Thursday, September 3, 2015

NGUYỄN VỸ * TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT IV


Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 21

1927

- Hànội "Kinh đô trí thức" của Ðông Dương.
- Phong trào đi du học Hànội.

- Hai bài thơ cam kết của đôi bạn trẻ cùng chí hướng.
- Một Quan Huyện làm thơ ca ngợi chiếc xe lửa trên đường Hỏa – xa tốc hành Saigòn-Hànội.
- Lần đầu tiên đến Hànội.
- Xe kéo Hànội.


Hànội ! Thăng Long !
Ðối với Tuấn, chàng thư sinh 17 tuổi, quê quán ở một làng hẻo lánh, nhỏ bé, ở miền núi Trung Kỳ, đi Hànội là một việc trước kia không bao giờ chàng dám nghĩ đến.
Dù sao Huế cũng còn gần gũi hơn, Huế mới chỉ là Ðế Ðô của nhà Nguyễn, Huế hãy còn là một thủ đô của xứ Trung Kỳ mà thôi. Chứ Hànội ! Ồ ! Hànội, tên cũ là Thăng Long, đó là cái gì khác xa Huế, lớn hơn Huế, xưa hơn Huế, đồ sộ hơn Huế. Ðó là kinh đô của Lịch sử ! Ði Hànội, tức là đi về cái nguồn gốc của Lịch sử !
Cố cựu hơn Huế, mà tân tiến hơn Huế. Huế chỉ có ông Khâm Sứ, ông vua Annam, Hànội có ông Toàn Quyền, có thành cũ Thăng Long, có trường Cao Ðẳng Ðông Dương, có cầu Doumer, có Hồ Hoàn Kiếm, có đền Bà Trưng, có tượng Paul Bert ! Tất cả bốn nghìn năm lịch sử " An-nam-quốc "đều có mặt ở Hànội, Thăng Long.
Tuấn, chàng trai nước Việt ở thế hệ giao thừa, mới 17 tuổi đã bị đuổi khỏi học đường quá sớm, đã phải tạm biệt thôn quê và tỉnh nhà để đi tìm hoài bão tương lai. Chàng trố mắt nhìn xã hội An-nam với tất cả tâm hồn ngây thơ mơ mộng, lại ngơ ngác trước những cái mới mẻ lạ kỳ, tò mò tìm hiểu bao nhiêu điều cần học hỏi. Tuấn đã thấy thật nhiều ở Huế, nhưng Huế chật hẹp quá, Tuấn mơí ở đây một tuần lễ đã cảm nghĩ rằng mình đã biết gần hết Huế rồi.
Bây giờ lên đường đi Hànội, lòng Tuấn hồi hộp vô cùng. Tuấn rất buồn vì mình không phải con nhà giàu. Sinh trưởng trong một gia đình lao động, cha làm thợ mộc, mẹ không có buôn bán gì, được người anh học giỏi làm việc cho Tây - Trần Anh Tuấn, Phán Sự Tòa Sứ, thì lại bắt bỏ tù ! Anh bị bắt cùng một lúc với thầy Ðổng sĩ Bình, phán sự tòa sứ Qui Nhơn về tội " tạo yêu thơ yêu ngôn ". Theo bản án của triều đình Huế, tội tạo yêu thơ yêu ngôn nghĩa là sáng tạo ra văn chương và ngôn ngữ phi pháp, chống chính phủ.
Hôm ông Phán Tuấn bị bắt và đưa đi Banmêthuột thì Tuấn không hay biết gì cả vì Tuấn đang học ở QuiNhơn. Kỳ nghỉ hè về nhà, Tuấn nghe cha mẹ và hàng xóm kể lại, mới biết rằng ông Phán Tuấn có chân trong một hội kín gọi là " Thanh niên cách mạng đảng " và có góp tiền " mua súng để đánh Tây ". Tuy bề ngoài làm việc ở Tòa Sứ rất chăm chỉ, đối với người Pháp ông rất lịch sự, nhã nhặn, nhưng không ai ngờ ông Phán Tuấn lại là một đồng chí hăng hái nhất của một đảng cách mạng. Ông hoạt động bí mật trong tỉnh nhà đã hai ba năm rồi mà không ai biết cả, trừ những đảng viên.
Nghe các thầy thông thầy ký thuật lại, hôm có lính Tập vây nhà và bắt thầy phán Tuấn, rồi dẫn đến quan Công Sứ Pháp, ông này hết sức ngạc nhiên hỏi Tuấn là người cộng sự đắc lực nhất và quí nhất của ông :
- Taị sao anh vào đảng chống Pháp ?
Thầy Phán Tuấn đáp :
- Thưa ông Sứ, tôi chỉ làm bổn phận của một người dân vong quốc.
- Nhưng anh biết rằng người Pháp đem văn minh qua cho người An nam ?
- Người Pháp làm bổn phận của họ. Chúng tôi làm bổn phận của chúng tôi.
- Anh nghĩ sao khi chính tôi đây đã đối xử rất tốt đối với anh và đồng bào của anh ?
- Vâng, ông nói đúng và tôi xin cảm ơn ông. Nhưng tôi làm cách mạng không phải chống cá nhân của ông, mà chống nước Pháp, chống chế độ thực dân của Pháp.
Ông Sứ làm thinh. Một lúc, ông bắt tay phán Tuấn trước khi truyền lịnh đem giam Tuấn vào lao :
- Dù sao, anh cũng là một người có chí khí ( Quand meme, vous êtes un brave ! )
Khi các quan An nam đem phán Tuấn ra xử theo luật Gia Long, tội của Tuấn là " tạo yêu thơ yêu ngôn " ( tạo ra thơ văn và lời nói phi pháp ) và kết án khổ sai chung thân. Ông Công sứ Pháp phản đối, đề nghị giảm xuống còn 9 năm tù, đày lên Banmêthuột.
Lúc xét nhà phán Tuấn, lính có bắt được một tập thơ do ông phánTuấn làm, nhan đề là " Vần thơ nước mắt ", trong đó có nhiều bài đả kích các quan và vua An Nam. Tập thơ này, chính Tuấn-anh cũng có đưa cho Tuấn-em xem. và Tuấn-em có chép riêng trong một quyển sổ con mấy bài như sau đây:
Quan đi lọng
Khéo trò võng lọng, khéo trò quan !
Chẳng biết hổ ngươi, chẳng ngỡ ngàng !
Mất nước muôn dân còn oán hận,
Làm thân tôi mọi cũng nghêng ngang !
Làm vua thua bù nhìn
Biết nhục không, vua ? Vua hỡi vua !
Bù nhìn còn biết giữ bờ dưa
Ngai vàng chẳng hổ thân nô lệ,
" Hoàng đế An nam " khéo vẽ bùa !
Khuyên cậu học trò
Trò ơi ! ôm sách đi đâu ?
Học bài toán đố, học câu vẹc-bờ
Ngày nay tuổi cậu còn khờ,
Miếng cơm manh áo còn nhờ mẹ cha,
Mai sau khôn lớn, đẩy đà
Làm trai phaỉ nhớ Nước Nhà, mang ơn.
Hai vai gánh vác giang sơn
Bẻ giây xiềng xích, thoát cơn tôi đòi.
Khí thiêng nung đúc giống nòi
Rồng Thiêng muôn thuở muôn đời tự do !
14-7 ( cách-tót-duy-tê )
Cách-tót-duy-dê, đã tới đây
Là ngày Quốc Khánh của ông Tây
Tỉnh thành loe loét cờ ba sắc
Áo mão vêng vang khỉ một bầy
Ðại Pháp câu mồi, vui thích hỉ !
An nam liếm chảo, tức cười thay !
Làng quê kẻ chợ đi xem hội, Cờ bạc, rượu chè, lắm kẻ say !
Khóc cụ Phan chu Trinh
Ôi cụ Tây Hồ, ới cụ ơi !
Nước nhà đau đớn, cụ buông xuôi !
Gông cùm nô lệ, dân còn oán
Quân chủ chuyên quyền, hận chửa nguôi !
Ðất nổi phong ba, trời thảm lụy
Dân không cha mẹ, Nước mồ côi !
Hương lòng một nén, thơ năm vận,
Khóc cụ Tây Hồ, ngấn lệ rơi !
Gởi Tuấn-em
Nhắn nhủ em trai, óc dại non
Ðôi lời mực thước, nhớ châm ngôn
Học làm nô lệ, thà đừng học
Khôn việc Nước Nhà, ấy mới khôn
Cam khổ không sờn, noi lý tưởng
Thanh bần cố giữ, vẹn tâm hồn
Công danh sự nghiệp do mình tạo
Khí khái anh hùng, để tiếng thơm.
TRẦN-ANH-TUẤN
(Vần thơ nước mắt )
1924-1926
Nhất là bài thơ sau đây, như bản chúc thư của người anh ruột yêu qúi, mỗi lần nhớ đến là Tuấn buồn và lo.
Buồn, vì Tuấn đã không làm được việc gì cho có tiền để phụng dưỡng mẹ cha, mà lại còn muốn trốn gia đình để đi Huế, đi Hànội thì thật là một đứa con bất hiếu, một đứa em không nhớ lời kkhuyên dạy của anh. Tuấn biết vậy, nhưng làm sao được khi tính phiêu lưu mạo hiểm, chí khao khát học hỏi, và lý tưởng cách mạng đã được nung đúc từ ba năm qua, như đa số học sinh thời bấy giờ, tất cả những yếu tố ấy mạnh hơn Tuấn, thúc đẩy Tuấn đi tìm một lẽ sống thích hợp cho tâm hồn của chàng trai đang say sưa với thời buổi mới. Tuấn lại lo vì Tuấn không biết rồi đây tương lai của Tuấn sẽ như thế nào ? Có thể giữ được không những ý nguyện thầm kín của Tuấn, theo lời dạy bảo của anh ? Làm sao cho trở thành một Ðất Nước, với Giống Nòi ? Làm sao cho tâm hồn giữ được thanh cao, cho đạt được lý tưởng của đời sống khí khái anh hùng mặc dầu sẽ chịu nhiều cam khổ ?
Tuấn cảm thấy mình hãy còn bé quá, khờ dại quá. Anh cả của Tuấn, cột trụ của gia đình, bây giờ đã đi ở tù tại nhà lao Banmêthuột chính vì lý tưởng cách mạng. Tuấn là con trai duy nhất còn lại với cha mẹ, thì đã bị nhà trường đuổi vì quá hăng say trong cuộc bãi khóa vừa rồi, từ nay làm sao tiếp tục học được nữa ? Ðành rằng anh cả nhắn nhủ :" Học làm nô lệ thà đừng học ", Tuấn cũng quyết định sẽ không bao giờ làm nô lệ, nhưng Tuấn cần phải học giỏi để có căn bản văn hóa vững chắc mới thực hiện được lý tưởng của đời Tuấn, mới đạt được sự nghiệp tương lai.
Tuấn trằn trọc suốt đêm trước giờ rag a xe lửa để đi Hànội, cứ nhớ lại mấy bài thơ của anh cả, từng chữ như những lời khuyên răn, mà cũng là những lời tâm huyết, vừa cản cáo, vừa khuyến khích...vừa đề phòng...Tâm sự của Tuấn đêm nay là tâm sự của một chàng trai của Ðất Nước, đang bơ vơ, ái ngại, lo sợ trên đường đời vô định.
Hầu hết những chàng trai nước Việt, cùng lứa tuổi của Tuấn, trong thời gian 1926-1927 cho đến 1931-1932, tuy hoàn toàn mỗi người mỗi khác, nhưng tâm sự lo lắng cho tương lai, cho đất nước, đều như thế cả.
Bởi đó là thế hệ trai trẻ đang chịu ảnh hưởng sâu đậm của trào lưu cách mạng do hai nhà chí sĩ họ Phan đã gây ra, và do lớp trí thức đàn anh noi theo gương hai cụ, tiếp tục đề cao tinh thần cách mạng trong các giới sĩ phu...
Tuấn chỉ đủ tiền mua vé xe lửa từ Huế ra Hànội còn dư trong túi được vài chục tờ giấy bạc 1 đồng, do vài đứa bạn gom góp cho thêm, mỗi đứa cho mười giác, hoặc hơn nữa.
Chiếc xe lửa cũ kỹ, dơ bẩn từ ngoài đến trong, kéo gần hai chục cái toa, cái gòn ( wagon), thành một đoàn dài đậu sừng sững từ đầu đến cuối sân ga, cao như một bức thành mầu nâu, bẩn thỉu.
Lần đầu tiên được đi Hànội mà đi trên chiếc tàu hỏa ghê tởm như thế kia, Tuấn không được vui lắm, Tuấn mua vé hạng tư, ngồi trong một toa đầy nghẹt hàng hoá, hành khách chen lấn nhau, đủ hạng người. Tuấn chỉ có một hciếc va li nhỏ bằng mây rất đơn giản, trong đó sắp xếp mấy bộ quần áo tây và An nam, toàn đồ cũ và năm bảy quyển sách Pháp, Tuấn đút va li dưới gầm ghế ngay chổ Tuấn ngồi để dể canh chừng, sợ thất lạc. Mấy đứa bạn của Tuấn có mua cho Tuấn để ăn dọc đường : một trái bưởi Huế, một khúc bánh mì và một gói kẹo thèo lèo để ăn tạm với bánh mì.
Nên nhớ rằng ở Huế và cả miền Trung vào khoảng đó ( 1926-1927) bánh mì vẫn chưa được thông dụng trong dân chúng An nam. Nó thuộc về các món ăn của Tây, và phần nhiều những người ở giới thân cận với Tây mới thỉnh thoảng dùng đến. Còn quần chúng An nam chỉ thích ăn các món bánh truyền thống như bánh bèo và bánh hỏi. Bánh mì là một thứ bánh lạ, người An nam ăn một vài lần cho biết thế thôi, chớ không ham chuộng lắm, cho nên nó không được bình dân, và các tiệm ăn An nam ít có bán. Mấy đứa bạn của Tuấn muốn cho Tuấn được món ăn đặc biệt trên xe lửa đi Hànội, đã phải đến nói riêng với anh bồi của nhà hàng Morin là nhà hàng độc nhất của Pháp ở Huế để nhờ anh mua giùm một khúc bánh mì chánh hiệu của Tây. Vì hình như bánh mì bán ra cho người An nam thì có pha bột khoai mì.
Anh bồi của nhà hàng Morin có lòng tốt, nhờ quen với một cậu học trò, bán cho mấy đứa bạn của Tuấn một chiếc bánh mì lớn bằng trái bắp với giá tiền 5 xu ( bằng 50 đồng bạc ngày nay ). Quỳnh hãnh diện trao chiếc " bánh mì Morin " cho Tuấn với mấy lời trịnh trọng sau đây :
- Nè, chiếc bánh mì Morin, mầy cất kỹ trong vali để dành ăn trên tàu hỏa. Trên tàu có bánh mì để bán cho Tây chớ không có đũ để bán cho Annam đâu.
Tuấn nghe lời, cất kỹ khúc bánh mì bằng trái bắp trong va li quần áo. Bánh mì để ăn với...kẹo thèo lèo cũng do mấy đứa bạn mua cho.
Một việc không ngờ cho Tuấn là lúc tàu huýt còi sắp sửa chạy, Tuấn đứng thò đầu ra cửa ngoắc tay từ giã tụi bạn thì Quỳnh chồm lên nhét vào tay Tuấn một miếng giấy, với nụ cười cảm động :
- Ðể tàu chạy rồi hãy coi !
Tàu chạy xong ra khỏi ga Huế. Tuấn mở giấy ra xem, thì là một bài thơ của Quỳnh :
Tiển Bạn Trần Tuấn
Tiển bạn ra đi, dạ thẫn thờ
Chút tình ghi lại mấy vần thơ
Học đường, nhắc bạn đừng xao lãng,
Chí khí làm trai chớ bỏ ngơ
Tổ quốc đang mong bầy tuổi trẻ
Thân tằm phải nhả những giây tơ
Mấy lời tâm nguyện tôi cùng bạn
Non nước ngày mai...há hững hờ ?
Tuấn xem lại bài thơ của Quỳnh hai ba lần và đã thuộc lòng.Từ đó, trên ghế dài của toa xe lửa phần thì bị lắc qua lắc lại với tiếng động rầm rầm của nhữn gbánh xe lăn trên đường sắt, phần bị ép chặt cứng giữa một bà lão ngồi ngủ gục luôn chạm mạnh đầu bà vào đầu chàng, và một ông cụ nhà nho miệng nhai trầu và hút thuốc không ngớt, chốc chốc rung đùi như cảm hứng một mình, Tuấn cũng nghĩ ra được một bài thơ để họa lại bài tiển bạn của Quỳnh.
Mãi khi tàu hỏa ra khỏi Quảng Trị, khỏi ga Ðồng Hới, Tuấn mới nghiền ngẫm xong bài thơ họa, nhưng vẫn âm thầm trong trí óc, không chép ra được vì không có giấy, không có bút, trong lúc xe lửa chạy vùn vụt, rầm rầm, nhức đầu, ù tai, mũi Tuấn hít đầy than và khói.
Thơ của Tuấn họa như sau đây :
Gởi bạn Phan Quỳnh
Xa quê, lạ cản, óc bơ thờ
Thăm thẳm đường đời, ngại tuổi thơ
Văn học trau dồi tuy cố gắng
Non sông tủi nhục khó làm ngơ
Gọi hồn, chiếc hạc bay tung cánh,
Vương kiếp con tằm nhả phím tơ.
Ðất rộng trời cao duyên cát bụi.
Biết đâu thân thế chỉ mong hờ !
Lúc ra Hànội, chép lại bài thơ gưỉ vào Huề cho Phan Quỳnh, Tuấn chua ở dười bài thơ :
"Câu đầu làm lúc tàu băng qua cầu Bạch Hổ, Huế. Câu cuối làm xong sau khi tàu ra khỏi ga Ðồng Hới.
Tuấn, 28 Septembre 1928
Chàng thiếu niên tự cho là thích thú, đọc thầm lại bài thơ của Quỳnh và bài họa của chàng. Ngâm mãi trong miệng một lát, chàng tủm tỉm cười một mình và quên những người ngồi chung quanh, chàng ngâm lớn lên hai câu mà chàng khoái nhất :
Gọi hồn, chiếc hạc bay tung cánh
Vương kiếp con tằm nhả phím tơ.
Ông cụ nhà nho ngồi sát cạnh, ngó chàng :
Cậu ngâm thơ của ai đấy ?
Tuấn giựt mình, như sực tỉnh giấc mộng, lễ phép đáp :
- Dạ, thưa cụ, con ngâm hai câu thơ của thầy con dạy ở trường.
- À, tôi cũng làm thơ. Buồn ngủ quá. làm thơ để khỏi ngủ gà ngủ gật như người ta. Thơ tôi là thơ Ðường luật, bát cú, cậu có nghe không ? Thơ tôi thì xuất sắc lắm. Tôi đọc cậu nghe nhé !
- Dạ.
Ông cụ nói tiếng Quảng Bình, hơi khó nghe một tý đối với Tuấn chưa quen nghe. Nhờ được cái là ông cụ khoái chí, rung đùi, ngâm đi ngâm lại hai ba lần nên Tuấn nghe rõ và nhớ được hết. Ðây là bài thơ cuả cụ :
Chiếc Tàu Hỏa
Khen thầy Ðại Pháp thật văn minh
Tàu hỏa bầy ra, ai cũng kinh
Sức mạnh ầm ầm ghê máy móc
Chạy nhanh vùn vụt, tựa cung tên !
Ăn mây, nuốt gió, tung trời đất,
Trèo núi, băng sông, vượt thác ghềnh.
Huýt tiếng còi vang, rung vũ trụ,
Ðến ga, kẻ xuống có người lên !
Rất tiếc là ông cụ không cho biết tôn danh, và Tuấn không dám hỏi. Nhờ nói chuyện một lúc, cụ mới cho cậu thiếu niên biết cụ làm Tri-huyện ở Do Linh. Tuấn không thuộc địa dư, không nhớ Huyện Do Linh ở tỉnh nào, nhưng Tuấn không dám hỏi nhiều, chỉ thích ngồi nghe.Cụ nói chuyện vui vui. Cụ giảng nghĩa bài thơ của Cụ, từng câu từng chữ cho cậu thiếu niên nghe, để cậu thưởng thức thi vị của bài thơ mà cụ cho là xuất sắc, là kiệt tác trong loại thơ Ðưòng luật bát cú.
Tuấn hơi ngạc nhiên là ông cụ nhà nho làm đến chức quan Tri huyện thì đáng lẽ cụ mua vé hạng ba, hoặc hạng nhì, sao cụ lại mua vé hạng tư ! Có lẽ quan Huyện muốn tiết kiệm tiền, vì thời bấy giờ lương quan Huyện An nam khjông hơn lương một ông quan Phán đầu tòa.
Quan Huyện là nhà nho học, nhưng cũng biết tiếng Tây, nói được tiếng Tây tuy không đúng văn phạm lắm. Quan hỏi chàng thiếu niên một câu tiếng Tây :
- Vous savez pourquoi je parle le Francais comme les Francais, mais je chique toujours du betel aussi ?
Tuấn thấy câu tiếng Pháp của quan không được Tây lắm, nhưng miễn chàng hiểu nghĩa :" Anh biết tại sao tôi nói tiếng Pháp như người Pháp, nhưng tôi vẫn ăn trầu ?".
Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pháp :
- Non
- Parce que le bétel c'est le quốc hồn quốc túy des Annamites.
Tuấn không nhịn cười được nữa, vì cụ nói " trầu là quốc hồn quốc tuý của người An nam ". Có lẽ vì cụ không biết dịch bốn chữ " quốc hồn quốc tuý " ra tiếng pháp như thế nào, nên cụ để nguyên tiếng Việt trong câu tiếng Pháp của cụ. Cụ còn nói thêm, vẫn nói tiếng Pháp, đại ý : người An nam phải giữ quốc hồn quốc tuý của mình, không nên bắt chước người Tây hết, như mặc áo dài, bịt khăn đóng, ăn trầu v.v... là những cái hay cái đẹp mà không nên bỏ...
Nhờ câu chuyện vui vui với quan Huyện Do Linh mà Tuấn không buồn ngủ và quên nỗi mệt nhọc trên tàu. Hình như quan cũng thấy Tuấn ngoan ngoãn, nên quan ưa nói chuyện. Ngồi một mình trên tàu không ai nói chuyện với ai, buồn chịu sao nỗi ? Nhưng nói mãi cũng chán, và Quan Huyện nói nhiều lắm, chắc cũng thấm mệt. Quan thiu thiu ngủ, giục đầu vào thành xe...
Tuấn ra hành lang đứng xem phong cảnh...
Tuấn hồi hộp vô cùng. Trái tim của Tuấn rung động mạnh, giống như chuyến tàu chuyển đi vùn vụt tong đêm khuya. Tuấn lo nghĩ lan man về cuộc viễn du cũng như cuộc đời vô mục đích mà không biết ngày mai sẽ ra thế nào ? Tuấn còn nhỏ, đường còn xa, năm tháng còn dài thăm thẳm, rồi đây Tuấn ra Hànội sẽ làm được gì ? Sẽ đạt được gì ?
Lơ lửng giữa một xã hội nửa cựu, nửa tân, tuổi của Tuấn chưa un đúc được cái cũ, chưa thấm nhuần được cái mới, Tuấn tự cảm thấy bơ vơ lạc lỏng không ai chỉ dẩn. Hầu hết những chàng trai đất Việt đồng lứa với Tuấn, của thế hệ 1925-1932, đều phân vân nơỉ ngã ba đường của Lịch sử. Ghét Tây mà sợ Tây, mà phải học chữ Tây, đọc sách Tây. Một số thi đậu ra làm việc cho Tây để kiếm tiền nuôi mình, nuôi vợ con, giúp cha mẹ để đền ơn sanh thành, báo đáp công ơn dưỡng dục, ôm chữ hiếu để thờ mẹ kính cha, lấy chữ an thường thủ phận để bảo vệ đời mình.
Còn một số khác vẫn âm thầm óan hận, kết bạn kết bè, lê la những bước sống phiêu lưu ở ngoài rìa xã hội. Họ là thanh niên trí thức, học rông biết nhiều. Ngoài những sách vở của nhà trường, họ còn tìm hiểu thêm trong các ngưỡng cửa của trí óc, mở rộng nhãn tuyến của học vấn vô biên, của tư tưởng bao la, của kiến văn vô tận. Tuấn thèm thuồng đời sống tự do bay nhảy của hạng trẻ tài hoa tuấn tú ấy. Nhưng làm sao đây ? Tuấn sợ rằng mình bé nhỏ quá. Mình vô tài ? Mình bất lực ? Mình không có khả năng gì quán xuyến hơn người ? Nên rời ghế học đường, Tuấn đi phiêu lưu nơi " nghìn năm văn vvật" mà lòng ái ngại, trí lan man, chưa có gì ổn định cả.
Tàu hỏa đã qua nhiều ga, đã ghé nhiềutỉnh, nhiều thành phố mà Tuấn đã học thuộc lòng tong sách địa dư của nhà trường : Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Ðịnh...
Người ta cho biết 6 giờ chiều tàu sẽ đến Hànội. Khỏi ga Văn Ðiển là ga gần Hànội, Tuấn đã thấy những trụ " giây thép gió " cao ngòng lố nhố tận nơi xa. " Hànội đấy ! Giây thép gió Bạch Mai đấy ! ". Một ông cụ người Bắc giả nhời cho Tuấn, khi Tuấn hỏi cụ.
Trên tầu, hành khách nhộn nhịp, sửa soạn hành lý, khỏi phải dọn dẹp gì cả, nhưng chàng cũng lo sợ, lỡ trong lúc lộn xộn xuống tầu, ai xách chiếc va li của chàng thì nguy... Chàng xách va li đứng nơi cửa sổ, nhìn phong cảnh đất Bắc, gần đến ngoại ô Thăng Long.
Tầu vùn vụt chạy ngang qua một cánh đồng, rồi bắt đầu chầm chậm, rú lên một hồi còi thánh thót...Một ao sen trắng...một ao sen hồng...rồi một dãy phố...một dãy phố...Tàu chầm chậm...chầm chậm...nhả khói...phịch...phịch...phịch...như một người thở hổn hển sau khi đã chạy hết một đường trường xa lắc xa lơ, hết hơi, mệt đứ đừ, vừa đến đích.
Ðối với Tuấn, thiếu niên 17 tuổi, quê ở một tỉnh nhỏ miền Trung, ga Hànội to lớn " ghê hồn ", kiến trúc đồ sộ hơn ga Huế, mặt văn minh hùng vĩ hơn. Ga Hànội làm cho Tuấn sợ, Tuấn thấy mình bé bỏng quá.
Chàng xách va li đứng yên trên bến tàu một lát để ghi vào trí nhớ những giây phút đầu tiên chàng để chân trên đất Thăng Long.
Rồi chàng len lỏi theo sóng người hành khách tay xách, tay cầm, chảy ào ạt ra cửa " sortie"
Ồ Hànội ! Hànội ! Giấc mộng say mê của chàng trai phiêu lãng đã hiện ra trong thực tế rồi đây ! Hànội rồi đây !
Tuấn đủng đỉnh bước xuống mấy bực thềm xi-măng của nền hè ga cao rộng. Xuống đến sân, chàng gọi chiếc xe kéo, hỏi người phu xe một câu ngớ ngẩn :
- Bác ơi bác, bác biết đường Général Bichot không ?
Người phu xe nhanh miệng đáp :
- Phố nào lại chả biết. Mời cậu lên xe, tôi đưa cậu đến nơi ngay.
Tuấn mừng quá, xáxh va li lên ngồi trên chiếc xe kéo không khác gì xe kéo ở Huế hay ở Quảng Ngãi, Qui nhơn. Nhưng bác "cu li " Bắc kỳ lanh lợi hơn và có vẻ sốt sắng hơn. Xe chạy qua mấy đường phố rộng thênh thang, và chạy mãi...Tuấn hỏi :
- Bác ơi, đường Général Bichot tới chưa ?
- Ðường gì cơ ?
- Général Bichot.
- Ở đây có phố Ni-Sô, tiếng An nam tức nà phố Quán Sứ ấy, chứ nàm gì có phố Bi-Sô.
Tuấn rất ngạc nhiên. Ðúng theo địa chỉ trong thư người bạn, thì anh ất ở Général Bichot, mà sao bác phu xe bảo không có. Bác ấy kéo đến đường Richaud ( phố Quán Sứ ) hỏi số nhà 27 thì không đúng. Tuấn bắt đầu phân vân lo sợ. Nhưng bác phu xe vẫn bình tỉnh, điềm nhiên bảo cậu khách trẻ tuổi ở quê xa :
- Cậu đừng có no...Tôi đưa cậu đến phố gì Sô ấy, chả việc gì mà no !
Tuấn cố hiểu lời nói của bác phu xe mà lần đầu tiên chàng nghe nói tiếng " L" thành ra " N". Ngồi trên xe, Tuấn vẫn không yên lòng. Chàng suy nghĩ mãi làm sao cái bác "cu li xe kéo" này không biết đường Général Bichot ở đâu mà cứ bảo chàng đừng lo, thế nào bác ấy cũng đưa chàng đến nơi đến chốn ?
Bác "cu li xe " chạy ba hồi bảy chập, loanh quanh các đường trong thành phố, rồi rốt cuộc, đến một ngã tư đại lộ, bác đặt gọng xe xuống lề đường, để Tuấn ngồi đấy. Bác chạy đến chỗ có hai ông "đội xếp "đứng gác đường, nói gì với họ. Một ông đội xếp tiến đến gần Tuấn :
- Cậu tìm phố nào ?
- Dạ thưa ông, đường Général Bichot.
Ông đội xếp trố mắt nạt bác cu li :
- Bichot, tức là phố Cửa Ðông, không biết à ?
Bác cu li khúm núm trả lời :
- Vâng, thưa thầy con biết ạ.
- Biết sao còn hỏi vớ vẩn ?
Ông đội xếp bỏ đi. Bác cu li kéo Tuấn đến một đại lộ ngắn nhưng rộng lớn. Tuấn ngó lên tấm bảng xanh đề chữ trắng tên đường đóng trên lưng chừng một cột đèn điện nơi góc phố : " Avenue Général Bichot ". Tuấn mừng quýnh, tìm số nhà 27. Ðúng là nhà trọ của anh bạn của Tuấn. Tuấn hỏi phải trả bao nhiêu tiền xe, người bạn nói ngay :
- Từ ga xe hỏa về đây đúng tariff 3 xu.
Bác cu li không bằng lòng :
- Sao nại 3 xu ? Tôi đưa cậu ấy đi chơi mát xuống tận mãi dưới Chợ Hôm, nên đến Yên Phụ rồi về đây, mà 3 xu nà thế nào ?
Bạn Tuấn cãi nhau với bác ấy một lúc khá lâu, dĩ nhiên là bác cu li cãi bướng và dùng rất nhiều lời thô tục. Trẻ con hàng xóm, cả người lớn nữa, bu đến thật đông để nghe câu chuyện. Rốt cuộc bạn của Tuấn lấy gỉa cho bác ấy năm hào. Bác vứt tiền xuống đất quát lên :
- Chạy khắp 36 phố Hànội mà bố thí cho người ta dăm hào ?
Tuấn sực nhớ có đọc trong tác phẩm của một văn hào Pháp chuyện một người Ba Tư tới Paris. Tuấn, cậu học trò ở tỉnh, lần đầu tiên đến Hànội, tay xách chiếc va li mây của nhà quê, đứng ngơ ngác trước đám đông người, y như chàng Ba Tư đến kinh đô Paris vậy...
Sau cùng người bạn phải trả cho bác cu li xe một đồng bạc y như lời bác ấy đòi.

Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 22

Hà-nội 1927

- Lổ đạn đại bác " Souvenir de 1882 " trên thành Cửa Bắc.
- Các thắng cảnh. Hà-Nội so sánh tổng quát với Saigon.
- Nhà cụ Ngô Ðức Kế ở Bạch Mai. Ðám táng cụ Ngô Ðức Kế.
- Sinh viên, học sinh. Báo chí.
- Toà soạn báo L' Argus Indochinois, báo cách mạng của người Pháp chống thực dân Pháp, hô hào An Nam độc lập.
- "Đảng Ðộc Lập An Nam".


Tuấn quyết định để một tuần lễ, hoặc mười ngày, đi xem cho hết tất cả Hànội về tất cả mọi mặt, nhất là về phương diện lịch sử, phong tục, xã hội, văn hóa.
Tuấn nhờ một người bạn đồng hương, ở Hànội đã lâu học trường Cao đẳng Sư phạm, hướng dẫn Tuấn đi chơi khắp các phố phường nơi " nghìn năm văn vật ". Tuấn tự hứa sẽ tiếp tục lo học sau khi biết qua bộ mặt của kinh đô Thăng Long.
Một di tích làm cho Tuấn chú ý hơn cả ở đại lộ Carnot dọc theo bức thành Hànội cũ, kế cận Cửa Bắc đã bị bịt kín lại, có một lỗ thủng khá sâu và trên độ 5 tấc đường kính, ở phía trên có một tấm biển đồng đóng vào thành, chạm mấy chữ Pháp :
Souvenir de 1882
Vết lủng lớn bên trái cửa thành là do đạn đại bác của Pháp từ chiếc thuyền đậu trên sông Nhị Hà bắn vào thành lúc 5 giờ sáng ngày 8-3-1882, trước khi đổ bộ chiếm thành. Vua Tự Ðức phải ký hòa ước chịu để cho Pháp đô hộ toàn lãnh thổ " An Nam " sau khi thất thủ Hànội Tổng Ðốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử trong thành ngay sáng hôm đó.
Người Pháp giữ y nguyên Cửa Bắc và vết đại bác trên thành để làm kỷ niệm cuộc chiến thắng và đô hộ của họ. Phía dưới lổ đại bác có gắn tấm đồng : SOUVENIR DE 1882
Tuấn hỏi người bạn :
- Nếu tôi nhớ không lầm thì năm 1882, hải quân Pháp của đại tá Henri Rivière đậu ngoài sông Hồng Hà bắn đại bác vào thành Cửa Bắc trong lúc quân Pháp đổ bộ lên chiếm Hànội. Tổng đốc Hoàng Diệu thấy thành Hànội bị thất thủ liền treo cổ tự tử, có lẽ người Pháp đóng tấm biểng đồng nơi đây là đễ kỷ niệm một viên đạn của Pháp đã làm thủng thành Cửa Bắc, và do đó mà thành Hànội bị thất thủ, và vua Tự Ðức phải ký hiệp ước nhìn nhận nước Pháp bảo hộ xứ Bắc kỳ. Tấm biểng bằng đồng đó, theo cảm nghĩ của Tuấn, là một cái nhục lớn cho nước Việt Namvà cho dân Việt Nam. Tuấn không hiểu sao cho đến năm 1927 người Pháp vẫn còn để y nguyên kỷ niệm ấy trên thành Cửa Bắc ? Tại sao các báo và các nhà trí thức Annamở Hànội không có lên tiếng yêu cầu viên Toàn Quyền Pháp cho gỡ tấm biểng ấy đi ?
Có lẽ người Hànội thường qua lại trên đại lộ Carnot ( tục gọi là phố Cửa Bắc ) trông thấy tấm biểng đồng kia đã quen mắt rồi nên không còn cảm thấy chút sỉ nhục nào nữa chăng?
Tuấn ngắm tượng Paul Bert ở vườn hoa ở cạnh tòa Ðốc lý, tên Bờ Hồ, tượng " Bà Ðầm Xoè "ở vườn hoa Cửa Nam, cũng như đài kỷ niệm trận vong chiến sĩ Pháp ở vườn hoa Puginier, chỉ thấy có mỹ thuật mà không thấy có gì là khêu gợi Quốc hận và Quốc sỉ như hai giòng chữ vắn tắt khắc trên tấm biểng đồng Cửa Bắc.
Phong cảnh thiên nhiên ở Hànội theo người bạn cho Tuấn biết thì nghìn năm không thay đổi. Chung quanh Bờ Hồ có vài chục cây dương liễu, từ trước đến giờ vẫn buông rủ những " màn tơ " thơ mộng. Tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, vẫn là nơi gặp gỡ của những khách thừa lương, mà phần đông dĩ nhiên là những bạn trẻ. Buổi chiều, từ khỏang 5-6 giờ, trên một khoảng đất trống trên Bờ Hồ sau ga " tàu điện " ( tramway ), và đầu phố Cầu Gỗ, người ta bày la liệt những bàn vuông nho nhỏ để bán kem và kẹo dừa cho khách nhàn du. Bọn trẻ con chơi trên các bãi cỏ gần đấy thường hát một bài hát khôi hài, theo điệu một bài hát Tây rất được phổ biến trong dân gian hồi đó :
Mình ơi có đi Bờ Hồ
Cùng nhau chén kẹo kem dừa
Xin mình ( là mình) đừng từ chối
Túi ta có mười đồng xanh
Cứ đi là đi mình nhé !
Nếu cô mình muốn sắm cái chi
Áo vàng, ô tây, bít tất phín, giầy cườm, ô đầm !
Tuy là bài hát của học sinh và trẻ em nhưng Tuấn vẫn thường nghe sinh viên vui mồm hát chơi luôn và cả người lớn nữa.
Cũng trên đường Francis Garnier dọc theo Bờ Hồ, gần hiệu sách Nam Kỳ, có một tiệm kem, rất đông khách, nơi hẹn hò của những đôi trai gái có chút ít tiền xốc-xếch trong túi. Ðây là hiệu kem đầu tiên bài trí " vui vẻ trẻ trung " và cũng là tiệm kem độc nhất của cả thành phố Hànội.
Khác hơn Saigon, Hànội có vẻ một thành phố văn hóa nhiều hơn, và không có những tiệm ăn ở khắp các ngã tư đường như ở Saigon. Cả Hànội chỉ có vài tiệm ăn sang trọng của Hoa Kiều ở phố Hàng Buồm, phố Hàng Long, bán toàn các món ăn Tàu. Tuấn chưa có lần nào bước chân vào đây vì lẽ không có tiền. Rải rác có những hàng phở ở các phố gần chợ, như phố Chợ Hôm, Ô Chợ Dừa v.v... Ở Ô Chợ Dừa, có một tiệm con con chuyên bán thịt chó. Ở phố Hàng Cân có vài tiệm bán chả cá. Phố Hàng Nén có một tiệm phở đông khách nhất, là tiệm Nghi Xuân, đặc biệt có phở tái sách.
Sở dĩ Hànội có rất ít tiệm ăn vì người Hanội ít thích đi ăn tiệm. Cơm khách, tiệc tùng, đều đãi ở gia đình. Các món qùa vặt, ngoài các bửa ăn, đều mua của các gánh hàng rong, nhiều nhất là phở, mỗi tô 3 xu.
Sau khi Tuấn đến Hànội một vài hôm, Tuấn bảo một người bạn :
- Tôi muốn đi thăm cụ Ngô Ðức Kế. Anh biết địa chỉ của cụ không ?
Bạn Tuấn biết, nhưng chưa đến thăm cụ lần nào, chỉ nghe danh cụ là bạn thân của cụ Phan bội Châu, Phan chu Trinh, Huỳnh thúc Kháng. Cụ có ở tù ở Côn Lôn với cụ Huỳnh, và sau khi được phóng thích về Hànội cụ mở tờ tạp chí Hữu Thanh.
Bạn Tuấn dắt Tuấn đi ngã tư Bạch Mai. Lên tàu điện từ đầu Bờ Hồ, mua mỗi vé 1 xu, Tuấn được bạn chỉ cho dọc đường đại lộ Francis-Garnier, Ðồng Khánh, Dốc Hàng Gà, Route de Huế ( chợ Hôm ) Ô-cầu đền rồi thẳng xuống ngã tư Trung Hiền, Bạch Mai, nơi cuối đưòng tàu điện. Nơi đây có nhà cụ Nghè Ngô Ðức Kế. Hai cậu học trò quê mùa thấy nhà Cụ đóng kín, đứng mãi một lúc ngoài hè, không dám gọi cửa. Một lúc, một thiếu nữ đi chợ về, hỏi :
- Hai cậu tìm ai ?
Tuấn đáp :
- Thưa cô, chúng tôi từ Trung kỳ ra Hànội học, muốn đến viếng cụ Nghè Ngô.
Thiếu nữ mặc y phục Bắc, đầu quấn vành khăn nhung đen, bỏ thòng xuống một đuôi tóc ngắn sau ót, áo cổ thấp, vạc dài đến quá đầu gối. Dĩ nhiên hai cậu học trò cũng mặc quần áo " Annam" như hầu hết học sinh lúc bấy giờ. Thiếu nữ mở cửa :
- Mời hai cậu vào.
Nhà dưới trống trơn, không có người. Ði thẳng ra sau, cô đưa hai cậu học trò bước cầu thang lên gác. Vào cửa, cô bảo hai cậu ngồi ghế. Ðây là một chiếc bàn khách với bốn chiếc ghế. Trên tường treo bốn bức ảnh lồng kính : hai cụ Phan, cụ Huỳnh và cụ Ngô.
Hai cậu học trò nghe tiếng một ông già ho sù sụ ở phía sau bức bình phong. Cô thiếu nữ vào đấy một lát rồi trở ra khẽ bảo :
- Cụ tôi mệt, phải nằm nghỉ trên ghế xích đu, phía sau bình phong, mời hai cậu vào.
Tuấn và bạn Tuấn đi guốc nhè nhẹ, rón rén vào. Trông thấy một cụ già ốm yếu ngồi trên ghế xích đu bằng mây và đang ho, hai cậu cúi đầu chào :
- Lạy cụ ạ.
Cụ Ngô đức Kế nói tiếng Nghệ An, rất yếu ớt :
- Mời hai cậu ngồi.
Có sẵn hai chiếc ghế kê sát tường.
Tuấn lễ phép :
- Thưa cụ, trước khi ra Hànội con có đến toà báo Tiếng Dân thăm cụ Huỳnh thúc Kháng. Cụ Huỳnh có trao con một bức thư để đưa lại cụ.
Tuấn lâý trong túi áo ra một phong thư có tên và địa chỉ báo Tiếng Dân in nơi góc trên, trao cụ Ngô. Cụ mở ra xem rồi nói :
- Cụ Huỳnh nhờ tôi viết bài cho báo Tiếng Dân, nhưng cụ không biết là dạo này tôi yếu lắm, viết lách gì được đâu.
Xong cụ Ngô hỏi han việc học hành của hai cậu khách trẻ tuổi, và có đôi lời khuyên bảo :
- Các cậu học theo tây học, nhưng nên nhớ rằng ta chỉ học theo cái hay của họ, mà đừng học theo cái dở. Học mà không trọng đạo đức và tinh thần ái quốc, như cái bọn Phạm Quỳnh, thì thà đừng học...
Nói bấy nhiêu đó, xem chừng cụ đã mệt, nên cụ không nói nữa. Cụ cúi đầu xuống ho một hồi lâu, trông rất đáng thương.
Hai cậu học trò kính cẩn cáo biệt, sau khi để lại địa chỉ cho cụ theo lời cụ bảo. Không ngờ hai hôm sau, cô thiếu nữ là cháu gọi cụ bằng bác, đến nhà hai cậu để tin cho biết cụ Ngô đức Kế vừa từ trần. Ðám táng sẽ cử hành ngay chiều hôm đó theo lịnh của Sở Mật Thám bắt buộc.
Tuấn và bạn Tuấn vô cùng xúc động, liền nhờ bà chủ nhà trọ đi mua gấp giùm cho mấy thước vải trắng, hai cậu lấy một que tre lớn chấm vô bình mực viết trên vải mấy chữ :" Khóc cụ Ngô Tập Xuyên "
Tập Xuyên là bút hiệu của cụ.
Phơi nắng vài giờ đã khô, hai cậu học trò cuốn tấm vải rôì đi Bạch Mai để kịp phúng điếu và đưa đám cụ. Theo cô cháu cụ cho biết thì sở Mật thám Pháp bắt buộc đám táng cụ phải cử hành lúc 5 giờ chiều hôm đó ( cụ chết lúc 5 giờ sáng ) nhưng lúc 3 giờ chiều hai cậu học trò đến nhà cụ thì được biết là đám táng đã đi lúc 2 giờ. Vì Mật thám đã trở lại lúc 12 giờ trưa, bắt buộc phải đổi thời khắc biểu, không cho phép cử hành lúc 5 giờ, sợ dân chúng đi đưa cụ đông đảo. Nghe bà u gìa nói lại thì đám táng của cụ Ngô chỉ có nhân viên mật thám đi đưa mà thôi, còn tất cả bạn bè thân thuộc đều không được phép đi theo quan tài cụ. Ba vòng hoa cườm được đem theo. Còn tất cả các vòng hoa tươi, và đôi liễn, trướng, đều phải để lại nhà.
Hai cậu học trò thất vọng và tức tối, chỉ được vào lạy bốn lạy trước bàn thờ của cụ rồi ra về.
Tuấn nghe các cụ đi phúng điếu nói với nhau rằng Mật Thám Pháp bắt buộc gia đình cụ Ngô đức Kế phải tống táng cụ vội vàng, lúc 2 giờ thay vì 5 giờ như đã báo trước, là vì họ rút kinh nghiệm ở đám táng của cụ Lương ngọc Can, cũng là một bậc lão Nho cách mạng trứ danh ở Bắc Hà, cùng một lớp với các cụ Phan bội Châu, Nguyễn thượng Hiền, Ngô đức Kế.
Một nhà lãnh đạo của Ðông Kinh Nghĩa Thục, bị kết án lập " hội kín " mục đích phá rối cuộc trị an của nhà nước bảo hộ, cụ cử Lương ngọc Can cũng bị tù đày, và mãn hạn tù về ở căn phố của cụ, bán tơ lụa phố Hàng Ðào ( rue de la Soie). Vì cụ là một bậc bô lão cách mạng đã nổi tiếng, lại là một nhà nho uyên bác, một Danh nhân có cốt cách quân tử, rất được dân chúng Hà thành kính phục, cho nên hôm cụ mệnh chung, cả thành phố Hànội đều xôn xao xúc động. Trong không khí cách mạng còn đang sôi nổi lúc bấy giờ, đám táng của cụ Lương ngọc Can tự nhiên thành ra một đám táng lớn nhất nước, có cả hàng vạn người tham dự, nhất là sinh viên trường Cao đẳng Ðông Dương (Ðại học Hànội ) và học sinh trường Trung Học Bảo Hộ, tục gọi là trường Bưởi (collège du Protectorat ), trường Trung học Pháp-Việt duy nhất của Hànội thời bấy giờ.
Tuy không được vĩ đại như đám táng của cụ Phan chu Trinh ở Saigon mấy năm về trước, nhưng cụ Lương ngọc Can cũng được đám táng cực kỳ long trọng, mà ý nghĩa chính trị và cách mạng là một thách đố đối với chính quyền Pháp, nhất là sở Mật thám Bắc kỳ.
Ai cũng biết rằng đám táng Lương ngọc Can là một tượng trưng đúng hơn là một sự kiện lịch sử : ban tổ chức gồm những nhà cách mạng lão thành và những sinh viên ái quốc hăng hái nhất của trường Cao đẳng, muốn tỏ cho người Pháp thấy rằng mặc dầu ở dưới quyền cai trị của Bảo hô Pháp, dân chúng Việt Nam vẫn sùng bái những nhà chí sĩ của họ, những bậc lão nho cách mạng đã bị Pháp kết án tù đày. Dĩ nhiên là người Pháp căm giận lắm và sở Mật thám Bắc kỳ tìm cách hăm dọa ban tổ chức sau khi đám táng đã xong.
Rút bài học kinh nghiệm đó, họ đã ngăn cản đám táng cụ Nghè Ngô đức Kế không cho cử hành long trọng. Hơn nữa, họ túc trực ngay tại nhà cụ Ngô và làm xáo trộn hết chương trình các lễ nghi, không kịp để thì giờ cho những ngươì đến phúng điếu. Họ truyền lịnh đem chon cụ vội vàng, tức tốc, sau khi lịm xong, vào quan tài, và buộc con cháu cụ làm lễ phục tang nội buổi sáng ấy.
Cho nên lúc 3 giờ chiều, Túân đi với ba bạn học sinh quê quán miền Trung đến phúng điếu cụ, thì các cậu ngơ ngác bị một người lính mã tà ngồi gác cửa nhà cụ Nghè Ngô, cho biết đám táng đã đi từ lâu. Ba đứa bạn ở lại đây, còn Tuấn hỏi thăm, người ta chỉ đường, lật đật chạy đến mộ cụ. Tuấn tới trong lúc đã chon xong. Ði đưa đám, trừ con cháu của cụ độ năm ba người chit khăn trắng và khóc nức nở, chỉ còn toàn là nhân viên sở Mật thám Bắc kỳ, người An nam, mặt mũi người nào cũn gdữ tợn, đôi mắt như cú vọ đăm đăm ngó Tuấn. Nhưng Tuấn lì lợm, tự xét rằng mình đi đưa đám ma một ông cụ già, chớ không làm điều gì nên tội, nên cóc sợ.
Thanh niên học sinh thởi bấy giờ hiền lành lắm. Chỉ có đám sinh viên Cao đẳng là hăng hái mà thôi. Cả thành phố Hànội chỉ có một trường Trung học Bảo Hộ của Nhà Nước và trường Nữ Trung học đường Ðồng Khánh. Không kể trường Trung Học Pháp Lycée Albert Sarraut mà đại đa số là học sinh Pháp, còn học sinh An nam toàn là con nhà giàu và con các quan. Ngoài ra chỉ có hai Trung học tư thục An nam : " Thăng Long, Gia Long, và một trường Trung học tư thục Pháp, Lycée Hồng Bàng.
Còn thì toàn là các trường Tiểu học cả. Phải nói ngay rằng toàn thể các học đường ở Hànội cũng như ở các thành phố khác, đều có một kỷ luật rất nghiêm khắc.
Các trường tư cũng thế. Tất cả học trò đều lo chăm chỉ học hành, và luôn luôn giữ gìn hạnh kiểm rất đứng đắn. Phong trào " cao bồi ", " lưu manh " chưa có. Ða số học sinh hãy còn mặc quốc phục : quần trắng, áo dài đen, mang quốc. Số học sinh mặc âu phục cũng bắt đầu khá đông, nhưng hầu hết là mặc nguyên bộ costume, áo veste, đeo cravate, chớ không bao giờ mặc áo sơ mi trần. Lý do là theo phong tục người Bắc, ra đường phải y phục chỉnh tề. không thể cẩu thả được. Cũng vì lý do ấy, các trẻ em thiếu niên 9,10 tuổi ra phố cũng mặc áo dài. Thiếu nữ không bao giờ được mặc áo cánh, áo cụt, áo " bà ba " kiểu Saigon, dù là con nhà lao động nghèo khó.
Trò Tuấn mặc âu phục loại vải rẻ tiền, và tiếp tục học thi tú tài Pháp ( Baccalauréat metropolitain. Gọi tắc là : Bac, Métro ). Trò học thêm Anh ngữ trong quyển sách Anh ngữ tự học dạy bằng tiếng Pháp " L' Anglais Sans Maitre " hơn 30 bài, của giáo sư Xavier de Bouge. Học trong 6 tháng, chuyên cần mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ là có thể viết được thông thạo, đọc được, nói được tiếng Anh.
Ngoài ra, Tuấn được giới thiệu với hiệu sách Nam Ðồng thư xã, ở góc phố Hàng Bồ ( rue des Paniers) xế rạp chớp bóng Ciné Moderne. Hiệu sách naỳ là một căn phố hẹp chuyên bán sách Quốc ngữ về các loại Lịch sử và chính trị. Sách mỏng, bìa mỏng đủ các màu và bán rất chạy.
Tuấn mua nơi đây những cuốn sách được dân chúng nhất là những thanh niên học sinh và sinh viên hoan nghênh nhất thời bấy giờ. Sách của Nam Ðồng thư xã được phổ biến sâu rộng về các nhân vật của Lịch sử Cách mạng Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, dịch trong các sách Tầu xuất bản ở Thượng Hải như : Hồng Tú Toàn, Tam Dân chủ nghĩa, Tôn trung Sơn, Trình dục Tú, Hồng Hiên đế chế, Ẩm băng của Lương Khải Siêu, Mã chiếm Sơn ; Tưởng giới THạch, Lịch sử HoànG Hoa Cương v.v...
Nhiều câu thơ Tàu, dịch ra thơ Việt. có tính chất cách mạng, được thanh niên An nam học thuộc lòng, như bốn câu thơ in trên bìa Trịnh Dục Tú :
Chàng như mây mùa Thu,
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác,
Một thả cùng tuyệt vời.
Có thể nói rằng thanh niên của thế hệ 1927 rất ham đọc những sách của nhà xuất bản Nam đồng thư xã, và hầu hết đều tiêm nhiễm tư tưởng chính trị và cách mạng của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng.
Song song với việc học tiếp tục chương trình " tú tài Tây ", Tuấn tìm đọc vồn vập lấy, như khao khát thèm thuồng, các sách của Nam Ðồng thư xã, Hànội, chuyên về chính trị và cách mạng do lớp trí thức đàn anh viết, hoặc dịch ra. Ðồng thời, các sách của Quan Hải Tùng Thư ở Huế, và của Nữ Lưu thư quán ở Gò Công ( Nam kỲ ), đều được các thanh niên học sinh, như Tuấn, dùn glam sách để đầu giường.
Ba loại sách khác hẳn nhau về nội dung cũng như hình thức, nhưng tựu trung vẫnđào tạo cho thanh niên một tinh thần cách mạng, và bồi dưỡng lòng ái quốc hăng say. Loại sách Namđồng Thư xã của Nhượng Tống phần nhiều là dịch thuật theo các sách cách mạng của Trung hoa dân quốc. Sách Quan Hải tùng thư của Ðào duy Anh và Trần thị Như Mân chuyễn dịch, hoặc biên soạn sơ lược, về đại cương cá vấn đề phổ thông, về chính trị kinh tế, lịch sử, theo các tác giả Tây phương. Loại sách này, có lợi ích cho sự giáo hóa chánh trị, được các học sinh Trung Kỳ và Bắc Kỳ hoan nghênh nhiều hơn. Trái lại, sách của Nử lưu thư quán ở Gò Công mỗi tháng xuất bản hai quyển, bìa vàng in chữ đỏ, do cô Phan thị Bạch Vân và một nhóm chủ trương, được bán ở Nam Kỳ chạy hơn ở Trung và Bắc. Ðây là loại sách mỏng khuôn khổ một tờ giấy báo gấp thành 32 trang, và hoàn toàn sáng tác về những đề taì chính trị và cách mạng. Ngoài ba loại sách kể trên, thanh niên học sinh còn ham đọc các báo chính trị như :
L'Argus Indochinois ( Pháp văn ) do ông Amédée Clémenti xuất bản ở Hànội.
Tiếng Dân của cụ Huỳnh thúc Kháng ở Huế.
La Cloche Fêlée ( Pháp văn ) của Nguyễn an Ninh ở Saigon.
Ðó là ba tờ báo nổi danh nhất và được giới thanh niên học sinh " có đầu óc " và một số sinh viên trường Cao đẳng Hànội ham thích nhất.
Nhưng lần đầu tiên, Tuấn bị một thất vọng chua-chát trong lúc tuổi trẻ còn những nhận xét trong trắng, ngây thơ. Vốn là độc giả trung thành từ lâu của tờ báo L' Argus Indochinois, từ lúc còn là một cậu học trò lớp Ðệ Tam Niên ở " Collège de Qui Nhon " Tuấn bây giờ học ở Hànội, tìm đến toà báo L'Argus Indochinois ở số nhà 12 đường Doudart-de-Lagrée, người Việt gọi là phố Hàm Long. Chàng đến đây có hai mục đích : để trả tiền mua tiếp tục 1 năm báo, và để được " yết kiến "ông chủ nhiệm Amédée Clementi mà chàng vẫn tôn kính và khâm phục những bài báo hăng hái đòi độc lập cho nước Annam, và kịch liệt công kích chính sách thuộc địa Pháp ở Ðông Dương. Sở Mật Thám Pháp ở Hànội ghét ông ấy lắm. Ðáng phục hơn nữa vì ông là người Pháp, mà ông viết bài chửi Pháp và bênh vực ngươì Annamcòn mạnh hơn người Annamnữa.
Tuấn đến nơi cổng số 12 đường Doudard de Lagrée thấy cổng cài then, đóng chặt. Nếu không có tấm bảng bắt ngang qua hai trụ ngõ, thì Tuấn không thể biết đó là toà báo. Trên bảng được ghi bằng những nét đậm mấy giòng chữ sau đây :
L'Argus Indochinois
Journal de combat contre l'injustice et l'oppression.
Directeur : AmédéeClémenti.
( Minh Trĩ Ðông Dương, tờ báo chống bất công và áp bức )
Trên trụ cổng bẹn phải, lại còn có đóng chặt một tấm bảng quảng cáo như sau đây :
L'argus Indochinois est un journal d'opposition, car il crie : Vive l' Indochine !
( Minh Trĩ Ðông Dương là một tờ báo đối lập, vì nó kêu lên : Ðông Dương vạn tuế ! )
Tuấn bấm chuông điện. Một lúc lâu, một u già đủng đỉnh ra mở cổng. Tuấn vào sân. U già bảo : " Muốn gặp ông chủ thì cậu cứ đi lên gác. Ði vòng ngã sau có cầu thang ".
Tuấn hơi lo lo... Ai mà chả lo khi tìm đến " yết kiến "ông chủ nhiệm một tờ báo lớn, lại là tờ báo cách mạng, của một ông Tây mà trí thức toàn quốc ai cũng kính phục ?
Tuấn rón rén bước lên cầu thang, mong đừng có ai nghe tiếng bước của chàng. Chàng gõ cửa phòng đang được khép kín. Có tiếng đàn bà từ trong nói vọng ra:
- Entrez ! ( mời vào )
Tuấn khẽ mở cánh cửa ra, thấy một ông Tây đang nằm hút thuốc phiện và một người đàn bà Annamtrẻ đẹp ngồi bên cạnh. Tuấn hết sức ngạc nhiên, và bỡ ngỡ chưa biết là ai, nhưng cũng lễ phép cúi đầu chào. Người đàn bà Annamnhã nhặn đáp lễ rồi hỏi bằng tiếng Pháp - một tiếng Pháp rất lưu loát, giọng nói rất hay, tuy là giọng Bắc :
- Anh đến có mục đích gì ?
Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pah1p. Và từ đây câu chuyện toàn bằng tiếng Pháp giữa ông Tây, người đàn bà Annamkia và Tuấn :
- Thưa bà, tôi đến mua tiếp một năm báo ( Tuấn móc túi lấy tiền đưa cho bà)
- À ra thế ? ( Bà nhận tiền và nói tiếp : Ðể tôi sẽ viết biên lai ngay bây giờ cho anh. Anh chờ một phút )
Ông Tây nằm cạnh bàn đèn thuốc phiện, ngó Tuấn :
- Ðộc giả trung thành mua báo L'Argus Indochinois và trả tiền song phẳng như anh, thật là hiếm lắm. Có khi chúng tôi gửi liên tiếp ba lá thư nhắc nhở, họ mới chịu mua bưu phiếu gửi cho chúng tôi.
Người đàn bà Annamtiếp lời :
- Vì thế nên chồng tôi chán lắm, nhiều khi muốn giải nghệ. Làm báo ở Ðông Dương là một nghề rất bạc bẽo. Cũng may là có tôi ở đây để lên giây tinh thần cho nhà tôi (Ðúng câu của bà : Heureusement que je là pour remonter le moral de mon mari )
Trong lúc ông chồng Pháp tiếp tục hút thuốc phiện, bà vợ Annamtrẻ đẹp đứng dậy, lại bàn ngồi viết. Xong bà trao cho Tuấn một tấm biên lai nhận tiền mua báo 12 tháng, với tên ký rất đẹp :" Mme Amédée Clémenti ".
Bấy giờ Tuấn mới biết chắc rằng ông Tây nghiền á-phiện đích là Amédée Clémenti, và người đàn bà Annamnói tiếng Tây giỏi kia là vợ chính thức của ông.
Tuấn rất phục bà vợ, nhưng grất thất vọng về ông chồng. Một nhà báo Pháp cự phách, thần tượng cả một thế hệ thanh niên cách mạng Annam, lại là một dân nghiện thuốc phiện đáng khinh.
Từ thuở bé, Tuấn đã ghê tởm những người nghiện thuốc phiện. Nguyên nhân là ở ngay trong lòng của Tuấn có một người chú họ làm nghề buôn quế, thường đi tỉnh này tỉnh nọ, mà Tuấn rất ghét và luôn luôn xa lánh vì người ấy nghiện thuốc phiện lại còn đau bịnh "tim la". Mỗi lần về quê nghỉ hè. Tuấn đi dạo chơi trong xóm, hễ trông thấy "ông nghiền "ấy chỗ nào là Tuấn tránh đi chỗ khác. Cho nên Tuấn có thành kiến thực là ngây thơ rằng chỉ hạng người bần tiện, những kẻ ăn chơi, đĩ điếm, bọn thất học mới ghiền thuốc phiện.
Không gnờ ông chủ nhiệm L'Argus Indochinois, một nhà cách mạng Pháp, tranh đấu không ngừng cho nền độc lập của Việt Nam, một người mà Tuấn rất kính phục, tôn sùng mỗi khi đọc những bài xã luận đanh thép trên tờ báo Pháp-văn của ông, người ấy, hôm nay chính mắt Tuấn trông thấy, lại là một tên nghiền thuốc phiện như người chú đau tim-la ở nhà quê.
Ôi, Tuấn thất vọng xiết bao !
Dĩ nhiên là cảm tình của Tuấn đối với ông Amédée Clémenti bị sút đi nhiều, và Tuấn cứ thắc mắc về cá nhân của nhà báo cách mạng ấy. Trẻ tuổi và ngây thơ, Tuấn cứ tưởng rằng một người làm cách mạng, có những tư tưởng siêu việt tất nhiên là một người hoàn toàn đáng kính đáng quí, một vĩ nhân siêu quần bạt chúng.
Tuy nhiên Tuấn vãn tiếp tục đọc tờ báo L' Argus Indochinois. Nhờ đó mà Tuấn hấp thụ được rất nhiều tư tưởng mạnh mẽ, trong sạch, cao siêu, về chính trị, về cuộc tranh đấu chống bất công và áp bức, chống chủ nghĩa thực dân. Tuấn quí tờ báo đó cho đến nổi mỗi tuần nhận được nó, vào lúc 8 giờ sáng mỗi ngày thứ tư, do người phát thư Chà Và của nhà Bưu điện đưa đến tận nhà là Tuấn bỏ buổi học, nằm nhà đọc nghiền ngẫm cho hết bốn trang báo lớn. Cái đặc điểm của báo L' Argus Indochinois là in trên giấy satiné xanh, trong lúc tất cả các tờ báo khác đều in trên giấy trắng.
Mỗi năm xuất bản một lần, và số nào cũng đăng toàn những bài cách mạng chửi Tây lkịch liệt, côn gkích chính sách thực dân Pháp thậm tệ, và luôn luôn hăng hái hô hào cho An nam độc lập. Có một số báo đăng kín cả 8 cột trang nhất một bài dài của ông Amédée Clémenti, nhan đề là " Le Parti de l'Indépendance Annamite" (đảng Ðộc Lập An nam ). Trong bài ấy, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút người Pháp đưa ra đề nghị thành lập một chính phủ Ðộc Lập Annamvới những nhân vật sau đây :
Tổng Thống : Phan Bội Châu
Thủ tướng : Huỳnh Thúc Kháng
Và các bộ trưởng : Dương bá Trạc, Nguyễn thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Phan văn Trường v.v...
Toàn là những nhà cách mạng ViệtNam, danh tiếng nhất lúc bấy giờ.
Bài báo đó, làm xôn xao dư luận các giới trí thức và sinh viên cả Tây lẫn Nam, không những ở Hànội, mà cả ở Huế và Saigon. Sau đó, xẩy ra hai vụ khíến báo L' Argus Indochinois càng quyết liệt đã kích phủ Toàn Quyền, phủ Thống Sứ và ty Mật Thám Bắc Kỳ.
Vụ thứ nhất là đêm thứ bảy tuần đó có người lẻn đến dán trên cổng tòa báo một tờ " cảnh cáo " của một bọn người vô danh tự xưng là " nhóm người ái quốc " hăm giết Amédée Clémenti.
Ông chủ nhiệm báo L' Argus Indochinois, làm bản kẽm tờ " cảnh cáo ấy "đăng lên báo, và nhất quyết rằng tác giả mạo danh " một nhóm người ái quốc " không ai khác hơn là viên Chánh Mật Thám Bắc Kỳ với sự đồng lõa của Phủ Toàn Quyền và Phủ THống Sứ.
Vụ thứ hai, là một buổi sáng thứ bảy, ông Amédée Clémenti được tin đêm hôm trước người chef typo ( cai ê-kíp thợ sắp chữ ) của báo L'Argus Indochonois bị mẹ mìn dụ dỗ đem đi mất tích. Ông Clémenti loan tin ấy trên báo của ông, và cũng quả quyết rằng " tên mẹ mìn "ấy không ai xa lạ hơn là Chánh Mật Thám Bắc kỳ.
Nên nói thêm rằng lúc bấy giờ Hànội đang xôn xao về phong trào " mẹ mìn". Mẹ mìn là nhữn gco mẹ đàn bà bình dân, đo lang thang các phố và dùng một thứ bùa ngải bí mât gì đó làm mê những người đi đường, khiến những ngươì này đi theo họ. Ðó là một hình thức bắt cóc bằng bùa ngải. Thường thường mẹ mìn hay bắt người lao động đem bán cho các " Hội Ðồn Ðiền Cao Su và Hầm Mỏ " Pháp để các Hội này chở họ qua Tân Thế Giới dùng làm nhân công rẻ tiền.
Nguyên nhân phong trào mẹ mìn, theo dư luận các giới cách mạng Annam là người Pháp mộ phu đồn điền khó khăn lắm, vì bị đi làm phu đồn điền ( các đồn điền cao su của Pháp ở Nam Kỳ ), không khác nào bị đi đày khổ sai chung thân vậy. Ðó chỉ là một luồng dư luận ở Bắc Kỳ. Thỉnh thoảng mẹ mìn cũng bắt trẻ con đem đi bán ở nơi xa. Nhưng chưa ai nghe mẹ mìn bắt đàn bà con gái.
Phong trào mẹ mìn chỉ sôi nổi một dạo, rồi dần dần biến biến mất vì một số " mẹ mìn "đã bị " lính mã tà ", tức là lính mật thám theo rõi, bắt được quả tang, và bị tù.
Ðặc biệt về vụ anh cai thợ sắp chữ của báo L' Argus Indochinois, thì dư luận cho rằng anh ta bị lính mật thám bắt, rồi phao tin là bị mẹ mìn. Có lẽ anh bị mật thám bắc cóc để điều tra về tờ báo L' Argus Indochinois và ông Amédée Clementi.
Nhưng tờ báo này vẫn tiếp tục ra đều đều mỗi tuần, không bị lôi thôi hay thiệt hại gì cả.
Tuấn để dành báo L' Argus Indochinois trọn bộ, không mất một tờ. Vẫn để các bạn bè truyền tay nhau xem, nhưng rồi Tuấn cũng cố đòi lại cho kỳ được, để giử đủ số. Nghỉ hè, Tuấn dồn hết mấy chồng báo ấy vào va li đem về quê, giấu kín trong cái rương lớn của gia đình, rương này mẹ của Tuấn dùng để cất những vật được coi nhu quí giá : tiền bạc, đồ đồng, đồ vàng, quần áo đắt tiền v.v...
Tuấn yên chí rằng cất mấy chồng báo L' Argus Indochinois cũ trong cái rương rộng lớn và đóng kín này, thì chắc chắn không bao giờ mất được, để ngày sau, khi Tuấn lớn lên, sẽ coi lại và sẽ dùng làm tài liệu lịch sử.
Ba năm sau, Tuấn đang học ở Hànội, được giây thép trong nhà gởỉ ra báo tin cha của chàng qua đời. Tuấn vội vàng về quê. Ðến nhà thì gặp ngay lúc người ta đang liệm xác cha. Mẹ chàng vô tình đã lấy tất cả chồng báo L'Argus trong rương, trên 200 tờ, đưa hết cho mấy người dân làng dùng lót trong quan tài và đệm hai bên để cha chàng được nằm " chặc chẽ ấm cúng " trong hòm.
Trông thấy thế, Tuấn không dám phản đối. Nhưng, trong lúc chàng đau đớn khóc cha, gục đầu trên nắp quan tài, chàng khóc luôn cả 200 tờ báo quí của chàng sẽ bị chôn vùi với cha và sẽ mục nát thành ra đất bụi.


Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 23

1927-1930

- Thế hệ Nguyễn-Thái-Học.
- Sách báo cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
- 9-2-1929, chiều 30 Tết, tiếng súng lục nổ ở đường Chợ-Hôm, giết chết Tây René Bazin.
- Léon-Sanh ở toà báo L' Ami du Peuple Indochinois.
- V.N.Q.D.Ð. khởi-nghĩa.


Thế hệ sinh viên và học sinh Việt-Nam từ ngày cụ Phan Bội Châu về nước, năm 1925, đến ngày khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, năm 1930, có thễ gọi là thế hệ Nguyễn thái Học. Mặc dù Tuấn hãy còn là một cậu học sinh quê mùa ngây ngô, nhưng chàng đã bắt đầu lớn lên trong thế hệ đó nên đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của các trào lưu ái quốc đang ngấm ngầm xáo trộn các từng lớp tuổi trẻ, hoặc đã vùng dậy, đã bùng lên, trong các lớp đàn anh.
Tuy đa số học sinh, sinh viên chăm lo học hành, chỉ cốt thi đậu ra "làm việc Nhà Nước ", lánh xa các phong trào cách mạng, hầu hết là bí mật, nhưng những phần tử thanh niên được tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc đã biết kết hợp lại với nhau mặc dù không tổ chức và thiếu người dẫn dắt. Mạnh nhất và sâu đậm nhất là ảnh hưởng của văn hóa và lịch sử. Hầu hết lớp thanh niên Trung Học ấy đều nghiền ngẫm say sưa các triết học Pháp của thế kỷ XVIII, J.J Rousseau, Montesquieu, Voltaire mà các nhà cách mạng lão thành Việt Nam thường nhắc đi nhắc lại hằng trăm nghìn lần bằng những danh từ phiên âm theo Hán Tự : Lư Thoa, Mạnh Ðức Tư Cưu.
Thanh niên học sinh cũng ưa học lịch sử cách mạng Pháp từ 1789 đến triều đại Napoléon, mà họ say mê những giai thoại hấp dẫn nhất : cuộc đánh ngục Bastille, các cuộc biểu tình của dân chúng Paris, xử tử vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette, các trận chiến thắng vẻ vang của Bonaparte, v.v...
Thanh niên học sinh của thế hệ Nguyễn thái Học còn ham đọc lịch sử cuộc chiến đấu dành độc lập của nhân dân Hoa Kỳ. cũng như tiểu sử của George Washington, lịch sử cuộc cách mạng Trung Hoa 1911 do Tôn dật Tiên cầm đầu, các tác phẩm của nhà học giả cách mạng Lương Khải Siêu, nhất là quyển : "Ẩm băng "lịch sử nước Nhật từ đời vua Minh Trị đến chiến tranh Nhật –Nga 1904-1905, và cuộc chiến thắng vẻ vang của Nhật tại eo biển Tsushima.
Ngoài ra, các loại sách mỏng, bán với giá bình dân, bằng quốc ngữ, của Nam Ðồng Thư Xã, Hànội, của Nử Lưu thư quán, Gò Công, của Quan Hải Tùng Thư, Huế, các báo cách mạng tích cực bằng Pháp văn ở Saigon, do những thanh niên trí thức cách mạng chủ trương, lừng lẫy tiếng tăm, như La Jeune Indochine, của Vũ đình Dy, La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh, L' Echo Annamitecủa Nguyễn Phan Long, La Lutte của Tạ thu Thâu, cả tờ La Tribune Indochinoise của Bùi Quang Chiêu, chủ tịch "đảng Lập Hiến Ðông Dương "., và sau nữa là tờ L' Argus Indochinois của Amédée Clémenti, ở Hànội, đã tạo ra một không khí sôi nổi trong các giới trí thức thượng lưu và trung lưu, nhất là giới thanh niên trí thức cách mạng ở hai đô thị lớn ở Hànội và Saigon, hai thủ đô hành chánh và chánh trị của Ðông Dương.
Bổng nhiên, giữa không khí náo nhiệt ấy, nổ lên một tiếng súng lục càng làm cho tình hình xao động thêm lẹn. Tiếng súng nổ chiều ngày 30 Tết, tức là ngày 9-2-1929, tại Route de Huế, ( phố chợ Hôm ) ở ngoại ô Hànội, cùng một lúc với vài tràng pháo tất niên lẻ tẻ trong thành phố.
Ngay tối hôm đó, trong đêm Giao thừa Xuân Kỷ Tị, Tuấn nghe vài bạn thầm thì cho biết dư luận đồn rằng hình như kẻ bắn mấy phát súng lục hồi 5 giờ 30 chiều ở phố chợ Hôm là một chàng thanh niên độ 18, 19 tuổi, khá đẹp trai, và nạn nhân đã chết tại chỗ là một người Pháp tên là René Bazin, có người vợ Annam đẹp lắm. Dư luận cho rằng đây chỉ là "cuộc án mạng vì tình "và có lẽ vì giành nhau cô "me tây "kia mà chàng thanh niên Annam bắn chết ông Tây Bazin. Chàng thanh niên có lẽ con nhà giàu và "vào dân Tây "cho nên mới có súng lục.
Nhưng Tết xong, một tháng sau, lại có dư luận trong giới sinh viên, học sinh đồn rằng, thủ phạm đã bị Mật thám bắt, là một học sinh Annam của trường Trung Học Pháp ( Lycée Albert Sarraut ) đã đỗ tú tài 1, tên là Léon Sanh. Nạn nhân, René Bazin, là chủ sở mộ phu đồn điền, nhà ở phố chợ Hôm, ngay nơi xảy ra án mạng bằng súng lục. Hắn là một tên thực dân Pháp bị nhiều người Annam thù ghét vì hắn chuyên môn bốc lột những dân nghèo ở thôn quê Bắc kỳ, lừa gạt bắt họ ký giao kèo đi làm các đồn điền tư-bản ở "Tân thế giới "bằng một gía tiền rẻ mạt. Sự thực, không phải đi Tân Thế Giới, mà là Tân Ðảo, Nouvelle Calédonie một đảo lớn của Úc châu, và thuộc địa Pháp.
Sau đó vài tháng, Tuấn được biết rõ hơn một tin rất quan trọng : Léon Sanh là con trai cụ Cả Mộc, một bậc nữ lưu trí thức có danh tiếng ở Hà thành, hội trưởng một hội Dưỡng nhi ở phố Sinh Từ, và vụ ám sát René Bazin có dính líu với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, của anh Nguyễn thái Học.
Lúc bấy giờ giới học sinh Hànội "có đầu óc cách mạng "thường gọi Nguyễn thái Học bằng anh, vì anh là sinh viên Cao đẳng Thương Mại. Anh đã 27 tuổi, Việt Nam Quốc Dân Ðảng hãy còn là một đảng bí mật.
Léon Sanh bị giam mấy tháng rồi được trả tự do vì không có một bằng chứng cụ thể nào tỏ rằng anh là thủ phạm. Sau đó anh ta vào làm ký giả ở một nhật báo Pháp, L'Ami du Peuple Indochinois của ông Tây Michel.
Mặc dầu Léon Sanh được sở Mật thám trả tự do, vụ Léon Sanh vẫn tiếp tục gây xúc động mãnh liệt trong giời sinh viên học sinh.
Tuấn có đến tòa báo L' Ami du Peuple Indochinois để hỏi thăm Léon Sanh. Tuấn muốn biết mặt người bạn thanh niên ấy và hỏi về các chi tiết tong vụ anh ta bị bắt, bị giam như thế nào. Nhưng Tuấn không gặp anh ta.
Không khí Hànội sau vụ ám sát Bazin, rất là nghẹt thở. Bộ mặt của thành phố ban ngày vẫn hoạt động như thường lệ, nhưng ban đêm có vẻ lặng lẽ bí mật. Suốt cả năm 1929, dân Hànội đã có cảm giác rằng có một biến cố gì trầm trọng sắp sửa xảy ra.
Ðồng thời, Chánh phủ thuộc địa Ðông Dương ( gồm 5 xứ : Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao, Cao miên ), bị các báo Pháp ngữ của các thanh niên cách mạng Saigon tấn công và đả kích hăng hơn lúc nào hết.
Hànội thì lặng lẽ. Báo chí Annam ở Hànội không sôi động như Saigon, nhưng có những hăm dọa ngấm ngầm và trầm trọng, nguy hiểm hơn đối với chính quyền thuộc địa.
Cái Tết năm Canh Ngọ ( 1930 ) vẫn tưng bừng vui vẻ trên khắp lãnh thổ Việt Nam như mọi năm. Phong trào cách mạng sôi nổi do vụ án cụ Phan bội Châu, tại Hànội, các cuộc diễn thuyết của cụ Phan chu Trinh ở Saigon, và sau đó, cái chết và đám tang của cụ, chỉ còn lại một dư luận yếu ớt trong lòng người dân nước Việt. Tuy vài ba tờ báo cách mạng ở Saigon vẫn tiếp tục tung ra những luận điệu hăng say, gây hấn đối với chánh quyền Pháp ở Ðông Dương, nhưng thật ra chỉ có ảnh hưởng phần nào trong một vài giới trí thức trung lưu và vài giới học sinh Trung học mà thôi. Còn đại đa số đồng bào từ Bắc chí Nam, đều thờ ơ, hưởng thụ cảnh thanh bình mà bề ngoài vẫn có vẻ "quốc thái dân an ". Không khí chánh trị đã trở lại hầu như êm dịu.
Ngay ở Hànội, dân chúng "ăn Tết "năm Canh Ngọ với đủ những nghi lễ và tập tục cổ truyền hân hoan, ấm cúng, hỷ lạc trong những tràng pháo rộn rã khắp mấy ngày xuân.
Phần đông, có thể nói là gần hết, học sinh ở các tỉnh Bắc kỳ, cũng như ở Trung kỳ và Nam kỳ ra trọ học ở Hànội, đều theo thường lệ trở về ăn Tết ở quê nhà. Ðáng lẽ Tuấn cũng đã về miền Trung, nhưng đặc biệt năm nay Tuấn và một ít bạn sinh viên đồng chí ở lại ăn Tết ở Hà-thành. Nhóm học sinh này không phải cố tình ở lại để hưởng cái hương vị mấy ngày xuân của đất Bắc, nhưng vì họ đã biết tin bí mật sắp có "đại sự "ở toàn lãnh thổ Bắc kỳ trong dịp Tết Canh Ngọ.
Cho nên lòng Tuấn nôn nao, cùng với các bạn chờ đón những tin ghê gớm tong mấy ngày tân niên ở Hànội. Ðã có liên lạc với anh Hồ văn Mịch, sinh viên Cao đẳng Thương Mại, bạn thân của anh Nguyễn thái Học, và cũng là đảng viện Việt Nam Quốc Dân Ðảng, phụ trách về tuyên truyền và thanh niên học sinh, nhóm "Học sinh cách mạng "của Tuấn thưởng Xuân trong một không khí hồi hợp chờ đợi.
Tuấn năm ấy mới 18 tuổi và các đứa bạn "bí mật "của Tuấn cũng chưa ai quá 20. Lần đầu tiên tham gia vào vài ba việc mạo hiểm ghê sợ, tuy không quan trọng, nhóm học sinh này, nói đúng ra, chỉ có hăng say với lý tưởng cách mạng mà thôi, chứ chưa có một chút kinh nghiệm nào cả, và cũng chưa được huấn luyện đầy đủ trong vai trò đảng viên "hội kín ".
Phần nhiều những gì Tuấn biết với nhóm bạn ấy đều là những tin không chắc chắn, và sự kiện xẩy ra sau đó thường không đúng với sự chờ mong trong hồi hộp lo âu.
Chiều 30 tháng Chạp, có tin đúng ngày Mồng Một Tết sẽ có cuộc khởi nghĩa ngay ở thành phố Hànội, nhưng rốt cuộc không có gì cả. Có điều Tuấn và mấy người bạn ở trên căn gác nhà trọ đường Général Bichot, để ý thấy lần đầu tiên vài tốp lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố Cửa Ðông, Bichot Henri d'Orléans, hàng Da, hàng Cót, v.v...Nhưng đêm Giao Thừa chỉ có tiếng pháo nổ khắp nơi...Tuấn lạnh người, tưởng như tiếng súng.
Sáng Mồng Một thành phố vắng cho đến 9 giờ mới thấy lác đác những nhóm người y phục ngày Tết, nét mặt tười cười, hoặc trịnh trọng đi "chúc mừng năm mới "các nhà thân thuộc Tuấn không thấy lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố nữa.
Thế rôì 3 ngày Tết trôi qua...chỉ còn lại những xác pháo ngập vỉa hè.
Bổng đùng một cái, như tiếng sét đánh, sáng ngày 11 tháng Giêng, tin truyền khắp Hànội rằng lúc khuya (đêm 9-2-1930) quân của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã đánh Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Thao, cũng khời nghĩa đêm ấy. Người chỉ huy là anh Nguyễn khắc Nhu. Lại có tin là anh Phó đức Chính. Tuấn chạy đến người bạn học Cao đẳng Y Khoa, ở căn lầu 77c đường Maréchal Pétain, gần bờ sông. Anh này mĩm cười kéo Tuấn nằm xuống chiếc chiếu trên sàn gác. Ðôi bạn trẻ đồng chí nói thì thầm cả buổi sáng
Thành phố Hànội hình như vẫn rộn rịp theo nhịp sống hàng ngày, tổng quát không có gì thay đổi, nhưng lính Tây và lính tập đi tuần phòng đông hơn mọi khi. Từ ngày ấy, bộ mặt Hànội đã khác thường, đâu đâu dân chúng cũng xầm xì bàn tán về vụ khởỉ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Quân của VNQDÐ tiếp tục đánh nhiều nơi, cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã nổ bùng ở từng khu.
Nguyễn khắc Nhu đánh Yên Báy, Lâm Thao, Nguyễn thái Học đánh Bắc Ninh, Ðập Cầu, Hải Dương. Vũ văn Giản ( tức Vũ hồng Khanh ) đánh Kiến An. Nhiều nơi khác như Hưng Hóa, Sơn Tây, cũng đã nổ súng.
Dân chúng lúc bấy giờ không dám gọi công khai là "khởi nghĩa "mà gọi là "nổi loạn ". Tuy cuộc dấy binh của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã nổ bùng ra khắp Bắc Kỳ, các báo Hànôị vẫn đăng tin sơ sài của Phủ Toàn Quyền Pháp gọi là "đảng kín nổi loạn một vài nơi ". Dân chúng đọc báo bàn tán thì thầm, không dám có một phản ứng công khai nào cả.
Trong các gia đình, câu chuyện "Việt Nam Quốc Dân Ðảng "nổi loạn, và các tin đồn phần nhiều là bất lợi cho cách mạng, đều được "bảo khẽ" lẩn nhau, và chỉ trong vòng thân mật mà thôi. Những biện pháp đề phòng của quân Pháp bắt đầu thật là ráo riết. Dân chúng bàng hoàng kinh hãi.
Sau đó, có nhiều tin truyền khẩu rằng cuộc khỏi nghĩa thất bại vì một đảng viên, là đội Dương, Phạm thành Dương phản bội, đã tố cáo cho sở Mật thám Pháp biết trước tất cả chương trình khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Dân chúng lại nghe đồn rằng sở dĩ có cuộc thất bại là vì lệnh ở trung ương đảng bộ truyền ra không được tuân theo nhất trí về ngày giờ. Chỗ thì muốn đánh trước, chỗ thì đánh sau. Quyết định lần đầu tiên là khởi binh ngày Mồng Một Tết Annam (30.2.1930) và do Vũ văn Giản gọi là giáo Giản tức Vũ hồng Khanh, phát động ở Kiến An nhưng bị Mật thám biết, nên đảng dời ngày 12 tháng Giêng ( 10-2-1930). Nhưng Nguyễn khắc Nhu không chịu ngày ấy và đã tự động khởi nghĩa trước một ngày, tức là ngày 9.2.1930. Anh hạ lệnh giết hết các sĩ quan Pháp hồi 1 giờ đêm hôm ấy. Nhưng rồi anh bị đạn và chết vài giờ sau.
Hànội khởi cuộc tấn công sau Yên Báy và Lâm Thao, nhưng đã làm cho nhiều đảng viên thất vọng. Vì thực ra, cuộc khởỉ nghĩa ở Hànội không được chuẫn bị sẳn sàng. Thành phố vẫn hoạt động yên tỉnh như không có gì. Có thễ nói là cuộc cách mạng đã bị chết ngay trong trứng, tại thủ đô Bắc Kỳ. Trái lại, ở huyện Vĩnh Bảo nghĩa quân của VNQDÐ đã dánh lớn và gây được tiếng rộng cũng như ở Yên Báy, tuy rằng cuộc khởi nghĩa trễ hơn 5 hôm sau Yên Báy (14.2.1930).
Bấy giờ dân Hànội mới thật là xôn xao. Cáí tên của Nguyễn thái Học mới bắt đầu được nói đến ở khắp nơi, khắp các từng lớp đồng bào, với một lòng chiêm ngưỡng sâu xa, như một vị anh hùng của lịch sử. Nhưng 8 giờ sáng ngày 20.2.1930 có tin đồn Nguyễn thái Học và ông Sư Trạch, một đồng chí, vừa bị bắt ở trên đường Cổ Vịt, gần đồn Chi Ngãi, tỉnh Hải dương.
Nghe tin ấy, Tuấn và nhóm sinh viên học sinh"Hội Kín "nhao nhao lo sợ, và đau khổ vô cùng. Gỉả vờ nóng lạnh, Tuấn nằm trên lầu đường Général Bichot, trùm chăn kín mít, âm thầm khóc môt mình. Tuấn thấy cả một sự đỗ vỡ kinh hoàng, với cảm giác gần như Lịch sử Việt Nam bị đứt đoạn nơi đây, không còn kế tiếp nữa.
Trưa, một đứa bạn đồng chí của Tuấn hớt hơ hớt hãi đến đến hỏi thầm Tuấn :
- Anh ốm hả ?
- Ừ.
- Tụi mình nên đi ẩn núp một dạo ở nhà chị Hồng trên Bưởi.
- Anh đi trước đi. Chiều tôi mới đi được.
Trưa, Tuấn chỉ giả vờ nóng lạnh, không ngờ đến chiều sau khi người bạn đi rồi, Tuấn bị nóng lạnh thiệt. Cơn sốt rét hành hạ cậu học sinh 18 tuổi lên gần 40 độ, Tuấn nằm run cầm cập, mê man bất tỉnh. Một người bạn cùng ở gác trọ nghe Tuấn trong cơn mê hoảng nói lảm nhảm những câu "dể sợ ":"Anh Học bị bắt rồi...ai cũng bị bắt hết...Hết rồi...chắc Tây nó giết..."
8 giờ tối, có người bạn đến lôi cổ Tuấn ra ngồi xe cyclo đạp, lên đường Quan Thánh để đón tàu điện đi Bưởi. Nhưng Tuấn muốn đi một vòng trong thành phố để xem tình hình, mặc dầu còn nóng liên miên và chỉ xức dầu Khuynh diệp. Ðường phố vắng teo, tuy không có giới nghiêm, không có lính canh gác. Hình như thiên hạ bảo thầm nhau ở nhà, ít ai dám ra đường. Duy có các phố Hàng Ðào, Hàng Gaui, Hàng Bông và quanh bờ hồ phía cầu Gỗ và đền Ngọc Sơn là có người, qua lại, dạo mát hoặc mua bán, nhưng khộng rộn rịp như thường lệ, trái lại có vẻ trầm lặng, bí mật, nặng nề, như có một hiểm họa gì bay lượn trong không khí.
Ðồng bào trong thành phố đều có bộ mặt sợ sệt. Nhưng có điều thật lạ, là chỉ có "lính mã tà", "lính kín" của sở mật thám là đi rảo khắp nơi đông đảo, và lẩn lộn tong đám quần chúng, chứ tuyệt nhiên không thấy có biện pháp quân sự nào cả. Nghe nói tòan thể binh sĩ bị cấm trại, thế thôi !
Khuya và khoảng 1 giờ, có một chiếc xe tank cũ kỹ, kiểu 1918, đi rầm rầm chầm chậm qua các đường phố Cửa Ðông, Bichot, hàng Cót, nhà Hỏa, Boulevard Carnot, rồi trở về thành Cửa Bắc. Ngoài ra, khắp nơi đều yên tỉnh. Ở phố Huế, chợ Hôm cũng vắng người.
Tuấn đi thui thủi một mình khắp các phố phường Hànội, tuy trong người chàng hãy còn sốt. Chàng dòm ngó chung quanh, dưới ánh các trụ đèn điện chỉ có bóng cây, bóng lá rung rinh trong gió buốt. Trời đầu xuân, nhưng còn bao phủ mây đen, sương mù buông rủ trên thành phố một màn tang tẽ lạnh
Rét thấu xương, nhưng may lạ, Tuấn không bị thương hàn. Chàng chỉ nghe mạch máu chảy phừng phừng hai bên màng tang, tai kêu ù ù, môi khô, tay chân bủn rủn. Chàng vừa bước thong thả trở về gác trọ, vừa khóc âm thầm. Nước mắt chảt ròng ròng trên đôi má lạnh...
Chàng nhớ lại hình dáng gây còm của anh Hồ văn Mịch bị bắt torng lúc mang bịnh ho lao, nằm nhà thương Phủ Doãn, đã chết trong một đêm rét mướt Chàng nhớ đến cái tin sét đánh về anh Nguyễn thái Học đã bị bắt ở Hải Dương và anh Viên bị bắt trên gác trọ Gia Lâm...
Tuấn gần như tuyệt vọng.
Tuấn nghe được nhiều chuyện đồn đãi về đời sống của cặp tình nhân Nguyễn thái Học và Nguyễn thị Giang. Có một câu chuyện mà Tuấn nghe vài đồng chí trong "Hội Kín "kể lại, muốn biết chắc là đúng với sự thật hay không, thì chỉ có hỏi anh Nguyễn thái Học, hoặc chị Giang, nhưng không làm sao gặp được hai người ấy. Dù sao, giai đoạn sau đây, cũng là truyền khẩu rất rộng rãi trong đám thanh niên sinh viên Hànội, vào khoảng 1930-32.
Cô Nguyễn thị Giang - nữ sinh - mới 18 tuổi lúc bắt đầu quen biết Nguyễn thái Học, sinh viên trường Cao Ðẳng Thương Mại, và đã là Ðảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Ðảng còn ở tong thời kỳ bí mật tổ chức và tuyên truyền. Giang yêu Học, mặc dầu chàng đã có vợ để ở quê nhà. Giang yêu Học, chính vì lý tưởng cách mạng, cho nên sau khi được chàng chấp thuận vào đảng. Giang quyết chí hy sinh đởi nàng cho hai mối tình thiêng liêng : Tổ Quốc và Ngươì Yêu. Một hôm, hai người họp kín, chàng bảo nàng :"Ðảng chúng ta cần có sự tham gia của binh lính để sau này tính việc khởi nghĩa mới thành công. Nếu anh truyền lệnh cho em phải làm thế nào để quyến rũ được một viên Quản, hoặc một viên Ðội Nhất, Ðội Nhì, có nhiều uy tín nhất trong đám Lính Khố Xanh Yên Bái, để họ gia nhập vào đảng ta, và họ sẽ lôi kép toàn thể hoặc đại đội số binh sĩ gia nhập vào Ðảng, thì em sẽ thi hành được nhiệm vụ ấy không ? "
Nguyễn thị Giang không do dự, trả lời :"Anh là Ðảng trưởng. Anh ra lệnh là em xin tuân theo ngay. Nguyễn thái Học nghiêm nghị nét mặt bảo :"Thế thì anh lấy tư cách đảng trưởng, giao phó cho em công tác sau đây, bất cứ bằng cách nào, dù phải hy sinh cả tính mệnh, cả thể xác, để quyến rũ được đồn lính Khố Xanh Yên Bái, gia nhập vào đảng ta. Anh kỳ hẹn cho em là một thời gian 3 tháng để thành công nhiệm vụ quan trọng ấy. Suốt thời gian công tác, em không được liên lạc với anh, bất cứ ở nơi nào ".
Cô nữ sinh Nguyễn thị Giang mỉm cười, nhưng cương quyết :"Em xin tuân lịnh ".
Bấy giờ là mùa đông. Ở Yên Bái cũng như ở Hànội và các tỉnh ở miền Bắc, mùa Ðông trời rét lắm và ban đêm thường có các chị hàng rong bán mía lùi, một loại mía được chặt ra từng khúc dài độ hai gang tay, và lùi trong than lửa. Hoặc cũng có kẻ bán mía luộc. Hai món quà mía ấy ăn vừa ngọt vừa ấm miệng, cho nên người lớn trẻ con, đều thích. Mỗi khúc mía luộc hay mía lùi chỉ bán 1 xu.
Cô nữ sinh Nguyễn thị Gaing bắt đầu bỏ học đễ làm nghề bán rong ban đêm với một gánh hàng đặc biệt. Một bên là một thùng thiết đựng đầy mía luộc đặt trên một chiếc lò thay cháy ầm ĩ vừa đũ giử nhiệt độ cho nước nấu mía đừng sôi quá. Một bên là một nồi than đỏ hực để cô hàng lùi những khúc mía tươi. Mỗi khi có người mua, cô lùi khúc mía vào than hồng, trở qua trở lại khúc mía độ năm lần là "mía chín ". Cô trao mía cho khách hàng, và lấy 1 xu bỏ vào môt hộp "bích quy "cũ, két tiền của cô.
Cô Giang chuyên môn ngồi bán hàng, nơi một gốc cây cao, cách cổng đồn lính Khố Xanh vài ba chục thước. Cứ 7 giờ tối là đã có cô ngồi đấy, với "gánh mía "đặc biệt của cô.
Hình như cô có bỏ một nắm hoa bưởi trong thùng nước mía, cho nên mía luộc của cô vừa ngọt vừa nóng, lại vừa thơm.
Toàn thể sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ đồn lính Khố Xanh Yên Bái đều ăn mía và mía luộc của cô Giang.
Nhiều người đã nghiện, trong số đó có một thầy Ðội Nhất đã hoàn toàn say mê hương vị của cô Giang và chắc chắn đã say mê cả cô Gaing, vì nhan sắc của cô hàng mía, hơn cả các thiếu nữ ở tỉnh này không ai so sánh kịp.
Dần dà những lóng mía thơm, những lóng mía ngọt, cho đến hết thảy mọi người với một nụ cười duyên dáng, với một ánh mắt ấm áp vương vấn sầu mơ. Cô bắt đầu tuyên truyền khéo léo, kín đáo những tư tưởng cách mạng cho mọi người. Ðặc biệt là thầy Ðội Nhất được cô huấn luyện ráo riết hơn cả, và không quá một tháng, thầy Ðội đã trở thành một đồng chí hăng say nhất của cô, trong số các binh sĩ Khố Xanh.
Dần dần cô hàng mía đã lôi kéo được toàn thể đồn lính vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Ba tháng sau, đúng kỳ hạn đã chỉ định của Ðảng trưởng Nguyễn thái Học, và là người yêu của cô, nữ sinh Nguyển thị Giang giới thiệu với thành viên Ðội Nhất : "Thưa Anh, đây là một đồng chí mới của chúng ta đại diện một số lớn đồng chí gồm 350 người của đồn lính Khố Xanh Yên Bái ".


 

Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 24

1930

- Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn thái Học.
- Tinh thần dân chúng Hà nội.
- Ðoạn đầu đài Yên Bái.
- Nguyễn thị Giang.
- Dư luận báo chí ở Huế và Sàigòn - Hànội, "cuộc âm mưu của im lặng".


Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở vài ba tỉnh Bắc Kỳ, dân chúng Hànội lo sợ khi biết tin viên Toàn Quyền René Robin cho lịnh hai chiếc phi cơ Moranebay đi thả bom xuống làng Cổ Am chẳng còn một nóc nhà. Một gia đình đang ăn giỗ, có đông người làng đến dự, nghe tiếng phi cơ bay rà trên các mái nhà tranh, tò mò chạy ra sân ngước cổ lên trời xem. Hai viên phi công tưởng đó là " loạn quân "đang tụ họp, liền thả bom và bắn súng liên thanh, giết chết không còn một mạng.
Ðây là một cuộc tàn sát đầu tiên bằng máy bay, mặc dầu lúc bấy giờ quân đội Pháp ở Ðông Dương chỉ có vài chiếc máy bay cũ kỹ kiểu 1918 mà thôi. Nạn nhân không phải là " quân phiến loạn " mà là những nông dân vô tội, có cả ông già, đàn bà, trẻ nít.
Tàn quân VNQDÐ đã chạy trốn vào rừng núi, tìm đường sang Tàu, về ngả Lào Kay, Lạng Sơn. Các báo Hànội đăng tin, nhưn gkhông dám phê bình vụ tàn sát dã man kinh khủng trên kia, trừ một tờ báo L' Argus Indochinois là có viết bài mạt sát viên toàn quyền René Robin thậm tệ. Vài tờ báo cách mạng ở Saigon cũng nổi lện đả kích kịch liệt vụ tàn sát làng Cổ Am bằng phi cơ.
Sau vụ này, Tuấn được nghe truyền tụng trong khắp các phố phường Hànội, một bài sấm mà người ta cho là rất linh ứng của Trạng Trình, Tuấn chép lại bài sấm để học thuộc lòng :
Kìa kìa gió thổi lá rung cây
Rung Bắc, rung Nam, rung tới Tây
Tan tác
kiến kiều an đất nước
Xác sơ
cổ thụ sạch am mây
Lâm giang nổi sóng mù thao cát
Hưng địa tràndâng hóa nước đầy
Một ngựa một
yên ai sùng bái
Nhắn con nhà Vĩnh bảo cho hay
(Trạng Trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM)
Theo các cụ đồ nho giảng dạy, thì trong bài sấm này, Trạng Trình ám chỉ rõ ràng cuộc khời nghĩa của VNQDÐ ở Kiến An, Lâm thao, Hưng Hóa, Yên Bái và cuộc dội bom xuống làng Cổ Am. hai chữ Vĩnh Bảo là nói về Hoàng Gia Mô, cháu nội của Hoàng Cao Khải, làm tri huyện ở Vĩnh Bảo (tỉnh Hải Dương) bị quân VNQDÐ giết. Tuấn nhận thấy câu thơ thứ bảy bị chữ thứ sáu thất niêm, đáng lẽ phải là một chữ vần trắc, theo luật Ðường Thi, nhưng các cụ cho rằng đây là một lời Sấm, không cần phải niêm luật. Trừ một nhận xét nho nhỏ ấy về kỹ thuật thơ Ðường, Tuấn cũng như toàn thể sinh viên học sinh, giáo sư, và các tầng lớp dân chúng Bắc Kỳ, cả Trung và Nam kỳ, đều thán phục bài Sấm thần kỳ linh nghiệm của một bậc "Ðại Thánh " Việt Nam.
Ở Saigon, tờ báo đầu tiên dám đăng bài Sấm của Trạng Trình và giảng nghĩa rõ ràng là tuần báo " Phụ Nữ Tân Văn " của bà Nguyễn đức Nhuận, mà chủ bút là ông Phan Khôi.
Vụ khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Ðảng bị đưa ra xử tại Hội Ðồng Ðề Hình ở toà án Hànội. Dân chúng không được vào xem. Lính canh gác cẩn mật chung quanh Nhà Hỏa Lò (danh từ thông dụng chỉ nhà lao Hànội) và toà án trên đại lộ Carreau.
Phải nói đúng sự thật rằng, trừ các giới cách mạng nằm trong bí mật là đặc biệt theo rõi vụ án này, còn ngoài ra, công chúng, cả thượng lưu, hạ lưu, cho đến các giới đồng bào bình dân, lao công, đều gần như lơ là, không xôn xao, xúc động. Lý do, có lẽ một là vì Việt Nam Quốc Dân Ðảng chỉ hoạt động thầm lén trong một phạm vi quá nhỏ hẹp, quảng đại quần chúng chưa biết tới, hai là cuộc khở nghĩa bùng ra quá sớm chưa được chuẩn bị đầy đủ các yếu tố tuyên truyền và tâm lý để sách động quần chúng. Cho nên cái tin VNQDÐ nổi dậy đánh Yên Bái, Kiến An, Lâm Thao, hầu như không có ảnh hưởng sâu rộng ở Hànội là nơi trú đóng trung ương đảng bộ VNQDÐ mà lại là nơi tương đối yên tỉnh nhất. Các tỉnh khác như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Thái Bình, Phủ Lý, Hà Ðông, Sơn Tây, Vĩnh Yên và các tỉnh ở thượng du Bắc kỳ hầu như hoàn toàn yên ổn, không mấy ai biết tới.
Mặt khác, sở Mật thám Ðông dương tìm cách không cho tiếng vang của cuộc khởi nghĩa lan rộng ra. Các báo ở Hànội đều hầu hết tuân theo mệnh lệnh của Mật thám Ðông dương và của phủ Thống sứ Bắc kỳ. Trên các tờ " Hà thành ngọc báo, "Ðông Báo ", "Trung Bắc Tân văn ", " Thực nghiệp dân báo ", người ta chỉ đọc được những cái tin vắn tắt, đúng 2 cột, hoặc 1 cột mà không có hình ảnh. Ngay tờ " Tiếng Dân " của cụ Huỳnh thúc Kháng ở Huế, cũng không khai thác biến cố cực kỳ quan trọng ấy.
Những gì Tu ấn biết được về vụ khởi nghĩa đều do tin tức truyền miệng của nhóm sinh viên, học sinh của Ðảng, một nhóm thiểu số mà sự tuyên truyền cách mạng thường gặp phải sự lãnh đạm sợ sệt rất đáng chán nản của giới sinh viên học sinh chỉ chăm lo học hành thi cử.
Tin anh Nguyễn thái Học, Ðảng trưởng và 12 Ðồng chí ở các cấp lãnh đạo, bị toà xử trảm, là một tiếng sét đánh vào tai những cậu học sinh và sinh viên của Ðảng, tuy ai cũng đoán trước cái định mệnh kinh hoàng đau đớn ấy.
Lúc đầu nghe nói sẽ xử bắn trong sân nhà Hỏa Lò, nhưng ngay hôm sau đã có tin 13 nhà cách mạng QDÐsẽ bị lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Làm sao đi xem được. Tuấn và mấy bạn học sinh, sinh viên đồng chí đều thiết tha mong muốn được chứng kiến cảnh tượng bi hùng duy nhất ấy, được chính mắt đọc trang Lịch Sử Việt Nam vẻ vang ấy.
Nhưng làm thế nào ? Một tin bí mật và chắc chắn cho Tuấn biết rằng ngày quyết 13 vị Liệt Sĩ VNQDÐ, sẽ là ngày 17.6.1930 tại Yên Bái.
Phải nói rõ rằng nhóm học sinh VNQDÐ, đã được tổ chức riêng biệt thành một lực lượng trừ bị, theo chiến thuật của anh Hồ văn Mịch, vì hình như Trung Ương Ðảng Bộ còn ngại sự trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm của lớ[ thanh niên làm cách mạng tập sự, và không trao cho lớp này những công tác bí mật quan trọng. Học sinh của Ðảng chỉ biết nhau bằng bí danh, và tổ chức chưa được chặt chẻ, chưa có hệ thống, và thật sự chỉ mới bắt đầu họat động hăng hái thì Ðảng đã bị tan vỡ do cuộc khời nghĩa đột ngột ở Yên Bái. Hồ văn Mịch là linh hồn của tổ chức học sinh cách mạng của VNQDÐ và được nhóm trẻ của Tuấn coi như người Anh cả. Mịch bị bắt, và nhờ bị bịnh ho lao nên được nằm nhà thương Phủ Doãn. Và không bị tra tấn nhiều. Vả lại anh có rất nhiều can đảm, không hề tiết lộ một bí mật nào của đảng. Ðó là một điều may mắn cho nhóm học sinh cách mạng không có một người nào bị tình nghi, và mật thám không biết một tí gì về tổ chức học sinh của Ðảng.
Tuấn và hai người bạn thân tín nhất rủ nhau đi Yên Bái ngày 15 tháng 6, hai ngày trước hôm Nguyễn thái Học và 12 liệt sĩ Quốc dân đảng lên đoạn đầu đài. Ðể tránh mọi sự nghi ngờ, ba chàng thanh niên đi bằng xe đò, chứ không đi xe lửa.
Ðến Yên Bái đã gần khuya, Tuấn và hai người bạn lặng lẽ đi đến nhà một cô bạn gái, con một công chức làm tham tá ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, ở gần chợ. Ðến đây, công việc đầu tiên của tụi trò Tuấn là nghe ngóng dư luận...Mặc dầu nhà cầm quyền dấu kín, dân chúng tại tỉnh lỵ Yên Bái cũng đã thì thầm với nhau rằng " những người Quốc dân đảng sẽ bị hành hình lúc 6 giờ sáng hôm sau. Nhưng số người tử tội thì không ai biết rõ. Kẻ bảo là 12 người, kẻ bảo 15 người. Có kẻ làm ra vẻ thông thạo quả quyết chỉ có 9 người tòng phạm thôi, còn hai người " chủ mưu ", là Nguyễn thái Học và Ký Con thì đã bị chém trong nhà Hỏa Lò ở Hànội ngay sau phiên toà. Toàn là những lời đồn đại trái ngược những tin tức nhiều khi mâu thuẫn mà ai loan truyền ra cũng đảm bảo tin của mình là chính thức và đúng hơn cả.
Ðêm nay Tuấn và hai đứa bạn không ngủ được và không lúc nào thấy buồn ngủ. Ba cậu học sinh nằm trên bộ ván, trùm trong một chiếc khăn bông. Họ nói thầm thì với nhau những điều thầm thì với nhau những điều ước đoán theo những câu chuyện nghe lõm và nhữn glời đồn đãi ngoài phố,
Yên Bái đêm ấy có cảnh tượng như một thành phố chết. Những ngọn đèn điện thưa thớt và lờ mờ đổ xuống đường những vũng ánh sáng leo lét hoang vu. Không một bóng người qua lại. Không có giới nghiêm, không thiết quân luật, nhưng dân chúng lặng lẽ ở nhà, không dám ra đường. Mới tám giờ tối, hầu hết các nhà và các tiệm buôn lớn của Hoa kiều đều đóng cửa kín mít. Năm ba nhà hàng lớn của Hoa kiều cũng để cửa hé thôi.
Bốn giờ sáng, trời còn mù mịt, thành phố Yên Bái như tê lạnh dưới một vòm sương dầy đặc, trắng lều bều...
Ba cậu học sinh khẽ mở cửa ra đi, cố tình đi sớm một giờ để xem tận mặt tất cả những gì xẩy ra trước giờ hành quyết, tất cả cảnh tượng bi đát và oai hùng mà Tuấn và hai người bạn sẽ được chứng kiến torng một tiếng đồng hồ. Không được lại gần chỗ chiếc máy chém đứng lù lù, bí mật, nghêng ngang giữa khu đất trống. Tuấn dòm đăm đăm cái vật ghê tởm mầu xám xẩm phủ lên một lớp sương đêm làm tăng thêm mầu láng bóng hãi hùng ghê rợn.
Năm giờ hai mươi phút, một toán lính " Khố Xanh " do một viên giám binh Pháp dẫn đầu, và lính " Khố Ðỏ " dưới quyền chỉ huy của một trung uý Pháp lần lượt kéo đến, sắp hàng một, bao vây pháp trường. Công chúng hiếu kỳ kéo đến xem đông độ một trăm người, bị đuổi ra xa. Nhiều người chạy đi tìm chỗ đứng xem cho rõ. Tuấn và hai đứa bạn cũng bị lính đuổi đi, nhưng rồi cả ba cậu học trò vẫn tìm được một chỗ tạm nấp trong bóng tối nhưng ở đây được trông thấy tường tận.
Sau này, có vài quyển sách và bài báo chép rằng chị Nguyễn thị Giang, người vợ đồng chí của Nguyễn thái Học, có đứng trong đám đông người để nhìn thấy mặt của đảng trưởng một lần cuối cùng. Nhưng Tuấn quả quyết rằng chị Nguyễn thị Giang không có đứng trong đám đông người, buổi sáng tinh sương mà nhà chí sĩ trẻ tuổi vĩnh biệt cuộc đời để bước vào lịch sử. Người ta không thấy chị Giang đâu cả. Sự thực, chị đã cải trang thành một người đàn ông, và đứng nép bên một gốc cây, chỉ 10 phút thôi, từ lúc chiếc xe sơn đen của nhà lao Yên Bái đưa anh Nguyễn thái Học ra pháp trường cho đến lúc anh không còn nữa.
Nguyễn thái Học bước lên đoạn đầu đài có hơi khác Nguyễn thái Học lúc hoạt động cách mạng. Lần này đầu anh bị cạo trọc, đôi mắt anh sâu hóm như hai cái lổ thẳm. Má anh cóp và người anh gầy đi nhiều. Anh không ngó ai cả, đăm đăm bước rất mau lên bàn máy chém, hai tay bị trói còng ra sau lưng. Anh đứng trên bục sắt đen ngòm, la lên với một giọng run run mà những kẻ tò mò được chứng kiến đứng ngoài vòng lính, ít người được nghe rõ. Sương còn buông xuống nhiều, Tuấn cố lắng tai nghe tiếng anh " Việt Nam vạn...vạn...tuế. Hai tiếng " Việt Nam " và tiếng " tuế" sau cùng thì hét lớn lên, còn hai tiếng " vạn...vạn " rất nhỏ, chỉ nghe thoáng như hơi thờ cuối cùng. Lưỡi dao sắc bén rơi mạnh xuống cổ anh, kêu một tiếng "phập". Ðầu anh rơi xuống một chiếc thùng mạt cưa kê ở dưới bàn máy chém.
Chính trong phút đó, chị Nguyễn thị Giang dưới lớp áo đàn ông, chùm chiếc pardessus đen, biến đi đâu mất.
Tuấn và hai đứa bạn hình như bị nghẹn cổ, không thở được Tuấn lấy khăn tay lau sương và nước mắt chảy ướt đẩm trên đôi má tái mét rồi nhắm mắt đứng yên, không nhúc nhích, như một pho tượng, và không trông thấy gì nữa. Tuấn không thấy ngững người khác lần lượt chết sau anh Học, 6 giờ 20 phút, là xong. Tuấn và hai đứa bạn đi thật nhanh ra bến xe đò về Hànội.
Ít lâu sau hôm xử tử anh Nguyễn thái Học, Tuấn được tin chị Nguyễn thị Giang tự tử bằng súng lục ở ngay làng quê của người yêu.
Hai biến cố ấy làm đảo lộn tinh thần của đám thanh niên học sinh có theo dõi và tham gia chút ít hoạt động của VNQDÐ. Dư luận dân chúng Bắc Kỳ rất xôn xao, nhất là ở Hànội. Nhưng người ta chỉ bàn tán thầm thì với nhau trong gia đình chớ không dám nói lớn. Các báo Việt ở Hànội chỉ làm nhiệm vụ thông tin hoàn toàn khách quan. Không có một tờ báo nào viết ca ngợi các liệt sĩ VNQDÐhoặc tỏ tình trong lúc viết tin tức, hay bình luận thời cuộc. Thỉnh thoảng một đôi tờ báo có đăng một bài thơ của một cụ nhà nho, nói về Nguyễn thái Học và Nguyễn thị Giang, nhưng đại ý cũng chỉ tỏ lòng thương hại, hay trách móc, chứ không có bài nào tán dương hay khâm phục việc làm VNQDÐ và Nguyên thái Học, lãnh tụ cuả đảng.
Ở Trung Kỳ có hai luồng dư luận trái ngược nhau : đa số trong giới quan lại của triều đình Huế, dĩ nhiên là mạt sát Nguyễn thái Học và VNQDÐ, lại còn cười chế nhạo là " trẻ lòng non dạ ", " châu chấu đá voi ". Giới thanh niên trí thức và trung học thì rất cảm phục lòng ái quốc hăng say và hy sinh cao cả của Nguyễn thái Học và Nguyễn thị Giang. Hầu hết dân chúng miền trung chỉ nghe tin tức qua báo " Tiếng Dân " của cụ Huỳnh thúc Kháng, nhưng chính cơ quan tranh đấu độc nhất ở Trung kỳ, do nhà cách mạng nổi danh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, vẫn hết sức dè dặt không hăng say mấy.
Duy có Saigon, cả báo Tây lẫn báo Việt đều nói đến nhiều nhất. Nhưng ở đâu dư luận báo chí và dân chúng chia làm 3 phe : một phe gồm toàn các báo thực dân Pháp và một số báo Việt của các nhà tư bản, điền chủ, đốc phủ sứ, công kích việc "phiến loạn" của VNQDÐ. Một phu trung lập nhu báo Phụ Nữ Tân Văn, do Phan Khôi làm chủ bút, thì chỉ nhận xét vụ VNQDÐ theo bài Sấm của Trạng Trình. Tờ tuần báo Phụ nữ tân văn cho rằng biến cố VNQDÐ chỉ là một sự kiện tiền định của Lịch Sử, là không khen không chê.
Trái lại, có một số báo chính trị bằng Pháp văn của những người thanh niên trí thức, thì nhiệt liệt tán thưởng cuộc Khởi Nghĩa của VNQDÐ.
Giới học sinh Hànội, phần đông ở hai tư thục lớn nhất, Thăng Long (của người Việt), Gia Long (của người Pháp) và trường (trung học bảo hộ) của Nhà Nước, xôn xao khá nhiều trong một tháng đầu. Nhưng rồi người ta thấy thấy có nhiều tụi học sinh làm do thám, chuyên môn đi nghe ngóng các câu chuyện thì thầm của bạn bè hoặc thường đi xe đạp rảo qua các nhà trọ của học sinh, hay vờ vĩnh đến nhà bạn chơi để lục soát sách vở vì thế mà dần dần có một cuộc "âm mưu của im lặng" theo chữ Pháp thông dụng lúc bấy giờ trong trường hợp đó " une conspiration du silence


 

Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 25

1930

- Tuần báo Phụ Nữ Tân văn, Saigon bán ra Hà nội
- Ảnh hưởng của các báo tranh đấu cách mạng ở Saigon bằng Pháp Văn đối với sinh viên, học sinh Hà Nội (La Lutte, La Cloche Felée, L' Echo Annamite...)


Nhà trọ của Tuấn ở 77C đường Maréchal Pétain có đến 7 trò, hầu hết là học trường Thăng Long, Gia Long, hoặc trung học Pháp Lycée Albert Sarraut, cũng thường có vài đứa bạn đến chơi, và thừa lúc anh em vô ý, lục soát các sách vở và bàn học để kiếm tài liệu " quốc sự ".
Một lần, đúng ngày 24 tháng 3 dương lịch, Tuấn và các bạn tổ chức ở trên gác một buổi lễ kỷ niiệm cụ Phan Chu Trinh tạ thế. Các cậu đặt một chiếc bàn thờ tạm, treo bức chân dung của cụ, có đèn hương, hoa quả, bày biện đầy đủ trên bàn. Bảy anh em học sinh và sinh viên cùng ở trọ trong nhà, đều hăng hái và thành kính làm lễ. Tuấn đọc một bài điếu văn kể lại tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của cụ và cổ võ anh em nên soi gương ái quốc của cụ, nguyện sau này sẽ đem học vấn và tài năng của mình để phụng sự quốc gia. Xong bài điếu văn, anh em lần lượt từng người ra lạy trước bàn thờ nghi ngút trầm hương. Buổi lễ đơn giản, nhưng rất cảm động. Anh em ai cũng bùi ngùi, có người lạy rồi lạy nữa, ba bốn lần.
Thình lình, một cậu học trò, chỉ quen sơ với Tuấn, cũng như các sinh viên học sinh khác trong nhà, cũng quê quán ở Trung kỳ đi xe đạp đến, và lật đật leo cầu thang lên gác. Hắn bắt gặp cả một đám học sinh, sinh viên đang đứng im lặng trước bàn thờ có treo ảnh cụ Phan Chu Trinh, còn khói hương trầm, cặp nến trắng còn đang cháy liu hiu. Hắn cười, hỏi Tuấn :
- Tụi các anh làm gì thế ?
Hắn đăm đăm nhìn ảnh cụ Phan, rồi nhún vai, bảo :
- À, hôm nay là 24 Mars, ngày giỗ cụ Phan Chu Trinh …Thế mà tôi quên mất chứ ! Tụi các anh nhớ giỏi nhỉ !
Nói xong, nó ngoay nguẩy chạy xuống cầu thang, và ra cửa lên xe đạp phóng một mạch về phía bờ hồ.
Tụi trò Tuấn vội vàng dọn cất chiếc bàn, tắt đèn, tắt hương, sau khi lạy cụ Phan một lần nữa.
Trò Trần Kiên Mỹ tức giận nói to :
- Thằng khốn nạn, quê ở Quảng Nam, bạn đồng hương mà đi làm chó săn.
Trò Long bảo bằng tiếng Pháp :
- C’est un mouton dangereux (một thằng do thám -nghĩa bóng- nguy hiểm).
Tuấn không nói gì chỉ lấy tấm hình đem gói vào tờ giấy dấu dưới miếng ngói ở mái nhà bếp.
Tất cả đều hồi hộp lấy bài vở ra học, và chờ mật thám đến xét nhà, không có ai sợ trốn đi. Nhưng chờ mãi không thấy mật thám tới. Tuấn đứng trong cửa sổ, ngó xuống đường Maréchal Pétain, chỉ thấy thằng khốn nạn đạp xe lượn qua lượn lại nhiều lần trước nhà.
Lần cuối cùng, vào khoảng 12 giờ trưa, hắn ghé vào. Tuấn không muốn cho hắn lên gác, vì có mấy đứa bạn, nhất là Long Lycée (thường gọi là Long Toét) hăm đánh hắn "vỡ mặt ".
Tuấn xuống dưới nhà, gặp hắn sắp sửa lên cầu thang. Tuấn nắm tay hắn giữ lại :
- Mi lên trên đó thế nào cũng bị mấy người đập chết. Mi ở đây với tao. Tại răng lúc nãy mi có thái độ lạ rứa ? Tao hỏi thiệt mi, mi làm mouton cho mật thám Tây, phải không ?
Hắn run sợ, bảo :
- Không có. Ai bảo với anh thế ?
- Tao bảo. Vì thái độ của mi chứng tỏ rằng mi là một agent de recherche, một thằng điềm chỉ cho Tây. Tụi tao làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh chứ có gì bí mật đâu mà tụi bay đi rình ? Mi cũng là dân Quãng Nam, răng mi đi làm chuyện tồi bại rứa ? Mi không sợ tụi bạn đồng hương của mi đập mi nát óc à ?
Hắn cười giả lả :
- Anh đừng nghi oan cho tui chứ. Tôi đâu có làm agent de sureté cho Tây. Lúc nãy tôi đến là định hỏi anh có được mandat ở nhà gửi ra chưa, nếu có thì cho tui mượn tạm 5 đồng để trả tiền trọ. Nhưng tôi thấy các anh bận việc, tôi đi về, thế thôi. Tôi thề với các anh rằng tôi không làm điềm chỉ cho Tây đâu.
Tuấn bảo :
- Mi cần tiền thiệt không ?
- Thiệt. Tui định đến mượn anh 5 đồng.
- 5 đồng đây, mầy cút đi.
Tuấn lấy 5 đồng đưa cho thằng khốn nạn, nó cảm ơn rồi ra đi.
Tuấn theo dõi dư luận của một số báo chí Pháp ngữ ở Hà Nội (L’Echo Annamite, La Tribune Indochinois, La Jeune Indochine) công kích kịch liệt viên toàn quyền René Robin về vụ y ra lệnh cho máy bay ném bom làng Cổ Am, nơi mà bị tình nghi dung dưõng tàn quân Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Ở Hà Nội không có tiệm sách nào bán báo Saigon, Tuấn cùng với một nhóm bạn thân toàn là sinh viên học sinh nghèo, góp tiền gởi vô Saigon mua năm các tờ báo cách mạng của người " Annam " hầu hết là viết bằng chữ Pháp, như tờ La Lutte của Tạ Thu Thâu (đệ tứ quốc tế), La Jeune Indochine của Vũ Đình Duy (Phục Quốc hội), La Tribune Indochinois của Bùi Quang Chiêu (thủ lãnh đảng Lập Hiến Ðông Dương). L’Écho Annamite của Nguyễn Phan Long (đảng Lập Hiến Ðông Dương), Parti constitutionnaliste Indochinois v.v…
Ðiều đó không có gì lạ đối với tình thế lúc bấy giờ. Vì báo viết bằng Pháp Ngữ, dù là của người An nam do người An nam làm chủ nhiệm, cũng được theo chế độ tự do của báo chí Pháp. Còn báo chí Annam dù là xuất bản ở Saigon và Nam kỳ, là thuộc địa Pháp, cũng phải theo một chế độ riêng, bị hạn chế và bị chính quyền thuộc địa bóp chẹt.
Cho nên những tờ báo cách mạng ở Hà Nội (rất ít) ở Huế (không có) đặc biệt nhiều nhất ở Saigon, đều viết bằng tiếng Pháp, và theo qui chế báo chí Pháp quốc cộng hòa : tự do báo chí, tự do ngôn luận, y như các báo ở bên Pháp vậy.
Vụ đưa lên đoạn đầu đài mười ba nhà liệt sĩ VNQDÐ ở Yên Bái cũng như vụ toàn quyền Robin cho phi cơ ném bom làng Cổ Am, đã gây cho các báo cách mạng Pháp ngữ ở Hà Nội và Saigon một luồng dư luận vô cùng phẩn nộ. Các báo ấy công kích kịch liệt sự trả thù vô nhân đạo của " bọn thực dân " cầm dùi cui" (des colonialistes à la trique) theo danh từ rất thông dụng thời bấy giờ.
Ðọc những tờ báo đó, những người trí thức, và đám sinh viên học sinh " có đầu óc cách mạng" đều khoái vô cùng. Nhưng không phải là ai cũng đọc. Ðại đa số đồng bào không biết, hoặc không thông thạo tiếng Pháp không đọc được, đó là lẽ dĩ nhiên và điều thiệt thòi rất lớn. Nhưng ngay trong đám trí thức và công chức, mà học lực từ bằng diplôme (thành chung) trở lên nghĩa là đã đọc và nói được tiếng Pháp lưu loát lắm cũng chỉ có số rất ít, trong một trăm người hoạ may có 1 người, đọc các tở báo cách mạng bằng Pháp ngữ hoặc nếu có đọc cũng chỉ đọc lén mà thôi. Vì họ sợ " quan Tây, quan thầy Pháp lang Sa ". Nhà Nước Ðại Pháp để ý đến họ, hoặc bắt bớ, giam cầm, tù đày khổ sở.
Một tuần báo Việt Ngữ bán chạy nhất lúc bấy giờ và có uy tín nhất, không những riêng ở Saigon, Lục tỉnh mà cả Trung kỳ, Bắc kỳ nữa (như ở Hà Nội có rất nhiều gia đình mua cả năm) là tờ Phụ Nữ Tân Văn của một bà triệu phú người Nam, có cửa hàng tơ lụa lớn nhất ở Saigon, tên là bà Nguyễn Đức Nhuận và chủ bút là ông Phan Khôi. Ngoài bìa in màu, có hình vẻ ba thiếu phụ Nam, Trung, Bắc, đầu tóc riêng biệt theo mỗi địa phương, nhưng ngồi sát nhau ra chiều chị em thân ái lắm. Dưới hình có ghi hai câu thơ đầy ý nghĩa :
Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam
Tuấn thuộc lòng hai câu châm ngôn bằng thơ ấy, mỗi tuần đúng vào sáng thứ Hai là chàng nhận được tập báo ấy do một người bạn gái ở Saigon gửi tặng. Hai câu châm ngôn rất mới mẻ và rất hấp dẫn kia tỏ rõ lập trường ái quốc của tờ tuần báo duyên dáng độc nhất của Nam Kỳ. Ông chủ bút Phan Khôi là một tay văn học cừ khôi nhất ở Saigon lúc bấy giờ. Thế mà tuần báo ấy không hề có một bài nào phản đối việc toàn quyền Robin cho máy bay ném bom dã man xuống làng Cổ Am.
Ðể nêu gương ái quốc của mình, và để cổ võ lòng ái quốc của người An nam, tờ Phụ Nữ tân văn chỉ làm được hai việc có thể gọi là vĩ đại nhất lúc bấy giờ. Một, là báo ấy mở cuộc thi " Danh Nhân Việt Nam ". Nhà báo chọn một danh sách không quá 25 người, tức là " 25 danh nhân " trong lịch sử Việt Nam, không theo thứ tự nào cả. Mỗi tuần, nhà báo đăng tiểu sử và sự nghiệp của một người, đại khái như : Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, Quang Trung, Trưng Trắc, Phan Thanh Giản, v.v…
Xong rồi nhà báo nhờ độc giả sắp hạng, căn cứ trên sự nghiệp của mỗi vị danh nhân, để ai trên ai dưới, thành một bản danh sách dự thi. Những bản danh sách nào gần giống nhau nhất sẽ được coi như trúng giải.
Cuộc thi Danh nhân Lịch Sử ấy không có kết quả tốt đẹp, vì sự lựa chọn của độc giả rất là lộn xộn, phiền phức, không theo tiểu chuẩn nào cả.
Việc làm thứ Hai có tính cách "ái quốc " của Tuần Báo Phụ nữ tân văn là mở cuộc lạc quyên giúp bốn học sinh nghèo du học sang Âu châu.
Số tiền lạc quyên không có mấy nhưng tiền của ông bà Nguyễn Đức Nhuận bỏ ra lập bốn học bổng thì cũng khá nhiều. Có rất nhiều học sinh dự thi. Ban chấm thi cho một bài thơ Việt Nam để thi giảng giải và bình luận. Bài thơ có năm vần như sau đây :
Lò, Mò, Lo, Cho, Trò.
Kết quả có 4 thí sinh đậu, và buổi tiệc tiễn bốn cậu lên tàu thủy để qua Pháp rất là long trọng. Theo thể lệ học bổng cậu nào thành tài và sẽ có công việc làm, sẽ phải đóng góp mỗi tháng một số tiền để thành học bổng cho người lớp sau. Nhưng sau đó, các trò học đại học Pháp, cưới vợ đầm, và chẳng có một cậu nào tôn trọng thể lệ học bổng, theo lời cam đoan danh dự trong buổi tiệc tiễn đưa trước khi xuống tàu.
Học bổng của báo Phụ Nữ tân văn chỉ được một lần đó thôi và không có điều kiện tiếp tục hằng năm. Tờ phụ nữ tân văn cũng phát hành trong một thời gian vài năm rồi đình bản, sau khi ông Phan Khôi nghỉ việc.
Ở Hà Nội, sau vụ VNQDÐ, tình hình trở lại yên ổn. Nhóm sinh viên học sinh đã có hoạt động ít nhiều trong hội kín Quốc Dân Ðảng, tiếp tục học thi tú tài hoặc vào các ngành khác.
Ðời sống bề ngoài hoàn toàn yên tĩnh, cũng như ở Trung và Nam Kỳ. Người ta bắt đầu quên lần vụ khởi biến VNQDÐ và ở thành thị cũng như thôn quê, nhiều nơi dân chúng không hề nghe nói đến cái tên Nguyễn Thái Học.
Người ta lo " làm ăn "để có tiền nộp thuế cho Tây.
Sau một thời gian, im hơi lặng tiếng, hình như một vài uỷ ban trung ương đảng bộ bắt đầu tái lập để hoạt động trở lại, nhưng một cách hết sức dè dặt và hãy còn rời rạc.


 

Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 26

1930

- Một cuộc du lịch qua các tỉnh Trung kỳ, vô Saigon, để xem xét tình hình
- Tinh thần cầu an của thượng lưu, trung lưu "An nam"
- Một xu-hướng Tân V.N.Q.D.Ð


Một buổi tối thứ bẩy, một người bạn đồng chí rất thân đến nhà trọ rủ Tuấn đi Bờ Hồ chơi. Hai người ngồi trên ghế đá trống dưới gốc cây phượng. Người bạn hỏi Tuấn :
- Anh có quen với ai ở Saigon không ?
Tuấn nghĩ một lúc rồi bảo :
- Có một người bạn học cùng lớp ở Qui Nhơn, hiện giờ làm công chức sở Bưu Ðiện Saigon. Có một bạn nữa, người đồng hương, hiện làm trợ bút một tờ nhật báo lớn.
- Anh vô Saigon tiếp xúc với hai người đó được không ? Thử đặt một cơ sở kỳ bộ thanh niên VNQDÐ ở Saigon, trong giới trẻ cách mạng rồi anh trở Hà Nội liền.
- Ði Saigon thì được. Nhưng còn tiếp xúc với hai người bạn đó sẽ có kết quả gì hay không, tôi không dám chắc. Người bạn làm Bưu Ðiện, thì lúc còn học ở Qui Nhơn, đã tỏ ra là một trong những đứa nhát gan nhất và sợ tây nhất. Còn cái anh trợ bút báo Công Luận thì hoạ may …Trong vụ lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, hắn cũng khá hăng hái …Nhưng hiện giờ mình không thể bảo đảm gì cả. Ðã mấy năm rồi mình không gặp hắn.
- Không hề gì. Anh cứ đi Saigon một chuyến xem. Thử tiếp xúc, và dọ dẫm tình hình, rồi sẽ liệu.
- Hôm nào đi ?
- Hôm nào cũng được, tùy anh.
- Ðể tôi sắp đặt công việc học hành của tôi xem sao đã. Thời khóa biểu của tôi tháng này nặng lắm. Nhưng tôi có thể đi một tuần lễ..
Hôm sau, người bạn của Tuấn đến trao Tuấn 200 đồng (200 đồng hồi 1930 gía trị bằng 20.000 đồng năm 1970) và hai người thì thầm trò chuyện rất lâu. Rồi một buổi chiều, vào lúc 5 giờ, Tuấn xách chiếc va li nhỏ ra ga xe lửa mua vé tàu suốt Hà Nội - Saigon.
Tàu suốt cũng gọi là Tàu Tốc Hành (train-express) chạy đúng hai ngày hai đêm, chỉ ghé những thành phố lớn, 7 giờ tối ngày sau tàu đến ga Saigon.
Tuấn xuống một khách sạn gần ga, đường Amiral Roze (nay là đường Trương Công Ðịnh). Ðưa giấy căn cước cho người bồi khách sạn ghi vô sổ, rồi chàng đi tắm.
Trở lại phòng thay đồ đạc xong, Tuấn ra đi, ghé ăn qua loa trong một tiệm cơm " các chú " nơi góc đường, rôì đi bách bộ xem cảnh tượng thành phố ban đêm.
Saigon rộn rịp hơn Hà Nội nhiều. Thoạt tiên, Tuấn để ý đến hai điểm khác nhau giữa hai thủ đô : Saigon có quá nhiều tiệm, ăn, tiệm café, xe mì, hầu hết là của các chú và tiệm nào cũng đông đặc khách hàng. Ngoài ra còn có hàng quà vặt của phụ nữ bình dân ngồi bán đầy các lề đường.
Dân chúng ngồi ăn ngoài đường đông đảo và vui vẻ tự nhiên. Trái lại, ở Hà Nội, những tiệm ăn rất hiếm, các hàng quà vặt rất ít. Cả phố hàng Long trước ga chỉ có một tiệm ăn lớn của Hoa Kiều, Nam Kinh Tửu Lâu. Phố hàng Bông, hàng Gai dài từ chợ của Nam xuống đến chợ Cầu Gỗ, và phố lầu Gỗ xuống đến bờ sông, không có một tiệm ăn nào cả.
Trước kia, năm 1928, có tiệm ăn : Việt Nam ở phố hàng Bông, do Việt Nam Quốc Dân Ðảng mở ra làm nơi kinh tài bí mật của đảng, nhưng sau khi bị bắt và đóng cửa luôn Phố Hàng Da, Hàng Cót, Nhà Hồn cũng thế. Phố Hàng Ðào, từ Bờ Hồ lên đến chợ Đồng Xuân, qua phố hàng Giấy, lên phố hàng Ðậu, hàng Than cũng chẳng có một tiệm ăn. Chỉ có phố Hàng Cân có vài tiệm bán chả cá, phố hàng Nón, có độc nhất một tiệm phở Nghi Xuân. Trừ phố hàng Buồm mà đa số cửa hàng là của Hoa kiều, có hai ba tửu lầu lớn, còn hầu hết các phố phường Hà Nội đều vắng bóng tiệm ăn, tiệm rượu, tiệm café. Thỉnh thoảng có một vài quán quán cơm bình dân ở ngoại ô.
Theo Tuấn, có lẽ vì người Hà Nội thích ăn cơm trong gia đình, và không ưa đi tiệm. Chỉ khổ cho những người từ các nơi đến Hà Nội phải ở khách sạn, tìm được chỗ ăn là cả một vấn đề. Có lẽ tại vì phong tục ngoài Bắc là tránh những nơi " tửu điếm trà đình " cho nên trừ những trường hợp đặc biệt, còn thì không có cảnh tượng ngoài phố như Saigon.
Hà Nội thời Tiền chiến, là kinh đô cổ kính, nơi "nghìn năm văn vật đất Thăng Long" hãy còn giữ hầu hết những nét truyền thống của Nho phong.
Saigon khác hẳn, dù là Saigon lúc Tuấn từ Hà Nội vào, ngơ ngác giữa cảnh rộn rịp đêm ngày như tự cảm thấy mình thất lạc vào một thành phố hoàn toàn xa lạ.
Quen nếp sống thường ngày ở Hànội, Tuấn đến Saigon và đi xem phố xá cũng mặc áo veste và đeo cravate, Tuấn cảm thấy khó chịu ngay vì chung quanh mình công chúng toàn mặc áo bà-ba hoặc sơ mi trần. Cho đến các cô thiếu nữ 19, 20 tuổi đi ngoài phố cũng mặc áo bà-ba, khác hẳn với Hà Nội. Tất cả đều ngó Tuấn với cặp mắt tò mò. Tuấn ngơ ngác ngượng nghịu như một người ở tỉnh lần đầu tiên bước chân lên đô thị Saigon.
Sáng hôm sau, để thiên hạ khỏi để ý đến mình, Tuấn mặc sơ mi trần, không đeo cravate, ra đường gọi xe kéo xuống nhà Giây thép, có vẻ tự nhiên như một người dân Saigon.
Ðến Bưu điện hỏi thầy N. người ta chỉ qua phòng " colis postaux" (bưu kiện) ở bên hông.Tuấn sang phòng này, may mắn trông thấy ngay N. người bạn học cũ ở Qui-Nhơn. Ðầu tiên, N. bỡ ngỡ hỏi :
- Ủa, Tuấn đi đâu đây ?
Tuấn bảo khẽ, sợ người ngoài nghe :
- Mình ở Hà Nội mới vô hôm qua, muốn gặp N. nói chuyện chơi.
N. cười gượng :
- Ừ, nhưng bây giờ mõa đang bận việc. Ðể chiều nay được hông ?
- Ðược
- Toa vô Saigon ở trọ nhà ai ?
- Ở khách sạn Hồng Hoa, đường AmiraL Roze.
- Vậy thì chiều nay cơm nước xong, độ 8 giờ mõa chờ toa trước cửa ga xe lửa. Nhớ hỉ ! Rồi bọn mình đi ra hóng gió ở Pointe des blagueurs, tha hồ nói chuyện. Nhớ hỉ !
- Pointe des blagueurs ở đâu ?
- Chỗ cột cờ Thủ Ngữ ngoài bờ sông.
Ðúng 8 giờ tối, Tuấn kêu xe kéo ra bờ sông tìm đến chỗ Pointe des blagueurs (bây giờ là tiệm ăn Ngân Ðình của Hoa kiều), Tây và Ðầm ăn uống đông nghẹt. N. dắt Tuấn đi dọc theo bờ sông. Sau những câu chuyện hàn-huyên, Tuấn kể lại cho N. nghe về cuộc khởi nghĩa thất bại của VNQDÐ. Tuấn dò ý của người bạn cũ, thấy anh ta có vẻ rất khâm phục Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Học trong VNQDÐ. Anh nói hăng lắm, khác hẳn lúc còn là học sinh ở Qui Nhơn. N. ca tụng Nguyễn Thái Học và Nguyễn thị Giang, hai nhà anh hùng " xứng đôi vừa lứa "đã đi vào trong lịch sử.
Tuấn khấp khởi mừng thầm, hỏi N. :
- Thí dụ bây giờ có một chi nhánh VNQDÐ ở Saigon đây anh có tham dự không ?
N. trố mắt ngó Tuấn :
- Không ! Moả làm vậy, họ bỏ tù mõa thấy mẹ !
Tuấn cười :
- Vậy sao anh vừa khen Nguyễn Thái Học với Nguyễn thị Giang quá vậy ?
- Mõa khen họ nhưng mõa không làm như họ được, vì moã còn phải lo giữ cái nồi gạo của mõa chớ.
Tuấn cười :
- Nếu vậy thì thôi.
Ðể N. khỏi nghi ngờ về nhiệm vụ bí mật của Tuấn, chàng nói tiếp :
- Mõa hỏi đùa toa cho vui đấy thôi, chớ tụi mình còn con nít quá, làm gì được đại sự như Nguyễn Thái Học !
Không hy vọng thuyết phục được người bạn công chức chỉ yêu nước bằng lỗ miệng. Tuấn đi tìm người bạn thứ hai, trợ bút tờ báo " Công Luận ", tức là L’Opnion bằng Pháp ngữ, là của một công ty người Pháp, và dĩ nhiên là một tờ báo triệt để thân Pháp.
Người bạn học cũ của Tuấn là trợ bút ở báo này chắc là phải theo đường lối của chủ, nghĩa là của Pháp,không thích hợp với chủ nghĩa quốc gia của người Việt Nam. Tuấn biết như thế nên rất thận trọng trong câu chuyện tiếp xúc với người bạn cũ.
Thời bấy giờ các nhựt báo ở Saigon phát hành vào khoảng 9 giờ đêm để bán đến sớm hôm sau, và toà soạn làm việc từ 5 giờ chiều, báo lên khuôn lúc 7, 8 giờ tối.
8 giờ, Tuấn gặp người bạn tại trước cửa toà soạn. Anh bạn trợ bút dắt Tuấn đi ăn " bánh đập " ở góc đường Frère Louis và uống xá xị. Ðường Frère Louis nay đổi tên là đường Võ Tánh, và tiệm bánh đập ở trên một khoảng đất trống khá rộng nay là chợ Thái Bình. Ðây là tiệm bánh đập có tiếng nhất ở Saigon thời bấy giờ, lúc nào cũng đông khách, người tới lui tấp nập. Loại bánh đập này là món ăn bình dân rất được dân chúng Saigon ham thích trước đây 30 năm, không hiểu vì sao ngày nay biến mất, không còn thấy ai bán nữa.
Tuấn và anh em trợ bút (nay gọi là ký giả) báo Công Luận, ngồi riêng một bàn nhỏ ở góc sân gần trong bóng tối. Vừa ăn, vừa nói chuyện về "quốc sự". Một đề tài bị người Pháp cấm ngặt thời bấy giờ, nên phải nói chuyện thì thầm lén lút, giữa đám đông người.
Câu chuyện kéo dài đến 10 giờ đêm, nhưng anh trợ bút báo " Công Luận " xem chừng không hăng hái chút nào đối với công việc dự định tổ chức một kỳ bộ Thanh niên VNQDÐ Ở Saigon. Anh ta nói thì hùng hồ lắm, nhưng lại nhát gan, không dám tham gia một cuộc phiêu lưu cách mạng nguy hiểm. Cuối cùng, anh ta định giới thiệu cho Tuấn một giáo sư bạn thân của anh, cũng là một người có "đầu óc ".
Tuấn gặp ông giáo sư, người Nghệ An, trước dạy trường collège de Vinh, bị đuổi vì tham gia các cuộc bãi khóa của học sinh năm 1927. Ông trốn vào Saigon, dạy tư tại " Trường tư thục Phan Bá Lân " và có tiếng là một tay " quốc sự " hăng hái nhất. Nhưng ông đã có chân trong một " hội kín " gọi là " Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội ". Ông công kích VNQDÐ, cho rằng QDÐ, " làm việc hồ đồ ", thiếu kỷ luật và tổ chức không chặt chẽ ". Thay vì hường ứng kế hoạch thiết lập Kỳ bọ Thanh niên VNQDÐ của Tuấn ông giáo sư lại muốn lôi kéo Tuấn về thành lập Kỳ bộ Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội tại thủ đô Bắc kỳ.
Tuấn từ chối và nhất định trung thành với VNQDÐ. Nhân dịp viếng thăm Saigon, Tuấn được hân hạnh quen biết thêm một vài bạn trẻ ở " Hội Kín Nguyễn An Ninh" và " Tân Việt Cách Mạng đảng ", hai Hội cách mạng mới thành lập.
Nhưng đời sống quá rộn rịp của " Kinh đô Ánh Sáng " không thích hợp với Tuấn chút nào cả. Mới ở được 5 hôm, một buổi tối Tuấn đi chơi về khách sạn, gặp anh bôì phòng ngồi trên chiếc ghế đẩu trước cửa vào. Anh bồi phòng cho Tuấn rõ có tên lính mã tà mướn phòng ở đối diện với phòng số 9 của Tuấn, và thừa lúc Tuấn đi vắng hẳn lẻn mở cửa phòng của Tuấn. Hắn có chìa khóa mở được phòng của Tuấn và lục soát đồ đạc của Tuấn để trong phòng. Ðồ đạc của Tuấn thì có chi ! Một chiếc va li cũ kỹ đựng vài bộ quần áo Tây và An nam. Ngoài ra Tuấn có đem theo một mớ tiểu thuyết Pháp ngữ và Anh ngữ để đọc trong lúc rảnh, và một quyển tự điển Larousse, một quyển tự điển Anh mới mua ở Saigon.
Tuấn không một chút lo ngại, và còn mong người lính mã tà khám xét thiệt kỹ phòng ngủ của chàng để thấy rõ rằng chàng không có gì khả nghi, và chàng là nột người hoàn toàn lương thiện. Nhưng chiều hôm sau, Tuấn hết sức ngạc nhiên nhận được giấy gọi đến Sở Mật Thám Pháp ở Saigon.
Tại đây một viên thanh tra Pháp xem căn cước của Tuấn rôì hỏi :
- Cậu là sinh viên ở Hà Nội, cậu vô Saigon có việc chi ?
Tuấn trả lời liền :
- Tôi vô Saigon để tìm việc làm.
- Ở Saigon không có việc làm cho cậu. Tốt hơn là cậu nên trở về Hà Nội.
- Tôi cũng định ở Saigon vài ba hôm nữa rồi trở về Hà Nội.
Viên thanh tra Mật thám Pháp ngó thẳng vào mắt Tuấn và truyền lịnh :
- Không, cậu phải mua vé xe lửa về Hà Nội ngay 7 giờ tối hôm nay.
- Thưa ông, tại sao tôi phải đi tối nay ?
- Không tại sao cả. Nếu cậu còn ở lại Saigon đêm nay, tôi sẽ cho lính mã tà đến bắt cậu.
Tuấn không có đồng hồ. Ngó lên vách tường, đồng hồ của phòng giấy mật thám đã 5 giờ 30, Tuấn chỉ còn 2 giờ để sửa soạn hành lý và mua vé về Hà Nội. Tuấn đi ăn cơm ở tiệm các chú, ra đến ga chỉ còn 5 phút. Tuấn vội vã mua vé và xách va li, len lỏi đám đông hành khách ra bến tàu.
Một tên lính mã tà đứng soát giấy căn cước ngay tại chỗ cửa. Sợ trể tầu, không muốn cho hắn xét giấy, Tuấn xách va li đi thẳng. Người lính mã tà gọi Tuấn lại, và chạy theo Tuấn vừa gọi :
- Ê ! Cậu kia !
Tuấn chỉ kịp bước lên tầu trong lúc Tàu suốt Saigon-Hà Nội hụ lên một tiếng chát tai và từ từ lăn trên đường sắt. Nghiêng đầu ra cửa sổ hạng tư ngó xuống bến, Tuấn còn thấy tên lính mã tà đứng hằn học chỉ ngón tay lên Tuấn, miệng chửi thề :
- Ð. mẹ mầy !
Trên đường về Hà Nội, Tuấn có ghé lại vài thành phố quen thuộc ở Trung Kỳ : Nha Trang, Qui Nhơn, Tourane, Huế.
Mỗi nơi Tuấn chỉ ở hai hôm, hoặc ba hôm, và tìm lại các bạn cũ để dọ hỏi về tình hình địa phương. Hầu hết các bạn cũ của Tuấn, cùng học trước kia ở Quảng Ngãi, Qui Nhơn, những cậu học trò tinh nghịch, phá phách nhất, bây giờ đã trở thành những thầy Thông, thầy Phán, thầy Ký, thầy Trợ Giáo - những công chức Nhà Nước, oai vệ trong bộ Quốc phục, khăn đen áo dài, hoặc đàng hoàng trong bộ âu phục theo thời trang.
Mới xa cách ba năm (1927-1930), mà không khí đã đổi khác rất nhiều. Phong độ học trò không còn nữa trên nét mặt của những người bạn cũ. Tuấn rất ngạc nhiên là chính những bạn hăng hái nhất trong cuộc bãi khóa năm 1927 và các cuộc hoạt động quốc sự, một khi đã từ giã ngưỡng cửa học đưòng, đã trở thành những người công chức hiền lành ngoan ngoãn nhất. Gặp lại Tuấn, họ rất niềm nỡ vui vẻ, mời Tuấn về nhà dùng cơm vơí họ, ở chơi với họ một vài buổi, săn đón hỏi han rất thành thật hăng hái về Việt Nam Quốc Dân Ðảng và cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái, về Nguyễn Thái Học, Nguyễn thị Giang v.v…
Với một chút hãnh diện rất tự nhiên của kẻ đã được may mắn chứng kiến vài biến cố quan trọng của Lịch Sử hiện đại ngay trên đất ngàn năm văn vật, ở Thăng Long huyền bí xa xưa. Tuấn thuật lại cho người bạn cũ nghe vài ba chi tiết đặc biệt về các hoạt động của VNQDÐ trong giới trí thức và sinh viên học sinh ở Hà Thành. Các bạn Tuấn nghe hồi hộp say mê, gần như bị kích thích mạnh bởi những chuyện mạo hiểm ly kỳ, dũng cảm của tuổi trẻ hăng say vì lý tưởng.
Nhưng đêm đã khuya, khi Tuấn bắt đầu đưa ý kiến nên tham gia trực tiếp vào những hoạt động cụ thể nhằm mục đích phụng sự Cách Mạng ở ngay địa phương, thì các người bạn, kiếm cách từ chối. Họ sợ công việc sẽ đổ bễ, họ sẽ bị giam cầm tù tội, sẽ mất " nồi gạo ", và sợ liên lụy đến cha mẹ, vợ con.
Sự thật Tuấn rất thông cảm với thái độ hoàn toàn thụ động của các công chức ăn lương của Nhà Nước Bảo Hộ, nên không dám hoạt động chống Nhà Nước Bảo Hộ. Họ không thể bạt mạng như hồi còn là học sinh. Bây giờ mỗi người là chủ một gia đình, có bổn phận và trách nhiệm đối với vợ con, nhiều khi với cả cha mẹ, anh em nữa, vì đa số công chức Việt Nam thuở ấy làm việc để nuôi cả một gia đình đông đảo, tuy tiền lương không được dồi dào rộng rãi.
Vấn đề lương bổng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của giới trung lưu. Trách nhiệm vật chất của người công chức đối với gia đình bên nội, bên ngoại là những trở ngại rất lớn cho lớp người trai trẻ có lý tưởng quốc gia, có chân tâm ái quốc, có chí hướng phụng sự cách mạng và tranh đấu cho độc lập tự do.
Hầu hết những bạn cũ có tâm huyết, đồng chí hướng với Tuấn lúc ở nhà trường đã từng mơ tưởng những giấc mộng phiều lưu mạo hiểm, muốn noi gương các bậc anh hùng trong Lịch sử, nuôi chí hồ-thỉ tang bồng, đều bị kẹt vào những hoàn cảnh thực tế và nhu cầu cần thiết của gia đình. Sau khi thi đỗ mảnh bằng Thành Chung, những thầy Thông, thầy Ký, các bạn ấy hưởng ứng sốt sắng và nhiệt thành khuyến khích, ủng hộ, nhưng chỉ trong tinh thần mà thôi.
Học đường đã đào tạo những cậu học sinh sinh viên tuấn tú, với một căn bản trí thức khá đầy đủ, vững vàng. Tổ quốc đã rèn đúc thành những chành trai có chí khí, có hoài bão, nhưng khi người bạn trẻ từ giã mái trường, thì gia đình lại đòi chàng về đễ phụng sự cho đời sống của gia đình trước đã.
Tuấn, vô tư nhận thấy rằng chính tình trạng " cầu an " của giới thượng lưu và trung lưu của xã hội An nam trước đây là nguyên nhân sự phát triển chậm chạp và khó khăn của các đảng Cách Mạng Quốc gia, mà đầu tiên là Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Trái lại, nhờ cuộc đi Saigon và lúc trở về ghé thăm mấy thành phố lớn của Trung Kỳ, Tuấn rất ngạc nhiên thu lượm những tài liệu bí mật chứng tỏ rằng Ðảng Cộng Sản Ðông Dương (Ðông Dương Cộng Sản Ðảng) đã bành trướng mau lẹ hơn và sâu rộng hơn trong giới đồng bào bình dân. Những cán bộ tuyên truyền Cộng sản đã chạm phải thái độ cầu an của các cấp Trung lưu, nên họ chỉ hoạt động mạnh trong các giới Công Nông mà thôi.
Nếu Cộng sản thành công hơn các đảng phái Quốc gia, chính là nhờ sự ủng hộ cuồng nhiệt của một số tín đồ trung kiên trong hai giới sau.
Về Hànội, Tuấn tường thuật rõ ràng cuộc du lịch vô Saigon và qua các tỉnh Trung kỳ cho các thanh niên đồng chí nghe. Tuấn kết luận như sau đây :
- Phải cải tổ chương trình hành động của VNQDÐ, làm cho thích hợp không những với hoàn cảnh của các giới thượng lưu và trung lưu, mà còn với giai cấp Công Nông nữa. PHẢI GẮT GAO TRANH DÀNH ẢNH HƯỞNG VỚI Đông Dương Cộng Sản đảng, vì chắc chắn sau này VNQDÐ sẽ phải đương đầu với Ðông Dương Cộng Sản đảng, VÌ HAI HỆ THỐNG LÝ TƯỞNG CHỐNG CHỌI NHAU TRÊN KHẮP CÁC PHƯƠNG DIỆN CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, ÐẠO ÐỨC, LUÂN LÝ, GIA ÐÌNH, XÃ HỘI.
Sự thất bại đau đớn của VNQDÐ do cuộc khởi nghĩa quá sớm mà chưa kịp chuẩn bị kỹ càng về mặt tuyên truyền chánh trị cũng như kỷ thuật cách mạng, là bài học kinh nghiệm cho các hoạt động kể tiếp sau này.
Nếu cần, nên giao hết cho thanh niên trí thức, sinh viên cao đẳng và cao đẳng tiểu học, nhiệm vụ cải tổ hệ thống tuyên huấn của Ðảng.
Nhưng ý kiến của Tuấn đưa ra không được chấp nhận. Một số người mới của VNQDÐ phần nhiều ở trong giáo giới thủ cựu, những người có thiện chí nhưng vẫn theo mực thước cũ, không quan niệm được một sự cải tổ cấp tiến, và nguy hại hơn nữa là họ có mặc cảm tự ái và tự tôn đối với tuổi trẻ của thế hệ đang lên.
Xem thành phần của nhóm người mới, Tuấn không thấy một người nào có thể so sánh được, dù chỉ được 5 phần 10, với Nguyễn Thái Học. Không có ai vừa cứng rắn vừa sáng suốt như Ký Con. Nói thật ra không sợ mếch lòng, trong nhóm người đứng ra tiếp tục tranh đấu cho lý tưởng VNQDÐ sau khi anh Học chết, cho đến 1939, không có ai xứng đáng làm một lãnh tụ, một chân chính lãnh tụ.
Anh em sinh viên học sinh, thanh niên trí thức, không tín nhiệm nơi những người này nữa. Họ phân tán, sáp nhập vào những đảng khác, nhất là vào nhóm Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội có khuynh hướng cộng sản. Và cũng bắt đầu từ đấy Cộng sản hoạt động mạnh hơn trước nhiều, còn VNQDÐ thì bị chìm dần cho đến thời Nhật thuộc mới phát động mạnh trở lại. Nhưng VNQDÐ về sau sẽ bị một số người lợi dụng và chia rẻ hàng ngũ, không còn phong độ Cách mạng thuần tuý của Nguyễn Thái Học và Ký Con.
Ngay từ 1931, sau cuộc Khởi nghĩa thất bại, cũng như một số thanh niên trí thức, văn sĩ, sinh viên cao đẳng, học sinh trường Bưởi, Tuấn không muốn để ai lợi dụng lòng yêu nước thuần túy của mình.
Tuấn nhận thấy rất rõ rằng hoạt động chính trị được phát triển chừng nào thì đảng phái chính trị lợi dụng chừng nấy. Những người lợi dụng là những anh hùng cá nhân bất tài bất lực, chuyên dùng thủ đoạn vặt để tranh dành nhau làm lãnh tụ, gây uy tín và quyền lợi cá nhân trên lưng các đồng chí.
Ðó là nhận xét chung của một số thanh niên trí thức đã tha thiết say sưa với lý tưởng VNQDÐ, nhưng đã thất vọng nhiều với lờp người lãnh tụ mới, sau 1930.

 

Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 27

1931

- Phong trào chấn-hưng Phật Giáo
- Ở Saigon
- Ở Huế
- Ở Hà-nội
- Châm ngôn " Phi cao đẳng bất thành phu phụ " của giới " tiểu thư lãng-mạn" Hà-thành.


Một hậu quả không ngờ của sự giác ngộ về chính trị, và tinh thần ái quốc phấn khởi của các giới chức Việt Nam, từ khi hai cụ Phan về nước và sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, là phong trào "Chấn hưng Phật giáo," bộc phát ở Saigon năm 1931.
Theo dõi các biến chuyển trong đời sống xã hội của Dân Tộc, Tuấn tìm hiểu đến tận gốc nguyên nhân cụ thể của các phong trào mới. Từ khi người Pháp đô hộ Việt Nam ta gần một thế kỷ, đạo Thiên Chúa đã gây được một thế lực khá rộng rãi và bành trướng khá mạnh. Ðồng thời đạo Phật bị hạn chế nghiêm khắc, bị khinh rẻ bởi triều đình Huế và bởi các quan An nam tôi tớ trung thành của Nhà Nước Bảo Hộ.
Nhưng từ năm 1920, ở Trung Hoa Dân Quốc đã nổi lên phong trào "bài ngoại " chống văn minh tây phương, do đó chống cả Thiên Chúa Giáo. Một cuộc vận động chấn hưng Phật giáo được cổ xuý khắp nước Tàu, khởi điểm từ Nam Kinh, do các nhà trí thức đề xướng. Cuộc vận động ấy tràn qua Việt Nam được một số các nhà lão Nho hưởng ứng. Nhưng uy quyền của Pháp đang mạnh, thế lực Thiên Chúa Giáo mà thực dân Pháp coi như Công Giáo, được che chở, kính nể, đang bành trướng khắp nơi, nên các cuộc vận động chấn hưng Phật Giáo ở Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa Dân Quốc năm 1920 đều bị ngăn trở và cấm đoán.
Phải đợi đến mười một năm sau, các trào lưu cách mạng làm xáo động tinh thần ái quốc của các giới trí thức ngấm ngầm đả kích các hình thức văn minh Pháp, lấy câu " bảo vệ Quốc hồn Quốc Tuý " làm châm ngôn cách mạng, đạo Phật mới gặp cơ hội thuận tiện để vùng dậy, bắt đầu từ Saigon, nhượng địa của Pháp.
Ngày Tuấn vào Saigon lần thứ nhất, cuối năm 1930, phong trào chấn hưng Phật Giáo đã được cổ động khá rầm rộ trên các mặt báo Saigon. Theo phong trào này, Tuấn thân hành đến chùa Linh Sơn, đường Douaumont (nay đổi tên là đường Cô Giang) là trụ sở của " Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội ", Tuấn được gặp vị trụ trì ở đây, Hòa Thượng Lê Khánh Hòa, vị Sư ái quốc, chủ trương chấn hưng Phật Giáo, và hội trưởng N.K.N.C.P.H.H.
Tuấn được Hòa thượng biếu một mớ Kinh Phật mới in xong. Hầu hết các nhân viên của Hội Phật Học này đều là cư sĩ, trí thức thượng lưu nam nữ, như đệ nhứt Phó Hội Trưởng Commis Chấn.
Phong trào Chấn hưng Phật Giáo ở Saigon được truyền bá ra Trung Kỳ rất mau chóng, và ngay năm sau, 1932, một Hội Phật Học được thành lập Huế, gọi bằng tiếng Pháp là : "Société d’ Encouragement à l’ étude de la Religion Bouddhique en Annam", viết tắt là S.E.E.R.B.A.
Tuấn không hiểu sao người ta lại đặt cho Hội một cái tên Pháp dài dòng như vậy : " Hội Khuyến học Phật Giáo Trung Kỳ ". Tại sao không rút ngắn lại thành hội Phật Học Trung Kỳ chẳng hạn, vừa giản dị vừa đầy đủ ý nghĩa hơn.
Tuấn tò mò hỏi một vài người bạn làm Tham Tá ở toà Khâm thì họ giải thích rằng : Nhà Nước Bảo Hộ sợ có những người lợi dụng danh từ " Hội Phật Học " quá rộng nghĩa để phát triển mạnh mẽ phong trào Phật Giáo, cho nên bắt buộc những người sáng lập Hội rút hẹp phạm vi hoạt động. Mục đích của Hội chỉ là "Khuyến Học" Phật giáo mà thôi.
Vì thế, cho nên hội S.E.E.R.B.A. chỉ được coi như là một hội khuyến học đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẻ của Chính quyền, theo những luật pháp bó buộc của chánh thế Bảo Hộ. Tất cả mọi hoạt động của Hội, dù là có tính cách hoàn toàn tôn giáo đều bị hạn chế trong khuôn khổ học Ðạo, và riêng trong lĩnh vực Trung Kỳ mà thôi.
Tuy vậy, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ và Trung kỳ vẫn ngấm ngầm truyền bá ra đất Bắc. Năm 1934, một số trí thức Phật tử có tinh thần bài Pháp và chống Thiên Chúa giáo, đứng ra lập một hội Phật Giáo Bắc Kỳ và tôn Sư Cụ Vĩnh Ngiêm ở Bắc Giang làm Pháp chủ. Hội quán của Hội được đặt tại chùa Quán Sứ, đường Richaud, Hà Nội. Hội lại mở một nhà in và nhà xuất bản.
Tạp chí Ðuốc Tuệ của Hội được khá đông tín đồ hoan nghênh.
Hội Khuyến Học Phật Giáo Trung Kỳ cũng xuất bản tại Huế một tạp chí Phật Học lấy tên là Viên Âm.
Tuấn học ở Hà Nội, nhận thấy rằng các phong trào Chấn Hưng Phật Giáo không được bành trướng mạnh, một phần vì bị luật pháp của Nhà Nước Bảo Hộ hạn chế, một phần vì chính các Hội kia không có đủ phương tiện phát triển. Ngân quỷ rất nghèo nàn với tiền cúng dường của số ít hội viên giàu.
Song song với phong trào Chấn Hưng Phật Giáo năm 1931 ở Saigon, một " Thông Thiên Hội " cũng được thành lập do một nhóm người chủ trương, ở đường Vassoigne, Tân Ðịnh. Tạp chí Niết Bàn của nhóm ấy phát hành cũng được giới tín đồ Phật giáo hoan nghênh.
Phong trào chấn Hưng Phật Giáo bồng bột trong những năm 1931,1932, 1933, 1934, xét kỹ ra thì chỉ thích hợp với những lớp trí thức từ 40 tuổi trở lên và có tinh thần chống Pháp tiêu cực, nhất là ngấm ngầm chống ảnh hưởng và uy quyền của Thiên Chúa Giáo, lúc bấy giờ được Chánh Phủ Bảo hộ rất kiêng nể. Ðồng thời các nhà Sư chủ trương phong trào ấy cũng có tinh thần ái quốc kín đáo, khéo che đậy dưới một cuộc hoạt động tôn giáo hoàn toàn vì Ðạo Pháp.
Những nhân vật nổi bật của Phong Trào Chấn Hưng Phật giáo là Sư Cụ Lê Khánh Hòa, trụ trì chùa Linh Sơn, Saigon và ông Commis Chấn. Hội trưởng và đệ nhất phó Hội trưởng Hội "Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội " - sau đổi là "Linh Sơn Nghiên Cứu Phật Học Hội " - Hòa thượng Thích Mật Thể và ông Lê Đình Thám, Y-sĩ Ðông Dương (médecin Indochinois) ở bệnh viện Trung ương Huế, Hội trưởng Hội S.E.E.R.B.A (Trung Kỳ Phật Giáo Khuyến Học Hội) và ở Hà Nội là ông Nguyễn Văn Vĩnh và Sư Tổ Vĩnh Nghiêm.
Về sau, Chính phủ Bảo hộ muốn kiểm soát phong trào Phật Giáo Bắc kỳ, đã tìm cách đưa ông Nguyễn Năng Quốc, tổng đốc hưu trí, vào làm Hội trưởng Hội Phật Giáo Bắc kỳ.
Tuấn, chàng trai trưởng thành trong thế hệ Nguyễn Thái Học, đầu óc bị kích thích quá mạnh, và tinh thần tò mò qúa độ, chuyện gì cũng muốn biết, muốn xem, muốn học hỏi, nhân đi Saigon để tính lập một Kỳ bộ Thanh Niên Việt Nam Quốc Dân Ðảng nhưng không thành, đã tìm hiểu về các đảng cách mạng khác, và đồng thời cũng ghé thăm chùa Linh Sơn.
Ði ngang Trung Kỳ, chàng ghé thăm Huế và viếng thăm chùa Từ Ðàm, chùa Bảo Quốc, chùa Linh Mụ, và gặp ông Lê Đình Thám.
Về Hà Nội, chàng tìm hiểu những hoạt động của Hội Phật Giáo Bắc kỳ ở chùa Quán Sứ.
Chàng nhận xét hai điều :
- Một là thanh niên không tham gia vào các phong trào này. Thấy trên bàn của chàng những tạp chí Ðuốc Tuệ (Hà Nội), Viên Âm (Huế), Niết Bàn của Hội Thông Thiên học Saigon, và các sách Phật của Hội Nam Kỳ. Nghiên cứu Phật học, nhiều bạn của chàng chế nhạo chàng là " gàn". " 21, 22 tuổi mà muốn đi tu " …
Vả lại, đối với đa số thanh niên không nghiên cứu đến Phật giáo, những tạp chí trên quả thật là khó hiểu. Chúng thuộc về các loại sách mà giới sinh viên học sinh thời bấy giờ gọi là "sách nhồi sọ" (bourrage de crâne). Chỉ có những kẻ ương ương, gàn gàn thích những triết lý vẩn vơ, mới đọc những sách báo nhồi sọ ấy.
Tuấn bị một số đông bạn bè liệt và hạng " cụ non " bất hủ.
Những ngày Rằm. Mồng Một hoặc những ngày Vía Phật, Tuấn đến chùa Quán Sứ chỉ thấy toàn là các cụ, các ông, các bà, với vẻ mặt thành kính, tin tưởng. Thỉnh thoảng mới có một cô thiếu nữ đi theo các bà cụ, nhưng để bưng các quả đèn hương, oản, chuối, để cúng nhà Chùa. Trên điện thờ, tượng Phật ngồi điềm nhiên, lặng lẽ, mắt nhắm như không muốn thấy cảnh tín ngưỡng nhộn nhịp chung quanh.
Các nhà Sư cũng vậy, không niềm nở sốt sắng, ông nào cũng có vẻ trầm ngâm, đạo mạo, như tách hẳn ra ngoài vòng thế tục.
- Hai, là Phật giáo như một thế giới riêng biệt, huyền mơ trong sương khói, không trực tiếp liên quan gì đến Ðời Người. Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo có lẽ vì thế mà không được bành trướng sâu rộng trong xã hội.
Tuấn suy nghĩ về tình hình tổng quát của Nước Nhà, nhận thấy rằng sau một cuộc chiến tranh, hay một biến cố rung rợn khủng khiếp như cuộc khởi nghĩa đầy máu lửa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở các tỉnh Bắc kỳ (người Pháp Albert de Pouvourville có viết một quyển sách nói về đêm khởi nghĩa ở Yên Bái, nhan đề là " La nuit rouge de Yên Bái) và cuộc xử chém Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí, lòng người dân Việt Nam đâm ra chán nản, tự nhiên quay về tìm Ðạo Từ Bi, Hỷ Xã để được yên tỉnh trong tâm hồn.
Những người đến chùa lạy Phật, không có quan niệm chen đua với đời, nên phong trào Chấn Hưng Phật Giáo chỉ có đôi chút nôn nao trong khung cảnh lặng lẽ của Nhà Chùa, ít có tiếng vang xao động ngoài trần thế.
Phái thanh niên, cả nam lẫn nữ, ở Bắc kỳ cũng như ở Trung và Nam kỳ, không những đã không tha thiết tham gia vào công cuộc trùng hưng Phật học, mà trái lại họ còn hùa theo các phong trào lãng mạn vừa chớm nở, sau 1931.
Tuấn cũng theo sát những biến cố gây ra phong trào này. Nói đúng hơn, đây là một cuộc phục hưng của phong trào lãng mạn (renaissance du courant romantique de 1925).
1925, Tuấn còn học ở Qui Nhơn, mới 13 tuổi chưa biết gì, hãy còn là một cậu học trò quê mùa, ngớ ngẩn, thì ở Hà Nội, trường Cao đẳng Ðông Dương (Université Indochinois) - Ðại học " lô can " - đang đào tạo một lớp sinh viên Tây học hoàn toàn theo ảnh hưởng văn học Pháp.
Một trong đám sinh viên trẻ tuổi ở lớp Sư Phạm, là Hoàng Ngọc Phách, có viết một quyển tiểu thuyết nhan đề là " Tố Tâm ". Ðó là quyển tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên, do nhà sách Nam Kỳ ở Bờ Hồ, xuất bản.
Trong lúc các sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội được trọng vọng và phong trào các cô
"tiểu thơ " khuê các chỉ ham lấy chồng Cao đẳng được lan tràn trong giới Nữ Lưu (Phi Cao đẳng bất thành phu phụ) thì tiểu thuyết Tố Tâm ra đời, vừa đúng lúc để đưa phong trào ấy lên đến tuyệt đỉnh.
Tác giả Song An Hoàng Ngọc Phách, sinh viên Cao đẳng Sư phạm, trở thành thần tượng của tất cả các cô gái Hà Nội, Tố Tâm thành quyển truyện đầu giường của toàn thể thanh niên nam nữ vào lứa tuổi từ 18,19 đến 30. Tố Tâm được bạn trẻ thế hệ 1925 hoan nghênh nhiệt liệt, chính vì nó là quyển truyện ái tình, trong đó diễn tả tình yêu của một sinh viên Cao đẳng, với một " tiểu thư " khuê các, tượng trưng cho những tình yêu lãng mạn trưởng giả thời bấy giờ.
Phong trào tiền lãng mạn (mouvement pré-romantique) của Tố Tâm còn dư âm đến những năm 1926-1930 thì bỗng dưng ngưng hẳn lại vì cuộc khởi nghĩa đẩm máu của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở các tỉnh Bắc Kỳ, và nhất là vụ 13 liệt sĩ QDÐ bị lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, tháng 6.1930.
Ngưng chỉ ngưng được 2 năm, thời gian Phật giáo muốn nổi lên dưới hình thức " chấn hưng và khuyến học " của các nhà tu sĩ lão thành nặng lòng vì nước muốn bảo tồn một truyền thống quý báu của Dân Tộc.
Lớp thanh niên trí thức lứa tuổi của Tuấn, chỉ theo dõi với nhiều thiện cảm phong trào Phật Giáo, như một phong trào có khuynh hướng bảo vệ " Quốc Hồn Quốc Tuý ". Nhưng họ không sốt sắng hưởng ứng những hoạt động tiêu cực mà tuổi trẻ cho rằng có tính cách yếm thế, có lý tưởng quá mờ mịt cao xa.

 

Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 28

1931

- Hoàng Tích-Chu và "Le Retour de France".
- Phong trào "Tiểu thư đi bộ".
- Hai tiệm khiêu vũ đầu tiên mở ra ở Hà Nội.
- Phản ứng của báo chí và dân chúng.
- "Tiểu Thư Tân Thời" và các bài danh ca của ca sĩ Pháp Tino Rossi.
- Hội Ái Tino, phố hàng Bún.


Giữa lúc đó, vài phần tử thanh niên trí thức du học ở Pháp về khoảng năm 1930 nhưng có những lý tưởng khác nhau, đã biến đổi nếp sống thầm lặng, còn đầy cổ điển của Hà Nội, thành một không khí lãng mạn hoàn toàn mới hẳn.
Tuấn tìm cách tiếp xúc với những phần tử ấy, cốt để hiểu họ. Một phần vì tính tò mò của Tuấn, muốn học hỏi những mới lạ của những người đáng tuổi anh mình đi du học từ Pháp mới về, một phần vì những phong trào do họ gây ra đã làm sôi nổi dư luận của người Hà Nội. Những thanh niên du học ở Pháp mới về, được gọi chung bằng một danh từ
"Retour de France ".
Một buổi sáng mùa hè, một tờ tuần báo mới ra đời, một lối trình bày độc đáo, khác hẳn tất cả các báo xuất bản từ trước ở Hà Nội, Huế, Saigon, và được giới sinh viên, học sinh hoan nghênh nhiệt liệt. Ðó là tờ Ðông Tây mà chủ nhiệm kiêm chủ bút là Hoàng Tích Chu. Vừa trông thấy tờ Ðông Tây, manchette in đỏ tươi, treo bán sau tủ kiếng tiệm sách Nam Kỳ ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Tuấn vội vàng mua ngay một tờ (lúc bấy giờ ở Hà Nội không có các sạp báo trên lề đường. Các tuần báo được treo sau tủ kiếng các tiệm sách và bán trong tiệm. Báo hằng ngày, chỉ có ba bốn tờ, được tụi con nít ôm đi bán rong).
Tờ Ðông Tây không những khác biệt các tuần báo trong xứ bằng cách trình bày các mục, mà khác cả ở lối viết văn. Ấn loát tinh vi, tiến bộ hơn nhiều. Văn viết rất gọn gàng, câu văn ngắn chứ đựng đầy đủ ý nghĩa, không dài lê thê như trong các sách báo hiện hành.
Tuấn say mê đọc những đoạn văn như sau đây trong một số báo Ðông Tây, của Hoàng Tích Chu :
"Ðông Tây không gặp nhau " Rudyard Kipling nói đúng, nhưng không đúng hẳn. Ðông trọng về tinh thần, Tây quá trọng về vật chất. Nhưng Ðông Tây đã gặp nhau. Tinh thần vật chất hòa hợp. Triệu chứng loài người tiến bộ …"
Ðó, một mẫu văn của Hoàng Tích Chu. Ít khi một câu dài quá một dòng. Những ý tưởng cô đọng trong những chấm và phết. Tuấn có đến thăm Hoàng Tích Chu một buổi sáng tại toà soạn báo Ðông Tây, với tư cách một độc giả trẻ tuổi có nhiều cảm tình. Cảm tình vì trong lúc hầu hết thanh niên trí thức An nam đi du học bên Pháp đều học làm bác sĩ, trạng sư, kỹ sư, thì Hoàng Tích Chu và Ðỗ Văn, bạn của anh, ở Paris mấy năm học nghề nhà in và viết báo. Ðỗ Văn về một lượt với anh và cùng anh hợp tác mở tờ Ðông Tây để thi thố kỹ thuật mới về ấn loát và văn nghệ.
Hoàng Tích Chu là một nghệ sĩ tài hoa, phong nhả. Rất tiếc đời anh quá ngắn ngủi. Thời gian làm Chủ bút báo Ðông Tây, anh không giàu, nhưng anh được tình yêu trung thành cảm động của một Kỹ Nữ ở Khâm Thiên, lừng danh khắp Bắc kỳ và Trung kỳ : cô Ðốc Sao.
Cô Ðốc Sao, xưa kia, là một ả đào có giọng hát trong như ngọc, gương mặt đẹp như tiên, nụ cười " nghiêng nước nghiêng thành "đã làm sụp đổ biết bao nhiêu gia tài của khách làng chơi sang trọng. Những công tử, công tôn từ các nơi tìm đến, những Quan lớn từ Huế và những Ðốc Phủ Sứ từ Saigon Lục tỉnh ra, say mê giọng hát và nụ cười của cô, có khi ăn dầm nằm dề ở nhà cô cả tháng. Nhưng không bao giờ cô ban cho ân huệ tối hậu như họ thèm thuồng van lơn. Ấy thế mà cô yêu Hoàng Tích Chu, một văn sĩ nghèo, một nhà báo kiết. Và cô say mê anh, xin làm vợ anh, lo tươm tất cho đời sống của anh, cho cả tờ báo của anh.
Một hôm Tết, Tuấn nhận được thiệp của cô Ðốc Sao :
Madame Hoàng Tích Chu.
Chữ " Madame "đó khiến cho Tuấn vô cùng cảm động. Khi anh Hoàng Tích Chu đã qua đời, danh thiếp của cô Ðốc Sao đổi lại :
Mme Veuve Hoàng Tích Chu
(Bà quả phụ Hoàng Tích Chu) và một băng tang trên góc.
Hoàng tích Chu là người đã tạo ra phong trào lãng mạn Văn nghệ I -1930-1932, rồi sau đó mới kế tiếp nhóm Phong Hóa của Nguyễn Tường Tam và các nhóm Thi Văn sĩ lãng mạn từ 1932 trở về sau.
Ðồng thời, một nhóm khác gây được phong trào lãng mạn trong giới thể thao phụ nữ, và tổ chức rầm rộ một cuộc phụ nữ đi bộ từ Hà Nội xuống Hải Phòng.
Một số trên mười cô, phần đông là nữ sinh " tân thời " hưởng ứng phong trào và được các hội thể thao các tỉnh ở dọc đường đón tiếp long trọng mỗi khi đoàn bộ hành đi tới một thành phố nào. Từ Hà Nội đến Hải Phòng đường dài 100 cây số. Ðể chứng tỏ rằng các cô thuộc về thế hệ thiếu nữ tân tiến và đính chánh danh từ " phái yếu ", mặc dầu các cô chân yếu tay mềm các cô quyết định đi bộ hết con đường thiên lý ấy. Nhưng các cô đi mất ba ngày mới đến đích.
Vài ba cô bỏ cuộc ở dọc đưòng, vì đi không nổi nữa. Các cô khác đến Hải Phòng đều mệt lả, phải trở về Hà Nội bằng xe lửa.
Phong trào này được dân chúng và nhất là giới thanh niên cả nam lẫn nữ theo dõi với một nụ cười chế nhạo. Người ta đặt ra danh từ " tiểu thư đi bộ " rất được thông dụng với ý nghĩa khôi hài. Một giáo sư Thiên Chúa Giáo, rất giỏi về tiếng La Mã và Hy Lạp, nhưng phải tính hơi gàn gàn, Pétrus Lê Công Ðắc, có viết ra một hài kịch nhan đề là " Tiểu thư đi bộ ", suýt bị mấy cô đón đánh ngoài phố.
Dư luận chung của đồng bào các giới thì chê cười rằng : "có lẽ mấy cô tiểu thư kia, con nhà quyền quý, ít có dịp đi bộ cho nên mới cho rằng việc đi bộ là mới lạ, và cổ động rùm beng, chứ chị em thôn nữ đi bộ hằng ngày từ xưa đến nay có cần cóc gì phong trào 'tân tiến lãng mạn'đó đâu."
Cuộc " tiểu thư đi bộ " chỉ gây được một tiếng cười mỉa mai chứ không có ảnh hưởng gì đến đời sống của các cô gái được gọi là " tiểu thư tân thời ".
Tuấn theo sát các phong trào của thời đại, nhận xét rằng danh từ " tiểu thư " có ý nghĩa rõ rệt là chỉ có các thiếu nữ con nhà trâm anh thế phiệt, phần nhiều là con các quan, hoặc con nhà giàu, mới tham gia các phong trào lãng mạn mới nẩy nở, chỉ sốt sắng theo các cải cách về y phục (kiểu áo mới, giầy cao gót v.v…). Hầu hết con gái bình dân và trung lưu đều bảo thủ nề nếp nho phong cổ cựu.
Ðồng thời ở Khâm Thiên, ngoại ô Hà Nội, Tuấn thấy mở ra hai tiệm khiêu vũ đầu tiên, hai thanh niên du học ở Pháp mới về. Một tiệm do người em cô Ðốc Sao làm chủ, tên là Vũ Ðình Hải, và một tiệm do một chàng có cái tên " lãng mạn " là Jean Dod Khang. Những vũ nữ đầu tiên của hai tiệm này phần nhiều là các cô ả đào.
Hai tiệm " nhẩy đầm " vừa mở ra, lôi kéo được một số công chức làm thông phán ở Phủ Toàn Quyền, phủ Thống Sứ, hoặc ở các công sở khác, phần nhiều là những ông ăn lương cao, và chưa có vợ. Giới giáo sư và sinh viên chưa muốn đến các nơi này, trừ những người du học ở Pháp về.
Các báo mở ra một trận bút chiến khá sôi nổi chung quanh đề tài :" Người An nam có nên khiêu vũ không ?". Một số dư luận đông đảo đều kịch liệt công kích môn nhẩy đầm. Trái lại, có những bài rất tán thành khiêu vũ, và tác giả đã viện ra những lý do về nghệ thuật, coi đó là môn giải trí tao nhã của văn minh Tây phương.
Ðại đa số sinh viên, học sinh, đều công kích khiêu vũ. Nhưng dần dần chính nhiều cậu sinh viên đã công kích hăng hái nhất lại bị lôi cuốn mau nhất bởi cái mà trước kia họ cho là đồi phong bại tục.
Tuấn là một trong số sinh viên " muốn tập " nhẩy đầm thử xem sao, và Tuấn đã thường đi nhẩy những bản Tango, Fox-trot, Valse, cùng vài người bạn, trong những tối chủ nhật.
Phong trào khiêu vũ bị công kích mỗi ngày một kịch liệt, nhưng nó vẫn lan tràn mỗi ngày mỗi mạnh trong giới thanh niên trưởng thành từ 21, 22 tuổi đến 40 tuổi.
Tuấn nhận thấy rằng trong vài năm đầu, vũ nữ toàn là những cô ả đào hoặc những cô gái làng chơi. Giới nữ sinh dù là phái tiểu thư tân thời, vẫn còn tránh xa các vũ trường. Thành kiến khiêu vũ là bất lương, là đồi phong bại tục vẫn còn ăn sâu trong quan niệm của phụ nữ Hà Nội thời bấy giờ.
Tuy nhiên, để bù lại, các cô đã bắt đầu say mê " nhạc cải cách " danh từ rất thông dụng để chỉ về tân nhạc, theo điệu những bài hát Tây. Tài tử ca sĩ Pháp được các giới thanh niên nam nữ, nhất là nữ, mê say lúc bấy giờ là Tino Rossi.
Khắp các thành phố Hà Nội, Nam Ðịnh, Hải Phòng, và sau đó tràn lan vào Huế, Saigon, Mỹ Tho, Cần Thơ, ở các thành phố lớn số đông các cô " tiểu thư tân thời ", các bài hát của Tino Rossi được phổ biến rất nhanh. Ở Hà Nội, đi đường nào Tuấn cũng nghe các cô hát : "J’ai deux amours, mon pays et Paris - Je t’aimerai toujours - C’est à Capri que je l’ai rencontrée, v.v…"
Một hôm, Tuấn được một cô bạn học cùng lớp đưa đến một căn gác trọ ở Rue des Vermicelles, nơi tụ họp của " Hội Ái Tino", gồm toàn các nữ sinh viên yêu Tino Rossi, thờ Tino như một thần tượng. Các cô nhóm họp mỗi tuần một lần, tối chủ nhật, để hát những bản của Tino Rossi, dưới một bức ảnh của Tino đẹp trai rọi lớn và lồng kính đóng khung vàng.
Tuấn đuợc các cô cho biết rằng "Hội Ái Tino " không nhận hội viên đàn ông con trai, vì các cô chỉ " thờ " người đàn ông duy nhất là thần tượng của họ.
Số hội viên của Hội Ái Tino không quá 20 người. Tuấn được giới thiệu đến đây là một trường hợp đặc biệt, nhưng không nhận vào Club (thường các cô gọi bằng tiếng Pháp lai Anh Việt Pháp là : Club Ái Tino). Vả lại, Tuấn không thích hát và cũng không phải là một " admirateur " của Toni Rossi.
Quyển tiểu thuyết Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách đã mất thời gian tính và đã bị các phong trào lãng mạn mới vượt qua. Tiểu thuyết ái-tình lãng mạn bán chạy nhất trong thời kỳ 1930-1932, là quyển Tuyết Hồng Lệ Sử dịch của Tàu, và quyển Mồ Cô Phượng. Ngày nay, ít ai có nhớ tên tác giả.

 

 

Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 29

1932

- Một vụ ngoại tình làm sôi nổi dư luận Hà nội đến cực điểm.
- Phụ nữ Huế chống phong trào lãng mạn của phụ nữ Hà nội.
- Hội kín cách mạng nẩy nở ở Trung kỳ.
- Cộng sản nổi dậy lần đầu tiên ở Nghệ An và Quảng Ngãi.
- Lính " lê dương " của Tây từ Hà nội vào, tiêu diệt phong trào Cộng sản.
- Khác biệt giữa Cộng sản Trung kỳ, Cộng sản Bắc kỳ và Nam kỳ.


Tuấn có một người bạn thân quê ở Quảng Nam, anh Phan Thanh, nguyên là Trợ giáo, dạy tại trường Thăng Long ở góc phố Hàng Cót (rue Takou) và phố Cửa Bắc (boulevard Carnot). Một trường cao đẳng Tiểu học dạy thi " diplôme d’études primaires supérieures (trung học đệ nhất cấp) lớn nhất ở Hà Nội. Phan Thanh giới thiệu Tuấn vào dạy trường này. Tuấn dạy mỗi tuần 2 giờ Pháp văn ở lớp đệ nhị niên, vài giờ ở đệ nhất niên.
Tuấn mặc bộ đồ tây xấu xí bằng vải nội hóa, bị học trò chế nhạo là " thầy giáo quê mùa ".Tuấn lại có thói hút thuốc Mélia nhiều quá, nên bị học trò đặt cho cái tên riêng là Monsieur Mélia. Nhưng từ hôm chàng giảng cho học trò bài "Le petit Gavroche" trích trong bộ "Les Misérables" của Victor Hugo, học trò hết chế nhạo Tuấn và trái lại thương Tuấn lắm.
Dân chúng Hà Nội lúc bấy giờ đang bàn tán xôn xao về vụ ông phán sở Bưu điện ngoại tình với một bà giáo sư, vợ của một ông phán cùng sở, bạn thân của ông. Những chuyện " bạn và vợ " không phải là hiếm ở xã hội An nam bất cứ ở thời đại nào, nhưng vụ " Th.Kh.Th " sở dĩ gây ra dư luận vô cùng sôi nổi không riêng ở Hà Nội, mà cả xứ Bắc kỳ, là vì bộ ba này là những nhân vật cao cấp trong hành chánh, mà người đàn bà ngoại tình lại rất có tiếng trong giới trí thức nữ lưu. Người chồng bắt được đôi gian phu dâm phụ trong một tòa nhà ở miền duyên hải. Do đó, vụ tai tiếng nổ bùng ra, làm rùm beng, gây vang dội khắp các giới trong xã hội.
Ngay trước cửa trường Thăng Long, có một nhà cho thuê xe đám ma, chủ nhân tên là Louis Chức (ông này thời Việt Minh đổi tên là Lưu Chức). Muốn lợi dụng cơ hội để quảng cáo cho cơ sở của ông, Louis Chức bèn tổ chức một cuộc dàn cảnh để đả kích vụ ngoại tình " bạn và vợ " kia. Ðề tài của cuộc biểu diễn là " voi dày ngựa xé ", mà ông chủ cho thuê xe đám ma thực hiện bằng cách buộc nơi bốn chân ngựa và voi của ông cái hình nộm đôi gian phu dâm phụ. Voi và ngựa bước đi là hai hình nộm đó bị xé ra tơi bời. Dân chúng các đường phố đổ ra xem cảnh "voi dày ngựa xé " của Louis Chức, bêu xấu đôi gian phu dâm phụ của giới trí thức Hà thành. Học trò lớp Pháp văn đệ nhị niên của Tuấn xin Tuấn cho làm một bài luận về đề tài thời sự hấp dẫn đó. Một dịp để đám học sinh 16, 17 tuổi đua nhau mạt sát vụ đồi phong bại tục và đề cao tinh thần đạo đức Á đông.
Bên cạnh đám thanh niên trí thức " retour de France " gây ra phong trào lãng mạn 1932 được giới tiểu thư tân thời huà theo hăng hái, có một nhóm khác gồm mấy chàng trai trẻ có óc khôi hài, tìm cách chế nhạo và mỉa mai lớp phụ nữ gọi là " tân tiến " kia, và những kẻ đàn ông lợi dụng phong trào.
Họ đặt ra một câu lạc bộ " những người ghét đàn bà " mà họ gọi bằng tiếng Pháp là
"club des misogynes " và xuất bản một tờ tuần báo bằng Pháp văn in bằng mực tím, khác hẳn các tuần báo khác về phương diện kỹ thuật, trình bày cũng như nội dung.
Một trong đám thanh niên " nghịch ngợm " này cũng vừa du học ở Pháp về, có mở một tiệm sản xuất mũ theo phương pháp Âu tây. Chàng ký tên là Ch.Mau’s, mà Tuấn nghe nhiều người nói tên thật là Chu Mậu. Tuấn đọc tờ báo "Les Misogynes" cảm thấy thích thú vì lời văn trào phúng theo lối Pháp khá hấp dẫn. Nhưng tờ báo chỉ ra được một vài số rồi chết, có lẽ vì không được đa số bạn trẻ hoan nghênh.
Tuấn theo dõi các phong trào lãng mạn bành trướng ở Hà Nội trong lãnh vực văn nghệ, báo chí, thể thao, phụ nữ, phong tục, hầu hết đều do đám thanh niên trí thức du học ở Pháp về đề xướng, Tuấn có nhiều cơ hội làm quen với các bậc đàn anh này, và tìm hiểu họ. Nhưng chàng cảm thấy giữa họ và thanh niên trí thức trong nước, kể cả sinh viên trường Cao đẳng Ðại học Ðông dương ở Hà Nội, vẫn có một cách biệt sâu rộng khó dung hòa với nhau.
Trí thức trong nước dù có học cao học giỏi đến đâu chăng nữa, dù hấp thụ rất nhiều văn minh Âu Tây, vẫn giữ vẹn nề nếp nho phong của dòng giống Việt Nam. Trái lại, số đông trí thức du học ở Pháp về thường có mặc cảm tự tôn, hãnh diện rằng họ đã sống bên Pháp, nguồn gốc của cái văn minh mà người An nam ở " bổn xứ "đang tìm tòi học hỏi. Họ vẫn tỏ vẻ khinh trí thức ở nhà, cho đến đỗi một trong số bạn trẻ "Retour de France", Nguyễn Mạnh Tường, Tiến sĩ Văn chương Pháp, viết trên một tờ báo Pháp văn ở Hà Nội đã gọi đám thanh niên trí thức An nam là " primaires " (tiểu học) và đã gây ra một cuộc bút chiến khá kịch liệt giữa Nguyễn Tiến Lãng với một thanh niên trí thức Hà Nội.
Phong trào lãng mạn bộc phát từ 1932 tại Hà Nội không được bành trướng ở Trung Kỳ.
Khác với Hà Nội, các cô con gái nhà quý tộc ở Huế đông hơn nhiều, và đa số xuất thân từ trường Nữ Trung Học Ðồng Khánh, nhưng vẫn giữ tinh thần giáo dục Á đông. Họ không thích hùa theo các phong trào " tiểu thư tân thời " của lớp gái mới Hà Nội. Nhiều bài thơ Ðường luật, hoặc Cổ phong, đăng trong báo Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, mỉa mai các " cô tân thời rỡm ", phản ảnh trạng thái tinh thần cổ kính ấy.
Sự hiện diện của cụ Phan Bội Châu, "ông già Bến Ngự " mà ảnh hưởng tinh thần hãy còn sâu rộng trong xã hội đế đô, còn bảo đảm cho đạo đức Việt Nam. Tuy cụ không còn hoạt động gì được nữa, nhưng cụ vẫn được toàn thể dân chúng, kể cả giới quan lại trong Triều đình An nam, coi như một thần tượng còn sống mà mọi người, nhất là giới trí thức tân cũng như cựu, đều tôn sùng.
Vì vậy, các phong trào lãng mạn ở Bắc kỳ, không xâm nhập được ở Huế và các thành phố lớn như Vinh, Tourane, QuiNhơn, Nha Trang.
Nếu thỉnh thoảng có một số gái mới y phục và hành động lố lăng, thì đó là thuộc giới ít học, hoặc gái làng chơi mà thôi. Sự cách biệt giới phụ nữ trí thức và loại gái tân thời rỡm rất là rõ rệt.
Trái lại phong trào " hội kín ", tức là các hoạt động cách mạng bí mật chống Pháp, lại bành trướng ở Trung kỳ, từ 1930 mạnh hơn lúc nào hết.
Phong trào này chia ra làm hai loại có tính cách khác nhau hẳn.
Loại tiểu tư sản (petite buorgeoise) gồm đa số các thầy trợ giáo, tức là giáo sư đệ nhất và đệ nhị cấp, và thông phán (công chức các công sở Bảo hộ). Những phần tử này có tinh thần quốc gia thuần tuý, thường gia nhập vào đảng Tân Việt, hoặc Việt Nam Phục Quốc Hội, nhưng hoạt động dè dặt.
Trái lại, loại bình dân, gồm đa số phú nông và điền chủ, nhất là bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, hoạt động lại cuồng nhiệt theo đảng Cộng Sản Ðông Dương.
Năm 1930, cộng sản nổi dậy đầu tiên tại phủ Ðô Lương (Nghệ An) và các phủ huyện Mộ Ðức, Ðức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), thành một cuộc nổi loạn đầy máu và lửa vô cùng khủng khiếp. Ở Quảng Ngãi, người cầm đầu vụ này là Nguyễn Nghiêm, người anh con ông bác của Tuấn.
Thoạt tiên nghe tin này, Tuấn hết sức ngạc nhiên. Tuy học ở Hà Nội, Tuấn không có dịp gần gũi người anh họ, nhưng biết anh từ thuở thiếu thời, và thỉnh thoảng trong thời kỳ đi học xa Tuấn được về nghỉ hè một vài tháng ở quê nhà vẫn thường gặp Nguyễn Nghiêm.
Chàng tuyệt nhiên không ngờ người anh họ nhà quê đó lại là một tay cộng sản, hơn nữa, là người cầm đầu cuộc nổi loạn cộng sản Quảng Ngãi năm 1930.
Nguyễn Nghiêm là con trai độc nhất, tuy là con thứ mười của ông Nguyễn Tuyên, Tú tài Hán học ở làng Tân Hội, huyện Ðức phổ, Quảng Ngãi. Ông tú đã bị 5 năm tù ở Côn Lôn sau phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. Mãn hạn tù, ông về làng dạy học và làm nghề đông y.
Sau khi ông qua đời, Nguyễn Nghiêm làm nghề thuốc tập sự, nối nghiệp cha. Anh vào trạc 30 tuổi, người mảnh khảnh, hiền lành và ít nói. Anh hoàn toàn là một chàng trai ở thôn quê, biết chữ Hán qua loa như những chàng trai khác ở trong làng.
Theo lối phân chia giai cấp của cộng sản thì anh thuộc về thành phần đại điền chủ, giàu ruộng đất nhất trong làng, vì anh thừa kế hai gia tài hương hỏa của ông nội và của cha.
Tuấn không biết Nguyễn Nghiêm theo cộng sản từ bao giờ. Chàng chỉ nhớ rằng năm 1929 ở Hà Nội về quê nghỉ Hè, chàng được gặp Nguyễn Nghiêm một lần khiến chàng vô cùng ngạc nhiên. Nghe Tuấn ở Hà Nội về, Nghiêm đến thăm, và đưa Tuấn xem hai quyển sách bằng chữ Pháp :
"De L’ impérialisme" của Boukharin, và "Le Marxisme et le problème national" của Staline.
Nghiêm không hiểu tiếng Pháp, nhờ Tuấn dịch dùm ra chữ quốc ngữ. Sau khi đã xem hết hai quyển sách trong hai ngày, Tuấn từ chối việc dịch, vì chỉ nghỉ ở quê nhà được có 15 ngày, không có thì giờ. Nhưng Tuấn ngạc nhiên thấy Nghiêm có hai quyển sách cộng sản bằng Pháp văn. Ngoài ra, Nghiêm không hề nói chuyện gì về Chủ Nghĩa Cộng Sản mà anh cho là một hình thức của Chủ Nghĩa Quốc Gia. !
Cuộc hoạt động bí mật của Cộng sản trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, đặt biệt trong giai cấp tư sản nông thôn, đã thành công. Và đây là một điều rất lạ, hầu hết những đảng viên sốt sắng tham gia vào đảng Cộng sản Quảng Ngãi, đều là các điền chủ, các địa chủ khá giả trong thôn quê. Dĩ nhiên, thiểu số nhà đại phú, đaị thương gia hoặc quan lại đều không tham gia vào đảng, nhưng chính những kẻ gọi là " bần cố nông " nghĩa là những người cày thuê gặt mướn, nhưng nông dân không có ruộng đất, lại cũng đứng ngoài phong trào cộng sản. Hoặc họ chỉ ủng hộ suông mà thôi, chứ không đóng vai trò trọng yếu trong các cuộc hoạt động của đảng. Ðây là Tuấn nhận xét khách quan về tính chất mâu thuẫn của cộng sản Quảng Ngãi năm 1932, lúc mới phát khởi phong trào.
Một đêm không trăng, muà Hè 1930, vào khoảng giữa canh một, cộng sản nổi dậy khắp các phủ, huyện tỉnh Quảng Ngãi. Ở huyện Ðức Phổ, cuộc khởi loạn bùng dậy ở làng Tân Hôị, quê của Nguyễn Nghiêm, vào lúc 8 giờ đêm. Cộng sản tụ họp hàng ngàn người tại một gò đất cao và đốt đuốc sáng rực cả một góc làng, nổi trống và mõ inh ỏi.
Họ bắt giết, chặt đầu bằng dao và rựa, những người làm việc " cho Tây ", trong số đó có một Phó Tổng, một người lính " phú lít " - cảnh sát - đã về hưu trí, và một ngươì nữa trong làng. Mấy người này chạy trốn ra ruộng, bị cộng sản đuổi bắt được và chặt làm ba khúc. Xong, họ kéo nhau đi xuống Huyện. Ðường quan lộ từ làng Tân Hội xuống huyện lỵ Ðức Phổ dài đến 10 cây số, họ cầm đuốc đi bộ, ào ạt một đoàn dài, đi lộn xộn không có trật tự, la hét om sòm.
Một cây cờ đỏ búa liềm của Nga Sô đi tiền phong. Trong đoàn có cả một số đàn bà con gái, tất cả đều cắt tóc cụt và mặc áo quần bà ba đen. Vợ Nguyễn Nghiêm, chỉ huy đám phụ nữ. Họ khiêng theo những thùng nước chè tươi, để giải khát, và mang đủ thứ khí giới của nông dân : dao, rựa, mác, và những cây củi, cây đòn xóc. Qua mỗi làng, mỗi xã, đều có những đoàn người khác gia nhập vào, khi đến huyện lỵ thì số cộng sản nổi loạn lên đến 4 ngàn người. Họ hò hét, diễn thuyết, xúi dục dân chúng theo họ, ùa vào đốt huyện đường, và lùng bắt ông Huyện. Nhưng ông này đã trốn thoát.
Ở các phủ huyện khác cũng đều có xẩy ra cuộc biến loạn y như ở huyện Ðức Phổ, do Nguyễn Nghiêm cầm đầu.
Nhưng cộng sản chỉ làm chủ tình hình được một đêm đầu đó thôi. Mấy hôm sau, người Pháp đem lính Lê dương (Légionnaires) mà phần đông là người Malgaches và Sénégalais chiếm đóng các phủ huyện và nhiều làng.
Tại làng Tân Hội, sau vụ biến loạn cộng sản, lính về đóng ngay tại nhà ông Nguyễn Hiền, một vị Thượng thư đang nhậm chức ở Triều Ðình Huế. Người anh ruột của ông này, ông Chủ Cát, một cụ già 70 tuổi, đã thoát khỏi nạn cộng sản, nhờ ông đã trốn được kịp thời dưới bờ suối trước nhà ông trong đêm biến loạn.
Cuộc đàn áp bắt đầu. Nguyễn Nghiêm trốn tại nhà một đảng viên cộng sản, bị bắt và bị xử tử hình trên bờ sông Trà Khúc. Hầu hết các đảng viên cộng sản bị đưa đi các nhà lao Ban Mê Thuột và Lao Bảo.
Ở Tân Hội, số cộng sản bị bắt lên đến hai phần ba dân số. Nhiều nhà bị đốt.
Mấy tháng sau, Tuấn ở Hà Nội về thăm nhà và xem xét tình hình, còn thấy lác đác đó đây những cột cháy đen thui đứng chơ vơ trên những nền nhà hoang phế, bị thiêu huỷ tan tành. Nơi đây, trước kia, là những nhà cao cửa rộng của những ông Hương, ông xã, đã vô tình theo cộng sản.
Tất cả các nhà trong mỗi xóm đều bị rào bít chung quanh chỉ còn chừa một lối đi duy nhất trong xóm. Những chòi canh cao độ 10 thước, được dựng lên trước các đình và các cổng làng. Tất cả dân làng còn sót lại đều phải đi canh gác ban đêm.
Một tiểu đội lính Lê dương được đưa từ Hà Nội vào, đóng tại huyện Mộ Ðức, cách làng Tân Hội 5 cây số. Viên quan Ba Pháp đóng bản doanh tại trường Sơ Ðẳng Tiểu Học, gần huyện. Quan Ba Pháp cần giao thiệp với các hương lý các làng đến báo cáo tin tức hàng ngày, nhưng ông không nói được tiếng An nam và không có thông ngôn. Ông phải nhờ viên Tri Huyện sở tại nhưng ông Huyện lại không biết tiếng Tây. Viên quan Ba liền làm giấy xin đổi viên Tri Huyện, và đề cử thầy Trợ giáo hiệu trưởng trường tiểu học lên làm Tri Huyện. Thầy Trợ giáo đó lại là thầy học cũ của Tuấn. Hôm Tuấn ở Hà Nội về thăm nhà, ghé qua Huyện để vấn an thầy, lính không cho Tuấn vào. Tuấn lấy giấy viết mấy giòng :" Tuấn, học trò cũ của thầy, nhân dịp ở Hà Nội về thăm nhà, xin được hân hạnh vào thăm thầy ".
Tuấn chờ ngoài cổng. Mười lăm phút sau, người lính ra bảo Tuấn :
- Quan lớn bận việc, không tiếp cậu được.
Tuấn mỉm cười, lặng lẽ quay ra đi.
Thầy Trợ giáo được viên Quan Ba Pháp chỉ huy đồn lính lê dương, cho lên làm Tri Huyện, để làm thông ngôn cho ông luôn thể, nghiễm nhiên trở thành một vị Quan lớn oai quyền hống hách. Cả Huyện đều khiếp sợ quan. Nhưng, sau đó, loạn cộng sản đã được dẹp yên, đoàn lính lê dương được rút về Hà Nội và quan Ba cũng từ giã đất Mộ Ðức, thì Quan Huyện thông ngôn của ông cũng bị cách chức luôn. Hình như quan lớn cũng không được trở về làm Trợ giáo nữa. Nhiều làng xã được tin, đều làm heo ăn mừng.
Bọn lính lê dương ra đi, để lại tại huyện Mộ Ðức một số khá đông trẻ con lai, và một số
"me Tây ". Những thiếu phụ này lần lượt ẵm con đi Saigon để " làm ăn ", vì bị dân chúng ở Huyện khinh bỉ, rẻ rúng.
Ðồng thời ở Quảng Ngãi và Nghệ An, Hà Tỉnh, cộng sản cũng nổi loạn lần đầu ở Nam kỳ tại môt địa điểm không mấy quan trọng và cũng có cuộc tàn sát đẫm máu như ở Trung kỳ. Tuấn theo dõi biến cố với những nhận xét hoàn toàn khách quan về tính chất của cuộc nổi loạn cộng sản.
Ở Nam Nghĩa, Nghệ Tỉnh (bốn tỉnh Trung kỳ được nổi tiếng là có tư tưởng cách mạng xao động nhất), cộng sản tuyên truyền được trong vài giới tiểu tư sản nông thôn, mà trái lại lớp gọi là " bần cố nông " thì không trực tiếp tham gia, hoặc nếu có thì cũng miễn cưỡng mà thôi, không đóng vai chủ động. Hầu hết những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn cộng sản Trung kỳ đều là địa chủ, điền chủ và họ phất cờ đỏ búa liềm hung hăng nồng nhiệt hơn ai hết. Nhưng đến khi đề cập đến vấn đề chia ruộng đất cho đám dân vô sản thì họ lại ít hăng hái nhất và còn phản đối quyết liệt nữa.
Ở Nam kỳ, trái lại, đa số đảng viên cộng sản là nông dân và thợ thuyền, tuy rằng những thủ lãnh của họ thuộc vào hàng ngũ trí thức tiểu tư sản.
Nhưng, khác với Trung kỳ, ở Nam kỳ ngay từ lúc xuất hiện phong trào Cộng Sản Ðông Dương, đã có sự chia rẽ của hai nhóm Ðệ Tam và Ðệ Tứ quốc tế. Theo sự hiểu biết của Tuấn xem chừng mấy anh " trotkystes" - đệ tứ - như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, được uy tín và cảm tình của các giới, cả lao động lẫn trí thức, nhiều hơn nhóm " Stalinines " - đệ tam - của Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai.
Tất cả mấy anh này đều là sinh viên Ðại Học " Retour de France " - ở Pháp về, và họ hoạt động công khai ở ngay Saigon nhờ sự che chở của Luật Pháp Cộng Hòa. Nam kỳ là một thuộc địa, thuộc hẳn về Pháp rồi, cho nên được sống một chế độ chánh trị theo luật pháp như công dân Pháp vậy.
Tuấn tìm thấy đó là nguyên nhân cách biệt của hai phong trào cộng sản ở Trung kỳ và Nam kỳ, tuy họ cùng chung một mục tiêu đấu tranh. Tuấn tự hỏi phải chăng đó là một hoàn cảnh ngẫu nhiên của Lịch sử, hay là một chiến thuật chủ trương bởi những lãnh tụ Cộng sản Ðông Dương mà trụ sở đặt ở bên Tàu ?
Trung kỳ đặt dưới chế độ Bảo hộ, hoàn toàn theo luật pháp " An nam ". Bộ Luật Gia Long và Luật Hồng Ðức của nhà Lê - cho nên không được quyền tự do ngôn luận, tự do lập đảng, và phải hoạt động bí mật. Lãnh tụ Cộng sản ở Trung kỳ không phải là trí thức " Retour de France ", được đào tạo ở Pháp và Nga, mà chỉ là vài ba cựu Nho sĩ ở địa phương được hấp thụ học thuyết Mác-xít và ý thức hệ cộng sản qua những sách dịch của cộng sản Tàu, bằng Hán tự.
Tuấn có được dịp gặp tại Saigon và nói chuyện khá lâu với anh Trốt kít Trần Văn Thạch, và anh Dương Bạch Mai, Ðệ tam Quốc tế, một người ở trong một tiệm ăn đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn), một người ở trong hội quán A.J.A.C (Amicale des Journalistes Annamites de Cochinchine - Hội Ái Hữu các nhà báo An nam ở Nam kỳ) , đường Lagrandière (đường Gia Long). Câu chuyện trao đổi riêng biệt với mỗi người kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. So sánh hai lãnh tụ Cộng sản ở Nam kỳ với Nguyễn Nghiêm, lãnh tụ cộng sản ở Trung kỳ, thật khác nhau một trời một vực.
Nguyễn Nghiêm tuy hăng say nhưng quê mùa chất phác, hiểu chủ nghĩa cộng sản quốc tế qua các sách tuyên truyền bằng Hán tự của cộng sản Trung hoa, và chỉ nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh của thượng cấp mà thôi. Anh đã không hiểu được rõ rệt ý nghĩa cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, mà anh, một đại điền chủ, đứng ra lãnh đạo ở tỉnh nhà, với một số đông đồng chí vài ngàn người toàn là ở giai cấp tư sản và địa chủ, phú nông.
Tuấn nhận xét rằng có lẽ Ðảng Cộng Sản Ðông Dương chủ trương đường lối đấu tranh khác nhau ở mỗi "xứ ", tùy theo trình độ chính trị của mỗi địa phương. Cho nên cuộc nổi loạn của Cộng sản Trung kỳ (Quảng Ngãi, Nghệ Tỉnh) trong thời kỳ 1930 -1932 không có thành phần vô sản, bần cố nông.
Ở Bắc kỳ, trong thời gian ấy cộng sản chưa hoạt động. Một nhóm đảng viên lãnh đạo, hầu hết là trí thức trung lưu như Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu, Trần Huy Liệu (anh này nguyên là Việt Nam Quốc Dân Ðảng, rời bỏ hàng ngũ quốc gia để gia nhập cộng sản) chỉ hoạt động trong lãnh vực tuyên truyền mà thôi. Võ Nguyên Giáp vừa đỗ tú tài toàn phần Pháp và ghi tên vào Cao đẳng Luật khoa năm thứ nhất. Ðồng thời, anh dạy môn Sử ký tại trường Trung Học Thăng Long. Ðặng Xuân Khu đỗ bằng Thành Chung và tham gia vào Hội Truyền Bá Quốc Ngữ mà hội trưởng là ông Nguyễn Văn Tối, phó giám đốc trường Viễn Ðông Bác Cổ, Hànô5i. Trần Huy Liệu viết báo.
Ở Bắc kỳ cũng như ở Trung kỳ, Cộng sản Ðệ tam thuần nhất không có Ðệ Tứ. Mãi đến năm 1936 họ mới có vài ba tờ tuần báo làm cơ quan tuyên truyền công khai. Và cùng lúc đó, người ta mới thấy xuất hiện ra một nhóm Trốt-kít nhưng không quan trọng bằng nhóm Ðệ Tứ ở Saigon.
Tuấn được tiếp xúc với đám thanh niên lãnh tụ cộng sản ở Saigon, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Nội, đặc biệt rất quen thân với nhóm Cộng sản Hà Nội. Nhưng nặng về tinh thần quốc gia, chàng không chấp nhận lý thuyết mác-xít và hoàn toàn không tán thành những hoạt động của phái cộng sản.
Dù sao, sau cuộc khởỉ nghĩa thất bại của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, cộng sản hoặc bí mật như ở Bắc kỳ, hoặc công khai như Nam kỳ, vẫn tỏ ra những dấu hiệu hoạt động hăng hái hơn cả đảng phái Quốc gia.
Nhưng phong trào Ðông Dương Cộng Sản chỉ nổi bùng lên ở Trung và Nam kỳ trong hai năm 1932-33 rồi bị đàn áp gắt gao không còn hoạt động công khai được nữa.
Ðảng viên cộng sản bị bắt rất nhiều ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và bị đày đi Côn Lôn, Ban Mê thuột, Lao Bão.
Trong thời kỳ này xuất hiện ra cái " một " của người Cộng sản viết chữ F thay Ph (thực dân Fáp, fản đối, fê bình) và DZ thay vì D (tự dzo, dzân chủ …) bằng cách nhấn mạnh chữ d thật nặng, như chữ z của Pháp.
Ngoài ra, quảng đại quần chúng ở thành thị cũng như ở thôn quê, khắp ba kỳ Trung Nam Bắc, rất thờ ơ với những vấn đề "quốc sự" mà ngày nay chúng ta gọi là "vấn đề chính trị ". 



Nguyễn Vỹ

Tuấn Chàng Trai Nước Việt



CHƯƠNG 30

1932

- Tuần báo " Phong Hoá " chế nhạo ông nhà quê "Lý Toét".
- Người Pháp đưa Bảo Ðại (du học ở Paris) hồi hương về làm vua ở Huế , tạo ra mầm mống "lãng mạn chính trị".
- Hai phong trào Tân tiểu tư sản và phong kiến lãng mạn (néo-bourgoise et Feodalité-romantique) đi song hàng để tiêu diệt các khuynh hướng cách mạng.


Sinh viên Cao đẳng Hà Nội và học sinh Trung học có đầu óc Quốc gia ở cả ba kỳ đều chán nản vì các phong trào " cách mạng " bị liên tiếp thất bại. Không còn gì làm phấn khởi tinh thần thanh niên nữa. Trừ một thiểu số vẫn giữ vững lý tưởng ái quốc của mình, còn hầu hết lớp trẻ lớn lên sau thế hệ Nguyễn Thái Học và Nguyễn An Ninh, đều đổ xô vào các phong trào lãng mạn do lớp thanh niên trí thức " Retour de France "đề xướng trong các lãnh vực xã hội.
Hai biến cố sôi nổi nhất vừa xẩy ra trong lúc này : tờ tuần báo " Phong Hóa " của một Cử nhân Khoa học ở Pháp mới về tên là Nguyễn Tường Tam, xuất bản ở Hà Nội, và Bảo Ðại đỗ Tú tài Pháp ở Paris cũng vừa về Huế để làm Vua, lên ngôi nhà Nguyễn, kế vị phụ hoàng Khải Ðịnh.
Tôn chỉ đầu tiên của tuần báo " Phong Hóa " là đả kích những gì cũ kỹ của xã hội Việt Nam, và chủ trương một đời sống trưởng giả mới, thích hợp với phong trào lãng mạn của thời đại.
Cái khôn khéo tuỳ thời của Nguyễn Tường Tam, chủ nhiệm báo Phong Hóa, là biết lợi dụng đúng lúc sự chán nản của tinh thần thanh niên và dân chúng sau các vụ " Hội Kín", liên tiếp thất bại, gây ra máu lửa hãi hùng và tang tóc, của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Cộng sản nổi dậy, để phát hành tờ báo Phong Hóa, chuyên về hài hước, cốt làm cho độc giả cười, thành một trò vui nhộn.
Nhưng ông còn lại dùng giọng cười trào phúng đó để đả kích cái phong hóa cũ kỹ của xã hội Việt Nam. Do đó ông đặt ra hai nhân vật lố bịch mà ông gọi tên là " Lý Toét " và "Xã Xệ "để tượng trưng cho tất cả những gì hủ lậu, "quê muà" ngơ ngẩn, của người An nam trước cái văn minh tân tiến của Pháp.
Ngay từ những số đầu, tờ báo Phong Hoá đã bán chạy như tôm tươi, chính là nhờ những tranh vẽ Lý Toét đầy cả mấy trang báo, và những mục khôi hài chê cười nhân vật điển hình ấy. Lý Toét là nguyên nhân chính của tờ Phong Hoá.
Tuấn là một độc giả siêng năng của tờ báo ấy. Dù trong túi không còn tiền, Tuấn cũng mượn người này người nọ để mua cho được tờ báo phát hành mỗi tuần một lần. Nhưng Tuấn nhận xét khách quan thấy phản ứng của độc giả báo Phong Hoá chia làm hai loại. Các giới trí thức bảo thủ và cách mạng cực đoan đều không tán thành cái chủ trương người Việt Nam công khai kích bác và mỉa mai chế nhạo người Việt Nam trong lúc người Pháp đã khinh rẽ người An nam mình nhiều quá rồi. Họ gọi người An-nam bằng một danh từ xuyên tạc đểu giả "nhaque" (nhấc cờ), do chữ nhà quê không bỏ dấu. Nhà văn và nhà báo có trách nhiệm giáo hoá dân chúng, đưa dân chúng lên con đường văn minh, tiến bộ, chứ không có quyền châm biếm, chê cười những phong tục cổ truyền của dân tộc. Người ta kết án cái chủ trương của báo Phong Hoá ở điểm đó.
Nhưng phản ứng thứ hai, của thanh niên và các giới bình dân thì có tính cách tiêu cực, dễ dãi hơn. Họ chỉ biết vỗ tay cười, cười vô ý thức, như khi họ xem một chú hề làm trò cười trước khán giả.
Báo Phong Hoá trong mấy tháng đầu đều đã gây ra hai luồng dư luận như thế trong dân chúng. Nhưng nói tổng quát về kỹ thuật làm báo, thì Nguyễn Tường Tam và bộ biên tập của ông đã gặt được kết quả rất khả quan.
Tờ Phong Hóa lúc đầu in lem luốc, sơ sài trên 4 trang, sau đó một năm đã sáng sủa hơn nhiều và tăng lên số trang.
Nguyễn Tường Tam với bút hiệu Nhất Linh, hồi đó chưa thành lập nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, và thật sự báo Phong Hoá chưa có tham vọng đó. Mục đích của Phong Hoá chỉ là
"cải cách phong hoá Việt Nam ".
Mãi một thời gian sau, khi số độc giả đã đông đảo, các nhà văn trong toà soạn đã sản xuất một vài tiểu thuyết được hoan nghênh, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn mới ra đời và xoay chiều hướng về Văn Nghệ. Những trận cười vui nhộn chung quanh Lý Toét, Xã Xệ nhạt dần, người ta bắt đầu chán ngấy lối cười vô ý thức đó, thì các tiểu thuyết của Khái Hưng bắt đầu lôi kéo được một số đông độc giả. Người ta khao khát một lối sống tình cảm lãng mạn phóng đạt hơn để thoát khỏi những khắc khe của thành kiến.
Ðồng thời báo Phong Hoá làm cả công việc " lancer " các "mốt" áo tân thời cho phụ nữ. Một chàng thợ may tên là Cát Tường vẽ trong Phong Hóa mỗi tuần một kiểu áo mới, rất được các cô " tiểu thư tân thời " hưởng ứng.
Phong trào áo " Lemur "được các cô vũ nữ hoan nghênh trước nhất. " Le Mur " là do chữ " Tường " dịch ra tiếng Pháp (tiếng Pháp Le Mur là bức tường). Các kiểu áo Lemur được báo Phong Hóa phổ biến rầm rộ đúng theo chủ trương của nhóm Nguyễn Tường Tam đả kích và chê cười cái cũ, đưa ra cái mới theo trào lưu văn minh Pháp.
Trên phương diện chính trị, chính phủ thuộc địa Pháp, và thực dân Pháp ở An nam nhìn các hoạt động rộn rịp của Nguyễn Tường Tam và nhóm Phong Hoá, với cặp mắt đầy thiện cảm. Vì sau những vụ bùng nỗ đẩm máu của Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Nguyễn Thái Học, ở Bắc kỳ và Ðông Dương Cộng Sản Ðảng của Nguyễn Ái Quốc ở Trung Kỳ, chính phủ thực dân Pháp rất bằng lòng thấy đa số thành phần trí thức, thanh niên thiếu nữ An nam chạy theo các phong trào lãng mạn của nhóm Nguyễn Tường Tam và các mốt áo quần mới do nhóm Phong Hoá cổ động.
Nhạo báng người An-nam-mít lố bịch tên là Lý Toét, Xã Xệ, vừa gây ra trận cười vui nhộn khắp các từng lớp dân chúng, vừa để quên các biến cố cách mạng vừa xẩy ra, và thờ ơ lãnh đạm của tất cả các vấn đề " quốc sự ", đó là rất hợp với chánh sách thực dân Pháp thời bấy giờ.
Ðồng thời, người Pháp vội vàng cho Bảo Ðại hồi hương, để cho phong trào thanh niên lãng mạn được cụ thể hoá một cách tưng bừng náo động hơn, hấp dẫn hơn.
Lúc vua Khải Ðịnh chết năm 1925, thì Bảo Ðại mới có 12 tuổi, được kế vị lên ngôi hoàng đế. Nhưng viện lẽ Bảo Đại còn nhỏ tuổi nên chính phủ Nam triều được Pháp ủy nhiệm cho một " Hội Ðồng Phụ Chánh " (conseil de régence) dưới quyền của Nguyễn Hữu Bài, Phụ chánh đại thần, và Tôn Thất Hân, chủ tịch Tôn Nhân Phủ.
Bảo Ðại được chánh phủ thuộc địa cho đi du học bên Pháp từ hồi 8 tuổi, năm 1925 về để tang cho vua cha, rồi lại được trở qua Pháp tiếp tục việc học.
Năm 1932, vua Bảo Ðại, 19 tuổi, vừa thi đỗ tú tài liền được người Pháp cho về Huế để cầm quyền cai trị. Về phương diện lịch sử thì như thế. Tuy nhiên những kẻ theo dõi sát tình hình biến chuyển trong nước, thì nhận thấy sự hồi hương của vị vua hào phóng ấy có một tác dụng chính trị khôn khéo và sâu rộng hơn.
Tuấn còn nhớ rõ năm 1921, Tuấn còn học lớp Ba trường " Ecole de Plein-Exercice de Quang Ngai ", một buổi chiều toàn thể học trò phải đứng sắp hàng hai bên đường từ Cửa Tây đến cổng Toà Sứ, để phất cờ (cờ Pháp) cho Hoàng Thái Tử Vĩnh Thụy, một cậu bé 8 tuổi. Vào khỏang 4 giờ, một đoàn xe citroen 5 chiếc, đen bóng, từ Huế vào (chắc có ghé Tourane) định nghỉ đêm ở Toà Sứ Quảng Ngãi để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình vào Saigon, đáp tàu thủy qua Pháp du học.
Tuấn thấy rõ cậu bé Hoàng Tử ngồi trong chiếc xe thứ hai, và theo lệnh thầy giáo, học trò phải phất cờ khi đoàn xe qua.
Chiều tối, sau buổi học, Tuấn lúc đó 10 tuổi, còn đứng lảng vảng trước cổng Toà Sứ, dòm thấy cậu bé Hoàng tử mặc áo gấm thêu, đứng trên bao lơn, rỡn cười với một vị triều thần. Ngoài y phục hào nhoáng của con Vua, cậu bé Hoàng tử không có gì đặc biệt hơn các cậu học trò thường. Tuấn hỏi thầy Trợ giáo được thầy cho biết " Hoàng tử " mới học đến chương trình lớp Ba. Tuấn tự an ủi con Vua không giỏi gì hơn mình.
Năm 1932, Tuấn đã thi đỗ Tú tài ở Hà Nội, xem báo Pháp thấy hình của Bảo Ðại đăng nơi trang nhất, khuôn khổ 24x18. Lần này Bảo Ðại vừa thi đổ tú tài ở Paris, hồi hương về Huế để cai trị dân. Tuấn biết rằng tuy Bảo Ðại mang danh hiệu "Ðại Nam Hoàng Ðế ", và các báo Pháp - Việt ở Hà Nội đăng bài đề cao nhà vua trẻ ấy (19 tuổi).
Nhưng Bảo Ðại chỉ làm vua ở Trung kỳ mà thôi. Nam kỳ đã bị vua Tự Ðức ký hiệp ước nhường hẳn cho Pháp làm thuộc địa, " Cochinchine Francaise ", không còn dính líu mảy may gì với Triều đình Huế.
Còn Bắc kỳ, tuy rằng theo hiệp ước 1884, vẫn là đất của triều Nguyễn, chính thức vẫn gọi là " Protectorat du Tonkin " như Trung kỳ, nhưng về thực tế, từ lâu rồi, đã hoàn toàn đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của người Pháp. Tuấn đã nhận thấy điều cách biệt đó ngay ở danh từ chỉ vị thủ hiến Pháp ở Trung kỳ, Résident supérieur en Annam, là Khâm sứ, mà vị Thủ hiến Bắc kỳ, Résident supérieur du Tonkin lại là Thống sứ.
Trước kia, đại diện ở Bắc kỳ là một vị Kinh lược như Kinh lược Hoàng Cao Khải. Nhưng từ ngày Khải Ðịnh chết, chức vụ Kinh lược An nam cũng bị người Pháp chiếm đoạt và giao cho Thống sứ Bắc kỳ, chức vị Thống sứ Ðại thần, cũng như ở Trung kỳ là Khâm sứ Ðại thần vậy. Theo sự thay đổi ấy, trái với hiệp ước 1884, tất cả các quan An nam ở Bắc kỳ, Tổng đốc, Tuần vũ v.v…đều trực thuộc uy quyền của " Cụ Thống Sứ " Pháp, chớ không còn tuỳ thuộc về Triều đình Huế và Hoàng đế An nam nữa.
Năm 1932, chính phủ thuộc địa theo đề nghị của viên Toàn quyền Pasquier, cho Bảo Ðại hồi hương, với dụng ý để vị " hoàng đế " trẻ tuổi và dễ sai khiến ấy đóng một vai trò chính trị, mà mục đích là phản ứng lại những hoạt động chống Pháp của các " Hội Kín " cách mạng ở trong nước, và gây phong trào lãng mạn sùng kính một " thần tượng mới "ở Pháp về.
Giới thanh niên có tư tưởng quốc gia cách mạng, Tuấn đều nhận thấy rõ những cuộc vận động giả tạo của chính sách thực dân Pháp. Nếu đòn chính trị tâm lý ấy thành công được đôi phần mong manh trong các giới quan lại và thanh niên lãng mạn, thì trái lại nó không có chút ảnh hưởng nào đối với giới trí thức cách mạng, và quảng đại quần chúng.
Nói một cách khác, Bảo Ðại đã đóng rất đúng một vai trò " Hoàng tử đẹp giai "ở Tây mới về. Một thần tượng hợp thời nhất của các cô tiểu thư Hà Nội mặc áo " Lemur " của báo Phong Hoá, cũng như các cô gái phong kiến của núi Ngự, sông Hương, và của đám thanh niên quan lại và trác táng, sẵn tiền sẵn địa vị, chỉ lo hưởng thụ ăn chơi.
Trái lại, vai trò lịch sử trên trường Chính trị của "Ðại Nam Hoàng đế " con nuôi của người Pháp, trông thấy ngớ ngẩn làm sao, vô duyên vô vị làm sao !
Bảo Ðại về nước lên ngôi Hoàng đế chưa được bao lâu thì Phủ Toàn Quyền Ðông Dương dàn cảnh một cuộc " ngự du Bắc hà " rất tưng bừng náo nhiệt. Ðể đón tiếp " Hoàng Thượng ", Phủ Toàn Quyền Bắc kỳ bắt buộc tất cả dân chúng Hà Nội phải treo cờ " An Nam " trước cửa nhà suốt trong tuần lễ mà " Hoàng đế Bảo Ðại " viếng kinh đô xứ Bắc.
Cờ An nam là gì ? Dân chúng Hà thành từ trước đến giờ chỉ treo cờ tam tài của Pháp, có thấy bóng dáng lá cờ An nam bao giờ đâu ? Bỗng dưng toà Ðốc lý Hà Nội ra lịnh dân chúng hãy may gấp rút lá cờ mới để đón mừng Hoàng đế Bảo Ðại : hai sọc đỏ, ba sọc vàng.
Dân chúng gọi luôn là " Cờ Bảo Ðại " …
Thủ đô Hà Nội thật là rộn rịp ngay từ hôm đầu tiên Bảo Ðại đi chuyến xe lửa tốc hành từ Huế ra. Tuấn và hai người bạn ở Cao đẳng Luật khoa đi xe máy khắp ba mươi sáu phố phường để xem bộ mặt Hà Nội đổi mới. Cờ Bảo Ðại mới may, bay phất phới trước cửa nhà, rực rỡ mầu vàng màu đỏ.
Riêng ở Hội quán Khai Trí Tiến Ðức, thường được gọi bằng tiếng Pháp là AFIMA (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) càng rộn rịp hơn cả. Hội quán được tạm dùng làm nơi hành cung để các Quan An nam cai trị ở khắp các tỉnh Bắc kỳ sẽ tề tựu đông đủ nơi đây để làm lễ bái triều hoan nghênh Hoàng Thượng.
Tuấn được mục kích các lễ phong kiến kiểu cách ấy đầy màu sắc rực rỡ và nhạc bát âm. Bảo Ðại, đẹp trai với thân hình thể thao, mập mạp, gương mặt tròn và duyên dáng, rất hào hoa phong nhã, với y phục Hoàng đế : chiếc áo gấm dài thêu rồng, quần lụa trắng, giày dừa thêu rồng đỏ, và chiếc khăn vàng chit trên đầu, đã làm cho các cô tiểu thư tân thời Hà Nội say mê mơ ước, và các cậu trai lãng mạn thèm thuồng.
Người ta biết rằng Bảo Ðại là một ông vua " Bù nhìn " do người Pháp đào tạo ra, và hoàn toàn hấp thụ văn minh Pháp, nhưng thân hình trai trẻ, mập mạp và lộng lẫy của ông vua mới ấy vẫn gây được cảm tình của một số thanh niên. Số ấy tin tưởng rằng biết đâu ông sẽ là một ông vua tiến bộ, sẽ thực hành một chánh sách thân dân, tân tiến, hợp thời, hơn các vị hoàng đế tiền triều.
Hôm ông đi thăm thành phố, ghé vào nhiều tiệm buôn lớn của người An nam ở các hàng Bông, hàng Gai, hàng Ðào, hàng Da, hàng Bạc, hàng Nón, v.v…dân chúng bu lại xem đông nghẹt, để chiêm ngưỡng long nhan. Bảo Ðại mỉm cười thoải mái.
Nguyễn Văn Vĩnh không ưa Bảo Ðại mà cũng đã phải viết trong báo L’ Annam Nouveau, của ông : " J’ ai vu dans les tribunes des jeunes Hanoiennes se pâmer d’ extase…" (tôi đã thấy trên khán đài những cô gái Hà Nội đê mê đắm đuối …) Bảo Ðại đến dự cuộc đua ngựa long trọng ở Trường Ðua.
Có thể nói một cách rất khách quan rằng Hànội đã sống một tuần lễ Hoa đăng tưng bừng hoan hỉ trong dịp Bảo Ðại " ngự du " thủ đô Thăng Long tân thời. Nhưng các phần tử thanh niên trí thức cách mạng thì rất thờ ơ lãnh đạm, nếu không nói là khinh rẻ, coi Bảo Ðại chỉ là một món đồ chơi của người Pháp ở Ðông Dương.
Cuộc " Bắc tuần " của Bảo Ðại tuy được phủ Toàn Quyền tổ chức rền rang tại Hà Nội, nhưng ngoài phong độ khá hấp dẫn của một Hoàng tử trẻ tuổi và đẹp trai đối với một số thanh niên và thiếu nữ lãng mạn, Bảo Ðại không gây được một ảnh hưởng chính trị sâu rộng nào trong quảng đại quần chúng cũng như trong các giới trí thức ở Bắc kỳ. Ngươì ta thấy rõ rệt một cuộc dàn cảnh của người Pháp, và ai cũng biết rằng Bảo Ðại là một thiếu niên được người Pháp đào tạo và che chở, hoàn toàn theo Pháp, chứ không được là một vị vua ái quốc như các Hoàng đế Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.
Phủ Toàn Quyền đưa Bảo Ðại ra trình diện với dân chúng Hà Nôị với mục đích gây lại phong trào tôn quân, phục hưng ý thức quân chủ đã bị chánh sách bảo hộ xoá mờ từ lâu.
Phạm Quỳnh, Học giả nổi tiếng, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam phong, được triệu vào Kinh (kinh đô Nam triều) làm Ðổng lý văn phòng cho Bảo Ðại. Ông là một người thân Pháp, và bảo hoàng phong kiến. Ông viết Pháp văn cũng như Hán văn và Việt văn. Dù là bạn hay là thù của ông, ai cũng phải công nhận ông có công lớn trong việc bồi đắp nền văn hóa Việt Nam trong khỏang 15 năm đầu thế kỷ, từ 1915 đến 1930.
Nhưng trên lập trường chính trị, ông đã tỏ ra quá trung thành với " Nhà Nước Ðại Pháp ". Ông đã đem ngòi bút văn hoa của ông phụng sự chính sách thực dân chống lại các phong trào ái quốc. Ông là một nhà trí thức thông thái, một nhân tài hiếm có (mặc dầu ông là một người tự học - autodidacte - không có một bằng cấp đại học nào cả), nhưng các nhà cách mạng lão thành cũng như thanh niên, của phái Nho học cũng như Tây học, đều coi ông như là một kẻ tôi tớ của người Pháp không hơn không kém.
Bảo Ðại không phải vì phục nhân tài mà triệu Phạm Quỳnh về Huế, làm "Ðổng Lý Ðại thần ". Phạm Quỳnh không hẳn là người của Bảo Ðại. Ông là người của Toàn Quyền Pierre Pasquier và của Khâm Sứ Yves Châtel. Người Pháp rút kinh nghiệm ở Hai vị Hoàng đế trẻ tuổi Hàm Nghi và Duy Tân, sợ rằng Bảo Ðại sẽ có thể chịu ảnh hưởng thầm kín cúa các đảng phái cách mạng đang hoạt động lén lút khắp Bắc kỳ và Trung kỳ, và ngay ở trong đám quan lại của Triều đình Huế. Bộ thuộc địa Pháp ở Paris cũng như Phủ Toàn quyền Ðông Dương ở Hànội và toà Khâm sứ của Huế không tin tưởng hoàn toàn nơi vị vua 19 tuổi ấy, chưa trưởng thành về chính trị và thiếu kinh nghiệm trong nghệ thuật trị quốc, dù đây chỉ là một nghệ thuật " tài tử " (amateur).
Cho nên bên cạnh Bảo Ðại, người Pháp muốn để một kẻ thân tín của họ, và kẻ ấy không thể ai hơn là Phạm Quỳnh. Tin đồn Phạm Quỳnh sẽ về Huế làm quan, giới trí thức Hà Nội và Huế biết đã lâu rồi. Có hai luồng dư luận đều không tốt cho nhà học giả của Nam Phong tạp chí. Ðám quan lại đã có dòng dõi mấy đời làm quan ở Triều đình Huế, vì ganh ghét, chê Phạm Quỳnh là một kẻ "bạch đinh" được " Nhà nước Bảo Hộ " cân nhắc lên ngang hàng với họ, và chắc chắn là sẽ còn lên cao hơn họ nữa. Trong đám này, có Ngô Đình Diệm, con của cựu thần Ngô Ðình Khả, và đương thời làm Tuần Vũ Phan Thiết, vừa được Bảo Ðại triệu về Kinh làm Thượng Thư. Tư tưởng chống đối Phạm Quỳnh của gia đình họ Ngô chính là mầm mống sự chống đối Bảo Ðại.
Luồng dư luận thứ hai cũng không có thiện cảm với nhà học giả Nam phong, là ở trong các giới trí thức và cách mạng. Con người tài ba lỗi lạc, mà họ gọi là Kiến Trắng tiên sinh, có phong độ nho nhã của một triết gia Ðông phương, luôn luôn khăn đen áo dài, giầy escarpin, và đôi kiếng trắng chễm chệ trên đôi mắt nho nhỏ đầy tinh ranh và kiêu ngạo, con người ấy đã dùng văn học làm bàn đạp để nhảy lên hoạn trường, làm "tay sai" cho chế độ thuộc địa.
Sự thật, Phạm Quỳnh không đếm xỉa gì đến thái độ chống đối của phe quan lại ganh ghét nhỏ mọn, và Ngô Đình Diệm đã phải từ chức Thượng Thư vì tự thấy mình không đủ uy tín và thế lực để đương đầu với địch thủ họ Phạm.
Nhưng trước dư luận chê cười của giới trí thức độc lập, và khinh rẻ của giới cách mạng, Phạm Quỳnh đã đưa ra một quan điểm chính trị để tự bào chữa cho lập trường của mình. Trong " France - Indochine ", một tờ nhật báo của Pháp ở Hà Nội, Phạm Quỳnh có viết một loạt bài bằng Pháp văn để trình bày chương trình "tranh đấu" chính trị của ông.
Tuấn có đọc hết những bài báo ấy, và cả những bài của các đối thủ đăng trong báo khác chống lại quan điểm của Phạm Quỳnh. Quan điểm ấy có thể tóm tắt như sau :
- Cần phải trở lại Hiệp ước 1884, và thi hành đứng đắn những điều khỏan của hiệp ước ấy. Nghĩa là phải trao trả lại Trung Kỳ và Bắc kỳ cho Hoàng đế An nam, và chính phủ Nam triều. Nước Pháp chỉ đóng vai trò bảo hộ mà thôi, không nên xâm phạm đến chủ quyền của Hoàng đế.
Trong một bài báo, Phạm Quỳnh có kết luận bằng một câu :" Ce que les Annamites demandent, c’ est une Patrie à servir (Cái mà người An nam đòi hỏi, là một Tổ quốc để phụng sự). Cái " tổ quốc "đó, theo ý của Phạm Quỳnh, là một xứ An nam kết hợp lại Trung kỳ và Bắc kỳ, đặt dưới quyền hành thực tế và đầy đủ của Ðại Nam Hoàng Ðế Bảo Ðại với tất cả những yếu tố của một vương quốc lập hiến (Monarchie constitutionnelle) , đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp quốc cộng hòa.
Phê bình loạt bài của Phạm Quỳnh trong France - Indochine với một nhóm bạn hữu, Tuấn bảo :" Với giọng nói văn hoa và tha thiết, lại muốn tỏ ra có trí óc tinh ranh, Phạm Quỳnh chìa tay ra xin người Pháp bố thí cho một " Tổ quốc để phụng sự ". Nhưng vì ông phụng sự quá trung thành với người Pháp nên ông đã quên rằng người " An nam "đã có một tổ quốc mà người Pháp đã cướp mất. Bây giờ chỉ phải làm cách mạng, người An nam mới thu hồi được Tổ quốc của mình, chứ không phải đi ăn mày tổ quốc theo kiểu Phạm Quỳnh. "
Vả lại, lập trường của Phạm Quỳnh cũng không được người Pháp tán thành, Phủ Toàn Quyền đặt Phạm Quỳnh bên cạnh Bảo Ðại, chính là để kèm vị cua non nớt ấy chứ đâu phải để ông làm xáo trộn cái " trật tự " mà người Pháp đã sắp đặt đường lối thực dân của họ.
Phạm Quỳnh - với sự hợp tác tài chánh của Phạm Lệ Bổng, nhà buôn pháo ở phố hàng Nón, và hội trưởng hội Dân biểu Bắc kỳ - mở ra tại Hà Nội một tuần báo Pháp văn nhan đề là " La Patrie Annamite " (Tổ Quốc An nam), mà chủ bút là Tôn Thất Bình, người rể của Phạm Quỳnh, một trong những sáng lập viên trường trung học Thăng Long …
Phong trào Bảo Ðại hoàn toàn do người Pháp tạo ra, được sôi nổi một thời gian hai ba năm sau khi vị " hoàng tử đẹp giai "ở Pháp về lên ngôi Hoàng đế, nhưng rồi dần dần bị chìm trong sự lãnh đạm của toàn dân vì danh hiệu "ông vua bù nhìn " mà các phe cách mạng đã gán cho ông.
Sự ông lấy vợ, tôn lên ngôi Hoàng hậu nước Nam, cô Henriette Nguyễn Hữu Hào, một bạn gái của ông cùng du học ở Paris, con một đại điền chủ ở Nam kỳ, vẫn không tăng uy tín của ông một chút nào. Bởi lẽ, Nam Phương Hoàng Hậu (danh hiệu này do Phạm Quỳnh đặt ra) là một cô gái đầm (có quốc tịch Pháp) lại dòng dõi đạo Thiên Chúa, mà nghiễm nhiên được suy tôn lên bậc "mẫu nghi thiên hạ", khiến cho dư luận của đại đa số dân chúng theo Phật giáo và Khổng giáo chỉ trích gắt gao.
Các báo ở Saigon và Hà Nội lại bắn tin rằng, trước khi nhận lời cầu hôn của Bảo Ðại, cô Henriette Hào có đưa ra một điều quan trọng, là một khi cô được lên ngôi Hoàng hậu, cô phải được quyền tham gia việc nước, giúp Hoàng đế trị dân, chứ cô không chịu đóng vai trò Hoàng hậu trong cung cấm chỉ có chức vị mà không có quyền hành.
Các báo không có nói là Bảo Ðại có chấp nhận "điều kiện " đó hay không, vì chính Bảo Ðại cũng chưa biết mình có quyền hành gì trong việc trị quốc, nhưng dư luận dân chúng rất xôn xao, nhất là trong các thôn quê và các giới quan lại bảo thủ. Họ xầm xì với nhau :" Nếu một cô gái dân Tây và theo đạo Thiên Chúa lên làm Hoàng hậu, mà đòi nắm quyền trị quốc, thì vận nước An nam sẽ như thế nào ?"
Nhưng đó chẳng qua là dư luận thầm kín, lén lút, và sự đòi hỏi chính trị của cô gái Nam kỳ cũng chỉ là một điểm danh dự mà cô nêu ra để làm quà cho " quốc dân An nam " đó thôi, chứ không có chi là quan trọng, thực tế cả.
Vì sau khi cô Henriette Nguyễn Hữu Hào được tôn lên ngôi Hoàng hậu An nam, điện Thái Hòa ở Huế đô vẫn chỉ có một ngai vàng độc nhất của hoàng đế, và theo phép nước, Nam Phương Hoàng Hậu không được một chỗ ngồi bên cạnh chiếc ngai của Nguyễn triều.
Dân chúng biết rằng vì khác tôn giáo, cô Henriette Nguyễn Hữu Hào muốn thành hôn với Bảo Ðại đã phải xin phép đức Giáo Hoàng ở La Mã, và cố nhiên điều đó không khó gì. Giáo hoàng Pierre XI đã ban cho cô cái đặc ân ấy. Nhưng đồng thời, có tin do triều đình Huế loan ra để dân chúng khỏi thắc mắc, là con trai của Bảo Ðại và Nam Phương, hoàng tử An nam sẽ không được theo đạo Thiên Chúa, để đúng với thủ tục nghi lễ đối với các vị tiên đế Nguyễn triều

No comments: