====
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Quần đảo ngục tù
Ngọc Thứ Lang, Ngọc Tú dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
2. Cửa vào quần đảo
Hãy lật bản đồ Tổ quốc ra mà coi. Nhớ lựa một tấm lớn để coi cho rõ. Những chấm đen đậm là tỉnh lỵ, là nơi những đường giao nhau, là những trạm chuyển tiếp. Đường sông, đường núi ngoằn ngoèo.
Những chấm đen đậm sao mà nhiều thế? Chỗ nào cũng có chi chít mọc như đầu ruồi dễ sợ lạ! Không, đó chỉ là tấm bản đồ đặc biệt ghi rõ những cửa vào quần đảo. Nhưng không phải những cửa biển, những bến tàu thơ mộng trong truyện Aleksande Grin, nơi rượu ngon gái đẹp tràn trề.
Ở xứ này có thằng Zek nào không biết năm ba trạm tiếp nhận hay Trại Cải tạo? nhiều người còn nhớ đến mười, mười lăm, và gọi là Con đẻ Cải tạo là phải nhớ vanh vách 50 tên trại! Nhưng ghi nhận bằng ký ức dễ lẫn lộn quá. Trại nào chẳng giống trại nào? Này đám lính hộ tống mù chữ “đánh vật” với bản điểm danh, những buổi chiều chầu chực chờ đợi giữa mưa phùn nắng gắt, những phiên tra xét cỡi trần cởi truồng hết, lục lọi mãi. Này hớt tóc dơ dáy, tắm nước lạnh nhờm tởm, cầu tiêu thối hoặc hành lang ướt át sâu hun hút. Này xà lim tối om chật cứng hơi người hầm hập xông lên, từng dãy dài đầu người lố nhố ngoi lên khỏi ổ. Bánh mì muôn năm nhão nhoẹt, cháo toàn đồ phế thải nấu lại.
Trí nhớ bén nhọn, nhớ không sót từng đặc điểm từng trại thì cố ngồi nguyên một chỗ chẳng một hệ thống trạm dọc đường in sâu trong óc từ hồi nào bỗng hiện ra một loạt. Novosibirsk hả? Còn lạ gì, từng ở đó mà. Cả dãy nhà lao kiên cố, cột kèo bự kinh khủng chớ gì? Irkutsk là chỗ đặc biệt cửa sổ cũng xây gạch từng lớp bít bùng, hết lớp này đến lớp khác, phải không? Còn Vologda thì phòng giam ọp ẹp, tháp canh vây quanh, cầu tiêu lầu trên nằm ngay lầu dưới, ngó thấy hết! Trại Usman thì vô địch về kiến trúc cổ lỗ và về rệp. Có điều tù đông rệp còn đông gấp bội, mỗi lần chở tù ra xe thì rệp rớt lộp bộp nằm từng đống dọc đường chớ gì.
Nếu anh tính qua mặt “dân trong nghề”, bảo rằng “thỉnh thoảng cũng có tỉnh lỵ không có khám tiếp nhận chứ” thì anh hố ngay. Họ cả quyết chẳng tỉnh nào không có khám tạm. Đúng như vậy! Anh tưởng ở Salsk không hả? Có chứ, nó nằm trong KPZ nằm chung với khám giam cứu. Quận lỵ cũng bắt buộc phải có, ít ra là một. Tầm thường như quận Sol Iletsk cũng có. Quận Rybinsk có khám số hai, ở chỗ tu viện cũ đó. Khám tạm cấp quận có khác. Yên tĩnh lắm, sân lát đá tảng rêu mọc xanh um, mấy cái bồn tắm bằng cây ghép kiểu xưa thật sạch sẽ! Quận Chita có khám số 1, quận Naushki rõ ra khám tiếp nhận dọc đường. Còn ở Torzhok khám đặt tuốt trên đồi cao, cũng tu viện cũ.
Vậy thì yên chí đi. Chỗ nào có toà xử là có nhà giam và khám tiếp nhận tù ở dọc đường, ở trạm lại ít ngày thì quả thực mỗi nơi mỗi vẻ chẳng thể so sánh hơn kém. Ba bốn thằng Zek họp mặt, mỗi thằng chịu một khám là thường quá! Hãy nghe họ “ca ngợi” như sau:
“Mấy anh tưởng khám tiếp nhận Ivanovo không nổi tiếng sao? Thử hỏi những thằng từng ở đó hồi 1937-1938 coi. Mấy mùa Đông đặc biệt, phòng giam lạnh ngắt, khỏi có lò sưởi. Lạnh chết người là thường quá. Vậy mà trong xà lim ở mấy cái ổ trên phải cởi bỏ quần áo thì biết sao! Lại phải đập bể mấy khuôn kính cho bớt hầm. Xà lim 21 đúng nguyên tắc chỉ nhốt 20 tù mà phải nhét ba trăm hai mươi ba mạng kia mà. Ổ nằm sờ chỗ nào cũng nhơm nhớp, lép nhép những nước! Ổ đâu ra? Hơi người bài tiết, hơi giá từ mấy khuôn kính bể lọt vô, đâu có thua ánh đèn điện thì mấy thằng nằm ổ trên hay đứng dưới sàn đã chắn mất hết còn đâu? Chen chúc như thế đi cầu là cả một sự lách né, xô đẩy khó khăn. Tụi nó bám cứng cả bên ngoài rìa ổ nằm.”
Hồi đó phát thức ăn là phát cho tổ. Không phát từng cá nhân. Cứ mỗi tổ 10 người. Tổ nào có một thằng chết dại gì khai báo vội. Hãy nhét đỡ nó xuống gầm ổ, để tiếp tục chia nhau chỗ khẩu phần của nó. Nghĩa là 9 miệng hưởng 10, chừng nào xác có mùi hẵng hay! Chen chúc khốn nạn vậy mà nhà tù cứ nhét thêm và tù cứ ráng chịu: bao nhiêu cũng vừa. Phiền nhất là đông như vậy tù chỉ được phép, 3 tháng tắm 1 lần. Chấy rận nảy nở khỏi nói: Chúng hút máu đến nỗi chân cẳng thằng tù nào cũng đầy nhọt áp xe. Bệnh chấy rận tệ hơn nhiều. Vì bệnh dịch quái ác này mà cả khám bị cô lập đúng 40 ngày.
Đồng ý. Nhưng không riêng mình Ivanovo cực khổ. Trại thời buổi đó đồng đều hết. Vì 1937-1938 thì đến đá cũng phải cực hình nữa là tù nhốt tạm trong khám tiếp nhận. Như Irkutsk có phải khám tiếp nhận đặc biệt đâu mà năm 1938 bác sĩ đi khám bệnh đâu có dám nhìn vô xà lim. Họ đi mau mau ngoài hành lang để sếp gác chạy theo ghé miệng vô hô: “Bác sĩ tới, thằng nào bệnh nặng đâu? Ra đây.”
Đúng thế thật. Thời kỳ 1937-1938 thì toàn quốc đều cám cảnh như nhau. Tệ hại nhất in hình ở biển Okhotsk và ở cảng Vladivotosk thì phải. Tối đa tàu biển chỉ chuyên chở nổi 30 ngàn tù một tháng. Trung ương không cần biết cứ cho lệnh chở tới. Kẹt cả trăm ngàn người một lúc.
* Một trăm thằng tù kẹt? Ai đếm đâu mà biết.
* Thằng nào công việc đếm, bắt buộc phải đếm chớ sao.
* Đúng thế. Có đếm đâu chớ? Tháng hai năm 1937 ở khám tiếp nhận Vladivostok chẳng hạn, đâu có trên 40 ngàn tù, phải không?
Nên nói rõ khám tiếp nhận chỉ là nơi tù ở những nơi khác di chuyển tới ở tạm chờ phân phối đi những chỗ khác. Ở tạm cỡ năm bảy tháng, chen chúc ngần ấy con người. Đó là lúc rệp nảy nở như cào cào châu chấu, mỗi ngày ½ ca nước. Nước ở đâu ra cho đủ, lấy người đâu xách về. Có nguyên một trại tù nhốt toàn dân Cao Ly mà chết dần dần không còn một mạng chỉ vì một chứng kiết lỵ. Mỗi sáng lính vô mỗi trại xách ra không dưới một trăm cái xác. Hồi đó đang phải xây nhà xác nên tù chết hay đá tảng cũng đi cùng một xe. Hôm nay còn kéo xe, mai nằm xe đi là thường quá. Tháng 8 năm ấy dịch chấy rận bắt đầu làm cỏ khám tiếp nhận Vladivostok. Vậy mà thằng nào chết cũng nằm đỡ trong kẹt ít lâu để anh em hưởng khẩu phần đỡ ít ngày! Thuốc chữa thì tuyệt đối không có. Không có bất cứ một thứ thuốc gì nên tù khốn khổ quá phải lết ra tận hàng rào gào lên: “Thuốc đâu? Cho chúng tôi thuốc!”. Gào lớn quá thì lính gác nổ ít loạt súng cho át đi.
Sau cùng nhà tù đành phải lập riêng 1 trại chấy rận. Những thằng ngắc ngư cũng được đưa đến vậy, nhưng trở về thì hiếm quá! Trong xà lim này những ổ ngủ đều chia 2 từng trên dưới: Lỡ từng trên có thằng bệnh nặng quá không mò dậy nổi là chỉ chết những thằng nằm từng dưới. Từng trên ỉa đái thì từng dưới lãnh đủ chớ sao? Trại chấy rận một ngàn năm trăm thằng tù bệnh, mà An ninh, Trật tự đều do blatnye phụ trách hết. Đó là lý do những xác chết không bao giờ còn được một chiếc răng vàng. Ngay người sống còn bị “nhổ răng” khơi khơi!
Ủa, tại sao mấy anh cứ 1937-1938 mà nói mãi? Năm 1949 ở khám tạm Vanino không khổ sao? Trại số 5 chẳng hạn?
Số tù đâu có ít. Ba mươi lăm ngàn con người, chen chúc nhau sống 5, 7 tháng liền. Kẹt chở đi Kolyma mà. Không hiểu sao Trại Vanino hồi đó có cái lệ khó hiểu là đêm nào cũng có vụ dồn phòng, đổi khu luôn xoành xoạch? Đổi để làm gì không biết. Nhưng lính xông vô ra lệnh là phải là cho thật lẹ: “Ra mau! Ra bằng hết, thây kệ thằng nào kẹt bên trong”. [1] Thầy chú đã có lệnh cấp tốc như vậy thì dĩ nhiên phải chạy. Chạy cho thật nhanh, vì có việc gì ở đây được làm chầm chậm đâu? Đi lãnh bánh mì hàng ngày cũng chạy, cả trăm thằng hối hả, chen chúc nhau. Lãnh cháo cũng chạy, dù chạy tới nơi hộc tốc chẳng lấy gì để đựng cháo, ngoài vạt áo hay lật ngửa nón ra. Nhà tù dọc đường không chén dĩa. Tại sao anh có tay không ngửa ra lãnh phần cháo mà còn kêu ca cái nỗi gì? Cũng như nước xe chở lại từng bồn lớn, không có vòi nước, không có vật dụng gì có thể chứa nước được. Giản dị quá, lính gác chỉ nổ một vài loạt vào bồn thì muốn bao nhiêu vòi chẳng có? Thằng nào muốn uống chạy lại ghé miệng vào vòi. Muốn uống cho đã thì ráng tiến chiếm hàng đầu. Mà coi chừng tranh nhau, đánh nhau vì miếng nước lính trên tháp canh xả súng bắn là chết cả.
Cảnh tranh từng miếng nước này đau khổ không khác gì trong các trại giam Quốc xã. Có lần nói đã diễn ra trước sự hiện diện của Đại tướng Derevyanko, chỉ huy trưởng hệ thống Trại Cải tạo miền Đông Bắc (vùng Kolyma). Thấy lính gác trên chồi cao dám chĩa súng nổ đám tù đói khát một gã Không quân ức quá, vùng chạy lên phía trước, xé áo banh ngực ra hét lớn: “Chúng bay hãy coi đây! Tao 7 huy chương, 7 thành tích giệt giặc đây này. Ai cho phép chúng bay nã bắn vô lối thế?”
Đại tướng Derevyanko quát lớn hơn:
“Tao cho phép hắn. Cứ bắn nữa đi. Bắn đến chừng nào chúng hết dám ba gai thì thôi.”
*
Tất cả những nhà giam vừa nói trên chưa chính danh khám tiếp nhận. Phải như ở Kirov kìa! Khỏi cần chọn khoảng thời gian làm chi cho mất công. Hãy lấy ví dụ năm 1947 đi.
Nên nhớ khám Kirov (tên cũ của Uyatka) đảng phải ở Hắc Hải, nhưng tù cũng đông vậy chớ. Muốn đóng cửa xà lim là phải 2 giám thị hiệp lực: Một ông đưa bốt sút, một ông mạnh tay lẹ làng sập cửa. Thây kệ bên trong thu xếp với nhau. Thời tiết tháng 9 mà tù phải cởi trần thì hơi người phải biết hầm hập cỡ nào! Ổ ngủ thì 3 tầng trên dưới nhưng nằm là thiếu chỗ. Chỉ đứng hay ngồi là cùng, phải chia phiên lần lượt. Đứng thì xách, ngồi thì phải ôm khư khư bọc quần áo trước bụng chớ làm gì có chỗ treo. Tuy nhiên dân blatnye vẫn có giang sơn riêng: Bọn họ có quyền chiếm ngăn trên cùng, sát cửa sổ để ngả lưng thảnh thơi. Nói về rệp thì khám Kirov chẳng chịu thua bất cứ khám nào: Ban ngày chúng cũng hoạt động như điên và từ trần nhà “thả xuống” nghe rào rào! Dù là khám tạm nhưng đã vô xà lim Kirov thì tối thiểu cũng kẹt 1 tháng, may mắn lắm mới là 1 tuần!
Nghe bọn tù đua nhau diễn tả đời sống ở những khám tiếp nhận dọc đường, tôi cũng muốn đóng góp vô những gì đã thấy ở xà lim khám Krasnaya Presnya tháng 8 năm 1945, đúng mùa Chiến thắng vinh quang. (Nó nằm gần gũi quá đi, mà tại sao dân Mạc Tư Khoa ít người biết?). Nhưng Krasnaya Presnya thực sự đã đi đến đâu? Dù sao đêm đến còn duỗi chân ra được chút đỉnh, rệp cũng như muỗi chỉ tấn công mức trung bình những thân thể trần truồng láng nhẫy mồ hôi dưới ánh đèn điện chiếu gắt suốt đêm. Dù sao xà lim của tôi mới nhét cỡ 100 người, có bước đi mới thiếu chỗ đặt chân. (Được cái ít người muốn cựa quậy, đi lại cho mồ hôi túa ra nhớp nháp. Mỗi bữa ăn đành phải chịu để ra mồ hôi vậy thôi). Dù sao cũng vẫn còn 2 ô cửa sổ con con “đậy nút” kỹ càng. Phải chi “nút đậy” thông dụng thì chỉ bị cản không khí mà thôi. Bằng thép đan lưới nên chúng giữ luôn hơi nóng quá lâu, “hầm” cả xà lim.
(Sau này mới hay đặc điểm của khám tiếp nhận là không có màu sắc gì đặc biệt! Muốn tả cho rành rẽ cũng khó biết nên vào vấn đề thế nào, nói cái gì trước. Càng nhiều tù tống vô khám càng phải giản dị tối đa để hoàn toàn là một bộ máy chỉ để tiếp nhận tù. Tù kẹt lâu là tai hoạ song cũng bất lợi cho toàn bộ hệ thống Trại Cải tạo vì nạn tù “ngồi không ăn sẵn” tháng này qua tháng khác. Tính cách máy móc biểu lộ rõ rệt ở bánh mì chở cả xe, xếp chồng chất như gạch. Một xe cháo chia sáu ngăn, sáu thùng cây, trút ồng ộc.)
Nếu cần sắp hạng các khám tiếp nhận thì Kotlas coi bộ vượt hẳn lên: Nó nằm trấn ngay địa đầu Đông Bắc bình nguyên nước Nga và tới Kotlas kể như làm dân quần đảo rồi. Những quy tắc phức tạp bỏ hết! Nó giản dị là một chuồng lớn có rào sắt lần nữa và khoá thép. Chẳng cần phải có hình thức thường lệ của một nơi giam giữ người. Chỉ cần giam được người.
Năm 1930 Kotlas đầy nhóc tù nông dân nhưng nhà tù vẫn chưa cần lợp mái. Đầu đội trời chân đạp đất như vậy có mạng tù nào sống sót làm nhân chứng? Năm 1938 vẫn sơ sài những dãy nhà trệt vách ván thùng ọp ẹp, phía trên che đỡ bằng một lớp vải bạt. Tuyết đổ hay nắng cháy vẫn chỉ có bấy nhiêu. Tù chen chúc, không tham gia sản xuất được nhưng cấm ngồi không cho quen lì lợm, làm biếng. Không đi làm nhưng điểm danh lu bù, cả ngày lẫn đêm. Bất kể giờ giấc có hiệu lệnh tập hợp là 20 ngàn con người phải vùng dậy chạy ra sắp hàng cho cơ thể có dịp vận động và xếp kiểm soát từng đầu một.
Dần dà thêm lều vải, thêm ít dãy nhà cây tiếng là hai tầng nhưng để tiết kiệm cây ván không có sàn lầu 1. Ngoài một diện tích tối thiểu hẹp như boong tàu biển ở sát ổ ngủ thì lầu 1 chẳng còn gì nữa! Mỗi “lầu” 3 tầng ổ ngủ trên dưới nay có 6 tầng ổ ngủ nên phải kể như có lầu 1 luôn. Lên xuống đến ổ ngủ thứ 6 cao chót vót cũng chỉ có mấy bậc thang cây thô sơ, người khoẻ trèo cũng mệt rã rời huống hồ bọn tù ốm đói thường xuyên. Nhưng để vận động cơ thể thì những bậc thang quả là dụng cụ lý tưởng!
Mùa Đông năm 1944-1945 khu nào cũng có mái che đầy đủ nhưng sức chứa tối đa của khám tiếp nhận Kotlas chỉ tới mức 7 ngàn 5 trăm tội phạm với số tử trung bình 1 ngày 50 mạng. Ban Vệ sinh khám làm việc trối chết – nhất là tiểu ban khiêng cáng xuống nhà xác – nhưng Ban Quản đốc Kotlas hài lòng vì tỷ lệ tù tử vong luôn luôn dưới mức 1%. Tính ra một thằng tù nằm Kotlas còn sống được tới 5 tháng, theo toán học. So với các Trại Cải tạo thì nơi đây còn là CÕI THỌ (Cứ vô đi, rồi biết!)
Ở các địa hạt sản xuất khác, kế hoạch gia nhà nước không chịu chấp nhận, một mức độ hư hao lớn lao cỡ này. Hư đến 2 phần 3 của một phần trăm hàng hoá sản xuất hàng ngày – kể cả rau tươi, trái tươi nhập kho - hiển nhiên làm băng hoại kinh tế nước nhà! Đối với dân quần đảo càng đi sâu vào nếp sống Trại Cải tạo càng khám phá ra rằng hình thức nhà giam biến mất dần: Đúng là những nhà kho người để cho “nhập kho” đám tù từ các khám tạm chuyển tiếp các nơi chuyên chở đến.
Nhà kho Karabas tỉnh Karaganda trong năm bảy năm đã tiếp nhận nửa triệu tù để phân phối đi các trại mà. Năm 1942 Yuri Karbe đã ghé qua nơi này, vô sổ cái dưới số hiệu thằng tù thứ 433 ngàn. Con đẻ quần đảo thường coi Karabas là khám tiếp nhận tiêu biểu. Đúng vậy, nếu cần lưu lại một chứng tích lịch sử thì Karabas phải là Bảo tàng viện mới đúng. Tuy nhiên nhà nước đã xoá bỏ để lập nhà máy sản xuất dụng cụ xi-măng đúc. Đặc điểm Karabas là những dãy nhà đất thấp lè tè như hang, nền bằng đất nện. Nền đất lâu ngày láng coóng, mịn mặt nên Ban Quản đốc bày trò ngày nào cũng bắt tù xách hết đồ ra ngoài trời để Ban Mỹ thuật vô quét vôi nền nhà, vẽ những bức “bích hoạ” khổng lồ. Đêm đến tù vô nằm xoá bỏ bằng hết tác phẩm và sáng mai Mỹ thuật sáng tác lại từ đầu.
Khám Knyazh Pogost ở vĩ tuyến 63 đặc biệt là cả dãy nhà sàn, dựng trên bãi sình, vách là những tấm bạt căng chỗ kín chỗ hở. Từ những hàng cừ cắm sâu xuống sình đến cột kèo sàn nhà, ổ ngủ đều bằng nguyên cây gỗ không bào. Cũng 2 tầng ổ ngủ trên dưới nên lâu ngày cứ lún dần, sàn nhà muốn đụng mặt sình, nhiều chỗ sình dâng lên ngập ngụa, hôi thối. Đêm về phải biết là lạnh cóng nhưng xét ra cũng chưa sợ bằng những lúc phải di chuyển. Trên bãi sình dĩ nhiên mọi đường đi lối lại trong khám đều là cầu khỉ lớn nhỏ. Thân hình yếu ớt gió thổi bay, biết bao nhiêu mạng tù đã rớt xuống và chậm vớt lên là chết sặc. Cứng cáp, vững chắc sao nổi khi ngày nào cũng chỉ một món duy nhất, không ra cháo không ra cơm, lổn nhổn những vụn cháy và xương cá. Phải cho ăn cách này mới thuận tiện: Đỡ phải chén, bát, muỗng, dĩa. Khám tạm mà. Giờ “cơm” cứ 12 thằng một tổ được hướng dẫn vô lò: Có nón thì ngửa ra nếu không “túm” bằng vạt áo!
Khám Vogvozdino (cách tỉnh lỵ Ust Vym cỡ 10 cây số) ngày nay có ai biết nó nằm chỗ nào. Đấy là cửa di chót dẫn vào quần đảo, có lúc chứa tới 5 ngàn tù. Vô đây là tống ngay đi, thằng nào xui xẻo lắm mới kẹt cỡ 1 năm (!) chỉ vì chẳng Trại Cải tạo nào chịu nhận cho. Kẹt cỡ đó chỉ là dai sức lắm vì Vogvozdino đâu có dựng trên bãi sình mà chế độ khẩu phần cũng in hệt Knyazh Pogost! Món ăn duy nhất năm này sang năm khác cũng nửa cháo nửa cơm. Mỗi tổ 10 mạng lãnh về một chậu “la-va-bô”, nóng hay nguội cũng chỉ có một cách là lấy tay vét ăn. [2]
*
Xin nói ngay để bạn đọc đừng chê thô tục: Ăn đã vậy thì ỉa làm sao? Ôi chao, cả một cực hình!
Sự thực mấy ông nhà văn vốn nghèo chất liệu mỗi khi đả động đến nếp sống và phong tục quần đảo. Hình như mỗi lần muốn vạch rõ chế độ nhà tù hắc ám, phi nhân họ ưa nhấn mạnh và lên án cái cầu tiêu mà theo họ đó là tượng trưng rõ nét nhất về sự hành hạ, sa đoạ con người. Họ cứ tưởng đâu cầu tiêu là cả một ám ảnh hãi hùng đối với thằng tù. Chao ôi, họ đâu biết chính nó là cứu tinh – một ân huệ lớn của nhà tù ban cho thằng tù. Ám ảnh hãi hùng đệ nhất là bước vô xà lim không thấy nó nằm đâu kìa!
Có đi tù Tây Bá Lợi Á năm 1938 mới hiểu nỗi thống khổ của thằng tù không có cầu tiêu để mà ỉa! Làm sao cho kịp cầu tiêu, biết bao nhiêu cầu tiêu mới đủ cho nhu cầu tối thiết của những lớp tù dồn vô đông đến thế? So với những đợt tù dồn dập thì kỹ nghệ xây cất của Tây Bá Lợi Á tiến bộ sao kịp?
Thế là những nhà kho đợt mới thiếu đứt khoản cầu tiêu. Rồi những xà lim cũ bên trong có sẵn cầu tiêu cũng gỡ đi luôn. Để nó làm chi, khi nó không thực sự giải quyết được phần nào nhu cầu? Nó được chế tạo theo tiêu chuẩn cũ và nhiệt độ tù “nhập kho” vượt qua mọi tiêu chuẩn mà. Khám đường Minusink lập ra với sức chứa tối đa 500 tù (Lênin cũng từng ở đây nhưng người có đặc quyền di chuyển thong thả). Nay phải nhét vô 10 ngàn, thì chế tạo sao nổi những cầu tiêu trong xà lim với dung tích 20 lần lớn hơn?
Nhà văn Nga có lệ ưa tả những cái gì thanh cao, tránh bằng hết những danh xưng tục tĩu, thô bỉ. Họ không khoái mổ xẻ vấn đề chia ly, đặt kính hiển vi vào cả những thứ tầm thường, nhỏ mọn nhất cho các cây viết Tây phương để thấu hiểu cho nỗi khổ tâm của một thằng tù bị tống vô một xà lim với số tù chen chúc 20 lần nhiều hơn, mà mỗi ngày chỉ được phép dẫn đi cầu đúng 1 lần! Nhà văn Tây phương chú ý đến xã hội của họ không thể quan niệm nổi một nếp sống (dù là tù đày) mà người vô trước khuyến cáo người vô sau nếu mắc đái quá hãy tống đại vào lòng nón, và chiếc giày bốt dựng ngửa lên rồi lộn đầu trong ra ngoài, đặt xuống đất là có một cái cầu tiêu khá chắc chắn, xài tạm được. Những đầu óc Tây phương đó làm sao thấu triệt nổi nguyên tắc “ít ăn ít ỉa, ít uống ít đái” tốt đẹp ở khám đường Minusink. Mỗi tổ 4 người, mỗi ngày lãnh một chậu thức ăn, 1 ca nước uống. Có vậy thôi, liệu mà chia nhau! Có 4 thằng tù với nhau mà chia chác cho đều đâu phải dễ. Chưa kể đến thằng giành giữ chậu thức ăn, thằng đòi giữ lại phần nước, chưa uống vội. Những vấn đề không giải quyết nổi chỉ nhà tù không cung cấp đủ chậu đủ ca cho tù, dù 4 thằng xài chung 1 cái!
Chao ôi, lúc bấy giờ mới nảy ra tranh chấp, lúc bấy giờ con người mới để lộ ra tất cả những cái gì gọi là thú tánh kìm hãm mãi! Tôi không dám nói đùa. Phải chung chạ trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế đó cái đáy của con người mới nổi lên, hiện nguyên hình. Nhưng nhà văn Nga còn bận rộn nhiều chuyện khác, người đọc Nga cũng chẳng có thì giờ đâu để đọc vụ đó. Tôi đâu dám nói đùa, chỉ có thầy thuốc nhìn vô mới hiểu chỉ cần vài tháng sống trong cảnh ngặt nghèo đó đủ di hại cho cả một đời người. Không cần phải bị Yezhov đưa ra pháp trường xử bắn, con người không còn là người nữa. Dù có được Khruschhev phục hồi công quyền cũng vẫn đến vậy mà thôi.
*
Than ôi, nếp sống khám tiếp nhận là như vậy đó mà bọn tôi có hồi đã mơ màng, mong ước sao cho mau đến nơi để nghỉ ngơi cho thoải mái con người một chút! Chẳng là bị dồn ép mấy ngày liền trên xe Stolypin, chỉ khấp khởi mong đến một chỗ nào có thể duỗi chân ra một lúc, hay đứng thẳng lên được cũng đỡ khổ. Cứ tưởng bề nào cũng qua được cái nạn “đi cầu có hộ tống, 1 phút 1 đầu”. Nước uống ít ra cũng không hạn chế, không chừng còn được nấu sôi lên pha chút trà nữa! Và đồ ăn thì chắc chắn khỏi phải “trao đổi” quần áo mới đòi lại đủ khẩu phần của mình hàng ngày. Thế nào chẳng có đồ ăn chín, đồ nóng? Mà tệ nhất cũng phải có chút nước để tắm qua loa, xối nước lên người chỉ để phải gãi ngữa tối ngày chớ. Than ôi, quăng lên quật xuống mấy đợt trên xe bít bùng, xương cốt tụi tôi muốn rời rã. Tay đứa nào cũng giơ lên hết nổi sau những màn tay xách đồ, tay ôm eo thằng đằng trước, hoặc đi cúi lom khom như một đàn ngỗng.
Mà thôi, cứ cho rằng không có đủ ngần ấy thứ đi nữa tụi tôi cũng thấy lên tinh thần chán. Lên xe Stolypin là chỉ mong đến khám tiếp nhận cho xong. Thì bây giờ đến nơi rồi đấy. Chẳng khám tiếp nhận là gì đây?
Điều nhận xét trước tiên là nơi đây cũng có những cái ước mơ của tụi tôi trở thành sự thực. Nhưng cũng có nhiều diễn biến quả thực là không dám ngờ.
Chẳng hạn như vấn đề tắm táp sao đây? Chưa biết. Nhưng đột nhiên thấy ra lệnh: Đàn bà phải hớt tóc, cấm để tóc dài (khám Krasnaya Presnya, tháng 11 năm 1950). Lại còn cả dãy đàn ông cỡi truồng đứng sắp hàng cho đàn bà hớt tóc giùm nữa mới là khổ. Ở Vologda sếp phòng tắm là mụ mập Motya. Thấy đủ số cho đi tắm một lượt được rồi là mụ đứng dậy hô lớn: “Đứng dậy, mấy cha!”. Mụ sẽ đưa cả đám vô vòi nước nóng. Ở khám tạm Irkutsk lại khác: Phụ trách phòng tắm phải toàn là đàn ông! Khám Novosibirsk thì giữa mùa Đông tháng giá tù cũng ráng tắm nước lạnh cho quen. Có phản đối thượng cấp thì một ông Đại úy sẽ hầm hầm bước vô, khẽ đưa mấy ngón tay vô vòi nước, quát ầm lên: “Tao thấy nước thế này là đủ nóng rồi! Đòi hỏi cái gì? Nhưng thôi, thiếu gì nạn tắm đặc biệt. Cũng tắm, nhưng tắm cạn, tắm khô. Cởi quần áo ra, vứt vô chảo cho lên bếp lò rang khô (cho đúng cách hấp tẩy vệ sinh!). Cũng tắm nhưng tắm xong tù phải ở truồng, chân đất chạy trên tuyết mới lấy được quần áo mặc vô, như ở trại giam Ty phản gián, Mặt trận Byelorussia ở Brodnica năm 1945.
Đặt chân vô khám tạm anh sẽ nhận ra ngay những nhân vật mà anh phải tiếp xúc không phải là người nhà nước, giám thị hay sĩ quan chuyên nghiệp là những người ít nhất lúc hành nghề cũng tôn trọng luật nhà nước. Cấp thẩm quyền ở đây toàn thứ được đề bạt vào làm việc nhà lao, những khuôn mặt rất quen thuộc với anh từ trên toa xe Stolypin nhưng nơi đây họ sạch sẽ, chỉnh tề và nghiêm trang hơn nhiều. Mấy ông bạn blatnye chớ ai khác.
Bọn họ thì thằng sếp phòng tắm có thể chào đón vô duyên hạ cấp: “Rước quý ngài Phát-xít đi tắm chơi”, thằng cắt cử công tác tay cầm bản phân công tò mò, soi bói nhìn từng tên coi “thằng nào, nghề gì”. Thằng huấn luyện viên cuốn tròn tờ báo đập đập vào đùi mà mắt vẫn không ngừng “chiếu tướng” bên trong ba lô! Nghĩa là được đề bạt vào chức vụ thầy chú nhưng cái đuôi blatnye của họ vẫn sờ sờ: Thấy vật gì có thể chứa đựng những món đồ bóc lột được là động lòng tham ngó sững như muốn qua lớp vỏ. Làm công việc của thầy chú dĩ nhiên tha hồ đi lại. Đâu phải thằng tù nữa. Đó là người làm việc nhà nước, tư cách và long trọng đủ để thay mặt nhà nước áp dụng kỷ luật nhà tù. Quan sát kỹ thì đấy mới là thành phần bần cố tiêu biểu Nga, chính gốc bố cu mẹ đĩ. Cũng hai lỗ mắt, hai lỗ mũi như ai nhưng lỗ miệng kên kên rõ: Đó là chuyện bộ phận chuyên môn ăn đớp và phát ngôn những danh từ đặc biệt nhà nghề.
Phải hiểu tổ chức nhà lao. Có nhân viên phụ trách là phải có lương nhà nước: Tại sao ông Quản đốc ma lanh không bỏ túi một mớ lương nhân viên (sau khi đã chia chác) và “đề bạt” các anh em blatnye vô làm thế chân nhỉ? Chỉ cần vẫy tay một phát thì anh em xung phong thiếu gì? Đâu cần lương tháng. Chỉ đòi hỏi được quyền được ở lại khám tiếp nhận để tha hồ ăn trên ngồi trước, khỏi phải đi nông trường hay công trường Mỏ là được. Do đó dần dà các khám tạm đều có nguyên một bộ phận hành sự blatnye: Văn phòng thì có đủ thư ký, kích thước, thủ kho. Cán bộ thì sếp phòng tắm, sếp hớt tóc, sếp thợ may, sếp bếp, sếp cầu rửa, ngành nào cũng có sếp, có huấn luyện viên! Trên giấy tờ họ cũng vẫn là tù, vẫn có danh sách trong xà lim vậy. Ngoài khẩu phần chính thức tha hồ hưởng thực phẩm thặng dư ăn chặn của tù ngay từ dưới bếp, còn dư bao nhiêu bacilli lột được của bọn làng xã, dân quỉnh nữa chớ. Tội gì chúng không phục vụ khám tạm đắc lực để được nằm lại vĩnh viễn.
Than ôi, đã vô đến khám tiếp nhận để chuẩn bị làm dân quần đảo thì thằng tù nào chẳng xác xơ, có còn giữ được gì? Nhưng dù sao vẫn còn rút rỉa được, vì muốn ngàn mánh lới mà căn bản là không du ngoài võ lực cưỡng đoạt. Chỉ “mượn”, “giữ giùm cho khỏi mất” và “đền ơn” là cùng!
Chẳng hạn như khám vừa tiếp nhận đám tù thì vô sổ cũng người anh em lo, công tác quan trọng nhất là khám hành lý, lục lọi xét từng người cũng hoàn toàn người anh em phụ trách. Câu đầu tiên trước khi khám xét bao giờ cũng là: “Vô đến đây bà con đừng giấu giếm tiền nghe! Tốt hơn có bao nhiêu khai ra. Nhà tù giữ giùm có biên nhận hẳn hoi.” Dại dột thò tiền ra là mất luôn: Chẳng nhìn thấy tiền, sờ thấy biên lai vô sổ bao giờ!
Kế tiếp là một công tác vệ sinh rất hợp lý: Tù phải được đi tắm ngay để tẩy uế. Cởi quần áo ra, phân vân chưa biết tính sao đã nghe sếp tắm nạt: “Coi, tính xách quần áo vô tắm luôn sao? Để đấy, mớ giẻ rách ai thèm”. Đi trở ra thiếu đứt một số quần áo tốt nhất, áo lên, quần dạ không bao giờ còn! Có kêu ca, thưa gởi sẽ bị nghe câu chặn họng muôn thuở: “Mấy người lộn xộn, vứt bừa bãi quá! Chỉ mấy người lấy của nhau chớ ai ở đây mà thèm!”. Có khăng khăng làm tới thì: “Mất cái gì? Áo len hả? Màu gì?”. Xác nhận: “Áo len dài tay màu xám” cũng tối vô ích vì sếp kết luận: “Ồ, dài tay màu xám thiếu gì. Chắc mặc lẫn lộn của nhau! Hay tụi nó không biết quơ luôn xuống nhà giặt rồi. Để thủng thỉnh kiếm!“
Có bao giờ kiếm ra? Nó đã được người anh em “mượn” rồi. Cũng như chiếc va-li còn tốt, người anh em đề nghị “gởi kho” giùm là vô phương “xin lại”. Người anh em còn được “đền ơn” nhiều cách. Muốn được vô một xà lim đỡ khổ là phải có một cái gì. Hai thằng muốn gần nhau, nhờ người anh em thu xếp cho ở chung phòng ắt phải biết điều. Muốn có tên trong danh sách đi ngay, hoặc muốn được ở nán lại vài ngày cũng chẳng khó. Nếu có một cái gì để “đền ơn”.
Do đó không phải muốn làm “người anh em” mà dễ! Thiếu gì dân blatnye thứ thiệt nằm chết rũ trong xà lim, dù cũng đầy một ngực xâm trổ. Đó là những đấng ưa chọn chỗ gần cửa sổ, đợi có đám tù mới ngồi xếp hàng đợi phiên khám xét là hù, đại khái: “Mấy anh em mới tới bữa nay hả? Ở đây bọn chó đẻ xét khó lắm nghe. Thấy trà thấy thuốc lá là tịch thu liền! Muốn khỏi mất thì thảy vô đây bọn này giữ giùm , lát nữa vô lấy lại. Để chúng nó thấy là mất không còn một sợi!” Biết họ có tịch thu mấy thứ đó thật không? Dám có lắm. Không lẽ cùng thân phận tù tội với nhau họ lại bịp trắng trợn, nhỏ mọn thế? Mà lát nữa lỡ bị mất thiệt, anh em đã cho hay trước còn mất thì sao? Thế là không do dự, mấy gói trà, mớ thuốc lá được liệng vô cửa sổ và dĩ nhiên mất luôn! Bên trong xà lim các anh em cười hô hố: “Bọn phát-xít phản động, ngu muội!”
Thì ra khám tiếp nhận là như vậy. Không cần hô lớn, không viết thành khẩu hiệu dán vách nhưng thằng tù mới đến phải hiểu ngầm: “Nơi đây không Công lý, lẽ phải! Đứng nói đến tư hữu, của riêng. Có bao nhiêu đưa hết ra. Nộp hết đi, giữ sao nổi!”
Chao ôi, giữ không nổi thật, và giữ để làm gì? Lãnh bản án đi đày đã choáng váng, kể như chết nửa người rồi. Không biết cuộc đời sẽ ra sao đây, Vật vờ sống qua ngày mà đến đâu cũng bị bóc lột mãi thế này. Án chính trị là bị dồn ép mọi bề, ai ai cũng hành hạ thân xác được thì giữ làm gì những thứ không dính theo người?
Giữ làm gì khi bằng chứng của sự bóc lột, cưỡng đoạt dễ thấy quá. Đó kể như một hành động được công nhận. Này ông giám thị khám tạm Gorky đầu lúc lắc nhưng tay vẫn đưa ra nhận đỡ chiếc bành tô nhà binh thứ chiến mà Ans Berntein hể hả trao tay. Ít ra còn đánh đổi được 2 củ hành! Khám Krasnaya Presnya có thầy chú nào không diện một đôi bốt da láng coóng mà nhà binh không hề phát? Toàn là bốt của tù, do kên kên “làm ăn” được và chia chác cho chớ còn ở đâu ra? Còn nói làm gì khi khám Kem có mỗi một ông huấn luyện viên, trưởng ban Học tập và Văn hoá thì người lại là dân blatnye chính cống và chính ông dân chơi có hạng này lại phụ trách công tác báo cáo hạnh kiểm tù chính trị. Vô khám tạm Rostov còn nói làm gì đến Công lý và chống trộm cướp khi cả nước phải công nhận đây là sào huyệt đắc địa bậc nhất của họ nhà kên kên.
Không phải tất cả đều cúi đầu, chấp nhận mọi sự lộng hành, nhũng nhiễu của blatnye. Nghe nói năm 1942 ở ngay khám tạm Gorky một số tù chính trị cựu sĩ quan (trong đó có Gavrilov, kỹ sư công binh Sthhebetin,) đã uất ức, trừng trị đích đáng bọn kên kên, buộc phải chịu phép. Có thể có chuyện trên nhưng chỉ ở một nơi đó, trong thời gian nào đó thôi. Không bao giờ blatnye chịu khuất phục vĩnh viễn vì họ còn là “thành phần cải tạo được” không lẽ phải chịu thua “bọn phản động, rác rưởi, bỏ đi?”. Bề nào cũng còn các đồng minh Mũ Xanh mà. Chuyện can thiệp đã từng xảy ra ở khám Kotlas năm 1940. Đang xếp hàng trước Câu lạc bộ tiền cầm sẵn ra tay đợi lượt bước vô mà bị kên kên xông tới giựt thì chịu sao nổi? Tù chính trị hè nhau đập túi bụi, không mạng nào thoát ra nổi, nhưng biết làm sao hơn khi giám thị “can thiệp” không nổi đã có lớp lính gác ngoài hàng rào xông vô bên trong nhà tù giải tán tất cả bằng những họng đại liên.
Cũng phải nói dân blatnye lên chân được một phần cũng vì số người thích nhờ vả. Có gì đâu, kẹt trong xà lim không được nhờ những thằng có quyền chạy ngoài mua đồ giùm thôi! Họ xăng xái lắm chớ, có tiền mà. Nay thức ăn mai vật dụng, người có tiền dần dà đâm lụy thằng mua giùm, lệ thuộc vào nó chỉ vì chút tiện nghi vật chất. Từ nhờ vả, cầu cạnh đến chịu lụy và nô lệ quá dễ! Càng lệ thuộc vào tiện nghi vật chất thì càng khó lòng giữ bản sắc của một thằng tù dù tù tội cũng ráng giữ được tự do để đạt đến mức tinh thần thanh thản. Càng sa lầy càng khó vươn lên vì, lạc đà làm sao chui lọt lỗ kim? Cũng chỉ vì quá tha thiết mấy món vật dụng nên anh mới quên lúc ngồi xe bít bùng dân blatnye cũng đã đánh hơi và thèm chiếc ba lô của anh lắm, nhưng chúng không dám vì chúng có 2 mà bọn anh tới 50 người mà. Cũng thỉ vì lo sợ mất đồ nên ngồi chen chúc với nhau qua ngày thứ hai ở nhà ga Krasnaya Presnya ướt át anh đâu còn đầu óc để quan sát ngoại vật. Chỉ tính toán làm cách nào cho khỏi mất đây.
Lúc hành lý được khám xét xong anh thở phào ra nhẹ nhõm. À, xong rồi thì còn đồ! Nghĩa là lần này chưa, có mất phải lần sau! Ít ra cũng còn cầm tay được một gói, một bọc bên trong có thứ gì ăn được. Xem ra đám tù mới nhiều dân quỉnh con mòng quá. Vậy phải phân tán, chia đều ra các xà lim. Tình cờ tôi lọt chung phòng với anh chàng thầy bói sáng Valentin, chỗ quen biết từ ngày bị kêu lên lãnh án. Người long trọng và cảm động đề nghị lập một cuộc đời mới trong trại. Cũng dễ vì lúc đó xà lim còn chưa đến nỗi đông lắm, dưới sàn còn có chỗ đi lại. Ngay ở các ổ nằm cũng khoảng khoát.
Thông lệ thì ngăn trên cùng đã có anh em dân chơi bao trọn. Đàn anh gần cửa sổ, em út xa xa một chút. Ngăn dưới nằm lũ lượt một đống người. Không có chuyện gì xảy ra. Tụi tôi dân mới, thiếu kinh nghiệm có biết lựa chọn, thu xếp gì. Thấy chỗ trống phía dưới là chui vô, tuy gần ổ ngủ hơi thấp một chút nhưng cúi sát xuống, luồn vô cũng được. Hai đứa nằm duỗi dài cạnh nhau, dù nằm gần cũng khoan khoái lắm rồi. Ít ra cũng kề cận nhau, khe khẽ nói chuyện tâm tình. Miễn là không có chuyện gì xảy ra!
Nhưng làm sao không có chuyện cho được? Bao nhiêu thứ quý giá thồn vô, mỗi thằng một gói đầu giường thì chắc ăn quá rồi. Nào ngờ nằm chưa nóng chỗ đã có động!
Rất nhẹ nhàng hệt như những bóng ma, mấy bóng đen từ hai bên trườn tới đột kích. Dáng người thế kia thì người lớn sao được? Đúng, toàn con nít! Có đứa chỉ 12 tuổi là nhiều, 12 tuổi vẫn lãnh án đại hình, Toà vẫn xử như thường. Phải nói là chúng đã “tốt nghiệp” kể từ ngày lãnh án và những ngày nằm khám kể như “thực tập”, có các đàn anh sa cơ, thừa thì giờ truyền bằng hết kinh nghiệm quý báu.
Chúng lẹ vô cùng và tính toán “làm ăn” thần sầu. Chợt thấy chúng thì đã muộn rồi: 6 cánh tay luồn như rắn “mượn” luôn 2 gói bảo vật mà 2 đứa tụi tôi đang gối cứng dưới đầu. Chỉ thấy soạt một phát là những cái gì mình khăng khăng giữ lọt hẳn sang tay chúng để chúng chuồn đi như chuột cắp đồ! Cả hai chúng tôi trơ mắt ngó. Gầm sàn quá thấp, cất đầu sao nổi? Muốn rượt theo cũng vô phương vì chuồn ra chầm chậm cũng còn khó quá! Đành lấy mắt ngó theo, uất ức. Không lẽ bị cướp giật đồ khơi khơi mà cứ dằn lòng nằm mãi? Càng suy nghĩ càng thấy mình ngu: Khi không chui đầu vô hang cụt để thấy chuột cõng đồ đi mà ú ớ nằm nguyên chỗ. Từ từ cả hai đứa trườn giật lùi mãi mới thoát khỏi cái gầm.
Nằm khám bị 3 đứa con nít được ủy nhiệm lòn vô phỗng tay trên tất cả gia tài cùng nín thinh lúc bấy giờ. Tôi đâu có phải thằng hèn. Địch pháo như mưa bấc giữa đồng trống tôi vẫn xung phong, đường gài đầy mìn chống chiến xa vẫn dám lái xe đi như không, bị bao vây 4 mặt vẫn tỉnh táo kéo cả pháo đội ra an toàn còn trở lại lấy nốt chiếc xe chỉ huy. Vậy sao tôi không dám nắm đầu mấy thằng ranh mất dạy dọng xuống sàn dầu hắc? Nó con nít không nỡ thì đứa cầm đầu nó. Tôi không làm gì! Hay ở chiến trường hăng say tình đồng đội hoặc vì nghĩa vụ chiến sĩ lúc bấy giờ phải làm như vậy , trong khi lọt vào chốn hoàn toàn xa lạ này tôi mù mờ, không biết phải phản ứng cách nào cho đúng?
Tôi đi tới thằng sếp sòng. “Gia tài” bọn nhãi vừa cướp giật còn nằm sờ sờ cạnh nó, gần chỗ cửa sổ. Còn nguyên vẹn! Bọn chuột nhắt đâu dám đụng tới “chiến phẩm”. Mặt thằng chúa đảng chao ôi là cả một sự nhớp nhúa, buồn nôn! Đúng là phần trên dị hợm của con vật 2 chân gọi là người, quân kên kên săn mồi có khác. Nó thỏn lại điếm đàng và trâng tráo. Phần trán ngắn ngủi, cái sẹo ác ôn, hàm răng giả gớm khiếp. Cặp mắt ti hí thế kia có lẽ trời sinh ra chỉ để ngó cho thấy đường chớ đâu phải để tưởng thức những vẻ đẹp của thiên nhiên. Nó ngó sững tôi, đeo dính như rắn đeo mồi.
Rõ ràng nó chờ coi tôi làm gì. Tôi phải làm gì? Đập một phát bể khuôn mặt thú vật rồi ung dung đi về phía mình? Khốn nạn, tôi đâu có làm vậy! Không lẽ chịu quay trở về chỗ cũ, nằm bóp bụng chui vô gầm sàn? Cũng không. Tôi hậm hực bảo nó lấy hết đồ ăn thì ít nhất cũng thu xếp giùm một chỗ trên ổ đàng hoàng chớ. Uất ức, nhỏ mọn như vậy đó.
Thằng sếp sòng gật đầu. Làm gì nó không chấp thuận? Tôi đâu có đòi lại những món bổ béo mà còn yêu cầu “thu xếp” tức đã gián tiếp xác nhận chủ quyền của nó ở đất này còn gì? Vậy là tôi đồng ý quan điểm với nó, đè đầu được thằng nào là đè, nhằm những thằng yếu nhất. Lệnh của sếp sòng ban ra là có chỗ trống lập tức ở ổ dưới, 2 chỗ tốt nhất cạnh cửa sổ. Hai đứa đang nằm phải riu ríu “tản cư” đi chỗ khác. Tôi và Valentin điềm nhiên ngả lưng xuống mà vẫn tiếc hùi hụi hai bọc đồ: Mấy món nhà binh của tôi các người anh em không khoái mấy nhưng một đứa cứ vuốt mãi chiếc quần len của Valentin.
Đêm hôm đó mấy người nằm cạnh than thở với nhau. Sao lại có hạng người hạ mình nhờ vả bọn blatnye để tranh đoạt cả chỗ nằm của anh em nhà, những người cùng đi đày điều 58 với nhau? Lúc đó tôi sực nhớ lại cử chỉ hèn hạ của mình, càng ngẫm nghĩ càng thấm thía và nhục nhã (bao nhiêu năm sau mỗi lần nghĩ tới tôi còn đỏ mặt).
Dĩ nhiên tôi không biết 2 kẻ vừa bị truất chỗ là ai. Nhưng họ là bạn đồng tù. Họ lại là cựu tù binh hồi hương, thành phần bị đày đoạ nhất. Sau bao nhiêu ngày tháng dở sống dở chết trong trại tù binh địch tưởng được giải thoát hồi hương nào ngờ bị tống hết đi đày vì điều 58 khoản 1b. Mới đây tôi còn xót thương, còn cầu nguyện vì họ tranh đấu! Vậy mà vừa rồi tôi còn tranh chỗ nằm của họ, lại nhờ áp lực của bọn lưu manh, thì đốn mạt quá! Đồng ý la họ lặng thinh, không can thiệp lúc bọn kên kên cướp giựt đồ của tụi tôi. Nhưng chính tụi tôi – người mất đồ – có kháng cự, có chống lại đâu mà đòi hỏi họ bênh vực? Họ đã dở sống dở chết trong các trại giam đến mất hết tin tưởng ở sự tử tế trên cõi đời này. Nhưng họ có đụng chạm gì đến tụi tôi? Mà tôi nỡ đối xử như vậy, không đỏ mặt sao được?
Thì ra con người ta là vậy. Phải có hoài hoài những bài học, phải ăn roi và thường trực gò nắn thì mai sau may ra mới nên người.
*
Phải nói là dù bị quăng lên quật xuống ở trong đó thật nhưng khám tiếp nhận thực sự vẫn là cứu tinh của một thằng tù mới. Nó là một cửa vào quần đảo tối cần thiết để tập chịu đựng cho quen dần trước khi vô ở hẳn Trại Cải tạo. Đang tự do ở ngoài đời bị tống tức khắc vô quần đảo, sự thay đổi quá đột ngột, phũ phàng, mấy ai chịu nổi? Để khỏi bị mất hồn phải có một chuẩn bị tiệm tiến, phải học tập chịu đựng mọi thử thách.
Nằm khám tiếp nhận cảm giác tốt đẹp đầu tiên là thấy gần gũi với gia đình. Từ ngày bị bắt có bao giờ được phép gửi thư, nhắn tin về nhà. Đến đây mới được phép viết lá thư đầu tiên. Ít nhất cũng có thể cho gia đình hay chưa đến nỗi chết và đôi khi còn có thể cho biết hiện đang trên đường lưu đày phương nào. Gia đình, thân nhân cứ tưởng người bị bắt vẫn như xưa nay hay có thay đổi cũng chỉ phần nào. Nào ngờ thời gian tù tội đã biến đổi hắn thành một người khác hẳn, không thể trở lại con người ngày xưa. Coi lá thư thứ nhất viết về nhà là thấy ngay sự thay đổi nhưng làm sao khác hơn được. Nó nguệch ngoạc, xiêu vẹo, vì nhà tù cho phép viết thư, sân trong khám còn có thùng bỏ thư đàng hoàng nhưng lấy đâu ra giấy, viết chì? Kiếm cho ra một cái gì có thể gọt viết chì cũng khó trần ai! Phải xoay sở một mảnh giấy gói thuốc rê, gói đường gì đó rồi vuốt ve cho thẳng thắn, nài nỉ mượn cây viết chì cùn của gã cùng nằm chung xà lim. Nắn nót viết thế nào cũng cứ nguệch ngoạc nhưng gia đình sung sướng hay lo lắng cũng vì nó.
Thiếu gì bà vợ vừa nhận được mấy chữ của chồng vội cuống cuồng tìm đủ mọi cách để mò tới tận khám tiếp nhận chỉ cốt dể nhìn thấy tận mặt chồng. Chẳng bao giờ được phép vô thăm. Chưa nghe nói khám tiếp nhận nào cho phép hết. Khéo xoay sở lắm cũng chỉ gởi vô thêm được ít đồ nuôi càng làm bận tâm thêm. Vì vậy mới có sự tích trông chồng dưới đây mà theo ý tôi phải dựng tượng đá kỷ niệm đúng chỗ mới đáng để đời sau suy ngẫm.
Vụ này xảy ra năm 1950 ở khám tiếp nhận Kuibyshev. Khám choán trọn một vùng đất thấp nhưng từ đây nhìn xuống vẫn thấy cây cầu Zhiguli trên sông Volga. Tiếp giáp với khám ở phía đông là cả một sườn đồi sừng sững cỏ xanh, hệt như bức tường thành khổng lồ chắn ngang, cao vòi vọi. Hoạ hoằn lắm mới thấy đàn dê được trẻ chăn lên ăn cỏ sườn đồi. Bỗng đâu một buổi trưa mùa hạ có bóng người lạ thấp thoáng trên đồi: một phụ nữ tỉnh thành! Nàng đứng sững một chỗ, tay đưa lên che nắng, nghển cổ ngó xuống nhà giam. Giờ đi dạo thường nhật, dưới sân khám cả 3 xà lim trên 300 con người cùng được thả ra cho đi chơi một lượt, ở 3 khoảng sân cách nhau. Sừng sững trên sườn đồi, người đàn bà đứng nghển cổ ngóng xuống mãi. Xa xôi, cách trở như vậy thì thấy mặt chồng sao nổi, 1 con kiến giữa đàn kiến 300 con? Hoạ may nhờ linh tính! Chắc hẳn xin phép vô thăm không được nàng mới leo lên đồi ngó xuống, cố tìm hình ảnh người thân.
Dưới chân khám bao nhiêu con mắt ngóng lên. Dưới này lặng gió nhưng sườn đồi chơ vơ chắc gió thổi ào ào. Gió lộng thổi tạt mớ tóc dài buông xõa, xiêm áo bay phơi phới. Còn cảnh tượng trông chồng nào thiết thực sống động và gợi tình bằng? Tôi cho rằng ở ngay chỗ sườn đồi ấy, nhìn xuống khám Kuibyshev dưới này, phải dựng pho tượng thiếu phụ trông chồng cho đời sau chiêm ngưỡng. [3]
Bữa hôm đó thiếu phụ đứng làm pho tượng sống lâu. Dĩ nhiên thấy tù xôn xao Ban Quản đốc biết liền nhưng mấy ông lính gác vòng ngoài làm biếng leo núi, mãi sau mới có một người trèo lên hò hét, xua đuổi người đàn bà đi.
*
Ngoài tính cách “luyện tập sức chịu đựng của con người” khám tiếp nhận còn là một cơ hội mở mắt cho những thằng tù. Ăn ít nhưng được thấy nhiều. Không ăn cũng vui vì hàng ngày được chứng kiến mấy chục, mấy trăm người đi đến, đến đi và tai được nghe thấy bao nhiêu chuyện lạ (ở Trại Cải tạo có ai dám hó hé gì? Chỉ sợ lọt bẫy của ông Oper tức sĩ quan An ninh!). Nhờ những dip sinh hoạt thú vị cho tai cho mắt mà con người thấy thoải mái hơn, sáng suốt hơn và có nhất định rõ hơn về mình về người và những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Chỉ cần nghe một mẩu chuyện vớ vẩn của một gã lập dị nào đó cũng thấy lạ hơn bất cứ một cuốn sách nào anh từng đọc.
Chẳng hạn như tình cờ họ tống vô xà lim một nhân vật đặc biệt kỳ lạ: Một dân nhà binh rõ vì hắn còn diện một bộ quân phục Ăng lê thẳng nếp. Đẹp trai, trẻ tuổi đã đành. Hắn còn nguyên bộ tóc vàng óng ả dợn sóng trong khi bà con trong này đầu trọc lóc hết. Hắn như một sĩ quan vừa cầm quân đổ bộ lên bờ biển Normandy chớ chẳng có nét gì về tù tội hết. Dáng đi của hắn lại bệ vệ, chững chạc như chờ đợi mọi người đứng bật dậy chào đón. Đâu phải một thằng tù vô xà lim.
Điều lạ nhất là hắn vẫn nghênh ngang, dù là thằng tù! Thì ra mất tự do 2 năm nhưng bây giờ hắn mới phải nằm xà lim là một. Được đưa thẳng đến khám tiếp nhận hắn vẫn một mình chiếm một ca-bin toa xe Stolypin mà. Hắn là gã lạ mặt trên công voa hôm trước, Erik Arvid Andersen. Có lẽ chính Andersen cũng không ngờ bị tống vô ở chung với tụi tôi. Vừa thấy mặt gã sĩ quan Đức còn mặc nguyên quân phục Quốc xã trong phòng, hắn xấn tới xổ tiếng Đức ào ào. Hai đứa tranh luận, gây gổ tưởng chừng sắp đấm đá đến nơi. Khác hẳn tụi tôi, đánh nhau với Đức 5 năm nhưng chẳng hề coi gã là thù địch.
Nghe chuyện Andersen chẳng ai tin nổi, nếu hắn không có “mớ tóc dài duy nhất trên quần đảo” làm bằng chứng trước mặt. Lại người ngoại quốc, thông thạo 3 thứ tiếng Anh, Đức, Thụy Điển! Theo lời Andersen thì thân phụ hắn là một nhà kinh tài lớn Thụy Điển, không phải triệu phú mà là tỷ phú. Phía ngoại cậu hắn là tướng Robertson, tư lệnh vùng chiếm đóng của Anh ở Đức nên hắn quốc tịch Thụy Điển tình nguyện chiến đấu trong quân đội Anh, có tham dự trận Normandy thực sự và sau đó là sĩ quan hiện dịch quân đội Thụy Điển. Cũng chỉ vì say mê Xã hội chủ nghĩa, muốn thấy tận mắt nên Andersen không màng đến gia tài của cha, xoay sở một chân trong đoàn tùy viên quân sự Toà Đại sứ Thụy Điển ở Mạc Tư Khoa. Là bạn của chế độ Xô Viết ông sĩ quan tùy viên đi đến đâu cũng được trọng vọng, tiếp đón niềm nở. Nay tiệc tùng, mai thăm viếng miền quê, tiếp xúc vô cùng thân hữu với “nhân dân” đủ mọi giới, không hề ngờ gặp toàn những nhà dàn cảnh và kịch sĩ đại tài mà nữ kịch sĩ lại vô cùng dễ tính, săn đón rất đúng mức nên có dịp trở về Thụy Điển, Andersen viết báo ca tụng chế độ Xô Viết bằng thích. Thời kỳ 1947-1948 nhà nước Nga đang cần phải có một số “nhân vật” trẻ khối Tây phương chối bỏ tư bản và sẵn sàng công khai nói lên điều đó. Có sẵn Erik Arvid Andersen thì tốt quá nên hắn được chiếu cố ngay.
Đó là lúc Andersen đang phục vụ ở Tây Bá Linh, để vợ con ở lại Thụy Điển. Như bất cứ một thằng chồng nào xa vợ, hắn lui tới giao du với một thiếu phụ chưa chồng ở Đông Bá Linh. Một đêm hắn mò đến thăm tình nhân và chừng tỉnh dậy thấy mình bị trói cứng, nhét giẻ đầy miệng. Tục ngữ có câu “Tối thăm em khuya nằm nhà pha” là thế, song đâu có phải một mình Andersen bị. Đưa về Mạc Tư Khoa, hắn được gặp lại Gromyko – người từng ra tới nhà hắn ăn cơm một lần ở Stockholm.
Gromyko tiếp đãi tử tế sau đó khuyến cáo hắn trở cờ hứa hẹn một mức sống đầy đủ, thừa thãi không thua tiêu chuẩn Tây phương. Nghĩa là Andersen không mất mát gì nhưng chính Gromyko không ngờ hắn từ chối phắt và nặng lời công kích. Tưởng hắn bất quá chỉ là một thằng bốc đồng, dư sức tẩy não mới có lệnh quản thúc tạm trong một vi-la ngoại ô Mạc Tư Khoa “ổn định tư tưởng” dần dần Andersen vẫn được đãi ngộ như thượng khách, muốn gì có nấy, thỉnh thoảng mới bị dằn mặt sơ sơ, đại khái trưa mai muốn ăn gà quay thì chỉ có bít tết xài đỡ! Một năm ở không ăn chơi nhồi sọ hết Marx-Engels đến Lênin-Stalin rốt cuộc Andersen vẫn trơ trơ. Chiến thuật hù bèn được sử dụng: Một ông đại tướng từng bị nằm Trại Cải tạo Norilsk 2 năm được cử tới ở chung với hắn để hướng dẫn cho Andersen biết qua thế nào là tù ngục, nếu còn bướng. Chắc ông tướng chẳng ưa công tác cũng như chế độ nên 10 tháng sau trò Andersen vẫn không tiến bộ chút nào. Ngoài mớ tiếng Nga bồi còn tởm bọn Mũ Xanh nhiều nữa!
Mùa hè 1950 hắn được triệu đến lần chót để nghe chính đồng chí Vyshinsky thuyết phục gã Thụy Điển vẫn cứng đầu. Chủ nghĩa không hạ nổi để đồng chí Abakumov hạ hắn bằng bản án 20 năm đi đày, không nêu tội danh. Có lẽ lúc bấy giờ nhà nước Xô Viết cũng nhận thấy chọn lầm người, giác ngộ không nổi mà thả ra thì tai hại cho nên Andersen được đưa lên xe Stolypin, một mình một ca-bin cho kín đáo! Trên đường đến khám tiếp nhận hắn đã được cô nữ sinh viên Mạc Tư Khoa rỉ tai cho biết bộ mặt thật của nhà nước Xô Viết.
Hai năm giam lỏng đã khiến Andersen giác ngộ nhiều. Với hắn bây giờ khối Tây phương lại mạnh nhất, đúng nhất. Quân lực Tây phương vô địch, cấp lãnh đạo vô song. Hắn cuồng tín đến độ không tin khối Tây phương chịu Nga lộng hành, bao vây Bá Linh cũng như động công kích đến Roosevelt, Churchill là hắn đỏ mặt giận dữ. Hắn nhất định khối Tây phương không chịu bỏ qua vụ của hắn và thế nào hệ thống tình báo của họ đặt bên trong khám tạm Kuibyshev cũng phát giác và có tin về cho biết Erik Arvid Andersen hiện đang bị Nga bắt giữ chớ không phải đã chết đuối trên sông Spree. Do đó thế nào cũng có một vụ điều đình chuộc người hay trao đổi để hắn được trả tự do.
Andersen vững tin ở các gốc lớn của hắn - tuy nằm đây nhưng không thể tàn mạt như tụi tôi – không khác gì mấy đồng chí Cộng sản chánh cống! Tụi tôi đâu có tin ngây thơ vậy nên nhiều lần cãi cọ nặng lời. Tuy nhiên hắn vẫn hể hả mời tôi sau này có cơ hội qua Stockholm nhớ ghé nhà hắn. “Cứ nói gia đình tôi thì ai chẳng biết? Quen lớn cả một triều đình!”. Andersen dặn dò và mỉm cười mệt mỏi. Trong khi đó cậu con ông tỷ phú Thụy Điển mồ hôi ra ướt mình không có khăn lau đành nhận đỡ một mảnh giẻ rách của tôi cho để xài đỡ vậy! [4]
*
Ở khám tiếp nhận tù đến tù đi liên miên có bao giờ dứt. Có xe lửa chở đến là có ra, vô đều. Ở ngoài nhìn vô tưởng bộ máy di chuyển vĩ đại vậy hẳn phải chạy đều lắm. Có biết đâu bên trong có những vụ tù đến tù đi vô cùng ngu ngốc, chẳng ai tin nổi!
Chẳng hạn năm 1949 những Trại Đặc biệt ra đời. Do chỉ thị của thượng cấp nào đó, bao nhiêu tù đàn bà các trại Cải tạo ở Nga-Bắc và trung bộ Volga bị lôi đầu ra hết, chở tới khám tạm Sverdlovsk rồi đưa tuốt sang Tây Bá Lợi Á, Taishet và Ozerlag. Năm 1950 cấp trên cho rằng để đàn bà những nơi quá xa xôi đó không tiện, phải đưa hết về Temnikov, về Mordvinia. Nghĩa là quay trở lại hướng Tây, cũng ghé qua khám tạm Sverdlovsk! Năm 1951 nhà nước mở thêm nhiều trại trong tỉnh Kemerovo và quyết định tù đàn bà phải tập trung hết về đây mới đúng. Thế là từ Temnikov, từ Mordvinia, bao nhiêu con người lại bị xách cổ ra, tống về Kemerovo bằng hết. Dĩ nhiên vẫn phải qua khám tạm Sverdlovsk. Chỉ cần một lệnh ban ra là trôi nổi, lênh đênh biết bao nhiêu con người khắp các ngả đường di chuyển: Hàng hoá hư hao dọc đường đáng kể gì! Thế hệ cởi mở Khruschhev đem nhiều hy vọng lại cho dân quần đảo. Được dịp xét lại, tù đàn bà sẽ được phóng thích bằng hết! Tuy nhiên những thành phần kẹt lại cũng đông lắm chớ. Chế độ mới, thời đại mới thì chính sách đi đày cũng phải đổi mới: từ Kemerovo họ được lệnh tập trung cấp tốc về khám tạm Sverdlovsk để nơi đây phân phối đi Mordvina, đi Tây Bá Lợi Á mỗi nơi một ít. Mới đó lại có lệnh mới: không phân tán nữa, phải tập trung hết về Mordvinia. Dĩ nhiên vẫn phải qua hệ thống khám tạm!
Những đợt đi đến, đến đi, đột ngột, vô lý vậy đó. Nhưng có sao đâu, dân Cải tạo thì Trại nào chẳng là nhà! Quần đảo tự trị tự túc mà. Với dân Nga thì di chuyển nhiều nữa, đi xa nữa còn được vì khoảng cách có nghĩa gì đâu?
Di chuyển tập thể nghĩa là đi chung một chuyến đỡ khổ nhiều. Thảm hại nhất là những thằng Zek bất thần có lệnh di chuyển cá nhân, như trường hợp Shendrik trong một trại ở Kuibyshev. Còn dân Cải tạo nào yêu lao động bằng hắn, làm việc chăm chỉ ngoan ngoãn bằng hắn? Bỗng có một khẩu điện đánh tới trại, buộc giao hoàn tức khắc thằng tù tên Shendrik về khám 18 Mạc Tư Khoa. Ai dám chậm trễ? Bức điện mang chữ ký của sếp lớn nhất là đồng chí Bộ trưởng Nội An (quái lạ, đồng chí Bộ trưởng làm sao biết có một thằng tù tên Shendrik).
Thế là Shendrik bị tống ngay về Mạc Tư Khoa nhưng không vô khám 18 mà cùng cả bọn được đưa về Krasnaya Presnya! Hắn có biết được giải giao về khám 18 đâu? Chưa đầy hai hôm đã bị tống lên xe Stolypin, đi miết ngược miền Bắc. Hé mắt ra ngoài thấy cảnh vật mỗi ngày một hoang vu, mỗi ngày một lạnh cóng thêm Shendrik càng hoảng hồn. Điệu này là gởi xương Bắc cực, không hiểu ông Bộ trưởng thù ghét gì hắn mà ra lệnh trừng phạt cá nhân thế này? Bị lính hộ tống truất 3 ngày bánh mì nên xuống ga Pechora hắn vừa đói vừa mệt, đi hết nổi.
Ở trại Cải tạo Pechora sức lực mạnh mẽ đi lạc động còn mệt rã rời, huống hồ một thằng Shendrik ốm đói, lo sợ, bồn chồn? Hắn bị đưa đi làm liên miên ngoài tuyết, 2 ngày không có thì giờ sưởi khô quần áo và làm đỡ một chiếc nệm cỏ. Bỗng có lệnh nạp lại tất cả vật dụng nhà nước phát để lên xe di đày một nơi xa hơn nữa, khổ hơn nữa là trại Vertuka. “Thôi, đúng là đồng chí Bộ trưởng bắt mình phải bỏ xác nơi đây, cùng cả đám này rồi!” Shendrik nghĩ vậy nên cam đành chịu chết. Có mấy thằng đi đày Bắc cực trở về được bao giờ? Một tháng liền hắn không nghĩ đến sự sống nữa. Suốt ngày làm quần quật ngoài mỏ, lao động không chuyên môn là vậy! Ở trại Vertuka hắc ám còn ngành công tác nào chết dễ, chết mau bằng công tác không chuyên môn, nghĩa là Ban Quản đốc hay cán bộ toàn quyền sử dụng, muốn bắt làm gì cũng được.
Đột nhiên đang ngồi ngoài mỏ Shendrik được kêu về trả lại hết đồ nhà nước phát để 1 giờ sau từ Vertuka lên xe lửa xuôi thẳng miền Nam. Chẳng biết phải đi tới đâu nửa nhưng phen này hết sống chắc! Chắc bị chở về Mạc Tư Khoa, tống vô khám 18. Nằm xà lim đúng 1 tháng, không biết số phận xoay vần ra sao, thì được kêu lên văn phòng. Một ông Trung tá nạt nộ: “Anh là Shendrik? Chui xó nào kiếm hụt hơi mới thấy? Anh kỹ sư Cơ khí chớ gì? Shendrik không dám chối. Bèn gật đầu thì được lệnh, chuẩn bị đi. Lần này đi tuốt ra ngoài đảo Thiên Đàng (quần đảo cũng có hòn mang tên Paradise vậy chớ). Chắc ra đến đảo “Thiên Đàng” cuộc đời kỹ sư Cơ khí Shendrik mới tạm yên. Thôi thì đâu cũng là quần đảo, cần gì phải biết – và biết sao nổi – tại sao có vụ di chuyển tứ tung Đông Tây Nam Bắc khó hiểu thế này?
*
Chỉ vì chỗ đi đến, đến đi lung tung và khó hiểu vậy mà đời sống ở “cửa vào quần đảo” đâm đặc biệt! Những con ruột Cải tạo đầy mình kinh nghiệm do đó thường dạy bảo bọn đàn em mới mặt tuyệt đối chớ thắc mắc mất công. Bảo đi thì đi, ở lại càng tốt! Mấy chú phải biết nằm khám chuyển tiếp là thiên đường so với Trại Cải tạo. Ăn chỉ tối thiểu nhưng đảm bảo (đó là khẩu phần NGÀY NGHỈ ở trại mà). Chẳng phải lao động cong xương sống. Nếu không chật chội quá thì có quyền tối ngày nằm ngủ thả giàn. Ăn thiếu thì ngủ bù, nuốt xong bữa cháo có quyền nằm dài ra ngủ đợi bữa cháo sau.
Còn gì sung sướng bằng được ngủ suốt ngày, nhất là với những tay từng phải vô trại làm công tác không chuyên môn? Chao ôi ban ngày mà ngủ được thì thế gian đi chóng lắm lắm!
Nói chung là vậy. Thiếu gì khám tạm bắt tù lao động không thua trại Cải tạo? Lao động cải tạo con người! Nhiều ông Quản đốc tinh thần cao đã bắt tù đi làm như điên để có dịp cải tạo tư tưởng, và gây thêm quỹ nhà tù. Như khám tạm Kotlas có lệ bắt đi chở củi, mỗi toán năm bảy mạng kéo xe trượt tuyết dọc sông Diva 10 cây số xuống tới Vychegda. Nơi đây phải kiếm cho đủ 13 thước khối củi đốt, chất lên xe kéo về khám (ấy là mới khởi sự công tác!). Ít nhất cũng là một dịp tập luyện cho quen trước khi nhập trại chớ. Toán người ngựa tụi tôi tuy thiếu nghệ sĩ Repin cũng vẫn còn trưởng toán Kolupayev, kỹ sư Điện Dmitriyev, Trung tá Quân nhu Belyayev, Chủ tịch Hợp tác xã Vasily Vlasov và mấy anh em khác.
Thời kỳ chiến tranh khám tạm Arzamas có lệ tăng khẩu phần tù (ít ra cũng thêm được vài cộng của cải) để làm công tác sản xuất thường trực. Vùng này có kỹ nghệ chế biến len và len nhân tạo. Tù đi làm các xưởng may, dệt vớ, đan dép.
Mùa hè 1945 giữa lúc chen chúc đông nhất, khám Krasnaya Presnya cho tù xung phong xin ra ngoài công tác. Thiếu gì đứa tình nguyện xin đi. Ít nhất còn được ra ngoài cho khoảng khoát suốt ngày, được đi cầu tự do, sạch sẽ, không ai hối thúc (có vô tù mới biết điều này quý giá chừng nào!). Lại còn được phơi nắng (nắng tháng 8, nắng Postdam, nắng Hiroshima!). Được nghe ong bay lượn vo ve và đêm về xà lim và xà lim còn được mẩu bánh mì cỡ 100 gam phụ trội!
Chao ôi, được nuốt mẩu bánh mì của nhà tù cũng khổ trần ai! Nếu không vì được thở hít không khí tự do chắc chẳng thằng nào xung phong đi công tác vớt gỗ xúc ở bờ sông Mạc Tư Khoa. Suốt ngày hết dỡ bè gỗ chất lên bờ, lăn gỗ từ đống này xếp sang đống kia đâu phải nhàn nhã. Những xúc gỗ khổng lồ.
Chính nhờ công tác vớt bè gỗ, đánh đống gỗ mà tôi có dịp “đánh giá” lại con người thực của mình, con người trẻ dại, nông nổi, mỗi lần đụng chạm thực tế là lòi đuôi hèn hạ, nhục nhã! Chẳng là công tác ra bờ sông vớt gỗ đòi hỏi một số đông tù, chia từng toán, cắt việc ra làm hùng hục vất vả suốt ngày. Dĩ nhiên khu bờ sông được quây kín, có lính trên chòi canh gắt không thua nhà tù. Công tác vớt gỗ đâu có tính cách dài hạn? Khám Krasnaya Presnya là khám tiếp nhận, khám tạm, tù nằm chờ đi quần đảo chớ có lệnh nào cho phép tụi tôi ở lại đây vớt gỗ khỏi phải đi đày.
Khám tạm, công tác tạm, tụi tôi đứa nào cũng biết vậy. Nhưng dù là tạm thời, làm một vài ngày tù vẫn phải chia thành toán. Chia toán là phải có toán trưởng. Dĩ nhiên được cử làm toán trưởng bao giờ chẳng sung sướng hơn? Đỡ phải lam lũ, mệt nhọc, lại có quyền chỉ huy, chia công tác, kiểm soát những thằng khác. Làm trưởng toán sung sướng nhiều chớ. Nếu không bữa đầu tiên cắt cử công việc, gã cặp rằng cầm danh sách tù đi làm, đưa mắt nhìn tụi tôi có ý tìm mấy thằng trưởng toán, tôi đã chẳng hồi hộp nghe tim mình nhảy thình thịch thiếu điều muốn nhảy bổ ra: “Tôi đây ông. Chọn tôi đi. Chọn tôi đi.”
Cặp rằng đâu có chọn tôi. Nhưng tại sao tôi ham “chức vụ” trưởng toán ghê gớm vậy? Ấy là mới có chức trưởng toán, coi mấy thằng bạn đồng tù, làm tạm ít ngày! Quả là một ham muốn hèn hạ, nhục nhã. Chức vụ, quyền hành hấp dẫn con người ta ghê gớm tới mức này sao?
*
Nếu Mạc Tư Khoa là thủ đô Liên bang Xô Viết thì trung tâm điểm của quần đảo phải là khám tạm Krasnaya Presnya. Từ Đông sang Tây hay xuôi Nam ngược Bắc du khách đều ghé ngang Mạc Tư Khoa cho tiện thì tù đi đày trại Cải tạo là phải tập trung về Krasnaya để nơi đây làm công việc phân phối đi toàn quốc. Chỉ những chuyến xe hàng chở đám quân nhân lãnh án toà Mặt trận là không vô Mạc Tư Khoa mà chỉ lượn sát Krasnaya kéo một hồi còi chào mừng. Hồi tôi vô thì trung tâm điểm chật cứng người tưởng nứt bể đến nơi đang phải xây thêm cơ sở mới.
Vẫn biết tập trung là phải về Krasnaya Presnya nhưng rồi đi đâu thì tù làm sao biết nổi? Mấy năm sau Thế chiến II thì ngay những ông lớn nhất của Tổng Nha Quản trị các trại Cải tạo cũng mù tịt. Thời đó quần đảo chưa được tổ chức chu đáo như những năm 1950 về sau: không có lộ trình vạch sẵn, khỏi thông báo nơi đến. Chỉ thị kèm theo mỗi chuyến tù chỉ đại khái: “Tên X, phải canh chừng thật gắt gao” hay “Tên Y, chỉ được lãnh công tác không chuyên môn”.
Thông thường gã trung sĩ tưởng toán hộ tống chở tù đến là bước vô văn phòng khám Krasnaya, tay xách theo một chồng, vài ba chồng hồ sơ cá nhân, những kẹp bìa rách rưới cột sợi dây gai. Hắn sẽ tiện tay liệng vô hộc tủ, trên mặt bàn, hoặc dưới gầm ghế, trong xó nhà không chừng. Dưới xà lim tù nằm ngồi đứng ngổn ngang thế nào thì trên văn phòng hồ sơ của họ cũng in hệt. Rồi đây cột tuột ra, hồ sơ tha hồ nằm tứ tán, lung tung, nằm đầy 1 phòng, 2 phòng, 3 phòng! Sắp đặt, dọn dẹp cho thứ tự khỏi có. Mấy bà mấy cô thư ký chẳng buồn để ý. Còn mắc lau mồ hôi, mắc quát nạt. Ngồi tán gẫu với nhau hay lã lướt với mấy sếp. Hồ sơ cứ việc ngập ngụa, thư ký cứ nhởn nhơ. À, tù đi trại xa thì một tuần năm bảy chuyến. Đi gần thì xe bít bùng, ngày nào chẳng đưa đi cỡ 100 mạng? Một thằng đi đày thì hồ sơ bắt buộc phải đi kèm. Biết vậy là đủ lựa chọn làm gì? Chi bằng giao phứt cho mấy thằng Công vụ làm cho khoẻ!
Công vụ cũng là tư pháp, cũng được đề bạt để làm công việc nhà tù nhưng thuộc thành phần khá hơn, chuyên công tác văn phòng. Có thể có năm ba gã polutsvetnye, tức không phải tù chính trị mà cũng không ra blatnye. Đó là thứ lai căng, dân chơi nửa mùa. Đi đày chỗ tốt hay xấu là ở mấy gã công vụ này. Tù mới đến thường tin vậy và chính họ cũng làm ra vẻ có thẩm quyền để kiếm ăn chớ có gì lạ. [5] Tại sao không kiếm chác được khi công vụ lên làm trên văn phòng, có quyền sắp đặt hồ sơ phân phối tù thay cho người nhà nước và lại toàn quyền tiếp xúc với “anh em” mới trong xà lim? Phải lo lót mới được họ chịu khó lục tìm hồ sơ của mình để lựa chỗ tốt (!) nhét vô chớ. Nếu đám tù mới có nhiều mòng, chỉ sợ gặp phải Trại dữ thì thiếu gì tay trung gian? Sếp bếp, thủ kho, đều sẵn sàng móc nối hết!
Chẳng qua đây cũng lại là một hình thức bóc lột mới.
Tin lo lót có thể có chỗ tốt thì thà đổ xí ngầu còn hơn! Tội nghiệp nhất là chỉ mua thêm nỗi lo lắng vào người, chớ đâu phải vì “nạp mạng” một chiếc áo da chiến một vài ký thịt sấy mà được đi chỗ gần, chỗ tốt thay vì bị tống đến chỗ xa hơn. Cũng có thể ông công vụ sắp đặt, lựa chỗ cho thật nhưng sướng khổ còn tùy. Sướng nhất bao giờ cũng là kẻ chẳng có gì để lo lót, chẳng thắc mắc sẽ phải đi đâu! Chẳng lệ thuộc, chẳng mất mát, thản nhiên chấp nhận định mạng để gạt hết mọi sự trông mong vào may rủi là nhất.
Phải biết hồ sơ nằm tứ tung, lộn xộn như thế nào trong văn phòng khám tạm Krasnaya Presnya và mấy ông Công vụ tiện tay quơ đại thế nào mới thấy lo lót là ngốc! Có trước sau, thứ tự hay lựa chọn gì? Nếu nó nằm gần gần tầm tay thì hy vọng đi trước chắc. Thiếu gì thằng nằm đợi khốn khổ vài tháng, mà cũng thiếu gì thằng đi lẹ như tên bay. Tất cả hoàn toàn tự do tình trạng ứ đọng, lề lối làm việc hối hả, vô trật tự! Thậm chí đến nhận bừa tên, đánh tráo án, và đánh đổi án cũng còn được kia mà! (Vụ này chẳng riêng một khám tạm Krasnaya mới có, nhưng dĩ nhiên dân đi đày vì điều 58 không thể sử dụng được vì án chính trị của những thằng phản động đâu phải chuyện chơi). Mấy anh thường phạm án nhẹ dễ bị các người anh em blatnye đánh tráo án như không.
Chẳng hạn như thường phạm Vasily Parfenych Yevrashkin, sanh năm 1913, nguyên quán Semidubye bị 1 năm tù, chiếu điều 109 vì tội bất cẩn. Hắn là tay mơ, làng xã đâu có ngờ nạn đánh tráo nên ai hỏi gì cũng kể vanh vách. Lại không rành thời khắc buổi nhà tù, không biết sẽ được kêu đi giờ nào. Không ngủ gục cũng chẳng dễ gì mỗi người men tới gần được cửa lưới (nhiều người anh em cản lối, ngăn chặn quá mà) khi sếp cầm danh sách tới trước cửa xà lim kêu tên.
Có những tên gọi lớn vài ba lần ầm cả phòng nhưng tên Gevrashkin thì không. Vì sếp mới đọc khẽ chưa thằng nào nhắc lại thì một thằng hờm sẵn nãy giờ đã thò đầu ra, ngoan ngoãn và lẹ làng đọc một tràng dài để sếp theo dõi trên danh sách:
"Gevrashkin đây, Dạ, tên Vasily, tên lót Parfenych, sinh năm 1913, nguyên quán Semidubye, điều 109, một năm tù."
Cho ra một hàng lý lịch là nó xách đồ nhào ra. Trong khi đó anh chàng thật sự Gevrashkin đang đứng xớ rớ góc phòng hay nằm vùi trong ổ lắng tai nghe kêu tên. Không thấy ráng đợi ngày mai. Đợi một tuần, một tháng, Đâu dám chất vấn giám thị. Chỉ phàn nàn sao mãi chưa kêu tới tôi, với anh em trong phòng vậy tôi. (Mấy hôm sau ngày nào cũng nghe kêu tên Zvyaga ầm ĩ, kêu cùng khắp không thấy ai thưa! (Hai ba tháng hay nửa năm sau không chừng, Công vụ thanh toán xong tất cả các hồ sơ mới lòi ra chỉ còn kẹt một hồ sơ của một thằng dân chơi thứ dữ tên Zvyaga, nhiều tiền án, can tội ăn cướp, sát nhân, 10 năm đi đày. Cùng lúc đó ở xà lim dư ra một thằng làng xã tự nhận tên Gevrashkin, luôn miệng kêu rên sót tên. Bèn mang hình ra so. Nhưng hình ảnh chụp ở nhà tù thì ăn nhằm gì? Nó đúng là Zvyaga, chẳng Gevrashkin gì hết! Nó phải là Zvyaga và phải lên xe đi đày 10 năm, trại khổ sai cưỡng bách. Bằng không thì xác nhận nhà tù làm việc cẩu thả, sơ sót sao?
Trong khi đó, làm sao dò tìm nổi thằng Zvyaga thiệt đội tên Gevrashkin? Nó ở đâu chẳng có cách nào biết nổi, vì khám tạm chỉ đưa tù đi đày, không lưu giữ hồ sơ! Mang bản án 1 năm nhẹ hều vì tội bất cẩn có thể nó được gởi tới một nông trại nào đó làm 1 ngày tính 3 ngày án. Cũng có thể nó đã đào tẩu và hiện đang ở nhà vui thú vợ con, hay lại chui đầu vô khám nào đó lần nữa?
Đó là trường hợp đánh tráo án. Thiếu gì thằng chịu chơi, tình nguyện đánh đổi án, chỉ để lấy 1, 2 kí lô thịt sấy. Muốn đổi bản án nhẹ chỉ việc đưa ra một cái gì. Họ sẵn sàng đổi liền vì “thế nào nhà tù chẳng khám phá ra và điều chỉnh lại gấp?”. Thỉnh thoảng cũng được điều chỉnh thực sự.
Thời kỳ hồ sơ đi đày không chỉ định rõ Trại phải tới, để cho các khám tiếp nhận tùy tiện phân phối thì nghiễm nhiên mỗi khám tạm là một chợ buôn người để các đại diện Trại vào tận xà lim lựa chọn mặt hàng. Mỗi trại Cải tạo chỉ được cấp một số tù ấn định vậy thay vì đợi khám gởi người tới, tại sao không cử người về lựa chọn những thành phần tốt, khoẻ mạnh? Người làm hao hụt, đã đành không mất mát gì nhưng cứ đếm đầu nhận đại, gặp những thứ lao động kém, không đủ năng suất, không hoàn thành kịp thời thì sao? Do đó nhiệm vụ của đại diện Trại không khác gì lái buôn người một hai chục thế kỷ trước. Phải giao thiệp tốt với các khám, phải sành sỏi, tinh khôn để loại trước những mặt hàng xấu, những thành phần lười biếng, bệnh hoạn, tàn tật,
Để khỏi “mua” lầm hàng dở, tại sao không cử người đến coi tận mắt, sờ tận tay? Bắt chúng sắp hàng, lột trần truồng ra quan sát là khỏi sơ sót! Đó là trường hợp của cô bé Ira Kalina, 17 tuổi bắt buộc phải khoe thân thể tốt ở khám tạm Byturki để ông đại diện gật gù chấp nhận. Đặc biệt nhất là vụ cả một phái đoàn chuyên viên MVD tới khám Usman năm 1947 để nhận hàng. Có đến mấy chục ông đại diện các nha sở trực thuộc, bận quân phục chững chạc ngồi bàn giấy có trải náp trang trọng, để chăm chú theo dõi đám tù đàn bà được lần lượt đưa vô trình diễn. Tất cả phải cởi bỏ quần áo ở phòng kế bên, từng người một đi chầm chậm trước dãy bàn buya-rô, dừng chân lại, xoay người vài vòng và được bàn nào gọi là tới gần bên để các đại diện “phỏng vấn” vài câu. Một nhân chứng kể lại nếu đi trình diễn hay đứng lại mà cô nào thẹn thùng, bẽn lẽn đưa tay che đậy những chỗ đàn bà con gái hay che là lập tức sẽ gị giám thị nạt nộ: “Làm bộ hoài! Bỏ tay xuống,”. (Thực tế là các đại diện MVD tới chỉ cốt để tuyển mộ người đẹp về hầu hạ mà nhè che đậy đi thì còn quan sát gì?).
*
Nếu lâu lâu không có những trường hợp rắc rối trên thì sinh hoạt khám tiếp nhận hẳn dễ chịu chán! Bù lại tù đến tù đi thường nhật lại có những cơ hội học hỏi tốt cho những thằng kém kinh nghiệm. Chẳng hạn như trong xà lim Krasnaya Presnya hai đêm liền có mặt một gã mà hồ sơ đi đày ghi là chuyên viên. (Hỏi ra mới biết đấy là những người mà Ban Quản đốc Trại phải cử vào công tác đặc biệt, thích hợp với nghề chuyên môn). Gã nằm ngay cạnh tôi trong ổ ngủ và cử chỉ, sinh hoạt tự nhiên, dạn dĩ, không hề có mặc cảm tù tội. Vì gã vô ra các Trại và đi về khám tạm này nhiều lần quá đâm quen. Hết công tác Trại này ra khám nằm chờ đưa đến Trại mới, gã quả là một thằng tù rong! Hồ sơ ở Tổng nha ghi rõ nghề nghiệp gã là “chuyên viên xây cất” nên Trại chỉ được sử dụng gã đúng ngành, không thể bắt đi đốn củi. Với đám dân quần đảo có nghề chuyên môn là có bùa hộ mệnh, đi đến đâu cũng chẳng sợ chết.
Vì đi rong gần mãn án gã có thể kể như cáo già quần đảo, biểu hiệu là một khuôn mặt cứng cỏi, lạnh lùng. (Đúng vậy, sau này tôi mới nhận ra nhãn hiệu của quần đảo là lạnh lùng và tàn nhẫn. Ở đảo ít lâu là trăm người như một! Nơi đây đâu phải đất sống cho những thằng phong lưu, lịch thiệp? Chết chắc). Gã lạnh lùng ngó những sự ngây ngô, khờ khạo của chúng tôi và nhếch mép cười cay đắng như ông già thương hại nhìn đám trẻ lên ba vậy! Có lẽ vì thương hại cho những thằng tù con nít gã mới truyền cho chúng tôi bài học quý giá về kinh nghiệm ngục tù.
- Lọt vào Trại mấy chú phải hiểu là thằng nào cũng chỉ nhăm nhe ăn hiếp, bóc lột mình. Không tin một ai, ngoài mình. Lúc nào cũng có thể bị chúng thịt, chúng giết. Ngây thơ là khó sống. Hãy rút kinh nghiệm của tụi tôi 8 năm về trước, lức vừa đặt chân xuống Trại Cải tạo Kargopollag. Hai chắc chắn xe lửa vừa đổ tù xuống, chờ lính áp tải cỡ 10 cây số băng đồng tuyết về Trại. Bỗng 3 xe trượt tuyết ở đâu chạy tới, qua mặt lính gác không bị cản. Mấy thằng ngồi xe lên tiếng: “Anh em có đồ cât lên. Xe về Trại đây....” Dĩ nhiên tụi tôi mừng húm: vác hành lý mệt quá mà nhà tù còn cho xe ra chở giùm về thì đâu đến nỗi tệ? Không ai bảo ai, tụi tôi hớn hở chất đồ lên. Xe chạy và chạy luôn. Khỏi về Trại, bao nhiêu hành lý của tụi tôi mất sạch!
- Sao vậy được kìa! Bộ không có pháp luật gì chắc?
- Đừng hỏi ấm ớ! Sao không vậy được? Có luật chớ, nhưng luật rừng, luật thảo khấu! Còn công lý thì làm chó gì có? Nếu có, đã chẳng có Trại Cải tạo! Tấm gương 3 xe hành lý ở Kargopollag là điển hình đúng boong nếp sống Cải tạo, không ai tử tế với ai. Bất cứ một cái gì cũng phải trao đổi, trả giá vì cái gì cũng có giá hết! Nơi đây, nếu nghe ai nói chung tử tế, bất vụ lời thì phải hiểu ngay là bịp, là bẫy. Phải nhớ in như vậy, cũng như 5 chữ công tác không chuyên môn là tối kỵ. Phải né ngay từ ngày đầu tiên vì một ngày công tác không chuyên môn là cả cuộc đời bế mạc. Hết gỡ....
- Thế nào là không chuyên môn?
- Là căn bản công tác của bất cứ Trại nào. Là công việc của 80 phần 100 dân đi đày các Trại hãy nhớ kỹ 80% công tác không chuyên môn và chết hết, chẳng sơ sẩy một mạng. Lớp trước chết thì có lớp sau trám vô nguyên vẹn, để rồi lại lần lượt chết hết nữa vì những công tác không chuyên môn. Lỡ kẹt vô là chết chắc. Chết vì mòn mỏi, tàn tạ. Lao lực, đói, lạnh, cái gì cũng thiếu thốn, thua sút người ta. Ăn thiếu, ở khổ cực và động ốm là chết. Có thuốc men, chạy chữa cho những thằng phụ không chuyên môn bao giờ? Vậy mấy chú tin lời tôi nói: Ở Trại Cải tạo sống sót được là những thằng với bất cứ giá nào tránh cho kỳ được có tên trong danh sách không chuyên môn. Chỉ những thằng đó sống.
- Với bất cứ giá nào?
- Đúng vậy, với bất cứ giá nào!
Bữa hôm đó tôi thấm nhuần ngay tức khắc lời dạy dỗ vô cùng thiết thực của ông bạn từ khắc khổ, sống được nhờ ngành chuyên môn. Tôi công nhận ngay. Chỉ tiếc không hỏi lại cho rõ “bất cứ giá nào” là bao nhiêu, lấy cái gì mà đánh giá?
[1]Khẩu hiệu này trùng hợp với Phát xít: “Thây kệ những thằng còn kẹt bên trong” có nghĩa là những thằng còn kẹt đó sẽ bị trừng phạt cho chúng mày thấy!. Có thể là bắn bỏ hay đập gậy tới gãy xương để lần sau tuyệt đối không dám chậm trễ. Mà phải xông ra trong toán đầu tiên.
[2]Sung sướng biết mấy là những đấng ở tù mà chưa phải nếm mùi 10 đứa 1 tổ ngồi vây quanh chậu thức ăn vục ra bằng tay, nhét vào miệng! Phải ăn bốc “tập thể” kiểu này mới thấm thía thế nào là “những nhu cầu súc vật của thằng tù Ivan Denisovich. Nếu giữa bữa ăn lại có tranh chấp nữa” thì e rằng các đảng viên trung kiên nhất dám không nhớ tới Đảng nữa!
[3]Dĩ nhiên để ghi nhận lại một thời lịch sử của quần đảo còn phải dựng nhiều pho tượng mà ý nghĩa hơn cả có lẽ là một ông Stalin khổng lồ bằng đá đứng chót vót, đứng trên mỏm cao nhất Kolyma. Cần phải thật khổng lồ, mỗi bên ria ít nhất cũng vài thước răng phải nhe ra đanh ác (điển hình cho bất cứ một quản đốc trại nào). Một tay người phải cầm dây cương, một tay người vung roi da quất lia lịa trên lưng vài trăm thằng tù, cặp 5 thằng làm một như cặp ngựa, vươn cổ ra kéo. Pho tượng khổng lồ này đặt ở chót vót bán đảo Chukchi, trông ra eo Bering cũng thích hợp vậy.
Tôi mới tưởng tượng nào ngờ sự thực từng xảy ra là đã có bức bíth hoạ khổng lồ STALIN TRÊN ĐÁ sơn màu trên vách đá đồi Mogutova, chỗ cầu Zhiguli trên sông Volga, ở cách Trại Cải tạo trên sông cũng phải ngó thấy.
[4]Sau này tôi có dịp hỏi những người Thụy Điển hay từng ra vô nước này về gia đình Andersen và trường hợp mất tích của một nhân vật như thế đó…thì họ chỉ lắc đầu cười. Dân Thụy Điển tên Andersen thì cũng như Nga tên Ivanov vậy và chẳng có ông tỷ phú Andersen nào hết. Khốn nạn, 22 năm sau lúc đọc lại lần chót bản thảo Quần đảo ngục tù tôi mới sực nhớ ra đời nào họ cho phép hắn giữ nguyên tên thật. Lộ ra là thủ tiêu nên cái tên Andersen phải hiểu là tên bịa. May ra nhờ những chi tiết nho nhỏ kể lại người ta có thể đoán biết hắn là ai nên hắn mới tin tưởng thế nào cũng có người gỡ ra, khối Tây phương chắc chắn sẽ can thiệp. Có điều hắn không hiểu phe Cộng : Một nhân chứng “biết hết” như hắn, dám chịu đựng tù đày chớ không khuất phục Tây phương có mấy tay cứng vậy? thì không thể trả lời tự do được, với bất cứ giá nào! Không chừng lúc tôi viết mấy hàng chữ này (1971) hắn còn sống cũng nên.
[5]Sự thực đơn giản là chẳng có trại nào tốt! Tất cả đều là đất chết. Chỉ có công tác nặng, khổ sở và công tác tương đối khoẻ hơn nhưng phải quan sát tại chỗ mới biết.
====
No comments:
Post a Comment