Saturday, November 15, 2008

MAI THẢO * MƯA NÚI * TẬP 3

==

Giai đoạn chị Định

Chị Định chết giữa mùa xuân, chị trút hơi thở cuối cùng trên căn nhà sàn dưới chân núi Án Đổ. Hôm chị Định mất, người đầy tớ thân tín của chị từ ngoài Liên khu III vào, mặc áo đại tang đưa người chủ xấu số đến cánh đồng cỏ phía tây ngọn suối. Phía nam, con đường đất đỏ từ chân núi Án Đổ men theo một bờ lạch sâu, bằng qua một miền đồi đất trơ trụi về mạn Kim Tân, Thạch Thành.

Chị Định nằm trong mộ, đầu hướng về Kim Tân, Thạch Thành. Người chết còn như theo dõi chúng tôi. Tôi tin chị chết thoải mái yên tâm. Dù chị đã chết xa vắng một mình ở một góc núi hẻo lánh không được nhìn thấy cái mái nhà cổ cũ yêu dấu của đời chị ở mãi tận Cửa Nam trong Hà Nội. Chị Định vẫn thường nói chuyện với chúng tôi cái mái nhà cổ cũ ấy, nhìn xuống một khoảng sân hẹp bên trong. Một cái bể non bộ khô cạn. Một bức mành, một lối đi mát lạnh dưới hành lang có những chùm hoa tím ngát thả ngọn xuống sát đụng mái tóc.

Chị Định ra khỏi Hà Nội chỉ còn giữ lại cái hình ảnh duy nhất này, nó tạo nên cái khối tình cảm thuần hậu trong đẹp của chị trên những khía cạnh thăm thẳm của thương nhớ mỗi khi từ Án Đổ, từ những vùng bên ngoài Hà Nội, chị Định hồi tưởng về Hà Nội, Hà Nội với cái phố của Nam thân yêu của đời chị.

Không được về chết dưới mái nhà cũ như chị chắc đã mong muốn, nhưng tôi tin chị chết yên tâm. Tin thế qua đời sống, qua con người chị, chứa đựng cái tình vị tha đằm thắm nhất mà tôi được biết trong những phút sống may mắn của đời tôi trong phần không và thời gian đất nước này từ khi chính thể cộng sản bắt nguồn như một thảm hoạ ghê gớm mà thế hệ này phải chịu đựng.

Gặp chị Định, riêng tôi đã có cái may mắn to lớn của con người còn gặp được con người theo cái nghĩa cao đẹp nhất, gặp được ngay trên đất cộng sản giữa khoảng thời gian 50-51.

Thời gian này của thế giới cộng sản, con người chỉ còn là một sự kiện sống sót hiếm hoi. Phần lớn đã chết rồi. Đại đa số đã bị huỷ diệt. Sau này nghĩ cho kỹ, tôi mới khám phá thấy rằng những đợt đấu tố mà cộng sản hiện đang phát động bằng tra tấn, bằng cực hình, bằng căm thù, bằng xương máu ngoài vĩ tuyến 17 với những người còn phải ở với chúng nó, chỉ là tối thậm vô ích. Thừa vì không cần. Thừa vì con người ở với chúng nó bị chúng nó giết chết từ rất lâu trước đấu tố. Con người bị cộng sản đem ra đấu tố đầu mùa xuân 56 đã chết từ những đợt chỉnh huấn cải tạo đầu mùa xuân 50, 51. Bởi chỉnh huấn cải tạo tư tưởng chính là một hình thức đấu tố tâm hồn. Người chết khi tâm hồn bị đấu tố. Người chết vì mất tâm hồn.

Bởi vậy, mà đến Án Đồ, gặp chị Định, tôi đã có được cái cảm giác vừa chua xót vừa ngạc nhiên thích thú khi còn được nhìn nhận thấy ở chị một con người với một đời sống đứng thẳng băng cái hình dáng thẳng băng của con người, của đời sống tự do. Như một thân cây rừng đứng thẳng. Như một trái núi đứng thẳng. Tất cả đều đã mất tâm hồn. Chỉ còn chị với cái thế giới tình cảm của chị, với sự thương nhớ đôi khi chị gửi về cho cái bờ mái cổ cũ trong Hà Nội. Bóng dáng đơn độc của chị Định, tôi nhìn thấy giữa thế giới cộng sản, đẹp cái đẹp anh dũng của một người còn dám sống mãnh liệt trọn vẹn đời mình chung quanh những lớp người đã chết. Hàng ngàn hàng vạn, chồng chất la liệt.

Ít lâu sau đó, chị Định cũng chết. Nhưng chị chết vì cái bệnh lao phổi của chị đã sang đến thời kỳ thứ ba, chứ quyết không phải chị chết vì đấu tố tư tưởng. Giữa hai cái chết, chết vì tâm hồn bị đấu tố ngoài đấu trường chỉnh huấn cải tạo, với cái chết vì bệnh hoạn, vì thời kỳ thứ ba, vì những con vi trùng Koch, tôi thấy cái chết bệnh nhẹ tênh, bởi chỉ có nghĩa là yên nghỉ chứ không có nghĩa là gục ngã.

Giữa mùa xuân, những người đã chết vì đấu tố tâm hồn đưa một người chết vì lao phổi ra cánh đồng cỏ phía tây Án Đổ, hoa núi nhiều màu nở tưng bừng trong khắp thung lũng. Không ai biết có mùa xuân, không ai biết có những chùm hoa núi. Vì tất cả đã chết rồi. Tôi nghĩ đến đám tang chị Định gồm toàn những người đã chết đi theo linh cữu để mà nhận thấy tất cả cái hoang vắng của khu vực cộng sản khi tội ác của chúng đã được thể hiện bằng những đợt chỉnh huấn cải tạo.

Chị Định nằm xuống được rồi. Tôi nghĩ vậy. Tôi biết trước khi nhắm mắt chị Định cũng nghĩ vậy.

“Những đứa em tôi. Những đứa em tôi tự do. Những đứa em tôi đã về tự do. Tôi đã giúp những đứa em tôi về được với tự do…” phải là câu thì thầm sung sướng của chị Định lúc mắt chị khép lại, thu vào một lần cuối cùng cảnh tượng Án Đổ sau khung cửa nhà sàn.

Bên ngoài, rừng núi Án Đổ xanh biếc giữa mùa xuân.

Cái chết của chị Định xanh biếc như mùa xuân.

Tôi đến Án Đổ lần sau cùng vào buổi chiều. Lên bộ từ Kim Tân Thạch Thành. Dãy phố Kim Tân vắng hoang vì những người dọn nhà mở hàng ở đó đã bỏ đi hết. Không khí chiến tranh, đổ vỡ. Đường đất đỏ khé. Sông Thạch Thành đen đặc. Hôm qua một người thiếu nữ vừa tự tử chết ở mé sông bên kia vì bị công an cộng sản bắt được trong người một số bạc Đông Dương. Ông lão lái đò bảo tôi là người thiếu nữ đẹp lộng lẫy làm bao nhiêu cán bộ cộng sản mê mệt, xác nổi lên giữa dòng sông lớn vào khoảng 3 giờ sáng.

Tôi lên đường vào Án Đổ với hình ảnh người thiếu nữ chết oan khuất vì những tờ giấy bạc Đông Dương. Đường vào xóm Án Đổ lượn nghiêng trên một chiều nghiêng của hình thể rừng núi vừa khởi đầu. Phía sau, Án Đổ xanh thẳm hoang rậm. Tôi đi thật mau. Tôi gặp những tốp thương binh từ một quân y viện trong núi ra ngoài Thạch Thành. Tiếng nạng gỗ khua gõ lạ tai trên nền đất rừng. Những đoàn người cụt tay cụt chân, vỡ mặt mất mắt. Họ đi qua tôi thành những hàng dài lầm lì câm tối.

Buổi tối tôi đến Án Đổ. Đầu óc tôi choáng váng mệt mỏi. Tôi kể chuyện cho chị Định về người thiếu những tự tử và những người thương binh. Chị Định thở dài bảo tôi:

“Đấy là những cảnh tượng chị em mình nhìn thấy hàng ngày. Có gì lạ lòng mà em phải ngạc nhiên?”

Qua câu nói chị Định, tôi đo lường được tận cùng cái không khí âm u của chiến thời và cái tính chất sâu kiến của đời người. Cộng sản. Một người thiếu nữ tự tử trên một dòng sông đêm. Những con người huỷ hoại. Những đợt chỉnh huấn cải tạo. Sau bữa cơm, tôi đi theo chị xuống suối. Hai chị em cô độc giữa đêm rừng rộng lớn. Chị Định đến ngồi trên một tảng đá. Nước suối chảy mát lạnh qua những ngón tay. Cây có đứng yên từng chùm từng khối nhờ nhờ. Những lớp rừng núi xa gần trùng điệp. Tôi nghĩ đến Hà Nội. Đến một đoạn đường tôi sắp đi khỏi khu vực cộng sản, xa những đợt chỉnh huấn cải tạo, để cứu vớt lấy đời mình, lấy tâm hồn mình.

Tôi nhìn chị Định. Chị gầy quá. Tôi biết chị sắp chết. Chị có thể sống được nếu chị chịu về chữa lại cái bệnh hiểm nghèo của chị trong Hà Nội. Nhưng chị đã ở lại. Chị đã hứa với chồng chị rằng chị bằng lòng ở lại nếu anh Định để chị hoàn toàn tự do trong việc thu xếp cho chúng tôi bỏ đi.

“Các em còn trẻ. Các em còn có thể làm được rất nhiều điều. Sự bỏ đi của các em cần hơn cả đời chị”.

Chị Định biết chị cũng chẳng còn sống được bao nhiêu. Chị bận tâm cho những người như chúng tôi một ngày đến với Kháng chiến cao đẹp bây giờ đang tìm cách bỏ đi vì Kháng chiến đã chết rồi, vì cộng sản đã giết chết Kháng chiến, chứ cái chết của chị, chị biết rồi, nên chị có thái độ hết sức thản nhiên. Chưa bao giờ cái tinh thần trách nhiệm của một người với một người, với thế hệ, lại thể hiện sáng tỏ rực rỡ đến thế.

Chị Định chống tay nhìn xuống mặt suối gờn gợn xuôi chảy. Côn trùng rì rầm trong cỏ tối. Bóng chị Định in lên nền trời sao là hình bóng của một giai đoạn rộng lớn. Giai đoạn này khởi đầu, chấm dứt cho những giai đoạn cộng sản, đánh dấu cho những ngày tháng tôi tìm đến tự do.

“Chị tính rồi. Em còn phải ở Án Đổ mười ngày nữa. Bây giờ mới là đầu tháng. Ít nhất cũng phải đến mười hai mươi ba gì đó em mới đi được. Cậy có vào được đến đây cũng phải hơn một tuần nữa. Hồi này đi lại khó khăn lắm. Công an mật vụ cộng sản đông như kiến khắp nơi. Mà nhất định phải đợi Cậy vào chị mới để em đi được”.

Cậy là người đầy tớ thân tín của chị Định ngoài khu Ba. Trung bình cứ nửa tháng Cậy lại từ khu Ba vào Án Đổ một lần. Mang tin tức thư từ cho chị vào Hà Nội và đem ra những ống thuốc Streptomycine cho bệnh lao phổi của chị nữa. Như thế đều đặn đã hai năm, kể từ ngày cơ quan của anh Định bị oanh tạc phải dời vào Thanh Hoá. Có điều là từ tháng trước, Cậy vào nhưng không còn mang theo những ống thuốc Streptomycine nữa. Chị Định dặn Cậy không phải mua thuốc. Chị đã khoẻ nhiều, chị đỡ rồi. Kỳ thực chị đau trầm trọng, và những ống thuốc mang giấu bí mật qua những chặng khám xét của công an cần cho chị hơn bao giờ hết.

Từ bỏ những ống thuốc được coi như thứ khí giới độc nhất trong cuộc chiến đấu lẻ loi của chị với bệnh hoạn, chị Định đã tự ý rút ngắn những ngày sống của chị đến cái độ có thể lượng trước được những giây phút cuối cùng.

Chị làm thế, cũng lại cho chúng tôi. Vì chúng tôi.

Hồi đó, chúng tôi đến Án Đổ mỗi ngày một nhiều. Những đợt chỉnh huấn cải tạo của cộng sản càng rộng thì số người bỏ càng thêm đông đảo. Góc núi Án Đổ biến thành một thứ cứ điểm của tự do. Chúng tôi đều tìm về chị Định. Mỗi người đến Án Đổ, chị tuỳ tiện giữ lại, hoặc gửi đi ngay, tuỳ theo tình trạng an ninh ở dọc đường. Người nào đi cũng cần một số tiền ăn đường. Chúng tôi đến càng ngày càng đông, chị Định lấy tiền mua thuốc để đưa cho chúng tôi.

Tôi không muốn ca ngợi chị nhiều ở điều này. Ca ngợi là thừa. Đó chỉ là một hành động cao đẹp bé nhỏ trong bao nhiêu hành động cao đẹp rộng lớn. Tôi cảm thấy đầy đủ thế là được. Người ta nói nhiều về hy sinh. Tôi chỉ cần nói là chị Định đã hy sinh cho chúng tôi.

Trong thời gian 50, 51 và trong khu vực Thanh Hoá, chị Định, riêng chị có đủ phương tiện đưa chúng tôi đi thoát. Bởi chị có một người chồng đứng vào hàng ngũ cao cấp của cộng sản. Khu vực Án Đổ, bọn công an mật vụ hạ cấp không dám dòm ngó tới, dù chúng nó có nghi ngờ là chúng tôi tới để sửa soạn bỏ đi. Anh Cậy, người đầy tớ thân tín của chị lại thông thuộc hết tất cả đường lối, ngõ ngách từ khu Tư ra khu Ba, qua đất Tề vào đến tận Hà Nội.

Chúng tôi tìm đến Án Đổ mỗi ngày một nhiều. Mới đầu, mỗi tháng chỉ một hai người đến. Về sau tuần nào cũng ba bốn người đến. Chị Định thu xếp chỗ ăn ngủ cho chúng tôi trong thời gian chờ đợi ở Án Đổ rồi có cơ hội thuận tiện, Cậy vào chị lại gửi chúng tôi đi. Khi tôi đến, những người được chị thu xếp cho đi thoát đã nhiều lắm. Muốn đi thoát cứ việc tìm đến chị Định. Ai cũng đi thoát. Chị thu xếp cực kỳ chu đáo qua những tính toán thông minh đầy kinh nghiệm.

Đêm phủ xuống đen đặc. Những ánh lửa le lói từ những khu nhà phía cơ quan.

Chị Định dặn tôi:

“Những ngày ở đây em kín đáo nhé! Cần nhất phải kín đáo. Đừng đi đâu ra khỏi Án Đổ, ngộ nhỡ có xảy ra chuyện rắc rối gì với địa phương chị không can thiệp được. Lần trước Hồng đến đây cũng phải chờ như em, không chịu được buồn, mò ra Kim Tân chơi có một tối mà bọn chúng nó cũng biết đấy. Chúng nó vào hỏi chị nhiều câu bóng gió khó chịu”.

Hồng là một tiểu đoàn trưởng trong quân đội cộng sản. Tôi nghĩ đến Hồng mà cũng tìm đến Án Đổ, cũng bỏ đi. Sự bỏ đi đông đảo không làm tôi ngạc nhiên nữa.

Chị Định còn dặn thêm tôi là nên tránh nói chuyện với anh Định. Nhất là đừng bao giờ đả động đến những vấn đề chính trị.

Chị cười:

“Anh ấy tin ở cộng sản thì mặc anh ấy. Nhưng anh ấy không đụng chạm đến công việc của chị em chúng mình là được rồi. Em có buồn xuống suối chơi hoặc đi loanh quanh trong Án Đổ thôi. Đừng để việc nhỏ làm hỏng việc lớn thì chị sẽ ân hận lắm đấy!”

Đêm hôm đó tôi ngồi nói chuyện với chị Định ở bờ suối đến khuya. Đêm rừng đẹp một vẻ huyền ảo quanh tôi. Sao vắng muôn vạn trên khắp Án Đổ. Trời lạnh đặc. Sương phủ xuống trắng xoá những thành đá. Chị Định thúng thắng ho. Tôi nghĩ đến những ngày tháng cuối bệnh hiểm nghèo sẽ cướp mất của chúng tôi người chị thân yêu. Tôi nghĩ đến những người bỏ đi. Đến một người ở lại. Đến tự do của con người, đến tất cả chúng tôi. Xúc cảm dâng lên làm tôi nghẹn ngào muốn khóc. Tôi thấy thật xót thương nhiều điều cho những cái gì mong thoáng sương khói. Người mai sau là tôi những lúc nhớ những miền rừng núi hoang vu buồn rầu, và nếu có thương nhớ đến chị thì đời chị và lòng chị sâu rộng bao nhiêu cũng chỉ còn là một khoảng thời gian, một miền kỷ niệm, một giai đoạn quá khứ. Thế thôi.

Cuối cùng chị đứng dậy:

“Thôi em lên đi nghỉ. Có lẽ em là người cuối cùng đấy. Sau khi em đi Cậy sẽ không vào đây nữa đâu. Dạo này công an nó lùng bắt người dữ dội lắm. Chị cũng không muốn cho Cậy nó cứ phải đi lại mãi. Ngộ nhỡ có xảy ra chuyện gì thì chỉ khổ vợ con nó”.

Tôi không biết tôi có phải là người cuối cùng không. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là chị Định đã ở lại. Chị sắp chết. Chị ở lại cho chúng tôi đi thoát. Cho chúng tôi tự do. Tôi biết sẽ không bao giờ chúng tôi được gặp chị nữa. Tôi biết chị sẽ chết ở Án Đổ. Chị sẽ không bao giờ được trở về dưới cái mái nhà cổ cũ yêu dấu của đời chị ở Cửa Nam. Chị nằm xuống một mình trong khu vực cộng sản. Chị chết trong tự do.

Chị Định đã chết giữa mùa xuân. Sau khi tôi dời Án Đổ được vừa đúng một tuần lễ.

Từ Thanh Hoá 51 đến Sài Gòn 56 tôi lại đến giữa một mùa xuân. Tôi nhớ đến Án Đổ. Đến một giai đoạn. Đến một người đàn bà. Đến chị Định bé nhỏ của một giai đoạn rộng lớn. Đến con đường nhỏ chạy theo bờ lạch sâu về mạn Kim Tân, Thạch Thành, bao giờ những chùm hoa núi đỏ chói chang chắc đã nở tưng bừng trên hai bờ. Chị Định nằm ngủ dưới những chùm hoa đỏ vẫn còn như theo dõi chúng tôi.

“Những đứa em tôi, những đứa em tôi đã về được với tự do. Tất cả những đứa em tôi đều đã về được với tự do”.

Tôi muốn trả lời chị, trả lời chung cho tất cả chúng tôi:

“Vâng. Chúng em đã về được với tự do”.

Tôi chắc chị nghe thấy. Lúc nào và ở đâu, chị cũng vẫn nghe thấy.


*


Đêm tân hôn

Đường cúi xuống nhìn đồng hồ. Đúng 10 giờ đêm. Anh nhớ lại thật nhanh trong một lần cuối cùng những khoảng thời gian đã được anh xếp đặt cho việc thi hành và thực hiện dự định.

Mỗi khoảng thời gian đều đứng trên một chỗ đứng riêng: 10g30 vào phòng Liệu. Đúng 11 giờ trở ra. Gặp Liệu, giãi bày cặn kẽ với Liệu trong 30 phút, không hơn không kém. Làm thế nào nói hết đầu đuôi ngọn ngành với Liệu trong 30 phút ngắn ngủi? Thừa thì giờ. Nhưng có đủ thì giờ để Liệu hiểu, suy nghĩ, cân nhắc và ưng thuận? Đường tự trả lời thầm: Liệu sẽ ưng thuận. Anh cũng không hiểu tại sao anh có thể chắc chắn được ở điều đó, ở một người khác dù người ấy là Liệu.

Anh tin ở anh. Nhưng anh lại phải tin ở Liệu, tin một cách liều lĩnh như con người tin ở một cuộc phiêu lưu, tin rằng bên kia đêm sẽ có cái ánh sáng rực rỡ của một ngày. Cả cái chương trình tỉ mỉ, kết quả của bao nhiêu đêm suy nghĩ không ngủ chỉ có 30 phút dành cho những lời anh sẽ nói với Liệu là Đường không cầm nắm được. Cũng chẳng còn cách nào khác. Đành là phải tin chết ở Liệu vậy. Ở đôi mắt Liệu nhìn anh một hôm nào, ở một câu nói dịu dàng của Liệu với anh về Hà Nội, một lần gặp mặt tháng trước, ở đôi tay thon nhỏ của người thiếu nữ. Tin một cách trừu tượng mong manh ở những ngón tay thon nhỏ, ở một đôi mắt hiền hậu, nhưng mà phải tin.

Vậy anh sẽ về phòng Liệu và đi ra lúc 11 giờ đúng. Bữa tiệc sẽ kéo dài và sẽ bế mạc vào 3, 4 giờ sáng. Trước lúc đó không được, vì sớm quá rượu chưa ngấm men, chúng nó còn tỉnh táo thì dễ hỏng việc. Giữa bữa tiệc, anh phải khởi hành chậm lắm là lúc 12 giờ 30. Muộn hơn sẽ không đủ thì giờ đến Văn Điển trước 5 giờ sáng. Đường nhớ lại những vọng gác trùng điệp ở dọc đường, những bốt canh rải rác đến tận cánh đồng cỏ hoang vu sau quận Văn Điển. Đường sẽ nói mấy câu, chúng nó sẽ uống sâm banh và anh sẽ vờ say. Con mắt anh sẽ nhíu lại một vẻ đờ đẫn, bàn tay anh sẽ vung lên trong những dáng điệu nghiêng ngả choáng váng. Chúng nó cười phá lên. Anh nháy mắt với chúng nó, nhìn vào buồng trong. Chúng nó lại cười phá lên.

Bây giờ là là một giờ đêm. Đường chỉ có thể ở phòng Liệu tới 1 giờ rồi phải trở lại bàn tiệc, lần thứ nhì, lần cuối cùng. Đúng 2 giờ sáng lên đường. Đường đã tính đi tính lại, phải ba tiếng rưỡi đồng hồ để đi một đoạn đường 15 cây số, men theo bờ ruộng lầy lội, trong đêm tối nhoà nhạt trên những lối đi tắt ngoài đồng xa cách những làng xóm và những bốt gác. Phải tính cả đến việc đi bộ qua ruộng đêm sẽ mất nhiều thì giờ hơn là đi trên đường lớn.

Đến Văn Điển, 6 giờ kém 30. Trời mùa đông lúc đó mới hé sáng. Đúng 6 giờ thì Đường phải bước lên con đường số 1. Ngày vừa lên thì chương trình cũng vừa thi hành xong.

Đường kiểm điểm lại một lần nữa. Tất cả đều được sắp đặt ổn định. Anh bắt đầu thi hành chương trình bằng cách mỉm cười đánh diêm châm một điếu thuốc lá.

Tên Trưởng ty Công an ngó anh chăm chú hỏi:

“Cười gì thế Đường?”

Y ngồi ngay bên cạnh anh. Đêm nay cũng như từ ba năm, lúc đứng lúc ngồi, bao giờ y cũng ở bên cạnh anh. Cái thân hình cao lớn của Đường lại là cái bóng của nó, bé nhỏ, xiêu đổ. Nó bám hút lấy anh như một loài đỉa như một con rắn độc nguy hiểm lại như một loài mèo có đôi mắt lặng lờ giảo quyệt. Nó vẫn luôn luôn dò xét anh từng cử chỉ bé nhỏ, từng câu nói vụn vặt. Đêm nay nó lại ngồi ở chỗ cũ như một cái bóng, nghĩa là ở bên cạnh anh. Đường nghĩ rằng anh sẽ thích thú ghê gớm nếu bây giờ trước cái ánh sáng chói chang của năm ngọn đèn măng sông, trước tất cả bọn chúng nó, anh được đứng dậy, xoay người vào tên Trưởng ty, thu hết sức căm giận đấm về phía trước mặt. Nắm đấm sẽ làm tối tăm một đôi mắt cú vọ mở đến đứt kẽ vì kinh ngạc, và thằng Trưởng ty Công an sẽ ngã sấp gập xuống mặt bàn. Thì anh sẽ giải thoát cho anh được một thứ gánh nặng, một cái bóng tối, một ám ảnh bền vững ma quái đã chứa nén quá lâu ngày.

Nhưng nắm tay không được phóng ra vì Đường vừa nghĩ tới chương trình của mình. Anh nén lại, rồi nghiêng sang tên Trưởng ty, thì thầm:

“Nghĩ gì thì anh biết đứt đi rồi. Anh chỉ được cái xỏ lá”.

Miệng nói anh khẽ đấm vào hông tên Trưởng ty, nháy mắt nhìn vào trong buồng. Nó nhìn theo, nháy lại ra ý hiểu rồi cười ngặt nghẽo:

“Thì chốc nữa tha hồ “dùng”. Đi đâu mà cuống lên thế”.

Nhân cơ hội, nó đùa nó thêm ngay một câu:

“Đẹp nhất Vân Đình đấy, cậu tư bản cậu tranh mất của chúng tớ. Chán rồi cho chúng tớ mượn nhé. Cộng sản mà!”

Đúng rồi, cộng sản mà! Nó bảo Đường cho nó mượn Liệu, nó đang làm sáng tỏ cái chủ nghĩa của chúng nó đấy. Đường nghẹn thở vì câu nói thô bỉ mà vẫn phải cười đáp lại:

“Ờ, tháng sau tớ chán tớ cho cậu mượn”.

Tên Trưởng ty cười lớn. Mặt nó hồng lên rồi thẫm lại dần dần. Men đang ngấm vào từng tí một. Đường yên lặng theo dõi men rượu đang thấm lắng qua người nó từng tí một. Đường có cảm tưởng như anh nhìn thấy những lối đi của men trong người tên Trưởng ty. Những khuôn mặt khác cũng đã bắt đầu lên màu. Những mẩu tàn thuốc 555 và 999 rơi vãi trên khắp mặt bàn trắng tinh. Vỏ cam đổ ngổn ngang chung quanh những thành đĩa. Một vài cốc rượu đổ nghiêng không có một bàn tay nào buồn nhấc lên. Đường đưa mắt nhìn theo dọc bàn, tất cả những tai to mặt lớn đều có mặt. Tên Chánh án Toà án Quân sự Liên khu ngồi ở giữa, tên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh ngồi đối diện. Ngoài ra thì toàn là những cán bộ cao cấp. Chúng nó ăn mặc áo nâu rách xơ xác nhưng chúng nó uống hàng thùng sâm banh, ăn hàng chục cân cam, ăn hết chim đến gà lại đến những món vây bóng Đường đặt mua từ trong Hà Nội. Tháng trước, được tin Đường cưới vợ, mời chúng dự tiệc cưới, thằng nào cũng giục Đường phải cho người vào Hà Nội mua vây bóng, thuốc lá và rượu mạnh. Nhất là thuốc lá và rượu mạnh.

Bây giờ là vào cuối tháng Chín năm 1950. Con đường duy nhất từ Vân Đình vào Hà Nội qua vùng La Khê ra chợ Văn Điển vừa bị Công an cộng sản cắt đứt. Hàng trăm gia đình tới đó đều bị bắt ở chung quanh La Khê rồi từ La Khê áp tải thẳng vào trại số 5 của Lý Bá Sơ. Con đường độc đạo cuối cùng từ vùng cộng sản vào Hà Nội thế là không còn nữa. Chúng nó đặt bốn trạm kiểm soát ngoài La Khê, trong xóm, cả về phía bên kia La Khê. Những bờ ruộng, cỏ mòn úa dưới những vết chân của những đoàn người dời bỏ khu vực cộng sản qua đó, lại mọc lên hoang rậm như cũ.

Đường quyết định trốn về Hà Nội cùng một lúc khi anh được tin con đường về bị cắt đứt và những gia đình xấu số đã bị bắt giải vào Liên khu IV. Nhưng anh cảm thấy anh không thể trì hoãn được nữa. Trong Hà Nội đưa tin ra cho anh biết mẹ anh bị đau nặng, bệnh tê của thầy anh lại tái phát, gần mười đứa em nhỏ của anh không còn người trông nom, Chính phủ Quốc gia trong đó cần một người thông thạo tất cả những đường lối tổ chức ngoại thương để thiết lập những bang giao thương mại rộng lớn với ngoại quốc. Anh phải về Hà Nội. Về bằng bất cứ cách nào: đường bộ, đường thuỷ, nhưng phải về ngay.

Cộng sản cũng biết Đường cần phải về Hà Nội và anh sẽ về bằng bất cứ cách nào. Lúc đó chúng đang mơn trớn những người trí thức tản cư ra hậu phương, Đường lại quen biết nhiều, sợ ầm tiếng, chúng không dám thủ tiêu anh ngay.

Nhưng chúng cho canh phòng anh hết sức chặt chẽ. Đường ở dưới Sêu Đặng chúng ngầm cho nhân viên Công an đến ở nhà bên cạnh. Thằng này ngủ thằng khác thức thay phiên nhau canh giữ anh suốt ngày đêm. Anh lên Vân Đình chúng bỏ Siêu Đặng lên theo. Canh gác ngày càng nghiêm mật vì chúng không thể để cho anh đi thoát. Chính chúng cũng cần những người như anh, vì giao thương với quốc tế, cả khu vực cộng sản chỉ có anh là đủ năng lực và nhiều kinh nghiệm nhất. Để mất anh là một sự tai hại ghê gớm. Đường cũng biết vậy. Ngày lại ngày những cái mắt của một cái lưới vô hình cứ nhỏ lại mãi. Và những cái bóng cộng sản lẩn khuất chung quanh khởi đầu chỉ thấp thoáng, càng ngày càng hiển hiện rõ rệt thêm.

Những buổi tối ra ngồi bên sông Vân Đình nhìn về chân trời Hà Nội đã sáng lên một vùng ánh sáng lung linh hư ảo, nghĩ đến mẹ, đến một lũ em nhỏ, đến những dự định của anh trong vùng Quốc gia, Đường mím môi nhìn xuống mặt nước tối, cố nghĩ ra một lối trốn thoát khỏi thiên đường cộng sản. Con đường có mấy chục cây số mà hiểm trở hơn hàng nghìn cây số núi rừng. Anh nóng ruột tưởng chừng muốn phát điên lên. Anh biết rằng ngồi đâu đứng đâu cũng có ít nhất là một tên công an lẩn khuất gần gũi đâu đó. Mỗi hành động mỗi cử chỉ của anh đều được ghi nhặt. Nhiều lúc Đường muốn đánh liều cứ đi, phó thác hoàn toàn cho may rủi, nhưng rồi anh lại thôi, cái lẽ giản dị là con người anh không bao giờ chịu hành động hoàn toàn theo may rủi. Nhiều đêm muốn thử xem sao, anh giả vờ mở cửa ra ngoài phố là y như rằng đã có một cái bóng đứng gần nhà hoặc ở dưới một bóng cây, hoặc dưới một mái hiên tối. Đường biết rằng chúng theo dõi anh từng bước, cả ngày lẫn đêm.

Làm thế nào để có được một đêm không bị theo dõi? Chỉ cần một đêm không bị theo dõi. Nhưng làm thế nào?

Bỗng nhiên một hôm Đường gặp Liệu.

Ý nghĩ vụt đến như một tia chớp. Đường quen Liệu từ ngoài Hà Nội. Cùng tản cư ra hậu phương, họ gặp nhau ở Vân Đình, nhưng lần nào hai người cũng chỉ hỏi thăm nhau qua loa. Cho đến buổi chiều mà Đường nhất định đặt Liệu vào cái động cơ chính trong dự tính trốn thoát của anh. Anh liền dành cho Liệu một thái độ mới. Anh đến thăm Liệu nhiều lần. Những đêm có trăng sáng anh đến đón Liệu đi chơi thuyền trên sông Vân Đình. Liệu có một cửa hàng thuốc tây nhỏ ở cuối phố. Tên Trưởng ty Công an vẫn mua thuốc sốt rét ở cửa hàng của Liệu.

Hơn một tháng trôi qua, hai người trở nên thân thiết nhau, Đường hỏi Liệu làm vợ. Chờ tới lúc Liệu vừa chính thức nhận lời, Đường liền tung cái tin anh lập gia đình ở hậu phương trong khắp các giới bạn hữu thân thuộc. Anh cho tên Trưởng ty Công an biết trước nhất.

“Ố ố, anh mà cũng lấy vợ địa phương à? Nghe đồn anh có vị hôn thê nào ở trong Hà Nội cơ mà? Tên Trưởng ty vừa hỏi vừa do ý tứ Đường”.

Anh cười to:

“Ở đâu thì lấy vợ và lập nghiệp ở đó chứ? Phụ nữ Hà Nội lấy Tây lấy Tàu hết rồi, chúng mình lấy cái hạng đàn bà trong vùng bị chiếm ấy sao được anh?”

“Thật anh lấy vợ không?”

“Thật. Đêm 30 tháng này tôi mời tất cả các anh đến ăn cưới.

“Tại sao không cưới ngay đầu tháng, lại phải chờ đến 30?”

“À còn phải thu xếp cho linh đình chứ! Kháng chiến thì kháng chiến cũng phải có ba con năm, ba con chín, mô-ét săng-đông cho các anh hôm đó chứ không các anh lại cho đi an trí thì hết đời”.

Câu này Đường chỉ nói đúng một phần. Thực ra, chọn ngày cưới vào đêm 30 anh đã nghĩ đến cái bóng tối đen đặc của một đêm cuối tháng. Đêm 30 không có trăng mới đi được.

Hôm nay đã là đêm 30 rồi. Đường nghĩ lại tất cả chuyện đã xảy ra để anh có thể tới được cái quyết định cuối cùng này. Tụi cán bộ vẫn nói cười ầm ầm chung quanh. Mặt chúng nó đỏ gay. Những cái đầu ngả nghiêng xoả sợi trên những ly rượu. Rồi giọng tên Chủ tịch tỉnh lè nhè:

“Này “đồng chí” Đường, cô dâu đâu gọi ngay ra đây!”

Mấy tên khác ùa lên phụ hoạ nhâu nhâu kêu la cô dâu phải ra trình diện.

“Lại xấu hổ chớ gì! Đêm nay thì tha hồ mà xấu hổ”.

Cả bọn cười thét lên. Một đứa đập bàn:

“Dân chủ cộng hoà, thanh niên phụ nữ giải quyết sinh lý với nhau là thường, xấu hổ cái cóc khô gì? Thôi cho đồng chí Đường vào công tác với cô dâu vậy, nhưng phải lập tức ra ngay”.

Đường nhìn đồng hồ. Nghĩ đến dự định, anh liền đứng ngay dậy:

“Cả làng đã dạy, tôi xin tuân theo mệnh lệnh, nhưng xin được công tác nửa tiếng nhé!”

Nói đoạn, Đường đứng dậy, giả vờ loạng choạng xô ghế, đi thẳng vào phòng Liệu. Anh đóng cửa cẩn thận, rồi tiến lại phía đầu giường. Liệu ngồi cúi đầu một vẻ e thẹn, khép nép. Liệu giật mình khi Đường nói rất nhỏ nhưng rất rõ ràng câu thứ nhất:

“Tôi muốn nói với Liệu một chuyện rất quan trọng. Xin Liệu bình tĩnh…

Đường kể hết cho Liệu nghe. Anh chỉ định cưới Liệu để lấy cớ trốn đi. Chúng nó canh gác anh đêm ngày. Sự canh gác này chỉ có thể chểnh mảng trong một đêm tân hôn. Vì thế, anh phải giả vờ hỏi Liệu làm vợ. Anh cho chúng nó ăn uống thật say. Chúng nó vừa tưởng anh vào động phòng. Anh sẽ trốn thoát ngả sau. Anh sẽ đi suốt đêm về Văn Điển.

Đường nói xong ngừng lại. Liệu ngồi nghe, chết lặng người đi. Liệu bằng lòng lấy Đường vì yêu Đường thành thực. Không ngờ Đường chỉ dùng nàng như một thứ nguỵ trang để che giấu và thực hiện âm mưu của anh.

Đã gần hết nửa tiếng. Đường nói tiếp, vừa đủ cho Liệu nghe thấy:

“Bây giờ thì tất cả sự thành bại nằm trong tay Liệu. Liệu có thể ra báo thẳng cho tên Trưởng ty Công an ngoài kia để trả thù tôi về cái việc đã làm tai tiếng và lỡ dở cả cuộc đời của Liệu. Tôi bắt buộc hành động như vậy vì không còn cách nào khác. Như thế là hèn nhát, là tàn nhẫn, nhưng mẹ tôi đau nặng ngoài Hà Nội, các em tôi còn nhỏ cả. Bây giờ Liệu đã biết tôi không có ý lấy Liệu làm vợ, Liệu có toàn quyền định đoạt”.

Đường quay gót đi ra cửa.

Đến cửa buồng thì Liệu gọi tên anh. Đường quay lại.

“Bao giờ anh lại vào đây?”

Liệu hỏi thẩn thờ như trong giấc mộng.

“12 giờ đúng. Tôi đã dự tính, tiệc rượu sẽ kéo dài đến 3, 4 giờ sáng. Còn tám món nữa mới đến tráng miệng. Nhưng Liệu hỏi để làm gì?”

Liệu đáp:

“Anh cứ làm đúng chương trình của anh đi”.

Hai người nhìn nhau giây lát. Đường quay trở ra. Tiệc rượu ồn ào bên ngoài.


10 đến 12 giờ. Ngồi ở buồng ngoài, giữa những tên cán bộ cộng sản ăn uống, cười đùa như phá, giữa những vỏ chai, những tàn thuốc, những màu khói, Đường nghĩ đến một cái đích xa vời bé nhỏ lúc đó là Hà Nội, là tự do và đến một người rất gần là Liệu, Liệu ở buồng trong, giữa cái đêm tân hôn kỳ lạ nhất của đời người đàn bà.

12 giờ kém 5. Đường lại giả vờ. Anh ngã thật mạnh vào tên Trưởng ty Công an.

“Ê, làm gì đấy! Chưa uống đã say hử?”

Đường tạo giọng nói ngất ngưởng nhất:

“Say thật đấy? Chẳng uống được… các anh ép tôi, các anh hại tôi…”

Giọng anh bét nhè thêm:

“Đêm tân hôn của tôi… các anh hại tôi…”

Cả bàn tiệc rung chuyển trong những tiếng cười tiếng thét. Tên Chánh án Quân sự hét thật to, cầm cả một vỏ chai đập thẳng vào mặt tường. Tiếng thuỷ tinh vỡ tan tành trên mặt đất.

“Thôi nó say, cho nó vào với cô dâu”.

“Cho vào! Cho vào!”

Đường đứng lên, càng giả vờ loạng choạng hơn:

“Thế còn các anh? Không, tôi ở lại…”

Chúng nó giậm chân, thét lên:

“Cho vào. Để mặc chúng tớ. Chúng tớ còn say tới sáng. Còn rượu cứ đưa đây là được rồi. Rượu đâu? Rượu đâu?”

Đường chỉ vào góc buồng. Giữa một đống vỏ không, còn đến gần 20 chai sâm banh chưa mở nút.

“Tốt, được. Thôi vào đi”.

Đường đi loạng choạng thêm vài bước nữa. Vừa qua cửa buồng, anh đóng nghiến cửa lại. Anh gục đầu xuống. Tấn kịch đóng với chúng nó từ chập tối làm anh mệt lả. Anh dựa đầu vào vách. Tiếng nút rượu mở lốp bốp bên ngoài. Tiếng cười, tiếng đập phá, tiếng thuỷ tinh vỡ. Một lát, Đường ngẩng lên lo lắng. Trước mặt anh, rất gần, Liệu đứng yên lặng. Liệu đã thay áo đen từ bao giờ. Cái áo cưới màu hồng vứt dưới đất, ở một chân giường.

Đường ngạc nhiên lại gần. Hai người nhìn nhau, rồi Liệu nói:

“Tôi bằng lòng để anh đi”.

“Tôi cám ơn Liệu”.

“Nhưng tôi cũng đi với anh”.

Đường mở mắt thật to. Điều này ở ngoài chương trình. Hai người trân trân nhìn nhau một lúc nữa. Sau cùng họ mỉm cười. Đường nắm lấy tay Liệu. Hai người cùng đi ra cửa sau.


Ra đến ngoài, vừa đúng 1 giờ đêm. Phố Vân Đình vắng tanh vắng ngắt. Lần đầu tiên trong mấy năm trời, đêm ấy không có cái bóng đen đứng rình ở bên kia đường. Chúng nó còn đang canh gác mấy chai sâm banh.

Đường dắt Liệu đi xuống bờ ruộng. Hai người cứ men theo thân lúa mà đi ra khỏi địa hạt Vân Đình. Tiếng cười nói từ một bàn tiệc nào cứ xa, cứ nhỏ dần rồi mất hẳn. Đường và Liệu đến một cánh đồng bát ngát. Đêm tối đen đặc chung quanh.

Liệu hỏi nhỏ:

“Ông Đường, mấy giờ rồi?”

“Thưa cô, ba giờ”.

Họ tự biết không còn là vợ chồng.

“Ở đây là đâu ông?”

“Lối về Văn Điển cô ạ”.

Hai người lại im lặng đi tiếp. Bàn tay Liệu nằm gọn trong tay Đường. Anh dắt người thiếu nữ đi men theo những bờ đất nhỏ. Yên lặng một đoạn thật dài.

Bỗng Liệu cất tiếng:

“Tại sao ông chờ mãi đến đêm nay mới cho tôi biết?”

“Tôi cũng thấy như vậy là không phải, nhưng tôi không dám tin cô. Sợ cô biết trước, câu chuyện dễ bại lộ”.

“Đúng”, Liệu nói vắn gọn “nhưng nếu tôi không thoả thuận thì sao? Tôi ở lại thì ông nghĩ thế nào?”

“Tôi chỉ định về một mình”.

“Ông có sự tính đến trường hợp tôi báo tên Trưởng ty Công an biết không?”

“Có. Nhưng đến lúc vào buồng lần thứ nhất trở ra, tôi có cảm tưởng cô sẽ không làm thế!”

“Ông tin ở cái gì chứ?”

“Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ ở cái nhìn, ở sự im lặng của cô lúc đó”.

Họ nói chuyện thì thầm với nhau suốt đoạn đường còn lại. Họ cũng cười khi nghĩ đến những tên công an cộng sản vẫn còn ngã nghiêng, vẫn còn tuý luý trong bữa tiệc thâu đêm và chúng vẫn yên trí rằng hai người còn ở buồng bên cạnh.

Đường thích thú về cái ý nghĩ chúng không thể nào ngờ được anh lại bỏ đi, đúng vào đêm tân hôn, Đường đã bỏ đi, Liệu đã giúp anh. Họ đã thoả thuận đổi một đêm tân hôn thành một đêm đi tìm đời sống và tự do ngoài khu vực tăm tối. Chỉ có một điều làm Đường băn khoăn là anh cho làm thế, anh đã làm hại đời Liệu.


Tờ mờ sáng hôm sau, hai người đến quận Văn Điển bình yên vô sự. Đường xin cấp giấy thông hành cho anh, cho Liệu. Xong xuôi rồi, anh đưa Liệu ra bến xe.

“Thôi bây giờ Liệu có thể về Hà Nội một mình. Chúng ta sống với nhau một đêm kỳ lạ nhất. Tôi cám ơn Liệu và tất cả. Tôi sẽ giữ những kỷ niệm đẹp nhất về Liệu”.

Người thiếu nữ nhìn anh qua khung xe. Đường lặng người, vừa ngạc nhiên, vừa cảm động. Nước mắt Liệu chảy ướt hai gò má. Liệu mỉm cười qua nước mắt:

“Anh tưởng anh bỏ em được ư? Anh sẽ gặp mẹ anh, các em nhỏ của anh. Nhưng em, em sẽ gặp ai? Anh đã làm xong xuôi kế hoạch của anh. Nếu bây giờ là kế hoạch của Liệu thì anh nghĩ sao?”

Đường sốt sắng:

“Tôi chịu ơn Liệu nhiều vô cùng. Liệu bảo gì tôi cũng làm. Liệu cũng có kế hoạch ư?”

“Có. Anh lên đây. Anh cùng về với Liệu”.

Hai người nhìn nhau rưng rưng. Đường lặng lẽ lên ngồi bên cạnh Liệu. Phía trước mặt họ, con đường số 1 chạy thẳng về một hướng thành phố.

Đường đã vượt khỏi biên giới của cộng sản. Đường không vượt được biên giới của tình cảm. Anh đã ở lại vĩnh viễn trong biên giới của người thiếu nữ.

Hai người hiện có mặt ở miền Nam.
Nguồn: Nguyệt san Tân văn số 32 tháng 12 năm 1970.


===

No comments: