Thursday, September 10, 2015

LINH BẢO * TRUYỆN NGẮN

Linh Bảo

Những Cánh Diều



Một buổi chiều đẹp trời, bọn trẻ con trong làng rủ nhau thả diều. Chúng cột diều bằng một sợi dây rất dài, đợi cho gió lộng thả lên, xem diều nào bay cao, bay xa ...

Có những cánh diều múa lượn duyên dáng, bay lên cao tít, có những cánh khác vụng về hơn, chỉ bay là là một cách miễn cưỡng, có cánh bay chơi vơi chao đi chao lại, không giữ được thăng bằng, có cánh bay vững vàng chắc chắn, tiến lên đầy lòng tự tin. Có cánh thực hiên ngang oai hùng. Có cánh trông bẩn thỉu bần tiện. Có cánh bay vùn vụt, tưởng như không có sức gì cản nổi. Và cũng có cánh chỉ mới bay nửa chừng rồi đã kiệt lực, hết hơi thở, rơi xuống đất một cách phủ phàng...

Trời đang xanh biếc, những đám mây nhẹ như tơ, trắng như tuyết, đang theo làn gió bay lang thang, vương vấn làm quen với bọn diều, thì bỗng dưng có một trận gió lạ cuồn cuộn thổi đến. Bọn diều bàng bàng vượt mây lên thật cao, một số lớn bị đứt dây, và một số khác bị tuột. Cánh diều ngũ sắc không còn bị kềm chế, tự do bay vùn vụt. Chúng như những chấm nhỏ li ti in trên nền trời xanh biếc. Gió thổi chúng lên núi, ra bể, đến thành thị về thôn quê, gió thổi bạt chúng đi khắp mọi nơi ...

Một vài cành diều khác còn vương sợi dây mong manh, bị lôi kéo dằn vặt giữa hai sức mạnh. Bầu trời cao rộng mênh mông là thế, không khí trong lành là thế, vùng không gian tự do là thế, liệu sợi dây mong manh nọ có đủ sức mạnh kéo những cánh diều bạt gió kia về không?

Những cánh diều là những người tha hương. Một số đã bị đứt dây, đã thành mồ côi, đã mất liên lạc với quê hương, đã không còn một ai thân mến nữa... Một số bất đắc dĩ, hay tự nguyện làm cho mất gốc. Cái cảnh mất gốc này, có người đau khổ mà chịu, có người tự tạo ra, cũng có người lấy làm hãnh diện về sự mất gốc của mình vá cố tranh đấu để xóa tan những tàn tích còn vương lại. Có người còn liên lạc với gia đình, với quê hương, nhưng liệu tình yêu gia đình và quê hương có mạnh hơn lòng tham thụ hưởng những sung sướng vật chất và an nhàn ở xứ người? Họ có thể cắn răng dứt bỏ được moiï quyến rũ vật chất để đem về cho quê hương những gì quí lạ họ thu thập học hỏi được trên con đường viễn du không?

Từ một năm rất xa xưa, có mấy đứa con gái bé đã từng mơ ước “ giá mình là con trai”.

Biết đâu, giá được... “ ... thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

Lạy trời thổi ngọn gió hiền, ngày mai đưa những cánh diều tha hương trở về đất mẹ !


Trích trong tuyển tập truyện ngắn Mây Tần



Linh Bảo

Những Tết Tha Hương



NHỮNG TẾT THA HƯƠNG

Tết năm nào tôi cũng nghĩ đây là một tết tha hương cuối cùng và tự an ủi: “ Thôi , chịu khó năm nay, sang năm về nhà ăn Tết. Tết ở quê hương có Thủy Tiên, hoa Đào, hoa Mai và nhất là có mẹ già..”

Nhưng hết năm này đến năm khác, mấy chục năm qua, không những vẫn Tết tha hương mà lại còn biến thành tết lưu vong, và mẹ thì cố nhiên là không còn nữa !

Năm nào cũng như năm nào, Tết ở đâu cũng cô đơn, dù tôi có xê dịch hay ở yên một chỗ, ăn Tết ở nhà mình, ở nhà người, một mình, hai mình, nơi đông đảo hay vắng vẻ. Và lắm khi càng đông người càng cảm thấy cô đơn hơn.

TẾT HONGKONG - 1946

Cuộc chiến đã bắn tất cả thanh niên nam nữ ra ngoài ngưỡng cửa gia đình, bắn tung ra cả đến ngoài biên giới, xô dồn tất cả lứa tuổi từ 16 trở lên vào con đường tranh đấu. Bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn, ai cũng khăn gói lên đường.

Sau khi thoát khỏi nanh vuốt và những vụ bắt bớ của phe này, phe khác, tôi kinh sợ cái hăng say khát máu của các cấp chỉ huy. Cuộc sống bấp bênh đến mức độ có thể, sau một giấc ngủ vô tư, sáng dậy, người ta bỗng trở thành lãnh tụ. Chỉ huy, hay là bị cùm xích cả chân tay. Không muốn lãng phí cái chết của mình, một sớm tinh sương, tôi phiêu phiêu đổ bộ đất HongKong với một bộ quần áo Tàu mong manh. Cái công ty Tàu tổ chức đám nạn dân đổ bộ, chờ đến sau khi “ các chú”, “ các thím “ qua thoát lưới Hải Quan Anh là họ trút gánh nặng, quay tàu ra khơi để còn đi làm chuyến khác.

Trời Hong Kong mùa Tết gió rét như cắt, nhất là ở những con đường ngay cạnh bãi biển. Hai bên đường phố, các hàng bán hoa quả và hàng Tết bày lan tràn ra đến lề đường , như giục giã người ta sắm Tết, nhắc nhở Tết đây rồi, làm tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ lạ lùng.

Tôi được giới thiệu vào ở trọ trong một gia đình Tàu. Nhà không rộng, nên họ dọn cho tôi một cái giường vải trong một góc phòng, giăng một tấm màn ngang qua giuờng, và trong chớp mắt, góc phòng bé nhỏ biến thành cái thế giới riêng biệt của tôi.

Bên kia tấm màn biên giới là giường của hai thằng bé độ sáu bảy tuổi, con nuôi của bà chủ nhà. Hai thằng be ù thực khỏe mạnh và kháu khỉnh, nhưng bị mù. Chúng nó sinh ra toàn vẹn cho đến khi quân Nhật đánh chiếm Hương Cảng. Không biết lửa đạn vung vãi thế nào mà chúng biến thành ra mồ côi và tàn tật.

Trong nhà còn đôi ba cặp nữa, mỗi đôi ở một căn phòng nhỏ, ngăn lại bằng ván ép. Biên giới là tấm ván mỏng, không ngăn được tiếng nói thì thào âu yếm lúc đêm khuya, và cũng không ngăn được giọng cãi vã, dù người ta có xuống giọng thấp đến mấy đi nữa. Nhưng nhờ có cái biên giới tượng trưng nên ai cũng thấy yên tâm như được che chở, và khi bóng tối bao trùm thì bên kia biên giới là hư vô .. .

Thì ra biên giới thật co dãn. Biên giới có thể là Vạn Lý Trường Thành, là biệt thự này cách biệt thự kia hàng trăm thước, là cái hàng rào thưa, mãnh ván ép, và cũng có thể chỉ là một tấm màn mỏng manh.

Sau biên giới vải, tôi nằm im lìm vờ ngủ, lắng nghe những sống động ưu tư trong lòng, và đồng thời cũng lắng nghe cái Tết đang lan tràn.

Người ta có cả tháng để chuẩn bị , thế mà cho đến phút cuối cùng vẫn còn có kẻ mua bán rối rít. Người nào cũng lo áo quần mới cho gia đình, quà bánh cho khách đến chúc Tết, phong bao cho trẻ con. Đồ ăn thì cố nhiên là phải đặc biệt, những món ăn riêng cho ngày Tết. Đêm đã khuya mà ngoài đường vẫn còn cả một rừng người tấp nập đi mua sắm hay đi nhìn thiên hạ mua sắm ! Họ đi vào ánh đèn ngũ sắùc như trăm nghìn con thiêu thân, vì chính họ cũng là một loại thiêu thân.

Giờ này ở quê hương, gia đình của tôi đang ở lao tù nào ? Các bạn của tôi, chắc hẳn từng đoàn, từng nhóm, đang “ xếp bút nghiên”.., đang “ một ra đi là không trở về..” Còn tôi mơ màng nghĩ đến ngày mai vào Quảng Châu để gặp các anh em sinh viên cách mệnh đang học ở đấy. Mấy hôm trước, anh Hùng sau khi đọc bản tự thuật “ Hoa Sen trên biển” của tôi, đã bảo anh Vĩ, người liên lạc :” Anh đưa cô ấy đi Quảng Châu ngay. Càng sớm càng tốt. Đừng để mất !” Anh Vĩ tin là thế nào tôi cũng sẽ được ở lại học với các anh ấy.

TẾT NAM KINH

Căn nhà chúng tôi thuê được ở ngoại ô Nam Kinh nhỏ bằng một cái phòng. Và thực sự nó cũng chỉ có thế. Nó vỏn vẹn là một cái phòng vuông vắn, một cửa ra vào và một cửa sổ. Không có gì nữa, ngoài mấy cái giường vải, ngày xếp lại, tối mới giở ra. Nhà không có lò sưởi, đã thế, vách ván lại hở, cửa gài thô sơ, gió lọt vào lạnh thấu xương.

Bên cạnh nhà là hồ Huyền Vũ, Cái tên thực đẹp. Người Tàu có tài đặt tên đẹp cho tất cả những gì cần đến tên. Hồ này là để cho tất cả xóm giải quyết vấn đề nước non. Họ dùng nước hồ để nấu nướng, giặt quần áo, rửa rau, vo gạo, ban ngày cho tất cả mọi người, và thêm tắm ban đêm cho chúng tôi.

Những nhà Tàu, nếu không phải là thứ tối tân thì không bao giờ có phòng tắm. Nhưng họ có cách tắm ngay trong phòng ngủ, nếu cần. Mỗi gia đình đều có một cái thùng gỗ. Họ ngồi trong thùng, pha một chậu nước ấm để bên cạnh, rồi từ từ dội từng gáo nước lên người. Tôi học được cách tắm này trong thời kỳ ở trọ với gia đình Tàu.

Bọn chúng tôi , cũng như tất cả các anh em đã nhất quyết “ ra đi không vương thê nhi ..” chả nhẽ lại đi vương cái thùng tắm kè kè bên hông, thành ra khi muốn tắm, phải cắn răng chạy ra hồ, tắm xong, cắn răng chạy một mạch về nhà. Hàng xóm trông thấy phục lăn, cứ tưởng bọn này võ nghệ siêu quần, nội công thần sầu quỉ khốc, chả biết rét là gì .

Mỗi ngày, ăn điểm tâm xong, chúng tôi cuốc bộ ra thư viện học, Anh Hùng thì

Chầu chực ở Bộ Giáo Dục về việc giấy tờ cho chúng tôi chính thức vào Đại Hoc.

Hồi ở nhà, tôi chỉ biết ăn mà không biết nấu, tiểu thư mà lại! Bây giờ là người nữ độc nhất và đầu tiên của cả bọn, nên phải học nấu cơm với các anh. Đồ ăn thì thực giản dị. Ai cũng học thuộc lòng câu “ thánh kinh :” Muốn cao lương mỹ vị thì về nhà mà ăn” , nên không ai chê tôi nấu ngon nấu dở bao giờ cả. Vì tiền Tầu thụt giá theo với tình hình quân sự , nên khi có tiền, chúng tôi phải tích trử rau ăn. Chả có rau gì để dành được lâu bằng hành, nên trong bữa cơm bao giờ cũng có hành. Tôi cũng gắng tập đổi món: hành xào, hành luộc, hành nấu canh, nấu xúp, dưa hành..

Được phép nghỉ học một buổi, chúng tôi ăn Tết bằng cách đi xem thiên hạ sắm sửa. Chúng tôi cũng hòa mình vào với các làn sóng người đang đi mua bán như điên, để hưởng thụ cái cảm giác say sưa của Tết. Xem thiên hạ tiêu tiền xong, chúng tôi về nhà ăn Tết với nhau. Bữa cơm Tết có thêm một món mới hành trộn dầu dấm.

Chiều đến, ông Lũ, một giáo sư đại học, bạn của anh Hùng và cũng là một Mạnh Thường Quân của anh em sinh viên cách mệnh , đến thăm. Oâng bà ở thực xa nhưng cũng chịu khó đi xe ba bánh đến , tặng cho chúng tôi một bao gạo và một số lương khô. Chúng tôi nhất định làm cơm thết ông bà. Các anh chịu khó tỉa rau muống ngâm nước cho nó cuốn cong, trông thực đẹp, để trộn dầu dấm làm món xà lách. Chỉ tiếc, ông bà cũng như tất cả những người Tàu cẩn thận khác, không dám ăn rau sống. Với người Tàu, rau gì cũng có một tính chất: hàn, nhiệt, độc, lành v.v.. Rau sống thuộc hàn, lạnh, rau muống cũng thuộc hàn, đã hai lần hàn, lại ăn vào mùa đông thì eo ôi, hậu quả không biết thế nào mà lường được !

Sau này tôi mới biết là đàn bà Tàu phần nhiều rất thạo tính chất của các món ăn hàn nhiệt, để chỉ huy sự “hàn, nhiệt” của các đấng trượng phu. Khi nào thấy các ông “ hàn” với mình quá, các bà chẳng cần phải điểm phấn tô son gì cả, chỉ cần nấu mấy món “ nhiệt” là các ông thay đổi thái độ ngay. Và trái lại, nếu các ông “ nhiệt “ quá, thì trong bữa cơm lại thấy có những món canh, món hầm đặc biệt. Trên nguyên tắc thì các ông vẫn là chủ động, nhưng chính các bà là người chỉ huy, giật giây lúc nào thì các ông được phép “ chủ động” lúc ấy. Thực là tế nhị và hòa bình biết bao ! Nếu nghiên cứu kỹ lại thì chắc Hồ Ly Tinh ngày xưa trong truyện Liêu Trai, có lẽ cũng chỉ là những cô nương biết xử dụng các món ăn hàn nhiệt.

Cơm xong, anh Thành, một sĩ quan Việt Nam trong quân đội Trung Hoa. Mang đến cho chúng tôi một gói mứt gừng, mứt sen, trà Tàu, hạt dưa. Chúng tôi vớt vát lại, mời khách tráng miệng mứt gừng, món nhiệt để cứu vãn cái hàn của bữa cơm rau đạm bạc. Anh Thành bảo chúng tôi liệu cuốn gói ngay đi. Chánh phủ cụ Tưởng sắp rời Nam Kinh đến nơi. Anh được lệnh chỉ huy một đoàn xe về Nam, sáng mai sẽ lên đường. Anh cho chúng tôi tháp tùng miễn phí.

Khỏi cần bàn cãi gì cả, chúng tôi sửa soạn xếp hành lý ngay. Cả bọn đã chuẩn bị bán đồ đạc từ lâu, nên khi quyết định đi là có thể đi liền. Tiền bán bớt hành lý đủ cho các anh, người thì đi xe lửa suốt, trực tiếp về Quảng Châu, người thì nghĩ xa xôi hơn, chạy thẳng qua Đài Loan trước khi chính phủ chạy, như thế, chạy một mạch, đỡ vất vả tốn kém đến hai lần. Đấy là anh Toàn, người giầu nhất, có bà con tiếp tế từ Pháp sang đều đều.

Tôi và anh Hùng nhẹ túi nhất, nên theo anh Thành leo lên chiếc xe nhà binh. Ngoài tài xế, chỉ vợ con họ là được ngồi trong xe, còn tất cả những kẻ tháp tùng đều phải ngồi trên đống thùng xăng, phụ tùng để sau xe không mui, tha hồ mà làm quen với nắng mưa sương tuyết trên con đường Nam tiến – nói cho đúng hơn, là Nam lùi.

TẾT THƯỢNG HẢI

Đoàn xe lên đường lúc còn sớm tinh mơ. Đã là nhà binh, lại chạy loạn , nên hình như ai cũng vui lòng tập họp đúng giờ, không hề nghe một lời phàn nàn, thở than. Trong không khí hốt hoảng vội vàng, các bà vợ tháp tùng theo xe chồng vẫn ăn diện như Tết. Điểm đặc biệt, là tay bà nào cũng ôm kè kè một cái bọc mà họ gọi là “ xám pao” (bọc quần áo). Cái bọc này, tôi chắùc là dù có chết đến nơi họ cũng không thả ra.

Có tin Cộng-quân đã lẩn quất đâu đây, nên dân chúng mạnh ai nấy chạy. Họ ôm quần áo, heo gà, gồng con gánh cái, chạy ngược chạy xuôi. Họ nội chạy sang họ ngoại, họ nhà trai chạy sang họ nhà gái, nhưng chạy đi đâu cũng thấy có người chạy ngược lại về phía mình vừa mới bỏ đi, gây thành cái hiện tượng kiến trong miệng chén, và cái chén đang ở trên một lò lửa đỏ hồng.

Đoàn xe vượt qua Tô Châu nhanh như chớp. Không ai nghĩ đến hoài tiếc, không thể đi chậm lại để thưởng thức một danh thắng, mà chỉ nghĩ đến vùng an toàn trước mặt.

Hùng và tôi ngồi trên đống thùng xăng cao ngất ngưởng lộ thiên, nên phải lấy chăn khoác thêm lên người để chống lại khí lạnh của sương mù. Nếu là thời bình, có thì giờ đi ngao du sơn thủy, thì thú vị biết bao.

Trước khi anh Thành đến “ bốc” chúng tôi đi, cả bọn đã biết là sẽ phải về Nam, anh Hùng đã phác hoạ chương trình đi bộ nếu cần. Chúng tôi đã sửa soạn hành lý chỉ vừa đủ trong ba lô, các vật dụng khác, chỉ giữ lại cái gì sức mình có thể mang nổi trên lưng. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho tôi khá đầy đủ về cái chương trình “ Nam lùi” bằng chân, để tôi đỡ kinh sợ và chán ngán.

Anh tưởng tượng ra nhiều cảnh lý thú mà chúng tôi sẽ gặp. Ví dụ như một cái quán trọ bên đường trong lúc chúng tôi đã gần kiệt sức ... những cây cam dại trong rừng...

Tuy không có nệm êm, có cửa kính đóng lại ấm áp, mà phải ngồi trên mui xe phơi nắng gió, nhưng khỏi mang xách, khỏi phải lết chân lên đèo, lê ba lô xuống đèo, tôi vẫn cho là một sự may mắn tuyệt trần.

Suốt quãng đường dài, tôi tưởng như mình đang đi vào một bức tranh vẽ. Những bức tranh thủy mạc thần kỳ với những núi non trùng trùng điệp điệp. Mây trắng như tơ bao quanh chân núi, hoa vàng nở đầy trong rừng... Tôi nghĩ đến những truyện kiếm hiệp, tả cảnh “ tầm sư học đạo”. Nếu người đồ đệ chí thành phải leo lên những ngọn núi ấy để tầm sư, thì ... eo ơi! Sư có tầm tôi thì tầm, chứ bố bảo tôi cũng không có sức mà tầm sư.

Cảnh thực đẹp, mà tôi không có lòng nào để thưởng thức khi thấy đám quân nhân xô gạt những bàn tay gầy guộc của dân chúng chạy theo hai bên bờ xe, kêu khóc, năn nỉ, níu kéo, xin lên xe quá giang một đoạn đường, nếu họ không lòi ra một đồng bạc trắng.

Đến Thượng Hải, anh Thành được lệnh đóng trong một tòa nhà lầu vĩ đại đang xây cất dở dang. Chủ nhà chắc biết thân biết phận nên đã bỏ chạy, lánh nạn đi đâu không biết. Mỗi đám vài ba người, chiếm một căn phòng nhỏ vôi gạch ngỗn ngang, ở tạm. Đoàn xe tất cả 70 chiếc, phải sửa chữa, lĩnh đồ phụ tùng, xăng nhớt, nhận huấn lệnh v.v.. nên chắc còn phải chờ nhiều ngày mới xong, chúng tôi bắt đầu học vài câu tiếng Thượng Hải thông dụng để mua bán, hỏi đưỡng nhỡ bị lạc.

Không khí Tết ở Thương Hải như có chất điên. Mọi người cuồng say vì Tết lẫn với loạn. Cái không khí loạn cũng như cái Tết bao trùm khắp nơi, không phải chỉ trước mặt hay sau lưng, không còn biết chạy đi đâu để mà tránh nó. Tết qua rồi, mà ai cũng còn hăng say ăn Tết, vì họ ăn Tết với cái ý niệm có thể là ngày mai ăn Tết với ông bà Tổ Tiên.

Chúng tôi góp tiền ăn với quân đội, nên đến bữa chỉ đi lĩnh, khỏi phải tự nấu. Cơm Tết có thêm một miếng thịt mỡ, ngoài món rau xào cố hữu. Tôi nhường cho anh Hùng vì tôi không thích ăn thịt mỡ.

Từ lúc bắt đầu cuộc “ Nam lùi”, tôi ngạc nhiên thấy Hùng không buồn rầu thất vọng, trái lại, hình như anh vui vẻ khác thường, săn sóc tôi một cách rất chu đáo.

Suốt một năm trời nhìn anh đóng vai thầy, vai anh, vai cha, giờ đây anh mới để lộ con người tình cảm. Cái tình cảm anh cố vùng vẫy chống cự, che giấu. Lúc nào cũng làm cái mặt ta đây đảng trưởng nghiêm nghị, cứng rắn, không bỏ qua một cơ hội nào là không huấn luyện đàn em, nhất là tôi, anh còn bắt khoan bắt nhặt, thử thách nhiều hơn tất cả các anh em khác.

Tối đến, anh trèo lên nóc nhà, lấy giây câu điện ở cột đèn, ngoài đường vào phòng. Thế là trong khi cả tòa nhà thắp đèn dầu leo lét, chúng tôi có đèn điện, lại có cả cái lò điện nhỏ dùng để sưởi và nấu nước trà nóng, còn phong lưu hơn tất cả các bạn đồng hành.

Trong ánh sáng, lò sưởi ấm, cạnh chén trà nóng, anh tạm gác bỏ vai trò đảng trưởng, hiền hòa ngồi chép cho tôi bài thơ Trường Hận Ca của Bạch Cù Dị:

Hán Hoàng trọng sắc tư khuynh quốc

Ngự tự đa niên cầu bất đắc ...

trong khi chờ đợi đoàn xe tiếp tục lên đường, chúng tôi ngày ngày đi xem phố và các Tô giới. Người trong thành phố đông như kiến, thực đúng như kiến, không ngoa tí nào. Tôi có cảm tưởng nếu có ai ngã xuống đất, thì chỉ trong chớp mắt sẽ bị dẫm nát ngay, mà không ai biết là mình đã dẫm lên cái gì. Họ đi ngược đi xuôi, mua đồ, ngắm phố, ăn cắp vặt, móc túi, giật ví ... đủ các mục đích.

Chỉ lơ đãng một tí là có thể bị cái làn sóng người ấy đánh giạt đi mất tăm mất tích trong chớp mắt. Hùng sợ tôi bị lạc, nắm chặt tay tôi để kéo đi cùng một hướng. Và bắt đầu từ đấy cho đến khi về đến nhà, suốt cuộc nhàn du, đi bộ cả một ngày trời, anh không hề thả tay tôi ra nữa.

Tối hôm ấy, Hùng bảo tôi:

- Em có biết là em sẽ phải hy sinh rất lớn không? Người cách mạng không bao giờ lập gia đình. Gánh nặng vợ con làm hại sự nghiệp. Anh đã nói nhiều lần cho em biết là hại như thế nào, hại về gì. Anh không cần nhắc lại nữa, vì em nghe đã chán tai, đã thuộc nằm lòng rồi. Anh muốn em tự quyết định lấy: em có chấp nhận hay không. Em sẽ đi bên cạnh anh suốt đời, tranh đấu bên anh mãi mãi, mà em sẽ không bao giờ mang tên anh, và tay em cũng sẽ không bao giờ đeo nhẫn cưới...

Trong trí tôi rũa thầm:

- Tiên sư thằng cha nào nhồi sọ, đầu độc thanh niên Việt Nam với cái bài hát “ Ra đi không vương thê nhi...”

Nhưng mà thôi, đắùn đo, chi li làm gì! Đời anh, đời em, biết có ngày mai không ...

Thế là Tết Thương Hải, dù chúng tôi đã mua rượu Cao Lương hâm nóng và làm

một bữa tiệc đặc biệt nhất trong đời mình, nhưng một bữa tiệc như thế, trong một Tết phiêu lưu loạn ly như thế, thực không phải là một điểm ưu cho cuộc đời. Và giá có gởi thiệp mời ông Tơ bà Nguyệt, chắùc họ cũng không đến dự, vì lễ quá đạm bạc.

TẾT QUẢNG CHÂU

Quảng Châu thất thủ.

Tất cả đám sinh viên ngoại quốc được hứa học bổng của chính phủ Quốc Gia đều rời trường để đi tìm đất lành: Đài Loan, Anh, Pháp, Nhật ... Họ là những người được chánh phủ của họ chính thức gửi đến, nên có tiền đi nơi khác. Còn sinh viên Việt Nam, đang lúc loạn lạc, không có chính phủ, tất cả đều đến lẻ loi, tự túc, nên chỉ có một số chạy được. Còn sót lại tôi và anh Minh.

Nữ sinh túc xá đêm 30 Tết vắng lặng lạ lùng. Phần đông sinh viên đều về nhà ăn Tết, chỉ còn những kẻ ở lại vì không biết về đâu. May mà tôi còn có được một việc làm ở trường đề sống cầm hơi, chứ không thì cũng đến phải tình nguyện vào đội “ lạc hương công tác “ (về nhà quê làm việc).

Việc làm này là một đặc ân cho những sinh viên nào cần nhất. Điều kiện được chọn trong số hàng trăm sinh viên xin việc, là phải tứ cố vô thân, không có một bà con họ hàng nào cả trong khắp nước Tàu. Số tiên nhận được hàng tháng đủ trả tiền cơm và tiền túc xá, vào quãng 25 đồng Hương cảng, độ 5 mỹ kim.

Mỗi sáng tôi dậy từ 5 giờ, đi bộ 25 phút đến nhà bếp để trông nom các “ đồng chí bếp” xay đậu nành, lọc rồi đun sôi thành sữa đậu nành cho sinh viên điểm tâm trước khi vào lớp. Sáu giờ sáng, sinh viên lục tục đến bếp, đưa thẻ ra, tôi gạch một nét, đánh dấu để ghi sinh viên ấy đã lãnh phần mình rồi.

Bên ngoài trời sáng mờ mờ, sương mù dày đặc, nhưng tôi đứng trong bếp, không lạnh lắm. Không khí không có vẻ gì là Tết. Dân chúng đã kiệt lực vì các cuộc lạc quyên gần như hàng tuần của chính phủ mới, của đảng, của hội, của đoàn.... Sinh viên cũng kiệt lực, xác xơ vì cũng các cuộc lạc quyên ấy. Họ quyên đến cả áo quần và đồ đạc, bất cứ cái gì còn có thể dùng được. Sinh viên mở một phòng bán đồ cũ. Sinh viên cho, sinh viên bán, sinh viên mua. Đảng, Đoàn và Chính Phủ nhận. Sinh viên nào thi đua cho nhiều nhất sẽ được đề cao, tuyên dương cho những người khác bắt chước. Nếu sinh viên nghèo, không có gì để cho, thì có thể “ cho chịu”, nghĩa là cứ hứa trước rồi tìm cách nộp sau!

Xa xa, pháo nổ lẻ loi. Còn ai có tiền đâu mà mua pháo. Với lại, để lộ ra mình có tiền, thì đó là cách chết nhanh nhất.

Sáng mùng một Tết, tôi đang điểm tâm cốc sữa đậu nành phần của tôi thì anh Minh tìm đến bảo nhỏ:

- Có lẽ chị cũng nên đi thôi. Công tác chúng ta được làm này là của tổ chức sinh viên đạo Cơ Đốc. Nhóm này thuộc thành phần tôn giáo, bị coi là phản động nên đã bị giải tán rồi. Họ đã được lệnh ngưng tất cả các hoạt động cứu tế xã hội. Tháng sau, sẽ không còn sữa đậu nành. Và hai lát thịt lợn mỗi tuần để tăng gia doanh dưỡng cũng sẽ không còn nữa. Việc làm của chị, của tôi, cũng như của 38 sinh viên khác sẽ mất. Tôi tin là tôi, nếu cần, cũng còn làm được cái việc ăn no vác nặng, nhưng chị thì đừng nên đợi nước đến chân mới nhẩy.

Tôi ngần ngại:

- Đi đâu bây giờ? Làm sao mà đi ?

- Tôi bán cây guitare rồi. Đủ tiền chị đi tàu thủy đến Macao. Rồi từ đấy, tùy cơ ứng biến. Nếu cần thì đi Hương Cảng. Tìm cách liên lạc với Hùng ở Thái Lan.

- Sao không đi thẳng Hương Cảng, có phải đỡ tốn hơn không?

- Đường Hương Cảng bây giờ kiểm soát chặt hơn nhiều. Cứ đi Macao. “ Cùng tắc biến, biến tắc thông” mà, còn nhớ không?

Đó là câu nói của Hùng, anh nhắc đi nhắc lại mãi câu nói ấy, mỗi khi chúng tôi

gặp sự khó khăn. Hùng lại còn hay nhắc đến ví dụ “ con tàu chật” nữa. Anh bảo:

-Bất cứ tàu chật đến đâu, cứ gắng leo lên. Đặt được một chân rồi sẽ đặt được cả hai chân, tàu lắc lư một lúc, là ta sẽ có chỗ ngồi, có khi cả chỗ nằm nữa.

Hùng cho là muốn đến một nơi nào, miễn là hãy đặt được chân đến, rồi đâu sẽ có đó, thế nào cũng có cách sống và phát triển công việc. Đúng hay sai, tôi không biết, nhưng những chỉ dạy của Hùng đà làm cho chúng tôi thành gan lì, không hề biết sợ nguy hiểm trước mặt. Cái kiểu “ điếc không sợ súng”, đôi khi cũng được việc, vì không có cách gì khác hơn.

Tôi vẫn còn ngần ngại:

-Thế còn anh ? Tôi chạy, để anh ở lại ăn đòn một mình à?

- Đừng lo! Tôi sẽ có cách. Tụi sinh viên trong lớp tôi là lớp Ngữ Ngôn Hệ, chúng nó không có tinh thần sát phạt đấu tranh như lớp Chính Trị Hệ của chị.

- Nhưng anh bán mất cây đàn. Sao anh nỡ ...

Anh Minh cười ngạo nghễ:

- Ối chào, khi nào có tiền, tậu cây khác. Rồi mai đây, khối thằng chết đói đến nơi, chúng nó sẽ bán đổ bán tháo, thiếu gì!

Tôi tiếc cây Hạ Uy Cầm mà anh rất yêu quí, với cây đàn ấy, tôi đã có công dạy

anh hai bài đầu tiên. Mỗi bài, anh tặng cho tôi một thang thuốc suyển, cái thuỡ mà anh còn được gia đình ở Hà Nội thỉnh thoảng nhờ “ các chú” chuyển sang Hong Kong hộ một ít tiền.

Thực ra, chúng tôi cũng nhận thấy là mỗi tuần Ban Công An đều bắt chúng tôi khai đi khai lại các giấy tờ nhiều hơn trước. Tôi lại cũng được tin là chúng tôi sắp “ được” đem ra cho các bạn đồng học “ mổ xẻ xây dựng”. Đi là vừa.

- Nếu đi thì nên đi ngay. Đợi vài hôm nữa, ba con đồng chí chằng tinh ở cùng phòng trở về, chúng nó kiểm soát tôi ngày đêm thì khó thoát.

Ngay hôm mùng một Tết, tôi ra bến tàu đi Macao. Đi với muôn nghìn bấp bênh

trước mặt, nhưng cũng không bằng những nguy hiểm tôi để lại sau lưng cho anh Minh gánh lấy một mình. Anh sẽ phải giải thích sự mất tích của tôi với các đồng chí cán bộ Công An.

TẾT BA LÊ

Đây là một trong những cái Tết dễ thương. Ba chị em ở ba phòng liền nhau trên gác sáu của khu phố 14. Thằng em trai sắp ra trường thuốc nên được nhiều cô bạn chiều thương, được nhiều bà mẹ cơm gà cá gỏi đãi đằng. Lắm khi, các bà chị của nó cũng được tháp tùng những bữa tiệc làm quen.

Thằng em vốn nhát gan. Mỗi lần muốn chạy một đám nào, thì nó làm bộ còn sống trong gia đình phong kiến, sợ chị nó một phép, đổ tội cho chị nó, nói là “ chị không cho”, “ chị không bằng lòng”, “ chị bảo đừng gặp”. Tôi không ngờ mình có oai quyền đến thế. Một mình gánh hết tất cả mọi lỗi của thằng em, để bị các cô chửi tơi bời, có nhiều cô, tôi thực chưa từng trông thấy mặt ngang mũi dọc bao giờ cả.

Cô em gái nghệ sĩ cũng khá nổi tiếng, không giàu nhưng muốn gì cũng có thể có được, cũng đủ tiền mua được một số gạo củi để cách đêm. Cái câu “ gạo củi cách đêm” này, tôi học được trong một bài thơ. Thi sĩ tự xưng mình sang trọng hơn Đế Vương, không thèm dùng đồ ăn hay cái gì cách đêm, kể cả gạo củi.

Dạo ấy, tôi viết “ Lá Thư Ba Lê” cho tạp chí “ Tân Phong”, thỉnh thoảng cũng nhận được một số tiền nho nhỏ. Mỗi tối, tôi lại đi làm cái việc “ Phong Vương Gia Miện” cho một hiệu ăn Việt Nam sang trọng, nên ngoài gạo củi, còn có thể mua nhiều thứ khác để cách đêm.

Cái trò Phong Vương, chỉ hiệu này có. Mỗi tối, sau khi cơm no rượu say rồi, thực khách ngồi xem biểu diễn các màn giải trí, nghe đàn hát. Đúng 12 giờ, tôi đem ra một đĩa bài tứ sắc lật sấp. Đến mỗi bàn, tôi mời khách lấy một con bài. Trước đó, ông chủ đã định sẵn đại nhân vật nào sẽ được “ phong vương”, và tôi đã nấp sau màn nhìn thực kỹ, chỉ sợ ông ấy đổi chỗ ngồi, hay ai ngồi nhầm chỗ của ông ấy thì nguy to. “ Đại nhân vật” này có thể là một người nổi tiếng, người giàu sang, hay là người ăn nhiều tiền nhất tối hôm ấy. Phát bài xong, ông chủ giả vờ đi xem bài từng bàn, đến bàn đã định sẵn, ông hô hoán lên, làm như thật. Ông bà “ đại nhân vật” được mời lên khán đài, tôi làm lễ “ Gia Miện”, đội mão Vua và Hoàng Hậu và tặng một cặp khuy áo sơ mi cho Hoàng Đế. Thợ nhiếp ảnh chụp hình, đàn sáo nhã nhạc. Vua và Hoàng Hậu, dù nóng gần chín người, cũng cố giữ bộ áo Long Phụng cho đến khi mãn tiệc. Hôm sau, họ nhận được ảnh “ Gia Miện”, họ sẽ đem khoe với tất cả các bạn bè, và như thế là đã quảng cáo không công cho hiệu ăn.

Làm được ít lâu, tôi thật quá mệt não với cái trò làm thế nào cho người được chỉ định phải bốc nhằm ông Tướng Vàng. Có nhiều người ngây thơ, tưởng là cái trò may rủi thục, cứ từ chối con bài thiếu điều tôi đã dúi vào tay, làm tôi lo cuống lên. Tôi đề nghị với ông chủ là khi xét đến bài của” đại nhân vật” ấy, thì cứ hô lên là xong, bất cứ trước đó ông ấy bắt con bài gì cũng được. Ông chủ bằng lòng vì thấy tôi thực thiểu não. Từ đấy, ông thủ sẵn con Tướng Vàng trong tay, may mà ông cũng có tài làm trò quỷ thuật, nên tráo bài chưa bao giờ bị lộ tẩy. Công việc thành dễ dàng hơn, thần kinh khỏi bị căng thẳng lúc bốc thăm, tôi cũng không còn cho là một cực hình nữa.

Đêm 30, sau khi “ phong vương” xong, về đến nhà thì đã gần 3 giờ sáng. Trước khi leo lên 6 tầng lầu, tôi nhặt một vài thùng hoa quả bằng gỗ của các cửa hiệu vứt đầy hai bên đường, đem lên nhà. Những thùng gỗ này, tháo ra làm củi đốt lò sưởi rất tốt. Phải là người đã từng sống cuộc đời sinh viên bên Tàu mới biết quí từng mảnh gỗ vụn.

Ba chị em ngồi bên cạnh lò sưởi, tháo thùng gỗ ra đốt, nhìn lửa reo vui, nói chuyện mãi đến sáng. Tết này có bánh chưng, mứt gừng, mứt sen, có quà từ nhà gửi sang, lại có cả một vài lá thư chúc Tết của các bạn, làm cho tôi cảm thấy mối tình quê hương thật là huyền diệu. Và mối tình ấy, càng xa cách chỉ càng tăng thêm thương nhớ.

Tính lại sổ đời, sau ngày từ giả Việt Nam lần đầu tiên, đã mười mấy cái Tết. Mười mấy năm, bao nhiêu là nước chảy dưới cầu. Cuộc cờ đời, xóa đi đánh lại mấy lần, cho đến bây giờ vẫn còn một bao hành lý trên vai “ khăn gói gió đưa”...

Tôi gặp lại một trong những người bạn cũ từng đi bên cạnh Hùng ngày xưa. Bây giờ người bạn ấy là một nhân viên cao cấp của Sứ Quán Việt Nam. Anh cũng tay bồng tay mang như ai và hình như muốn tránh tôi, có lẽ để khỏi nhớ tới cái thuở hạt muối cắn làm năm làm bảy trong những ngày loạn lạc bấp bênh ở Quảng Châu.

Tết Ba Lê, các nhóm Tả, Hữu, Tiền, Hậu, nhóm nào cũng tổ chức hát hò, nhảy nhót ăn Tết. Ai có sức thì cứ đi ăn Tết với hết nhóm này đến nhóm khác. Tiệc xanh cũng thấy những nhân vật ấy, tiệc đỏ lại cũng những nhân vật ấy. Kết luận là cần gì xanh đỏ. Có Tết thì cứ đi. Đi cho vui, đi cho biết.

TẾT LUÂN ĐÔN

Chỉ sống trong những nước Á Đông mới thấy nhiều màu sắc Tết. Ở các nước Âu Châu, nhất là những nơi người Á còn thưa thớt và sống rải rác, người ta phải tự nhắc nhở để nhớ ngày Tết, vì mồng một Tết ai cũng phải đi làm. Nhưng dù có quên Tết, dù có ăn Tết không long trọng, ai cũng cố làm một cái gì khác thường, và nếu không làm được cái gì cụ thể thì cái buồn vương vấn nhớ nhung nó làm cho thành khác thường.

Đêm giao thừa cũng như những đêm khác. Khi không sống chung với những người quê hương, thấy mình lạc lõng, bơ vơ kinh khủng. Tôi thèm thuồng được nói chuyện với một tri kỷ quên hương để chia xẻ cái cảm giác Tết quê người. Những tri kỷ ngoại quốc, chỉ “ tri kỷ” đến một cái mức độ phổ thông tầm thường nào đấy thôi. Khi tiếng ngân của cây đàn tâm hồn lên cao đến tuyệt đỉnh thì thấy các ông bạn tri kỷ ngoại quốc chới với ở đằng xa tít mù thê thảm. Tôi nhớ đến chuyện ông bạn lão tiền bối cách mạng kể lại hồi ở Hương Cảng:” Mình cao hứng, rung đùi ngâm mấy câu Kiều, tự cho là hay vô cùng, thì bà vợ Thượng Hải rít lên: Ông rên rỉ gì thế? Ốm đấy à ? Thế là cụt cả hứng!”.

Bên cạnh người bạn đường đã “ đồng sàng dị mộng” từ lâu, cuộc sống là một chuỗi ngày dài như bị hình phạt. Cái hình phạt ấy để trừng trị những kẻ coi rẻ cuộc đời, coi rẻ mình. Những kẻ lập gia đình trong cơn khủng hoảng tinh thần, trong khi cơn cô đơn tủi thân lên đến cực độ, trong khi muốn trả thù ai không biết, muốn tự hủy mình để làm đau lòng người khác, trong khi không đủ khả năng phán đoán sáng suốt. Những người coi lập gia đình như một canh bạc, cứ đánh bừa, không cần dùng đến trí thông minh, mà chỉ chờ may rủi, duyên Trời đưa đẩy...

Tết này, dù có hai mình, mà tôi cũng vẫn ngồi nhìn lò sưởi có một mình. Trong trí tôi phác họa một viễn ảnh khác. Mai đây, lại khăn gói lên đường, lại ra đi với một tương lai mù mịt. Lần này, tôi phải nghiến răng, cắn môi, cố thu lấy hết tất cả can đảm để đi đến cái tương lai mù mịt ấy, vì không phải tôi chỉ đi có một mình mà còn đèo thêm hai đứa con thơ.

TẾT MỸ

Tôi ăn Tết đầu tiên ở Mỹ với “ bà cô các cháu”. Bà chị sang Mỹ từ lâu. Chồng chết, bà sống một mình trong tòa nhà hai từng. Từng trên đẹp đẽ sang trọng, từng dưới- hay đúng hơn là nhà hầm – có một phòng tắm, chỗ để máy giặt máy sấy, một cái tủ lạnh thứ hai để đồ ăn tích trữ và một cái giường cũ.

Tôi phải tha hai con đến nhà bà trong bước đầu tiên để chờ thẻ di trú, và cũng để cho phải phép. Mình đến cũng chả ai hoan nghênh, nhưng nếu không đến trước thì sẽ bị giận suốt đời.

Sau bữa cơm Tết đúng nghi thức, bà lùa ba mẹ con xuống phòng dưới ngủ. Phòng sát mặt đất, sàn xi măng, lại không có sưởi, nên lạnh buốt. Tôi không ngủ được, lên cầu thang định tìm nước nóng uống thì cửa cầu thang đã khóa trái lại bên trên. Định mở tủ lạnh xem có gì uống được không, thì vừa nhìn đến, tôi bỗng ngẩn người ra. Cái tủ lạnh, lúc chiều hai con bé tò mò mở ra xem, tôi nhìn thoáng thấy bên trong đầy một tủ đào. Có lẽ bà chị mua sỉ nguyên cả thùng nên để dưới này cho khỏi chật tủ trên. Bây giờ, tôi thấy một sợi giây xích to bằng ngón chân cái buộc quanh, có khóa xích lại ở cửa tủ cẩn thận.

Tôi không thể nhịn được cuời, nghĩ thầm đến cuốn sách tên là “ Một Nghìn Lẻ Một Cách Làm Nhục Kẻ Khác”. Nếu sách này tái bản, tôi xin ghi thêm cái mục xích khóa tủ lạnh khi có bà con đến thăm và ở lại.

Hai con bé ôm nhau nằm co quắp ngủ say. Tôi không biết làm gì cho bớt lạnh, dậy sắp hành lý để ngày mai tha con về miền Cali, ngày mai, tôi sẽ từ giả bà chị cô đơn, từ giả mưa rét Seattle, từ giả cái tủ lạnh có sợi xích sắt to tổ bố. Tôi tự dặn mình sẽ tìm nơi có nắng ấm, ít nhất là dù có đói cũng không đến nỗi rét.

LẠI TẾT MỸ

17 cái Tết ở đất Mỹ, 17 năm làm thân con kiến để có kết quả ngày nay: tấm ngân phiếu dưỡng lão. Cái phần thưởng suốt mấy chục năm làm ngày làm đêm, lao tâm khổ lực để sửa soạn cho tuổi già.

Người con gái bướng bỉnh, gan lì bạt mạng đi theo cách mệnh ngày xưa, bây giờ ngồi chờ lãnh lương hưu! Tôi chỉ thành công ở một điểm: không phải là một gánh nặng cho gia đình hay xã hội.

Những “ đồng chí” ngày xưa “ ra đi không vương thê nhi...” còn ai? Hùng đã quá sớm được các bạn tế bài “ Chiêu Hồn Tử Sĩ “ do chính mình đặt ra trong một chiến khu ở miền Nam Việt Nam. Môt số bạn khác biệt tích. Còn lại một số sống sót và đã gặp lại được thì người nào cũng è lưng ra gánh đầy mấy gánh thê nhi ...

Tôi không làm được gì hết, nhưng có ai làm được gì không? Có ai viết được trang lịch sử hào hùng nào cho đất nước không?

Tôi đã lăn vào canh bạc đời một thân một mình, giờ đây, canh bạc gần tàn, bước ra, cũng một thân một mình, với nhiều vết thương thăng trầm chí mạng và không ít bẽ bàng.

Bây giờ có ai hỏi tôi, nếu còn cơ hội làm lại cuộc đời, tôi sẽ thay đổi như thế nào, tôi đã có sẵn câu trả lời:

- Nếu được làm lại thuỡ còn cha mẹ, tôi sẽ không làm cho người đau lòng như tôi đã làm.

- Nếu được làm lại thời xuân còn xanh thì tôi sẽ liều hơn, sẽ sống cho trái tim nhiều hơn một chút, không để cho phần lý trí quá mạnh xía vào làm hỏng cả việc lớn.

- Nếu được làm lại khi con còn thơ bé, tôi sẽ làm việc ít hơn, để có nhiều thì giờ chia xẻ với con lúc chúng nó cần tôi nhất. Tôi sẽ không từ chối đánh cờ, bát phố với chúng nó, vì chỉ một thời gian rất ngắn, những đứa bé ấy sẽ lớn lên với vết hận được cha mẹ ấp yêu chưa đủ.

Chỉ có một điểm, giá được sống lại thời gian ấy, thì tôi cũng sẽ làm lại y như thế

chứ không thay đổi gì cả, đó là quãng đời cách mệnh phiêu lưu, chạy vắt giò lên cổ, bữa đói bữa no mà thực có ý nghĩa và thú vị vô cùng. Và hơn nữa, cả đến bây giờ, nếu Hùng còn sống, thì tôi cũng sẵn sàng vứt bỏ hết theo anh tranh đấu, dù ở chân trời góc biển nào ...

Tết San Diego năm nay lại chỉ là một Tết tha hương cô đơn như tất cả những Tết tha hương cô đơn khác. Cô đơn một mình và càng cô đơn hơn trong những lúc ở chỗ đông người.

Có khác chăng, là tôi không cần phải có, dù chỉ tấm màng mỏng để làm biên giới. Tôi chỉ ngước mắt nhìn ra xa, trong một thoáng giây, là tôi có thể lẫn vào vùng ảo ảnh tâm linh khác, cách biệt hẳn với tất cả mọi người, hồn tôi đã tách riêng ra ở bên kia thế giới vô hình.

Có khác chăng, là cái Tết tha hương đã thành ra caí Tết lưu vong.

Có khác chăng, là cái hẹn ngày về, cái hy vọng hồi hương, không phải chỉ cần một tấm vé máy bay hay con dấu chiếu khán xuất nhập cảnh là đủ. Rất có thể là phải có cả một sự hy sinh hàng vạn “ vạn cốt khô” để cho những đứa con lang thang được trở về ăn Tết ở đất mẹ.

Buồn ơi là buồn!


1979
"Trích trong tuyển tập truyện Mây Tần"


Linh Bảo

Để Kỷ Niệm Một Tình Yêu Bất Diệt



Hình như hôm ấy trời đẹp lắm. Có một đôi vợ chồng trẻ cùng nhau đi chơi núi Ngũ Hành.

Ngũ Hành Sơn là một trong những thắng cảnh miền Trung nước Việt Nam. Trên con đường thiên lý từ Đà Nẵng trở vào, du khách vẫn thường trông thấy năm đầu ngọn núi mơ hồ ẩn hiện sau lớp sương dày.

Từ xa đến chơi núi Ngũ Hành có thể đi đường bộ một quãng dài hay hoàn toàn dùng đường thủy cũng được, nhưng bọn người ấy rủ nhau đi thuyền. Vì đi thuyền ngoài cái lợi được khỏe, còn có thể nằm ngắm cảnh, trò chuyện mãi cho đến khi giật mình kêu lên:

- Ơ kìa, thuyền đã cặp bến!

Trời mùa Hạ suốt một ngày nắng gắt gao, nhưng đêm đến rất

mát mẽ Nhất là đi chơi thuyền, hơi nước bốc lên mát rời rợi. Nghe mái chèo khua , nhìn ánh trăng vàng tan ra từng mảnh dưới giòng nước, hai người tình " như đã hẹn nhau từ kiếp trước" nắm tay nhau không biết mỏi. Họ nằm im lìm cho đến khi những tiếng hò của các cô lái đò ở mấy chiếc ghe neo bến đã xa lắm. Giọng lan dài trên mặt nước, và chỉ còn nghe văng vẳng âm thanh mơ hồ mà thôi. Khi ánh đèn điện dẫy phố bên bờ sông trông chỉ còn lấp lánh như một chuỗi sao, lẫn cả với các vì sao trên trời, Thạch và Huyền mới bắt đầu nói chuyện. Không có quá khứ, không có tương lai, chỉ có hiện tại là quan trọng mà thôi

Để kỷ niệm một cuộc đi chơi trăng mật thơ mộng, lúc vuốt ve mớ tóc đen như nhung của Huyền. Thạch đã lén cắt mất một mái. Mấy hôm sau khi về nhà chải tóc thấy hụt, Huyền mới biết. Huyền hỏi Thạch. Thạch cười và đưa ra một cái hộp con. Huyền dở ra xem, nổi bật trên nền nhung hồng, một mái tóc đen mướt buộc bằng mấy sợi chỉ tơ hồng.

Cái gì cũng xinh xinh!
° ° °
20 năm sau.

Một hôm, trời chiều đẹp và êm đềm như một chiều xa xưa. Một buổi chiều rất hiếm ở cái thời bất an nầy. Có 4 cô thiếu nữ trạc độ 16, 17 tuổi, xấp xỉ ngang nhau. Các cô được phép theo cha mẹ đi xem núi Ngũ Hành.

Ngồi trên đò nhìn sóng nước chập chùng, mây trắng mây vàng man mác. Gió thổi bồng lên mấy mái tóc tơ. Vân không ca hát như mấy chị em mình. Cô đang cố đọc trong trí óc,cố tưởng tượng tâm tình của mẹ cô lúc ấy ra sao.

Cái cảnh cũ nầy có nhắc lại cho mẹ cô nhớ đến kỷ niệm xưa chăng? Hai mươi năm trước, “ chàng “ là một anh ký khổ, “ nàng” là một tiểu thư nghèo. Họ đã phải tranh đấu rất nhiều cản trở mới được gần nhau. Nhưng họ yêu nhau lắm, yêu nhau lắm lắm!

Mà giờ đây, “ chàng” là một nhân vật có danh vọng ,ø oai quyền, còn “ nàng” cố nhiên là vợ của nhân vật ấy. Nhưng điều quan trọng hơn hết là mẹ của bốn cô thiếu nữ xinh xinh.

Bốn nàng tiên bé vào hang với tất cả cái òân ào của tuổi trẻ.

- Nầy, nầy, Nguyễn văn Bé ở trên đầu mình các chị ơi!

Cô em út reo lên, và cô em thứ tiếp theo:

- A, đây nầy, Nguyễn thị Lan với Trần văn Ca. Lê Long với cô Trần thị Mỹ. Bọn họï đứng sau lưng ta ấy.

- A ha, Mông xừ Trần Vịnh với cô Lê Hồng.

Những cái tên dù tốt hay không. Các cô đều đọc và reo lên. Nhâùt là khi tìm được trong xó kín nào những tên quen biết.

Vân cũng đọc, cũng tìm, nhưng nàng tìm một đôi tên khác.



· *



Cha nàng nhăn mặt nhìn những giòng chữ khắc công phu trên đá quay lại bảo mấy người đi theo:

- Nầy, ngày mai bảo thợ đá đục phá mấy hàng chữ nầy đi! Làm mất cả vẻ thiên nhiên của một thắng cảnh! Ai lại động đẹp như thế nầy mà chúng trèo lên đục đẽo đến tận trên kia.

Ông chỉ lên vách động. Những cái tên Trần văn Bé Lê Thị Tỷ hiẹân ra rõ rệt, giữa những đám thạch nhủ lấp lánh như kim sa.

Ông dơ chiếc ba tong chỉ những giòng chữ bảo:

- Mai phải bảo họ làm ngay, đục thế nào cho hỏng cả chữ đi mới được.

Ông dằn mạnh:

- Bẩn cả một thắng cảnh!

Vân nhìn theo tay cha, nàng thấy đầu chiếc ba toong đưa đi đưa lại nhiều lần trên giòng chữ:

Nguyễn Văn Thach-Hoàng xuân Huyền .

Để kỷ niệm một tình yêu bất diệt . . .

Ngày. . . Tháng . . . Năm . . .

Chợt nhớ đến những cơn gắt “ mắm tôm" của “ cụ bà” và những tấn kịch trèo trẹo đòi vợ lẽ của “ cụ ông” Vân bất giác mỉm cười.

Cuộc đi chơi động hôm nay không phải họ đã giữ được " tình yêu bất diệt" , với tất cả những cái đẹp đẽ trong trắng của nó, mà muốân nhìn lại cảnh cũ với những kỷ niệm của thời trăng mật xa xưa, nhưng vì lẽ khác. Núi Ngũ Hành là nơi có một thứ đá rất tốt. Hàng năm các lái buôn vẫn chất đầy ghe chở vào Nam bán cho các hãng đúc thành thứ đá hoa Granito. Mối lợi to đã làm cho những lái buôn tranh nhau độc quyền khai thác đá kiện lẫn nhau, nên ông chủ tỉnh phải đến tận nơi quan sát nguồn lợi thiên nhiên ấy, và nhân tiện nhìn lại cảnh cũ.

Vân cúi đầu đi trước. Lên đến Vọng hải đài nàng cùng em nhìn xuống làn sóng nước mênh mông bát ngát. Ngoài khơi, điểm mấy cánh buồm trắng nhấp nhô như những cánh bướm. Gió thổi lồng lộng tung ra bốn mái tóc tơ óng ả.

Đưa tay lên vuốt mái tóc mình Vân lại mỉm cười. Vân cười gì? Vân nghĩ gì?


No comments: