====
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Quần đảo ngục tù
Ngọc Thứ Lang, Ngọc Tú dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
11. Bản án tử hình
Ở ngay bản án tử hình có lúc thịnh lúc suy. Dưới thời Nga hoàng Aleksei Mikhailovich Romanov, Bộ Hình Luật ghi rõ 50 tội danh có thể lãnh án tối đa. Thời Peter Đại đế có luật quân sự, số tội danh tăng lên 200. Nữ hoàng Elizabeth không hủy bỏ những đạo luật cho phép xử tử hình nhưng không hề sử dụng đến. Tục truyền lúc mới lên ngôi bà đã lập lời nguyền không bao giờ tuyên án tử hình. Hai mươi năm trên ngôi báu, bà vẫn giữ vẹn lời thề, kể cả 7 năm chinh chiến. Giữa thế kỷ XVIII, 50 năm nữa mới có máy chém thì đó quả là một kỳ tích!
Tuy nhiên chúng ta quen hạ giá lịch sử, có bao giờ chịu ngợi khen, nhìn nhận điều gì tốt đẹp bao giờ? Chúng ta sẵn sàng chê Nữ hoàng Elizabeth, tiếng là bỏ án tử hình nhưng thay vào đó biết bao nhiêu cách trừng phạt: nào phạt roi phạt trượng, cắt mũi xẻo tai, thích chữ vào mặt, lưu đày chung thân sang Tây Bá Lợi Á. Nhưng thử hỏi dưới chế độ xã hội ấy bà có thể làm gì hơn được? Hiển nhiên một thằng bị án tử hình bây giờ sẽ coi như được sống lại sẵn sàng đánh đổi tất cả ngần ấy hình phạt miễn là được sống. Văn minh nhân tạo như chúng ta có cho phép họ chịu đòn, chịu đi đày thế mạng không? Không lẽ những hình phạt thời Elizabeth lại nặng hơn 20 năm (hay 10 năm) nằm trại Cải tạo?
Xét lại khi nhất quyết không cho thi hành án tử hình, Nữ hoàng Elizabeth đứng trên quan điểm hoàn toàn nhân đạo. Nhưng Nữ hoàng Catherine nghĩ khác. Làm sao bỏ án tử hình cho được? Bỏ đi là nguy hiểm cho bản thân, cho ngai vàng và cho cả chế độ! Bắt buộc phải duy trì bản án tối đa trong những vụ án chính trị, chẳng hạn như vụ khởi loạn Mạc Tư Khoa, vụ án Mirovich, vụ án Pugachev. Còn đối với những thứ tù tư pháp thì cần gì duy trì án tử hình!
Dưới triều đại Hoàng đế Paul không còn án tử hình. Dù chinh chiến nhiều phen song vẫn không có nạn mỗi đơn vị kèm theo một toà án binh. Suốt triều đại Alexander Đệ nhất án tử hình chỉ áp dụng riêng cho những tội phạm chiến tranh, giữa thời kỳ chiến tranh (1812) Dĩ nhiên không thể tránh khỏi những vụ thủ tiêu lén lút nhưng tuyệt đối không có vụ người truất quyền sống của người, trong những phiên họp gọi là Toà xử án công khai. Trong nửa thế kỷ liền – từ Pugachev đến vụ sĩ quan nổi loạn tháng 12 – nước Nga không có một bản án tử hình, kể cả những tội chống lại nhà nước.
Hình như máu của 5 kẻ phản loạn tháng 12 đổ ra đã làm nhà nước say mùi máu. Án tử hình không bỏ xó nữa, không cấm đoán, giới hạn nữa cho đến ngày Cách mạng tháng 2 năm 1917. Những bộ luật năm 1845 và 1904 đã xác nhận điều đó và sau này còn thêm các bộ Hình Luật của Lục quân, Hải quân.
Ở Nga có bao nhiêu người đã bị chính thức xử tử trong thời gian đó?
Ở chương 8, chúng ta đã có con số. Giờ đây phải thêm vô những con số đã được kiểm chứng của chuyên viên Hình Luật Tagantsev. Theo ông ta cho tới 1905 án tử hình ở Nga chỉ là một biện pháp đặc biệt. Trong khoảng 30 năm, tử 1876 đến 1904 trên toàn quốc chỉ có tổng cộng 486 người bị xử tử, trung bình mỗi năm 17 người. Đó là thời kỳ hoạt động Cách mạng và khủng bố của Narodnaya Volya phải mới rỉ tai dự định khủng bố! Đó là thời kỳ công nhân đình công tập thể và nông dân nổi loạn. Đó cũng là thời kỳ thành lập và củng cố, phát triển của các đảng phái làm cách mạng. Con số 486 người bị xử tử trong vòng 30 năm đó còn gồm luôn những tội phạm tư pháp. Mỗi năm xử tử đến 17 người! Đấy quả là một thành tích ghê gớm, nếu so với Thụy Sĩ, vì ở Schlusselburg từ 1884 tới 1906 chỉ có đúng 13 người bị xử tử hình.
Những năm đầu tiên của cuộc Cách mạng 1905, nhà nước thẳng tay đàn áp số người bị xử tử đã nhảy vọt kinh khủng. Dân Nga bàng hoàng, Tolstoi đổ lệ Korolenko và biết bao nhiêu người khác nghiến răng căm hờn. Từ 1905 qua 1908 mới có 4 năm mà nhà nước xử tử tới 2.200 người, trung bình 45 người một tháng. Chuyên viên Hình Luật Tagantsev phải mệnh danh thời kỳ dịch xử tử. Dịch chấm dứt đột ngột.
Chính phủ Cách mạng lâm thời lên cầm quyền là bãi bỏ án tử hình. Tháng 7 năm 1917 phải áp dụng lại trong quân lực chính quy và ở vùng tiền tuyến để trừng phạt những tội phạm có tính cách quân sự: giết người, cướp của, hiếp dâm. Dĩ nhiên phải hiểu tình hình tiền tuyến quá hỗn loạn, nhưng chính phủ lâm thời bị công kích dữ, bị mất lòng dân trầm trọng cũng vì lặp lại án tử hình, dù chỉ giới hạn. Bằng không phe Bôn-xê-vích đã chẳng tung ra khẩu hiệu cướp chính quyền: "Đả đảo án tử hình, đả đảo Kerensky lặp lại án tử hình!"
Lại nghe có phiên họp mặt ở điện Smolny tối 25 sang ngày 26 tháng 10 để bàn tính có nên ngay tức khắc ban hành Sắc luật thủ tiêu vĩnh viễn án tử hình hay không thì Lenin chê các đồng chí quá lý tưởng, thiếu thực tế. Chiều hướng xã hội nào chẳng phải duy trì án tử hình, thiếu nó là không được nhưng chính phủ là chính phủ liên hiệp với cánh tả Xã hội Cách mạng thì bọn họ có sai lầm thì Lenin cũng cứ chiều ý! Thế là ngày 28 tháng 10 năm 1917 án tử hình bị chính thức hủy bỏ. Cứ để vậy coi sao.
(Rồi có một trường hợp đặc biệt. Đầu năm 1918 Trotsky đưa ra Toà ông tân đô đốc chỉ huy Hạm đội Baltie Aleksei Schhatsny vì tội không tuân lệnh đánh chìm Hạm đội. Chánh thẩm Karklin la lối: "Tội này phải bắn bỏ, bắn trong vòng 24 giờ đồng hồ!" Cử toạ nhao nhao thì Chưởng lý Krylenko nghiễm nhiên giải thích: "Quý vị có gì thắc mắc nào? Đồng ý án tử hình hủy bỏ rồi. Nhưng bị cáo Schhatsny đâu có bản án tử hình? Hắn bị xử bắn mà". Kết quả là bị cáo bị bắn.)
Nếu căn cứ vào tài liệu chính thức thì tháng Sáu năm 1918 án tử hình đã được khôi phục toàn vẹn. Không phải tái lập mà là khởi đầu cả một kỷ nguyên mới cho những vụ xử tử! Trong tác phẩm vĩ đại của Latsis, nếu tác giả đã không đưa ra đủ con số chỉ vì thiếu tài liệu thì phải hiểu rằng Toà Cách mạng một mặt xử công khai, Cheka một mặt thủ tiêu ngầm. Kết quả là trong 20 tỉnh nội địa nước Nga, từ tháng Sáu 1918 đến tháng Mười 1919 tổng cộng khoảng 16 ngàn người đã bị xử bắn. Mỗi tháng trên một ngàn người!
(Trong số 16 ngàn người này đau khổ nhất là Khrustalev Nosar, vị Chủ tịch Xô Viết St. Petersburg từ 1905, một Xô Viết đầu tiên của Liên bang Xô Viết! Lại phải kể ông hoạ sĩ đã sáng chế ra bộ quân phục đặc biệt, chính thức của Hồng quân.)
Không phải chỉ bấy nhiêu bản án tử hình tuyên công khai hoặc thủ tiêu ngầm năm 1918 mà kỷ nguyên mới đã làm dân Nga rùng mình kinh hoảng. Đặc điểm kinh khủng nhất là những vụ cho chìm tàu, trôi sông cả loạt người một lúc, không phân biệt, không cần đếm đầu! Lối thủ tiêu tàn nhẫn này đã được nhiều nước áp dụng giữa thời chiến tranh và sau đó phe thắng thủ tiêu phe bại. Nó đã vượt ra khỏi giới hạn của Toà án và bản án tử hình. Nó đặt vấn đề lương tâm con người. Phải nói là nước Nga đã chứng kiến nhiều thời kỳ đổ máu, kể từ triều đại Ryurik trở đi, nhưng có thời kỳ nào giết người tàn nhẫn cho bằng sau thời kỳ Cách mạng tháng Mười, khởi đầu nội chiến?
Một đặc điểm không thể bỏ sót được khi nghiên cứu sự thịnh, suy của bản án tử hình ở Nga là Sắc lệnh hủy bỏ án tử hình vào tháng Giêng năm 1920. Có lẽ nào nhà nước lại "buông gươm" dễ dàng khi ở Kuban còn Denikin vùng vẫy, ở bán đảo Crimea còn phe nhóm Wrangel và ngay ở Balan các chiến sĩ kỵ mã cũng chuẩn bị lên đường?
Không. Sắc lệnh không áp dụng cho những toà án quân sự mà chỉ có ảnh hưởng với những quyết định "bên lề pháp luật" của Cheka và những Toà ở hậu phương. Hai nữa, trước khi Sắc luật ban hành nhà nước đã chuẩn bị: Những loại phạm nhân nào có thể "lọt lưới" vì Sắc luật mới, đã được quét sạch khỏi khám đường. Có còn đâu để thoát án tử hình? Và sau cùng, Sắc luật cũng chỉ sống vừa vặn 4 tháng! Ngày 28 tháng 5 năm 1918 lại có Sắc luật mới, trao trả thẩm quyền xử tử phạm nhân cho Cheka. Trong khoảng thời gian đó dĩ nhiên các khám đường toàn quốc lại chật cứng rồi.
Cách mạng đã đẻ ra danh từ mới. Không còn "bản án tử hình" mà chỉ có "biện pháp tối đa". Không có vấn đề "trừng phạt" mà chỉ có vấn đề "bảo vệ xã hội". Nếu căn cứ trên nền tảng lập pháp 1924 thì "biện pháp tối đa" chỉ được tạm thời áp dụng "bảo vệ xã hội" trong khi chờ đợi Ủy ban Hành pháp Trung ương Liên Xô tuyên hủy toàn thể. Năm 1927 Ủy ban Hành pháp Trung ương bắt đầu hủy bỏ, chỉ còn áp dụng đối với những tội chống nhà nước, chống quân lực (điều 58) và tội phiến loạn. Tuy nhiên danh từ "phiến loạn" quả là rộng nghĩa, suy diễn cách nào cũng được. Có thể là trộm cướp mà cũng có thể là một du kích quân xứ Lithuania, một phần tử quốc gia võ trang, một kẻ tham dự vào một cuộc nổi dậy ở trại quân hay ngoài thành. Ấy là để kỷ niệm năm thứ 16 cuộc Cách mạng tháng Mười.
Qua đệ thập ngũ chu niên kỷ niệm Cách mạng tháng Mười có thêm một đạo luật ác ôn, ban hành ngày 7 tháng 8. Để đẩy mạnh cuộc Cách mạng Xã hội phải bảo toàn tài sản nhà nước. Kẻ nào xúc phạm đến tài sản nhà nước bị trừng trị nặng mà khởi đầu phải có một loạt "biện pháp tối đa" làm gương. Hai năm 1932-1933 công cuộc "bảo vệ xã hội" đã đoạt biết bao nhiêu sinh mạng? Một thí dụ: tháng 12 năm 1932, giữa thời bình, chưa có vụ án Kirov, riêng khám đường Kresty ở Leningrad cũng có sẵn 265 người đang chịu án tử hình chỉ chờ giờ hành quyết (trích hồi ký của nhân chứng B. người phụ trách tiếp tế thực phẩm cho khám tử tội). Trọn năm 1932 không thể dưới một ngàn tử tội bị xử bán trong khám Kresty.
Trong số tử tội ở Kresty năm đó, có 6 nông dân ở Tsarskiye Selo. Họ phạm tội gì ghê gớm mà Ủy ban Hành Pháp Trung ương cương quyết bác cả 6 đơn ân xá, xử bắn hết. Sau khi gặt lúa về cho Nông hội, 6 người đã lén quay trở lại ruộng lúa để mót. Không phải để mót lúa, mà chỉ mót chút rơm về cho bò của họ ăn. Ngày xưa mụ địa chủ quý tộc Saltychikha chỉ vì hành hạ đám nông nô mà còn bị Hội nghị Quý tộc tuyên xử mười một năm cấm cố dưới nhà hầm Tu viện Ivanovsky Mạc Tư Khoa. Sử sách ghi chép mụ chủ đất độc ác đã dùng gậy lớn trừng trị bọn nông nô phạm tội nên bao nhiêu năm sau còn bị thoá mạ. Nhưng 6 mạng nông dân Selo có ai nói đến, nhắc đến? Họ bị xử theo luật 7/8 đàng hoàng và mất mạng chỉ vì mấy bó rơm. Mà cha đẻ ra Bộ Hình Luật là ai, nếu chẳng phải Stalin?
Công bình mà nói, đừng trách Ủy ban Hành pháp Trung ương! Có thể Ủy ban sẽ từ từ tiến tới việc hủy bỏ trọn vẹn những "biện pháp tối đa" thật, đúng như Ủy ban đã long trọng tuyên hứa, nếu Lãnh tụ tối cao và Cha già dân tộc không thình lình ra lệnh giải tán toàn thể Ủy ban Hành pháp Trung ương vào năm 1936. Thay vào đó là Hội đồng Xô Viết Tối cao mà Hội đồng chủ trương kỷ luật sắt thép như thế kỷ XVIII nên "biện pháp tối đa" lại hiện nguyên hình. Nó hết là "biện pháp để bảo vệ xã hội" mà rõ ràng một sự trừng phạt ghê gớm nhất. Không lẽ xử tử nhiều như vậy, gắt gao như vậy chỉ để bảo vệ thì nghe vô cùng chướng tai!
Làm thế nào để có con số đích xác những nạn nhân của đợt 1937-1938? Có một Hồ sơ Đặc biệt thật, nhưng chẳng ai, chẳng bao giờ được ghé mắt đến dể chép ra những con số! Đành chịu luôn. Những con số phỏng định duy nhất và có thể tin nổi chẳng kiếm đâu ra, ngoài những kẻ may mắn hãn hữu được ở Butyrki khoảng 1939-1940, được nghe những ông bạn đồng xà lim tiết lộ, những ông bạn mới đây còn là cán bộ cao cấp và trung cấp. Những đàn em thân tín của Yezhov, những người từng trực tiếp nhúng tay vào nội vụ thì không tin sao nổi? Theo họ thì 2 năm 1938-1938 trên toàn quốc nửa triệu chính trị phạm đã bị xử bắn, ngoài 480 ngàn dân Blatnye tức bọn đầu trộm đuôi cướp. Điều đặc biệt là bọn Blatnye bị thanh toán chiếu điều 58/3 Hình Luật để đốn tận gốc bọn đốn mạt Yagoda!
Sự thực thì khoảng thời gian tai hoạ của chính trị phạm không phải 2 năm mà chỉ vừa đúng một năm rưỡi. Số nạn nhân của điều 58 Hình Luật trung bình khoảng 28 ngàn người một tháng, ở 150 địa điểm khác nhau. Con số 150 được coi như khiêm nhượng vì riêng ở Pskov cơ quan NKVD đã phải lấy cả hầm nhà thờ, cấm phòng Tu viện để làm phòng tra tấn và pháp trường mật. Cho đến năm 1953 du khách còn tuyệt đối không được vô thăm các nhà thờ ở Pskov vì lý do còn nhiều hồ sơ, tài liệu lưu trữ ở trong vòng nhà thờ. Ngoài 10 năm rồi, cỏ hoang đã mọc lấp cả những "địa điểm cất chứa hồ sơ!" Và để "dọn dẹp" khu nhà thờ, nhà nước đã phải tốn nhiều công trình đào xới, mang đi từng xe vận tải đầy xương khô.
(Nếu tính toán cẩn thận thì mỗi ngày mỗi địa điểm chỉ phải lo có 6 người. Đó là một tiêu chuẩn dưới khả năng NKVD quá xa cho nên những tiết lộ của bọn đàn em Yezhov có thể dưới sự thực nhiều. Trong khi đó những nguồn tin khác ước lượng số nạn nhân khoảng 1 triệu 700 ngàn, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1939.)
Những năm đầu của Thế chiến II án tử hình đôi khi còn được áp dụng cho những trường hợp phi quân sự. Cán bộ, quân nhân đường sắt phạm tội cũng xử như quân nhân. Trong khi đó phương pháp hành quyết cũng nới rộng: từ tháng 4 năm 1942 ngoài vụ xử bắn còn thêm xử treo cổ.
Những vụ xử bắn xử giảo cứ tiếp tục. Hy vọng hủy bỏ án tử hình, trọn vẹn và vĩnh viễn không phải vì vậy mà mất đứt! Quả nhiên tháng 5 năm 1947 khi hoà bình đã trở lại, Stalin bất thần ra lệnh cho Chủ tịch đoàn Hội đồng Xô Viết Tối cao ban hành Sắc luật bãi bỏ bản án tử hình làm dân Nga thở ra nhẹ nhàng. Thay vào đó bản án tối đa từ nay chỉ có thể là 25 năm tù. Dân quần đảo mệnh danh bản án 1 phần 4 tức một phần tư thế kỷ.
Dù sao bản án tử hình cũng không còn nữa, trên nguyên tắc. Tại sao cứ thắc mắc nhà nước hà khắc, bỏ án chết và thay vào đó bằng một ản án đày đoạ con người tới một phần tư thế kỷ? Câu nói bạc là dân, vô ơn là dân quả xác đáng. Sao họ không nhìn nhận đó là một tiến bộ? Vì vậy nhà nước quyết định chấm dứt sự khoan hồng nhân đạo sau khi áp dụng đúng hai năm rưỡi. Ngày 12 tháng 1 năm 1950 nhà nước thấy cần phải tái lập án tử hình, nhưng lần này chiếu nhu cầu và đáp ứng sự đòi hỏi của nhiều thành phần xã hội! Không những một số các nước xã hội anh em trong Liên bang khẩn thiết yêu cầu (không biết có Ukraine không?) mà các nghiệp đoàn các hội nông dân và cả các tổ chức văn hoá (?) cũng đòi hỏi nhà nước phải thiết lập lại "bản án tối đa" để đối phó với bè lũ phản quốc, gián điệp và phản động, phá hoại. Do đó chế độ án tử hình lại tái lập nhưng dĩ nhiên bản án 1 phần 4 thế kỷ chẳng phải vì vậy mà thủ tiêu. Nhà nước quên hẳn bản án ¼!
Đặc biệt lần này ngoài vụ xử bắn, xử giảo còn thêm chiếc máy chém cổ truyền lâu nay không dùng đến. Án đoạn đầu năm 1954 chỉ dành cho bọn sát nhân có dự mưu. Từ tháng 5 năm 1961 ăn cắp hay thâm lạm của công cũng lên đoạn đầu đài. Sau đó áp dụng cho bọn làm bạc giả, khủng bố trong trại giam (âm mưu giết hại lính canh, giám thị hay ban quản đốc khám đường). Tháng 7 năm 1961 vi phạm đến chế độ ngoại tệ nhà nước cũng lãnh án chém. Nói nôm na là bọn buôn lậu, chợ đen tiền ngoại quốc! Tháng 2 năm 1962 án chém còn áp dụng cho bọn "đe doạ đến đời sống của nhân viên công lực, cảnh sát của Đảng". Sau đó thêm vô bọn hiếp dâm, bọn ăn hối lộ và đưa hối lộ.
Ngần ấy trường hợp có thể bị án chém đầu, tuy nhiên tất cả đều hiểu là chỉ áp dụng tạm thời, trong khi chờ đợi hủy bỏ toàn vẹn! Đó là một đặc điểm của nước Nga dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa. Cũng như nước Nga dưới triều đại Nữ hoàng Elizabeth Petrovna, từng không áp dụng "bản án tối đa" lâu hơn cả trong số các vương quốc cùng thời.
*
Chúng ta quen nhắm mắt sống đời bình dị cứ tưởng đâu tù tử hình phải là những tay lầm lì, xui xẻo, phải sống khác người và phạm tội nặng lắm mới nằm khám đợi chết. "Như mình thì đời nào bị!"
Tưởng vậy là lầm quá! Ai dám ngờ khám tử hình đa số đầy nhóc những con người chẳng có gì đặc biệt, phạm những tội tầm thường nhất trên đời, những tội không đúng tội. Ân huệ cuối cùng chỉ tới với rất ít – hoàn toàn tình cờ – còn đại đa số đều nằm chờ ngày chịu tối đa, dân tù ưa gọi tắt vậy.
Như năm 1937 ông kỹ sư Canh nông quận phân chất sai mẫu lúa Nông hội vừa gặt về cũng lãnh án tử hình. Sơ sẩy như Melnikov, quản đốc xưởng cũng bị quất án tối đa. Cũng may được ân huệ giờ chót, còn có 10 năm!
Năm 1932 trong khám tử hình khám đường Kresty có 2 kẻ: Feldman giấu ngoại tệ trong người và Faitelevich, sinh viên Nhạc viện dám đổi dây đàn lấy viết chì nguyên tử. Lấy bơ lấy bánh nhà nước bán lấy tiền bỏ túi chịu án tử hình nặng nhất đã đành. Đến như chú Geraska, dân một làng tỉnh Ivanovo mà bị lên án tử thì khó hiểu quá! Một đêm ở làng bên ăn nhậu say sưa liên hoan về nó thấy ông Công an cỡi ngựa đi trước và rắn mắt quất một roi vào đít ngựa. Bị bắt về trụ sở nó uất ức quá gỡ vách ván chạy ra vồ lấy tê-lê-phôn hét lớn: "Đập chết bọn quỷ!"
Đừng ngây thơ tin tưởng rằng vì làm một cái gì đó mà nằm khám tử. Hình như có một bánh xe lớn quay quay và gặp một số hoàn cảnh khách quan nào đó là bị thảy vô như chơi.
Chẳng hạn như hồi Leningrad bị bao vây nguy khốn. Tình hình căng thẳng như vậy thì đồng chí Zhdanov, tư lệnh mặt trận sẽ nghĩ gì nếu Ty Nội An không xử tối đa một trong đám hồ sơ còn kẹt? Không lẽ bọn Đức bao vây bên ngoài không có âm mưu gì và mình không phát giác ra? Năm 1919 Stalin phát giác được mà không lẽ Zhdanov năm 1942 lại bó tay? Thế là ông Tư lệnh có lệnh và những cánh tay lông lá thò ra.
Thiếu gì người đang co ro nằm ngủ trong phòng mà bị Nội An vô tận nơi lượm. Ông Đại tướng Công xưởng Ingatovsky còn bị mà.
Đứng ra cửa sổ rút cái mùi xoa trắng xỉ mũi, hay ra ám hiệu gì đây? Lâu nay ông Công xưởng trưởng lại hay nói chuyện máy móc với bọn lính thủy thì đúng là tiết lộ bí mật nhà nước! Ông Đại tướng bị Nội An vồ thì phải khai. Khai cho đủ 40 thằng tòng phạm.
Nếu anh chỉ là thằng xét giấy rạp hát quèn thì không đến nỗi dính vô đám 40. Lỡ ra lại là Giáo sư Viện Kỹ thuật thì dính chắc! Ai chẳng biết bọn kỹ sư chúa là phản động? Anh có làm gì đâu nhưng cãi sao nổi? Mà "tòng phạm tiết lộ bí mật nhà nước" thì tránh sao khỏi án tử hình? Quả nhiên ông tướng Ingatovsky và 40 tòng phạm ra pháp trường đủ!
Cũng có trường hợp sống sót hy hữu như nhà bác học Cơ khí Konstantin I. Strakhovich. Các ông lớn Nội An chê danh sách của ông ta quá ít. Nhất định phải còn nhiều nữa. Vậy là Strakhovich được giữ lại để khai thác thêm. Đại úy N.A. Atshuller hét lên:
"À, anh định qua mặt? Cái gì anh cũng thú nhận để được xử bắn cho mau, cho khỏi tiết lộ chính phủ bí mật chắc? Biết điều khai đi. Anh giữ chân gì trong Nội các?"
Sau đó bác học Strakhovich nằm khám tử hình chịu thẩm cung. Chịu nhận chức Tổng trưởng giáo dục để ra pháp trường cho rồi nhưng ông Đại úy khó tính nhất định còn khai thác thêm được. Do đó Strakhovich được cho sống tạm trong khi nhóm tòng phạm nhỏ nhoi ra pháp trường hết. Kẹt lại một mình ông ta bị quay dữ quá, quay liên miên đến nổi giận. Không phải tại muốn sống mà chỉ vì chờ chết mãi bực bội quá. Lại cứ phải bịa ra những vụ dóc láo nên Strakhovich phát tởm. Một buổi thẩm cung có vài ông lớn Nội An ghé ngang, ông ta không dằn nổi, đập bàn chửi thẳng vào mặt Đại úy Atshuller:
"Cho mày hay, chính mày mới là thằng đáng mang bắn bỏ tức khắc. Tao bị buộc khai láo nhiều quá, chán quá rồi! Tao không khai gì nữa. Xé bản tự thú đi, bỏ hết!"
Không ngờ một phút nổi nóng lại phúc đức thế. Cuộc thẩm cung ngừng tức khắc và Nội An lâu ngày quên luôn có thằng tù tử hình Strakhovich trong khám. Có thể nào giữa một bầy ngoan ngoãn một kẻ bực bội tới không muốn sống nữa bao giờ cũng có đường sống?
*
Những vụ xử bắn cứ thế tiếp tục. Số ngàn, số trăm ngàn, Đâu có nghĩa gì, ngoài những con số? Mà những con số thì đọc mãi cũng bù đầu và quên mau lắm.
Một bữa nào đó có người gởi lại một bức hình thân nhân họ bị xử bắn. Rồi nhiều người gởi tiếp thêm, đủ in một bộ hình dầy. Có dịp lật qua những tấm hình kỷ niệm đau xót đó, nhìn vào những cặp mắt không bao giờ mở ra được nữa ta có thể có một bài học giá trị đến mãn đời. Không cần ghi chú phía dưới những bức hình đó sẽ in sâu vào tâm tưởng ta đến vĩnh viễn.
Một hôm tôi tới chơi một gia đình thân, nơi lui tới của dăm thằng Zek cũ và tình cờ được dự một buổi lễ nhiều ý nghĩa. Ngày 5 tháng 3 vốn là ngày giỗ của Cha già Đại đao phủ, gia đình này quen bày lên những bức hình của họ hàng, bạn bè từng bị xử bắn hay bỏ thây trong ngục. Được người nào hay người ấy, tổng cộng cỡ vài chục bức hình. Cả nhà im lặng, chiêm nghiệm suốt ngày. Bầu không khí trang nghiêm hẳn như lễ cầu hồn ở nhà thờ hay trong nhà mồ. Một bản nhạc tang tóc nhẹ nhàng trổi lên. Ai nấy ngồi lặng yên ngắm chân dung những người đã chết, rồi nhìn nhau kể chuyện khe khẽ. Lúc ra về tất cả phải nắm tay từ biệt.
Lẽ ra phải tổ chức những buổi chiêm nghiệm ở nhiều nơi. Để không sao quên được những người chết, vì sao họ chết. Có vậy những cái chết của họ mới ý nghĩa. Phần tôi, tôi chỉ giữ được một bộ hình của mấy người sau:
* Viktor P. Pokhrovsky, xử bắn ở Mạc Tư Khoa năm 1918
* Alesandr Sthrobinder, sinh viên, xử bắn ở Petrograd 1918
* Vasily I. Anichkov, bắn trong Lubyanka năm 1927
* Alesande A. Svechin, giáo sư Bộ Tổng tham mưu, xử bắn năm 1935
* Mikhail A. Refomatsky, kỹ sư Canh nông, bắn ở Orel 1938
* Yolizaveta Y. Anichkova xử bắn trong trại Cải tạo vùng Yenisei năm 1942
Họ vô khám tử trong trường hợp nào? Nằm đợi chết ra sao và có cảm giác gì? Họ suy nghĩ những gì, có quyết định gì không? Chừng bị mang đi xử bắn, họ có ấn tượng gì trong những phút giây chót của cuộc đời?
Nghĩ về những người chịu án tử hình, ai chẳng nêu ra câu hỏi trên? Ai chẳng muốn biết, nhưng có ai biết mà trả lời? Những người được ân xá mà về chẳng sao biết nổi những gì xảy ra ở giây phút chót. Những gì xảy ra sau đó thì bọn đưa đi xử tử phải biết. Đời nào họ nói. Như bác Lyosha ở khám Kresty Leningrad mỗi lần dẫn tử tù đi đều trói giật cánh khỉ, còng cứng. Vừa định nói: "Anh em ở lại tôi đi" đã bị một nắm giẻ bịt miệng. Vậy mong gì bác Lyosha nói, dù giờ đây người vẫn ăn mặc chững chạc dạo phố hay nhậu la-ve trong câu lạc bộ một "đảo" nào. Có gặp xin cứ hỏi thử.
Tuy nhiên chính bọn xử tử cũng chẳng biết hết mọi chuyện. Hắn chỉ chĩa súng sau gáy nổ một phát, máy xe hơi bên cạnh nổ át tiếng súng. Thế thôi. Công việc đó hắn còn không muốn biết thì còn biết làm gì chuyện xảy ra! Biết hết chỉ còn những người chết, không nói được nữa. Ngoài ra biết phần nào, biết lờ mờ thì chỉ còn các nhà văn, cộng thêm những tử tù chờ chết được ân xá. Nhờ họ mới đoán biết bộ mặt của khám tử hình trước giờ hành quyết.
Như Narokov tác giả cuốn tiểu thuyết Những giá trị tưởng tượng. Ông ta đặt quá nặng việc gợi lại thảm cảnh còn hơn Dostoyevsky, muốn tạo xúc động hơn Dostoyevsky, nhưng dù sao không khí khám tử và phút thọ hình cũng được ông ta ghi nhận lại tuyệt vời. Không kiểm chứng được nhưng đọc là tin ngay.
Trước Narokov mấy ông nhà văn như Leonid Andreyev đều lạc hậu cỡ 150 năm. Tả khám tử hình 1937 mà cứ tưởng tượng thì hố nặng: nào chờ đợi trong tuyệt vọng, nào lắng nghe thời gian. Làm sao biết nổi những đặc điểm kỳ quặc như dưới đây:
1. Chết rét: Tử tù nằm chờ chết trong xà lim tử tội, dám chết rét lắm chớ? Chưa ăn đạn đồng cũng có thể gục như không vì đêm đêm nằm sàn xi măng, hàn thử biểu xuống cỡ 10 độ.
2. Chết ngộp: Sau đó còn có thể chết ngộp hơi người. Cát-xô cá nhân mà nhét 7 người tối thiểu, 28 mạng tối đa – như Strakhovich từng bị ở Leningrad năm 1942 – thì quả là khó thở. Nằm đợi chết 7 người, 10 người một lượt đã cực kỳ rùng rợn lại phải chen chúc nhau mấy tuần, mấy tháng. Nỗi bận tâm không phải giờ hành quyết. Xử bắn không sợ mà chỉ ngại co chân duỗi tay và làm sao thở được một tí không khí trong sạch.
Năm 1937 khám Ivanovo, trại giam riêng của NKVD, gồm 2 khu chứa từ 2 đến 3 ngàn tù mà phải nhét trên 40 ngàn. Khu I là khu giam cứu, tức câu lưu để điều tra. Khu II gồm đủ thứ tù, chính trị tư pháp lẫn lộn, kẻ chờ đi căng, người chờ chết, người tử hình được ân xá chưa biết đi đâu. Có xà lim nhốt chặt cứng đến độ dựa sát vào nhau vừa đủ chỗ đứng, giở chân giở tay không được. Đứng sát bục nằm sơ ý là bị xô gãy ống chân. Mùa đông mà hơi người hầm quá phải phá cửa kính cho khỏi nghẹt thở. Có mặt ông già đầu bạc Alalykin, đảng viên từ 1898 đến Cách mạng 1917 thành công thì rút lui, cũng nằm chờ giờ hành quyết.
3. Chết đói: Nằm chờ chết lâu quá, nhiều tử tù không sợ ra pháp trường bằng sợ đói. Năm 1941 Alesandr Babich đợi 75 ngày ở khám tử Krasnoyarsk, muốn ăn đạn để giải thoát nhưng chưa chết được người đã phù thũng như con bò vì thiếu ăn. Rồi được ân xá còn 10 năm mới lê thân tàn đi đày! Kỷ lục thời gian chờ đợi là bao lâu? Không biết. Tử tội Vsevolod P. Golitsyn vô địch 1 xà lim năm 1948 tưởng 140 ngày đã là nhiều. Nhà bác học số 1 nước Nga Vavilov đợi chết gần một năm. Chẳng đến khám Saratov mà nằm nhà hầm cũng còn đợi. Mùa hè 1942 không được ân xá, Vavilov được ra xà lim chung mà đi không nổi. Đến giờ được ra hứng gió phải có người đỡ đi.
4. Chết bệnh: Tử tội không được khám bệnh, khỏi có thuốc. Năm 1938 Okhrimenko nằm xà lim đợi chết tới, bệnh gần chết! Không được đi bệnh viện, năn nỉ mãi không có bác sĩ. Chừng bà bác sĩ tới thì đứng ngoài xà lim. Không nhìn con bệnh, không thèm hỏi một câu mà chỉ nhét qua song sắt gói thuốc bột! Còn Strakhovich phù thũng, ứ nước ở hai chân. Kêu mãi mới được một ông nha sĩ xuống.
Chữa bệnh cho đám tử tội người thầy thuốc có lương tâm nên chữa cho họ để khỏi kéo dài kiếp đau khổ nữa, hay nên hối thúc xử tử lẹ lên. Strakhovich kể lại chuyện có ông bác sĩ xuống thăm, đi cùng gã gác khám và chỉ vào từng thằng tử tội: "Thằng này chết rồi, thằng này sống sao nổi, thằng này cũng thế". Ý hắn có ý bảo để chúng sống dở chết dở làm chi? Sao không hành quyết cho rồi.
*
Đúng vậy, bắt chờ đợi lâu như vậy để làm gì? Không lẽ thiếu đao phủ thủ? Có điều lạ là nhân viên khám đường thường nhắc nhở, đôi khi còn hối thúc bọn tử tù nạp đơn xin ân xá. Nhiều người không chịu, không muốn đụng đến một vụ gì cho thêm lôi thôi họ còn viết đơn giùm ký tên thay cho nữa. Mỗi lá đơn gởi đi là phải mất vài tháng.
Có tình trạng xung khắc trên vì hai cơ quan vốn chẳng ưa gì nhau. Bên bắt người, xử người (theo sự tiết lộ của mấy ông Toà quân sự thì chỉ là một) chỉ mong bắt nhiều và xử án nặng lấy điểm. Tuyên thật nhiều án tử hình cho chúng hết hồn. Nhưng tuyên án xong là hết trách nhiệm. Có gì thắc mắc, mà những thằng tù nhìn tơi tả thì còn làm gì được nên cứ để cho chúng sống, an ninh nhà nước cũng chẳng vì thế mà bị đe doạ! Hãy liệng hết bọn chúng cho nhà tù tức cơ quan giam người lo. Mà nhà tù là anh em ruột với Nha Tổng quản trị các trại Lao động Cải tạo lại quen nhìn bọn tù dưới khía cạnh kinh tế. Quan điểm của họ là càng nhiều nhân công càng tốt. Nhiều án tử hình làm gì?
Quản đốc nhà giam NKVD trong khám lớn Leningrad là Solokov nhìn tù dưới góc cạnh kinh tế tức lao động. Tử tội Strakhovich nằm chơi không đợi chết mãi cũng phát chán bèn hỏi giấy bút để ghi chép. Lập tức ông quản đốc bèn khai thác, cung cấp ngay đầy đủ tập vở và viết chì để ông kỹ sư láy hoáy ghi chép mớ lý thuyết cơ học. Hết bàn về xúc tác giữa vật thể cứng trong môi trường lỏng đến tính toán về bọc đạn, lò xo, nhíp hoặc đưa ra Căn bản của luật ổn định [1] . Sau đó dĩ nhiên tử tội Strakhovich được ở "xà lim khoa học" riêng một mình, ăn uống đầy đủ hơn để "đóng góp chuyên môn". Chẳng hạn Bộ Tư lệnh chiến trường Leningrad được chỉ dẫn nguyên tắc súng lớn, bắn toả chống máy bay. Kết quả là tử tội được ông Tư lệnh Zhdanov ân xá tạm còn 15 năm tù. Mãi sau này mới nhận được công văn rùa bò từ Mạc Tư Khoa tới, chính thức ân giảm còn 10 năm, khoan hồng còn hơn ông Tư lệnh!
Không riêng quản đốc mà điều tra viên cũng có quyền tha hồ "khai thác" tử tội. Phục vụ riêng cho mình cũng được. Như ông điều tra viên nhám tay Kruzhkov đang theo học của hàm thụ về toán. Dưới khám tử tội có nhà Toán học N.P. giáo sư đại học nên ông điều tra viên kêu lên bắt chỉ dẫn thêm, giải bài khó giùm.
Ngoài mục đích giữ tử tù để khai thác, nhà tù còn sử dụng khám tử để dựng kịch, cho cò mồi đóng y như thật để "bẻ gãy" những thằng cứng đầu nhất định không chịu ký cung. Nhân chứng Ch. thuật lại vụ 2 can phạm giam cứu khám Krasnoyarsk thình lình bị đưa ra một phiên toà giả và lãnh án tử hình giả, tống giam vô một khám tử hình thiệt đợi ngày "hành quyết". Dĩ nhiên 2 gã tử tội giả phải rầu rĩ, buồn phiền, cứ tưởng đời sắp tàn chắc! (Sao không tưởng thiệt khi những phiên toà thiệt cũng còn "dựng vở"?). Đúng lúc đó có hai ba cò mồi cũng bị án tử, tống vô chung khám tử tội. Chúng cũng giả vờ rầu rĩ và bàn nhau hối ngộ. Xin lập lại bản cung để cung khai thêm thì lập tức được cho ra khỏi khám tử hình, nghĩa là sinh mạng bảo đảm. Tấm gương "cung khai sự thực thì khỏi chết" sờ sờ như vậy làm gì 2 can phạm cứng đầu chẳng nôn nả noi theo.
Sau chót tử tội còn được giữ lại trong khám để lâu lâu xách ra nồ đưa đi xử bắn cho mất tinh thần, cung khai thêm cho điều tra viên. Ngay ông Thống chế Konstantin Rokossovsky hồi nào cũng bị nồ 2 lần. Nửa đêm bị kêu tên, đưa vô rừng. Bịt mặt trói vô cột, toán lính lên đạn lách cách như sắp nổ đến nơi, nhưng đột ngột lại hạ súng xuống. Những gì xảy ra sau đó không ai biết. Chỉ thấy trước mắt Rokossovsky không chết tí nào, mạnh giỏi hơn người và lên lon vù vù.
*
Hình như tử tội ngoan ngoãn lắm trước lúc bị đưa đi thọ hình. Những người được ân xá kể lại chẳng thấy ai bị đưa đi mà chống cự, giằng co bao giờ. Nghe nói khám Kresty chỉ có một vụ năm 1932, ông lính áp tải vô xà lim tính kéo đi bị mấy tử tù giật súng bắn lại. Rút kinh nghiệm từ đó về sau đưa 1 người đi cũng ngó vô nhận diện trước rồi 5 người võ trang ào vô. Có xà lim nhốt 8 người, ai cũng nạp đơn xin ân xá rồi nên nằm chờ đợi. Thấy lính ào vô nắm đầu một nạn nhân thì cả 7 người quay đi. Vùng vẫy, kêu cứu chẳng ai dám ngó. Đành chịu trói và miệng bị nhét nguyên một trái banh cao su trẻ con chơi. Ai mà ngờ trái banh hiền lành lại được sử dụng đặc biệt như vậy!
Thử hỏi nếu không ham sống, 7 người đó ùa lại tận lực cứu bạn thì sao? Không chừng chấm dứt được nạn xử bắn bừa bãi, chẳng cần đến Ủy ban Hành pháp Trung ương ân xá! Đằng nào cũng đến chết là cùng, sao không thử chống cự? Nhưng thôi, nói làm chi. Từ lúc bị bắt đã thụ động, khom lưng quỳ gối rồi. Khốn nạn, làm như chân tay bị chặt rồi phải bò để may ra thoát chết.
*
Vasily Grigoryevich Vlasov nhớ lại đêm bị tuyên án tử hình, điệu đi ở Kady với 4 khẩu súng lục kè kè 4 bên. Nghe bản án xong vẫn không tin bị xử ngay, còn ham sống lắm nên lúc ấy chỉ nghĩ họ dám nổ rồi phao vu toan đào tẩu là mất mạng oan.
Nhưng không. Chỉ bị áp giải về Ty Cảnh sát, cho ngủ trên bàn giấy. Dưới ánh đèn dầu hôi 2, 3 thầy chú canh chừng gắt. Họ kháo nhau: "Nghe xử án cả 4 ngày liền mà chẳng hiểu các bị cáo bị buộc tội gì? Tụi mình làm sao hiểu nổi?".
Vlasov nằm lại Ty 5 ngày. Ra họ còn đợi xác nhận lại bản án rồi xử bắn ngay tại Kady chớ mang đi chỗ khác phiền phức lắm. Chưa thấy Trung ương có chỉ thị, dù có người đã đánh điện xin ân xá giùm cho Vlasov: "Tôi không nhận tội. Xin bảo toàn sinh mạng".
Mấy ngày chờ chết Vlasov run rẩy, cầm muỗng múc cháo không nổi phải bưng cả tô lên húp. Quản đốc Klyugin còn đến ngó và giễu nhưng sau vụ án ở Kady đương sự cũng bị đưa từ Ivanovo về Mạc Tư Khoa. Năm ấy "có động" ở cấp chỉ huy trung ương Trại Cải tạo: nhiều vụ lên xuống thật bất ngờ, nhiều ông lớn cải tạo cũng sắp đi quần đảo đến nơi mà không hay.
Chưa có chỉ thị rõ rệt thì cả 4 người vụ Vlasov cũng được áp giải đến Kineshma: 4 người đi 4 xe, mỗi xe 7 thầy chú ngồi cùng và chĩa súng lăm lăm. Đến nơi tống đỡ vào nhà hầm 1 tu viện kiên cố cho chắc ăn, đợi thêm 1 toán tử tội nữa mới nhập chung cho lên toa xe lửa nhà lao đưa thẳng về Ivanovo. Vừa tới sân ga họ đã tách làm hai: Vlasov được giữ lại cùng Saburov và một tử tội mới còn bao nhiêu được đi chỗ khác. Smirnov thuộc tốp sau và chỗ khác là pháp trường!
Ba người co ro ngồi bệt xuống đất ở khoảng sân ga phía trong đợi họ tìm người, chia toán cỡ 4 giờ. Chưa chắc đã bị "đi" bữa nay nhưng cả 3 cùng rét, chỉ nơm nớp sợ bị kêu tên. Giữa lúc bồn chồn, lo sợ thì bị kêu đi, vô cát-xô làm Saburov hoảng quá, níu cứng lấy thằng ngồi bên cạnh. Hắn bị níu cứng bắp tay, đau quá la chói lói làm lính phải gỡ bằng lưỡi lê Saburov mới chịu buông tay.
Khám tử hình Ivanovo có 4 xà lim, chung hành lang với nơi giam bọn thiếu nhi và nhà thuốc. Xà lim tử tội phải có 2 lớp cửa. Ngoài cánh cửa gỗ có lỗ nhòm thông thường còn thêm lớp cửa sắt mà mỗi cửa 2 ống khoá. Muốn mở cửa phải có mặt cả gã gác khám lẫn trưởng khu, mỗi người một chìa khoá riêng. Xà lim 43 giáp vách với Phòng Điều tra nên nằm chờ chết đêm đêm còn phải nghe những tiếng gào thét vọng sang đến khổ.
Vlasov vô xà lim số 61 trước đây là cát-xô biệt giam 1 người dài cỡ 5 mét rộng cỡ 1 mét là nhiều. Có 2 "ghế bố" sắt bắt cứng xuống nền xi-măng thì mỗi ghế đã có 2 ông chiếm, nằm trở đầu trở đuôi. Còn 14 người chen chúc nhau nằm ngang khoảng diện tích còn lại, dĩ nhiên nằm đất. Ngày xưa người chết "nằm 3 thước đất" Chekhov còn chê chật hẹp mà bọn chờ chết ở đây tính ra chỉ được trên 3 tấc đất thì không hiểu phải dùng danh từ gì?
Câu đầu tiên Vlasov hỏi thăm anh em cũ là "Vô đây có bị đưa đi ngay không" thì có kẻ tỉnh bơ đáp: "Người anh em không biết sao chớ tụi tôi nằm đây chán chê mà vẫn còn nằm đây này!"
Tình trạng chờ đợi nghẹt thở bắt đầu. Những đêm thức trắng mắt, chán nản đến không thiết một cái gì mà chợt nghe tiếng mở khoá lách cách là sợ đứng tim! Ác nhất là những đêm đau khổ vì hồi sáng vừa có một thằng được ân xá. Nó nhảy cẫng lên hò reo chạy ra khỏi cát-xô là anh em còn kẹt lại càng hốt hoảng, bồn chồn thêm. Chỉ sợ đêm nay cửa mở!
Chao ôi, có đêm cửa sắt mé ngoài chợt động. Bao nhiêu con tim chết đứng thì gã tuần hành kiểm soát thò đầu qua khung cửa sổ kia.. Những con tim vừa thắt lại, lại tiếp tục nhảy! Cả 19 tử tù trong xà lim đều công nhận mỗi cú đứng tim như trên quả tương đương với 1 năm sống. Chỉ cần mở khoá điệu đó cỡ 50 lần thôi, nhà nước khỏi tốn đạn! Nhưng mừng biết mấy khi trong đám anh em có thằng bật ra được: "Dạ xin lỗi sếp, để lấy xuống liền!"
Sáng ra sau chầu làm vệ sinh là có quyền ngủ khoan khoái. Ngủ không sợ sệt cho đến lúc gã gá khám bưng vô khay cháo: "Nào cháo đây!" Nghe thân mến làm sao! Nội cái vụ bưng cháo vô một mình cũng đã là vi phạm luật lệ nhà lao: lẽ ra mở cửa sắt bắt buộc phải có trưởng khu đi cùng. Nhưng con người dù sao cũng vẫn chưa phải máy, vẫn lớn hơn luật lệ chớ.
Hớp cháo sáng thật sung sướng, thoải mái. Nó lọt ngon lành xuống cuống họng. Cả ngày mới ăn được bằng ấy vì kể từ trưa trở đi lại hết ngủ và hết ăn luôn. Còn đầu óc đâu nữa mà nuốt cho trôi? Cho dù người nhà không biết vẫn gởi vô một gói tiếp tế cũng để đến mốc meo. Ở cát-xô tử hình thì mọi thứ đều là của chung nhưng cũng chẳng ai buồn đụng tới.
Suốt ngày tù tử hình nằm trơ chờ đợi. Lâu lâu ông trưởng khu bước vô chơi cho có chuyện. Hoặc ông Ác Tarakanov, hoặc ông Thiện Makarov. Nhưng chuyện thì nếu không "Có ai cầm giấy viết đơn" thì lại "Có tiền thì gởi Câu lạc bộ mua thuốc lá giùm cho?".
Món giải trí duy nhất là gỡ vỏ bao diêm ra, vạch đại mấy con số làm bộ cờ đô-mi-nô chơi với nhau. Hứng chí lắm Vlasov mới đem những chuyện Hợp tác xã Tiêu thụ ra kể. Nằm khám tử nghe những chuyện vớ vẩn mà còn cười hả hê được thì in thành sách bây giờ phải hốt bạc.
Riêng ông già cựu Chủ tịch Quận Yakov P. Kolpakov, đảng viên từ đầu xuân 1917 và từng xung phong ra tiền tuyến thì cả chục ngày liền hai tay ôm đầu ngồi gục một chỗ, cằm dựa lên đầu gối. Kolpakov ngồi không cục cựa, mắt thao láo dán vào bức tường trước mặt. Thấy Vlasov làm trò cười, ông ta lắc đầu rầu rĩ: "Vô đây mà còn..." Lập tức ông tướng tử tù quát lên:
"Chớ làm gì bây giờ? Dọn mình cho sạch đặng lên Thiên Đường chắc? Tôi chỉ nghĩ một điều và nghĩ xong từ lâu. Bữa đó tôi sẽ chửi thẳng vào mặt thằng đao phủ: "Mày coi chừng, ông oán mày mãn kiếp! Toà xử, thằng nào quyết định chẳng thấy đâu. Chỉ có mày. Chính mày giết tao. Chỉ vì có những thằng giết người như mày mới có án tử hình, biết không đồ chó chết? Phải nói bằng được ngần ấy câu tôi mới chịu chết!"
Nhưng người chết không phải Vlasov mà là Kolpakov rồi đến Kostantin S. Arkadyev cựu Trưởng chi Canh nông tỉnh Vladimir. Nửa đêm ông Trưởng chi bị 6 giám thị ùa vào cát-xô lôi đi. Arkadyev bình tĩnh ngó quanh, chiếc nón cầm tay cứ mân mê mãi như luyến tiếc phút chia tay. Sau cùng chỉ mấy người ở kế bên may ra mới nghe thấy tiếng lí nhí: "Thôi, vĩnh biệt!"
Giây phút lâm ly đó mấy kẻ ở lại chợt cảm thấy nhẹ mình: "May quá!" Nhưng sau đó người đi vừa khuất là cả cát-xô lại trở về tình trạng bồn chồn, khổ sở. Suốt ngày hôm sau tất cả lại ngậm câm, nuốt không vô.
À, phải trừ một kẻ! Cũng đợi chết như mọi người nhưng chú Geraska ăn no ngủ kỹ nhờ gốc nông dân. Nó nhất định không tin bị xử bắn. Quả nhiên được ân xá. Còn có 10 năm. Không lẽ say rượu chửi bậy 1 câu, phá vách hoặc vụt 1 roi vào đít ngựa của ông Công an mà phải đền mạng?
Nằm cát-xô tử tội ít ngày là hầu hết già đi trông thấy. Mặt mũi nhợt nhạt, tóc mọc dài quá nhanh bắt buộc phải hớt tóc, phải đi tắm theo luật nhà lao. Nhiều người đâm ngớ ngẩn, nói không rành mạch và hiểu chậm hẳn. Nhưng vẫn phải nằm đợi trong cát-xô. Bất thần nổi điên là ra pháp trường tức khắc, luật nhà lao là vậy.
Phải nói là số tử tù được ân xá nhiều chớ. Cuối năm 1937 bắt đầu có án 15 năm, 20 năm càng nhiều. Một số chỉ còn 10 năm. Và 5 năm cũng có nữa! Nước Nga là vậy, chuyện gì chẳng có thể xảy ra? Thiếu gì thằng hôm qua còn đáng tội chết hôm nay đã phất phơ đi đày có 5 năm, bản án thiếu nhi? Ở trại Cải tạo còn án nào nhẹ hơn nên nó còn có quyền đi đó đi đây, miễn áp giải!
Lại có trường hợp kỳ quặc của lão Khomenko 60 tuổi cựu Đại úy Cốt Sắc. Quả là "linh hồn của xà lim" vì tối ngày lão nhởn nhơ cười cợt coi như ở tù chơi. Bị giải ngũ vì sức khoẻ từ sau hồi Nga – Nhựt chiến tranh, Khomenko chuyên nghề nuôi ngựa giống và có chân Hội đồng tỉnh. Sau đó được cử sang Ty Nông vụ tỉnh Ivanovo làm Thanh tra ngựa, chuyên trách gây giống ngựa tốt cho Hồng quân. Cũng vì ngựa mà ông Thanh tra bị ghép tội băng hoại và lãnh án tử hình. Tại sao dám đề nghị ngựa đực phải thiến trước khi lên 3? Phá hoại tiềm lực chiến đấu của Hồng quân!
Chuyên viên Khomenko không chịu, xin thượng tố. Đợi đúng 55 ngày thì đơn chống án bị ông trưởng khu mang tận xà lim trả về, vì đi trật hệ thống. Lão thản nhiên mượn ông trưởng khu cây viết chì, kê lá đơn cũ lên vách cát-xô, bôi bỏ chỗ sai và điền vô đúng tên cơ quan thẩm quyền. Giản dị như đơn xin mua thuốc lá vậy! Sau đó chờ thêm 60 ngày nữa, trước sau vừa vặn 4 tháng.
Kết quả là Khomenk được miễn tố. Ra khỏi khám tử hình, tha bổng luôn! Lý do là sau khi lão đi tù bỗng có chỉ thị của Thống chế Voroskilov ra lệnh ngựa đực của quân đội phải thiến trước khi lên 3.
Dù thấy tận mắt nhiều ca giảm án Vlasov vẫn cảm thấy quá ít hy vọng. Tội đã nặng, bữa ra toà còn găng thì thoát sao nổi? Bề nào họ cũng phải bắn bỏ một số, có thể là một nửa mà. Đằng nào cũng chết thì tại sao phải chết gục đầu? Hèn hạ trước khi chết còn tệ nữa. Do đó anh hùng tính nổi dậy, nếp sống ngang tàng sống lại.
Đúng lúc đó ông Trưởng ban Điều tra Ty Nội An Ivanovo đi thanh tra khám đường. Có lẽ Chinguli muốn lấy le chơi nên xồng xộc vô bắt giám thị mở cát-xô rồi đứng sững chỗ ngưỡng cửa hỏi thuộc viên: "Đâu, thằng ở Kady đến là thằng nào?". Hồi đó mốt sơ-mi lụa cộc tay mới ra đời ở Nga, ông sếp Nội An mặc chi lẳng lơ và cát-xô bỗng sực nức mùi nước hoa.
Đang nằm trên ghế sắt Vlasov đứng bật dậy, dõng dạc quát: "Mặt thằng này mà sĩ quan hả? Cút ngay, quân sát nhân!" Một bãi nước bọt nhổ tiếp theo. Đứng cao như thế làm gì không trúng giữa mặt.
Chinguly lau mặt, thối lui trở ra. Cấp bực đó không có quyền vô cát-xô tử hình nếu không có 6 vệ sĩ kèm theo, luật nhà lao rõ ràng như vậy. Vả lại có 6 vệ sĩ đi cùng chưa chắc Chinguli đã dám vô. Vì vậy hắn đành bẽ mặt.
Xét ra tử tội Vlasov hung hăng vậy là dại. Đã vô đây thì chúng hành sao chẳng được. Vả lại biết đâu chừng báo cáo của sếp chẳng ảnh hưởng đến vụ sống hay chết? Tuy nhiên chịu đựng mãi, quá giới hạn nhục nhã rồi dằn không nổi nữa. Hèn là thân phận con thỏ nhưng một khi thỏ đã hiểu rõ trước sau cũng biến thành ra-gu thì lại khác. Có hèn cũng chậm chết là cùng chớ có sống được đâu?
Đợi đến 41 ngày, căng thẳng quá, Vlasov chỉ muốn có dịp là hét lên: "Đ.M, tới đây. Lôi tao đi bắn cho rồi!". Hai lần nhân viên khám Ivanovo hối ông ta nạp đơn xin ân xá Vlasov đều lắc đầu.
Qua ngày thứ 42 Vlasov bất thần được gọi đi. Tới một phòng vắng ông ta được thông báo: Chủ tịch đoàn Xô Viết Tối cao vừa quyết định giảm án cho ông ta còn 20 năm cải tạo, cộng 5 năm an trí. Lúc ấy khuôn mặt nhợt nhạt của Vlasov nhếch một nụ cười, kèm theo vẫn là một lời cay đắng, bóng bẩy:
"Lạ thật, Người ta lên án tôi không tin tưởng ở sự chiến thắng của Xã hội chủ nghĩa trên đất nước này. Nhưng tin sao được kìa? Ngay Kalinin cũng cóc thể tin nổi! Chiến thắng, thành công gì mà hai mươi năm sau vẫn còn Trại Cải tạo kìa?"
Hai mươi năm sau nữa vẫn còn trại Cải tạo? Hồi đó có ai tin!
Cái lạ là ba mươi năm vẫn còn. Vẫn cần.
12. Tù xưa, tù nay
Văn tự Nga có một danh từ đặc biệt ý nghĩa. Ostrog nghĩa đen là tù, ngục. Có 6 chữ cái ghép lại mà đọc lên hình dung ra ngay những bức tường kiên cố, không thể vượt qua! Cùng một âm với nó còn có một lô danh từ có ý nghĩa gần cận. Nào strogost là nghiêm khắc, ostroga là mũi lao, ostrota có nghĩa bén nhọn. Thêm vào một vần ostoroznhost lại có nghĩa thế chân (tiền thế chân để đổi lấy tự do chớ còn gì? Mà bớt đi, còn rog gọi là gai nhọn. Cây gai nhọn chĩa ra, đâm vào cuộc đời chúng ta chớ còn gì nữa?
Xét về toàn bộ tổ chức, điều hành thì chế độ lao tù ở nước Nga trong vòng 90 năm trở lại có thể ví như một cây gai. Một cây gai nhọn cả 2 đầu. Thời Cách mạng phản đế Narodnaya Volya là một đầu gai nhọn. Nó từ nhọn đi thuôn thuôn dần đến chỗ xù xì, không làm rách da được: đó là những năm đầu thế kỷ XX.
Thế rồi thân gai bắt đầu thu lại, cứng ngắc để từ sau 1917 để trở thành một đầu gai nhọn hoắt, chìa ra năm 1913 để sẵn sàng cắm ngập vào yết hầu chúng ta.
Nhờ tập hồi ký đồ sộ của bà già Vera Finger (xuất bản ở Mạc Tư Khoa năm 1964) mà ta có thể hiểu được sự khắc nghiệt của chế độ lao tù thời đó, điển hình là khám đường pháo đài Schlusselburg ở gần St. Petersburg. Hồi đó tù không có tên mà chỉ là con số, cai ngục hắc ám như đào luyện ở lò Lubyanka ra! Hành lang nhà tù im lặng như nhà mồ, xà lim tối om kín mít, sàn trải nhựa đường. Mỗi ngày một ô cửa sổ mở đúng 40 phút. Ăn thì chỉ có cháo đặc, cải bắp. Không được đọc sách có khi hai năm liền chẳng được nhìn thấy mặt ai. Ít ra từ năm thứ 3 trở đi tù mới có quyền giữ ít tờ giấy, có đánh số đàng hoàng. Theo tài liệu của Novorussky thì từ 1884 đến 1906 tù Schlusselburg có 3 người chịu không nổi phải tự sát và 5 người hoá điên.
Như cây gai thuôn dần, đời sống khám đường dần dà cải thiện bớt, nay một chút mai một chút. Tù được ăn bánh mì, phát trà, đường, Có tiền gởi vô còn được mua đồ Câu lạc bộ thêm, kể cả thuốc hút. Xà lim sáng sủa, thoáng hẳn nhờ cửa kính đóng mở tùy tiện, vách không âm u một màu sơn đen, sân nhà tù có vườn bông, cây cảnh. Tù được ra chơi, trò chuyện hay dạy học lẫn nhau. Sách có quyền mượn của thư viện St. Petersburg. Ban quản đốc Khám Schlusselburg còn phải cấp thêm đất để phạm nhân trồng hoa, trồng rau tổng cộng 450 thứ khác nhau. Hồi đó nhà tù còn có phòng trưng bày thủ công khoa học, có xưởng mộc, lò rèn. Kiếm được tiền ở trong tù có quyền gởi mua sách chính trị hay mua tháng, mua năm báo ngoại quốc. Thư từ cho gia đình rất dễ dàng [2] .
Nữ phạm nhân Vera Finger nhớ lại tình trạng ngược đời hồi đó: lớn lối, la hét không phải giám thị mà là phạm nhân. Năm 1902 một thầy chú không chịu chẳng đơn bị bà ta lồng lộn, xé rách cả cầu vai. Vậy mà ông Thanh tra đến xét còn phải xin lỗi!
Tại sao chế độ tù tội hồi ấy lại tử tế, nhân đạo vậy? Finger cho rằng tại quản đốc và giám thị còn là những người tốt, biết cư xử đàng hoàng, vả lại "ở tù lâu đâm quen mặt, quen nết". Cũng có thể vì phạm nhân hồi đó vừa khôn khéo vừa có tư cách. Nhưng theo tôi đó là nhờ ảnh hưởng của thời đại xã hội vừa được một ngọn gió tự do, ngọn gió mới thổi tạt qua, xua đuổi hết mây mù ám chướng khiến đời sống dễ chịu, lòng người phơi phới. Nếu không thì tội xé cầu vai, nhục mạ giám thị hẳn sẽ lãnh 9 gam chì!
Nói chung chẳng phải nhà nước đã làm đẹp cho chế độ nhà tù thời Nga hoàng, cải thiện đời sống phạm nhân. Chính trào lưu xã hội với ngọn gió tự do, cách mạng đầu thế kỷ XX đã trông cậy một sự thay đổi bộ mặt khám đường. Triều đại Nga hoàng không phải đợi đến tháng Hai 1917 mới đổ sụp mà từ cả chục năm trước đã lung lay nặng. Ở địa hạt ngục tù chẳng hạn, có ai coi ở tù là xấu đâu? Con nhà danh giá còn có hân hạnh được ở tù mà. Giám thị nhà tù thực sự bị coi là cai ngục, ngay sĩ quan Ngự lâm quân cũng không thèm bắt tay! Chế độ nhà tù càng nới rộng – tức càng suy yếu – thì chính trị phạm càng có giá trị và các đảng viên Cách mạng càng có thế lực, càng coi nhẹ luật pháp nhà nước.
Thế rồi 1917 Cách mạng bùng nổ và từ 1918 trở đi chế độ nhà tù đổi khác hẳn. Phải nói kể từ 1918 trở đi vì từ tháng Hai 1917 đến cuối năm trên toàn lãnh thổ Nga có chính trị phạm nào ở tù đâu. Khám giam cứu, khám thọ hình hay trại khổ sai vẫn giam tù chính trị đều mở toang cửa, giám thị thất nghiệp hết! Không muốn đói phải trồng khoai ăn trọn năm đó nhưng qua 1918 lại bắt đầu sung sướng như cũ.
Cuối tháng 12 năm 1917 nhà nước cách mạng vô sản bắt đầu cảm thấy dầu sao cũng phải thiết lập khám đường trở lại xét vì có những thành phần không thể cho phép trà trộn vào xã hội mới mà bắt buộc phải tống vào tù. Đó là thời kỳ thân cây gai bắt đầu nhọn dần và cho thấy sự bén nhọn.
Dĩ nhiên nhà nước phải long trọng tuyên bố sẽ không đi theo chế độ tù ngục hà khắc, hãi hùng của triều đại Nga hoàng. Qua lời đồng chí Vyshinsky thì sẽ cấm tuyệt sự trừng trị, hành hạ kéo dài. Không có nạn tuyệt đối im lặng, biệt giam, đi chơi theo hàng lối riêng rẽ. Không có cát-xô nữa. Chế độ mới nhằm 2 trọng tâm: một là huấn luyện cán bộ gác bên ngoài khám sẵn sàng ứng chiến, hai là tiếp tục thu trọn vẹn hệ thống nhà giam do chế độ cũ để lại. (Vẫn biết Cách mạng là thay đổi toàn diện nhưng đặc biệt riêng bộ phận khám đường không thể phá bỏ hết làm lại mới!). Cũng may mà Cách mạng không triệt hạ hết khám lớn, khám nhỏ.
Vấn đề là đào thải danh từ. Khám đường, cải hối thất lạc hậu quá. Phải là trung tâm cô lập chính trị, để cô lập những kẻ bị coi như đối thủ ở địa hạt chính trị, không phải cần trừng phạt họ nhưng nên để những con người cách mạng lỗi thời đó ra ngoài đường tiến của xã hội mới. Do đó phải có những trung tâm cô lập dành riêng cho những đảng viên Xã hội Cách mạng, Dân chủ xã hội, vô chính phủ, có sẵn cả hệ thống tiếp nhận của chế độ cũ!
Những kẻ cần cô lập vốn chẳng phải tù mới. Họ ở tù quen rồi và được đãi ngộ như tù chính trị cũng quen rồi! Họ quen có một khẩu phần chính trị, một chế độ chính trị mà quyền của họ Nga hoàng vẫn áp dụng và được Cách mạng công nhận. Một số quyền lợi được nêu ra như sau: mỗi ngày nửa gói thuốc lá, được mua sữa, phó-mát ngoài chợ, đi chơi thong thả ngoài sân, giám thị nói không phải đứng dậy nghe, nếu hai vợ chồng cùng bị nhốt thì phải nhốt chung xà lim, được đọc sách báo giữ bút giấy viết, đồ vặt cá nhân (kể cả kéo, dao cạo), một tháng 3 lần nhận thư gửi thư, 1 lần thân nhân vô thăm, đi lại dễ dàng giữa các phòng giam, cửa sổ không bít kín, đàn bà hộ sản được đưa ra ngoài 2 tháng trước. Và quan trọng nhất trong số quyền lợi của họ là quyền bầu cử ban đại diện để tạo tình đoàn kết và tiếp xúc với ban quản đốc.
Tù chính trị nhất quyết bảo vệ tất cả quyền lợi của họ và nhà nước cũng cương quyết tước bỏ bằng hết. Trong vòng rào nhà tù cuộc chiến đấu gay gắt nhưng âm thầm diễn ra và kéo dài đến hai mươi năm: chẳng sử sách nào nói đến, chẳng có đại bác. Lâu lâu mới có loạt súng nhỏ, cửa kính bể, vừa đủ nghe. Những chuyện tranh đấu - thua thì nhiều mà được thì quá ít - của tù chính trị thảng hoặc mới lọt đến tai chúng ta. Không sách, truyện, hồi ký mà chỉ có dịp thì truyền miệng, do đó người chết thì chuyện tranh đấu trong tù cũng chết luôn.
Chúng ta đã quen nghe chuyện xa chiến hoặc bom nguyên tử nổ nhưng đâu biết gì về ý nghĩa, tầm quan trọng của những cuộc tranh đấu vặt vãnh của những người đã mất tự do chỉ để đòi hỏi quyền tự do thông báo tin tức, đại diện tù phải được quyền liên lạc giữa các phòng giam. Nếu không được thì lén lút gõ vách, truyền miệng, thòng dây thả xuống. Phải can đảm thế nào mới dám chống lại cát-xô biệt giam, hay quản đốc Lubyanka bước vô nhất định không đứng dậy chớ. Năm 1926 có Anna G. và 1931 có Katya Olitskaya từng cứng đầu như trên: dĩ nhiên phải có một chầu đánh đập, riêng Katya còn bị cấm tắm, cấm rửa mặt. Nếu nằm xà lim cấm không cho nói chuyện thành tiếng thì năm 1925 hai cô Shura và Vera nhất định cất tiếng ca vang mấy bản tình ca, dù biết rằng sau đó bị gã quản đốc đánh đá, nắm tóc kéo từ xà lim xềnh xệch xuống cầu tiêu. Năm 1924 đám sinh viên bị nhét trên toa xe súc vật đưa đi đày cũng lên tiếng ca thách thức và sau đó bị cúp nước uống luôn.
Đối với chúng ta những vụ chống đối đó đâu được coi như những tấm gương anh dũng? Chúng ta quá quen với những thứ anh dũng chiến trường, bay trong không gian hay lách cách những mề đay, trong khi lòng anh dũng của người dân mới là thứ xã hội này cần và chúng ta không có.
Năm 1923 ở khám Vyatka có vụ tẩm dầu hôi tự thiêu tập thể của Struzhinsky và các đồng chí. Họ đóng chặt cửa xà lim chịu chết cháy, nhưng họ là ai, bao nhiêu người và tại sao, thì ai biết nổi? Không nói thời tiền cách mạng mà ngay thịnh thời của Schlusselburg một vụ chống đối rùng rợn như vậy sẽ rúng động cả nước Nga. Không thể rơi vào quên lãng được! Nhưng Vyatka là "Trung tâm cô lập chính trị" mà!
Quần đảo Solovetsky là trung tâm cô lập lý tưởng. Sáu tháng băng giá mùa đông thì tuyệt đối cắt đứt hẳn liên lạc với thế giới bên ngoài, nên năm 1923 các đảng viên Xã hội bị đày ra đó, chia ra ba nhóm ở ba trại trước kia là tu viện. Trại Savvatyevsky gồm hai toà nhà trước kia dành cho khách thập phương lưu ngụ: mấy tháng đầu các phạm nhân còn được hưởng chế độ đặc biệt, vài thân nhân ra thăm còn được, còn được cử 3 đại diện cho 3 nhóm chính trị, bên trong trại còn được đi lại, chuyện trò.
Ít lâu sau đã có nguồn tin cầu tiêu cho hay chế độ đặc biệt sắp hủy bỏ. Quả nhiên giữa tháng 12 băng đóng cứng mặt Bạch Hải, đường giao thông duy nhất bị cắt đứt thì Tổng Quản đốc Eichmans mới thông báo chỉ thị mới. Dĩ nhiên không có vấn đề nhất loạt bãi bỏ tất cả quyền lợi chính trị phạm. Mới cầm viết thư, nhận thư và giới hạn đi lại bên trong trại thôi! Kể từ ngày 20 tháng 12 từ 6 giờ chiều là không được ra khỏi xà lim.
Để chống lại, 2 nhóm Cách mạng Xã hội và Vô chính phủ kêu gọi anh em tình nguyện, đợi đúng 6 giờ chiều ngày cấm đầu tiên thử bước ra sân trại coi phản ứng của nhà tù ra sao. Phản ứng có liền, tới trước 6 giờ! Không đợi đúng giờ, Nogtyev quản đốc trại Savvatyevsky đã ra lệnh cho lính canh xông vô sân trại nã súng vào đám người chưa vô xà lim. Ba loạt đạn 6 phạm nhân chết tại chỗ, 3 bị thương nặng.
Sáng hôm sau Tổng Quản đốc Eichmans vô trại trấn an, giải thích tất cả chỉ là một hiểu lầm đáng tiếc (có thể vì đồng hồ chạy lẹ!). Tuy nhiên Nogtyev bị thuyên chuyển tức khắc và các nạn nhân sẽ được tổ chức mai táng trọng thể. Sáu nạn nhân được chôn trong nấm mộ tập thể và đây là lần cuối cùng Bài ca tiễn bạn tù thảm tử được phép cất lên giữa vùng băng tuyết chập chùng đảo Solovetsky. Tuy nhiên một gốc phong lớn được dựng lên với họ tên 6 người bất hạnh khắc sâu vào lòng gỗ thay vì bia mộ không thọ được hơn một năm! Năm 1925 nó đã bị quật xuống, vùi sâu lòng đất đến không còn mảy may di tích.
Một vụ hạ sát phạm nhân trắng trợn cỡ đó báo chí lờ đi sao nổi? Có tờ Pravda đăng mấy hàng chữ nhỏ li ti là tù tấn công toán lính hộ tống, 6 kẻ bị bắn chết. Tờ Rote Fahne trung thực hơn, loan báo Tù nổi loạn ở Solovetsky. Bằng chứng cụ thể duy nhất là những tờ y chứng của các nạn nhân có Yuri Podbelsky giữ được tính sau này sẽ công bố nhưng chẳng may đã nhét giấu trong chiếc va-li 2 vỏ mà còn bị lính xé ra một năm sau, lúc bị lục lọi ở khám tạm Sverdlovsk.
Tuy nhiên 6 mạng người hy sinh không oan. Ít nhất suốt một năm chế độ đặc biệt vẫn được duy trì. Tháng 12 năm 1924 lại có tin cúp bớt nên cả 3 trại đồng tình chuẩn bị chống đối: 3 trại trên 3 đảo Savvatyevsky, Troitsky, Muksalmsky sự liên lạc cực kỳ khó khăn nhưng vẫn ước hẹn nhau được đồng thời phát động tranh đấu, gởi tối hậu thư lên Bộ Chỉ huy Solovetsky và về Mạc Tư Khoa để yêu cầu: một là được đưa về đất liền trước khi băng đóng cứng mặt hồ, hai là duy trì toàn vẹn chế độ đặc biệt. Hạn định 2 tuần lễ, nếu không toàn thể phạm nhân 3 trại Solovetsky sẽ tuyệt thực.
Còn một ngày nữa hết hạn. Tổng Quản đốc Eichmans đi từng trại thông báo Trung ương bác bỏ. Cuộc tuyệt thực khởi sự ở cả 3 trại, tất cả đều từ chối thực phẩm, chỉ uống nước. Hàng ngày có bác sĩ (trong đám phạm nhân) theo dõi để những người bệnh khỏi phải tuân hành quyết định chung. Tuyệt thực tập thể khó ở chỗ tình trạng sức khoẻ, sức chịu đựng mỗi người mỗi khác, tất cả đều phải nương nhau, canh nhau để giữ vững tinh thần đến phút chót. Huống hồ cả mấy trăm con người, không cùng một Đảng nên qua ngày thứ 15 trại Savvatyevsky đã phải bỏ phiếu kín để quyết định nên tiếp tục hay tạm ngưng tuyệt thực.
Trong khi đó Eichmans và nhà nước cũng làm lơ: báo chí Mạc Tư Khoa đâu dám hó hé, sinh viên đâu dám biểu tình yểm trợ. Tất cả đều im lặng, cúi đầu im lặng.
Cuộc tuyệt thực Solovetsky đình chỉ. Không thắng nhưng cũng không bại, Chế độ đặc biệt vẫn còn, tù chỉ phải tự vào rừng kiếm củi sưởi mùa đông. Mùa xuân năm 1925 mọi người hân hoan vì có lệnh được di chuyển về đất liền hết. Cuộc di chuyển quá gay go, khổ cực nhưng ít nhất cũng còn gần gũi quê hương, khỏi phải thức trắng đêm Bắc cực, khỏi 1 năm 6 tháng hoàn toàn cô lập. Tù Solovetsky đã tưởng đâu thoát nạn cho đến khi ban đại diện bị tách rời khỏi các anh em: họ đều được mời lên toa xe trên, đầy đủ phương tiện hơn. Đến ga Vyatka toa xe đại diện được tách rời ra, đi theo công voa về Tobolsk còn toàn thể phạm nhân như "rắn mất đầu" được tiếp tục chở tới "khánh thành" trung tâm Verknhe – Uralsk vừa được trang bị lại. Để áp đảo tinh thần đám tù Solovetsky ngỡ ngàng vì mất thành phần lãnh đạo nhà nước đặc cử 2 cán bộ "thứ dữ" Yagoda và Katanya.
Đến đây họ mới trắng mắt ra: cuộc tuyệt thực tưởng thắng phần nào bỗng là cả một thảm bại! Ở Verknhe Uralsk chế độ đặc biệt bỗng mất hết. Quyền lợi duy nhất còn sót lại là đề cử ban đại diện thì chính ban đại diện cũng bị hạn chế lại giữa các phòng. Biện pháp chống đối còn có thể làm được là hò hét thì bị lính canh át đi bằng súng! Chớ nghĩ tới phá hoại, đập bể đổ nhà lao: phá hư cái gì mất luôn cái đó, đập bể cửa kính thì mùa đông tới tha hồ chết rét!
Theo nhân chứng Pyotr P. Rubin thì năm 1928 tù Verknhe Uralsk ráng vùng lên bằng một đợt tuyệt thực như mấy năm trước ở Solovetsky. Toàn trại tham gia nhưng tinh thần yếu hẳn. Được mấy hôm thình lình từng toán lính canh xông vô "hạ" từng xà lim một. Đám tù mấy ngày nhịn ăn sắp lả được ăn gậy và giày bốt no nê đến chết ngất hết! Cuộc tuyệt thực chấm dứt luôn và Verknhe Uralsk nổi danh địa ngục từ ngày đó!
*
Thì ra võ khí tuyệt thực lỗi thời rồi. Đe doạ nhịn ăn đến chết thực sự chỉ có ảnh hưởng nếu Ban Quản đốc nhà lao còn nhất điểm lương tâm hay còn sợ phản ứng của dư luận. Bọn cai ngục Verknhe Uralsk đâu có ngây thơ, khờ khạo như các đấng tiền bối thời Nga hoàng, thấy tù tuyên bố tuyệt thực là bồn chồn, bấn loạn rồi coi như vấn đề quan trọng, nào canh chừng nào săn sóc.
Ngày xưa nhà cách mạng Valentino tuyệt thực 12 ngày, cuộc điều tra phải ngưng tức thời. Năm 1912-1913 mỗi đợt tuyệt thực của tù khổ sai Orel là một lần nới lỏng chế độ nhà tù. Năm 1914, Dzerzhinsky và 4 đồng chí nhịn ăn nhịn uống 5 ngày là bao nhiêu yêu sách được thoả mãn đủ. Hồi đó tù nhịn ăn chỉ sợ đói chớ đâu còn sợ gì nữa. Đâu sợ bị đánh đập, tra tấn hay chồng án, tăng án, hoặc bắn bỏ, đưa đi đày chỗ khác.
Thời kỳ sau Cách mạng 1905 tù còn nắm vững tình hình hơn nhiều. Chống đối thì đập phá vật dụng nhà lao cho hả rồi mới phát động tranh đấu sau! Năm 1906 ở khám đường thị xã Nikolayev 197 phạm nhân tranh đấu tuyệt thực, thò đầu ra cửa sổ ca hát rầm rầm. Dân thị xã kéo tới trước khám cổ võ, yểm trợ công khai, làm dữ với ban quản đốc nên qua ngày thứ 9 nhà nước phải nhượng bộ. Ở Odessa, ở Kherson, ở Yelizavetgrad, bao nhiêu cuộc tuyệt thực là bằng ấy lần đại thắng. Nó là võ khi sắc bén, hữu hiệu của tập thể mất tự do.
Sau Cách mạng 1917 võ khí tuyệt thực gần như bị phạm nhân bỏ quên. Qua thập niên 1920 nó bỗng hết bén nhọn để trở thành một mũi tên cùn đầu, như bị một bàn tay thép phạt ngang.
Muốn tranh đấu tuyệt thực trên nguyên tắc vẫn được chớ. Nhưng coi chừng luật lệ mới ấn định kẻ tuyệt thực phải biệt giam, tuyệt đối cấm tiếp xúc, ít nhất nhà tù cũng có quyền kiểm soát xem có tuyệt thực thật sự, hay chỉ đòi hỏi làm nũng, vẫn được tiếp xúc lén chớ. Do đó nếu ở khám Byturki sẽ được "lên chòi" Pugachev ngay. Kẻ tuyệt thực không có quyền gây xúc động quần chúng: không cứ công chúng ở ngoài đời, mà tù ở phòng kế bên hay nhốt cùng một xà lim cũng là quần chúng!
Từ thập niên 1930 thì quyền tuyệt thực bị chính thức bôi sổ. Một phạm nhân "có hạng" như Yekaterina Olitskaya đâu chịu nhượng bộ dễ dàng. Nằm cát-xô biệt giam đúng 15 ngày đến ngất ngư mới được đưa xuống nhà thuốc và bị nhử bằng sữa tươi, bánh bích quy. Oltitskaya cương quyết nhịn đói: sang ngày thứ 19 mới được nhà tù nhượng bộ, cho phép nhận đồ tiếp tế.
Đấy là trường hợp cá nhân, tuyệt thực chỉ để đòi hỏi một quyền lợi cá nhân tầm thường, hợp pháp! Thiếu gì người ăn vạ tới 20 ngày, nguy hiểm đến cả sinh mạng chỉ để đòi hỏi một gói đồ tiếp tế, hay quyền được đi ra ngoài sân hóng mát. Tín đồ Koloskov cũng chỉ vì những đòi hỏi nhỏ mọn tương tự mà nhịn ăn hết ngày thứ 25 và sau đó hết sống luôn!
Chính vì để ngăn ngừa những trường hợp Koloskov mà các quản đốc khám đường đều được học tập chỉ thị chống tuyệt thực, với những phương pháp sau:
1. Kiên nhẫn đối phó (sự lơ là, bỏ rơi như đã thuật ở trên)
2. Cô lập tuyệt đối: Không gì thất vọng cho một kẻ tuyệt thực bằng bị bưng bít, có chết cũng không ai hay biết.
3. "Bơm" thực phẩm, bó buộc nuốt: Có những trường hợp không thể để cho nạn nhân được quyền nhịn đói đến chết, do đó, bắt buộc hắn phải tiếp nhận thực phẩm, rút kinh nghiệm "bơm" đồ ăn cho gia súc bệnh. Từ 1937, phương pháp "bơm" sử dụng rộng rãi nhưng vẫn thường xuyên bí mật. Hồi các đảng viên Xã hội tuyệt thực tập thể ở khám Yarolav bất cứ kẻ nào nhịn qua ngày thứ 15 là phải "bơm" thức ăn lỏng.
Nếu hiếp dâm là bị xúc phạm về trinh tiết thì "bơm thực phẩm" nhằm bẻ gãy ý chí: "Mày không muốn ăn để được chết thì tụi tao phải tìm đủ cách tống thức ăn vô cho mày không được chết". Một dụng cụ được dùng để nạy hàm răng ra, giữ chặt. Một đầu ống sẽ được đẩy vô cuống họng. "Nuốt!". Nếu không nuốt sẽ tống sâu xuống thực quản. Thực phẩm đổ vô không có cách chối bỏ. Để đề phòng mửa ra, dạ dày sẽ được thoa bóp. Nó sẽ sung sướng tiêu thụ luôn chớ đâu có tuyệt thực. Ngoài ra còn có cách bơm đằng hậu môn, nhỏ vô lỗ mũi.
4. Đe doạ chống án: Đối với nhà nước cách mạng, bất cứ hoạt động nào cản trở guồng máy chạy đều đặn đều bị coi là phản động. Trong tù còn phản động ắt phải nặng thêm, án nặng thì chồng án nữa.
Từ giữa 1957 trở đi có chỉ thị rõ ràng: Xét vì tuyệt thực là một hành động bất hợp pháp, phản động nên ban quản đốc không chịu trách nhiệm về những trường hợp chết vì tuyệt thực. Để bảo vệ các điều tra viên, thời gian tuyệt thực không được kể. Thế là hết, dọn chết bằng sự nhịn ăn từ nay chỉ thiệt vào thân: nhà tù vô trách nhiệm mà ông điều tra viên cũng vô trách nhiệm luôn.
Arnold Rappoport đang tuyệt thực để phản đối điều tra viên trong khám Archangel thì có chỉ thị trên. Ông ta quyết làm mạnh, không đụng tới giọt nước trong 13 ngày liền ở cát-xô biệt giam. Không có bác sĩ coi sóc, một y tá lâu lâu ngó qua. Không ai buồn hỏi lý do tuyệt thực mà coi như không hay biết. Nhà lao chỉ ra lệnh cũ soát cát-xô thiệt kỹ, lòi ra mớ thuốc rê, ít cây quẹt! Arnold chuẩn bị tuyệt thực từ lâu, giảm dần khẩu phần và 1 tuần lễ chỉ ăn sơ sài mấy món nhẹ nên cơ thể mới tập quen lần. Ngày thứ 13 tưởng có thể nhìn xuyên gan bàn tay nhưng đầu óc nhẹ nhàng tỉnh táo. Chừng được 1 tuần nữa thì giám thị thương hại rỉ tai: "Đừng dại chết chỉ uổng mạng. Tốp ngay đi. Sao không nhịn trước khi có chỉ thị?". Arnold hiểu ngay tuyệt thực tối vô ích nên chịu ăn trở lại và được nhà lao đãi săng-úych, rượu cá, khiêng cáng trả về xà lim chung.
Mấy bữa sau cuộc thẩm vấn lại tiếp diễn nhưng ông điều tra viên hết dám hành hạ vì biết can phạm sẵn sàng chết thực. "Phải vậy mới coi được chớ. Đáng mặt chó sói". Arnold bèn cảm ơn: "Không dám! Nhưng làm chó thì không đời nào!".
Arnold Rappoport sau này còn biểu diễn một màn tuyệt thực ở khám tạm Kotlas, đòi hỏi thẩm cung lại, không chịu lên xe, nhưng thất bại một cách hài hước! Nhịn ăn sang ngày thứ 3, lính gác vô hối: "Sửa soạn lên xe" thì ông ta phản đối: "Mấy ông không có quyền. Tôi đang tuyệt thực!" Miễn giải thích, 4 đứa xông lại liệng Arnold vô bồn tắm, xách cổ ra trạm gác. Thấy "tranh đấu" không xong ông ta bèn ríu ríu sắp hàng lên xe. Vả lại sau lưng còn có lưỡi lê và bầy chó trận!
*
Có lẽ sau Arnold Rappoport mốt tranh đấu tuyệt thực kiểu tiểu tư sản [3] không doạ nổi nhà nước Cách mạng! Cứng đầu đến mấy cũng chỉ có thể tranh đấu bằng cách tự hủy mình. Nhưng tự sát là chống đối hay chỉ là đầu hàng tiêu cực?
Dù có bị nhốt chung một khám, các đảng viên Cộng sản và phe Trotskyite vẫn không chịu ủng hộ chiến thuật tuyệt thực. Họ còn làm suy yếu đi vì lúc nào cũng sẵn sàng tuyệt thực mà bỏ cuộc cũng quá dễ. Như L.N. Smirnov, một thủ lãnh phe Trotskyite tuyên bố tuyệt thực trước khi ra toà Mạc Tư Khoa nhưng vừa vặn được 4 ngày!
Bản chất quá bén nhạy của họ là vậy. Thời nào nước nào chẳng có những phần tử tương tự? Nhưng chống tuyệt thực đắc lực nhất chỉ có chế độ Xô Viết, xét vì nơi đây dư luận quần chúng chỉ là một con zê-rô. Chế độ ngục tù được thể càng xiết mạnh thì tuyệt thực là thảm bại! Thời gian qua, võ khí tuyệt thực bị quên luôn, chẳng ai dám liều. Với đám cai ngục nhắc đến tuyệt thực là cả một sự ngu ngốc.
Cuối cùng, năm 1960 tù thường phạm Gensdy Smerlov tuyên bố tuyệt thực dài hạn trong khám lớn Leningrad. Tình cờ ông Công tố ghé ngang xà lim hỏi:
"Tự hành hạ mình để làm gì?"
Có lẽ quá ngạc nhiên vì câu trả lời ngớ ngẩn: "Với tôi Công lý quý hơn sinh mạng" nên ngay sáng hôm sau "người của Công lý" Smelov được đưa đi nhà thương – nhà thương điên Leningrad!
*
Kể từ 1937 đầu gai bắt đầu nhọn hoắt, các khám đường bắt đầu tên mới "Trại cô lập đặc biệt". Những gì gọi là nhược điểm còn lại được thanh toán dứt khoát. Tù chính trị đa số là đảng viên Xã hội cũng hiếm dần và mệt mỏi cùng độ. Vụ tuyệt thực đầu năm 1937 ở Trại Cô lập Yarolav là một cố gắng vùng lên giờ chót. Họ cũng đòi hỏi tái lập chế độ đặc biệt (đại khái bầu cử đại diện, tự do đi lại giữa các phòng,) nhưng thực sự chẳng hy vọng bao nhiêu.
Qua ngày nhịn ăn thứ 15 thì được bơm cháo vô bao tử và tạm thời cũng đạt được phần nào mục tiêu: mỗi ngày đi dạo 1 giờ, được coi báo địa phương, được giữ giấy bút. Ngược lại Ban Quản đốc Trại tịch thu quần áo, bắt buộc phải mặc đồ tù. Thế rồi giờ đi dạo rút xuống nửa giờ, rồi 15 phút. Cũng đành chịu. Họ là những tù cũ, phần đông đang ở án 10 năm, 15 năm. Có người từng tranh đấu chống chế độ tù đày từ thời tiền Cách mạng và từng nếm mùi chiến thắng. Họ tranh đấu cốt để nới rộng chế độ ngục tù, nhưng giờ đây chế độ càng khắc nghiệt, bóp nghẹt dần mà họ càng suy yếu thêm, kể cả lớp đồng chí trẻ biết vô Đảng và hoạt động lén lút là thế nào cũng tàn đời trong ngục.
Cuộc tranh đấu có quần chúng hưởng ứng đâu mà năm ấy sang năm khác không tàn rụi trong tẻ lạnh. Quần chúng im lặng, thản nhiên. Báo chí có nhắc đến "bọn Xã hội" thì cũng chỉ miệt thị và kêu gọi mạnh tay đào thải bọn mà Lãnh tụ đã liệt vào hạng đối thủ nguy hiểm nhất. Còn hy vọng gì ở đám quần chúng lâu nay không thèm tín nhiệm bầu cho người của Đảng một lá phiếu vào Quốc hội? Sau cùng báo chí cũng không thèm nhắc nhở đến đám người bất lực, bỏ đi, có cũng như không.
Đối với quần chúng còn tự do ở ngoài đời thì bọn đảng viên Xã hội Nga là một thứ cũ mèm, thuộc hẳn về quá khứ. Lớp trẻ không ngờ còn sống sót bọn Men-xơ-vích, bọn Cách mạng Xã hội! Trong khi đó họ run rẩy nằm xà lim các trại Cải tạo, các trại Cô lập. Họ nằm suy nghĩ trong bóng tối, sau lớp cửa sổ "đóng nút" bít bùng. Tại chủ trương sai, lãnh tụ dở? Tại chiến lược, chiến thuật hỏng, và hành động cũng sai lạc? Rút cục chẳng được gì, cũng bất động nằm đây và kể như tàn đời.
Nhưng dù sao ở trong tù họ cũng đã tranh đấu. Dĩ nhiên họ tranh đấu cho chúng ta, cho những người có thể bị tù. Để cho ta thấy ở tù phải như thế nào và nhà tù phải đối xử như thế nào. Phải chi họ chiến thắng thì mọi sự đã khác hẳn, và chẳng cần viết Quần đảo ngục tù làm gì!
Họ thất bại. Họ bị đánh bại nên chẳng bảo vệ được thân, chẳng làm gì được cho ta.
Phe Xã hội đã bị bao vây trong ngục tù nhưng họ trót nhận nhãn hiệu GPU khoác cho là "chính trị phạm" để tự tách rời ra, không chịu đứng chung với những bọn mà GPU cũng cho là hữu phái, Đảng viên Dân chủ Lập hiến chẳng hạn là hữu phái, là bọn KR coi là "chính trị phạm"! Cũng không thể coi là "chính trị phạm" bọn tù vì lý do tôn giáo, bọn không có lập trường tả hữu. Chính vì sự cố tình tách rời, không chịu hoà đồng với các nhóm hữu phái mà phe Xã hội đã vô hình trung "bật đèn xanh" cho Điều 58 Hình Luật sau này mà chính bọn họ cũng bị nghiến nát luôn.
Do đó ngay trong tù đã có hố sâu ngăn cách các "chính trị phạm" và bọn phản cách mạng. Cùng đau khổ ở Solovetsky mà các "chính trị phạm" Xã hội có coi dân KR ra gì. Dĩ nhiên với bọn KR thì các đấng "chính trị phạm" bất quá chỉ là một đám ô hợp, chia bè phái, chỉ lớn họng đòi "chế độ đặc biệt" cãi cọ vì quyền lợi riêng trong khi cả đại khối đói khổ. Không hiểu sao dưới thời Nga hoàng phe Xã hội tranh đấu mạnh thế mà dưới chế độ Xô Viết bọn họ lại mềm yếu, ngoan ngoãn đến thế!
Với những thành phần mà Xã hội coi là tả phái tức các đảng viên Cộng sản là đảng viên Trotskyite thì đến lượt phe xã hội lại là một bọn phản cách mạng, cũng là KR như bất cứ nhóm KR nào khác! Cùng nhốt chung khám nhưng họ đứng tách rời hẳn ra, đứng trên hẳn. Họ còn oán ghét, uất hận và đổ tội lên đầu phe Xã hội, coi như nguồn gốc của mọi bất hạnh mà nhà tù có thể giáng lên đầu họ.
Đó là đặc điểm của nhà tù dưới chế độ Xô Viết: dưới thời Nga hoàng các phe nhóm chính trị đoàn kết bao nhiêu thì nay phân tán, tự cô lập bấy nhiêu. Phe Trotskyite đứng biệt lập, không chịu đi chung với Cộng sản và Xã hội. Phe Cộng sản – những cán bộ bị nhà nước tống giam – hoàn toàn không tranh đấu. Không lẽ chống lại chế độ của mình, nhà tù của nhà nước? Nhưng ở các trung tâm cô lập cũng như khám giam dài hạn, tù nhân có Đảng vẫn bị đối xử nghiệt ngã, tệ hại hơn nhiều. Thông lệ tù Xã hội chỉ có án là xong, không cần phải dùng áp lực cũng sẵn sàng cung khai không giấu giếm quan điểm cá nhân. Tù Cộng sản không quan điểm cá nhân, nhà nước muốn bắt họ nhận tội không còn cách nào khác hơn là phải làm cho bật ra bằng được bản án tự thú.
*
Xin lưu ý điều này: mặc dù hệ thống trại cải tạo đã mọc lên như nấm khắp nước nhưng các khám giam tù dài hạn vẫn tồn tại nguyên vẹn, với đầy đủ truyền thống tù ngục. Hệ thống quần đảo có đóng góp nhiều và thật giá trị cho việc giáo dục quần chúng nhưng chưa đủ. Phải có hệ thống TON – những khám đường đặc biệt bổ túc.
Có phải bất cứ ai bị cuốn vào guồng máy Nội An khổng lồ cũng làm dân quần đảo được đâu? Dân ngoại quốc nhiều người biết, những công dân Xô Viết có tên tuổi, những người cần giam kín không thể để cho ai thấy, nhân viên An ninh, Mật vụ bị sa thải không thể để xuất hiện sờ sờ. Để ló mặt ra dám ảnh hưởng tai hại cho chế độ! Cũng phải tách rời bọn đảng viên Xã hội đầu não, luôn miệng đòi hỏi chế độ đặc biệt. Khoảng thập niên 1950 các khám đường đặc biệt còn tiếp nhận những thành phần có thể xách động trong quần đảo, bọn tù tư pháp thứ trộm cắp cứng đầu không cải huấn nổi. Có những người lãnh án đi trại Cải tạo nhưng vẫn vô tù đặc biệt. Thể chất quá yếu, chưa lao động đã bỏ thây trong đảo là thoát khỏi phải trả nợ tù tội dễ đến thế sao? Nhà nước đành phải tống vô hệ thống TON nuôi báo cô vậy! Trường hợp vô quần đảo mà không lao động được, bọn vô tích sự cũng bị đưa vô hệ thống TON. Chẳng hạn lão xẩm mù Kopeilin 70 tuổi ngày ngày ưa ngồi giữa chợ Yuryevets bên sông Volga hát nhảm cũng lãnh 10 năm cải tạo vì tội KRD. Một lão mù, già nua như vậy thì đóng góp được gì cho trại Cải tạo mà đưa đi?
Hồi đó tất cả các khám đường cũ thừa hưởng của triều đại Romanov đều được nhà nước canh tân, trùng tu lại để tổ chức thật chu đáo, chặt chẽ. Chẳng hạn khám lớn Yaroslav xây kiểu xưa thật kiên cố (cửa lớn như bọc thép, trong xà lim cái gì cũng đóng cứng xuống sàn) chỉ phải cải sửa nhẹ nhàng: cửa sổ làm thêm "nút đậy" bít bùng, dựng hàng rào chia lô sân chơi, dẹp cây cối vườn cỏ để tráng nhựa hết. Mấy tu viện cũ phải chỉnh trang lại cho thích hợp công dụng mới, trang bị "chuyên môn" là đủ. Xét ra công tác cải biến cũng không tốn kém vì tu viện là nơi tự hãm mình và nhà tù để giam người thì kiến trúc đại khái cũng như nhau.
Một số ngục dữ của chế độ Nga hoàng phải dùng làm chứng tích thời đại cho du khách vô coi (như nhà ngục pháo đài Leningrad hay ngục Schlusselburg kế bên) thì để bù lại phải nới rộng những khám lớn cũ – như khám Vladimir – chỉnh trang thêm. Phải có đủ diện tích và tiện nghi để sẵn sàng tiếp nhận số phạm nhân gia tăng trong nhiều năm tới. Cùng với Tobolsk, phải có Verknhe Uralsk, Aleksandrovsk, nếu khám Orel bị hư hại nhiều vì Đệ nhị Thế chiến thì phải có khám Dmitrovsk Orlovsky khang trang, tối tân và kiên cố hơn.
*
Xét về phương diện thực phẩm thì thập niên 1920 tương đối dễ chịu đối với "chính trị phạm": bữa trưa còn có ít thịt, rau tươi, sữa còn mua được dưới Câu lạc bộ. Thời kỳ 1931-1933 khẩu phần chính trị phạm cũng sút dần: thiếu máu, chóng mặt là bệnh quá thường. Phạm nhân Korneyev ở khám đặc biệt Vladimir năm 1947 cả ngày kêu đói: 450 gam bánh mì, 2 viên đường, 2 đĩa "súp" vơi vơi. Chỉ có một thứ được xài không giới hạn là nước sôi. Tuy nhiên tù còn được ăn vậy là khá, dân ở ngoài còn chết đói mà. Những năm tương tự, nhà nước cho phép thân nhân gởi đồ tiếp tế thả giàn. Miễn có để mà gởi.
Chế độ nhà tù Xô Viết ánh sáng cũng giới hạn. Những năm 1930-1940 xà lim nào cũng chỉ sáng lờ mờ vì hệ thống "nút chặn" cửa sổ, cửa kính đục, giàn lưới thép gài phía ngoài. Phải tối tăm tù mới xuống tinh thần! Đọc sách báo chỉ tổ hại mắt. Nhưng đêm đến lại khác! Đèn điện phải chong sáng trưng, chói chang suốt đêm.
Ánh sáng đã vậy thì không khí cũng giới hạn luôn. Theo thông lệ những ô cửa sổ chỉ mở một phần, chỉ trong lúc tù đi làm vệ sinh. Đi dạo thì mỗi nhà tù mỗi khác: từ 15 tới 45 phút. Đất không được đụng tới, khỏi có vấn đề trồng cây, làm vườn. Mọi sự thăm viếng của thân nhân bãi bỏ từ 1937, cho đến bây giờ vẫn chưa được phép. Về thư từ thì một tháng hai lần có thể viết thư ra cho những người ruột thịt nhưng nhận thư thì có khi hàng năm không có 1 cái. Ở Kazan có lệ thư nhà gởi tới sau khi đọc phải nộp cho Ban Quản đốc trong ngày hôm sau.
Thông thường người nhà vẫn được phép gởi tiền và tù có thể dùng tiền đó mua thực phẩm, đồ thực dụng ở Câu lạc bộ. Dĩ nhiên vấn đề có chút đồ đạc trong xà lim là hãn hữu. Ở Suzdal nữ phạm nhân Adamova kể như có phước lớn mới có nổi một giường cây và một bàn cây nho nhỏ. Các xà lim khác đồng loạt ghế sắt xếp vô vách và bàn chôn chân cứng dưới sàn!
Korneyev phân biệt 2 giai đoạn ở khám đặc biệt Vladimir: năm 1947-1948 còn được xài đồ riêng, ban ngày có quyền ngả lưng và ít khi lính gác nhòm lỗ khoá. Giai đoạn 1949-1953 thì xà lim hai khoá, giám thị và trưởng khu mỗi người giữ một. Cấm nằm ban ngày, cấm nói chuyện thành tiếng. Nệm nhà lao phát, cấm giữ đồ riêng. Mỗi năm được phép viết thư 2 lần, mảnh giấy bằng nửa tấm bưu phiếu mà chỉ thông báo trước 1 ngày, không kịp viết là bỏ luôn. Xà lim bị lục xét hoài, tù phải đứng sắp hàng, lột trần truồng để tra xét. Mọi sự đi lại, thư từ giữa các phòng giam cấm triệt để đến nỗi mỗi phòng đi cầu một giờ riêng và sau đó lính gác xách đèn vô rọi kỹ cầu tiêu để phát giác "thông điệp" mật. Viết bậy lên vách nhà cầu và cả xà lim đi nằm cát-xô.
Chế độ "nằm cát-xô" sử dụng tối đa ở các khám đặc biệt thuộc hệ thống TON. Ho lớn có thể bị. Tại sao không trùm mền rồi ho sau? Đi lại trong phòng cũng cấm. Bộ tính sắp đặt chống đối? Đi giày lẹp kẹp cũng cấm. Ở Kazan tù đàn bà bị phát giày đàn ông ráng chịu, coi chừng mà đi.
Theo Ginzburg thì không phải phạm lỗi mà tù đi cát-xô đúng kế hoạch lần lượt tống cát-xô bằng hết để mỗi người đều có dịp nếm mùi vị biệt giam. Đau khổ nhất là vô kỷ luật còn bị dộng thêm 20 ngày cát-xô nữa. Thế nào là vô kỷ luật? Kozynev chỉ đi lại trong cát-xô cũng bị phạt thêm 5 ngày!
Cố nhiên nằm cát-xô là phải trân mình chịu lạnh. Phải cởi giày, mặc đồ lót và nằm bệt trên sàn nhà có bụi có đất có sình và vũng nước nữa! May mắn cát-xô Kazyrev có chiếc ghế đẩu. Mới đầu đêm về lạnh cóng người, lúc nào cũng tưởng sắp chết rét đến nơi. Cố mãi mới học được phép ngủ ngồi trên ghế đẩu và tự nhiên thấy nảy nở một sức chống đối nội tâm. Mỗi ngày 3 ca nước nóng và 1 lần phát bánh mì: cỡ trên dưới 300 gam. Có ông giám thị tử tế còn kẹp "bất hợp pháp" cho 1 viên đường. May quá, đếm bánh mì thấy bản án thêm 5 ngày vừa dứt.
Kinh nghiệm quá nên biết mình đã mãn hạn phạt, Kozyrev cố lặng thinh. Tai rất thính, rõ ràng nghe họ bảo nhau "ngày thứ 6 hay số 6" gì ở ngoài cửa cát-xô nhưng tuyệt đối không lên tiếng. Dại dột hỏi: "Sao qua ngày thứ 6 rồi, các ông chưa cho tôi ra?" là bị khép ngay vào tội vô kỷ luật. Bất mãn, phản đối hả?
Quả nhiên cứ ngoan ngoãn, bình tĩnh ngồi đợi thì có người mở cửa cho ra. Theo Kozyrev đây là một biện pháp để đo thật chính xác sự khuất phục của phạm nhân, coi đã "vô khuôn khổ" tức cong lưng đến mức độ nào, xét vì so với cảnh biệt giam trong cát-xô thì được giam chung ngoài xà lim quả là thiên đường.
Sau chầu cát-xô tai Kozyrev bị điếc đặc tới nửa năm lại thêm chứng nổi mụn cuống họng. Gã bạn đồng xà lim chỉ vì cát-xô nhiều quá hoá điên cho nên hắn bị nhốt chung với 1 thằng khùng trên một năm liền. So với hệ thống TON thì ngục dữ Schlusselburg thời Nga hoàng có 3 thằng điên đã ăn nhằm gì!
Khi phạm nhân đã chịu khuất phục tới cỡ Kozyrev thì phải hiểu là mũi gai tù ngục đã dần dà được mài nhọn tới mức tối đa. Đầu gai đằng kia có nghĩa lý gì, phải không?
Không hẳn vậy, mỗi người quan niệm một khác. Thiếu gì dân trại Cải tạo được về nằm khám đặc biệt lấy làm sung sướng như đi nghỉ mát. Như Vladimir B. Zeldovich ở trại Abez và Anna P. Skripnikova ở trại Kemerovo được chuyển về khám đặc biệt Vladimir năm 1956. Nữ phạm nhân Anna không ngờ ở đây còn được phép 10 ngày 1 lần làm đơn khiếu nại [4] còn có thư viện có cả sách ngoại quốc và lại cho coi danh sách cả năm trước.
Luật lệ nước Nga vốn "cao su" ở chỗ nhiều nữ phạm nhân (có chồng tù) bị án tù, mà chỉ cần một lệnh ban ra cả ngàn con người bị đưa vô quần đảo cái một. Không cần xử lại, khỏi giải thích (nếu giải thích thì có thể nói trại Kolyma chưa khai thác vàng đủ số ấn định). Vì vậy khám đường thực sự chỉ là cửa ngõ để nhập trại.
Đến đây mới là phần quan trọng trong cuộc đời tù tội. Đang yên lành trong cuộc sống thường dân phút chốc mất tự do. Chịu đựng đủ mọi cực hình, bị tẩy sạch tất cả những gì còn bám víu trên người. Như một chậu nước sông bị khuấy động lên rồi đi từ từ cho lớp bùn đóng xuống đáy.
Tay thằng tù chìa ra mân mê từng hòn đất ngoài vườn rau, vườn hoa. Giờ đây chẳng còn gì, ngoài nhựa đường! Hắn muốn ngẩng đầu lên, ngước nhìn Thượng Đế. Không được, cấm ngẩng. Phải cúi xuống! Hắn muốn lắng tai nghe một tiếng hót của loài chim nhỏ ngoài khung cửa sổ. Than ôi, cũng không được. Chỉ thấy bít bùng! Những lúc đầu óc tỉnh táo cũng muốn ghi nhận vài chữ trên tập giấy chớ. Còn ghi chép được là may mắn lắm, với điều kiện giấy vở phải bỏ tiền ra mua ở Câu lạc bộ và viết xong – ghi chép bất cứ cái gì – phải nạp cho Văn phòng Quản đốc nhà lao giữ gìn, giữ đến muôn đời.
Nếu cuộc đời thằng tù nằm khám đặc biệt TON có thể ví như một chậu nước sông đục ngầu để bộ máy tù ngục dần dà làm công việc gạn đục khơi trong thì tinh thần hắn đã gạn lọc được thực sự, hay giản dị là hắn đã đánh mất luôn, không còn tinh thần nữa. Liệu còn giữ nổi tinh thần không? Đó câu hỏi vương vấn trong đầu óc thằng tù. Sáng dậy ngài mở mắt ra là thấy trước tiên cặp mắt ngơ ngáo, thất thần của thằng bạn khùng cùng xà lim thì không thể không tự hỏi đời mình sẽ ra sao, liệu rồi có thế này không ,
Để giữ vững tinh thần, cho khỏi phát điên Nikolai Z. Kozyrev đã phải rèn luyện ý chí, luôn luôn hướng đầu óc vào điạ hạt chuyên môn. Là một nhà thiên văn trứ danh, Kozyrev không dám cho đầu óc nghỉ ngơi. Bắt nó phải suy nghĩ về vũ trụ, phải hướng về trăng sao, trời đất, phải lý luận về thời gian, ý nghĩa của thời gian. Đầu óc bận rộn hẳn khi quyết định bước sang địa hạt Vật lý mới toanh. Có vậy mới tồn tại được trong khám đặc biệt Dmitrovsk.
Suy nghĩ, tính toán nhẩm mãi rồi cũng phải kẹt. Bao nhiêu con số dài đặc, bao nhiêu sự kiện mới chồng chất mỗi ngày đầu óc nào nhớ cho nổi? Phải có gì để ghi chép, phải lưu lại trên giấy tờ, phải có tài liệu tham khảo. Chao ôi, ngần ấy thứ lấy đâu ra trong cát-xô biệt giam trơ trụi, suốt đêm hơi đèn dầu hôi ngột ngạt và một con chim nhỏ bay không lọt này? Không còn cách nào hơn, Kozyrev tự nhiên quỳ xuống cầu nguyện: "Con đã làm hết sức mình. Cầu xin Thượng Đế cứu vớt con".
Vì tin tưởng nên cầu nguyện đó thôi. Hy vọng gì? Cỡ nửa giờ sau lính gác gõ cửa cát-xô. Đến lượt Kozyrev được quyền mượn sách, mỗi lần giữ mười ngày. Khốn nạn, thư viện nhà tù này có sách gì! Quanh quẩn vài cuốn tuyên truyền rẻ tiền, riêng tiểu thuyết Hoà tấu đỏ sẵn cả chục cuốn. Lính gác liệng vô là giữ lấy đọc chớ đâu có quyền lựa chọn. Có biết thư viện có những cuốn nào đâu. Nào ngờ Kozyrev bữa đó được liệng vô cuốn Vũ trụ Vật lý học.
Thư viện nhà tù Dmitrovsk mà có cả Vũ trụ Vật lý học? Không thể ngờ nó nằm sẵn từ hồi nào và đúng lúc cần nhất thì nó nằm ngay trong lòng tay! Kozyrev sững sờ cầm cuốn sách, ngơ ngẩn nghĩ tới lời cầu nguyện. Thế rồi như bắt được vàng, Kozyrev vồ lấy đọc nghiến ngấu, vồ vập. Đọc đến đâu ghi nhận ngay trong óc, nhớ như in. Vừa duyệt lại mớ sự kiện mới nảy nở trong đầu, vừa lưu giữ lại để ứng dụng sau. Còn gì quý bằng? Hai ngày liền Kozyrev thả hồn vào cả một vũ trụ vật lý và sung sướng làm sao còn cả 8 ngày liền tha hồ nghiền ngẫm, sắp đặt! Đúng lúc đó tình cờ Quản đốc khám đi thanh tra, ghé ngang cát-xô. Cặp mắt cú vọ của hắn nhìn cuốn sách chằm chặp rồi ra lệnh:
"Thằng cha này Thiên văn học mà? Đọc sách này không được! Tịch thu, đổi cho nó cuốn khác".
Thế là Kozyrev thẫn thờ nạp trả lại. Dịp may đến và đi hoàn toàn bất ngờ! Nhưng hai ngày đọc Vũ trụ Vật lý học cũng đủ để Kozyrev ôn lại toàn bộ lý thuyết mới để sau này tiếp tục khai triển thêm trong trại Cải tạo Norilsk. Trường hợp Kozyrev điển hình cuộc chiến đấu giằng co giữa tinh thần con người và song sắt nhà giam.
Nhưng này, bữa nay có chuyện gì lạ mà nghe chừng phía ngoài xà lim xôn xao? Gã gác khám mở khoá sắt lách cách. Rồi đến ông trưởng khu hắc ám bước vô, tay cầm bản danh sách dài. Cuộc vấn đáp nhanh như máy kế tiếp, hết người này đến người khác,
Nghe đây, tên gì, họ gì, lót chữ gì? Ngày sinh, nơi sinh? Tội gì? Án bao nhiêu, chừng nào mãn? Quần áo, đồ đạc có gì lấy ra đi, chuẩn bị lẹ, đi liền.
Thế là đi. Lại đi. Chuyến đi, con tàu đang nằm chờ. Mà biết đi đâu đây? Lần này đi, biết có ngày về không? Trời đất ơi, có chắc gì!
Nhưng bảo đi là đi. Còn sống được thì còn về. Về để tiếp nối Quần đảo ngục tù. Phần Một Kỹ Nghệ Ngục Tù đã qua rồi, thì bước sang Phần Hai: Đến Đi, Đi Đến miễn còn sống nổi.
[1]Strakhovich vẫn còn giữ nguyên vẹn những bản thảo lý thuyết Cơ học ghi chép trong khám lớn Leningrad. Ở tù ra vẫn khai thác chúng khi được nhà nước giao công tác sáng chế loại động cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô.
[2]Theo lời tự thuật của Krasilov (sau này ngồi ghế Công tố đã lên án tử hình Đức Tổng Giám mục Veniamin) thì chính hắn đã được đọc Tư bản luận ở trong tù. Tuy nhiên Krasikov chỉ bị giam đúng 1 năm là được phóng thích.
[3]Theo nhân chứng Cách mạng Xã hội Olitskaya thì các đảng viên Cộng sản Đệ Tam hay Đệ Tứ đều chống lại phương pháp tuyệt thực trong tù. Dưới thời Stalin, đảng viên Trotkyste nào cũng không chịu sử dụng đường lối nhịn ăn đến chết như các phe nhóm quốc gia.
[4]Do đó Anna Skripnikova mới nổi hứng, biết kháng thư gửi đến… Liên Hiệp Quốc!
=====
No comments:
Post a Comment