==
Kinh Pháp Bảo Đàn Lược Giải
Lục Tổ Huệ Năng
Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng Thuật
Phẩm Bát Nhã Ðệ Nhị
Qua ngày kế, Vi Thứ sử lại xin Ðại sư giảng nữa.
Ðại sư lên tòa giảng, bảo đại chúng rằng: "Các ngươi phải tịnh tâm mà niệm Ma ha Bát nhã Ba la mật đa."
Giảng:
Bát nhã là tiếng Phạn, dịch là trí huệ, có ba nghĩa: Văn tự Bát nhã, Quán chiếu Bát nhã, Thực tướng Bát nhã. Vì Bát nhã có đầy đủ ba loại ý nghĩa, cho nên tôn trọng mà để nguyên âm tiếng Phạn không dịch nghĩa. Ðại sư giảng về nhân duyên của Bát nhã, là theo lời yêu cầu của đại chúng.
Hôm sau, Thứ sử Vi Cừ thỉnh cầu Lục Tổ giảng Phật pháp, vì thế Lục Tổ Ðại sư bèn lên tòa giảng mà tuyên thị đại chúng:
–Quý vị nay phải thanh tịnh tâm niệm, không nên vọng tưởng, cần phải nhất tâm nghe pháp, đầu tiên hãy niệm Ma ha Bát nhã Ba la mật đa.
Ngài lại dạy rằng: "Nầy Chư Thiện tri thức! Cái trí Bồ đề Bát nhã, người thế gian vốn tự có, nhưng bởi tâm mê, nên chẳng tự ngộ được. Phải cầu bực đại Thiện tri thức chỉ dẫn cho mới thấy tánh. Phải biết rằng dầu kẻ ngu hay người trí cũng đồng có Phật tánh giống nhau không khác. Nhưng bởi tâm mê ngộ chẳng đồng mới có kẻ ngu người trí. Vì đó nên nay ta mới nói pháp Ma ha Bát nhã Ba la mật, khiến cho mọi người đều đặng trí huệ. Hãy chú ý mà nghe cho rõ, ta vì đại chúng mà nói pháp đây.
Chư Thiện tri thức! Người thế gian suốt ngày miệng niệm Bát nhã, mà chẳng biết Bát nhã trong tánh mình, cũng như nói ăn mà chẳng no. Miệng chỉ nói "không" thì muôn kiếp cũng chẳng thấy tánh đặng, rốt cuộc không ích gì.
Chư Thiện tri thức! Ma ha Bát nhã Ba la mật là tiếng Phạn, có nghĩa là đại trí huệ đáo bỉ ngạn. Ấy là do nơi tâm làm, chớ chẳng phải do nơi miệng niệm. Miệng niệm và tâm làm theo, thì tâm và miệng hiệp nhau. Bổn tánh là Phật, lìa tánh thì không có Phật nào khác.
Giảng:
Ðại sư nói:
–Quý vị Thiện tri thức! Trí huệ của đạo giác ngộ, người đời vốn có đủ, ở Phật không nhiều một chút, ở chúng sanh cũng không thiếu một chút. Nhưng vì chấp trước, "mê tức là không giác ngộ, không giác ngộ tức là chấp trước." Vì không thể tự mình ngộ được, cho nên phải nương vào vị Minh nhãn Thiện tri thức, vì vị này đã thâm nhập Thật tướng của các pháp, cho nên có thể chỉ dẫn, khiến cho các ông được minh tâm kiến tánh. Các ông cần nên biết, bất luận là người ngu hay người trí, Phật tánh đều không có sự sai khác. Vì có sự khác nhau giữa mê và ngộ cho nên mới có người ngu và người trí. Tôi nay vì các ông thuyết Ma ha Bát nhã Ba la mật pháp, khiến cho các ông mỗi người đều đắc trí huệ vốn có của chính mình. Nay các ông cần phải chuyên tâm một lòng lắng nghe, tôi sẽ vì các ông thuyết pháp.
Quý vị Thiện tri thức! Người đời mỗi ngày miệng niệm "Bát nhã Bát nhã," mà không nhận thức được bản tánh Bát nhã, trí huệ vốn có của mình. Cũng như từ sáng đến tối niệm thực đơn, nhưng không thể no bụng. Miệng tụng "Bát nhã chính là không," mà tự mình không thực hành, thì dù có trải qua trăm ngàn đại kiếp cũng không có thể nhìn thấy bổn tánh Bát nhã, rốt ráo cũng không có lợi ích gì.
Quý vị Thiện tri thức! Ma ha Bát nhã Ba la mật là tiếng Phạn, Hoa văn dịch là đại trí huệ đáo bỉ ngạn. Ma ha có nghĩa là lớn, Bát nhã là trí huệ, Ba la mật là đáo bỉ ngạn. Pháp này yêu cầu tâm của các ông phải buông bỏ, không phải miệng niệm mà phải từ nội tâm nhìn thấu suốt vạn pháp, thấy cái gì cũng không, từ đó mới đạt được sự ích lợi. Nếu chỉ có miệng niệm Bát nhã, mà nội tâm không chiếu theo trí huệ Bát nhã mà tu hành; nếu vẫn còn vô minh, chính là tâm không chân thực tu hành, giống như hư vọng huyễn hóa, như sương, như ánh chớp, cuối cùng cũng không đạt được cảnh giới này.
Miệng niệm tâm hành Bát nhã, mới là ý nghĩ và việc làm tương ưng khế hợp, từ đó có thể nhìn thấy tự tánh, chính là Phật, vì bổn tánh chính là Phật. Tự tánh là chân Phật, nếu tách rời tự tánh thì không có Phật. Cho nên Phật giáo dạy rằng: "Mọi người đều có thể thành Phật." Chỉ cần các ông tu hành, tức tu hành tự tánh, hồi quang phản chiếu, quay trở về tìm nơi chính mình, không nên giong ruổi tìm cầu bên ngoài thì nhất định sẽ thành Phật.
Sao gọi là Ma ha? Ma ha nghĩa là lớn, tâm lượng rộng lớn cũng như hư không, không có bờ mé, cũng chẳng phải vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng không trên dưới dài ngắn, cũng không giận không mừng, không phải không quấy, không lành không dữ, không có đầu đuôi. Các cõi Phật thảy đều như hư không. Cái diệu tánh của người thế gian vốn là trống không, chẳng có một pháp gì trong đó mà tìm đặng. Cái tự tánh Chơn không cũng giống như thế.
Chư Thiện tri thức! Chớ nghe ta nói "không" mà liền chấp "không." Nếu để tâm trống không mà ngồi yên lặng, tức là chấp cái "vô ký không."
Giảng:
Ma ha có nghĩa là gì? Ma ha dịch là lớn (đại). Cái gì gọi là lớn? Tâm người lớn như hư không, giống như tâm muốn đến mặt trăng bèn phát minh hỏa tiễn. Cho nên nói Tâm vô biên tế, vô hạn lượng, tâm không có vuông tròn, không có lớn nhỏ. Tâm vô hình, lớn thì không có gì ở ngoài nó, nhỏ thì không có gì ở trong nó. Tâm lượng cũng không có sự biểu hiện của màu sắc xanh vàng đen trắng, cũng không có trên dưới dài ngắn. Tự tánh vốn không sân không giận, cũng không mừng không vui, tự tánh là trung đạo; cũng không đúng cũng không sai, nếu có đúng có sai thì không phải chân tâm của các ông. Không có thiện tâm sở hoặc ác tâm sở (cho nên Lục Tổ Ðại sư khai thị Huệ Minh rằng: "Không nghĩ thiện không nghĩ ác"), tâm cũng không có đầu có đuôi. Cảnh giới của Chư Phật cũng giống như hư không. Diệu tánh của chúng ta vốn là không, không có một pháp khả đắc, cho nên nói Tự tánh như hư không, chân vọng đều ở trong, ngộ triệt bổn lai thể, một cái thông tất cả đều thông, tự tánh Chân không giống như đạo lý trên đây tôi vừa nói.
Quý vị Thiện tri thức! Không nên nghe tôi nói không, liền chấp vào không. Ðiều quan trọng nhất là không được chấp vào không. Nếu các ông nói tất cả là không, tâm không thân cũng không, thế giới cũng không, như thế ngồi thiền sẽ lạc vào vô ký không. Vô ký không thì giống như người đã chết rồi, cái gì cũng không biết, tuy là người sống nhưng vừa ngồi thiền là giống như chết. Chúng ta tu đạo cần phải biết trong cái Chân không có cái Diệu hữu, không phải cái gì cũng không biết. Cái gì cần biết, cái gì không cần biết, phải sáng suốt nhận định rõ ràng; giống như đạo lý "tâm thanh nước hiện bóng trăng, định tâm định ý bóng mây không còn."
Chư Thiện tri thức! Thế giới tuy là trống không, mà có thể bao hàm muôn vật. Tất cả các sắc tượng: mặt nhật, mặt nguyệt, tinh, tú, núi, sông, đất bằng, nguồn, suối, khe, rãnh, cỏ, cây, rừng, bụi, kẻ dữ, người lành, việc dữ, việc lành, thiên đàng, địa ngục, tất cả biển lớn, các núi Tu-di, nhất thiết đều ở trong cái "không." Cái tánh trống không của người thế gian cũng giống như thế.
Chư Thiện tri thức! Tự tánh có thể bao hàm hết muôn pháp, ấy gọi là lớn. Muôn pháp đều ở trong tự tánh mỗi người. Nếu thấy cả thảy các điều dữ cùng các điều lành của người, mà chẳng chấp chẳng bỏ, cũng không nhiễm vương, không dính níu, lòng như hư không, ấy gọi là lớn, cho nên gọi là Ma ha.
Giảng:
Thế giới hư không có thể bao hàm vạn hữu, muôn loài muôn sắc, tất cả hình tướng đều có thể bao gồm vào trong – Nhựt nguyệt tinh tú, sơn hà đại địa, suối khe sông ngòi, thảo mộc tùng lâm, ác nhân thiện nhân, nhất loạt đều tiếp nhận mọi điều hay dở. Hư không sẽ không nói: "Ngươi là kẻ ác, ta đuổi đi không cho ở. Còn ông là người hiền lương, rất hoan nghênh ông đến ở chỗ tôi." Hư không không có phân biệt như vậy. Hư không có thể bao hàm thiện pháp, ác pháp, thiên đường, địa ngục, tất cả biển to núi lớn, đều ở trong hư không. Tự tánh của người cũng giống như hư không, có thể bao hàm vạn hữu.
Quý vị Thiện tri thức! Bổn tánh của chính mình có thể bao hàm cả vạn pháp, đây gọi là lớn. Vạn pháp đều ở trong tự tánh, vì thế cho nên đối với tất cả mọi người, bất luận là người tốt hay xấu đều không nên có tâm niệm phân biệt hoan hỷ hay ghét bỏ. Tôi thường nói với các ông rằng: Người xấu cũng có một ngày nào đó trở thành người tốt. Hy vọng một ngày nào đó họ có thể giác ngộ mà sửa đổi. Tôi có rất nhiều đệ tử không biết nghe lời, dạy nó đi về hướng Nam thì nó nhất quyết đi về hướng Bắc. Tuy nó không nghe lời, tôi vẫn nhẫn nại đợi chờ, vì tôi biết có một ngày nó sẽ biết nghe lời.
Tất cả thiện ác đều ở trong tự tánh, vì thế không chấp chặt cũng không xả bỏ, cũng không nhiễm trước cảnh giới thiện hay ác. Nhiễm trước cũng chính là có sự phân biệt mà chấp chặt hay xả bỏ. Tâm lượng giống như hư không, cho nên gọi là "lớn." Ðiều này chính là ý nghĩa của Ma ha.
Chư Thiện tri thức! Kẻ mê miệng nói, người trí lòng làm. Lại có người mê để lòng trống không, ngồi yên lặng chẳng nghĩ đến việc gì mà nói chính đây là "lớn." Với hạng người ấy, không thể nói gì được, vì họ bị sa vào lưới tà kiến.
Chư Thiện tri thức! Cái tâm lượng thiệt là rộng lớn, châu biến cả thảy Pháp giới, dùng nó liền hiểu rõ ràng. Cái tâm lượng khi ứng dụng ra, thì biết hết thảy cả sự vật. Cả thảy tức quy về một, một tức gồm hết cả thảy, tới lui thong thả, tâm thể suốt thông, không ngưng trệ, tức là Bát nhã vậy.
Giảng:
Người mê chỉ biết miệng nói mà không biết thực hành, người có trí huệ chân chánh thân hành thực tiễn mà không tu khẩu đầu thiền. Lại nữa, người mê để tâm không ngồi thiền, cái gì cũng không nghĩ đến mà nói đây chính là "lớn." Những người này đã lạc vào ngoan không, không nên cùng với họ giao lưu tiếp chuyện, vì họ là tà tri tà kiến, không phải là chánh tri chánh kiến, cho nên không cần để ý đến họ.
Ðại sư lại nói:
–Quý vị đều là người có trí huệ. Tâm lượng quảng đại rộng khắp pháp giới, mà pháp giới thì không có gì không bao hàm. Tâm dụng rõ ràng sáng suốt, như gương soi vạn vật, vật đến thì chiếu, vật đi thì không; ứng dụng của nó là biết tất cả, biết tất cả tức là một, một tức là tất cả. Nó biết tự tánh có thể sanh vạn pháp, vạn pháp quy về tự tánh, tự tánh đến đi tự do. Bổn thể của tâm thông suốt, không có ngưng trệ, không có cái gì không thông, chính là minh bạch tất cả, không phải ngu mê, đó chính là Bát nhã.
Chư Thiện tri thức! Cả thảy trí Bát nhã đều do trong tánh mình mà sanh, chớ chẳng phải do nơi ngoài mà vào. Chớ dùng lầm cái ý thức. Ấy gọi là Chân tánh tự dụng.
Một chân thì tất cả chân. Tâm lượng thì rộng lớn, nó chẳng theo con đường nhỏ đâu. Miệng đừng trọn ngày nói "không" mà trong lòng chẳng tu hạnh ấy. Cũng như người phàm tự xưng mình là quốc vương, mà rốt cuộc chẳng đạt được gì. Hạng người ấy chẳng phải là đệ tử của ta.
Giảng:
Quý vị Thiện tri thức! Nhứt thiết Bát nhã đều từ tự tánh mà sanh, không phải từ bên ngoài sanh ra, không nên giong ruổi bên ngoài tìm cầu. Cho nên, chớ dùng lầm cái tâm ý, điều này gọi là chân chánh tự dụng. Một chân thì tất cả đều chân. Tâm lượng quảng đại, nó không chịu đi theo con đường nhỏ đâu. Lục Tổ Ðại sư sợ có người chấp trước vào "không" cho nên lại nói:
–Các ông không nên suốt ngày nói "Không! Không! Bát nhã! Bát nhã!" mà tâm không tu hạnh Bát nhã này. Ðiều này giống như người dân thường tự phong mình làm Quốc vương. Loại người này cuối cùng không đạt đến tự tánh, cũng không phải là đồ đệ của ta, vì không nghe lời ta dạy bảo. Dạy nó không nên chấp không, nó cứ chấp không; dạy nó không được chấp có, nó cứ chấp có; dạy nó không nên có lòng dâm dục, nó không đoạn tâm dâm dục. Nó nói: "Không hề gì, từ từ mà sửa đổi." Loại người này không phải là đệ tử của ta.
Chư Thiện tri thức! Sao gọi là Bát nhã? Nhà Ðường gọi Bát nhã là trí huệ. Cả thảy các chỗ các nơi, trong cả thảy thời gian, niệm niệm chẳng ngu muội, thường tu hạnh trí huệ, tức là hạnh Bát nhã. Một niệm ngu muội tức là Bát nhã tuyệt. Một niệm trí huệ tức là Bát nhã sanh. Người thế gian mê muội, chẳng thấy Bát nhã. Miệng nói Bát nhã, mà trong lòng thường ngu muội. Thường tự nói ta tu hạnh Bát nhã, niệm niệm nói "không" mà chẳng biết Chân không. Bát nhã không hình tướng, ấy là trí huệ tâm. Thiệt có hiểu rõ như thế, mới chính là trí Bát nhã.
Giảng:
Cái gì gọi là Bát nhã? Bát nhã là Phạn ngữ, đời Ðường Trung Quốc dịch là trí huệ. Tại mọi nơi, bất cứ lúc nào, niệm niệm sáng suốt, niệm niệm không mê, niệm niệm không vô minh, thường dùng trí huệ xử lý mọi việc, đó chính là tu hạnh trí huệ. Nếu một niệm ngu si, Bát nhã sẽ đoạn tuyệt. Ðoạn tuyệt này là ví dụ, chớ trí huệ chân chánh hoàn toàn không đoạn tuyệt, vì trí huệ chân chánh bất sanh bất diệt, làm sao có thể đoạn tuyệt được? Ý nói lúc mê muội, Bát nhã không hiện tiền. Nếu không mê muội, không ngu si, lúc đó Bát nhã sanh khởi. Ví dụ có người nói uống rượu hút thuốc là không tốt, dùng LSD, dùng ma túy là không nên, nhưng quý vị không tin, đó gọi là Bát nhã đoạn tuyệt. Người có trí huệ thì phải làm sao? Nếu nghe nói rằng uống rượu, hút thuốc, hút á phiện là điều không tốt, người trí bèn nhanh chóng sửa đổi, đó gọi là Bát nhã sanh. Người ngu si biết rõ ràng đó là điều không đúng nhưng vẫn cứ muốn thử.
Người thế gian rất ngu, không chỉ một người mà là rất nhiều người đều ngu si, họ tự mình không biết Bát nhã, miệng thường nói trí huệ, mà tâm thường làm những việc ngu muội. Ðiều không nên làm mà họ vẫn cứ làm. Họ thường nói tôi tu hành trí huệ, mỗi niệm đều nói: "không" chính là Bát nhã.
Bát nhã có hai mươi loại không môn, cần phải "không" tất cả. Nhưng họ không biết cái không chân chánh, tuy hiểu một chút Kinh điển, biết trì một vài câu chú, tụng vài câu Kinh, nhưng tật xấu của mình lại không sửa đổi, đó chính là khẩu đầu thiền. Hằng ngày nói "không" mà không biết sửa đổi tật xấu của mình. Chân không có nghĩa là phải làm cho vô minh, tập khí tật xấu của mình hoàn toàn đều không không, cần phải không tất cả những hành vi ngu muội không sáng suốt.
Bát nhã không có hình tướng, không dài ngắn vuông tròn, hoặc xanh vàng đỏ trắng. Tâm không có vô minh, thường sanh trí huệ, trí huệ là rõ ràng sáng suốt, có thể biết pháp đúng pháp sai. Quý vị nếu có kiến giải như thế, đó mới chính là Bát nhã trí.
Sao gọi là Ba la mật? Ấy là tiếng Tây Thiên Trúc, nhà Ðường gọi là đáo bỉ ngạn, nghĩa là khỏi sự sanh diệt. Tâm dính cảnh, thì sự sanh diệt dấy lên, như nước nổi sóng, tức là thử ngạn (bờ bên này). Còn tâm lìa cảnh, thì không có sự sanh diệt, như nước thường lưu thông, tức gọi là bỉ ngạn (bờ bên kia). Cho nên gọi là Ba la mật.
Giảng:
Ba la mật là tiếng Ấn Ðộ, Trung Quốc dịch là Ðáo bỉ ngạn (đến bờ kia). Nếu giải thích rõ ràng chính là tách rời sanh diệt, không còn sanh diệt nữa. Cái gì gọi là "bỉ ngạn? " Bỉ ngạn là đối với thử ngạn (bờ bên này). Thử ngạn chính là sanh tử, bỉ ngạn là Niết Bàn. Giữa sanh tử và Niết Bàn phải trải qua cái gì? Trải qua biển lớn phiền não. Phiền não như biển cả, vì có phiền não cho nên có sanh tử. Nếu đoạn trừ phiền não, thì sanh tử chính là Niết Bàn, Niết Bàn chính là sanh tử. Nếu không có phiền não, có sanh tử cũng chính là không có sanh tử. Chúng ta tại sao phải chịu sanh tử? Chính vì có phiền não. Tại sao có phiền não? Chính là vô minh. Nhưng cái gì gọi là vô minh? Chính là những gì quý vị không hiểu rõ; nếu hiểu rõ quý vị đã có sự sáng suốt, đây chính là Bát nhã.
Nếu chấp cảnh giới, thì có sanh diệt. Niết Bàn giống như nước, vốn không có sóng, nhưng khi có gió liền có sóng. Gió tức vô minh, sóng tức phiền não. Nếu không chấp cảnh giống như nước không sóng, nếu không sóng sẽ đoạn tuyệt sanh tưû; đây chính là chỗ chúng ta phải nên dụng công. Quý vị nói tâm có rất nhiều tạp niệm, tạp niệm chính là sóng. Nếu không có sóng, sanh diệt sẽ đoạn trừ. Sanh diệt không có, sanh tử cũng kết thúc. Có sanh diệt gọi là thử ngạn. Ly khai cảnh giới tức không sanh diệt, giống như nước thường trôi chảy không ngừng, tức trí huệ quang minh chiếu khắp, gọi là bỉ ngạn, cho nên gọi là Ba la mật. Ðoạn kinh văn này rất thực dụng, nếu quý vị ra công nghiên cứu kỹ càng thì có thể dùng suốt đời.
Chư Thiện tri thức! Người mê muội, thì lúc miệng niệm Bát nhã mà tâm còn vọng động, tư tưởng điều quấy. Nếu niệm niệm tâm thường hành Bát nhã, thì mới gọi là Chân tánh. Biết rõ pháp ấy, thì hiểu pháp Bát nhã. Tu hạnh ấy là tu hạnh Bát nhã. Không tu hạnh ấy tức là phàm tục. Một niệm tu hành, thì thân mình đồng như Phật.
Giảng:
Người mê chỉ biết dùng miệng niệm thì lúc niệm trong tâm lại có vọng niệm và sanh những niệm không chánh đáng. Nếu khi niệm đều y theo Bát nhã mà tu hành, tức không làm những việc ngu muội. Ðó chính là y theo chân tánh của mình mà tu hành. Nếu hiểu rõ pháp này, chính là Bát nhã pháp. Bát nhã chính là không ngu si, không làm những việc mê muội. Việc mê muội có rất nhiều rất nhiều. Ðó chính là những việc vốn không nên làm mà quý vị vẫn làm, nghiêm trọng nhứt là tâm dâm dục, vốn không nên làm, nhưng vì mê muội đến, không những quên mất Bát nhã, mà Ba la mật cũng quên luôn, cứ làm theo ý mình, buông lung theo dục tình. Phàm phu chỉ thích làm những việc mê muội mà không chịu tu Bát nhã pháp. Không làm việc ngu si chính là Bát nhã hạnh. Quý vị không tu Bát nhã hạnh, chính là phàm phu; nếu tu Bát nhã hạnh – tức đoạn dục khử ái, thì thân mình và Phật giống nhau.
Chư Thiện tri thức! Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ đề. Niệm trước mê muội tức là phàm phu, niệm sau giác ngộ tức là Phật. Niệm trước vướng cảnh tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh tức là Bồ đề.
Giảng:
Phàm phu chính là Phật, mà Phật chính là từ phàm phu tu thành. Vì Phật lúc trước tu Bát nhã pháp, cho nên thành Phật. Còn chúng ta tại sao vẫn là phàm phu? Vì không tu Bát nhã pháp, không tu Bát nhã hạnh, cho nên tánh đổi thành tình, tình biến thành dục, cuối cùng không thể thoát ra khỏi vòng ái dục vô minh. Nếu có thể đem lòng dục quy trở về bổn tánh, không giao động, không bị vô minh chuyển, đó chính là Phật. Phiền não là Bồ đề, nếu không có phiền não thì cũng không có Bồ đề.
Có người nói:
–Vậy thì không cần phải diệt trừ phiền não, cứ để cho nó ở đó!
Nếu để nó ở đó thì phiền não vẫn là phiền não. Quý vị cần phải dùng phương pháp khoa học thực nghiệm. Thực nghiệm như thế nào? Chính là phản bổn hoàn nguyên. Ví dụ lòng bàn tay và lưng bàn tay, lòng bàn tay là phiền não, lưng bàn tay là Bồ đề, chỉ cần lật ngược lại tức là phiền não hay Bồ đề, không có nhiều cũng không có ít, chỉ khác một chút như vậy – vừa lật qua lại, thì phiền não biến thành Bồ đề. Tôi thường nói:
Phiền não Bồ-đề băng là nước,
Sanh tử Niết-bàn pháp tức không.
Nếu quý vị hiểu rõ thì nhân pháp đều không, nếu không hiểu thì vẫn còn pháp chấp.
Niệm trước ngu si chính là phàm phu, niệm sau khai ngộ trí huệ chính là Phật. Niệm trước chấp vào cảnh chính là phiền não. Nếu quý vị nói chỗ này là thành phố Cựu Kim Sơn, nó không giống thành phố Nữu Ước, kỳ thực nó đều là những thành phố lớn. Nếu quý vị nói thành phố Cựu Kim Sơn không có tuyết, Nữu Ước có tuyết, đó chỉ là tâm phân biệt gây ra sai lầm! Nếu quý vị không có tâm phân biệt như thế thì cũng không có nhiều phiền não như vậy. Cho nên nói: "Niệm trước dính mắc cảnh giới chính là phiền não, niệm sau ly khai cảnh giới chính là Bồ đề." Nếu phân biệt thành phố Cựu Kim Sơn và Nữu Ước không giống nhau liền có phiền não. Nếu biết thành phố Cựu Kim Sơn và Nữu Ước đều là không, phân biệt nó làm gì? Không phân biệt tức là Bồ đề.
Nói thì rất dễ, nhưng thực tế không sanh tâm phân biệt là một việc rất khó. Nếu thấu rõ được cảnh giới này thì không có nhà, cũng không có quốc gia, cái gì cũng không có, đây chính là Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm màø cũng gọi là "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ thân." Quý vị có thể hiện thân đến bất cứ địa phương nào mà không có bất cứ sự chướng ngại nào, quý vị xem điều này tuyệt diệu không? Chỗ này chính là Bồ đề, quý vị hà tất phải than thở? Nếu quý vị có thể được như vậy thì là như vậy (như thị); còn nếu chưa thể đạt đến cảnh giới đó, thì từ từ luyện tập. Cho nên nói: "Tánh định ma phục triêu triêu lạc, vọng niệm bất khởi xứ xứ an." Nếu tâm tánh đã định, không còn nhiều vọng tưởng, thì ngày ngày giờ giờ đều an lạc. Vọng niệm không khởi thì nơi nơi chốn chốn đều an vui. Tại sao quý vị cảm thấy không an lạc? Tại vì có vọng niệm, nếu không vọng niệm thì khắp nơi mọi lúc đều là Thế giới Cực Lạc.
Chư Thiện tri thức! Pháp Ma ha Bát nhã Ba la mật là rất tôn quý, rất cao thượng, cao hơn hết các pháp, không trụ vào chỗ nào, không qua cũng không lại, tất cả chư Phật ba đời đều do trong Pháp ấy mà ra.
Các vị phải dùng đại trí huệ mà phá tan năm uẩn và các sự phiền não trần lao. Tu hành như thế ấy, chắc là thành Phật đạo. Phải đổi ba độc thành Giới, Ðịnh, Huệ.
Giảng:
Ðại sư lại nói:
–Chư Thiện tri thức! Tự tánh của các ông đều có vô lượng trí huệ, tự tánh của các ông vốn đầy đủ Ma ha Bát nhã Ba la mật, không cần phải giong ruổi bên ngoài để tìm cầu, pháp này là tối tôn cao thượng đệ nhất. Tự tánh Bát nhã không chấp vào chỗ trụ, cũng không đến, cũng không đi. Chư Phật đời vị lai, đời quá khứ, đời hiện tại đều sanh ra từ pháp tối tôn tối cao đệ nhất này. Các ông cần phải dùng đại trí huệ của mình đập tan trần lao ngũ uẩn, nếu dùng tiểu trí huệ thì đập không vỡ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nếu không thể xem ngũ uẩn phiền não là không, thì không thể đoạn trần lao, cho nên muốn có Bát nhã chân chánh, cần phải chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Cho nên Tâm Kinh nói: "Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không." Quý vị xem Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật, cần phải đa thời! Thời gian ít sẽ chiếu không nổi ngũ uẩn đều không mà trừ phiền não trần lao. Nếu quý vị có thể tu hành như vậy nhất định có thể thành Phật đạo. Nay xem quý vị có muốn biến tham sân si thành giới định huệ hay không. Biến tức là Bát nhã, không biến tức là ngu si.
Chư Thiện tri thức! Pháp môn của ta đây do một pháp Bát nhã mà sanh ra tám muôn bốn ngàn trí huệ. Bởi cớ sao? Vì người thế gian có tám muôn bốn ngàn trần lao. Nếu không có trần lao, thì trí huệ thường hiện ra, nhưng nó chẳng lìa tự tánh. Hiểu rõ pháp này, thì không có vọng niệm, không hồi ức, không dính cảnh, không sanh điều giả dối. Dùng tánh Chơn như của mình, lấy trí huệ mà chiếu soi, đối với tất cả các pháp không giữ không bỏ, tức là thấy tánh, là thành Phật đạo vậy.
Chư Thiện tri thức! Muốn vào Pháp giới cao thâm cùng trí Bát nhã tam-muội, thì phải tu hạnh Bát nhã. Phải trì tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã, tức đặng kiến tánh.
Giảng:
Quý vị Thiện tri thức! Pháp môn này của tôi, từ một loại Bát nhã mà sanh vô lượng Bát nhã, từ một loại Bát nhã mà sanh tám vạn bốn ngàn trí huệ. Tại sao cần phải có tám vạn bốn ngàn trí huệ? Vì người đời có tám vạn bốn ngàn trần lao. Nếu đem trần lao biến đổi qua tức chính là Bát nhã. Nếu đem trần lao biến đi, thì trí huệ hiện tiền, nhưng trí huệ Bát nhã không rời tự tánh. Quý vị hiểu rõ pháp này, chính là vô sở niệm, vô sở hồi ức (không hoài nhớ chuyện cũ), cũng không chấp trước, cho nên không có một chút cuống vọng, lừa dối. Dùng chân như tự tánh của chính mình, dùng trí huệ quán chiếu tất cả vạn pháp, không dùng thức tâm, phân biệt tâm mà quan sát, không chấp không xả, đó chính là kiến tánh thành Phật đạo.
Nếu quý vị muốn thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải, được thấm nhuần diệu pháp và diệu định Bát nhã, cần phải tu hạnh Bát nhã, tụng niệm Kinh Kim Cang. Lục Tổ Ðại sư từ Kinh Kim Cang mà khai ngộ, cho nên Ngài chủ trương mọi người cần phải niệm Kinh Kim Cang. Cần phải thọ trì tụng niệm không được quên. Nếu siêng năng tụng Kinh Kim Cang, thì có thể kiến tánh.
Tụng kinh, điều quan trọng là không được vọng tưởng, không được sanh các loại tạp niệm. Trước kia có một người mỗi ngày đều tụng Kinh Kim Cang, ngày nọ nằm mộng, mơ thấy một con quỷ thỉnh ông ta tụng kinh siêu độ cho nó, giống như chúng ta mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy siêu độ cho Cha Mẹ trong quá khứ vậy. Người đó bèn hỏi quỷ cần phải tụng bao nhiêu kinh? Quỷ nói: "Chỉ tụng một quyển kinh là được rồi." Người này hôm sau bèn bắt đầu tụng, lúc tụng đến một nửa, người hầu của ông ta đưa đến một tách trà, ông ta khoát tay trong tâm nói "không cần" rồi tiếp tục niệm kinh. Tối đó quỷ lại đến nói: "Ông đã hứa tụng kinh cho tôi, nhưng sao chỉ tụng có một nửa, còn một nửa chưa tụng?"
Người này trả lời:
–Rõ ràng tôi đã tụng cho ngươi một quyển kinh rồi.
Quỷ nói:
–Ðúng là ông tụng một quyển kinh, nhưng giữa chừng có hai chữ "không cần," là không cần công đức tụng kinh nửa phần sau, vì thế tụng kinh nửa phần sau không có công đức.
Người này nghĩ rằng: "Tôi không cần trà, không phải không cần kinh. Nhưng lúc tụng kinh nghĩ đến hai chữ không cần, quỷ thần cho rằng mình không cần công đức. Ðại khái công đức tụng kinh bị quỷ thần tự lấy đi hết rồi. Sau đó người này nói: "Ðược rồi, tôi sẽ tụng cho ngươi một quyển kinh nữa." Ngay đêm hôm đó, quỷ này hoan hỷ khấu đầu đảnh lễ ông ta, cám ơn ông ta đã giúp đỡ tụng kinh siêu độ mình.
Cho nên quý vị tụng Kinh Kim Cang không nên có tạp niệm thêm vào hai chữ "không cần", thí dụ như: "Tu Bồ Ðề, không cần," thì Ngài Tu Bồ Ðề liền chạy mất. Tụng Kinh Kim Cang có cảm ứng rất lớn, có thể kiến tánh.
Phải biết công đức của kinh ấy thiệt là vô lượng vô biên. Những lời khen ngợi trong kinh rất rõ ràng, không thể nói ra hết được. Pháp môn ấy là pháp tối thượng thừa, vì người đại trí, vì người thượng căn mà nói. Các người tiểu căn tiểu trí nghe pháp môn ấy, lòng nghi ngờ chẳng tin là bởi cớ sao? Tỷ như các vị Thiên Thần và Long Thần làm mưa xuống cõi Diêm-phù-đề, thì tất cả thành, ấp, làng, xóm, đều nổi trôi như lá táo. Còn nếu mưa xuống biển cả, thì thấy chẳng thêm chẳng bớt. Cũng như người Ðại thừa người tối thượng thừa nghe Kinh Kim Cang, thì tâm liền khai ngộ. Thế nên biết rằng Bổn tánh tự nó có trí Bát nhã. Bởi Bổn tánh mình lấy trí huệ sáng soi, cho nên chẳng cần dùng văn tự. Tỷ như nước mưa chẳng phải do trời làm mà có, nguyên bởi sức rồng dấy động mà sanh ra, khiến cho cả thảy loài hữu tình, các loài vô tình, tất cả đều được thấm nhuần. Cả thảy sông ngòi đều chảy vào biển cả, hiệp làm một thể. Cái trí Bát nhã của Bổn tánh chúng sanh cũng giống như thế.
Giảng:
Quý vị cần phải biết công đức của Kinh Kim Cang vô lượng vô biên. Trong kinh tán thán công đức thù thắng của Kinh Kim Cang rất rõ ràng, tôi nay không cần nói nhiều. Kinh Kim Cang này là pháp môn tối thượng thừa, thuyết cho người đại trí huệ, thuyết cho người có đầy đủ thiện căn. Người kém thiện căn, kẻ ít trí huệ nghe đến Kinh này, tâm không tin mà nói rằng: "Tụng Kinh có chỗ nào hay. Các ông không ăn cơm xem có thể sống được không?" Tại sao họ không tin? Giống như rồng trên trời giáng mưa xuống cõi Diêm phù đề, vì mưa to, thành quách thôn ấp đều bị chìm trong dòng nước lớn, ngọn cỏ lá cây bị cuốn trôi đi. Nếu như mưa rơi ngoài biển lớn thì không tăng không giảm. Người kém căn ít trí cũng giống như ngọn cỏ lá cây, có mưa lớn thì sẽ bị úng chết, vì họ không tin tưởng pháp đại thừa.
Nếu người có căn tánh đại thừa, nghe thuyết Kinh Kim Cang, tâm tức khai ngộ, hiểu rõ Bát nhã vốn tự tánh đầy đủ. Những người này thường dùng trí huệ của chính mình quán chiếu, cho nên không nhất định cần phải học cho thật cao mới có thể nhận thức trí huệ Bát nhã. Giống như nước mưa, không phải từ trên trời sẵn có, mà là rồng làm mây giáng mưa, khiến cho mọi loài chúng sanh, thảo mộc, hữu tình vô tình, đều được nước mưa thấm ướt mà sanh sôi nảy nở. Tất cả suối khe sông ngòi đều chảy về biển lớn, hợp thành nhất thể. Trí huệ Bát nhã của chúng sanh cũng giống như mưa rơi ngoài biển lớn. Biển chính là bổn tánh trí huệ của mỗi người chúng ta, bất luận mưa bao nhiêu, nó cũng không tăng không giảm. Cho nên nói: "Phật pháp như biển lớn, chỉ có lòng tin mới có thể vào, chỉ có trí huệ mới có thể độ," nếu không có trí huệ thì không dễ dàng vào được biển cả mênh mông bao la.
Chư Thiện tri thức! Người tiểu căn nghe pháp Ðốn giáo nầy ắt là điên đảo. Cũng như loài cỏ cây gốc rễ nhỏ yếu, nếu bị một trận mưa to, chắc đều ngã rạp, không thể lớn lên được. Nguyên người tiểu căn có trí Bát nhã cũng như người đại trí, không có chỗ gì khác. Nhưng bởi cớ sao họ nghe pháp, mà tâm chẳng mở mang tỏ sáng? Vì bởi nghiệp chướng của tà kiến còn nặng, cái gốc rễ của sự phiền não còn thâm sâu. Cũng như một đám mây lớn che ám mặt trời, nếu chẳng được luồng gió thổi, thì ánh sáng mặt trời không hiện ra được.
Cái trí Bát nhã vốn không lớn nhỏ, chỉ vì cái tự tâm của chúng sanh mê ngộ chẳng đồng mà thôi. Lòng mê chỉ thấy bề ngoài, tu hành tìm Phật mà chưa tỏ sáng Bổn tánh của mình, tức là người tiểu căn. Hiểu rõ pháp Ðốn giáo tu hành mà không chấp bề ngoài, trong tâm mình thường khởi chánh kiến, những sự phiền não trần lao thường chẳng nhiễm Bổn tâm mình tức là thấy tánh.
Giảng:
Người kém thiện căn, nghe đến pháp môn đốn giáo dùng tâm ấn tâm, trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật, giống như cây cỏ có căn tánh nhỏ, nếu gặp phải mưa lớn liền tróc gốc, nghiêng ngã trên mặt đất, không thể sanh trưởng. Mưa vốn giúp cây cối sanh trưởng, tiếc vì gốc rễ không cắm sâu vào lòng đất cho nên không thọ dụng được. Người có thiện căn kém cũng giống như vậy. Trí huệ Bát nhã của người trí và người ngu vốn không có gì sai khác, chỉ khác một người biết dùng, một người không biết dùng mà thôi. Tại sao người kém căn kém trí nghe đến Phật pháp mà không khai ngộ? Vì tà kiến vô minh sâu dầy, không sanh lòng tin, chướng ngại thánh đạo. Giống như thái dương bị mây đen che khuyất, gió thổi không tan, cho nên ánh dương quang không xuất hiện. Ánh dương quang tức là tự tánh Bát nhã của quý vị, mây đen chính là phiền não và tà kiến của quý vị.
Trí huệ Bát nhã cũng không có sự phân biệt lớn nhỏ. Vì chúng sanh tập khí sâu dầy, tạo nghiệp nặng, cho nên mê mờ. Nếu tập khí không sâu dầy, nghiệp tạo tác không nặng thì sẽ khai ngộ. Người mê cầu pháp hướng bên ngoài giong ruổi tìm cầu, mà không biết tự tánh Bát nhã vốn đầy đủ tự tánh Phật, bên ngoài tìm Phật càng tìm kiếm càng xa rời. Không hiểu rõ bổn tánh của chính mình, đây chính là người tiểu căn.
Nếu có thể nghe pháp môn đốn giáo mà lập tức khai ngộ, không chấp trước, không giong ruổi tìm cầu bên ngoài, tự tánh tự ngộ, tự mình hiểu rõ tự tánh Bát nhã, trong tâm của mình thường khởi lên chánh tri chánh kiến, có trí huệ chân chánh, thì không khởi lên phiền não; nếu không có phiền não, tự nhiên không có trần lao, đó chính là kiến tánh, vì nó không bị phiền não trần lao xoay chuyển.
Chư Thiện tri thức! Tâm mình trong ngoài chẳng trụ, lui tới tự do, bỏ đặng lòng chấp trước, suốt thông không trở ngại, tu trọn các hạnh ấy, thì đối với kinh Bát nhã vốn không có chỗ nào sai khác.
Giảng:
Tu Bát nhã hạnh, cần phải không trụ bên trong, không trụ bên ngoài, bên trong không thân tâm, ngoài không thế giới. Nhưng cũng không phải là ngoan không, mà là bên trong không chấp thân tâm, bên ngoài không chấp thế giới. Nếu quý vị không chấp trong ngoài thì có thể đến đi tự do, biết từ đâu đến và đi về đâu. Lai có thể nói là trở về, trở về thân tâm của quý vị; Khứ là đi đến pháp giới. Tuy có đến có đi, nhưng quý vị không nên chấp trước vào cái đến cái đi này, vì thế gọi là tự do. Nếu quý vị chấp trước lai khưù, thì không còn tự do, có sự chướng ngại. Ðến đi tự do, cũng có thể nói tâm của quý vị đến đi tự do, tánh của quý vị đến đi tự do, cũng có thể nói là sanh tử tự do. Tôi muốn sống thì sống, tôi muốn chết mới chết, đó mới là tự do. Nếu tôi không muốn sống thì chết, nhưng đó không phải là tự sát, vì mình đã biết mình chết như thế nào, ngồi ở đó cũng như nhập vào thiền định, như thế mà ra đi, đó không phải tự do là gì? Nếu không tự do thì ra đi không được. Tại sao Tam Tổ tay nắm cành cây mà viên tịch nhập Niết Bàn? Chính vì Ngài sanh tử tự do, đó cũng chính là đến đi tự do. Nếu tôi muốn sống thì vĩnh viễn bất tử không chết, muốn chết thì lập tức ra đi. Ðến đi trong lúc nói cười, liền có thể vãng sanh.
Giống như Pháp sư Ðạo Sanh, phần đông mọi người đều phản đối khi Ngài giảng Kinh Niết Bàn, vì Ngài chủ trương xiển-đề (icchantikas) cũng có Phật tánh. Lúc đó mọi người đều cho rằng tư tưởng của Ngài là sai lầm, mọi người đều "mặc tẩn" (1) Ngài. Cho nên Ngài phát nguyện nói: "Nếu tôi giảng kinh khế hợp Phật pháp, Phật tâm, thì sau này tôi ngồi trên pháp tòa thuyết pháp mà vãng sanh. Nếu giảng không hợp Phật tâm, thì lời nguyện này không được cảm ứng." Ngài ở núi Hổ Khâu giảng kinh cho đá nghe mà đá cũng phải gật đầu, tiếp nhận đạo lý của Ngài giảng là chính xác. Cho nên nói: "Sanh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu (Pháp sư Ðạo Sanh thuyết pháp, đá cứng cũng phải gật đầu)." Sau này lúc Ngài giảng kinh, đang giảng đến chỗ sâu sắc mầu nhiệm bèn trên pháp tòa vãng sanh. Quý vị thấy có tuyệt diệu không?
Có người nói:
–Bạch Pháp sư, nay Ngài giảng kinh rất hạp ý con, con không muốn chấp trước, không muốn giữ gìn quy cũ. Ngài nếu muốn mọi người giữ gìn quy luật chính là chấp trước.
Nghĩ như vậy là sai rồi, nói trừ chấp trước, là muốn quý vị trừ đi tâm chấp trước, bỏ đi những việc không đúng. Những việc đúng chẳng thể không chấp trước. Giống như giữ gìn quy luật thì mới có thể thành Phật, cho nên nói: Thị đạo tất tiến, phi đạo tất thối, không phù hợp đạo thì không nên chấp trước, hợp với đạo thì cần nên trì tụng không quên. Trì tụng có thể là chấp trước, nhưng trì tụng Kinh Kim Cang lại là tu hành.
Nếu tôi có tật xấu mà không muốn sửa đổi, cũng không muốn người biết, đó mới chính là chấp trước. Nếu tôi có tật xấu, người bên cạnh biết tôi cũng không màng, người khác khuyên cũng không đếm xỉa đến, đây không phải là không chấp trước mà là tà tri tà kiến. Nếu có loại tà tri tà kiến như thế, càng tu càng rời Phật pháp càng xa.
Nếu quý vị có thể rời bỏ chấp trước, thì có thể thông đạt vô ngại, không còn chướng ngại, nếu tu hành như thế, thì khế hợp với đạo lý Kinh Kim Cang, Bát nhã trí huệ hiện tiền, bằng không thì không phù hợp diệu lý Bát nhã.
Chư Thiện tri thức! Cả thảy các Tu-đa-la, và các thứ văn tự đại thừa, Tiểu thừa, mười hai phần kinh đều bởi cơ duyên của nhơn loại mà bày ra, cùng do tánh trí huệ mới kiến lập được. Nếu không có người thế gian, thì cả thảy muôn pháp vốn tự nhiên không có. Cho nên biết rằng muôn pháp vốn bởi nhơn loại mà khởi ra, cả thảy kinh sách đều bởi nhơn loại mà nói ra, nên mới có. Trong loài người có kẻ ngu người trí: Ngu làm tiểu nhơn. Trí làm đại nhơn. Người ngu học hỏi nơi người trí. Người trí nói pháp cho người ngu nghe, người ngu bỗng nhiên tỏ hiểu, tâm địa mở mang, tức nhiên giống như người trí không khác.
Giảng:
Tu-đa-la (Sutra) là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Kinh, kinh là "trên thì khế lý Chư Phật, dưới thì khế hợp căn cơ chúng sanh." Vì khế lý khế cơ, cho nên gọi là khế kinh. Toàn bộ kinh điển cùng với văn tự Ðại thừa Tiểu thừa, mười hai phần kinh (tức trường hàng, trùng tụng, thọ ký, cô khởi, vô vấn tự thuyết, nhân duyên, tỷ dụ, bổn sự, bổn sanh, phương quảng, vị tằng hữu và luận nghị) đều vì người mới có những kinh điển này, nếu không có nhân loại thì sẽ không dùng đến kinh điển. Vì tánh trí huệ mới có thể kiến lập tất cả các pháp. Tất cả những việc phiền não trên thế gian, đều do người mà sanh. Nếu không có người, việc phiền não gì cũng không có. Vì có những việc phiền não phát sanh, cho nên mới sanh ra những pháp dạy quý vị cách diệt trừ phiền não. Người có tám vạn bốn ngàn trần lao, vì thế Phật thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị, cho nên nói: "Phật thuyết nhất thiết pháp, vị độ nhất thiết nhân. Nhược vô nhất thiết nhân, hà dụng nhất thiết pháp?" Tất cả các kinh sách đều vì người mà nói. Nếu không có người, tất cả kinh sách cũng không dùng đến. Vì trong loài người, có người ngu có người trí. Người ngu si giống như trẻ con; người có trí huệ giống như người lớn, trẻ con có những việc không hiểu cần phải hỏi người lớn, người lớn bèn giải thích cho nghe. Lúc trẻ con ngộ giải tâm khai, hiểu rõ mọi việc này, thì cũng giống như người có trí huệ.
Chư Thiện tri thức! Tâm không giác ngộ, Phật là chúng sanh. Một niệm giác ngộ, chúng sanh tức là Phật. Cho nên biết rằng muôn pháp đều ở nơi Bổn tâm của mình. Vậy sao chẳng do trong bổn tâm của mình mà thấy liền cái Chân như Bổn tánh?
Giảng:
Nếu không khai ngộ, Phật cũng là chúng sanh. Nếu trong một niệm thời gian ngắn ngủi hoát nhiên khai ngộ, chúng sanh tức là Phật. Ðây cũng chính là "Giác giả Phật dã, mê giả chúng sanh (Giác là Phật, mê là chúng sanh)." Một niệm giác một niệm Phật, niệm niệm giác niệm niệm Phật. Một niệm mê một niệm là chúng sanh, niệm niệm mê niệm niệm là chúng sanh. Cái gì gọi là giác ngộ? Tức giác ngộ tình dục là những thứ nguy hại, làm tổn thương đến thân thể và khiến cho quý vị ngu si. Một niệm dục chính là một niệm ngu, niệm niệm dục chính là niệm niệm ngu si, cho nên nói: "Nghiệp hết tình không là chân Phật, nghiệp nặng tình mê là chúng sanh." Phải buông bỏ những tâm niệm ô nhiễm, ngoài cách này ra không còn cách nào hết. Tâm niệm ô nhiễm chính là dục niệm, nói rõ hơn, chính là niệm dâm dục. Nếu thân làm những niệm dâm dục này, chính là thân nghiệp không thanh tịnh. Nếu miệng nói việc ỷ ngữ, thì khẩu nghiệp không thanh tịnh. Nếu tâm thường nghĩ đến việc dâm dục, thì ý nghiệp không thanh tịnh. Nếu thân khẩu ý đều không phạm, thì ngày thành Phật không xa. Người đời thường đi ngược với sự giác ngộ, hiệp với trần lao. Hiệp với trần gì? Chính là hiệp với những thứ trần ô nhiễm không thanh tịnh. Nếu một khi quý vị rơi vào lưới dục tình thì sẽ bị ô nhiễm. Nếu ly khai tình dục, mới có thể rời xa ô nhiễm. Cho nên nói: quay lưng với trần lao chính là hiệp với sự giác ngộ, quay lưng với giác ngộ chính là lăn lộn trong trần lao. Nếu quý vị ô nhiễm thì không được thanh tịnh, không được thanh tịnh thì không thể thành Phật. Nếu muốn thanh tịnh thì không nên ô nhiễm. Ô nhiễm tức là chúng sanh, đó là đạo lý rất rõ ràng. Nhưng cần phải có một vài trợ duyên giúp quý vị thanh tịnh, điều quan trọng là không nên có tâm ích kỷ. Có tâm ích kỷ thì không thể thanh tịnh. Nếu tất cả đều không vì cá nhân, thì sẽ thanh tịnh, vì quý vị không còn lòng tham, lòng sân, lòng nghi, ngã kiến, đó chính là ngộ. Cho nên nói: một niệm ngộ, chúng sanh thành Phật.
Có người hỏi:
–Có phải mọi người đều là Phật?
Ðúng vậy, nhưng cần phải khai ngộ mới được, nếu không khai ngộ thì giống như đoạn trước nói một người dân bình thường, tự xưng là Quốc vương, nếu bị nhà vua thật biết sẽ bắt nó đem nhốt vào ngục, vì người này phao tin nhảm làm mê hoặc dân chúng, muốn tạo phản, cho nên nói: "Trời không có hai mặt nhựt, một nước không có hai vua."
Cho nên mới biết tất cả vạn pháp vốn từ trong tâm sanh ra, như vậy tại sao không từ trong tâm tu hành? Tự tâm chỉ cần bỏ đi những tâm niệm ô nhiễm, bụi bặm, thì có thể lập tức nhìn thấy Chân như tự tánh.
Kinh Bồ Tát Giới có nói rằng: "Cái Bổn nguyên tự tánh của ta vốn trong sạch. Nếu biết tâm mình và thấy tánh mình, thì thành Phật đạo." Kinh Tịnh Danh nói: "Tức thời tâm trí thông suốt, thì phục hồi đặng Bổn tâm."
Giảng:
Kinh Bồ Tát Giới nói: "Bổn lai tự tánh thanh tịnh không có ô nhiễm, nếu nhận thức được bổn tâm của mình mà nhìn thấy tự tánh, thì ai cũng có thể thành Phật."
Quý vị nhìn thấy tự tánh quý vị thành Phật, tôi nhìn thấy tự tánh tôi thành Phật, nó nhìn thấy tự tánh nó thành Phật, điều này thật là bình đẳng.
Kinh Tịnh Danh tức là Kinh Duy Ma, nói: "Lập tức hoát nhiên khai ngộ, nhận thức được bản tâm của chính mình, bèn nhận thức được bổn lai diện mục."
Chư Thiện tri thức! Lúc ta ở với Hòa Thượng Hoằng Nhẫn, một khi nghe pháp rồi, liền tỏ sáng, liền thấy Chơn như Bổn tánh. Bởi vậy, ta mới đem pháp Ðốn giáo nầy mà lưu hành, khiến cho các người học đạo liền tỏ sáng Bồ đề, mỗi người tự xem Bổn tâm mình và tự thấy Bổn tánh mình.
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư nói:
–Quý vị Thiện tri thức! Nghe pháp của tôi các ông có thể khai ngộ được không? Tôi ở với Hòa Thượng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, vừa nghe pháp môn đốn ngộ liền lập tức khai ngộ. Tôi là một người quê mùa không có tri thức, sanh nơi biên địa, được gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Ðại sư.
Vì Lục Tổ là đồ đệ của Ngũ Tổ, cho nên không thể trực tiếp xưng tên của sư phụ, cho nên nói Nhẫn Hòa thượng. Ngũ Tổ rất là bực tức vì muốn truyền pháp mà bị những người dưới của Ngài áp bức, họ muốn Ngài truyền pháp cho Thần Tú. Quý vị xem một vị Hòa Thượng ngay việc truyền pháp cũng không có tự do, bị người khống chế, đó có đáng giận hay không? Cho nên Nhẫn Hòa Thượng nhẫn đã rất lâu, sau đó có một người "cạt lão" đến chỗ Hòa Thượng cầu pháp, Ngài nghĩ thầm: "Ta muốn truyền pháp cho người quê mùa này, người này một chữ cũng không biết, nhưng ta không buồn để ý tới các ông làm gì!" Vì thế đêm khuya canh vắng Ngũ Tổ truyền pháp cho Lục Tổ.
Mà Lục Tổ thật là một người tri âm, Ngài vừa nghe pháp liền lập tức khai ngộ. Ngũ Tổ truyền pháp cho Lục Tổ, hoàn toàn không phải vì tức giận mà truyền cho người quê mùa không biết chữ này, mà là vì người không biết chữ này là người thông minh nhất. Người này vừa nghe liền lập tức khai ngộ mà bạch rằng: "Tự tánh vốn thanh tịnh, tự tánh là quang minh, tự tánh là không dao động, tự tánh vốn diệu huyền như thế!" Ngũ Tổ nghe xong bèn chấp nhận truyền pháp cho Lục Tổ.
Lục Tổ nói với đại chúng:
–Tôi nay đem pháp môn đốn giáo lưu truyền khắp mọi nơi, khiến cho người học đạo đốn ngộ Bồ đề, lập tức giác ngộ bổn tâm, kiến tự bổn tánh.
Nếu tự mình chẳng tỏ sáng, thì phải tìm bực đại Thiện tri thức rõ pháp tối thượng thừa chỉ ngay con đường Chánh giác cho mình. Bực Thiện tri thức ấy có nhơn duyên lớn là lo về việc giáo hóa và tiếp dẫn cho người đặng thấy tánh. Cả thảy các thiện pháp đều do Thiện tri thức mà được phát khởi. Cả thảy chư Phật trong ba đời, mười hai phần kinh, ở trong tánh con người tự nhiên có đủ. Nhưng tự mình không thể hiểu rõ được, nên phải cầu bực Thiện tri thức chỉ bày cho mới thấy.
Giảng:
Nếu quý vị không thể tự mình khai ngộ, cần phải đi tìm một vị Minh nhãn Thiện tri thức, vì vị Thiện tri thức này đã từng trải qua sự giác ngộ, cho nên nói: Dục tri sơn tiền lộ, tu vấn qua lai nhân, qua lai nhân là người đã trải qua, đã từng đi qua rồi. Nếu không hỏi đường nơi người đã từng đi qua rồi, mà hỏi nơi người mù, như thế càng đi càng lạc đường, càng ngày càng xa đạo.
Tham vấn vị đại Thiện tri thức, giải thích pháp môn tối thượng thừa, chỉ thị con đường chánh. Quý vị và vị Thiện tri thức mắt sáng ấy nhất định có nhân duyên lớn mới có thể gặp nhau. Gọi là Thiện tri thức, có nghĩa là hóa đạo nhất thiết chúng sanh, khiến cho chúng sanh hiểu rõ bổn tánh của chính mình, nhìn thấy bản tâm của mình. Tất cả thiện pháp, đều do có Thiện tri thức mới có thể sanh ra. Nhứt thiết thiện căn cũng là do vị Thiện tri thức hằng ngày chăm bón, vun tưới, thành tựu cho, giống như quý vị gặp được Thiện tri thức ngày ngày thuyết pháp giáo hóa cho, đều là tăng trưởng thiện căn của quý vị. Hết thảy Chư Phật ở thời quá khứ, thời hiện tại, thời vị lai, và mười hai phần kinh, trong tự tánh mỗi người vốn đều có đầy đủ, không phải tìm cầu bên ngoài. Nhưng nếu quý vị không hiểu rõ thì cần phải hỏi Thiện tri thức chỉ thị diệu thể tự tánh thanh tịnh bổn lai của mình, như thế quý vị mới có thể nhìn thấy bổn tánh của chính mình.
Nếu tự mình hiểu rõ, thì chẳng cần cầu nơi ngoài. Nếu một mực cố chấp rằng phải cầu bực Thiện tri thức, mới mong đặng giải thoát, thì không có lý như vậy. Bởi cớ sao? Bởi trong tâm mình đã sẵn có cái cơ tri thức tự ngộ. Nếu tâm mình khởi tà mê, vọng niệm, điên đảo, thì dầu ngoài có Thiện tri thức truyền dạy, cũng không thể cứu được. Bằng tâm mình khởi chơn chánh, trí Bát nhã thường chiếu soi, thì trong một sát-na, các điều vọng niệm đều dứt hết. Nếu biết Bổn tánh mình, vừa một niệm giác ngộ thì liền đến cõi Phật.
Giảng:
Tự mình nếu có thể hiểu rõ, thì không cần nương tựa vào ai hoặc bất cứ cái gì, hoặc giong ruổi tìm cầu ở bên ngoài. Nếu lúc trước thường hay chấp trước, dựa dẫm vào sự chỉ dạy của Thiện tri thức mới có thể giải thoát, thì điều này thì không đúng. Chúng ta cần phải tự tánh tự ngộ, khai thác sử dụng trí tuệ Bát nhã vốn đầy đủ của chính mình. Tại sao? Bởi vì tự tánh mình vốn có sẵn đại Thiện tri thức chân chánh. Ðây cũng là trí huệ chân chánh của quý vị, có thể tự mình hiểu rõ. Nếu tự mình sanh ra tà kiến mê lầm, tà chính là không chân chánh, mê chính là không hiểu rõ. Ví dụ, không hiểu rõ là tà mê, sai lầm, ví như một vài sở thích không tốt: đánh bạc thì có sự tà mê của đánh bạc, hút thuốc thì có sự tà mê của hút thuốc, háo sắc thì có sự tà mê của háo sắc, người thích uống rượu thì có sự tà mê của uống rượu. Những loại tà mê này không nên cho rằng không có gì nghiêm trọng, vì nghĩ rằng nó không quan trọng cho nên càng mê càng đắm, từ mê ít trở thành mê nhiều, do mê nhiều mà vẫn cho rằng không sao hết, bèn biến thành cái lão mê, cái lão mê lại cho rằng không sao hết nên biến thành cái tử mê, đến chết vẫn còn chưa hiểu rõ. Thật là tội nghiệp! Chính vì do một niệm tà mê ban đầu gây ra.
Vọng niệm chính là những niệm không chân, không thật, không thực tại, chỉ là hư vọng, vọng tưởng. Ðiên đảo chính là hiểu rõ việc này không đúng mà cứ làm, lại cãi chày cãi cối cho nó là đúng. Những điều quý vị ưa thích tuy không hợp với Phật pháp nhưng vẫn làm theo ý mình, đó là điên đảo. Không những chính quý vị làm như vậy mà còn ảnh hưởng đến người khác học theo tánh xấu của quý vị, đây là điên đảo. Người muốn học Phật pháp nhất định cần phải không điên đảo, không tà mê mới có chỗ thành tựu. Tuy có thầy sáng, bạn hiền giáo hóa, nếu quý vị không nghe, họ cũng không có cách nào giúp được. Thiện tri thức không giống cảnh sát thấy quý vị không tôn trọng pháp luật, liền bắt đem bỏ vào tù. Thiện tri thức không có nhà tù. Nếu quý vị không nghe lời dạy bảo, vị Thiện tri thức vẫn hy vọng quý vị từ từ sửa đổi những lỗi lầm quay về con đường thiện lành. Ðối với những chúng sanh biết nghe lời, Thiện tri thức cũng không sanh lòng hoan hỷ; đối với những chúng sanh không nghe lời giáo hóa, Thiện tri thức cũng không vì đó mà phiền não tức giận, trong tâm chỉ có chút buồn bã, không vui lắm mà thôi.
Nếu quý vị từ trong tự tánh sanh ra trí huệ Bát nhã chơn chánh (chánh là không tà, chơn là không vọng), dùng lưỡi kiếm trí huệ Bát nhã chặt đứt tất cả tà mê vọng niệm, điên đảo, thì trong thời gian rất ngắn, tất cả các vọng niệm đều tiêu sạch giống như tuyết gặp phải ánh mặt trời soi vào tan biến đi. Nếu quý vị nhận thức bổn tánh chân thực của chính mình, vừa khai ngộ thì lập tức đến đất Phật. Nếu không nhận thức, vừa khởi lên niệm tà mê liền lập tức đến chỗ quỷ ma ở. Khai ngộ chính là dùng kiếm trí huệ chặt đứt tà kiến mê lầm, thấu suốt hiểu rõ vạn pháp, cho nên nói: Giác giả Phật dã, mê giả chúng sanh.
Chư Thiện tri thức! Cái trí huệ thường chiếu soi, trong ngoài đều sáng tỏ, thì biết rõ Bổn tâm của mình. Biết rõ Bổn tâm tức là giải thoát, tức là Bát nhã tam muội. Bát nhã tam muội tức là vô niệm. Sao gọi là vô niệm? Biết thấy tất cả các pháp mà lòng không nhiễm vương, dính mắc, ấy là vô niệm. Cái tâm khi ứng dụng liền biến khắp tất cả các nơi mà chẳng dính vương vào các nơi ấy. Giữ Bổn tâm mình trong sạch, khiến sáu thức ra ngoài sáu cửa, đối với sáu trần, mà lòng không nhiễm vương, dính mắc, không lộn xộn, lui tới tự do, thông dụng không ngăn trở, tức là Bát nhã Tam muội, cũng là Tự tại Giải thoát, cũng là hạnh vô niệm.
Giảng:
Quý vị dùng trí huệ vốn có của mình quán chiếu, thì thế giới trong tâm ngoài thân giống như lưu ly, bên trong có thể nhìn thấy bên ngoài, bên ngoài có thể nhìn thấy bên trong, đó chính là cảnh giới "trong không thân tâm, ngoài không thế giới." Tuy không có thân tâm, không có thế giới; nhưng thế giới và thân tâm lại rất rõ ràng đích xác, tuy rõ ràng đích xác mà không chấp trước, đó gọi là thức tự bổn tâm, biết rõ bổn tâm của mình. Bổn lai tự tánh thân tâm thì trong ngoài đều thấu triệt, nếu biết rõ được bổn tâm liền được giải thoát, tức không chấp trước trần lao vọng tưởng. Nếu được giải thoát, đó chính là định của tự tánh Bát nhã. Ðịnh chính là vô niệm. Vô ý thức là giới, vô niệm chính là định, không còn vọng tưởng vọng niệm, đó chính là hueä. Vô ý, vô niệm, vô vọng chính là giới, định, huệ. Giới, định, huệ hiện tiền thì tham, sân, si không còn nữa.
Vô niệm là gì? Chính là tâm không nhiễm trước vạn pháp, tức là pháp không. Pháp đã không rồi, sao quý vị vẫn chấp trước những tập khí tật xấu? Tập khí không trừ bỏ, chỉ nói không nhiễm trước vạn pháp, vậy thì quý vị nói ra một cái không nhiễm trước xem? Pháp còn không có, huống chi những tập khí tật xấu? Kinh Kim Cang nói: "Pháp còn phải bỏ huống hồ là phi pháp." Những tập khí tật xấu không buông bỏ vậy thì từ trong Phật pháp quý vị học được những gì? Ðây là dối mình lừa người. Người học Phật pháp, chính là cần phải trừ bỏ những tật xấu, nếu chỉ biết nói vài câu, một chút sở dụng cũng không có, chính là hành vi của kẻ ngu si.
Vô niệm là không nhiễm trước, là chánh niệm, cũng chính là Bát nhã tam muội.
Bát nhã tam muội này – hay Ðịnh, có thể vận dụng để biến chiếu khắp nơi, giống như hư không, nhưng không chấp trước một chỗ nào. Trong tâm không có chỗ chấp trước, khiến cho lục thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) đi ra khỏi cửa lục căn (nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn, ý môn) trong lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), không nhiễm trước cũng không tạp niệm. Khiến cho lục thức không tùy theo cảnh giới lục trần xoay chuyển, cho nên nói: "Mắt thấy hình sắc tâm không động, tai nghe việc đời tâm không vọng." Nếu quý vị không rõ, cần phải siêng năng tu học Phật pháp. Ðến đi tự do, thông dụng vô trệ, lúc này thiên biến vạn hóa, vạn hóa thiên biến, ứng dụng vô cùng mà không có chỗ trì trệ chướng ngại, đó là định của Bát nhã, cũng gọi là tự tại giải thoát, cũng là vô niệm hạnh.
Bằng đối với mọi vật, lòng không nghĩ đến, khiến cho niệm tưởng dứt đi, tức là bị pháp ràng buộc. Ấy gọi là biên kiến.
Giảng:
Nếu như quý vị nói: "Tôi ngồi ở đây không nghĩ đến việc gì, khiến cho niệm đoạn tuyệt." Nhưng quý vị vẫn còn một niệm "khiến cho niệm đoạn tuyệt," tức lại bị pháp phược. Không những không thể giải thoát mà còn bị pháp trói buộc. Ðó gọi là biên kiến, rơi vào hai bên, không phải là trung đạo.
Chư Thiện tri thức! Hiểu rõ pháp vô niệm thì suốt thông muôn pháp. Hiểu rõ pháp vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật. Hiểu rõ pháp vô niệm thì đạt đến địa vị của Phật.
Giảng:
Hiểu rõ pháp vô niệm, hoàn toàn không phải làm giống như tro tàn, cây khô. Vô niệm chính là muốn quý vị có định lực, không có tà niệm, mà phải thường sanh chánh niệm. Người ngộ thì tất cả vạn pháp đều hiểu rõ. Hiểu rõ pháp vô niệm thì có thể hiểu rõ cảnh giới Chư Phật. Nếu chưa hiểu rõ, thì không thể nói đã ngộ pháp vô niệm. Không giống như bọn người kia, ngay cả ngũ trùng huyền nghĩa hay thất chủng lập đề đều không hiểu rõ, bất chấp sự sai sót của mình, đi khắp nơi giảng kinh, lường gạt những người không hiểu Phật pháp. Nếu chỉ y theo những bổn dịch Anh văn mà đọc, thì ai cũng biết đọc. Nhưng, giảng kinh là cần phải phân tích nghĩa lý của kinh, quán triệt thông đạt nghĩa lý và tông chỉ của mỗi chữ mỗi câu mỗi chương mỗi bài, để có thể giải thích một cách viên dung vô ngại.
Nếu có thể hiểu rõ pháp vô niệm, thì có thể đạt đến địa vị của Phật. Ðến Kim Sơn Thánh Tự nghe kinh thuyết pháp, đều là người đến, không phải là kiến. Người đến nghe pháp tuy không nhiều, nhưng đều cần phải học Phật pháp, đừng giống như con kiến đi tìm đồ ngon ngọt mà ăn. Ðến đây học Phật pháp là nếm mùi khổ cực, cay đắng, không phải nơi để tìm mật ngọt mà ăn.
Chư Thiện tri thức! Ðời sau người nào đắc pháp của ta, cùng với những người đồng kiến đồng hành, đem pháp môn Ðốn giáo nầy, phát nguyện thọ trì như là thờ Phật, trọn đời không thối chuyển, thì chắc vào ngôi Thánh. Nhưng cách truyền thọ, phải do theo ý chỉ của các vị Tổ Sư từ đời trước tới nay, mà mặc truyền phú chúc cho rõ ràng, chẳng đặng ém dấu chánh pháp của các Ngài. Còn các người không đồng kiến đồng hành hoặc ở trong pháp môn khác, thì chẳng nên truyền thọ, vì tổn hại đến các vị Tổ Sư đời trước, mà rốt cuộc không có ích gì (cho người sau), bởi sợ e có người ngu muội chẳng hiểu, rồi đem lòng chê bai pháp môn nầy mà phải đoạn tuyệt hột giống Phật tánh của họ trong muôn đời ngàn kiếp.
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư làm sao có thể thành Tổ Sư? Vì Ngài không khinh thường người ít học. Lúc Ngài ở nơi Ngũ Tổ Ðại sư, những người ở đây phần đông đều khinh thường Ngài là người quê mùa lại không biết chữ, chỗ nào cũng bị người khinh mạn, vì thế Ngài thông cảm nỗi khổ của người bị khinh mạn. Cho nên Ngài đối với những người Thiện tri thức hoặc không phải là Thiện tri thức đều xưng tụng họ là Thiện tri thức.
Ngài nói:
–Sau này những người đắc pháp của tôi, nếu có thể đem pháp môn đốn giáo này cùng với những người có kiến giải giống nhau, cùng nhau tìm cầu chân lý, cùng nhau phát nguyện thọ trì pháp môn này, như lòng thành cúng dường mười phương Chư Phật, suốt đời mà không thối chuyển, thì nhất định sẽ thành Thánh quả. Lưu truyền pháp môn này, giống như Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật truyền cho Ngài Ca Diếp, sau đó truyền cho A Nan, cho đến Bồ Ðề Ðạt Ma Tổ thứ hai mươi tám Thiên Trúc (Sơ Tổ Trung Quốc), Nhị Tổ, Tam Tổ, cho đến Lục Tổ, cần phải đời đời mặc mặc tương truyền, phân phú pháp môn tâm ấn, không nên đem chánh pháp giấu đi không truyền mà lại truyền tà pháp.
Ðối với những người kiến giải bất đồng, tu hành không giống nhau hoặc là những người ngoại đạo thì không nên truyền pháp môn tâm ấn này, vì sẽ làm tổn hại đến các vị Tổ Sư đời trước, và tương lai cũng không có ích dụng gì, vì sợ rằng những người ngu không hiểu rõ chơn đạo vô thượng vi diệu mà hủy báng pháp môn đốn giáo này, thì trăm ngàn kiếp đoạn chủng tánh Phật.
Thính ngô tụng viết:
Thuyết thông cập tâm thông,
Như nhật xử hư không.
Duy truyền kiến tánh pháp,
Xuất thế phá tà tông.
Pháp tức vô đốn tiệm,
Mê ngộ hữu trì tật.
Chỉ thử kiến tánh môn,
Ngu nhân bất khả tất.
Thuyết tức tuy vạn ban,
Hợp lý hoàn quy nhất.
Phiền não ám trạch trung,
Thường tu sinh tuệ nhật.
Tà lai phiền não chí,
Chánh lai phiền não trừ.
Tà chánh câu bất dụng,
Thanh tịnh chí vô dư.
Bồ đề bổn tự tánh,
Khởi tâm tức thị vọng.
Tịnh tâm tại vọng trung,
Ðản chánh vô tam chướng.
Thế nhân nhược tu đạo,
Nhất thiết tận bất phòng.
Thường tự kiến kỷ quá,
Dữ đạo tức tương đương.
Sắc loại tự hữu đạo,
Các bất tương phòng não.
Ly đạo biệt mích đạo,
Chung thân bất kiến đạo.
Ba ba độ nhất sinh,
Ðáo đầu hoàn tự áo.
Dục đắc kiến chân đạo,
Hạnh chánh tức thị đạo.
Tự nhược vô đạo tâm,
Ám hành bất kiến đạo.
Nhược chân tu đạo nhân,
Bất kiến thế gian quá.
Nhược kiến tha nhân phi,
Tự phi khước thị tả.
Tha phi ngã bất phi,
Ngã phi tự hữu quá.
Ðản tự khước phi tâm,
Ðả trừ phiền não phá.
Tắng ái bất quan tâm,
Trường thân lưỡng cước ngọa.
Dục nghĩ hóa tha nhân,
Tự tu hữu phương tiện.
Vật linh bỉ hữu nghi,
Tức thị tự tánh hiện.
Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác.
Ly thế mích Bồ đề,
Kháp như cầu thố giác.
Chánh kiến danh xuất thế,
Tà kiến thị thế gian.
Tà chánh tận đả khước,
Bồ đề tánh uyển nhiên.
Thử tụng thị đốn giáo,
Diệc danh đại pháp thuyền.
Mê văn kinh lụy kiếp,
Ngộ tắc sát na gian.
Chư Thiện tri thức! Ta có một bài tụng "Vô Tướng," các ông nên tụng đọc. Người tại gia hay xuất gia cũng phải y theo bài tụng nầy mà tu hành. Nếu tự mình chẳng tu, mà chỉ nhớ lời ta nói, thì cũng không có ích gì. Hãy nghe ta tụng...
Giảng:
Quý vị Thiện tri thức! Tôi có một bài kệ Vô Tướng, các ông cần nên tụng niệm, bất luận là người tại gia, hay người xuất gia đều có thể y theo bài kệ tụng này tu hành. Nếu không tự mình thực hành, tự mình tu hành, chỉ ghi nhớ bài kệ mà tôi nói thì không có ích lợi gì.
Thuyết thông cập tâm thông,
Như nhật xử hư không.
Duy truyền kiến tánh pháp,
Xuất thế phá tà tông.
Thuyết thông tâm cũng thông,
Như mặt nhựt trên không.
Chuyên truyền pháp thấy tánh,
Xuất thế phá tà tông.
Thuyết thông, tức là hiểu rõ giảng kinh thuyết pháp. Tâm thông tức là tông thông, tông môn Thiền tông, thông đạt pháp môn tâm địa. Quý vị hiểu rõ giảng kinh thuyết pháp, cũng hiểu rõ tham thiền tu đạo. Cảnh giới này, cũng giống như thái dương trên hư không, không chỗ chấp trước mà ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Pháp môn mà tôi truyền chính là muốn quý vị có thể minh tâm kiến tánh. Quý vị minh tâm thì không có việc gì khó, kiến tánh rồi thì không còn lo âu. Hiểu rõ bổn lai diện mục, mới là hiểu rõ Phật pháp. Pháp môn này chuyên giảng những đạo lý xuất thế, là tôn chỉ phá trừ bàng môn tả đạo, ngoại đạo.
Pháp tức vô đốn tiệm,
Mê ngộ hữu trì tật.
Chỉ thử kiến tánh môn,
Ngu nhân bất khả tất.
Pháp vốn không đốn tiệm,
Mê ngộ có chậm mau.
Chỉ môn thấy tánh ấy,
Kẻ muội chẳng kham vào.
Pháp vốn không có sự sai khác của đốn và tiệm, nhưng đối với người mê cần phải dạy cho họ pháp môn tiệm tu, đối với người trí thì có thể dạy họ pháp môn đốn ngộ, cho nên người mê chậm một chút, người có căn tánh lanh lợi thì có thể khai ngộ nhanh một chút.
Sao gọi là đốn giáo? Tôi hôm nay nói cho quý vị những lời chân thật. Lời nói thật thì không thể nói nhiều, mà nói ít thì sợ rằng quý vị không tin, huống chi là nói nhiều quý vị càng không tin nữa. Vì không ai thích nghe những đạo lý thật, cũng không ai thích tu hành một cách chân thật nên tôi không có cách nào nói chơn pháp cho quý vị. Tôi đành phải đợi cơ hội, hôm nay cơ hội đã đến, vì giảng đến bài kệ này thì đạo lý chân thật (mà tôi muốn nói) liền được công bố tỏ rõ ra.
Ðốn pháp là gì? Ðốn chính là bảo quý vị phải đoạn. Ðoạn cái gì? Ðoạn lòng dâm dục. Quý vị có thể làm được không? Quý vị không tin à! Ðiểm này chính là mấu chốt quan trọng. Cần phải mau chóng đoạn trừ vô minh, vô minh cũng chính là lòng dâm dục. Vậy, có đoạn được không? Nếu đoạn không được, quý vị đừng nghĩ đến việc nghe chân pháp. Nếu quý vị có thể đoạn, thì có thể đắc được pháp môn đốn giáo. Tiệm có nghĩa là chậm, nếu đoạn không được, không thể buông bỏ thì biến thành tiệm. Người thông minh, chỉ thị một chút họ liền có thể đoạn. Người ngu si, bỏ không được, buông không xong, dù có thuyết pháp cho họ nghe, họ cũng không tin tưởng pháp môn đốn giáo này. Cho nên bình thường tôi không nói. Nếu quý vị có lòng tin tưởng thì sớm đã thành Phật rồi!
Vì quý vị không tin tưởng, cho nên đến hôm nay vẫn còn xoay chuyển mãi trong vòng luân hồi lục đạo. Quý vị muốn luân chuyển thì cứ việc luân chuyển, không có ai có thể ép buộc được.
Mê và ngộ chỉ là vấn đề nhanh chậm mà thôi, quý vị nay không đoạn, sau này thành Phật nhứt định phải đoạn. Quý vị nay không muốn làm Phật cho nên không muốn đoạn. Ðốn pháp này là cửa kiến tánh. Nếu quý vị có thể đoạn trừ lòng dâm dục thì có thể minh tâm kiến tánh. Không nên giảng pháp này cho người ngu si nghe, họ không thể hiểu được, dù quý vị giảng cho họ nghe, họ cũng không tin tưởng đâu.
Thuyết tức tuy vạn ban,
Hợp lý hoàn quy nhất.
Phiền não ám trạch trung,
Thường tu sinh tuệ nhật.
Nói tuy có muôn thứ,
Lý hợp một không hai.
Phiền não trong nhà tối,
Thường phải sanh huệ nhật.
Giảng nói đạo lý có rất nhiều cách, nhiều phương pháp. Và đạo lý nói ra nhiều đến muôn ngàn. Nhưng bao nhiêu pháp môn cũng đều để đối trị phiền não, vô minh. Nếu hiệp về cội nguồn, thì chỉ có một đạo lý căn bản, tức là đốn pháp này, chính là pháp dạy quý vị đốn đoạn vô minh mà hiển hiện pháp tánh. Phiền não giống như ở trong phòng đen tối. Nếu quý vị có trí huệ, thì giống như ánh sáng mặt trời chiếu sáng huy hoàng.
Tà lai phiền não chí,
Chánh lai phiền não trừ.
Tà chánh câu bất dụng,
Thanh tịnh chí vô dư.
Tà sanh phiền não dấy,
Chánh đến não phiền tan.
Chánh tà đều chẳng dụng,
Thanh tịnh chứng Niết Bàn.
Tà lai, chính là lòng dâm dục phát sanh, phiền não tự nhiên theo đó phát sanh. Không nên cho rằng nó là niềm vui hay happiness. Nó chính là căn bổn của phiền não. Chánh có nghĩa là trí huệ Bát nhã, vô minh đã bị phá vỡ, phiền não sẽ bị diệt trừ. Lúc tà chánh đều không có, đó chính là Vô dư Niết Bàn. Tà chánh mà ở đây nói đến đều không dùng. Có người nói: "Tà cứ để cho nó tà, chánh cứ để cho nó chánh, không màng đến nó!" Không màng đến, thì quý vị vẫn ở trong phòng tối đen. Tà chánh đều không dùng — nghĩa là đã vượt qua rồi, đã là người từng trải, cho nên tà cũng không có, chánh cũng không tồn tại. Tại sao có chánh? Vì có tà nên mới hiển chánh. Tại sao có tà? Vì có chánh nên mới hiển tà. Lúc tà chánh đều không có, đó chính là Vô dư Niết Bàn thanh tịnh.
Bồ đề bổn tự tánh,
Khởi tâm tức thị vọng.
Tịnh tâm tại vọng trung,
Ðản chánh vô tam chướng.
Bồ đề là tự tánh,
Tâm động tức vọng mông.
Tịnh tâm trong chỗ vọng,
Thường chánh ba chướng vong.
Bồ đề tự tánh không nên tìm cầu bên ngoài, vì trí huệ Bát nhã tự tánh vốn đầy đủ. Quý vị vừa khởi tâm động niệm thì chính là vọng niệm. Bổn lai thanh tịnh vô dư Niết Bàn thì không có tất cả niệm, nó là vô ý, vô niệm, vô vọng. Vô ý chính là giới cụ túc, vô niệm là định cụ túc, vô vọng là huệ cụ túc. Cho nên tâm tịnh ở trong vọng, giống như trong băng có nước, trong nước cũng có thành phần của băng đá. Nếu thường tu hành chánh pháp sẽ rời được tam chướng – nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng. Nghiệp chướng tức là những nghiệp chướng đã tạo làm chướng ngại. Báo chướng tức là thân thọ quả báo mà gây chướng ngại. Phiền não chướng tức là tất cả phiền não làm chướng ngại mình.
Thế nhân nhược tu Ðạo,
Nhất thiết tận bất phòng.
Thường tự kiến kỷ quá,
Dữ Ðạo tức tương đương.
Người đời nếu tu đạo,
Pháp nào cũng vô ngại.
Thường tự thấy lỗi mình,
Cùng đạo tức tương ưng.
Người thế gian nếu muốn tu đạo, pháp môn nào cũng có thể thành tựu đạo nghiệp, nếu quý vị chân chánh hiểu rõ chánh pháp, thì đi đứng nằm ngồi đều có thể tu hành. Ðầu tiên quý vị phải nhìn thấy những lỗi lầm của chính mình, không nên chỉ nhìn thấy những cái sai của người khác, giống như gương soi chỉ soi bên ngoài, mà không thể tự mình hồi quang phản chiếu. Không nên nhìn thấy những lỗi lầm của người khác, mà không tự hỏi mình có thể giữ gìn trong sạch ngũ giới hoặc có khởi lên các vọng tâm tà niệm hay không. Nếu có thể thường thấy lỗi của mình, thì tương ưng với đạo, mà không đi ngược với đạo.
Bài kệ này nếu ghi nhớ vào lòng thì trọn đời thọ dụng không cùng. Lục Tổ Ðại sư nói hay quá, vừa đơn giản vừa rõ ràng, mọi người đều dễ dàng hiểu được. Nếu có thể hiểu được ý này thì đối với việc tu đạo có rất nhiều lợi ích.
Sắc loại tự hữu đạo,
Các bất tương phòng não.
Ly đạo biệt mích đạo,
Chung thân bất kiến đạo.
Sắc loài tự có đạo,
Hỗ tương nào não ngại,
Lìa đạo mà tìm đạo,
Chung thân đạo khó vào.
Sắc tức là hữu hình hữu tướng. Nếu trong cái sắc hữu hình hữu tướng này, quý vị có thể hiểu rõ, khai ngộ, đoạn trừ ái dục, mà không chấp vào sắc tướng, tự nhiên sẽ có đạo, không cần phải rời đạo mà đi tìm đạo bên ngoài. Nếu quý vị nhận biết, mà không bị nó làm cho mê mờ, đó chính là "đôi bên không bị phiền não chướng ngại." Nếu quý vị rời đạo mà tìm đạo ở bên ngoài, đây là việc vô ích, cho nên nói "Kiến sự tỉnh sự xuất thế gian, kiến sự mê sự đọa trầm luân." Nhìn sự việc mà tỉnh ngộ sự việc gọi là xuất thế, nếu gặp sự việc mà sanh tà kiến, kiến hoặc thì gọi là đọa lạc.
Ðến với đạo, nhưng quý vị đang tu đạo gì? Tức là từ sáng đến tối những việc mình làm đều như pháp, không làm những việc bất chánh, sai lầm, đó chính là mình tu đạo. Còn nếu ly khai những việc thường ngày mà tìm cầu đạo bên ngoài thì không bao giờ quý vị tìm được đạo.
Ba ba độ nhất sinh,
Ðáo đầu hoàn tự áo.
Dục đắc kiến chân đạo,
Hạnh chánh tức thị đạo.
Bôn ba qua một kiếp,
Rốt cuộc não phiền còn.
Muốn thấy nền chơn đạo,
Hạnh chánh ấy đạo chơn.
Ba ba có nghĩa là khổ cực, quý vị khổ cực suốt một đời, đến già bèn hối hận. Lúc đó tự than tự trách: "Ôi, tôi đã để thời gian trôi qua một cách vô ích, để hôm nay trong lòng tràn ngập hối hận ăn năn. Nếu tôi không uống nhiều rượu như thế, thì làm sao ngu muội đến chừng này? Nếu tôi một đời không đánh bạc thì làm sao nghèo đến nước này. Cuộc đời của tôi, nếu có người đến khuyên nhắc tôi, tôi cũng có thể tu hành mà, không đến nỗi gặp phải cảnh như hôm nay! Nhưng vì không gặp được Thiện tri thức, dù có gặp Thiện tri thức cũng không nhận biết."
Dù Thiện tri thức có dạy bảo, quý vị cũng xem như gió thoảng bên tai, cũng không có sửa đổi những tập khí tật xấu của mình. Cho nên cuối cùng vẫn là tự mình hối hận mà thôi.
Quý vị muốn gặp được đạo chân chánh, cần phải nỗ lực tinh tấn tu hành, không nên chứa chấp tà niệm, không nên chỉ nhìn thấy lỗi lầm của người, tát nước lạnh vào sự nhiệt tình của kẻ khác, tật đố chướng ngại, chỉ vì sợ người khác giỏi hơn mình.
Tự nhược vô đạo tâm,
Ám hành bất kiến đạo.
Nhược chân tu đạo nhân,
Bất kiến thế gian quá.
Ðạo tâm mình chẳng có,
Làm quấy đạo lìa xa,
Người thật lòng hành đạo,
Lỗi đời khá bỏ qua.
Nếu tự mình không có đạo tâm, không tu đạo, chỉ biết làm những việc tội lỗi, không dám cho người khác biết, thì đó không phải là đạo. Người chân chánh tu đạo không nhìn thấy những lỗi lầm của người thế gian. Có người nói:
–Nay thời mạt pháp quá xấu xa, đã không còn Phật pháp. Dù có tu hành cũng không chứng quả.
Tại sao quý vị không chứng quả? Pháp vốn không mạt, không có tà không có chánh. Nếu quý vị tu trì chánh pháp, thì đó là thời đại chánh pháp. Nếu không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian, nhìn thấy mọi người đều là Phật, thì mình chính là Phật. Nếu nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là ma, thì mình cũng là ma. Cho nên nói: "Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá (nếu là người chân chánh tu hành học đạo thì không nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác)."
Nhược kiến tha nhân phi,
Tự phi khước thị tả.
Tha phi ngã bất phi,
Ngã phi tự hữu quá.
Nếu thấy người lầm lỗi,
Ấy mình lỗi chẳng sai.
Người lỗi, ta không lỗi,
Ta lỗi bởi chê bai.
Nhược kiến tha nhân phi, chính là nhìn thấy người khác không đúng. Tự phi khước thị taû, nếu biết người khác có lỗi lầm, thì bản thân mình cũng lầm lỗi. Hãy nhìn Ðức Phật: Ngài có thấy lỗi lầm của ai không? Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật. Quý vị không nên cùng người khác làm việc sai lầm. Nếu nhìn thấy cái sai của người khác thì chính mình cũng tự có phần tham gia vào đó, chính mình cũng đã sai lầm. Người khác sai lầm, nhưng mình không nên sai lầm, không nên nhìn thấy cái sai lầm của người khác mà cần phải phát huy tâm đại từ đại bi. Ðối với bất cứ người nào, ta cũng nên có tâm từ bi, thương xót chúng sanh mà phát nguyện độ họ thành Phật.
Ðản tự khước phi tâm,
Ðả trừ phiền não phá.
Tắng ái bất quan tâm,
Trường thân lưỡng cước ngọa.
Hãy trừ lòng tưởng quấy,
Phiền não phá tiêu tan.
Ghét yêu đừng để dạ,
Duỗi cẳng nghỉ thanh nhàn.
Nếu trừ đi những tâm niệm sai lầm của mình, thì phiền não không còn nữa.
Tắng ái bất quan tâm: Tắng có nghĩa là ghét bỏ, ái tắng đều là một loại tình cảm. Người tu đạo cần phải chân chánh dụng tâm từ bi thương xót tất cả chúng sanh, phát nguyện độ tất cả chúng sanh thành Phật. Nếu chúng sanh không thành Phật tôi nguyện cũng không thành Phật. Hôm nay có người quy y. Sau khi quy y rồi cần phải giữ gìn giới luật. Người tin Phật không nên có những hành vi sai lầm trước kia, nếu không như vậy người ta sẽ nói: "Người đó tin Phật mà vẫn làm những điều sai lầm như lúc trước." Ðiều đó khiến cho người chung quanh không tin Phật. Cho nên tôi phát nguyện, phàm những người quy y tôi, nếu không thành Phật, tôi sẽ đợi họ, khi nào họ thành Phật tôi mới thành Phật. Vì tôi không còn cách nào khác, chỉ có phát nguyện đợi quý vị thành Phật. Người nào sau khi quy y rồi, cần phải mau mau tu hành, không nên để tôi phải đợi chờ. Tôi chờ đợi các vị lâu quá tôi cũng chán ngán, lúc đó tôi sẽ không muốn đợi nữa.
Trường thân lưỡng cước ngọa: Duỗi thẳng đôi chân nằm ngủ, đây thật hợp với những người làm biếng. Nhưng câu này không phải dạy chúng ta nằm ngủ, mà là biểu thị sự tự do, không bị ràng buộc, không bị chướng ngại, đó mới có thể rời xa điên đảo đạt cứu cánh Niết Bàn. Không nên nghe Lục Tổ dạy rằng "Trường thân lưỡng cước ngọa" bèn suốt ngày nằm ngủ là không đúng.
Dục nghĩ hóa tha nhân,
Tự tu hữu phương tiện.
Vật linh bỉ hữu nghi,
Tức thị tự tánh hiện.
Muốn toan lo độ thế,
Phương tiện phải sẵn sàng.
Chớ để người nghi hoặc,
Tự tánh mới quang minh.
Nếu muốn giáo hóa chúng sanh, thì tự mình phải có pháp môn phương tiện quyền xảo, đối với chúng sanh nào thì phải biết thuyết những pháp môn nào, không nên chấp trước, không nên khiến chúng sanh sau khi nghe pháp khởi lòng nghi hoặc, đó chính là tự mình phải biết vận dụng tự tánh của chính mình, từ đó tự tánh trí huệ quang minh của mình sẽ hiển hiện.
Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác.
Ly thế mích Bồ đề,
Kháp như cầu thố giác.
Phật pháp ở trần thế,
Không lìa thế gian giác.
Bỏ đời tìm đạo chánh,
Sừng thỏ kiếm sao ra.
Phật pháp là gì? Phật pháp cũng chính là pháp thế gian, pháp xuất thế cũng chính là Phật pháp. Thế gian pháp là những pháp thế tục thông thường, mà Phật pháp là pháp tại thế gian mà lại xuất thế gian, thế nên nói Phật pháp tại thế gian không rời khỏi trí huệ Bát nhã của thế gian. Nếu rời khỏi thế gian đi tìm Bồ đề, điều này cũng giống như muốn thỏ mọc sừng, thì không bao giờ có được, đi bất cứ nơi nào cũng không thể tìm kiếm ra.
Chánh kiến danh xuất thế,
Tà kiến thị thế gian.
Tà chánh tận đả khước,
Bồ đề tánh uyển nhiên.
Chánh kiến là xuất thế,
Tà kiến ấy thế gian,
Chánh tà đều phá hết,
Giác tánh hiện rõ ràng.
Có chánh kiến, đó gọi là pháp xuất thế. Chánh kiến chính là giác ngộ: lòng dâm dục của mình cần phải đoạn trừ. Tà kiến chính là cho rằng có thể tùy thuận theo dục vọng mà khiến cho nó phát triển: loại tà tri tà kiến, cái dục tâm này gọi là pháp thế gian. Tà chánh đều bị quét sạch, lúc đó tánh Bồ đề sẽ hiện tiền, mà không phải giong ruổi bên ngoài tìm tánh Bồ đề.
Thử tụng thị đốn giáo,
Diệc danh đại pháp thuyền.
Mê văn kinh lụy kiếp,
Ngộ tắc sát na gian.
Tụng này là Ðốn giáo,
Cũng kêu đại Pháp thuyền.
Mê, nghe kinh lũy kiếp,
Ngộ, thấy Phật tâm liền.
Tôi nay thuyết bài kệ là pháp môn đốn giáo, là pháp môn thành Phật. Ðoạn kệ này cũng có thể gọi là con thuyền pháp lớn, có thể chuyên chở tất cả chúng sanh từ bờ sanh tử bên này, vượt qua dòng phiền não mà đến bờ Niết Bàn bên kia. Nếu quý vị mê hoặc không hiểu rõ, thì cần phải trải qua một thời gian rất dài mới có thể khai ngộ; còn nếu quý vị không thể đốn ngộ, thì hãy buông bỏ tất cả dục niệm. Như thế trong một sát-na ngắn ngủi, quý vị liền có thể khai ngộ mà nhận thức một cách chân chánh.
Ðại sư lại nói: "Nay tại chùa Ðại Phạm, ta nói pháp Ðốn giáo nầy, phổ nguyện chúng sanh trong Pháp giới, vừa nghe pháp rồi, đều liền thấy tánh thành Phật."
Lúc ấy Vi Thứ sử và các viên quan, chức sắc, cùng với các người đạo, tục, nghe Ðại sư nói pháp, cả thảy đều giác ngộ, đồng làm lễ một lượt mà khen rằng: "Hay thay! Nào dè ở xứ Lãnh Nam có Phật ra đời!"
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư lại nói:
–Tôi nay giải thuyết pháp môn đốn ngộ tại Chùa Ðại Phạm, tôi cũng phát nguyện, nguyện pháp giới chúng sanh, lúc giảng bài kệ tụng này, tất cả đều kiến tánh thành Phật.
Lúc đó Thứ sử Vi Cừ cùng với quan viên, đạo sĩ, cư sĩ nghe Lục Tổ Ðại sư nói bài tụng Vô Tướng xong, mọi người đều phản tỉnh khai ngộ, và đồng thời hướng về Lục Tổ Ðại sư đảnh lễ tạ pháp, hoan hỷ tán thán:
–Hay thay! Hay thay! Thật không ngờ xứ Lĩnh Nam quê mùa lại có Phật ra đời.
====
No comments:
Post a Comment