====
thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN
Số 13 - Tháng 3/2008
Phan Khôi và cuộc thi quốc sử
của báo Thần Chung, Sài Gòn 1929
Lại Nguyên Ân
Đề tài nêu trong bài này là một phần việc mà tôi đã tạm gác lại khi biên soạn để công bố sưu tập Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1929. [1]
Sự thể là, khi xem lại diễn tiến cuộc thi quốc sử được nhật báo Thần chung tổ chức trong năm 1929, người nghiên cứu hẳn phải nghĩ rằng cuộc thi này, từ ý đồ đến việc triển khai, không thể thiếu sự tham gia của những nhà báo khi đó đang bỉnh bút hay trợ bút cho toà soạn nhật báo này ở Sài Gòn, ví dụ Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Đào Trinh Nhất, Ngô Tất Tố, v.v… Tuy vậy, đứng trước những bài vở chỉ phát ngôn nhân danh toà soạn, hoàn toàn không ký một tên riêng nào khác, người sưu tầm, − nhất là khi người đó chỉ thuộc trong đám hậu thế, − không thể “quy” mỗi văn bản ấy cho một ai cụ thể được. Tôi ngờ, có can dự khá nhiều vào cuộc thi này là Phan Khôi, người đã bộc lộ xu hướng hoạt động sử học ngay từ khi mới cầm bút viết báo, người mà ngay trong năm 1928 đã triển khai ít ra là một cuộc tranh luận về sử Việt cận đại trên Đông Pháp thời báo, tiền thân của nhật báo Thần chung này.[2] Song cái cần nhất là một vài chứng cứ thì lại vẫn còn thiếu…
Điều khiến tôi hôm nay quay lại với mảng tài liệu này, là do nhận ra một số chứng cứ trong một cuốn hồi ký của Nguyễn Vỹ (1912-71). Không phải đơn giản là Nguyễn Vỹ xác nhận sự kiện nêu trên; trái lại, chính việc nhận ra một sự lầm lẫn rõ rệt trong ký ức Nguyễn Vỹ đã khiến tôi tin nhiều hơn rằng Phan Khôi đã có vai trò chính trong cuộc thi quốc sử nói trên.
Xin đề cập cụ thể.
Trong cuốn truyện ký nhan đề Tuấn, chàng trai nước Việt (xuất bản lần đầu vào năm 1970 tại Sài Gòn), − cuốn sách mà chính tác giả đoan quyết rằng, các sự kiện, phong trào, nhân vật, biến cố được ghi lại trong đó đều “hoàn toàn xác thực”, rằng trong cuốn sách ấy “không có chỗ đứng cho tưởng tượng, cũng như cho chủ quan, thành kiến”, [3] − khi nhớ về thời kỳ những năm 1930 với tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, Nguyễn Vỹ viết:
“… tờ Phụ nữ tân văn chỉ làm được hai việc có thể gọi là vĩ đại nhất lúc bấy giờ. Một là báo ấy mở cuộc thi “Danh nhân Việt Nam”. Nhà báo chọn một danh sách không quá hai mươi lăm người, tức là “hai mươi lăm danh nhân” trong lịch sử Việt Nam, không theo thứ tự nào cả. Mỗi tuần, nhà báo đăng tiểu sử và sự nghiệp của một người, đại khái như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, Quang Trung, Trưng Trắc, Phan Thanh Giản, v.v… Xong rồi nhà báo nhờ độc giả sắp hạng, căn cứ trên sự nghiệp của mỗi vị danh nhân, để ai trên ai dưới, thành một bản danh sách dự thi. Những bản danh sách nào gần giống nhau nhất sẽ được coi như trúng giải. Cuộc thi danh nhân lịch sử ấy không có kết quả tốt đẹp, vì sự lựa chọn của độc giả rất là lộn xộn, phiền phức, không theo tiêu chuẩn nào cả.
Việc làm thứ hai có tính cách “ái quốc” cuả tuần báo Phụ nữ tân văn là mở cuộc lạc quyên giúp bốn học sinh nghèo du học sang Âu châu.”… [4]
Đọc lại sưu tập báo Phụ nữ tân văn, chưa cần có cặp mắt chăm chú của người nghiên cứu cũng có thể nhận ra rằng, điều mà Nguyễn Vỹ gọi là “việc làm thứ hai có tính cách “ái quốc” của tuần báo Phụ nữ tân văn” quả là sự việc có thật; nhưng việc làm thứ nhất, “mở cuộc thi danh nhân Việt Nam” với những điều Nguyễn Vỹ phác họa như trên thì hoàn toàn không có dấu vết nào trên toàn bộ sưu tập 274 kỳ báo Phụ nữ tân văn; điều đó có nghĩa là trên thực tế, tờ tuần báo này không hề tổ chức cuộc thi ấy!
Nhưng chắc chắn rằng Nguyễn Vỹ đã hoàn toàn không tưởng tượng ra một sự việc không có thật. Trên báo chí Sài Gòn những năm 1929-30 không phải là đã không có ít ra là một cuộc thi với nội dung tương tự như Nguyễn Vỹ mô tả. Đó là cuộc thi quốc sử do nhật báo Thần chung tổ chức.
Cơ chế của hồi ức vốn làm khúc xạ các sự việc có thực từng xảy ra trong quá khứ, điều đó đã rõ; nhưng ta hãy suy luận thêm: vì sao một sự việc do báo Thần chung thực hiện, Nguyễn Vỹ lại nhớ như là do tuần báo Phụ nữ tân văn thực hiện?
Theo tôi, chính là do vai trò của Phan Khôi trên cả hai tờ báo ấy nói chung, và vai trò chủ chốt của Phan Khôi trong cuộc thi quốc sử do Thần chung tổ chức, nói riêng.
Khi nhớ đến tuần báo Phụ nữ tân văn, ngoài cái họ tên riêng ông chủ tờ báo ấy, Nguyễn Vỹ chỉ nhắc đến duy nhất một cái họ tên riêng khác nữa, ấy là Phan Khôi: “Ông chủ bút Phan Khôi là tay văn học cừ khôi nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ.” [5]
Kết quả sưu tầm nghiên cứu cho tôi biết chắc rằng, nhà báo quê xứ Quảng này (Phan Khôi) giữ nguyên tắc riêng: không đứng tên trong các toà soạn, chỉ cộng tác viết bài, nghĩa là đối với các tờ báo ở Sài Gòn mà ông cộng tác hồi những năm 1928-1933, Phan Khôi chỉ có thể được mệnh danh là trợ bút. Trên thực tế, Phan Khôi chưa khi nào làm chủ bút Phụ nữ tân văn như Nguyễn Vỹ ghi nhớ lầm. Song, phương diện tạm gọi là “chức danh” ấy hoàn toàn không mâu thuẫn với một sự thực khác trong chiều sâu và thực chất của sự việc, ấy là: Phan Khôi và Đào Trinh Nhất luôn luôn được nhờ cậy như là hai người “đứng mũi chịu sào” tờ tuần báo tư nhân này. Trong khi đó, Phan Khôi cũng cộng tác rất chặt chẽ với tờ nhật báo của hai ông chủ Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá ngay từ khi hai ông này mua lại tờ Đông Pháp thời báo từ tay Nguyễn Kim Đính, rồi từ đầu năm 1929 thì đổi tên nó thành Thần chung, theo giấy phép ra báo mà đến lúc ấy họ Diệp mới được cấp, cho đến tận số báo cuối cùng trước khi Thần chung thình lình bị cấm (24/3/1930).
Với tờ Thần chung, cũng như tờ Đông Pháp thời báo, Phan Khôi viết khá nhiều loại bài, từ luận thuyết đến tạp bút; có những bài ký họ tên thật, có những bài ký tên hiệu Chương Dân, có những bài ký tên toà soạn, có những bài viết cho mục “Câu chuyện hằng ngày” (chuyên mục do Diệp Văn Kỳ đặt ra) ký bút danh Tân Việt, lại có những bài để trống tên tác giả, ví dụ bài đăng 2 kỳ về vùng đất Tây Nguyên ngày nay, hoặc bài về văn bút chiến cũng đăng 2 kỳ, rất đặc sắc và nổi tiếng. Do vậy, việc Phan Khôi có thể đã là người khởi xướng ý tưởng về cuộc thi quốc sử, và là người chấp bút chính cho loạt bài vở của Thần chung trong cuộc thi quốc sử, cũng là điều dễ hiểu.
***
Cuộc thi quốc sử được báo Thần chung khởi động từ 28/ 6/ 1929 với bài xã thuyết nhan đề Phổ thông sử học (có phụ đề: Cuộc thi lịch sử của “Thần chung” nay mai quan hệ là thế nào?)
“Phàm làm người ở đời, làm dân ở một nước, bất luận già trẻ, trai gái, sang hèn, nghèo giàu, đều phải có biết về sử học.
Nói rằng sử học thì nó bao hàm khí rộng quá, nên phải tách ra làm hai, là: sử học chuyên môn và sử học phổ thông.[….]
Sử học chuyên môn là phần việc của những học giả nào chuyên về khoa ấy. [….] Thứ sử học mà chúng tôi nói mọi người đều phải biết đây, là thứ sử học phổ thông. […]
Đã nói rằng phổ thông, nghĩa là học theo một cái trình độ thông thường, ai ai cũng có thể học được, chớ không phải cao xa mầu nhiệm gì. [……]
Đọc sử một nước cốt phải chia ra từng thời đại. Mỗi một thời đại đều có một cái hoàn cảnh riêng. Rồi mỗi một thời đại nào lại có nhân vật của thời đại ấy. Do hoàn cảnh sản xuất nhân vật, hoặc do nhân vật chế tạo ra hoàn cảnh, mà rồi trong thời đại ấy có sự biến động, thay đổi, làm cho một nước được bước lên đường tấn hoá. Ấy có thể gọi là cái công lệ của sử học.
Vậy, về phổ thông sử học, và về bổn quốc sử, chúng ta nên nhận rằng “thời đại” và “nhân vật” là hai cái cốt yếu cho sự biết của chúng ta. Chúng ta biết hai điều ấy rồi, có thể biết các điều quan hệ khác trong một thứ lịch sử. [….]
Bởi vậy, Thần chung nay mai sắp mở một cuộc thi về lịch sử mà chuyên trọng về nhân vật và thời đại.
Ai muốn dự cuộc thi nầy phải lấy sử Việt mà đọc lại một bận đi, nghiên cứu về thời đại và nhân vật cho đích xác, rồi sẽ cứ theo chương trình của thí cuộc mà làm bài trả lời.” [6]
Ngay sau đó, từ 1/7/1929, toà soạn Thần chung công bố thể lệ cuộc thi, theo đó, báo sẽ lần lượt đăng khoảng 30 bài sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam, làm căn cứ cho độc giả tìm hiểu và lựa chọn. Yêu cầu đầu tiên của bài thi là mỗi độc giả sẽ chọn ra trong số đó 10 nhân vật sử Việt tiêu biểu; một nội dung thi nữa là mỗi độc giả viết một bài chừng 2 trang giấy nói về lý do xếp ba nhân vật trong số đó lên hàng đầu. [7]
Tuy vậy, thể lệ thi đưa ra ban đầu còn thiếu rõ ràng dứt khoát; khoảng một tháng sau, sau khi báo đã đăng được khoảng trên một chục bản sự tích (được gọi là “biên bản”) các nhân vật sử Việt, đồng thời nhận được sự góp ý của độc giả, toà soạn Thần chung thông báo sửa đổi thể lệ cuộc thi theo hướng đơn giản và rõ ràng hơn cho người dự thi. Thể lệ mới chia hẳn ra làm hai loại nội dung thi khác nhau, ứng với hai loại giải thưởng khác nhau. Một là “giải sắp sổ”, − nghĩa là:
“Ai muốn dự thi thì cứ lựa trong ba chục cái biên bản có hình chép sự tích các danh nhơn nước Việt của Thần chung đương đăng mà cắt ra 10 tấm, sắp thành một cái sổ từ 1 đến 10 theo ý mình lựa. Sắp rồi, xin biên rõ tên họ đính theo sổ sắp và mười tấm biên bản nói trên kia mà gởi cho bổn báo” [8]
Hai là “giải thưởng luận thuyết”, nghĩa là:
“Ai muốn dự thi về giải thưởng nầy thì chỉ lựa 1 người trong số 30 người của bổn báo đã đăng rồi làm một bài luận thuyết đừng dài quá 3 trương mà cắt nghĩa tại sao, vì ý gì mà mình lại lựa người ấy cho là bực nhứt trong sử Việt” [9]
Từ 4/7/1929 đến 19/9/1929, Thần chung lần lượt cho đăng 30 bản sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam để cung cấp cơ sở tài liệu dự thi cho độc giả. Sau đó, thể theo yêu cầu của độc giả, toà soạn còn cho đăng lại các bản sự tích đó trên các trang ruột của báo, thường là xen lẫn với quảng cáo, có số đăng cùng lúc 3 bản sự tích kèm hình vẽ, có số chỉ in lại hình vẽ để độc giả cắt ra làm phiếu dự thi. Hạn nhận bài dự thi cuối cùng được đưa ra là chiều ngày 1 tháng 12/1929.
Theo dõi các sưu tập Thần chung hiện còn, − tất nhiên sưu tập nào cũng không trọn bộ, song ít nhất ở hai sưu tập mà tôi biết, − thì tôi không thấy trên tờ báo này về sau có thông tin gì về việc trao giải cuộc thi quốc sử. Có thể vì báo bị đóng cửa bất ngờ vào cuối tháng 3/1930 nên chưa kịp tổ chức chấm thi và trao thưởng chăng? Hay vì lý do nào khác liên quan đến kiểm duyệt? Tất cả điều này, người nghiên cứu thời nay đều khó mà làm cho rõ.
Còn theo hồi ức của Nguyễn Vỹ như đã dẫn ở trên thì “Cuộc thi danh nhân lịch sử ấy không có kết quả tốt đẹp, vì sự lựa chọn của độc giả rất là lộn xộn, phiền phức, không theo tiêu chuẩn nào cả”. Có thể, đấy cũng là một trong số những khả năng thực tế.
Có điều, nhất là ngày nay nhìn lại, ta hoàn toàn không thể vin vào việc cuộc thi này đã không diễn ra đến cùng, tức là không thấy có việc chấm giải và công bố trao giải, mà cho rằng đây là một việc hoàn toàn thất bại. Ngay từ đầu toà soạn Thần chung đã nói rõ mục tiêu của họ trong việc tổ chức cuộc thi là “phổ thông sử học”, cụ thể hơn, là phổ biến một số hiểu biết về một số nhân vật lịch sử Việt Nam. Nói chuyện sử, tức là chuyện quá khứ, trên mặt báo hàng ngày, là điều không bình thường, nếu không dựa vào lý do đang cung cấp một vài nội dung thiết yếu nào đó cho độc giả. Thành ra, làm một cuộc thi như ở đây thì rốt cuộc cũng chỉ là dùng một hình thức hoạt động, − hình thức giao lưu trên kênh truyền thông, − nhờ đó có thể nhắc lại tích xưa người cũ, trong đó phần nhiều nhất lại là những gương chống xâm lược, giành độc lập cho xứ sở. Chính nội hàm những lời nhắc lại đó, trong khí hậu đời sống đương thời, lại thấm đẫm “yếu tố nhạy cảm”, khi mà bất cứ người dân Việt nào cũng nhận biết sự hiện diện của người ngoại bang trong vai trò kẻ cai trị xứ mình, khi mà bất cứ công chức nào, dù là người Pháp hay người bản xứ, đều cảm nhận được tính chất gây sự ẩn đằng sau những gì tương tự như những câu chuyện hồi cố lịch sử đó.
Một vài cảm nhận của độc giả đương thời mà toà soạn trích đăng (trong bài Lòng người đối với cuộc thi quốc sử, Thần chung 25 Septembre 1929) đã phần nào cho thấy, bản thân việc đăng tải một vài lần 30 câu chuyện về 30 nhân vật lịch sử Việt Nam cho công chúng trong khuôn khổ cuộc thi này, đã có tác dụng không nhỏ.
Chỉ cần đem sự việc cuộc thi quốc sử trên Thần chung 1929 đặt cạnh, chẳng hạn, một sự việc được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2006 với nội dung tương tự (cụ thể là việc dựng các banner trên đường phố về các nữ danh nhân lịch sử Việt Nam nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2006, nhằm bước đầu thực hiện ý tưởng “học sử trên đường phố” hoặc “dân ta biết sử ta”), [9b] người ta sẽ nhận ra ai là người đi trước trong việc đề xuất giải pháp cho cùng một mục đích là phổ biến kiến thức sử Việt vào công chúng.
Tôi sẽ không bàn rộng hơn nữa về khía cạnh này. Theo tôi, điều cốt yếu đối với những người chủ trương cuộc thi quốc sử của nhật báo Thần chung năm 1929, − như chính họ đã nói rõ, là “phổ thông sử học”, “phổ thông quốc sử”, giới hạn trong một số nội dung cụ thể − thì họ đã thực hiện được, bằng việc đăng tải lên mặt báo 30 bản sự tích 30 nhân vật Việt sử. Chỉ với việc đó, cuộc thi quốc sử năm 1929 của nhật báo Thần chung đã đáng được ghi nhận như một nỗ lực, một sáng kiến được đề xuất rất sớm, dùng công cụ báo chí để giáo dục ý thức về lịch sử dân tộc.
***
Điều đáng quan sát kỹ hơn ở sự kiện cuộc thi quốc sử của nhật báo Thần chung năm 1929, là nội dung những sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam được toà soạn đem ra kể chuyện cho độc giả, − nhằm mục đích xa “phổ thông quốc sử” vào công chúng, đã đành, song đặt trong phạm vi cuộc thi này thì các sự tích kia giúp cho độc giả lựa ra những nhân vật tiêu biểu hơn, thậm chí một nhân vật tiêu biểu nhất cho lịch sử Việt Nam, theo ý kiến của mỗi độc giả.
Các nhân vật lịch sử Việt Nam được toà soạn Thần chung nêu ra cho độc giả lựa chọn gồm: 1/ Đinh Tiên Hoàng; 2/ Lê Thái Tổ; 3/ Chu Văn An; 4/ Quang Trung Đế; 5/ Trưng Nữ Vương; 6/ Trần Hưng Đạo; 7/ Lý Thường Kiệt; 8/ Gia Long Đế; 9/ Tô Hiến Thành; 10/ Lý Nam Đế; 11/ Ngô Vương Quyền; 12/ Nguyễn Bỉnh Khiêm; 13/ Phạm Ngũ Lão; 14/ Phò Đổng Vương; 15/ Mạc Đĩnh Chi; 16/ Lê Đại Hành; 17/ Nguyễn Trãi; 18/ Lý Ông Trọng; 19/ Bố Cái Đại Vương; 20/ Lý Nhân Tôn; 21/ Đào Duy Từ; 22/ Đoàn Thượng; 23/ Trịnh Kiểm; 24/ Triệu Ẩu; 25/ Nguyễn Xí; 26/ Lê Thánh Tôn; 27/ Phan Đình Phùng; 28/ Lý Thánh Tôn; 29/ Phạm Đình Trọng; 30/ Mai Hắc Đế.
Trong số các danh nhân trên đây, có thể thấy chỉ có 2 vị thuộc huyền sử (Phù Đổng Thiên Vương tức Thánh Gióng và Lý Ông Trọng tức Thánh Chèm), còn lại đều là nhân vật lịch sử thực thụ; đây là nét đáng chú ý về tư duy sử học của người khởi thảo cuộc thi.
Một nhận xét khác, về thành phần của các nhân vật lịch sử được đưa vào danh mục lựa chọn, thì đông đảo nhất (15 vị) là những người khởi nghiệp bá vương, kể cả thành lẫn bất thành, như Trưng Vương, Triệu Ẩu, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Thái Tổ, Trịnh Kiểm, Quang Trung, Gia Long; bên cạnh đó là những vị vua tuy không phải là người khởi đầu một triều đại nhưng có công tích lớn trong vương triều của mình: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông.
Thành phần đáng kể thứ hai (10 vị) là các võ tướng: Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Đoàn Thượng, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí, Phạm Đình Trọng, Phan Đình Phùng; hai nhân vật truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương và Lý Ông Trọng, thực ra, cũng thuộc loại này, tức là được coi như những võ tướng có kỳ công.
Thành phần thứ ba (5 vị), ít hơn hẳn, là các mưu sĩ, văn thần: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ.
Ba chục nhân vật này, mỗi nhân vật được toà soạn trình bày trong một bản sự tích vắn tắt dài khoảng 400 đến 500 từ, kể về xuất xứ và hành trạng từng nhân vật, chú ý nhấn mạnh công trạng của mỗi nhân vật đối với lịch sử Việt Nam.
Dù nhắm tới mục tiêu phổ thông kiến thức sử Việt, nhưng những người chủ trì không quên đây là những nội dung soạn ra cho người ta đọc để tham dự một cuộc thi. Vì vậy, có lẽ toà soạn đã buộc phải xáo trộn thứ tự niên đại (không đưa lần lượt từ nhân vật xa nhất dần dần đến nhân vật gần nhất), đồng thời, toà soạn cũng không để lộ quá rõ những gợi ý về sự đánh giá. Câu cuối cùng ở mọi bản sự tích các nhân vật đều láy theo một mô thức giống nhau: “Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, vị này [người đang được nói tới] là bậc nhứt”!
Tất nhiên, sự gợi ý cho người dự thi dù sao vẫn tiềm tàng trong phần toà soạn nêu ra, có điều nó không nằm ở một vài “từ khoá” hàm ẩn nhất định nào đó; nó bộc lộ rõ nhất ở nội dung kể vắn tắt sự tích và công trạng mỗi nhân vật. Người ra đề cung cấp cho độc giả dự thi một nội dung tự sự lịch sử rút từ những nguồn đáng tin cậy; người dự thi căn cứ vào cái nhận thức lịch sử có thể có được qua nội dung được cung cấp ấy để làm bài dự thi. Ngoài mục tiêu phổ biến kiến thức sơ lược về sử nước mình, những người tổ chức cuộc thi không cài thêm bất cứ nội dung nào khác, kể cả những nội dung mang tính quảng cáo hoặc kích thích hứng thú tham dự của công chúng.
Mặc dù không có tài liệu nào khác về cuộc thi này ngoài những gì còn lại trên mặt báo, ta vẫn có thể dự đoán rằng, những người tổ chức thi có thể sẽ lấy chuẩn đáp án ở chính kết quả lựa chọn của những người dự thi, như đã hé lộ ra ở thể lệ thi ban đầu theo đó cuộc thi này được xem như “một cuộc tuyển sử” (“Cái bổn ý của chúng tôi là trọng về sự phổ thông và công chúng, nên cuộc thi nầy chúng tôi muốn làm như một cuộc tuyển sử để cho phần đông lựa lấy người trúng tuyển” − Thần chung 1/7/1929); hình thức các cuộc vận động bầu cử hội đồng quản hạt, hội đồng thành phố đương thời và hình thức làm bài dự cuộc thi này đã được người đề xướng cuộc thi chủ động tạo một sự liên tưởng cho độc giả (qua bài Tuyển cử người đời nay với tuyển cử người đời xưa, đăng Thần chung 12/11/1929).
Với định hướng nói trên, những người tổ chức cuộc thi hầu như dồn mọi nỗ lực vào việc thể hiện thật mạch lạc các bản sự tích và công trạng của mỗi nhân vật đối với tiến trình lịch sử của đất nước.
Chẳng hạn, trong số những người khởi nghiệp bá vương, khá đông được trình bày với tư cách những nhân vật nổi lên chống lại ách đô hộ trong thời Bắc thuộc:
− “Kể nước ta từ hồi thuộc Tàu về đời Tây Hán cho đến bấy giờ hơn hai trăm năm mà chưa hề có người nào cử binh phục quốc hết, đàn ông còn không ai thay, huống chi đàn bà. Thế mà bà Trưng Vương đem thân bồ liễu gánh vác nước non, tuy thành công không trọn mà lưu danh đến muôn đời, khiến người sau [……] biết cái nền tự chủ là cần [……………………………….] thì cái công đề xướng của bà thật là lớn hơn hết thảy vậy.” [10]
− “Bà Triệu Ẩu tuy cử sự không thành, song lấy một người đàn bà nổi lên dẹp giặc phục thù cho nước, tấm lòng nghĩa liệt cũng chẳng kém gì Hai Bà Trưng. Bởi vậy người nước ta khi nào nói đến các bậc nữ kiệt thì cũng xưng là Trưng Triệu.” [11]
− “Lý Nam Đế làm vua kể được bốn năm mà thôi, song nối dấu Trưng Vương mà mở nền tự chủ cho nước ta tức là ông ấy. Huống chi, người lại bắt đầu xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu, thật đã gây ra cái quy mô lập quốc cho nước ta.
Nam Đế tuy mất rồi mà tướng của người là Triệu Quang Phục nổi lên xưng là Triệu Việt Vương; sau đó con trai của người là Lý Phật Tử còn kế nghiệp cha mà xưng đế lần nữa; kể cả ba triều ấy giành nước Nam lại trong tay người Tàu mà tự chủ được 60 năm, thật là công của Lý Bôn khai sáng ra vậy.” [12]
− “Kể từ Tiền Lý Nam Đế cho đến Ngô Vương Quyền, trong khoảng ấy chừng 400 năm, nước ta vẫn thần phục nước Tàu, duy có Bố Cái Đại Vương còn có tự lập được một lúc mà thôi, như thế cũng đáng gọi là anh hùng vậy.” [13]
− “Sách An Nam sử lược phê bình rằng: “Ngô Vương trong thì giết được nịnh thần, báo thù cho chúa, ngoài thì phá được cường địch giữ vững nước nhà; thậy là một người trung nghĩa danh lưu thiên cổ.” Mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền nước Nam ta mới rửa được cái nhục nô lệ hơn một ngàn năm, mà mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần về sau nầy được tự chủ ở cõi An Nam!” [14]
Đối với một số vị vua sáng nghiệp, mở đầu các triều đại, điều được nhấn mạnh ở công tích thường cũng gắn với thành quả chống xâm lược giành độc lập quốc gia:
− “Đinh Tiên Hoàng có công lớn đối với nước ta, vì người đã dẹp yên cái loạn 12 sứ quân, cứu dân ra khỏi vòng đồ thán, và đã nhứt thống nước Nam, dựng cờ độc lập, mở đường cho Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau nầy.” [15]
− “Người trị vì được 24 năm thì mất, là ông vua thứ nhứt mở cơ nghiệp nhà Tiền Lê. Người đã giỏi về thuật dụng binh lại giỏi về thuật ngoại giao nữa, nhờ đó làm cho nước ta khỏi bị mất về nước Tàu và nhân dân được làm ăn yên ổn trong đời ấy.” [16]
− “Giả sử lúc bấy giờ không có Lê Thái Tổ thì người Minh sẽ chiếm lãnh nước ta làm thuộc địa đời đời mà Việt Nam đã vong quốc từ đó rồi. Càng suy nghĩ đến chỗ ấy thì lại càng thấy cái công nghiệp của người đối với nước ta lớn lao là dường nào.” [17]
− “Đức Gia Long có công rất lớn đối với nước ta. Vì người chẳng những dẹp yên loạn lạc, làm cho dân được làm ăn yên ổn, mà lại mở thêm được sáu tỉnh Nam Kỳ, khiến cho bờ cõi nước Nam mình thêm rộng ra.” [18]
Đối với nhân vật Quang Trung, giọng kể và lời đánh giá tỏ ra hào hứng khác thường:
“Người có tiếng vang như chuông, mắt sáng như chớp, sức mạnh tuyệt vời, lại có trí mưu quyền biến, mẹo mực như thần.
Ban đầu nhơn trong xứ có loạn, cùng anh là Nhạc dấy binh tại Tây Sơn; về sau đánh lan ra đến Thuận Hoá nhẫn bắc, tự xưng là Bắc Bình Vương.
Năm bính ngọ đời Cảnh Hưng (1786), người đem quân ra Bắc Hà, trừ họ Trịnh để giúp nhà Lê, rồi kéo quân trở về đóng đô tại Phú Xuân, và sai Văn Nhậm ra đánh Hữu Chỉnh, bắt được và giết chết, rồi lập Sùng Nhượng công làm giám quốc nhưng quyền bính thì người nắm vào tay mình.
Vua Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu cứu. Nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân qua đánh. Bắc Bình Vương được tin giận lắm, bèn lên ngôi hoàng đế, hiệu là Quang Trung. Rồi khởi hết thảy binh Đàng Trong kéo ra Bắc. Ngày 20 tháng chạp năm mậu thân kéo đến đèo Tam Điệp, truyền cho ba quân làm lễ nguyên đán, hẹn đến ngày mồng bảy tháng giêng năm sau, lấy lại thành Thăng Long rồi sẽ ăn Tết. Quả nhiên khi quân kéo đến vây đồn Hạ Hồi thì quân Tàu tan chạy. Vua Quang Trung thừa thắng đuổi đánh, giết tướng Tàu Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Huy Thăng và Sầm Nghi Đống. Còn Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy qua sông Nhị Hà, quân Tàu đổ theo xô nhau chết đắm dưới sông hàng mấy vạn người. Hôm ấy là mồng 5 tháng giêng, thành Thăng Long được khôi phục.
Người lại sai quân đuổi theo Sĩ Nghị đến Nam Quan mà phao ngôn lên rằng: Quân An Nam sẽ đuổi bắt cho được vua Chiêu Thống. Dân Tàu ở bên kia nghe vậy sợ hãi bồng trống nhau mà chạy, suốt vài trăm dặm không có người ở.
Từ đó vua Tàu tỏ ý muốn chiêu an. Người bèn sai sứ sang hoà với Tàu. Tuy vậy, người muốn thừa cơ lấy lại Lưỡng Quảng là đất nước Nam ngày trước, bèn đóng tàu mộ binh, định trong mấy năm nữa thì khai hấn mà đánh Tàu, song chẳng may lâm bịnh mà chết, mới có bốn chục tuổi.
Xưa nay người An Nam ta đối với Tàu chưa có ai oanh liệt bằng vua Quang Trung.” [19]
Đây là nhận định về một số vị danh tướng khác:
− “Bấy giờ nước Chiêm Thành đến khuấy phá đất Nghệ An, vua sai Thường Kiệt cầm quân đi đánh. Thường Kiệt đánh quân Chàm lui về mãi, lấy được ba châu là Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh. […]
Sau đó, vua Thần Tôn nhà Tống sai Thần Khởi, Lưu Lộng ra coi Quý Châu, có ý dòm ngó nước ta. Vua Nhân Tôn bèn sai Thường Kiệt đánh thẳng sang nước Tàu, lấy được châu Khâm, châu Liêm, và vây châu Ung giết hại binh lính nhà Tống đến 10 vạn người.
Năm sau, vua Tống sai Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, đem 9 viên tướng, chia đường đi sang hội với nước Chiêm Thành, nước Chơn Lạp để khuấy nhiễu nước ta. Vua lại sai Thường Kiệt đi đánh, đánh trận nào thắng trận ấy, quân Tống phải bỏ mà chạy về.
Khi ấy, người xứ Nghệ An là Lý Giác nổi loạn. Giác có yêu thuật, làm cho cỏ cây biến thành binh mã, quan quân đánh mãi không trừ được, Thường Kiệt bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, tình nguyện xin đi đánh, thì dẹp tan được đám giặc ấy.
Nhân có những công to ấy, Thường Kiệt mới được phong là Đại vương và sau khi chết được phong làm phước thần. Mà nghĩ xứng đáng lắm, vì Thường Kiệt trước đã mở rộng đất đai cho nước nhà, sau lại đánh đuổi quân của ba nước một lần, thì thật là xưa nay ít có vậy.” [20]
− “Ba lần chống nhau với quân Mông Cổ, người đã trải lắm nỗi gian nan, song vẫn một lòng không núng, nên cơ nghiệp nhà Trần nhờ đó mà bền vững, nước ta nhờ đó mà khỏi mất về tay giặc Nguyên.
Người lại có làm ra sách “Binh pháp yếu lược” để ban cho các tướng sĩ, và một bài hịch dạy dỗ các tướng sĩ rất hay.
Sau người về trí sĩ ở tại Vạn Kiếp, thọ ngoài 70 tuổi rồi mất, thì trên từ vua quan, dưới đến trăm họ thảy đều thương tiếc.
Vạn Kiếp bây giờ kêu là Kiếp Bạc, ở đó có nhà thờ Hưng Đạo Vương. Đến nay, mỗi năm gặp ngày 20 tháng 8 thì thiên hạ đi lễ bái rất đông, kêu bằng ‘ngày hội Kiếp Bạc’.” [21]
Việc thể hiện sự đánh giá cho công chúng phổ thông hiểu tầm cỡ sự nghiệp các văn thần hoặc mưu sĩ, nhà văn hoá nói chung, thường là việc khó khăn hơn. Ngay việc hình dung ra và kể lại sự nghiệp, công tích loại nhân vật này cũng đã khó hơn hẳn so với hai loại nhân vật kể trên. Ta hãy xem người soạn của Thần chung xử lý ra sao.
Đây là lời kể về Chu Văn An:
“Tiên sanh có tánh điềm đạm không ham danh lợi, và ngay thẳng không sợ kẻ quyền quý; học rộng biết nhiều, bình sanh lấy sự dạy học truyền đạo làm trách nhiệm mình.
Tiên sanh có mở một trường dạy học tại làng mình. Học trò rất đông, có nhiều người về sau hiển đạt, như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đều làm đến Tể tướng. Tiên sanh dạy rất nghiêm, dầu học trò làm nên quan lớn rồi, đối với tiên sanh cũng phải giữ lễ phép như hồi còn đi học. Trò nào có điều không phải, tiên sanh rầy la cho chừa đi mới nghe, không hề khoan thứ.
Vào đời vua Minh Tôn nhà Trần, tiên sanh có làm chức Tư nghiệp dạy trường Quốc Tử Giám.
Đời vua Dụ Tôn, việc chánh trị chốn triều đình bậy bạ, bọn gian nịnh chuyên quyền, tiên sanh dâng sớ xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, tiên sanh bèn treo ấn từ quan, trở về làng cũ.
Bấy giờ tiên sanh dời ở làng Ái Kiệt thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ, tự hiệu là Tiều Ẩn tiên sanh. Vua lại vời ra, song tiên sanh không đến. Bà Hiếu Từ thái hậu có lời khen tiên sanh rằng: Người ấy là bậc cao hiền, thiên tử không có quyền bắt làm tôi!
Thiên hạ bấy giờ ai cũng phục tiên sanh là cao. Còn sĩ phu thì coi tiên sanh như sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn, danh vọng vô cùng.
Sau tiên sanh mất ở nhà, vua sai quan đến tế, và cho tùng tự ở miếu đức Khổng Tử, ngang với các bậc tiên nho.” [22]
Đây là lời kể về Mạc Đĩnh Chi:
“Đĩnh Chi sinh ra, người xấu xí mà lại nhỏ loắt choắt, giống hình con khỉ con, mới năm tuổi đã có tài thông minh hơn người.
Năm 20 tuổi, khoa giáp thìn đời vua Anh Tôn nhà Trần, Đĩnh Chi thi đậu Trạng nguyên. Số là văn của người đáng đỗ đầu song vua thấy hình dạng xấu xa, toan không cho đỗ mà lấy người khác, Đĩnh Chi bèn làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” để sánh với mình. Vua thấy vậy mới lại cho đỗ trạng.
Đậu rồi người ra làm quan, và có đi sứ sang Tàu.
Trong khi Đĩnh Chi đi sứ bên Tàu, có tỏ ra nhiều tài nghệ cho người Tàu biết mình là tay học giỏi. Trong sử có chép những sự người đối nhiều câu đối khó, xé bức liễn “trúc tước” ở chốn công đường và đề thơ quạt, làm bài văn tế bà công chúa, v.v… khiến cho người Tàu thảy đều kính phục, thật là một nhà văn học ít ai bì kịp.
Đĩnh Chi còn có tiếng về đức thanh liêm nữa. Vua Minh Tôn nhà Trần biết như vậy, có một lần thử người. Đương ban đêm, sai kẻ đem 10 quan tiền bỏ trong cửa nhà Đĩnh Chi. Đến mai, Đĩnh Chi vào chầu, thuật lại chuyện ấy và xin bỏ số tiền đó vào kho. Vua Minh Tôn nói rằng: “Tiền ấy là của vô chủ, không có ai nhận, thôi ngươi cứ lấy mà tiêu”. Người mới nhận lấy.
Văn chương của người nhiều lắm mà bài nào cũng hay, xứng đáng một nhà văn học đại gia. Tánh lại hiền hậu, có độ hơn người. Bởi vậy để phước cho con cháu về sau, dòng dõi người nhiều người hiển đạt.
Mạc Đăng Dung cũng là con cháu của Đĩnh Chi. Khi nhà Mạc làm vua nước Nam, truy phong cho người làm Huệ Việt Linh Thánh đại vương.” [23]
Đây là lời kể về Nguyễn Trãi:
“Nguyễn Trãi là người thứ nhứt chung cùng với vua Lê Thái Tổ mà mưu việc khởi binh để đuổi người Minh. Thái Tổ cùng quân Minh đánh nhau dư trăm trận, về sau chém được Liễu Thăng, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phước, đuổi được Mộc Thạnh, hàng được Vương Thông, dẹp sạch giặc Tàu, dựng lại cơ đồ Đại Việt, đều là nhờ mưu lược của Nguyễn Trãi vậy.
Kể từ khi vua Thái Tổ khởi binh cho tới khi dẹp được giặc rồi, trở lại hoà với nhà Minh, nội những từ lịnh về việc quân và giấy mực về việc giao thiệp đều do Nguyễn Trãi làm ra cả. Văn chương của người hùng dũng lắm; khi đại định rồi, người có vâng mạng vua thảo bài “Bình Ngô đại cáo”, bài ấy có chép vào trong sử, để một cái kỷ niệm đến đời đời, ngày nay đọc đến vẫn lấy làm khoái chá.
Người vì có công lớn nên được phong tước Lê Văn Hầu, là bực nhứt trong hàng khai quốc công thần nhà Lê. Chẳng những vậy thôi, mà lại có tánh điềm đạm, không ham danh lợi, cũng có phẩm cách cao siêu, đáng cho người đời sau sùng bái.” [24]
Đây là lời kể về Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Bấy giờ nhà Lê suy vi, họ Mạc lên tiếm ngôi. Người suy tính biết rằng nhà Lê sẽ trung hưng, nhưng còn lâu lắm, bèn ra đi thi trong đời Đại Chính nhà Mạc, thì đậu Trạng nguyên, năm ấy người đã 44 tuổi. Đậu rồi, ra làm quan được 8 năm thì người cáo về ở ẩn. Từ đó người dứt bỏ việc đời, không thèm đua chen vòng danh lợi, khi thì thả thuyền đi chơi biển, khi thì cùng các nhà sư đi dạo các danh sơn, đi đến đâu thì ngâm vịnh đến đó, về sau thơ dồn thành tập, kể có mấy ngàn bài.
Người tuy ở nhà, nhưng vua Mạc vẫn kính trọng lắm, mỗi khi triều đình có việc lớn thì sai sứ đến hỏi tận nhà, hoặc mời người đến kinh mà hỏi. Nhà Mạc phong cho người làm Trình Quốc công, vì vậy người ta quen gọi là “trạng Trình”.
Đến lúc nhà Lê trung hưng, họ Mạc phải chạy lên Cao Bằng, thì trong nước lại có họ Trịnh và họ Nguyễn đương quyền. Người bấy giờ già rồi, không hề đi đâu, chẳng hề làm tôi ai, mà ai cũng đều tôn người như là vị quốc sư. Ba chúa ấy, chúa Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, mỗi gặp việc gì hồ nghi cũng đều sai sứ đến cầu vấn nơi người, mà người đáp cho câu nào cũng trúng cả. Người biểu thế nào thì ba chúa làm theo thế ấy mà ai nấy cũng được việc mình.
Người thọ 95 tuổi thì mất. Có học trò rất đông mà thành đạt cũng nhiều. Học trò tôn hiệu người là Tuyết Giang phu tử.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà bác học và phẩm hạnh rất cao siêu.” [25]
Đây là lời kể về Đào Duy Từ:
“Duy Từ hồi nhỏ thông minh dĩnh dị; phàm những kinh sử bách gia, âm dương thuật số, đều học tinh thông cả. Bấy giờ về đời Lê Trịnh, Duy Từ ra đi thi, quan trường cho là con nhà hát xướng, bèn đánh rớt. Duy Từ tức mình trở về. Nghe nói chúa Nguyễn ở Đàng Trong có lòng yêu kẻ sĩ, nhiều người về theo, bèn quyết bỏ ngoài Bắc mà về trong Nam.
Trước hết đi vô Quy Nhơn, ở chăn trâu cho một nhà giàu kia. Một hôm, phú ông mở tiệc rượu, mời các danh sĩ uống rượu làm thơ. Duy Từ thả trâu về, thấy vậy, cũng dự vào bàn luận, trưng dẫn sách vở đều thông suốt cả; cả tiệc đều thất kinh.
Tại Quy Nhơn, có quan khám lý Trần Đức Hoà, là người chúa Nguyễn tin cậy, làm quan ở đó. Phú ông đem việc Đào Duy Từ thưa với Trần, Trần bèn đến nhà nói chuyện. Thấy Duy Từ học rộng tài cao, rước về dạy học, lại gả con gái cho.
Duy Từ thường ngâm bài Ngoạ Long cang mà mình đã diễn ra quốc âm, có ý sánh mình với Gia Cát Lượng.
Năm đinh mão, năm thứ 14 triều đức Hy Tôn, Trần Đức Hoà đem bài Ngoạ Long cang dâng cho chúa, nói là của Đào Duy Từ thầy đồ nhà mình làm ra.
Chúa lấy làm lạ, đòi Duy Từ vào. Khi Duy Từ vừa vào đến cửa, thấy chúa mặc áo trắng mang giày xanh, thì đứng lại ngoài cửa. Chúa biết ý bèn thay áo mũ mà đòi vào. Duy Từ trần thuyết mọi việc, chúa Hy Tôn cả mừng nói rằng: “Sao mà ngươi vô đây muộn dữ vậy?” Liền cho làm Nha uý Nội tán, kiêm cả việc quân cơ trong ngoài, thường triệu và hầu trong bàn việc quốc chánh.
Năm kỷ tỵ, Trịnh Tráng sai sứ vào phong chúa Nguyễn làm Thái phó quốc công, và giục ngài ra Đông Đô để đi đánh giặc, Duy Từ bàn, không cho chúa đi, vì biết họ có ý giả. Sau chúa theo lời Đào Duy Từ, không ra Đông Đô, và sai sứ ra lập thế trả sắc lại, tỏ ý không chịu chức tước của Trịnh phong cho.
Năm ấy Duy Từ tâu xin đem quân ra lấy nam Bố Chánh châu, chiếm đất từ Linh Giang trở vào.
Năm sau, Duy Từ lại đắp một luỹ dài từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, cao 15 thước, dài 3000 trượng để ngăn quân Trịnh. Luỹ ấy tục gọi Luỹ Thầy.
Duy Từ giúp chánh 8 năm, công nghiệp rỡ ràng, có làm ra sách Hổ trướng xu cơ tập và bài Ngọa Long cang ngâm, thật là một bậc danh thần, không kém gì Gia Cát Lượng vậy.”[26]
Trong cách chọn và kể sự tích các danh nhân Việt sử ở đây, ngoài việc nhấn mạnh khía cạnh nhân vật ấy có công lao gì đối với quốc gia dân tộc, ta còn thấy một vài nét khác cũng được đề cập. Chẳng hạn, với hai nhân vật Đoàn Thượng và Phan Đình Phùng, bên cạnh tư cách tướng tài còn có tư cách bạn nghịch; song lời kể về loại nhân vật chống chính thống này hoàn toàn không hề có chút giọng điệu hạ thấp nào cả. Ở lời kể về nhân vật Đoàn Thượng rõ ràng có việc biểu dương phẩm chất “tôi trung không thờ hai chủ”:
“Đoàn Thượng có sức khoẻ hơn người, gân xương như sắt, mỗi khi lâm trận chỉ một giáo một ngựa xông vào trăm ngàn người mà không ai dám đương.
Đến khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Thái Tôn, Đoàn Thượng chiếm một châu, không chịu hàng đầu về với nhà Trần. Nhà Trần sai sứ đến dụ hàng, Thượng nhứt định không nghe, cứ việc chiêu binh mãi mã, tự xưng là Đông Hải đại vương, có ý muốn khôi phục cơ nghiệp cho nhà Lý.
Trần Thủ Độ là quan Thái sư nhà Trần bấy giờ, đem binh đánh luôn mà không phá nổi, bèn lập mưu sai người đến giảng hoà mà kéo quân tập công mé sau.
Đoàn Thượng chắc ý đã giảng hoà rồi thì không phòng bị nữa, thoắt nghe tướng nhà Trần là Nguyễn Nộn đến đánh mé sau thì hoảng hốt đem quân cự địch. Vừa gặp Trần Thủ Độ cùng kéo đại binh đến.
Trong đám đánh nhau đương hăng, quân Đoàn Thượng chạy tan lạc cả. Đoàn Thượng bị một viên tướng Trần chém vào cổ gần đứt. Ông ta quay đầu lại ngó thì viên tướng ấy sợ hãi, quất ngựa mà chạy. Thượng bèn cổi giây nịt lưng mà quàng vào cổ cho đầu khỏi rớt rồi giục ngựa chạy về hướng đông. Khi chạy đến làng An Nhân, thấy một ông già áo mũ chững chàng đứng bên đường mà nói rằng: “Thượng đế thấy tướng quân trung dõng lắm, đã định cho ngài làm thần đất nầy, vậy có cái gò bên cạnh làng kia là đất hương hoả của ngài đó, xin hãy để ý cho!”
Đoàn Thượng vâng một tiếng rồi thẳng đến gò đó, xuống ngựa gối đầu vào ngọn mát mà nằm, một lát thì chết. Rồi người ta chôn ở đó.
Sau dân làng lập miếu thờ và các triều đều có phong tước.
Đoàn Thượng là một vị trung thần chẳng chịu thờ hai chúa mà cũng là một trang mãnh tướng, xưa nay ít ai bì.” [27]
Kể về Phan Đình Phùng dưới thời thực dân và triều Nguyễn thì không thể không nói rằng nhân vật này nổi lên chống ách thực dân và đã bị triều Nguyễn đưa quân đánh dẹp. Phần kể sự tích chủ yếu dựa vào Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, nhưng lời nhận định là của người soạn.
“Phan Đình Phùng, người Hà Tĩnh, thi đậu Đình nguyên triều Tự Đức, làm quan đến Ngự sử, vừa gặp lúc Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chuyên quyền, phế lập luôn mấy ông vua, Đình Phùng kháng cự giữa chốn triều, nên bị bọn ấy đuổi về.
Sau khi kinh thành thất thủ (năm ất dậu 1885), các tỉnh Trung Kỳ đều nổi quân cần vương nhưng trong một vài năm, quân nước Pháp đều dẹp yên được hết. Chỉ có ông Phan Đình Phùng cùng những người đồng chí cứ miền Võ Quang gần huyện Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh, lập đồn mộ quân lính, và cho người sang Tàu sang Xiêm học đúc súng đúc đạn để chờ ngày khôi phục.
Vào khoảng năm 1893-1894, thế lực ông Phan lừng lẫy cả miền ấy. Quân nước Pháp đánh ngót hai năm mà không dẹp yên được, lính Tây lại bị chết rất nhiều. Năm ất tị (1895), Triều đình Huế sai ông Nguyễn Thân đem lính ra đánh. Bấy giờ ông Phan đã già, lại về ở luôn trên miền núi, đau yếu mãi rồi chết. Khi lính Nguyễn Thân ra đến nơi thì ông đã chết rồi. Trong bọn đồng đảng không ai chống chọi được, kẻ thì ra đầu với Nguyễn Thân, kẻ thì trốn mất, rồi cái cơ sở của ông đã gây dựng ra bèn tan vỡ hết.
Ông Phan Đình Phùng chẳng những là một nhà văn học, mà là một nhà quân sự rất giỏi giang. Ông sửa sang quân lính có cơ ngũ, luyện tập tướng sĩ có kỷ luật, lại khéo dùng binh. Ông Gosselin có khen ông trong sách Empire d’Annam rằng: “Ông Phan Đình Phùng có tài trị binh, biết luyện quân theo kiểu Thái Tây, áo quần mặc một lối, súng thì toàn kiểu 1874, những súng ấy là do bộ hạ ông đúc ra thật nhiều mà máy móc cũng giống y như súng Pháp, chỉ vì lòng súng không xẻ rãnh nên bắn không được xa.”
Đương lúc vong quốc mà trong nước có người như ông Phan nổi lên để kháng cự, tuy không thành công, song cũng tỏ ra được cái lòng ái quốc và cái khí hùng cường của một dân tộc. Huống chi những cái quy mô của ông đó, như là mở đồn điền, phái người đi học ngoại quốc, đúc súng lấy mà dùng, thật là viễn đại lắm, nếu chẳng phải có đại tài đại chí mà làm được công việc ấy ư?” [28]
***
Điểm qua sự thể hiện lời kể sự tích một số danh nhân sử Việt do toà soạn nhật báo Thần chung đưa ra cho độc giả trong cuộc thi quốc sử nêu trên, chúng ta thấy có lẽ người soạn đã rất chú ý sử dụng những công trình biên khảo sử học tương đối mới lúc đó, nhất là cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, để biên soạn những lời kể ngắn gọn, dễ hiểu, thích hợp cho mục đích phổ biến vào công chúng rộng, song lại không rơi vào tình trạng đơn giản hoá, sơ lược hoá các hiểu biết về từng nhân vật lịch sử.
Chính nhận xét vừa nêu lại đưa tôi trở lại câu chuyện về việc ai là người biên soạn những bài kể chuyện nhân vật lịch sử này? Trong số những người làm việc xung quanh toà soạn Thần chung lúc ấy, người có nhiều khả năng nhất để làm việc đó chính là Phan Khôi. Tất nhiên, có lẽ mãi mãi đây cũng sẽ chỉ là một sự phỏng đoán, bởi đã không còn khả năng tìm được sự xác minh nào ngoài sự phỏng đoán như trên. Và, ở một phương diện khác, ý nghĩa của sự kiện cuộc thi quốc sử này không tuỳ thuộc vào việc hậu thế chúng ta xác định được những tên tuổi cụ thể đã làm nên sự kiện này.
01/02/2008
Lại Nguyên Ân
Chú thích
[1] Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1929, / Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, / Đà Nẵng, 2005: Nxb Đà Nẵng & Trung tâm Văn hoá &Ngôn ngữ Đông Tây, 780 tr. 14,5x20,5 cm.
[2] Xem: Lại Nguyên Ân, Phan Khôi và cuộc thảo luận sử học năm 1928 trên báo “Đông Pháp thời báo” // Xưa và Nay, Hà Nội, s. 137 (tháng 4/2003), tr. 14-16.
[3] Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt, Chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX, tái bản . Tp. HCM., 2006: Nxb Văn học, tr. 10.
[4] Nguyễn Vỹ, sđd., tr. 641.
[5] Nguyễn Vỹ, sđd., tr. 640-641.
[6] Thần chung, s. 133 (28 Juin 1929), tr. 1.
[7] Thể lệ cuộc thi quốc sử // Thần chung, s. 135 (chúa nhựt 30 và thứ hai 1er Juillet 1929), tr. 1.
[8] Thể lệ cuộc thi quốc sử của Thần chung // Thần chung, s. 158 (thứ ba 30 Juillet 1929), tr.1. (thông báo thể lệ sửa đổi này đăng liên trên báo này đến 10/7/1929).
[9] Như chú thích 8.
[9b] Về sự kiện này, chẳng hạn, xem: Giới thiệu 46 nữ anh hùng, danh nhân trên đường phố (http:// www.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/10); TPHCM “dạy” lịch sử trên đường phố (http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/10); Học sử Việt trên đường phố (http:// www.vtc.vn/vanhoa/2006/10/20); Học sử trên dường phố (http:// www.thanhnien.com.vn/vanhoa/xem-nghe-doc/2006/10/20).
[10] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 5. Trưng Nữ Vương // Thần chung, s. 142 (9 Juillet 1929), tr.1.
[11] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 24. Triệu Ẩu // Thần chung, s. 179 (24 Aout 1929), tr.1.
[12] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 10. Lý Nam Đế // Thần chung, s. 147 (17 Juillet 1929), tr.1.
[13] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 30. Mai Hắc Đế // Thần chung, s. 163 (4&5 Aout 1929), tr.1.
[14] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 11. Ngô Vương Quyền // Thần chung, s. 149 (19 Juillet 1929), tr.1
[15] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 1. Đinh Tiên Hoàng // Thần chung, s. 138 (4 Juillet 1929), tr.1.
[16] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 16. Lê Đại Hành // Thần chung, s. 157 (28&29 Juillet 1929), tr.1.
[17] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 2. Lê Thái Tổ // Thần chung, s. 139 (5 Juillet 1929), tr. 1.
[18] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 8. Gia Long Đế // Thần chung, s. 145 (12 Juillet 1929), tr. 1.
[19] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 4. Quang Trung Đế // Thần chung, s. 141 (7 và 8 Juillet 1929), tr. 1.
[20] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 7. Lý Thường Kiệt // Thần chung, s. 144 (11 Juillet 1929), tr. 1.
[21] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 6. Trần Hưng Đạo // Thần chung, s. 143 (10 Juillet 1929), tr. 1.
[22] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 3. Châu Văn An // Thần chung, s. 140 (6 Juillet 1929), tr. 1.
[23] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 15. Mạc Đĩnh Chi // Thần chung, s. 156 (27 Juillet 1929), tr. 1.
[24] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 17. Nguyễn Trãi // Thần chung, s. 159 (31 Juillet 1929), tr. 1.
[25] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 12. Nguyễn Bỉnh Khiêm // Thần chung, s. 151 (21 & 22 Juillet 1929), tr. 1.
[26] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 21. Đào Duy Từ // Thần chung, s. 168 (8 Aout 1929), tr. 1.
[27] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 22. Đoàn Thượng // Thần chung, s. 170 (13 Aout 1929), tr. 1.
[28] Cuộc thi quốc sử của Thần chung: 27. Phan Đình Phùng // Thần chung, s. 196 (13 Septembre 1929), tr. 1.
===
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai13/200813_LaiNguyenAn.htm
No comments:
Post a Comment