==
Nhã Ca
Đêm nghe tiếng đại bác
===
Giới thiệu Đêm nghe tiếng đại bác
Đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên được in của Nhã Ca. Nhưng ngay từ khi cuốn sách nầy chưa ra đời, Nhã Ca đã có một chỗ đứng trong khu vực văn nghệ, không những nhờ cuốn thơ được xuất bản năm ngoái, mà còn nhờ những truyện ngắn, truyện dài, kịch in trên các báo của Nhã. Đó chắc chắn là một điều có lợi – lợi cho nhà xuất bản trước hết – nhưng cũng là một điều có hại. Sau khi đọc ít nhiều tác phẩm rời rạc ấy, tôi và những bạn đọc có cùng một nhận xét với tôi, đã có một ấn tượng về văn chương của Nhã. Nhã viết rất lưu loát, có con mắt quan sát rất tinh tế, sự phân tích tâm lý bao giờ cũng thông minh, phồn thịnh, nhưng hầu hết các nhân vật đều mới, lạ ở trên mức trung bình. Đọc Nhã Ca phải cố gắng để theo kịp nhân vật, để hiểu ý tác giả. Giữa cái “thế sự bồng bềnh” trên đất nước ta hiện nay, tôi có cảm tưởng đa số độc giả đã bắt đầu sợ phải mệt mỏi thêm vào cái mệt mỏi mà bất cứ ai cũng phải chịu đựng hàng ngày. Giới trí thức trung lưu tìm đọc truyện võ hiệp nhiều hơn để giải trí. Các bạn trẻ muốn đi ngược dần lại con đường mà tuổi trẻ cách đây năm năm còn hăng hái vượt lên: họ tìm đọc những tác phẩm giản dị hơn, gần hơn với sự thật.
Tôi coi đó như một triệu chứng tốt. Bởi vì ở vị trí người viết, tôi vẫn nghĩ rằng nghệ thuật cao nhất, khó thể hiện nhất, là nghệ thuật gần gũi nhất với đời sống, đời sống bình thường của lớp người bình thường. Còn ở vị trí người đọc, tôi khao khát từ lâu một tác phẩm thật đơn sơ mà đầy tràn thơ mộng: một tác phẩm diễn tả thành công niềm hạnh phúc, hay nỗi thống khổ hết sức quen thuộc, vì nó xảy ra luôn luôn, nhưng lại hết sức đằm thắm hay thê lương, vì nó có thể đến với bất cứ người nào đang đọc sách. Không biết Flaubert hay Maupassant đã bắt một môn đồ văn nghệ phải tả ngọn lửa trong lò sưởi thế nào cho nó không giống bất cứ ngọn lửa nào trong một lò sưởi khác.
Tôi nghĩ Nhã Ca vừa mới làm xong việc đó. Đêm nghe tiếng đại bác không giống bất cứ tác phẩm nào nói về chiến tranh. Tác phẩm nầy – và đây là điều mà riêng tôi cho là quan trọng – không giống bất cứ một tác phẩm nào trước đây của Nhã, nếu không kể một vài đoản tác mới đăng trên các báo Văn hay Nghệ thuật… Đêm nghe tiếng đại bác trong như một chén nước mưa mà trung thực như một tấm gương soi thuận chiếu ánh sáng. Điều chắc chắn sẽ làm cho bạn đọc vui lòng nhất, là câu chuyện xảy ra trong một gia đình trăm phần trăm vừa phải. Người nghèo quá còn bận kiếm ăn, không có thì giờ cho tình cảm. Nhà văn viết về nhà nghèo hay tăng cái khổ của họ để làm ra vẻ ta đây có tinh thần xã hội. Tôi không ưa những người đến uống nước hàng ngày ở La Pagode, xong lúc về cầm bút lại khăng khăng muốn tả cảnh khốn cùng, để bắt độc giả phải nhiều ít suy tư về một cuộc cách mạng lý tưởng. Thật là hiếm có, những nghệ sĩ dám trung thành với hoàn cảnh và tâm sự của chính họ. Một trong những nguyên nhân của sự kiện nầy là viết như thế rất khó: một chi tiết hơi sai cũng bị “cả làng” để ý. Và một nguyên nhân nữa là viết như thế có bao hàm sự xác nhận rằng tác giả không có những bận tâm cao siêu về triết học. Tác giả viết về những người trung bình sẽ bị coi như chính hắn đã là một phần tử trung bình, không chứa đựng những ý kiến lạ lùng mà người ta tưởng chỉ có trong những thiên tài đặc biệt.
Vậy gia đình của nhân vật xưng tôi trong tác phẩm của Nhã Ca có thể là một gia đình nào đó ở khu Phú Thọ, hay Bàn Cờ, hay Phú Nhuận. Ông bố đi làm, người con cả đi lính, bà mẹ ở nhà trông nom cơm nước cho chồng con, có cô con gái lớn giúp việc. Hai đứa em, một gái một trai, của cô ta còn đi học. Kim, cậu em út, có chiếc xe gắn máy còn mới tinh. Như vậy là gia đình nầy không nghèo. Nhưng cũng không giàu. Một vé số kiến thiết trúng 500 đồng cũng đủ làm cho cả nhà vui vẻ bàn luận về cách tiêu dùng. Và chính cái vé số nầy cũng sẽ là một yếu tố động cơ của chuyện. Bà mẹ cho lĩnh số tiền về, đã quyết định dùng nó đế mua sắm, làm một bữa chả giò thết anh chàng Phan, trung uý, sắp về nghỉ phép.
Nhưng Phan không về, không bao giờ về cả. Phan đã tử trận từ hai bữa trước rồi, nhưng cả nhà không ai biết. Sự chờ đợi làm bằng âu yếm chen lẫn với lo sợ làm cho bầu không khí trở nên phập phồng, mệt nhọc. Rất nhiều động tác khác, bề ngoài như vô tình, nhưng bên trong là kết tinh của hoàn cảnh, cũng dự vào việc xây dựng hẳn thành một thứ tâm hồn tập thể hướng trọn về người vắng mặt. Ông bố, bà mẹ, những người con, cùng thương nhớ, nhưng mỗi vị trí có một tâm sự, một phản ứng khác nhau. Phượng, in hệt người tình nhân dưới “mái Tây” của không biết bao nhiêu thế kỷ trước, đã vội nghe tiếng im lặng của bước chân của người sai hẹn. Bà mẹ sợ những câu nói gở. Cô Quyên thấy chị buồn mà lo sợ cho mình. Sự thương nhớ sẽ trở thành một công thức chung – và tác phẩm sẽ nặng nề hay buồn tẻ nếu không có tuổi trẻ và nhựa sống của Kim; một phút trước khi được biết anh Phan tử trận, anh Phan vẫn còn sống. Kim vẫn không có lý do gì để không đòi ăn chả giò. Bằng những nét đơn sơ nhất, tác giả kể lại cho người đọc những cảnh sinh hoạt linh động mà cặn kẽ, như chúng ta thường thấy ở đâu đây. Tôi đoán chắc Nhã Ca đã thành công theo kiểu người thợ nề bắt đầu làm ngôi nhà cho chính anh ta trú ngụ.
Rất có thể Nhã Ca không đồng ý, sẽ trả lại những lời khen không chờ đợi. Nhã với Từ dắt tay nhau đi trên con đường tìm kiếm. Họ chưa tới đích, nhưng họ đã viết nhiều về những gặp gỡ giữa đường. Kỹ thuật của họ đã hơn một lần xây dựng thành những tác phẩm có giá trị. Cho nên, theo ý tôi, họ – họ ở đây là những người viết trẻ như Nhã và Từ – thường lầm chúng như mục đích. Độc giả lầm theo họ. Nhà phê bình vội cho rằng họ chỉ biết có hoài nghi và đập phá không thôi. Tôi vốn không tin như thế. Tôi chờ đợi có những người có khả năng đủ vững, có ngày tháng đủ dài, và có hoàn cảnh thuận lợi. Những người đó sẽ hoàn thành được tác phẩm sau cùng của họ: tác phẩm mà, so với nó, bao nhiêu tác phẩm là bấy nhiêu bước chân đi tới. Và, đến bây giờ, tôi sẽ cười thầm trong tinh thất của tôi sau một lời phân bua đắc thắng: có phải không, nghệ sĩ không “bịa” ra đề tài bao giờ?
Rất có thể Nhã Ca đang cười trả lại cho tôi. Không, tôi biết lắm, cốt truyện nầy của Nhã làm tôi nhớ cốt truyện của Saroyan, tác giả Mỹ. Tôi có lần đã giới thiệu bản dịch cuốn sách ấy với thính giả đài V.O.A, nhưng bây giờ tôi đã quên tên nhân vật chính. Tôi chỉ nhớ có đoạn sau cùng: người lính về tỉnh nhỏ, thăm gia đình người quá vãng. Truyện của Nhã cũng có người lính ấy. Giá nghiêm khắc, tôi sẽ buộc Nhã vào tội phỏng theo người đi trước. Nhưng tôi không làm như thế, vì tôi đã có kinh nghiệm bản thân, những điều tôi viết ra, tưởng là mới nhất, nào ngờ đâu có cả chục người đã viết trước tôi nhiều. (Người ta bảo Việt Nam có những màu sắc riêng tư, mà không đâu có trên thế giới. Tôi nghe theo, nhưng tôi đã nhầm. Kể cả mắm tôm, nước mắm, cứ chịu khó tìm, sẽ thấy có nơi có đủ!)
Tôi đành chịu. Nhất là về tình cảm. Nhân loại thật mênh mông, thời gian dài đằng đẵng. Tôi thèm khát học hỏi và hưởng thụ, nhưng tôi chối từ so sánh hơn thua. Sự khôn ngoan đôi khi che giấu cái hèn của tuổi tác. Nhưng nghệ sĩ vốn có tâm hồn kiêu hãnh tuyệt trần, nên đọc tác phẩm nào tôi cũng thấy phần thành công trước phần thất bại. Đêm nghe tiếng đại bác nhất định chưa phải là công phu tới đích của Nhã Ca, nên đối với riêng tôi. Nhã vẫn có phần hụt bước. Tiếng đại bác trong đêm gợi ý chiến tranh, mà tôi nghĩ đến chiến tranh rất ít. Phan đi lính. Phan chết trận. Nghĩa đi lính. Nghĩa mất tích. Bữa chả giò để mừng Phan nhưng cũng để tiễn Hoàng đi Thủ Đức. Không kể Mẫn, Đông, Đảo… rất nhiều truyện lính tráng và tiếng đại bác trong đêm. Nhưng trong khi đọc, và sau khi đọc xong tác phẩm của Nhã, cái mà người ta nhớ nhất, mà người ta thương yêu hay ao ước hơn cả, là gia đình. Ông bố, bà mẹ, Phượng, Quyên, Kim, Hoàng – với cả Phan, Nghĩa và Mẫn – mỗi người đã giữ đúng vai trò của mình. Vai trò bà mẹ cố nhiên có phần trội hơn vai trò của ông bố, cũng như Phan tuy vắng mặt mà “hiện hữu” hơn Hoàng, nhưng tất cả những vai trò ấy không riêng lẻ, không cô đơn, kể cả Mẫn ra đi thật buồn. Tất cả họp lại thành một gia đình, cùng một số người thân, đang chịu đựng chiến tranh. Sự chịu đựng không nói thành lời ấy dai dẳng, mà cái chết tàn nhẫn của Phan không cắt đứt được: Phan chết, đã có Hoàng thay thế. Sự chịu đựng tiếp tục. Chịu đựng như thế có phải đâu là tiêu cực. Con người bằng cách tụ họp thành những đơn vị lớn hơn, đang chống trả thắng lợi với ý chí tiêu diệt của chiến tranh – ngoại cảnh.
Sự thắng lợi còn to lớn hơn. Ông bố già đánh rơi hai giọt nước mắt. Phan để lại một tên lính tương lai, nếu chiến tranh còn tiếp tục. Người ta đau khổ, rên la, khóc lóc, nhưng rõ ràng là đời sống vẫn tiếp tục, với Hạnh thêm vào gia đình Quyên. Có phải chăng một người bạn nhiều tuổi mà lạc quan như tôi, có thể căn cứ vào hình ảnh sau cùng ấy, và lời Nhã Ca đề tặng “cho con sắp ra đời của đời mẹ” ở cuối tập truyện nầy, để quả quyết rằng, mặc dù hoàn cảnh thế nào, nếu chúng ta muốn, chúng ta bao giờ cũng có lý khi chúng ta hy vọng.
Nguyễn Mạnh Côn
17 tháng VI, 1986
*
Đêm nghe tiếng đại bác
… Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì không. Có. Tôi cố gửi. Hãy gọi anh Phan về đêm nay cho mẹ tôi thấy. Hãy mang anh Nghĩa về đêm nay cho chị Phượng tôi thấy. Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy. Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Cho tôi gửi ra những bông hồng. Những khăn tay, những bữa ăn, những gói thuốc lá. Hãy nhắn với họ. Với Đông. Với Hoàng. Với tất cả. Tiếng đại bác. Còn gửi gì nữa không. Còn. Tôi còn gửi. Nghỉ đi Ba. Ngủ đi Mẹ. Ngủ đi chị. Ngủ đi em. Ngủ đi tiếng đại bác. Đại bác. Ngủ đi. Ngủ đi. Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó.
Tháng chạp, 1965
Viết cho con sắp ra đời của mẹ
Nhã Ca
I.
Daksut, ngày 14-5-1965
Me,
đây là thư con viết cho me, me ạ. Và con xin khai đầy đủ những điều me hỏi: Con vẫn nặng 53 ký lô, hơn tháng trước một ký, vì dạo nầy phải leo núi nhiều hơn. Ngoài ra, vòng ngực vẫn như cũ, vòng eo vẫn như cũ.
Theo lời me dặn, buổi trưa trước khi ăn cơm, con vẫn uống một ống B12 và ăn đủ 4 chén. Tối, con mặc chiếc áo me đan. Me đan đẹp lắm. Nhưng me đan dầy quá, thành thử chỉ mặc được một lát là con đã nghe thấy tiếng ve sầu kêu ầm ĩ, y như mang cả mùa hạ trên mình. Buổi sáng, vẫn theo lời me, con đánh răng bằng kem Hynos, ông già Tây đen bạn thân của me.
Hồi nầy con cũng ít uống rượu nữa. Đấy, con trai lớn của me vâng lời me vậy đó. Me bằng lòng rồi chứ. Nhưng con xin me tha cho cái khoản me nói. Tây, Tàu, Mẽo hay Việt Cộng gì đó thì con không ngán, nhưng vợ thì con sợ lắm. Con là con của ba và me. Dù sao, me yên tâm, sẽ có ngày con gửi về cho me cháu nội để bế. Me ơi, bữa nay me gầy hay mập. Me định mang polo số mấy đấy. Mắt me đã thêm được vòng tròn nào chưa. Me nhớ tập thể thao mỗi sáng me ạ. Me cứ dậy từ 4 giờ, tập chạy bộ cho con chừng 30 phút. Chạy thi với thằng Kim ấy. Cứ thế, một thời gian me sẽ vượt xa bọn Phượng và Quyên cho mà coi.
Con đùa nhiều quá phải không me. Nhưng me đã vui và cười chưa nào. Con không muốn me khóc, nhất là khóc vì con. Khổ quá. Sao me cứ xem con như thằng Phan thuở còn mặc quần sọt hồi xưa mãi thế. Me quên con đã là lính, là tổng thủ lãnh của một trung đội rồi sao. Con bây giờ oai lắm me ạ. Con mập hơn và đen hơn. Me vẫn nói con trai phải đen mới mạnh khỏe và đẹp trai lắm rồi đấy. Me có nhớ ra điều đó không hả me?
Ở trong rừng lạnh thì đã có áo len me đan. Nhỡ cảm gió ho gà ho vịt thì đã có dầu cù là, dầu nhị thiên đường của me. Con không thiếu gì đâu me ạ. Me lo cho con quá. Me của con. Con nhớ me quá. Con nhớ me hơn tất cả. Nhất là đêm nay, khi đơn vị con đang phải đóng trong một cánh rừng rậm.
Me ơi, ở đây có nhiều rắn lắm, để hôm nào con bắt về một giỏ làm quà cho me nhé. Thay thế món lươn um của me được đấy, me ạ.
Me đừng lo lắng, đừng sốt ruột về con me nhé. Tuy bận, ít biên thư về nhà được, nhưng con không quên những điều me dặn đâu. Me lo con ham đi chơi, thì me tính, ở rừng ở rú thế nầy, còn có chỗ nào đâu để đi chơi. Me yên tâm nhé me. Con nhớ me và thèm ăn món canh rau ngót nấu thịt nạc của me quá đi mất. Ở đây, con vẫn quảng cáo với tên Nghĩa món canh của me hoài. Me chuẩn bị đi nhé. Bữa nào chúng con sẽ rủ nhau về ăn vạ me đấy.
Con của me.
Dakto, ngày 17-4-65
Phượng và Quyên,
các cô chơi ác quá. Định bắt anh về ra mắt nhà vợ thì anh trốn luôn cho mà coi. Bởi nghe hai cô tả dung nhan người đẹp anh đã hết hồn rồi. Tính anh cả thẹn lắm. Hai cô biết rồi mà. Thôi, cho anh hai chữ bình an nhé.
Thư nhà anh vẫn nhận đều đặn. Nhưng hai tuần nay thì chưa có. Bởi mấy hôm nay phải di chuyển luôn luôn. Hôm kia, ở Daksut, anh cũng có viết một thư dài cho me. Nhưng hơn một tuần nay rồi, chưa có một chiếc trực thăng nào xuống lấy thư. Thành thử anh còn phải để lại. Có lẽ phải viết trọn bộ đã, rồi mới gửi về được. Nằm buồn, anh thường mang mấy thư cũ ra đọc. Các cô viết bao nhiêu anh cũng không ngán, vì các cô sắp thành văn sĩ hết rồi. Ở đây, đôi lúc anh buồn và nhớ Sài Gòn lắm. Giá có một phút nào vù về được, rủ các cô ra bến tàu làm vài đĩa bánh cuốn nóng, rồi lại bay lên đây thì nhất. Nói vậy không phải để mấy cô nhạo anh là hư ăn đâu nhé. Cái bảng hiệu ăn thì chắc phải nhường cho thằng Kim chức vô địch rồi.
Các cô thì chúa là rắc rối. Thích đó rồi không thích. Không thích thì thôi. Bộ tưởng gửi một con sóc nhỏ về Sài Gòn không tốn công tốn của đấy hả. Lần sau muốn gì Phượng chịu khó bảo tên Nghĩa nó lo về cho, anh không biết đâu. Ở với một lô sư tử tương lai như các cô, chắc con sóc của anh phải tội nghiệp lắm đấy.
Nói đùa thế thôi. Đừng giận, nhưng đàn bà con gái mà bày đặt nói chuyện chiến trường làm gì. Thôi cho anh khất kỳ khác, bao nhiêu trận trước anh quên cả rồi. Lần tới, kể phải kêu tên Nghĩa nó nhìn phụ với anh, chắc anh mới tả nổi. Tá khăn tay của Phượng anh đã nhận được. Nhưng cả anh và Nghĩa đồng ý đem chia cho mấy tên trong trung đội mỗi đứa một chiếc. Biết làm gì không. Để cất vào ví làm kỷ niệm. Bởi khăn của các cô đẹp quá, nho nhã quá lại thơm quá nữa. Ai nỡ đem lau mồ hôi và bùn đất hành quân bao giờ. Lần sau, có làm khăn cho anh, nhớ là khổ lớn, vải xô càng tốt. Chứ cái kiểu khăn thành phố bằng lỗ mũi của các cô đây không dùng được đâu. Bộ các cô nghĩ bọn anh chỉ có cái mũi là cần săn sóc giữ gìn cho mấy cô thôi hả.
Mấy anh bạn được anh và Nghĩa phát khăn tay cho đó, chúng cứ đòi được viết thư cho các cô. Đồng ý chứ. Chắc Nghĩa và Hoàng cũng không nỡ cấm đâu, phải không. Với lại tên Nghĩa thì đồng ý với anh nhất vợ nhì trời rồi. Phượng nghe chưa. Soi gương đi, xem mũi có nở thêm chút không. Còn Hoàng hình như nó chưa nói gì với anh về khoản nầy, nhưng nó xem cái dáng phụng phịu lì lì của con Quyên, anh đã đoán được cái triển vọng sợ vợ của nó.
À, còn truyện Đoàn Dự nữa. Ngót hai tuần nay không có báo. Quyên nhớ kể cho anh nghe xem gã họ Đoàn của tụi mình đến đâu rồi nhé. Bây giờ “Lục mạch thần kiếm” các cô đã thông cả rồi chứ. Cứ điệu nầy, chắc khi về, đấu chưởng với các cô, anh đến thua mất thôi.
Anh buồn ngủ quá rồi. Thôi nhé. Trời đang lạnh lắm. Nhưng chui đầu vào cái tác phẩm vĩ đại của me đan, anh sẽ nghe thấy tiếng ve sầu kêu ngay. Hôm nào về, anh sẽ cho các cô mượn để nghe thử. Thôi nghe. Nhớ biên thư cho anh. Anh mong lắm đấy.
Kim,
Nói ngủ mà vẫn chưa ngủ được. Phải bò dậy để viết thêm cho Kim nữa đấy. Thế nào, phê thuật cho anh trận cầu vừa rồi với chứ. Hôm kia nằm nghe trực tiếp truyền thanh đoàn cầu Thái Lan đá với Hội tuyển Saigon, anh nhớ Kim quá. Rạng và Rỏn của Kim vẫn khá cả đấy chứ. Phong độ của Vinh có còn hách để đi tiền đạo không. Cả mấy cầu thủ nhóc của Kim nữa, anh hỏi thăm đấy.
Dakto, ngày 20-4…
Thưa ba,
hồi sáng, một chiếc Dakota đã thả cả một gói thư khổng lồ xuống đồn con. Và con đã nhận được cả bó thư nhà rồi. Ngày mai có lẽ sẽ có một chuyến đến tải thư nữa. Vậy con xin viết thư thêm về ba để trọn bộ, rồi sẽ gửi luôn thể. Đáng nhẽ thư ba phải viết ngay phần đầu, nhưng chắc ba cũng muốn nhường me con. Bởi đứng sau me bao giờ cũng yên ổn hơn, phải không ba?
Con đã đọc hết lá thư ba viết. Nhưng ba quên không kể cho con nghe chuyện cờ tướng của ba với ông Chín Hội rồi. Từ dạo con đi, con cóc của ba, không còn bị chết máy trước cây mãng cầu của bà thợ may đầu ngõ rồi chứ. Ba phải coi chừng me đốn mất cây mãng cầu của bà thợ may đấy.
Con vẫn thường và có phần khỏe hơn là khác. Nghĩa vẫn ở chung một tiểu đoàn với con. Chúng con đi đâu cũng có nhau. Còn mấy cô ở sở của Ba nữa, đã có thêm cô nào cân đủ ký lô để địch lại với me chưa hả ba. Con Phượng và con Quyên dạo nầy hết nhõng nhẽo với ba rồi đó, ba thấy không, con luyện cho chúng mê kiếm hiệp lợi cho ba thế đấy.
Ở đây, đêm kia, chúng con vừa chạm một đơn vị phục kích, và có một chú lính của con bị chúng bắn tử thương. Riêng con, con không hề sợ chết. Con cũng chẳng hề căm thù gì ai. Nhưng cứ trông những cái chết của đồng đội cạnh mình, con cũng nổi sùng quá. Y hệt phim “La loi du Seingeur” mà ba từng đưa cả nhà đi xem dạo nào đó.
Nghe các em kể chuyện về ba me với không khí nhà mình, con vui lắm và yên tâm hơn bao giờ hết. Tuy xa gia đình, ngày đêm ở tiền đồn nghe bom nghe đạn, nhưng con lúc nào cũng nghĩ tới gia đình, tới thành phố yên vui, và con sung sướng.
Tháng tới, có lẽ con và Nghĩa sẽ có giấy đi về phép. Nhưng con chưa biết có suôn sẻ không, ba đừng nói vội me mong. Dạo nầy không những con lái xe giỏi rồi, mà còn lái được cả thiết vận xa nữa. Khi con về, chắc không còn cảnh cho chiếc xe con cóc của ba sa lầy đâu. Xin ba chuyển lời con kính thăm ông Chín Hội.
Con trai ba.
Đó là một xấp thư cũ của anh Phan tôi, mà khi nào nhớ quá, mẹ tôi lại sai chúng tôi lấy ra đọc cho bà nghe. Xấp thư tuy viết trong nhiều ngày, ở nhiều nơi, nhưng cùng trên một khổ giấy ca rô nhỏ, còn nguyên dấu chỉ xé từ một cuốn sổ nào đó. Nhà có ba chị em, tôi đã có đến 6, 7 lần phải đọc lá thư anh Phan. Chị Phượng có lẽ còn phải đọc nhiều hơn bởi chị hát hay và mẹ tôi cho là giọng chị tốt, có thể đi làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh được. Còn thằng Kim, mỗi lần mẹ tôi lôi thư anh Phan ra bắt nó đọc, nó vừa giật lùi vừa kêu lên:
“Trời ơi, sao me không bắt ba thủ thỉ đọc cho nghe có phải êm ái không. Con có là xướng ngôn viên đâu nào”.
Rồi nó lủi mất.
Cả xấp thư anh Phan viết bằng bút nguyên tử. Bị giở đi giở lại nhiều quá có chỗ đã hơi nhòe. Nhưng đã nghe hoài, mà mỗi lần nghe lại xong, mẹ tôi đều dừng tay (thường chỉ vừa nghe, bà vẫn vừa làm việc, gọt dưa món, khâu lại áo cho thằng Kim, hay ghi tiền chợ), mỉm cười, rồi nhìn ra ngoài cửa. Nếu không vì chúng tôi hay cười, những lúc ấy, thế nào bà cũng lặp lại những câu bà thường nói. Chẳng hạn như:
“Cái thằng tệ quá. Nó lại quên không cho me biết về mấy hộp thuốc bổ. Không chừng nó vứt đi mất rồi cũng nên”.
Hoặc:
“Nó cũng lên được một ký đấy. Lạy trời, cơm vẫn thường bốn bát”.
II.
“Đứa nào ăn chè bột khoai ra đây mau. Me chúng bay khao cả nhà đây nầy”.
“Ăn gấp. Ăn gấp. Ơ. Ai ăn đậu đen bột khoai nước dừa đường cát ơ”.
“Gớm, bố con nhà mầy, làm gì mà như chạy giặc vậy”.
Tiếng ba tôi ngoài hiên. Rồi tiếng la của thằng Kim hỗn độn át cả tiếng đĩa nhạc mà chị Phượng đang nghe. Tôi chạy ra trước, chị Phượng lúi húi ra sau vì còn mắc phải tắt máy hát. Gánh chè đậu đen bột khoai đã sẵn sàng trong sân, mở vung thơm ngát. Ba tôi đang đỡ một chén chè, nhìn trả lại cái nguýt dài của mẹ tôi, bảo bà bán chè:
“Chị Hai múc sẵn cho tôi cả chục chén trước đi. Xấp nhỏ nầy chúng ngốn mau lắm”.
Rồi ông quay sang chúng tôi:
“Đứa nào ăn thì cứ ăn cho đã đi. Tiền trúng số năm bò của mẹ mầy hồi chiều đấy”.
“Rõ hay cái ông nầy. Người ta trúng số mà tiền đã lĩnh về đâu nào”.
Buổi chiều, khi mẹ tôi nghe radio xổ số, Kim còn mải đi bát nên chưa biết tin kết quả. Bây giờ nghe vậy nó mừng quýnh:
“A. Thế ra me trúng số. Chị Phượng, chị cho Kim mượn cái ca súc miệng bự của chị đi, để Kim lấy một ca cho vào phri-gi-đe khuya ăn”.
Tuy miệng kêu chị Phượng, nhưng chưa kịp chờ ai trả lời, Kim đã ba chân bốn cẳng chạy vào trong nhà kiếm lấy cái ca mà nó muốn. Mẹ tôi nhìn theo Kim lắc đầu:
“Nó giống tính thằng Phan hồi nhỏ như hệt, tham ăn tham uống”.
Nhắc tới anh Phan lại mỗi người một câu, Kim đã lấy đầy phần chè để dành của nó vào trong cái ca to tướng của chị Phượng, rồi đề nghị mua chè bột khoai bỏ trong bao ni lông gửi ra mặt trận cho anh Phan. Ơ quên, phải cho cả anh Nghĩa nữa chứ. Nó nheo mắt và nhìn chị Phượng. Mẹ tôi gắt:
“Lũ quỷ nầy, đừng có nhắc nữa mà chúng nó nhảy mũi”.
Ba tôi vừa ăn sang chén chè thứ hai, vừa cười:
“Nãy giờ tôi cũng hắt hơi mấy cái liền. Chắc dì Hai của xấp nhỏ nhắc rồi”.
Dì Hai là một nhân vật tưởng tượng do chúng tôi gán cho ba để trêu mẹ tôi. Tuy biết chắc là tưởng tượng đôi khi nhắc đến, mẹ tôi vẫn thường nguýt ba tôi vài cái thật dữ dội. Nhưng lúc nầy thì bà chỉ cười phụ hoạ thêm với chúng tôi. Câu chuyện về anh Phan có lẽ đã làm bà quên mất những cái nguýt thường lệ. Tính mẹ tôi buồn cười thế đấy.
Tụi tôi kéo thêm mỗi đứa vài miếng sang chén chè thứ hai thì đã ngấy tới cổ. Buổi khao bột khoai của mẹ tôi chưa hết đến một phần mười cái vé số 500. Hàng bột khoai đi rồi, ba tôi đề nghị ngày mai lĩnh tiền về làm một bữa chả giò, còn bao nhiêu mua quà dành cho anh Phan. Đề nghị nầy được cả nhà hưởng ứng và chị Phượng được giao cho sứ mạng đi đổi vé số.
Trước khi lên gác, mẹ tôi hỏi:
“Có đứa nào biên thư cho thằng Phan chưa?”
“Có, con có viết những hai cái rồi lận. Tôi nói”.
Chị Phượng cũng nói:
“Để lát nữa lên gác con viết”.
“Còn con, sang năm tới con sẽ nhập ngũ và sẽ gặp anh ấy. Viết làm gì cho mệt”.
Mẹ tôi thở dài:
“Tội nghiệp thằng Phan, giờ nầy chắc nó vất vả lắm”.
Hai chị em rủ nhau lên gác. Tôi hỏi chị Phượng mượn cuốn truyện kiếm hiệp coi nốt. Chị nói: “Cứ bày đặt hoài. Học bài đi rồi vô ngủ cho sớm”. Tôi cười, bảo chị là tôi phải đọc nốt đoạn Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến dắt nhau trốn khỏi Mạn Đà Sơn Trang để còn kể cho anh Phan nghe, và chị Phượng không cằn nhằn gì nữa.
Quả đúng như anh Phan thường nói. Tôi bắt đầu mê xem kiếm hiệp từ ngày anh Phan đi lính. Dạo còn ở nhà anh Phan hay nói: Đứa nào chưa đọc Kim Dung là chưa biết hưởng đủ thú vị ở đời. Kiếm hiệp là cái quái gì mà thú vị ghê thế. Toàn chuyện âm ma ám khí rẻ tiền thôi chứ gì. Chúng tôi đã cãi lại như thế. Và anh Phan đã nhún vai làm ra vẻ thương hại cho những kẻ bất hạnh. Tính anh Phan hay đùa cợt, làm cho tôi không hiểu nổi tình cảm thật của anh ra sao. Ngay cả Hoà cũng thế. Hoà là vị hôn thê của anh Phan, có vẻ thương anh lắm. Mẹ tôi cũng rất chịu Hoà và đương nhiên coi Hoà sẽ là con dâu của bà. Nhưng Hoà cũng từng nói với tôi là Hoà không hiểu nổi anh Phan ra sao. Hình như anh mê kiếm hiệp hơn mê Hoà thì phải.
Anh Phan vẫn cho là anh có đủ 10 thành phần công lực, nên khi sửa soạn vào Thủ Đức, anh tuyên bố: “Bọn bay ở nhà yên tâm coi tao. Tao lên đường đây và chỉ cần chín tháng nữa là tao đương nhiên trở thành một cao thủ võ lâm cho coi. Luyện một biết mười mà”. Anh Phan đã làm cả nhà cười ngất. Rồi không hiểu bắt đầu ra sao mà sau đó cả ba mẹ tôi, chị Phượng và tôi, đều mê Kim Dung như điếu đổ. Chỉ có thằng Kim là nhất định không đọc, bởi nó cho tất cả các cao thủ võ lâm đều không ăn thua nổi với mấy cao thủ Rổn Rảng gì đó của nó.
Cầm cuốn kiếm hiệp của chị Phượng vừa đưa, tôi lăn quay ra giường và đọc bằng đèn ngủ. Đúng như lời chị vừa nói, chị Phượng soạn giấy bút viết thư lên bàn. Rồi chị ngồi quay lưng lại phía tôi, không viết mà trầm ngâm. Chắc lại đọc thư của chàng chứ gì. Tôi cười thầm. Cách đây bốn tháng, anh Phan được nghỉ phép một tuần mang theo người bạn về nhà. Và anh chị liền mê nhau ngay. Anh Nghĩa cũng người Bắc, nhưng gia đình anh làm ăn ở Đà Nẵng. Anh ra đời sớm hơn anh Phan, đi dạy được một năm rồi mới nhập ngũ. Có lẽ do đó tính anh trầm tĩnh hơn. Chuyện tình giữa anh Nghĩa và chị Phượng tôi cả nhà đều biết và có vẻ bằng lòng. Riêng tôi, tôi thầm nghĩ rằng họ đẹp đôi lắm và mừng. Bởi tôi quý chị Phượng của tôi lắm. Chị Phượng có khuôn mặt tròn như trăng, hai mắt bồ câu thật quyến rũ. Tính chị giống mẹ tôi như hệt: dịu dàng và chịu đựng. Tuy hai chị em xấp xỉ nhau nhưng chị thường nhường nhịn tôi đủ thứ. Chẳng hạn khi đi sắm hàng, chị nhường cho tôi xấp hàng đắt tiền hơn. Khi cuốn truyện kiếm hiệp mang về, chị nhường cho tôi được đọc trước.
“Quyên nầy, hồi chiều em đọc báo chưa nhỉ”.
“Chưa. Có chuyện gì vậy chị?”
“Không, chả có chuyện gì cả”.
Tôi buông cuốn truyện, nhìn chị Phượng. Chị không viết thư mà lại sang ngồi bên bàn máy may soạn lên bàn lẵng đồ may của chị. Chắc lại thêu khăn cho chàng đấy chứ gì. Tôi định tiếp tục đọc, nhưng chị Phượng đã mở máy may, soạn hàng ra. Tôi đoán lầm, chị không làm khăn cho anh Nghĩa mà sửa lại cái áo sơ mi mòn cổ của ba tôi mới đưa hồi sáng. Chị nói:
“Quyên xem, tiện lợi không. Anh Phan bỏ lại mấy cái sơ mi, chị tháo cổ áo của anh may cho ba vừa khít”.
Tôi nói:
“Quái, lâu quá rồi sao không thấy thư anh Phan, chắc anh ấy uýnh giặc ghê lắm”.
Chị Phượng thở ra:
“Chị mới được thư anh Nghĩa hồi chiều. Đang có nhiều trận đánh lớn lắm”.
“Ai chớ các anh ấy thì không lo đâu chị. Ông nào cũng có Giáng Long Thập Bát Chưởng cả mà”.
Chị Phượng cũng cười:
“Ờ. Anh Phan thì mưu lược lắm. Chả thế mà hồi ở nhà anh ấy mỗi tháng vẫn lĩnh của me đến ba bốn lần tiền giặt ủi là gì”.
Máy xong cổ áo cho ba tôi, chị Phượng mới đi viết thư. Tập truyện kiếm hiệp đã hết ngang. Tôi nằm yên nghe thấy tiếng bút của chị Phượng sột soạt trên giấy. Rồi tôi nghĩ đến Hoàng, tôi cũng muốn viết một lá thư cho Hoàng. Nhưng chúng tôi gần gụi nhau quá.
Ngày mai đây, sau giờ triết là tôi sẽ trông thấy Hoàng rồi. Tôi đâu có gì để viết nhỉ. Nhưng rồi Hoàng, Hoàng đang học Luật và nếu chàng rớt năm nay, chàng cũng sẽ phải đi như anh Phan, anh Nghĩa. Nghĩ vẩn vơ một lát tôi nghe loáng thoáng thấy chị Phượng hỏi một câu gì đó. Tôi nói: “Hả”. Chị Phượng cười nhỏ, lúc lắc cái đầu rồi lại cắm cúi viết.
Một lát, có lẽ đã xong, chị khép bớt một cánh cửa sổ lại rồi tắt đèn. Vào giường. Ngoài trời có vẻ đang chuyển mưa. Hai chị em nằm cạnh nhau. Chị Phượng hỏi:
“Quyên còn tem không, mai cho chị vay đỡ mấy con”.
“Được, nhưng phải trả gấp đôi cơ”.
“Rõ hay. Định đem chia cho Hoàng một nửa đấy hẳn”.
Tôi đập vào vai chị. Chị cười:
“Nhớ hôm đầu dẫn xác lại ăn cơm, trông cứ như là cô dâu chú rể ấy”.
“Còn anh Nghĩa của chị thì khá lắm đấy. Lính tráng gì mà thấy con gái là đỏ mặt, cứ như say rượu. Anh Nghĩa có nói bao giờ về phép không”.
“Không. Nhưng nếu về thì sẽ cùng về với anh Phan, em quên rồi à”.
Rồi chị hạ giọng nhắc lại câu chị đã nói lúc nãy:
“Không hiểu sao dạo nầy tự nhiên đánh lớn quá”.
Từ phía cửa sổ, một khoảng trời bỗng bật sáng. Nhưng không phải là chớp. Đó là những trái hoả châu vừa được thả đâu đó mà tôi vẫn thường thấy. Rồi cùng với ánh sáng ngoài trời, có những tiếng nổ của đại bác vọng tới. Bên cạnh tôi, trong thứ ánh sáng mơ hồ chập chờn của hoả châu, tôi thấy khuôn mặt chị Phượng nghiêng hẳn sang một bên gối, những sợi tóc mỏng manh rung động liên tiếp. Hai chị em đấu mặt vào nhau, tôi nói:
“Dạo nầy đại bác nổ ghê quá. Không hiểu sao nghe tiếng đại bác nổ, em thấy nao nức quá”.
“Em nao nức những gì?”
“Không biết. Nhưng như là muốn khóc vậy chị”.
Chị Phượng nói nhỏ, gần như thì thầm:
“Chị cũng vậy. Chị thấy đủ thứ”.
Ánh hoả châu ngoài trời vẫn tắt sáng, tắt sáng. Tiếng đại bác càng về khuya càng có vẻ gần hơn, và hình như dồn dập hơn đêm qua. Tôi bỗng cảm thấy tôi thương mến chị Phượng dào dạt. Anh Phan. Anh Nghĩa. Rồi Hoàng. Rồi những bộ đồ trận. Mỗi tiếng nổ hình như lại làm cho một hình ảnh bật lên trong đầu tôi.
Nửa đêm, trời bỗng thật oi bức. Chị Phượng hì hục dậy mở quạt, rồi ngồi trầm ngâm trong bóng tối một lúc lâu. Còn tôi, tôi nhắm mắt lặng lẽ.
Mẹ tôi giao tấm vé số cho chị Phượng mang đổi. Ban đầu, mấy chị em tôi bàn với nhau xách ra sạp bán vé bán lại cho mau. Nhưng mẹ tôi giẫy nẩy:
“Hừ. Mất tới mấy chục bạc chứ bộ. Mấy chục mua được cả chục cam ăn vừa ngon vừa bổ. Có ai cho bọn bay không nào. Thôi, chịu khó ra ngân khố đổi lấy đi con.
Chị Phượng rủ tôi cùng đi, nhưng tôi đã hẹn với Xuyến một con bạn cùng lớp, để đến nó cùng học. Nhà Xuyến yên tĩnh, chớ ở nhà, lát nữa thằng Kim xách cái xe gắn máy của nó ra lau chùi, tôi sẽ không học hành gì nổi.
Tôi đến Xuyến chừng một tiếng đồng hồ rồi về. Con bé thật khùng. Học nửa chừng nó rủ tôi đi bơi. Tôi nhẩm tính chưa đến ngày thay nước hồ nên chê bẩn, từ chối. Xuyến đi một mình. Tôi định ghé qua Hoàng, nhưng nhớ ra giờ nầy Hoàng phải ra thư viện. Nên đành về nhà. Mẹ tôi đang cố vấn cho chị người làm xào món dứa thơm phức. Tôi thay áo xuống bếp, mẹ tôi đuổi đi. Nhưng thấy trái dứa còn một nửa trong gạc-măng-giê tôi cù nhầy vòi mẹ tôi phải cắt cho một miếng. Bộ còn nhỏ lắm hả cô. Tôi cười. Thằng Kim đã lo xong cái xe gắn máy của nó, nghe hơi, chạy vào bếp xin một miếng còn lại. Con với cái. Mẹ tôi mắng. Nó nhe răng: “Bộ me tưởng dễ gì đâu có được một đứa con lớn bằng con. Đó, me đẻ ra một đứa nữa thử con coi nào. Me phải cưng con nhất mới đúng”. Nghe nó lý luận, mẹ tôi chỉ biết dùng lại cách phản ứng thường lệ của bà, là lắc đầu quầy quậy.
Chừng nửa giờ sau thì chị Phượng về. Vừa dựng chiếc vê-lô vào sân xong, chị đã lầu bầu kể với mẹ tôi:
“Trời đất. Mệt ơi là mệt”.
Mẹ tôi nói:
“Cái gì mà mệt. Ra đổi thì có liền chớ gì. Nhờ chúng bay được chút gì là đã nghe cằn nhằn rồi. Có cất nón đi rồi vào bếp phụ đây không, cô Hai”.
Chị Phượng thay áo xong, cầm tờ giấy 500 đưa cho mẹ tôi, kèm thêm cả hai tấm vé số:
“Con đưa hết me đây. Me trả cho con 52 đồng đi”.
“52 đồng gì mầy?”
“30 đồng là tiền đổ xăng và đổ nước mía cho chiếc xe và con, còn hai mươi đồng là tiền hai tấm vé số. Để con kể rõ cho me nghe”.
Chị Phượng ngồi bên cạnh mẹ tôi, vừa nhặt rau, vừa tiếp tục kể:
“Thật tức cười – Chị nói. Thấy tôi giơ tấm vé số ra, có mấy bà thi nhau đến gạ đổi. Con hỏi số trúng 500 đổi bao nhiêu. Một bà đòi năm chục. Một bà đòi bốn chục. Con nói chừng bốn hay năm đồng thôi không được sao. Mấy bà mần thinh. Chắc họ rủa con lắm”.
Mẹ tôi nói:
“Bọn bây đừng tưởng. Họ đứng đổi vậy mà mỗi ngày được khối tiền đấy”.
Tôi hỏi:
“Thế rồi làm sao chị lại có hai tấm vé số nữa. Chắc ông đổi tiền ở ngân khố bắt chị mua phải không”.
“Ở đó mà bắt”.
“Rồi chị làm sao đổi”.
“Thì đưa thẻ kiểm tra, vé số, rồi ký tên, lĩnh tiền, dễ ợt”.
Và chị kể tiếp về hai tấm vé số, cho mẹ tôi nghe:
“Lĩnh tiền rồi, khi ra cửa ngân khố, con thấy một người đàn ông cụt chân ngồi trên xe lăn. Ông ta bầy vé số bán trên xe rồi bảo con mua dùm cho anh em phế binh đi cô. Thế là con đưa tờ 500 của me ra, bảo xé hai vé. Không may ông ta lại không có tiền thối, thành ra con đành mất 22 đồng. Xui không. Me trả con đi”.
Mẹ tôi cười:
“Tao có bảo mầy mua vé số đâu nào”.
Chị Phượng ngừng nhặt rau, lựa một tấm vé số cầm lên:
“Đây nầy. Tấm nầy, sẽ trúng độc đắc. Người bán vé số đã bảo con thế. Ông ta lấy cùi tay, à quên, con chưa nói để me biết là ông ta còn cụt một bàn tay nữa. Ông ta để khúc tay cụt lên tấm vé số nầy, di qua di lại. Không tưởng tượng được. Cái khúc tay cụt ấy đỏ hỏn, còn nguyên cả những bợn da đã mét vào xương. Hình như lại còn cả một miếng gân lộ ra ngoài vết hõm, cứ rung rung hoài…”
“Trời ơi!”
Tôi kêu lên và mẹ tôi la chị Phượng:
“Có thôi đi không nào. Mầy kể cái gì vậy. Con nầy”.
Chị Phượng im bặt, để tấm vé số xuống. Tôi nhìn thấy hai con số cuối của tấm vé số là 64. Đúng là con số của năm nay.
Hình như có một nỗi kinh hoàng lặng lẽ vừa gieo xuống. Không ai nói gì nữa. Ở trên tấm vé số, bên con số 64, tôi như đang nhìn thấy một khúc tay cụt di qua di lại, và tôi nghe thấy tiếng bếp lửa sau lưng mẹ tôi đang nổ lách tách. Tôi không biết là mình nghĩ gì nữa. Nhưng may sao lúc đó vừa có tiếng máy xe ba tôi nổ ngoài cửa, rồi tiếng thằng Kim la lớn lên phía ngoài:
“A! Ba về rồi. Giờ cơm đến rồi. Giờ cơm đến rồi. Nào lên thôi. Lên thôi”.
Chị Phượng nhìn tôi và mỉm cười. Tính Kim vẫn vậy.
Ra đường, nó đã cao lắm rồi, nhưng cứ về nhà là vừa hát những câu chẳng đâu vào đâu, do nó tự chế biến ra lấy.
Tiếng la của Kim và tiếng xe của ba tôi đã phá tan được phút lặng lẽ giữa chúng tôi trong bếp. Gia đình tôi vẫn vậy, từ ngày anh Phan đi, thỉnh thoảng chúng tôi thường có những sự hoảng hốt vô cớ. Nhưng được cái cả nhà ai cũng có tính hài hước, thành thử cũng đỡ. Chị người làm đã lên nhà trên dọn bàn ăn, mẹ tôi cũng đứng dậy, xếp rổ rau rồi bảo:
“Thôi chị em bay lên dần đi là vừa”.
Ở nhà trên, ba tôi cho xe vào sân, rồi vào phòng trong thay sang bộ py-ja-ma thường lệ của ông, trong khi Kim đang lăng xăng ngả cái ghế xích đu ra giữa phòng cho ba tôi nằm nghỉ.
Trông cái xích đu, tôi định bụng trưa nay, ăn cơm xong, tôi sẽ lấy cái nhíp nhổ tóc sâu cho ông. Mái tóc ba tôi đã ngả màu muối tiêu từ lâu, có nhiều sợi tóc sâu mọc ngược, loăn quăn, và ba tôi thích nhổ chúng đi lắm.
Mấy năm trước còn nhỏ, ba tôi ra giá cho bọn tôi cứ 5 sợi tóc sâu một đồng. Cả hai tôi và chị Phượng trưa nào cũng không ngủ. Hai chị em nhổ có khi một buổi đến năm sáu đồng, chia nhau mua me và cóc vào ăn lén trên gác. Mẹ tôi chúa ghét con gái ăn quà vặt: Thích gì thì nói mẹ mua, ăn món gì thì nói mẹ nấu. Châm ngôn của mẹ tôi là vậy.
“Thế nào, đã có đứa nào xung phong đi đổi vé số cho mẹ chúng mầy chưa?”
“Con đi đổi rồi”.
Cả nhà đã ngồi vào bàn ăn, theo lệ thường, chị Phượng sẽ phải vừa gắp thức ăn cho ba tôi, vừa huyên thuyên kể lại chuyện ra ngân khố đổi vé số mới phải. Tính chị vẫn vậy. Đôi khi một chuyện kể hai ba lần là khác. Nhưng không hiểu sao, hôm nay chị bỗng không kể chuyện đi đổi vé số cho ba tôi nghe nữa. Câu chuyện được lái sang bữa chả giò sắp tới, chị Phượng xung phong lãnh phần đi chợ. Nhưng mẹ tôi nói:
“Mầy tiểu thư lắm. Chưa có đi chợ được. Đã không biết lựa lại còn mua hớ. Để tao phải đi”.
Rồi bà ngồi tính tiền: rau, thịt, cua, bánh tráng, lại còn một chai rượu chát cho ba tôi nữa”.
Mẹ tôi tính một chập thì chị Phượng kêu lên:
“Ơ hay, me tính đủ các thứ phụ tùng vậy thì tấm vé số đâu còn phần nào để ra mua quà cho anh Phan nữa”.
“Ờ nhỉ, mẹ tôi nghĩ ra, giá mà hôm đó bọn chúng về được thì vui biết mấy”.
Bọn chúng đây là mẹ tôi ám chỉ không riêng anh Phan mà cả anh Nghĩa nữa. Thành thử chị Phượng nhìn mẹ tôi có vẻ biết ơn lắm. Vấn đề bữa chả giò liền đó trở nên sôi nổi hơn. Ba tôi đưa ý kiến:
“Tuần trước, trong thư thằng Phan chả nói có lẽ bọn nó sắp có phép về là gì. Hay mình lui bữa chả giò để chờ nó coi”.
Ý kiến của ba tôi được mẹ tôi và chúng tôi hưởng ứng. Nhưng Kim thì quyết liệt phản đối:
“Trời ơi! Tại sao phải chờ. Mình cứ ăn ngay ngày mai. Rồi khi mấy ông đó về mình lại làm bữa khác có phải hơn không nào”.
“Đó, thấy không. Nó lại giở thói xấu ăn in hệt thằng Phan vậy”.
Chị Phượng nói:
“Ăn gì. Bây giờ là lính ở rừng rồi mà ăn với uống”.
“Xin lỗi chị đi. Anh ấy vừa bắn súng vừa thổi cơm. Người ta là hướng đạo chớ đâu phải như chị. Con đề nghị má sáng mai cứ làm chả giò đi. Đừng có lo anh Phan”.
Mặc dầu Kim cằn nhằn, mẹ tôi vẫn giữ quyết định lui bữa chả giò lại để chờ anh Phan. Ba tôi còn nói thêm: “Yên chí. Con Quyên cứ đi báo động cho thằng Hoàng với con Hoà biết trước đi”. Kim lo sợ một mặt: “Thôi mà, con đề nghị chỉ mời mình anh Hoàng thôi, đủ rồi. Mấy con cua mua sẽ chẳng to gì đâu”.
Ba tôi trấn an nó:
“Đừng lo. Ba cho phép cả thằng Kim rủ mấy tên bạn của mầy đến ăn nữa đấy. Thiếu bao nhiêu ba bù cho”.
III.
Cả nhà đều đợi tin của anh Phan và buổi chả giò đáng lẽ ăn vào trưa hôm sau đình lại. Chị Phượng đề nghị: Thôi đợi Chủ nhật đi mẹ. Tụi mình đinh ninh Chủ nhật nầy thế nào anh Phan cũng về. Nghe chị Phượng nói vậy Kim cười: Với anh Nghĩa nữa. Kim nói xong thì cười hô hố. Mẹ tôi bảo thằng Kim đã bắt đầu vỡ giọng, lớn tới nơi rồi mà như trẻ con, dù bây giờ Kim đã là một cán bộ của chương trình công tác hè, mẹ tôi cũng không thèm biết. Mỗi buổi trưa đi làm về ba tôi đều hỏi: Có thư thằng Phan chưa? Rồi ba ngồi xuống đi văng, mở báo đọc to những tin chiến sự cho cả nhà nghe. Đôi lúc ba tôi đoán anh Phan đang di chuyển từ đâu đến đâu, đang theo đoàn quân tiến đến nơi nào. Tôi đùa nói với ba tôi là một đại tướng về hưu. Ba tôi cũng khoái cái tên tôi gọi lắm, ông thường vén tay áo lên, chỉ vào vết sẹo trên cánh tay, dấu vết thời tản cư bị trúng đạn rồi cười: Con Quyên nói đúng, đây là bằng chứng. Tuy trong nhà vẫn vui, nhưng trong lòng ai cũng nghĩ tới anh Phan và chờ đợi. Chị Phượng thì sốt ruột lắm, tối nào chị cũng ngồi viết thư. Những lá thư gửi đi ngày một, tôi lấy làm lạ viết những gì mà nhiều thế. Như tôi, tôi cũng muốn viết thư cho Hoàng. Tôi ngồi hàng giờ trước tờ giấy mỏng, viết được hai tiếng anh Hoàng rồi tắc tịt.
Chị Phượng và tôi thường giật mình khi thấy một người lính đi ngang qua cổng nhà. Chị Phượng chờ tin anh Nghĩa, còn tôi, tôi mong được tin của anh Phan. Ngày trước, khi anh Phan chưa đi lính và chị Phượng chưa có anh Nghĩa, mỗi lần đi đường gặp một xe chở lính là chúng tôi khó chịu. Nghe thấy họ hét hò, họ cười và những đôi mắt nhìn chăm chăm vào chúng tôi, chúng tôi giận ghê lắm. Vậy mà lúc nầy gặp họ, nghe họ gọi, họ đùa, chúng tôi không giận. Chúng tôi cười với họ và thấy thương mến gần gũi họ hơn. Những hình ảnh bây giờ đối với chị em tôi thật cảm động.
Tôi cũng nhớ là sáng nay có hẹn với Hoàng. Tôi xin phép mẹ tôi. Mẹ bằng lòng ngay và bảo phải về nhà trước giờ cơm. Tôi mang áo trắng, đi đôi dép thấp, Hoàng thường thích tôi khi làm ra vẻ rất bé nhỏ. Tôi tới nhà Hoàng giữa lúc Hoàng đang xoay trần cái ghế bị hỏng mấy chiếc lò xo. Tôi thấy Hoàng bỏ tay đứng dậy đón:
“Á hôm nay con bé mang áo trắng ngoan quá”.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế khác:
“Anh hẹn em sáng nay đi ciné, vậy mà bây giờ chưa sửa soạn gì hết”.
Hoàng thật ngớ ngẩn, hẹn với tôi rồi quên. Tới khi tôi nhắc chàng mới ngẩn người ra, rồi nói vớt vát:
“Ừ, vậy mà anh ham mải mê sửa chiếc ghế để Quyên tới ngồi”.
Chúng tôi xin phép ba mẹ Hoàng rồi dẫn nhau đi chơi. Cuộc tình của chúng tôi đều được hai gia đình chấp thuận, chỉ chờ Hoàng ra trường nữa là cưới. Hoàng chỉ còn học có năm chót, nhưng chàng đùa: “Nếu anh thi trượt thì phải đợi hai ba năm đó nghen”. Hoàng nhại tiếng Nam giống như hệt làm nhiều khi tôi cười ngất.
Chúng tôi vào rạp ciné rồi vào tiệm nước, Hoàng hỏi tôi về tin tức của anh Phan và đêm qua tôi mơ thấy gì. Tôi nói tôi không mơ thấy gì, tôi nghe có tiếng đại bác. Hoàng nói: Ừ súng gần quá, nếu kỳ thi nầy anh trượt chắc cũng phải đi quá. Tôi hỏi bao giờ có kết quả. Hoàng nói tuần tới. Tôi lo lắng, thì chàng cười:
“Không đi trước thì đi sau, thời buổi nầy, trốn tránh là hèn nhát”. Tôi nói: “Vậy thì đã có anh Phan, anh Nghĩa”. Hoàng nói: “Đó là phần của các anh ấy chứ, không chia được”. Tôi ít khi thấy Hoàng nói chuyện trang trọng như thế. Bây giờ trông Hoàng lớn hẳn, thay đổi hẳn. “Nhưng đừng thay đổi tình yêu em nghe Hoàng”. Tôi nói thầm và nhìn Hoàng. Hoàng hỏi tôi nhìn gì mà nhìn dữ vậy. Tôi nói em sợ mất anh quá. A, cô bé sợ cô nào bắt mất anh chăng. Tôi thành thật gật đầu. Hoàng cầm chặt tay tôi: “Tội nghiệp em, tội nghiệp Quyên, đừng sợ. Em tin anh không”. Tôi gật đầu. “Tin thì đừng nghĩ nhảm”. Hoàng đưa tay vẫy một người quen nào đó, tôi nhìn ra thấy một quân nhân: “Ê Hoàng mầy chưa đi à? Chưa, tao còn thi xong đã chứ. Ngồi xuống đi. Em, đây là anh Đông, Nguyễn Văn Đông”. Đông cười rất vui chào: “Hân hạnh biết chị, chị…” “Quyên, phi-ăng-xê của tôi đó Đông”. “À Hoàng khéo chọn quá. Hắn ghê lắm đó chị”. Tôi cười thật vui. Đông nói chuyện rất có duyên và như vẻ thân với Hoàng lắm. Tôi ít khi nghe Hoàng nhắc tới bạn bè hay giới thiệu ai. Hoàng hỏi Đông về trận đánh, những kỷ luật quân đội.
Tôi ngồi nghe im lặng, thì những điều Đông kể cũng giống như anh Phan đã nói hay viết trong thư. Nhưng giọng Đông kể nghe không chán. Đông rút trong túi ra một con búp bê len, xoay xoay trong tay: Cậu biết của ai đây không? Hoàng lắc đầu. Đông nói của một người bạn vừa tử trận, khi hắn chết, nhờ trao lại cho mẹ hắn ở Sài Gòn. Con búp bê nầy ngày trước mẹ hắn đã thắt cho hắn cột trên ghi đông chiếc xì-cút-tơ. Hoàng hỏi sao không đưa cho người ta. Đông bảo là tới nhà bà, thấy bà ta đôn hậu quá, hiền lành và yêu con quá, anh không có đủ can đảm nói thẳng. Tôi kêu: “Như vậy bà ta chưa biết con chết?” “Chưa”. Đông nói. Tôi lại nói không suy nghĩ: “Tội quá”. Đông cười lớn: “Chúng tôi gối lên xác bạn bè hàng ngày”. Tôi nghĩ tới anh Phan, anh Nghĩa và Hoàng, Hoàng bắt gặp đôi mắt của tôi. Chàng cười: “Cô bé đừng sợ, anh đã đi đâu. Mà anh sẽ đi”. Đông nói: “Có số chớ chị, tụi bạn tôi chết biết mấy, tôi vẫn sống đây nè”. Tôi gượng cười mà trong lòng muốn khóc hết sức. Hoàng uống sữa còn Đông uống la-ve. Đông chế Hoàng và bảo đi lính rồi coi la-ve cũng như nước lạnh. Đông kể những chuyện phá phách, những điên cuồng của tuổi trẻ vì bị giam trong chiến tranh và nói: “Mình coi như mình hết sống cho mình. Ra trận rồi mới biết, thấy đất đai cây cỏ đẹp hết sức. Mình đã nhìn một đám cỏ non bị rạp, một đồng lúa bị cày mà chảy nước mắt”. “Thật buồn cười, lính mà biết khóc đó”. Tôi rùng mình. Những chuyện Đông kể cũng như anh Phan kể đều ngoài sức tưởng tượng. Nhưng chúng tôi ở đô thành yên lành quá, đêm chỉ nghe tiếng đại bác. Tôi kể những vụ khủng bố chính mắt thấy cho Đông nghe. Đông cười nói: “Ở trận địa, ở thôn quê gấp triệu lần như thế”. Tôi cũng không hình dung nổi, nhưng sợ hết sức. Ly nước cam trước mặt tôi còn nguyên. Hoàng giục tôi uống. Đông đứng dậy chào chúng tôi để đi. Tôi nói rảnh anh tới nhà chơi vì ba mẹ tôi khoái nghe chuyện mặt trận lắm, tôi cũng có người anh đi lính, chị tôi có người yêu đi lính. Đông nói gia đình tôi như thế thì thật là dễ thương. Hoàng hãnh diện, và Đông xin địa chỉ. Tôi nghĩ ba mẹ tôi cũng sẽ mến Đông, nhất là chị Phượng. Chị sẽ đỡ nao nức về anh Nghĩa.
Hoàng đưa tôi về, ba mẹ tôi giữ lại ăn cơm nhưng Hoàng từ chối, và hẹn sáng mai tới chỉ cho tôi Toán Lý Hoá. Giữa bữa cơm tôi kể chuyện gặp Đông cho ba tôi nghe. Ba tôi nói hắn là một người đa cảm. Tôi cãi nói hắn ngang tàng lắm. Chị Phượng thì bảo phần đông đều ngang tàng. Còn thằng Kim cắm cúi vào đĩa thịt nướng. Nói mãi về lính, có ai nghe chuyện đá banh, con tường thuật cho mà nghe. Con tường thuật hay như ông Huyền Vũ trong radio đó. Ba tôi kể chuyện ở sở sáng nay có nhận thêm hai thiếu phụ vào làm việc. Hai người đều là quả phụ. Chồng họ vừa tử trận trong trận đánh gần đây nhất. Chị Phượng hỏi: Đồng Xoài hay Đức Cơ. Ba nói thì đại để một trong hai nơi đó. Và để thay đổi không khí, ba tôi hỏi tôi với Hoàng đi chơi có vui không. Tôi nói bình thường. Ba tôi lại hỏi chị Phượng về anh Nghĩa. Chị Phượng nói: Con cũng không biết nữa, anh ấy nay đây mai đó. Con chưa muốn nhắc anh về việc cưới xin. Mẹ góp vào. Rồi con Quyên nó lập gia đình trước cho coi. Cậu Hoàng thi chưa xong mà đằng nhà đã lo đi hỏi ngày tháng tốt. Tôi hỏi chị Phượng, chị cũng nhìn tôi, vừa buồn bã cho chị vừa vui mừng cho tôi. Một lát sau bữa cơm, ba mẹ tôi vào phòng, hai chị em tôi lại lên gác. Nằm bên tôi, chị Phượng hỏi:
“Không biết Đông có ở chung một nơi với anh Phan và anh Nghĩa không, chắc họ biết nhau”.
“Em cũng không biết nữa. Anh ấy gắn lon trung uý”.
“Đông có thân với Hoàng không?”
“Chắc thân chị ạ. Thế nào anh ấy cũng tới chơi”.
Hai chị em cùng hy vọng chủ nhật anh Phan và anh Nghĩa về. Rồi quay sang bàn chuyện bữa chả giò hôm đó. Tôi nói:
“Em sẽ làm nước mắm pha kiểu Nam, cay một tí thôi. Nhưng có chanh thơm thơm”.
“Anh Nghĩa thì thích ăn nhiều rau sống, rau dấp cá. Hồi mới di cư vào đây, chị sợ rau ấy lắm”.
“Bây giờ thì ngốn như điên rồi phải không?”
Chị Phượng cười, tôi cũng cười. Một lát chị tâm sự với tôi chị vừa nhận được một lá thư của một người bạn của Nghĩa. Anh ấy cũng là lính, chuẩn uý nhưng đã đổi khỏi đơn vị của anh Nghĩa rồi. Anh Nghĩa có nói về chị cho anh ta nghe, và anh ta muốn làm quen chị. Chị Phượng đưa lá thư cho tôi đọc. Tôi thấy lời lẽ trong thư hết sức tự nhiên, mong chị Phượng giới thiệu cho một cô bạn vui tính để thư từ, và thỉnh thoảng được viết thư cho chị Phượng. Nhờ chị Phượng săn sóc hộ cô em gái tên là Thu. Tôi lẩm nhẩm đọc cho nhớ địa chỉ rồi nói với chị Phượng:
“Được, để vài hôm em sẽ tới nhà cô nhỏ nầy. Cô ta mười sáu, nhỏ hơn thì làm em”.
“Còn bà mẹ già nữa”.
“Có chúng mình chắc bà ta vui hơn”.
“Tụi mình bây giờ lại ưa làm việc xã hội rồi đó”.
Chị Phượng xếp lá thư lại: Thôi ngủ một tí em. Chị quay mặt vào vách. Tôi nằm lơ đãng nhìn lên trần nhà. Hai con mối đuổi nhau, chui vào trong kẹt tủ rồi lại hiện ra, rồi lại mất. Tôi nghĩ tới Hoàng, tới cuộc đi chơi buổi sáng. Chúng tôi hình như đã mất sự hồn nhiên. Khuôn mặt của Hoàng tôi vẫn đùa là “trông như con nít” đó cũng đã thay đổi, cũng đã chìm đắm. Tôi nhớ lại một buổi tối chàng ngồi dạy cho tôi một bài toán và hai đứa đều giật mình vì tiếng súng đại bác thật gần. Hoàng cầm chặt tay tôi mắt nhìn ra cửa sổ. Còn tôi, tôi nghĩ tới anh Phan, và tôi tưởng tượng ra những hầm hố trên đoạn đường anh đang bước.
Có tiếng xe hơi rồ máy. Tới giờ ba tôi đi làm. Chị Phượng quay lại:
“Không ngủ sao Quyên?”
“Trưa nóng quá chị ạ, trời hoài không chuyển mưa”.
Có tiếng mẹ tôi gọi chị Phượng, chị dạ một tiếng thật lớn rồi đi xuống nhà. Còn một mình, tôi đưa bàn tay mình ra, nhìn vào những đường chỉ chi chít và đoán số phận. Đường nầy là đường may mắn, đường nầy là đường tình duyên, đường học vấn. Tay tôi vẫn như mọi ngày, tôi không tìm ra điểm lạ. Tôi nhủ thầm sáng mai phải coi lại bàn tay của Hoàng. Tôi lười biếng nhắm mắt dỗ giấc ngủ.
==
No comments:
Post a Comment