Tuesday, November 18, 2008

ĐOÀN VĂN CỪ

===

Đoàn Văn Cừ: Bắt trái tim xuân chẳng được già

--- Hoài Anh ---

Từ đầu thập niên 30, Đoàn Văn Cừ đã nổi tiếng với những bài thơ đặc sắc tả cảnh quê, tình quê. Với biệt tài dùng mầu sắc và hình ảnh dí dỏm, ông đã làm nổi bật nét dân dã, tươi vui của những sinh hoạt tập thể ở nông thôn như họp chợ, lễ hội, đám cưới... Năm nay, dù đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn làm thơ với một tâm niệm: "Bắt trái tim xuân chẳng được già".

Hồi nhỏ, khác với nhiều đứa trẻ nông thôn cùng lứa tuổi, ngày Tết tôi không mong cha tôi mua tranh, pháo cho tôi bằng mua cho tôi một tờ báo "Ngày nay" số Tết. Ở đó tôi được xem tranh bìa của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Bình Lộc...; đọc thơ xuân của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... thú vị biết bao! Một năm, tôi đọc được trong "Ngày nay" số Tết một bài thơ của tác giả Đoàn Văn Cừ. Bài thơ tả cái Tết ở thôn quê đúng như cái Tết ở vùng đồng chiêm Nam Định - Hà Nam quê tôi. Tôi say sưa đọc và thấy những nhân vật diễu qua như đèn kéo quân:

Anh chàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dỡ bán.
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
Lũ trẻ còn mải ngắm bức tranh gà...

Nếu trong tranh dân gian, nghệ nhân dùng sáu mầu chính: Mầu đỏ, mầu vàng, mầu trắng, mầu xanh lục, mầu xanh lam, mầu cá vàng. Thì trong thơ, Đoàn Văn Cừ cũng dùng toàn những mầu nguyên như thế:

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.
Con gà sống mào thâm như cục tiết,
Một người mua kéo cẳng dốc lên xem.

...

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh.
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon.
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

Thiên nhiên ở đây được nhân cách hóa và kỳ ảo hóa, chứng tỏ tác giả đã kết hợp giữa quan sát và tưởng tượng, nhưng vẫn bám chắc cái gốc hiện thực. Giống như nghệ sĩ tranh dân gian dùng mầu thuốc cái (phấn trắng lấy ở vỏ sò, vỏ hến, mầu lam lấy từ lá chàm, mầu vàng lấy từ hạt dành dành, mầu đen lấy từ than củi, mầu xanh lấy từ gỉ đồng...), Đoàn Văn Cừ cũng lấy chất liệu từ đời sống dân gian nhưng có chắt lọc và nâng cao trên cơ sở phổ cập, đại chúng. Người nông dân tuy khổ cực nhưng vẫn lạc quan, trong tranh dân gian có những hình ảnh tươi vui, ngộ nghĩnh như: đám cưới chuột, thầy đồ cóc dạy học, vợ cả búi tóc ngược sấn đến đánh ghen với vợ bé, hai người đàn ông đóng khố leo cây hái dừa ném xuống cho hai người đàn bà kéo váy ra hứng... Thơ Đoàn Văn Cừ cũng có những hình ảnh được ký họa bằng nét bút nghịch ngợm, dí dỏm. Như trong bài "Đám hội":

Các Bà Đồng khăn đỏ chạy loăng quăng
Đón các khách thập phương về dự hội
Một chiếc kiệu đương đi dừng bước lại,
Rồi thình lình quay tít mãi như bay,
Một bà già kính cẩn chắp hai tay,
Đứng vái mãi theo đám người bí mật.
Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát,
Một chị đương đu ngửa tít trên không.
Cụ lý già đứng lại ngửng đầu trông,
Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh.
Mấy cô gái nép gần hai chú lính,
Má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau.

Xen vào những câu tả thực là những câu tả cảnh rất sống, rất tạo hình mà vẫn phảng phất ý vị trừu tượng, huyền ảo:

Chiếc ô đen lẳng lặng tiến ra cầu,
Tìm đơn chiếc san mầu bay trước gió...
Tiếng chiêng trống chen từng hồi lặng lẽ
Những bóng người trịnh trọng khẽ đi lên.
Những cánh tay áo thụng vái mơ huyền,
Đang diễn lại cả một thời quá khứ...

Những đoạn cuối cùng của bài thơ mang tính chất khêu gợi thường thấy trong thơ văn Pháp. Chẳng hạn:

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

Cũng như họa sĩ tranh dân gian biết kết hợp giữa tả ý và tả chân, không chỉ vẽ theo lối đơn tuyến bình đồ mà còn sử dụng cả phép phối cảnh trên một cái nền thiên nhiên, thơ Đoàn Văn Cừ cũng biết cách làm mờ nhòa cảnh vật để tạo hòa sắc và gây ấn tượng để lại dư âm man mác:

Một lúc sau đi tới chỗ vòng quanh
Nếp chùa trắng in hình trên trời thắm,
Thì cả bọn dần dần cùng khuất lấn
Sau trái đồi lấp lánh ánh sương ngân.
Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng.

Do tâm hồn yêu đời của nhà thơ, nên những câu kết không đìu hiu, u uẩn mà vẫn trong sáng, hoạt động:

... Tiếng chuông tối nhặt khoan trong yên lặng
Lẫn trống chèo văng vẳng phía xa xa,
Của đám dân nô nức dưới trăng tà

Tác giả thường đi sâu vào những cảnh sinh hoạt tập thể như chợ, đám hội, đám cưới... với những nét đặc trưng dân dã tươi vui, ấm áp. Tả về mẹ, người ta thường hình dung mẹ như một người đứng tuổi u buồn, lặng lẽ, nhưng Đoàn Văn Cừ lại tả mẹ mình như một cô gái trẻ, đẹp, vui vẻ, duyên dáng:

Thúng cắp bên hông nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu.
Trông u chẳng khác thời con gái,
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

Đáng quý nhất là tác giả đã đưa cảnh nhộn nhịp của lao động sản xuất ở nông thôn vào thơ. Như trong bài "Ngày xuân" chơi đồng quê:

Dưới chân đồi, trong những ruộng trồng dưa,
Qua khe lá hoa vàng chen tấm tấm.
Những cồn mía lá non, mình tía sẫm,
Vạch lên trời một nét uốn thanh thanh.
Vài ba cô yếm đấu, thắt lưng xanh,
Giơ gáo giội trong những vườn cải biếc,
Mấy cô khác vai mang đôi nồi nước
Từ cổng làng lững thững gánh đi ra,

Vốn có tinh thần yêu nước, muốn ghi lại cảnh sống và tâm hồn dân tộc, sợ những cái tốt đẹp truyền thống sẽ biến mất dần trong xã hội tư bản thực dân thống trị, Đoàn Văn Cừ đã có những bài thơ đặc sắc và độc đáo trong thơ hiện đại 1930-1945. Nhưng trước năm 1945, ông vẫn mai danh ẩn tích không cho ai biết tiểu sử của mình. Cũng có thể vì từ năm 1936, ông đã tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định, nên không muốn để chính quyền thực dân và tay sai biết lý lịch của mình.

Đến năm 1948, ông tòng quân, anh em văn nghệ mới biết mặt ông trong Đại hội văn nghệ kháng chiến Nam Định. Hôm đó, ông đã lên diễn đàn đọc bài thơ sau:

Đoàn Văn Cừ (hề), Đoàn Văn Cừ
Ngươi có một vợ (hề), hai thằng cu,
Ra trận phen này(hề), ngươi thèm chém giặc,
Không giết được Tây (hề), ngươi khóc hu hu.

Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu 3.

Sau hòa bình lập lại ở miền bắc, năm 1957, ông làm bài thơ "Lá thư xuân", gợi lại nét đẹp của cô gái quân cờ trong Hội kéo chữ Phủ Giày:

Thôn Vân yêu quý muôn đời,
Trong quân cờ lại gặp người năm nao.
Vẫn đôi mắt luyến trăng sao,
Bồ quân làn má, anh đào nét môi.

Sau khi hưu trí, ông về ở ẩn tại "Thảo lư sông ngọc", xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông soạn tập Thảo lư thi tập, trong đó có bài "Mùa hoa cà tím" (ông vẫn không bỏ cái thú chơi mầu):

Mưa phùn cà trổ đầy hoa,
Giêng hai, nắng ấm đã ra quả rồi.
Tương cà quen vị hôm mai,
Bữa cơm quê vẫn đợi mời người thân.
Ngai vàng bệ ngọc phù vân,
Văn chương trung hiếu, ngàn xuân vẫn còn.

nghe như giọng thơ của Nguyễn Trãi: "Cơm ăn chẳng quản dưa muối, áo mặc nài chi gấm là", và thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Ái ư vằng vặc: trăng in nước, danh lợi lâng lâng: gió thổi hoa".

Ông lại dịch một số lời thơ của nhà thơ cổ điển Trung Hoa, để rút ra một vài bài học nhân sinh của người xưa đặng góp phần xây dựng đạo đức mới hôm nay. Như câu "Khả sử thực vô nhục, Bất khả cư vô trúc" của Tô Đông Pha, ông dịch là: "Ăn không có thịt không sao, ở cần có trúc thanh cao bên mình"; câu "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" của Phạm Trọng Yêm, ông dịch là: "Vì đời lo trước mọi người. Mong người vui trước, ta thời vui sau". Tôi thấy ông vẫn âm thầm theo đuổi lý tưởng : "Tuyệt đối trung thành với đường lối văn học nhân nghĩa của Đảng, trọn đời thờ nước, theo đuổi nghiệp lớn, không có của cải nào riêng ngoài cây bút và hai chữ Hiếu - Trung vì độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của nhân dân" như ông hằng tâm nguyện.

Từ khi tôi vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, không có dịp gặp lại ông. Mãi đến đầu năm 1996, tôi mới được gặp ông trên trang thơ "Sum vầy bóng bạn" của báo Văn hóa Nam Hà số Xuân Bính Tý. Bài thơ "Nhớ" của ông như sau:

Nhớ người xa khuất ngàn dâu,
Lòng đi muôn nẻo tìm nhau chẳng rời.
Con tem gắn bó tình người,
Một trang thơ nhỏ một thời nhớ nhung.

Thì ra nhà thơ đầu đời chuyên làm thơ tả cảnh này, cuối đời lại "đốc chứng" làm thơ tình. Có phải cùng với mùa xuân của đất trời, tâm hồn của ông lão ngoại bát tuần này lại hồi xuân chăng? Trang đầu sổ tay thơ của ông có bài Sách ước:

Ước gì có phép tiên
Con người sống tuổi hoa hiên hai lần.
Yêu thơ, yêu nước, yêu đời mãi,
Bắt trái tim xuân chẳng được già.


====

No comments: