Wednesday, November 19, 2008

185. NGUYỄN THIÊN THỤ * PHÙNG CUNG

====

Phùng Cung (1928 – 1997)

===


Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7 năm 1928 tại Kim Lân, Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Yên, là con trưởng trong một gia đình đông con và khá giả. Thân phụ ông bị cộng sản quy là địa chủ bị giam tại Thái Nguyên mà chết.

Lúc trẻ , ông trọ học tại Sơn Tây, đến 1945 thì tham gia kháng chiến chống Pháp, được bầu làm chủ tịch liên xã Hồng Châu - Liên Châu lúc 17 tuổi. Vốn có tài văn nghệ, ông ở trung ban Văn Nghệ ở Việt Bắc, chung với các ông Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan. . . Sau 1954 về Hà Nội, tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, viết truyện ngắn ’’ Con ngựa già của chúa Trịnh’’, đăng trong Nhân Văn số 4 vào tháng 10, 1956. Vì bài này, Phùng Cung bị đưa ra cơ quan đấu tố, đình chỉ công tác, rồi đưa đi cải tạo học tập , làm một tù nhân không án gần 12 năm (từ tháng 5, 1961 đến tháng 11, 1972), trải qua các trại nổi tiếng độc ác và tàn bạo như Hỏa Lò, Bất Bạt, Yên Bái, Phong Quang, Lai Khê. Trong tù, Phùng Cung đau yếu liên miên, lao phổi và loét dạ dày, lắm phen tưởng đã phải chết trong tù. Đến tháng 11, 1972, Phùng Cung được cho về với gia đình, nhưng không có công ăn việc làm lại bị ‘’rút phép thông công’’ nghĩa là không được giao thiệp với ai, và chẳng ai dám giao thiệp. Công an luôn đến nhà tra vấn đủ thứ chuyện.

Trước khi ông bị tù, còn là hội viên hội Văn Nghệ Việt Nam, ông cũng như Trần Dần đã bị đảng can thiệp vào vấn đề hôn nhân của ông. Hội Văn Nghệ cử Kim Lân, Hoàng Thượng Khanh, Lê Thọ Hợp về quê điều tra lý lịch, và kết luận gia đình người yêu của Phùng Cung không thuộc diện địa chủ nhưng lại liên hệ với phong kiến. Phùng Cung bất chấp ý kiến phản bác của Đảng, làm lễ cưới ở Hà Nội, do Phan Khôi. đứøng chủ hôn.

Khoảng 1991, Phùng Quán đã đi thăm Nguyễn Hữu Đang và Phùng Cung. Ông đã xem thơ Phùng Cung và ông lấy làm thích thú, bèn đi khắp Việt Nam quyên một số tiền để in thơ Phùng Cung. Nguyễn Hữu Đang cũng đem số tiền bốn triệu do bằng hữu tặng để in thơ họ Phùng. Đó là tập thơ Xem Đêm , gồm 200 bài thơ.

Vào khoảng 1986, Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư , bắt chước Trung Quốc mở cửa, và chủ trương ‘’ cởi trói’’ cho văn nghệ sĩ. Nhờ vậy mà Phùng Quán và Nguyễn Hữu Đang đã giúp đỡ tiền bạc và giấy phép để nhà xuất bản Văn Hóa-Thông tin cho in tập thơ ‘’Xem dêm’’ gồm 200 bài thơ tả cảnh tả tình. Nguyễn Hữu Đang có viết một bài phê bình tỉ mỉ tập thợ này, trong đó có những bài được ông cho là kiệt tác. Tập thơ này đã ra đời năm 1995, sau khi Phùng Quán mất, vào lúc Phùng Cung 66 tuổi.

Phùng Cung bị bệnh ung thư dạ dày, mất ngày 9 tháng 5 năm 1997 lúc 2 giờ tại Hà Nội, thọ 68 tuổi, đám tang cử hành ngày 11 tháng năm, an táng tại cánh đồng làng Đông Ngạc, ở ngoại ô Hà nội.

Gần đây bà Lâm Thu Vân, Trung Tâm Dân Chủ Cho Việt Nam/ Montréal và nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành sách "Phùng Cung, truyện và thơ (Chưa hề xuất bản)" vào tháng 12/2003. Sách gồm 10 truyện ngắn và tập thơ ‘’TrăngNgục’’ với 35 bài thơ đặc sắc của nhà văn Phùng Cung .

Đây là 10 truyện ngắn viết sau ‘’Con ngựa già của Chúa Trịnh’’:

Mạt kiếp Cốc, tháng 8, 1957
Ván cờ khai xuân Rau Cốc, Xuân đinh dậu 1958
Chiếc mũ lông Hà Nội, tháng 7, 1958
Con muông nòi Hà Nội, tháng 9, 1958
Biệt tích Hà Nội,10 tháng 9, 1958
Giải thoát Hà Nội, tháng 12, 1958
M phách Hà Nội, tháng 12, 1958
Phòng tuyên truyền địa ngục . Hà Nội, tháng 4, 1959
Dạ ký Hà Nội, tháng 9, 1959
Hương Dạ hợp Hà Nội cuối tháng 10, 1959

Điều này chứng tỏ rằng chế độ cộng sản đã không chận đứng nổi sức sáng tác của Phùng Cung. Trăng Ngục, gồm 35 bài thơ sáng tác lúc Phùng Cung bị đày đọa trong các trại tù Bắc Việt, và về sau được ông chép tay trên giấy học trò, lúc đã ra khỏi trại tù. Đó là Những bài thơ sáng tác từ 1961 tới 1972, lúc bị biêt giam trong các trại Yên Bái, Lào Cai, Bảo Thắng, Bất Bạt....

Tác phẩm trên ra đời tại hải ngoại là do Phùng Hà Phủ con trai của tác giả mang từ Việt Nam sang Canada cho bác sĩ Lâm Thu Vân, nhưng nó lại bị ngăn cách bởi một người khác. Phải một thời gian khó khăn, nay di cảo của Phùng Cung mới ra mắt độc giả hải ngoại.

Năm 2004, bà Lâm Thu Vân cho tái bản tập Phùng Cung dày 375 trang, ta có thể chia làm bốn phần:

Phần I. Truyện: gồm mười truyện trên, thêm Con ngựa già của chúa Trịnh
Phần II. Tập thơ Trăng Ngục , 35 bài thơ.
Phần III .Tập thơ Xem Đêm , 72 bài thơ.
Phần IV. Phụ Lục. Các bài viết vê Phùng Cung. Đặc biệt là bài viết của Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Hữu Đang.

Tóm lại, lần tái bản, thêm truyện Con ngựa già của chúa Trịnh , còn về thơ bổ sung Thơ Xem Đêm. Chúng tôi tham khảo quyển sau vì tài liệu nhiều hơn.

Mãy chục năm trước, ông nổi tiếng với truyện Con ngựa già của chúa Trịnh, đăng ở Nhân Văn số 4 tháng 10 năm 1956, nên ông bị cộng sản bỏ tù. Ông trải qua nhiều trại tù. Ông đã sống tại trại tù Thanh Phong, Yên Bái với Nguyễn Chí Thiện. Năm 1977, Nguyễn Chí Thiện và Phùng Cung được phóng thích, ra tù phải sống trong nghèo khổ. Ông trở về làm đinh mà sinh sống. Và ông vẫn tiếp tục làm thơ.

I.TRUYỆN NGẮN

Mười một truyện ngắn của Phùng Cung được viết trong khoảng 1956 đến 1959, nghĩa là viết trước khi ông bị tù. Truyệân Con ngựa già của Chúa Trịnh , viết xong tháng 10-1956, được đăng trên Nhân Văn số 4, ngày 5-11-1956. Còn các truyện khác thì chưa đăng báo.

Truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh đã làm Phùng Cung nổi tiếng trong văn học, nhưng chính nó cũng là oan khiên của đời ông. Đây là một truyện loài vật, mang tính chất ngụ ngôn, kể một con chiến mã của chúa Trịnh được đem dùng làm ngựa kéo xe cho chúa. Con ngựa đưọc ăn uống dầy đủ trở nên béo phì, và sức khoẻ cũng kém với tuổi già cho đến một ngày nó ngã xuống vì không đủ sức kéo. . .

Trước tiên, Phùng Cung đã nêu lên những thành tích oai hùng của con ngựa chiến:

Một buổi sáng, trên các ngả đường, nhân dân các vùng lân cận nghe tin, lũ lượt đổ về xem như nước chảy. Hàng nghìn ngựa tốt từ các nơi đem về được sắp hàng tề chỉnh bên cạnh những kỵ binh nai nịt gọn gàng. Con Kim Bông ngơ ngác trước quang cảnh mới lạ,lòng nó rộn ràng, mắt nó đăm đăm nhìn thẳng phía cuối đua trường: như để dương oai với đồng loại, nó nén hơi, tóp bụng, cất tiếng hí dài, lanh lảnh nghe sởn óc [. . .]. Sau ba hồi trống lệnh, các kị binh lên yên, ra roi, bắt đầu rời vạch. Đoàn ngựa lồng lên trong bụi lốc mịt mù, những miếng đất bắn ra tứ phía như mưa rào, nhân dân reo hò vang dậy. Chỉ trong chớp mắt con Kim Bông đã vượt lên hàng đầu, vừa hí, vượt lên, chân trước khoăm lại như móc sắt, đuôi bay như giải phướn, tưởng như chân nó không hề chạm đất. Ở phía xa ngườI ta nhìn nó chỉ còn thấy một bóng trắng lấp lánh, oằn lên, oằn xuống như một con rồng trắng uốn khúc. Nó bay tới phía nào là tiếng reo hò phía ấy vang lên không ngớt. . .

Sau một thời gian tham gia các trận đánh, con Bạch Long thiên lý mã đã lập được nhiều chiến công, và được chúa Trịnh yêu quý, cho nó vào trong vương phủ. Chúa chọn nó làm mã lệnh, sai lập hồ tắm riêng, suốt ngày sống sung sướng, không còn phải xông pha nguy hiểm:

Một buổi sáng, nó đang đứng trong mã đài, hai con mắt đăm đăm vọng ra ngoài bức thành cao ngất, nó bỗng thấy một mã phu nai nịt gọn ghẽ, khác ngày thường, đến dắt nó ra đứng dưới mái hiên, phía tả hành lang. Nó sửng sốt, tưởng phen này lại được xung trận. Một mã phu khác trải lên lưng nó một tấm gấm điều, xung quanh thêu kim tuyến. Nó ngoái cổ lại, bỗng thấy mình đẹp như phụng hoàng. Hai mã phu nữa mang đến đàng sau nó một vật gì vuông vắn giống như một nhà lầu, gấm vóc xanh đỏ phủ quanh. Một mã phu nữa mang cương đóng vào gáy nó. Bộ cương quý giá và đẹp đẽ làm sao! Đời nó chưa từng nhìn thấy. Hàm thiếc bằng bạc: hai đầu nạm vàng sáng lóe. Nó sung sướng gục đầu xuống nhạp hàm thiếc một cách ngoan ngoản. Khi mã phu buông tay, lạ lùng lắm, nó thấy hai vật gì to bằng hai cái lá đa che ngang hai bên mắt, khiến nó chỉ nhìn thẳng phía trước mà thôi. Rồi một mã phu đẩy nó lùi lại, đứng giữa hai càng gỗ sơn son thiếp vàng.Được chúa thương yêu, cho vào vương phủ, được hưởng đặc ân, được phủ bề ngoài hào nhoáng, con ngựa thấy mình đẹp đẽ, oai vệ vô cùng. Một đôi khi nó cũng có cảm giác xấu hổ, buồn tủi vì mất tự do, mất cái thú tung hoành ngang dọc, nhưng nỗi buồn đó chỉ thoáng qua, mà cái tự hào, thỏa mãn ngự trị mạnh mẽ hơn:

Bỗng dưng hai càng gỗ dúi mạnh một cái, cổ nó bệt xuống, miệng nó gần chạm đất, nó vừa ngóc được lên thì giây cương đã ghìm thẳng. Nó cất bước thấy nặng; cái nặng quái gở, như bóp nghẹt lấy cổ, có lúc bềnh bồng nhẹ đi một chút nhưng rồi gáy nó càng như lún xuống. Nó phải lấy gân bốn bó mới giữ được cái thế đứng đường bệ. Rồi bỗng có một ngọn roi da quất nhẹ vào mông, nó cắm cổ đi. Khi nghe tiếng bánh xe nghiền mặt đá, nó mới biết là nó đang kéo xe cho chúa. Nó gục đầu đầu xuống, lủi thủi kéo chiếc xe qua sân, hai mắt nó lờ đờ nhìn thẳng, mỏi mệt, chán ngán.

Nhưng chẳng bao lâu, những chậu thóc trộn mật vừa ngọt, vừa bùi, những bó lá trúc quân tử vừa thơm vừa ròn sậm sựt đã cùng những buồn tủi sầu muộn, cùng những ước mơ trôi qua ruột, tống ra ngoài trả lại cho quá khứ. Con thiên lý mã quen dần với chức vị. Nó thấy mình phải phò chúa cho đến hơi thở cuối cùng mới xứng danh thiên lý mã.

Cuộc đời luôn luôn thay đổi, quân Trịnh đã thất bại tại chiến trường sông Gianh, chúa Trịnh muốn đem thiên lý mã ra thao trường tập dượt trước khi ra trận, song mấy lâu nay sống thanh nhàn, không luyện tập, vả lại tuổi già sức yếu, con Thiên lý mã cuối cùng đã ngã xuống sau một lúc gắng sức trổ tài:

Con thiên lý mã được dịp ra đua trường. Hai cái lá đa đã đuợc cất đi. Nó bàng hoàng nhìn trời, nhìn đất, mắt nó hoa hoa, đầu nó choáng choáng. Cảnh vật như quay chong chóng, cây như mọc ngược, núi như đổ xuống. Vưà gặp đồng loại một cái, nó cố gắng dóng hai tai, tóp bụng lại lấy hơi hí một tiếng để dương oai. Nhưng tiếng hí của nó vừa hé ra thì cụt lủn như có vật gì nút lấy mõm. Các đồng loại của nó cũng nhe răng ra cười rồi cùng cất tiếng hí làm cho nó càng uất. Không chờ nghe tiếng trống lệnh, nó đã lồng lên, tức thì các đồng loại của nó cũng bỏ vạch rượt theo. Tiếng trống liên hồi, con thiên lý mã càng cắm đầu cắm cổ chạy. Nó đã tưởng mình thắng cuộc, nó đắc chí ngoảy đầu lại thì bọn ngựa chiến đã tới sát đàng sau. Chỉ trong chớp mắt nó bị tụt lại. Không chịu nó càng lồng lên. Bỗng nó thấy nhói một cái ở trong ngang bụng như bị một nhát gươm chém mạnh nó ngã vật xuống, vùi đầu trong bụi lốc của đàn ngựa bay qua, nó biết là đứt ruột, không thể sống được. . .

Cộng sản bao giờ cũng dùng người này đánh người kia, cài vào cái thế mọi người nghi ngờ, thù hận nhau như lời Phùng Cung đã nói trong Trăng Ngục:

Ôi! Tay chúng cầm lê
Đâm người - dấu mặt
Lại vội lau tay - vu cáo - gây thù
Cha con nghi ngờ
Vợ chồng cảnh giác
Già trẻ xóm giềng
Nhìn nhau len lén
Di họa đứng rình
Trong tối lửa tắt đèn
(xuống đường)

Họ đã dùng những người trong Nhân Văn, Giai Phẩm như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt để tra hỏi, vu khống và kết tội Phùng Cung. Những người yếu đuối dễ ngã lòng và cúi đầu làm theo cộng sản. Theo lời khai của Hoàng Cầm thì chính Hoàng Cầm đã góp ý kiến với họ Phùng khi ông viết truyện này, làm sao cho con ngựa đáng ghét. Truyện này, chỉ là một ngụ ngôn, nhắm châm biếm những sủng thần của chế độ, được địa vị cao, hưởng bổng lộc trọng nên mất hết khả năng, tài lực. Họ chỉ là những bị thịt, những túi cơm giá áo. Hạng này đều hiện hữu trong mọi chế độ. Bài này làm cho những kẻ như Tố Hữu, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Huy Cận. . . phải nóng mặt vì họ nghĩ Phùng Cung đã ám chỉ họ, cho rằng bọn họ có chút tài năng nhưng nay tham miếng đỉnh chung, cam tâm làm con ngựa phục vụ chúa, đuợc ‘ gấm vóc xanh đỏ phủ quanh,.. .hai cái lá đa che ngang hai bên mắt, khiến [họ] chỉ nhìn thẳng phía trước mà thôi.. .mà nay thì mất hết tài năng, chỉ còn những thơ văn nịnh hót, giả dối, không hồn. Bài này nếu được viết dưới thời quân chủ hoặc thời Pháp thuộc, thì độc giả chỉ nở một nụ cười thích thú mà nhà cầm quyền cũng chẳng để ý đến những điều nhỏ nhặt trong văn học. Nhưng khổ thay, Phùng Cung đã sinh ra dưới thời cộng sản cho nên mỗi câu văn, mỗi chữ viết đều là tội. . .Nguyễn Chí Thiện cho rằng truyện Con ngựa gìà của chúa Trịnh của Phùng Cung là đặc sắc nhất về hình thức cũng như về nội dung .

Ông bị cộng sản bắt giam 12 năm. Tháng 7 năm 1979, Nguyễn Chí Thiện bị bắt trở lại và phải ngồi tù 12 năm vì tội trao tập thơ của ông cho tòa đại sứ Anh tại Hà Nội. Năm 1991, Nguyễn Chí Thiện dược thả, 1992, Nguyễn Chí Thiện và Phùng Cung viết thiệp mời các văn nghệ sĩ và Đỗ Mười, Lê Đức Anh dự lễ mừng thọ Nguyễn Hữu Đang 80 tuổi. Ngày Phùng Quán mất, Phùng Cung đã đứng ra tổ chức tang lễ khiến cho cộng sản lo ngại vì người tham dự quá đông với hàng chữ Một kẻ sĩ bất khuất!

Ngoài tài viết truyện, Phùng Cung cũng có tài làm thơ. Thơ của ông rất xuất sắc. Thơ của ông phản chiếu trung thực cuộc đời ông và xã hội ông.

Trước khi đưa ông vào tù, bọn Tố Hữu đã đưa ông ra đãu tố. Buồn nhất là chúng đã đưa các bạn ông là Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm tố ông. Con trai ông, Phùng Hà Phủ, khi sang Canada đã viết như sau về cuộc đãu tố này:

Chủ trì buổi đấu tố gồm các ông Võ Hồng Cương, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoài Thanh. Cảm tưởng xót xa và ngỡ ngàng nhất đối với bố tôi là những bạn thường ngày chơi thân với bố tôi đều tham gia vào việc đấu tố. Ngày hôm đó, ông Trần Dần là người đứng lên tố để hai ông Lê Đạt và Hoàng Cầm làm chứng dối. Tội chính mà bố tôi bị tố là mang lòng hận thù cách mạng sau cái chết của bố mình (bị quy là địa chủ bị giam đên chết trong trại tù), lôi kéo người khác cùng về hùa để lăng mạ lãnh đạo... (xv-xvi).

Bài thơ ‘’Cảm ơn’’(296) của Phùng Cung và truyện ‘’Dạ ký’’ (223-248) có nhắc đến cuộc đấõu tố này :

Bùn trát đầytôi
Đá nặng xô tôi.
Dưới vực thẳm
Tôi vẫn thấy trời xanh lắm.
Tôi chân thành cảm ơn
Ba bạn Dần, Cầm, Đạt
Đã giùm tôi
Cất gánh nặng luân hồi
(Cảm on)

Sau khi mãn tù, Phùng Cung kể lại cho vợ con biết rằng mặc dù là đối tượng bị kiên giam biệt lập, nhưng khi biết rõ Phùng Cung là tác giả của ‘’Con ngựa già của chúa Trịnh’’ thì rất nhiều tù nhân khác tìm đến thăm hỏi, xem mặt, động viên, giúp đỡ. Nhất là thời gian đau ốm, được các bạn tù chăm sóc tận tình.
Mười truyện còn lại hầu hết mang tính chất tố cáo.Những truyện này tấn công trực diện vào bản chất gian manh và tàn ác của chủ nghĩa cộng sản. Một số truyện còn dài hơn Con ngựa già của chúa Trịnh. Còn nội dung có thể bằng hoặc sâu cay hơn. Những truyện này mang tính cách tượng trưng và ẩn dụ.

Ván cờ khai xuân mang tính cách ẩn dụ. Không gian của truyện là làng Việt, ngụ ý là đất nước Việt Nam. Nhân vật chính trong truyện là ông Ba, là hình ảnh của Hồ Chí Minh :

Ông Ba dạt đi từ bao giờ, làm gì, ở đâu, chẳng ai biết. Người làng Việt chỉ thấy ông Ba bỗng nhiên xuất hiện ở làng từ trước ngày Nhật đảo chính Pháp. . .Khi ấy ông ba đã bước sang tuổi già, nhưng còn tráng kiện lắm.! Giọng nói của ông hơi lơ lớ hạ phang hoặc mán, Thổ . . ( 68)

Ông Ba là mt kẻ gian manh khoác bộ mặt đạo đức. Ông tỏ ta là người thanh cao, giản dị, thich quảng giao,thích gần gũi mọi người và mến trẻ con (68-69). Ông giảng đạo đức cho con ông nhưng ông lại làm trò lừa đảo với cả con ông, một đứa trẻ con mới mười hai tuổi. Bị con ông vạch trần âm mưu gian lận, ông xấu hổ, ông dùng biện pháp đàn áp dã man để khủng bố con mình.

Giải thoát cũng là một truyện tố cáo lãnh tụ cộng sản gian manh. Nhân vật chính là ông Cả Miêng ( Miêng tức là Minh ). Ông là trùm phường chèo và cũng là trùm cờ gian bạc lận, và cũng là một tay đạo đức giả. Ông Cả Miêng đem đoàn chèo đi trình diễn khắp nơi, được mọi người trong đoàn coi như là một thứ ‘’ Bố Cái đại vương của làng Vân Ô ‘’ (143). Ông gian lận cờ bạc nhưng tự an ủi rằng ông đánh bạc với mục đích rất cao cả là ‘’ cướp của kẻ giàu san sẻ cho người nghèo’’ (144). Một mùa xuân, trong những đêm tổ tôm tại làng Mai Khê, ông thua nhẵn, đang đêm ông bèn lấy trộm tiền bạc của các anh em trong gánh chèo để gỡ gạc, và càng đánh, ông càng thua cháy túi!

Con muông nòi nhằm châm biếm chủ trương tuyên truyền khoác lác của cộng sản. Nhân vật chính là lão Năm Xuân, người ổ Nha, đi chợ Đợ mua chó. Khi về gặp ông Ba Đường đi bán bánh kẹo, Năm Xuân khoác lác về những hiểu biết về nuôi chó. Y quả quyết và tự hào về con chó mới mua :

- Nó mến tôi lắm đấy! Bây giờ tôi có buông dây, nó vẫn cứ kéo ống chạy theo cho mà xem. .
-Ấy chớ! Ba Đường vốn cẩn thận- Chó mới mua, ta cũng nên ‘’cẩn tắc vô áy náy’’ thì hơn!

Lời khuyên của Ba Đường chẳng những không vào tai Năm Xuân, lại ngầm sự thách thức, kích động lòng tự ái , xúc phạm sự uyên thâm, từng trải của bực thầy. Năm Xuân kéo Ba Đường dừng bước :

-Đây tôi buông xích cho bác xem (118).

Kết thúc là một màn bi kịch:

Con chó thấy Năm Xuân thong thả bước tới, nó cũng thong thả kéo xích bước đi, thấy lão đi nhanh, nó cũng đi nhanh , Năm Xuân thoáng thấy bối rối , lão dùng mẹo nhãng nhanh định dẫm lấy đầu dây, nhưng trượt chân lão ngã ngồi. Con chó chồm lên phi nước đại ( 119).

Dạ ký là những ác mộng của tác giả, và là những nét hý họa về các văn nghệ sĩ cộng sản. Ông đề cập phớt qua về các nhà văn Kim Lân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Hoàng Càm, Lê Đạt. Phùng Cung kết hợp nghệ thuật cũ và mới cho nên truyện của ông vừa mang tính trào phúng lẫn ngụ ngôn. Ông hóm hỉnh kể cho ta nghe về Viện luyện lưỡi với hai trường phái Nam Hải và Đông Phương tại Hà Nội:

Sau mấy tiếng hò hét của hai vị giáo sư - giáo sư viện trưởng vươn ra một cái lưỡi đỏ, dài hàng trượng và hơn thế nữa.Cái lưỡi cứ ngoằn ngoèo lượn như xiếc Trung Hoa múa lụa vậy. Mấy hàng học viên do giáo sư này chỉ huy cũng phóng lưỡi đỏ, cũng ngoằn ngoèo nhưng còn ngắn hơn giáo sư nhiều- Còn vị phó giáo sư thì phóng một loại lưỡi khác thẳng đơ như dùi cao su, bề dài cũng hàng trượng, có kém cũng không đáng kể- Cái lưỡi của vị phó giáo sư không múa liệng mà cứ đập lên đập xuống, cái lối dẽo cứng. Theo tôi đúng là một trăm phần trăm cao su nhân tạo hay thiên nhiên thì không biết.- Mấõy hàng học viên dưới sự huấn luyện của vị giáo sư này cũng phóng lưỡi ra cũng đập lên đập xuống, tất nhiên so với phó giáo sư còn kém nhiều (235).

Phần cuối của truyện là cảm nghĩ của tác giả về cuộc sống của các văn nghệ sĩ dưới ách cộng sản. Ông viết với một giọng đầy cay đắng về bản chất dối trá và nịnh hót của văn nghệ sĩ khi bẻ cong ngòi bút phục vụ cường quyền:

Tôi nghĩ sau này tôi phải viết một bài ‘’Cứt tụng’’. Dầu ai có chê bai cũng đành chịu vậy thôi. Trong đầu tôi mới xuất được một tứ : Cứt không thèm với tay vịn gió đổi mùi, nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận!. . .(246)

Phòng tuyên truyền địa ngục nói hết về những thủ đoạn tuyên truyền dối trá của cộng sản để dẫn dụ những kẻ thiếu kinh nghiệm. Truyện Biệt tích, Mộ phách trình bày nỗi đau khổ của người dân bị cộng sản cưỡng bức , đàn áp bắt giam và giết hại.

Nói tóm lại, truyện của Phùng Cung là những bức tranh rất thực, rất sống động về xã hội cộng sản. Tại đây dân chúng bị lừa bịp, một số hiểu rõ bộ mặt thật tàn bạo và xảo trá của cộng sản thì họ đã mất mọi thứ tự do, bị đàn áp , khủng bố và giết hại. Bản thân của Phùng Cung cũng là một trường thiên tiểu thuyết về địa ngục cộng sản.

II. XEM ĐÊM

Tập thơ này do Nguyễn Hữu Đang và Phùng Quán vận động tài chánh để ấn hành, lại được sự bênh vực trong khâu kiểm duyệt của nhà thơ Quang Huy cũng là nhà xuất bản cho nên quyển thơ Xem Đêm gồm 200 bài thơ đã được ấn hành năm 1995 tại Việt Nam. Tập thơ này tuyển chọn những bài thơ sáng tác vào những thời điểm khác nhau, trong đó có cả thời gian ở trong tù. Lần tái bản tại Montreal năm 2004, gồm 73 bài thơ.

Những bài thơ trong tập này phần lớn được viết sau khi ông ra tù. Ý tưởng các bài thơ hầu hết là kín đáo và bình thường để qua được khâu kiểm duyệt. Xem Đêm là viết về làng xóm của tác giả và tâm tư của tác giả khi đêm về.

Xem Đêm trước tiên là cảm xúc của tác gỉả khi đi tù về. Ban đầu tác giả có ít nhiều bỡ ngỡ nhưng dần dần, ông cũng tìm lại được những mối thân thiết ngày xưa:

Bạc tóc trở về quê
Bỡ ngỡ tìm bến đò mới
Nhìn dáng lạt bó rau
Nhận được người làng
(Người làng)

Sau bao năm
Tôi mới được về quê
Tên cây cỏ cũng đã quên nhiều ít
Con sông quê càm đi
Bao dấu tìch
Vẫn ca khúc chìm trôi
Trong nắng -phơi- rơm
( Nắng phơi rơm)

Ra khỏi tù, Phùng cũng vẫn e ngại những sóng gió bất kỳ :
Mắt trước, mắt sau
Kinh hoàng di lụy
(tím cơ hàn)

Trở về với gia đình, ông bị cộng sản bao vây kinh tế và bao vây hành chánh, ông trở thành một kẻ sống thừa, của kiếp ‘’ gà què ăn quẩn cối xay’’ :

Quỹ đạo tôi
Thư thái loằng ngoằng
Xó bếp bờ ao.
Cảm ơn cao rộng
Tôi may mắn
Được dìu về bản quán
Thanh thản tháng ngày
Bờ ao xó bếp
(thanh thản)

Ông đã nói đến nỗi khốn khổ của ông về cơm áo gạo tiền :
Thân phận tôi
Trầy trạt lưng cơm, đọi cháo
Tôi rạp đàu
Bạc tóc rạp đàu Lạy hạt gạo thiêng
(hạt gạo)

Nửa đời
Nước thải
Hưu non
Vã mồ hôi - son
Tảo tần chiều sớm
Quốc lủi lưng vơi
Ngấm câu thành ngữ
Mắt trước mắt sau
Kinh hoàng di lụy
Tóc bạc - vào - mùa
Răng hơi bị đuối
Trệu trạo trái sung
Rut tím cơ hàn
( tím cơ hàn)

Điểm thứ hai, Xem Đêm là quan sát cảnh vật ban đêm, là viết về quang cảnh ban đêm của quê hương tác giả :

Đêm về khuya
Trăng ngả màu hoa lý
Tiếng gọi đò
Căng chỉ ngang sông
( đò khuya)

Lúp xúp quê xanh
Giải yếm bắc cầu một thuở
Gió bạc cánh
Chưa hết vòng kim cổ
Làng cách làng
Từng quãng phong dao
(quê xanh)

Trở giấc xem đêm
Cuối trời trăng - mỏi
Trái gấc chín - ngập ngừng
Tóc rụng trạt lối đi

Trở giấc xem đêm
Thiên hà ngọc vụn
Gió thổi một mình
Mặt đất tròng trành
Ma hoa nhảy múa
(xem đêm)

TuyXem Đêm viết về cảnh ban đêm nhưng cũng có những cảnh ban ngày :

Nắng hẩy gió lên
Hoa bầu rụng
Lèo tèo tóp mỡ
Pháo đất ‘’bốp!’’ bờ ao
Con cò cái giật mình ‘’ giũ lụa!’’
Bóng râm rẽ nắng sang sông
( nắng gió)
Đuôi nắng uể oải
Vườn ổi chín - đùa
Bò rống vợi - chiều
Lũy tre xóa bóng
(chiều xuống)

Là thi sĩ, ông đã xúc độngtrước những cái đẹp của quê hương, dù là những nét rất đơn sơ và bình thường như mùi ổi chín, ao bèo, giếng đình, bến đò, dàn bầu, con ong:

Trở dậy gặp thu
Không gian ngập mùi ổi chín
Mùi - năm ngoái
Đáy nước ao bèo
Mây trắng lênh đênh
Bâng khuâng mình tự hỏi mình
Trời thu thả - nắng
Giếng đình vắng ai.
(gặp thu)

Sông đẽp dòng
Đò vui bến
Cô lái vưon mình
Trôi dáng - nhạn
Gió ngỡ buồm quen. . .
Vạt áo nâu non khép vi tà
( dáng nhạn)

Gió sục dàn bầu
Con ong xanh lạng cánh
Chổi mo ngật đầu hè ngáng lối
Sào phơi tấm áo sắp rơi
(gió đẹp)

Điểm cuối cùng, Xem Đêm viết về đất nước, về chế độ. Xem Đêm có khá nhiều bài viết về nỗi khổ, cảnh đen tối của đất nước, và của tác giả. Xem Đêm tức là quan sát cuộc sống khổ ải của nhân dân, là viết về hiện thực đen tối của đất nước Việt Nam. Việt Minh cướp chính quyền, cộng sản nổi lên là cơn dông bão lớn đã tàn phá Việt Nam :

Giông bão trẩy qua xóm nhỏ
Dập gãy hết rồi
Ngô độn chuối xanh
Xì xằng qua bữa
Kèn thúc ngũ liên
Săn lùng đào ngũ
Chẫu mắt mù
Nhìn - đóng - cọc vào đêm
(dập gãy )

Dưới chế độ cộng sản, đất nước Việt Nam không có tự do cũng như hoa đào héo úa, mùa xuân không nở hoa :

Thương cây đào ốm
Xuân về chẳng nụ hoa
Lá gầy run gió lạnh
Cây cũng có thời vận ư?
( cây đào)

Cảnh vật đều nhum màu tang tóc :
Chạng vạng chiều - rơi
Trên xóm nhỏ
Con chó hoang
Ngoạm vành khăn tang
Vượt theo lòng xóm
Tới ngã ba nhớn nhác
Lại cắm đầu rượt tiếp
Phía trước mặt trời đang tắt
Vàng trăng đang mọc phía sau
( chạng vạng)

Dân tộc này khao khát tự do cũng như con người khát nước ‘’ khát muốn chết! ’’( Khát). Dù đảng hứa hẹn và đưa ra bao chính sách, dân tộc này như lũ cua đồng lao động suốt đời vẫn không đủ ăn :

Phận - lấm
Tói ngày đào khoáy
Lưng nắng - vẽ
Hoa văn tiền sử
Chài chãi đòng chiêm
Mãy kiếp rồi
( cua đồng)

Tất cả mọi người đều khổ trong đó có vợ ông và bản thân ông :

Em vất vả
Tốùi ngày tất tả
Lưng áo em
Ngoang vôi trắng xóa
Cái trắng này
Vắt tận trong xương
( mồ hôi xương)

Ông thương đời, ông thương gia đình ông và ông thương ông. Trong địa ngục, tất cả là màu đen tối của đêm đen, loài vật cây cỏ cũng đau khổ trong cái số phận chung của địa cầu, của đất nước. Ông thương cánh bèo dạt, ông xót cánh đào ốm, cánh buồm say, phận chó gầy, cái vạc ăn ngày, phận cua đòng tối ngày đào khoáy. . .

Những nỗi đau khổ trong đời đã làm ông suy tư và nhiều đêm mất ngủ đến nỗi rụng tóc bạc đầu :

Trở giấc xem đêm
Cuối trời trăng - mỏi
Trái gấc chín - ngập ngừng
Tóc rụng trạt lối đi. . . .
(xem đêm)

Đêm chợt nghe
Trong gối vọng tiếng ru
Lắng tai mới rõ
Tiếng tóc mình chuyển bạc
( nghe đêm)

Xem Đêm là viết về cuộc đời và con người, mang tính cách triết lý. Đời người trong cõi thế cũng như cuộc đời Phùng Cung là cuộc đời bèo trôi nước chảy :
Lênh đênh muôn dặm nước non

Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh
(bèo)

Ông quan niệm đời là một trò chơi, sống hay chết đều rất khó :

Sống quá khó khăn
Chết chẳng dễ dàng
Tôi phải sống
Hẳn tôi còn đưọc chết
Chết là chơi nốt
Một trò chơi
Mãn khóa hỗn sinh
(trò chơi)

Nguyễn Hữu Đang đã giới thiệu Xem Đêm bằng những lời sau :

Ngoài nguồn cảm hứng thứ nhất ( về thẩm mỹ) của Xem Đêm là những vẻ đẹp nông thôn, một nguồn cảm hứng nữa ( về tư tưởng) là tình thương cao cả trong con người Phùng Cung. Không phải ông chỉ thương số phận bất hạnh của những con người mà thương cả số phận bất hạnh của những loài vật, cỏ cây là những sinh vật (373).




===

No comments: