Wednesday, November 19, 2008

181. LAN HƯƠNG PHỎNG VẤN NGUYỄN MINH CẦN VỀ PHÙNG CUNG

====


Trò chuyện với ông Nguyễn Minh Cần về Phùng Cung
Lan Hương thực hiện - 10/2003)



Nhà xuất bản Văn Nghệ vừa in xong cuốn sách “Phùng Cung, truyện và thơ chưa hề xuất bản”. Đây là tuyển tập gồm 10 truyện ngắn và 35 bài thơ của nhà văn Phùng Cung chưa bao giờ được ra mắt bạn đọc. Nhân dịp này, Lan Hương, phóng viên ĐCV đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cần, một trong những người đầu tiên được đọc bản thảo của tập sách này.



Ông Nguyễn Minh Cần cũng là người đã viết một bài tiểu luận hết sức chi tiết về tư trào Nhân văn Giai Phẩm vào năm 1994 để nói lên những nỗi oan, những nỗi đau của những văn nghệ sỹ đã từng bị đàn áp trong suốt mấy chục năm sau đó, trong đó có Phùng Cung.
- Một quyển sách đặc biệt đã phải chờ gần 50 năm mới ra mắt độc giả !
- Một nạn nhân của vụ đàn áp Nhân Văn – Giai Phẩm ở miền Bắc
- Một tinh thần bất khuất trước bạo quyền : nhà văn Phùng Cung,nhà thơ Phùng Cung
Giá bán : 30 Gia-kim tại Canada, 26 Mỹ-kim trong Bắc Mỹ, 32 Mỹ-kim ngoài Bắc Mỹ. Xin gửi money order về:
BS. Lâm Thu Vân, TTDCCVN, 6420 Victoria # 4, Montreal H3W 2S7, Qc, Canada.
Muốn biết thêm chi tiết, xin đọc:
Tiểu Sử Phùng Cung
Phùng Cung Truyện và Thơ (Chưa hề xuất bản)


Phóng viên: Nhà xuất bản Văn Nghệ vừa xuất bản cuốn sách “Phùng Cung, truyện và thơ chưa hề xuất bản”. Ông là một trong những người đầu tiên được đọc bản thảo của cuốn sách này, xin ông cho biết những cảm nghĩ của ông về sự kiện này ạ?
Nguyễn Minh Cần (NMC): Theo tôi đây là một sự kiện lớn đối với văn học nước nhà. Tôi dùng chữ “lớn” này, không hề nói ngoa một chút nào cả, vì trong những tác phẩm xuất bản lần này, các bạn sẽ thấy có những bài rất hay, rất đặc biệt, có thể nói đó la ønhững hạt ngọc hiếm thấy trong nền văn chương Việt Nam đương đại. Cho nên việc đưa những tác phẩm này ra ánh sáng là một sự kiện lớn, một sự kiện quan trọng để dân chúng có thể thưởng thức, có thể xét đóan, tuyển trọn và trân trọng đặt nó vào một vị trí xứng đáng trong nền văn học của nước ta.
Phóng viên: Những tác phẩm của Phùng Cung được ra mắt bạn đọc lần này, như ông đánh giá là một sự kiện quan trọng để đưa những hạt ngọc quý báu ra ánh sáng, vậy xin ông cho biết cái hành trình vất vả mà những tác phẩm này đã phải trải qua để đến được với các độc giả lần này.




NMC: Phải nói, cái gian truân nhất ở đây, là cái gian truân của chính tác giả. Bởi vì sáng tác ở trong tù, hoặc sáng tác trong điều kiện mất tự do là điều hết sức khó khăn. Những chuyện ngắn mà Phùng Cung viết ra trong tuyển tập lần này, sau khi ông đã bị đấu tố trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP), ông viết trong điều kiện bị theo dõi, còn những bài thơ của ông có 35 bài thì 34 bài viết trong ngục tù. Như chúng ta đều biết, sáng tác trong ngục tù của cộng sản Việt Nam thật vô cùng khó: không có giấy, không có mực, mà nếu cai tù biết được thì ngay cả tính mệnh của người sáng tác cũng hết sức nguy hiểm. Thêm nữa sáng tác xong rồi, trong điều kiện không có giấy mực, nên tác giả phải học thuộc, phải ghi vào trong bộ nhớ, và khi ra tù thì phải khôi phục lại. Thêm vào đó, khi khôi phucï lại được rồi lại phải cất kỹ ở một nơi nào đó vì nếu công an, mật vụ mà biết thì sẽ gây nguy hiểm cho tác giả, cho gia đình nhà thơ. Ngoài ra, trong việc này có một cái cơ duyên đặc biệt, một cơ duyên trời cho, khi con trai của Phùng Cung, tức là Phùng Hà Phủ đến được Canada, gặp được bác sỹ Lâm Thu Vân. Có điều đặc biệt là một người sống ở miền Bắc, một người sống ở miền Nam, hai người sống trong hai điều kiện hết sức khác nhau, nhưng khi gặp nhau thì có một sự đồng cảm hết sức gần gũi, tìm thấy nhau rất dễ. Chính nhờ sự đồng cảm đó mà hai cô cháu rất nhanh chóng tin cậy nhau. Phùng Hà Phủ đã nói hết nỗi lòng của mình, kể về cuộc đời của bố, sáng tác của bố và ý nguyện của bố. Mà ý nguyện của bố là làm sao để những sáng tác của ông được phổ biến. Bác sỹ Lâm Thu Vân là người đầu tiên hưởng ứng điều đó, và hết sức ủng hộ ý định này. Hai cô cháu bàn nhau để những bản thảo được đưa ra khỏi bức màn che của chế độ. Nhưng khốn thay, những bản thảo này khi ra nước ngoài không rơi trực tiếp vào tay bác sỹ Lâm Thu Vân, mà vào qua một người khác, nên họ ngâm lại trong nhiều năm. Cuối cùng sau một sự đấu tranh rất lâu dài, bản thảo mới trở về tay bác sỹ Lâm Thu Vân. Đến nay bác sỹ Lâm Thu Vân cũng không kiểm chứng được số lượng tác phẩm chuyển ra đã đủ chưa, vì khốn thay, sau khi trờ về Việt Nam một thời gian ngắn thì Phùng Hà Thủ cũng qua đời. Riêng tôi, tôi biết có hai tác phẩm hết sức đặc biệt thì không có trong lần này.




Phóng viên: Cho đến nay người ta biết đến Phùng Cung qua câu chuyện “Con ngựa già của Chúa Trịnh” in trong báo Nhân Văn số 4 tháng 10 năm 1956, vậy theo ông, văn phong của Phùng Cung trong mười truyện ngắn vừa ra mắt lần này có gì giống, khác, so với phong cách của Phùng Cung trong chuyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” ngày xưa?
NMC: Nhà văn Phùng Cung tham gia vào tư trào NVGP bằng một truyện ngắn duy nhất là “Con ngựa già của Chúa Trịnh”. Thực ra truyện “Con ngựa già của Chúa Trịnh” rất hay, nhưng dù sao nó cũng chỉ là một cách nói bóng bẩy, xa xôi, dù vậy, những người lãnh đạo văn nghệ hồi bấy giờ cũng suy luận rằng, đây là một lối nói hai mặt, để chĩa vào Đảng, chĩa vào những tầng lớp bồi bút, văn nô của Đảng, vì khi Phùng Cung tả con ngựa, lúc đầu là một con tuấn mã, nhưng khi vào cung của Chúa Trịnh, ăn no, béo tốt rồi thì cũng không làm gì được nữa, cũng như nhiều nhà văn thời tiền chiến trước năm 1954 thì viết rất xuất sắc, nhưng khi đã chịu cúi đầu khuất phục, theo đường lối văn nghệ của Đảng thì họ không sáng tác gì đáng giá. Thêm vào đó người ta cho rằng Phùng Cung sử dụng hình tượng của Chúa Trịnh để ám chỉ Đảng, mà Chúa Trịnh như chúng ta biết, là một vị Chúa tiếm quyền của Vua Lê, cũng là cách để ám chỉ Đảng tiếm quyền của dân.


Chính vì vậy, chỉ vì một bài văn thôi mà Phùng Cung bị đánh tơi bời, nặng nề. Và dù bị đàn áp như vậy, nhưng Phùng Cung vẫn tiếp tục sáng tác một cách ngấm ngầm bí mật. Tổng cộng có mười truyện ngắn, hay thực ra phải có ít nhất mười hai truyện, nhưng ở đây đã thất lạc mất hai truyện, mà Phùng Cung viết trong thời kỳ bị đấu tố căng thẳng. Trong mười truyện, “Mộ phách”, “Biệt tích” là những truyện rất cảm động. Ở đây văn phong của Phùng Cung vừa nhẹ nhàng, nhưng cũng sâu sắc vô cùng.




Phóng viên: Ngoài mười truyện ngắn, trong tuyển tập Phùng Cung lần này còn giới thiệu với độc giả ba mươi lăm bài thơ của ông. Xin ông cho biết cảm nghĩ của ông về những bài thơ này ạ?
NMC: Như tôi đã nói, trong số ba mươi lăm bài thơ này, chỉ có một bài viết sau khi Phùng Cung ra tù, còn lại ba mươi tư bài ông viết trong thời kỳ bị tù, và thậm chí nhiều bài ông viết trong xà lim biệt giam, trong cảnh gông cùm. Phải nói rằng, chính trong cảnh gông cùm, cay nghiệt như Phùng Cung diễn tả là “Đêm ngày chân rỉ máu cùm lim”, nên nhà thơ cảm xúc một cách thấm thía vô cùng sự đàn áp của chế độ cộng sản đối với con người. Trong ba mươi lăm bài thơ của Phùng Cung, hầu hết là những bài vang lên tiếng thét đau thương đối với tình trạng bi đát của đất nước, của Tổ quốc. Đây là những bài mà người ta thấy rõ Phùng Cung đau đớn như thế nào trước tình trạng của Tổ quốc bị đè nén bởi chế độ độc tài.




Phóng viên: Nói về Phùng Cung, người ta không thể không nhắc tới tư trào nhân văn giai phẩm từ năm 1956. Vậy xin ông cho biết về sự tham gia của Phùng Cung trong tư trào này và sự ảnh hưởng của tư trào Nhân Văn Giai Phẩm đối với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Phùng Cung.
NMC: Chỉ đóng góp có một bài thôi, đó là chuyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh”, mà đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) khủng bố anh rất tàn tệ .So với tất cả những người khác cùng tham gia phong trào, Phùng Cung là một trong những người bị đàn áp nặng nhất, bị giam đến 12 năm trời, và sau khi ra khỏi ngục tù, thì vẫn tiếp tục bị theo dõi, bao vây, một cách khốn đốn. Có thể nói trong suốt 40 năm trời, Phùng Cung không ngẩng mặt lên được. Phùng Cung là một nghệ sỹ, một nhà văn, một nhà thơ có tài, nhưng sự đàn áp của đảng cộng sản làm cho tài năng của ông bị mai một đi rất nhiều, lẽ ra anh còn có thể phát huy được khả năng của mình hơn nữa. Sự đàn áp của đảng CSVN đối với tư trào NVGP đã gây nên một hậu quả hết sức nặng nề đối với nền văn học, nó làm thui chột không biết bao nhiêu tài năng, làm thui chột nền văn học mà hàng chục năm không ngóc đầu lên được. Và nó gây nên một nỗi sợ triền miên trong các nhà văn, trong giới trí thức cho đến tận bây giờ.

DCVMedia Copr giữ bản quyền
Người Việt Nước Ngoài
1/2004
Số Báo 49






















Lưu Ý
Ban biên tập tạp chí Đàn Chim Việt xin trân trọng lưu ý:
1. Là một diễn đàn tự do, các bài viết được đăng trên Đàn Chim Việt không nhất thiết phản ánh quan điểm của tờ báo.
2. Nghiêm cấm sử dụng lại các bài viết thuộc bản quyền của công ty DCVMedia dưới mọi hình thức khi chưa được sự đồng ý của DCVMedia.
3. Mọi vấn đề liên quan đến các bài viết của Đàn Chim Việt, xin liên lạc Ban Biên Tập tạp chí Đàn Chim Việt.


Copyright © 2000-2003 Đàn Chim Việt International. All rights reserved


=====

No comments: