=====
Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt: Bóng chữ động trần ai ..
00:45' 22/04/2008 (GMT+7)
- Giờ ông ấy đi rồi, tôi vừa buồn, vừa chán. Đáng nhẽ tôi phải đi trước chứ. Tôi cứ hết nằm lại ngồi gần 5 năm nay, đầu óc cứ đảo lộn chuyện cuộc đời. Hiện giờ tôi đang trong “một cơn hấp hối dài” chứ không phải là sống nữa - Hoàng Cầm.
Mô tả ảnh.
Nhà thơ Lê Đạt.
Sáng nay (21/4), cô con dâu út thông báo tin ông Lê Đạt mất. Tôi không thấy đột ngột chuyện này. Vì tất cả chúng tôi đều già rồi. Nhưng tôi cứ nghĩ mình phải đi trước ông ấy. Tôi nằm liệt gần 5 năm, lại hơn ông Lê Đạt mấy tuổi nữa… Vậy mà đùng cái ông ấy đi, tiếc lắm.
Nhưng tôi vẫn vững tin vào tài năng của anh em, những gì chúng tôi viết đều có cái để lại cho đời sau. Thật ra, chúng tôi gồm tôi, ông Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng và cậu em út Phùng Quán đã sống với nhau từ thời hoạn nạn nghèo túng. Lúc nghèo khổ khó khăn chúng tôi thân nhau hơn là sau khi phục hồi.
Tôi còn nhớ thời gian “bị đánh”, trên đánh, dưới đánh, anh em đánh… Anh em chúng tôi viết có hay đến đâu cũng không được báo nào chấp nhận đăng. Vì mọi người đều cho rằng những người từng làm tờ “Nhân văn giai phẩm” là cái gì đó tội lỗi. Hồi đấy sống khổ cực vậy, nhưng cả mấy chúng tôi lại viết hăng hơn.
Nhà thơ Lê Đạt tên khai sinh là Đào Công Đạt, sinh ngày 10/09/1929 tại Yên Bái. Nguyên quán xã Á Lữ (Bắc Giang). Ông đột ngột ra đi lúc 3h 15 ngày 21/04/2008 tại nhà riêng 190 Phó Đức Chính sau một chuyến đi dài thăm lại Tây Nguyên.
Tác phẩm chính: Bài thơ trên ghế đá (1955), Bóng chữ, Hèn đại nhân (1994), Ngó lời (1997), Mi là người bình thường, U75 từ tình (2007).
Lễ viếng nhà thơ Lê Đạt từ 7h 30 – 9h 30 ngày 25/04/2008 tại Nhà tang lễ Quốc phòng, số 5 Lê Thánh Tông.
Cuộc sống chúng tôi vất vả lắm, ông Lê Đạt đi dịch sách, có bà cụ buôn bán giỏi lắm nên chu cấp cho cũng đỡ. Còn tôi và ông Trần Dần khổ hơn. Ông Trần Dần phải đi tô ảnh màu, người ta mang đến từng thúng ảnh, ông ấy cứ ngồi cặm cụi tô. Thỉnh thoảng, tôi cũng giới thiệu được sách cho ông Trần Dần dịch, tiền chẳng được bao nhiêu nhưng cũng là một cách cải thiện. Có lần ông Trần Dần vừa tô xong thúng ảnh được vài chục bạc. Thấy tôi với ông Lê Đạt xuống chơi, ông ấy ra chỗ quen quen làm cút rượu mấy anh em lại ngồi nhâm nhi với nhau.
Anh em chúng tôi lúc bấy giờ hay gặp nhau lắm, cứ chiều đi bộ xung quanh Hồ, rồi ngồi ghế đá nói chuyện. Có bản thảo đưa nhau xem, góp ý kiến nhiều lắm, nhưng chả bao giờ khen nhau cả. Phần lớn là chê. Ông Lê Đạt xem thơ tôi xong có nói: “Bây giờ mà mày làm thơ cũ quá, không mới. Mày phải đổi thế nào đi chứ, thế này thì cũ quá. Sao mày vẫn sống với cái cũ…”.
Tôi ghi nhận và cũng về xem lại, rồi sửa, nhưng tất nhiên vẫn không thoát khỏi cái cũ được. Hơn nữa, đó là thơ của mình rồi, chứ mới quá lại thành ra thơ ông … Lê Đạt. Trong mấy anh em chơi với nhau, chúng tôi coi Phùng Quán là trẻ con, con nít nên rất gượng nhẹ, còn lại mấy đứa đối xử với nhau rất bình đẳng.
Ông Lê Đạt đúng là phu chữ thật. Ông ấy rất kỹ tính và cẩn thận từng câu chữ trong thơ. Tôi đã từng đọc bản thảo thơ ông ấy, tôi biết có nhiều chữ ông ấy phải vật vã mất mấy ngày, thậm chí mất ăn mất ngủ. Thơ Lê Đạt có tính nhạc, đọc lên rất dễ nhớ. Như câu: “Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu” lúc đó vừa đọc xong là tôi nhớ ngay. Còn giờ bảo đọc hết cả bài thì chịu, không nhớ được.
Lê Đạt bắt đầu nổi tiếng hơn nhờ bài thơ in trên Nhân văn giai phẩm có tên “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, sau bài này, danh tiếng Lê Đạt ai cũng biết. Nếu nói về Lê Đạt thì ông ấy là người rất phóng khoáng, hay gọi là phóng túng cũng được. Nhưng ông ấy không yêu nhiều như tôi, ông ấy chỉ có bà Thúy Thúy thôi. Cũng có thể, ông ấy không phải lo lắng về cuộc sống vật chất nhiều nên có cái chất phóng túng ấy.
Lê Đạt nói mình là “phu chữ” cũng đúng, vì khi viết ra một chữ gì mới, ông ấy chọn lọc và suy nghĩ ghê lắm. Tôi đọc thơ ông ấy cũng thấy được chỗ nào ông ấy làm công phu, cân nhắc rồi dằn vặt chữ nọ chữ kia đến mệt…
*
Hoàng Cầm (Mai Sen ghi)
No comments:
Post a Comment