===
Đối với người cộng sản chính thống thì Stalin là Lãnh tụ lớn cần phải có cũng như phải có Đảng và có Đảng là phải có thanh trừng. Tối đại đa số cán bộ Đảng cao cấp cho đến khi bản thân bị bắt đều không ngần ngại, bắt chính những đồng chí một thời từng sát cánh tranh đấu bên nhau. Có thể nói tất cả những lãnh tụ Bôn-sê-vích to đầu, nạn nhân của thanh toán, ít ra cũng chẳng muốn dung tha mấy người anh em Bôn-sê-vích khác và sẵn sàng quên mới ngày nào đây bọn họ cùng chung lưng đấu cật để tiêu diệt những thành phần không cộng. Có lẽ cần phải có một đợt thanh trừng 1937 để cho thấy mớ ý thức hệ mà họ từng quảng cáo ầm ĩ thực sự chẳng ra gì, nếu chẳng phải phá nát từ nền móng nước Nga lật ngược cả nếp sống của người Nga và chà đạp lên tất cả những gì người Nga thiêng liêng nhất. Họ đã làm hỏng cả một nước Nga hơn chính những người mà họ triệt hạ suốt từ 1918 đến 1946. Những người Bôn-sê-vích "lâm nạn" còn bỉ ổi, hèn hạ quá nhiều so với những người từng là nạn nhân của họ.
Giờ đây giở lại chồng hồ sơ những vụ câu lưu, những phiên toà từ 1936 tới 1938 nghiên cứu kỹ từng chi tiết thì những nhân vật mà chúng ta kinh tởm nhất chẳng phải Stalin và bè lũ bộ hạ mà chính là những kẻ bị thanh trừng nhục nhã. Chúng ta buồn mửa vì sự sa đoạ hèn hạ của họ và không ngờ những con người có một quá khứ hào hùng, oanh liệt mà chừng "xuống chân" có thể khuất tất tới mức đó.
Nhưng còn biết nói gì khi con người đánh vẫn biết đau, còn cả gia đình vợ con để quyến luyến và bị "chiếu cố" đúng vào lúc bất ngờ nhất? Để đối phó với cả một bộ máy được dựng lên để đè bẹp con người thì làm cách nào để kiên định lập trường?
Con người vững nhất ở Phòng Thẩm vấn là con người hết thắc mắc, thẳng tay gạt bỏ hẳn quá khứ để chân vừa đặt lên ngưỡng cửa ngục tù là lòng phải nhủ lòng: "Đời ta vậy là hết, chết có hơi non thật nhưng có làm gì được đâu? Tự do mất hẳn, trước sau cũng đến chết mà càng kéo dài càng đau khổ thì thà chết sớm chết ngay. Tài sản liệng đi, gia đình coi như chết hết cũng như đối với họ, ta là kẻ chết rồi. Xác thân này vô dụng, chẳng phải của ta nữa rồi. Có còn chăng chút đỉnh tinh thần và lương tâm con người, có vậy thôi".
Đụng týp người dứt khoát này điều tra thẩm vấn chẳng có nghĩa gì. Chỉ có người dám vứt hết mới thắng nổi. Có điều dễ dầu gì tự biến mình thành gỗ, thành đá?
Hãy nhìn lại gương Berdyayev. Cơ quan vồ hết bọn người thân cận, nhất định bắt họ làm bù nhìn để sửa soạn xách cổ Berdyayev ra toà xử công khai, câu lưu 2 lần và năm 1922 bị đích thân Dzerzhinsky thẩm cung đêm, có sự hiện diện của Kamenev nữa. Nhưng Berdyayev vẫn trơ như đá vững như đồng. Không xin xỏ, không kể lể. Rất điềm tĩnh, vững vàng như ông ta đã vạch rõ những nguyên tắc tinh thần và tôn giáo mà căn cứ vào đó không thể chấp nhận chế độ chính trị vừa thành lập ở Nga. Vì lập trường sắt đá đó, Cơ quan đành phải nhìn nhận sự thực: con người này không thể mang ra Toà xử nổi. Do đó trả lại sự tự do.
Còn tấm gương khiêm nhượng của bà già "hàng xóm" của Stolyarova trong lao Byturki năm 1937. Đêm nào bà ta chẳng bị xách lên lấy cung? Hai năm trước có một tên trước là linh mục dòng Chính thống giáo vượt ngục Cải tạo đi trốn lánh, ghé ngang Mạc Tư Khoa mụ có chấp chứa một đêm phải không?
"Đúng vậy. Không phải trước mà là bây giờ vẫn còn là linh mục. Tiếp đón người là một vinh dự, dù chỉ một đêm."
"Được. Rời Mạc Tư Khoa hắn đi đâu, mụ biết không?"
"Biết chớ. Nhưng đừng hỏi mất công. Tôi không chỉ (vị chức sắc Chính thống giáo này được một số tín đồ tiếp tay nhau đưa vượt biên giới sang Phần Lan)".
Mới đầu các thẩm vấn viên thay phiên nhau lấy cung bà già. Sau đó từng nhóm bu lại "quay". Dậm doạ, nồ nạt, giơ tay toan đấm bể mặt, nhưng bà già vẫn tỉnh táo:
"Đừng mất công giở trò vô ích ấy với tôi. Cứ thử xắt tôi ra từng mảnh nhỏ coi nào. Tôi biết mấy người làm bộ hung hăng vậy chỉ vì sợ: Mấy người sợ cấp trên, sợ lẫn nhau và sợ cả giết tôi nữa. (Theo lập trường thẩm vấn viên thì giết chết bà già này còn gì là manh mối để dò ra hệ thống đưa người vượt biên). Nhưng nói thực có cái gì làm tôi sợ đâu. Tôi lấy làm sung sướng được chết, được Chúa phán xét ngay từ giây phút này mà".
Năm 1937 không thiếu gì những người gan lì, vững vàng như trên. Đó là những người gọi lấy cung như không trở về xà lim để nhận lại mấy manh quần áo rách. Đó là những người quyết định chọn cái chết, nhất định chết chớ không chịu khai để bất cứ ai bị vạ lây.
Trong lịch sử Cách mạng Nga không có mấy những tấm gương kiên định lập trường như trên. Tuy nhiên vấn đề so sánh hơn kém chẳng thể đặt ra xét vì thời đó những nhà Cách mạng của chúng ta đâu được biết điều tra, thẩm vấn hiệu nghiệm cỡ nào. Ít ra cũng 52 đòn.
Vả lại thời đó Radischhev có bị câu lưu nhưng Sheshkovsky đâu có tra tấn "kẻ phản nghịch". Dù bố có làm gì chăng nữa thì với nếp nhà, đám con trai của Radischhev cũng cứ được huấn luyện để trở thành sĩ quan Ngự lâm quân, chớ đâu phải chiến đấu. Tài sản cơ nghiệp của ông ta cũng chẳng bị ai tịch thu. Nhưng chỉ sau 2 tuần giam cứu, Radischhev cũng đã chối bỏ hết tư tưởng, sách vở.
Tháng 12 năm 1825 nhóm sĩ quan đảo chánh toan truất phế Hoàng đế Nicolas đệ nhất thiệt. Họ thất bại vì bị tống giam hết nhưng họ đâu có bị tra tấn trả thù cho đến chết và vợ con họ đâu có bị đánh đập ở phòng kế bên để những tiếng thét kinh hoàng phải lọt đến tai những ông chồng phản loạn. Thời đó không cần phải vậy, vì theo sử liệu ngay Ryleyev cũng "trả lời đầy đủ, thành thực, không giấu giếm tí gì". Chính người soạn thảo ra tuyên ngôn chung của nhóm mệnh danh bản Sự thực của nước Nga (Russkaya Pravda) là Pestel cũng còn mất tinh thần, khai hết số đồng chí (còn trốn tránh) phụ trách đi chôn giấu, thủ tiêu những bản tuyên ngôn cũng như chỗ chôn kia mà [1] .
Thời đó có mấy người ngang tàng như Lunin, dám coi thường và chống đối Ủy ban Điều tra? Phần đông có phản ứng vụng về, tự trói buộc mình thêm, trong khi nhiều ông chỉ xin được Hoàng đế tha tội. Đồng chí với nhau mà Zavalishin còn trút hết đủ mọi thứ tội lên đầu Ryleyev kia mà. Trong khi đó Griboyedov còn bị 2 ông bạn Obolensky và Trubetskoi đua nhau vẻ vạch, tố cáo quá nhiều thứ tội mà ngay chính Hoàng đế Nicolas cũng tin không nổi!
Cũng theo sử liệu mà lại do đích thân đương sự tự thú thì Bakunin đã quỳ trước mặt Hoàng đế xin tha tội, do đó khỏi phải rụng đầu. Như thế đó thì gọi là tinh thần đốn mạt hay chiến thuật cách mạng?
Còn vụ nào quan trọng, do những liệt sĩ chủ trương cho bằng vụ ám sát Hoàng đế Alexander Đệ nhị? Họ phải biết dính vào vụ này là đời phải kể bỏ chớ? Cùng "đi" một lúc với ông vua nước Nga là liệt sĩ Grinyevitsky nhưng Rysakov còn sống nhăn. Bị bắt thì phải thẩm cung nhưng ngay trong ngày đầu tiên ông "liệt sĩ" này đã không ngần ngại phun bằng hết số người tham dự và còn cẩn thận chỉ tận nơi trú ẩn bí mật của họ. Sợ chết quá trẻ, Rysakov đã tự thú và tự lãnh nhiều sứ mạng mà chính nhà nước cũng không ngờ đến. Người tự nhận nhiều lúc muốn nghẹt thở vì hối hận và để chuộc lỗi "cam đoan vạch rõ từng chi tiết tất cả bí mật của phe Vô quân Vô pháp" (Anarchists).
Có chi tiết này đáng chú ý: hồi cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX dưới chế độ Nga hoàng, các thẩm vấn viên còn có lệ rút lại câu hỏi ngay tức khắc nếu bị can cho là không liên quan với hiện vụ hoặc quá tò mò, đi sâu vào đời tư. Nhân danh một người từng nếm mùi điều tra của Mật vụ Bảo hoàng và đến năm 1938 lại bị giam cứu ở lao Kresty, nhà lão thành Zelensky phải la trời: "Ối trời, họ làm ghê quá! Hồi Mật vụ Bảo hoàng bắt tôi, các thẩm vấn viên đâu nỡ nặng lời. Thế mà bây giờ".
Bây giờ thẩm vấn viên NKVD trừng trị ông già tóc bạc bằng cách lột quần lấy roi đét đít như một đứa con nít nhỏ làm Zelensky phải ôm mặt khóc thầm trong xà lim.
Theo sử liệu của Peresvetov đăng trên Novy Mir số 4 năm 1962 thì có lần Mật vụ của Nga hoàng bắt giữ một sinh viên tên Vaneyev mang trong người một bản viết tay của Lênin tựa đề Mấy ông Bộ trưởng của chúng ta nghĩ sao. Đương sự nhìn nhận có người mang tới nhà thờ giữ giùm nhưng không muốn tiết lộ người đó là ai. Mật vụ không còn cách nào hơn là nhờ các chuyên viên so tự dạng để truy ra thủ phạm… nhưng rồi cũng vô hiệu.
(Không còn cách nào hơn thì phải hiểu là khỏi có những mục ngâm chân nước đá, đổ nước muối vô họng hay dùi cui đập gân bàn toạ mốt Ryumin.)
Chính Peresvetov cũng từng ở Trại Cải tạo, từng nếm mùi thẩm vấn thì hắn phải hiểu nếu Vaneyev lọt tay NKVD thì chắc chắn cậu sinh viên sẽ có dịp nếm nhiều ngón đòn để không còn cách nào hơn là cung khai ngay tất cả tài liệu Mấy ông Bộ trưởng của chúng ta nghĩ sao là ai!
Nhưng thôi, đặt vấn đề so sánh làm chi khi mỗi thời mỗi khác. Nếu một bác phu xe bò của thời Gogol không thể tưởng tượng nổi tốc lực siêu thanh của phản lực cơ thì dĩ nhiên những kẻ chưa từng húc đầu vào bộ máy nghiền thịt của các Trại Cải tạo làm sao hiểu nổi ý nghĩa đích thực của 2 chữ điều tra cũng như khả năng vô tận của kỹ thuật thẩm vấn!
Tờ Izvestiya ngày 24 tháng 4 năm 1959 có nêu gương anh dũng của nữ đồng chí Yulipa Rumyantseva, hai vợ chồng cùng nằm cát-xô trong trại giam Quốc xã. Chồng vượt ngục, vợ bị lôi ra điều tra để phăng ra manh mối, Yulipa biết nhưng nhất định không cung khai. Đó là tấm gương can đảm chói lọi, nhưng với những người không hiểu chuyện mà thôi! Với những người từng nếm đòn thẩm vấn NKVD, đấy chỉ là biểu hiện của một kỹ thuật điều tra chưa tới, Yulipa đâu có chết vì đòn tra tấn. Đâu có phát điên. Cỡ một tháng sau còn được trả tự do, mạnh khoẻ là khác!
*
Xin thú nhận ngay là cho đến tháng 2 năm 1945 tôi vẫn chưa có ý niệm gì về vụ bị điều tra, thẩm vấn cứ lì lợm, kiên quyết là chắc ăn. Không những còn lưu luyến dứt không ra với cuộc đời tự do vừa mất, tôi còn ngây ngô đến độ cứ bực bội mãi vì đã bị bắt mà còn lại "bắt" luôn khoảng một trăm cây viết chì Faber! Nằm trong trại Cải tạo nhớ lại hồi bị thẩm vấn tôi đâm ngượng cho mình quá mềm lòng quá vụng về dại dột. Đáng lẽ tôi phải chì hơn, nếu trong mấy tuần lễ đầu óc tôi không xáo trộn kịch liệt và tinh thần sa sút nặng. Điểm duy nhất mà tôi không lấy làm kiêu hãnh thì cũng không đến nỗi phải hối hận vì nhờ ơn Trời tôi không khai bậy để đến nỗi một người khác bị bắt oan. Chỉ chút xíu nữa thôi!
Số là mang tiếng sĩ quan chiến đấu ở tuyến đầu thật nhưng Nicolai V. và tôi quả thực bị vô tù chỉ vì một nguyên do tối ngu ngốc và trẻ con. Mỗi đứa đóng một nơi, thư từ viết qua lại đều đều chúng tôi còn lạ gì thời chiến chế độ kiểm duyệt thư từ vô cùng ngặt nghèo. Ấy vậy mà có uất ức, bực bội gì cứ xổ bừa ra giấy, khỏi che đậy quanh co. Phê bình, chỉ trích là thường. Dám đả động đến cả Lãnh tụ Vĩ đại dĩ nhiên bằng những ám chỉ, móc mói… Nào ông lớn muôn năm, nào tổ sư ăn cướp!
Trong các trại Cải tạo mỗi lần mang chuyện cũ ra kể anh em đều ngạc nhiên cười rũ. Nhiều người cả quyết ngu ngốc một cách ngây thơ như vậy quả là có một không hai. Chính tôi cũng tin nữa chớ. Nào ngờ có dịp đọc qua mớ tài liệu về vụ Alekxandr Ulyanov, anh ruột của Lênin mới hay chính người và các bạn đồng chí cũng bị vồ trong trường hợp in hệt. Nghĩa là cũng trao đổi thư từ khơi khơi và ngu ngốc như chúng tôi. Trớ trêu nhất là chỉ có thể vì vậy mà Hoàng đế Alexender Đệ tam thoát chết ngày 1 tháng 3 năm 1887! [2]
Người phụ trách lấy cung tôi là thẩm vấn viên Yezepov. Văn phòng trần cao, rộng rãi sáng sủa và khung cửa sổ đồ sộ (trụ sở cửa Công ty Bảo kê mà). Phải có một căn phòng cỡ đó mới chứa nổi tấm hình vĩ đại của Lãnh tụ vĩ đại, một tấm hình chiều cao không dưới 5 mét, chiều ngang cỡ 4 mét. Đứng bên cạnh chân dung người tôi chỉ là một hạt cát, vậy mà dám phạm thượng! Lâu lâu thẩm vấn viên Yezepov còn đứng trước chân dung Lãnh tụ hét lên rằng: "Chúng ta sẵn sàng vì người mà hy sinh. Chúng tôi sẵn sàng vì người mà nằm ra chặn đường xe tăng giặc". Tấm chân dung người đồ sộ đến nỗi thốt nhiên tôi có cảm giác những giáo điều Lênin chân chính mà tôi vẫn nhai nhải lâu nay là cả một sự đáng thương và dám xúc phạm tới người thì tội tôi đành phải là tội chết.
Đúng tiêu chuẩn đang áp dụng thì chỉ cần đưa mấy lá thư ra buộc tội là chúng tôi đi tù chắc. Ông thẩm vấn viên không cần điều đó khăng khăng "nhận diện" những ai viết thư cho tôi và tôi gởi thư cho ai [3] . Bọn trẻ chúng tôi viết thư cho nhau là thường quá và không mấy khi không bất mãn, chửi đời. Biết thư từ bị kiểm duyệt cũng thiếu gì cách xiên xỏ. Đó là lý do ông thẩm vấn viên cứ thế vặn hỏi: nếu gặp gỡ nhau thì tụi tôi thảo luận những gì, bộc lộ những gì và bộc lộ tư tưởng còn phản động tới đâu?
Dĩ nhiên bọn trẻ chúng tôi chỉ "thảo luận" bằng thơ với nhau cũng quá đủ, có cần gì phải hội họp? Phải thuyết phục, tránh né và chịu nhận một số lỗi lầm của tuổi trẻ thì ông thẩm vấn viên mới chịu buông tha để xoay qua câu hỏi khác.
Chiến thuật ruột của tôi đối diện ông thẩm vấn viên Yezepov là bắt buộc phải thòi ra một phần sự thực, nhìn nhận có thảo luận chính trị gay cấn lắm nhưng phải lo né tránh, chớ có đụng tới Hình luật. Tất cả phải tuôn ra một hơi đều đặn, không ấp úng cho phù hợp với tội trạng ngây thơ, ngờ nghệch và cốt yếu nhất là để ông thẩm vấn viên đầy kinh nghiệm và làm biếng chớ có sục sạo, chúi mũi vào đống tài liệu trong chiếc cạc-táp mà tôi xách kè kè từ mặt trận miền Tây về.
Đáng kể nhất là tập Nhật ký Chiến trường viết bút chì, nét nhỏ li ti chữ còn chữ mất. Tôi tập tọng vô nghề viết văn mà. Biết bao nhiêu chuyện xảy ra, gặp gỡ hàng ngày, đầu óc nào nhớ cho hết nên tôi ghi đại vô sổ tay! Có những chuyện rất tầm thường, không nghĩa lý gì ở ngoài chiến trường nhưng ở hậu phương lại là những đề tài phản động, đáng tống vô tù hết. Kẹt nhất là những mẩu chuyện tôi viết nhưng do đám bạn bè kể lạI, nếu ông Yezepov cứ thắc mắc đào bới mãi ắt sẽ không thiếu gì những thằng từ mặt trận miền Tây được đưa gấp vô trại Cải tạo! Mình tôi đành phải nhận hết, nhận tư tưởng lệch lạc, nhờ ông thẩm vấn chỉ điểm mới thấy và giác ngộ. Công việc đóng kịch vô cùng mệt mỏi, tôi cứ như người "đi trên lưỡi dao cạo" vậy.
Cho đến lúc không thấy thằng nào bị xách cổ vô đối chứng tôi mới yên chí mình không gây hoạ cho ai và như vậy là hồ sơ sắp kết thúc đến nơi. Đó là tháng Tư nằm trong Lubyanka và tôi vô cùng đau khổ khi được biết bao nhiêu giấy tờ, bản thảo – cả một công trình sáng tác và ghi chép của tôi – đều bị thảy vô lò thiêu hồ sơ của nhà lao. Tập Nhật ký Chiến trường lại đóng góp thêm một mồi lửa, một thiên chuyện mới của văn học Nga hiện đại được hoả thiêu để mớ tro tàn theo ống khói cao nghệu bay lên, nhả ra khắp bốn phương những đàn bươm bướm đen phất phới.
Bọn chúng tôi không lạ gì chiếc ống khói sừng sững trên lầu 6 mỗi lần được đi men theo vách tường cao đúng 3 đầu người vây quanh Lubyanka. Tai chúng tôi nghe lọt từng tiếng còi xe ngoài đời vọng vô nhưng tầm mắt bị giới hạn bởi ống khói lò thiêu, bởi vọng gác lầu 7 và bởi một mảnh trời đầy đoạ lãng đãng trôi ngang nhà lao.
Tàn tro than đâu mà nhiều thế? Chúng bay đen ngòm suốt một tháng Năm, tháng Năm đầu tiên của những ngày hoà bình trở lại. Điệu này bao nhiêu hồ sơ lưu trữ đã bao nhiêu năm của Lubyanka được hoả thiêu bằng hết chắc? Tập Nhật ký Chiến trường của tôi bất quá chỉ là hạt tro, hạt bụi! Tôi chợt nhớ lại vào một buổi sáng giá lạnh, buổi sáng tháng Ba ngồi trong văn phòng thẩm vấn để cung khai cho ông Yezepov lập hồ sơ, nghĩa là khai một đằng chép một nẻo. Ánh nắng vàng hắt vô, rọi tan lớp sương bám ngoài ô cửa sổ. Khuôn cửa sổ rộng thênh thang mà nhiều lúc tôi đã tính đâm đầu ra để thân xác được dịp "du hành chớp nhoáng" Mạc Tư Khoa, rớt từ lầu 5 xuống lề đường. Như hồi còn thơ ấu ở Rostov thấy ông phạm nhân nhảy từ lầu nhà lao 33 vậy.
Qua những "lổ hổng" của lớp sương đang tan trên khuôn cửa kính, những mái nhà Mạc Tư Khoa hiện ra mái thấp mái cao, bên trên lững lờ mấy cụm khói ấm. Tôi hướng về phía đó thật nhưng những hình ảnh hiện ra trong đầu óc lại là lớp lớp tài liệu, giấy tờ nằm chất đống cao như núi. Đúng, một núi giấy tờ nằm lù lù giữa căn phòng trơ trọi 36 mét vuông, giấy cũ giấy mới lẫn lộn chất bừa vào đó, chưa xem xét vội. Nào sổ tay, nào tập vở kẹp giấy vụng về, nào từng xấp có buộc dây, không buộc dây và những tờ rời la liệt. Đó "tinh hoa tư tưởng con người" dồn lại, đánh đống vùi sâu trong đó! Cao hơn buya-rô, che khuất ông thẩm vấn viên luôn.
Trong tôi bỗng nảy sinh một lòng thương kỳ lạ, thương cho một thằng nào đó đồng cảnh ngộ. Vừa bị đêm qua, bao nhiêu "tác phẩm" tịch thu hết mang về đây chất đống trong phòng Thẩm vấn, đặt dưới chân dung khổng lồ của Lãnh tụ vĩ đại. Nó là ai, những đứa con tinh thần của nó nói lên điều gì mà đến nỗi phải vô đây chịu tra tấn, chặt chân chặt tay rồi rốt cuộc cũng đến hoả thiêu hết.
Chao ôi, bao nhiêu tư tưởng, công trình cả một thời đại văn hoá có khi đành chịu đoạ đày trong lò lửa Lubyanka. Tàn than bay lên, bay cao lên… Niềm đau đớn nhất trong tôi là chắc chắn rồi đây bọn đàn em, con cháu chúng tôi lớn lên đâu chịu hiểu cho mà cứ tưởng cha anh chúng là một bầy ngu ngốc, câm nín đến không nói lên được một điều gì.
*
Năm 1920 Ilya Eheenburg được Cheka mời tới để nghe một câu: "Bây giờ anh làm sao chúng tôi tin là anh không chạy theo Wrangel đi". Ba mươi năm sau, năm 1950 đại tá Zheleznov (một trong những ông đại tá cừ khôi nhất của KGB) bảo thẳng những thằng bị bắt vô An ninh Quân đội: "Chúng tôi đâu cần mất công chứng minh cho can phạm thấy họ có tội? Chính họ phải làm sao cho chúng tôi tin họ không nuôi dưỡng tư tưởng phản động".
Ba mươi năm, hai điểm trùng hợp. Chỉ cần vạch một cái là có ngay một đường thẳng. Vô cùng giản dị nhưng cũng là con đường máu của bao nhiêu triệu con người.
Điều tra, thẩm vấn mà không cần chứng minh, lại buộc nạn nhân phải làm sao cho tin được thì quả là tối giản dị, tối cấp tốc xưa nay nhân loại chưa hề có! Khỏi cần bằng cớ mất công. Cơ quan còn tước bỏ của một thằng vừa bị mất tự do nhiều thứ quá. Không được mang theo người chút gì, cấm thư từ điện thoại nhắn tin. Cấm ngủ, cấm ăn, giấy bút không được xài, khuy nút không được cài, nạn nhân chỉ được quyền run rẩy, chơ vơ ngồi một mình trên chiếc ghế đẩu, đối diện ông thẩm vấn để cố đào bới óc chứng minh cho vị đại diện Cơ quan tin được là không hề nuôi dưỡng tư tưởng phản động. Nếu không tự tìm được bằng cớ (mà biết tìm ở đâu ra?) thì đành phải tưởng tượng đại ra một cái gì có thể làm bằng cớ được để tự buộc tội vậy).
Có ông già lụm cụm mỏi miệng chứng minh "Tôi vô tội" có bị quân Đức tống vô trại giam thật, nhưng nhất định không phản bội Tổ quốc. Không hề nuôi dưỡng ý tưởng đó! Ông thẩm vấn viên khổng lồ đâu chịu tin. Đành chịu tù vậy! Không tội cũng tù, bằng không tôi đâu có hân hạnh gặp ông cụ trong lao Byturky. Vấn đề là phải tìm ra một bằng cớ buộc tội nên thêm một ông thẩm vấn viên nữa tới tiếp sức. Hai ông bèn "quay" cụ già suốt một đêm bằng cách cả ba cùng ngồi lì! Nhưng sau đó hồ sơ được kết thúc bởi một ông thứ ba xuất hiện trên ghế thẩm vấn để hai ông trước biến thành hai nhân chứng đồng thanh xác nhận trong cuộc đàm đạo đêm vừa qua (đừng quên cụ già nhịn đói và bị cấm ngủ) chính ông già đã có những tư tưởng, luận điệu rặt mùi phản động. Vậy là 10 năm đi đày về tội tuyên truyền xách động chống nhà nước Xô Viết.
"Công tác" giản dị vậy, nên thẩm vấn viên đâu cần vận dụng kỹ thuật thẩm cung để phăng ra sự thực. Gặp ca rắc rối, cứng đầu thì họ kể như tập luyện làm đao phủ thủ mà gặp ca dễ dàng thì hiển nhiên ngồi chơi không lãnh lương nhà nước. Thiếu gì ca điều tra vô cùng dễ dàng, dù trong năm dữ 1937.
Như Boredko bị cáo tội 16 năm về trước lén sang Balan thăm bố mẹ không giấy thông hành. Khốn nạn, gọi là hai nước chớ cách nhau có 10 cây số, mà mãi năm 1921 Nga mới trích một phần đất cho sáp nhập vào Balan, vụ đó chỉ mấy ông ngoại giao biết với nhau chớ dân hai nước vẫn cứ tưởng một, đi lại lu bù mà. Những vi phạm luật lệ thì Borodko phải bị truy tố. Có điều cuộc thẩm cung quá dễ:
"Có vượt biên giới lậu sang Balan không?"
"Có."
"Bằng cái gì?"
"Đi ngựa. Như mọi người…"
"Vậy hả? Vậy thì 10 năm, chiếu Sắc luật KRD (tức tội có hoạt động phản cách mạng)."
Điều đau khổ là có phải những cuộc thẩm vấn cứ tiến hành mau lẹ, giản dị vậy đâu. Thẩm vấn viên NKVD đâu phải nông dân làm tập thể. Người có thẩm quyền kéo dài, dù Bộ Hình sự Tố tụng đã ấn định thời gian điều tra là 2 tháng. Nếu cần thì cứ xin triển hạn 1 tháng, bao nhiêu lần không được. Do đó tội gì phí sức, hao tổn tinh thần và tư cách, hiểu theo nghĩa Vyshinsky? Tuần lễ đầu sử dụng miệng và chân tay tối đa cũng thấm mệt lắm! Rút cuộc thông lệ của thẩm vấn viên Cơ quan là chớ có kết thúc hồ sơ trước hai tháng, nhất là những hồ sơ chính trị. Càng kéo dài càng đỡ phải nhận đồ mới, càng làm ra vẻ công tác khó khăn, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn.
Dĩ nhiên Cơ quan biết điều đó. Đồng ý muốn làm thẩm vấn viên phải qua một thử thách chọc lọc gay go nhưng vẫn chẳng thể tin nổi. Đi về vẫn bắt buộc phải ký phiếu công tác, tất cả các phiên thẩm vấn đều phải vô sổ rõ ràng, điều tra từ mấy giờ tới mấy giờ. Nhưng thực tế ai cấm nổi ông thẩm vấn cho lệnh xách cổ thằng tù từ xà lim lên, nạt nộ phủ đầu rồi chỉ cho một chỗ bắt ngồi im để đọc sách báo, chép tài liệu học tập hay viết thư riêng. Thẩm vấn viên còn có quyền sang phòng bên tán gẫu với bồ bịch, giao tù lại cho lính canh hay ngồi bật ngửa trên đi-văng tiếp chuyện đồng nghiệp, nhưng không quên lâu lâu quay sang nạn nhân trợn mắt la lối!
"Mày đúng phản động. Mày sặc sụa mùi phản động. Không khai cho mau là có chầu lãnh 9 gam chì!"
Riêng ông thẩm vấn viên của tôi còn khoái xài điện thoại. Có lần hắn nhấc điện thoại gọi về nhà, dặn vợ bữa nay kẹt làm đêm sáng mai xong công tác mới được về, đừng chờ. Rõ ràng mắt hắn nhìn tôi sáng rỡ. Dĩ nhiên tim tôi nhảy loạn và đã lo ngại tối nay bị "công tác" là khổ với ông thẩm vấn viên. Bị hành hạ suốt đêm chắc! Bỗng nhiên ông thẩm vấn viên quay số mới và giọng nghe ngọt ngào quá: thì ra người có hẹn với mèo đêm nay. Tôi thở phào, đỡ khổ. Ít ra cũng được ngủ đêm nay!
Nguyên tắc thì cứng rắn nhưng thực tế một cuộc điều tra có thể hủ hoá như vậy đó. Tôi được biết có nhiều ông trong những phiên lấy cung bình thường (nghĩa là kéo dài ra cho có) đã thản nhiên nếu nhiều câu hỏi chẳng liên quan gì đến hồ sơ mà rõ ràng nhằm mở rộng tầm hiểu biết. Chẳng hạn như có thằng vừa ở tiền tuyến về thì hỏi dò tin chiến sự hoặc đặc điểm chiến xa giặc như thế nào (thẩm vấn viên đâu có thì giờ đi đánh xe tăng Đức!). Kẻ nào vừa ở hải ngoại về sẽ được chất vấn kỹ về phong tục, tập quán nước người mà đặc biệt có 2 địa hạt được săn đón nhất. Một là bên đó cửa tiệm thế nào, hàng hoá có những món gì lạ, giá cả thế nào. Hai là đàn bà, từ cách tổ chức làm ăn của các động chị em ta đến những mục ái tình với phụ nữ nước họ dễ hay khó.
Vậy mà theo bộ Hình luật Tố tụng thì các ông Ủy viên Công tố có nhiệm vụ phải theo dõi những cuộc thẩm vấn coi có hợp lệ hay vi luật! Sự thực thì suốt thời gian giam cứu chỉ được thấy mặt ông Tùy viên đúng một lần. Đó là lúc hồ sơ gần xong, đợi ông Tùy viên hỏi một vài câu lấy lệ.
Hồ sơ của tôi "lên" ông Trung tá Kotov. Dù gặp một lần làm sao tôi quên nổi ông sĩ quan béo tốt lạnh lùng không dữ mà cũng không lành nhưng bộ dạng vô cùng máy móc đó. Người ngồi sau buya-rô vừa ngáp vừa lần giở hồ sơ của tôi, theo dõi vấn đề trong mười lăm phút. Không lẽ chưa từng ghé mắt bao giờ nên người coi kỹ vậy. Sau khi duyệt xong, Trung tá Kotov mới ngó lên vách, lạnh lùng hỏi tôi… có cần khai thêm gì nữa không?
Theo pháp lý thì câu hỏi đó có nghĩa là khẩu cung có bị ép buộc, tôi có bị tra tấn gì không, nhưng quả thực một câu hỏi vô vị và cũ mèm! Thử hỏi cả mấy ngàn căn phòng của Bộ Nội An còn để làm gì nếu chẳng phải để thẩm vấn (và tra tấn) và trên toàn quốc ít nhất cũng có thêm năm ngàn phòng nữa đặc biệt chỉ để ép buộc hay ký cung. Không lẽ vì một mình tôi và một mình ông Trung tá Kotov mà lật ngược nổi tình hình. Bộ Nội An quả thực quá nhiều cấp tá như vậy, sẵn sàng cho ra những câu tương tự như vậy.
Tuy nhiên biết vậy mà được hỏi "có thắc mắc" gì không tôi vội vồ ngay lấy cơ hội để thưa là có. Tôi bị bắt cùng một vụ với một thằng bạn, mỗi thằng bị lấy cung một nơi, tôi ở Lubyanka và nó ở tiền tuyến. Như vậy trường hợp của tôi rõ ràng cá nhân chớ không thể quy tội phạm pháp có tổ chức, đồng lõa. Vậy xin ông Trung tá chớ ghép tôi vào khoản 10, điều 58.
Trung tá Kotov liếc lại hồ sơ cỡ 5 phút rồi ngó tôi, đưa cả hai tay ra phân bua:
"Có gì lạ? Một người là một. Hồ sơ này có 2 người vậy có tổ chức là đúng quá còn gì?"
Cứ như thái độ của Kotov thì tôi phải hiểu rằng một người rưỡi cũng rõ ràng là phe nhóm. Còn dám nói gì khi người lạnh lùng đưa tay nhận chuông, ngoắc lính gác áp tải tôi trở xuống xà lim?
Thế rồi mãi cho đến cuối tháng Năm, một buổi chiều tối tôi mới được kêu lên văn phòng có chiếc đồng hồ vỏ đồng đặt trên mặt lò sưởi đá hoa cương để cùng ông thẩm vấn làm cho xong thủ tục 206. Cũng theo Hình sự Tố tụng đây là thủ tục cuối cùng trước khi ký tên lần chót. Dĩ nhiên thẩm vấn viên phải tin chắc là thế nào tội cũng ký nên đã ngồi sẵn sau buya-rô, nắn nót viết cho xong mấy hàng sau cùng.
Tôi tự tay lật hồ sơ, chồng hồ sơ dày cộm mà ngay ở bìa trong rành rành mấy hàng chữ in, đại khái xác nhận người khai cung có quyền viết ra khiếu nại về một điểm cho là không đúng ở trong bản cung mà thẩm vấn viên phải ghim theo trong hồ sơ. Ngay lúc lấy cung chớ không phải khi lập xong.
(Cả ngàn bạn tù của tôi có người nào biết được vụ này!)
Coi tiếp vô trong tôi thấy nhiều bản chụp những bức thư của tôi, kèm theo có lời giải thích hoàn toàn xuyên tạc của những ông nào đó. Thẩm vấn viên Yezepov cũng "gói ghém" bản cung bằng cả một sự dối láo. Tôi vẫn cứ bị kết án cùng cả tổ chức, phe nhóm!
"Tôi không ký…"
Tôi nói rõ vậy nhưng sau đó ấp úng thêm, không lấy gì làm mạnh dạn lắm:
"… Ông tiến hành và lập cung này không đúng cách!"
"Vậy hả? Vậy thì làm lại đúng cách… Làm lại từ đầu…"
Cặp môi đại úy Yezepov mím lại một cách ma mãnh:
"Được, để tôi cho anh xuống ở chung chỗ với bọn mật thám Đức là xong."
Vừa nói hắn còn chìa tay ra như muốn lấy lại hồ sơ lập tức. Làm tôi phải giữ lại…
Ngoài kia, ngoài cửa sổ lầu 5 nhà lao Lubyanka đang hấp hối những tia nắng chiều. Trời tháng Năm rồi. Nhưng cửa sổ kín như bưng, làm như muốn khép kín hẳn thế giới bên ngoài đối với những thằng đang nằm khám. Không cho phép hưởng tí hương vị mùa xuân. Chỉ nghe tiếng đồng hồ gõ, không đủ ánh sáng nhìn giờ.
"Làm lại từ đầu." Ôi chao, làm lại thì chết sướng hơn. Thà muốn tới đâu thì tới. Mà ở chung chỗ với bọn mật thám Đức coi bộ nguy. Bấy giờ lên tiếng hỏi lạng quạng chắc chắn Yezepov chỉ bực mình, hắn đang viết đoạn chót của cung từ thì khổ mình lắm.
Vậy là tôi ký cung. Ký nguyên vẹn bản cung, kể cả khoản 11 mà hồi đó tôi chẳng biết gì. Chỉ nghe họ biểu: "Có sao đâu? Chẳng vì vậy mà nặng thêm!". Chao ôi là khoản 11, té ra chỉ vì nó mà tôi bị tống vô một trại Cải tạo khổ sai. Chỉ vì nó mà ở hết án được trả tự do, không bị kết án thêm mà tôi đành phải an trí chung thân!
Nhưng biết đâu chừng vì vậy hoá hay. Không lãnh đủ hai vụ trên thì làm gì có cuốn truyện này.
*
Xét vì tôi được "điều tra" bằng những phương pháp hoàn toàn hợp lệ – chẳng có gì ngoài mục cấm ngủ, nạt nộ, gạt gẫm nên trong lúc làm thủ tục 206 tôi không cần phải ký thêm tờ cam kết giữ bí mật. Trường hợp có những chuyện "rắc rối" thẩm vấn viên bao giờ cũng phải lo thủ trước bằng cách bắt bị can phải ký vào tờ cam kết không tiết lộ với ai những phương pháp thẩm vấn của Cơ quan, bằng không sẽ can tội đại hình.
Không hiểu tờ cam kết này nằm trong khoản nào, điều nào của Bộ Hình Luật?
Tờ "cam kết không tiết lộ" thường được NKVD chìa vào mặt bị can trong lúc ký cung lần chót đã đành. Sau này ra khỏi trại Cải tạo lại phải cam kết lần nữa, tiết lộ những chuyện trong trại cũng lãnh án Đại hình. Như vậy đó!
Như vậy là sử dụng luật "găng-tơ", buộc con người phải câm họng còn gì? Như vậy mà chúng tôi không được phép chống lại, không được phép oán hờn. Mà cũng chịu được. Chỉ vì quen gật đầu tuân lệnh, xương sống mềm oặt rồi.
Chúng tôi đã mất ý niệm tự do, không có cách nào để thể hiện tự do. Như thế nào, tới mức nào… chúng tôi không có máu Á Đông. Bị chèn ép, đòi hỏi cam kết giữ bí mật mãi cũng nhắm mắt chấp nhận cho xong. E rằng mình giờ này cũng vẫn bị ràng buộc, không được quyền kể lại chính cuộc đời mình cũng nên.
4. Mật vụ mũ xanh
Có sự thực sau đây phải nhìn nhận đã lọt vô cái cơ sở khổng lồ chuyên bắt người đêm, chịu đút đầu vô guồng máy điều tra, thẩm vấn thì tránh sao khỏi tinh thần bị nghiền nát ra tro bụi và xác thịt tơi tử như bị thằng ăn mày. Chịu đựng đau khổ rã rời, chìm đắm trong cơn đau thương của chính mình như vậy thì còn lấy đâu ra sáng suốt tỉnh táo để nhận diện cho rõ ràng để viết về những tên đao phủ mặt trắng nhợt nhạt từng xuống tay hành hạ mình? Niềm đau khổ nội tâm đủ dâng lên ngâp ngụa, khuất lấp cả mắt bằng không thì còn ai nhận diện những ông Mật vụ chính xác cho bằng chúng tôi? Để các đương sự tự hoạ thì dĩ nhiên phải sai lệch rồi!
Chao ôi, trong cuộc đời tù tội ai mà quên nổi thời gian bị điều tra, thẩm vấn? Nhớ không sót một chi tiết. Nhớ bị nộ nạt, dồn ép như điên chỉ cốt để bật ra một bản tự thú, một chữ ký. Trái lại, ngay tên ông thẩm vấn viên là gì, mấy ai nhớ nổi. Có coi họ là con người bao giờ?
Tôi cũng vậy. Bạn tù biết bao nhiêu đứa, nhưng vẫn nhớ. Có điều gì đặc sắc còn nhớ kỹ. Dĩ nhiên nhớ hơn ông Đại úy Nội An Yezepov, mặc dù từng gặp gỡ, hội diện quá nhiều lần.
Chỉ có một điểm ai cũng nhận thấy và không bao giờ quên nổi là bầu không khí thối tha trong một nơi cực kỳ hôi tanh. Mấy chục năm qua rồi, bao nhiêu giận dữ hờn oán lắng xuống hết cho tâm hồn bình thản, mà mỗi lần gợi nhớ lại vẫn cứ thấy một cảm giác nhơ nhuốc, thấp hèn nơi những con người xấu xa, đồi bại, gần như điên khùng.
Ngày xưa Hoàng đế Alexander Đệ nhị từng nhiều phen bị mưu sát, bọn Cách mạng âm mưu lấy mạng người tới 7 lần kia mà. Một hôm người đi thăm khám tạm Shpalernaya – cha chú của Trung ương khám đường ngày nay và truyền lệnh cho đám quan hộ giá thử nhốt người vào cát-xô số 227 cho biết mùi vị biệt giam như thế nào. Người tình nguyện nằm cát-xô một giờ đồng hồ chỉ cốt để tìm hiểu cảm giác của những kẻ từng bị người tống vô cát-xô. Dù sao cũng không thể chối cãi nhà vua đã tự làm một thí nghiệm, lấy bản thân mình tìm hiểu vấn đề.
Nhưng mấy ông thẩm vấn viên sức mấy dám. Từ cán bộ hạng chót tới các ông lớn cỡ Abakumov, Beria có ông nào dám thử đóng vai thằng tù trong một giờ, chịu thử nằm cát-xô suy ngẫm bao giờ?
Nghề của họ là một nghề đặc biệt, không cần giáo dục hay văn hoá. Hai thứ đó không có. Nghề của họ không đòi hỏi lý luận, suy nghĩ sâu xa. Họ không suy nghĩ. Nghề của họ chỉ cần nhắm mắt thi hành chỉ thị và đánh đập, hành hạ không nương tay. Quả thực họ đã làm đúng vậy. Nhân danh những người từng lọt vào tay họ, chúng tôi quả thực đã nghẹt thở mỗi khi nhớ tới đám người vô hồn, không tim chối bỏ hết tình cảm con người.
Người ngoài có thể không hay nhưng dân trong nghề như họ làm gì chẳng biết bộ máy chế tạo, dựng đứng ra hồ sơ? Trừ những phiên khai hội, hiển nhiên họ chẳng thể nghĩ, chẳng thể bảo nhau là công tác của họ nhằm điều tra cho ra những thằng trọng phạm! Nhưng nghề nghiệp của họ là ngày này sang ngày khác, hết trang này sang trang khác chế tạo ra những hồ sơ phạm tội. Nghề nghiệp của họ bản chất quả không khác bọn trộm cướp, lưu manh hạng bét là bọn blatnye mà khẩu hiệu ruột là: "Nay anh mai tôi, chúng ta như nhau".
Họ biết là nghề của họ quanh năm chế tạo, nhưng làm thì họ vẫn làm. Muốn làm thì một là họ tự bắt buộc phải không suy nghĩ (dù làm người mà không suy nghĩ là chối bỏ quyền làm người), hai là chấp nhận như một chuyện bắt buộc phải làm, cấp trên của họ đã cho chỉ thị là phải đúng.
Thì bọn Quốc xã cũng đã từng lý luận như vậy [4] .
Có người làm chỉ vì Đảng, vì lý thuyết Sắt Đá. Chẳng hạn như ông thẩm vấn viên ở Orotukan bị hạ tầng công tác, đổi đi Kolyma năm 1938. Thấy gã phạm nhân tên Lurye, nguyên Giám đốc Khu Kỹ nghệ Krivoi Rog ngoan ngoãn ký cung (dù biết ký là lãnh án đi đày lần nữa) hắn cũng lấy làm xúc động bảo rằng: "Mấy anh tưởng tụi tôi khoái làm công việc thuyết phục này lắm sao? [5] Đảng ra lệnh thì tụi tôi phải chấp hành. Anh cũng từng là đảng viên. Ở địa vị tôi chắc anh cũng chẳng thể làm gì khác!".
Mặc nhiên Lurye đồng ý với hắn. Nếu không nghĩ như vậy đã không may mắn ký cung nhận tội. Thà rằng vì Đảng!
Đa số các thẩm vấn viên làm việc vì muốn làm công việc dữ dằn đó. Là Mật vụ mũ xanh họ còn lạ gì công việc của guồng máy nghiến thịt người? Họ thích làm. Trong trại Dzhida năm 1944, điều tra viên Mironenko hãnh diện giải thích cho phạm nhân Babich:
"Cho anh hay một điều: Có toà xử là phải có điều tra, lấy cung. Hình thức đặt ra là vậy chớ thực sự có ăn nhằm gì? Tất cả đã được quyết định sẵn cả rồi. Nếu cần phải bắn anh thì anh vô tội anh cũng bị bắn như thường. Nếu cần phải miễn tố anh thì dù có bao nhiêu tội họ cũng gạt bỏ cái một để anh trắng án (dĩ nhiên trường hợp sau chỉ áp dụng đối với đảng viên)".
Kusnharyev, Chánh Sở 1 Điều tra Ty Nội An tỉnh Kazakhstan miền Tây cũng đã giải thích in hệt cho phạm nhân Adolf Tsivilko:
"Cho anh hay, giả thử anh thuộc nhóm Leningrad thì chúng tôi chẳng thể cho anh ra, với bất cứ giá nào." [6]
Khẩu hiệu ruột của cán bộ điều tra là: Hãy gởi một thế giới tới, chúng tôi sẽ làm ra tội! Họ nói đùa như vậy nhưng họ tra tấn thật vì họ cho rằng làm vậy là được việc. Bằng không bà vợ ông Nicolai Grabishehenko, điều tra viên trong Cơ quan Sông đào Volga đã chẳng khoe với hàng xóm láng giềng:
"Nhà tôi làm việc cừ lắm. Có một thằng cứng đầu ghê gớm, ai hỏi cũng không khai. Giao cho nhà tôi chỉ một đêm, một đêm thôi là có bản tự thú liền".
Tại sao bọn họ lại nhảy vô, sẵn sàng hăng hái tra tấn, không phải để phăng ra một sự thực mà chỉ đóng góp thêm vào guồng máy chế tạo ra tội. Vì lợi, vì chủ trương "ai sao ta vậy", tốt hơn hết là cứ hăng say đóng góp vào việc chế tạo như mọi người thì đời sống no đủ, phụ cấp nhiều, có tiền thưởng và huy chương rồi lên chức. Cơ quan bành trướng, mở mang nhiều mà. Nếu làm được nhiều việc, hăng say đóng góp với mọi người cho guồng máy điều tra chạy đều thì óc quyền tự ý đến sở công tác hay đi chơi cũng cứ được. Nhưng không được việc sẽ bị đẩy ra khỏi Cơ quan, bị bể nồi cơm chắc. Cơ quan phải chế tạo đến mức tối đa vì Lãnh tụ vốn đa nghi, nhất định cho rằng chỗ nào cũng phải có kẻ thù. Ở cấp quận, cấp tỉnh hay trong một đơn vị quân đội không bao giờ hết kẻ thù.
Lãnh tụ đã muốn vậy nhè lọt vô tay Mật vụ mũ xanh còn giở trò cứng đầu không chịu cung khai thì những thằng tù bướng bỉnh chỉ có chết với các điều tra viên. Bao nhiêu hận thù, bực bội sẽ trút lên đầu những thằng không chịu chấp nhận thân phận như những người khác, những thằng bị biệt giam, nhịn ăn, nhịn ngủ vẫn không chịu đầu hàng. Cứng đầu vậy khác nào đe doạ địa vị, nồi cơm của thẩm vấn viên. Bắt buộc phải hạ cho bằng được nên còn ngần ngại gì không ra đòn? Thằng nào muốn chống cho nó chống. Để coi ai chết! Nó muốn chống thì nhét ống vô mồm, cho nó một bụng nước muối.
*
Khi đã chấp nhận làm công tác chế tạo ra tội bằng mọi thủ đoạn điều tra viên đã tự ý tách rời khỏi khối người có tình cảm bên trên để tự hạ xuống khối người thấp kém bên dưới. Nơi đó họ hăm hở, hăng say công tác như được "thuốc", được thúc đẩy bằng hai bản năng đặc biệt của khối người thấp kém, những người chỉ hai mục bao tử và đàn bà. Đó là thú tính: thèm quyền thèm tiền (khoảng vài chục năm trở lại đây khát vọng quyền thế đã lấn lướt hẳn tiền bạc).
Từ bao nhiêu ngàn năm nay con người đã biết quyền hành là thuốc độc. Chuốc lấy chỉ có chết, có ai đè đầu cưỡi cổ người khác được mãi bao giờ! Con người có ý thức, sớm biết bên trên chúng ta có một thứ quyền chế ngự, chi phối mọi thứ quyền khác để tự giới hạn mình thì có quyền vẫn chưa đến nỗi chết. Những kẻ thấp kém ở khối người bên dưới chỉ biết đến quyền hành thì chỉ có chết. Hết thuốc chữa.
Khát vọng quyền thế đã được văn hào Tolstoy cực tả qua vai trò Ivan Ilyich, con người đã chấp nhận một địa vi có quyền sinh sát bất cứ một ai. Không một ai thoát khỏi quyền thế mà Ivan nắm vững trong tay. Kẻ có quyền nhất đưa đến trước mặt hắn vẫn là có tội.
(Còn ai, ngoài các ông Mật vụ mũ xanh! Đâu cần phải thêm thắt chi tiết gì.)
Với nhân vật Ivan Ilyich thì chính ý thức nắm quyền hành là tha hồ sinh sát, đã quyến rũ hắn nhất, được hắn chú trọng nhất (mấy ông Mũ xanh thì chỉ có sát). Nói quyến rũ không đủ nghĩa. Phải nói là đầu độc mới đúng. Vì con người bị quyền thế đầu độc thực sự.
Chẳng hạn như anh là một thanh niên đầy triển vọng, cha mẹ biết chọn con đường nào lập thân cho thích hợp. Anh không muốn tiến thân bằng học vấn. Anh chọn con đường tắt, chạy theo nghề đó. Có 3 năm thôi, thời gian qua mau và anh "lên" cũng lẹ. Ra nghề là cuộc đời anh thay đổi hẳn: thay đổi nếp sống đã đành mà từ cử chỉ, ánh mắt cho đến cái gật đầu cũng khác hẳn ngày nào!
Có một phiên họp của các nhà khoa học. Thấy mặt anh bước vô, thiên hạ run hết. Có ghế chủ tịch, nhưng anh ngồi vô đó làm chi cho đau đầu? Hãy để ông Viện trưởng lãnh đủ! Anh ngồi né một bên nhưng ai cũng hiểu anh mạnh nhất. Giáo sư đoàn thua xa. Anh là người của Cơ quan mà. Anh chỉ cần tham dự cỡ 5 phút, để mặc họ họp bàn với nhau. Nhưng sau cùng anh vẫn có quyền mím môi, lắc đầu bác bỏ, bằng cách bảo ông Viện trưởng rằng: "Cái vụ này sợ không được. Sau này nhiều chuyện lôi thôi lắm!" Dĩ nhiên người của Cơ quan cho hay có chuyện lôi thôi thì quyết định gì cũng bỏ hết!
Nếu anh ở trường ra vô nhà binh, làm An ninh Quân đội (tức OSO) hay làm Phản gián (tức Smersh) thì sẽ mang lon Trung úy là cùng. Là đại diện của Cơ quan thì ngay cái lon của anh – hai ngôi sao nhỏ tí xíu – có thể kể như đeo chơi. Vì hai ngôi sao đó nặng thiệt, các lon nhà binh khác đâu sánh nổi? Anh muốn đeo lon Thiếu tá cũng dễ như chơi, chiếu nhu cầu công vụ.
Bằng không, ông Đại tá đơn vị trưởng đã chẳng né anh rồi! Đôi khi còn nịnh bợ, xun xoe là khác. Thấy mặt anh là thằng cha già Đại tá luôn luôn đứng dậy, có muốn bao gã Tham mưu trưởng một chầu nhậu cũng phải có mặt ông Trung úy Smersh. Đồng ý anh lon nhỏ, nhưng anh mạnh nhất, thế lực nhất. Ở công xưởng hay ở chi bộ Đảng một quận người của Mật vụ bao giờ chẳng đứng trên quản đốc, bí thư?
Vì chỉ huy trưởng hay giám đốc công xưởng, mấy người đó bất quá chỉ có nhiệm vụ kiểm soát thuộc viên, đề nghị lên lương, lên lon cho nhân viên dưới quyền. Còn anh, anh kiểm soát, anh nắm trong tay sự tự do của đoàn thể nhân dân mà. Hội họp chẳng ai dám nói với anh, viết báo cũng chẳng ai dám đả động tới anh. Bới xấu đã đành không dám nhưng bốc thơm cũng không nữa!
Vì đã có chân trong Cơ quan thì tên anh cũng là một thứ úy kỵ. Chớ ai nhắc tới! Cũng như anh có mặt vẫn phải coi như không. Đã đội chiếc Mũ xanh anh có quyền cao hơn những cấp thẩm quyền nổi: có đứa nào dám xía vô công tác của anh? Còn nói gì tới đám thường dân kể như những khúc củi. Anh có quyền vậy vì anh nằm trong Cơ quan. Người của Cơ quan phải có đặc quyền và do đó, làm cái gì cũng đúng hết!
Tuy nhiên anh chớ quen điều này: thân phận anh cũng sẽ chỉ là một khúc củi như bất cứ thằng nào nếu anh không phải người của Cơ quan, một bộ phận nhỏ nhoi nào đó trong guồng máy vĩ đại bám cứng vào đất nước này, sống trên lưng đất nước này như loài sán đóng đô trong cơ thể con người.
Đã có diễm phúc vậy thì anh sẽ có đủ mọi thứ, cái gì cũng sẽ về anh hết. Miễn anh phải trung thành với Cơ quan.
Nhắm mắt trung thành thì Cơ quan bao giờ chẳng che chở cho anh, san bằng chướng ngại, tiêu diệt kẻ thù giùm anh. Vấn đề là phải trung thành tuyệt đối, chấp hành chỉ thị cũng tuyệt đối. Miễn suy nghĩ vì đã có Cơ quan suy nghĩ giùm anh trong bất cứ công tác nào cắt cử anh đi.
Hôm nay anh nằm Đặc vụ, mai anh có thể ngồi ghế điều tra viên. Hay được cử sang công tác tuốt bên hồ Seliger dưới lốt một nhà nghiên cứu phong tục, tập quán, mà cũng có thể chỉ để xả hơi. Đang hoạt động nhẵn mặt ở tỉnh có thể được cử về quê để làm một thứ đại diện thẩm quyền phụ trách Tôn giáo vụ [7] .
Hay cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô để làm Bí thư không chừng [8] . Đừng ngạc nhiên! Chức vụ gì, cấp bực gì mà Cơ quan đã cử đi thì phải đúng người đúng việc. Chỉ Cơ quan biết, còn anh thì cứ thi hành chỉ thị răm rắp, lo đóng cho xong vai trò.
(Đó là lý do có những ông nghệ sĩ vừa được tuyên dương hay một ông vừa lãnh chức Anh hùng Nông dân đã thấy lặn đâu mất).
Đồng ý điều tra viên cũng phải làm, cũng phải đến sở làm đêm hay làm ngày, ngồi ít giờ đồng hồ. Nhưng anh đừng mệt trí điều tra cho ra sự thực, chớ thắc mắc bị can có tội hay không. Cơ quan chỉ thị sao cứ làm in vậy, làm như mọi người cho khoẻ. Miễn cùng chạy như thường lệ. Lâu lâu đang ngồi giết thì giờ, một sáng kiến chợt lóe lên: Nếu anh sáng chế ra được một kiểu "điều tra" mới để hoan hỉ thông báo cho đồng nghiệp còn hay nữa! Anh sẽ được hoan nghênh nếu đưa ra thí nghiệm có kết quả tốt. Ngày nào cũng biểu diễn đi quanh đi quẩn lại có bằng ấy mục sao không chán ngấy được kia? Bọn tù khốn nạn thằng nào tay cũng run lẩy bẩy, cặp mắt van vỉ, lưng còng hèn hạ. Chán chết đi được! Lâu lâu, mới gặp được một thằng ngang bướng, xứng đáng đối thủ…
Thẩm vấn viên Shitov ở Leningrad bảo thằng phạm nhân tên G.G.: "Tôi khoái những thằng cứng đầu. Gặp những thằng này bẻ gãy lưng nó mới sướng!".
Nhưng nếu có thằng quá ngang bướng, lì lợm chịu đủ mọi thứ đòn nhất định không chịu khuất phục thì sao? Đồng ý là bực bội. Lâu lâu phải có một dịp hò hét, hung hăng xả hơi hoặc trút mọi uất ức chớ. Đừng nén cơn giận xuống mà cứ để cho nó bùng lên. Đó là lúc anh bắt thằng gan lì đó ngửng mặt lên, coi miệng nó như miệng cống để nhổ vài bãi. Hay có cái thùng phân thùng nước tiểu đâu đó thì dìm đầu vô [9] . Nếu nó là một thằng thầy tu tóc dài thì nắm tóc lôi đi. Bắt nó quỳ gối ngửng mặt rồi đái vào giữa mặt nó cũng được. Phải có những mục đó mới hạ nổi cơn nóng giận để điều tra viên trở lại cuộc sống bình thường. Nếu có dịp thẩm vấn một con nhỏ bị kết tội giao thiệp với ngoại nhân thì anh tha hồ. Anh chửi bới tùy thích và hỏi móc họng đại khái:
"Nói thử coi. Bộ mấy thằng Mỹ có thứ đặc biệt hả? Bộ dân Nga hết người rồi hay xài không đã?"
Mấy em bé đã biết thế nào là người ngoại quốc thì phải biết là nhiều kinh nghiệm! Sao không bắt nó tự miệng nói ra, biết thêm được chút gì cũng kể như có dịp đi ngoại quốc. Anh có quyền cật vấn chẳng có gì phải kiêng dè. Thế nào, tụi nó làm ăn có gì lạ? Có những gì lạ kể ra nghe (cái vụ này anh có thể rút kinh nghiệm đợi dịp áp dụng bản thân hay kể lại cho bạn bè nghe không khoái chí sao?). Dĩ nhiên nó sẽ xấu hổ, khóc lóc, năn nỉ: "Những cái đó đâu có ăn nhập gì với hồ sơ?".
Lúc bấy giờ anh sẽ quát lên: "Sao không? Biểu kể là có cái gì phải kể hết ra!". Nó phải kể bằng hết chi tiết. Bắt nó vẽ ra hình rõ ràng cho anh coi, bắt nó ra để anh thực tập cũng còn được mà! Nếu không thì cát-xô, thì án lút đầu.
Anh có thể làm hơn nữa. Anh có quyền yêu cầu cho một nữ tốc ký viên lên ghi cung. Nếu con nhỏ ngộ nghĩnh hạp nhãn đố anh không thám hiểm người ngợm coi nó ra thế nào? Nó không dám cưỡng đâu mà thây kệ thằng tù ngồi đó. Anh cứ việc giải trí tùy thích, nó đâu phải là người mà ngượng ngùng? [10]
Vả lại có gì đâu mà ngượng? Đứa nào thích gái, nếu anh thích lại sẵn quyền thế trong tay mà không sử dụng thì có hoạ khùng! Thiếu gì gái chạy theo anh? Hoặc là anh chạy theo làm áp lực thì cuối cùng nó vẫn phải chịu chớ chạy đâu thoát? Gái đẹp cũng là của anh mà kể cả những đứa có chồng rồi. Nếu anh muốn con vợ thì đẩy thằng chồng đi đâu khó. [11]
Đối với anh thì việc đó quá dễ, Mật vụ mũ xanh mà. Nhà cửa hay vợ con người khác cũng là của anh, nếu anh muốn. Thằng nào chống đối gạt phăng qua một bên. Một khi đã là người của Cơ quan thì anh có quyền chân đạp đất đầu đội trời. Của anh hết. Trời xanh ngăn ngắt trên cao thì dưới này anh cũng Mũ xanh vậy!
*
Cũng như mọi người Mật vụ mũ xanh cũng ham tiền, dĩ nhiên để làm giàu riêng. Con người mà, đâu phải thần thánh mà chê của.
Nếu phân tích kỹ nguyên do thầm kín núp sau những vụ bắt người (những vụ bắt bớ cá nhân chớ không phải bắt từng đợt) thì dù có luật lệ đàng hoàng ít nhất cũng tới 75 phần trăm do thù oán cá nhân, ganh ghét mà trong số đó hết phân nửa do cán bộ địa phương NKVD gây ra. Có thể một phần là nạn nhân của những ông công tố nhưng theo tôi thì họ cũng là một thứ như nhau hết.
Thù oán cá nhân mà sinh sự thì điển hình là 19 năm tù ngục của V.G. Vlasov. Nguyên hắn là Chủ tịch Hợp tác xã Tiêu thụ cấp quận, phải lo cung cấp một số hàng vải cho đảng viên chi bộ địa phương, những thứ vải mà bấy giờ không ai thèm sờ tới. Phải đảng viên mới được mua chớ Hợp tác xã đâu có bán ra cho quần chúng. Bà vợ của ông Công tố Rusov không mua được thước nào vì lúc bán không tới mua. Ông chồng quen hách, không thèm tới quầy hỏi mà Vlasov lại chẳng phải người có thể rỉ tai: "Yên chí, em đã có phần cho ông Công tố rồi!".
Thế rồi ông Công tố lại mời một người bạn tới ăn cơm trưa ở Câu lạc bộ Hợp tác xã nhưng kẹt ông bạn lại chưa đủ tư cách được vô ăn giá rẻ. Quản lý Câu lạc bộ từ chối thẳng mà Vlasov lại không cảnh cáo hắn cho Rusov hài lòng. Lại còn mạt sát người của NKVD ở địa phương. Đó là lý do Vlasov bỗng có tên trong danh sách các phần tử hữu khuynh, phải đưa đi đày. Có vậy mà 19 năm trại Cải tạo!
Những ông Mũ xanh nhiều khi tham lam thật nhỏ mọn, ưa chớp đồ vặt chẳng ai dám ngờ. Sĩ quan An ninh Senchenko không ngần ngại tịch thu bao la đựng bản đồ, tịch thu luôn cạc táp của một sĩ quan vừa bị hắn vồ để xài ngay tại chỗ. Để lần giở hồ sơ tài liệu phải mang găng da vô mới hách. Hắn bèn quơ luôn đôi găng tay của một người khác. (Thông thường tiến quân mà phải đi sau quân đội là các ông Mũ xanh buồn lắm vì chậm chân thì còn ăn cái gì?).
Ông sĩ quan An ninh Quân đoàn 49, người bắt tôi hồi đó đã "bắt" luôn cả cái hộp đựng thuốc lá. Nó có ra gì đâu, chỉ là cái hộp nho nhỏ màu đỏ lính Đức thường xài. Có thể thôi mà ông An ninh phải tính toán trước: không cho nó vào biên bản những món đồ gởi kho. Cho phép giữ xài nhưng mắt trước mắt sau thọc tay vào túi tôi tịch thu. "À, còn sót cái gì đây? Đâu có phép xài thứ này? Cứng đầu hả, tụi bây xách cổ thằng này liệng xuống cát-xô coi".
(Cung cách đối xử với chiến sĩ tiền tuyến như thế đó thì Hiến binh thời Nga hoàng cũng chưa hề dám!).
Thông lệ của Cơ quan là trong ngăn kéo buya-rô điều tra viên lúc nào cũng có sẵn mớ thuốc lá nhà nước để tưởng thưởng cho những thằng cung khai ngoan ngoãn, những thằng điểm chỉ. Nhiều ông chẳng cho ai mà tự mình đốt hết! Đừng tưởng thế đã là bần tiện. Ngay giờ phụ trội làm đêm còn được nhiều ông khai trội hẳn lên, trước mặt thằng tù, để hốt thêm chút nào hay chút ấy.
Mấy ông Mũ xanh còn nhám tay thật hạ cấp. Như ông Fyodorov ở Ty Reshety (hộp thư Bưu điện số 235) đến xét nhà Korzukhin thấy cái đồng hồ tay cũng dám bỏ túi. Hồi Leningrad bị khủng bố nặng, bà Strakhovich có chồng bị câu lưu và hồ sơ nằm trong tay ông điều tra viên Nicolai F. Kruzhkov. Ông điều tra tìm đến tận nhà yêu sách vợ nạn nhân ít quần áo lạnh. Được trả lời: "Bao nhiêu chăn mền, đồ lạnh bị Cơ quan chất vô phòng trong, khoá cửa niêm phong hết rồi", thì ông Nicolai cười hề hề: "Niêm phong hả? Cứ chỉ đi, tụi này có cách mở. Tụi này nhà nghề mà!".
Dứt lời ông điều tra viên lẹ làng lách mở chỗ bản lề, không đụng gì tới niêm phong thiệt! Vô phòng là quơ những món đồ lạnh bằng hai tay, lượm thêm cả mấy món bằng thủy tinh đút túi. Bà chủ nhà lợi dụng cơ hội cũng lấy luôn ít món đồ ra xài thì bị ông điều tra viên tốp lại: "Bấy nhiêu đó đủ rồi", nhưng ông Kruzhkov vẫn tiếp tục làm thêm vì chưa đủ! [12]
Nếu kể cho hết những vụ chiếm đoạt tài vật của những ông Mũ xanh sợ phải mất đến một ngàn cuốn Bạch thư mất. Chỉ cần hỏi những người từng bị tù, vợ con là ra ngay. Có thể có những ông không nhám tay nhưng quả thực khó tin. Đã vô nghề này mà đã thích món gì thì có ai, có cái gì cản nổi? Còn nhớ những năm đầu thập niên 1930, bọn chúng tôi mặc đồ Thanh niên Tiền phong thi đua nhau trong Kế hoạch Ngũ niên đầu tiên thì mấy ông Mũ xanh đã có lệ tối tối tụ họp giải trí trong các thính phòng sang trọng như của mụ Konkordiya Iosse, ăn chơi theo mốt trưởng giả Tây phương. Mấy cô bạn gái thì xúng xính toàn y phục ngoại quốc đắt giá. Thử hỏi những thứ đó lấy đâu ra?
Hãy chú ý đến điểm nhiều ông Mũ xanh được thiên hạ đặt tên: Phải hiểu là có thế nào mới "tên sao người vậy" kiếm được một biệt danh chớ. Nội một Ty Nội An tỉnh Kemerovo đã có cả một ê-kíp với tên hiệu thật đích đáng. Có ông Công tố "chết" tên Trutnev tức Người Chăn Thú, ông Trưởng phòng Điều tra cấp Thiếu tá tên Shkurkin tức ông Vồ, ông Trung tá phụ tá Balandin tức Ăn Đớp… và ông điều tra viên Skorokhvatov tức Vơ Vét. Chỉ bằng ấy tên cũng đã diễn tả đủ bản chất của ê-kíp và họ hành nghề như thế nào. Ấy là chưa kể thêm ông Volkopyalov tức Lột Da Sói, ông Grabischenko tức Tướng Cướp. Ngần ấy biệt danh dồn vô một Cơ quan thì phải biết!
Theo hồi ký của Korneyev thì hồi còn ở lao xá Vladimir hắn có hân hạnh được biết một ông bạn tù thật đặc biệt mà hắn lỡ quên mất tên, chỉ nhớ là người bạn thân của mụ Konkordiya Iosse (mà chính Korneyev cũng có giao thiệp một thời). Người từng mang quân hàm Đại tá và là điển hình đúng mức của týp cán bộ cung cấp trong Cơ quan chỉ ham quyền thế và khoái vơ vét. Năm 1945 là năm làm ăn dữ nhất, lẹ nhất để ông đại tá xoay sở, chui được vô một ban béo bổ nhất trong Cơ quan – do đích thân sếp lớn Abakumov đứng đầu "chuyên phụ trách công tác "tịch thu, sung công tài sản". Còn chỗ nào ngon bằng, tha hồ sung công của địch về làm của riêng!
Ông Đại tá "sung công" vài vật, chất đầy từng chuyến xe lửa, xây mấy vi-la nghỉ mát, một ở Klin. Chiến tranh vừa chấm dứt, người vơ vét được quá nhiều, ăn chơi hủ hoá bằng thích: đại khái trưng dụng trọn chuyến xe lửa để bạn bè du lịch giải trí. Tới nhà ga Novosibirsk, ông Đại tá ra lệnh đuổi hết thực khách trong phòng ăn nhà ga ra ngoài. Đàn bà đẹp được giữ lại, bắt buộc phải đứng lên bàn nhảy thoát y cho cả bọn chiêm ngưỡng chơi.
Nếu chỉ ăn chơi cỡ đó cũng chưa sao. Chớ có đụng đến tài vật của Cơ quan (như điều tra viên Kruzkiov). Người vi phạm nặng vụ này mà còn thêm một tội trầm trọng là đụng đến anh em cùng Cơ quan. Vợ con người ngoài thì tha hồ nhưng vợ con anh em đồng sở ông Đại tá cũng không tha. Vả lại còn dám quăng cá, chịu bà nào là nhất định làm bằng được! Đốn mạt cỡ đó thì Cơ quan không thể tha thứ. Bèn trừng trị bằng một bản án chính trị, cũng bị khép vô điều 58. Điểm đặc biệt là nằm khám rồi người còn uất ức, chửi bớI, không ngờ chúng dám bắt láo! Người tin là trước sau thế nào chúng cũng phải suy nghĩ, trả lại tự do (không chừng như vậy thiệt cũng nên!).
Đối với dân Mũ xanh thì lâu lâu cũng có kẻ bị tống vô khám chớ. Tránh sao khỏI, nhưng thấy rõ vết xe trước mà bị vẫn cứ bị. Đã nói cái nghề này đâu có đòi hỏi thông minh, lý trí. Dễ gì đổ bể mà lo. Biết đâu chừng tụi nó bị mà mình thoát. Đời nào anh em nỡ bỏ.
Sự kiện sau quả có đúng. Đời nào anh em bỏ nhau thiệt! Giữa đám Mũ xanh vẫn có một quy ước mặc nhiên là nếu không cứu được nhau thì cũng ráng thu xếp cho, có ở tù cũng sung sướng hơn người. Như ông Đại tá Vorobyev nằm khám đặc biệt Marfino, như chuyên viên Ilin nằm Lubyanka đúng 8 năm. Thực tế là có ở tù vì tội cá nhân gây ra, người của Cơ quan vẫn được đãi ngộ tốt.
Vì lẽ đó đám cán bộ Mũ xanh hầu như có đảm bảo: Làm gì cứ làm, lỡ sơ sẩy ở tù vẫn còn hơn người.
Dĩ nhiên phải trừ vài ca ngoại lệ. Cũng có những Sĩ quan An ninh trại Cải tạo phạm lỗi nặng bị tống vô trại giam thường, ở chung với đám thường phạm hoặc đụng đầu với những thằng Zek ngày nào từng hành hạ nên ăn đòn bằng thích. Như ông Mushin từng hét ra lửa, trừng trị đích đáng bọn tù vi phạm điều 58: chừng người vô trại sợ đòn thù phải nhờ cậy đến đám côn đồ blatnye nhưng rốt cuộc vẫn cứ bị chúng nắm đầu lôi đi dưới gầm giường nhục nhã.
Có trường hợp nhân viên Cơ quan bị vô khám mà có vì tình anh em cũng đành bó tay: đó là những ca bị từng nhóm , từng đợt. (An ninh, Mật vụ cũng vô khám từng đợt vậy chớ). Lỡ kẹt hoàn cảnh này chẳng ai nâng đỡ được ai! Biết vậy nên có máu An ninh, Mật vụ trong người là phải biết đánh hơi để "nhảy" kịp thời, vào phút chót là buông lập tức để khỏi bị dính chết chùm. Phải trở cờ chớ.
Điển hình là vụ ông Đại úy Sayenko [13] người vì tình yêu lấy nàng Kokhanskaya, cựu nhân viên Sở Hoả xa Trung Quốc Viễn Đông. Với tài đốn gió đánh hơi, ông Đại úy biết sắp bùng nổ một đợt tập thể: bao nhiêu người làm Hoả xa sẽ bị hết. Lúc đó Sayenko là Trưởng ban Hành động của GPU địa phương. Ông Đại úy bèn cấp tốc có ngay biện pháp nghĩa là hy sinh con vợ. Không phải ly dị nhau để vợ bị bắt theo đợt tập thể… mà tự mình chế tạo ra một hồ sơ để tự mình bắt. Vì sự "trở cờ tình cảm" kịp thời đó, Đại úy Sayenko không bị mất chức Trưởng ban mà còn nhảy lên chức Ty trưởng NKVD tỉnh Tomska [14] .
Cán bộ Cơ quan bị bắt cả loạt còn vì một định luật tàn nhẫn là đổi týp người cũ để có bộ mặt mới (vả lại phải lọc bỏ một mớ thì những kẻ còn sót lại mới có cảm giác cán bộ tốt). Nghề Mật vụ phải thay người mau để những lớp sóng sau dồn lên thay những lớp sóng trước. Một người rớt phải kéo theo một mớ đàn em, đúng lúc là phải có một lớp hy sinh, không kể cấp bậc địa vị.
Cá gộc Yagoda đi phải kéo theo mớ cá con trong số thiếu gì những tay từng lưu danh trong công trình đào kênh Bạch Hải. Rồi Yezhov lên … và xuống ngay cùng với đám cận thần. Những anh hùng chiến dịch thanh trừng 1937. Đừng quên là Yerzhov lọt vô phòng Điều tra cũng ăn đòn như ai, cũng đáng thương vậy! Tù Cải tạo kỳ cựu còn nhớ hồi Yerzhov "xuống" hắn đã kéo theo vô khám cả lô to đầu đang nắm quyền sinh sát trọn quần đảo, sơ sơ cũng có Giám đốc Sở Tài chánh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Phòng vệ và luôn cả Chánh Sở An ninh. Bằng ấy cán bộ cao cấp vô tù, Nha Tổng Quản trị các trại Lao động Cải tạo như rắn mất đầu.
Sau này đến lượt Beria và đệ tử.
Trước đó có sếp mập Abakumov rớt một mình. Nếu hồ sơ lưu trữ không bị thủ tiêu thì các sử gia của Cơ quan chắc chắn sẽ có thừa tài liệu để vẽ lại rõ ràng từng đợt lên xuống, xuống lên của những tên tuổi sáng chói.
Xin nhường lại cho các nhà chép sử của Cơ quan làm việc đó. Tôi chỉ nhắc sơ lại mẩu chuyện của ê-kíp Abakumo Ryumin nhưng không nhắc lại những gì đã viết trong tập Tầng đầu địa ngục.
Ai chẳng biết Ryumin là "gà" của Abukumov, được sếp mập cất nhắc lên, đặt vào địa vị quan trọng trong Cơ quan? Cuối năm 1952 bỗng đâu trò đệ trình một hồ sơ tối mật mà chính ông thầy tin không nổi. Ryumin báo cáo đã nắm trong tay vụ giáo sư Etinger âm mưu đầu độc Zhdanov và Schherbakov. Nếu muốn giết thực thì quá dễ vì Etinger đang là y sĩ điều trị tín nhiệm của Điện Cẩm Linh nhưng là bậc thầy của Ryumin sếp mập còn lạ gì "kỹ thuật chế tạo" của trò ruột? Chớ có đùa với lửa. (Thực sự Ryumin đã nắm chắc được tín nhiệm của Lãnh tụ!).
Ngay đêm đó, Abakumov phải đích thân "thẩm vấn" lại Etinger cùng ông học trò ruột nhưng hai thầy trò vẫn bất đồng ý kiến: trò nhất định tin có âm mưu đầu độc, thầy cho là bịa đặt quá lố! Đành phải ấn định một cuộc kiểm chứng chót vào sáng hôm sau, nhưng chịu không nổi thẩm vấn ngay đêm hôm ấy giáo sư Etinger đã ra ma. Sáng hôm sau Ryumin bí mật qua mặt Abakumov, điện Trung ương Đảng xin Lãnh tụ cho gặp gấp, có chuyện tối mật cần diện trình [15] .
Stalin cho gặp ngay, bật đèn xanh cho Ryumin tiến hành hồ sơ đầu độc, qua mặt cả Bộ trưởng Nội An Beria. Dĩ nhiên Abakumov phải vô cát-xô gấp. Ngay từ hồi đó Beria đã có dấu hiệu lâm nguy và không chừng chính người cũng đang chuẩn bị hạ Lãnh tụ.
Chừng Stalin nằm xuống, chế độ mới lên cầm quyền thì một trong những quyết định đầu tiên là triệt bỏ hồ sơ đầu độc, Beria còn quyền hành nhưng trái lại Ryumin bị tống giam tức khắc trong khi Abakumov vẫn nằm Lubyanka.
Chế độ mới thì Lubyanka cũng có lề lối làm việc mới. Lần đầu tiên mới thấy bóng ông Công tố vô tận phòng giam "thanh tra". Đang nằm cát-xô thấy Công tố viên Terekhov bước vô, phạm nhân Ryumin lấy làm hả dạ và khép nép trình: "Thưa tôi vô tội. Họ tống giam tôi vô cớ…". Hắn xun xoe xin được thẩm cung lại và đang lúng túng ngậm cục kẹo trong miệng – đó là thói quen xưa nay của ông Phụ tá – ông bị Công tố sửa lưng, Ryumin vội ấp úng "xin lỗi" và ngoan ngoãn nhả ra lòng bàn tay.
Nhưng Abakunov lại khác. Thấy ông Terekho vô thanh tra, hắn cười ầm lên: "Bịp bợm!". Ông Công tố chìa ra cho coi văn thư chính thức của nhà nước cử vô thanh tra nhà lao Bộ Nội An thì hắn gạt đi: "Văn thư này thì làm 500 cái cũng có liền!".
Lập trường đã rõ ràng, Abakumov cho hay hắn không bất mãn vì bản thân bị tống vô cát-xô mà vì thói quen của Cơ quan bị xúc phạm. Trên đời này có cái gì hơn được Cơ quan?
Tháng 7 năm 1955 Ryumin bị đưa ra toà xử ở Mạc Tư Khoa và bị xử bắn nhưng Abakumov vẫn kẹt trong lao Lubyanka. Trong một buổi lấy cung hắn còn bảo Terekhov:
"Anh có cặp mắt đẹp quá! Phải bắn anh tôi không thấy nỡ [16] . Vậy tôi bảo thực chớ dây dưa vào hồ sơ của tôi. Còn kịp thời giờ bỏ đi!"
Một bữa Terekhov chấp cung Abakumov và đưa cho hắn coi tờ báo đăng tin Beria bị thanh trừng. Hồi đó vụ Beria là cả một đảo lộn động trời. Nhưng Abakumov thản nhiên cầm tờ báo coi như coi tin thời sự và lật qua trang sau coi tin Thể thao! Lần khác có mặt một nhân viên cao cấp trong Cơ quan hồi trước làm dưới quyền hắn, Abakumov có ý kiến:
"Tại sao anh chấp nhận cho bên Công tố lãnh điều tra vụ Beria kìa? Phải cho qua KGB chớ". [17]
Dù nằm khám rồi nhưng sếp mập vẫn có ý thắc mắc những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp Cơ quan mà. Sau đó Abakumov hỏi:
"Anh có tin rằng họ dám đưa tôi, một Bộ trưởng Nội an, ra Toà xử đàng hoàng không?"
Nghe thuộc cấp cũ trả lời: "Tôi tin cậy" thì ông cựu sếp sòng Mật vụ cay đắng kết luận:
"Vậy hả? Nếu vậy thì anh chuẩn bị đi. Cơ quan hết thời rồi. Dẹp bỏ là vừa!"
Chưa hẳn Abakumov luyến tiếc Cơ quan nhưng sự thực thì nằm trong lao Lubyanka hắn không hề sợ bị đưa ra Toà xử. Chỉ sợ bị thủ tiêu ngầm, bằng cách đầu độc chẳng hạn. (Vậy mới là sếp Mật vụ đúng truyền thống!). Do đó cơm nhà lao là Abakumov không đụng đến. Hắn chỉ chịu một món: đó là mấy hột gà tự tay mua ở câu lạc bộ (dù sao hắn cũng còn lạc hậu, cho rằng không thể "hạ độc" vào trứng).
Abakumov còn ngược đời ở chỗ thư viện nhà lao Lubyanka đầy nhóc sách nhưng hắn chỉ mượn đọc tác phẩm của Stalin là người ra lệnh tống giam hắn vô tù! Khoái trình diễn vậy thôi chớ hắn đâu chịu tư tưởng của Lãnh tụ, cũng như đâu có tin bọn đàn em, đệ tử ruột của Stalin sẽ lên cầm quyền [18] .
Có dạo người ta hỏi nhau: "Abakumov bị câu lưu nằm Lubyanka cả hai năm rồi, tại sao chưa được phóng thích? Đồng ý là nếu xét về tội ác thì hắn tội cao lút đầu, đẫm máu tanh hôi thật. Nhưng đâu phải một mình hắn nhúng tay vào tội ác. Còn bao nhiêu kẻ khác và họ cũng được trả tự do, an thân rồi mà.
Nói vậy cũng đúng. Nhưng một hồi có tin đồn Abakumov nặng nợ vì một món "ân oán giang hồ". Hồi còn là điều tra viên chính hắn đã "thẩm vấn" nàng Lyuba Sedykh người bị gửi tới Tiểu đoàn trừng giới. Có lẽ Abakumov xuống tay hơi nặng nên Lyuba thành bệnh bỏ mạng luôn, khiến con trai lớn của Khruschhev đâm goá vợ. Đó là lý do bị Stalin tống giam mà Abakumov không được chế độ mới phóng thích. Lại bị truy tố ra Toà Leningrad, phiên toà đặt dưới quyền của ông Chánh thẩm Kruschhev nên bị tuyên án tử hình và bị xử bắn ngày 18 tháng 12 năm 1954. Thế là rồi đời Abakumov nhưng ít nhất hắn cũng không phải thất vọng. Cơ quan không hết thời, dẹp bỏ mà vẫn tồn tại.
*
"Họ từ đâu ra, họ có cùng gốc rễ, máu huyết với chúng ta chăng mà họ ghê gớm thế? Dĩ nhiên là cùng vì tục ngữ chẳng có câu "Ăn mày là ai? Ăn mày là ta" sao? Biết đâu chừng hoàn cảnh đẩy đưa chính anh cũng có thể là một Mật vụ mũ xanh, làm đúng những công việc họ làm vậy chớ.
Riêng tôi thì đang theo học năm thứ ba Đại học – và mùa thu năm 1938 – có chân trong Đoàn Thanh niên Cộng sản, tôi đã được kêu lên trụ sở Quận đoàn hai lần cùng với mấy thằng bạn. Chẳng cần hỏi ý kiến trước, người ta đưa cho tụi tôi một lá đơn, chỉ việc điền vô chỗ trống. Đại khái mấy chú khá Toán, Lý, Hoá, tại sao không làm đơn vô trường Huấn luyện NKVD sau này ra trường có phải hữu dụng cho tổ quốc không?
(Bao giờ chẳng… Tổ quốc cần đến anh. Sẽ có người nhân danh Tổ quốc yêu cầu anh làm, đúng nhu cầu của Tổ quốc!)
Năm trước Quận đoàn cũng đã hô hào chúng tôi đăng vô Không quân. Có ai đang học muốn bỏ dở, chúng tôi đâu đã muốn khoác áo lính. Nhưng lần này chúng tôi né kỹ. Hai mươi lăm năm sau dĩ nhiên chúng tôi có thể nói hồi đó đã thừa biết nghề Mật vụ bắt người, đánh người nên chê không thèm vô. Nhưng không phải vậy. Họ bắt người toàn ban đêm, ban ngày bọn trẻ chúng tôi vẫn sắp hàng đi ca hát vô tư mà. Làm sao biết nổi, mà biết để làm gì? Trọn Ủy ban Tỉnh bị đẩy đi thật nhưng vụ đó có liên quan gì tới chúng tôi? Hai ba giáo sư bị bắt thật nhưng chúng tôi xót thương gì? Không chừng cuối năm thi còn dễ hơn! Lớp tuổi chúng tôi ra đời cùng với Cách mạng, là con đẻ của Cách mạng… tương lai tràn trề quá mà!
Sự thực là ngay từ hồi đó, chẳng lý luận mổ xẻ chúng tôi cũng tự nhiên không chịu vô trường đào tạo Mật vụ mũ xanh.
…
Mặc dù học xong Đại học ra ngon nhất cũng chỉ vớ được một chân giáo học trường quê ăn lương chết đói, mà vô trường NKVD là lương gấp ba, có phụ cấp khẩu phần đặc biệt. Vậy mà chúng tôi nhất định chê. Tại sao chê chưa biết hẳn và có biết cũng chẳng dám nói ra. Cảm giác ghê sợ, kinh tởm nghề Mật vụ không xuất phát từ óc mà từ con tim. Ai muốn nói gì chúng tôi cũng gật đầu nhận chịu hết nhưng trong lòng là cả một sự chối bỏ, thù ghét. Không có chúng chúng tôi không tham dự.
Nếp sống xã hội Nga vốn vậy. Bao nhiêu năm rồi có thể nói thẳng rằng người tử tế làm công chức ngành nào cũng được trừ ngành Mật thám là chẳng ai ham. Cả trăm năm, cả mấy trăm năm ý thức đó vẫn tiềm ẩn. Ngay từ thời luân lý, đạo đức còn có giá và thiện hay ác lương tâm còn phân biệt được.
Lớp tuổi chúng tôi cũng có vài thằng chịu vô trường NVKD. Giả thử ban Tuyển mộ ép phải vô thì có lẽ chúng tôi chẳng ai dám chê. Tôi cứ tưởng tượng nếu chiến tranh bùng nổ mà tôi đã đeo huy hiệu sĩ quan NKVD thì đời tôi rồi sẽ ra sao? Có thể tôi sẽ tự an ủi hồi đó quá mềm yếu, không đủ sức cưỡng lại đành phải theo nghề Mật vụ. Sau này bị tống vô khám, có dịp nằm nghiệm lại chính cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi đâm kinh hoàng.
Hồi đó tôi đang mê Toán nặng. Sinh viên đại học nhưng đi lính đâu có được Sinh viên Sĩ quan. Sáu tháng lính quèn, bụng đói mà lúc nào cũng phải nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh của những kẻ không đáng cho mình tuân lệnh. Rồi nửa năm liền bị hành hạ quần quật trong lớp Dự bị Sĩ quan. Không chịu nổi thì suốt đời làm lính chiến mới nghĩ tới đã rùng mình, nhưng rồi cũng được gắn lon, hai ngôi sao tí hon trên cầu vai. Rồi ba sao, bốn sao. Bao nhiêu gian nan, khổ cực quên phứt hết. Còn chút lòng ham mê tự do thuở sinh viên cũng mất luôn. Nhưng khốn nỗi đã nhà binh thì còn gì tự do? Đến đi cũng thích đi chung một đám diễn hành tập hợp quen quá mất rồi!
Tôi nhớ như in hồi mới ở trường Sĩ quan ra, tâm tánh biến đổi kỳ dị, chịu cuộc đời nhà binh ở chỗ cực kỳ giản dị, chẳng cần phải suy nghĩ. Thấy khoái cuộc đời trà trộn với tập thể, sống in như mọi người, nghĩa là sống ào ào với niềm sung sướng quên được nếp sống tế nhị của thời thơ ấu.
Thời gian ở quân trường lúc nào cũng đói, lúc nào cũng chỉ nhìn quanh để rình ăn và thằng nào xoay sở ăn đớp được nhiều là thằng ấy bảnh. Nhưng sợ nhất là rớt giữa chừng, không được ra trường là có chầu ra mặt trận Stalingrad. Có thể nói là chúng tôi bị hành hạ ở quân trường tới khốn khổ tối đa để sau này ra trường hành hạ lại những thằng khác. Chẳng bao giờ ngủ đẫy giấc vì đang ngủ rất có thể bị dựng dậy đi phạt, chạy phạt. Một thằng chùi giấy không sạch là cả tiểu đội chạy phạt đến ngất ngư. Còn phải tập hợp đứng nghiêm, chờ cho đến lúc nó đánh giày láng bóng.
Trong khi chờ đợi cái lon sĩ quan thì đi chúng tôi cũng phải tập đi như cọp, hô phải hô cho rõ to, rõ hách. Mới có lon sĩ quan trên cầu vai, vừa được một tháng điều động một pháo đội ở hậu phương tôi đã hành hạ lính dưới quyền một cách thản nhiên, ông Đại tá thanh tra gọi vô khiển trách còn dựa vào "kỷ luật nhà binh" để tự bào chữa. Xét cho cùng trong quân đội thì sự kiêu hãnh cũng tích lũy như lớp mỡ trong cơ thể con heo vậy.
Bằng không tôi đâu dám hò hét ra lệnh cho thuộc cấp, cấm hỏi đi hỏi lại. Lúc nào cũng tự đặt mình vào cấp trên, có quyền đè đầu người khác ở ngoài mặt trận là nơi thằng nào cũng có thể chết như nhau! Mình ngồi nhưng bắt lính đứng nghiêm, bắt bẻ chặn họng và… với những người đáng tuổi cha tuổi ông cũng cứ xưng hô láo xược, xách mé. Bằng không tôi đâu dám giữa lúc pháo kích ầm ầm bắt lính ra sửa hàng rào kẽm gai để thượng cấp khỏi khiển trách (để đến nỗi Binh nhì Andreyashin phải trúng miểng đạn chết). Tôi vẫn thản nhiên ăn bánh mì xăng-uých phết bơ, coi khẩu phần sĩ quan phải vậy còn lính ăn uống những gì thây kệ. Lại còn chiếm riêng một thằng lính đầy tớ (gọi là "cần vụ" cho sang!) để trăm việc sai phái trút lên đầu nó, kể cả việc bắt nấu ăn riêng cho khác đồ ăn của lính. Vậy là hơn cán bộ NKVD rồi. Thẩm vấn viên ở Lubyanka đâu có cần vụ hầu hạ.
Bằng không tôi đâu dám bắt lính trần lưng đào hố cá nhân cho mình mỗi lần hạ trại. Hầm núp sĩ quan phải rộng rãi, nóc hầm phải thật kiên cố! Khốn nạn, có một pháo đội mà cũng bắt lính đào một hầm phạt ngay cả lúc đóng quân giữa rừng. Không đến nỗi tàn tệ như những giếng cạn nhốt người ở trại Gorokhovets vì dầu sao thằng lính thọ phạt còn có một cái áo che đỡ và còn một khẩu phần ăn của lính. Binh nhì Vyushkov đã bị phạt hầm chỉ vì tội để lạc mất con ngựa, Binh nhì Popkov vì tôi xài súng các-bin ẩu. Làm sao quên nổi?
Tôi còn bắt lính khâu cho mình chiếc bao da (tịch thu xe giặc, lấy bao ghế làm thì quá dễ!) để đựng bản đồ, nhưng vẫn lấy làm đau khổ chỉ vì còn thiếu quai đeo: Tiện có chú Ủy viên Du kích Ủy ban Quận đi ngang có đúng cái quai da tôi đang cần, lính của tôi bèn tịch thu liền. Nhà binh phải có quyền ưu tiên chớ. (Đại khái cũng giống như ông Sĩ quan An ninh Senchenko vậy!). Hắn còn cái hộp thuốc màu đỏ, lính của tôi cũng "mượn" cho ông Sĩ quan chỉ huy xài).
Có cái lon trên vai là có quyền hơn người vậy đó! Những lời khuyên "chớ tham của người" của mẹ già ngày nào cũng như lý tưởng bình quyền của chú Thanh niên Tiền Phong không còn nữa. Đúng vào lúc đó thì xảy ra vụ lột lon, giật huy chương. Thắt lưng cũng tịch thu. Chừng bị hộ tống lên xe hơi nhét vô phòng giam Quân đoàn thì tôi là hiện thân của chán chường, tả tơi. Binh sĩ dưới quyền thấy cảnh tượng này thì tôi chịu sao nổi?
*
Nhắc lại hồi tôi bị bắt thì theo thông lệ phạm nhân phải được áp giải từ Ban Phản gián Quân đoàn lên Phòng Phản gián Mặt trận, nghĩa là chúng tôi phải đi chân từ Osterode tới Brodnica.
Lúc ở xà lim chui ra tôi đã thấy có 7 mạng chia làm 3 cặp rưỡi đứng quay lưng lại. Sáu đứa mặc áo lạnh cũ mèm của Bộ binh, phía lưng mờ mờ hai chữ S.U lớn – có nghĩa quốc tịch Nga. Tôi từng thấy nhiều binh sĩ mặc áo này, những đứa gốc Hồng quân bị Đức bắt làm tù binh và được quân ta "giải phóng". Chao ôi được giải phóng mà mặt đứa nào đứa nấy buồn so vì "quân ta" đối xử lạnh nhạt còn hơn địch. Qua khỏi chiến tuyến là tù binh lại vô trại giam lần nữa!
Đứng lẻ loi ở hàng dưới là một gã Đức thường dân cỡ 50 tuổi, mặt trắng trẻo dáng dấp sang trọng. Đi tù mà hắn còn đóng nguyên bộ com-lê đen, áo khoác ngoài đen, mũ cũng đen. Dĩ nhiên tôi phải tới bên một thằng để ráp vào thành cặp thứ tư. Trưởng ban áp giải là gã trung sĩ người Tatar đưa tay ra hiệu cho tôi xách va-li lên, chiếc va-li đựng đủ thứ đồ và đầy giấy tờ bản thảo.
Tôi nhăn mặt. Sĩ quan mà phải tự vác lấy va-li, do một thằng Trung sĩ chỉ định, vượt mọi nguyên tắc thủ tục. Sĩ quan mà vác đồ nặng để 6 thằng lính quèn kia đi tay không? Lại còn thằng Đức, thằng tù của một nước chiến bại cũng đi tay không nữa? Tôi xét thấy chẳng cần giải thích nhiều nên chỉ nói vắn tắt với Trung sĩ tưởng toán:
"Tôi là sĩ quan. Va-li biểu thằng Đức này mang…"
Nghe tôi nói cả đám vẫn lặng thinh. Sự thực họ đâu có quay cổ lại. Chỉ có thằng S.U. lẻ đi cạnh tôi trợn mắt ngạc nhiên nhưng gã Trung sĩ hiểu liền. Tôi không phải sĩ quan của hắn nhưng vẫn là sĩ quan mà thủ tục nhà binh hắn thấm nhuần cũng như tôi nên hắn gọi ngay thằng Đức bắt vác va-li cho tôi.
Cả bọn lên đường, tay chắp sau lưng. Sáu thằng S.U đều đi tay không. Lúc ra trận thế nào thì khi trở về cũng chỉ có vậy. Tám thằng chia ra bốn cặp nối đuôi nhau lầm lũi đi, triệt để cấm nói chuyện… dù đang đi, nghỉ chân hay ở qua đêm. Đi đường cũng không được đi dính vào nhau, tiếng đi cùng một toán nhưng vẫn không phải riêng rẽ từng thằng, làm như phải vác theo luôn một cát-xô vô hình vậy.
Thời tiết đầu mùa xuân thay đổi bất tử. Lúc thì sương sa nặng hạt, đi trên đường cái sình lầy phát bực bội. Lúc thì mặt trời hé ra được một khoảng tuy nắng chiếu yếu ớt cũng đủ đánh tan lớp sương, soi rõ cảnh vật bên đường mà chúng tôi sắp phải giã từ. Có lúc mây đen kéo tới, những cơn gió lạnh ướt thổi tạt từng mảnh tuyết vào mặt vào lưng chúng tôi rát rạt, mặc áo lạnh giày bốt mà cũng ướt sũng nước.
Trước mặt tôi là sáu cái lưng, lúc nào cũng chỉ thấy lưng. Khoảng cách đều đặn, vừa đi vừa tha hồ ngắm nghía những chữ S.U. vụng về loang lổ khác hẳn cái lưng đen bóng của thằng tù Đức. Nhịp đi chầm chậm, tôi thừa thì giờ suy ngẫm chuyện quá khứ, hiện tại. Nhưng đầu óc tôi mù mờ sau cú búa bổ đột ngột. Có nghĩ ngợi được gì.
Sáu cái lưng vẫn âm thầm, nhẫn nhục tiến tới. Thằng tù Đức xách va-li nãy giờ coi bộ thấm mệt. Đổi tay hoài, hắn còn ôm ngực, lắc đầu ra điều nặng quá, mang không nổi nữa. Gã S.U. đi bên cạnh vội tình nguyện đưa tay ra vác giùm một lúc (dù mới đây chính hắn còn là tù binh của Đức). Sau đó chiếc va-li được âm thầm chuyền tay mấy thằng S.U. kia, mỗi thằng vác một khoảng. Rồi đến lượt thằng Đức trở lại. Tất cả tình nguyện vác, trừ tôi. Chẳng ai buồn nói với tôi một tiếng!
Giữa đường gặp một đoàn xe bò, toàn xe không. Thấy cảnh áp giải tù, mấy thằng đánh xe bèn đứng lên nhìn cho rõ. Tôi bỗng khó chịu vì bao nhiêu cặp mắt bỗng hướng về phía tôi, ngạo nghễ và trêu chọc cái điệu: "Ô hay, sĩ quan mà cũng tù hả? Vậy cho đáng đời!". Gốc sĩ quan của tôi thì rành rành ở bộ quân phục mới, quần áo cắt vừa vặn, cầu vai cũng còn y nguyên, mấy hàng nút mạ vàng rẻ tiền chiếu lấp lánh. Nội những ánh mắt soi mói, tách rời tôi ra khỏi nhóm cũng đủ biểu lộ họ đang nghĩ gì. "Phải vậy mới công bằng, cho nó nếm mùi tù tội", chớ không lẽ bắt tội mấy thằng lính? Thấy thằng sĩ quan là tôi cũng đi tù lẫn lộn cùng đám lính làm như họ hả hê lắm. Biết đâu chừng Đại đội trưởng của họ rồi cũng có phen "xuống chân" như thế này.
Ngay lúc đó tôi có cảm giác bị họ liệt về phe địch. Phải là gián điệp, phá hoại! Cho nên có thằng hét lên:
"A, lại một thằng Vlasov phản động! Còn chạy đâu nữa. Bắn bỏ cho rồi!"
Một hai đứa dám chửi là cả bọn nhau nhau hướng về phía tôi tuôn ra những lời chửi bới thô bỉ, tục tĩu nhất. Họ chửi hăng lắm, coi bộ yêu nước lắm (thì ở hậu phương bao giờ chẳng vậy!). Họ nghiễm nhiên liệt tôi vào hàng điệp viên đế quốc bị lột mặt nạ nên bị bắt sớm ngày nào quân ta có thể tiến nhanh ngày ấy, không chừng chiến tranh mau chấm dứt hơn cũng nên.
Khốn nạn bị áp giải đi trong đoàn tù, tôi đâu có quyền lên tiếng giải thích hay cãi lại? Tôi có cách nào cho họ biết tôi không phản bội, không phải điệp viên phá hoại? Tôi là bạn họ, vì họ mà tôi phải chịu cảnh này! Không nói được thì tôi cố mỉm cười với họ, cười thông cảm thân thiện vậy. Nhưng thằng tù đang bị áp giải là tôi vừa nhe răng ra cười thì họ còn bực bội hơn nhiều. "Mày còn dám cười hả?". Bao nhiêu cánh tay đưa lên dậm doạ, bao nhiêu câu chửi tàn tệ, lại hướng cả về tôi.
Lúc bấy giờ quả tình tôi cười kiêu hãnh. Tôi đâu phải bị họ bắt vì tội trộm, vì phản bội hay đào ngũ? Không, tôi đã âm thầm lý luận, tôi đã tìm ra nhược điểm tệ hại của Stalin. Tôi cười vì thực tâm nghĩ rằng bề nào cũng còn có thể đóng góp được phần nào trong việc cải sửa lại nếp sống của đất nước này.
Tôi nghĩ vậy, nhưng chiếc va-li của tôi thì vẫn để cho người khác mang: Tôi không hề cảm thấy làm vậy là vô lý. Cho dù thằng bạn tôi đang đi cạnh tôi – mắt trõm sâu đau khổ, râu đâm tua tủa – có dùng thứ ngôn ngữ sáng sủa nhất để bảo thẳng vào mặt tôi rằng thân phận thằng tù mà có cái va-li còn bắt người khác mang là bậy… là lên mặt làm cao, làm bộ ta đây cũng được. Thây kệ nó. Tôi không cần biết. Tôi là sĩ quan mà.
Giả dụ 8 đứa cùng đi bữa đó có 7 thằng phải chết, chỉ 1 thằng được sống chắc chắn tôi sẽ la lớn lên không ngần ngại:
"Trung sĩ! Để tôi sống. Tôi là sĩ quan mà!"
Ấy đấy, sĩ quan tác chiến còn vậy. Giả thử có hai cầu vai xanh Sĩ quan An ninh, người của Cơ quan thì còn tới cỡ nào?
Phải biết người của Cơ quan tất nhiên phải được nhồi sọ rằng cũng là Sĩ quan nhưng Sĩ quan Mũ xanh phải hơn hẳn, là thành phần ưu tú nhất nên hiểu biết nhiều hơn, trách nhiệm nặng hơn. Do đó có tra tấn người cũng chỉ để chu toàn trách nhiệm.
Tôi thành thực nghĩ nếu được đào tạo ở NKVD ra chắc tôi cũng không khác gì họ. Vô Cơ quan dưới thời Yerzhov chắc chắn tôi sẽ thành cán bộ đắc lực dưới thời Beria! (Vì thế độc giả nào còn nghĩ rằng QUẦN ĐẢO NGỤC TÙ rõ ràng có lập trường chính trị nhằm tác dụng chính trị hãy gấp sách lại giùm).
Chuyện đời đâu có giản dị vậy. Đâu phải có một lớp ác nhân chuyên làm ác, mình chỉ việc tách rời chúng ra để tận diệt chúng là xong chuyện.
Con đường phân ranh giữa thiện và ác, trái và phải, chao ôi lại nằm đúng con tim của chúng ta. Đụng đến quả là đau đớn! Con đường đó đâu chịu đứng y chỗ. Nó có thể bị sự tàn ác chen lấn, ép hẳn sang một bên mà cũng có thể tự nó chạy nép sang bên nhường chỗ cho thánh thiện nảy mầm. Con người ta biến dạng thành người khác hẳn là thường. Chỉ vì thời gian, hoàn cảnh mà con người có thể cực xấu hay cực tốt. Xấu tốt lại có thể lẫn lộn, dù con người vẫn mang cùng một tên.
Nếu Socrate từng khuyên: "Chính anh hãy tự biết mình anh", thì tục ngữ Nga cũng có câu: "Từ thiện sang ác chỉ nhấp nháy", nên ta có thể hiểu hiểu ngược lại: "Từ ác sang thiện cũng vậy".
Còn nhớ sau khi lòi ra những chuyện bê bối ở Cơ quan cũng phải có người này, người khác. NKVD hay KGB thiếu gì người tốt.
Đúng thế, nếu chữ tốt ở đây hiểu theo nghĩa có đồng chí bị bắt dám lén rỉ tai: "Ráng vững lập trường", rồi tiếp tế cho ít mẩu bánh mì nhưng sau đó sẵn sàng chà đạp lên những miếng bánh mì khác. Còn tốt hiểu theo nghĩa thông thường, nhân đạo thì không hiểu Cơ quan có người tốt thiệt chăng?
Sự thực là KHÔNG. Người tốt, người lành là Cơ quan chê trước, gạt bỏ ngay từ lúc tuyển mộ. Thiếu gì người được chiếu cố cũng tìm đủ mọi cách vùng thoát. [19] Đã lỡ vô Cơ quan ăn lương thì chỉ có hai cách: một là tự thích ứng với hoàn cảnh, hai là chờ Sở cho thôi việc hoặc tống vào tù. Như vậy lấy đâu ra người tốt? Vậy mà vẫn có.
Như gã Trung úy trẻ dám rỉ tai linh mục Viktor Shipovalnikov một tháng trước: "Trốn đi. Họ sắp bắt cha đó". Cha Viktor không chịu trốn và bị bắt thật. Hắn lại được cử tới canh chừng và vò đầu bứt tai: "Sao cha không trốn đi cho rồi?".
Ngược lại là trường hợp biến tính của Ovsyannikov, một Trung úy Trung đội trưởng thân cận nhất của tôi ở đơn vị, từng "ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu" nhiều phen. Địch pháo như mưa tụi tôi cũng cứ húp súp sì sụp chỉ sợ nguội. Theo tôi vốn gốc nông dân thuần túy, Ovsyannikov là con người bộc trực, thẳng thắn mà quân trường hay đời sống nhà binh không làm hư hỏng nổi. Hắn thương lính đến độ lo bảo vệ sinh mạng tối đa mà còn lo luôn sức khoẻ cho mấy bác lính già kia mà.
Nhiều lần thấy tôi bất mãn, hắn an ủi bằng những mẩu chuyện thiết thực "thấy sao nói vậy" về đời sống miền quê, về nông trại. Nghe tôi bị bắt hắn rất buồn bực, viết báo cáo đề cao thành tích chiến trường của tôi, đưa lên Tư lệnh Sư đoàn ký đàng hoàng. Giải ngũ ra hắn lui tới hỏi thăm giúp đỡ gia đình tôi… dù năm 1947 là năm dữ không thua gì 1937. Thời gian bị thẩm vấn tôi cứ nơm nợp sợ hắn bị liên lụy vì có tên trong tập Nhật ký chiến trường.
Ở trại Cải tạo ra năm 1957 là tôi để ý tìm Ovsyannikov. Thư từ thăm hỏi nhiều lần mới được Trường Sư phạm Yuroslav cho tin hắn được đổi sang Bộ Nội An! Người như hắn Cán bộ Cơ quan sao? Hồi tôi xuất bản cuốn Ivan Denisovich cũng chẳng có tin, chẳng thể gặp mặt (Điều tra viên cần gì phải biết đời sống của một thằng tù!).
Mãi sau này nhờ người đưa thư tận tay, tôi mới nhận được vài hàng chữ của cố nhân Ovayannikov đại khái:
"… Ở Trường Sư phạm tôi được chuyển về Cơ quan và tôi nghĩ cứ lo công tác đắc lực thế nào cũng được cấp trên biết đến cất nhắc lên. Đồng ý là cũng còn vài chuyện bất như ý nhưng nói chung ở đây có điều kiện thăng tiến, có tình đồng chí. Khỏi bận tâm nghĩ ngợi về tương lai".
Thì ra ông Trung úy gốc nông dân chất phác, bộc trực đã biến hình biến tính hẳn sau khi trở thành cán bộ Cơ quan Ovsyannikov. Những năm cuối thời Stalin hắn đã cộng tác đắc lực nhằm thăng tiến nghề nghiệp bằng cách phạm nhân nào lọt vào tay hắn là lãnh án tối đa, 25 năm đi đày trại Cải tạo! Ai ngờ con người có thể biến đổi toàn vẹn, ghê gớm cỡ đó?
[1]Sự dễ dãi trong việc thẩm vấn, cung khai hồi đó (cũng như vụ Bukharin nhiều năm sau) có lẽ nguyên do vì thẩm vấn viên cũng như bị can đều cùng giai cấp, đồng đẳng về phương diện xã hội. Người có bổn phận thẩm vấn thì người khai cung cũng mau mắn, thực lòng để cùng hoàn thành cung từ tốt đẹp.
[2]Trong nhóm Ulyanov có một người tên Andreyuskin nhè viết thư cho một người bạn ở Khrakov, nguyên văn như sau: “Tôi vững tin rằng chúng tôi sẽ cho mọi người thấy một sự khủng bố ghê gớm nhất, trong một ngày gần đây thôi. Khủng bố Đỏ là nghề tay trái của tôi… Hiện tôi đang lo cho một thằng bạn. Nếu nó bị thì tôi cũng có thể bị vậy và quả là tai hoạ vì tôi sẽ kéo vô theo cả đám đang làm rất đắc lực…”. Không phải đây là lần đầu một lá thư hớ hênh như vậy bị tiết lộ. Vậy mà Mật vụ Nga hoàng ở Kharlov cũng phải mất 5 tuần lễ điều tra coi thằng nào ở Petersburg là tác giả lá thư trên. Mãi đến ngày 18 tháng 2 mới dò ra Andeyushkin thì ngày 1 tháng 3 Mật vụ Petersburg bắt dính tại trận mấy kẻ khủng bố đang vác bom đi trên đại lộ Ncasky Prospekt, toan tới địa điểm, mưu sát Nga hoàng Alexander Đệ Tam.
[3]Một gã bạn học chút xíu nữa kẹt chỉ vì chúng tôi vô tình nhắc đến tên hắn trong thư. Được biết hắn không bị, tôi thành thực mừng quá! Nào ngờ 22 năm sau, ông bạn quý gởi thư trách móc, phê phán mấy cuốn sách của tôi, cho rằng tôi sáng tác một chiều như vậy rõ ràng là bù nhìn phản động của phe Tây phương. Hắn nhấn mạnh nếu đọc những sáng tác của tôi, chính Lênin mà tôi vẫn ngưỡng mộ và cả Marx lẫn Angels nữa cũng sẽ lên án tôi thẳng tay. Sự thực tôi không buồn vì những lời chỉ trích của ông bạn mà chỉ tiếc rằng 22 năm trước hắn không có dịp vô, bằng không tư tưởng hắn sẽ đổi khác.
[4]Đó là một sự thật muốn cãi cũng không nổi. Từ thời gian, phương pháp đều in hệt nhau. Những ai từng nếm mùi điều tra của cả Gestapo lẫn KGB đều biết quá rành rẽ. Còn ai bằng Yevgeny Ivnovich Divnich, giáo sĩ Chính thống giáo? Người từng bị Gestapo tra tấn vì hoạt động Cộng sản trong hàng ngũ công nhân Nga ở Đức và KGB điều tra vì liên lạc với tư bản quốc tế. Xét về nghề nghiệp thì Gestapo còn khai thác Divnich để phăng ra sự thực và không tìm ra bằng chứng đương sự còn được thả ra. Với KGB thì sự thực không cần thiết và bắt được người nào cũng không có vấn đề thả.
[5]Chú thích của Solzhenitsyn: “Thuyết phục” đây có nghĩa lịch sự. Cần phải thêm vô: “Thuyết phục bằng… đòn”, nghĩa là tra tấn.
[6]Trong hàng ngũ cộng sản thì nhóm Leningrad không có nghĩa là nhóm đệ tử của Lênin mà dơn giản chỉ là những tay nhiều tuổi Đảng.
[7]Như Volkopalyov, một điều tra viên dữ dằn gốc Nam Tư thình lình được đổi qua Moldavia làm Công cán Ủy viên đặc trách Tôn giáo vụ.
[8]Đó là trường hợp ông Viktor Nicolaiyevich Ilin đang mang quân hàm Đại tướng trong Bộ Nội An bỗng biến hình thành Bí thư Hội Nhà văn Liên Xô.
[9]Theo hồi ký của Ivnov Razumnik thì phạm nhân Vasilyev đã được thưởng thức mục này.
[10]Như điều tra viên Polahiko, Ty Nội An Kemerovo đã từng biểu diễn.
[11]Lâu nay tôi tính viết một câu chuyện tựa đề “Người vợ hư” nhưng chưa kịp cho ra bỗng đâu có một chuyện thực xảy ra ở ngoài đời nên xét ra khỏi cần viết. Chuyện xảy ra ở một căn cứ phi trường Viễn Đông trước khi bùng nổ chiến cuộc Triều Tiên. Có ông Trung tá đi công tác về hay tin vợ đau nằm nhà thương. Lật đật vô thăm thì ông bác sĩ cho hay bà Trung tá bị hư hỏng bộ phận kín vì những trò ngược đời. Dĩ nhiên không phải do mình làm nên. Ông Trung tá gạn hỏi mãi thì được biết thủ phạm vụ “hành hạ” là ông Trung úy An ninh trong đơn vị, với sự cộng tác phần nào của nạn nhân. Giận quá ông Trung tá vác súng đến tận buya-rô gã Trung úy tính nổ…, nhưng sau đó người lủi thủi ra về như mèo cắt tai. Thì ra ông chồng bị doạ cho đi đày chung thân, ở một chỗ dữ nhất nên đành phải đầu hàng, vui nhận lãnh bà vợ hư hỏng nặng mà bệnh viện chữa không nổi về nhà làm vợ làm chồng y như cũ, không có chuyện gì xảy ra, không được ly dị, không dám kêu ca chỉ sợ ông Trung úy báo cáo một phát là chết rục xương trong tù. Chuyện này do gã tài xế tin cẩn của ông Trung úy An ninh kể lại.
Những vụ cưỡng đoạt ái tình của nhân viên Cơ quan đâu có ít. Nhiều người biết nhất là vụ ông sĩ quan có thế lực ở Bộ Nội An năm 1944 ép buộc cô con gái ông Tướng Bộ binh phải lấy đương sự bằng không thì ông Tướng đi tù. Cô gái có vị hôn phu rồi đành phải chấp nhận làm bà Sĩ quan An ninh vì quá thương cha, nàng ghi từng ngày từng giờ nhật ký về cuộc hôn nhân cưỡng ép ngắn ngủi. Ít lâu sau nàng tìm cách trao cuốn nhật ký cho tình quân rồi tự hủy mình.
[12]Vụ nhặt nhạnh đồ này không ngờ có hậu quả trầm trọng. Năm 1954 sau khi đi đày về với một bản án tử hình được ân xá, chính nạn nhân Strakhovich muốn quên hết, tha thứ hết nên khuyên can hết lời nhưng bà vợ quá uất ức nhất định đầu đơn tố cáo Kruzhkov. Vì đây chẳng phải lần đầu tiên ông điều tra viên làm ẩu, vả lại người còn dám đụng chạm tới vật mà CƠ QUAN đã niêm phong, tịch thu nên Kruzkov bị lãnh án tối đa 25 năm. Tuy nhiên không hiểu đương sự có phải ở đủ án không?
[13]Xin nhắc rõ đây là ông Đại úy Sazenko chứ không phải ông Sayenko thợ mộc, nhân viên Cheka khoảng 1918-1919 nổi tiếng vùng Kharkov về kỹ thuật hạ sát tù nhân bằng nhiều kiểu: kê súng sát mang tay lảy cò, lấy kiếm đục lỗ, bẽ gãy ống quyển, lấy quả tạ đập bẹp đầu, nung sắt đỏ đánh dấu. Có thể hai người có họ.
[14]Vụ Cán bộ hy sinh vợ để tiến thân này chỉ là một trong cả ngàn vụ tương tự.
[15]Theo ý Ryumin đã phản thầy từ lâu… chớ chẳng đợi tới lúc vô Điện Cẩm Linh triều kiến Stalin. Trước đó trò đã âm thầm tách rời thầy và thầy trò bất đồng ý kiến về hồ sơ Etinger thì trò nghiễm nhiên thủ tiêu luôn nhân chứng. Biết đâu chừng Stalin đã sắp đặt vụ này từ trước để bật đèn xanh cho Ryumin hành động?
[16]Theo ý tôi Abakumov nói đúng. Kể về đại cương thì Terekhov là con người can đảm, nhiều thiện chí và nghị lực. Phải vậy mới đủ tư cách chấp cung đám đệ tử ruột của Stalin giữa thời buổi khó khăn đó. Nếu hồi đó Krushehev định “sửa sai” thật là làm tốt chế độ tận tình thì Terekhov chắc chắn làm được việc và có thể làm được một cái gì để đời sau ghi nhớ. Nhưng nước Nga vốn thiếu những lãnh tụ có thể làm nên lịch sử.
[17]Tiện đây người dịch xin chú giải về một số danh xưng chỉ để chỉ định cơ quan Mật vụ Nga mà nhiều người ưa dùng lầm. Xin nói rõ là Mật vụ Nga thì thời nào cũng có, chỉ có khác tên. Vậy theo thứ tự thời gian thì thời nào cũng có, chỉ có khác tên. Vậy theo thứ tự thời gian thì ít ra ta cũng bắt gặp ngần nay tên thông dụng:
1881-1917: OKHRANA tức Mật vụ thời Nga hoàng, viết tắt thay cho Bộ Bảo vệ An ninh Trật tự Công cộng.
1917-1952: CHEKA, tên nguyên thủy của Mật vụ Nga sau ngày Cách mạng tháng Mười. Danh từ Cheka cho đến bây giờ vẫn còn được dân nhà nghề chịu xài.
1922: GPU viết tắt thay cho chính trị sự vụ Nhà nước. Dù chính thức đổi tên khác nhưng GPU vẫn được xài ít lâu sau.
1922-1934: OGPU là thối thân của GPU, thay cho Chính trị Sự vụ Nhà nước Liên bang.
1934-1944: NKVD thay cho Phủ Đặc ủy Nội vụ, cơ quan nhiều quyền hành trước và trong thời Thế chiến II.
1943-1946: NKGB thay cho Phủ Đặc ủy Nội an.
1946-1953: KGB thay cho Bộ Nội An (từ Phủ nâng lên Bộ).
1953: MVD thay cho Bộ Nội vụ. Danh xưng này chỉ xài ít lâu, ít phổ biến.
1953-1974: KGB viết tắt thay cho Ủy ban An ninh Nhà nước. Cho đến bây giờ vẫn thông dụng để chỉ định Cơ quan Trung ương chuyên trách Mật vụ, An ninh, gián điệp. Còn có những ban đặc biệt thống thuộc như SMERSH (phản gián). OSB (An ninh Quân đội).
[18]Abakumov còn khoái một trò khác người nữa là hồi còn quyền thế, hắn ưa mặc thường phục, bắt một mình xếp cận vệ Kuznetsov đi theo để hai thầy trò “vi hành” dạo chơi ở các ngả đường Mạc Tư Khoa. Hắn đi tùm lum cùng khắp và thấy kẻ khó còn móc túi lấy tiền bố thí (dĩ nhiên là trích quỹ mật phí của Cơ quan!). Phải chăng Abakumov thuộc lớp người cổ, còn tin rằng “bố thí chút đỉnh để gõ phần nào tội nghiệt”?
[19]Hồi Thế chiến II một sĩ quan KQ gốc Leningrad vừa nằm quân y viện Ryazan vội chạy tới Viện Bài lao năn nỉ: “Làm ơn tìm cho ra một ca đau phổi giùm tôi gặp. Tôi sắp bị đề nghị sang Cơ quan công tác!”
===
No comments:
Post a Comment