Jeep với chàng, chỉ còn hai người khác, trong đó có một giữ sổ sách và một người canh gác trụ sở. Chính người gác khi trông thấy Thẩm đã kêu lên:

"Chính ông nội đây mà!"

Thẩm không hiểu gì cả. Mấy người kia cũng vậy. Một người trong số ba người đã bắt Thẩm về, hỏi:

"Cái gì vậy?"

"Chính là thằng cha ban chiều đã chạy khỏi xe đò khi tụi tôi tới".

"Vậy hả".

Họ cười hề hề với nhau:

"Lưới trời khó thoát mà".

Một người thốt giật mình:

"Đồ đạc nó đâu?"

"Ngoài xe".

"Mang vào đây mau!"

Chiếc va-li của Thẩm được mang vào, chỉ có thế. Năm người xúm lại coi.

"Sao không có gì cả?"

Người vừa nói hất hàm hỏi Thẩm:

"Đâu cả rồi?"

Chàng ngơ ngác không hiểu gì. Ông ta hỏi mấy thuộc viên:

"Con mẹ kia đâu?"

"Vẫn còn nhốt dưới nhà giam đó".

Thẩm chợt nhớ đến người đàn bà cùng chuyến xe với chàng bị bắt vì mang đô-la xanh như Nga kể lại. Chính nàng cũng nghi Thẩm cùng bọn với bà ta.

Người cảnh sát ngó Thẩm đăm đăm, làm như nhìn thấu tâm trạng chàng:

"Ê bồ, giấu đâu cả rồi".

Thẩm đóng kịch:

"Bà ta mang hết, chớ tôi không mang một đồng nào cả".

Mấy người cảnh sát nhìn nhau. Cuối cùng một người tới xét Thẩm. Họ vứt ra bàn xấp bạc chàng có mười mấy ngàn.

"Còn tiền đô đâu?"

"Tất cả tôi chỉ có thế".

"Hai người đi chuyến này là chuyến thứ mấy?"

Thẩm nhớ lại lời cô gái. Theo nàng đây là tổ chức buôn lậu đã làm ăn rất lâu trên con đường Quy Nhơn – Sài Gòn. Chàng nói:

"Chuyến đầu tiên".

Mấy tiếng cười nổi lên. Chàng vội vã nói tiếp:

"Thật sự tôi có biết gì đâu. Tôi bỏ mối dép nhựa, rồi gặp bà đó ở dọc đường. Bà đó nhờ mang cái va-li lên xe".

"Làm như anh không ở trong tổ chức vậy?"

"Thưa không. Tôi có biết gì đâu. Nhưng tới khi các ông tới xét tôi mới biết. Tôi bỏ chạy liền mà".

"Còn va-li quần áo ở đâu ra vậy?"

Thẩm lúng túng. Chàng đành thuật lại gần đúng sự thật câu chuyện. Chàng ra Bắc Phố chơi rồi từ Bắc Phố đi Ninh Hòa thăm một người bạn. Bây giờ trở về Bắc Phố, v.v.

Chàng kết luận:

"Các ông minh xét cho, chớ tôi mà buôn lậu gì. Xin cho tôi nộp phạt, sáng mai tôi trở về Sài Gòn".

Một người nhún vai:

"Nộp phạt. Tại sao lại nộp phạt?"

Thẩm chỉ xấp bạc trên mặt bàn:

"Tôi có làm gì phi pháp đâu. Chẳng qua…"

Chàng không biết nói sao trong khi mấy người cảnh sát lại nhìn nhau.

Người vẫn hỏi chàng, mà Thẩm đoán là người sếp ở đó, hất hàm hỏi toán thuộc viên:

"Bắt thằng cha này ở đâu vậy?"

Hai ba người cùng trả lời một lúc, trong khi Thẩm bị quan sát kỹ hơn.

"Xét kỹ chưa? Coi chừng nó còn để cái gì ở đó".

"Hết rồi sếp".

Ông ta ngó Thẩm, tay chỉ xấp bạc trên bàn:

"Vậy là chỉ có cái này".

Chàng gật đầu. Ông ta lại hỏi mấy thuộc viên:

"Mụ chủ chốt có khai báo thêm gì không?"

"Dạ không. Bà ta bảo đi một mình".

"Vậy chắc thằng cha này không quan trọng. Tính sao tụi bây?"

Họ nhìn xấp bạc trên bàn, cười cười. Một người nói:

"Tùy sếp, tụi em thế nào cũng được".

Ông ta hất tay, cả bọn lui ra. Trong phòng chỉ còn lại Thẩm. Chàng đoán hiểu những gì sẽ xảy ra vội nói:

"Sếp tính lại cho. Tôi có biết gì đâu. Tất cả chỉ có chỗ tiền này thôi làm gì có đồng đô xanh đô đỏ nào".

"Tính làm sao?"

Thẩm làm bộ hiền lành:

"Cái đó tôi đâu dám quyết định. Nếu sếp cho tôi nộp phạt rồi cho tôi về, tôi cảm ơn lắm".

Xấp tiền được mở ra:

"Bao nhiêu đây?"

"Khoảng trên mười ngàn".

"Anh muốn nộp phạt bao nhiêu?"

"Tùy xếp. Miễn là xếp cho lại tôi đủ tiền lấy vé xe về Sài Gòn".

Ông ta lấy ra năm trăm đưa cho Thẩm. Chàng vội vàng cầm lấy.

"Bây giờ cho anh đi".

"Cám ơn sếp".

"Anh đi lẹ không tôi đổi ý kiến bây giờ".

"Vâng".

"Sáng sớm mai anh phải rời đây ngay".

"Tôi đi ngay mà".

Thẩm lấy lại va-li quần áo, cắm cổ ra khỏi ty cảnh sát. Chàng nghe tiếng cười nổi lên phía trong. Chàng không hề oán hận hay khinh bỉ họ chút nào.

Lẩn vào bóng tối, Thẩm băn khoăn không hiểu người bạn Vi Vân đã trình báo những gì về chàng. Chàng bị bắt vì lý do gì? "Không lẽ nàng không tố cáo chàng chính là kẻ sát nhân đang bị lùng bắt?"

Dù sao, Thẩm gắng quên, gắng nghĩ rằng mấy người cảnh sát bắt chàng không biết chàng là kẻ giết người, tuy có lúc chàng nghĩ có lẽ họ biết, nhưng đã vụt quên khi người cảnh sát gác trụ sở kêu lên rằng chính chàng là kẻ đã trốn thoát khỏi chiếc xe đò chở đồ lậu. Thế rồi họ chỉ còn nhìn chàng như nhìn một tay buôn bạc, có rất nhiều đô-la. Và khi xấp bạc vứt ra bàn, họ quên tất cả mọi thứ.

Thẩm bước vội vã trong bóng tối, thỉnh thoảng ngó lại phía sau, đề phòng. Chắc là không có ai theo bắt chàng trở lại nữa. Họ quên thật rồi.

Thẩm cố nhớ ra một địa chỉ quen, nhưng không nhớ được gì. Cuối cùng chàng trở lại bến xe thuê một chiếc ghế bố tám chục đồng để ngủ qua đêm. Chàng tính sáng mai sẽ tìm cách rời Bắc Phố bằng xe đò. Kinh nghiệm vừa qua, khiến chàng không còn sợ sự kiểm soát của cảnh sát nữa.

Sáng hôm sau, trong lúc Vi Vân ngồi với người bạn gái ngoài bờ biển, Thẩm đã ngồi trên một chuyến xe đò. Nhưng chàng không thể nào rời thành phố biển trong buổi sáng hôm đó được. Không thể nào.

Khi người lơ xe cầm danh sách hành khách vào trại kiểm soát, Thẩm không ngừng theo dõi. Người cảnh sát đứng tuổi to lớn xem kỹ bản danh sách, sau đó rút ngăn kéo bàn lấy một tờ giấy ra so.

Ông ta bật dậy khỏi ghế.

Thẩm không bỏ sót một cử chỉ nào của người cảnh sát. Khi thấy ông ta xách súng bước ra khỏi trụ sở, tiến thẳng về phía mình, chàng ngán ngẩm. Lần này có lẽ không có sự lầm lẫn nữa. Lần này chắc chắn là Nguyễn Văn Thẩm.

Nguyễn Văn Thẩm, sát nhân.

Thẩm nghĩ bằng cách nào chàng cũng phải trốn thoát. Và lần này, sau khi trốn thoát, phải rời Bắc Phố bằng cách khác. Chàng vội vã xuống khỏi xe, nhưng không chạy. Chàng lẩn ngay vào đám đông dưới bên, đứng sau một đám phu phen.

"Nguyễn Văn Thẩm".

Chắc chắn là họ tìm mình, Thẩm băng qua đám đông, nhảy lên một chiếc xích lô.

Lần này chàng hoàn toàn bơ vơ trong Bắc Phố. Không còn cách nào khác, chàng tính, không còn cách nào khác.

"Đi đâu cậu?"

"Đến đường Tân Viên".

Thẩm đã quyết định. Chàng chỉ còn có một cách là đến thẳng nhà Vi Vân. Rồi sau đó ra sao sẽ hay.

Trả tiền xe, chàng tính nhẩm tất cả còn được hai trăm đồng. Hai trăm đồng không còn làm gì được nữa, ngoài vài bao thuốc lá và một ly cà-phê.

Thẩm nhắm đúng nhà Vi Vân (ngôi nhà ba gian nhìn thẳng ra phố, cổng sơn đỏ, trong sân có chuồng chim bồ câu).

Chàng nghĩ đến người anh Vi Vân, nhưng không biết tên anh ta gì cả. Chàng nghĩ đến Liên, đến chiếc xe gắn máy của cô bé, thêm một chút tin tưởng. Chàng đẩy cánh cổng, bước vào.

Qua khoảng sân rộng, Thẩm đã tới hiên nhà. Chàng nghĩ giờ này chắc Vi Vân không có ở nhà.

"Ông hỏi ai?"

Thẩm giật mình nghe tiếng hỏi phía sau. Đó là một cô gái mặc áo cụt, mới nhìn cũng biết ngay là người làm.

Chàng nói tên Liên trước tiên. Thật vô lý, một người như chàng không thể hỏi Liên với bất cứ lý do gì.

"Cô Liên đi học".

Thẩm đâm lúng túng:

"Có ai ở nhà không cô?"

Cô gái lắc đầu:

"Đi vắng hết".

"Còn anh…"

"Đi vắng hết, ông à".

"Chắc trưa mới về?"

"Vâng".

Thẩm đành quay ra. Chàng không có lý do nào ở lại trong căn nhà xa lạ này hết. Nhưng Thẩm không đi đâu xa, chàng tới một cái quán nhỏ ở góc đường, gọi một ly cà-phê, ngồi đợi. Từ trong quán chàng có thể quan sát sự ra vào ở nhà Vi Vân.

Nửa tiếng sau một chiếc xe hơi về tới, chạy thẳng vào trong sân. Thẩm đoán cha mẹ Vi Vân đi làm về.

Ít phút sau là người anh cô bé. Không. Thẩm không muốn gặp những người đó làm gì. Hoặc là Vi Vân, hoặc là Liên mà thôi.

Nửa tiếng sau Liên đi học về. Nhưng chàng chờ mãi mà không thấy Vi Vân. Chàng đã gọi thêm ly cà-phê thứ hai, Vi Vân vẫn chưa thấy về dù lúc đó đã khoảng một giờ.

Thẩm trả tiền, quyết định phải liều. Tới giờ phút này chàng chỉ còn một nước liều mà thôi.

Chàng tới thẳng nhà Vi Vân. Người trông thấy chàng đầu tiên là cô người làm. Cô cất tiếng gọi Liên. Cô bé chạy ra. Thấy Thẩm, cô ra thẳng ngõ.

"Anh chưa về Sài Gòn?"

Thẩm mừng, tin chắc Liên không biết gì hết.

"Chưa. Anh phải gặp Vi Vân rồi mới về chứ".

Cô bé ngạc nhiên:

"Anh chưa biết gì sao? Chị Vi Vân vào Sài Gòn rồi".

Thẩm choáng váng.

"Chị xin đổi vào làm trong đó. Mới đi chiều hôm qua".

"Chiều hôm qua?"

"Vâng".

Thẩm sững sờ. Chàng hỏi cô bé:

"Anh em có nhà không?"

"Có".

"Anh muốn gặp".

"Mời anh vào trong nhà".

Thẩm lanh lẹ đi theo cô bé. Chàng được dẫn vào phòng khách. Đây là lần đầu tiên chàng được bước vào ngôi nhà của người tình, lần đầu tiên sau năm năm. Người anh của Vi Vân hiện ra, đột ngột. Anh ta không giấu được kinh ngạc, chỉ biết nhìn Thẩm trừng trừng.

"Vi Vân đâu?"

Thẩm hỏi. Hỏi xong chàng mới thấy mình ngược ngạo. Tuy thế, người thanh niên vẫn trả lời:

"Nó đi rồi".

"Nó đi đâu?"

Thẩm nhìn anh ta không dứt. Trong ánh mắt anh ta, có lẽ, chàng đang trở thành một tên khùng. Anh ta đứng mà không chịu ngồi xuống ghế như Thẩm.

"Anh ở đâu ra?"

Câu hỏi khiến chàng nhún vai. Rõ ràng anh ta muốn hỏi có phải Thẩm trong tù ra không, trong nhà tạm giam của cảnh sát ra không. Nhưng anh ta lại hỏi ở đâu ra. Thẩm lạnh nhạt nói:

"Còn ở đâu ra nữa. Anh biết tôi ở đâu ra mà".

Anh ta có vẻ muốn đuổi chàng ra khỏi nhà nhưng lại không dám. Thẩm biết rõ như vậy. Tự nhiên, trong cái nhìn của chàng, trong cái nhìn nóng như lửa, chính anh ta mới là kẻ đưa Thẩm vào bốn bức tường bẩn thỉu hôi hám. Chàng hét:

"Còn hỏi hả!"

Tiếng hét của Thẩm có lẽ phải rùng rợn lắm. Người thanh niên đứng sau ghế, đưa mắt ngó ra sân, có vẻ tìm người can thiệp.

Thẩm hỏi:

"Tại sao Vi Vân đi?"

Anh ta không trả lời. Thẩm hét lên. Lần này anh nói:

"Vi Vân bỏ đi rồi".

"Tôi không tin".

"Nó đi rồi. Anh làm nó không còn ở đây được nữa".

Thẩm chỉ vào mặt anh ta:

"Anh đừng nói láo. Chính anh mới làm nó không còn ở đây được nữa. Anh và cái thằng đã chết, chính những người như thế mới khiến Vi Vân không còn ở đây được nữa. Cái thành phố này, với những thằng con trai như các anh. Một chỗ chán ngán không thể tưởng. Anh biết tại sao Vi Vân nói yêu tôi? Tôi chẳng có gì đáng yêu cả. Nó yêu tôi vì tôi từ nơi khác đến".

Người thanh niên có vẻ không tin những điều Thẩm nói. Chàng nhắc lại:

"Tôi có gì đáng yêu đâu? Tôi có vợ, có con, tôi có một cuộc đời đã chết. Vậy mà Vi Vân yêu tôi. Chỉ bởi vì tôi từ nơi khác đến. Nếu tôi cũng ở đây, tôi cũng lớn lên ở Bắc Phố, chắc Vi Vân không thể yêu tôi".

Người thanh niên nói:

"Anh quyến rũ nó".

Liên từ ngoài bước vào. Thẩm làm như đang nói chuyện phiếm:

"Anh không tin cũng được, vì chẳng có hại gì hết. Một ngày nào đó, còn ở Bắc Phố, anh sẽ thấy lời tôi nói. Nhưng lúc ấy là lúc anh đã thấy mình già đi phần nào".

Anh ta nhún vai:

"Không nói lăng nhăng nữa, bây giờ anh muốn gì?"

Thẩm gắng gượng:

"Tôi muốn rời khỏi Bắc Phố ngay lập tức".

Anh ta bỗng cười lớn:

"Tôi biết rồi. Anh muốn đi mà không đi được chứ gì. Tôi chắc anh vừa trốn khỏi ty cảnh sát ra đây?"

Thẩm nói:

"Tôi phải đi ngay bây giờ. Tôi cần một cái xe".

Anh ta cười khẩy:

"Cái đó thì không thể nào được. Tôi không có xe để cho anh mượn".

Liên vẫn đứng ngoài cửa, hỏi:

"Anh cần xe đi đâu?"

Người anh quát:

"Liên, vào trong nhà".

Thẩm vội vã tới gần cô bé, nhưng bị anh ta cản lại.

"Anh nên ra khỏi đây ngay, ngay bây giờ".

Thẩm cắn chặt hai hàm răng, vừa định nói thì bị anh ta xô bật ra khỏi cửa. Chàng sững sờ nhận ra mình yếu ớt quá. Sau mấy ngày trốn chạy, bất an, chàng mất sức quá nhiều.

Người thanh niên la lớn, Thẩm như bị điện giật. Chàng hốt hoảng thực sự.

Vi Vân đã đi thật rồi, bây giờ Bắc Phố chỉ còn một mình chàng. Chỉ còn một mình chàng, như thế làm sao mà sống nổi.

Thẩm ngó lại, Liên và người anh đứng ngoài cổng. Anh ta chỉ tay về phía Thẩm, miệng nói gì đó. Thẩm không nghe rõ song biết chắc anh ta đang tố cáo chàng. Anh ta không có gì để nói ngoài những lời tố cáo.

Thẩm muốn quay lại đập cho anh ta một trận, nhưng chân vẫn chạy xa con đường Tân Viên, chạy xa ngôi nhà của người tình đã bỏ đi. Vừa chạy, Thẩm vừa lẩm bẩm một mình những điều chàng đang nghĩ, những điều chàng cần nói ra nhưng không có ai để nói…

"Không hiểu sao tôi lại ra Bắc Phố sau một thời gian dài không nhớ tới Vi Vân? Đúng hơn mình vẫn nhớ tới Vi Vân, vẫn nhớ, nhưng không phải tha thiết nhớ. Không, tôi chẳng nhớ ai tha thiết vì không còn yêu ai tha thiết nữa. Xưa kia khi tôi còn trẻ thì có, bây giờ thì không vì tôi trên ba mươi tuổi rồi. Trên ba mươi tuổi nhưng đã ra đời sớm, tôi thấu hiểu nhiều chuyện lắm, chẳng còn gì để mơ mộng đâu. Nhưng chính vì thế mà tôi thèm mơ mộng. Chính vì thế mà tôi yêu em. Chắc thế đó Vi Vân ạ. Anh yêu em vì anh cũng muốn rời bỏ nơi anh sống, rời bỏ Sài Gòn. Cũng như em yêu anh vì em chán Bắc Phố vậy. Chắc thế rồi đó Vi Vân ơi. Chắc là anh cũng chán Sài Gòn như em chán Bắc Phố. Và anh mơ ước như cách em ước mơ. Nhưng điều mà chúng ta mơ ước lại hoàn toàn khác hẳn nhau…".

Thẩm băng ngang mặt đường, chàng nghe tiếng chửi rủa sau tiếng phanh xe két két. Chàng vẫn chạy. Lần này Thẩm chạy dọc theo hè đường. Vừa chạy Thẩm vừa nói lầm bầm cho mình nghe.

"Đúng rồi đó Vi Vân, bây giờ thì chúng ta đã hiểu rõ nhau. Đúng hơn, bây giờ thì chúng ta đã hiểu rõ mình. Em đã rời Bắc Phố và anh đã rời Sài Gòn. Không còn gì để mơ ước nữa cô bé nhé. Thấy chưa, không còn gì để mơ ước nữa".

"Mơ ước gì nữa khi đã nhìn thấy điều mình mơ ước rồi. Bây giờ anh chỉ nghĩ tới chuyện trở về. Trở về thật đó. Anh đang nhớ căn phòng quen thuộc của anh, chẳng ấm cúng gì đâu nhưng quen thuộc. Giá sách của anh, bàn viết của anh, cái giường anh ngủ, cái ghế anh ngồi. Bây giờ anh đang nhớ căn phòng đó, đang muốn trở về đó. Anh muốn ngả lưng xuống mặt nệm đó ngủ một giấc. Anh buồn ngủ quá. Anh chỉ muốn nhắm mắt ngay bây giờ…"

"Bây giờ chắc em đang thảnh thơi. Thảnh thơi chứ, vì em đã bỏ được Bắc Phố rồi. Bỏ hẳn. Vì em tin rằng anh đang ở trong tù, nghĩa là hết, nghĩa là không còn phải băn khoăn, ngoại trừ chút buồn tiếc cho anh, nhưng em đâu có thể làm gì được. Em sẽ quên hẳn Bắc Phố, quên hết, và thành phố này chỉ còn là ánh nắng buổi chiều, lúc phi cơ anh đáp xuống phi trường, chỉ có thế thôi. Lúc anh tới đó mới là lúc chúng ta lại vướng víu vì nhau. Em thấy điều đó rõ hơn anh vì em có gia đình bên cạnh. Em có lúc nào mong cho anh sớm trở lại Sài Gòn không. Anh tin là có. Bây giờ thì anh đang trở lại Sài Gòn đây…".

Thẩm bỗng nghe có tiếng chân chạy theo mình. Chàng ngoảnh cổ lại. Đó là một người cảnh sát. Ông ta vừa từ trên một chiếc xe Jeep bước xuống. Ông ta đang chạy theo chàng, một tay trỏ, một tay ôm bao súng lắc lư bên hông.

Thẩm thấy mệt quá, không muốn chạy nữa, đứng vịn vào cột đèn để thở. Người cảnh sát chạy lên tới nơi.

Hai người ngó nhau trừng trừng.

"Chạy đi đâu vậy?"

Người cảnh sát hỏi, tay phải sửa lại dây súng. Thẩm cười:

"Chạy đua".

"Giỡn hoài. Đua với ai vậy?"

Thẩm chỉ xuống đất:

"Đua với bóng mình".

Người cảnh sát la lối:

"Say hả? Làm mất trật tự. Về ty mà đua, lực sĩ".

Thẩm hoang mang, không lẽ người cảnh sát không biết gì về mình. Không lẽ ông ta chỉ muốn bắt chàng vì chàng chạy ngoài phố. Thẩm bải hoải không biết phải nói gì. Một vài người tò mò kéo tới, chàng bắt đầu sợ.

Đám đông chỉ trỏ, xầm xì. Chiếc xe Jeep theo tới và đậu lại. Chợt một người ngó chàng thật dữ dội. Thẩm dừng lại trên khuôn mặt ấy. Chàng không nhớ ra có quen người lạ mặt đó không.

Người đó lách khỏi đám đông tới gần mấy người cảnh sát. Bất ngờ, dường như không còn tự chủ được, người lạ la lớn:

"Chính nó mà!"

Đám đông lao xao.

"Chính nó mà! Đài Phát thanh tả hình dáng nó đúng hệt vậy! Nó giết người ở cạnh Sân Vận động mà!"

Đám đông giãn ra. Người cảnh sát lùi lại mấy bước, luống cuống móc súng ra.

Thẩm nhắm nghiền mắt lại. Khi chàng mở mắt ra, chàng lại thấy người cảnh sát lùi lại. Đường như ông ta tiến lên trong lúc chàng nhắm mắt. Chàng ngó dáo dác quanh đám đông. Người cảnh sát ấp úng, rồi thình lình hét lớn:

"Nguyễn Văn Thẩm hả, đưa tay đây!"

Thẩm buồn cười đưa tay ra. Hai bàn tay chàng đưa ra khỏi cái bóng rợp của ngôi nhà gần đấy, chìa ra ánh chiều vàng vọt của Bắc Phố.

Nhìn hai bàn tay vàng úa, chàng nhớ đến Vi Vân, muốn có nàng, ôm lấy nàng, vuốt ve nàng. Nhưng từ đây chỉ có một mình chàng ở Bắc Phố.

No comments: