Thursday, September 10, 2015

LINH BẢO * TÀU NGỰA CŨ II

Áo Mới

Chiếc áo đầu tiên quý giá nhất trong gia đình tôi là một chiếc "Áo vua ban" . Hồi ấy, ba tôi làm việc tại Tòa Khâm Sứ Huế, mẹ tôi là một cô Tôn nữ nghèo, Tôn nữ là một người thuộc Hoàng tộc , địa vị xa lắc xa lơ . Nhưng cũng nhờ thế bà có đường giây bà con quen biết để tiện việc mách mối mua bán đồ cổ. Ngoài ra, bà còn chụp ảnh cho các Bà Hoàng, Bà Chúa, Bà Phi, Bà Tân trong Hoàng cung.

Nghề mách mối là một công việc buôn bán rất nhàn. Bà chỉ việc diện bảnh, rẽ đường ngôi cho thẳng, bôi dầu dừa bóng loáng và thơm nức lên, chiếc quần lụa cũng được là ủi thẳng và xếp thành nếp hai bên, gọi là " xếp con " , năm con, bảy con gì đấy, càng nhiều " con" càng sang trọng quý phái. Ăn mặc tề chỉnh như thế xong, bà chỉ việc đến nhà các Mệnh phụ, Công nương, ngồi lê đôi mách một vài buổi. Thế là " Mệ" nào muốn bán cái gì, cụ nào muốn mua cái gì, mẹ tôi biết rõ cả. Bà chỉ việc vắt vẻo ngồi lên chiếc xe kéo nhà, đi thăm viếng xã giao vài lần, là kẻ mua người bán đều vui vẻ.

Nghề chụp ảnh mấy chục năm về trước còn là một nghệ thuật rất mới mẻ, nhất là đối với các Mệ, các bà Phi, bà Tân không thể ra phố mua bán tự do như người thường. Mẹ tôi được các bà hoan nghênh vô cùng. Phải, còn gì sung sướng hơn một bà Phi, suốt mấy năm trời chẳng hề trông thấy " mặt rồng " của ông chồng vua, bỗng dưng có được một tấm ảnh mình ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành chạm trỗ tinh vi, còn "Hoàng Đế " thì đứng bên cạnh, quàng tay qua lưng ghế, như ôm một cách âu yếm. Mẹ tôi ghép ảnh rất giỏi và tính giá cũng rất "phải chăng". Nhưng, tiền có nghĩa lý gì đối với những Cung Phi suốt đời, từ lúc tiến cung cho đến già, đến chết vẫn còn là trinh nữ! Tấm ảnh an ủi họ làm thỏa mãn một phần nào lòng hâm mộ hư vinh đã được nuôi dưỡng từ lúc bé thơ.

Trong số khách hàng của mẹ tôi có một bà mẹ Vuạ Vua còn bé đang đi học xa . Bà ở nhà, sống một cuộc đời vương giả. Suốt ngày bà chỉ biết đánh bạc với những người đến " bẩm chảu" tiếng riêng có nghĩa là nịnh bợ. Bà đoạt kỷ lục về nợ nần, chỉ vay mà không cần phải trả. Bà cho là mọi người ai cũng có bổn phận phải cung phụng bà, đưa tiền cho bà tiêu xài như "đưa con vô Nội" một thành ngữ có ý nghĩa sẽ không bao giờ gặp lại. Nhưng bà cũng không bao giờ quên an ủi họ, khéo léo nói úp mở cho họ biết, ngày " Hoàng Đế hồi loan " , bà sẽ đền ơn trả nghĩa. Không biết mẹ tôi có bị bà mê hoặc không, mà nếu có thì chúng tôi, những ranh con, cũng không được quyền can thiệp.

Tôi còn nhớ bốn chị em tôi có bốn chiếc kiềng vàng, một thứ nữ trang đa dụng, vừa đeo cổ cho đẹp, vừa để dành làm của, làm vốn , và nếu cần tiền có thể cầm bán tạm thời qua cơn túng ngặt. Bốn chiếc kiềng lịch sử ấy có một con đường đi bất di bất dịch. Từ nhà tôi đến nhà bà Bộ, một bà nhà giàu chuyên cầm vàng bạc. Chúng nó đi " lữ hành" như thế, ít nhất mỗi tháng vài lần. Mỗi khi mẹ tôi xoay được món tiền, chuộc về nằm trong tủ chưa được nóng chỗ, thì lại có lệnh " Ngài ban vay" . Và như thế, bốn chiếc kiềng bé bỏng của chúng tôi lại lên đường đến nhà bà Bộ tạm trú. Bốn chiếc kiềng vàng đi con đường vòng độc nhất, còn số tiền cầm đồ nhận được thì đi con đường độc đáo một chiều, và là một con đường cụt. Nó từ túi bà Bộ sang túi mẹ tôi, rồi nhảy sang túi "Ngài " để rồi bị thủ tiêu mất tang mất tích trong chiếu bạc, không còn một chút dấu vết gì để lại với đời.

Đã thế, thỉnh thoảng " Ngài " lại " ngự " đến " tệ xá" của chúng tôi ở Nam Giao, mặc dầu " tệ xá" quả thực là quá tệ. Nó chỉ là một gian nhà bé nhỏ nằm lọt vào một vùng đất trống, xưa kia là một bãi tha ma to lớn, cách xa thành phố đúng ba câysố.

Ba mẹ tôi sở dĩ chọn nơi xa xôi như thế để xây " biệt thự" , vì theo lời bác sĩ khuyên, ba tôi yếu phổi nên phải thở không khí có gió thông trong lành rất cần cho sức khỏe. Ấy thế mà trong " tệ xá" có rất nhiều đồ cổ quý giá. Những món ấy toàn là của các Công nương, Mệnh phụ gửi, nhờ cầm hay bán hộ. " Giấy rách phải giữ lấy lề " nên dù ngày mai không còn gạo để nấu cháo loãng, họ cũng vẫn giữ bí mật, không bao giờ dám ra mặt tự cầm bán đồ vật. Họ vẫn còn làm bộ điệu rất kênh kiệu quí phái cao sang, cả đến những khi cần đến hai xu để ăn quà sáng.

- Đưa đây cho Mệ hai xu, Mệ " chém" một củ khoai chơi nà!

Tuy cảnh túng của họ đã trầm trọng đến thế, mà bệnh " khẩu khí" vẫn không hề thuyên giảm , và các Mệ thấy cuộc sống vẫn không bớt phần hấp dẫn thú vị tí nào. " Mệ" là tiếng xưng hô một bà cụ rất già, hay những người trong Hoàng tộc, không phân biệt già trẻ nam hay nữ.

Đường đến nhà tôi, hai bên trồng toàn thông xanh và phải lên hai cái dốc rất cao. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy từ dưới dốc đằng xa có một chiếc xe kéo sơn son thếp vàng, một chú lính mặc áo đỏ, chân quần xà cạp vàng, đầu đội nón chóp, ì ạch kéo xe lên dốc. Sau xe có hai cô bé con độ mười bốn, mười lăm tuổi, mặc áo màu hỏa hoàng, đầu chít khăn đồng màu, tóc xõa ngang vai. Một cô tay cầm chiếc hộp trầu và cái ống nhổ bằng bạc, một cô tay cầm chiếc quạt lông, lẽo đẽo chạy theo sau xe. Thỉnh thoảng, cô bé cầm quạt cố chạy lên ngang hàng với chiếc xe, giơ chiếc quạt lông lên, phẩy nhẹ một cái vào trong xe, rồi lại trụt dần xuống đằng sau. Ấy thế mà bọn họ từ Cung cấm trong Thành Nội ra tận Nam Giao, ngót bốn năm cây số để đến " tệ xá " đấy.

Sau khi đến nơi, " Ngài " chễm chệ leo lên chiếc sập cẩn xa cừ đặt ngay chính giữa nhà, hai thể nữ đứng hầu hai bên, kẻ pha trà, người quạt hầu. Ngài lần lượt ngắm nghía, thưởng thức các đồ vật trong " tệ xá" , và cố nhiên khi " Ngài " rời gót ngọc, những món đồ cổ không ít cũng được theo " Ngài " ngự, lên chiếc xe nhà sơn son thếp vàng có hai thể nữ chạy theo hầu ấy.

Trước khi bước chân lên xe, thế nào " Ngài " cũng " ban truyền" :

- Chị Tham tính tất cả tiền những cái ché và độc bình này đi. Cả cái Táo lung Cây vàng Lá ngọc kia nữa, rồi ta sẽ trả tiền lại chọ Còn cái sập cẩn này, chị cho ta mượn, mai ta sai thị vệ ra chở.

Mẹ tôi chỉ biết " Dạ" mà nuốt lệ. Bởi vì mẹ tôi biết, đồ vật cũng như người, khi đã được " tiến cung" thì chỉ còn đợi chết! Mặc dầu được sủng ái, số phận của đồ vật còn đen tối hơn Cung phi Mỹ nữ không được sũng ái. Các cung nhân, khi về già còn được thải hồi nguyên quán, trái lại những món đồ cổ, càng già càng quí thêm, càng không mong gì được trả về với cố chủ.

Cứ mỗi khi như thế, ba tôi lại lẩm bẩm:

- " Thấy Vua" rõ thật là " thua vấy" !

Cuộc đời cứ thế trôi quạ Ba tôi ngày ngày đi làm . Mẹ tôi giới thiệu việc mua bán đồ cổ và ghép ảnh cho Qúy Bà cô đơn. Tiền kiếm được, dùng để nuôi chúng tôi một số rất nhỏ, còn phần lớn để nuôi " Ngài ".

Một hôm, chắc lương tâm " Ngài " thức dậy, hay là " Ngài " sợ nợ mẹ tôi nhiều quá, nếu kiếp này không trả bớt, đến kiếp sau sẽ thành ra " nợ thiên khối" vốn cộng thêm lời lãi chồng chất lên nhau thì nguy to, Ngài bèn long trọng " tuyên dương công trạng" một hồi, rồi "thân tặng" cho mẹ tôi một chiếc áo cũ của ông Vua con.

Đó là một chiếc áo the đen, bên trong lót một lớp hàng mỏng màu vàng. Chiếc áo còn thơm nức mùi xạ hương và long não ướp lâu ngày. Mẹ tôi đem chiếc áo ấy về, vênh vang như một kẻ " áo gấm về làng" . Sự sung sướng của mẹ tôi, được cái " Áo Vua Ban" ấy, cũng giống như tâm trạng người cung phi trinh nữ, được tấm ảnh ghép ngồi chung với Đức Vuạ Cả hai cùng muốn mang cái ảo ảnh hão huyền ra để thỏa mãn lòng tự ái, lừa mình, lừa người cho đỡ cơn ghiền!

Chiếc áo về phần chị cả tôi. Mỗi năm vài lần, trong những ngày kỵ giỗ, lễ Tết, cái "Áo Vua Ban" ấy được trân trọng " trình bày" trên thân hình bé nhỏ của chị tôi một vài giờ, rồi lại được trân trọng xếp vào rương chờ dịp khác.

Năm tháng qua, chị tôi mới đầu mặc chiếc áo còn rộng thùng thình, rồi chật dần, ngắn dần cho đến khi mặc không vừa nữa, phải cho chị Hai tôi thay thế. Từ chị Cả đến chị Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, rồi đến chị Sáu, chiếc áo không phân biệt giới tính ấy, mỗi năm lại có dịp đem ra hóng gió một vài lần. Năm lại năm, chờ mãi rồi cũng có ngày đến lượt tôi được xỏ taỵ Hôm Tết, mẹ tôi mang chiếc áo lịch sử quí giá ấy ra để mặc cho tôi và bảo:" Hoa ơi, cái áo này bây giờ về phần con", thì nó đã mục nát và chỉ động đến là rã tan ra từng mãnh!

Thời gian chờ đợi dù lâu bao nhiêu rồi cũng phải đến, Đông Cung Hoàng Thái Tử ở Pháp học thành tài trở về nước để được tấn phong chính thức làm Vuạ Và cũng từ lúc ấy, " Ngài Mẫu Hậu " ra lệnh không tiếp tất cả các chủ nợ. Bây giờ, " Ngài " đã thành ra một bậc cao sang nhất, không thể có chủ nợ, và lại càng không muốn gặp người nào đã từng quen biết " Ngài" những năm tháng hàn vị Thật là chí lý, chí tình vậy! Còn gì khó chịu hơn một kẻ ở địa vị cao sang, mà ngày ngày phải trông thấy những chủ nợ ngày xưa, đám người mình từng nhờ vả năn nỉ kêu than túng thiếu, những kẻ đã phải cầm bán vay mượn cho mình tiêu xài. Đó là một dĩ vãng buồn, một sỉ nhục tinh thần, có thể làm mất bớt uy nghiêm nhiều lắm.

Tết năm ấy, tôi không được mặc chiếc áo đã bao nhiêu năm chờ đợi để đi mừng tuổi, nên tôi khóc mùi khóc mẫn cả buổi sáng. Tôi tưởng tôi khóc vì khi chiếc áo quí đến phần mình thì hóa ra một mớ dẻ vụn tả tơi rách nát; nhưng thật ra tôi đã khóc cho cái ảo ảnh " ân trả nghĩa đền" của mẹ tôi bị tan vỡ. Tôi khóc cho cái chết của chiếc áo, đổi bằng tất cả tài sản mẹ tôi dành dụm được. Tôi khóc cho nền móng tương lai của một đám trẻ thơ, đáng lẽ được dùng của cải ấy để bồi đắp cho thể chất và tinh thần.

Những năm sau đó, gia đình tôi ngày một khá hơn. Có lẽ vì không phải cung phụng cho ai khác ngoài gia đình, nên lần lần trong mâm cơm đã bắt đầu có nhiều món cá thịt ngon lành. Ba tôi cũng vui vẻ giảng giải cho chúng tôi biết về những thức ăn bổ dưỡng cần thiết cho sức khỏe, một đề tài trước kia ông cố tránh.

Một hôm, không hiểu tại sao, mẹ tôi bỗng nhiên " phát từ bi tâm" may cho chị Sáu, tôi, em Tám và em Chín, mỗi đứa một cái áo xa-tanh màu phấn hồng. Xấp hàng này, có người tặng cho mẹ tôi trong dịp ăn lễ đầy tháng em thứ mười một. Chúng tôi mừng rỡ trông đợi ngày trọng đại, ngày được mặc chiếc áo hồng lộng lẫy, sặc sỡ, bóng loáng, mát rời rợi và rộng thùng thình như áo tế ấy, thì bỗng dưng ông nội tôi chết. Tôi thấy cha me tôi khóc, anh chị tôi khóc, tôi cũng khóc. Nhưng thực ra, tôi không nhớ đã được thấy mặt ông nội tôi hồi nào. Tôi khóc là khóc cho bốn chiếc áo xa-tanh hồng tươi rực rỡ, chưa từng được diện qua một lần, vì phải để tang, đã bị mẹ tôi ngâm vào nước thuốc nhuộm răng. Chúng nó biến thành một màu kỳ lạ, không vàng, không lục, không xanh. Màu ấy, ba tôi gọi mĩa mai một cách văn chương là màu" dưa cải úa mùa thu" . Nếu bây giờ bảo tôi đặt tên lại, thì tôi sẽ gọi là một bức tranh lập thể may thành áo. Từng vệt, từng đám, ngang dọc chồng chất lên nhau, níu kéo nhau chằng chịt. Cái áo nhuộm như thế đấy, mà chúng tôi vẫn phải khen cho mẹ tôi bằng lòng. Bởi vì, đã có định luật rằng một khi " đấng sinh thành" đã quyết định thì con cái phải vui vẻ "Dạ,Vâng", mới có hiếu. Phần các bậc trưởng thượng thấy các con vui cũng tưởng thiệt mà vui theo một cách dễ dàng.

Chúng tôi phải chịu đựng cái xấu xí của áo, và áo cũng phải cố chịu đựng sư tàn nhẫn vùi dập của bọn trẻ con. Chúng tôi mặc nó lúc nằm lăn đùa nghịch dưới đất, mặc suốt ngày đêm, vò nát nó, ném nó từ góc này sang góc khác. Đôi khi còn cắn nát chéo áo để xem cái mùi chua chua, có phải thật chỉ là thuốc nhuộm chua như mùi dưa cải úa, hay còn lẫn mùi gì khác nữa không.

Thật ra, số phận của những chiếc áo ấy cũng đáng thương như chúng tôi. Tâm hồn chúng tôi sớm đã bị nhuộm thành một màu " dưa cải úa mùa thu " , hay cũng chỉ là một bức tranh lập thể chồng chất những niềm đau khổ bé thơ, đã ai hơn gì ai đâu! Thế mà chúng tôi nỡ dằn vặt chúng nó cho đến khi rách nát, và cùng lúc ấy, tang ông nội tôi cũng vừa mãn.

Một bà bạn gái của mẹ ở Saigon gởi tặng mẹ tôi một xấp hàng xa-tanh hồng khác. Mẹ tôi ngại màu sắc quá sặc sỡ lộng lẫy không hợp với người lớn tuổi, nên may cho bốn chúng tôi. Bốn chiếc " áo tế" vừa dài vừa rộng, may xong được cất kỹ, đợi " ngày lành tháng tốt " mới đem ra diện. Thỉnh thoảng, tôi lén mở rương vuốt ve cái áo một lúc. Tôi nâng nó lên, áp chất mịn màng mát rười rượi lên cằm, lên má. Tôi ướm nó vào người, hít cái mùi thơm long não ướp trừ sâu mọt và mùi xạ hương từ trong áo toát ra một cách say sưa. Nhưng cái " ngày lành tháng tốt" ấy không bao giờ đến, vì bỗng nhiên chú tôi mất. Kể ra thì đó chỉ là một cái tang nhỏ thôi, nhưng mẹ cũng bắt chúng tôi để tang. Và một lần nữa chúng tôi khóc cho chiếc áo đẹp lại phải nhuộm thành một màu lem luốc không tên!

Ba tôi lúc ấy đã bắt đầu rảo bước trên con đường trải toàn thẻ ngà. Ông chuyển đổi ngành công chức với Chánh Phủ Bảo Hộ sang ngạch Nam Triều, nôm na gọi là làm quan. Mẹ tôi không còn phải đi giới thiệu mua bán đồ cổ và cũng không cần chụp ảnh cho ai nữa.

Chúng tôi, mỗi người được sắm một con heo đất để dành tiền. Nhưng, những con heo ấy, hàng năm đều phải bị đập ra, vì mẹ tôi mở cuộc " lạc quyên" để may áo quần cho bọn con trai trước ngày tựu trường. Cảm thông những nỗi khó khăn của các anh khi cần thiết, chúng tôi lúc nào cũng vui lòng " quyên" . Mẹ tôi bảo đấy cũng là làm việc nghĩa, chẳng mất đi đâu mà thiệt, vì mai đây,khi các anh mặc ngắn, những chiếc áo ấy cũng sẽ đến phần chúng tôi.

Khi những chiếc áo xa-tanh nhuộm mực lem luốc thứ hai " quá cố " rồi, bọn con gái đã thành những cô gái dậy thì. Chúng tôi đã biết thẹn, nhưng khi ra đường vẫn cứ phải mặc những chiếc áo vải dù, vải ba-ga con trai đã bạc màu và rộng mênh mông như cả một trời đau khổ. Chúng tôi cố năn nỉ xin mẹ may một cái áo mới cho ra hồn. Mẹ tôi bảo:

Áo các anh mặc ngắn, thiếu gì! Còn tốt và bền lắm, may một lần cho cả bầy nhiều tiền lắm, chứ tưởng ít sao! Ngày xưa, suốt đời mẹ chỉ có một chiếc áo vải. Còn các con đã có bao nhiêu cái áo đẹp rồi, nhớ không? " Aó vua ban" này, áo xa-tanh nhuộm màu dưa cải này...

Tôi nhắc:

- Dưa cải úa mùa Thu chứ!

- Ừ thì Thu Đông gì cũng được. Lại còn cái áo xa-tanh nhuộm màu mực này.

Tôi cải chính:

- Màu lem luốc chứ.

- Con Hoa thật nhiều chuyện! Mới may rồi, còn đòi gì nữa!

Em Tám nói:

- Dạ, mới may bốn năm về trước!

Mẹ tôi mắng:

- Chúng mày rắc rối lắm, không biết hà tiện hà tặn, sau hết phước đi! Phải nhớ, hồi xưa mẹ chỉ có một cái áo, nên mới có ngày nay!

Em Chín tiếp:

- Nhưng mà mẹ quên mẹ là con ông Huyện, và mồ côi, còn chúng con là con ông Tổng Đốc đương thời!

Mẹ tôi giận dữ quát lên:

- Ai dạy cho mày ăn nói giảm phước thế ?

- Mẹ không thương chúng con. Mẹ chỉ thương chị Hồng. Mẹ nhớ chị Hồng mất ăn mất ngủ. Mỗi khi chị Hồng tới xin tiền là mẹ đập con Heo của chúng con

Mẹ tôi vội vã:

- Thôi thôi, để tôi may, các cô không cần phải kể con cà con kê...

Mẹ sợ chúng tôi phân bì với chị Hồng lắm. Mỗi tháng cô chị họ ấy đến thăm mẹ tôi một lần, và mỗi lần như thế là cả nhà náo loạn cả lên. Nội một việc hầu hạ phục dịch chị cũng đủ mệt phờ ra. Chị ăn tiêu rộng rãi, thưởng tiền cho người nhà rất hào phóng . Đối với chúng tôi, chị cũng" thết đãi" linh đình. Nghĩa là gọi cả một gánh bánh bèo hay bún bò vào nhà, thết mỗi người một tộ Chỉ có một cái " di hận" là[chị chuyên môn đập Heo của chúng tôi. Ba cho chúng tôi mỗi đứa một ống tiền đặc biệt, tiền thưởng nhiều ít tùy theo học giỏi, trả bài thuộc , những bài học ông soạn riêng để dạy mỗi ngày. Tiền ấy được bỏ vào con Heo bằng đất nung mục đích để dành làm của hồi môn. Nhưng từ khi chị Hồng phát giác ra câu chuyện ấy thì chị rủ mẹ cho chúng tôi hùn vào tiệm may của chị. Mỗi tháng, chị đến đập Heo của chúng tôi một lần. Mãi cho đến khi chị bán cửa tiệm đi lấy chồng, chúng tôi chẳng hề thấy chị thanh toán tiền nong hùn hạp gì cả, làm tôi cứ tưởng là cửa tiệm của chị Ở nhằm hướng " tán tài" nên suốt bao nhiêu năm trời chỉ chuyên môn thua lỗ. Và cái bản tính không bao giờ thanh toán công nợ ấy, chị vẫn giữ mãi suốt đời.

Mẹ tôi quả nhiên giữ lời hứa, lấy một xấp hàng " xa xị" màu vàng nhạt để tận đáy rương ra, may áo cho chúng tôi. Bà gọi người lính ở trong dinh biết may cắt dặn:

- May cho thật dài rộng mát mẻ nghe không!

Vì chúng tôi đã lớn, đã biết sợ những chiếc áo rộng mênh mông, mặc vào như bơi đứng trong áo, nên nghe thế, phải dặn với:

- Ừ, may cho dài...

Và đứng sau lưng mẹ, lấy tay ra hiệu cho người thợ may chật.

Đến lúc áo may xong, mặc thử, thật là dở cười dở khóc. Nó dài phết gót và chật như bó chả. Chật đến nổi tay không co lại được. Người tôi cứ cứng ra như khúc gỗ không cử động trong chiếc áo đó. Chỉ mấy tháng, chiếc áo mới đã phải vá cùi tay và tiếp thêm nách. Nhưng dù vá víu xấu xí đến đâu, tôi cũng mặc đi nhiều nơi, nó vẫn còn hơn chiếc áo vải ba-ga đen cũ bạc mầu của bọn con trai chuyền lại.

Kế vị chiếc áo đấu tranh mà có này là một chiếc áo " vải cạt" . Gặp lúc chiến tranh, mọi vật dụng đều khan hiếm nên phải được phối cấp, hàng vải cũng thế. Và chúng tôi được may một cái áo bằng thứ " vải cạt" phối cấp hoa lá cành chằng chịt, màu xanh đỏ tím vàng loạn xà ngầu, sặc sỡ lòe loẹt, nhà quê một cách không thể tả được. Mặc vào trông như một tấm vải màn, hay cái ghế nằm sofa biết đi. Thế nhưng tôi vẫn phớt tỉnh. Coi như trên đời này không còn ai nữa !

Từ đấy về sau, mẹ tôi chẳng cần phải may áo mới cho chúng tôi nữa, vì chị Hồng thỉnh thoảng lại gởi về một ít quần áo cũ. Trong số y phục loạn xà ngầu ấy, có hai cái còn coi được. Chị Sáu chọn cái áo màu đỏ, tôi mặc vừa áo màu xanh. Hai chị em, mỗi khi đi phố, đi chợ, đều diện hai cái áo đẹp nhất của mình, mặc cho thiên hạ bạn bè " khen ngợi". Nào là màu sắc chửi nhau, nào là " người trong tranh " , nào là bất chấp thời tiết v.v... Chúng tôi giữ vững lập trường " mục trung vô nhân" không cần ai và cũng không cần biết đến cả Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Kể từ ngày mẹ giao tiền chợ cho chị Sáu giữ để chị tập việc quán xuyến gia đình, chị không còn thắc mắc về vấn đề ăn diện làm dáng nữa. Chị tự sắm rất nhiều áo quần đẹp, nhưng cứ nói dối là của bạn bè, bà con ở xa gởi về cho, thành ra mẹ không la rầy được, mà chúng tôi cũng không thể phân bì được. Tôi cầu mong chị cao lớn thêm lên, hay béo ra một chút, để rơi rớt cho tôi vài cái. Nhưng rủi quá, người chị bé nhỏ, lùn thấp hơn tôi nhiều, và lòng dạ chị lại khá sắt đá, nên tôi không hề gạ gẫm gì được cả.
° ° °
Tồi biết rõ tính mẹ tôi có tiền chỉ đề cho người khác tiêu dùng một cách phi phạm còn mình và con cái phải hết sức kham khỗ. Có lẽ mẹ tôi cũng chẳng có cái áo nào ra hồn. Sau này lúc tôi bị ném ra ngoài đời tranh đấu cho cuộc sống của mình, tôi cố dành dụm ít tiền. Mỗi lần cuối năm, tôi mua gửi cho mẹ tôi mười cái áo gấm Thượng Hải. Tôi nghĩ rằng trong mười áo ấy, bà sẽ cho, tặng, bán hay gì đi nữa nhiều lắm là chín cái thôi. Ít nhất cũng phải để lại một cái tự may cho mình. Và như thế là tôi thỏa mãn rồi. Ngày mẹ tôi bị bệnh trầm trọng tôi ở xa về cũng không quên mang theo muời áo gấm nữa tặng em tôi. Lúc mẹ tôi mất, tôi soát lại tủ áo để tìm đồ liệm theo thì thấy chẳng có một chiếc áo nào may bằng thứ gấm Thượng Hải của tôi đã gời về biếu.
° ° °
Một người bạn trẻ nói nói tôi :

- Chị Hoa. cuộc đời chị thế là hết rồi ! Không còn hy vọng gì nữa hết! Không còn tương lai gì nữa hết! Không còn mơ gì được nữa hết !

Hừ láo, đến thế thì thôi! Hắn biết mẹ tôi mất rồi, tôi buồn lắm. Hắn biết tôi về nưởc mà thất nghiệp thì chán thật. Hắn biết kẻ rất yêu đời mà bị đời bạc đãi, hắt hùi thì cũng đáng thất vọng đấy !

Nhưng còn việc tôi "mơ gì" thì ai ngăn được tôi. Cũng như thuở nhỏ sống trong một gia đình như thế, tôi đã dám mơ một chiếc áo đẹp. Cho nên dẫu hoàn cảnh có thế nào đi nữa, tôi vẫn có quyền mơ. Hoa này vẫn mơ, cho dẫu là chỉ mơ áo.


Một Truyện Ngắn Hay Nhất

Sau bữa cơm tối, Quế dọn dẹp phòng mình thực nhanh. Từ hôm trời trở rét,nàng phải mang bao tay cao su để rửa bát, chùi nhà cũng như giặt dũ hay làm những công việc khác. Đó không phải là tính đài các rởm, nhưng trong mùa rét ai cũng làm thế để cho công việc nhanh chóng hơn. Nước lạnh buốt như nước đá mà phải thò tay không vào thì chắc áo quần suốt mùa đông không bao giờ được giặt. Nguyên tắc của Quế là làm thật nhanh để chóng được nghỉ, nên chỉ trong nửa giờ là mọi việc đâu vào đấy cả.

Thấy gian phòng đã sạch sẽ thứ tự lại như cũ, Quế rất bằng lòng. Quế nghĩ đến lời cô em luôn luôn nhắc : Này chị, không phải là " Ở bẩn sống lâu" đâu nhé. "Đói cho sạch, rách cho thơm" mới là văn hóa Việt Nam.

Ở cái thành phố Paris này mà ba chị em được mỗi người một phòng thì thực thần tiên, mặc dầu lầu sáu, nhưng lên 6 lần cầu thang thì có nghĩa lý gì đối với sinh viên. Quế thay quần áo ngủ xong, cho hai chân vào chăn, kéo chăn lên đến ngực, rồi ngồi dựa lưng vào tường. Ngoài chăn, Quế để cái khung nhôm, bên trên gác một tấm ván mỏng. Đó là bàn viết trên giường của cô em gái thương Quế, tính sợ lạnh, nên nhường cho nàng dùng. Bên cạnh, Quế để sẵn một cốc nước thật đầy, đủ uống suốt đêm, trên đầu là ngọn đèn nhỏ có cái chao mầu lá mạ, của một người bạn thân tặng. Ngọn đèn này đã theo nàng đi khắp nơi, và mỗi đêm, lúc Quế thao thức, thế nào cũng bật nó lên xem sách, hay có lúc chỉ nhìn sững ngọn đèn nghĩ ngợi chứ không làm gì cả. Bên cạnh giường là chiếc bàn con, từng trên để máy thu thanh, từng dưới đầy sách vở, giấy viết, máy chữ, Quế nằm trên giường, chỉ việc với tay là cái gì cũng có. Thì ra con người càng lười, cuộc sống tổ chức càng gọn gàng chu đáo.

Không còn thiếu thức gì nữa, Quế để tập giấy lên bàn và ngả đầu vào vách mơ mộng. Đã lâu, Quế có ý định viết truyện ngắn, nhưng có ý định là một việc, thực hành được lại là một việc khác, nhất là muốn viết cho ra hồn, truyện phải thật, phải sống, phải có những cảm xúc chân thành. Quế không biết kiếm đâu ra truyện hay như thế, mà nhất là cái " cảm xúc chân thành", nàng lại càng không biết làm sao có! Quế tự bảo:

- Hay là mình thử bịa xem, tưởng tượng một truyện " có thể được" và đặt tên là " Một truyện ngắn hay nhất". Chỉ hay nhất với mình thôi thì đã làm sao chưa? Mình chỉ viết cho mình đọc. Đâu có ai biết mà sợ người ta cười. Nhưng dù sao, đã gọi là truyện ngắn hay nhất, thì phải tả cái gì đẹp nhất. Mà ở đời, còn gì đẹp hơn tình yêu nữa! Tất cả muôn loài, muôn vật, muốn sống, muốn sinh tồn, đều phải có tình yêu. Người ta đã yêu trong quá khứ, hiện tại, và tương lai cũng còn phải yêu mãi mãi. Chỉ có tình yêu là bất diệt, bất hủ, không bao giờ lỗi thời. Như thế, truyện ngắn hay nhất của Quế phải dành cho tình yêu mới được.

Định nguyên tắc rồi, Quế thấy như trút được một gánh nặng. Bây giờ chỉ còn tìm nhân vật, cố nhiên là một nam một nữ, vì có thế mới yêu nhau được chứ! Quế thấy hình như công việc đã xong một phần mười, nàng tự thưởng cho mình một cốc nước lã.

Cốc nước trong máy mới vặn ra, nên rét buốt cả răng. Quế mới uống lúc đầu rất khó chịu, mãi sau dần dần cũng quen với cái cảm giác tê tái lúc nước đi đến đâu biết đến đấy, không còn khó chịu nữa. Vừa uống nước Quế vừa nghĩ đến nhân vật trong truyện của mình. Nàng không muốn cho vào hạng cao sang quá, vì hạng này trong đầu óc chỉ có phú quí, công danh, và đàn bà đối với họ chỉ là một thứ xa xỉ phẩm họ đủ sức mua sắm, trao đổi một cách dễ dàng; vì thế, rất hiếm có, hay hầu như không thể có chân tình. Quế nghĩ đến hạng bình dân, lao động, nhưng mặc dầu truyện về giới này rất hợp thời, Quế không dám viết bừa về họ. Những người dân lao động phải tranh đấu, vật lộn với cuộc sống vất vả, nên đời tình ái của họ cũng rất giản dị, bình thản. Aùi tình vớiø tất cả những biến chuyển, thắùc mắc của tâm hồn, đối với họ, là một thứ xa xỉ phẩm vô dụng. Quế không thể gán cho họ những ý tưởng họ không có.

Vậy "chàng" phải là một thanh niên trung lưu có học thức, có tâm hồn, có tư tưởng. Chàng cũng phải hơi đứng tuổi mới yêu được, nếu còn trẻ quá, thì sẽ chưa từng hiểu đời, chưa từng sống, chưa từng đắng cay, làm sao có thể đóng vài " chàng" trong truyện của Quế được. Còn " nàng" nữa, nàng phải có giáo dục, thông minh và rất nhiều tình cảm, nhưng không được trẻ lắm. Có bao giờ một cô bé độ mười lăm, mười sáu tuổi, có thể làm cho người ta yêu đến nổi sóng nổi gió trong tâm hồn được đâu! Tuổi dậy thì chỉ là tuổi của những mối tình ngây thơ, tình vớ vẩn, tình vụn buổi ban đầu, tình "bản thảo" của cuộc đời tình ái trọng đại về sau. Chỉ những thiếu nữ đã từng đau khổ, đã hiểu rõ những đức tính dễ thương và dễ ghét của đàn ông, mới biết quí, biết chiều, biết trân trọng tình yêu, biết nắm giữ tâm hồn ai đó.

Nhưng, anh chàng ấy có đủ điều kiện như thế không thể để cho cô đơn đến ngần ấy tuổi? Hơn nữa, câu chuyện đã được đem ra kể, ít nhất cũng phải có cái gì đặc biệt, chứ nếu yêu nhau, cưới nhau, rồi sinh con đàn cháu đống, lên chức bà nội, ông cố, thì có gì đáng nói nữa. Tình yêu của hai người phải trắc trở mới được. Nhưng, thời buổi bây giờ, cha mẹ cũng như tôn giáo, pháp luật, đều không thể cấm được người ta yêu nhau, cưới nhau, rồi "bách niên giai lão" với nhau. Vậy chỉ còn cách là Quế cho anh ta đã có đệ nhất phu nhân ngồi chễm chệ giữ sổ chi tiêu rồi là hợp lý nhất.

Quế nhìn lên trần nhà, thấy một con thạch sùng đang rình mấy con mối. Trong lúc mãi nhìn theo cuộc săn đuổi, Quế hồi hộp từng hồi khi thấy con mối thoát được, bay đi nơi khác, nhưng nó không ngờ góc nào trên trần nhà cũng có những con thạch sùng đang kiếm mồi chờ sẵn. Quế nhìn theo cho đến khi tất cả đàn mối đều dần dần vào bụng đám thạch sùng hết, nàng mới trở lại với câu chuyện tình " lâm ly" của nàng.

Quế tưởng tượng " chàng " và " nàng" sẽ rất yêu nhau. Yêu một cách say mê đắm đuối, tưởng chừng như hai linh hồn đã chờ đợi nhau từ kiếp nảo kiếp nào, mãi đến bây giờ mới được chạm trán . Quế sẽ cho họ nhìn nhau mà đôi mắt sẽ thay họ nói tất cả nhớ mong, chờ đợi. Quế sẽ cho họ cầm tay nhau và nghe hơi thở hòa lẫn như thông cảm đến tận tâm linh, và họ có cảm tưởng như một tư tưởng bé nhỏ nào, hay một cảm xúc rung động gì, cũng là của chung cả. Tóm lại, là họ phải yêu nhau đến cái nhiệt độ cao nhất của tình yêu có thể có được ở trên đời.

Nhưng, phần đông đàn ông, dù là Lưu, Nguyễn hay ai ai đi nữa, dù có lạc vào Thiên Thai, dù có sống với Tiên Nữ, dù có ở cảnh Tiên, bao giờ họ cũng vẫn nhớ đến cõi trần, dù cõi trần phàm tục, đầy những phiền não. Và kết quả, bao giờ cũng chọn con đường trở về trần gian để ngày đêm mơ tưởng cảnh tiên. Vì dù sao, như thế cũng vẫn hợp lý hơn là ở non Tiên mà đêm ngày canh cánh nghĩ đến cảnh trần gian đầy mùi tục lụy thì kỳ quá, coi không được, mà kể lại nghe cũng chẳng thuận tai.

Để cho hai người phải xa nhau ngay, Quế cũng thấy hơi tiếc và cho là mình tàn ác quá. Tại sao trên đời có hai người yêu nhau đến thế, và quyền sanh sát ở trong tay Quế, mà Quế không " gia ân" cho họ được gần nhau, yêu nhau thêm một thời gian nữa? Tại sao trên đời có những đôi ghét nhau như quân thù, thì lại cứ phải ăn với nhau, ngủ với nhau, nhìn nhau hàng tháng, hàng năm, cùng chung một gối màø chỉ mơ những vì sao Cô Thần Quả Tú? Nhưng dù sao Quế cũng phải cho họ xa nhau, nếu không, câu chuyện của nàng sẽ đi đến chỗ bế tắc.

Một khi chàng Lưu hay chàng Nguyễn đã động lòng nhớ phàm gian, thì " Tiên Nữ" dù có yêu đến đâu cũng không giữ làm gì. Nàng nhất định sẽ phải xa chàng, nhưng hai người sẽ xa nhau trong lúc còn yêu nhau, và yêu nồng nàn hơn lúc nào hết. Quế định thầm vì như thế để cho hai người cùng giữ mãi trong lòng cái kỷ niệm đẹp tuyệt vời của nhau, cùng được an ủi khi nghĩ rằng, trong đời, ít ra họ cũng đã gặp được một người xứng đáng cho họ yêu, họ đã từng yêu và được yêu đúng mức, họ sẽ không còn ân hận gì lúc buông xuôi hai tay.

Quế sẽ cho hai người từ giã nhau trong một đêm trời rất đẹp. Họ sẽ không ở nhà, vì nhà nhiều người lắm, làm sao nói chuyện được trong khi đôi mắt nàng lúc nào cũng chỉ rưng rưng rơi lệ. HoÏ cũng không đi lang thang ngoài đường, vì đèn đường sáng một cách trơ trẽn và cũng không hợp với câu chuyện tâm tình. Quế sẽ cho hai người ngồi bên bờ sông nhìn trăng, nhìn sao một lúc lâu, cho họ nói tất cả những lời đáng nói, cần nói, cho đến lúc sương xuống lạnh, họ sẽ vào một tiệm khiêu vũ gần đấy. Họ không nhẩy, nhưng chỉ ngồi trong ánh sáng êm dịu, nghe tiếng nhạc du dương. Họ không nói gì với nhau nữa, chỉ cầm tay nhau và mắt nhìn mắt, cùng thông cảm niềm đau khổ của chia ly đang ray rứt tâm hồn.

Quế bỗng thở dài vì thương nhân vật của mình quá. Nhưng nàng đã trót để họ ở vào cái thế cưỡi hổ mất rồi! Muốn vớt vát bớt sự tàn ác của mình, Quế chỉ có thể cho hai người được ngồi cạnh nhau lâu thêm một chút, hay là để cho đầu nàng gục vào ngực chàng, để cho những giọt nước mắt nóng thấm ướt vai áo chàng. Nhưng như thế cũng không được: Quế còn phải tả tâm tình chàng lúc ấy, bản tính nghịch ngợm, nhỡ Quế lại hạ bút viết rằng: " Chàng thấy nàng gục đầu vào ngực mình, sợ nàng vô ý để son dính vào áo, về nhà sẽ không biết nói sao với vợ, nên hoảng hốt vội xô nàng ra . . ." Nếu Quế tả như thế thì chao ơi! Cái "Truyện ngắn hay nhất" của nàng chỉ còn có việc đem cho gà ăn mà thôi!

Quế định sẽ giữ cho đầu người nữ thực thẳng, không nghiêng một chút nào hết, để chàng được bình tĩnh, yên tâm, khỏi sợ son dính vào áo . . . nhưng như thế lại sợ nhạt nhẽo quá. Hai người yêu nhau điên luôn, mà lúc từ giả nhau một lần cuối để rồi xa nhau mãi mãi, kẻ góc bể người chân trời, lại lạnh lẽo như hai " đồng chí" lúc bàn giao công việc thế không được. Phải cho đậm đà hơn một chút, nếu không, người ngoại cuộc cũng thấy chướng mà phản đối và mất thiện cảm với chàng còn gì. Làm thế nào nhỉ? Quế không cho họ hôn nhau và cũng không muốn thấy họ lãnh đạm với nhau. Nàng không muốn họ có vẻ phàm tục thông thường quá. Tình yêu của hai người rất cao quí, nhất là trong giờ từ giã, niềm đau của chia ly phải dâng lên tràn ngập trong lòng, họ không có cái ý muốn rất người ấy nữa. Những cái hôn nồng cháy biểu lộ ao ước thân cận của thể xác, mà không thể làm giảm bớt chua xót của tâm hồn.

Trong lúc tưởng tượng, Quế như đặt mình vào chính cảnh thật và nàng thấy lòng mình cũng tràn ngập thương cảm. Trong một lúc mềm lòng, nàng định tìm cách vớt vát cho nhân vật của mình bớt khổ, để cho họ thấy cuộc đời có nghĩa lý hơn, đáng sống hơn.

Quế đang đắm mình vào câu chuyện một cách say sưa cảm động, thì bỗng có tiếng cãi nhau ở dãy nhà đối diện. Quế nhìn sang, thấy vợ chồng ông Giáo đang đứng ngoài hiên cãi nhau. Thường thường, hai vợ chồng này bao giờ cãi nhau cũng vào nhà trong và không bao giờ to tiếng như hôm nay. Quế không cần lắng tai cũng nghe rõ, vì giọng bà Giáo the thé quát rất to, át cả những lời khuyên can của ông Giáo. Bà Giáo đang cầm một tấm nệm chà chân, rũ cả bụi xuống hiên từng dưới.

Ông Giáo bảo:

- Sao em không để lúc khác hãy rũ bụi. Giờ này là giờ người ta ngồi ở nhà, em đập bụi như thế không phải.

Bà Giáo cười nhạt:

- À, bây giờ anh phản rồi phải không? Từng dưới là nhà cô ấy, thảo nào mà anh bênh nó. Này, tôi nói cho mà biết, đứa nào cướp chồng bà, bà xé xác nó ra.

Quế thở dài, nguồn văn của nàng thế là đành chết đứng. Theo nguyên tắc của Quế, hàng xóm cãi nhau, bao giờ nàng cũng đứng trung lập, nhưng vẫn phải làm " quan sát viên" xem tình hình và chú ý nghiên cứu thứ văn chương ứng khẩu này, để " tăng gia kiến thức". Quế đành phải dẹp bỏ câu chuyện nàng đang xây dựng để theo dõi tình hình " mặt trận" hình như đã đến lúc căng thẳng.

Cô ở từng dưới là Sâm, ngày thường vẫn hiền lành nhã nhặn, nhưng hôm nay bỗng phát dữ như con chó dại. Cô cũng lên tiếng:

- Bà nói ai đấy? Muốn dạy chồng bà, thì đóng cửa lại mà dạy!

- Bà chửi con nào ngày ngày nhìn chồng bà, ra cũng nhìn, vào cũng nhìn!

- Đi giữa đường, cấm người ta nhìn à? Muốn giấu, sao không gói cho kỹ?

Ông Giáo can:

- Thôi em, láng giềng với nhau cần phải giữ hòa khí. Em đừng ghen bóng ghen gió như thế, mang tiếng cả. Cô ấy cùng dạy một trường với anh, ra vào gặp nhau phải chào hỏi là sự thường và lễ phép bắt buộc. Em đừng nghi bậy.

Bà Giáo quát lên:

- À, bây giờ anh về hùa với nó để mắng tôi đấy à? Bà không phải là đứa dễ bắt nạt đâu! Đứa nào dám động đến chồng bà, bà xé xác ra. Đồ đĩ thõa!

Cô Sâm cũng to tiếng chẳng kém:

- Thế còn bà, đứng đắn lắm đấy hẳn? Chồng vừa ra khỏi cửa đã dắt trai vào nhà. Chồng đi bộ, để xe cho bà chở trai đi dạo, cả con đường này, cả thành phố này, làng trên xóm dưới còn có ai là người không biết! Bà quên thì tôi nhắc cho bà nhớ: nhân tình của bà cũng nhiều không kém gì rác bụi bà mới rũ xuống đâu! Có muốn nghe tên, tôi kể ra cho mà nghe?

Bài ca vọng cổ đang sắp đến đoạn lâm ly nhất, thì bà Giáo đã kéo ông Giáo vào nhà trong, đóng cửa đánh sầm một tiếng. Cô Sâm cũng vào nốt. Thế là hạ màn.

Quế chợt ïnhớ đến lúc thằng em trai sắp cưới vợ thì đạo luật gia đình ra đời. Trong một lúc " cảm khái", hắn đã " cảm đề" luật ấy bằng một bài hát, theo điệu bài " Nếu một mai em sẽ qua đời" của Phạm Duy. Quế chỉ nhớ được một câu :" Nếu một mai anh có mọc sừng . . . thì vuốt mà chơi". Không thể nhịn cười được, Quế gục đầu xuống bàn, ôm ngực cười sằng sặc. Nàng cười đến đau quặn cả bụng khi nhớ đến cái giọng đau thương một cách khôi hài của thằng em.

Xong cơn cười, Quế lại thừ người ra vì buồn. Quế nghe như có cái gì đâm nhói từng cơn trong tim nàng. Câu chuyện của Quế đã bị xuyên tạc một cách mỉa mai. Trong khi xây dựng nhân vật, Quế đã nghĩ đến ông bà Giáo, nàng đã mượn hình ảnh của hai người ấy. Nhưng bây giờ, sự thực trắng trợn đến như thế, còn biện hộ làm sao được nữa! Quế định cho chàng dứt tình vì quí người vợ hiền đức. Sự thực trái lại, vợ chàng cái gì cũng thừa, chỉ thiếu có một điểm hiền đức. Còn chàng, con người như thế mà hơi kém hiên ngang! Chàng " nể vợ" đến nỗi không dám liếc nhìn cô Sâm một cái, nói gì đến chuyện dám yêu " nàng" một cách say đắm! Quế đã mượn hình ảnh Sâm để tạo ra " nàng", nhưng Sâm cũng làm cho Quế thất vọng. Sâm không cao thượng, không hy sinh như Quế định gán cho nàng những đức tính ấy. Lúc Sâm thấy mình bị xúc phạm, nàng trả miếng bằng cách nói toạc ra những hành động ám muội của bà Giáo mà ai cũng biết, chỉ trừ ông Giáo.

Làm thế nào bây giờ? Không, Quế không thể ép buộc nhân vật của mình phải " lý tưởng hóa" một cách giả tạo. Phải để cho họ sống thực và gần với sự thực mới được, dù sự thực có éo le hay " kém mỹ thuật" đến thế nào đi nữa.

Quế lại bắt đầu nghĩ tiếp câu chuyện bỏ dở. À, phải rồi, hai người đang ngồi cạnh nhau rất âu yếm dưới ánh sáng êm dịu, nghe tiếng nhạc du dương. Thế rồi, bên ngoài một cặp nam nữ đi vào. Chàng tinh mắt nhận ra ngay đấy là vợ mình. Vợ đang đi với một thằng bạn. Hai người cắp tay nhau, cũng âu yếm không kém gì chàng và nàng. Họ tìm một chỗ ngồi trong bóng tối, họ nắm tay nhau, họ tựa đầu vào vai nhau. Âm nhạc nổi lên, họ bèn ra sàn nhảy, đôi chân quấn quít, đôi tay ghì chặt, má áp má một cách say sưa . . .Họ nhảy rất đẹp, rất điệu nghệ, rất xứng đôi. Họ lướt qua bàn chàng và nàng đang ngồi. . .Trời ơi! Thật tuyệt vời! . . . Rồi tám mắt nhìn nhau, chẳng còn ai phải nghi ngờ ai điều gì nữa!

Quế nhắm mắt ngả đầu vào tường, không dám nghĩ thêm. Nàng thấy thần kinh căng thẳng, cả người mệt mỏi vô cùng. Mà nào nàng có làm việc gì nặng nề cho cam! Sau bữa cơm tối cho đến bây giờ, nàng chỉ nằm dài trên giường nghĩ vẫn vơ, xem thạch sùng bắt mối trên tường, nghe hàng xóm cãi nhau, lại còn thưởng thức từng câu một cách thú vị. Nhưng Quế đã mệt mỏi thực. Nàng đã chọn một việc làm quá sức mình. Đáng lẽ Quế nên đọc một vài trang sách rồi ngủ một giấc đến sáng cho khỏe thân, khỏe trí, nàng lại chọn cái việc làm khó khăn nhất.

Quế không dám nghĩ thêm nữa. Câu chuyện của nàng định viết và cho mang cái tên " Một truyện ngắn hay nhất" sẽ không bao giờ viết thành. Quế làm sao tả nổi tâm tình chàng lúc " tám mắt nhìn nhau!" Người vợ mà chàng tin tưởng là hiền đức, người vợ chàng chiều quí như bà hoàng và để cho tự do như một người độc thân, người vợ chàng vẫn còn yêu vì nghĩa, vì tình, người vợ chàng không lúc nào kém yêu, ngay cả những lúc ngồi bên cạnh nàng, và một phần mười những lời chàng nói với nàng là lời ca tụng đức tính hiền đức của vợ. Những lời đồn đãi, chàng cũng có nghe nhưng không tin, cho là thiên hạ ganh ghét hạnh phúc của chàng nên bịa đặt để phá hoại. Có một lúc chàng đã tưởng mình là người sung sướng nhất đời, vì có hai người đàn bà nói với chàng:" Em yêu tất cả cái gì anh yêu" và " Em yêu cả vợ anh nữa, bởi vì anh yêu vợ anh!". Chao ơi! Thật là mỉa mai làm sao! Bây giờ, cả hai người ấy, một người ngồi bên cạnh, một người đứng trước mặt, đều như " nước chảy mây trôi" cả!

Quế làm sao diễn tả được cái cảm giác của một người đàn ông lúc thấy rõ ràng mình đã được ở cái cảnh " Nếu một mai . . . ".

Quế làm sao diễn tả nổi tâm tình của nàng lúc nhìn thấy vợ của người yêu. Trong khi nàng tự nghĩ không biết mình còn phải tu đến bao nhiêu kiếp nữa mới " được " chàng, thì kẻ có cái hạnh phúc ấy đã xem thường, xem khinh, đến nỗi chàng " Nếu một mai . . .".

Quế làm sao diễn tả được tâm tình anh chàng ăn cắp vợ bạn bị bắt gặp: sượng sùng, bối rối, trơ trẽn, lưu manh . . .

Quế làm sao diễn tả nổi tâm lý người đàn bà, yêu danh giá, địa vị, tiền bạc, giàu sang của chồng,và cũng yêu cả những anh chàng trai khỏe mạnh khác ngoài chồng ra! Quế làm sao diễn tả nổi cái dáng điệu bẽn lẽn ngượng ngùng của người vợ lúc cắp tay tình nhân, vội vàng ra cửa. Cái bộ mặt vừa tức vừa lo. Tức vì thấy chồng đi với ai khác, và lo vỡ mất nồi gạo, lo nghĩ cách cắt nghĩa cho trôi để lừa người chồng vẫn dễ lừa xưa nay, lo nghĩ mưu " phản công". Chao ơi, thật là ngổn ngang trăm mối ! . . .

Không, nhất định là Quế không thể nào tả nổi đến mức ấy. Quế không tả được tất cả cái mầu nhiệm, bao la, hy sinh, cao quí của tình yêu đẹp đẽ tưởng tượng, mà nàng cũng không tả được cái tình yêu ích kỷ, giả dối, nhỏ mọn, bần tiện của sự thực. Quế đành phải nhìn nhận là ngòi bút non nớt chưa chiều được ý muốn của mình. Quế tự bảo:

- Hay là mình viết một truyện ngắn hay nhì vậy?

Quế mỉm cười vì thấy cái tên ngộ nghĩnh. Nhưng đã thế thì đề tài cũng phải thay đổi hẳn mới được. Ừ, thiếu gì chuyện đáng viết, mà phải viết những cái chuyện tình nhảm nhí ấy.

Quế nghĩ đến những cảnh thiên nhiên nàng đã trải qua, nghĩ đến đèo núi chập chùng, trời bể bao la, Đèo Hải Vân hùng tráng,Vạn Lý Trường Thành vĩ đại, Kim Tự Tháp uy nghi . . . Nhưng một lần nữa, Quế lại thất vọng. Quế thấy mình không thể diễn tả được cái mầu nhiệm của vũ trụ, uy nghi của núi sông, hùng tráng bao la của trời bể. Quế không tả được những cảm xúc đang dào dạt ngay chính trong lòng nàng.

Quế tự cười thầm mình:" ngay chính cảm giác của mình cũng không tả được, còn đòi tả cảm giác của người khác, thật là điên cuồng!" Nhưng có lẽ nào lại hạ xuống một lần nữa, thành " Một truyện ngắn hay ba"? Tên nghe không thuận tai, mà ba cũng có nghĩa là hạng bét nữa. Nếu Quế phải đem hết tâm trí ra, chỉ để viết một truyện ngắn hay hạng bét, thì cũng nên quăng bút về vườn trồng rau, nuôi gà xin hai chữ bình an!

Quế hết nhìn giấy lại nhìn bút. Nàng phải viết, vì theo Quế, đã định viết mà trốn chạy là có lỗi với giấy với bút. Nhưng, chỉ mới viết được mấy dòng, Quế đã mệt mỏi quá gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Lúc Quế tỉnh dậy, trời đã gần sáng. Ngọn đèn đêm vẫn còn soi màu lục non êm dịu trên đầu giường. Cái bàn nhôm nhẹ vẫn còn kê ngang trên mình. Quế nhìn trang giấy trắng tinh trên bàn, ngoài đầu đề "Một truyện ngắn hay nhất", chỉ có mấy dòng : " Nếu em chết trước, em sẽ phù hộ anh". Thì ra, Quế đã viết câu Quế định cho " nàng" nói với "chàng" lúc hai người từ giã nhau. 


Đông Sương Ký

Bốn người đàn bà ngồi tì tay bên cửa sổ nhìn nhau, tuy chẳng có gì đáng nhìn cả. Họ không ghét nhau mà nhìn với ánh mắt hằn học, cũng không có nhiều cảm tình để nhìn trìu mến, âu yếm như muốn ghi nhận lấy hình ảnh thân yêu. Họ nhìn nhau lơ đãng dửng dưng, nhìn mà không thấy. Bốn người đàn bà độc thân thuê bốn căn gác đối diện này lặng lẽ sống như những bóng ma. Ngõ hẻm đưa vào đến đây là bế tắc. Giữa sân đủ rộng để xe có thể quay đầu ra dễ dàng. Mỗi cô có một số bạn đếm được trên đầu ngón tay và ít đi chơi đâu, nên nhìn cánh cửa sổ đóng mở thất thường, cũng khó biết họ có nhà hay đi vắng. Vân ở căn gác số 1, Trân căn số 3, Lài căn số 2, và Lý số 4.

Chiều ba mươi , ai cũng lo sửa soạn ăn Tết, lo tô điểm trang hoàng nhà cửa hay săn sóc con cái và chuẩn bị đón ông bà. Các cô ngồi tì tay bên cửa, mơ mộng những thứ mọi người có mà các cô không có. Họ tránh bước sang nhà nhau, chỉ muốn đứng xa xa " chiêm ngưỡng dung nhan" một cách thoải mái . Còn gì khó chịu hơn phải nhìn thấy từng vết nhăn sắp thành hình của người bạn gái cùng trang lứa. Nhìn họ giống như soi gương: trên mặt mình cũng đang có những đường nét mơ hồ sắp thành hình sâu đậm như thế. Còn nói chuyện với nhau thì chán lắm. Trời không nắng không mưa, không nóng cũng không lạnh. Chuyện thế giới, họ không thiết tha. Nói một lúc, động đến chuyện lòng thêm phiền, vì không có gì để mà "Tốt khoe ra . . ." cả. Ai cũng muốn giấu cái vẻ mùa thu của cuộc đời . Họ nhìn nhau xa xa, thấy mầu sắc và dáng điệu vẫn còn phong độ, thì yên tâm hơn một chút. Nhưng cuộc sống như thế, cuối năm tính sổ, vẫn không hề hiện ra một điểm son nào. Nhìn đâu cũng vẫn thấy trống rỗng vô nghĩa, và mọi vật đều như thiếu linh hồn.

Nhà cô nào cũng có bánh mứt, hoa quả, nhưng những thức ấy cũng không thể tạo cho họ cái Tết. Hay có chăng, chỉ để dối mình. Cái mùi vị Tết ở ngoài không thấm nhuần đến bề sâu làm họ bâng khuâng. Họ gặp mắt nhau, khẽ nhếch một nụ cười xã giao rất gượng, rồi lại nhìn lên trời. Cái sân xe đúc xi măng không có một gốc cây để vươn cành lá lên không trung, thì bên dưới làm gì có bóng mát. Trời chỉ là một mảnh con con lọt vào giữa sân xe, và mây không hề lảng vảng đến gần khung trời này. Họ đành lại phải nhìn ngay mặt nhau. Vân thấy cô Lài, nhà đối diện số 2 hôm nay hình như già thêm một chút. Nàng nghĩ thầm:

- Quái lạ,không lẽ biên giới của năm này sang năm kia đúng là chiều ba mươi sao chứ! Không lẽ người ta chuẩn bị để sau giao thừa là già một cái rụp? Khổ đến thế thì thôi!

Nàng chú ý nhìn Lài, thấy giá cô đừng buộc tóc đuôi ngựa theo kiểu

bé con kia, trông còn thuận mắt hơn. Thân hình Lài thon nhỏ nhưng nhiều xương ít thịt. Cô làm ra vẻ ngây thơ nhí nhảnh như mới mười hai. Lối ăn mặc của cô giống bọn trẻ lên mười Âu Mỹ, nhưng trong ánh mắt cô, người ta đọc thấy cái mơ mộng bâng khuâng của cô gái hai mươi. Nếu muốn biết tuổi thật của cô, có lẽ phải cộng tất cả những thứ ấy lại thì vừa đúng.

Lài sống một mình với con chó bông Nhật Bản nhỏ lông ngắn. Đi chơi đâu nàng cũng bế nó đi theo. Vân không biết Lài làm gì, vì không thấy cô bận rộn hay quan tâm đến việc gì hết. Mỗi ngày, cô gởi tiền nhờ chị Tư bếp của cô Trân mua giùm thức ăn. Cô tự nấu lấy xong cùng ăn với con chó. Thầy một cỗ, tớ một cỗ. Hai bóng đen in lên tường mỗi tối, như một bức tranh linh động và cũng không bao giờ thay đổi. Có lúc Vân tò mò muốn biết Lài làm gì để sống nhưng không dám hỏi. Nàng sợ phiền lòng cô bạn gái ở bên Mái Tây.

Nhưng tình cờ Vân bỗng tìm ra sự thực. Hôm ấy, nàng ngồi bên cửa sổ ngắm " cảnh" và đang buồn vì không có gì để ngắm. Hai cửa sổ nhà Mái Tây vẫn đóng im ỉm. Cô Lý đi vắng từ trưa chưa về. Lài, chắc cũng không có nhà. Vân lơ đãng nhìn vào khoảng không. Ai trông thấy vẻ mặt Vân lúc đó chắc tưởng Vân suy nghĩ chuyện gì quan trọng lắm, kỳ thực đầu óc nàng trống rỗng, lâng lâng như đã xuất hồn chu du một non Tiên nào.

Vân đang mơ màng, bỗng thấy một người đàn ông từ trên cầu thang chung của Lài và Lý bước xuống. Người ông ta trông rất bệ vệ, mồm ngậm một điếu xì gà to tướng, mặt mày có vẻ phè phỡn. Oâng lên chiếc xe màu nâu và lái ra khỏi sân. Chiếc xe nâu ấy, cách vài hôm lại ghé đây một lần. Thì ra cô bạn Mái Tây là món " quốc cấm" của chủ nhân chiếc xe nâu.

Cửa sổ nhà cô Lài hé mở, cô nhìn xuống đường định mở rộng, nhưng chợt thấy Vân đang nhìn sang, cô vội khép lại.

Vân tự bảo thầm:

- À, người ta lắm lúc chỉ nên " thông cảm" mà thôi! Hiểu nhau vừa vừa là đủ rồi, một vài bí mật cần phải được tôn trọng.

Chiều hôm nay, ba mươi Tết, chiếc xe nâu ấy cũng đã đến một

lúc. Bức rèm trúc buông xuống cửa sổ, rung rinh theo làn gió nhẹ. nhưng nó được vén lên rất chóng vì chủ nhân chiếc xe nâu đã phải vội vàng ra đi. Bộ mặt ông vẫn giữ vẻ phè phỡn, môi vẫn dính chặt điếu xì gà như thường lệ.

Vân đoán chắc Người phải về vội, vì sợ "Sư tử" rống. Người còn bao nhiêu là công việc phải làm ở nhà. Nào là tiếp khách, trang hoàng nhà cửa, hay đi phố mua sắm vào giờ phút cuối cùng. Người có thể quên hết những gì đã xảy ra ở cái ngõ hẽm này, không nhớ đến cô Lài bên cửa sổ bịn rịn nhìn theo . . ., mà Người cũng có thể làm tất cả những công việc nhà, nhưng tâm hồn để cả nơi đây. Tội nghiệp cô Lài, tối nay lại cũng như mọi tối, chỉ có con chó Nhật cúng giao thừa và ăn Tết với cô thôi.

Bên cạnh gác cô Lài là giang sơn của cô Lý. Cô đóng cửa ban ngày để ngủ và đi chơi, đóng cửa ban đêm để đi làm. Vì thế, nếu người nào đến tìm cô cũng chỉ tần ngần trước cửa một lúc, mân mê cái khóa cửa, nhìn quanh nhìn quẩn rồi ra về. Cô Lý là ca sĩ. Ban đầu cô hát với tất cả đam mê, lòng cô rung cảm say sưa với tình ý của bài hát. Nhưng lần lần, cô thấy không thể khá được bèn theo làn sóng mới, đổi lối hát cho thích hợp . Từ đó, cô nổi tiếng mau chóng, lợi tức cao hơn; tuy cô chỉ nhún nhẩy , hò hét nhiều hơn hát. Lắm lúc chính cô cũng không biết là mình đang làm trò gì, bài không thuộc cô cứ cầm đại tờ giấy lên máy vi âm. Thính giả không cần cô phải diễn xuất, phải trình bày với tất cả tâm hồn, thì cần gì phải thuộc cơ chứ! Cô thấy ưỡn ẹo nhiều được nhiều tiền hơn, đỡ vất vả hơn, nhưng tâm hồn cũng trống rỗng hơn bao giờ hết!

Liền bên cạnh Vân là gác cô Trân, số 3. Cô này trẻ tuổi và xinh đẹp nhất. Nhà cô, ngoài con chó bông Nhật ra, còn có một chị bếp. Trước kia, cô là một vũ nữ danh tiếng, bạn bè rất đông. Nhưng từ ngày ông chủ một hãng tàu đem cô về đây " kim ốc tàng kiều", cô chịu sống cô đơn một cách rất ngoan ngoãn. Có lẽ con gái nhà lành nào cũng không ngoan bằng. Mỗi sáng cô dậy tập hát và học thêm tiếng Anh một mình. Trưa, cơm nước xong, cô ngủ cho đến chiều, thức dậy tắm, trang điểm xong thì chiếc xe màu da trời đến. Chủ nhân cao lớn, to béo, từ trên xe bước xuống, đóng cửa xe đánh sầm một tiếng, tay nắm xâu chìa khóa, lắc kêu reng rẻng, bước lên cầu thang. Hai phút sau, chị bếp cầm cái bát ra cửa, con chó Nhật lẽo đẽo theo sau. Chị Tư đi mua phở đem về nhà để lên bàn ăn, xong chị lại dẫn con chó ra đi: người ngẩng mặt nhìn trời, chó cúi đầu xuống đất tìm một mùi hơi quen thuộc.

Một giờ sau, Trân ra đứng tựa cửa sổ, lấy mắt tiễn chiếc xe mầu xanh da trời ra khỏi sân.

Vân đoán: chắc anh chàng này giấu cô bé ở đây, mỗi ngày ở sở ra sớm nửa giờ, về nhà " báo danh" muộn nửa giờ. Hai phương diện công tư đều không có gì trở ngại. Thế là anh chàng lợi được một giờ để đến đây thăm Trân, ăn một tô phở, hàn huyên mấy câu,trong khi mắt lấm lét nhìn đồng hồ. Lỡ hôm nào " câu chuyện" dài dòng một tí trễ giờ là anh chàng hốt hoảng chạy ra xe nhấn hết ga, phi một mạch về nhà " trình diện".

Chị Tư đi dạo xong, dắt chó về thì trời cũng vừa tối. Cơm nước xong, nếu buồn, Trân đem cả chị Tư đi xem xi nê, nhốt con chó trong phòng khóa cửa lại, mặc nó cào cửa tru tréo.

Trong đêm ba mươi Tết, hình như người ta dễ biến thành những kẻ mộng du. Bốn cô gái ngồi đối diện mà vẫn như không thấy nhau. Họ đang suy nghĩ gì nhiều, hay trí óc đã phiêu diêu nhập thiền.

Có tiếng người cười nói dưới sân, bốn cô cùng giật mình nhìn xuống, mong đấy là bạn mình, nhưng chỉ là bọn người nào đó đi lầm nhà, nhìn ngóng một lúc rồi trở ra ngay.

Cô Lý đã ăn mặc chỉnh tề đóng cửa đi làm. Còn lại Vân, Lài và Trân, lúc này cùng cúi xuống sân như muốn tìm một vết chân, hay đợi một kỳ tích hiện ra.

Trời đã hơi tối, ai cũng quay vào nhà lên đèn. Vân vặn bóng đèn nhỏ màu xanh nhạt cho căn phòng có vẻ huyền ảo, mở tập bài luận ra chấm. Sinh viên bất cứ tuổi nào cũng đúng với câu ví : "Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò". Toàn là các em nhỏ choai choai mà làm bài như phỏng vấn cô giáo. Bọn trẻ lắm lúc có những ý tưởng kỳ lạ, vài em săn sóc hỏi thăm cô ". . . Đã có chồng chưa được mấy con?". Ngay cả các bạn đồng nghiệp cũng có lắm người muốn vạch lá tìm sâu . . . , chuyện càng riêng tư, người ta càng muốn moi móc đem lên bàn mổ.

Đời sống" ngoại cảnh" của Vân thanh bạch không có gì bí ẩn. Vân là một cô giáo mới ở trong cái ngõ hẽm chỉ có 4 căn gác có 4 phụ nữ thuê này. Gần đây một số bạn bè muốn mở nhà giữ trẻ, rủ Vân chung vốn, chung sức. Chỉ làm việc mà không phải chấm bài. Nghe thực hấp dẫn dễ xiêu lòng lắm..

Đấy là " ngoại cảnh", còn phần " nội tâm" thì sao? Giả vờ mơ hồ nhưng thực ra Vân biết rõ ai đã làm cho Vân hoang mang! Cái hình ảnh ấy đến lần đầu, tràn ngập trong tim nàng, rồi xây dựng " thủ đô" ngay tại đấy, không chịu dời đi đâu nữa. Con người ấy, phong độ, học vấn, tư tưởng, dáng người, cách ăn nói, tất cả đều đúng điệu. Phần chàng cũng thế. Chàng biết chắc chắn Vân là người mình ao ước. Chàng tìm lại được mình thời trẻ trung, ngạc nhiên thấy có thể yêu say sưa mơ mộng như mối tình đầu của thuở ban đầu. Rõ ràng họ đã hẹn nhau từ kiếp trước. Chỉ không may là Nguyệt lão ngồi làm việc duới trăng mà không có cà phê, mệt mõi quá nên đã xe nhầm tơ! Tình chàng dù có thắm thiết đến thế nào, " minh châu" của người yêu cũng đến "Hệ tại Hồng la nhu" là cùng! Họ dừng lại ở một " vĩ tuyến" và lặng lẽ nhìn nhau. Chàng nghĩ:

- Mình không nên " vượt tuyến" xâm lấn vào cuộc đời nàng. Mình có đem lại được cho nàng chút hào quang nào đâu ! Đời mình như tem đã đóng dấu, không xài được nữa, may còn trái tim, nhưng chỉ có trái tim như thế đủ không? Đi đến đâu, mà để làm gì? Mình sẽ mỗi ngày đến ăn một " tô phở 5 giờ" như ông nhân tình cô láng giềng của nàng, rồi về nhà chăng? Nếu quả thực như thế thì . . Chao ơi! . địa ngục là đây chứ còn phải tìm đâu xa. . .

- Tình yêu của nàng phải được sưởi ấm dưới ánh mặt trời, không thể nào âm thầm như thế. Nàng đáng được sung sướng hãnh diện đi bên cạnh người đàn ông của mình! Không, không thể được! Chàng không thể đem hạnh phúc đến cho ai cả. Đạp đổ hết lắm khi chỉ làm bần tiện con người! Nhưng ... ..biết tìm đâu ra "chước thứ 37"?

Còn Vân, nàng cũng nghĩ thầm:

- Người ta có bổn phận rồi, rắc rối vô ích. Dù yêu nhau đến thế nào đi nữa, cũng chỉ để lụy cho nhau mà thôi. Gây ra gánh nặng mà không ai gánh nổi cả, thì tốt hơn nên de ra. Vã lại, xâm phạm đến "sở hữu" của người khác là một việc không tốt. Phạm tội thất đức. Chết xuống địa ngục A Tỳ.

- Nhưng ơ hay! Vân định sống lơ mơ trên đường đời như người say rượu không tìm thấy lối về như thế này suốt đời sao à? Có một căn nhà ấm cúng quá, nhưng của người khác! Chỉ có kẻ hành khất, trộm đạo, mới bồi hồi trước ngõ nhà người ta. Người say rượu nghĩ thế, nên dù khát, cũng không dừng lại xin một hớp nước.

Bây giờ Vân mới thấy sợ cô đơn. Vân tưởng tượng, nếu yêu nhau, lúc chàng ra về, Vân sẽ thấy trống trải sầu tủi đến như thế nào. Aáy là chàng không hề ăn " tô phở 5 giờ " , nếu không, còn ai oán cho người đứng bên cửa sổ nhìn theo nhiều hơn nữa!

Vân bất giác thấy thèm một tiếng động, một giọng nói. Ừ, nếu không ngọt ngào âu yếm thì cứ hát lên bài Con cà Con kê gì cũng đuợc . Ít nhất cũng làm cho gian phòng vắng lạnh, không gian và tâm hồn có một âm thanh xao động.

Nhưng sự thực chỉ có một mình Vân hay mấy cô láng giềng của nàng cần xao động thôi. Còn ngoài ra, thiên hạ ai cũng thích bình yên, êm đềm, xin hai chữ bình an. Vậy hãy cứ để cho họ yên. Vân chợt nghĩ ra như thế. . . và trong chốc lát, nàng quyết định rời bỏ căn gác Mái Đông, rời bỏ cái hẽm nhỏ và vùng Trời không mây này.

Pháo giao thừa bắt đầu nổ vài nơi xa xa vang lại. Vân đứng dậy nhìn sang. Hai cô láng giềng cũng đã ngồi bên cửa sổ từ lúc nào. Họ đang mơ một tiếng giầy hay một tiếng chìa khóa đụng nhau lẻng kẻng, mắt họ nhìn vào khoảng không, thất thần.

Vân nghĩ đến mai đây, khi nàng dọn đi rồi, không biết một tâm hồn như thế nào sẽ đến ẩn dưới cửa sổ Mái Đông này!

Vân bỏ căn phòng để trốn chạy ai đó mà nàng cảm thấy hình như mình đã mong chờ, mơ ước suốt nửa đời người.

Sự thật, Vân đã quá lo xa. Nàng không cần phải bỏ đi đâu, trốn chạy ai hết. Đêm giao thừa, mọi người đều say sưa trong khói hương trầm ấm cúng đoàn tụ. Dù họ có " ăn phở" giờ nào, đâu đâu đi nữa, phút giây thiêng liêng ấy, lá rụng về cội, họ vẫn là người của gia đình. Vân không hề làm khổ ai, nàng chỉ u mê tự làm khổ mình. 


Ngày Giỗ Mẹ

Nordlingen ngày...

Cháu thân mến,

Từ hôm cháu về thăm đến nay, chú cứ nghĩ về cháu mãị Chú biết cháu thích tự do và vẫn còn giận mẹ cháu lắm, nên không chịu về nhà. Nhưng dù sao, chú cũng xin cháu nghĩ lạị Chuyện cũ qua đã lâu rồị Vợ cháu đã bỏ cháu, nhưng mẹ cháu hãy còn sống, ngày đêm trông mong cháụ Dòng họ nhà ta hiện nay chỉ còn một mình cháụ Xưởng làm đàn nổi tiếng nhất nước Đức của chúng ta, từ ngày chú Hai mất đi, vẫn đóng cửa cho đ! ến naỵ Nếu cháu không về trông nom, thì sự nghiệp đã bốn đời danh tiếng của dòng họ ta sẽ tiêu tan mất cả.

Xin cháu hãy suy nghĩ kỷ trước khi trả lờị

Rất mong tin cháụ

CHÚ BA

Vẹt đọc đi đọc lại bức thư của chú hắn đến hàng chục lần. Hắn không biết giải quyết cách nàọ Nhánh dòng họ Drexel nhà hắn chỉ còn có một mình hắn là tên tráng đinh độc nhất: hắn có bổn phận phải cưới vợ, sinh con, trông nom xưởng làm đàn của cha hắn, nhưng cuộc sống danh giá và bó buộc theo nền nếp ở quê hương làm hắn thấy ngại ngùng.

Hắn còn nhớ thuở bé, mỗi lần theo ông hắn ra quán cà phê, gặp người trong làng bao giờ họ cũng ngả mũ kính cẩn chào ông hắn và hỏi:

- Cậu bé năm nay lên mấỷ

Ông hắn cất ống điếu đang ngậm, đằng hắng lấy giọng, hất hàm hỏi hắn:

- Kìa cháu, bác ấy hỏi chaú lên mấỷ

Hắn ưỡn ngực trả lời rất kiêu hãnh:

- Cháu lên năm.

Ông hắn nhắc lại rất vênh vang:

- Ông nghe rõ chưả Cháu tôi năm nay lên năm, và vẫn còn độc thân!

Mỗi lúc nghe ông nói thế là hắn thấy tức giận và xấu hổ vô cùng.

Hắn giận ông hắn lúc nào cũng đem cái sự " còn độc thân" của hắn nói tung ra cho thiên hạ biết. Thật nhục nhã!

Nhưng đến bây giờ, trái lại, đã hơn ba mươi tuổi rồi, hắn rất hãnh diện vì vẫn còn được độc thân.

Quãng đời thơ ấu của hắn rất đen tốị Hắn mồ côi cha lúc mới ba tuổi, mẹ hắn một mình nuôi hắn. Cuộc sống cô đơn của một người đàn bà góa bao giờ cũng tràn đầy khó khăn, và mỗi khi gặp một chuyện bất bình gì là mẹ hắn trút tất cả những nỗi đau khổ bực tức lên đầu đứa con mồ côị Hắn không quên được những trận đòn chí tử bằng cán chổi mây to bằng bắp taỵ Mẹ hắn đánh hắn chỉ vì hắn nghịch một phần, mà vì tức giận chuyện khác nhiề! u hơn. Thỉnh thoảng, hắn phàn nàn với mấy thằng bạn:

- Tao không biết tao có phải là con của cha mẹ tao không. Có khi tao tưởng tao là con của mụ ăn mày hay của ông quét đường, đổ rác nào đó, mà mẹ tao đã xin về nuôi!

Năm 17 tuổi, hắn bỏ nhà, bỏ trường đi Pháp. Hắn học nghề giới

thiệu những món hàng buôn sỉ và sống bấp bênh với nghề đó cho đến bây giờ. Sáu năm trước, hắn cưới vợ Á Đông. Năm thứ nhất, hai người rất hạnh phúc. Năm thứ hai, bắt đầu chịu đựng. Năm thứ ba, vợ hắn khinh ghét hắn, và hai người, không biết vô tình hay cố ý, đều như cố tình hành hạ nhaụ Năm thứ tư, gia đình thành ra địa ngục trần gian, nếu không xa nhau thì cả hai sẽ điên luôn.

Thực ra hắn rất yêu vợ, nói là mê vợ thì đúng hơn. Những ngày tháng đầu, lúc mới xa nhau, hắn đau khổ đến nỗi lúc nào cũng có thể khóc được. Nhưng dần dần, hắn làm cho tình yêu biến thành lòng căm hờn. Từ đấy, hắn oán giận vợ cũng như oán giận mẹ, nên n thấy đời không còn gì vui nữạ

Cuộc sống của hắn rất khô khan. Càng ngày hắn càng cố tỏ cho mọi người biết hắn là người tâm hồn cứng rắn, chai đá. Hắn muốn bạn hắn biết tình cảm trong lòng hắn đã chết hẳn rồị Đời hắn chỉ còn một con khỉ hắn mua sau ngày vợ bỏ là nguồn vui, nguồn sống độc nhất mà thôị

Tháng trước, hắn về thăm làng cũ, gặp chú hắn, rồi lại về Paris. Hắn không muốn xa Paris, vì đó là đất dung dưỡng nghệ sĩ. Tuy hắn không phải là nghệ sĩ, nhưng tự nhận có tâm hồn nghệ sĩ. Hắn thích sống nghèo nhưng tự do, hơn là về quê làm ông chủ xưởng sản xuất đàn, giàu có nhưng bị bó buộc.

Tuổi trẻ là tuổi bất cần đời đã quạ Bây giờ hắn thấy có lẽ cái xưởng làm đàn cũng khá quan trọng, cần phải giải quyết một cách đứng đắn. Hắn nghĩ rằng nếu không ghét mẹ, thì trở về cũng được. Nhưng vấn đề là làm sao có thể gột rửa lòng căm hờn từ thuở bé, cái oán giận mà hắn và vợ hắn mỗi ngày mỗi bồi dưỡng thêm lên, đến mọc rễ tr! ong lòng hắn rồị

Hắn có mỗi một con khỉ là thân nhất, thì lại chỉ chuyện trò một chiều, không thể trao đổi ý kiến với khỉ được. Bỗng hắn chợt nhớ đến mấy người bạn Việt Nam. Hắn nghĩ phải tìm gặp mấy người này may ra ... bọn họ thường thường có những ý tưởng rất động trời, mà không phải là không có lý. Nhân tiện, hắn cũng sẽ hỏi xem họ có biết ở đâu tiêu thụ cho hắn được một số bát đũa vừa mới nhận được không. Hắn vội vàng mặc áo đi ngay để tránh giờ ăn.

Vẹt gõ cửa phòng Minh. Hắn rất ngạc nhiên thấy người ra mở cửa là một thanh niên Pháp. Hắn tự giới thiệu:

- Tôi là Vẹt, đến hỏi thăm cô Minh có tí việc.

- Còn tôi là Đinh Văn Bị Mời anh vàọ

- Các cô ấy đâủ

- Suỵt, nói khẽ chứ. Ở cả bên phòng cậu em. Họ đang cúng Hôm nay là ngày giỗ bà mẹ.

Vẹt nhún vai, bĩu môi:

- Hừ, mẹ chết rồi, còn khéo lôi thôi! Cúng với kính gì. Mẹ tôi còn sống sờ sờ ra đấy, tôi còn chả thèm thăm.

Bi phản đối:

- Mỗi người một tính, mỗi nước mỗi phong tục chứ! Tôi học tiếng Việt với cô Minh, biết được nhiều phong tục lắm và tôi cho là những phong tục ấy rất đáng kính trọng.

- Anh học tiếng Việt mấy tháng rồỉ Học được những gì? Học để làm gì?

- Tôi quen cô Minh đã lâu, nhưng mới có ý định học cách đây mấy tháng. Học để hiểu một dân tộc. Tôi dám cam đoan hai năm nữa tôi sẽ đọc truyện Kiều vanh vách. Tên tôi cũng do các cô ấy đặt. Lấy họ Đinh, theo dòng dõi Đinh Tiên Hoàng. Bi là bia, hay là từ bị

- Còn tôi, vï tôi bảo tôi hay nói bá xàm bá láp , tán giỏi mà không có lòng thành , tính lại hay cau có gắt gỏng, độc tài, đủ nết xấu, nên đặt cho tôi tên Vẹt. Cô ấy là Bà Chằng mà tôi chiều chuộng như Bà Chúạ Tôi hỏi thực anh nhé. Anh có yêu cô ấy không?

- Hiện tại tôi chỉ thấy quí mến, nhưng có lẽ tình yêu còn ở trong tiềm thức, chưa lộ ra đấy thôị Tôi cũng hơi sợ , vì các bạn tôi nói đàn bà Á Đông có một sức quyết rũ rất huyền bí. Đàn ông Âu châu mắc vào là tâm hồn bị phong tỏa ngaỵ

Vẹt xua tay:

- Tôi khuyên anh chớ có dại xông vào mà chết ! Tôi là nguời đã từng kinh nghiệm. Thuốc độc đấy chứ không phải vừa đâụ Trông họ hiền lành, dịu dàng, ngọt ngào, chiều chuộng thế nhưng rất nguy hiểm, vì một khi mình yêu họ rồi thì mình sẽ không thể nào yêu một người đàn bà Âu Châu nào nữa!

Bi bỗng ra dấu cho Vẹt im lặng. Hai người lắng tai nghe, hình như có tiếng nấc ở phòng bên đưa sang. Vẹt rón rén đến bên cạnh màn nhìn trộm. Hắn thấy trong phòng không bật đèn, chỉ có ánh sáng của ngọn nến và ba cây hương đang cháy trên cái bàn thờ nhỏ đóng vào vách. Cậu em trai ngồi cạnh bàn thờ, hai tay ôm đầu như đang suy nghĩ. Hai cô chị, tóc xõa dài trên vai, mỗi người gục đầu vào một phía vách. Có lẽ họ đang khóc, vì vai cứ rung lên từng hồi theo tiếng nấc đã cố nén rất nhỏ.

Vẹt tưởng như đấy là những cô bé bị phạt phải đứng quay mặt vào tường, và các cô bé vừa khóc vừa oán giận, như hắn lúc còn bé. Nhưng sự thực trái lại, các cô đang buồn khóc mẹ. Hắn không tin là trên đời lại có thể có những người con thương yêu mẹ đến như thế. Biết đâu các cô chả khóc vì một lý do nào khác, khóc cho chính mình! Chẳng hạn như khóc đời đen bạc, khóc lòng người tráo trở, khóc tình duyên ngang trái, khóc buôn thua bán lỗ hay khóc nước non. . . khóc dân tộc. . . Ôi trời, còn bao nhiêu là chuyện đáng khóc!

Hắn nhún vai, lại đến ngồi cạnh Bi, lấy thuốc lá ra hút.

- Các cô ấy có một tình thương yêu nhau mãnh liệt lắm. Và cũng chính vì điểm ấy mà tôi quí mến họ.

Vẹt nói giọng nghi ngờ:

- Tôi chỉ ngạc nhiên là tại sao trên đời lại có người thương mẹ đến như thế. Tôi ghét mẹ tôi lắm! Lúc bé, mẹ tôi đánh đập tôị Lớn lên, tôi cưới vợ, mẹ tôi không nhìn, nhắn bảo tôi rằng nếu cưới một người đàn bà ngoại quốc thì không được bước chân vào nhà bà. Vì thế, tôi đã thề rằng suốt đời tôi sẽ không gặp mẹ tôi nữa!

- Bà cụ còn sống không?

- ù Còn, và vẫn mạnh khỏẹ

- Thế chị ấy đâủ

Vẹt nhún vai, không trả lờị Hắn lại đến cạnh màn nhìn trộm. Trong phòng, vẫn cảnh tượng lúc nãy, chỉ thấy cây nến và mấy nén hương ngắn hơn. Nhưng giờ phút này hắn không còn ngạo nghễ nhạo báng như lúc đầụ Nỗi uất hận trong lòng dịu bớt , và hình như hắn cũng muốn khóc. Vẹt lại châm thuốc! lá hút để đè nén những cảm xúc hắn cho là mềm yếu như đàn bà. Mặc dầu cố gắng xua đuổi hết sức, mà mắt hắn nhìn đâu cũng chỉ thấy hình ảnh hai cô gái xõa tóc, gục đầu vào tường, vai rung rung vì những cơn nấc không thành tiếng.

Hiện tại đối với hắn thực phũ phàng. Hắn chợt thấy trên đời hình như có một cái gì thiêng liêng thực, có tình quyến thuộc, có tình thương yêu mà xưa nay hắn chưa thấy, chưa biết. Hắn ngờ có lẽ vì hắn chưa từng cho đúng mức nên không nhận được đúng mức chăng? Có một lần, hắn đã cho đúng mức, cho tất cả, thì lại cho! không đúng người, đúng chỗ. Về sau, hắn chỉ đòi hỏi, đòi thực nhiều, thực cao, mà không cho ai bao giờ. Tâm hồn hắn đen tối gần như không có một tia ánh sáng nào của tình yêu có thể lọt vào được .

Một lát sau, ba chị em bước rạ Hai cô chị mặt nghiêm trang buồn buồn, mắt đen ngời long lanh ướt.

Minh gượng cười nói:

- Tôi rất sung sướng có các bạn đến trong dịp giỗ mẹ chúng tôị Phong tục nước tôi, đó là ngày kỹ niệm để tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ và hội họp bà con để tăng thêm tình thân mật.

Cậu em tiếp thêm:

- ù Ba chị em sống chung, ngày nào cũng hội họp, đủ thân mật lắm, vì thế hôm nay chuyên để tưởng nhớ! Lệ chúng tôi, ngày thường cấm buồn, cấm khóc. Hôm nay nhân dịp giỗ mẹ, các chị tôi được phép, nên khóc một trận thả giàn để đền bù.

Quế dọn bàn, bày các thức vừa cúng rạ Minh lại giảng cho

hai nguời bạn ngoại quốc:

- Trong nước, chúng tôi không cúng như thế này đâu! Nào là xôi chè, hoa quả, bánh trái đặc biệt ngon vô cùng. Đây vì chúng tôi ở ngoại quốc, không có những thứ ấy, nên chỉ cần lòng thành, có gì cúng nấỵ Tối nay chúng tôi ăn phở, thành ra cúng phở.

Cậu em lại chế:

- Phở tái của chúng tôi là một món ăn đặc biệt và ngon ghê gớm, chứ không phải như thế này đâu! Chị tôi gọi là phở tái, kỳ thực đấy chỉ là mì ngựa!

Cậu quay lại nhìn chị:

- ù Có phải thế không chị? Tiền chợ của sinh viên nghèo mà! Bánh phở, chị thay bằng mì khô luộc, còn thịt bò đổi ra thịt ngựa cho rẻ. Không nói rõ, nhỡ các anh ấy tưởng món phở tái quốc hồn quốc túy của chúng mình như thế này, thì thực nhục " quốc thể".

Quế nói:

- Hôm nay ở nước nhà chắc các anh các chị họp đông vui lắm. Nhưng không biết có ai nhớ đến chúng mình không?

- ù Sao lại không? Nhớ ghê lắm chứ lại! Không nhớ chúng mình thì nhớ aỉ

Minh nói xong quay sang nhìn chị:

- Để em nói dốc cho chúng nó khiếp. Mình dại gì cho chúng nó biết chẳng ai nhớ, ai thương, ai nghĩ đến mình cả. À, các chị cũng liệu đấy: nếu đến cuối tháng này, chúng mình vẫn không " Cùng tắc biến, biến tắc thông" nữa, thì tháng sau một chị phải nghỉ học. Chị tìm việc gì làm, để sang năm giỗ mẹ, có tiền làm phở tái .

- Mì ngựa chứ chị!

- ù Ừ, gì cũng được, miễn là tiền của chúng mình thực chứ đừng như hôm naỵ

- Hôm nay làm saỏ Sang thế này còn đòi gì nữạ Mẹ ngày xưa thích lê, thì có lê này, ba có thuốc lá này, lại còn bánh ngọt, chè thơm. . .

- Ừ, nhưng mà phải "tổng động viên" tất cả bạn bè mới được ngần ấỵ Ta đi làm " ráp" đến mấy nhà, mới " tịch thu" đủ số cần thiết.

- Lạ quá, bạn chúng mình, những người nghèo thì thực có lòng, còn đứa nào giầu thì rởm đời, khinh người, dễ ghét một cách kỳ lạ. Nhất là ích kỷ và hà tiện thì không để đâu cho hết!

- Chuyện! Công lệ như thế rồi!

Minh quay sang Bi và Vẹt nói:

- ù Xin lỗi hai anh nhé. Chúng tôi vừa bàn định về giỗ mẹ năm sau sẽ làm những món ăn rất đặc biệt của quê hương. Còn anh Vẹt vừa về Đức thăm nhà, có chuyện gì hay kể cho chúng tôi nghe vớị

Vẹt vui vẻ nói:

- ù Tôi về thăm lại những kỷ niệm cũ, chứ có gì hay đâu! Trước hết, tôi thăm cây " Noa" dại tôi vẫn hay trèo chơi lúc bé, gần cạnh xưởng làm đàn. Tôi thương nó ghê lắm. Nó cao bằng ba tầng lầu, bóng mát tỏa ra rất xạ Nhưng rủi quá, bị người ta chặt mất rồị Hôm ấy, tôi đứng ở gốc cây, buồn đến chết lặng cả ngườị

- ù Ngoài ra, anh còn thăm ai nữả

- Tôi đến nghĩa địa thăm mộ cha tôị Và tôi thấy ngay bên cạnh, có một nấm mộ mới, hoa còn tươi, đắp đất chứ chưa xây đá. Tôi lại đứng chết lặng ở đấy gần một tiếng đồng hồ.

- Mẹ anh phải không?

Vẹt lắc đầu:

- ù Không, chú tôị Thế mới đáng tiếc. Chú tôi mới chết có mười lăm ngày thôị Tôi đọc trên những tấm băng giấy cột trên vòng hoa nên biết được như thế. Trời ơi! Nếu tôi về sớm mười lăm ngày, thì đã gặp chú tôi rồi! Ngày xưa, chú thương tôi nhất, và cả gia đình, tôi cũng chỉ thương một mình chú ấy thôi!

Vẹt ngừng một lúc, kể tiếp:

- Tôi vốn định không thăm ai cả, nhưng vì chú Hai mới mất, nên tôi đến tiệm bán đàn của chú Ba để thăm chú ấỵ Đến nơi, tôi giả vờ hỏi mua đĩa hát, và hỏi tin tức chú Hai chết ra saọ Thím tôi kể hôm an táng, theo lệ thường Cha nhà thờ làm lễ bao giờ cũng chỉ tán dương những điều hay, nết tốt của người chết chứ không nói xấu, thế mà vì gia đình chú tôi không trả! tiền nhiều để làm lễ sang trọng nhất, nên hôm ấy họ đã kể xấu chú tôi, nào là không đi nhà thờ, không xưng tội, suốt ngày uống rượụ v.v.. . đủ thứ. Mọi người, ai cũng tức giận nhưng không dám nói gì. Hừ, giá hôm ấy có tôi thì phải biết! Nghe xong tôi khóc nên chú Ba nhận ra tôị Chú mời tôi ở lại ăn cơm và bảo tôi giống ba tôi lúc xưa như tạc. Bây giờ tôi thấy yên tâm, vì biết chắc chắn tôi chính là con của ba tôi, chứ không phải mẹ tôi đã xin con ai về nuôi!

- ù Chú anh gặp anh chắc mừng lắm!

- ù Chú tôi rất mừng giữ tôi ở lại, nhưng tôi không chịụ Xong rồi, tôi đến thăm cái nhà thờ cổ. Cái nhà thờ sáu năm trước, một đêm mưa, bão tuyết rất lớn, tôi và Sương đã vào nấp trong ấỵ Sương khó tính vô cùng. Biết tôi rất mệt mỏi, cũng cứ bắt tôi phải dịch cả một tấm bảng viết lịch sử nhà thờ cho Sương nghẹ Thế kỷ thứ mười một làm gì, mười hai làm gì, mười ba sửa chỗ nàọ . . chán vô cùng!

- Cô ấy ham học hỏị

- ù Không phảị Sương muốn hành hạ tôi thì đúng hơn. Không có một việc gì làm khổ tôi được mà Sương không làm, từ việc lớn cho đến việc nhỏ.

- Anh không thăm mẹ anh?

- ù Có chứ. Tôi đến thăm căn nhà chúng tôi ở hồi xưạ Những sợi giây thép gai tôi chăng vòng theo vách tường vẫn còn nguyên, mấy luống hồng leo tuy đã già nhưng vẫn còn sống. Tôi bấm ba lần vào cái chuông điện ngày xưa chính tay tôi bắt vào cửa vườn. Tôi nghe tiếng chân mẹ tôi đi trên gác, ánh đèn ở cửa sổ phòng bà bật sáng và nghe tiếng bà hỏi vọng qua cửa sổ " Wer lautet? " (ai bấm chuông?), xong tôi chạy mất!

- Anh không vàỏ

Không. Sáu năm trước tôi đã tuyên bố không gặp mẹ tôi nữa rồi mà! Ai bảo bà ấy không nhìn nhận vợ tôỉ Nhưng dù sao, tôi cũng đã nghe tiếng mẹ tôi nói, biết mẹ tôi còn khỏe mạnh, thế là đủ rồị Điều rủi ro nhất của tôi là cây " Noa" dại của tôi bị chặt, và chú tôi chết mất.

- -Tôi cho là anh vẫn còn may mắn vô cùng. Chúng tôi còn rủi hơn anh nhiềụ

- Tại saỏ

- Chúng tôi rất yêu mẹ, nhưng không được sống gần để làm mẹ vui, mẹ sung sướng. Mỗi khi nghĩ đến ngày về nước không còn mẹ nữa, là chúng tôi khổ đến khóc ngay được. Đối với tôi, chồng, vợ hay con, nếu rủi mất đi, vẫn có thể tìm lại rất dễ dàng, và muốn bao nhiêu cũng cóù, nhưng còn mẹ, suốt đời chỉ có thể có được một mẹ mà thôi!

Vẹt mở to mắt nhìn hai chị em Minh. Hắn vừa kinh ngạc vừa

sửng sờ. Hắn chưa từng nghe ai nói một câu kỳ quái như thế bao giờ cả!

- Nếu lúc anh trở về, trông thấy mộ mẹ nằm cạnh mộ cha, đất mới đắp còn mùi nồng, mới thật là rủi! Nhất là nếu anh chỉ về trễ có mười lăm ngày thôi!

Vẹt lặng cả người:

- ù Điều ấy không bao giờ tôi nghĩ đến. Mẹ tôi khỏe mạnh lắm. Tôi không tin là mẹ tôi có thế chết sớm được!.

- Trước kia chúng tôi cũng nghĩ thế. Tôi cũng không tin là mẹ tôi có thể chết được! Tôi tưởng mẹ tôi phải sống mãi mãi để nhìn thấy chúng tôi thành công. Thế mà tôi đã phải làm giỗ mẹ mấy lần rồi! Thật vô lý. Cho đến bây giờ, sự thực đã sờ sờ ra như thế, lắm lúc tôi vẫn còn chưa chịu tin là tôi đã không còn mẹ ở trên đời nữa!

Vẹt hai mắt mở to, đăm đăm nhìn vào quãng không, mồm hắn lẩm bẩm:

- ù Wer lautet? Wer lautet? Wer lautet?

Hắn đi lại trong phòng mấy bước và bỗng đứng dừng lại nói:

- Tôi xin cám ơn anh bạn và hai cô đã mời ở lại ăn phở, nhưng tôi phải về ngay vì có việc bận lắm. Tôi phải cho xe vào xưởng soát lại máy và thay dầu chuẩn bị đi đường trường . Tương lai sẽ còn có dịp gặp lạị

Hắn bắt tay mọi người, vội vàng ra về, mồm vẫn lẩm bẩm " Wer lautet? Wer lautet? ". Hắn muốn về ngay, vì mục đích đến tìm chị em Minh không phải để ăn phở tái hay mì ngựa, mà để hòi ý kiến một việc, mà bây giờ hắn thấy không cần hỏi nữa!

No comments: