===
Nguyễn Mạnh Tường: ‘Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông’
Ngày tháng: 09/06/2007
Minh Võ
Tất cả những gì đảng (CS) làm đều diễn ra trong bí mật tuyệt đối y như bọn Mafia – Nguyễn Mạnh Tường (1)
“Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông” (Un Excommunié) là nhan đề cuốn hồi ký của luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) viết bằng Pháp văn, được nhà Xuất Bản Quê Mẹ ở Pháp xuất bản cách đây 16 năm, đánh dấu mấy năm cuối cùng cuộc đời của một trong những đại trí thức đã sống trọn đời trong hất hủi tủi nhục với chính quyền cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/09/1909 tại Hà Nội, trong một gia đình giầu có. Là học sinh xuất sắc của trường Albert Sarraut của Pháp, ông đậu tú tài 2, năm 18 tuổi, rồi được học bổng qua Pháp học tại trường đại học Montpellier. Chỉ trong 4 năm ông đã đậu một lúc hai bằng tiến sĩ văn và luật, khi mới 22 tuổi. Trong thời gian du học ở Pháp, ông thường có dịp gặp những người yêu nước lúc đó như Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Về nước ông dạy học một thời gian rồi chuyển sang làm luật sư. Lúc ấy còn là thời Pháp thuộc. Cũng như Trịnh Đình Thảo ở miền Nam, sau này đi theo Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, Nguyễn Mạnh Tường rất được người Pháp nể phục về tài hùng biện trong các cuộc biện hộ trước tòa án thuộc địa. Nhiều khi ông cãi miễn phí cho những tội phạm chính trị.
Ông đi theo Việt Minh rất sớm, ngay từ 1942. Khi việc thương lượng với Pháp thất bại, năm 1946 chính phủ Hồ Chí Minh ra bưng kháng chiến, Nguyễn Mạnh Tường cũng đi theo. Nhưng vì xuất thân từ thành phần phi vô sản, lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa tư sản, nên ông không được trọng dụng. Khi Hồ Chí Minh thành lập chính phủ liên hiệp năm 1945 người ta thấy có những người như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa… mà không thấy tên Nguyễn Mạnh Tường ai cũng lấy làm lạ. Nhưng không vì vậy mà ông tỏ dấu hiệu gì bất mãn.
Nhờ có hai bằng tiến sĩ Pháp ông được ông Hồ cho làm phụ tá cho Võ Nguyên Giáp trong hội nghị Đà Lạt năm 1946 để đàm phán với Pháp. Hội nghị đã đi đến thất bại và cho ông cái kinh nghiệm bản thân với chủ trương giáo điều, thiển cận của các nhà lãnh đạo cộng sản. Lập trường ngoại giao mền dẻo của ông trong vấn đề thương lượng với phái đoàn Pháp bị lãnh đạo Hà Nội phê phán là “sợ Pháp”.
Trong kháng chiến ông được cử làm “thày cãi” tại tòa án khu 3 (Thanh Hóa). Vì giữ lập trường tư pháp độc lập, nên ông lại bị chuyển sang ngành giáo dục, giữ vai giảng viên, phục vụ tại “đại học dự bị”, do Trần Văn Giầu, một trí thức cộng sản miền Nam thất sủng làm giám đốc.
Mặc dù không được trọng dụng, lại còn bị hiểu lầm, bạc đãi, Nguyễn Mạnh Tường vẫn một lòng cúc cung phục vụ kháng chiến, vì ông đã trót theo kháng chiến và nghĩ rằng kháng chiến có chính nghĩa, có công trong việc đánh bại thực dân Pháp. Ông còn hăng hái vận động nhiều trí thức khác ủng hộ Việt Minh nữa.
Ngày 10/10/1954, khi chính phủ Hồ Chí Minh, theo hiệp định Giơ-ne-vơ ( Geneva ) qui định, vào tiếp thu Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường cũng từ khu 3 về thành phố này là nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
Cho mãi đến sau “CCRĐ” ông mới nhìn thấu bản chất của đảng và chế độ. Nhân chính sách sửa sai ban bố sau đó, ông đã đọc một bài tham luận dài tại phiên họp của mặt trận Tổ Quốc ngày 30/10/1956, hùng hồn phê phán những sai lầm của đảng. Một tuần sau người đọc thấy bài tham luận trên được đăng trên tờ báo Nhân Văn tháng 11 năm 1956. Và không biết bằng cách nào nó cũng lọt được ra nước ngoài. Thế là ông bị qui kết là đi theo nhóm Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, những người đứng đầu phong trào chống đảng lúc ấy, mặc dù họ chỉ phê phán những sai lầm hay quá trớn của một số cán bộ, chứ thực ra cũng chẳng dám ngang nhiên chống đối nào. Trường Chinh, nguyên tổng bí thư đảng Lao Động, trưởng ban cải cách ruộng đất, người trực tiếp chịu trách nhiệm về những sai lầm trong CCRĐ, liền coi Nguyễn Mạnh Tường là kẻ thù. Ông ta sai Lê Đức Thọ mở chiến dịch triệt hạ uy tín và trừng phạt ông cùng với một số trí thức khác cũng có xu hướng phê bình đảng như Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa), Nguyễn Hữu Đang…
Vì không biết để đề phòng, Nguyễn Mạnh Tường đã nói mạnh hơn nữa tại buổi sinh hoạt do đảng Dân Chủ tổ chức tại câu lạc bộ Đoàn Kết. Ông kêu gọi giới trí thức hướng dẫn quần chúng dấn thân vào công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ. Kêu gọi tranh đấu cho tự do dân chủ chính là kêu gọi chống đảng và chế độ. Vì chế độ là chế độ chuyên chính, tức độc tài, từ định nghĩa của đảng, từ chủ trương của Mác. Có nghĩa là Nguyễn Mạnh Tường đã phạm pháp quả tang. Vì đang trong thời kỳ sửa sai, nên bộ chính trị không dám để cho đám Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn bắt giam những người có tên trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, mà chúng cho rằng Nguyễn Mạnh Tường là một tay thủ lãnh. Tuy nhiên gần 200 người đã phải chịu những biện pháp trừng trị bí mật không theo một án lệnh hay văn bản nào. (2) Trong dịp này Nguyễn Mạnh Tường đã bị đi cải tạo lao động. Cho đến 1960 mới được cho về nhà, chịu sự quản chế.
Năm 1964 Phạm Văn Đồng có ý định cử Nguyễn Mạnh Tường làm phó chủ nhiệm ủy ban khoa học xã hội, dưới quyền Nguyễn Khánh Toàn. Nhưng ông không nhận. Từ đó cho đến cuối đời ông sống ẩn dật, cô quạnh trong cảnh túng thiếu chật vật cho đến khi mất. Có lúc ông đã phải bán sách quý cho người ta gói hàng để có tiền mua gạo. Và cũng có lúc phải đốt bản thảo thay củi. Tuy nhiên ông đã dồn sức tàn hơi kiệt vào tác phẩm “Un Excommunié” để nói lên những điều sai lầm, tội ác và những hành động quái dị của cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ông mất tại nhà riêng ở Hà Nội, vì bị tai biến mạch máu não, ngày 13/06/1997, thọ 88 tuổi.
Bản tin này được đăng tại Vietnam Review
http://www.vietnamreview.com
====
No comments:
Post a Comment