Wednesday, November 19, 2008

192. TÁC PHẨM TRẦN DẦN

====


THƠ TRẦN DẦN
====


NHẤT ĐỊNH THẮNG


Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật,
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui ?
Tổ quốc hôm nay
tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh...
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui - khi chợt nhớ chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt.
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta ?
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm ?
A ! Cái lưỡi dao cùn !
Không đứt được mà đau !
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước ! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: có phi vết dao ?
Không đứt được mà đau !
Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu
Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối xầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi
- Dừng lại !
Đi đâu ?
Làm gì ?
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo
Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
- Ở đây
Khát gió, thèm mây...
Ô hay !
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ ?
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi ?
Sau đám mây kia
Là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng non bồng của Mỹ !
Tôi muốn khóc giữ từng em bé
- Bỏ tôi ư ? - Từng vạt áo - gót chân
Tôi muốn kêu lên - những tiếng cộc cằn...
- Không ! Hãy ở lại !
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
Non bồng Mỹ
Triệu lần...
Mảnh đất dễ mà quên ?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư sao chẳng nói thật thà ?
Chỉ là:
- Thiếu quả tim bộ óc !
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
- Nhưng sao bước rã rời ?
Sao họ khóc ?
Họ có gì thất vọng ?
Đất níu chân đi,
Gió cản áo quay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Trăng trối lại : - Mỗi lùm cây - Hốc đá
- Mỗi căn vườn - gốc vả - cây sung
Không nói được, chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy - quên làm sao được ?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió dập vùi
- Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc...
Ai dẫn họ đi ?
Ai ?
Dẫn đi đâu ? - Mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống - Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
- Khổ nhiều rồi !
Họ xấu số - chớ hành thêm họ nữa
Vườn tược hoang sơ - cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc ! Hãy giữ gìn cho họ !
Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ !
Họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào thơ ?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách - hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này - bạn ấy
Quyển của tôi tư lự nét đăm đăm
Nó đang mơ : - Nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
- Từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
- Từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ.
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu ?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?
Sao chúng không chắp được cõi bờ ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị.
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Em ơi ! - Ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử ?
À cái tin trên báo - ừ em ạ
Chúng đang phải dậm chân đấm ngực !
Vượt qua đầu chúng nó,
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới danh gì ?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xóa nhòa giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng
Trời mưa to lụt cả gian nhà :
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ - Nó gầy - Lông xấu quá
Nó thiếu ăn - Hay là giết đi ư ?
Nó đỡ khổ - Cả em đỡ khổ.
Em thương nó - Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay em mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã
- Chúng phá hiệp thương
- Liệu có hiệp thương
- Liệu có tuyển cử
- Liệu tổng hay chẳng tổng ?
- Liệu đúng kì hay chậm vài năm ?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.
Người vẫn vội - Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông !
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà...
Lá cờ ấy lá cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được chiến tranh
giữ được hòa bình
Giặc cũ chết - Lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi ! chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý ? Và ai có Lực ?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ !
Hôm nay
Cả nước chỉ có một lời hô
THỐNG NHẤT
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi
- Giả miền Nam !
Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng - Bỗng máu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi
Dân ta ơi !
Những tiếng ta hô
Có sức đâm trời chảy máu.
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi - Như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm - Nhưng mà đi quả quyết...
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê : Đâm
Giống viên đạn : Xé
Giống bão mưa : Gào
Giống tình yêu : Thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin
Sao bỗng hôm nay,
tôi cúi mặt trước đèn ?
Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta !
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có phút giây ngờ vực
Ai có lý ? Và ai có lực ?
Ai người tin ? Ai kẻ ngã lòng tin ?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
Cả nước
Cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương lao lực
Anh gạch xóa trang thơ hằn nét mực
Bỗng mặt anh nhìn thấy ! lạ lùng thay !
Tảng đá chặn đường này !
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực !
Anh đã nghĩ: Không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
Mà thống nhất Bắc Nam ư ?
Không không !
Đem sức gân ra !
Em ơi em !
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh dành cho cuộc đấu tranh giành Thống Nhất



====


TÌNH YÊU



Gửi em K(*) những ngày phải xa nhau

(*) K. tên viết tắt của bà Bùi Thị Ngọc Khuê, sau này là vợ của nhà thơ


Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi !

Nhớ em
đường phố Sinh Từ
đen cả mũi
mùi than
mùi bụi

Nhớ gian nhà
bây giờ
lùi lũi
một mình em

Em ạ
Tình yêu không phẳng lặng bao giờ

Nó đè sóng
đè mưa
nổi bão…

Tình yêu
không phải chuyện
đưa cho nhau
ngày một bó hoa

Nó là chuyện
những đêm ròng
không ngủ

tóc tai bù
như những rặng cây to
nó vật vã
những đêm trời động gió

Tình yêu
không phải là
kề vai mơ
sầu mộng dưới trăng mòn

mà phải sống
phải cởi trần
mưa nắng

phải mồ hôi
chảy đẫm
tận buồng gan.

Tình yêu không phải
chuyện ngàn năm
kề sát má

mà bỗng dưng –
một quả tim chung

phải bổ nó
làm
đôi
người một nửa
người
ôm một nửa...

Tình yêu
không phải là
những chiếc toa đen
con tàu cuộc sống

tuỳ chuyến đi
mà cắt bỏ
hoặc nối thêm

Mà tự nó là
Một ĐẦU TẦU HOẢ
có nghìn toa
buổi – sáng
buổi – không đèn

Triệu mã lực
con tàu điên
tàu dại

nó đâm bừa
gãy cẳng
ngày đêm

nó hú chết
thời gian
khoảng cách

nó rú lên
trên trái đất
chưa người

chưa xã hội
chưa luân thường
ước lệ…

Tình yêu không phải
chuyện bạ sao yêu
cũng được

nó lạ lùng
như giữa một trời sao
triệu triệu ánh

Chỉ có anh
đã khản tiếng
kêu gào

mới gọi được
vì – sao – em
hay khóc

Và có em
đi mãi đến mê
người

mới dừng lại
ôm mình anh
buồn tủi

vì – sao – anh
rốc lửa
xém bên trời…

Tình yêu
không phải
có hoặc không
cũng được !

mà nó như là
những vần thơ
những bắp thịt
những đường gân
tổ quốc

*****

Em ơi
em lại khóc
em à ?

Gian nhà vắng
con chó nằm nó rú…
Anh mới đấm lên trời
dăm quả đấm
bao giờ anh
ngồi
chết
một gian buồng
bốn bức tường
nó giữ chịt người
anh
để giáo dục anh về nhiều chuyện
và chuyện yêu
- là câu chuyện chúng mình…

Em đọc kỹ
trang thơ này nhé

Em đếm xem
bao chữ
bao vần
cũng tựa bao đêm
em ngắm trời sao
em đã thấy
một vì sao
ngất ngưởng
vì – sao – anh
nó chuyển bốn bên trời
đuôi nó cháy – đúng là
vì sao dữ

Anh cho phép
em khóc nhiều
khóc nữa
Em ơi
tình yêu em
không có tuổi bao giờ


mươi thế kỷ
vì sao
anh
vẫn cháy…





THƠ MI NI


Tác phẩm là bản gốc ? đời là bản sao ?
Ối Ôi, luôn tam sao thất bản

Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời

tôi khóc những chân trời - bụi đỏ
Ở đó: vắng người
không có người biết khóc – các chân mây

vô tư như thuở ngày xưa
Nhìn một vì sao
buồn bên ngưỡng cửa

Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ.
Đừng đau mứt lệ hạ huyền
Nỗi buồn sáng thế còn nguyên.

1988 - 1989




====

KHÔNG ĐỀ SỐ 4



Mưa rơi phay phay
Ngã tư năm ngoái
Biết tôi khờ dại
Em đi không sao chống cự nổi
Đại lộ tai hại
Em dài man dại
Em dài quên che đậy
Em dài tê tái
Em dài quên cân đối
Em dài bối rối
Em dài vô tội
Em dài – khổ tâm...





====




BÀI HÁT NGƯỜI LỚN


Đi chơi! đi chơi!
Đầu trọc bình vôi
Hai tay hai hòn sỏi
Đi chơi! đi chơi!
Hai tay hai hòn sỏi
Đầu trọc bình vôi...



Đi chơi! đi chơi!



CHIỀU VÔ NGHĨA



Gió thổi quá tay
Lạnh cây Bàng bé
Chiều thu cổ lỗ sĩ
Công viên đồng chí
Sương sa cà khịa
Cho tôi một ngày chức năng vô lý!
Để tôi ngồi vô nghĩa nhất
Vô tri...


===


NGẢ TƯ XƯA


Anh muốn rao lên cho làng nước biết
hôm nay em bạc đãi một người.
Nhưng em ơi! anh chỉ đến ngã tư xưa
anh đứng dưới môt ngôi đèn bỏ.








ĐOẠN KẾT


Cấp cứu! Cấp cứu!
Ô tô chẹt lá chết...
Một cặp đi ngang đường bẹt
Hãy để tôi đi tìm đêm trăng vườn quýt!
Điện thoại kêu thét
Con cốc đi xa
Chương ba tiểu thuyết
Hành trình!... Hành trình!...
Không thấy sương bay thành vệt...

===


Jờ joạcx, một trong những tác phẩm then chốt của sự nghiệp thơ Trần Dần (di cảo, chưa xuất bản). jờ joạcx
thơ-tiểu thuyết một bè đệm


joạc jờ jêrô... vòng tròn
thằng truồng bị vây trong vòng
tròn.
tôi không hiểu tôi bò 2 chân trên sẹo
joạc jờ nào?
sao cứ thun thút những
sẹo mưa jọc jài ỗng ễnh bầu mưa?
chứ tôi đâu phải thằng quíc-ss? mà tôi vẫn
bị ngửa thì jờ ướt mưa jòng mùa jọc nịt joạc
vườn jịch ngực joạt đùi jầm mùi jũi lòng.
tôi biết
jành jạch sử kí cả những luồng phùn mọc lọc
người đi.

hôm nọ lơ thơ bình minh tôi bóc lịc mịch ngày
tôi đi
song song cơn mưa to juỳnh juỵch jạng đông
tôi gặp
một con nữ vận động viên
ướt
jượt
toàn thân
chạy joạch vòng mưa
jòng jòng
1 - 9 - 6 - 3 min mét nữ.

jờ jạchx nở jòn jọtx

chính ja tôi thíc cái yếm
nín cái nịt thịt của các kilômét đùi joạcx. tôi
gương trong jập mùng đùi sẹo nữ.
tôi là một cái sẹo mòng mọc khoái jữa các
sẹo bàn ghế tủ nam nữ đồ đạcx.

tôi lúc nhúc cả ngày tứ phía câu-đố-bé-tí. ẩn số hở
số những hạt cốc tách song song xe cộ. người. giờ.

tôi tòi.
tôi cốc jâu tươi ướp đường chai bia xuôi vai
sẹo mát hạt mùa nực.
tôi chiếc ôtô mui sinh vật-4-chân
bon trong khi jàn jạt sẹo-2-chân nam nữ
joạc bộ hành.
tôi quần không slip nữ sẹo jọc vườn
hoa kể cả chiếc nữ đồng hồ đeo tay là hạt sẹo
joạc jờ
nhưng làm jì có thì jờ chỉ có ngày đêm
là sẹo nghỉ ngoài jờ.

tôi từ chức tiến sĩ. phó bác sĩ. sử kí. chân lí. thẩm mĩ.

thi sĩ.

jạch khi truồng mưa lèo lẹo bầu phùn. tôi
không thi hơi nữa với thằng Tìm. vạ jì cởi
trần đăm đắp cộm người 1- 9- 6- 3 nốt sẹo-
mùn-mưa?

tôi cụt jủn là thằng Tòi.
tôi tòi ja từ cái cống hở vũ trụ nở sẹo khóc
ja ja nhà sẹo hộ sinh
tôi iêu những chiếc nữ mayô
jính ngấn. capôt nữ. jụng cụ nữ buồng jờ.

toàn thân tôi là một chiếc sinh thực khí jứt
thánh bỏ trí của tất cả nam nữ.
tôi thường trực
jục cưới jao cấu phố. buồng. đường. người.
ngày. mùa.

tôi thíc những cái tòi -
tòi tí quần lót
thịt tí nịt ngủ tí sẹo đèn hàn hạt
tí câu-đố-bé-tí
chẳng hạn jải jic phố sẹo mưa mùn phùn tí
nữ bộ hành joạc đùi ươn ướt tí...
tí tăc xi tòi
sẹo cửa kính jạch
tí nữ điện thoại jọc vành tai tí
mắt Mông cổ lao sẹo xếchx của nhìn.
tí bồn tắm nữ
tòi ja ngoài vòng tròn jờ.


-----



19.1.2003
Trần Dần
Thơ lảy
Phạm Thị Hoài chọn và biên tập


tôi thú thật, tất cả chúng mình là những tồi năng

*
sinh ra tôi
chuyên đề thất vọng mọi người

*
thằng truồng bị vây trong vòng
tròn.

*
sáng bảnh-bành-banh
mày vẫn ngủ-ngù-ngu

*
sinh tôi làm gì
tôi không hợp grammaire nào cả
sinh tôi đã có grammaire cho tất cả
ắt là không juýt cho tôi

*
tóm lấy tu từ vặn nghoẹo cổ
viết như khạc nhổ mọi tu từ

*
tôi thích viết cái chưa biết
mặc các ông viết cái đã biết

*
ai cũng có ngày
ngày của mình
tôi không có ngày nào hết

*
tôi còn trẻ tôi còn đi với ma quỷ
cứ chia cho tôi những ma quỷ nào hung dữ nhất năm canh

*
tôi kiếp trước tội gì thế nhỉ
sao có quê hương thịt rất buồn?

*
đối với tôi, mất nước văn học là mất nước nhất

*
anh cứ mó thử một dấu phẩy văn phạm xã hội
vuốt râu hùm xám còn đỡ nguy hơn

*
hiện thực là một hư cấu từ đầu chí cuối, từ dưới lên đầu

*
sáng tạo là một hành vi tổng lực và bất ngờ. Cả cái dái cũng tham gia sáng tạo.

*
xây một tập thơ là phá một nhà tù

*
chân lí là một lỗi thời không buông tha nhân thế

*
mĩ học đòi hỏi các giấu diếm và thưởng lệ nó
đạo lí đòi hỏi biểu lộ và trừng phạt giấu diếm

*
nói tao biết mày viết thế nào, tao sẽ nói mày sống chết ra sao

*
tôi thích những đàn ông vẫn cả đôi vai, cả đời mình, gánh vác một ý kiến, một giấc mơ

*
thà thắp một tia đom đóm
còn hơn ngồi thở dài khan

*
rượu cay xé mồm (nhịn xé lồn) mới thích

*
tự do là vi phạm chứ không tuân theo tất yếu.

*
tôi như có lời hứa chưa xong. Có lời nguyền chưa trọn. Có câu thề còn trăn trở nơi tim. Thơ là trò rồ của những kẻ như tôi

*
tôi có nghèo đâu, trăng sao lủng liểng, mây phơi dằng dặc khắp chân trời

*
văn chương lom khom
sao lại cho tôi nhiều xương sống thế?

*
từ đó chó
tốc đã đi qua một nước sủa

*
kể từ lăn lóc rôck
vén váy văn chương chiều dọc
cả nhà xô lắc lốc
ngộc thần kinh

*
trang giấy trắng quá, trắng quá, đến nước chỉ có sữa mới đen hơn.

*
con trắng bước đi trắng, trắng đến nỗi chỉ bóng nó mới tím hơn

*
hôm nay
tôi vẫn crucifix mỏm - AH
tôi sột soạt sóng ngắn
tôi zột zoạt mộng vắn
mộng dài
tam thiên thế giới

*
hai mắt đen ngàn lệ nhé
tôi vẫn thõng tay trong chợ bụi đông người

*
nhân loại- tôi không chơi với các anh nữa
ván nào anh cũng ăn gian

*
cứ hai người đi với nhau, tôi gọi một hàn lâm

*
sờ mà xem không khí không
có sẹo
hoạ chăng đầu vú là những cái sẹo của tình mẫu tử, và
mặt người
toàn bộ cái mặt là
sẹo ngoài của những cái sẹo
cụ thể bên trong

*
ai xuất bản nhiều đêm thế nhỉ?

*
tôi đứng tuổi mà không đứng gió

*
lo quá
phải lên Thiên Ðường
một mình
hết sức một mình

*
được ván cờ thua
thu hoạch bụi hồng

*
chỗ nào Tư Mã cũng bơ vơ
rồi một hôm, lỗ chỗ gió, buổi chiều như một chương trình đục lỗ
nhà mồ Tư Mã cư tang

*
ngán cho những ván đàn ông
không hơn những kiếp anh hùng-lom khom

*
ai người bình giá cơn mưa

*
lời nói bao giờ cũng là một hối hận

*
mưa rơi không cần phiên dịch

*
thức khuya mới biết đêm ngắn
kẻ ngỡ đêm dài là chửa thức khuya

*
thế giới
nơi con chữ lẩm bẩm
buổi chiều lẩn thẩn
nơi Tư Mã lẩm cẩm

*
làm lại thở dài
làm lại thơ ngây

*
không khóc nước này cạn lộc
khóc nước này cạn khát vọng mà thôi

*
ai chẳng có nhà nước của mình để khốn đốn với
nó.
ôi
đi đâu thoát được mùa người?

*
tôi rủ tôi đi vào cửa khó
dễ ăn, dễ ngủ
siêu lạm phát
động vật dễ dàng

*
ngày ngày nhấm nháp chân mây

*
mỗi ngày thu dọn một chân mây

*
mỗi ngày ăn vụng một mini

*
khi cây khóc hết lá
ngày khóc hết khói
tôi về

*
càng chết tôi càng bất tử
eo ôi
chết vẫn không yên

*
cô gì đêm ấy
bỏ chồng chưa?

*
thế là tôi vẫn lạc quan đen
đâu phải tôi bôi đêm đen
vào ánh sáng mọi điện đèn.

*
không khóc không cười tôi vẫn chỉ lạc quan đen

*
đen đến mức chỉ mỗi trắng mới óng ả hơn

*
đừng tha thứ cho tôi nếu một chiều nào yếu đuối
tôi tắt tôi đi trong dàn nhạc áy náy các vì sao.

*
vắng lặng tôi ra khỏi trời.
bước lặng tôi về tuổi muội.

*
gió tha người, ở các ngã ba.

*
tôi đau ở
mỗi người một vụ án
mỗi người
chôn
sống
một chân mây

tôi đau ở
tôi thồ văn tự xứ này lên.

*
tất cả diễn ra trong khói một tia nhìn.
tất cả diễn ra trong lá vắng một tia nhìn.

*
tôi đã hát những ngày mai - không hát
bây giờ tôi hát - lạc quan đen

*
mất ngủ hàng đèn
trong một thủ đô đen

ngã ba đen
ngã ba đen
sự vật không đèn

*
noel
hồ sơ đen
màng nhện bóng đèn
vẫn có nhưng mũ trùm đen đưa đám đám tang đen.

*
một đám ma đen đi mãi không tới huyệt

*
rồi ra tôi sẽ buồn như núi
lặng như ngày
đau đáu như mây

*
tuổi cuối đi về xứ cuối
có còn tia cuối nào không?

tim cuối lê về phố cuối
hay là tia khói cuối đã tan đi?

*
nghi gì
xá gì khi khói - cuối đã bay đi
mây cuối của lòng
con mắt cuối vẫn chong chong

cho tôi ngồi phố khói
ga khói của lòng, bướm khói liệng sân ga
tầu khói
chung nhau mầu tuổi khói
đâu dè mắt khói chói chiêm bao/ mây bay
chung đôi ngồi kể khói
mưa rất xưa mà thu rất xanh
mắt khói thế này - mắt khói để cho ai?

*
hoa soi, hoa sói, hoa sòi
hoa khói
ga cuối của lòng
tim cuối
hai bàn chân cuối
khóc đi thôi

*
ga cuối của lòng
chẳng nói
sợ rằng như khói
nói bay đi
sợ rằng như nói
khói bay đi
ga cuối của lòng


====


TRẦN DẦN

***


GHI 1954-1955

12-14.9.1954

===

Một vấn đề cần nghiên cứu: Quy luật của cuộc sống trong Chiến Tranh chuyển sang Hoà Bình.

Từ ngày hôm qua sang ngày hôm nay là chuyển hẳn từ hai chữ Chiến Tranh sang hai chữ Hòa Bình. Những tiếng đồng hồ này nó có một giá trị đặc biệt. Dần dần người ta mới thấy giá trị của những tiếng đồng hồ đó. Số mệnh, nhiệm vụ của hàng triệu con người thay đổi hẳn. Nhưng [...] sự thay đổi nó dần dà, góp gió góp gió mãi, tôi đợi một cơn Bão chưa lên.



Tôi đã thấy những gì? Những ngày cuối Chiến Tranh, những ngày đầu Hoà Bình tôi đã nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ đến công tác, đến đời sống của tôi. Tôi nghĩ trong chiến tranh tôi đã làm được những gì? Khó trả lời quá. Tôi đã mất những gì? Tôi đã được những gì? Sao tôi thấy những cái được ấy nó chua xót quá. Tôi được những cái mà nghĩ đến là kèm theo những suy nghĩ, những im lặng, những khó nói, nếu không phải là những mất mát, những buồn bực, chua xót và thở dài. Bài thơ tôi mới làm đây có người bảo là bi quan, có người bảo là loạn quá. Tôi được những câu thơ như vậy chăng? Xưa kia tôi là một thằng bất phương, vô chủ nghĩa. Je m'enfoutist. Vào chiến tranh có nhiều lần nhiều lúc tôi học làm một anh không bất phương nữa. Không m'enfoutist nữa. Mà cố học trách nhiệm, cân nhắc, chú ý... Tôi đã gạt bỏ những điều tôi biết, cả đúng lẫn sai. Tôi định simplifier tôi đi, giản đơn hoá. Tôi nói "Không" với dĩ vãng và "Ừ" với mọi điều người ta nói với tôi. Nhiều buổi tôi đã thành một người máy móc hẳn hoi. Và những ngày ấy tôi không sáng tác gì nữa. Tôi có một mâu thuẫn chưa giải quyết được. Là xu hướng của tôi đòi hỏi một thứ Thơ khác, nó trái ngược với sự đòi hỏi về Thơ của xung quanh, cấp trên và bạn bè.





Tôi nói về Thơ nhiều.

Vì đối với tôi, đó là vấn đề sinh tử, ước mơ và nguyện vọng, chủ nghĩa và lý tưởng, đời sống và nghệ thuật, Thơ đối với tôi có nghĩa của chữ Cách Mạng, chữ Ðấu Tranh, chữ Cuộc Ðời, chữ Giai Cấp của tôi. Cho nên Thơ tôi thế nào, làm được hay bế tắc, làm hay hay làm dở, - đó tức là trả lời những câu hỏi: tôi đã làm gì trong chiến tranh? tôi đã được và đã mất những gì?

...




16-17.9.1954

Trong chiến tranh người ta ít có thời giờ để mà ngẫm cho sâu. [...] Người ta không có thì giờ hút một điếu thuốc cho xong. Khói chưa tan, óc người ta đòi bận ngay việc khác. Thật là một cuộc sống hớt hải. Trong chiến tranh người ta như là người đi trong Bão. Như người bơi trên biển, vật cùng sóng gió. Như người xông vào đám cháy làng dập lửa. Người ta sống vội vã, người ta bắt tay nhau trên đường công tác, [...] người ta ghé vào thăm nhau giây lát, [...] người ta rất yêu nhau nhưng phải từ chối nhau cả từng phút nghỉ, mắc dầu anh cơn sốt chưa lui. Người ta nói với nhau chưa xong hết ý, thôi, cầm súng xông ra mặt trận, [...] Anh cán bộ có một lối, gọi là động viên xổi, cho những anh lính đang sạch tinh thần xách súng ra đi. Anh văn công vừa nghe "chính ủy đả thông", vừa làm một bài thơ, một câu hò, thậm chí một bài hát phổ lời chỉ thị. Chúng ta hãy cố kể lại những mẩu chuyện lạ kỳ như vậy mà xem. Trong sinh hoạt, trong công tác của chúng ta những buổi chiến tranh, có phải nó giống hệt như gió lốc trong những ngày giông tố?




Ban sớm tôi họp. Ban trưa về viết chỉ thị. Gặp anh hay gặp chị để "đả thông nhau". Ban chiều tôi họp phổ biến, chúng ta đặt kế hoạch nào. Xẩm tối tôi tự phê bình trong tổ 3. Hôm nay còn sót mấy việc. Ban đêm tôi còn họp. Trong giấc ngủ tôi xếp công việc của ngày mai. Cuối tuần tôi tự phê bình: chưa tranh thủ lắm. Tôi tự phê bình nhiều quá: Kém đi sâu! Cái lỗi đó ngàn lần tự phê, ngàn lần không sửa nổi...

Tôi viết thư cho em: anh không hẹn được trước. Gặp gỡ là cầu may.

Tôi viết thư cho bạn: tao bận quá. Nhưng cũng nhận lỗi là lười viết thư cho mày.

Tôi quên chưa nói: Làm sao tôi mất cả thói quen nhìn trời đất khi nào không biết? Chúng ta lại có lần đã đồng ý với nhau: không phong cảnh gì nữa, đấu tranh thôi, con người thôi. Thật là một chuyện tối vô lý. Cái người nhìn phong cảnh, tôi tưởng là một người có tâm hồn yêu ghét sâu xa, vậy mà có lần chúng ta đã cho họ là viển vông!

À cũng có lần tôi cố viết nhật ký, - định ý rằng để mài giũa tâm hồn. Việc đó tôi cứ quyết làm đi làm lại, nhưng mà sao quyển nhật ký của tôi nó cứ biến thành quyển sổ công tác, ghi những hội ý, kế hoạch... lúc nào không biết? Quyển sổ mới ghi lắm vấn đề vậy, công việc dự làm, công việc đã làm, công việc để nghiên cứu, và rất nhiều công việc rất cần, - ghi cẩn thận mà không làm xuể...





Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem. [...] Người ta làm việc và làm việc. Họp và họp. Ðánh và đánh. Học và học. Sinh hoạt và sinh hoạt. Kiểm điểm và kiểm điểm. Ðả thông và nghe đả thông. Tôi tính thử những cuộc họp trong 1 tuần lễ: họp tổ 3, họp cán bộ, họp tổ Ðảng, họp tiểu đội, họp toàn ban, họp đại đội. Mỗi cuộc họp kèm theo dăm bẩy cuộc hội ý. Hội ý thì nói rằng chớp nhoáng, nhưng sự thực đúng là những cuộc họp, thường thường kéo dài hàng giờ thành những cuộc họp đội lốt hội ý cho người ta đỡ ngại. Tôi tính thử, dù cứ cho là hội ý chớp nhoáng, cộng lại cũng thành một cái không chớp nhoáng. Hội ý cán bộ, hội ý đảng viên, hội ý tổ trưởng, hội ý chi ủy... Tôi không muốn tính nữa. Tôi không hiểu tôi đã làm như thế nào? Vì tính ra một tuần có 7 ngày, một ngày 24 tiếng, thì thật không đủ ngày giờ mà xếp những cuộc họp và hội ý đó vào. Chúng ta không có lạ gì nữa nếu như nhiều cán bộ của ta, nhiều anh không đủ thời gian. Và tất cả là thiếu máu. Chúng ta cũng không lạ lùng gì nếu người ta trách cán bộ mình kém sâu sắc, ít sát quần chúng, nhiều anh đã trở nên máy móc và khô khan thực sự. Vì những nết xấu đó là một lẽ tự nhiên. Cuộc đời anh chật ních những họp hành, tháng năm mòn trong những hội nghị. Tôi nói vậy không phải là phản đối họp, - tôi thấy nó rất cần. Nhưng tôi nói vậy tức là tôi phản đối chiến tranh. Và tôi cũng phản đối họp nhiều, nó có nghĩa là chúng ta bị động với chiến tranh, chúng ta không làm chủ được nó.




Một đôi khi người ta cũng dành thời giờ viết một vài bức thư cho bạn, cho vợ, cho bố mẹ. Tôi đã đọc nhiều lá thư, anh cán bộ viết cho vợ đề 1, 2, 3... vài câu cộc lốc. Người ta cũng coi thư từ như một cuộc họp vậy. [...] Tôi lại cũng đã được đọc một số ít những lá thư dài 6, 7 trang, đã ngạc nhiên sao có người lại có thì giờ viết như vậy. Tôi đọc những lá thư ấy và thấy nó giống như một bài báo rất dở, không tờ báo nào có thể dùng. Hoặc như bài diễn thuyết của một anh cán bộ rất là xoàng.

Trong chiến tranh đôi lúc người ta cũng cố giành lấy thời gian mà nhìn một vì sao, mà nghĩ tới quê hương, nghĩ tới tương lai, nghĩ tới những ngày chiến thắng về sau đây...





Nhưng mà có người gọi đi họp rồi. Kẻng báo đi tập trung sinh hoạt và học hát. Hoặc giả dụ cũng không có việc gì, nhưng cái óc người ta đã quá quen cái nếp vội vàng. Nên người ta cũng chỉ nghĩ thật là hớt hải, nông cạn và cụt lủn. "Sau này tha hồ mà sướng!", nhưng mà sướng thế nào? "Tương lai sẽ lấy vợ!" "Quê tao bây giờ tan nát cả." Nhưng mà tôi với bạn đều không kịp thấm thía cho sâu vào những chữ "tương lai" và những chữ "tan nát"... Chúng ta còn lắm việc. Tôi với bạn xoay ra bàn công tác hay đả thông nhau một vài vấn đề còn đang rớt lại.

Cho nên [...] tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét là "trong chiến tranh tình cảm con người bị mòn mỏi", hoặc "trong chiến tranh người ta cuốn nhau vào một cuộc sống sôi nổi nhưng nông cạn, một cuộc sống rộng rãi nhưng thiếu chiều sâu".

Cho nên tôi hiểu vì sao người ta ham đọc tiểu thuyết Liên Xô. Những người Liên Xô đã chiến tranh trước chúng ta, trong chiến tranh họ cũng đã sống như ta, nhưng sau chiến tranh họ đã có thì giờ mà suy nghĩ về chiến tranh, họ đã suy nghĩ tới mức tiểu thuyết. Và những tiểu thuyết đó đã giúp chúng ta chiến tranh cho sâu sắc hơn rất nhiều.




Cho nên tôi cũng hiểu vì sao chính từ ngày Hoà Bình trở đi, người ta mới vỡ ra nhiều lẽ. [...] Hết chiến tranh người ta mới bắt đầu hiểu chiến tranh. Tôi đang bắt tay vào việc tìm tòi những quy luật cuộc sống trong chiến tranh.

Cho nên tôi cũng hiểu tại sao trong chiến tranh, người viết cố tìm ra nhiều hình thức gọi là đột kích, kịp thời. Có thể nói dứt khoát rằng, chúng ta chưa có làm cái việc sáng tác (hiểu theo đúng nghĩa) trong chiến tranh. Bây giờ mới là lúc chúng ta bắt đầu sáng tác.



Người ta nói "chiến tranh rèn luyện con người". Vậy mà sao tôi nói toàn những mất mát, mòn mỏi, nông cạn, hớt hải? Tôi nghĩ rằng người ta nói vậy cũng không sai, và tôi nói vậy cũng rất đúng. [...] Hôm qua chúng ta rất rất anh hùng. Chúng ta nhịn đói. Chúng ta mặc rách. Chúng ta làm việc không cần cả những điều kiện tối thiểu của việc đó nữa. Chúng ta đã trút bỏ đi nhiều tính xấu, tính cầu an, tính ích kỷ, tính nhút nhát. Chúng ta tự dưng và có chủ ý đào luyện chúng ta thành những người can đảm, vị tha, hành động quên ḿnh. Chúng ta được một cái rất quý là chúng ta...

Nhưng mà tôi nói chúng ta mất mát và mòn mỏi. Không kể những mái nhà, sức khoẻ, tuổi trẻ và gia đình, không kể của cải và thể chất. Tôi nói đây là nói tâm hồn, nói sự suy nghĩ, tôi nói tình cảm, tôi nói đời sống tâm tưởng của từng người. Và tôi nói là mất nhiều và mòn nhiều. Những ví dụ cụ thể tôi kể trên kia là những chứng minh. Sự thực đó nói nhiều lắm, và sự thực còn gấp bội, những ví dụ tôi đưa ra còn mờ nhạt và rụt rè.



Có những ngày máy móc, nhiều anh bạn máy móc đã nói với tôi là tả "con người hành động". Cái ý đó không sai, nhưng nó sai ở cái nội dung bạn tôi gán cho chữ "hành động". Tôi nghĩ rằng tả con người chúng ta thật đúng phải là những người đại suy nghĩ mà lại đại hành động. Chúng ta hãy xem thơ văn chiến tranh của chúng ta. Chúng ta thấy chúng ta vào khói ra lửa, sinh tử không sờn, chúng ta thấy chúng ta hành động ghê gớm lắm. Nhưng có điều buồn là chúng ta không thấy chúng ta! Chúng ta không nhận những con người hành động như vậy là mình! Cái đó là văn thơ. [...]

Chiến tranh rèn luyện. Chúng ta được nhiều điều. Nhưng [...] tôi nói nó là bộ xương. Chiến tranh làm chúng ta rắn xương rắn thịt, làm cho tâm hồn chúng ta có hình cốt, có cái khung rất tốt rất bền. Nhưng bạn đừng có mắc sai lầm bảo rằng bộ xương là người, hình cốt và cái khung là tâm hồn ta rồi đó. Nói vậy là một sự dối trá, là nói theo đà một kiểu lý luận trừu tượng mà thôi, dù có hay bao nhiêu cũng vẫn là không có sự thực. [...] Tôi nghe bạn nói hay, nhưng tôi còn nghe sự thực hơn là nghe lời bạn.



[...] Cho nên bạn nói Chiến Tranh rèn luyện; - bạn cần nghĩ thêm Hoà Bình cũng rèn luyện, mà còn rèn luyện hơn là chiến tranh nữa. [...] Tôi chắc những người nào thực tế một chút đều công nhận như vậy. Bất đắc dĩ dân ta mới chiến tranh. [...] Chứ chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh để rèn luyện chúng ta cả. [...] Tôi nghĩ rằng, 9 năm nay chúng ta kiến thiết Hoà Bình nhất định hơn là 9 năm nay chúng ta cắn răng mà kháng chiến. Không phải chỉ hơn về vật chất, mà nhất định kèm theo cái hơn về vật chất đó còn cái hơn về tâm hồn. [...] Chúng ta có những nhà máy, [...] chúng ta lại có những hiệu sách đầy sách, những nhà xuất bản chạy không kịp đòi hỏi của quần chúng, những cuộc triển lãm mùa thu, những cuộc tấu nhạc, [...] chúng ta lại có những người nông dân đang học chỉ huy máy cày, nói chuyện triết lý, chuyện kỹ nghệ và đọc được những tiểu thuyết và triết học Mác... 9 năm nay đáng lẽ như vậy. [...] Tôi đặt mức con người chúng ta như vậy.

.....

10.10.1954

Bắt đầu đi [1] .

Ðại Từ. Ngủ Na Phạc.
Na Phạc. Ca Bình.

[...] Óc còn đang nghĩ về thuyết minh phim ÐBPh và nghĩ về bài thơ Chiến tranh và hoà bình. Làm thế nào trong khi sáng tác và tổng kết về những cái cũ lại phải tích lũy được cái vốn mới? Làm việc về chiến tranh phối hợp với làm việc về hoà bình?

Người sáng tác lớn lên bằng những công việc sơ kết tổng kết cá nhân. Nhưng không có tích lũy thì lấy gì sơ kết? Không nên để nó tự vào, tự ra... Phải biết rằng kim cũng chỉ là than đá kết tinh. C (...) pur, mais C simplement.

Hôm nay Ðại Tướng vào Hà Nội.

Có lễ chào cờ lịch sử.

Chính phủ sẽ vào gấp vì 17, Bác sẽ gặp Nehru ở Hà Nội.

Hà Nội. Có những công việc lạ. (Khó vì nó lạ.) Ta không thể để Hà Nội ngứa ngáy, Hà Nội đói, Hà Nội khát, Hà Nội tối, Hà Nội hôi hám một ngày một giờ nào.

Chưa mường tượng nổi cuộc sống bộ đội tương lai ở Hà Nội. Cuộc sống chung - và riêng mình trong đó? Riêng mình muốn gì? Muốn làm sao để có thể làm những việc:

* sáng tác về cái cũ, - về chiến tranh

* tích lũy về cái mới, - về công nhân xí nghiệp, - về nông dân, - về dân thành phố. Giá mà ở một cái xã ngoại ô thì thích, một xã ở gần Hà Nội.

* học tập, phải đọc một lô sách, sách mới chưa đọc và một số sách cũ cần đọc lại.

Một số những vấn đề:

* ở trại hay tìm một xó xỉnh mà sáng tác? Hay là ở cả hai?

* viết về cái cũ thì toàn những dự định lâu cả, - vài năm - Vậy thời gian đó làm gì?

* con đường nghệ thuật của mình? Mình muốn viết nhiều về bộ đội và công nhân hơn là muốn viết về nông dân. Lại muốn viết về người dân thanh niên lớp mới hơn là lớp cũ. [...]

* đề nghị một chính sách kiểm duyệt và giúp đỡ cụ thể.

* sơ kết quan niệm về Thơ; tiểu thuyết; lãnh đạo sáng tác; chính sách sáng tác; tự do sáng tác; tự do đề tài; tự do xuất bản; sinh hoạt; vấn đề artist indépendant. Cá nhân người viết và yêu cầu chung. Vấn đề đề tài và nhân vật công nông binh. Vấn đề sáng tác: Người và tác phẩm. Xuất phát từ đâu? Sự thực chung và sự thực người viết? Người-Việt-Nam và người-bệnh [2] . Tiếng nói của người viết, tiếng nói của tự do, tình yêu, ước mơ nhân loại.

* xét lại vấn đề: con người mới với những tình cảm hỷ nộ ai lạc ái ố dục, có những thay đổi gì? Có mất đi và được thêm những gì? Có chủ nghĩa lạc quan cách mạng, nhưng có chủ nghĩa bi quan cách mạng không? Có cái hằn học và chua chát cộng sản không? Vấn đề điển hình: nhân vật điển hình trong những trường hợp điển hình. Thế nào là trường hợp điển hình? Tả con người trong những trường hợp công tác, chiến đấu và lao động có phải là trường hợp điển hình không? Một tác phẩm nếu toàn nhặt tiêu cực có được không? Ðiển hình khác phổ biến, trung bình và hãn hữu thế nào? Thế nào là tác phẩm giầu tính đấu tranh? Tác phẩm một bề diện và nhiều bề diện?


Vấn đề gì là vấn đề frapper mille coeurs? Có vấn đề chỉ frapper tác giả không có thể trở thành vấn đề frapper mille coeurs không?





20.12.1954

Về Hà Nội được đúng 10 ngày.

Hà Nội ít thay đổi. Gặp bố. Anh Ðường. Cháu Hà. Anh Lan. Gặp bạn. Trần mai Châu. Một số người không gặp.

H. Câu chuyện cũ quá rồi. Ðó là một cái hối tiếc của tuổi trẻ. Tôi muốn gặp H., hoặc bằng cách nào biết H. bây giờ sống thế nào. Tôi có lỗi gì trong cuộc sống H. ngày nay không? Tôi không dễ quên tuổi 19. Những trận gió rít gào từ ngày ấy còn thổi đến bây giờ, qua 10 năm.

Cơ quan văn nghệ chưa có gì thay đổi. Vẫn những tư tưởng: "coi rẻ lao động nghệ thuật", "đơn giản coi văn nghệ bộ đội là bộ đội", "không tin văn nghệ". Vẫn những chính sách gò bó, mệnh lệnh và máy móc "quân sự hoá văn nghệ". Ðời tôi chìm chết trong chính sách này, cũng như những anh em khác.

Khó lắm.

Nhưng tôi nghe nhiều tiếng cất lên. Phản đối. Bàn cãi. Miả mai. Và cả chửi bới. Cái đó có nghĩa là tiếng trống báo tử của những tư tưởng và chính sách áp chế văn nghệ bộ đội.

Những ngày gần đây sao mà tôi buồn.

Buốt óc lắm.

Và bực tức.

Cơ quan và chính sách. Hội Văn Nghệ đánh mất bản thảo Người người lớp lớp (phần 4 và 5).
Món nợ chính phủ, những kỷ niệm ngày bé, chua chát và mãnh liệt, những uất ức của 9 năm chiến tranh. Thơ tôi người ta không chê nhưng cũng không sốt sắng in. Những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó: tích lũy cuộc sống mới thì phải được tự do, vân vân...

Tôi bị bao vây.

Chặt quá. Ép quá.

Như một chân lý bị vùi dập trong những núi bụi định kiến. Khó bao nhiêu cho một chân lý được nảy nở dưới mặt trời. Ðó là: chuyện của hàng năm. Có những khi: hàng thế kỷ.

Tôi muốn gạt những núi định kiến mà ngoi lên thở. Sự sống, lý tưởng và chân lý đòi tôi như vậy.

Nhưng sao mà buồn thế? Khổ thế? Nhiều lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời rồi. Tay buông xuôi. Chân duỗi thẳng. Tôi buồn như người đã chết.

Không phải là vì không có bạn: Ðông, Tây, các bạn cũng như tôi, chung nhau ý kiến lớn và nhỏ. Chung nhau hăm hở. Và chung nhau buồn bực, duỗi tay. Có phải đó là sự thực của tâm trạng đấu tranh?

Tôi muốn những gì?

* một chính sách văn nghệ mở rộng ra, cho nó đúng đắn

* một cuộc sống sáng tạo. Cái cũ thì trút ra. Cái mới thì tích lũy vào, để rồi tùy mức mà trút ra. Hai việc song song tiến hành.

* rèn luyện các ngón nghệ thuật. Thơ là thích nhất. Tiểu thuyết. Truyện. Bút ký.

* đọc. Tiểu thuyết. Lý luận văn nghệ. Triết học. Kinh tế. Dốt quá. Dốt quá. Nghệ thuật là một phương pháp nhận thức và thể hiện cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn nhất. Nghệ sĩ là một người đại trí thức.


Ai giải quyết cho tôi?

Tôi không tin những ông Khương, ông Cương, ông gì gì nữa. Tôi không tin.

Tôi chỉ tin ở tôi, ở anh em văn nghệ. Nếu mà uốn thẳng lưng ra thì ta với được trời xanh. Cứ cúi mãi, mũi chấm đất đen làm gì?

...




16.1.1955

Cả ngày nghe anh T.H. [3] báo cáo hội nghị văn công khai thác vốn cũ. Bản báo cáo sao mà nó lõm bõm. Chỗ lý luận thì không cất lên được thành lý luận xác đáng. Chỗ thực tế thì không xoáy sâu được vào thực tế. Anh T.H. có một sự cố gắng nhiều. Giống như thơ của anh. Raté!

Tối xem phim Lương Sơn Bá-Chúc Anh Ðài. Xem lại.

Ðến quãng hai người gặp nhau, ông bố đi ra. Tôi rùng mình. Trong người gió nó rít. Những cơn gió ảo não. Tôi chạy ra ngoài nhà hát lớn. Ði thẳng. Phố vắng tanh. Trời rét. Một vài ánh đèn ngả trên đường nhựa. Sao mà buồn vậy.

Cuộc đấu tranh xây dựng chính sách và tổ chức trong văn nghệ quân đội còn đang tiếp diễn. Tôi xem ra nhiều anh em đấu tranh mà ít tin tưởng. Tôi cũng ít tin ở trên. Còn lâu lắm. Lâu lắm người ta mới hiểu được rằng việc nghệ thuật cần một sự lãnh đạo, một chính sách hết sức rộng rãi, tự do. Tâm trạng tôi thời kỳ này lẫn lộn những cái nản, chán như vậy. Tôi không coi là khuyết điểm. Trên như thế mà bảo tin hay sao?

Buồn lắm.

Vào một quán cà phê. Không uống cà phê. Uống sữa. "Lấy sức" mà.

Muốn có một sự gặp gỡ bất ngờ. Một người quen nào đó. Cho nó dễ chịu. Những lúc này nghĩ đến sáng tác cũng thấy ảm đạm. Chẳng nhẽ những cái khó chịu, trái ngược đã đầu độc tôi nặng lắm à? Chẳng nhẽ tôi rơi xuống thảm thương? Rơi xuống địa vị tầm thường của người-không-sáng-tạo?

Gió còn rít trong người, ảm đạm tận khuya.

Ở nhà, một vài câu chuyện, bọn Huy Du, TBHùng, Doãn Chung, về vấn đề lấy vợ. Những câu chuyện không có kết luận. Vấn đề vợ con là một chuyện bất ngờ. Nhất là với cái anh làm văn nghệ. Tôi tìm một việc làm: tính nhuận bút cho một số tác phẩm... Hết việc lại buồn. Tôi muốn cho tôi đi hết vài cỡ của từng tình cảm một, rồi tự nhiên sẽ chuyển sang tình cảm khác.

Tôi vẫn muốn lãnh đạo tình cảm tôi theo kiểu ấy. Buồn cho hết cỡ của nó đi. Sẽ hết buồn.
Tôi nhắm mắt, cố ngủ, gió còn đổ từng hồi trên cuộc đời tôi.






20.1.1955

Những ngày cuối năm.

Tết năm nay ở Hà Nội. Ít cành đào quá. Hoa thủy tiên cũng hiếm. Hàng sách chưa thấy những bìa xanh đỏ. Phố Hàng Mã có ít hoa giấy. 10 giờ phố xá đã đóng im ỉm. Vắng tanh vắng lạnh. Những dãy phố Bà Ðanh này phản ảnh tình hình chính trị kinh tế bây giờ. Còn thiết quân luật. Những ngày đầu tiên của Hoà Bình gặp nhiều khó khăn. Nạn đói khu 4. Nạn di cư miền công giáo. Khu 4, vụ ba làng nổi loạn. Hải Phòng phá giá đồng bạc. Các ổ Mỹ, Ngô đình Diệm phá hoại Hoà Bình, kều người đi Nam. Ðô la Mỹ vẫn làm người ta tối mắt. Chính nghĩa thì nghèo. Kinh tế ta vừa thoát khỏi nanh vuốt Mỹ Pháp, còn non yếu, như đứa bé sơ sinh đỏ hon hỏn. Cán bộ máy móc. Vụ thuế công thương gây một panique lớn. Các rạp hát ế khách. Các hiệu ăn chuyển sang "phở" nhiều. Giá hàng đắt lên. Tiền Ðông Dương ăn hơn 70 rồi. Nhiều người thất nghiệp. 6 vạn công nhân. 3 vạn cán bộ miền Nam. 30 vạn đồng bào miền Nam phải xếp việc. Trí thức không có việc. Nghệ sĩ chưa tìm được cách sống cho bằng trước. Trường tư sụt đi nhiều. Báo chí bán rẻ, ế. Khả năng mua sách của Hà Nội sụt đi. Hiệu cúp tóc vắng. Cyclo bí, cơ quan cán bộ không đi. Lạp sường lồ mát phàn một đêm khéo lắm bán được cho 2 người!

Ðúng vậy. Kẻ tà có đô la. Chính nghĩa không có tiền. Tùy từng người chọn đường.


10.3.1955

Phòng Văn Nghệ [4] .

Ðộ này tôi ít ở với nó.

Chính sách tính lại thử xem có những gì?- Vài cái bàn. Vài cái đèn điện lạnh và vàng. Thêm một bàn hành chính. Tờ báo ra nhưng khổ và tên SHVN [5] cũ. Người ta sợ khổ đổi là chiến đấu tính của nó đổi đi.

Có vậy thôi.

Tôi không nói ngoa.

Người ta quan niệm chính sách là như vậy. Ðấy. Cái thông minh của người lãnh đạo tới năm 1955 tới cái mức ấy. Vậy là quá đáng lắm rồi. Còn đòi hỏi cái gì? Văn nghệ được thế là "chiếu cố", là "châm chước" tột độ rồi. Ðáng lẽ chúng mày không có bàn, có điện, có báo nữa. Ðáng lẽ chúng mày không được thức khuya hơn 9 giờ. Không được ra ngoài trại. Ðằng này còn cho đi lại một chút. Vậy là rộng rãi lắm rồi còn gì!

Nhưng tôi nghĩ, những ông Cương ông Thanh gì đó không đáng trách. Họ nghĩ tới mức ấy là quá thông minh rồi. Không nên đòi hỏi nhiều. Ðáng trách là cả một cái HỆ THỐNG! Nó nặng như núi. Nó ở trên có, ở dưới có. Ở ngang có. Ðằng trước, đằng sau đều có nó. Hệ thống gì? Ðó là hổn lốn: sợ hãi cúi đầu, làm thân con sên, con tầm gửi, - hò hét mệnh lệnh, làm ông sấm ông sét. Ðảng ở đâu? Thương ơi! Ðảng chưa ở chúng mình, ở từng người một. Ở những người nào có lao động. Có đấu tranh thực. Có rỏ máu trên một vần thơ, một nét bút. Ðảng chưa ở đó bốc ra. Vì vậy bóng tối phản động vây hãm tất cả. Ðặc xịt. Ðen ngòm.

Chỉ khi nào Ðảng ở từng người, từng cánh tay mình, thì mới tan được "hệ thống".


Tôi nghĩ và tôi làm: Ðảng ở tôi. Tôi phá Hệ Thống. Làm sao tới Hội Nghị Văn Thơ tôi phải làm được một số việc: vượt khỏi các ước lệ, điều lệnh, thành kiến mà làm bằng được. Nếu như vậy mà mang tiếng anarchiste thì anarchiste còn hơn. Không làm được việc gì chỉ được tiếng "thuần".

Ðộ này đang có hai chiến trường khá sôi sục:

1) Vượt Côn Ðảo [6]

2) Thơ Tố Hữu [7]

Tôi thích những cuộc tranh luận này. Không phải vì bản thân những quyển sách và những tác giả ấy. Mà vì ý nghĩa nó rộng ra nhiều mặt khác. Phát huy phê bình tự do. Nâng nhau lên, làm cho Ðảng vào từng người một. Giương cao:

- lá cờ hiện thực

- giá trị con người

Người nào tích cực đấu tranh trong những vụ này sẽ lớn lên hàng mấy đầu. Nghệ thuật với cuộc sống gắn nhau như vậy.





8.3.1955

Có những kẻ tourner. Một độ họ cố "làm ra tiến bộ", làm ra đấu tranh. Làm ra không công thức. Nhưng rồi cuộc sống lại trả họ về với nguyên hình: loài bò sát, -(...), - và làm giấy bạc giả.

Tại sao bọn giả mạo được tin hơn người thực thà? Tại sao loài bò sát lại được dùng nhiều? Tại sao chúng có mặt ở cái thời đại này? Ở trong Ðảng? Ở cách mạng? - Lạ lùng nhất là tại sao không vạch mặt chúng ra?

Văn thơ tôi sẽ balayer bọn ấy. Quét! Quét!

Bây giờ tôi chỉ còn một nguyên tắc lớn thôi. Là: làm thế nào bằng cuộc sống, bằng lời nói việc làm, bằng văn thơ quét cái bọn ấy đi. Tất cả những cái gì, nguyên tắc gì trở ngại cho nguyên tắc lớn của tôi là xoá hết! Mặc! Tôi chỉ còn một nguyên tắc mà thôi! Sống và viết để mà đánh bọn giả mạo, bọn ì ạch, bọn mốc xì, bọn người-bệnh, bọn người-dòi, bọn người-ù. Anarchiste?

Nếu vậy gọi là anarchiste thì tôi rất muốn là anarchiste. Cám ơn quần chúng đã tạo cho tôi thành anarchiste như vậy! Và quần chúng cũng có thể cám ơn tôi ít nhiều! Thực đó chứ lị.
Tất cả những nguyên tắc nhỏ nào cản trở tôi thực hiện nguyên tắc lớn là đạp hết! Chỉ hơn nhau và kém nhau ở chỗ ấy thôi. Tôi chỉ có khả năng làm người kiểu ấy. Tôi không có khả năng công chức, khả năng người-ụ. Khả năng tôi là khả năng người-phá.

Giản dị vậy thôi.

Tôi cứ thế mà tiến. Lù lù như quả đất... Nó vẫn quay quay lớn mạnh trong Vũ Trụ, Thời Gian... Ðúng... Tôi là quả đất. Không cho chúng nó ở nhờ. Chúng nó iả bậy, thối quá.





22.3.1955

Quốc Hội họp.

Nhân dân mong chờ nhiều về vấn đề kinh tế.

Ủy ban hành chính Hà Nội cũng họp: làm cho Hà Nội từ thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất.

Hôm nọ có bà bảo tháng 10 thì vui thế. Ngày 10.10 là ngày tiếp quản Hà Nội. Một phút mà cách nhau hai chế độ mấy trăm năm. Ngày ấy người ta say mê, đầy tương lai trong người... Có cán bộ hay nhắc lại những ngày đó. Cho là dân chóng quên. Không thấy hạnh phúc của mình. Hoài Thanh diễn thuyết ở Ðảng Xã Hội cũng nói vậy. Chúng ta chóng quên. Quên mất hạnh phúc lớn của mình. Tôi cũng đồng ý là nên nói vậy. Với điều kiện là phải nghĩ rằng: chúng ta không thể ăn được bằng dư vị bữa tiệc tháng 10 ấy. Tháng 10 là bữa tiệc lớn cho nhân dân thủ đô. Nhưng bây giờ là tháng 3.1955. Người ta phải ăn bằng những bữa cơm hàng ngày... Không thể ăn bằng ký ức một bữa tiệc từ năm ngoái được.

Người đi làm cách mạng mà cứ giải quyết bằng hồi ký cả thì thật là nguy cho quần chúng. Cũng nguy như chỉ giải quyết bằng viễn vọng tương lai.

Nói vậy không phải tán thành chủ nghĩa sống thiển cận. Hiện tại chủ nghĩa. Mà là nhấn rất mạnh vào hiện tại. Bây giờ. Trước mắt. Ðó là cứ điểm của mọi nỗ lực, mọi người, và lãnh đạo.


===




[1]Trần Dần được cử đi Trung Quốc viết truyện phim Điện Biên Phủ, cùng đi có Đỗ Nhuận.
[2]"Người-bệnh": khái niệm do Trần Dần tạo riêng, hàm ý phê phán (cũng như "người-dòi", "người-bệnh", "người-ù"...), không đồng nhất với nghĩa "người ốm" thông thường
[3]T.H.: Có lẽ là Tố Hữu
[4]Phòng Văn Nghệ: Gọi tắt Phòng Văn Nghệ Quân Đội thuộc Tổng Cục Chính Trị. Từ 1951 đến 1957 Trần Dần thuộc biên chế cơ quan quân đội này trước khi chuyển ngành (giải ngũ) sang Ban Nghiên Cứu Sáng Tác thuộc Hội Nhà Văn
[5]Có lẽ là tạp chí Sinh Hoạt Văn Nghệ của Phòng VNQĐ
[6]Tiểu thuyết của Phùng Quán
[7]Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Nguồn: Trích: Trần Dần, Ghi 1954-1960, Văn Nghệ phát hành, 2001

==



Bản Tuyên Ngôn Tượng Trưng


Dạ Ðài (1946)

Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Ðịch
Chúng tôi -một đoàn thất thổ- đã đầu thai nhằm lúc sao mơ. Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thuở trước. Sụp đổ: lâu đài phong nguyệt; và mai một: ý tứ những thi nhân mò ánh trăng mà thác. Chúng tôi không còn khóc, không còn muốn khóc - vì người ta đã khóc mãi ái tình, công danh và thế sư Chúng tôi không còn nhìn mây, không còn muốn nhìn mây - vì người ta đã nhìn mãi mây chi ều cùng nắng sớm.



Chúng tôi đã gào thét những đêm thâu, đã rên la những ngày dài dằng dặc. Chúng tôi đã nhìn lên Tinh Ðẩu và đã nhìn xuống Thế Nhân. Chúng tôi đã về giữa non sâu để trở lại những bình nguyên hoang lạnh. Chúng tôi đã sống, sống hết cả những hình thức dương trần, đã đau khổ hết cả những mối sầu vui nhân loại. Cho nên lúc chúng tôi nhìn lại tâm tư lại là lúc chúng tôi nhìn về muôn trùng biển la Từng thớ tim đã kết hình thạch nhũ và toàn thân đã biến đổi chất mầu. Ðã lâu chúng tôi không còn rung động với trần tâm; đã lâu chúng tôi chẳng còn biết thương yêu mừng giận. Vả lại, làm sao người ta cứ lặn lội mãi trong mối thất tình eo hẹp? Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo những con đường rung động củ Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều, và thu hẹp tâm tư ở bẩy dây tình cảm! Chúng ta còn có nghèo nàn thế nữa đâu? Chúng ta đã mang nặng: những thế hệ tàn vong -những triều đình đổ nát -trăm nghìn lớp phế hưng. Chúng ta đã thâm cảm: những trời sao vằng vặc -những sự vật điêu tàn -sự mòn mỏi của ngày đêm liên tục.



Biết bao chuyện tang điền đã xáo động tấm hình hài nhân thế! Biết bao nhiêu thế kỷ đã trầm tư! Biết bao nhiêu núi lở non tàn đã bắt buộc chúng ta phải sầu thương, chúng ta đã phải trở lại chúng ta mà tư tưởng! Chúng ta suy nghĩ nhiều rồi, chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều rồi ở một Con-đường-tuyệt-vọng. Bởi vậy chúng ta chẳng còn là cái chúng ta quá vãng đơn sơ thuần phác nữa: chúng ta đã góp gom hình ảnh tinh cầu và lòng chúng ta đã đầy lên châu ngọc. Thế cho nên chúng tôi -thi sĩ tượng trưng- chúng tôi có nói cũng chỉ là nói cái tâm trạng của thời nhân, của những thời nhân đã có ngày cô độc. Chúng tôi sẽ nối lại: nghiệp dĩ của một Baudelaire - tâm sự của một Nguyễn Du - sự nổi loạn và ra đi của một Rimbaud - nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn. Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên: quỹ đạo của trăng sao - đường về trên cõi chết. Chúng tôi đã sống, lấn cả sang bờ bến u huyền, cho nên buổi chúng tôi quay về th ế tục, chúng tôi nhìn hoa lá với những cặp mắt mờ hoen. Nhỡn tiền bỗng thấy đổi thay tất cả những hình sông vóc núi. Chúng tôi lạ: lạ từng đám mây bay, từng bóng người qua lại. Chúng tôi lạ từ sắc nắng bình minh đến mầu chiều vàng vọt. Chúng tôi lạ, lạ tất cạ Và chúng tôi đã thấy những cái người ta chẳng thấy. Chúng tôi đã thấy muôn nghìn thực tại ẩn sau cái thực tại cảm thâu bằng những năng khiếu nông gần. Chúng tôi đã thấy: thế giới bên kia, những thế giới bên kia lẩn ngay trong đám bụi dương trần một giây phút có thể bừng lên như Thực Cảnh. Vả cái sức rung động của một bài thơ chỉ có thể vào sâu và lan rộng nếu đã thâu góp được cái sức rung động của vô biên, nghĩa là của muôn nghìn cõi đất. Chúng ta đã chán ngắt cái thi ca nông hẹp, nhai đi nhắc lại những phong cảnh trần gian, những tâm tình thế tục. Chúng ta đã tự nhiên trở nên khó tính: chúng ta muốn vào sâu ngoại vật, nội tâm và muốn đi xa thiên đường, địa ngục. Hãy để cho tiền nhân những cảm giác đơn nghèo. Ðể cho bọn đề nho cái công việc ẩn giấu nỗi lòng nhạt nhẽo của họ trong n ỗi lòng chung thiên hạ hay trong gió nước, cỏ cây. Ðể cho bọn đàn bà con trẻ cái công việc than khóc thảm thương trên một kỳ hoa tạ, trên một giấc mộng dở dang. Ðể cho những thế hệ đã nằm yên cái tôi nông cạn ấy.
Chúng ta muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Ðã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tôi thầm kín. Thế cho nên, chúng tôi -thi sĩ tượng trưng- chúng tôi cố đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ ở trong lòng nhân loại. Chúng tôi cố thực hiện một cuộc trở v ề, chúng tôi cố trở lại cái chúng tôi với tấm lòng khi đất trời khai lập. Người ta đã tìm mãi Ðạo Lý ở đường lên: ghìm giữ bản năng kham khổ - nhục hình. Chúng ta sẽ tìm Ðạo Lý ở con đường xuống: thả lỏng thiên năng đam mê và khoái lạc. Những triết nhân đã chẳng kêu gọi sự quay lại đó ư? Và những phong trào xã hội? Chúng ta chẳng nhận thấy rằng người ta đương gắng sức trả lại con người cái trinh bạch đầu tiên, trả lại con người cỏ cây huyền mặc, sông núi hoang sơ? Chúng ta hãy trở về cái bản năng mà thế tình che đậy. Hãy mơ những giâc mơ cầm thụ Hãy gợi lên những cõi sống âm thầm. Hãy đánh thức hư không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rơ Vì thế, thơ cũng phải âm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng. Không thể rung cảm chúng ta nữa cái văn chương cổ tích chỉ có một chiều, chỉ nhắc gợi một cõi đất, một tâm tình. Thơ phải cấu tạo bằng tinh chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy. Nhưng thi cảm phải gây trong thực tại. Những câu chuyện hoang đường, hãy dành lại cho những đàn em bé nhọ Bọn lãng mạn, sau khi chùi xong nước mắt lại lảm nhảm nói đến chuyện những nàng tiên. Chúng ta hãy cứ mặc họ khóc than trên tính tình của ho Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đương kể những câu chuyện cổ tích cho những người đứng tuổi nghe. Phải gây nên cả hai không khí hoang đường và hiện thực. Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã có, nhưng phải mang ở trạng thái tiềm tàng những cái gì có th ể có và cả những cái gì không có nữa. Một ánh sao băng: nhưng đấy là muôn nghìn sự vật lìa tan ở những khu trời xa la Phải xáo trộn cả thực hư. Ðã có: Vạn Lý Trường Thành, A Phòng Cung, Kim Tự Tháp. Có thể và không có: thuyền bến Thanh Tuyề n, đèn nơi Thiên Cảnh. Hãy nằm dưới một trời sao mà trông về thế tục. Hãy ca lên trong kẽ núi và hát giữa bình sa. Chúng ta cũng không thể tách lập được hẳn thực hư, và chia đôi địa trấn bằng một bờ sao rõ rệt. Cõi mộng và cõi đời đã thâm nhập vào nhiều nơi, và ở nhiều nơi đã thấm trộn cùng nhau trong một cuộc giao hòa bí mật. Có ở cõi đất chúng ta không: những đướng lối cố đô, những vì sao huyền ảo! Nhiệm vụ thi ca là phải khai thông con đường giao cảm ấy. Một đầu phố cô đơn, một con đường thăm thẳm: tất cả những phong cảnh trần gian sẽ phải hư lên vì sự thực. Làm sao mà giải quyết được sự mâu thuẫn phi thường đỏ Chúng ta chỉ có một con đường đi để thoát khỏi mê độ Chúng ta chỉ có thể dung hợp được thực và hư bằng hình tượng.


Phải lập lại ngôn ngữ trần gian, phải gột bỏ cho mỗi chữ cái tâm tình dung tục cụ Một câu thơ sẽ có một ý nghĩa -cái ý nghĩa rất thường- nhưng sẽ mang nặng biết bao nhiêu ý nghĩa âm u và khác la Mỗi một thế giới sẽ nằm trong một tầng lớp của tượng hình: tất cả trần gian sẽ đổi thay trên bề mặt, những cảnh giới hoang vu sẽ nằm giấu bên trong. Thực tại và u huyền đã gặp nhau và chỉ gặp nhau ở thể hình duy nhất đọ Chúng ta đã cứu vãn được: cõi đất chúng ta, cứu vãn được: những cõi đất ngoài kia, và cứu vãn được bằng sức gợi cảm âm thầm hình tượng. Vả những hình tượng còn tạo tác được những âm thanh huyền diệu nữa. Âm nhạc trong thơ không phải chỉ kết hợp hoàn toàn bởi những cú điệu số học, những luật lệ trắc bằng. Biết bao nhiêu câu thơ niêm luật rất chỉnh tề mà vẫn tắt ngấm ở mang tai sau khi chữ cuối cùng vừa đọc hết. Chỉ một sự nhận thức đó cũng đủ tỏ chứng rằng âm nhạc của một bài thơ phần lớn là do ở sức rung động Tâm Lý của bài thơ ấy. Nói đến âm nhạc trong thơ là phải nói đến sức gợi khêu của chự Vì những hình tượng mang nặng những ý tình nên âm nhạc gây nên cũng mang đầy âm sắc. Câu thơ đọc xong sẽ còn đi mãi trong từng ngõ vắng linh hồn và sẽ tắt nghỉ ở tận đáy sâu Tiềm Thức. Thế cho nên chúng tôi -thi sĩ tượng trưng- chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa. Bằng hình tượng, chúng tôi sẽ kể lại những câu chuyện xưa người ta kể cho chúng tôi nghe dưới ngọn đèn.
Chúng tôi sẽ tìm hiểu linh hồn của những ca dao, tục ngự Chúng tôi sẽ tượng trưng hóa cái sức rung động của trẻ em trước một chuyện cổ tích hoang đường và cái sức rung động của gã nông phu trước những bản đồng dao thuần phác. Cảm thâu những bài thơ siêu thực, chúng ta không được dùng lý trí, không được dùng cảm tình, nghĩa là không được chỉ dùng có một quan năng tách bạch của chúng ta -dù là quan năng nào đi nữa. Hãy đem tất cả linh hồn, hãy mở tất cả cửa ngách của tâm tư mà lý hội. Trận gió sẽ lên: tức khắc và đột nhiên, vì thơ đã không cần lý luận. Thói xấu của phần đông những người đọc thơ là tìm nghĩa trước khi tìm cảm giác. Họ đã tự tay đóng cửa lâu đài; đêm có xuống họ lại chạnh than và kêu gọi. Ðến cái hình thức cao nhất, thơ không còn lý luận, và cũng không còn phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt. Chỉ cần có những phút mà Im Lặng rung lên. Vì trong im lặng có tất cả: những thành quách đang xây, những tinh cầu đang đổ vợ Thơ chỉ cần bắt được cái âm điệu khởi hành của một bài ca nào huyền mặc. Rồi cứ theo những định luật dan díu dị kỳ, những hình ảnh sẽ đua nhau đẩy xô trong một bản khiêu vũ mơ hồ cho hết lúc sẽ cùng nhau tắt thợ Và kẻ tiếp nhận thơ sực tỉnh, có nhớ lại cũng chỉ còn nhớ là mình đã tỉnh một cơn mê. Vì hai bến bờ im lặng đã giao nhau và quãng thời gian xao động không còn di rớt lại một khe hở tâm tư, những giây phút đã vỡ ra không còn một minh xác. Chúng tôi đã không cần tới thi đề, vì thi đề của chúng tôi là tất cả một vũ trụ muôn chiều, và thi liệu của chúng tôi là tất cả mớ ngôn từ rộng rãi.

Ði giữa bờ bến U Huyền và Hiện Thực, chúng tôi sẽ nói thay cho tiếng nói những loài ma. Chúng tôi sẽ khóc lên cho những nỗi oán hờn chưa giải. Chúng tôi sẽ bắt hiện lên những đường lối u minh. Chúng tôi sẽ kể lại những cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật. Có thể đem lại cho chúng ta một chút niềm quên? Vì chúng ta muốn quên và cần quên để sống. Thi ca thuở trước, thứ thi ca dựng xây trong cái quan niệm tính cổ truyền đã mất hẳn cái thế lực đó rồi. Chúng ta chỉ còn thấy nghèo nàn, vụn vặt, đắp lên trên cái trật tự đơn thuần, cái lý trị Biết bao nhiêu thế kỷ người ta đã bắt thi nhân cùng sự vật phải đứng yên ở một điểm không gian bằng phẳng và trong một giây phút đọng ngưng. Người ta đã chẳng biết rằng một hình ảnh tĩnh chỉ làm cho chúng ta nhớ thương và hối tiếc.


Một chiếc ảnh của người con gái khi xưa gợi lại một quãng đời hấp hối. Một người sẽ khóc mãi đợi người đi, khóc mãi cái sự chẳng đổi thay của góc vườn ụ đất. Và ở hình thức cao đẹp nhất của nó, một hình ảnh im lìm chỉ làm cho chúng ta run sợ và run sợ với một cảm giác nông nghèo. Chúng ta hoảng hốt giữa non sâu, những luồng rung động đã hun hút đi qua như đi qua một khe cửa hổng. Trạng thái còn đây chỉ là một trạng thái phẳng bằng, một trạng thái vô cùng đơn sơ và nhạt nhẽo. Vì thế, cái thi ca cổ rích, cái thi ca tĩnh của tiền nhân ngâm vịnh, của bọn lãng mạn khóc bạn chẳng làm chúng ta quên, vì chẳng có thể đẩy đưa chúng ta theo những nhịp điệu bồng bênh của bản thanh âm hoàn vụ Thế cho nên chúng tôi -thi sĩ tượng trưng- chúng tôi sẽ đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi, một chế độ phải tàn vong và một bài thơ phải vô cùng linh động. Chúng ta có thể quên được chăng: cái xã hội âu sầu với một mớ dây ràng buộc?


Chúng ta có thể quên được chăng trong cái sự nối tiếp u huyền của những thanh âm, mầu sắc? Hãy đưa chúng ta đi. Ðưa chúng ta ngược về dĩ vãng, qua bờ tương lai, đưa chúng ta đi cho hết cõi dương trần, đi cho hết những trời xa đất la Ðể chúng ta sống muôn ngàn cõi sống. Ðể chúng ta có hàng triệu năm già và vô vàn ký ức: ký ức của những dân tộc đã tàn vong, ký ức của những cõi đời xa thẳm, ký ức của những thế kỷ đã lùi xa. Ðể cho muôn ngàn ký ức chất chồng lên ký ức chúng ta, cái ký ức bi thương, cái ký ức đơn nghèo đã lượm thâu bằng những giác quan trần tục.

Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Ðịch (1946)


==
Trần Dần Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu Tôi muốn nói tới cách nhìn của nhà thơ Tố Hữu (trong tập Việt Bắc) đối với cuộc đời, đối với sự thực. Ðiểm thứ nhất: thơ Tố Hữu không có cách nhìn mới nào rõ rệt. Cách nhìn của Tố Hữu không có gì là đặc sắc cả. Người ta hay nói tới cá tính của một nhà thơ. Ðó là một điều rất hệ trọng. Vì rằng cá tính của nhà thơ rõ rệt hay mờ nhạt, đặc sắc hay tầm thường là nó chứng tỏ nhà thơ đó sống và viết có ý thức sâu sắc hay nông cạn về vị trí của mình, của nghề nghiệp mình trong mối liên quan chung xã hội. Nói cách khác, cá tính biểu hiện trình độ thức nhận của thi sĩ đối với cuộc sống. Người ta có thể nhận ra câu thơ này câu thơ khác là của Huy Cận, là giọng Hoàng Cầm hoặc giọng Xuân Diệu... Vẫn biết rằng còn phải xem cá tính ấy thế nào, nhưng ít nhất nhà thơ phải tới mức có cá tính. Ðằng này, người ta khó có thể nhận ra câu thơ nào gọi được là giọng Tố Hữu. Cá tính nhà thơ mờ nhạt quá. Tố Hữu có một số câu người đọc nhớ, những câu thơ hay ấy có thể ký Nguyễn Du, Tản Ðà, hay một loại ca dao nào đó. Ðây không phải là chuyện "dựa vào vốn cổ" - mà là một lối dựa kém phát triển, chưa tới mức dựa mà thoát ly khỏi nó, sáng tạo thành một cái mới hẳn hoi (như bài Voi ơi voi ơi thật là một kiểu bắt chước nhạt nhẽo). Những câu hay nhất của Tố Hữu mang cái không khí thơ xa. Tố Hữu nhìn cuộc sống mới, con mắt chưa xuyên qua được cái màng cổ cũ. Lê Ðạt nhận xét cô đúc rằng Tố Hữu nói tới những chuyện mới mà không hiện tại là như vậy. Tôi đồng ý với Lê Ðạt: Tố Hữu hay đẩy lùi hình ảnh mới vào quá khứ. "Trung ương, chính phủ luận bàn việc công ...", cái khí phách hội họp của trung ương, chính phủ không giống thế. Ðiều này làm ta suy nghĩ nhiều về phát triển vốn cũ. Nếu không tả được đúng dân tộc ta hôm nay, - nó vừa rất mới lại vừa rất kế thừa cái cũ -, thì không thể nói dân tộc tính được. Còn nói chung, thơ Tố Hữu rất nhiều cái lười biếng. Ý, lời tầm thường. Tầm thường chứ không phải giản dị phong phú. Như là lời thì rất nhiều cái kiểu: "lòng ta xao xuyến, rung rinh", - "chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt, hai là tù binh", - hoặc "đời vẫn ca vang núi đèo", hoặc "cụ Hồ sáng soi". Không phải là thiên lệch trích ra một số câu như vậy, hãy thử đọc lại tập Việt Bắc, ta thấy nhan nhản những lối lười, nhạt, cả lảm nhảm nữa. Cũng như lời, ý thơ Tố Hữu không đặc sắc. Tố Hữu nhìn vấn đề gì, chỉ thấy những công thức bề mặt của vấn đề ấy. Phá đường thì: Nhà neo việc bận vẫn đi - làm thì thi đua -, thi đua kết quả thì rồi mai địch chết. Ta đi tới: đủ cả Bắc Nam, Việt, Miên, Lào, Itsala, Itsarắc ... xem ra thì có vẻ đúng chính trị. Nhưng xét sâu xem? Tinh thần phá đường nó yếu quá (mặc dầu giai đoạn phòng ngự ...). Ta đi tới nó tản mát quá. Thơ Tố Hữu hay nói dàn ra cho đủ ý. Người chính trị giỏi không phải là người chạy quanh cho đủ mọi vấn đề, mà là người biết xoáy mạnh vào điểm chính để giải quyết. Thơ hiện thực cũng đòi hỏi nhà thơ - như nhà chính trị - giải quyết cái chủ chốt của vấn đề cho tâm hồn người đọc. Chứ không đòi hỏi làm như một anh cán bộ tuyên truyền xoàng xĩnh, nói dàn mỏng vấn đề ra, la liệt đủ các mặt như bày hàng xén. Tố Hữu chú trọng quá nhiều cho đúng cái chính trị bề mặt, cố nói cho đủ, mà thường thường cái chính trị bề sâu không đúng: - hơi thơ Tố Hữu yếu quá, khí thơ Tố Hữu thiếu cái tấn công mạnh mẽ của nhà chính tṛ biết dồn tâm sức, dốc khả năng vào điểm chính... Không phải như một số bạn bảo vì đây là loại " thơ trữ tình " nên nó mềm, nó nhẹ như vậy. Không! Con người mới rất khoẻ trong mọi vấn đề lớn, nhỏ, chung, riêng. Cả trong những chuyện đời tư thầm kín, chuyện vui, chuyện buồn. Cả khi " trữ tình ", con người mới vẫn có cái khí phách mạnh mẽ của nó (xem ca dao hay Mai-a-kốp-xki tả ái tình chẳng hạn...) Ðiểm này làm ta suy nghĩ rất nhiều về thế nào là đúng chính trị. Nếu khí phách thơ thiếu cái tấn công, cái tích cực mãnh liệt thì không thể nói đúng cái chính trị được.Về điểm này, tôi đồng ý với Hoàng Cầm: kiểu chính trị như của Tố Hữu không phải là chính trị thực. (Phải nắm cái tinh thần phê bình của Hoàng Cầm, không nên như bạn Ðông Hoài căn cứ vào cái chữ mà bẻ quẹo đi). Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì lại là lắp lại Nguyễn Du, Tản Ðà, ca dao... Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới mẻ gì. Cách nhìn còn tầm thường. Ðó là cái đau khổ của những người làm thơ: hát lên bằng một giọng hát tầm thường. Thơ hiện thực đòi hỏi người thi sĩ phải khổ công nghiên cứu tìm tòi trong cuộc sống. Gạt bỏ những công thức bề mặt, đi vào thực chất sự việc. Cũng như nhà chính trị, nhà thơ của công nông phải theo dõi từng hơi thở, từng cái giở mình của quần chúng, của thời đại, của dân tộc. Càng phải chú ý tới những cái đang sinh thành, hôm nay là gió nhẹ, ngày mai là bão táp. Phải tìm ra được những quy luật mới của khách quan. Không phải đòi hỏi thế là vì thích mới, ham chuộng lạ. Mà chính là vì cuộc sống luôn luôn đổi mới. Người thi sĩ - cũng như người chính trị - đứng dừng lại thỏa thuê với những cách nhìn đã tầm thường, đã công thức - là người sẽ bị cuộc sống vượt qua đầu, vứt bỏ lại. Pê-tô-fi bảo " hãy im đi " - và gọi tên là bọn " ca sĩ lạc hậu " những thi sĩ nào không đem tới một cách nhìn mới, - nói đúng hơn không khám phá được những cái mới sẵn có trong thực tế. Phải nói ngay rằng thơ ca quần chúng tuy nói chung còn lõm bõm bản năng tự nhiên, nhưng có những viên ngọc thật sáng tạo. Sự làm việc sáng tạo của họ làm cho cách nhìn và thơ ca của họ nhiều sáng tạo. Họ không biết lý luận hiện thực, nhưng chính chủ nghĩa hiện thực ở quần chúng , - cũng như xã hôi tương lai. Ðừng nên lo là họ sẽ rụt rè không dám làm thơ nữa. Bão to cũng không thể làm đổ trời, cuộc nghiên cứu này chỉ có khuyến khích chứ không ngăn nổi triệu triệu người tiếp tục làm thơ đâu. Có thể chỉ một số nhỏ đã hay sắp vào chuyên môn có thể rụt rè, sợ lý tưởng thơ cao quá. Tôi thường thấy con người ta kém cỏi, rụt rè chính là vì lý tưởng nó thấp. Hay không có lý tưởng. Chứ không phải vì lý tưởng nó cao. Thơ hiện thực là của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Nó cao thực, người thi sĩ phải mất máu trên một vần thơ như một chiến sĩ mất máu trên một lô cốt địch. Nhưng nó cũng dễ thôi, quần chúng vẫn làm, đã đạt được một số câu. Ai muốn dễ thì phải cố chịu khó làm như quần chúng: sống chết nhọc nhằn, mồ hôi máu đỏ. Những vần thơ hay nhất, mới nhất, là những vần thơ lăn lộn trong cái thực tế mưa bão ấy. Cá tính thơ Tố Hữu còn mờ. Sự thiếu sót thực tế làm cho Tố Hữu chưa thoát khỏi cái nhìn tầm thường và ảnh hưởng thơ xưa. Ðiểm thứ hai là cách nhìn của Tố Hữu thật nhỏ bé quá. Nhìn vấn đề gì, vấn đề ấy thu hẹp lại. Yêu ai người ấy nhỏ đi. Nhìn chiến sĩ: nhìn vào bề sâu lớn lao khí phách của chiến sĩ thì ít. Mà lại nặng nề về những tiếng kêu trừu tượng (anh Vệ quốc quân ơi, sao mà yêu anh thế?),- những hình dung từ rồn rập (người bạn đường anh dũng,- anh chiến sĩ hiền lành),- những cái nét hình thức (bóng anh nắng chiều v.v.) ... Hình ảnh chiến sĩ thu nhỏ lại. Nhìn Hà Nội: yếu đuối, đợi chờ Nhìn bà mẹ bộ đội: thương xót, chán nản Nờin Việt Bắc: xa vắng heo hút. Người ở lại, người về xuôi đều nhỏ lại trong một khung cảnh hắt hiu. Nhìn Triều Tiên: yếu ớt, ỷ lại. Không phải cái chính là vì Tố Hữu dùng hình ảnh em bé. Cái chính do cách nhìn em bé đó thế nào?. Nhìn lãnh tụ: chỗ thì hình thức gượng gạo "chòm râu mát rượi hòa bình", chỗ thì tả thành một đạo sĩ tầm thường nhàn tản "ung dung yên ngựa bên đường suối reo" (có thể tả lãnh tụ đi chơi, nhưng phải tả khác ...). Nói chung thì nặng "công thức cha già". Không thấy lãnh tụ vừa là cha, vừa là con đẻ của quần chúng. Chỗ thì tả lãnh tụ mênh mông, - thi sĩ và quần chúng bé nhỏ đi dưới cây chì đỏ của lãnh tụ. Lãnh tụ như núi, quần chúng li ti như kiến con. Hình ảnh không cân xứng, định làm to - vô tình hóa ra làm nhỏ bé lãnh tụ đi, làm sai lệch sự liên quan giữa lãnh tụ và quần chúng. Không phải là phủ nhận một vài nét khá sáng tạo của Tố Hữu, như tả lãnh tụ "trẻ mãi không già", nêu lên được nét Hồ chủ tịch là người thanh niên số một. Nhưng nói chung bản chất người lãnh tụ kiểu mới: vừa phi thường vừa tầm thường, vừa độ lượng vừa nguyên tắc, vừa hành động vừa trí tuệ, vừa giản dị vừa phong phú, vừa đạo đức vừa không công thức gò bó, ... bản chất ấy bị thu nhỏ lại trong kính thơ Tố Hữu. Chính vì lòng yêu lãnh tụ, gắn liền với lòng yêu giai cấp, yêu dân tộc thúc dục ta nên mạnh dạn làm thơ về lãnh tụ, nhưng không thể khuyến khích ta thỏa thê ở mức ấy. Nói thêm, Tố Hữu nhìn sự hy sinh của quần chúng thế nào? Như trong bài "Phá đường", cứ tạm cho chị nữ dân công đó là một quần chúng tốt, Tố Hữu tả chị ấy nhà neo, con bế con bồng, ngô sắn bề bộn. Vậy mà: "em cũng theo chồng đi phá đường quan". Sự hy sinh như thế mà buông nhẹ tênh trong một câu như vậy ! Người ta hay nói tới lòng yêu nước của thơ Tố Hữu. Người ta bảo đối vớI Tố Hữu, tổ quốc cụ thể ra là những bà mẹ, những người chiến sĩ, những công việc kháng chiến (phá đường, về Hà Nội, xa Việt Bắc, v.v...) Tôi cũng đồng ý vậy. Nhưng mà đối với những điểm cụ thể ấy, con mắt Tố Hữu đã thu bé nó cả lại. Không phải là đem cộng máy móc lại, nhưng vì những yếu tố tạo nên nó đã nhỏ yếu cả, hóa ra tình yêu nước của nó cũng bé bỏng đi. Lê Ðạt cũng đã nhận xét, cái căm thù rất yếu trong thơ Tố Hữu làm cho tình yêu nó mỏng mảnh. Yêu nước, căm thù, chúng ta đều muốn những vần thơ không nên "tí ti yêu nước, tí ti căm thù". Chúng ta muốn như Maia-kốp-xki nói:
Ðồ sộ yêu thưong
Ðồ sộ căm thù ....Muốn thế, - vì đó là thực tế của dân ta, thời đại ta, thực tế cuộc chiến đấu võ trang hôm qua là hòa bình hôm nay. Mỗi nhà thơ một cách nhìn, một cách nói khác nhau, nhưng đều có cái căm thù, thương yêu đồ sộ ấy. Có người bảo không thể đòi hỏi trong một tập thơ nhỏ mà tả chiến sĩ, người mẹ, phá đường, Việt Bắc, Hà Nội v.v... đều là hay cả. Không, không !... Người thi sĩ có một cách nhìn lớn thì không cần một tập thơ đâu. Mà bất cứ một bài, một câu, một ý, nói cái gì nó cũng thành lớn, vạch một nét nào cũng là nét lớn cả. Chuyện lớn bé không phải chuyện dài ngắn,- cũng không phải là chuyện đề tài. Mà là chuyện cách nhìn cỡ trình độ nhận thức sự vật. Ðiểm thứ ba là cách nhìn Tố Hữu hay bao phủ lên vấn đề một cái buồn yếu đuối. Ðiểm này Hoàng Yến, Hoàng Cầm và nhiều bạn đã phân tích nhiều. Những người bênh vực thơ Việt Bắc nhất trước kia không nhận, bây giờ cũng đã nhận rằng cái buồn trong thơ Tố Hữu là một sự thực khách quan, không phải do bịa đặt của người phê bình. Mà đây không phải cái buồn xốc người ta lên hành động, không phải cái buồn tới căm thù của những hy sinh mất mát, đổ vỡ trong chiến tranh. Mà lại là một thứ buồn nó " ru ", yếu đuối và nhẹ . Ðiều đó bây giờ đã được công nhận nhiều rồi. Cuộc nghiên cứu thơ Tố Hữu hôm nay đã tiến được một bước ấy. Nhưng mà vấn đề căn bản vẫn chưa chuyển nhích: chất tiểu tư sản là chính của thơ Việt Bắc hay chỉ là cái rơi rớt phụ? Tôi đồng ý với Hoàng Cầm, Lê Ðạt và nhiều bạn khác rằng: căn bản thơ Tố Hữu là kiểu thơ tiểu tư sản đi theo cách mạng. Cách nhìn tầm thường, nhỏ bé, buồn yếu đuối, lại còn rơi rớt cách nhìn thơ xưa. Một cái kính thơ như vậy, thu hẹp cuộc sống lại như một hòn non bộ xinh xắn, chưa phải là cái kính thơ vĩ đại của công nông. Tôi nói tiểu tư sản cách mạng, tức là nói cái ưu cũng ở đấy, cái khuyết cũng ở đấy. Tiểu tư sản rất nhiều, mỗi người còn ít nhiều chút tiểu tư sản, nên thơ Tố Hữu cũng có thể ngâm ngợi được. Nó có ích trong phạm vi ấy. Nhưng nếu nói nó đã là công nông, là dân tộc, là thời đại, là hiện thực thì quả là sai sự thực. Dân ta, công nông ta, thời đại ta không phải là tầm thường nhỏ bé, yếu đuối như thế. Nếu không nhận rõ điều đó, thì thật là tai hại cho tác giả, cho quần chúng, cho thơ hiện thực. Rất rõ rệt là Tố Hữu có những thiện ý, có cố gắng. Cố phục vụ chính trị. Cố theo sát đề tài trước mắt. Cố quần chúng. Cố dân tộc. Cố điêu luyện thơ nữa. Nhưng chưa đủ mức thoát khỏi cách nhìn tầm thường, nhỏ bé, buồn, yếu ớt,- cho nên cái đạt được của Tố Hữu đi vào đường thơ hiện thực mới chỉ là hình thức. Không lấy làm làm lạ rằng thơ Tố Hữu có nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất. Có vẻ chính trị mà chính chỉ là chính trị công thức. Có vẻ dân tộc, quần chúng mà thực chưa phải. Có vẻ phục vụ trước mắt mà thực lại không hiện tại. Có vẻ điêu luyện thơ mà thực còn rất nhiều cái dễ dàng, lười biếng. Phê bình thế có phải là do tính khe khắt không? Có phải vì vị trí của Tố Hữu, vì Tố Hữu là một cây bút khá lâu năm nên ta cứ khắt khe không? Một nghìn lần không phải. Người ta hay nói tới quần chúng, thời đại. Tôi rất đồng ý quần chúng, thời đại là người giám sát tối cao quyết định nghệ thuật. Thơ hiện thực là của quần chúng. Chính cuộc nghiên cứu thơ này tức là thời đại đang xét thơ Việt Bắc, mới là một lần đầu. Thời đại ta chưa có kết luận gì. Nhưng phải thấy rằng thời đại chúng ta vô cùng vô tư, khách quan, trọng sự thực. Và cũng rất vô cùng nâng đỡ nghệ sĩ. Không phải chỉ nâng đỡ ngòi bút mới, mà càng phải nâng đỡ ngòi bút cũ (tuy nhiên cách nâng đỡ khác nhau, vì khó khăn, điều kiện hai đằng khác nhau). Chúng ta nâng cao lá cờ thơ hiện thực, nên phải nhìn cho đúng thơ Tố Hữu đã cố gắng đi được tới mức nào,- con đường tiếp tục còn gian nan gấp mấy? Vậy ra chưa có thi sĩ nào hiện thực, chân chính của công nông ư? Tôi thấy quả như vậy. Không có gì mà sốt ruột, chuyện nghệ thuật phải tính hàng chục, hàng trăm năm. Chúng ta mới là lúc bình minh, ánh sáng còn non nhạt. Nhưng mà ta đã có hàng vạn vạn câu thơ còn tản mát do bàn tay quần chúng tạo nên, rất xứng gọi là công nông. Chỉ có cái, những người chuyên môn có chịu vất vả sống chết đấu tranh như quần chúng không? Nếu như vậy, ta sẽ đẩy được mặt trời lên đỉnh sáng. Ðối với Tố Hữu cũng như mọi nhà thơ, chúng ta chân thành đề nghị: lăn xả vào thực tế, mở rộng cách nhìn, sáng tác mạnh bạo tự do. Tổ quốc khó khăn hôm nay đang gọi tên chúng ta với những vần thơ vất vả, tìm tòi, mới mẻ hơn. 5-1955 (Trích: "Trần Dần- Ghi 1954-1960", td mémoire, 2001)



SON TRUNG THU TRANG
http://sontrung.blogspot.com/

==

No comments: