===
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=62806&ChannelID=89
Thứ Bảy, 08/01/2005, 13:00 (GMT+7)
Những người làm "khoa học kỳ lạ"
Giáo sư Lê Xuân Tú
TTCN - “Ngày xưa Galillée đã “điên” khi nói Trái đất tròn, nhưng bây giờ Trái đất tròn thật. Nếu nghiên cứu khoa học mà chỉ bảo thủ tin vào những gì đang có, đang giải thích rõ ràng được thì có lẽ 100 năm, thậm chí 1.000 năm sau, khoa học vẫn chỉ giậm chân tại chỗ”.
GS-TS Đào Vọng Đức - nguyên viện trưởng Viện Vật lý Hà Nội, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người - đã nói như thế về công việc của mình và đồng nghiệp. Phóng sự này phản ánh thực tế nỗ lực của họ, còn kết quả như thế nào thì như lời của chính họ đã nói: “Cứ dấn thân vào đi, rồi sự thật sẽ sáng tỏ”.
Căn phòng 107 nhỏ bé lọt thỏm trong khu nhà đồ sộ của Viện Vật lý ở số 10 Đào Tấn, Đống Đa, Hà Nội. Vật dụng đơn sơ với vài chiếc tủ hồ sơ, máy vi tính, bàn ghế cũ kỹ. Không gian quạnh quẽ, mốc thếch mùi thời gian, ít ai tin nổi đó lại là trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Một cơ quan thuộc Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật VN bao gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học và những người có khả năng khác thường chuyên đi tìm câu trả lời cho những việc mà... hiện nay chưa trả lời được.
Trồng lúa bằng...nhân điện
Trong hàng loạt đề tài “kỳ lạ” trung tâm này nghiên cứu, gần đây có một đề tài “Nghiên cứu tác động nông nghiệp đối với cây” mà nói rõ hơn là “trồng lúa bằng nhân điện” đã và đang được rất nhiều người chú ý. Chúng tôi tìm gặp GS-TSKH Lê Xuân Tú, trưởng bộ môn năng lượng sinh học của trung tâm, kiêm chủ nhiệm đề tài này, không khó. Hình như ông cũng muốn công việc “kỳ lạ” của mình và cộng sự được rõ ràng hơn trước lắm ý kiến khen, chê ngược xuôi.
“Đó là phương pháp trồng lúa mà chỉ bón phân, chăm sóc bằng ánh mắt”. GS-TSKH Tú ngồi đối diện chúng tôi với đôi mắt nhìn thẳng nghiêm túc sau tròng kính cận. Ông kể chương trình nghiên cứu này đã được thực hiện hơn hai năm tại các cánh đồng ở Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Khởi đầu phương pháp này cũng không hề khác truyền thống với giống má, thửa ruộng, đất đai, nước...
Điểm khác biệt chỉ là cách trồng lúa truyền thống phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, còn lúa trồng bằng năng lượng sinh học (nhân điện) thì hoàn toàn không cần trợ lực bởi các “ngoại vật” này. Hằng tuần, những người thực hiện (người có khả năng truyền năng lượng sinh học) sẽ đến nhìn lúa trên thửa ruộng đó khoảng 1-2 phút. “Tất cả chỉ có thế thôi, chẳng bí thuật, bí quyết gì cả. Nhưng không phải ai cũng làm được”. Ông Tú nhấn mạnh và cho biết đó là những người phải qua tập luyện đạt đến mức độ thu nhận, phát truyền được năng lượng sinh học của vũ trụ.
TS Lê Xuân Cuộc, Trung tâm nghiên cứu cây đặc sản (Bộ NN & PTNT) kiểm tra thành công của giống lúa Bắc thơm được nhóm nghiên cứu trồng (6-2004)
Theo ông, nhận thức cũng như thực hành về năng lượng sinh học ở VN còn ít nhiều tranh luận, nhưng trên thế giới nó đã tồn tại từ lâu. Đây là nguyên khí của vũ trụ có nhiều ảnh hưởng về sinh học lên sinh vật. Ở Ấn Độ, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc... đều có các trung tâm nghiên cứu, thực hành và bộ môn giảng dạy hẳn hoi. Nếu con người không có những dạng năng lượng sinh học khác nhau làm sao người ta đo được điện não đồ, tâm đồ...
Trở lại ứng dụng trong nông nghiệp, ông Tú cho biết cụ thể các ruộng lúa “bón bằng mắt” đã được thử nghiệm ở các địa phương Đan Thầm, Mỹ Hưng, Duyên Thái, Song Phượng, tỉnh Hà Tây; Châu Phong, Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc... Song song với các thửa ruộng trồng lúa bằng nhân điện, nhóm nghiên cứu cũng thuê luôn đất ruộng ở sát bên và trồng theo phương pháp truyền thống để so sánh. Kết quả là lúa “bón bằng mắt” vẫn lên xanh tốt như lúa trồng bón phân, xịt thuốc, năng suất đạt 5-6 tấn/ha. Nhưng cái hơn rõ ràng là lúa “năng lượng sinh học” cho ra thóc sạch, gạo sạch, lâu thiu, còn độ thơm dẻo thì như bình thường.
Trong quá trình trồng, người tò mò, chờ đợi kết quả nhiều, người phản bác cũng không ít. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn kiên trì công việc “lạ đời” của mình. Ngay từ đầu, họ đã mời các nhà khoa học nông nghiệp đến tham quan, kiểm tra tại ruộng. Sau thu hoạch, hạt gạo cũng được gửi đến Viện Công nghệ sau thu hoạch, Viện Cơ điện để phân tích cho kết quả tốt. Đặc biệt, Viện Thổ nhưỡng tham gia nghiên cứu cũng cho thấy đất trồng lúa “năng lượng sinh học” vẫn đảm bảo độ phì nhiêu như đất trồng lúa thường sau hai vụ “trồng chay” và thu hoạch.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi là đến nay có thể khẳng định kết quả đề tài như thế nào, GS-TSKH Tú cho biết một hội đồng khoa học sẽ nghiệm thu trong tháng 1-2005. Riêng ông khẳng định đã đi đúng đường và gặt hái kết quả tốt. “Đó là tiền túi, công sức của cả một tập thể. Ban đầu chỉ thử nghiệm trên 2m2, sau đó tăng 200m2, 900m2, rồi lên đến 20.000m2 sau bốn vụ...”.
Tâm sự với chúng tôi, ông Tú rất hi vọng vào kết quả cuối cùng được thừa nhận, khi ấy sẽ góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp quốc gia. “Phương pháp đơn giản. Vấn đề lớn nhất là con người thực hiện, và chúng tôi đang đào tạo những con người này. Nếu thành công, chắc chắn chúng tôi không chỉ áp dụng trên cây lúa”.
Tìm hài cốt liệt sĩ từ xa
Chuyện những người có khả năng ngoại cảm tìm kiếm, xác minh hài cốt thật sự đã rộ lên suốt hai thập niên qua ở VN với nhiều tên tuổi khắp Bắc - Trung - Nam. Kéo theo đó là hàng loạt người tin, hàng loạt cuộc tìm kiếm có kết quả cũng như... hàng loạt ý kiến phản bác. Ngay từ khi ra đời năm 1996, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm mà họ phải lý giải trên cơ sở khoa học và các chứng minh thực nghiệm.
Giáo sư Đào Đức Vọng
Nó thuộc bộ môn nghiên cứu cận tâm lý do tiến sĩ - thiếu tướng Nguyễn Chu Phác làm chủ nhiệm. Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn cùng các cộng sự Dương Mạnh Hùng, Phan Thị Bích Hằng, Lê Khắc Bảy, Thẩm Thúy Hoàn... lặn lội khắp đất nước để thực nghiệm và tìm hiểu sự thật trong một loạt đề tài TK05, TK06, TK07...
Trong nhóm họ, Dương Mạnh Hùng là lương y ở Hà Nội. Năm 20 tuổi, anh chết sau một trận sốt cao và đã được tẩm liệm (gia đình anh còn lưu giữ các bức ảnh này). Ông bác ở quê ra trễ nên lật tờ giấy bản trên mặt cháu để được nhìn lần cuối cùng. Bỗng thấy tờ giấy lay động, ông gọi người nhà nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu.
Sau lần thoát chết ấy, anh Hùng tiếp tục học nghề thuốc và đi chữa bệnh. Một lần, trong lúc bắt mạch người bệnh, trong đầu anh tự nhiên như hiện lên cả một đoạn phim về gia đình bệnh nhân cả người còn sống lẫn người đã mất. Trong đầu thấy gì, miệng anh cứ thốt lên như thế, người bệnh ngạc nhiên đến hốt hoảng, còn anh cũng thấy sợ chính mình. Sau đó anh liên tục phát xuất khả năng này mỗi khi bắt mạch thái tố cho bệnh nhân... Riêng Thẩm Thúy Hoàn mới sinh năm 1977 nhưng cũng có khả năng nhìn thấy những điều người khác không thể thấy được như anh Hùng ngay từ năm cô mới... 11 tuổi.
Trong quá trình đi tìm kiếm hài cốt, họ thường phối hợp với nhau, thậm chí mời thêm cả các cộng tác viên như nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Văn Nhã cùng tham gia từ xa để kiểm chứng mức độ chính xác. Đây cũng là điểm khác biệt với những người đi tìm hài cốt riêng lẻ để có thể đối chiếu, so sánh, tổng kết các kết quả khoa học. Có đề tài họ đi tìm người đã mất theo nguyện vọng của người còn sống. Nhưng có đề tài họ “thấy và nghe được” người chết vô danh để tìm kiếm thân nhân còn sống.
Ở nghĩa trang Mường Thanh, nhóm nghiên cứu (gồm tướng Nguyễn Chu Phác, Hàn Thụy Vũ, nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Khắc Bảy) sau khi đọc điếu văn và làm lễ tạ ơn các liệt sĩ, đã chia thành hai tốp xuống các ngôi mộ vô danh. Ở một ngôi mộ, anh Hùng bỗng “thấy và nghe” một người nói: “Tôi là liệt sĩ La Đình Hưởng, quê ở Bắc Cạn, năm 1952 hi sinh ở đường 6, trận Pheo, Hòa Bình. Tôi có bạn thân tên Nguyễn Nguyên Huân, học viên khóa 4, Trường lục quân Trần Quốc Tuấn, hiện vẫn còn sống ở số nhà 66 Triệu Việt Vương...”.
Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người được thành lập theo giấy phép số 572 ngày 9-3-1996 của Bộ Khoa học - công nghệ & môi trường. Các bộ môn nghiên cứu chính của trung tâm là cận tâm lý do tiến sĩ - thiếu tướng Nguyễn Chu Phác làm chủ nhiệm; năng lượng sinh học do GS-TSKH Lê Xuân Tú làm chủ nhiệm; dự báo và thông tin tư liệu do nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải làm chủ nhiệm; cảm xạ học do lương y Nguyễn Hồng Quang làm chủ nhiệm...
Sau đó, anh Hùng về Hà Nội xác minh và gặp đúng ông Huân xác nhận có bạn là liệt sĩ La Đình Hưởng. Ngoài ra, anh Hùng còn “thấy và nghe” được một liệt sĩ khác tự xưng tên là Trần Văn Chính, nhắn lời hỏi thăm đồng đội Trần Thọ Vệ hiện còn sống ở thôn Phú Điền, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Sau này khi nghe anh Hùng chuyển lời hỏi thăm, ông Vệ đã khóc và cho biết liệt sĩ Chính cùng quê với ông. Cả hai là dân công hỏa tuyến...
Trao đổi với chúng tôi, GS-TS Đào Vọng Đức cho biết các nhà ngoại cảm thành viên hoặc cộng tác viên của trung tâm có nhiều đặc điểm khác nhau. Người thì “thấy” khi bắt mạch cho người bệnh. Người thì “thấy” khi đến tận nơi, thậm chí nhiều người còn “thấy” ở cách xa khi có người nhà thật tâm nhờ tìm kiếm. Khả năng này lúc mạnh, lúc yếu, thậm chí có lúc “mất sóng” hoàn toàn, nhưng mỗi người trong họ đều đã tìm kiếm thành công ít nhất hàng trăm trường hợp. Trong đó có nhiều liệt sĩ vô danh tập trung ở các nghĩa trang liệt sĩ lớn như Mai Dịch, Đông Kim Ngưu (Hà Nội), Kim Tân (Thanh Hóa), Phú Long (Ninh Bình)...
Tuy nhiên, những trường hợp được đưa vào đề tài nghiên cứu đều phải qua kiểm chứng, xác minh, phản biện rất kỹ, bởi nội dung chính của đề tài là “nghiên cứu độ tin cậy về khả năng tìm mộ của các nhà ngoại cảm”. Ngoài việc đã tìm kiếm được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ và nhân dân, các nhà ngoại cảm của trung tâm còn tham gia giúp đỡ tìm kiếm những người mất tích, chữa cai nghiện ma túy...
Vĩ Thanh
“Bởi chúng tôi đang cố gắng lý giải những vấn đề mà khoa học hiện nay chưa có khả năng trả lời cụ thể, nên ai muốn nói đúng cũng được, nói sai cũng được. Nhưng đến giờ chúng tôi có thể khẳng định là hoàn toàn thanh thản với những gì mình đã làm...”.
GS-TS Đức nhẹ nhàng tâm sự với chúng tôi và cho biết nguyên tắc hàng đầu của trung tâm là phi lợi nhuận không ai có lương từ đây. Ông không khẳng định tất cả những gì mình và đồng nghiệp làm là đúng hoặc tương lai sẽ hoàn toàn đúng, “nhưng những nhà khoa học chúng tôi cảm thấy sẽ có lỗi với thế hệ sau nếu không làm...”.
Qua phóng sự này, chúng tôi chỉ muốn kể về những con người đang “đốt đuốc lao vào đêm tối”. Họ có thể tìm được con đường đi tới ánh sáng hay họ có thể vấp ngã, nhưng ít ra họ đã dám dũng cảm đốt đuốc để dấn bước...
QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
====
No comments:
Post a Comment