Tuesday, November 18, 2008

128. HOÀNG TIẾN * NHÌN LẠI NVGP

====


Nhìn Lại Vụ Án Nhân Văn - Giai Phẩm Cách Đây 40 năm
Nhà văn Hoàng Tiến


*


Đứng ở góc độ nghiên cứu văn học, nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, cái gì là nguyên nhân sâu xa, cái cốt lõi, cái mạch ngầm, nó đã gây nên một vụ án văn học, có thể nói là kinh thiên động địa, là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam với tầm vóc quy mô như thế. Từ một trào lưu văn học, trở thành một vụ án văn học, rồi đẩy thành một vụ án chính trị. Tiếp theo là bắt bớ, tù đầy, và hàng loạt văn nghệ sĩ phải đi cải tạo lao động ở các nhà máy hoặc ở nông thôn trong nhiều năm trời. Sau nữa là sự quản thúc, sự cấm đoán sáng tác kéo dài hàng vài chục năm. Đến khi được cởi trói cho văn nghệ sĩ (*) thì nhiều người đã đầu bạc, da nhăn nheo; người thì bại liệt; người tâm thần; có người chết trước khi được cởi trói.


Có phải là vấn đề đấu tranh tư tưởng, đấu tranh giai cấp theo học thuyết Mác-Lênin được đem thực hiện trong địa hạt sáng tác?
Nhìn hiện tượng, thì thế giới phe xã hội chủ nghĩa bấy giờ có vụ Ba Lan, vụ Hung-gia-ri, ở Liên Xô có đại hội Đảng lần thứ 20 chống sùng bái Xít-ta-lin. Trong nước thì sai lầm cải cách ruộng đất. Hồ Chủ tịch phải thay mặt Đảng và Chính phủ xin lỗi nhân dân. Cả nước đang sửa sai. Các nhà lãnh đạo Việt Nam lo ngại, thấy văn nghệ sĩ đòi sinh hoạt dân chủ và tự do sáng tác, liền giơ cao cây gậy chuyên chính. Diễn biến phải kể từ tập Giai phẩm mùa xuân do nhà xuất bản Minh Đức ấn hành tháng 1-1956, rồi đến lớp học 18 ngày do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức vào tháng 8-1956 nghiên cứu tài liệu Trung ương về sự đổi mới của Liên Xô chống sùng bái cá nhân.


Ở lớp học này văn nghệ sĩ đã lên tiếng phê phán sự lãnh đạo khắc nghiệt và đòi tự do sáng tác. Sau đó có báo Nhân Văn, báo Trăm Hoa, rồi tạp chí Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Đông. Rồi các báo và tạp chí trên bị đóng cửa. Rồi khóa học tập nghiên cứu cho 304 văn nghệ sĩ được mở ở Thái Hà Ầp năm 1958. Chia nhóm, chia tổ, kiểm thảo, phê bình, đấu tranh tư tưởng định rõ địch ta. Rồi là tù đày và lao động cải tạo như nhiều người đã biết, nhiều người còn nhớ.



Thời gian đã lùi xa đến 40 năm rồi. Thời gian đã giúp ta bình tĩnh để nhìn nhận lại nhiều sự việc. Phải thừa nhận rằng, anh em Nhân Văn - Giai Phẩm đều là những người có tài đang độ phát tiết tinh hoa. Những người chỉ đạo việc kiểm thảo hành hạ anh em là những người tài năng đã cạn kiệt hoặc tài năng chỉ ở dạng trung bình. Cái đuôi chuột dù dấu kín đến mấy rồi vẫn thòi ra. Trong cái bề bộn rối rắm của sự việc, chân lý lại thường ở dạng rất đơn giản. Tôi đã thấy được cái đuôi chuột thò ra ở sự cấm đoán sáng tác nghiệt ngã đối với anh em Nhân Văn - Giai Phẩm kéo dài quá đáng. Những 30 năm! Nhờ vậy mà tôi nhìn ra cái mạch ngầm, cái cốt lõi, cái nguyên nhân sâu xa, là sự đố kỵ tài năng, được phủ đậy lên bằng tấm màn đấu tranh tư tưởng, đấu tranh giai cấp. Tào Tháo muốn giết Lưu Bị, bởi biết Bị là kẻ anh hùng.



Ông Tố Hữu lãnh đạo văn nghệ thời đó, hẳn phải biết tài thơ của các ông Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Phùng Quán ...vv... Nếu họ tồn tại, thì thơ ông khó mà được suy tôn như người ta đã suy tôn. Vậy tốt hơn hết là triệt đi, không cho họ viết báo, in sách nữa.
Mà quả vậy, khi Nhân Văn - Giai Phẩm bị đánh tan tác, thì một thời gian dài, học sinh chỉ được học thơ Tố Hữu. Những đề thi lên lớp, thi chuyển cấp, hoặc thi vào đại học, về môn văn, không trật được thơ Tố Hữu. Các nhà xuất bản thi nhau tái bản thơ Tố Hữu, coi là một tiêu chuẩn để tỏ rõ lập trường. Các báo chí, những ngày kỷ niệm lớn, trên trang nhất, đều đặt hàng thơ Tố Hữu. Những nhà nghiên cứu phê bình không nói đến Tố Hữu bị coi là có vấn đề. Chính tôi hồi còn làm biên tập nhà xuất bản Thanh Niên (khoảng 1957), ông tổng biên tập đọc một bản thảo đưa in đã hỏi: " Sao thằng này không nói đến thơ Tố Hữu nhỉ? Không dùng!" Ngàn ngàn những buổi nói chuyện thơ Tố Hữu được tổ chức khắp mọi nơi. Các nhà lý luận phê bình có hạng khen thơ Tố Hữu hết lời. Tuyệt không một ai dám nói đến chỗ thiếu sót, cái bất cập trong thơ Tố Hữu. Người ta cố tạo một ấn tượng: Tố Hữu là thần tượng của thi ca Việt Nam. Không thiếu những thanh thiếu niên chỉ biết Tố Hữu là nhà thơ duy nhất Việt Nam, và hay nhất Việt Nam.




Lịch sử vốn có sự công bằng. Hay nói cách khác, trong văn chương cũng có nguyên lý Archimède, vật thể nặng đến đâu thì chìm đến đấy. Khi anh em Nhân Văn - Giai Phẩm được cởi trói, trở lại văn đàn, thì thơ Tố Hữu vắng vẻ hẳn đi. Báo chí đăng lại những bài Đèo Cả, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, bài Tây tiến, Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, bài Bên kia sông Đuống và Mưa Thuận Thành của Hoàng Cầm...vv... Độc giả bấy giờ mới vỡ ra, ta có những bài thơ rất giá trị mà lâu nay không được biết.



====

No comments: