Friday, November 21, 2008

MỘNG TUYẾT KHÔNG CÒN NỮA

====
Date: Fri, 13 Jul 2007 14:31:00 +1000
KIÊN GIANG - Nữ sĩ Mộng Tuyết, người còn lại của "Hà Tiên tứ tuyệt" (gồm Ðông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà) đã ra đi vào 8 giờ 05 sáng ngày 1 Tháng Bảy 2007 tại bệnh viện Ða Khoa Kiên Giang sau một thời gian lâm bệnh nặng. Báo Tuổi Trẻ đưa tin cho hay.

Di hài của bà được đưa về Hà Tiên quàn tại Nhà Lưu Niệm Ðông Hồ. Ðây cũng là nền cũ của Trí Ðức học xá do thi sĩ Ðông Hồ sáng lập năm 1926 mà nữ sĩ Mộng Tuyết chính là người học trò xuất sắc hơn cả.

Bài báo cho biết, nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Thái Thị Sửu - còn có các bút danh Hà Tiên Cô, Thất Tiểu Muội, Nàng Út, Bách Thảo Sương - sinh ngày 9 Tháng Giêng, 1914 ở làng Mỹ Ðức, Hà Tiên, nay là tỉnh Kiên Giang.

Ngoài nhiều truyện ngắn, thơ, kịch, tùy bút đăng trên các báo, bà còn dịch thơ và viết khảo cứu văn học. Sau tập thơ "Phấn hương rừng" (1939, được bằng khen của Tự Lực Văn Ðoàn), "Ðường vào Hà Tiên" (tùy bút, 1960), "Nàng Ái Cơ trong chậu úp" (tiểu thuyết lịch sử, 1961), "Truyện cổ Ðông Tây" (1969), "Dưới mái trăng non" (thơ, 1969)..., năm 1998, Mộng Tuyết xuất bản cuốn hồi ký "Núi mộng gương hồ" (ba tập, NXB Trẻ) ghi lại cuộc đời, sự nghiệp, những hoạt động văn học, văn hóa của bà và chồng là thi sĩ Ðông Hồ, cùng nhiều văn nghệ sĩ thân thiết khác.

Viết nhiều thể loại, nhưng Mộng Tuyết được biết chủ yếu như một nhà thơ. Thơ của bà, như Hoài Thanh từng nhận xét, "có một vẻ yêu kiều riêng."

VDN

Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội
Với Tùy Bút "Dưới Mái Trăng Non"
Hồ Trường An

Nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội là đứa con út trong gia đình sáu anh em nên trong thơ văn bà thường nói tới nhân vật Nàng Út thay vì xưng tôi ở ngôi thứ nhất trong danh xưng. Trước năm 1945, bà cộng tác với các báo ngoài Hà Nội như Tiểu Thuyết Thứ Năm, Trung Bắc Chủ Nhật, Hà Nội Báo, Tri Tân, Con Ong... và các báo Sống, Gió Mùa, Ánh Sáng trong Nam (Sài Gòn).

Vốn là học sinh ưu tú của Trí Đức Học Xá do nhà thơ Đông Hồ chủ trương, bà viết những bài văn nho nhỏ, góp lại thành quyển hợp tuyển văn chương "Bông Hoa Đua Nở" ký bút hiệu là Thái Nữ Mộng Tuyết để đăng ở Nam Phong tạp chí (1930). Sau khi bà Linh Phượng qua đời, ông Đông Hồ trước đó đã tái hôn lần thứ nhất với người chị ruột của bà Mộng Tuyết là bà Thái Nhàn Liên (tên thật là Thái thị Thân). Sau khi sanh cô con gái tên Lâm Yiễm Yiễm (đọc là cô Diễm Diễm), bà Nhàn Liên qua đời. Ông Đông Hồ tái hôn lần thứ hai với nữ sĩ Mộng Tuyết, cô học trò và cũng là cô em vợ của mình. Bà Mộng Tuyết còn làm môi giới để cho người cháu kêu mình bằng cô (về sau trở thành giám đốc nhà in Mặc Lâm) kết hôn với cô trưởng nữ Lâm Mỹ Tuyên của ông Đông Hồ. Bà Tuyên vốn là con bà Linh Phượng.

Bà Mộng Tuyết vào thời tiền chiến đã đoạt giải văn chương do nhóm Tự Lực Văn Đoàn tổ chức vào năm 1937. Quyển này không bao giờ được xuất bản. Ngoài ra, bà cùng ba nữ sĩ gốc Bắc là Hằng Phương, Vân Đài và Anh Thơ cùng đóng góp tập thơ "Hương Xuân". Bà cũng được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào quyển phê bình "Thi Nhân Việt Nam ". Ngoài ra, bà còn viết cho báo Nhân Loại trong thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh do Đông Hồ chủ trương.

Cũng trong thời chiến tranh Đông Dương, bà Mộng Tuyết cộng tác cho báo Ánh Sáng và tham gia vào tuyển tập thi ca "Thơ Mùa Giải Phóng" gồm nhiều tác giả nổi tiếng ở miền Nam vào thời Nam Bộ Kháng Chiến như Chim Xanh, Trúc Khanh, Phạm Từ Quyên, Từ Trẩm Lệ... Sau Hiệp định Genève, bà cộng tác với một vài tạp san nổi tiếng ở miền Nam như Nhân Loại (do nhóm Ngọc Linh chủ trương), Tiểu Thuyết Thứ Bảy (ở Sài gòn vào năm 1961), Văn Đàn, Văn, Bách Khoa... Năm 1960, bà cho xuất bản quyển tiểu thuyết dã sử "Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp" thi vị hóa cuộc diễm tình lệ sử giữa Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tích và nàng ái cơ Nguyễn Phù Cừ của ngài tại doanh trấn đất Phương Thành (Hà Tiên). Năm 1969, bà cho xuất bản quyển tùy bút "Dưới Mái Trăng Non". Năm 1973, bà cho in tập thơ "Gầy Hoa Cúc"... Đó là những quyển sách xương sống của bà.

Ở quyển bút khảo này, bút giả chỉ nói tới quyển "Dưới Mái Trăng Non", do Văn Nghệ (Sài Gòn) tái bản vào năm 1996.

Vào năm 1969, Lê Tất Điều cũng đã giới thiệu và nhận xét qua loa quyển tùy bút này trên nhật báo Tiền Tuyến. Quyển này ở lượt xuất bản lần đầu tiên chỉ đăng những bài văn xuôi. Thơ có chăng chỉ được lồng vào những bài văn xuôi coi như minh họa những điều mà tác giả muốn trình bày với độc giả. Hoặc đó là những câu thơ, những bài thơ coi như những viên kim cương hoặc những phiến bảo ngọc nạm trên những món bội hoàn chạm trổ tinh xảo, có tính cách trang trí cho đẹp bài viết. Nhưng khi do Văn Nghệ (Sài Gòn) tái bản vào năm 1996 thì tác giả thêm thơ và thêm nhiều bài tùy bút khác. Có thể là thơ trích trong thi tập "Phấn Hương Rừng" hoặc trong thi tập "Hương Xuân" hay thi tập "Thơ Mùa Giải Phóng". Cũng có thể là thơ lẫn văn xuôi trích từ các tạp chí văn chương vào thời tiền chiến hoặc dưới hai chính thể Đệ nhất Cộng Hòa và Đệ nhị Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam.

Trên hành trình thực hiện "Dưới Mái Trăng Non", bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội phải trải qua trên 3/4 thế kỷ. Vận sự này khiến chúng ta liên tưởng đến quyển nhật ký "Mes Cahiers Bleus" của nàng đại danh kỹ Liane de Pougy vào Thời Đại Mỹ Lệ (La Belle Époque) từ khi nàng đặt bút hoa lên trang thứ nhất màu lam ngọc của quyển nhật ký cho tới trang chót mà quyển sách hãy còn dở dang. Quyển nhật ký ấy cũng phải trải qua hơn nửa thế kỷ. "Mes Cahiers Bleus" giống như "Dưới Mái Trăng Non" ở chỗ viết về các văn nhân thi sĩ đương thời với tác giả. Nhưng Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội chơi trội hơn Liane de Pougy ở chỗ biết làm thơ, ở chỗ miêu tả những thắng cảnh với những nét tạo hình kiều diễm có thể khắc sâu vào ấn tượng và niềm hoài cảm của độc giả.

Tên thật của bà Mộng Tuyết bị hai ông Hoài Chân và Hoài Thanh ghi sai trong quyển "Thi Nhân Việt Nam ". Tên bà không phải là Lâm Thái Úc mà là Thái thị Sửu. Dù lai người Trung Hoa ba bốn đời, nhưng song thân bà vẫn nhiễm thói ăn nết ở của dân quê Nam Kỳ nên không đời nào đặt cho con gái họ một cái tên có ý nghĩa thâm thúy và kêu vang lảnh lót khi đọc lên được. Thuở xưa, dân Nam Kỳ không bao giờ đặt tên đẹp cho con gái mình, cốt tránh điều xui xẻo có thể xảy ra khi các cô ngọc nữ kia hãy còn thơ ấu.

Hồi tiền chiến, tác giả lấy bút hiệu là Mộng Tuyết. Kèm theo đó, bà còn lấy thêm bốn bút hiệu Nàng Út, Hà Tiên Cô, Bách Thảo Sương và Bân Bân Nữ Sĩ. Dưới chính thể Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, bà thêm 3 chữ Thất Tiểu Muội vào bút hiệu Mộng Tuyết thường dùng của mình. Nhưng dưới chế độ Cộng Sản, bà bị rúng ép phải trở về bút hiệu Mộng Tuyết suông trơn thuở trước.

Thơ văn bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội điệu đà, thêu hoa dệt gấm rất diêm dúa và sặc sỡ. Bà lại lấy cảm hứng ở văn chương Trung Hoa, dùng bối cảnh cổ kính của nước Tàu thời Trung Cổ, thời Cận Đại được vẽ trên tranh lụa, trên nền men ngọc của các món cổ ngoạn. Chúng ta không nên trách bà ngoại lai ở nếp sống và ở văn chương. Bà sinh trưởng tại thị trấn Hà Tiên có hồ thơ núi mộng, có những tòa kiến trúc theo kiểu lâu các đình viện của Tàu. Người xây dựng thị trấn này là Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu vốn người Minh Hương bỏ chế độ quân chủ Mãn Thanh để qua Việt Nam lập nghiệp. Từ một góc nhỏ hoang dã và man rợ đầy sơn lam chướng khí của miền Cực Nam đất nước, Cửu Lộc Hầu đã biến thành thị trấn Phương Thành (về sau mới đổi tên là Hà Tiên) với cách kiến trúc rất Tàu. Nhưng gia đình của bà cũng theo cách sống của thôn dân Việt Nam nơi Xóm Rẫy (vùng ngoại ô của Hà Tiên) nên văn chương bà có thể phản ảnh được rất nhiều nếp sống và phong thái của người Việt Nam.

Ông Đông Hồ cũng lai Tàu bốn năm đời gì đó. Ông yêu tiếng Việt, dân Việt. Nhưng trong tâm hồn ông vẫn bảng lảng chút khói hương thời Đường Tống của đất nước Trung Hoa. Cho nên ông tránh sao khỏi cái tính lập dị cá biệt. Tiệm sách của ông được đặt tên là Yiễm Yiễm Thư Trang, tiệm may của ông tên là Yiễm Yiễm Thương Điếm, nhà hóng mát của ông có treo vài giò phong lan được đặt tên là Vương Giả Hương Đình. Khu vườn của bên nhạc gia ông được đặt tên là Bách Phương Viên, rồi Úc Viên, mái hiên trên gác xép của bà Mộng Tuyết được gọi là Tân Nguyệt Hiên (Mái Trăng Non). Sau này, khi thiên cư lên Sài Gòn, ông mang theo những cái tên Úc Viên, Mái Trăng Non, Vương Giả Hương Đình tọa lạc đường Nguyễn Thái Học. Nhà ông có cái tên Đại Ẩn Am. Sau đó ít lâu, Yiễm Yiễm Thư Trang từ đường Nguyễn Thái Học dời qua Tân Định, gần rạp hát Moderne. Còn Đại Ẩn Am, Vương Giả Hương Đình, Úc Viên, Mái Trăng Non được dời qua Phú Nhuận, gần Hồ Tắm Chi Lăng; chính tại đây Đại Ẩn Am biến thành Quình Lâm Thư Thất. Khi ông qua đời được ít lâu, bà Mộng Tuyết thiên cư về Tân Sơn Hòa, đường Nguyễn Minh Chiếu mang theo Quình Lâm Thư Thất và Úc Viên đặt trên dẻo đất có cây cao bóng mát.

Các bạn dù có trách lối sống kiểu cách đôi uyên ương nghệ sĩ kia đi nữa, nhưng các bạn phải công nhận họ có nếp sống đẹp. Nhà họ không có bàn ghế bằng danh mộc, không có hoành phi, liễn son, liễn mun, không có các món ngoạn hảo quý giá. Nhưng nó có những tủ kính vĩ đại đựng sách như một cái thư viện. Lại còn có những liễn bằng giấy bồi ghi những bài thơ của ông Đông Hồ qua nét thủ bút sắc như lá lan của chính ông.

* * *

Trong bài Bạt "Vườn Dưa của Nàng Út" của quyển "Dưới Mái Trăng Non", bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội đã vạch rõ đường lối văn chuơng theo phái Duy Mỹ của mình như sau:

Vườn hoa nàng Út ngày nay không biết có tốt tươi xinh đẹp như vườn dưa nàng Út ngày xưa hay không và có rủ rê quyến luyến khách qua đường hay không, cái đó thì không làm sao biết được.

Duy, có một điều biết đuợc là nàng Út bây giờ hẳn không khờ dại mà để cho ông Hoàng nào trẩy hết cả vườn hoa quý của nàng.

"Dễ thường mình ích kỷ và hà tiện quá hay sao?".

Nàng tự hỏi mình như thế, trong lúc tay đang cầm chùm hoa "Thất tỉ muội" mới ngắt ở Bách Phương Viên, rứt từng cánh nhỏ thổi tung đi.

Gió quyện hơi thơm, nước trôi cánh đẹp, bay tới đâu, xuôi tới đâu và dừng lại nơi đâu, nàng cũng không làm sao biết được.

Nàng chỉ biết xin ai đừng đòi, ở bông hoa đó, những màu sắc diễm nùng với những làn hương nồng ngát say sưa.

Đó chỉ là những đạm đạm thanh thanh, những ý trinh dìu dịu, những ánh chiều mong manh và những tơ trăng mờ ảo, là những mở chầm chậm e dè của cành hổ ngươi.

Hãy gượng nhẹ và dịu dàng, xin đừng mạnh tay mà cành hổ ngươi khép lại.

(các trang 478, 479)

Trong bài "Đáp Lời Phỏng Vấn Văn Nghệ của Báo Bách Khoa", thêm một lần nữa bà xác định khuynh hướng văn chương của mình và vị trí của người đọc:

Mình chỉ viết cho mình, vì mình không phải nhà văn chuyên nghiệp cho nên đã để trôi qua biết bao nhiêu tình ý mà vì không cố công đuổi bắt nó, một khi nó lảng vảng đến mình.

Chỉ ghi lại những gì chín muồi như trái cây nhân sâm chín rụng, không biết dùng móc bạc mà hái nó, rồi cũng không biết dùng chậu vàng mà hứng nó thì e nó chui tuột hết xuống đất. Cảm hứng cũng mong manh, nhát tiếng động và ưa lẩn trốn như trái nhân sâm.
(trang 472)

...thơ nào cũng không nói được hết lời. Bèn nghĩ lối viết tùy bút. Và, thay vì làm thơ thì làm văn, với đúng nghĩa "làm văn", với quan niệm "làm văn" cũng phải khó khăn, cũng phải rèn luyện, cũng phải công phu như "làm thơ". Bài văn là bài thơ tự do không xuống dòng.

Và bài văn đó nhất định phải đẹp, phải đẹp như một bài thơ. Bài văn đó cũng phải điêu luyện, cũng phải trau chuốt, cũng phải là lời vàng tiếng ngọc để mà diễn tả ý ngọc tình châu.

Và còn đọc văn nữa. Đọc một bài văn lại cũng phải công phu như đọc một bài thơ.

Người viết đã dọn mình mà viết, người đọc sao lại không dọn mình mà đọc, dẫu rằng người đọc không cùng một quan điểm với người viết nữa.

Chiếc vòng ngọc thạch, hoặc rộng hoặc hẹp, không vừa với cổ tay mình, nhưng mà nó vừa vặn với cổ tay người khác, thì mình dẫu không đeo nó, cũng phải biết thưởng thức đúng với cái đẹp của nó ở cổ tay của giai nhân không phải là mình.
(trang 473)

Tôi được đọc cuốn "Đời Viết Văn Của Tôi" của Học Giả Nguyễn Hiến Lê, tôi đã tiếp xúc với Tiến Sĩ Thái Văn Kiểm, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Họ đều khen ngợi văn phong và cách diễn tả của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội. Óc quan sát của bà thật tinh nhuệ, thật bén nhạy và thật mãnh liệt. Những sự vật tầm thường dưới ngòi bút của bà trở nên linh động dị thường. Xin cùng đọc đoạn bà viết sách quốc cấm duới thời Pháp thuộc bị đốt cháy:

Ánh lửa bập bùng trong lò cuộn khói. Ngổn ngang đống giấy, trang chữ in, đang bị ngọn lửa xanh, cháy xém. Lửa liếm tới đâu, tờ giấy như thun mình lại, uốn éo. Phồng lên, co dúm, quằn quại như có tri giác, né tránh sức bạo tàn thiêu đốt.

Nhưng mà ngọn lửa bạo tàn có ngừng lại cho đâu. Một cái cử động nhỏ của que cời, đã giúp cho sức hung hăng, vừa khói vừa lửa, kiêu hãnh vươn cao gần tới nóc nhà bếp.

Út không dám có một lời nào, một cử chỉ nào: cô đứng im như tượng đá mà nhìn trân trân đống lửa.

Út thấy lòng bồi hồi đau xót. Ruột gan như cũng uốn mình chống trả lại với một quặn thắt vô hình, thần kinh như cũng co giãn theo mỗi chuyển mình của mỗi tờ giấy.

Trang giấy trắng tinh nổi rõ hàng chữ mực in, lần lần ngã sang màu vàng, dưới lưỡi lửa xanh lè ám khói, rồi mới cháy bùng lên.

Lửa ngọn hạ thấp dần, khói đen nhạt dần, những tờ giấy trở thành than đen nhánh. Kiếp giấy, than ôi đã mỏng, mỏng như phận mỏng cánh chuồn, nhưng mà tờ than của kiếp sách nó còn mỏng manh hơn mấy kiếp cánh chuồn chuồn.

Cô Út muốn đưa tay gom lại những tờ than giấy còn lờ mờ nổi những chữ mực in kia. Nhưng mà trong lòng khối than giấy, lửa hãy còn âm ỉ. Lửa chưa hóa được những tờ kia thành tro bụi, lửa đâu chịu tàn cho.

Lửa hãy còn đốt phá ngấm ngầm cái mỏng manh hết sức mỏng manh của tờ than giấy.
("Đốt Sách", các trang 213, 214)

Qua đoạn trích dẫn trên đây chúng ta đã thấy cái tâm hồn nghệ sĩ của tác giả sâu sắc, thắm đượm là dường nào. Một nhà văn tài nghệ tầm thường làm sao có thể nhìn thấy cái đẹp tiềm ẩn và thấm nhuần trong cái chết chóc tàn hủy, trong những sự vật chưa phải là vưu vật và cũng không phải là kỳ quan hay thắng cảnh. Vậy mà tác giả dùng cách diễn tả rất thơ, tưới tẩm ngôn từ diễn tả bằng những rung cảm kỳ diệu để biến chúng thành chất liệu quý báu cho văn chương. Cho nên cảnh đốt sách quốc cấm dưới thời Pháp thuộc ấy một khi đi vào văn chương của bà nữ sĩ đất Hà Tiên đó cũng trở thành ra một bài bi ca (poème saturnien) diễm lệ.

Văn phong như thế này dù có ưỡn ẹo thật đấy, nhưng chẳng những nó không dơ dáng dại hình mà còn có nét đẹp riêng, song song với cái đẹp cổ kính của lụa vẽ nhung thêu xen lẫn cái đẹp của trời nước, của trăng sao, của hoa đồng cỏ nội trong các bài tùy bút khác. Nguyễn Tuân trong "Vang Bóng Một Thời" tuy điệu đà mà vẫn giữ khí phách ngang tàng của tay giang hồ mã thượng. Xuân Diệu tuy có ưỡn ẹo trong thiên tùy bút "Phấn Thông Vàng" nhưng biểu dương những niềm rung cảm bén nhạy đối với cuộc sống hẩm hiu, đối với những con người bất hạnh, đối với cảnh vật thê lương. Cho nên không ai lấy làm lạ rằng hai ông Nguyễn Tuân và Xuân Diệu trở thành tri âm tri kỷ của bà từ thuở nước nhà chưa ngún ngòi lửa chiến tranh (bắt đầu từ Đệ nhị Thế Chiến). Nhưng nói chung, cái điệu đà trong văn chương của Nguyễn Tuân chỉ là màu đạm hồng phơn phớt, còn cái điệu đà trong văn xuôi của Xuân Diệu là màu hồng đào tươi sáng, còn cách diễn tả uốn lượn uyển chuyển trong các bài tùy bút của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội là màu hồng ngọc thắm thiết và sáng long lanh. Tự bấy lâu nay, có vài "phê bình gia" chê văn phong điệu đà của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội một cách phiến diện bất công. Họ không sao giấu được chân tướng của loại người có tâm hồn hạn hán và có tâm địa hạn hẹp không thể mở rộng để đón nhận những sắc thái đặc biệt của văn chương nghệ thuật. Họ ưa dùng đao tao búa lớn để chém ngã những công trình tinh tế của một nhà văn vì quá mê say cái Đẹp nên không tự chủ lúc cầm bút, nên tạo ra cách diễn tả hoa gấm kiêu sa cho văn phong của mình. Chém ngã như thế, các tay phê bình bạo dâm kia chứng tỏ ta đây trượng phu, ta đây uy mãnh và hào hùng, ta đây khinh thường loại văn chương nghệ thuật chỉ dành riêng cho phụ nữ thích làm dáng, thích nũng nịu với cuộc đời. Nhưng họ bị cái ép-phê ngược: họ càng để lộ cái căn tính hẹp hòi cùng khiếu thưởng ngoại chai sượng và khô cứng, không thể thẩm thấu chất mật ngọt và hưong thơm cùng những phong vị tuyệt vời khác trong cuộc sống.

Viết tùy bút, nhà văn có thể dùng mọi thứ ngôn ngữ. Mai Thảo dùng ngôn ngữ trừu tượng và huyền bí pha lẫn những ngôn từ triết học, ngôn ngữ dành riêng cho thơ. Nguyễn Tuân và Xuân Diệu dùng ngôn ngữ dành cho cách viết truyện ngắn nhưng cả hai vẫn dùng vài ngữ pháp kiều diễm, vài ngôn từ thơ mộng để trang sức cho bài viết thêm sinh sắc. Có buồn cười chăng là ông Thi Vũ Võ văn Ái viết đoản văn, tùy bút, bình luận thời cuộc bằng ngôn từ do chính đuơng sự biến chế ra hoặc những ngôn từ có trong tự diển chấp vá với chữ mà đuơng sự moi móc ở đầu Tề đít Lỗ nào đó. Bài viết vì thế tuy có khua động rổn rảng nhưng vì ý tứ nghèo nàn kém cỏi nên trở thành kệch cỡm. Những ngôn từ như thế chỉ là những lớp son phấn lòe loẹt không sao che giấu gương mặt rổ chằng chịt. Trong khi đó, ba Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội dùng ngôn từ thi ca để viết tùy bút. Cho nên mỗi bài tùy bút của bà là một bài thơ bằng văn xuôi đúng hơn.

* * *

Ở các bài tùy bút, bà Mộng Tuyết vận dụng óc quan sát tối đa. Cộng thêm tính mẫn cảm, bà vạch nên những nét tạo hình sắc sảo trên vận sự được miêu tả. Trước hết xin đọc những nét mô tả khái quát như những nét phác thảo, nhưng vẫn là những nét sắc sảo cứa mạnh vào ấn tượng người đọc. Đây là thú đãi khách uống trà:

Chén trà đã quyện hương rồi. Đó là những cánh trà đen, to và thô, pha từ

nước thứ hai có mùi hoa mộc, từ nước thứ ba có mùi hoa thúy lan. Đó là loại trà Thiết Quan Âm, Thiết La Hán của Phúc Kiến mà tác giả "Những Cái Ấm Đất" công khó từ Hà Nội gửi vào.

Các thứ trà đó, uống nó, người ta phải có những chén tống, chén quân, những cái ấm chuyên, ấm đồng; nhưng nay vì đông người quá, người ta phải làm lối ngưu ẩm, pha cả bình.

Biết vậy, cô chủ nhân cái Yiễm Yiễm Trà Thất đã cẩn thận chọn bỏ ra, từ chiều những cánh trà già màu hơi vàng và đã tự tay nấu nước cho vừa độ, và tự tay pha lấy giữ cho hương trà không hao kém đi.
("Khói Trà Hương Đượm Chén Trùng Phùng", trang 194)

Trong "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần, đạo cô Diệu Ngọc pha trà bằng tuyết đọng trên cánh hoa mai trong vườn chùa Huyễn Mộ Phiền Hương. Trong "Những Cái Ấm Đất" của quyển tùy bút "Vang Bóng Một Thời", Nguyễn Tuân nói về cách pha trà bằng nước giếng chùa Đồi Mai và bằng sương đêm đọng trong lòng sâu của lá sen (trong bài "Chén Trà Trong Sương Sớm").

Bà Mộng Tuyết thì không pha trà cầu kỳ như thế. Nhưng bà đã tìm được hương vị trà pha ở nước thứ nhì và ở nước thứ ba. Khưu giác bà phải tinh nhuệ lắm.Và để tiếp theo, xin đọc một đoạn về việc se đôi bạch lạp trong bài "Đêm Bất Dạ" như sau:

Sáp lấy ở Ngan ong, làng Dương Hòa, là tốt có tiếng. Ngan ở đây là một cánh rừng to, mọc toàn cây dá và cây vông, đặc biệt là tư niên, có ong đến đó làm tổ khắp giải rừng.

Sở phong ngạn là triều đình chúa Nguyễn cấp làm đất hương hỏa đời đời cho dòng họ Mạc đã có công khai trấn đất Hà Tiên.

Năm năm có người thầu, đóng hoa lợi cho làng để cung việc tế tự.

Sáp lấy ở rừng này quý là vì ong chỉ ăn thuần một giống hoa, không ăn tạp giống hoa khác, cho nên chất sáp có một màu trong và một vị thơm đặc biệt.

Hai bát sáp úp vào nan, no tròn, trong ngon mắt như cặp bánh dầy trắng mịn.
(trang 133)

Sau hôm mồng bảy, hạ cây nêu trước nhà rồi, là cụ Hương lo việc đan tim (tức là bấc đèn) và phơi sáp. Trước nhất là thái sáp thành lát mỏng, chắp lại thành từng cái dĩa bàn, đem phơi giữa lúc nắng to. Rồi cả nhà, anh Ba, anh Tư cùng góp tay vào việc cho lửa nhồi sáp, nắn cho sáp được nhuyễn mềm.

Việc quan trọng là đặt tim vào lòng sáp. Cả khối sáp mềm vừa lăn đè lên trên tấm ván, đặc biệt để dùng xe đèn, vừa nắn cho nhanh và đều tay khối sáp dôi ra bao bọc đều vừa hết sợi tim đèn. Nắn sửa lại cho tròn thành cây đèn ngay thẳng, xong thì lớp vỏ sáp cũng từ từ se nguội. Tưới một ít nước lã vào, lăn thêm ít ngoai, là sáp cứng lạnh.
(trang 134)

Chúng ta đã bắt gặp những gì trên 2 đoạn trích dẫn này? Một chút khói sương và một chút óc quan sát trong tùy bút "Vang Bóng Một Thời" của Nguyễn Tuân có phải? Một niềm tha thiết bền sắt tươi son với vang bóng thời xa xưa trong văn chương của Vũ Bằng ở quyển "Mê Chữ" có phải?

Bước qua lãnh vực ấn loát, sách ốc, tức là qua lãnh vực kỹ nghệ khô khan, tác giả vẫn tìm được khía cạnh thơ mộng, một bản sắc kỳ đặc để mô tả. Chẳng hạn về giấy in, bà vạch những nét tạo hình tuyệt vời như sau:

Ôi thú vị thay! Người trần biết ký thác tâm tình tư tưởng họ trên những trang giấy thơm đẹp.

Mềm mại trắng tinh của tờ ngọc khấu, tờ cống xuyên nước Tàu thuần phác; xốp nhẹ dễ yêu của tờ Bouffant, óng mỡ dịu mắt của tờ Velin, nhẵn láng mát tay của tờ couché phương Tây máy móc. Thanh nhã thay chất nhung tơ của phẩm giấy Phù Tang và cao quý thay Dó lụa Việt Nam !...
("Con Gái Út Nhà Trời Thác Sinh Làm Nàng Mọt Sách", trang 181)

Cũng viết về giấy, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội không quên nhắc tới Nguyễn Tuân, nhà văn viết tùy bút vĩ đại nhất thuở tiền chiến đối với tâm tưởng của bà:

... Bao nhiêu thư từ sách vở anh gửi cho từ năm 1939 đó, tuy không còn giữ đủ được, nhưng nội dung và kỷ niệm không thể phai mờ.

Lúc anh cho in quyển "Vang Bóng Một Thời" lần thứ nhất, anh gởi vào cho hai bản đặc biệt. Một bản lụa Dó dầy đựng trong hộp bằng đủi tơ vàng óng. Anh đề: "Gởi Tuyết muội muội" và bản kia cũng loại đặc biệt bằng giấy Bouffant impérial à la cuvée (có đóng triện son "Gió đã lên" với cánh buồm no gió và mảnh trăng liềm), anh đề tặng:

"Kính gởi Đông Hồ Lâm nhân huynh
"Hồ Tây, quí xuân Canh Thìn (1940)".

Trong quyển giấy đó, anh kèm theo lời là phải rọc cách nào cho có "nhung tơ óng mỡ". Thế là tôi phải thỉnh giáo lại. Anh dạy lấy khăn ướt lau cho ẩm ba bờ sách rồi mới dùng dao cùn mà rọc.
("Mưa Dầm Tháng Bảy", trang 415)

Những sự vật mà tác giả đã được mắt thấy tai nghe dĩ nhiên được óc quan sát của bà soi rọi, được óc thẩm mỹ và óc tế nhị của bà nếu không tô hồng chuốc lục khi gặp cảnh sắc xứng ý thì cũng làm cho chúng linh động hẳn lên, biến thành chi tiết hay toàn cảnh của một bức tranh sống.

Thì đây! Chúng ta cùng ngắm cảnh Đông Hồ dưới ánh trăng đêm rằm Nguyên Tiêu trong "Đêm Bất Dạ":

Rằm tháng giêng... Tết đã qua mười lăm ngày rồi. Phong vị Tết đã nhạt dần từ hôm mồng ba mồng bốn...

Chiều hôm nay, lòng bỗng nôn nao. Dư vị của ba ngày xuân còn lắng đọng, tự nhiên như phơi phới dâng lên.

Trẻ con lại được giở ra quần áo mới. Người giai nhân dự bị, từ sáng sớm, để hưởng một đêm Tết Có Trăng.

Mặt trời khuất sau tấm màn gió biếc của rặng Bình San thì bên kia Đông Hồ, vành trăng cũng từ từ nhô lên khỏi nước. Một cái ấn vàng đóng tròn trên mặt gương ngọc.
(các trang 131, 132)

Toàn cảnh bao la được thu nhỏ vào một khu vườn của tác giả ở Xóm Rẫy cũng vào một đêm trăng tròn, nhưng không phải vào những kỳ rằm; nơi ấy có một bông hoa quỳnh hé nở:

Một đêm kia, hình như không phải là đêm rằm mà sao bóng trăng tròn trĩnh quá! Nửa mái nhà và một góc vườn ngập ánh trăng.

Đâu đây, thoang thoảng mùi thơm. Một mùi thơm là lạ, vương vướng có hơi bạch đàn hương, thanh hải hương và một chút ngọc quế hương.

Trăng diễm ảo, mùi thơm càng diễm ảo hơn. Trăng đã cao và sáng hơn. Mùi thơm theo độ trăng càng náo nức hơn.

Nàng Út say sưa gần như cuồng loạn. Nàng chạy khắp vườn.

Hương vương trong lá, hương rớt trên đường, hương tràn ngoài ngõ, hương vương trong tơ trăng. Ôi! Hương! Hương! Hương tràn ngập!

Gió thổi vờn làn tóc, Nàng Út nghĩ thầm: "Hay là gió quyện hơi thơm từ một lãng uyển nào về?".

Mùi thơm huyền diệu quá. Hoa hoa, lá lá, cả vườn thao thức say hương.

Chớp mắt một cái, Nàng Út thấy mình đứng trước chậu hoa Quỳnh. Theo thói quen, nàng ngồi lại bên hoa, vuốt ve mấy cái lá xanh già.

Nàng ngạc nhiên nhìn chồi hoa đã cao lớn lên lúc nào. Và bài thơ chữ thảo li ti bên bức tranh lờ mờ khắc trên men ngọc chậu sứ, nàng cũng nhận rõ ràng. Nàng đọc mấy chữ thơ mà mọi khi phải soi kiếng cũng không tìm đủ nét.

"Nhứt chi nùng diễm lộ ngưng hương"

Cái dáng dấp Dương Quí Phi tựa nghiêng bên gác trầm hương dường như phấp phới.

Nhưng mùi hương sực nức đã gọi Nàng Út ngẩng lên, không cần phải ngửi một hơi dài, nàng cũng cảm thấy mùi hương ngạt ngào, ngập tràn trong buồng phổi. Nàng đưa tay vạch một kẽ lá và kêu lên:

- Ô! Một bông hoa Quỳnh hé cánh.

Cuống hoa xanh màu hoa lý từ trong nách một kẽ lá trổ ra. Những cánh đài hoa còn vương vướng có gân xanh đã nở bung dần. Ở trong còn bao lớp tuyết nhung ngậm kín.

Sung sướng và say mê, Nàng Út yên lặng ngồi rình. Nàng không dám thở mạnh, sợ làm tan một cái gì mỏng manh, mỏng manh lắm. Ôi, còn gì mong manh hơn sự mở cánh của quần phương!

Trăng cao cao dần, hoa hé hé dần. Ai đã đem tơ trăng huyền ảo mà buộc vào những cánh thần hoa? Những cánh trắng hơn tuyết, nõn hơn nhung, trong hơn vân ngọc, mịn hơn vân ngà. Làn u hương kỳ diệu đồng thời toát theo từng cánh mở của bông hoa.
("Úc Viên Ký", các trang 279, 280, 281)

Có thể có vài bạn độc giả thắc mắc: trăng sáng tới mức độ nào mà tác giả thấy nét chữ thảo trên nền men ngọc của chậu hoa, thấy màu sắc của cuống hoa, đài hoa và cánh hoa? Nhưng mà ai ai cũng phải tin rằng dù dưới ánh trăng chưa tới kỳ rằm, cái phàm nhãn của tác giả tuy không thấy rõ ràng và tách bạch nét chữ của bài thơ trên nền men của chậu hoa cùng hình ảnh và màu sắc của bông hoa đang nở, nhưng con mắt của tâm hồn bà cộng với ấn tượng của bà do một cảm giác mãnh liệt và đột xuất khơi dậy, khiến bà thấy những đối tượng ngoạn mục và thơ mộng kia. Do đó, trong văn chương, chúng ta có thể ý thức thêm một điều then chốt: nhìn cảnh đẹp đâu phải chỉ nhìn bằng mắt mà còn phải nhìn bằng tâm hồn.

Càng thu nhỏ hơn nữa, đó là những vật tầm thường như cái bánh qui bằng bột nhuộm đỏ dành để đãi Nguyễn Bính được bà ghi giống như "chiếc ấn son". Những chiếc đèn lồng bằng dưa hấu (qua đăng) cũng đươc bà mô tả vừa kỳ đặc vừa sống động:

Trước nhất, cụ Hương bảo cắt mặt dưa, dù đỏ hay không đỏ cũng cứ để nguyên quả dưa mà móc bỏ hết sạch ruột đi. Quả dưa đã biến thành một cái đáy bụng của chiếc hồ lô. Rồi cụ dùng mũi dao sắc nhọn tỉa gọt, chạm sâu vào những nét lan, nét trúc, cánh bướm, bài thơ, trên mặt vỏ dưa. Bỏ vào bồn nước, ngâm giữ cho vỏ dưa đừng héo.

Trăng giải khắp. Trong vườn Muôn Hương, dưới cành, trong lá loáng thoáng những quả lồng đèn dưa, nổi bật trên nền vỏ xanh, lọc ánh sáng thành một màu xanh ngọc bích.

Chiếc đèn to, trổ theo kiểu nhất thi nhất họa của cụ Hương, treo giữa hiên. Những chiếc khác của các anh cũng chạm khắc theo lối đó, những ai không kẻ được đủ cả một bài thơ, bằng lối hành khải thư, như chiếc đèn chánh. Chỉ tỉa một đôi câu:

"Nguyên tiêu thiên bất dạ
"Đối cảnh phú Tràng An".

Hoặc chỉ có ba chữ "bất dạ thiên" hay bốn chữ "nhất khắc thiên kim" theo lối lệ triện.

Riêng có chiếc đèn của Nàng Út thì cụ Hương cũng vạch phá cho mấy nét hai chữ "Úc Viên", rồi để cho Út tự gọt lấy. Ngoài nét chữ ra, Út còn móc thêm những điểm sao rơi và những liềm trăng non. Chiếc Úc Viên Đăng được treo trên cành mai gie trước cổng, có dán đôi câu đối viết trên giấy hồng đơn.

"Thế thượng mai hoa vô song phẩm
"Nguyệt trung đan quế đệ nhứt chi".

* * *

Rất nhiều lần, bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội dựng những cảnh rất sống động, rất linh hoạt trong giấc mộng, trong câu truyện kể, trong truyện truyền kỳ. Nhưng mà, những khải tượng (les visions) trong chiêm bao hay trong ảo ảnh, trong tuởng tượng có cái nào mà không bắt nguồn tự sự thật?

Bởi sinh trưởng ở Hà Tiên, tác giả đã từng thấy đồng cỏ, rừng núi, ao suối, khe ngòi nên trong thiên tùy bút "Mộng Xanh", bà dựng một phong cảnh trong giấc chiêm bao như sau:

Hà mơ thấy mình, như ban ngày, cùng con cháu bé đang thơ thẩn bên bờ Đông Hồ. Là bờ Đông Hồ, nhưng sao lại thấy một cây cầu bắc qua một cái suối con, nước chảy róc rách. Bước lên cầu. Cầu nhúng nhính. Qua bên kia suối, thì là một cảnh là lạ. Ngoảnh lại, nhìn chung quanh thì chỉ đứng đó một mình. Không nhận ra lúc ấy là ban chiều hay đêm trăng. Hà chỉ thấy bóng sáng mát giọi đều trên mặt đất, trồng toàn một thứ cỏ xanh mát như nhung. Những con đường mờ mờ trắng chạy viền đều trên mặt cỏ.

Hà chạy tung tăng khắp các con đường. Đường không có sỏi đá, êm chân như trải bằng thứ cát lạ ở cõi tiên.

Đi mãi đến bên một cái đồi con. Những con nai, con hươu trên đầu mang cả một nhánh cây khô, ung dung ăn cỏ bên sườn đồi. Đồi cũng toàn một màu xanh rờn rờn, lưa thưa có bóng rợp của tàn cây mát rượi.

Cô đứng lại, lắng tai nghe như có tiếng gió và tiếng chim.

Bên kia đồi, vài con thỏ vui đùa chạy giỡn, trông như những khối bông trắng tinh lăn trên thảm biếc.

Trèo lên ngọn đồi, ngó chung quanh, thấy toàn một màu xanh ngăn ngắt bạt ngàn. Vô số những cây liễu, cây dâu, những cây cỏ không hoa mà cũng không tên.

Hà đến bên cái biển cạn xây bằng cẩm thạch. Đá xanh, nước lại xanh hơn, làm xanh lây đến những con cá bơi lội trong hồ.

Màu xanh mát trong của nước như quyến rũ. Tự nhiên, Hà đưa tay cởi bỏ dần khuy áo... Giựt mình, ngừng tay, khép áo lại, ngơ ngác nhìn quanh...
(các trang 101, 102, 103)

Tác giả chỉ nghe người trưởng thượng kể lại vận sự ông nội của mình dong thương thuyền đi biển gặp con quái ngư khổng lồ cỡ chiếc tàu cũng đủ để bà dựng nên một hoạt cảnh sống động. Vận sự thì có thật. Nhưng hoạt cảnh vẫn là sản phẩm óc tưởng tượng phong phú của kẻ làm văn chương.

... Mũi tàu còn cách con cá không đầy trăm thước, đang lừ lừ tiến đến, chợt nghe ầm ầm quẫy mạnh đàng đuôi, cánh vi trên lưng cá như hướng nhích qua một bên. Đứng trên tàu, nhìn thấy chiều cạnh của cánh vi khổng lồ đó.

Ông nội tôi có tia hy vọng. Ông truyền cho bác tài công vững tay lái, cho tàu hướng trịch mũi về bên kia để tránh đà tiến của con cá.

Sóng nổi ồ ồ, cuồn cuộn, lớp lớp trùng trùng chuyển tới, tràn ngập cả sàn tàu.

Bây giờ mũi tàu đã tránh lệch khỏi được đường tiến con cá. Mũi tàu và lưng cá sắp sửa vượt trái nhau theo chiều dọc.

Cánh vi cá và cánh buồm chiếc tàu đã song song cao ngang nhau, cách không khoảng mười thước. Lưng cá cọ sát vào sườn tàu. Mình tàu nghiêng hẳn về một bên. Nước tràn ào ào. Người trên tàu chạy đổ xô về bên phía trên, bên mạn thuyền cá vượt qua.

Ôi chao! Những mảng vẩy bông tròn tròn, xậm xậm nổi rõ trên lưng cá bằng từng chiếc nia to.

Ông nội tội đã nhận ra đó là một con cá có vẩy to lớn vô cùng. Chiều cái vi trên lưng nó đã ngang với buồm tàu, thì cố nhiên, mình con cá cũng dài không kém chiếc tàu đâu.

Con cá vuợt qua khỏi, thình lình, đuôi nó quẫy mạnh một cái rồi nó đi thẳng, làm chiếc tàu quay tròn mấy vòng như vỏ quả trứng thả vào chậu nước đương xoáy.

Tuy vậy tàu cũng từ từ yên lại. Mọi vật trong tàu đã xáo trộn ngã đổ cả. Nhìn sau mui lái, thì bác tài công, vì cố kềm ghì giữ tay lái cho vững, khi cá quẫy, bị cần lái đập vào người, ngã ra bất tỉnh.
("Ông Đạo Lập Quá Hải", các trang 356, 357, 358)

Về con quái ngư khổng lồ, bà chỉ tả đôi dòng nhưng cũng đủ gợi những nét tạo hình thật sắc sảo khắc sâu vào ấn tượng độc giả như cổ nhân khắc chữ lên bản in hay khắc dấu triện son trên gỗ, trên đá, trên đồng:

Nó không phải là cá xà cá mập, loài cá không vẩy, mình trơn, vi thấp. Đàng này, vi cá cao ngất như buồm cánh dơi, mình có vẩy đốm hoa to bằng chiếc nia.

Thì rõ ràng là loại cá mú khổng lồ. Cá mú mà ta thường thấy, mình nó tròn, lốm đốm hoa vàng, hoa nâu. Kỳ to, vi lớn, đuôi dẹp xòe ra như cánh quạt, miệng to, hàm rộng, mang phồng. Những con nho nhỏ mà ta trông thấy đã khỏe đẹp lắm. Nó cũng thuộc vào loại kình nghê mà sách Trang Tử đã nói đến đến trong thiên "Đại Tiêu Dao".
("Ông Đạo Lập Quá Hải", trang 358)

Ở truyện "Con Gái Út Nhà Trời Thác Sinh Làm Nàng Mọt Sách", khúc đầu, bà Mộng Tuyết chỉ cần quan sát con mọt sách để mô tả hình dáng của nó. Khi nó biến thành giai nhân thì bà chỉ cần dùng óc tuởng tượng phong phú của mình để nối bút cho đến đoạn cuối truyện. Ít có ai quan sát một con côn trùng bé tí ti và tầm thường như loại con sâu cái kiến kia để tả cho thật đặc sắc và thật đẹp như bà.

Lật bìa bọc da hãy còn nguyên vẹn, thấy hiện trên tờ sách những vết li ti. Vết nhấm tròn tròn như hình mặt trăng, cong cong hình bán nguyệt, góc cạnh hình ngôi sao, đủ cả. Sinh soi lên đèn, từng tờ lỗ chỗ, thấy như da trời đêm tối lốm đốm sao thưa. Tay lật nhanh lên để xem các dấu thủng đã suốt sách chưa.

Đến gần tờ cuối, một con hai đuôi thon thon hình thoi, độ hai phân dài, mình vương vướng phấn nhung tơ, sau cùng có hai sợi lông đuôi vót dịu. Con vật lui chui tìm chỗ trốn, lủi mau vào kẹt giấy chưa kịp ẩn vào đâu. Bực tức, Sinh định gấp sách lại thật nhanh cho nó chết bẹp, nhưng chàng chỉ lấy ngón tay chận lại. Ngón tay dí trên mình con vật, chàng định ấn mạnh xuống, rồi lại sợ bẩn trang sách quý. Hơi ấm nóng trơn trơn, nhung nhúc tự dưng làm chàng giở tay lên; con vật chậm rãi bò chui vào lưng sách, vẽ một vết mờ ngòng ngoèo theo dấu bò đi, và để vướng lại trên ngón tay chàng một tí phấn óng mỡ.

Sinh rút khăn định lau vết phấn trên ngón tay, thì lạ thay, vết lông tuyết nhung đã lan khắp lòng bàn tay mà mảnh khăn chàng cầm là một mảnh lụa phớt xanh ướp phấn. Như người bàng hoàng chưa tỉnh, Sinh nhắm mắt định thần...

Khi mở mắt ra thì, đối diện với chàng là một giai nhân tuyệt sắc, là một tiên nữ yêu kiều lững thững xiêm y phớt xanh mình phấn, y như mảnh lụa chàng vừa nắm trong tay, lướt thướt sau lưng, vạt áo chia đôi óng nuột.
(Các trang 183, 184)

Ở đoạn văn này, cũng như nhà văn nữ Nguyễn thị Hoàng, bà Mộng Tuyết tả con vật và tả người sắc sảo mà không chói mắt, lộng lẫy mà không ruờm rà. Đó là trường hợp một thợ thêu khéo, chỉ dùng kim tuyến và ngân tuyến thêu trên nền nhung mịn màng, chứ không thêu trên nền gấm vì vóc gấm chẳng những bóng lộn mà còn dệt hoa bằng hai thứ chỉ lóng lánh ấy sẵn rồi. Đây là cuộc pha trộn màu sắc có hòa điệu.

* * *

Thú vị nhất là những bài được bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội viết về những văn gia thi sĩ mà bà đã từng quen biết. Đó là những bài dành riêng cho quyển tùy bút "Dưới Mái Trăng Non". Đó là nhà chí sĩ Sở Cuồng Lê Dư, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (bút hiệu Đồ Nam Tử, tác giả quyển sách lừng danh "Quả Dưa Đỏ"), cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà văn Nguyễn Tuân, Lê Thanh v.v.. trong bài du ký "Hà Nội Tây Thi". Đó là cụ Đồ Nam Tử thêm một lần nữa xuất hiện trong bài "Gặp Tác Giả "Quả Dưa Đỏ", Cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật". Đó là nhà văn Lê Thanh đã từng cộng tác với báo Tri Tân lần thứ hai hiển linh trong bài văn tế khoác áo tùy bút "Tơ Duyên Dương Liễu". Đó là nhà thơ Nguyễn Bính trong bài "Để Nhớ Nguyễn Bính Những Ngày Ghé Bến Hà Tiên". Đó là Nguyễn Tuân tái xuất hiện trong bài "Mưa Dầm Tháng Bảy". Đó là Xuân Diệu cùng Huy Cận, kẻ chết người sống cùng họp mặt trong bài tưởng niệm bằng thơ "Để Nhớ Anh Xuân Diệu"...

Cộng tác với tạp chí Nam Phong do cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh chủ trương, ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết bắt đầu quen hầu hết với các tao nhân mặc khách, các danh sĩ đương thời hai miền Trung Bắc. Lại nữa, giải thưởng Văn Chương do nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đã đẩy tên tuổi bà xuyên suốt đất nước Việt Nam. Dù thuở đó có con thiết lộ Xuyên Việt, nhưng trước khi viếng Hà Nội, hai danh sĩ đất hồ thơ núi mộng của miền Tây Nam nước Việt ấy chỉ biết các bạn văn của mình qua cuộc trao đổi thư đi tin lại. Chính chuyến thăm thành quách Thăng Long vào năm 1939 đã giúp cả hai gặp gỡ các người cầm bút ngoài đất Bắc. Đôi bên không còn "văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình" nữa. Đôi bên được tiếp xúc lẫn nhau, đã có kỷ niệm đẹp cho nhau. Đó cũng là thời kỳ Nhật dội bom xuống Đông Dương và lăm le nuốt chững Đông Dương.

Độc giả chúng ta ở hải ngoại đa số là hậu bối của các văn gia thi sĩ thời tiền chiến. Ai cũng khao khát muốn tìm hiểu đời sống cá nhân và phong thái từng tác giả một. Dĩ nhiên, các bài vở trong quyển tùy bút " Dưới Mái Trong Non" không đủ đáp ứng hoài vọng nồng nàn của chúng ta đâu. Nữ sĩ chỉ vẽ lờ mờ đôi nét phác thảo về chân dung và cuộc đời của các người cầm bút lừng danh ấy, cùng những kỷ niệm vặt vãnh giữa họ và bà. Có thể chúng ta cho rằng bà thiếu sót trong công việc viết về họ. Nhưng ngẫm cho cùng, bà có muốn lôi đời tư của họ để trình bày cho chúng ta thỏa mãn tính hiếu kỳ đâu? Bà cũng có muốn khoác áo phê bình một cách trịnh trọng về thi văn của họ đâu? Bà chỉ muốn dắt chúng ta song hành cùng bà vào vùng trời kỷ niệm trong văn giới thế thôi. Chúng ta chỉ nhặt nhạnh dăm ba mảnh vụn sáng lấp lánh trong cách sống của họ, ngay cả của bà. Vậy mà bài viết vẫn đượm nhuần thi vị, vẫn sáng lên vóc dáng văn chương nghệ thuật, vẫn khơi dậy khói hương của một thời đại văn chương huy hoàng đã xảy ra trên quê hương tổ quốc chúng ta.

Các bạn muốn biết chân dung các văn gia thi sĩ thời tiền chiến đã từng quen biết với bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội ư? "Dưới Mái Trăng Non" sẽ tặng các bạn một vài nhu cầu tìm hiểu của các bạn. Trước hết, xin đọc bức phác thảo chân dung cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật:

Cụ Đồ Nam người cao cao và chắc chắn. Da mặt ngăm ngăm, tóc râu nhiều và to sợi. Miệng rộng và luôn luôn cười.

Câu chuyện của ông già đó cũng ngay thẳng và chất phác như dáng điệu của ông, như bộ quốc phục, cái áo the thâm, cái quần vải trắng không ủi của ông. Lời nói của ông không trang sức, không cầu kỳ, không văn hoa như phần nhiều các ông Nho học mà bọn trẻ khi tiếp chuyện phải lo sợ.
("Gặp Tác Giả "Quả Dưa Đỏ" Cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật", các trang 440, 441)

Chân dung Lưu Trọng Lưu và Nguyễn Tuân cũng tại ga Hàng Cỏ trong buổi đưa tiễn du khách về Nam cũng chỉ được bà Mộng Tuyết nói qua loa cách phục sức và cái phong thái của họ hơn là đường nét tạo hình:

Trên sân ga Hàng Cỏ đông nghẹt. Người ra đi đã đông, mà người đưa tiễn người đi càng đông hơn.

Có hai mẫu người đứng gần nhau mà rất tương phản nhau. Một người dễ dãi giản dị đến chểnh mảng. Một người thì sạch sẽ diêm dúa đến nghiêm chỉnh.

Người trên là một thi sĩ thính tai nghe được những thanh âm khi chưa thành tiếng động, nghe những "tiếng thu" âm thầm "dưới trăng mờ thổn thức", nghe được cả "hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ". Thi sĩ Lưu Trọng Lư hôm nay cũng lễ mễ ra ga đưa vợ về Thanh tránh loạn như mọi người thiên hạ. Không biết thi sĩ có nghe tiếng gì đặc biệt hơn không?

Người dưới là một văn sĩ khát cổ thèm đi. Nhà văn này đã từng vẽ lại những "vang bóng một thời", đã cho tôi ""sống" lại đời sống êm đềm của nghìn xưa thăm thẳm. Cũng nhà văn này đã gọi dậy lòng say mê phong vị sông hồ của tôi sẵn từ thuở bé.

Nguyễn Tuân trịnh trọng đến bắt tay anh Đông Hồ. Đứng trước nhà văn sĩ có một vẻ điềm đạm, ôn hòa khệ nệ, đến cầu kỳ, khác người ấy, tôi cần phải nói một cái gì, nhưng chung quanh đã ồn cả lên rồi.
("Hà Nội Tây Thi", trang 323)

Cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ Nguyễn Bính cùng Đông Hồ và Mộng Tuyết vào xế chiều mùa hạ năm 1944 tại Hà Tiên, giữa lúc bà Mộng Tuyết ngồi may tại Yiễm Yiễm Thương Điếm. Nguyễn Bính được bà vễ chân dung như sau:

Một người khách lạ bước vào, với chiếc va-li nhẹ xách tay. Người khách thâm thấp. Phong trần hiện trên mớ tóc đen rậm, rối bồng, dài tới mang tai. Bộ Âu phục cũ nhầu nát làm tăng thêm phần tiều tụy.
("Để Nhớ Nguyễn Bính Những Ngày Ghé Bến Hà Tiên", trang 402)

Riêng chân dung của Xuân Diệu và cuộc gặp gỡ giữa đôi bên lại được tả bằng 2 đoạn thơ, mỗi đoạn gồm 4 câu thất ngôn trong bài thơ tưởng niệm "Để Nhớ Anh Xuân Diệu" (trang 432):

Mùa thu tháng tám năm băm chín (1939)
Một nhóm anh em từ phương Nam
Ra thăm Hà Nội trong chớp nhoáng
Quán cơm Hàng Da nơi hội đàm.
*
Một gã thư sinh mái tóc bồng
Mắt sáng, miệng cuời tươi nở bông
Ghé lại cùng ngồi góp thêm chuyện
Ký tặng bạn xa quyển "Phấn Thông..".

Còn gì cảm động hơn, khi ra Hà Nội, đôi uyên ương thi ca Đông Hồ & Mộng Tuyết đến viếng cụ Đồ Nam Tử. Cụ tình nguyện hướng dẫn họ đi thăm thú đó đây cùng viếng các nhà văn nhà thơ đất Thăng Long.

Cụ đòi thân đưa bạn Hà Tiên đi thăm các nơi danh thắng đất Thăng Long. Anh Đông Hồ có lẽ vì sợ cụ Đồ Nam nhọc mệt, vội vàng từ tạ bằng một câu sáo, hết sức sáo:

- Xin cám ơn ngài. Nếu ngài có bận có mệt thì xin để chúng tôi đi với các

anh em trẻ tuổi cũng được. Ngài cứ nghỉ nhà, chúng tôi đi đến đây thăm ngài và nếu có cần gì sẽ chạy đến xin nghe là được. Ngài khỏi bận đến, và chúng tôi ra đây cũng có nhiều nơi quen biết, không đến nỗi lạ lùng gì.

Cụ Đồ Nam đưa tay lên lắc và nói một cách mạnh bạo:

- Ồ, nói mà hay, thiên tải nhất thì kia mà, hữu bằng viễn phương lai, thì dẫu

có mệt thì cũng không được mệt và dẫu có bận công việc bao nhiêu nữa cũng phải vứt bỏ cả, chứ sao nói đến nhọc và bận?
("Gặp Tác Giả "Quả Dưa Đỏ" Cụ Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật", các trang 440, 441)

Khi tiễn khách Hà Tiên trở về Nam, tại ga Hàng Cỏ, cụ Đồ Nam đã tặng một bài thơ dài, nhưng ở đây bút giả HTA xin trích mấy câu chót:

Gặp nhau đã thỏa ước ao,
Gần nhau ta tính thế nào cho hay.
Lầu văn chung sức dựng xây,
Lòng thành sẵn đá, sẵn cây, sẵn nền.
Mấy lời gắn bó bao quên,
Bạn về, ta đứng ngóng trên non Nùng.

Cách viết của bà bớt uốn éo, bớt bay bướm để mạch cảm xúc len lỏi vào từng chữ viết, từng dòng văn. Giao tình đôi bên từ phía bên khách khi vào quyển tùy bút lúc nào cũng đẹp, cũng đáng để bên chủ, luôn cả bên độc giả trân quý và cất giữ trong kho tàng kỷ niệm của mình. Nhà văn Lê Thanh, một kẻ ít nổi danh nhất, nhưng vẫn được tác giả quý mến lúc đưong sự sinh tiền, vẫn được bà khóc lóc, hoài niệm lúc nghe tin ông tạ thế ngoài đất Bắc. Và chàng Lê Thanh yểu mệnh kia dưới ngòi bút bà là "một văn nhân tầm thước, nhã nhặn, diêm dúa và đứng đắn. Đôi kính trắng học giả nổi trên khuôn mặt đẹp và hiền của một thư sinh thời cổ" (trang 392) đã cho bà những kỷ niệm như sau:

Huống chi ngoài duyên văn tự, hãy còn những dấu vết nhạn hồng, những bức thư trắng tinh sạch sẽ thường viết bằng nuớc son tươi với nét nhỏ, mau, mà rơi như tơ rối đó hãy còn mới như những cánh hoa đào rơi trên mặt suối.

Mỗi khi viết đến chữ Mộng Tuyết và tên người nhận lãnh trên phong bì, anh cố bắt chước theo chữ ký của Mộng Tuyết vẽ cảnh trăng non trên chữ Tuyết và dưới chữ Mộng vẽ một ngôi sao.

Anh đã báo tin cho Mộng Tuyết:

"Tôi đã đưa đi khắc cái chữ Mộng Tuyết có mặt ông trăng và một ngôi sao kỳ dị ấy, số tiền thuê là năm xu rưỡi, chị làm thế nào hoàn lại cho?".

Và anh đòi nợ Mộng Tuyết:

"Có một diệu kế nhất là một ngày nào đó, đáng lẽ chị không định viết thư nhưng cũng đem viết, thế là trả xong món nợ đó". (Thư ngày 3-9-1941).
("Tơ Duyên Dương Liễu", trang 399)

Vào thời buổi này, đọc những sách viết danh nhân trong các lãnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, ai cũng tìm những đoạn gay cấn, éo le, khúc mắc... Đó cũng là những đoạn được tô điểm bằng thù nghịch, đòn phép, lọc lừa, súng đạn, ác mộng, tinh khí, để hâm sôi máu găng- tơ chảy trong huyết quản, để khích dục khiêu dâm, để đánh thức con ác quỷ lặn sâu cuối đáy thẳm của nội giới con người. Nhưng đọc những cuộc giao du trong văn giới dưới ngòi bút của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, chúng ta chỉ thấy cuộc sống của họ như mặt hồ im sóng trải gương, chỉ thấy tâm tư họ nở hoa nhân ái, chỉ thấy giao tình giữa họ với nhau đẹp bảy sắc cầu vồng. Chúng ta có cảm tưởng mọi vận sự dẫu nhám nhúa và gai góc đến đâu trước khi được đưa vào văn chương, cũng được bà gọt cho trơn láng và đánh quang dầu cho bóng loáng như nền men và như mặt gương. Những bài viết như thế thiếu kích thích, nhưng bù lại chúng làm cho mỹ cảm người đọc thấm nhuần thêm cái chất tinh hoa thuần khiết của văn chương cổ điển.

Việc tặng quà cho nhau trở nên thi vị tuyệt vời. Đâu cần các món trang sức hay các món ngoạn hảo làm bằng kim ngân châu báu đắc tiền, mà chỉ là những món vừa với túi tiền của các hạng trung lưu. Những món đó, qua góc cạnh nhìn ngắm đặc thù cùng tâm tình tha thiết của bà Mộng Tuyết cũng trở nên những món hiếm quý, không phải ở trong cuộc sống thường nhật của chúng ta mà ở trong cái thế giới văn chương gấm vóc của bà.

Đây là món quà tặng của Nguyễn Tuân vào thời tiền chiến:

Tết Trung Thu năm ấy, tôi nhận được một gói quà vuông vức bọc giấy dày cẩn thận. Mở ra thì là cái hộp gỗ đặt đóng riêng, trong có một hộp giấy đựng bốn cái bánh trung thu của hiệu cao lâu Đông Hưng Viên, có tiếng nhất Hà Nội lúc đó. Hộp bánh gởi bưu điện bằng xe lửa tốc hành vào Sài Gòn, rồi theo đường bộ về Hà Tiên mất mấy ngày đường nữa.

Tuy vậy bánh vẫn thơm ngon, kèm theo hộp bánh một số báo Trung thu của Hà Nội Tân Văn có bài của anh. Cái hộp gỗ đẹp như hộp may của các cô nữ sinh. Bánh thập cẩm lâu ngày, tôi đem nướng lại. Cái lối bánh "biscuit" này làm bánh tăng thêm hương vị.

Bánh ngon là một chuyện mà nhớ đến công phu người gởi. Cái bàn tay chuyên để đóng triện son, để mở khóa va-li giang hồ ấy, lại làm được cái việc phong gói tẩn mẩn kia thực cũng lạ lùng. Tôi tự nghĩ hoài không hiểu tại sao mà ngày đó chúng tôi được anh "cưng" đến thế?
("Mưa Dầm Tháng Bảy", các trang 415, 416)

Hồi tiền chiến, quà tặng đôi bên qua lại như con thoi dệt lụa. Sau này, khi miền Nam Việt Nam lọt vào tay Miền Bắc thì cuộc tặng quà lại nối tiếp. Hãy cùng đọc:



... Có người vào anh gởi tấm thiếp "Xin gởi cho Bưởi Ổi". Nhưng loại bưởi này thì phải rằm tháng chạp trở lên mới có. Người ta phải để cho vừa đỏ chín mới hái thì nó mới có đủ mùi thơm. Múi từng tép trong mọng, vỏ bưởi vàng tươi và có mùi thơm ngọt của rượu Cointreaux. Mới nhận được bưởi lần đầu anh thích cái dáng xinh xắn và để vài trái là nghe ngát hương khắp phòng. Thấy anh thích, năm nào tôi cũng mua sẵn để làm quà Tết. Có một năm Hoài Vũ bảo tôi mua, nếu có ai ra Hà Nội mà gởi được sẽ đem về gởi hộ. Năm đó không gởi cho ai được mà tôi lấy làm mừng, vì đã mua lầm thứ bưởi lai không thuần giống.

Một bận anh Huy Cận ghé vào dịp Tết, mừng quá, tôi xin gởi. Anh Cận nghe gởi buởi thì bảo một trái mà thôi, mà có thể tôi sẽ lột vỏ mà chỉ đem ruột về thôi. Tôi gởi anh Tuân một và anh Xuân Diệu một, và xin đừng bỏ vỏ vì vỏ là phần chánh. Khi ăn bưởi rồi, treo vỏ ở đâu đó, nó còn phảng phất mùi hương. Anh Huy Cận lại bảo: "Nếu thế thì tôi bỏ lại ruột mà chỉ mang vỏ ra cũng được chứ!".

(""Mưa Dầm Tháng Bảy", các trang 423, 424)

Qua các món quà xoàng xĩnh này, chúng ta còn biết thêm thú thanh thưởng tao nhã của các nghệ sĩ tiền phong lão thành qua những cái tầm thường, vặt vãnh, tủn mủn. Nhưng mà nhờ cặp mắt nghệ sĩ, nhờ niềm cảm nhận uu việt, họ đã tìm gặp chất thơ chất mộng của món quà, ngoài tình bằng hữu thắm đượm thiết tha.

Đối với Nguyễn Bính, tác giả đem tấm lòng âu yếm, thương yêu và đùm bọc cho ông Nguyễn, như người chị hiền đối với chú em nhỏ. Khi ông Nguyễn vào Hà Tiên ở chơi nhà ông Đông Hồ thì nhà thơ đất Hà Tiên kia bảo bà Mộng Tuyết may bộ áo bằng lụa Hà Đông cho ông Nguyễn mặc, nhường căn gác xép (Nam Phong Tiểu Các) cho ông Nguyễn cư ngụ dài hạn. Xin cùng đọc hai đoạn văn trong bài "Để Nhớ Nguyễn Bính Những Ngày Ghé Bến Hà Tiên":

Bính thường quấn quít bên tôi như một chú em ngoan ngoãn. Quãng này, tôi còn đang tang cha, luôn luôn mặc chiếc áo dài ai trắng, thứ vải thô xấu, may dối dối theo tang phục. Bính thường ngắm tôi và nói: "Người con gái Việt Nam, mặc áo tang sô gai có một vẻ đẹp não nùng, khả ái như một bài thơ buồn". Có những lúc tôi bận suy nghĩ một điều gì, Bính nói chuyện, tôi lơ đảng, không trả lời, thì Bính gắt gỏng: "Trông chị nghiêm như một bà Hoàng, ghét quá!".

Cứ buổi sáng ăn xong ở nhà riêng của anh Đông Hồ ở cạnh Hồ Đông, thì Bính ra tiệm với tôi. Tôi ra chợ trước tiệm, mua thêm bánh ngọt cho Bính uống trà. Bính thích hơn hết là thứ bánh qui. Bính nói: "Bánh chi mà đẹp như chiếc ấn son".

Bính ra cửa hàng. Để trông cửa hàng cho chị. Để xem chị may áo. Để đi gửi thư cho chị.

Mỗi khi tôi viết thư xong, thế nào Bính cũng dành đi bỏ thùng cho đươc. Bính học thuộc các địa chỉ trên phong bì. Có bận nhìn địa chỉ một người, Bính làm vẻ hờn dỗi: "Sao mà chị viết nhiều cho người này lắm thế, làm cho Bính phát ghen".

Bính thường hay kể chuyện giang hồ, kể chuyện gia đình. Kể chuyện "Chị Trúc", người chị tinh thần đã an ủi Bính trong những khi Bính chán nản. Bính hứa xem tôi như một người chị tinh thần thứ hai của Bính.
(trang 405)

Mỗi đêm, dưới ánh hồng lạp, Bính viết bốn năm trang thơ lục bát. Thời kỳ bấy giờ không dầu lửa. Ở tỉnh nhỏ, ai cũng đốt bằng dầu dừa, dầu cá. Duy với Bính thì anh Đông Hồ phải dành trên Nam Phong Tiểu Các cho Bính những ngọn hồng lạp để đêm hôm Bính làm thơ. Mỗi sáng ra, Bính đem đọc cho chúng tôi nghe, bàn lại, cùng thưởng thức.

Giữa lúc đó, vào tiết Đoan Ngọ, theo tục lệ ở Hà Tiên, tôi nấu nước lá thạch xương bồ để tắm gội. Bính thích ba chữ "thạch xương bồ", và lấy ba chữ đó đặt tên cho tác phẩm đang khởi thảo của mình.

Trong lúc sáng tác, Bính thường bảo viết truyện thơ, tả cảnh tả tình không khó. Tự sự mới thiệt khó khăn. Bính nói: "Mình có làm rồi mới biết văn tự bằng lục bát của Nguyễn Du quả là tài tình. Người sau đố mà theo cho kịp".

Bính sáng tác truyện "Thạch Xương Bồ" được gần hai ba trăm trang. Tới lúc rời đi, thì chuyện mới chỉ xong được một phần. Nếu Bính còn nằm ở Hà Tiên ít lâu nữa thì chắc chắn đã hoàn tất được một quyển truyện diễn ca khá độc đáo. Bởi chúng tôi thấy khi đó Nguyễn Bính viết rất hào hứng, rất dồi dào. Bính viết lục bát nhanh như văn xuôi.

Anh Đông Hồ và tôi tiếc vì tác phẩm chưa hoàn thành mà Bính bỏ đi, bỏ dở dang thi uổng. Chúng tôi cố lưu Bính ở lại thêm một thời gian nữa mà Bính nhất quyết ra đi. Bịnh giang hồ đã nổi dậy lên trong lòng người nghệ sĩ.
(các trang 407, 408)

Văn chương bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội uyển chuyển, bay bướm, tuy hơi lập dị đôi chút, nhưng thuần túy hiền lành, chứ không giả vờ ngoan ngùy, chứ không giả bộ đôn hậu. Tình bằng hữu của bà đối với các văn nhân thi sĩ đương thời cùng bà sao mà ngọt ngào, âu yếm và sâu sắc. Bà viết văn bằng một tấm lòng trước nhất, sau đó mới trang điểm thêm hoa hòe hoa sói. Do đó mà nhiều độc giả cho rằng đó là những màu mè che đậy cái dối trá, cái hư ngụy. Thật sự, ở ngoài cuộc đời bà hiền lành hay hỗn dữ ra sao, chân thật hay dối láo cách nào, chúng ta vẫn phải tin rằng ở một nhà nghệ sĩ nói chung, ở một nhà văn nói riêng, luôn có hai con người đối nghịch: một con người trí trá giả dối và một con người chân thật thành khẩn. Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo môi trường sinh hoạt mà một trong hai loại người đó hiển lộ. Nhưng trong văn chương, nhà nghệ sĩ vào thời đại xa xưa có thể không cho con người xấu của mình xuất hiện, dù trong căn tính của họ, cái xấu đó bành trướng và lấn át con người tốt của họ đi. Họ hèn nhát che đậy cái nhược điểm của mình, có phải thế không? Không đâu. Khi trang trải con nguời tốt của mình lên văn chương, nhà nghệ sĩ trong giây phút sáng tác, sống hoàn toàn bằng con người đó. Họ thành tâm muốn phơi bày cho người đọc cái hoài bão, cái ngưỡng vọng của mình đối với cái Thiện để cho Chân Thiện Mỹ cùng soi gương gặp bóng lẫn nhau, nâng cao giá trị của văn chương nghệ thuật thêm lên. Họ muốn hướng thiện, cái Thiện mà họ ít khi có dịp để họ đem ra xử dụng với thế nhân trong cuộc sống thường nhật, nhưng không bao giờ họ hoàn toàn quên nó.

* * *

Về thơ, ngay từ thời tiền chiến, bà Mộng Tuyết đã biết xử dụng ngôn ngữ dù đơn giản nhưng rất thơ, rất đượm đà tính chất sáng tạo. Tuy nhiên, bà dùng một vài hình ảnh, một vài điển tích và cái khí hậu thơ Đường Tống trong văn chương Trung Hoa. Cho nên đôi khi nó đứng ngỡ ngàng bên lề cảm nhận của độc giả và xa cách niềm xúc động của họ một khoảng khá xa. Chẳng hạn bài "Đợi Gió" bà dùng để trang tặng nữ sĩ Anh Thơ:

Gởi Anh Thơ
Mấy vần thơ đợi gió,
Lòng xuân thắm đỏ,
Lòng thuyền nho nhỏ,
Đợi nước triều lên...
Triều đã lên rồi trăng cũng lên;
Trăng lên rồi đó. Gió chưa lên.
*
Mặt nước hồ nằm say giấc mơ,
Lòng gương không vướng gợn mây mờ,
Khói chiều đứng thẳng trên quan tái,
Hương tỏa hồn hoa ướp cỏ bờ.
*
Cánh gấm buồm ai buông trắng tinh,
Phơi nền trinh bạch giữa trời xanh,
Cắm sào bến cũ buồn lơ lửng,
Chở mộng muôn phương, mộng viễn trình.
*
Trời Bắc bên kia đương ngóng trông,
Sông Thương, sông Nhuệ mở đôi lòng.
Xuôi chèo Nhâm Tuất theo trăng lạnh,
Mở yến Đào Viên chuốc chén nồng.
*
Gió gác Đằng Vương chẳng thổi đưa,
Cho thuyền đợi gió đến bao giờ,
Cho buồm Vương Bột trong giây phút,
Nghìn dậm bay sang bến đợi chờ.
*
Khi xuân thắm đượm khắp nơi nơi,
Vạn vật đem xuân trả lại đời,
Mà chẳng trả cho thuyền tí gió,
Để thuyền thương nhớ những phương trời.

Đây là loại thơ tân cổ điển (néo-classique) mà đồng thời hoặc sau bà Mộng Tuyết vài năm, có các nhà thơ như Đông Hồ, Jean Leiba và Ngân Giang hà hơi tiếp sức để khơi lên một cơn gió giao mùa xôn xao làm cho khu vuờn thi ca nước nhà nở những bông hoa đài các trong hoa phổ nước nhà. Sau khi đất nước bị phân đôi bởi con sông Bến Hải, ở Miền Nam Việt Nam có Hư Chu, Bùi Khánh Đản cùng các nữ sĩ của Thi Đoàn Quỳnh Dao nối hơi chạy tiếp sức với vợ chồng bà để trận gió kia đưa lại những hình xa bóng lạ từ trong tranh, trong những quyển cảo thơm của thi ca nước Tàu. Xin đọc bài "Nguyên Tiêu Tương Tư". Bài này không có mặt trong quyển tùy bút "Dưới Mái Trăng Non".

Gương ngọc thiên kim giá đổi vừa,
Khuôn duyên tròn một quả đèn dưa
Ngồi đây mà nhớ trang phương đó,
Đọc trắng đêm rằm chuyện Ái Cơ.

Nhưng ngẫm lại, khung cảnh và khí hậu trong truyện dài bằng thơ "Đoạn Trường Tân Thanh" của Nguyễn Du hay truờng ca "Chinh Phụ Ngâm" của Đặng Trần Côn qua nghệ thuật phiên dịch của Đoàn thị Điểm, trường ca"Cung Oán Ngâm Khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, trường ca"Ai Tự Vãn" của Ngọc Hân Công Chúa, tất cả có tính chất Việt Nam chút nào đâu? Đọc những áng thi ca kia, chúng ta như lạc vào khung cảnh xa xưa của thời quân chủ nước Tàu.

Còn thơ của nhóm thân hữu vợ chồng ông Đông Hồ như Bùi Khánh Đản, Hư Chu, Cao Tiêu, Đan Quế, Thanh Vân, Phương Hồ và các nữ sĩ trong Thi Đoàn Quỳnh Dao thì sao? Có điều rõ rệt nhất là quý bà Quỳ Hương, Uyển Hương, Thu Nga, Vân Nương, Như Hiên, Đinh Việt Liên, Phượng Tần... đôi khi có thêm Mộng Tuyết và Tuệ Nga trong thi đoàn này khi làm thơ thất ngôn bát cú thì như chỉ có một người làm ra: ngôn từ, ngữ pháp, khí hậu, ý tưởng trong thơ của họ y chang như nhau. Thơ của các bà lẫn thơ các ông này là loại thơ được chăm sóc từng câu, lau chùi và giồi mài từng chữ, thêu thùa những bông hoa ngữ pháp diêm dúa để trở thành toàn bích về hình thức. Nhưng có nhiều trường hợp, họ gặp hiệu quả trái ngược: cái gì khéo qua chẳng những không có cái duyên đậm đà mà lại còn thiếu truyền cảm, thiếu tâm huyết và linh hồn. Hàm răng giả đều đặn và bóng lộn hơn hàm răng thật, nhưng khi gắn vào miệng thiếu răng của một trung niên mỹ phụ nào đó, nó làm cho nụ cười của đương sự nhăn nhở và không được thuận nhãn. Thơ tân cổ điển của những nhà thơ mà tôi vừa kể chẳng những lạc loài giữa thi ca lãng mạn, thơ hiện thực, thơ trừu tượng, thơ siêu thực bên kia chân trời Âu Châu tuần tự nhập cảng qua Việt Nam mà còn bị thơ thấm nhuần tinh túy Việt Nam lấn át nữa.

Trước khi làm thơ tân cổ điển trên đất nước tự do của Miền Nam Việt Nam sau Hiệp Định Genève, bà Mộng Tuyết làm thơ lãng mạn vì vào thập niên 30 của thế kỷ 20, đó là cao trào loại thơ này:

Một nàng tiên nữ đẹp như em,
Là một bài thơ, một quả tim,
Là áng hồng non, làn gió lướt,
Là hoa xuân thắm, bóng trăng đêm.
*
Thi sĩ, em ơi, đó lại là
Người đi theo dõi bóng tiên nga,
Ước mơ, yêu thích và ca ngợi,
Những cái mà em đã có thừa.
("Em Trả Thù", trang 179)

Trước khi cuộc chiến tranh Đông Dương bùng nổ, cảm thấy giữa cơn biến chuyển của lịch sử mà mình không đáp lời sông núi thì... chậm tiến quá. Cho nên bà Mộng Tuyết làm thơ hiện thực qua ""Muời Khúc Đoạn Trường" dễ làm rung động cho những ai có lòng xót xa với trận đói ngoài Bắc Việt vào năm Ất Dậu (1945). Xin đọc hai đoạn đầu của bài thứ 6 "Hấp Hối Đợi Chờ".

Tai mới nghe kia lòng thổn thức,
Xác người xe nhặt buổi ban mai,
Còn bao nhiêu nữa đang quằn quại,
Hấp hối chờ cơm hơi mỏn hơi?
*
Gốc rạ, cọng rơm vơ mót sạch,
Giây khoai, củ chuối: món cao lương,
Vỏ cây, giây lá không còn nữa,
Đất trụi, đồng trơ nuốt thảm thương.
(trang 340)

Thơ hiện thực ở trên đây thấm nhuần chất sống thực. Cái màu mè riêu cua vắng bóng. Tuy nhiên cái sống thực ở đây không có chất sáng tạo nên nó thổi bay tan tác chất thơ trong ngôn ngữ dành riêng cho thi ca. Tuy nhiên bài thơ có dáng dấp mới hơn thơ tân cổ điển, nhưng đứng bên thơ tân cổ điển, nó chỉ là cô thôn nữ quần bô áo vải đứng bên cô đào hát ăn mặc cổ trang để đóng tuồng Tàu. Cho nên bà xoay qua thơ chiến đấu. Đó là một loại thơ hiện thực có nhiều ngữ pháp và ngôn từ bừng bừng tráng khí làm hơi thơ lẫn vóc dáng thơ mới mẻ hơn:

Kết chặt hàng đi dưới bóng cờ,
Trời Nam giành lại nước non xưa,
Tưng bừng vận mới hồn trai trẻ,
Một khối nghìn thu vững cõi bờ.
*
Lửa đỏ ấm vui lòng cố quốc,
Nắng vàng hanh rạng cảnh biên thùy,
Phong yên ngút dậy màu quan tái,
Gió lộng xôn xao lá quốc kỳ.
("Dưới Cờ", trang 304)

Loại thơ này trong thời kỳ Nam Bộ Kháng Chiến có Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, TrúcKhanh, Ái Lan... tiếp hơi. Sau đó, vào hai chính thể Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, có Hoàng Phong Linh hoặc Phạm Lê Phan (qua thi tập "Chiến Ca") nối gót. Ra hải ngoại đã có Bắc Phong, Vũ Kiện, Lê Khắc Anh Hào và nữ sĩ Ngô Minh Hằng cố gìn giữ tàn hơi loại thơ này, không để cho vang bóng bạc nhược của nó tắt lịm.

* * *

Truớc năm 1975, Uyên Thao đã gạt phắt Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội ra khỏi "Những Nhà Văn Nữ Việt Nam"; có lẽ vì ông Thao không chịu được cái cổ kính, cái trang đài trong các bài tùy bút của bà. Ra hải ngoại, nhà văn Võ Phiến bỏ rơi bà khi hoàn thành bộ ""Văn Học Miền Nam". Có lẽ, ông Võ không thích cái vẻ mệnh phụ kiểu cách trong văn chương của bà chăng? Cách đãi lọc của hai ông danh sĩ này kỹ quá nên đẩy văn chương bà lùi sâu vào bóng tối đặc sệt dưới đáy vực thời gian mà quên cái công trình trước tác rất tận tụy của bà gần ba phần tư thế kỷ.

Chúng ta cũng đừng quên bà MộngTuyết Thất Tiểu Muội là phụ nữ đầu tiên viết văn xuôi có nghệ thuật đã xuất hiện trên văn đàn nữ giới rất quạnh quẽ đìu hiu vào thập niên 30 của thế kỷ 20 vừa qua. Song song bà, có hai bà Tú Hoa và Đoàn Tâm Đan, nhưng bà Đoàn Tâm Đan không đủ tài năng và nghị lực để xuất hiện lâu trên văn đàn, còn bà Tú Hoa dù có quyển tiểu thuyết "Bóng Mơ" đoạt giải Tự Lực Văn Đoàn đi nữa, nhưng về sau lại bà Tú Hoa xoay qua viết tiểu thuyết diễm tình, mở đường cho hai bà Lan Phương và Tùng Long làm mưa làm gió trong giới độc giả bình dân ở Miền Nam Việt Nam. Sau bà Mộng Tuyết ít lâu, có Thụy An và Mộng Sơn, rồi kế đó là Nguyễn thị Vinh và Linh Bảo. Công khai phá của bà đâu phải nhỏ!

Bài giới thiệu này không nhằm mục đích đòi các nhà biên khảo và các nhà phê bình trả lại công bình cho bà nữ sĩ của đất Hà Tiên với hồ thơ núi mộng kia. Nhưng bút giả hy vọng nó sẽ rọi sáng đâu đó cái tài viết dã sử tiểu thuyết của bà (qua quyển "Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp") không thua tài sáng tác Nguyễn Triệu Luật (qua quyển "Bà Chúa Chè"). Còn về nghệ thuật viết tùy bút, bà đứng bên cạnh Nguyễn Tuân và Xuân Diệu tuy có thua kém vài phân, nhưng như trường hợp hoa mai đứng trên tuyết, trên băng. Sắc hoa không thể đọ sắc trắng trong của băng, của tuyết, nhưng hoa vẫn còn một chút hương đượm phảng phất mơ hồ.

Văn chương trải qua nhiều trào lưu, nhiều trường phái. Bà Mộng Tuyết xuất thân từ lò Nam Phong Tạp Chí nên bút pháp bà vẫn vướng vít vài nét cổ kính, câu văn bà đôi lúc không tránh khỏi thói biền ngẫu réo rắt nhàm tai. Cho nên văn thơ của bà có thể đã không còn ai hưởng ứng, chiêm ngưỡng nữa. Không một nhà văn nữ nào chịu nối gót theo bà. Nhưng đọc văn chương của bà, chúng ta hãy tự đặt mình vào thuở tiền chiến, vào thời kỳ mà Hoàng Ngọc Phách viết cuốn "Tố Tâm", vào thời kỳ Nhất Linh viết quyển"Nho Phong", và vào thời kỳ mà độc giả mê say hai quyển"Tuyết Hồng Lệ Sử" và "Ngọc Lê Hồn" của Từ Trẩm Á (Trung Hoa) được dịch ra Việt ngữ. Đó là thời kỳ văn chương nước nhà chưa có văn phạm (grammaire) dựa trên văn phạm Tây phương để chỉnh đốn câu văn sao cho trong trẻo, sáng sủa, đơn giản, đôn hậu. Cho nên bút pháp của văn nghệ sĩ tiền phong trong đó có bà Mộng Tuyết không đạt đuợc gọn gàng truyền cảm nên không đi sâu vào khiếu thưởng ngoạn và tâm hồn người đọc. Bù lại, văn chương của bà phong phú hình ảnh và nườm nượp cái thú tiêu khiển phong lưu tao nhã của cổ nhân.

Và hãy dùng niềm cảm thông chia sẻ để mở những cánh cửa đã từng đóng chặt tâm hồn và thú thưởng ngoạn của chúng ta. Có được như thế, phong vị dịu dàng của văn chương bà Mộng Tuyết tràn vào nội giới chúng ta như ánh nắng tươi non hoặc ánh trăng sáng mát tràn vào căn buồng u tối.

Hồ Trường An
(trích trong quyển bút khảo "Náo Nức Hội Trăng Rằm)

=====

No comments: