==
Triều Đẩu
Những thiên đường lỡ: Giữa đô thành Sài Gòn–Chợ Lớn
(Phóng sự)
1 2 3
==
Họa sĩ Phạm Tăng trình bày bìa. In xong ngày 30.11.1957 tại nhà in Phan Thanh Giản, 21 Võ Tánh, Sài Gòn. Giấy phép số 1.417 – X.b. ngày 2.9.1957 do Nha Thông tin Nam Việt cấp. Tựa của Bùi Xuân Uyên. Nhà xuất bản Tấn Quảng Lợi
=====
Tự ngôn của nhà xuất bản [1]
Thiên phóng sự này, ông Triều Đẩu viết từ năm 1955, trong lúc các tiệm hút được thiết lập công khai tại Sài Gòn – Chợ Lớn, dưới biển hiệu Công Yên... và ông đã cho đăng trên tờ nhật báo Hoà Bình dưới ẩn danh Tử Long, mục “Đô thành nghiện hút”. Mục đích cổ võ một phong trào rầm rộ bài trừ cái nghiệp thứ 3 trong bốn nghiệp tứ đổ tường, lúc ấy đang hoành hành kinh khủng.
Nếu giờ đây, ước mong của ông đã được thực hiện một cách mỹ mãn – đạo dụ ngày 27-9-1955 phạt tù người hút, chủ tiệm cũng như bất cứ tư gia nào oa trữ một dụng cụ bàn đèn – tác giả đã chỉ mừng thầm làm trọn một phần nào nhiệm vụ kẻ cầm bút.
Nay chúng tôi cho in lại thành sách thiên phóng sự này không ngoài mục đích cho nó một “đời sống” vì giá trị văn phóng sự cũng có – giá trị do lối hành văn đặc biệt của ông – mà vì cả giá trị tài liệu đối với bạn nào, sau đây muốn khảo cứu về cuộc tiến hoá của dân tộc.
Vả lại, chẳng lẽ bỗng không mà tác phẩm đã được đổi tên, từ Đô thành nghiện hút đến Những thiên đường lỡ. Duyên do có thể chỉ là lẽ túc duyên mà người trong nghiệp hay ngoài nghiệp cảm thấy rằng cần thiết. Bởi lẽ không phân biệt già hay trẻ, trai hay gái, ai đã biết hưởng thú đi mây về gió cũng đều được người đời suy tôn, lên bậc những tiên ông. Mà tiên ông với thiên đường đều là những danh từ được nêu lên do nguyên tắc hội ý. Tiên ông là người mà thiên đường phải là cảnh. Nếu giờ đây sau những cuộc bố ráp bằng súng cài lưỡi lê bầy rờ-sẹc dữ tợn phàm phu, các tiên ông đã phải tán loạn, lạc lõng, còn run bần bật thì ôi thôi! Quả đã lỡ rồi những thiên đường trần gian...
Sài Gòn, Ngày 5 tháng 11 năm 1955
Nhà xuất bản
*
Tựa
Chúng ta đều đã biết Triều Đẩu. Thời gian lại xác nhận thêm giá trị Triều Đẩu. Cái cá tính văn chương của Triều Đẩu đã rõ rệt và cái “lối Triều Đẩu” cũng đã gây nhiều ảnh hưởng.
Viết “lối Triều Đẩu” là viết với những hí ngôn, lộng ngữ, những lời sống sượng; viết “lối Triều Đẩu” là khinh đời nhưng không cay cú, giễu cợt nhưng không mỉa mai, chua chát; viết “lối Triều Đẩu”, đến tận cùng, thì là viết với những tiếng cười, cười hềnh hệch, cười hì hì, cười ha ha, cười hở hả, vì tận cùng Triều Đẩu tâm tình dễ dãi.
Triều Đẩu nhận thấy tất cả cuộc đời nó như thế thì “quấy” một cái mà chơi. Cái tiềm ẩn bên trong đã hình ra ngoài cho nên ai đã đọc văn Triều Đẩu lại được ngắm Triều Đẩu bằng xương bằng thịt sẽ thấy hai Triều Đẩu tinh thần và vật chất chỉ là một. Thịt Triều Đẩu phê pha để mở rộng thêm cái cười phân phở, xoá nhoà cả cái tuổi năm mươi. Phải, không ai ngờ nổi rằng Triều Đẩu đã đến cái tuổi “tri thiên mệnh” của thánh hiền.
Tất cả Triều Đẩu đã là Triều Đẩu viết truyện ngắn, quen biết lắm rồi. Nhưng từ Trên vỉa hè Hà Nội, tác phẩm đầu tiên của Triều Đẩu, người ta đã cảm thấy Triều Đẩu sẽ có một đường đi nữa, cũng thích hợp với Triều Đẩu mà có lẽ thích hợp hơn: con đường “phóng sự”. Với những truyện ngắn, Triều Đẩu đã trừu tượng hoá cuộc đời để cười, nhưng có lẽ cái cá tính Triều Đẩu sẽ nảy nở mạnh mẽ hơn, sẽ bung ra tươi tốt hơn nếu Triều Đẩu “quấy” với cái trò chơi mới là rượt đuổi cuộc đời biến ảo để bắt sống lấy nó.
“Anh viết phóng sự đi chứ”, nhiều lần tôi đã thôi thúc Triều Đẩu và câu trả lời của Triều Đẩu bao giờ cũng là:
“Để rồi xem… Cái đó còn phải có hoàn cảnh”.
Tuy nói thế, nhưng thâm tâm tôi e rằng đã xui dại Triều Đẩu chăng? Hỡi ơi! Trọn đời người, cái thời gian ăn ngủ thật dài, nhưng cái thời gian sáng tác nó quá ngắn ngủi, quá mong manh. Cùng một câu văn giá phút trước viết được, hay biết chừng nào, để nhỡ đến phút sau chữ bôi vào giấy trắng đã chẳng phải là câu mình định viết nữa rồi. Ai đã từng cầm bút ắt hẳn đầu phải có một tác phẩm đẹp vô ngần mà thời gian đã nhớ hoài để không bao giờ hoàn thành được cả.
Đằng này, tôi lại giục Triều Đẩu làm một công việc mà tôi ước lượng chỉ lệch tay một chút là thôi rồi cả những đêm cầm bút rỏ máu để ghi lời. Bởi vì, nghề phóng sự là nghề bạc nhất. Nó cũng là một nghệ thuật đấy, nhưng đồng bóng như nghệ thuật trang trí hay nghệ thuật đóng hề. Hoà điệu đồ đạc một căn phòng cho đẹp để nuôi khoái cảm cho mắt người ta, quặn lòng tạo nên một cử chỉ để đổ tiếng cười vào lồng ngực khán giả, những nghệ thuật ấy không hẹn có giờ sau. Làm phóng sự cũng thế.
Phóng sự là thuộc vào thời gian. Mất thời gian tính, mọi thiên phóng sự đều như những ngọn đèn phải lụn tắt vì thiếu dưỡng khí. Phóng sự phải là những cây pháo bông làm loá mắt người đọc vì người ta chỉ đọc phóng sự trong khoảnh khắc, những khi người ta ăn no cần thêm một chất tiêu hoá, hay khi buồn ngủ cần những cái vuốt cho thần kinh giãn ra. Vì thế, phóng sự cần cho báo hàng ngày để điểm hoa văn nghệ vào những tin tức “giật gân”. Và tờ báo đọc xong hôm nay, ngày mai sẽ được dùng vào những công việc hữu ích khác cùng với cả mọi thiên phóng sự “ly kỳ”. Nhưng cái bạc của nghề phóng sự là thế đấy.
Nhưng Triều Đẩu đã viết phóng sự. Ngày ấy là Sài Gòn 1955. Những thiên đường lỡ dưới nhan đề Phóng sự đô thành nghiện hút được đăng tải trên nhật báo Hoà Bình với bút hiệu Tử Long. Triều Đẩu viết, mỗi sáng đều đặn năm trang giấy, viết tay, để giao nhà báo, để đủ ba mươi lần đăng sẽ lĩnh về một tập giấy khác, có lẽ cấp thiết hơn là mọi tờ giấy nọ làm nhèm những dòng dập xoá. Khi tôi rõ Tử Long là Triều Đẩu, thì Triều Đẩu hềnh hệch cười bảo tôi: “Không nói cho anh biết vì viết kiếm tiền”. Thêm cái “xài” cho kẻ di cư nhưng cũng thêm một tác phẩm cho Triều Đẩu mà chính Triều Đẩu không ngờ.
Triều Đẩu phóng sự đã bắt cái mong manh phải đứng lại, đã đem cái trường cửu in hằn trên giấy. Sở dĩ mọi thiên phóng sự thường không có ngày mai là vì người ta chỉ mải đuổi theo cái bác tạp của cuộc đời. Triều Đẩu viết truyện ngắn đã nắm bàn tay của Triều Đẩu viết phóng sự đòi phải phân biệt ra cái đơn thuần giữa cái bác tạp để tạo nên những điển hình. Mọi nhân vật trong Những thiên đường lỡ đều có giá trị tiêu biểu, đánh dấu không những chỉ một thời đại mà một xã hội.
Chúng ta hãy cười đi vì Triều Đẩu cười, vì Triều Đẩu cố nhịn cười, vì Triều Đẩu nguây nguẩy chê chán nhân sinh… Triều Đẩu giữ Những thiên đường lỡ đóng vai một anh hề béo mập hí hí đốt một cây pháo bông cho xáo trộn lòng chúng ta với mầu, với sắc, với thanh âm.
Những thiên đường lỡ của những ai? Những ai tính hụt cuộc đời thành Những thiên đường lỡ? Những ai chưa biết có Những thiên đường lỡ? Hãy đọc!
Để kỷ niệm những ngày ở Xóm Oẹc
Sài Gòn, ngày 7–6–1957
Bùi Xuân Uyên
*
Mấy lời nói đầu
Người lạ, dầu là người Việt Nam, khi mới đặt chân trên đất Sài Gòn đều ngạc nhiên về 4 hình thức cổ điển của tứ đổ tường được phô bầy công khai và đồ sộ. Cái “sự” mà những hình thức đó được phô bầy công khai và đồ sộ tất nhiên phải do những sự nâng đỡ, nếu chưa hẳn là cho phép của những lực lượng bí mật. Nếu không thì chẳng cần pháp luật cấm đoán, tính e thẹn thiên bẩm của con người cũng tự cấm đoán.
Ở đây bạc, rượu, gái cứ tha hồ lung lạc con người, khiến cho khách lạ tới đây – dẫu là chính người Việt Nam – đều phải tự hỏi còn đâu là thuần phong mỹ tục và tìm đâu thấy những sách vở luân lý thường thức, những lời răn đời của những bậc thánh hiền! Thú tính con người được thả lỏng dây cương tha hồ phô bầy cả mặt trái công khai và đồ sộ, giữa mặt thành phố lớn rộng đầy ánh sáng, đầy vẻ đẹp vẫn được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông. Đánh bạc, uống rượu, chơi điếm, hút thuốc phiện, ở bất cứ đâu cũng như thuộc bất cứ thời đại nào, đều tìm thấy đồ đệ ở con người cổ điển tức là con người của đám đông chứ không phải con người triết lý gàn dở của số ít. Những đồ đệ đó ở đây đã được tha thứ và khuyến khích, thúc giục và nâng đỡ.
Đó là một sự lạ, nếu ta chưa tìm hiểu, song rất có lý nếu ta đã hiểu rồi. Có gì đâu, chỉ vì sự thật bao giờ cũng giản dị, vẫn giản dị.
Và cũng chỉ vì trước khi vào đây, tôi đã gặp anh bạn Ph. nhà dàn cảnh điện ảnh rất quen thuộc của quốc dân – Anh Ph. đã cười lớn, khi tôi ngỏ cùng anh ý định và chương trình của tôi, sau đây nếu có phải di cư “dô” đất Sài Gòn:
“Tôi sẽ suốt ngày đọc sách. Loạn thế độc thư, anh ạ”.
“Thế thì, anh ơi, anh chưa biết thế nào là Sài Gòn rồi. Vì Sài Gòn hiện nay là đất của những chính khách chứ không phải là đất để dụng văn còn nói chi để đọc sách nữa. Sống hằng ngày ở cái nơi mà mọi người đều xô nhau làm chính trị, hầu như làm chính trị là một lẽ sống thì ngoài đường của Sài Gòn cũng sẽ phụ họa, và dù muốn hay không họ cũng sẽ bị lôi cuốn vào cái đà chính trị. Và đồng thời làm tứ đổ tường, tức là làm chính trị.”
Câu chuyện trên đây đã được trao đổi giữa làn khói thuốc lá và xung quanh ly cà phê thường lệ, trên vỉa hè Hà Nội cổ kính, trong lúc đồng bào Bắc Việt đang ồ ạt di cư vào Nam, Ph. đã nêu câu chuyện trên đây bằng một giọng lịch lãm và những cử động lịch duyệt. Nghĩa là đượm vẻ thú vị của câu này trong Kinh Thánh: Ta parole est la vérité. Lời của người là tất cả sự thật.
Tuy vậy lúc ấy tôi vẫn còn nghi ngờ sự thật đó. Anh Ph. đã bắt tay tôi từ giã, mặc tôi với sự nghi ngờ rất dễ hiểu của tôi, để đi ra khách sạn “Con Gà Vàng” đến người vợ xinh đẹp của anh lúc ấy coi “két” cho khách sạn.
Cho mãi tới ngày nay đích thân sống trên đất Sài Gòn để thực nghiệm sự thật trong lời nói của anh bạn Ph. tôi mới biết đánh bạc, chơi điếm, hút thuốc phiện, cũng đều là làm… chánh trị.
Và không quá bi quan như mọi triết nhân, như mọi nhà tư tưởng xã hội, tôi đã cười lớn – mặc dầu chỉ là cười vọng – để hưởng ứng tiếng cười ngày nào của anh bạn Ph. trên vỉa hè Hà Nội, xung quanh ly cà phê ngon, và giữa làn khói thuốc lá vàng hoặc đen.
Và giờ đây, tôi đã viết và bắt đầu cho đăng thiên phóng sự trường thiên: Đô thành nghiện hút, tức là 1 trong tứ đổ tường. Lý do cũng dễ hiểu. Bạn đọc chắc còn nhớ hôm ấy bạn đã vui sướng và đầy tin tưởng khi thấy lệnh từ trung ương bắt đóng cửa tất cả các sòng bạc kể từ 16-1-55, ngay trước Tết. Các bạn chắc tự đặt cho mình câu hỏi sau đây, lẽ dĩ nhiên là câu trả lời không thuộc thẩm quyền của bạn:
“Thế bao giờ mới đến lượt các tiệm hút, vườn lài gái điếm cùng các tửu điểm bán rượu mạnh đầu độc?”
Cũng như các bạn, tôi đã đặt hết tin tưởng vào thiện chí của nhà hữu trách trong việc bài trừ những vết lở kinh niên trên đây của xứ sở tức là cái phần đất còn lại sau khi đất nước bị chia hai.
Và thể theo nguyên tắc bất di bất dịch, biết phòng ngừa và trừ bỏ, tôi đã muốn bạn đọc biết cái họa “yên” đổ tường mặc dầu hành động như vậy có thể bị thiên hạ cho rằng… phản chánh trị.
Sài Gòn 1954
*
Cuộc trích Morphine mỗi buổi sáng giữa thanh thiên bạch nhật
Buổi sáng, trong một cái quán lợp tôn trên vỉa hè đường Lefèbre. Chủ quán là một mụ đàn bà nạ dòng chột mắt. Quán bán đồ giải khát la-de và limô-nát như mọi quán giải khát khác. Chỉ khác một điều là khách hàng ngồi ngả nghiêng trên những chiếc ghế đẩu xung quanh lại không cần giải khát. Nếu có phải uống thì họ chỉ uống ly cà phê không hoặc cà phê sữa.
Song buổi sáng nào họ cũng tập trung nơi đây, cuộc tập trung vừa có tính công khai, vừa công cộng và mặc dầu ẩn dưới mái tôn nhỏ bé nó vẫn như là ở ngay giữa trời. Có thể rằng đây là một cái chợ nhưng là một chợ chuyên môn để tiêu thụ một món hàng độc nhất mà đoàn người tới bán mua tiêu thụ món hàng đó như tìm một lẽ sống cần thiết hơn cả cơm trắng, hơn cả khí trời.
Cứ nhìn những thân hình xanh xao, gầy còm đó, chúng ta có thể yên trí rằng họ không cần cơm gạo và khí trời. Ở họ không còn chút gì gọi là sinh khí, cái khí vượng của sự sống nó làm cho da mặt hồng hào, đôi mắt sáng và ý chí sống mạnh toát ra từ vẻ người, từ hình sắc, vô hình nhưng rõ rệt, nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt. Trái lại, ở những gương mặt vội vàng kia, ở những hình hài xác ve, và gầy đét như cái que kia, đôi mắt hình như đã hết vẻ tinh anh, sinh lực hình như đã cạn, thể chất như bị ướp bằng chất formol để trở nên những xác ướp, những momie xứ Ai Cập.
Tinh thần vật vờ như ngọn đèn trước gió đã trở nên mong manh, xa vắng như chất éther.
Đọc đến đây, chắc có bạn cho rằng tôi đang tả một bầy người ở thế giới bên kia, hay ít ra cũng ở một thế giới trung gian giữa thế giới người sống và thế giới người chết.
Nhưng không, trái lại, bạn hãy trông đây, một anh đang ngự trên ghế đẩu, bàn tay trái đặt trên đùi, để lộ những đường ve (veine) – mạch máu – hằn lên rõ rệt.
Một ống trích (tiêm), kim cắm chếch vào một mạch máu, trong khi tay kia – tay phải - ấn piston đẩy một chất trắng trắng lượng số chừng 4cc.
Mạch máu căng lên để tiết vào ống trích vẫn hoà với chất nước trắng đó, những tia máu đỏ tím bầm mầu bồ quân – vẫn được mệnh danh theo khoa học là màu đen. Con người xanh xao gầy yếu bỗng trở nên rất “anh chị”.
Một vẻ hào hùng bao phủ cả thân hình ốm o. Tay phải anh vẫn đẩy piston, làn nước trắng từ từ đi vào mạch máu để hoà thấm vào các tế bào. Nhìn anh chàng trích lấy đó, chúng ta có thể liên tưởng đến những bực phong lưu mã thượng, trong những tiểu thuyết, trong những câu chuyện truyền tụng, chán ngán cuộc đời sau khi đã tận hưởng mọi sự. Giờ đây người khác phong lưu tự trích chất độc vào người để tự giải thoát bằng cách chết từ từ, êm dịu, nhẹ nhàng và lâng lâng trong một giấc ngủ triền miên không mộng mị, không trằn trọc. Song ở đây, ở trước mặt chúng ta giờ đây – giữa một buổi sáng mát dịu mà xung quanh, mọi ngành họat động đang bắt đầu giữa đô thành - ở trước mặt chúng ta đây là một anh chàng không phải chán chường mà rất ham sống không phải muốn thoát ly vĩnh viễn mà cố bám lấy cuộc đời dẫu rằng chì trong mấy giờ đồng hồ.
Vì đây – và giờ đã đến ta phải gọi nó bằng đích tên nó – vì đây là chất morphine, chất ma tuý, vị thuốc quốc tế để kích thích cân não và đem lại luồng khoái cảm mê ly. Người đã như mọc thêm cánh bay phiêu diêu trong xứ mộng. Tâm hồn đã như đắm say trong một thế giới huyền ảo, thực thực hư hư. Và cả thể chất như được thấm nhuần một khoái cảm như nặng như nhẹ, như xa như gần, kỳ thú và tràn ngập.
Tất cả cuộc thay đổi thần tiên, tất cả cuộc thoát xác kỳ lạ dó đã được thực hiện trong mấy giờ đồng hồ, nhiều ít tuỳ theo số lượng morphine tiêm vào mạch máu. Ngoài thời gian đó chất ma tuý sẽ hết hiệu lực, và con người sẽ lại trở lại nguyên hình ốm o, yếu lả. Để rồi, con người tội nghiệp đó, muốn sống lại phải tìm đến đây, mua thuốc ma tuý tiêm vào người! Theo nguyên lý “quen thuốc” của tế bào của cơ thể, người quen trích morphine, lần sau, muốn được từng ấy hiệu lực ma tuý, phải tăng thêm chất morphine.
Và cứ theo cái đà cấp số hoàn toàn thuộc sinh lý đó, con người sẽ theo đuổi một số lượng morphine kinh khủng về cc (centicube). Cánh tay hay bàn tay sẽ bị trích nát, những vết trích sẽ chồng chất lên nhau thành những vết thương không bao giờ được lành lặn. Bắp tay, vì vậy, sẽ sưng vù lên rất đáng thương.
Rồi thì theo đuổi cuộc sống qua chất morphine, con người cứ đi gần đến cái chết. Đã có kẻ một buổi sáng, bất thình lình không cần hấp hối, lặng lẽ nằm vật chết trên vỉa hè Lefèbre này.
Người “anh chị” trên ghế đẩu vẫn tay xoè, tay đẩy ống trích, im lặng và thong thả. Chất morphine vẫn từ từ sèo sèo đi vào mạch máu anh. Thời gian hầu như ngừng trôi. Không gian cũng cố im lặng. Trong khi ấy trên những ghế đẩu xung quanh một anh nữa đã sửa soạn ống trích để trích dùm anh bạn bên cạnh. Ống trích đã giơ cao trước mặt, kim trích trọc vào hẳn lòng ống (ampoule) morphine, lật ngược, chất nước trắng đang được rút vào ống trích. Mỗi ampoule là 2cc.
Người này dùng 2 ampoules một lúc tức là sẽ trích cho bạn 4cc. Anh bạn sắp được trích đã ngồi chờ bên cạnh, người rũ ra như mất hồn. Cánh tay anh khẳng kheo đặt sẵn trên bàn. Những vết trích cũ hãy còn tím bầm. Ống trích và kim trích sẽ lần lượt dùng để trích cho tất cả bẩy người xung quanh đó mà không cần phải đun sôi để trừ vi trùng theo lẽ thông thường của vệ sinh và khoa học.
Tôi ngạc nhiên vì sự trạng cẩu thả thiếu sót và phản khoa học đó. Nên đã hỏi anh ngồi bên cạnh:
“ Ồ! Thế không sợ ắp-se (abcès) ư? ”
Thì anh đã cười, để trơ hàm răng khói ám vàng khè giữa hai làn môi thâm:
“ Anh ơi! Không bao giờ có ắp-se cả ”.
Tôi lại càng ngạc nhiên, hỏi thêm:
“Tại sao vậy?”
Cặp môi thâm thẫn thờ buông:
“Tại sao? Tại chất morphine làm mê ly người ta và cả vi trùng. Vi trùng đã say rồi thì còn sinh sự, làm “ắp-se” gì nữa”.
Tôi tần ngần suy nghĩ và cho rằng dẫu sau đây cũng là một hiện tượng của khoa học mà phải đến đây – giữa cái thế giới của người morphine – mới khám phá được.
Tôi ngước mắt trông sang phía trong. Ngồi ngay cạnh mụ chủ quán là một người “đầm” chừng 30 tuổi mà mái tóc ngắn đã hoa dâm kiểu muối hạt tiên. Cô bận áo mầu đỏ nhưng không còn nếp là ủi nên nhầu nhầu, nhuôm nhuôm không xứng với làn da trắng và vẻ dễ coi của khuôn mặt. Vì rằng nhác trông con người cô, ta có thể đoán rằng đã có một thời cô đẹp lắm và nếu ở cô mùa xuân đã sớm tàn lụi cũng chỉ vì cô đã sớm dùng chất morphine. Cho nên trên khuôn mặt “đầm” khả ái, đã phảng phất một vẻ chán chường, và hai làn môi xinh xinh đã nhuốm mầu đen, mầu độc quyền của nha phiến. Cô đã nhờ trích chừng 6 cc morphine. Nên đã trở nên tỉnh táo. Nhìn cô, tôi mỉm cười. Cô cũng mỉm cười trả lại.
Bất giác, theo bản năng của người nghệ sĩ, tôi đã từ thâm tâm choàng lên đầu cô làn hào quang dành cho tiên nữ, bị đầy xuống phàm trần vì một lỗi lầm nào khác. Và giờ đây người tiên nữ, da trắng tóc vàng đã như ai tìm chút sinh lực tàn lụi trong cái thế giới của morphine. Tội nghiệp! Con người thế ấy thế âu thế này! Anh chàng nghệ sĩ là tôi liền lấy thuốc lá hút và rất thành tâm đã đưa mời nàng. Nàng mỉm cười nhìn tôi cảm ơn, đỡ điếu thuốc lá và bật diêm châm bằng những cử động của con người quen bừa bãi nhưng cũng không kém vẻ nên thơ. Và nàng đã đứng lên gật đầu chào từ giã. Tôi nhìn theo cái thân hình không đến nổi gầy yếu mà đi lắc lư có khi lệch hẳn về một phía. Chiếc áo mầu đỏ vì vậy cũng lệch lạc, thất thểu, rất đáng ái ngại. Tự nhiên tôi muốn chạy theo nàng để làm một người bạn đồng hành. Vì trong thâm tâm tôi nhận thấy cuộc đời nàng có thể là một kho truyện kỳ lạ và con người nàng có thể là hiện thân của thứ gì bí mật. Hai lần tôi đã thoắt đứng lên, song hai lần bất giác hai tay tôi đã sờ đến cái “bốp” – ví tiền.
Rất thất vọng khi nhận thấy túi mình chỉ có mấy chục bạc và như vậy không đủ tư cách để đi đích thân khám phá những sự bí mật thú vị kia. Ở đất Sài Gòn này ai cũng rõ muốn hành động gì dù lớn dù nhỏ đều phải có rất nhiều tiền và một khi túi đã có rất nhiều tiền thì Sài Gòn sẽ lần lượt giao cho mình hết cả bí mật. Thất vọng tôi lại ngồi xuống ghế, giơ tay với ly cà phê loang loãng vô vị để uống cạn một hơi. Tôi đã đứng lên, trả tiền mụ chủ quán.
Tôi vẫn băn khoăn, thắc mắc vì sự bí mật sống kia. Cho nên tuy không thể đích thân khám phá nó được, tôi đã phải dùng cách gián tiếp nghĩa là hỏi truyện anh bạn ngồi cạnh lúc ấy. Lẽ dĩ nhiên là ở chỗ khác và trong thời gian khác. Và dưới đây là câu chuyện của cô nàng. Anh bạn đã kể lại qua giọng khè khè đượm khói sạm và ký ức rạn vỡ của con người nghiện oặt. Tôi đã xếp đặt lại cho có mạch lạc, điểm đây đó một chút thơ. Và anh bạn đã xuýt xoa nói bên tai tôi:
“Trời ơi! Ngày xưa nàng đẹp lắm, đẹp lộng lẫy đẹp có tiếng ở Đô Thành này. Nàng lấy một chủ đồn điền cao su người Pháp và sống cùng chồng ở ngay đồn điền một cuộc đời vương giả, êm đềm trướng rủ màn che. Lẽ dĩ nhiên, khi ấy nàng không nghiện hút”.
Anh bạn vẫn xuýt xoa:
“Trời! Nàng đẹp quá chừng. Đấy ông xem, cho đến bây giờ, bị thuốc phiện tàn phá và morphine rầy vò mà trông nàng vẫn còn phong vận lắm đấy chứ. Hai cánh tay còn trắng trẻo và mập mạp”. (Tôi hình dung những vết thương trích sưng lên trên cánh tay ban sáng nay mà chạnh lòng thương vay – mặc dù chỉ là tính hay thương vay tiếc mướn, rất hão huyền của con người nghệ sĩ). Anh bạn đã nói tiếp:
“Gương mặt nàng còn đẹp đấy chứ. Phải biết ngày xưa thì nàng đẹp biết chừng nào. Vậy thì bà chủ đồn điền cao su của chúng ta đã có hai con cùng chồng”.
Đó là một kiểu mẫu gia đình tư bản Pháp tại Việt Nam. Người chồng mập mạp, mặt lúc nào cũng đỏ vì thừa máu, ở trong nhà thì bận pyjama kẻ dòng dọc, chiều chiều bận áo chim cò ra ngồi tiệm cà phê hút xì gà và đọc nhật trình. Mỗi khi có việc kinh doanh lên Sài Gòn tay ông sách cặp sa-ma-rô-canh, ngự xe hơi kiểu tối tân, dùng cơm tây trong những tiệm sang trọng nhất và lẽ dĩ nhiên là bao giờ cũng sâm banh với xì gà thượng hảo.
Một họa sĩ Việt Nam đã tượng trưng hoá ông thực dân Pháp (dầu thuộc giới quan cai trị, chủ xí nghiệp hay chủ đồn điền) bằng hình vẽ một ông Pháp to lớn mặt đỏ ăn bận chỉnh tề, vét tông, ca vát, bệ vệ ngồi bên cạnh ly sâm banh, miệng ngậm xì gà ngất nghểu. Trong thời gian ấy, tại đồn điền cao su dưới hành lang hoa lá rủ mành một toà nhà kiến trúc tối tân, bà “đầm” đang lơ đãng ngả mình trên chiếc rô-kanh-xe, đọc một truyện trinh thám hoặc diễm tình.
Từ những căn nhà phụ (dépendances) bọn gia nhân, bồi bếp, tấp nập làm việc nấu nướng, giặt ủi, cho chim gà ngan ngỗng ăn.
Bỗng từ ngoài cổng một hồi còi xe hơi inh ỏi xen lẫn với tiếng nổ ầm ầm của động cơ tiếp theo là một chiếc xe hơi mới tinh kiểu Hoa kỳ từ từ đậu trong sân. Xe rú máy rồi tắt hẳn. Cánh xe mở, người tài xế ăn vận kiểu riêng nghề nghiệp bước ra để lại chiếc xe không và tiến nhanh từng bậc đá hoa lên phía hành lang, nơi “bà đầm” đang nằm thiêm thiếp giấc, cuốn sách mở úp trên lồng ngực đồ sộ, nửa hở nửa kín.
Tiếng giầy của anh tài nện cồm cộp đã vô tình đánh thức “bà đầm”, song trái với sự chờ đợi bị quở, anh tài đã được bà vui vẻ hỏi han uý lạo:
“Thế nào? Đi đường vô sự chứ?”
Anh tài xun xoe đáp:
“Thưa vâng! Cô Zan-nét (Jeanenette) khóc và kể nhớ mama (mẹ)”.
Bà “đầm” cười sung sướng và ra hiệu cho anh tài rút lui. Anh vừa đưa cô Zan-nét lên Dalat vì hôm ấy là ngày khai trường Sainte-Marie.
Tới đây, chắc bạn đọc đã hình dung một cách đầy đủ nền hạnh phúc vàng son tràn ngập của cô “đầm”.
Nhưng, bất thình lình có phong trào tranh đấu võ trang chống Pháp, chống thực dân.
Ông chủ điền trong một cuộn kinh lý trong đồn điền đã bị mấy tay khủng bố nã súng bắn chết.
Mất ông chủ gia đình giầu có này tức là mất tất cả. Người đàn bà không phải sanh ra để thay thế được nên trong ít lâu người vợ đầm phải rút lui cùng với đứa con về Sài Gòn sống với cái gia tài kếch sù, cỡ tư bản Pháp.
Về Sài Gòn, nàng còn sống cuộc đời vương giả trong mấy năm. Đứa con gái vẫn theo học trường đầm. Nhưng rồi thì theo định luật “Toạ thực sơn băng”, “ngồi ăn núi lở”, cái vốn kếch sù của nàng sau mấy năm, phung phí, không sinh lợi, đã tiêu tán hết. Vả lại, vẫn quen sống ỷ lại không một nghề trong tay, lại thêm cái “nhân đức” hoang dã ám hại, nàng đã trở nên túng thiếu, nghèo nàn như ai.
Và một sáng mai sờ đến ví tiền không còn một đồng một chữ nào, nàng buồn rầu bảo con thôi không đi học nữa, và riêng nàng, nàng phải dấn thân làm cái nghề không cần phải vốn cũng phát đạt, hoặc nếu có phải vốn thì vốn đó nàng đã có tự nhiên. Vậy cần gì phải nói úp mở nữa, có thể nói trắng rằng nàng đã làm nghề mại dâm.
Làm nghề này, ở cái đất ăn chơi vật chất ít đếm xỉa đến phong hoá, nàng đã có thừa tiền để sống cuộc đời phong lưu giữa Đô Thành. Song với cái nghề thức đêm, thức hôm bán xác thịt này, thân hình nàng một ngày một tàn, và lẽ dĩ nhiên sắc đẹp cũng một ngày một phai, nàng đã phải dùng đến một chất kích thích dầu trong chốc lát, dầu trong mấy giờ miễn là người ta cứ phải dùng nữa, ấy là chất thuốc phiện.
Mà thuốc phiện, nếu xưa nay có đem lại chút vui thú để quyến rũ con người trụy lạc, có kích thích những tâm hồn và thần xác mỏi mệt, thì thuốc phiện, trong tứ đổ tường, quả đã có sức phá họai ghê gớm, dầu rằng chỉ bằng chất khói.
Người ta thường thấy nàng nằm dài trong một tiệm quen thuộc tại con đường de la Somme [2] . Nàng hút, hút mãi vì số lượng thuốc phiện đối với con người hút chỉ có mỗi ngày mỗi tăng. Hôm nay 2, 3 điếu ngày mai tất nhiên tăng lên 4, 5, để rồi với ngày tháng theo một cái đà cấp số tai hại, ngày nay nàng có thể trong một bữa hút tới hơn 100 điếu! Và như thế mới đủ “đã” – say.
Mắt lim dim, ngủ gà, ngủ vịt, nàng sống hằng ngày trong mộng khi vui khi buồn, để rồi, choàng tỉnh dậy, quăng một hai trăm bạc “puốc boa” cho bồi tiêm. Chiều đến, sau những bữa ăn thất thường biếng nhác, nàng đã phải điểm phấn thoa son sống với ánh đèn điện cái nghề thực thụ, nghề điếm.
*
“Em ơi! Điểm phấn tô son lại
Hãy phác trên môi một nụ cười”
Hai câu thơ trên đây đã tả tất cả cái tâm trạng chán chường, miễn cưỡng làm việc của cô gái điếm, của tất cả những cô gái điếm, tới một giai đọan nào mà nghề nghiệp cũng như tất cả mọi nghề nghiệp khác chỉ còn là một sự miễn cưỡng chán nản, không đem lại sinh thú nữa. Điểm phấn tô son cũng là sự bất đắc dĩ. Và không muốn cười nữa cũng phải cố mà cười, cái cười nghề nghiệp nó đem lại cơm áo và… hạnh phúc!
Rồi thì trông gương cô gái điếm đó, hỏi có ai trong cái xã hội người này dám vỗ ngực tự cho mình hoàn toàn trong sạch và tâm hồn đã không vương nhiều hay ít chút điếm? Từ anh “mần” chỉ số lượng hơn 100 cho đến anh “bự” với chỉ số lượng hơn 1.000 tất nhiên tới giai đọan nào của cuộc sống nghề nghiệp, anh cũng đã phải miễn cưỡng điểm phấn tô son và miễn cưỡng cười!
Đọc đến đây tất nhiên có nhà “đạo đức” bĩu môi mà rằng:
“Ồ! Thế còn lương tâm nhà nghề?”
“Hừ! Lương tâm nhà nghề, đó là vấn đề rất tương đối, và số lượng lương tâm đong một cách cụ thể theo cc (centicubes) thường tính theo một hàm số ngược chiều (en fonction inverse) với chỉ số lượng!”
Anh “mần” bự - to vị tất đã có số lương tâm nhà nghề nhiều hơn anh “cắc-ké” – bé, và khách làng chơi từng biết đó, ở một cô gái điếm nhỏ bé chúng ta thường thấy có rất nhiều cc (centicubes) lương tâm đã giúp cô biết chiều khách hàng không tham lam về giá cả.
Trái lại ở những “bự” trong nghề chỉ số 500 hay 1.000 ta thường thấy họ nuốt chửng cả một cơ nghiệp của những khách si tình của những “con đen” đã mập mờ bị đánh lận.
Người viết phóng sự sở dĩ đã phải dài dòng về vấn đề “nghề nghiệp” trên đây cũng chỉ có mục đích nêu lên cái chán nản của nghề nghiệp, của bất cứ nghề nghiệp nào tới một giai đọan quá trớn của nghề nghiệp. Mà ở bất cứ nghề nghiệp nào nếu ta cứ đi sâu mãi và theo đuổi như một nghiệp dĩ, tất nhiên ta sẽ từ một giai đọan quá trớn tiến lên thì buồn “thấy mẹ” mà lùi thì nhất định không được nữa, vì tất cả một hệ thống vật chất và tinh thần của cuộc đời, tất cả một tổ chức ăn ngủ tiêu xài đã được đặt lên trên cái nghiệp đó rồi. Nếu phải lùi thì lại là một thứ hạng Ô Giang. Mà trông trước trông sau biết cùng ai mà thốt lên được câu tâm sự bất hủ của Hạng Vũ:
“Ngu Cơ! Ngu Cơ! Về đi thôi?”
Không tiến không lui, người ta trở nên chán nản, bất đắc chí, tha khắp đó đây một thứ “sầu xứ” vẩn vơ, một nỗi buồn mênh mang, mặc dầu người ta chẳng là thi sĩ.
Và để tìm cái quên người ta đâm ra uống rượu, đánh bạc, đi vườn lài và hút thuốc phiện. Và cô gái điếm, không lẽ lại bảo hoàng hơn cả nhà vua bằng cách đi chơi điếm nên cô đã chiếm một trong tứ đổ tường: cô đã hút thuốc phiện.
Một chủ tiệm hút thường là một nhà sành tâm lý đã rõ mối sầu mang mang của cô đầm thất thế nhưng là một gái điếm còn đắc lực, nên đã sửa soạn cho cô một phòng riêng biệt với một “mâm hút” – bàn đèn – riêng biệt, một bồi tiêm riêng biệt.
Đèn đã đốt lên toả ra bốn xung quanh, làm ánh sáng vàng vàng, mung lung. Anh bồi tiêm đã xin phép nằm vào bên cạnh bàn đèn. Tay anh sẽ sàng và thận trọng lấy tiêm quệt lấy trong “ngao” thuốc một thứ nhựa đen sẫm qua chiều sâu, nâu sạm qua chiều mỏng. Ở đầu cái tiêm thuốc đã sèo sèo trên ngọn lửa đèn toả ra một mùi nồng nồng khét khét, thơm thơm đặc biệt của thuốc phiện. Anh nướng thuốc, xoe xoe dầu tiêm để thuốc chín cả tứ phía, tới khi một chất khói trắng toả ra tức là thuốc vừa chín. Và chỉ tới lúc đó thôi, anh mới thôi không nướng nữa, lại quyệt dầu tiêm “ngao” thuốc, lấy thêm ít thuốc, để lại đưa lên nướng trên ngọn đèn như vừa rồi. Cho tới khi một chút khói trắng toả ra; anh lại thôi nướng, lấy ít thuốc nữa đưa lên hơ, để rồi, với những cử động thong thả dịu dàng như vậy, anh đã có một điếu thuốc trung bình, tức là đủ một điếu rồi, anh mới giơ cái “nồi” (cái điện hay cái tẩu) lên ngọn đèn dầu, hơ thuốc và nặn điếu thuốc trên mặt “nồi”, xoe tròn cái tiêm để tạo nên một điếu thuốc dài dài sẵn sàng tra vào “nhĩ” – miệng tẩu.
Từ đây, cử chỉ nướng thuốc, nặn thuốc đã trở nên nhanh nhẹn rộn rịp. Tay tiêm đã như gió táp mưa sa. Vì rằng dưới là lửa đốt, trên là thuốc nướng, anh phải nhanh nhẹn sao cho thuốc không cháy và khéo léo sao cho thuốc không bị nóng quá. Nghệ thuật tiêm thuốc ở đây thực cũng như nghệ thuật nấu cơm.
Cơm phải dẻo, thuốc phải vừa ngon. Và điếu thuốc đã được tra vào miệng nồi (tẩu) anh bồi tiêm rút tiêm ra hơ điếu thuốc một lần nữa trên ngọn đèn, lấy mũi tiêm khơi ngòi qua điếu thuốc chọc vào tận đáy nồi thuốc. Lúc ấy anh mới hạ cả xuống cạnh bóng đèn cái, tiêm để rút nó ra. Điếu thuốc đã hoàn thành, ngòi thuốc đã khơi thanh thoát, anh liền quay đầu ống (cái dọc) lại phía bà đầm lúc ấy nằm ngửa, lưng dán xuống giường, người mỏi mệt, mắt nhắm, hai tay chắp vào nhau đặt trên bụng, y như người chết chưa kịp khâm liệm nhưng được điều may mắn là có người vuốt mắt cho rồi.
Vì thực ra lúc này nàng chưa hút nên nằm mệt lả thì chính thuốc phiện đã vuốt mắt để cho nhắm. Chứ lát nữa đây khi mấy trăm điếu thuốc đã hút rồi thì nàng sẽ ở vào tình trạng tơ mơ, nửa tỉnh nửa thức, nửa sống và lúc ấy và chỉ ấy thôi, thuốc phiện sẽ là con quỷ nhập tràng, con ma nghiệp chướng làm cho nàng ngủ mà mắt cứ mở, lòng trắng trơ ra vì lòng đen đã lộn ngược lên hết. Thực là thảm thương và ghê rợn.
Nàng chưa được hút, nàng mệt đang nằm lả như chết kia. Đầu ống đã dâng quay lộn về phía miệng nàng.
Nhưng nàng không hay vẫn nằm không động tĩnh y như con người chê thuốc hoặc bất cần thuốc. Anh bồi phải lấy tiêm – cái phía đầu to trái với phía mút nhỏ và nhọn - gõ lên ống mấy tiếng cách cách nhỏ bé, sang sảng.
Tự nhiên nàng choàng dậy tỉnh táo y như một tâm hồn lạc lõng chợt nghe tiếng gọi, một linh hồn ma vừa nghe tiếng chuông thỉnh. Mấy tiếng gõ cách cách nhỏ bé, sang sảng. Nàng mở choàng mắt, hai tay vội giơ lên, hấp tấp đỡ lấy ống hút, để hết gân cốt và tâm hồn hít hơi khói sinh lực, mắt nàng lim dim, cổ nàng bật bật. Trên đèn điếu thuốc sèo sèo cháy, thu gọn trong tiếng hít ro ro; ro ro đều đều đắc thắng cổ truyền, đặc biệt như những tiếng kêu từ muôn kiếp của nghiệp chướng! Ro, ro, ro, ro… điếu thuốc đã thu gọn vào trong nồi, trên sức nóng ran của ngọn đèn dầu lạc đốt cháy, như vậy không để lại vết tích 7 đồng bạc (giá một điếu thuốc năm 1954, tại Sài Gòn – Chợ Lớn thuốc không, không nhựa (sái) điếu vừa vặn không bé quá và có thể kéo một hơi khá dài). 7 đồng bạc chỉ là giá một bữa ăn của dân nghèo, một món tiền nhỏ đối với người phong lưu và không có nghĩa lý gì đối với người giàu có.
Nhưng, nhưng – cái nhưng ở đây mới khủng khiếp – 7 đồng bạc, đối với nghiệp thuốc phiện là số tiền; tiền bắt buộc, không có không xong và nhứt định phải có. Vì nó là một khoản tiền sinh tử, gạt ra ngoài, trắng trợn và tàn nhẫn, mọi tình cảm thiêng liêng như tình phụ tử, đẹp đẽ như tình yêu giữa hai bạn lòng. Rồi thì nào phải chỉ có 7 đồng không thôi, phải gấp mấy món tiền đó vì có ai nghiện hút có 1 điếu! Số lượng thuốc hút chỉ mỗi ngày mỗi tăng. Đồng thời số tiền cũng phải tiêu gấp lên; và điều đáng buồn là nếu không có nó người ta cũng phải tìm cho ra, đào cho ra.
Người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc, chứ không bao giờ có thể nhịn hút được, một khi đã mắc nghiện. 7 đồng và 7 đồng, trong cái nhạc điệu một nhịp ro, ro, ro, ro phả vào ánh đèn cổ điển, đã bị đốt ra khói với biết bao nhiều lần 7 đồng, ở một người nghiện, cùng ngày, tháng, năm, ở biết bao nhiêu người nghiện cùng ngày, tháng, năm! Một đời người! Chao ôi! Thực đúng tất cả ngựa, xe, trâu cầy ruộng cấy, nào đồn điền, nào cơ nghiệp đều đã chui tọt vào lọ biến thành khói “yên” của tứ đổ tường.
Ấy là chưa kể, xung quanh 7 đồng bạc, mất đi, còn bao nhiêu thì giờ đáng lẽ dùng vào việc hữu ích, đã tiêu tan, vô ích và vô nghĩa bên cạnh những bàn đèn. Ấy là chưa kể xung quanh 7 đồng bạc mất đi, biết bao nhiêu hình hài có thể đã cường tráng, có thể đã giúp ích cho xã hội, ghé vào một vai gánh nặng sơn hà đã trở nên tiều tuỵ, ốm o, thành phế nhân?
Ro, ro, ro. Tiếng nhạc một nhịp của Sa Tăng vẫn kéo đều đều. Anh bồi tiêm như một nhạc công kỳ quái, sử dụng que tiêm tung hoành và phong phú.
Trong phòng ấm cúng, ánh đèn toả ra xung quanh tạo nên bầu không khí mộng ảo thích hợp. Làn khói dâng lên thơm thơm khen khét, sặc sụa, xa gần. Trên tường, dưới chiếc kính bụi lồng trong chiếc khung gỗ mọt ám khói, róc sơn, ảnh Trưởng Thống Chế nhìn đăm đăm về phía ngoài như suy nghĩ lung về thời cuộc. Song giữa nhung phục, đầy huy chương với gươnm danh dự đeo bên mình, ta ngại rằng Thống Chế bất thình lình… hắt hơi.
Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy chỉ mấy đợt khói hít vào đã gây hiệu lực ghê gớm cho cơ thể con người, đến bực thay đổi hẳn tạng và sau cùng là cả tính tình. Đứng về phương diện khoa học để nhận xét, thì thuốc phiện vẫn được liệt vào hạng độc dược loại làm xáo động tinh thần (stupéfiant), làm tê liệt các tế bào của khối óc, kích thích trong chốc lát những giây thần kinh để rồi làm cho bần thần, rã rời. Chỉ mấy đợt khói thôi mà con người đã đổi hẳn cả tính cách trong chốc lát lẫn bản thể với thâm niên. Là vì giây cân não cứ bị kích thích hoài sẽ trở nên bất định, căng thẳng khi người ta chậm hút hoặc sau khi khói đã hết hiệu lực kích thích. Tinh thần và vật chất vẫn có liên quan, tinh thần đã mỏi mệt thì thần xác với năm tháng sống cùng khói sẽ hao mòn và ốm o. Mặt bủng da chì đó là những hình dung từ rất linh động mà người ta vẫn gán cho những ả phiền không phân già trẻ, trai hay gái. Trai anh hùng cũng so vai rụt cổ. Gái thuyền quyên cũng mặt bủng da chì. Ở đây phải nêu yếu tố định đọat gần như “xây dựng” của thời gian. Vì rằng, chẳng phải một ngày mà người ta đã có thể thành ra so vai rụt cổ với mặt bủng da chì được. Phải có những năm tháng chồng trên cái ống hút mới khiến được người ta cứ phải hút hít, cố hút nữa nếu thuốc có pha nhựa (sái) hoặc chỉ có nhựa (sái) nặng khó hút. Người ta sẽ phải rụt cổ lại mà hút, so cả vai để hít. Sự cố gắng hàng ngày hàng tháng hàng năm đã tạo nên hình thức cụ thể: rụt cổ so vai, hình cổ điển của người nghiện.
Còn hỏi cớ sao lại có thể mặt bủng da chì ở người anh hùng quốc sĩ, ở khách má hồng thuyền quyên, thì biết làm sao được! Đó là hậu quả tai hại của các chất độc. Có điều ở đây chất độc cứ nhiễm vào các tế bào bằng chất khói và bởi mấy đợi khói thôi!
Cho nên, sau một thời gian quen với khói, người ta chi có hai con đường để chọn, người ta tới một chỗ ngoặt định đọat cả cuộc đời: một là mặc cho nghiện và như vậy thì dễ lắm, con đường sẽ thoai thoải êm êm như đi vào cõi mộng, đưa người ta nhập thế giới thần tiên. Và xung quanh ngọn đèn dầu lạc bản nhạc một nhịp cứ đêm đêm lại cất lên để bầy tiên nhảy múa những bước nhảy quái đản, những điệu múa Liêu Trai. Song nếu “đương sự” kịp giác ngộ để nhận kịp thấy rằng từng ấy bản nhạc, từng ấy nhịp nhảy điệu múa sẽ chỉ đưa tới thiên đường giả tạo của… ma quỷ, nếu “đương sự” kịp nhận chân như vậy thì tất sẽ theo con đường “trở về” – theo cái tên chỉ lóe ánh sáng thiên lương. Người ta sẽ “ngoẹo” về cái xã hội người, họat động và thực tế, để nhập tịch cùng đoàn người lành mạnh, có ý chí. Và như vậy chỉ có một sức giác ngộ mãnh liệt, một sự cương quyết ghê gớm. Vì thực ra thuốc phiện không phải dễ bỏ như nhiều người tường.
Chất khói đã xâm nhập tế bào, gây một phản ứng ghê gớm nếu không được tiếp tế một cách liên tục nghĩa là cũng chỉ bằng chất khói. Ả phù dung! Các cụ nhà chúng ta đã mệnh danh chất thuốc phiện như vậy quả đã tri kỷ, tri bỉ - biết mình biết người – Đó là “ả phù dung”, một thứ gái Liêu Trai, chỉ lại với người trong lúc tranh tối, tranh sáng khi đèn đã đốt lên, để rồi ám ảnh, hãm hại, như chúng ta đã biết, người hiếu sắc, nằm chết còng queo trên cái mả lạnh buổi sáng mai!
Cho nên từ thế giới ma trở về được thế giới người, từ cõi âm về cõi dương, giác ngộ và nghị lực nhiều khi cũng bất lực. Và con người mê muội trong truyện Liêu Trai đã dứt tình về được cùng xã hội người thực nhiều khi đã do một sự may mắn, người tin số mệnh thì cho đó cũng là tại số. Nhưng khó khăn chật vật trong việc ruồng bỏ ả phiền không phải là điều bí mật nữa một khi ả phiền đã đời đời là sự sợ sệt kinh hãi, là ám ảnh khốc hại cho bao gia đình cho bao nhiêu bà nội trợ. Đức ông chồng có mê gái, các bà cũng không kinh sợ bằng mắc thuốc phiện vì, khá khen các bà rất thực tế, các bà cho rằng mắc gái một ngày kia có thể nhạt chớ mắc nghiện người ta chỉ có một ngày một nặng thôi!
Điều khiến các bà còn sợ thuốc phiện hơn là tính tình người chồng thay đổi. Quen sống với điếu thuốc vê nhỏ và những sự cỏn con, tủn mủn, quen đếm, này điếu thuốc này viên sái, người nghiện dù phong lưu giầu có cũng trở nên keo cú, tính nết bẩn thỉu, nghèo tình cảm và chỉ biết có thuốc phiện! Người ta kể chuyện một anh nghiện nhà nghèo thiếu thuốc đã ăn chặn tiền mua sách của đứa con và thản nhiên trước sự khóc mếu của nó – nó khóc mếu vì không có tiền mua sách, sợ thầy giáo mắng. Mẹ nó đã hy sinh cho nó hai đồng tiền. Nó vụng về hay quá sung sướng vội đánh rơi xuống sàn gác. Ông bố thoáng nghe thấy tiền liền sổ ra lấy chân chẹn lên và nhất định không trả.
Và người cha không xứng đáng (le père idigne) đã cướp đồng tiền chạy vội xuống cầu thang đến tiệm hút quen thuộc, để mặc đứa con khóc mếu gào sợ không dám đi học nữa. Và người vợ đã lắc đầu chán nản, thất vọng hoặc tuyệt vọng khi thấy tương lai của đức ông chồng đã bị “cầm đợ” không có cơ chuộc và tiền đồ của gia đình mình đã bị những trái đạn viên thuốc sái công phá trong lửa thiêu của đèn dầu lạc.
Song biết làm sao được! Vì rằng ai lại chẳng rõ hút xách là chết, là tự sát, mà người ta vẫn cứ hút, bởi lẽ mấy ai đã có đủ nghị lực, đủ ý chí, đủ cương quyết, một khi đã “ngậm dọc tẩu”, để khắc phục được mình, được thói quen độc tài mãnh liệt và tàn nhẫn đó. Vì thói quen ở đây đã có cả một hậu thuẫn ghê gớm là bản tính con người vốn ưa hưởng thụ, mà thuốc phiện là một thú vui ghen tuông. Thói quen ở đây đã suốt bao năm tháng dự trữ và nuôi nấng – dầu rằng chỉ bằng chất khói – cả đội quân thứ năm đóng rải rác ngay trong nội địa, sẵn sàng hy sinh cho chủ nghĩa ăn hút, cho mẫu quốc Ấn Độ (theo tục truyền, thuốc phiện phát nguồn từ Ấn Độ). Ấy là những… tế-bào.
Bạn đọc sẽ có dịp đọc ở đọan cuối thiên phóng sự này tập nhật ký cai thuốc phiện trong đó sẽ có ghi từng giờ từng phút cuộc quấy rối ghê gớm, cuộc phá phách của đội quân thứ năm trên đây. Bạn sẽ thấy ở rất nhiều trường hợp những tế bào gián điệp đã thành công.
Người muốn đóng “cai” đã chẳng cai được thuốc phiện và trong hàng ngũ cấp bực nặng nhẹ, anh đã vượt bậc “cai” để trở nên “chuẩn uý” để rồi hiện này là “đại tá” điều khiển xe, lọ, đạn, súng ba-dô-ca ngay trên giường nằm. Để rồi, qua những đợi khói lam tưởng như đi mây về gió, “ta là đàn chim đi trên mây xanh”, “bố mày” (!) da tái mét đã có lúc cao hứng cho mình cũng là quan ba… tầu bay.
Cách! Cách! Cách! Ba tiếng gõ lặng lẽ ròn rã như những tiếng thỉnh ma đã cất lên. Cô đầm đã choàng dậy, đón ống hút, hít một hơi dài. Ro… ro… to… Làn khói nhuôm nhuôm đã toả ra, thơm thơm, khét khét sặc sụa. Hút xong, cô uống một hụm nước nóng sôi, giơ lên ngọn đèn châm điếu thuốc lá thơm, hút một vài hơi rồi lại nằm lịm xuống, khoan khoái. Trong khi ấy anh bồi tiêm thuốc như vậy đã gây một bầu không khí họat động nho nhỏ bằng những cử động con con, trong một căn phòng im lặng mà người “chủ động” là cô đầm thì lại “tĩnh” hoàn toàn.
Tĩnh đến mực khêu gợi với lối nằm dài buông thống, hai chân ruỗi thẳng, bụng và ngực để lộ những đường cong đường nổi dưới làn áo xiêm lụa. Nếu giầu tưởng tượng ta sẽ cho đây là một Hằng Nga ngủ trong rừng trong truyện thần thọai. Và thực tế một chút ta sẽ thấy tâm thần xáo động trước một thân hình đàn bà đẹp nằm ngửa, tay cũng buông mà chân cũng buông, trong cái thế cổ điển thụ động của giống cái mà giấc ngủ thiêm thiếp của nàng lại là một sự đồng loã nên thơ.
Cách! Cách! Hằng Nga đã lại bị thỉnh về trần thế. Và ro, ro, ro đây là điếu thứ 150
Em ơi! Mộng đẹp đã tan rồi!
(J. Leiba)
Trước mắt ta, chỉ còn một người đàn bà – Việt Nam hay Pháp có hề chi – một người đàn bà ốm o, môi nhợt nhạt, mái tóc lôi thôi và áo xiêm xốc xếch, một người đàn bà ích kỷ, keo cú bắt lấy dọc tẩu hút như hút tất cả các sản vật của trần thế về cho riêng mình. Và làm cái việc rất vô ý thức là đốt hết tất cả của cải sản vật cần thiết cho nhân sinh đó ra khói, chỉ ra khói thôi!
Và đây là điếu thuốc thứ một trăm năm mươi một lẻ (151). Nàng đã trở nên tỉnh táo một cách không ngờ, ngồi hẳn dậy một cách rất khoẻ khoắn và rút ví tiền, kêu anh bồi tiêm:
“Anh ra mua cho tôi ly cà phê và bao Camel”.
Anh bồi “dạ, dạ” rồi đứng dậy, uể oải lấy ly ra đi.
Ngồi một mình trong căn buồng vắng, mặc dầu đã có Tưởng Thống Chế đứng trấn trên tường cao. Nàng đã lim dim đôi mắt mơ màng suy nghĩ qua làn khói thuốc lá. Nàng ôn lại cuộc đời đã qua và không có một tư tưởng nào dù đẹp dù xấu về hiện tại, bởi lẽ nàng đã đi sâu vào cuộc đời trụy lạc lại đeo thêm cái nghiệp nghiện hút. Thì biết làm sao được! Và cũng như ai, nàng đã:
Muốn để ngày tàn đắm cõi quên!
(J.Leiba)
Nàng chỉ ngậm ngùi khi nghĩ đến con, một con trai đã chết ngày nào tại đồn điền cao su vì bệnh kiết lỵ, một con gái hiện nay vì hoàn cảnh gia đình nàng đã giao cho các bà xơ. Anh bồi tiêm đã về với ly cà phê nóng và bao thuốc lá con Lạc Đà. Anh lại nằm xoà xuống cạnh bàn đèn định tiêm nữa. Nhưng cô đầm đã ra hiệu bảo thôi. Vì kiểm điểm lại ví tiền, cô thấy không còn đủ trả nữa! Nghề mãi dâm vốn cũng như mọi nghề có những bước thăng trầm. Ít tiền cô đành phải nghỉ chuyện tiêm morphine.
Đến đây chúng ta lại trở lại cái quán lợp tôn đường Lefèbre vừa rồi để nhận thấy ngồi bên cạnh những dân nghiện “morphine” đang tự trích (tiêm) hay chờ bạn trích dùm là người đầm có tiểu sử bi đát trên đây. Là vì tới một giai đọan quá sâu của nghiện ngập, tới một mức quá nặng của thuốc phiện, người ta không thể nằm hút một cách thông thường như mọi người nữa. Tiền hút sẽ quá nhiều, ví dụ như cô đầm của chúng ta mỗi bữa hút 150 điếu, mỗi điếu có nhựa (sái) giá trung bình là 5$ (con số tính năm 1955) thì tiền chi phí mỗi ngày một bữa hút sẽ là: 5$ X 150 = 750$ và nếu mỗi ngày nàng dùng có một bữa thì một tháng số tiền chi tiêu sẽ là 750$ X 30 = 22.500$, ấy là chưa kể tiền thưởng cho bồi tiêm, tiền chi phí về những quà ăn vặt hay mọi thứ giải khát hoặc đồ mát cần thiết để chế ngự chất nóng của thuốc phiện.
Số tiền bỏ ra mỗi tháng như vậy thực là ghê rợn, thường thì nó đã vượt sức kiếm ra của con người. Song đó là những con số đặc biết mà chúng ta chỉ có thể đặt vào trường hợp đặc biệt của cô đầm trong những giờ phút hoặc ngày tháng cực thịnh của nghề mại dâm. Cực thịnh nghĩa là mỗi khách cô kiếm một thiên, mà mỗi tối trung bình là năm quý khách. Vậy thì hơn trăm điếu thuốc có nghĩa lý gì, nhất là lại hút với mục đích kích thích gân cốt. Riêng đối với chứng nhân thực thụ nghiện số tiền bỏ ra hàng ngày để hút thường được tính toán rất chi ly nhưng vì phải xài đều đều do lẽ tích tiểu thành đại, lại nữa vì nghiện đã tới mức quá cao nên trung bình người ta mỗi ngày hút hai bữa mỗi bữa chừng 50 điếu. Số tiền tròn trĩnh mỗi tháng sẽ là: 5$ x 50 x 30 =15.000$.
Đã tới trình độ quá cao này, người nghiện V.N. đành phải rút lui về cái quán tôn đường Lefèbre để tìm thấy hiệu lực say tương đương với chừng 1, 2 ống (ampouple) morphine. Giá mua mỗi ống morphine 2cc chỉ trên dưới 20 đồng!
Song, như đã nói ở đọan đầu thiên phóng sự này, chất morphine vốn bắt buộc người trích phải theo một cái đà cấp số giết người. Và với thời gian, con người morphine sẽ thác vì morphine và người “anh chị” của vỉa hè một ngày kia sẽ bất thình lình thác trên vỉa hè.
Còn một yếu tố định đọat nữa trong sự bắt buộc phải dùng morphine ấy là thời gian. Mỗi ngày hai bữa đến nằm tiệm, mỗi điếu thuốc từ lúc nướng đến lúc hoàn thành trung bình đòi hỏi năm phút. Đây là nói trường hợp thuốc được nướng kỹ và sửa soạn thận trọng, điều kiện để được hút ngon. Vậy thì nếu mỗi ngày hai bữa, mỗi bữa 50 điếu, số lượng thời khắc phải dành riêng giữa một ngày trong 3 vạn 6 ngàn ngày một đời người sống trung bình sẽ là:
5 phút x 50 x 2 = 500 phút
Tính ra giờ thì là:
500 : 60 = 8 giờ mỗi ngày!
Cho nên phần đông đã không đủ điều kiện để cho thời gian buông trôi một cách tiêu cực như vậy và choán cho thuốc phiện một phần ba mỗi ngày (24 giờ: 3 = 8 giờ). Người ta đã tìm đến quán lợp tôn đường Lefèbre kiếm hiệu lực kích thích tương đương mà chỉ tốn có 5 phút! Vì mỗi ống trích morphine mỗi lần 2, 4 hay 6cc chỉ đòi hỏi, với bàn tay anh chị lành nghề và không cần đun sôi ống trích, một thời gian kỷ lục: 5 phút!
Vì tính cách tiết kiệm đặc biệt về tiền bạc và thời giờ như vậy nên morphine đã trở nên một món hàng giá trị, cần thiết được một số khá quan trọng khách hàng đòi hỏi. Rồi thì cũng như mọi thứ hàng cần thiết, morphine đã trở nên vật hiếm để cho bọn con buôn trục lợi đầu cơ. Chao ôi! Người ta đã không thương những thân hình gần đất xa trời kia nữa! Ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào, những con buôn trục lợi quả đã là những đứa giết người. Mua morphine phải có giấy, có carte cai thuốc phiện. Tụi con buôn đều là khách trú liền tung người ra khắp các nơi mua lại các sổ cai. Chúng đã mua vơ vét hết thuốc morphine dolosal, và eubine. Theo một tờ tuần báo xuất bản hồi tháng 4 d.l. vừa qua ở đây thì nhân viện y tế phụ trách đã bị đưa ra pháp luật vì ăn tiền khách trú để phê duyệt “lu bù” các sổ cai. Mụ chủ quán lợp tôn đường Lefèbre chỉ là một người buôn lại, đầu cơ nấc thứ hai. Nhưng vì trực tiếp với các nạn nhân nên trên cái thị trường morphine giữa trời này, mụ đã làm mưa làm gió, cầm sinh mạng của một bầy người ốm o xung quanh. Như trên kia đã nói, mụ là người đàn bà chột mắt nên đã rất tàn nhẫn với thần dân morphine. Người ta kể chuyện Anh Ba Còm một buổi sáng vì không tiền mua thuốc trích đã nằm chết vật trên vỉa hè trước một con mắt lạnh lùng và một con mắt chết của mụ, mặc dầu Ba Còm từ mấy năm nay vẫn là khách hàng trung thành và nhiều khi rất sộp với mụ.
Như các bạn đã thấy rõ những người nghiện đã phải trích morphine đều là những nhân vật đã qua cấp trung đẳng nằm hút thông thường để vượt lên cấp cao đẳng hoặc nếu cần cấp… thạc sĩ.
Và thiên phóng sự này, trái với thường lệ, đã không đi từ nhỏ đến to, từ thấp đến cao, từ giản dị đến phiền toái. Nó đã đi xọc ngay vào cái mả lớn của nghiệp chướng nha phiến tức là cái kiosque lợp tôn đường Lefèbre. Nó đã đề cập ngay tới những nhân vật cao cấp trong nghề nghiệp – cũng như trước khi nói về cấp bậc tiểu học người ta đã giới thiệu ngay các bậc đại học, các bậc cử nhân. Chỉ vì người viết thiên phóng sự này đã viết về thuốc phiện mà về cái nghiệp của muôn kiếp này tưởng phải xông ngay vào cái hình thức ghê rợn và kinh khủng nhất, ấy là những cuộc trích morphine.
1955
====
[1]Chú thích của nhóm nhập liệu [năm 2007]: Văn bản này được dùng với từ ngữ, văn phong trước đây, chỉ những lỗi nào quá rõ ràng thì nhóm nhập liệu mới sửa đổi, thay thế; còn không thì để nguyên, cố gắng trung thành văn cảnh thời bấy giờ.
[2]Hàm Nghi ngày nay [chú thích của Triều Đẩu]
No comments:
Post a Comment