Tàu Ngựa Cũ
Biên Giới
Quà Tết
Người Quân Tử
Một Chuyến Lên Bờ
Áo Mới
Một Truyện Ngắn Hay Nhất
Đông Sương Ký
Ngày Giỗ Mẹ
"Tàu Ngựa Cũ" đã được giải thưởng Văn chương Toàn Quốc của Việt Nam Cộng Hòa năm 1962.
Tàu Ngựa Cũ
Những tiếng động ồn ào bên mình làm Kỳ bừng tỉnh. Anh không cần mở mắt nhìn cũng biết tầu đã đến một ga nào đấy, hành khách đang chen chúc lên xuống, và trong số đó chắc có người sẽ là bạn đồng hành của anh. Kỳ đã lên tầu từ ga Huế và sẽ đi suốt đến Saigon. Trải qua bao nhiêu ga, bao nhiêu người vào căn phòng hạng nhì này, cùng ngồi tầu với anh một lúc rồi lại đi. Có người ngồi lâu, nói được vài mẩu chuyện trời mưa nắng, có người, Kỳ tránh nhìn họ để khỏi phải bắt chuyện. Kỳ mong mỏi gặp một bạn đồng hành đi suốt với anh quãng đường dài này, và giá hợp chuyện nữa thì sung sướng biết bao! Anh không nhớ hết những ai đã vào cùng ngồi với anh. Đầu tiên là một bà cụ già đi với cô con gái. Anh chưa nhìn, cô em đã thẹn thò quay mặt đi nơi khác, nhưng nàng nhìn trộm anh trong tấm cửa kính. Bà cụ nhờ anh sắp đồ đạc cẩn thận, làm Kỳ tưởng bà cũng đi xa như anh, nhưng mới đến ga thứ nhất, bà đã kéo cô con, lếch thếch xuống tầu, vội vàng như bị ma đuổi.
Kỳ không thất vọng, vì đường dài lắm, anh sẽ còn cơ hội gặp người bạn đường khác. Nhưng từ lúc ấy trở đi, bao nhiêu người lên xuống, người nào cũng chào hỏi, nhưng anh chưa cảm thấy hợp chuyện, họ đã xuống ga rồi. Mãi cho đến bây giờ, đi đã gần nửa đường, Kỳ thấy hơi chán, không còn hy vọng có một bạn đường vừa ý nữa. Anh đem báo ra đọc. Đọc hết cả tin tức, tiểu thuyết, quảng cáo, lại thuộc lòng cả một tá thơ tương tư của một nữ sĩ. Anh hơi lạ, vì thấy nữ sĩ tả hoa tương tư, lá tương tư, núi sông tương tư, mà không thấy nói đến người tương tư. Không lẽ cái tương tư của con người không đáng nói. Kỳ che tờ báo lên mặt, giả vờ ngủ. Anh chán nản lắm rồi. Bây giờ, bên cạnh anh, ai lên xuống, ga nào, người ít nhiều, anh cũng mặc, không nhìn nữa. Kỳ biết có người vào phòng anh. Trước hết, chắc là một thiếu nữ, vì nghe bước chân nhẹ nhàng và mùi nước hoa thoang thoảng. Theo sau, là hai thanh niên còn trẻ lắm, vì anh nghe thấy họ hành động nhanh nhẹn và nói cười có vẻ đầy nhựa sống. Thiếu nữ ngồi bên cạnh Kỳ, có lẽ nàng thấy ngồi bên cạnh người ngủ say, trên mặt lại còn che một tờ báo, sẽ yên ổn hơn ngồi cạnh hai chàng thanh niên có vẽ "sát khí đằng đằng" kia. Một thanh niên nói: - Tôi đã bảo, xuất hành nhằm giờ "túc hỷ", thế nào cũng gặp "giai nhân". Kỳ cười thầm. Anh thấy "mặt trận" sắp được dàn ra rồi, chắc thú vị lắm. - Sơn cũng đồng ý với Nam, nhưng yêu cầu Nam nên nhường cho Sơn thì hơn. - Vì lý do gì? - Lý do thứ nhất: vé tầu của Sơn, Nam mua hộ. Lý do thứ hai: Sơn nhiều tuổi hơn Nam, "kính lão đắc thọ" mà! Ba la... - Là gì? - "Quả nhân hữu tật"... Kỳ suýt bật cười lên tiếng. Trong chốc lát, cả một thời thanh niên trẻ trung của anh hiện ra trong ký ức. Thuở ấy, cách độ hơn mười năm, Kỳ cũng còn hăng say như hai anh chàng này, và cũng đã có lần từng chế nhạo các bạn: "Quả nhân hữu tật". Đó là câu tự thú của một ông vua ngày xưa : "Quả nhân hữu tật, quả nhân hiếu sắc". Chỉ nói lên vế đầu, người ta sẽ hiểu vế thứ hai. Những người bạn ấy, có người đã sống cùng anh một thời gian khá lâu, có người thỉnh thoảng còn gặp, có người chỉ trông thấy vài lần rồi không bao giờ gặp lại nữa. Thiếu nữ chừng khó chịu vì hai chàng thanh niên " nghiên cứu dung nhan" kỹ quá, nên cũng lấy một tờ báo che mặt như đọc. Có tiếng thở dài: - Thôi, chúng mình đành đọc báo vậy! Sơn đọc một tờ, Nam đọc một tờ, đã có người cầm hộ. Nam vẫn tinh nghịch: - Hai tờ báo! Nối liền nhau không biên giới. Thực là "Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc". Kỳ thấy bọn họ dễ thương quá. Kỳ ao ước giá bọn họ cũng đi đến Saigon, chắc anh sẽ không đến nỗi buồn lắm. Kỳ giở tờ báo ra nhìn họ với cái nhìn đầy thiện cảm. - Chắc chúng tôi làm ông mất ngủ? Kỳ mỉm cười: - Không sao. Có các ông ngồi cùng phòng, nói chuyện càng vui, quên được đường dài. Kỳ quay sang nhìn thiếu nữ. Bày tay nàng cầm tờ báo hơi rung rung. Kỳ thấy tự nhiên tim mình đứng hẳn lại. Nốt ruồi đỏ như son trên cổ tay thiếu nữ, trông quen thuộc quá. Chỉ có một người anh quen, có nốt ruồi như thế. Người ấy đã đi bên cạnh anh trong một thời gian, ngày xưa, thời loạn ly... - Ông xuống ga nào ạ? Kỳ trả lời như người mất hồn: - Ga cuối cùng. - Chúng tôi cũng thế. Ông cho phép chúng tôi tự giới thiệu: chúng tôi là sinh viên. - Trường? - Đại Học Văn Khoa ạ. Còn ông? - Tôi được mời đi dạy. Cũng Đại Học Văn Khoa. Chắc chúng ta còn gặp nhau nhiều. Sơn và Nam nhìn nhau. Kỳ thấy mình nói dối tự nhiên quá. Câu nói bật ra trong lúc anh vẫn còn nhìn nốt ruồi trên tay thiếu nữ. Anh không hiểu mình có ý định gì, nhưng câu nói của anh có hiệu nghiệm ngay lập tức. Hai sinh viên ra dấu cho nhau và cùng sang toa khác. Chắc họ không muốn ngồi chung với người có thể là ông giáo của họ. Tầu vẫn chạy trong đêm, và đêm cũng đã khuya lắm rồi, nhưng Kỳ không thấy buồn ngủ tí nào nữa. Anh nhớ đến bàn tay người bạn gái năm xưa, bàn tay anh đã cầm nhiều lần. Không biết có phải đúng là Thơ ngày xưa của anh không. Bàn tay gần tay anh lắm, nhưng anh không dám nắm lấy. Bàn tay ấy không đẹp, không chải chuốt, không có móng đỏ như máu, nhọn như vuốt, giống hệt như bàn tay anh đã nắm ngày xưa, nắm một cách yêu thương tin cậy, và lòng êm dịu, bình yên, thỏa mãn như người nằm đúng vào chăn đệm và giường của mình trong một đêm rét mướt mưa bão. Kỳ vừa ao ước nàng là Thơ, vừa mong không phải. Nếu không phải, chắc anh sẽ bâng khuâng mất vài hôm rồi lại đâu vào đấy. Nhưng nếu nàng là Thơ thật tình thì sao? Trong chốc lát, Kỳ thấy trong tim mình như định ra một biên giới. Đây là tình yêu vợ, yêu con, đây là tình . . . như nước sông, nước suối, nước thác, mỗi dòng nước có một con đường riêng, không hề xâm phạm đến nhau, nhưng tất cả đều đổ về lòng bể, là anh. Nếu đúng là Thơ, anh sẽ không để cho nàng đi thoáng qua như những người bạn đường kia nữa. Nàng sẽ ở bên anh mãi mãi và sẽ đi cùng anh đến ga cuối cùng của cuộc hành trình, cũng như đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Thiếu nữ hình như ngủ say. Nàng bỏ rơi tờ báo xuống, đầu nghiêng về một bên. Kỳ thấy lạnh hẳn cả người. Đúng là Thơ ngày xưa rồi. Hình bóng Thơ nằm yên lặng trong tâm hồn suốt bao nhiêu năm trời, bây giờ hiện ra trước mắt anh bằng xương bằng thịt. Thơ già dặn hơn, nhưng những nét vẫn là Thơ ngày xưa. Mi mắt Thơ tuy nhắm, nhưng lòng mắt bên trong rung rung. Nếu Thơ ngủ thật, chắc nàng đang mơ một giấc mơ buồn. Nét mặt Thơ cố đè nén một cảm xúc gì. Kỳ thấy muốn để đầu Thơ ghé vào vai mình, như thế, chắc Thơ sẽ dựa êm ái hơn, ngủ ngon hơn, và không thể nào mơ những giấc mơ ghê sợ nữa. Mí mắt Thơ bỗng rung động mạnh và hai giọt nước mắt chảy ra, đem theo cả một dòng, lan tràn trên má. Thôi, Thơ không hề ngủ tí nào cả, nàng chỉ giả vờ ngủ để kéo dài thời gian trước phút nhìn được nhau. Chắc Thơ cũng đã nhận được ra anh lâu rồi. Thơ chỉ nghe giọng anh nói, cũng như anh chỉ nhìn bàn tay, cũng biết được nhau. Lần này Kỳ quả quyết lắm. Anh nhất định nắm lấy tay Thơ, rồi ra thế nào thì ra. Thơ mở mắt nhìn anh, nói rất nhẹ: - Em không ngờ. Có người cho em biết anh chết sau lúc xa em mấy tháng. - Anh cũng không ngờ. Nghe kể lại, mẹ em đặt bàn thờ và tụng kinh cho em một trăm ngày. . . anh ngờ sao được! Kỳ kéo đầu Thơ dựa vào vai anh như trước đây mấy phút anh đã ao ước được như thế. Hai người cùng yên lặng, hình như không còn nghe thấy gì ngoài tiếng đập của trái tim. Tầu bỗng hình như chạy mau hơn một cách kỳ lạ và dễ ghét. Kỳ vuốt tóc Thơ, thì thầm: - Chúng mình đã đi được nửa đường rồi mới bắt được nhau. Thơ cố nén cảm xúc: - Nửa đường của chuyến xe suốt, và cả của cuộc đời! - Cũng còn kịp để gặp nhau! - Muộn chưa hở anh? - Chưa em ạ. Đường còn dài, đời cũng còn một nửa để chúng ta nhìn thấy nhau, ngồi cạnh nhau, sống với nhau. Đừng làm sóng gió nữa em, đừng làm khổ nhau, đừng làm khổ mình, đừng tự ngược đãi mình nữa. Bây giờ, anh không để em thoát. Không có gì trên đời này có thể cản trở chúng ta được nữa ! Kỳ không hiểu tại sao anh có thể nói ra được những câu trái với sự thật như vậy. Ai cho phép anh được ngồi với Thơ, sống với Thơ? Anh rất thành thật với lòng. Anh nói những lời xuất phát từ trái tim và đồng thời cảm thấy rất chua xót, không biết làm cách nào để Thơ hiểu rõ, để cho Thơ biết sự thật, biết anh không còn tự do nữa. Anh muốn giữ Thơ trong cuộc hành trình đi đến phần mộ trong đời mình, mặc dầu biết không có một điều kiện nào. Như muốn tránh sự thực hiện tại, anh bảo Thơ: - Em đừng nói gì nữa. Chúng mình sẽ có rất nhiều thì giờ nói chuyện. Bây giờ, hãy để yên cho anh ngồi bên cạnh em, biết có em trong tay. Chúng ta đã lỡ nhau suốt nửa đời người rồi. Yên cho anh sung sướng gặp em . . . - Ngày xưa . . . - Đừng nhắc đến ngày xưa nữa em . . . - Ngày mai . . . - Cũng đừng nói đến ngày mai! Hai người cùng yên lặng và hiểu nhau hơn lúc nào hết. Thơ nhắm mắt lại, ngả đầu vào vai Kỳ! Tàu chạy đều và rung nhẹ, vai của người mình yêu quí, làm gối rất êm. Mi mắt Thơ không còn thấy rung rung nữa, nếu Thơ ngủ được, chắc giấc mơ sẽ yên lành biết bao. Kỳ nhìn ra ngoài trời. Trời đen nhưng trong, mây sáng lơ thơ giăng mắc khắp không trung. Muôn ngàn vì sao lấp lánh rực rỡ, có những sao băng xẹt ngang rất nhanh rồi tắt hẳn. Kỳ ao ước giá còn được lòng tin tưởng thơ ngây ngày xưa, ngày anh còn bé ở làng quê. Hối ấy, mỗi khi thấy sao băng, anh cởi nhanh một cúc áo và nói một điều ước. Anh không nhớ những điều anh ao ước có bao giờ thành sự thực, linh nghiệm như lời bà anh vẫn bảo không, vì anh quên ngay hôm sau. Bây giờ, nếu còn hy vọng và tin tưởng được, anh chỉ ao ước có Thơ trong tay anh mãi mãi. Tầu đến Nha Trang lúc trời vừa sáng. Kỳ và Thơ cùng nhìn nhau mỉm cười. Cả hai đã ngồi yên lặng không nói một điều gì quan trọng, cùng muốn phút giây quên hết quá khứ, tương lai và sự thật, càng kéo dài càng tốt. Kỳ đứng dậy nhìn ra sân ga. Bỗng anh thấy cả người như tê lạnh một cách lạ thường. Vợ anh đang đứng nhìn lên từng toa như tìm kiếm. Trông thấy Kỳ, vợ anh reo lên: - A, anh! Em cứ sợ anh nhỡ chuyến này. Nàng chen lên tàu, bước vào phòng, nói ríu rít: - Em đang nghỉ mát, được tin anh vào, nên đón tầu để đi cùng với anh cho vui. Thế nào, anh có mệt không? Bất giác, Kỳ thấy mệt thực. Bao nhiêu nhọc nhằn chán nản, phiền muộn trong nửa đời người đã trải qua, anh đã quên không muốn nhớ, giờ phút này chúng đùng đùng kéo nhau đến bao vây lấy anh, làm anh thấy mình chỉ trong một lúc như già hẳn đi. Tất cả hy vọng tiêu tan trong chớp mắt một cách đột ngột và tự nhiên vô cùng. Thấy Thơ đứng dậy sắp sửa hành lý, anh cũng không thể nói được một lời nào, để từ giả hay giữ lại. Anh chỉ nhìn theo với đôi mắt buồn rầu bâng khuâng. Vợ Kỳ xem xét hành lý và nói với anh những điều gì nhiều lắm, nhưng anh không nghe rõ, và dù nghe rõ cũng không hiểu gì hết. Mắt Kỳ như mờ đi, nhìn theo Thơ vội vàng ra khỏi ga. Anh biết tình yêu của Thơ và anh vẫn còn nguyên vẹn. Anh biết Thơ cố tránh. Thơ không muốn thấy mình cùng đi với Kỳ một chuyến xe trong đời, mà không thể nói với nhau một lời nào. Kỳ ngồi bên cạnh vợ, nghe vợ nói chuyện và thấy nàng đã nói nhiều quá, trong khi Thơ chưa kịp nói với anh gì cả. Bây giờ, làm sao anh còn nắm được tay Thơ. Làm sao anh biết được Thơ nghĩ gì. Thơ đi đâu? Thơ làm gì? Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu lằn roi đã quất vào tâm hồn nàng? Bao nhiêu thất bại, đau khổ. Ai lau nước mắt cho Thơ? Kỳ chưa kịp biết được gì hết, anh đã để cho bóng Thơ tan mất. Và đau đớn biết bao, anh không có dịp nói một lời giả từ. Giá biết được phải chia rẽ đột ngột và vĩnh viễn như vậy, anh sẽ cố nói với Thơ một vài lời, dù chỉ là những lời rất vô nghĩa, cũng còn có dịp nhìn được mắt nhau lâu thêm vài phút. Tầu vẫn chạy rất bình yên, như không bao giờ biết được bao nhiêu ly hợp đã xảy ra trong một chuyến đi. Người vợ ngồi bên cạnh đem lại cho anh thói quen thường ngày. Kỳ thấy lòng mình bình tĩnh lại. Anh lắng tai nghe vợ nói, trả lời vợ và ngoan ngoãn theo vợ về nhà. Ngoan như con ngựa nhà, ngựa thuần. Con ngựa rất siêng năng cần mẫn, ngày ngày kéo xe cho chủ. Đôi mắt ngựa bị che hai bên lại, chỉ còn nhìn thấy một phía trước mắt, một con đường thẳng, một bổn phận. Ngày ngày làm xong công việc, tối về tàu, ngựa sẽ được phát cho một nắm rơm hay cỏ khô, cho ngựa ngủ yên, đợi ngày mai lại tiếp tục công việc, lưng mang nặng yên cương, mắt che kín. Đền bù lại, ngựa được chủ cho ăn no, được khen là ngoan ngoãn, và ngựa rán hết sức lực làm việc cho chủ vui lòng. Nhưng may mắn làm sao, Kỳ thấy dù mình như con ngựa đã bị che kín hai mắt, chỉ được phép nhìn thấy một con đường thẳng trước mặt, chỉ được trở về với tàu ngựa cũ mà thôi, tim anh vẫn còn nguyên vẹn, vẫn còn có thể cảm, nghĩ và yêu thương. Biên Giới
Tùng xuống tàu từ Yokohama. Cùng rời bến với anh, có một ông Linh mục và các nữ sinh Nhật sang Pháp học vẽ. Các cô Nhật này tuy cũng thuộc hạng " giai nhân", nhưng anh không có cảm tình mấy, nên không muốn làm thân.
Tàu đến Hong Kông, lại thêm một lớp hành khách hạng ba mới lên . Các cô thiếu nữ Trung Hoa kênh kiệu một cách khó thương. Khách đàn ông, thì một số sang Anh tìm việc làm và hễ mở đầu câu chuyện là không thể thiếu được ba tiếng chửi thề, được gọi là " tân tam tự kinh", làm cho anh không hiểu tiếng Tàu cũng phải hiểu. Vì thế, Sheroo nổi bật hẳn lên. Sheroo là một cô gái miền Tây Bắc Ấn Độ, nên da nàng không pha màu cà phê đậm như các cô Ấn Độ miền khác. Hôm đầu mới lên tàu, Sheroo mặc quốc phục: áo trắng tay ngắn và chiếc Shari màu gạch non có hoa vàng viền dưới gấu. Tóc nàng đen và mắt cũng đen một cách êm dịu lạ lùng. Tùng chỉ nhớ lúc đầu mới gặp nàng, anh có một cảm giác rất bằng lòng. rất thoải mái dễ chịu. Tùng không hiểu mình bằng lòng cái gì, bằng lòng sự gặp gỡ, hay là cảm mến người con gái lạ kia. Một hành khách nói đùa rằng nếu ai đi trên tàu thủy một tháng mà không thể làm quen một người bạn mới nào, thì đời không còn làm ăn gì được nữa, chỉ còn cách vào nhà tu kín mà thôi. Tùng không đến nỗi thế. Hầu hết mọi người đều có thiện cảm với anh. Tùng quen tất cả, nhưng Sheroo là người anh nói chuyện nhiều nhất. Một lý do nữa, là nàng nói thạo tiếng Anh hơn những cô gái khác. Khi tàu đến Singapore, anh và Sheroo cùng đăng tên vào đoàn du lịch của hãng tàu tổ chức. Có hai đoàn: một đi xem thành phố Singapore, ăn quà, mua sắm lặt vặt trong thành phố, và một đoàn đi xa hơn, đến tận Johore, thủ đô của xứ Mã Lai. Tùng và Sheroo cùng ở đoàn thứ hai, làm cho Tùng thấy gần và mến Sheroo hơn, vì trong khi các cô gái khác chỉ thích xem phố và ăn quà, mua sắm, thì Sheroo chịu khó đi xa, chịu tốn tiền để xem những cảnh khô khan nhưng tăng gia kiến thức.. Đoàn du lịch bắt đầu đi xem cung điện của vua Sudan Mã Lai trước, kế đến vườn bách thú và Đài Chiến Sĩ trận vong. Đài này, theo lời người hướng dẫn nói, là đài kỷ nịệm hai mươi bốn nghìn binh sĩ của tất cả các thuộc địa Anh, đã chết trong các trận đánh với Nhật để bảo vệ Tân Gia Ba. Cuối cùng, xem Mohamed Ali Mosque, một trong những đền thờ của đạo Hồi Hồi. Lúc sắp bước chân lên đền, Tùng lưỡng lự không biết có nên cởi giày ra như những người khác hay không. Lúc đi, anh không ngờ có cái vụ cởi giày, nên không thay tất mới. Tùng tưởng là phải đi bộ nhiều lắm, nên vẫn mang đôi tất cũ đã thủng mấy lỗ, bây giờ làm anh ngượng với Sheroo. Thấy mọi người đã vào cả, Tùng đành tắc lưỡi một cái, rồi cởi giày theo đúng luật lệ của dân bản xứ. Sheroo còn đứng lại ở cửa lớn chờ anh. Tùng chỉ đôi tất, mỉm cười bảo: - Cô xem, khổ thế đấy. Thiếu người sửa túi . . . Sheroo nói: - Để về tầu, tôi . . . - Cô vá hộ nhé? Sheroo lắc đầu cười: - Còn lâu! Tôi cho anh mượn kim chỉ. Phải tập làm cho quen! - Quen để làm gì? - Để sau này vá cho vợ chứ! Còn ai làm việc ấy hộ cho anh nữa! Vợ mình chứ vợ ai mà ngại. Thấy Sheroo tinh nghịch, Tùng cũng trêu lại: - Thế mà tôi định để dành cho cô vá đấy! Nếu cô không biết, tôi xin dạy miễn phí, bảo đảm hai giờ thành công, giỏi hơn thầy nữa là khác! Sheroo bĩu môi: - Còn lâu! Hai người cùng cười. Bây giờ, Tùng không còn ngượng ngùng gì về đôi tất rách nữa. Anh nói rất nghiêm trang: - Tôi nhất định không vá đôi tất rách này, vì trong cái thời buổi rất " đắt đỏ" khan hiếm thứ đàn ông thông mình, đây là một cái quảng cáo rất tốt, tỏ ra rằng kẻ mang nó cần một người " hiền nội trợ", và biết đâu chả có người thấy đôi tất rách của tôi mà "mủi lòng", rồi thương lây đến " kẻ sĩ " này chăng! Sheroo có vẻ chế nhạo: - Tôi chưa thấy ai "khiêm nhượng" hơn anh. Trong một câu, vừa tự xưng mình là người thông minh, vừa ra điều kiện cưới vợ phải là người " hiền nội trợ". Nếu lỡ gặp phải cái thứ chằn tinh đội lốt mỹ nhân thì sao? - Tôi không tin cô thuộc loại ấy. Và ví dụ như phải chăng nữa, tôi cũng không sợ! Sheroo lại bĩu môi: - Còn lâu! Tùng nhìn Sheroo với cái nhìn hăm dọa, như con hổ đã nhìn thấy mồi ngon, trước khi vồ lấy nhai ngấu nghiến, còn vờn quanh để tăng thêm khao khát. Sheroo cũng nhìn lại một cách khiêu khích, như con mồi được nằm yên trong một cái cũi sắt chắc chắn an toàn . dù thấy kẻ địch đến múa men trước mặt cũng không hề run sợ, vì đã biết trước nếu hắn ta vồ mình, là giờ phút hắn ta bước vào " tử địa". Cô hướng dẫn mời mọi người đứng quanh gần cô và bắt đầu làm phận sự. Cô cất cao giọng, giảng giải bài học thuộc lòng cô phải giảng hàng trăm nghìn lần trước mặt du khách: - Những tín đồ Hồi Hồi, mỗi ngày thứ năm phải đến làm lễ tại đền thờ này. Trước khi bước chân lên đền, phải rửa mặt và chân tay. Vì thế, trước mặt đền, phải xây hàng chục cái máy nước mới đủ dùng. - Cái đài cao, chạm trổ và giác vàng này, là để cho nhà sư lên giảng kinh Koran mỗi tuần lễ. - Mời quý vị xem. Tất cả đá Cẩm thạch lót dưới sàn, trên tường, và trên trần đền thờ, đều được chở từ Ý Đại Lợi đến. Tấm thảm quí dưới chân quí vị, là thảm Ba Tư. - Đây là toàn bộ Kinh Koran chụp hình lại. - Bản đồ những chiếc đồng hồ treo trên vách kia là để chỉ những giờ phải cầu nguyện. Mỗi ngày năm lần ở nhà, và mỗi tuần phải đến điện một lần. - Đây là . . . Đây là . . . Cô hướng dẫn vừa đi vừa kể. Mọi người theo sau lưng cô, mắt cứ nhìn lên ,nhìn xuống, quay phải, quay trái theo ngón tay cô chỉ. Sheroo lùi lại sau cùng, hỏi một ông sư đứng cạnh: - Cô ấy bảo chỉ cầu nguyện 5 lần một ngày thôi, tại sao lại có những chín cái đồng hồ? Nhà sư mỉm cười, vui vẻ trả lời: - Năm lần theo lệ thường, còn bốn lần kia là phụ trội trong những ngày lễ đặc biệt. Thấy ông sư có vẻ muốn giảng cả bộ kinh Koran, Sheroon cảm ơn rồi vội vàng chạy theo các bạn, lên xe về bến . Hành khách ở Singapore lên tàu, phần đông là người Ấn Độ. Bọn họ xoa lên người một thứ dầu rất nặng mùi. Dần dần, sân tàu gần như bị chia làm đôi. Nhóm Người Ấn Độ đi đâu là những người khác tránh dạt cả ra. Và mãi đến lúc ấy, Tùng mới nhớ tóc Sheroo cũng có mùi dầu tương tự . Anh không dám thở mạnh để nhận xét xem nó giống mùi gì mà chỉ thoáng qua một chút trong không khí, cũng đủ làm cho người ta thấy nôn nao khó thở. Có người nói cho Tùng biết rằng dầu ấy làm cho da và tóc họ được bóng lóang và thêm đen, thêm đẹp. Tùng nghĩ thầm, may mà Sheroo chỉ xoa một ít lên tóc, nếu nhiều quá chắc anh hết dám đứng gần. Thấy Tùng không rời Sheroo, các bạn anh chế nhạo: - Có người phải coi chừng, trái tim sắp rụng đến nơi! Không hiểu nghe Sheroo nói chuyện bằng cái tiếng Anh giọng Ấn Độ ấy thì có thú vị gì. Nghe mười hiểu một. Tùng trả lời: - Phải, các " ngươi" là giống " thông minh vặt", nghe một hiểu mười, còn " ta" thích nghe mười hiểu một, như thế mới đủ " huyền bí ly kỳ". Tàu càng đi các bến xa, hành khách lên càng đông và màu da càng đen thêm. Qua khỏi Bombay, sóng bắt đầu to và gió dữ dội. Phần đông hành khách đều bỏ cơm, nằm yên trong phòng. Phòng ăn cũng như sân tàu vắng vẻ yên tĩnh hẳn lại. Thấy Sheroo vẫn lên sân, Tùng trêu ngay: - Nếu tất cả hành khách đều như cô, thì hãng tàu phải đóng cửa sớm. - Tôi có làm gì thiệt hại cho hãng đâu? - Từ hôm cô lên tầu, tôi chưa thấy cô vắng mặt trong phòng ăn một bữa nào. - Đầu óc bóc lột giỏi như anh mà không đi buôn, thật là mai một cả thiên tài. - Thôi, xin đủ ạ. Nói thực chứ Sheroo không mệt sao? - Mệt lắm chứ, nhưng phải gắng chịu để làm gương cho kẻ khác bắt chước. Thế nào, hôm nay có phải thân tặng cho anh hai viên thuốc say sóng "Sealeg" nữa không? Tùng nói lãng: - Thôi, chúng ta nói chuyện khác đi, đừng để lạc đề nữa! Sheroo mỉa mai: - Thế anh cứ nói chuyện nghiên cứu hóa học của anh đi. Ai bắt anh phải đổi chuyện, mà kêu lạc đề ầm cả lên. - Không, tôi muốn nói chuyện gì khác hơn nghề của tôi. Chẳng hạn như, tôi rất sung sướng vì Sheroo không ăn "bằng tay" như những người Ấn Độ khác. - Ở nhà, tôi cũng ăn như mọi người, nhưng khi có khách lạ, hay là trước mặt anh chẳng hạn, tôi mới dùng đến các thứ " khí giới" dao thìa ấy. - Thế tại sao nhiều người Ấn Độ không ăn thịt bò? - Những người theo đạo Phật như chúng tôi, tin rằng tất cả mọi sinh vật đều biết đau đớn cũng như người, nên chúng tôi chỉ ăn rau và hoa quả. Chúng tôi uống sữa của bò, nên yêu bò như mẹ, con có bao giờ ăn thịt mẹ không? - Thế cô không sợ một ngày kia bò sinh sản nhiều quá, sẽ cai trị loài người? Sheroo cười: - Thì đã làm sao chưa? Cùng lắm là " hầu hạï" bò, dẫn bò đi tắm, quét dọn chuồng bò, trồng cỏ cho bò ăn chứ gì! Đối với bò thì chúng ta đã thành nô lệ từ lâu rồi nhưng không nhận đấy thôi. Một sĩ quan trên tầu đi ngang qua chỗ hai người đứng dừng lại nói: - Tối hôm nay, tám giờ có chớp bóng. Phim hay lắm, cô nhớ lên xem. Người sĩ quan đi rồi, Tùng nhìn theo mỉm cười. Sheroo nói: - Trông nụ cười của anh có vẻ " bất lương" lắm. Tùng vẫn cười: - Tôi kể chuyện cô tích cô nghe nhé: Có một tiểu thư nọ đi tầu biển, người ta xem thấy nhật ký của cô ta viết như thế này: " Ngày thứ nhất: Thuyền trưởng là một thanh niên rất đẹp trai". " Ngày thứ hai: Anh ta nói, nếu tôi không đáp lại tình yêu, thì anh ta sẽ đánh đắm tầu, tất cả hành khách sẽ chết đuối, không còn một ai sống sót". "Ngày thứ ba: Tôi đã cứu tất cả hành khách và thủy thủ hơn ba nghìn người". Sheroo cười ngất: - Đối với tôi thì .. . còn lâu! Tôi là người không biết " hy sinh", dù là hy sinh cho chính tôi cũng vậy! - Thế cô sống để làm gì? - Sống để làm gì à? Sống để . . . trêu tức thiên hạ! Ngán chưa? Tùng chỉ ngoài biển xa hỏi: - Cô có thấy gì không? - Quái vật của Đại Dương, lạ lùng gì? - Cố nhiên là cô phải quen lắm. Cùng họ Quái mà, Cô có tin là nếu tôi có người vợ như cô, thì đàn Quái Ngư kia chắc chắn sẽ được một bữa điểm tâm rất ngon lành. Sheroo bĩu môi: - Còn lâu! Sau buổi nói chuyện với Sheroo, Tùng thấy hoàn toàn thất vọng. Đúng là giữa anh và cô gái Ấn Độ này có một biên giới vô hình ngăn cách. Tùng không thể yêu bò như mẹ, không chịu được mùi "dầu thơm" hôi nồng nực, không thể ăn bốc, ăn cay như các đồng hương của nàng được. Anh là một người tận tụy với khoa học, suốt ngày vùi đầu trong phòng thí nghiệm để tìm những phương thuốc mới, tân tiến nhất. Anh đi sang Đức mục đích để nghiên cứu thêm những dược chất lạ, còn Sheroo chỉ " đi chơi". Sheroo " đi chơi" trong giấc mơ cũng như trong cuộc đời, trên đường đời, nàng không thấy một việc gì đáng gọi là quan trọng cả. Anh xây dựng, trong khi Sheroo phá hoại. Anh làm cho đời bớt đau thương, còn Sheroo " sống để trêu tức thiên hạ". Hai người như đi trên hai con đường song song,trông thấy nhưng không bao giờ gặp được nhau. Như một người quân tử, xử sự một cách rất "quân tử", Tùng tự lý luận: thôi để cho Sheroo yên. Vả lại, chính mình cũng không thực yêu Sheroo cơ mà! Vì nếu yêu thì mình đã làm hết cách, dù là "vương đạo" hay " bá đạo" cũng được, để có nàng. Dù cho Sheroo có trốn chạy đến tận chân trời góc biển nào, dù " còn lâu" cho đến ngày tận thế, dù Sheroo có tài trêu tức đến đâu mình cũng không tức, không bị nàng gạt đi một cách nhẹ nhàng như thế. Mình không yêu, mình không yêu". Lòng tự ái được thỏa mãn, Tùng yên lòng và vui vẻ như một người " không yêu" thực sự. Những ngày cuối cùng trước khi cập bến Marseilles, trời rất đẹp. Tất cả hành khách đều lên sân chơi, nhưng nét mặt mọi người đã bắt đầu hiện ra những xúc cảm khác nhau. Thôi thế là hết những ngày ăn rồi ngồi ngắm biển và tán dốc. Người đi học , kẻ đi làm, Từ đây họ sẽ đi tung ra các nơi khác. Mai đâyphải lo bài vở, thi cử, lo tranh đấu, lo phát triển, lo làm lợi cho mình, làm không hại kẻ khác, bao nhiêu là " kiểu mẫu lo" đều tập trung cả vào một chuyến tầu. Tầu đến bến Marseilles ,bến cuối cùng, Tùng từ giả Sheroo một cách vui vẻ, bình thản. Anh trở về với công việc quen thuộc: phòng thí nghiệm, với những chai lọ ngổn ngang và lại vùi đầu vào sách vở. Tùng tưởng làm như thế anh có thể quên những kỷ niệm vui nhẹ êm đèm và nhất là tưởng mình quên được Sheroo. Tùng kiêu hãnh như người vừa chiến thắng một trận rất vinh quang, dù không có kẻ địch. Anh bằng lòng mình, như một phú ông vừa nhịn tiêu tiền một trăm đồng để bỏ thêm vào ngân hàng cho đủ số hai mươi triệu! Bằng lòng một việc làm khá vô ích. Sự thực, hình ảnh Sheroo vẫn theo Tùng đến phòng thí nghiệm . Anh càng cố quên, Sheroo hình như càng cố trêu tức anh thêm. Đôi mắt tinh nghịch của nàng hiện ra giữa các con số, chữ tắt, làm anh thỉnh thoảng lại đãng trí và để mình chìm đắm trong nhớ nhung. Tùng nhớ đến từng cử chỉ, lời nói, từng cái chớp mắt, từng mẩu chuyện của anh với Sheroo. Một hôm anh hỏi nàng: - Nếu có người nói yêu cô, cô sẽ trả lời thế nào? - Láo hết, không tin. - Nhỡ thật? - Thật thì cho họ chết. - Chết như thế nào? - Chết trẻ, chết già, chết tự nhiên, chết miễn cương, thiếu gì cách chết. - Thế còn cô? - Cũng chết chứ sợ gì ai! Chết tầm thường, chết đặc biệt, chết vui, chết buồn, chết khô, chết héo, chết sung sướng trong tay người yêu, hay là chết vì ghét nhau, chưa biết, còn phải đợi xem " hồi sau phân giải". - Nhưng tôi không ghét Sheroo đâu! Sheroo trề môi, hất hàm cười bảo: - Còn lâu! Lúc ấy, anh cho là Sherro rất dễ ghét và điên. Nhưng bây giờ, thấy hình như trong cái điên của nàng cũng có ít nhiều chân lý thực: đằng nào cũng chết, mà ai cũng chết! Nếu đã như thế, tại sao anh không chọn cách chết vui vẻ, chết dễ thương, chết trong tay người yêu một cách sung sướng? Tùng ngạc nhiên, không hiểu tại sao mình đã có thể gàn được đến thế. Một mùi dầu lạ thoáng trong mái tóc Sheroo thì có nghĩa lý gì, mà cũng đủ làm thành một biên giới chia rẽ hai tâm hồn. Với Tùng, bây giờ giá Sheroo xoa dầu cả người cũng không sao. Một bể tắm đầy xà phòng có thể rửa sạch tất cả mùi dầu lạ kia, cũng như một tình yêu chân thành, tuyệt đối, có thể thay đổi hẳn tính coi rẻ đời của nàng. Khi Tùng tìm ra chân lý, thấy mình đã nghiện Sheroo, nghiện cả những mẩu chuyện trái tai của nàng, khi Tùng thấy thời gian và không gian, cũng như tất cả những sự trái ngược của anh với Sheroo đều không thể làm thành biên giới, thì Sheroo đã ở tận một chân trời nào! Sheroo vẫn còn đang "đi chơi" với hai chữ " còn lâu" luôn luôn ở trên môi nàng. Còn Tùng vẫn ở nguyên một chỗ trong phòng thí nghiệm của anh, và thỉnh thoảng, các thứ thuốc anh chế lẫn lộn lại làm anh say sưa tưởng như mùi thuốc mê vương vương trong mái tóc người mình thầm yêu. Quà Tết
Minh hỏi Quế:
- Chị đang nghĩ gì đấy ? Đôi mắt Quế vẫn nhìn lên trên trần nhà mơ mộng, không trả lời em. - Chị nghĩ gì, phải nói ra chứ ! Quế gắt: - Ơ hay, ý nghĩ là tư sản của người ta, sao lại bắt buộc phải nói ra ? - Nhà này không có phép như thế ! Cấm mơ mộng, cấm buồn, cấm khóc. Muốn gì phải xin phép em. Tư tưởng không nói ra, không công khai, là tư tưởng ...lậu thuế ! Chị định giữ lấy một mình để làm chợ đen phải không ? Hai chị em cùng bật cười. - Thôi để ta nói cho mà nghe. Đồ độc tài. Thật rõ là càng trẻ con càng ưa bắt nạt người lớn ! Ta đang nghĩ đến những cái Tết tha hương đã trải qua trong đời. - Tưởng gì lạ, chứ Tết tha hương thì em cũng có. Những mười cái cơ đấy. Chị được bao nhiêu ? - Có lẽ mười ba. - Con số rủi. Tết năm nay, chắc chúng mình sẽ ....no ! - Em đoán lối gì kỳ quái vậy ? - Em đoán theo kiểu " phép giải mộng" " sanh dữ tử lành" mà ! Hai chị em cùng yên lặng một lúc, Minh nói: - Lạ quá chị ạ, sao những cái Tết no vui thì mình quên cả, còn Tết nào đói hay là khổ là mình nhớ đời. Em nhớ nhất hồi chúng em "được" ăn mứt gừng suốt cả ba ngày Tết. Năm ấy, chúng em nghèo quá chừng: tiền học chưa có, tiền nhà chưa trả, tiền ăn không biết còn đang lưu lạc nơi đâu... Đợi mãi vẫn không thấy thư nhà. Mãi đến chiều ba mươi Tết mới nhận được quà của cô bạn thân nhất gời cho: một gói mứt gừng thật lớn chị ạ. Mứt gừng là một món ăn rất sang trọng và xa xỉ ở ngoại quốc, nhưng mình không có gì ăn cả ngoài nó ra nên phải ăn suốt ba ngày. Trời, nóng ruột gần muốn điên luôn ! - Còn chị, chị nhớ hồi ở Nam Kinh cũng bị hoàn cảnh như thế. Các sinh viên Việt Nam không ai còn đồng nào cả. Tình cảnh có vẻ nhiều hy vọng được ăn Tết với nước lã lắm. Đêm ba mươi, bỗng có anh Thanh đến chơi. Anh ấy làm trong quân đội Tàu, đánh giặc mướn hộ ông Tướng mấy chục năm vẫn không chết. Anh trịnh trọng đưa cho chị một gói nhỏ và bảo đấy là quà Tết cho tất cả. Trước khi mở, anh bắt đoán. Mọi người cầm gói, nào lắc, nào nghe, nào sờ, nào nắn, làm đủ, nhưng cũng chỉ đoán được đấy là một thứ đồ hộp, mà không biết món gì. Mãi sau, mở ra mới biết, đấy là một hộp sữa đặc. Anh Thanh cho biết anh không còn đồng nào, chỉ định đến thăm anh em, chuyện trò suốt đêm giao thừa thôi, không ngờ lúc đi đường, thấy cái hộp sắt có vẻ còn mới bên bờ cỏ, anh đá nó một cái và định nhặt để đem cho bọn này làm gáo múc nước. Anh thấy nặng. Thì ra, một hộp sữa còn nguyên. Thế là cả bọn được uống sữa như trẻ con suốt ba ngày Tết. Kể ra, không ấm lòng bằng mứt gừng, cũng không no giống như mứt gừng, nhưng ngọt ngào thì đủ lắm. Minh đứng dậy đến bàn chải đầu, bảo: - Đến giờ rồi, em sửa soạn đi hát. Hôm nay, em muốn chị đi với em. Em mới ốm dậy, hát buổi đầu, run lắm. Chị đi để em vui và thêm tin tưởng. Trang điểm xong, Quế xách đàn, Minh cắp tay nàng, hai chị em đi co ro trong trời đêm giá rét. Đêm đã khuya, các tiệm bán hàng đều đóng cửa, chỉ còn vài tiệm cà phê đèn còn sáng. Minh nhìn vào cửa kính một tiệm bán hàng phụ nữ, hỏi chị : - Tết năm nay, em muốn tặng chị một món quà để kỷ niệm chúng mình gặp lại sau mười bốn năm xa cách. Chị thích gì ? Quế gạt đi: - Thôi đừng bày đặt ra nữa ! Em tặng chị, rồi chị biết mua gì tặng em ? Tiền chị để bên nhà, chưa có cách gì gởi sang; có lẽ thứ hai đi học vẫn còn phải cuốc bộ ! Túi sạch sẽ lắm, không quà cáp gì cho ai hết ! Minh phụng phịu: - Không, em khác. Em còn hơn một trăm quan. Tối nay em hát, mai có tiền đi chợ, mua được cả củi đốt sưởi nữa là khác ! Giàu đến thế còn gì nữa ! Chị không nhận là khinh em, ghét em, em giận chị đấy ! - Ừ, nếu thế em cho chị một cuốn vở hay một tập giấy trắng cũng được. Hai chị em cùng xiết chặt tay nhau. Đến nơi, Minh và Quế vào cổng sau, lối đi riêng của nghệ sĩ để lên sân khấu. Quế giúp em thay áo và nàng thầm cầu nguyện cho Minh tối nay hát hay. Minh ốm đã hơn mười lăm ngày. Hôm nay nàng khỏi, và đi hát lại, nhưng vẫn còn yếu lắm. Quế sợ nhất là cái giọng. Nếu Minh bị mệt, tắt giọng nửa chừng thì tai hại vô cùng. Trên sân khấu, người ta để hai gối bông, trên phủ gấm đen, sau lưng là tấm màn nhung màu rượu chát. Minh mặc áo kim tuyến trắng. Minh sẽ đứng ghếch một chân lên nệm gấm, ôm đàn lục huyền cầm và hát luôn ba bài. Ngày thường, nếu Minh khoẻ mạnh, nàng có thể hát đến muời bài không mệt, nhưng hôm nay Minh còn yếu , nên Quế thấy lo lắng vô cùng. Quế đứng trong sân khấu sau tấm màn, đợi nghe Minh hát. Bỗng thấy người gĩư phông đến bảo: - May quá, có cô ở đây. Ông giám đốc bảo hôm nay phải che thêm nhung cả hai bên cô Minh, để khỏi thấy lối vào trong sân khấu. Tôi tìm mãi, nhưng người phụ của tôi đi đâu mất, cô giúp tôi một tay nhé, để che liền hai tấm màn lại cho kín. Quế gật đầu và đến cạnh kéo sát hai ấm màn lại. Quế đứng ngay cạnh em, nhưng không trông thấy mặt, chỉ thấy bóng Minh in trên tấm màn nhung, mái tóc Minh xoả dài xuống lưng. Quế thấy mình tự nhiên cũng nín thở mỗi khi Minh nín thở để hát một câu dài. Trong lúc Minh nhìn nghiêng; Quế trông thấy được bóng môi em mấp máy rung. Không trông được mặt Minh, nàng cũng biết Minh đang nhìn vào khoảng không, tưởng tượng đang hát với một người nào đó, hát riêng cho một người nào đó nghe, để diễn xuất tất cả tình cảm của bài hát giữa đám nguời xa lạ. Minh hát xong bài thứ nhất, đến bài thứ hai là một bài Pháp. Tâm trí Quế đi theo từng chữ trên môi em. Trong khi Minh hát ngoài sân khấu, Quế cũng hát trong lòng. "Anh làm một cái hình nhân để tưởng nhớ tới em. Miệng em là một trái mơ Vỏ ốc làm tai, củ cải làm mũi Tim em, anh để một viên đá Hai nắm cỏ kết thành mái tóc Đoá hoa xanh là đôi mắt em đang rưng rưng lệ Những giọt lệ mắt anh đã chảy ra Dù anh không muốn..." Minh hát xong, Quế mừng thầm, nhưng lại lo hơn, vì không biết em còn đủ sức hát nốt bài thứ ba không. Bên ngoài , Minh đã bắt đầu giới thiệu: - Đây là bài dân ca Mông Cổ. Bài hát người nông dân ca ngợi vẻ đẹp hùng tráng mỹ lệ của quê hương. Chàng ngồi bên bờ suối, nàng khoác tay chàng ca hát, và một con chim đậu trên cành líu lo hoà theo... Minh lấy giọng vui để diễn tả tình cảm của bài hát rộn rã tưng bừng. Quế thấy bóng Minh trên màn rung rung, từ cánh tay vỗ đàn, mái tóc cho đến bàn chân ghếch lên chiếc gối phủ gấm, tất cả đều rung động, làm Quế cũng thấy rung theo. Mỗi một phút bây giờ sao dài quá ! Bài hát Mông Cổ hôm nay cũng thấy dễ ghét lạ ! Nó lên cao xuống thấp một cách bất tử và tốn hơi vô cùng. Quế thấy trán mình lấm tấm mồ hôi. Những hạt mồ hôi cứ to dần và chảy dài xuống mặt. Nhưng rồi cũng xong. Minh đã giữ được giọng cho đến câu cuối cùng. Nàng cúi chào khác giả trong tiếng vỗ tay hoan hô. Hai dòng nước mắt Quế đã cố gắng hết sức nén giữ mãi, bây giờ cũng chảy dài xuống má, hoà lẫn với những giọt mồ hôi. Quế khóc sung sướng vì thấy Minh đã đứng vững được suốt ba bài hát. Trên đường về, gió cuồn cuộn thổi ngược, hai chị em dắt díu nhau, những bước chân chập choạng như bước chân đứa bé mới học đi. Con đường chợ bây giờ đã được quét dọn sạch tất cả rác bẩn, chỉ còn lại những cái thùng gỗ đựng hoa quả, nguời ta vứt bên vệ đường, đợi xe chở rác đến nhặt. Mắt Quế sáng lên. Thấy một người say rượu, bước chân ngã nghiêng, từ đằng xa đi đến, Quế dặn em: - Kìa, thằng say. Em nhìn thẳng, chứ đừng nhìn vào mặt nó. Nhưng cũng phải để ý xem chừng, nhỡ nó đến gần còn liệu. - Liệu thế nào ? Vác đàn đánh vào đầu nó, hay chạy ? Hay kêu ầm lên ? - Tất cả ! Anh chàng say vừa đi vừa hát. Hắn nhìn hai chị em một cách nhơ ngác, rồi lãng đi nơi khác. - Đố chị, tại sao hắn sợ chúng mình ? - Tại hắn trông hai hoá làm bốn, nên " biết mình biết người", chuồn trước thế là phải. Đến nhà, Quế đưa em vào phòng xong, về phòng mình thay giầy thấp và lặng lẽ xuống chợ. Bên vệ đường, mấy cái thùng gỗ vẫn còn nằm yên. Quế nhắc một chiếc, hai chiếc, ba rồi bốn. Bốn chiếc thùng không, tuy không nặng nhưng rất cồng kềnh, khó mang. Quế đi rất chậm, nhưng chỉ một lúc đã thấy mệt .Vừa trông thấy cửa, Quế vội vàng vào ngay, không hề nghĩ ngợi gì cả. Muốn cẩn thận, Quế không bật đèn cầu thang, để lúc vào, đi ngang qua phòng, người gác khỏi trông thấy. Cầu thang hẹp, bốn cái thùng lại vác nghênh ngang nên rất khó đi, Quế phải lách mình đi từng bước một, mãi mới đến được từng thứ ba. Quế ngừng lại thở một lúc và hơi ngạc nhiên vì trong bóng sáng mờ mờ của cửa kính chiếu đèn ngoài đường vào , cầu thang có vẻ là lạ. Quế kinh hoảng tìm chỗ bật đèn, cũng không tìm thấy cái khuy bấm vẫn ở chỗ mọi ngày thường bấm. Lúc bật được đèn, Quế mới biết đã vào nhầm cầu thang nhà khác. Cũng may, chỉ mới đến gác ba ! Bốn cái thùng gỗ lại nghênh ngang được tha xuống. Bây giờ, Quế bỗng thấy khổ sở vô cùng. Mấy cái thùng không đựng gì, nhưng sao mà nặng thế ! Cả cái thân mình cũng gần lê không nổi, hơi thở thì ngắn ngủi, nghẹn ngào, tức tưởi. Bao nhiêu tính gan lì bướng bỉnh của Quế đều được gọi đến làm viện binh. Quế nhất định không chịu bỏ dở công việc. Quế nhất định chống cự lại với tất cả sự sụp đổ của tâm hồn và thể xác. Quế nhất định vác bốn cái thùng gỗ về đến nhà cho kỳ được. Lần này, trông thấy lối vào, Quế cũng còn cẩn thận nhìn số nhà, thấy đúng rồi mới vào. Bây giờ, Quế không thấy ngượng ngùng gì nữa. Nàng bật đèn ngay từ lúc mới bước vào cửa, mặc cho ai trông thấy thì thấy, muốn cười cứ việc tha hồ cười. Nàng nhặt gỗ về đốt lò sưởi, chứ có gì là lạ ! Quế nhón chân cố bước lên cầu thang rất nhẹ, sợ làm thức giấc mọi người ở các phòng khác, nhưng bốn cái thùng như muốn phá đám, vẫn cứ vướng víu, hết đụng cửa bên phải lại va vách tường bên trái. Lách bề ngang không được, xoay bề dọc cũng không xong, Quế mệt mỏi, chán nản quá chừng. Nàng cố gắng hết sức mới lên được đến gác cầu thang tầng thứ sáu. Một cơn suyển bỗng từ đâu kéo đến đùng đùng chớp nhoáng, làm Quế ngạt thở và tim như muốn đứng dừng lại. Quế cố sức kêu to: - Minh ơi, ra đón...quà Tết...nặng quá... Quế cố lê mấy bước cuối cùng đến trước cửa phòng em và chân nàng mềm đi. Quế không còn biết gì nữa. Lúc Minh nghe tiếng động , mở cửa chạy ra, nàng thấy chị nằm ngất đi giữa đám thùng đổ ngổn ngang. Món quà Tết của Quế cho em, đúng là nặng thật. Minh không làm sao "vác" nổi chị vào phòng. Người Quân Tử
Dung băn khoăn suy nghĩ, lăn lộn trên giường đã hơn một tiếng đồng hồ. Đáng lẽ nàng phải đi chợ mua đồ ăn nấu cơm chiều, nhưng hôm nay có cớ để cho nàng giận dữ, nên định đâm liều một bữa xem sao.
Dung còn nhớ rõ, dù đã nhiều năm về trước, mà hình ảnh, cảm xúc vẫn còn sống động như vừa mới xảy ra. Hôm ấy nàng đang chạy dưới làn mưa đạn thì gặp hắn. Hắn mời nàng đến nhà tạm trú trong khu vực an toàn. Vợ hắn về quê mẹ bên Pháp chưa trở lại, nên hắn rất tự do. Luôn mấy ngày, hai người bị kẹt trong cái tổ ấm đó. Thế là hắn thành ra "chính phủ bảo hộ" của Dung. Kể ra, lúc đầu suốt mấy tháng trời hắn cũng mất một ít công phu. Nào là hái hoa tặng nàng, nào là thức dậy từ ba giờ sáng pha cà phê cho nàng uống để sửa soạn đi bay. Nhưng hắn thuộc về loại đàn ông tán gái chỉ mất ba bó hoa, về sau lấy lại cả vốn lẫn lời. Khi hãng máy bay Dung làm đóng cửa, hắn hết sức dỗ dành Dung đừng làm nơi khác. Hắn nói nghề nữ chiêu đãi viên Hàng không là một nghề rất nguy hiểm, phải thức khuya dậy sớm, nay đây mai đó, sống giang hồ lãng tử như thế không phải là cuộc sống thích hợp cho một bà mẹ hiền. Hắn hứa sẽ trả lương cho Dung gấp đôi, nếu Dung làm thơ ký cho hắn. Hắn nói: - Tôi đã có vợ rồi, nên không thể chính thức cưới em được. Tôi chỉ là một ân nhân, một Người Quân tử, giúp em qua khỏi lúc khó khăn hoạn nạn. Em cần có một người đàn ông làm hậu thuẫn, để em dựa vào làm ăn, để tinh thần em có chỗ ký thác. Con em cần phải có cha. Cha chúng nó đã lên chiến khu mất tăm mất tích em còn trông mong gì nữa! Người ta ai cũng cần phải có gia đình như con chim cần có tổ ấm. Em không thể sống mãi cuộc sống cô độc, trống trải tâm hồn, lại còn phải một mình vừa làm cha vừa làm mẹ, phấn đấu lo miếng cơm manh áo cho con như thế mãi được. Hắn tán ngọt hơn mía lùi. Dung nghe như ăn phải bùa mê. Nàng tin tưởng trân trọng ký thác cả thể xác lẫn tâm hồn theo lời yêu cầu đầy hứa hẹn. Mỗi năm nàng đẻ cho hắn một đứa con. Những đứa bé này đều theo họ mẹ, và gọi hắn bằng bác. Với mọi người, hắn chỉ nhận Dung là thư ký. Mà cũng đúng như thế thật. Dung phải viết thư đòi nợ cho hắn. Rồi còn phải giao thiệp với Luật sư, vì hắn rất thích kiện tụng, phải đi thu tiền nhà cho thuê là một việc rất khổ tâm, phải lo thu xếp tất cả giấy tờ công việc buôn bán của hắn. Nay chạy đến sở này, mai chầu chực bộ nọ, vì hắn làm việc đấu thầu xây cất nhà cửa nên có rất nhiều thủ tục pháp lý phải làm. Hắn cho phép Dung toàn quyền làm phận sự của cô thư ký. Còn những việc " phi phận sự" thư ký như lau nhà, đi chợ, làm bếp, đẻ con, hắn cũng nhờ Dung "toàn quyền" luôn cho tiện việc sổ sách. Hắn rất hà tiện, nhất định không mướn người làm. Hắn lấy cớ là không tin ai hết, để bắt Dung tự làm lấy tất cả. Cái thời chiến tranh nửa nóng nửa lạnh, người hai vùng " bên ni bên tê" qua lại như đi chợ. Ai cũng có thể là Giao liên hay Mật vụ, không chơi với họ là an toàn nhất, khỏi lo bị đâm dao sau lưng bất thình lình. Hắn đưa cho Dung mỗi tháng ba nghìn, gọi là tiền lương thư ký. Và trong số ba nghìn đó, thời giá tương đương với 1 lượng vàng, cô thư ký phải nấu cơm cho ông chủ ăn nữa. Số tiền ấy chỉ bằng một phần năm lương Dung đi làm trước kia. Nhưng biết làm sao được, khi từ một thư ký thường, người ta biến thành một cô thư ký " vạn năng " . Và người " quân tử" lại là hạng quân tử khôn, chứ không phải quân tử dại. "Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, Quân tử nói đi nói lại là Quân tử khôn". Hắn thuộc về loại quân tử khôn. Còn Dung xưa nay vẫn nổi tiếng khôn, nhưng lại là khôn nhà dại chợ. Hắn sợ Dung tiếp xúc với bạn bè bà con, nhỡ người ta xui khôn xui dại, nên cấm nàng không được giao thiệp thăm viếng gặp gỡ ai cả. Hắn không cho Dung diện đẹp đi chơi phố, sở thích duy nhất của Dung, vì hắn biết Dung còn xinh ơi là xinh, nhỡ gặp người " cao tay ấn" hơn hắn, thì hắn mất một món bở. Còn biết tìm đâu trên đời này một người đàn bà vừa tháo vác giỏi giang xinh đẹp lại vừa khờ dại một cách lý tưởng như Dung? Trong thế giới làm vợ " chợ đen" ai cũng đòi được hưởng thụ vật chất tràn trề đầy đủ, để đền bù sự thiệt hại về tinh thần. Chỉ có một mình Dung đã làm cách mạng, trái với định luật ấy. Mãi đến khi Dung đẻ cho hắn đứa con trai thứ hai, hắn mới mua cho nàng một cái nhẫn hột cẩm thạch giả thật to. Đó là món quà nữ trang đầu tiên, từ khi nàng về làm " thư ký vạn năng" cho hắn. Không đeo thì sợ hắn giận, đeo thì cũng khổ tâm lắm! Cuối cùng, Dung nghĩ được cách đeo nhưng quay mặt nhẫn vào trong. Nàng sợ người ta biết nhẫn giả, nên quay mặt nhẫn cố ý để mập mờ, cho mọi người tưởng mình có đồ thật nhưng khiêm nhượng, không muốn khoe khoang cho ai biết. Dung được hắn nhồi sọ rất kỹ, hắn bắt nàng tâm niệm hắn là ân nhân của nàng, hắn là người quân tử đã cưu mang, cứu vớt nàng trong cảnh lửa đạn, hắn là người độc nhất mà Dung phải trung thành phục vụ suốt đời. Còn Dung đã bị tẫy não quá kỹ nên cũng tưởng thật. Dung vẫn giữ vững lòng tin tuyệt đối ấy cho đến hôm nay hắn tình cờ chạm trán với Loan, một bạn gái cùng lớn lên với Dung từ thuở bé. " Bác" của mấy đứa nhỏ nói với Loan thao thao bất tuyệt như lên diễn đàn: - Tôi là Người Quân tử. Tôi là ân nhân của Dung. Nếu không có tôi, Dung đã chết giữa cảnh tên bay đạn lạc. Tôi dạy cho Dung cách thức làm ăn. Tôi không muốn Dung có tánh ỷ lại, sống nhờ vào đàn ông, như những người đàn bà khác, lỡ khi chồng chết thì phải làm sao? Vì thế nên tôi không nuôi Dung, tôi tập cho Dung phải làm lấy mà sống, và sống " độc lập" ! Hắn nói xong, chừng cũng biết mình ngụy biện, sợ chỉ có riêng mình Dung đã mê man như ăn phải bùa mới nghe lọt tai, chứ còn ngoài ra chẳng ai tin những lời quỷ quái của hắn, nên vừa dứt câu, hắn sợ Loan trả lời, vội chân sau đá chân trước, chạy ra cửa như bị ma đuổi: - Tôi xin lỗi, tôi phải đi đây có chút việc gấp. Hắn đi rồi, Loan cáu lên với Dung: - Hừ, quân tử! Hừ, ân nhân! Đã quân tử, đã ân nhân, sao lại làm cho người ta có con ? Đồ không chịu trách nhiệm, thừa nước đục thả câu, còn dám mở miệng xưng là ân nhân, là quân tử! Dung làm Luật sư biện hộ cho hắn: - Nếu hôm ấy không có hắn giúp đỡ, thì tôi thực chết vì đạn lạc đấy Loan ạ. Loan cười gằn: - Nếu là em, thì thà chết phức đi còn hơn! Hắn chỉ nghĩ đến phần hắn, mà không nghĩ đến phần người ta. Hắn giúp chị, thì cũng không có gì lạ. Trong hoàn cảnh ấy, ai chả giúp nhau! Nhưng có phải giúp một tí rồi bắt người ta làm tôi mọi suốt đời để trả ơn không? Người quân tử mà như thế sao? Dung ngẩn người ra: - Bây giờ tôi mới biết, lạ quá! Thì ra, hắn đòi tôi trả ơn như thế đấy! Loan nói giọng dằn vặt: - Người đàn bà nào cũng cần phải có một người đàn ông riêng của mình, yêu mình và hoàn toàn thuộc về mình. Cần phải có một mái ấm gia đình thực sự. Hắn quân tử gì ? Ân nhân gì ? Hắn hại chị thì có. Hắn lấy chị, đẻ con ra, mà hắn khỏi nuôi. Chị không phải là vợ hắn, mà kẹt với hắn như thế này thì còn ai dám gặp chị để tìm hiểu xây dựng nữa, còn mong gì có một tương lai rạng rỡ cho các con. Chị chỉ là nô lệ của hắn, chỉ làm bổn phận mà không có quyền lợi gì hết! Con đẻ ra mang họ mẹ! Đấy chị xem, hắn nhẫn tâm biết bao nhiêu! Chị sẽ phải nai lưng ra suốt đời làm tôi mọi nuôi con cho hắn, làm giàu cho hắn, trong khi hắn có tiền, đều lo chuyển về cho vợ lớn hết. Đến lúc hắn bỏ rơi chị, thì chị đã thành một bà già, đi ở đợ nuôi con! Hắn chỉ lợi dụng, ích kỷ thế mà dám xưng là Quân tử cho nhục nhã cái chữ quân tử đi. Chẳng thà cứ vỗ ngực nói: Tao là một thằng đểu, đểu chính cống, đểu thượng hạng. Ai ngu thì mắc mưu ta! Nghe còn sảng khoái hơn. Dung ngơ ngác như vừa bị mất cắp! Đúng là cuộc đời của Dung đã bị hủy hoại mà nàng như vẫn sống trong mơ. Kẻ đánh cắp, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, còn cười vào mũi người bị mất cắp là ngu nữa! Loan thấy Dung sững sờ, nói tiếp: - Em còn nhớ câu chuyện " Áo người quân tử" của ba em kể: Ngày xưa, có một anh chàng nọ có một cái áo lạnh khoác ngoài rất đẹp, một hôm túng tiền, anh vào một tiệm cầm đồ hỏi cầm. Chủ tiệm bảo:" Cái áo này,tôi cầm cho ông hai trăm. Ba tháng sau ông chuộc, phải trả thêm hai trăm tiền lời nữa, thành bốn trăm đồng" . Anh chàng kia vì quá cần tiền nên dù biết là bị bắt chẹt tính giá cắt cổ cũng bằng lòng, Anh cởi áo giao cho chủ tiệm và đếm tiền xong định ra về. Anh vừa ra đến cửa thì ông chủ tiệm gọi giật lại:" Này ông, tôi có ý kiến này hay lắm. Tôi thấy ông thật thà, tôi thương, tôi làm phúc làm đức, nói hơn thiệt cho ông nghe. Bây giờ trong túi ông không có lấy một đồng, đến nỗi phải đi cầm áo. Vậy ba tháng sau ông lấy đâu ra bốn trăm để chuộc áo về ? Nếu lúc ấy ông không trả đủ cả vốn lẫn lời cho tôi, để quá ba tháng nữa, thì sẽ phải trả gấp đôi, thành tám trăm đồng. Tôi hỏi thật, ông sẽ đào đâu ra số tiền ấy?" Anh chàng kia gật đầu, cho là phải: "Vâng, ông nói đúng lắm. Ba tháng nữa, tôi cũng không làm sao xoay được bốn trăm đồng" . Chủ tiệm cười híp cả mắt lại: " Tôi biết mà! Vì vậy, tôi mới khuyên ông, nếu ông chịu nghe tôi thì đỡ tốn đỡ khổ. Này nhé, bây giờ trong túi ông đã có hai trăm đồng rồi. Vậy ông trả trước cho tôi hai trăm đồng đi. Ba tháng sau, ông chỉ phải trả có hai trăm đồng nữa thôi, chứ không phải là bốn trăm đồng. Như thế có phải lợi biết bao nhiêu! Nếu ông không trả được, trễ đến ba tháng nữa cũng chỉ thành có bốn trăm đồng, chứ không phải là tám trăm đồng. Lợi đến một nửa, ông nghĩ thế nào?" Anh chàng nghĩ đi nghĩ lại, thấy bài toán rất rõ ràng minh bạch mà quả thực cũng đúng lý vô cùng. Anh móc túi lấy hai trăm đồng ra trả cho chủ tiệm và ra về. Anh về nhà, thấy lạnh, chợt nhớ ra mình không có áo khoác nữa, trái lại còn có một món nợ quá lớn phải lo trả, lạ quá!" Dung thét lên: - Thôi, tôi biết rồi! Chính tôi mới là người quân tử! Tôi là cái anh chàng đem áo đi cầm. Khi chưa biết hắn, thì tôi độc thân, tôi trẻ, tôi đẹp, tôi tự do, tôi có khối bạn bè thương mến, tôi có việc làm để nuôi con tôi. Còn bây giờ ? Bây giờ tôi không có gì cả. Tôi phải săn sóc hầu hạ hắn, nấu cơm cho hắn ăn, nuôi con cho hắn. Tôi vẫn phải làm việc công sở của hắn lấy đồng lương để sống, mà lại còn phải mang ơn hắn nữa. Tôi vẫn không chồng, không có tổ ấm gia đình . Hắn ở nhà hắn, tôi ở nhà tôi, thế mà tôi vẫn phải thuộc quyền hắn sử dụng. Loan ngắt lời: - Chị hiểu thế là đủ! Thôi em về nhé! Loan về rồi, Dung gục đầu lên gối khóc nức nở. Nàng muốn liều lĩnh làm reo một phát cho bõ ghét, nhưng chợt nhớ đến những cái tát như trời giáng của hắn. Dung vội vàng dậy mặc áo đi chợ. Dung chỉ mong còn có đủ thì giờ nấu nướng xong đem đến nhà hắn cho đúng bữa cơm chiều. Dung không có cách nào để kháng cự lại với hắn được. Dung đâm ra giận Loan. Phải, tại Loan tất cả! Trước khi gặp Loan, nàng thấy đời vẫn êm đẹp. Tuy nhà cửa Dung bề bộn bẩn thỉu thực, tuy con cái trông rách rưới bơ vơ thực, tuy những lời hắn nói đều lếu láo thực. Tuy Dung phải làm việc quần quật suốt ngày, tuy hắn hay gây gỗ mắng chửi Dung thực, nhưng nàng đã coi như một sự dĩ nhiên. Ngày trước, hắn khuyên Dung lấy hắn để cho con nàng sung sướng, ngày nay chúng nó giống như con mồ côi cả cha lẫn mẹ, Dung cũng không hề phàn nàn, băn khoăn, thắc mắc, nghĩ ngợi, tìm hiểu ai hơn ai thiệt. Tất cả mọi sự đều thành ra dĩ nhiên cả rồi. Dung chỉ biết cố nấu cơm ngon cho hắn ăn. Lo đi đòi được tiền nhà và tiền nợ cho hắn vui. Mỗi ngày làm tròn phận sự và " phi phận sự" xong, tối về ngủ với con, Dung không hề thấy khổ hay nghĩ đến đau khổ. Nhưng không ngờ, hôm nay những câu nói của Loan làm đảo lộn cả tâm hồn nàng. Không lẽ lại chửi người đàn ông đã từng âu yếm mình. Dung nghĩ được cách giải quyết an toàn là trút hết cả tội lỗi lên đầu Loan. Nàng nghiến răng lẩm bẩm: - Đồ ranh con ! Mày thì đã hơn ai! Con mày cũng phải tự nuôi lấy, còn nhiếc tao! Chỉ được cái tài nói dốc, chửi người ta là giỏi, chính mình thì cũng ngu như con bò! Dung thấy thỏa mãn như đã trả được thù. Nàng nghĩ đến lúc hắn khen món tôm càng luộc ăn với xà lách trộn dầu dấm đặc biệt của nàng pha chế. Chao ơi! ngon quá là ngon! Hắn sẽ sung sướng cười tít lên, rung rinh cả cái thân hình đồ sộ và cái bộ mặt " Đồng tháp mười" , bộ mặt bí hiểm thâm trầm, dữ tợn và cũng "phì nhiêu" ấy! Bỗng nhiên Dung cảm thấy buồn nôn. Đã có kinh nghiệm Dung biết chắc không phải dạ dày phản ứng vì nghĩ đến hắn, nhưng chắc lại có một người "quân tử bé con " nữa sắp ra đời.
|
No comments:
Post a Comment