Wednesday, November 19, 2008

162. NGUYỄN MẠNH TƯỜNG * VẠ TUYỆT THÔNG

===

Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 13 tháng 6, 1997) là một luật sư và giáo sư Việt Nam.

Tiểu sử

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Ông theo học tại trường Albert Sarrault Hà Nội và đỗ tú tài năm 16 tuổi. Sau đó du học tại Đại học Montpellier ở miền nam nước Pháp năm 1927. Khi mới 22 tuổi ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp: Ưu hạng Luật khoa (Luận án L'individu dans la vieille cité annamite, Code des Lê, D.E., Droit, Montpellier, Imp. de la Presse Montpellier 1932) và Tiến sĩ Quốc gia văn chương (với luận án L'Annam dans la littérature française, D.E., Lettres, Montpellier 1932).



Báo chí thời ấy đã coi người thanh niên Việt Nam trong một năm đỗ 2 bằng tiến sĩ là hiện tượng chưa từng có trong nền giáo dục đại học Pháp. Bạn tri âm của ông là Nguyễn Văn Huyên, người cũng làm luận án Tiến sĩ Văn khoa tại Pháp.



Trở về Việt Nam năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường dạy văn học Pháp ở trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), hay còn gọi là trường Bưởi (từ 1945 đổi tên thành trường Trung học Chu Văn An). Bất mãn với chính sách kỳ thị của Pháp khiến ông bỏ dạy và mở văn phòng luật sư.

Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp ông làm luật sư và dạy học tại Thanh Hóa và khu ba nói chung. Đến khi hòa bình lập lại năm 1954, ông trở về Hà Nội, là giáo sư trường Đại học Văn khoa (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau 1954 ông giữ các chức vụ Trưởng khoa Đại học Luật Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Luật sư, Phó Trưởng khoa Đại học Sư phạm Hà Nội; thành viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Hội Hữu nghị Việt-Pháp, Hội Hữu nghị Việt-Xô và Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới, sáng lập viên Câu lạc bộ Đoàn Kết, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên viên nghiên cứu giáo dục. Ông tham gia phái đoàn chính phủ dự hội nghị đàm phán ở Đà Lạt, dự các hội nghị hoà bình thế giới ở Bắc Kinh và Wien.




Ngày 30 tháng 10 năm 1956 luật sư Nguyễn Mạnh Tường, với tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đã đọc một bài diễn văn tại một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, phân tích sâu sắc những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong cải cách ruộng đất và đề ra phương hướng tránh mắc lại. Sau phát biểu này, ông bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp.

Ông mất ngày 13 tháng 6 năm 1997 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi. Trong sổ tang tưởng niệm nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã ghi "....Vô cùng thương tiếc giáo sư - luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Một trí thức yêu nước đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam".

Tác phẩm

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường để lại 14 tác phẩm bằng tiếng Pháp và 4 tác phẩm tiếng Việt.

* Văn Phạm Việt Nam (cùng Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim) (1941)
* Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức)
* Construction de l'Orient (1937)
* Sourires et Larmes d'une Jeunesse (1937)
* Pierres de France (1940)
* Apprentissage de la Méditerranée (1940)
* Le Voyage et le Sentiment (1940)
* Một Cuộc Hành Trình (1955)
* Un Excommunité-HàNội: 1954-1991: Procès d'un intellectuel (Kẻ bị khai trừ - Hà Nội 54-92: Bản án một người trí thức) Quê Mẹ Paris xuất bản 1992
* Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ XVI, XVII, XVIII - Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội - 1994) - 530 trang
* Aikhylos (Eschyle) và bi kịch cổ đại Hi Lạp - Nhà xuất bản Giáo dục (1996)
* Virgile - nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La mã cổ đại- Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1996) - 342 trang

___________________________

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1...%B0%E1%BB%9Dng
__________________


===


“Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông” (Un Excommunié) là nhan đề cuốn hồi ký của luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) viết bằng Pháp văn, được nhà Xuất Bản Quê Mẹ ở Pháp xuất bản cách đây 16 năm, đánh dấu mấy năm cuối cùng cuộc đời của một trong những đại trí thức đã sống trọn đời trong hất hủi tủi nhục với chính quyền cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/09/1909 tại Hà Nội, trong một gia đình giầu có. Là học sinh xuất sắc của trường Albert Sarraut của Pháp, ông đậu tú tài 2, năm 18 tuổi, rồi được học bổng qua Pháp học tại trường đại học Montpellier. Chỉ trong 4 năm ông đã đậu một lúc hai bằng tiến sĩ văn và luật, khi mới 22 tuổi. Trong thời gian du học ở Pháp, ông thường có dịp gặp những người yêu nước lúc đó như Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Về nước ông dạy học một thời gian rồi chuyển sang làm luật sư. Lúc ấy còn là thời Pháp thuộc. Cũng như Trịnh Đình Thảo ở miền Nam, sau này đi theo Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, Nguyễn Mạnh Tường rất được người Pháp nể phục về tài hùng biện trong các cuộc biện hộ trước tòa án thuộc địa. Nhiều khi ông cãi miễn phí cho những tội phạm chính trị.

Ông đi theo Việt Minh rất sớm, ngay từ 1942. Khi việc thương lượng với Pháp thất bại, năm 1946 chính phủ Hồ Chí Minh ra bưng kháng chiến, Nguyễn Mạnh Tường cũng đi theo. Nhưng vì xuất thân từ thành phần phi vô sản, lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa tư sản, nên ông không được trọng dụng. Khi Hồ Chí Minh thành lập chính phủ liên hiệp năm 1945 người ta thấy có những người như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa… mà không thấy tên Nguyễn Mạnh Tường ai cũng lấy làm lạ. Nhưng không vì vậy mà ông tỏ dấu hiệu gì bất mãn.

Nhờ có hai bằng tiến sĩ Pháp ông được ông Hồ cho làm phụ tá cho Võ Nguyên Giáp trong hội nghị Đà Lạt năm 1946 để đàm phán với Pháp. Hội nghị đã đi đến thất bại và cho ông cái kinh nghiệm bản thân với chủ trương giáo điều, thiển cận của các nhà lãnh đạo cộng sản. Lập trường ngoại giao mền dẻo của ông trong vấn đề thương lượng với phái đoàn Pháp bị lãnh đạo Hà Nội phê phán là “sợ Pháp”.

Trong kháng chiến ông được cử làm “thày cãi” tại tòa án khu 3 (Thanh Hóa). Vì giữ lập trường tư pháp độc lập, nên ông lại bị chuyển sang ngành giáo dục, giữ vai giảng viên, phục vụ tại “đại học dự bị”, do Trần Văn Giầu, một trí thức cộng sản miền Nam thất sủng làm giám đốc.

Mặc dù không được trọng dụng, lại còn bị hiểu lầm, bạc đãi, Nguyễn Mạnh Tường vẫn một lòng cúc cung phục vụ kháng chiến, vì ông đã trót theo kháng chiến và nghĩ rằng kháng chiến có chính nghĩa, có công trong việc đánh bại thực dân Pháp. Ông còn hăng hái vận động nhiều trí thức khác ủng hộ Việt Minh nữa.

Ngày 10/10/1954, khi chính phủ Hồ Chí Minh, theo hiệp định Giơ-ne-vơ (Geneva) qui định, vào tiếp thu Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường cũng từ khu 3 về thành phố này là nơi chôn nhau cắt rốn của ông.




Cho mãi đến sau “Cải Cách Ruộng Đất” ông mới nhìn thấu bản chất của đảng và chế độ. Nhân chính sách sửa sai ban bố sau đó, ông đã đọc một bài tham luận dài tại phiên họp của mặt trận Tổ Quốc ngày 30/10/1956, hùng hồn phê phán những sai lầm của đảng. Một tuần sau người đọc thấy bài tham luận trên được đăng trên tờ báo Nhân Văn tháng 11 năm 1956. Và không biết bằng cách nào nó cũng lọt được ra nước ngoài. Thế là ông bị qui kết là đi theo nhóm Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, những người đứng đầu phong trào chống đảng lúc ấy, mặc dù họ chỉ phê phán những sai lầm hay quá trớn của một số cán bộ, chứ thực ra cũng chẳng dám ngang nhiên chống đối nào. Trường Chinh, nguyên tổng bí thư đảng Lao Động, trưởng ban cải cách ruộng đất, người trực tiếp chịu trách nhiệm về những sai lầm trong CCRĐ, liền coi Nguyễn Mạnh Tường là kẻ thù. Ông ta sai Lê Đức Thọ mở chiến dịch triệt hạ uy tín và trừng phạt ông cùng với một số trí thức khác cũng có xu hướng phê bình đảng như Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa), Nguyễn Hữu Đang…




Vì không biết để đề phòng, Nguyễn Mạnh Tường đã nói mạnh hơn nữa tại buổi sinh hoạt do đảng Dân Chủ tổ chức tại câu lạc bộ Đoàn Kết. Ông kêu gọi giới trí thức hướng dẫn quần chúng dấn thân vào công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ. Kêu gọi tranh đấu cho tự do dân chủ chính là kêu gọi chống đảng và chế độ. Vì chế độ là chế độ chuyên chính, tức độc tài, từ định nghĩa của đảng, từ chủ trương của Mác. Có nghĩa là Nguyễn Mạnh Tường đã phạm pháp quả tang. Vì đang trong thời kỳ sửa sai, nên bộ chính trị không dám để cho đám Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn bắt giam những người có tên trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, mà chúng cho rằng Nguyễn Mạnh Tường là một tay thủ lãnh. Tuy nhiên gần 200 người đã phải chịu những biện pháp trừng trị bí mật không theo một án lệnh hay văn bản nào. (2) Trong dịp này Nguyễn Mạnh Tường đã bị đi cải tạo lao động. Cho đến 1960 mới được cho về nhà, chịu sự quản chế.




Năm 1964 Phạm Văn Đồng có ý định cử Nguyễn Mạnh Tường làm phó chủ nhiệm ủy ban khoa học xã hội, dưới quyền Nguyễn Khánh Toàn. Nhưng ông không nhận. Từ đó cho đến cuối đời ông sống ẩn dật, cô quạnh trong cảnh túng thiếu chật vật cho đến khi mất. Có lúc ông đã phải bán sách quý cho người ta gói hàng để có tiền mua gạo. Và cũng có lúc phải đốt bản thảo thay củi. Tuy nhiên ông đã dồn sức tàn hơi kiệt vào tác phẩm “Un Excommunié” để nói lên những điều sai lầm, tội ác và những hành động quái dị của cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ông mất tại nhà riêng ở Hà Nội, vì bị tai biến mạch máu não, ngày 13/06/1997, thọ 88 tuổi.

Một vài điểm nổi bật trong bài tham luận của Nguyễn Mạnh Tường đọc ngày 30/10/1956:




Trong cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” của Hoàng Văn Chí, Văn Hóa xuất bản tại Saigon năm 1959, từ trang 293 (phần phụ lục) có đăng nguyên văn bài tham luận này dài ba chục trang. Diễn giả nêu lên 4 điểm chính:

A. Vấn đề pháp lý trong cải cách ruộng đất.
B. Các nguyên nhân sai lầm.
C. Bất chấp chuyên môn.
D. Phương hướng sửa chữa các sai lầm.

Ngay trong đoạn mở đầu Nguyễn Mạnh Tường đã thẳng thắn chỉ ra rằng:

…theo ý tôi các sai lầm (trong CCRĐ, MV) chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát nhất của những thiếu sót trong sự lãnh đạo của đảng Lao Động. Do đó tôi xin phép được góp ý kiến xây dựng quan điểm lãnh đạo của đảng Lao Động.

Cũng trong đoạn mở đầu Nguyễn Mạnh Tường đã làm một cuộc so sánh có mãnh lực dìm chế độ Hà Nội xuống đất đen:

Lắng nghe dư luận đồng bào Hà Nội thôi ta được biết rằng có ít ra một doanh nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc cũng doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc những số lãi khổng lồ.


Về hộ khẩu thì cán bộ tỏ vẻ không phải là gìn giữ an ninh trật tự, phá vỡ cơ sở của địch, trái lại quấy nhiễu nhân dân, tạo ra một đời sống thành thị điêu đứng cho tất cả.

Thêm một tiếng nói nữa về đời sống cán bộ tập kết:

Ta quên thế nào được các đồng bào tập kết ra ngoài Bắc, số phận con cái của họ ở Hà Nội, Hải Phòng, số phận của chính họ, bi đát quá nỗi?

Về điểm A, tác giả so sánh hai khẩu hiệu một bên của chế độ, một bên của pháp lý:

Khi đưa ra khẩu hiệu: “Thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch”, thì khẩu hiệu này chẳng những quá tả một cách vô lý mà còn phản lại cách mạng là đàng khác nũa….Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: “Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan.”

Về điểm B. Những nguyên nhân sai lầm, ông viết:

Sở dĩ ta không để ý đến giải pháp pháp lý là vì có 3 lý do:

1.Quan điểm ta, địch, thù, bạn rất mơ hồ.
2.Ta bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn áp pháp lý.
3.Ta bất chấp chuyên môn.

Sau đây là vài đoạn trong chuyện cộng sản bất chấp chuyên môn:

…Trong 10 năm qua ta thấy một tình trạng quái gở. Chính trị ám ảnh đầu óc chúng ta đến nỗi hai chữ "lập trường" làm ta mất ăn mất ngủ. Nếu dùng một hình ảnh duy tâm, tôi ví lập trường như cái oan hồn theo đuổi ngày đêm kẻ nào đã hãm hại chủ nó…

Dầu sao ở Việt Nam chúng ta đã xảy ra những việc như sau đây, ta cần ghi lại để con cháu ta cười muôn thuở: Khi chọn một người vặn lái ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi: “có lập trường không?” Kết quả là: từ hai năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xảy ra, do các người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới bệnh viện, một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là: "bệnh nhân thành phần giai cấp nào? Chữa cho địa chủ thì “mất lập trường”. Để nó chết mới chứng minh mình có lập trường” (hiện tượng do bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra). Tại sao có những hiện tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng, tất cả các khu vực trong nhận thức của chúng ta, làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ cả chân lý, chân lý cho chúng ta biết rằng chính trị không thể nào thay thế cho chuyên môn, không làm được việc của chuyên môn.

Về điểm D, phương hướng sửa chữa sai lầm, Nguyễn Mạnh Tường đề nghị

1. Một chế độ pháp trị chân chính.
2. Một chế độ thực sự dân chủ. Cho các đoàn thể nhân dân được quyền nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập họp. Và cuối cùng là một chế độ tự do ngôn luận, tự do xuất bản báo chí.

Trong tham luận này Nguyễn Mạnh Tường cũng có nói đến hiện tượng sau đại hội 3 của đảng Lao Động, có rất nhiều đồng bào muốn bỏ miền Bắc vào Nam.

Nếu chính thể của ta tốt tại sao lại có người dụng ý xa lánh với trong lòng nỗi đau khổ bi đát? Nếu cách mạng mang lại ánh sáng và hạnh phúc, sao lại có người lo ngại trước cách mạng, đau đớn vì cách mạng?…





Xem ra Nguyễn Mạnh Tường cũng tán thành chủ trương của Khrutshchev, khi ông nói:

Nếu không có quyết nghị của đại hội lần thứ 20 của đảng cộng sản Liên Xô, nếu không có những sai lầm cực kỳ tai hại trong CCRĐ, ta chưa mở mắt được, ta sẽ còn thấy bao nhiêu máu oan chảy thành suối, thành sông, bao nhiêu người kính yêu cách mạng mà vẫn đau xót rời bỏ cách mạng. Tuy ta phải trả giá quá cao, nhưng bây giờ ta biết rõ nguyên do của các đau khổ của ta: ta thiếu dân chủ."

(Còn tiếp)

© DCVOnline

___________________________
(1) “Kẻ bị vạ tuyệt thông" (nguyên văn Un Excommunie, Hanoi 1954-1991: Proces d'un intellectuel", Kẻ bị khai trừ, Hà Nội từ 1954 đến 1991: Vụ án của một trí thức”) có nghĩa bị khai trừ ra khỏi cộng đồng, khỏi đảng), Quê Mẹ xuất bản, Paris, 1991, trang 199.
(2) Trừ Nguyễn Hữu Đang bị án 15 năm tù và bà nhà văn nữ Thụy An cũng bị bắt giam.



=====

Về tác phẩm “kẻ bị vạ tuyệt thông”

Tác phẩm này ông viết bằng tiếng Pháp gồm có ba phần chính tổng số 340 trang. Hoàn tất năm 1991. Thoạt tiên ông tính khoan đưa in, nhưng khi bắt liên lạc được với ông Võ Văn Ái ở bên Pháp thì ông đánh liều nhờ người gửi sang Paris và ủy quyền cho nhà xb Quê Mẹ in. Ông viết cho ông Ái:

Tôi chờ đợi điều tệ hại nhất đến với tôi, tuy vẫn mong là nó không tới. Nhưng nếu người ta đẩy sự dã man đến độ dành cho tôi cùng sự đối xử như các nhà trí thức khác từng bị cáo buộc là nói xấu chế độ, thì tôi sẽ vững vàng đón nhận những thử thách mà tôi biết sẽ cam go lắm. Tôi đã quyết định, nếu điều đó cuối cùng xảy ra, thì tôi sẽ tuyệt thực tới chết. Ở tuổi 84 này tôi đã trải qua cái tốt nhất và cái xấu nhất của cuộc đời, và tôi không cảm thấy nuối tiếc phải lìa bỏ cõi đời, vì suốt cuộc đời tôi, tôi đã chu toàn bổn phận của một trí thức trước nhân dân và trước lịch sử. "

Trong cuốn hồi ký này, ngoài phần nói về việc chính quyền miền Bắc tiếp thu Hà Nội năm 1954, ông đã nhắc lại vụ CCRĐ, vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Ông cũng thuật lại những cuộc tranh luận của ông với các cán bộ đảng trong mặt trận tổ quốc. Nhất là tình trạng bị cô lập cực khổ tủi nhục của ông trong những năm bị canh chừng theo dõi. Sau đây là một vài đoạn trích từ hai phần cuối:

Người ta thường giặt quần áo dơ trong nhà và vì có quá nhiều quần áo dơ xem ra ngày nào cũng phải giặt, nên người ta đã cảm thấy cần thiết phải qui định là thế giới VN là thế giới đóng cửa, cũng như toàn thể cái thế giới cộng sản vậy. Ở bên trong người ta tự cho phép làm những việc không thể tưởng tượng được, bách hại dã man, điên rồ bỉ ổi. Không ai dám nhìn vào bên trong cái hỏa ngục trong đó diễn ra những tội ác chỉ có trong thời kỳ thế mạt, làm mất hết nhân phẩm nhân tính. (3)

Cộng sản sống bằng dối trá, giả hình, nhưng cái sai lầm của nó là đặt sự tàn bạo của nó trên những vẻ bề ngoài hư ảo mà nó giải thích theo ý mình và dùng để tiêu diệt những kẻ mà nó gọi là kẻ thù. Nếu Machiavelli (4) đổi mồ sống lại, ông ta sẽ phải theo học những lãnh tụ cộng sản. Sự dã man quỷ quyệt mánh lới và sự bất nhân khéo che đậy của họ chưa hề thấy trong lịch sử loài người. (5)

Trong CCRĐ, người ta động viên con cái tố cáo cha mẹ, tá điền tố cáo chủ điền, trí thức thiên thần tố cáo trí thức quỷ sứ. (6)

Ở trường học người ta không còn dậy luân lý, đạo đức gì nữa. Và, ngày nay người ta còn khuyến khích học sinh sỉ nhục thầy cô! (7)

Ông dành nguyên phần cuối cuốn sách để tả cảnh đói khổ và cô độc của ông như một kẻ băng qua sa mạc, có vàng đè nặng trên vai nhưng sức đã kiệt, vì thiếu thức ăn, nhất là nước uống khiến không đứng thẳng lên được, không muốn gì hơn là có ai cho đổi vàng lấy một gáo nước.

Trong Đêm Giữa Ban Ngày Vũ Thư Hiên tả cảnh cô đơn ở xà lim một mình, lấy làm sung sướng bắt được con cóc con đưa vào phòng nuôi bằng kiến để có bạn cho bớt cô đơn. Thì ở đây, trong Un Excommunié bạn đọc cũng thấy Nguyễn Mạnh Tường đi lang thang ngoài phố vớ được chú mèo con. Ông cho rằng sự tình cờ hay “Chúa Quan Phòng”(?) (nguyên văn: La Providence) đã cho ông được gặp con vật bé tí mới sinh được vài ngày này để cho ông có bạn chia sẽ nỗi bất hạnh và khốn cùng với nhau. Khác Vũ Thư Hiên ở chỗ Vũ Thư Hiên thì ở trong lao tù, suốt ngày suốt tháng chỉ có một mình trong mù tối, còn Nguyễn Mạnh Tường thì được sống với vợ con ở nhà và thỉnh thoảng vẫn được ra đường hay tới cậu lạc bộ nhìn (vâng chỉ được nhìn thôi) sân Tennis. Thế mà ông lại nói đến cô đơn như người lữ hành đi trong sa mạc một mình. Mấy hàng sau đây sẽ cho độc giả thấy lý do tại sao:

Ngồi trên chiếc ghế dài (ở sân tennis vắng vẻ. MV) thoạt nhìn tôi thấy có vật gì như một nắm len lăn vào chân. Đó là một con mèo con bé tí tẹo, mới sinh được vài ngày. Mẹ nó, theo tập quán đã cương quyết xa nó để nó tự khám phá cuộc đời. Tôi nhặt con vật lên, vuốt ve nó và cảm thấy lòng tràn đầy nỗi cảm thương, trìu mến đối với nó. Nó và tôi là hai mảnh đời tan nát, cùng đói, cùng cô đơn. Sau khi đã đi vòng quanh xóm riềng để hỏi xem con mèo con thuộc về ai, mà không tìm được chủ nó, tôi bèn cảm ơn sự tình cờ, hay Đấng Quan Phòng? đã ban cho tôi một kẻ đồng hành trong nỗi bất hạnh và cùng khổ, mà những cuộc truyện trò câm lặng sẽ lấp đầy thì giờ của tôi và hiến dâng cho tôi một sự giao tình mà tôi không dám xin vợ con tôi, để khỏi đào sâu thêm những nỗi đau thương của vợ tôi và con gái tôi. Giữa vợ con tôi và tôi, im lặng còn hùng biện hơn lời nói, và lại không làm cho nước mắt nhỏ xuống. Giữa tôi và con mèo con cũng y như thế: Ngôn ngữ của cặp mắt cũng đủ để trao đổi tâm tình.

Về nhà, tôi chia cho nó món cơm khô của tôi! Tôi rất lấy làm hài lòng, vì nó không đòi gì hơn và nó lớn nhanh. Trong khi tôi ngồi suy tư và mơ màng qua cửa sổ, nó ngồi trên đầu gối tôi và đêm đến thì nó nằm bên cạnh tôi. Vậy là tôi đã có thể bắt đầu bước bước đầu để ra khỏi con đường hầm vô tận của nỗi cô đơn, và tự cho mình một lẽ sống bằng cách lấp đầy lỗ trống của cuộc đời tôi.Tôi không còn có thể đi dạo ngoài phố vì những con chó canh luôn luôn theo tôi ở đàng xa. Tôi cũng không thể đi tập đánh tennis ở câu lạc bộ Ba Đình nữa vì vợt với bóng và giầy vải đắt kinh khủng và ngoài tầm tay của tôi. Nhưng điều đau đớn nhất đối với tôi là nhìn thấy những bạn thể thao cũ của tôi tránh né trốn chạy tôi! Những sự trốn chạy đó là những nhát dao găm đâm vào tim tôi, và tôi không thể nào đóng vai tên cùng khổ, hay cùi hủi. Tôi hiểu thái độ của những người bạn quần vợt của tôi. Họ đều là những công chức cao cấp, dĩ nhiên cũng là đảng viên nữa, và trước tiên họ phải lo đến tương lai hành chánh và chính trị của họ, và vì vậy họ sẽ lấy làm kinh sợ phải bắt tay một tên mắc dịch để chơi một ván với nó! Họ là những con người, những người nghèo tội nghiệp, tôi không thể nào trông đợi là họ có thể ít hèn nhát, ít bất xứng và ít sa đọa hơn. (8)


Vài cảm nghĩ về trường hợp luật sư Nguyễn Mạnh Tường:

Một con người có thể nói là đại trí thức, cực kỳ thông minh, vì chỉ trong 4 năm đã lấy hai văn bằng tiến sĩ, thế mà hầu suốt đời lận đận, quá nửa đời sống trong tủi nhục cùng khổ, cô đơn, cô đơn ngay bên cạnh vợ con, bạn bè. Tuy trong đau khổ và cô đơn, ông vẫn tự hào là ông đã sống cho quê hương. Nhưng thử hỏi, quê hương được gì ở ông? Chế độ đã không để cho ông phát huy tài năng của mình. Những gì ông làm, họ lên án. Những gì ông nói họ bịt tai, trừ phi ông nói theo họ. Nhưng ông lại không thể nói theo họ. Nếu cái chế độ này qua đi, một chế độ khác sáng suốt hơn, công bình hơn thì ông cũng sẽ được đánh giá công bình về những lới ông nói. Nhưng hãy tưởng tượng, nếu chế độ này cứ tiếp tục thì ai sẽ trả lại danh dự cho ông?

Khi ông đi theo Việt Minh cộng sản, chắc ông không ngờ đuợc rằng đó lại là một chế độ tàn bạo, phi nhân đến như vậy. Và ngay sau CCRĐ, ông vẫn còn nghĩ nó có thể tốt hơn nếu chịu nghe ông mà sửa đổi. Chỉ hơn ba chục năm sau, ông mới thấy nó bất trị đến mức nào. Những lời kết án của ông trong cuốn hồi ký đã mãnh liệt hơn những lời phê bình trong bài tham luận năm 1956. Dưới đây chúng tôi xin chép lại nguyên văn lời bình luận của Minh Võ viết cách đây gần 40 năm về bài tham luận nói trên. Những lời bình luận này đã được in trong cuốn “Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản”, xuất bản lần đầu năm 1963:

(Sau khi trích dẫn nhiều đoạn trong bài tham luận). Những lời trên đây thốt ra từ của miệng của một nhà trí thức trong chế độ miền Bắc và ngay tại hội nghị mặt trận, trước sự hiện diện của các cấp lãnh đạo của "đảng lãnh đạo" quá đủ để chứng minh một cách hùng hồn rằng CCRĐ đã gây đau thương và đặc biệt là cho nông dân miền Bắc. Những lời trên đây cho ta thấy nhận xét của nhà văn Pháp Gérard Tongas không có gì là quá đáng.

Có một điều làm cho các nhà nghiên cứu tình hình miền Bắc phải suy nghĩ nhiều. Đó là việc đảng Lao Động vẫn không ngớt tuyên bố rằng CCRĐ đã thắng lợi, mặc dù những tiếng than van của nhân dân, các lời phẩm bình của các ký giả, các nhà quan sát quốc tế và trí thức Hà Nội.

Tại sao với bao nỗi thống khổ, oan ức, bao xác chết chồng chất, mà CCRĐ lại có thể coi là thành công? Là bởi vì cộng sản không lý luận như chúng ta, cũng không lý luận như luật sư Tường. Luật sư Tường tuy nói rằng "ta là duy vật" nhưng thực ra ông không có ý cho người nghe hay người đọc hiểu rằng chữ “ta” đó gồm cả ông ở trong. Vì lý luận của ông không có mùi duy vật chút nào hết. Sở dĩ ông dùng chữ “ta” ở trong bài diễn văn rất nhiều lần, chỉ là để cho dễ nói với cán bộ cộng sản, coi như một cuộc "tự phê bình" chứ không phải một cuộc phê bình Đảng.

Thực ra đứng trên lập trường cộng sản, duy vật, vô thần, đối với thái độ cho rằng không có gì vĩnh cửu, không có gì tuyệt đối, kể cả các nguyên tắc tinh thần, luân lý, thì mấy nguyên tắc pháp lý hay nhân đạo mà ông Tường nêu lên có đáng gì đối với họ?

Ông Tường có nói đến cách mạng, nhưng cách mạng của ông Tường là thứ cách mạng dân tộc, hay ít ra là cách mạng nhân dân. Còn cách mạng của cộng sản thực chất là cách mạng giai cấp, cách mạng vô sản. Vậy thì những lời ông phê bình là phản cách mạng cái khẩu hiệu quá tả kia (“thà chết 10 còn hơn sót một địch”) đâu có giá trị gì theo lập trường của người cộng sản? Vì thế họ sẽ kết án lại ông Tường, cũng như các người khác là phản cách mạng, và rồi ông Tường sẽ bị quản thúc, bị đưa đi cải huấn cho đến khi chấp nhận lập trường của cộng sản, từ bỏ lập trường dân tộc theo lối “duy tâm”, lối “tư sản” của ông.

Cả câu cuối: “…không phân biệt được bạn và thù, đánh cả bạn, giết cả bạn” cũng chỉ làm cho người cộng sản chính cống như Trường Chinh mỉm cười. Vì thực ra trên lập trường giai cấp, ai là bạn, ai là ta, nếu không phải chỉ có kẻ từ bỏ giai cấp của mình để tôn thờ giai cấp của đảng? Trên lập trường lý thuyết Mác xít, duy vật biện chứng, với định luật “biến chuyển”, thì bạn ngày hôm nay, ngày mai không là bạn nữa. Còn sống thì gọi là bạn, đánh chết rồi không gọi là bạn nữa, mai kia được phục hồi công quyền, đảng tịch, cương vị, được…"tổ quốc ghi tên muôn đời" thì lại là bạn. Và sau hết, theo sách lược cộng sản, kết bạn với cả địch để tiêu diệt một kẻ địch khác cần tiêu diệt sớm hơn, thì khi đã tiêu diệt được kẻ địch này rồi, ắt phải quay ra tiêu diệt kẻ địch kia, tức là “địch-bạn” đó. Vậy phân biệt địch với ta, thù với bạn cùng những người cộng sản thực là khó. Không hiều luật sư Tường có nghĩ tới điều ấy không? Chỉ biết rằng đối với cộng sản, bạn rất có thể là thù, ta rất có thể là địch, thất bại cũng là thành công. … (9)

Để kết thúc, chúng tôi xin ghi nhận là cố luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một nhà trí thức có đầy nhiệt huyết, muốn đóng góp tài năng của mình vào việc cứu nước, dựng nước. Nhưng vì ông đồng thời cũng là người xuất thân từ giai cấp tư sản, lại từng hấp thụ nền giáo dục của truyền thống dân chủ tư sản của Pháp, nên vẫn không thể hòa đồng với những người cộng sản. Chẳng những thế, ông còn dũng cảm nói lên lập trường của mình, phê bình lập trường của lãnh đạo đảng. Vì thế ông không được trọng dụng, rồi bị bạc đãi, bị đầy đọa, bị bao vây, quản chế.

Sở dĩ cuốn hồi ký xuất bản bên Pháp với những lời đả kích chế độ một cách thậm tệ, gọi nó là một thứ hỏa ngục trần gian, mà Hà Nội không đưa ông ra tòa hay thủ tiêu ông, là vì trước hết ông cũng đã quá già rồi, chẳng còn làm được gì, cuốn sách lại bị cấm ở Việt Nam, nó chẳng gây tai hại lắm về phương diện tuyên truyền. Hơn nữa tiếng tăm ông lại được thế giới kính nể. Đụng đến ông không khỏi có phản ứng bất lợi. Chi bằng cứ giam lỏng ông, cô lập ông để ông chết dần chết mòn.

© DCVOnline

____________________

(3) Un Excommunié trang 134
(4) Nhà văn và chính khách Ý, thế kỷ 15 (1469-1527). Cuốn Le Prince (Ông Hoàng) của ông bị các nhà đạo đức thời ấy lên án là phi luân, vì ông chủ trương dùng mọi biện pháp để đạt mục tiêu chính trị, bất chấp luân thường đạo lý.
(5) SDD trang 147
(6) SDD trang 150
(7) SDD trang 175
(8) SDD trang 325-327
(9) “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản”, Minh Võ, Saigon, tái bản năm 1970, trang 164-166)
____________________

*) Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1996), người Việt Nam duy nhất đậu hai bằng Tiến sỹ Luật khoa và Tiến sỹ Văn chương năm 23 tuổi ở Đại học Montpellier (Pháp). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp đến khi hòa bình lập lại (1954) thì trở về Hà Nội và làm giáo sư trường Đại học Văn khoa (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, LS Nguyễn Mạnh Tường, với tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đã đọc một bài diễn văn phân tích sâu sắc những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong cải cách ruộng đất và đề ra phương hướng để tránh mắc lại sai lầm. Vì phát biểu này, LS Nguyễn Mạnh Tường đã bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp và phải sống khó khăn thiếu thốn như một “kẻ bị khai trừ” (tên cuốn sách tự thuật của ông xuất bản năm 1992 tại Pháp). Ông mất năm 1996 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.
Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất - Xây dựng quan điểm lãnh đạo (LS. Nguyễn Mạnh Tường)



===


Trích:
Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta. Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được?
Cái câu này được nói cách đây 50 năm, nhưng đến nay vẫn như mới, thể hiện ngay trong cuộc biểu tình của bà con Tiền Giang tháng 7/2007:

Trích:
Sở dĩ cấp lãnh đạo có thể phạm được các sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách Ruộng đất, tổn thất cho xương máu, mồ hôi nước mắt của đồng bào, cho uy tín của Đảng và Chính phủ, là vì người dân không có quyền, không có phương tiện nói lên ý kiến của mình, tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ.

Do đó, phương hướng sửa chữa các sai lầm là một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
Trích:
Thế nào là một chế độ thực sự dân chủ? Đó là một chế độ trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế nữa. Đây không phải là lúc, là chỗ, mà ta đi sâu vào vấn đề. Ta chỉ cần nhận thấy rằng trong giai đoạn hiện thời, quần chúng có đòi hỏi cái gì quá đáng đâu, chỉ yêu cầu có một điều thôi, là được đàm thoại với cấp lãnh đạo, được đề đạt lên cấp lãnh đạo, ý kiến về các chính sách do cấp lãnh đạo xây dựng. Các vị lãnh tụ đã bao lần khen dân ta tốt. Mà dân ta tốt thật. Bằng chứng là điều tôi vừa nhắc lại đây. Trong khi quần chúng có quyền đòi hỏi ở một chính thể cách mạng rất nhiều, nhân dân ta chỉ có một yêu cầu mà ai cũng phải nhận là chính đáng. Tại sao nhân dân chỉ có cái yêu cầu nhũn nhặn ấy mà thôi? Là vì nhân dân thông cảm với cấp lãnh đạo phải đương đầu với bao khó khăn. Nhưng nếu nhân dân chỉ đề ra có một yêu cầu, yêu cầu ấy thiết yếu. Tôi tin rằng cấp lãnh đạo cũng nhận thấy như vậy. Tôi không quên lời của ông Trường Chinh đọc bản tự phê của Đảng Lao động tại Hội nghị này. Ta nghe thấy cấp lãnh đạo thú nhận trước Hội nghị rằng Trung ương Đảng đã phạm sai lầm là xa quần chúng, chỉ tiếp xúc với quần chúng qua báo cáo của các cán bộ đảng viên mà thôi. Ta phải nhận định rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Do đó, cuộc Cải cách Ruộng đất của ta đã gặp các thất bại cay đắng. Trái với lời ta thường nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân.

...

2. Một chế độ cho các đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp. Từ trước tới nay, ta có thể ví Đảng Lao động như một cây rất to, lá ruờm rà che hết ánh sáng của mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Vì vậy, Quốc hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò của mình.

...

3. Một chế độ tự do ngôn luận, xuất bản báo chí — Ta phải đề phòng trường hợp các cán bộ không báo cáo, các ủy viên Mặt trận không phản ảnh ý kiến của quần chúng. Do đó, ta thấy cần thiết phải cho phép quần chúng nói lên tiếng nói của mình qua báo chí. Có người lo ngại rằng tự do ngôn luận này mà ai cũng thấy cần thiết có thể bị sử dụng một cách bừa bãi. Về điều này ta phải suy nghĩ. Mối lo ngại trên đây xuất phát từ động cơ nào? Nếu là động cơ tốt —nghĩa là do một nhiệt tình đối với cách mạng gây ra— ta hoan nghênh. Nhưng ta cũng sẽ trả lời rằng trong một chính thể dân chủ muốn sử dụng tự do nào, dĩ nhiên phải nêu trách nhiệm của người sử dụng tự do ấy trước pháp luật. Nếu sử dụng với tinh thần trách nhiệm hợp pháp, ta không có quyền kêu ca gì, trái lại, ta hoan nghênh. Nếu lạm dụng một cách vô trách nhiệm, ta đã có tòa án để nghiêm trị. Vậy ta không lo ngại. Nhưng nếu mối lo ngại xuất phát từ một động cơ bất chính, nhắm mục đích thủ tiêu các tự do dân chủ, thì tôi chỉ cần khuyên nhủ người lo ngại như vậy nên đọc lại lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay. Họ sẽ nhận thấy rằng chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi các tự do dân chủ.

Không những ta công nhận các tự do dân chủ, ta lại còn cung cấp phương tiện để thực hiện các tự do ấy. Thí dụ tự do ngôn luận. Ta có các báo của Chính phủ, của Đảng, của Mặt trận, ta lại có các báo của tư nhân, ta giúp đỡ cho các báo ấy giấy và mực in đầy đủ, ta lại còn quảng cáo cho các báo ấy là đàng khác nữa. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của ta không bao giờ tìm khó dễ cho các báo ấy, và khi nào các báo đó được hàng vạn độc giả hoan nghênh, ta rất lấy làm sung sướng vì trong thâm tâm ta, ta là những người dân chủ.
Trả lời kèm trích dẫn từ bài viết này
tqvn2004
Xem Hồ sơ
Gởi nhắn tin tới tqvn2004
Tìm tất cả bài gửi của tqvn2004
#6
Old 05-06-2008, 08:34 AM
may4phuong may4phuong is offline
Thành viên chính thức

Tham gia ngày: Aug 2006
Bài viết: 706
Cảm ơn vì bài viết: 0
Được cảm ơn 143 lần trong 80 bài viết
may4phuong is on a distinguished road
“Paris, tu n’es pas pour moi une découverte, mais un souvenir.” (Paris, đối với tôi Nàng không phải là một phát hiện, mà là một hoài niệm.) Cố giáo sư Nguyễn Mạnh Tường – nguyên thày học của bố tôi – đã viết như vậy khi ông lần đầu tiên đặt chân tới Paris. Ông là người duy nhất đã giành 2 bằng tiến sỹ luật khoa và tiến sỹ văn chương tại Đại học Montpellier năm ông mới 23 tuổi - một kỷ lục mà cho đến tận bây giờ cả người Pháp chính gốc cũng chưa ai phá nổi. (Nguyễn Đình Đăng)


Ba giờ với luật sư
Nguyễn Mạnh Tường
Hòa Khánh (Quê Mẹ)

Lâu nay, tôi cứ đinh ninh là luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã mất. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, tên tuổi của ông bặt đi. Có tin đồn là ông đã chết đâu đó ở một góc khuất tối tăm nào ở Hà nội.

Thế rồi, bỗng dưng tôi lại nghe là ông vẫn còn sống, hơn nữa, đang có mặt tại Paris : ông được phép sang Pháp ba tháng để thăm viếng một số bạn bè cũ của ông.

Được sự giới thiệu của một người quen, tôi và một anh bạn đã được luật sư Nguyễn Mạnh Tường tiếp trọn cả buổi chiều ngày thứ hai 27.11.1989.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường năm nay đúng 80 tuổi. Dáng người tầm thước, lưng hơi gù, da dẻ nhăn nheo, nhưng sức khoẻ khá tốt, đi đứng vững vàng, đặc biệt trí tuệ còn rất minh mẫn. Suốt hơn ba tiếng đồng hồ chuyện trò, chúng tôi không hề bắt gặp ở ông một dấu hiệu nào của sự đãng trí vốn thường xuất hiện ở người cao niên. Ông nói năng lưu loát, đôi khi hùng hồn. Ông nhớ chính xác chi tiết những sự kiện cũ hoặc mới. Cách lý luận rành mạch.

Điều chúng tôi thích nhất ở ông là sự thành thật. Ở vào hoàn cảnh của ông, thành thật cũng có nghĩa là can đảm. Hơn ba chục năm bị đày đoạ, luôn luôn sống trong tâm trạng phập phồng chờ đón những thảm kịch thảm khốc nhất, ông không khiếp sợ đến nổi phải tự biến mình thành một con vẹt chỉ biết lải nhải lập lại những câu nói đã thành khẩu hiệu của chế độ hoặc co rút lại trong câm lặng, từ khước đối thoại để tránh khỏi nguy cơ bị hớ hênh, bị chụp mũ,.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một người đầu tiên tôi gặp, từ chế độ công sản, vẫn giữ được cái sĩ khí của một người trí thức, “uy vũ bất năng khuất”. Ông không hề từ chối bất cứ câu hỏi nào của chúng tôi dù những câu hỏi đó bắt ông phải công khai bày tỏ thái độ với cái chế độ đã, đang, và có lẽ sẽ tiếp tục dập vùi ông.

Chúng tôi xin phép ghi âm buổi nói chuyện với một sự thiếu tự tin rõ rệt. Chúng tôi nghĩ là ông sẽ từ chối. Nhưng, không. Ông đã vui vẻ chấp nhận. Để bảo đảm sự trung thực, những chi tiết dưới đây, chúng tôi đều dựa vào bản ghi âm này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trước năm 1945, luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trí thức xuất sắc nhất của Việt Nam với thành tích đến nay tại Việt Nam dường như chưa có ai theo kịp : 22 tuổi đậu hai bằng tiến sĩ quốc gia tại Pháp, một bằng về luật và một bằng về văn chương. Về nước, ông hành nghề luật sư và dạy học. Ở cả hai lãnh vực, ông đều thành công và tạo được một uy tín to lớn.

Chúng tôi hỏi luật sư Nguyễn Mạnh Tường :

- Luật sư có thể cho biết luật sư đã tham gia phong trào Việt Minh và sau đó, tham gia kháng chiến như thế nào ?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đáp :

- Thật ra tôi không hề tham gia Mặt trân Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Do đó tôi đã từng từ chối nhiều lời mời ra làm bộ trưởng của nhiều chính phủ. Người trí thứ phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền. Người trí thứ chỉ nên đứng ở lãnh vực thuần lý chính trị (politique spéculative). Nghiên cứu, thúc đẩy các trào lưu.

Cách mạng tháng Tám làm tôi rất vui mừng. Tôi mong muốn đóng góp vào việc xây dựng đất nước trong hai lãnh vực sở trường của mình : luật học và nghiên cứu văn học.

Năm 1946, một hôm, ông Nguyễn Hữu Đang, người sau này tham gia Nhân văn Giai phẩm và bị cộng sản kết án 15 năm tù, đến văn phòng luật sư của tôi nói là Cụ Hồ mời tôi đến gặp Cụ có việc cần. Nguyễn Hữu Đang chở tôi đến cái chỗ sau này gọi là Phủ Chủ tịch. Ở đó Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, ra tiếp và đưa vào gặp Cụ Hồ. Cụ gọi tôi là Ngài. Cụ nói : “Như Ngài đã biết, chính phủ vừa ký kết với Pháp một bản tạm ước. Theo bản tạm ước ấy, sắp tới, giữa ta và Pháp sẽ có một hội nghị quan trọng. Xin Ngài giúp soạn giùm cho một bản lập trường của chính phủ (thèse gouvernemental) để sử dụng như một cương lĩnh chỉ đạo cuộc hội nghị”. Tôi đáp : “Công việc này quan trọng quá, xin Cụ nhờ một người nào giỏi và có kinh nghiệm hơn tôi”. Cụ Hồ nói : “Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người và ai cũng bảo là chỉ có Ngài mới có thể làm được thôi”. Cuối cùng tôi nhhận lời, về nhà, đóng cửa văn phòng luật sư, vận dụng tất cả kiến thức về luật pháp quốc tế cũng như những điều khoản căn bản của tạm ước để soạn bản lập trường. Đến khi đem trình, được Cụ Hồ chấp thuận và do đó, buộc tôi phải tham dự Hội nghị Đà Lạt.

Chúng tôi hỏi:

- Luật sư giữ vai trò gì tại Hội nghị này ?

- Tôi là trưởng ban văn hóa và là uỷ viên trong ban chính trị.

- Cuộc hội nghị thành công tốt đẹp ?

- Vâng, về cuộc hôi nghị này, đã có nhiều ngườ viết. Chỉ có một điều ít ai biết là, kết thúc cuộc hôi nghị, hai bên đã tổ chức một bữa tiệc chung. Trong bữa tiệc ấy, tên tuỳ viên của thuỷ sư đô đốc Argenlieu đến cạnh tôi, nói là thuỷ sư đô đốc muốn gặp tôi để nói chuyện. Tôi bảo là tôi không phải trưởng đoàn do đó không có tư cách gì để gặp gỡ thuỷ sư đô đốc cả. Tên tuỳ viên lại bảo đây là sự gặp gỡ thân mật có tính cách cá nhân thôi chứ không phải để bàn bạc điều gì quan trọng cả. Nghe thế, tôi đứng dậy, rời bàn tiệc ra ngoài hành lang gặp Argenlieu. Lúc ấy trong bàn tiệc ai cũng thấy cả. Và cuộc nói chuyện cũng rất vu vơ, thăm hỏi xã giao về công ăn việc làm thôi. Thế nhưng, về Hà Nội bỗng dưng lại có tin đồn là Nguyễn Mạnh Tường thông đồng với giặc, là Nguyễn Mạnh Tường bán nước…

Chúng tôi hỏi:

- Luật sư có biết tin đồn đó xuất phát từ đâu không ?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười:

- Thì cũng phải có người phát thì nó mới động chứ. Tin đồn đó là cả một chiến dịch được tổ chức hẳn hoi. Anh Hoàng Xuân Hãn lúc ấy phải đến gặp hình như là Võ Nguyên Giáp thì phải, bảo Tường làm cái gì mà người ta lại tung tin đồn là nó bán nước, theo giặc ghê quá vậy. Nguy cho nó lắm. Mà nguy thật, chỉ cần một phát súng, một mũi dao là xong đời chứ gì. Từ khi anh Hãn can thiệp, tin đồn ấy mới lắng xuống rồi biến mất.

Chúng tôi hỏi:

- Có thể coi đó là nguyên nhân khiến cho về sau cộng sản bạc đãi luật sư chăng ?

- Không phải. Cộng sản, những người tham dự hội nghị cùng với tôi, họ biết thực hư, đầu đuôi thế nào hết chứ. Đâu có phải vì tin đồn ấy mà ngườ ta bạc đãi tôi. Đối với trí thức, nói chung cộng sản dùng thì dùng, nhưng bảo là họ có mến yêu không thì tôi… không dám nói là có.

Chúng tôi hướng câu chuyện vào vấn đề chúng tôi quan tâm nhất và có lẽ nhiều người cũng quan tâm đến nhất:

- Theo các tài liệu được phổ biến tại miền Nam trước đây cũng như ở ngoại quốc, luật sư có tham gia vụ Nhân văn Giai phẩm vào những năm 56, 57 ?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đáp nhanh:

- Thật ra tôi không hề tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm. Mãi sau này khi người ta kết án nhóm Nhân văn Giai phẩm, tôi mới biết đó là một tổ chức chống đảng với những tên tuổi như Trần Dần, Trần Duy, Hoàng Cầm… gì đó.

- Thế nhưng luật sư cũng có mấy bài viết cùng chung lập trường với họ.

- Vâng, tôi có cả thảy hai bài viết mà ông Hoàng Văn Chí có đăng lại trong quyển Trăm hoa đua nở trên đất Bắc ấy mà. Nguyên là, một hôm ông Nguyễn Hữu Đang và ông Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Đức đến gặp tôi để xin bài. Cả hai đều quen biết với tôi từ trước. Chuyện gặp ông Nguyễn Hữu Đang tôi có kể qua lúc nãy. Còn ông Trần Thiếu Bảo thì tôi gặp ở Thái Bình thời kháng chiến chống Pháp. Lúc ấy, ông Bảo cũng làm nhà xuất bản. Tôi có đưa cho ông ấy xuất bản quyển “Một cuộc hành trình”, quyển sách đầu tiên của tôi bằng tiếng Việt.

- Đó là một quyển hồi ký ?

- Không. À mà cũng có thể gọi là nửa hồi ký, nửa nghị luận. Đại khái tôi kể chuyện cuộc đời mình, từ một người trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp giành độc lập cho đất nước như thế nào…

- Xin trở lại vụ Nhân văn Giai phẩm…

- Vâng, thì cái bài đăng trên Giai phẩm mùa thu năm 1956 là thế. Còn bài viết về vụ cải cách ruộng đất thì là thế này: đó là bài tôi nói chuyện trong một cuộc hội nghị của Mặt trận Tổ quốc. Các anh cũng biết là vụ cải cách ruộng đất đã thất bại nặng nề đến nổi ông Trường Chinh đã phải mất chức Tổng bí thư đảng cơ mà. Lúc đó có phong trào sửa sai ghê lắm. Trong cái cuộc vận động sửa sai như thế, ông Tố Hữu rồi ông Trường Chinh rồi ông Xuân Thuỷ đã lần lượt gọi tôi đến nhà riêng của các ông ấy để yêu cầu tôi, trong hội nghị của Mặt trận Tổ quốc, trình bầy cho mọi người biết thế nào là dân chủ. Các ông ấy nói là sau sai lầm của cải cách ruộng đất, chúng ta phải cố làm sao cho chế độ xã hội chủ nghĩa trở thành một chế độ thực sự dân chủ. Nghe thế, tôi mừng quá nên nhận lời ngay. Thế rồi hội nghị được tổ chức. Tôi thuyết trình trọn cả ngày, ba giờ buổi sáng, ba giờ buổi chiều. Thuyết trình xong, người ta khen ghê lắm. Ông Trường Chinh, Ông Xuân Thuỷ, ông Dương Bạch Mai sau đó lại yêu cầu tôi viết lại bài nói chuyện đó để đưa mấy ông xem.

- Thế, trong hội nghị, luật sư chỉ nói miệng chứ không đọc bài viết đã soạn sẵn ?

- Không, thì giờ đâu. Chính mấy ông ấy bảo thì tôi mới viết lại chứ. Tôi đánh máy bài viết thành hai bản, nộp hết cho mấy ông. Thế mà, không biết tại sao, bài viết đó lại lọt ra nước ngoài, bọn báo chí ngoại quốc làm ầm ỉ lên thế mới chết chứ.

- Luật sư có nhớ chắc là không hề đưa bài viết ấy cho ai khác ?

- Chắc chắn. Cả hai bản đánh máy tôi đều nộp hết cho ông Trường Chinh và ông Xuân Thuỷ. Tôi chỉ giữ lại bản nháp viết tay thôi.

- Thế thì luật sư có thể đoán được là tại sao, từ nguồn nào, bài viết của luật sư lại lọt ra nước ngoài được không ?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười lắc đầu:

- Chịu thôi. Ở đời vẫn có những bí mật mật như thế đó, các anh ạ.

Chúng tôi lại hỏi:

- Thế sau khi bài viết bị tiết lộ ra ngoài thì cộng sản đối xử với luật sư như thế nào ?

- Thì còn đối xử như thế nào nữa. Kiểm điểm rồi đuổi việc thôi.

- Luật sư có thể cho biệt nội dung của nhửng cuộc kiểm điểm ấy được không ạ ?

- Được chứ. Thì ở đâu cũng giống nhau thôi. Cứ khăng khăng buộc tội tôi chống đảng.

- Khi buộc tội như vậy người ta dựa vào nôi dung bài thuyết trình của luật sư hay dựa vào sự kiện bài tham luận được chuyển ra nước ngoài ?

- Dựa vào nội dung bài thuyết trình mới chết chứ. Còn chuyện tại sao bài ấy lọt ra nước ngoài thì tôi có biết đâu. Và cũng không ai ghép tội tôi được : bằng chứng đâu ?

- Nhưng nội dung bài thuyết trình, như luật sư cho biết là được soạn theo yêu cầu của ông Trường Chinh, Xuân Thuỷ, Tố Hữu mà…

- Thì đấy…

- Tại sao luật sư không nói cho họ biết điều đó ?

- Có. Tôi có nói chứ. Nhưng ai nghe ? Người ta bảo cán bộ yêu cầu tôi phát biểu về nội dung khái niệm dân chủ chứ đâu có yêu cầu tôi chống lại đảng ?

- Thế luật sư có chống lại đảng không ?

- Ít ra, trong cuộc thuyết trình tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc cũng như trong bài viết lại mà tôi nộp cho ông Trường Chinh, ông Xuân Thuỷ… thì tuyệt đối không có một câu, một chữ nào chống đảng cả. Tôi chỉ phê phán những sai lầm trong cải cách ruộng đất thôi. Mà những sai lầm ấy thì quá hiển nhiên, ngay cả đảng cũng nhìn nhận mà, chứ đâu phải mình tôi.

- Luật sư có đi tham gia cải cách ruộng đất ?

- Có. Hồi ấy tất cả mọi cán bộ đều phải về các địa phương để tham gia cải cách ruộng đất cả. Tôi cũng phải đi

- Luật sư về địa phương nào ?

- Phủ Nho Quan

- Công việc của các cán bộ cụ thể là làm gì ?

- Để phụ với nhân dân tổ chức các cuộc cải cách ruộng đất thôi.

Trầm ngâm một lát, luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể tiếp :

- Chính trong những đợt đi xuống điạ phương ấy tôi mới thấy rõ, thấy hết sự tàn bạo của nó.

Lại im lặng. Chúng tôi cũng im lặng chờ đợi. Giọng của luật sư Nguyễn Mạnh Tường trầm trầm, buồn buồn :

- Đầu tiên, về Phủ Nho Quan, chúng tôi được học tập là theo lệnh từ trên, tại điạ phương này có cả thảy 80% dân chúng thuộc thành phần địa chủ. Tôi điếng cả người. Phẩn nộ thấy ngay cách làm việc như vậy là rất trái khoa học. Khoa học nào cũng phải xử dụng phương pháp quy nạp, phải căn cứ trên quá trình điều tra thực tế cẩn thận, từ thực tế mà đúc kết thành nhận định. Đằng này thì mấy ông từ Trung ương cứ tưởng tượng ra các chỉ tiêu rồi ra lệnh xuống bắt các địa phương phải thực hiện. Cán bộ địa phương muốn hoàn thành công tác thì phải kích thôi. Có nhiều gia đình ngèo xơ ngèo xác, ở trong một căn nhà hẹp có hai gian, tài sản đâu chỉ được một hai mẫu ruộng, thế mà cũng bị khép vào thành phần địa chủ. Để cho đủ số lượng ấy mà ! Tội lắm. Oan ức nhiều không sao kể hết được.

- Luật sư có tham gia vào cuộc xử án nào không ?

- Không. Người ta đâu có cần luật sư. Mình đi cốt là để rèn luyện quan điểm, rèn luyện lập trường thôi chứ đâu phải để xử án hay để biện hộ cho ai.

- Thế thì ai làm chánh án, luật sư trong các vụ đấu tố ?

- Chẳng có chánh án, luật sư gì cả. Phiên toà được tổ chức ở một bãi sân rộng đâu đó trong làng. Mấy anh thuộc thành phần bần cố nông ngồi ngất ngưởng trân bàn để luận tội, còn mấy người bị gọi là địa chủ thì bị xích cổ, trói chân, trói tay quỳ mọp giữa sân…

- Có cả chuyện xích cổ ư ?

- Có. Suốt “phiên toà”, hết bần cố nông này lên tiếng chửi thì bần cố nông khác lên chửi tiếp. Xong rồi thì đến lượt hành hình địa chủ, vậy thôi.

- Luật sư có bao giờ can thiệp vào những vụ đấu tố dã man như vậy không ?

- Có mà muốn chết à ? Không. Có chảy nước mắt thì cũng rán mà giấu đi.

- Có địa chủ nào được quyền tự biện hộ, tự thanh minh cho mình không ?

- Không. Lúc đó ai cũng hồn kinh phách tán cả rồi, mặt mũi xanh rờn, đứng còn không nổi nữa thì nói gì đến chuyện tự biện hộ. Mà ai cho ? Cứ bị khép vào thành phần địa chủ là coi như đã chết.

- Luật sư có phỏng đoán được số lượng những người bị giết chết trong đợt cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào hồi ấy là bao nhiêu không ?

- Không. Chỉ biết được ở cái điạ phương mình về thôi.

- Cụ thể, ở Phủ Nho Quan là bao nhiêu người bị giết chết ?

- Tôi không nắm con số. Nhưng nhiều, nhiều lắm. Hơn nữa, sau các đợt cải cách ruộng đất còn có các đợt chỉnh phong trong hàng ngũ cán bộ cũng làm cho nhiều người bị oan ức lắm.

- Nội dung các cuộc chỉnh phong là sao ?

- Là trừng phạt những đảng viên, những cán bộ có quan hệ ít nhiều với điạ chủ, với phản động. Thậm chí, có nhiều người lúc trẻ là đảng viên Quốc dân đảng, từ năm 45, 46, đã theo kháng chiến rồi vào đảng cộng sản, vậy mà người ta còn truy quá khứ ra để hành tội.

- Sau mấy chục năm, nhìn lại, luật sư đánh giá thế nào về cải cách ruộng đất ?

- Dĩ nhiên là nó sai rồi. Không những sai, nó còn ác, cực ác nữa. Tôi nghĩ nó không có chút gì Việt Nam cả. Người Việt Nam, trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, chưa bao giờ tàn bạo đến như vậy. Nó là dấu ấn của Mao…

- Dấu ấn trực tiếp hay gián tiếp ?

- Tôi không biết. Ngay thời kháng chiến chống Pháp, tôi có gặp Đại sứ Trung Quốc trên các chiến khu. Bận một bộ đồ trắng toát, cưỡi ngựa, trông oai quyền ghê lắm. Ông ấy tên Lã Quý Ba. Người ta nói ông ấy chính là kẻ chỉ huy, vạch kế hoạch cho các phong trào cải cách ruộng đất tại Việt Nam.

- Nhưng Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền kia mà ?

- Thì đấy. Ngay cái chuyện bắt chước Liên Xô, bắt chước Trung Quốc đã sai rồi thì những chuyện khác theo đó sai theo…

Chúng tôi trở lại chuyện Nhân văn Giai phẩm :

- Xin luật sư kể tiếp về những hình phạt cộng sản đối với luật sư ?

- Kiểm điểm rồi đuổi việc. Tôi có kể khi nãy.

- Cụ thể, trước đó, luật sư làm gì ?

- Tôi làm giám đốc Đại học Luật, phó giám đốc Đại học Sư phạm, chủ nhiệm Câu lạc bộ trí thức và nằm trong ban chấp hành của 10 tổ chức quần chúng ở miền Bắc.

- Đó là những tổ chức gì ?

- Uỷ ban Hoà bình thế giới; Hội hữu nghị Việt Xô; Hội hữu nghị VIệt Pháp; Hội Luật gia Việt Nam…

- Luật sư có bị bắt, có bị giam cầm gì không ?

- Không. Chỉ bị đuổi ra khỏi tất cả những nơi đang làm việc. Và độc ác nhất là bị cô lập hoàn toàn. Các anh cứ tưởng tượng suốt mấy chục năm trời, không ai dám đến gặp tôi cả. Họ sợ bị liên luỵ đến bản thân, đến gia đình của họ. Có khi, đi ngoài đường, nhìn thấy tôi từ xa, là bạn bè, học trò cũ của tôi phải tránh đi chổ khác. Tôi cũng không trách gì họ. Vì sự an toàn của họ, họ phải làm thế thôi. Nhưng đau xót lắm.

- Trong thời gian suốt mấy chục năm trời như vậy, luật sư làm gì để sống ?

- Không làm gì cả. Xin việc gì người ta cũng không nhận. Thoạt đầu, cứ bán dần đồ đạc trong nhà mà ăn tiêu. Bán bàn ghế, giường tủ, rồi bán quần áo, giầy dép… cuối cùng phải bán đến cả sách vở tôi dành dụm thu thập sắm trong hai mươi năm. Bán theo giá bán giấy ký thôi. Rẻ mạt. Nhưng cần sống thì phải bán. Cứ mỗi lần bán sách là mỗi lần tôi có cảm tưởng như có ai lấy dao găm đâm vào tim của mình. Rồi tất cả đồ đạc cạn dần, cạn dần. Tôi lại sống bằng sự bố thí của anh em, bạn bè. Lâu lâu người này cho cái đồng hồ, người khác cho một ít tiền.

- Những người giúp luật sư thuộc thành phần nào ?

- Một số là học trò cũ của tôi; một số là những bạn bè cuả tôi lúc tôi còn ở Pháp và một số khác nữa là những người hoàn toàn xa lạ vì nghe tiếng tôi, thương cho hoàn cảnh của tôi, từ Pháp thỉnh thoảng cho một ít quà.

- Họ là người Việt Nam hay người Pháp ?

- Người Việt có, người Pháp có.

Thấy cuộc nói chuyện đã khá thân mật, chúng tôi dè dặt nêu ra câu hỏi khác, một câu hỏi thú thật chúng tôi rất tò mò :

- Ba mươi lăm năm sống dưới chế độ cộng sản, luật sư nhận xét gì về cái chế độ này ?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đắn đo một lát rồi đáp :

- Mình nên khách quan. Người cộng sản họ vừa có công lại vừa có tội.

- Luật sư nghĩ gì khi có người gọi chế độ cộng sản tại Việt Nam là một nhà nước công an trị (état policier) ?

- Đồng ý thôi. Điều đó thì rõ quá.

- Có người còn phân tích thêm, cái nhà nước công an trị ấy tồn tại bằng ba cơ chế : thứ nhất là công an khu vực; thứ hai là hộ khẩu; thứ ba là chế độ quản lý lương thực. Luật sư nghĩ sao ?

- Đúng. Từ khi bị thất sủng, tôi vô cùng thấm thía những cái chuyện đó. Không đi làm được, sống bằng cách bán đồ đạc hoặc bằng sự bố thí của người khác mà phải mua lương thực tự do giá cao gấp trăm lần giá chính thức thì khó khăn ghê lắm. Có lúc tưởng không vượt qua được. Còn chuyện hộ khẩu và công an khu vực thì khỏi phải nói. Những chuyện ấy bây giờ vẫn còn đấy nhé

- Luật sư qua Pháp đã gấn hai tháng nay, luật sư có theo dõi tình hình tại các nước Đông Âu không ?

- Có chứ.

- Luật sư nghĩ sao ?

- Mừng. Mừng lắm.

- Luật sư có nghĩ là rồi đây chế độ công sản sẽ sụp đổ không ?

- Dứt khoát là nó sẽ sụp đổ.

- Tình hình Việt Nam hiện nay thì sao ?

- Khó khăn lắm.

- Phong trào đổi mới rồi sẽ tới đâu ?

- Chưa biết được. Nhưng có điều chắc chắn là sẽ không có gì đổi mới cả nếu chưa có dân chủ, trước hết là chưa tôn trọng luật pháp . Vì luật pháp không anh minh cho nên có kêu gào đầu tư đến mấy cũng không có ai dám liều lĩnh đầu tư cả. Kinh tế vẫn kiệt quệ mải.

- Tại sao cộng sản lại cho một người như luật sư sang Pháp ?

- Tôi nộp đơn xin xuất cảnh đúng vào thời điểm họ tuyên bố đổi mới. Chứ nếu bây giờ, chưa chắc đã đi được.

- Luật sư nộp đơn xin xuất cảnh từ lúc nào ?

- Năm ngoái. Hai tháng sau thì cầm được giấp phép của Việt Nam Nhưng nộp vào Toà đại sứ Pháp thì phải chờ đúng tám tháng.

- Luật sư có ý định ở lại Pháp luôn không ?

- Không. Tháng 12 tới tôi sẽ về lại. Trong thần thoại Hy Lạp có chuyện một vị thần chỉ mạnh mẽ khi đứng trên mặt đất, hễ ai nhấc lên khỏi mặt đất thì thành ra yếu ngay. Tôi nghĩ một người trí thức hay một văn nghệ sĩ cũng vậy. Phải ở trong nước, giữa những thử thách mới tìm ra được sức mạnh.

- Có một số anh em trí thức yêu nước, muốn về Việt Nam để canh tân đất nước, luật sư nghĩ là có nên hay không ?

- Không. Cứ ở đây làm việc. Đừng về. Về sẽ bị kẹt.

- Tại sao ?

- Tôi có nhiều kinh nghiệm về chuyện này. Thế hệ của tôi, bao nhiêu người tài giỏi, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước… Về nước họ có làm được gì đâu ? Thì cũng có một vài đóng góp đấy, nhưng tôi nghĩ, hoàn toàn không tương xứng với khả năng của họ. Đó là chưa kể đến những người kém may mắn hơn. Như tôi chẳng hạn. Có làm gì được đâu ?

- Lâu nay, luật sư có viết lách gì không ?

- Có. Mấy chục năm qua, tôi hoàn thành được bốn công trình nghiên cứu. Môt là “Lý luận giáo dục” (ở châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18); hai là “Eschylle và bi kịch cổ đại Hy Lạp”; ba là “Virgile và anh hùng ca latin”; bốn là dịch vở kịch của Eschylle.

- Luật sư viết bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp ?

- Tất cả đều bằng tiếng Việt. Dụng ý của tôi là để cho người Việt đọc. Tôi mượn những vấn đề trên để cho người Việt đặc biệt là những người lãnh đạo hiểu thế nào là con người, thế nào là dân chủ, tự do, thế nào là quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, v.v…

- Những quyển sách ấy có được in ra chưa ?

- Chưa. Tôi có gửi lên Ban khoa giáo Trung ương. Người ta khen là nghiên cứu công phu. Nhưng đến nay không ai chịu in cả. Người ta bảo là không có giấy.

Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 6 giờ chiều. Mùa đông trời tối sớm. Chúng tôi cám ơn luật sư Nguyễn Mạnh Tường để chấm dứt câu chuyện đã kéo dài hơn ba giờ liền. Và hỏi :

- Thưa luật sư, chúng tôi ghi âm buổi nói chuyện hôm nay với mục đích giữ làm kỷ niệm. Tuy nhiên không biết luật sư có đồng ý cho phép chúng tôi công bố những điều luật sư phát biểu chăng ?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười dễ dãi :

- Các anh cứ tự nhiên. Những điều tôi nói toàn là sự thật cả.

- Sắp về lại Việt Nam, luật sư không sợ sao ?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười to :

- Các anh nhớ là tôi đã 80 tuổi rồi. Tính theo tuổi ta là 81 đấy.

Chúng tôi ra về, lòng phơi phới vui. Vui vì được gặp một người lâu nay mình ngỡ đã chết. Vui hơn nữa, vì thấy Nguyễn Mạnh Tường, cái tên tuổi mình từng kính phục từ thưở bùng nổ vụ Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc, sau bao nhiêu đoạ đầy, vùi dập, vẫn giữ nguyên cái sĩ khí của một người trí thức uy vũ bất năng khuất. Ở Việt Nam giờ đây, còn được bao nhiêu người như thế nhỉ ?
Trả lời kèm trích dẫn từ bài viết này


http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=7483



====

No comments: