Friday, November 14, 2008

TRIỀU ĐẨU * NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG LỠ * TẬP 3

===



Kể về tiệm hút công khai thì tiệm nào ở đây cũng đều được tổ chức như nhau, có những ước lệ, lề thói như nhau, vì đều có một thứ khách hàng: người nghiện. Cho nên hai yếu tố chủ động: tiệm hút và khách hàng vốn có mối tương quan mật thiết. Có thể rằng tiệm hút lệ thuộc khách hàng. Vẫn có cái dấu hiện riêng để phân biệt tiệm hút thuộc loại nào, loại sang hay loại bình dân, loại trung bình hay mạt hạng. Thường thường thì các tiệm cũng chỉ chia làm mấy loại thôi, mặc dầu số tiệm hút hiện nay tại Sài Gòn – Chợ Lớn phải tính với con số vạn tức là trên dưới 10 ngàn!



Các dấu hiệu phân biệt nói trên đây là cái sắc thái của tiệm, tất cả cái quang cảnh đại cương hiện ra khi ta bước qua ngưỡng cửa. Dựa theo dấu hiệu này, thì tiệm 1… Lacaze thuộc vào loại trung bình không dơ bẩn, luộm thuộm như tiệm 8… cùng phố. Nhưng nó chưa tới mực sạch sẽ gọn gàng dễ coi do một tổ chức chu đáo hơn. Vì tiệm hút ở đây cũng như mọi tổ chức hành chánh hoặc kinh tế, xã hội hay nghệ thuật rút cục chỉ là vấn đề nhân sự. Người có khá thì công cuộc mới tiến hành và phát triển. Trái lại, người hỏng thì công cuộc nhất định chỉ có giật lùi và thất bại. Cho nên tại số nhà X… đường Đồng Khánh, chúng ta đã thấy một tiệm hút sáng sủa, sạch sẽ, các bục gỗ được lau bóng nhoáng ánh đèn đủ sáng và những anh bồi tiêm ân cần và lễ phép.

Lối đi giữa hai dẫy bục gỗ đặt mâm hút lúc nào cũng được quét dọn sạch sẽ. Những ống nhổ sứ được rửa và thay đều không thành những thứ rác rếch như tại tiệm I… Lacaze hay ghê tởm như tiệm 8… cùng phố.

Chỉ vì chủ tiệm đường Đồng Khánh này là người lanh lợi, lịch sự, không có vẻ Tầu. Đó là một người tráng kiện, tóc húi bốc, nước da hồng hào chứ không tái mét như mọi chủ tiệm. Tưởng chỉ một đặc điểm này cũng đủ để liệt tiệm X… vào loại số 1 rồi. Tại đây, khách hút không đông đảo như tiệm I…

Mặc dầu lớn nhỏ, tèm nhèm hay lịch sự, giá thuốc ở tất cả các tiệm đều như nhau. Ngao 10 đồng, ngao 20 đồng và nhựa thì 1 đồng mỗi viên cấu nhỏ bằng viên hạt tiêu. Và tiệm 8… đường Lacaze đã chỉ tiếp nhận một hạng khách hút bẩn thỉu, ghét cáu, khẳng kheo và lam lũ gồm những phu đạp xích lô, phu khuân vác trong đó trà trộn tụi lưu manh thất giáo.

Lẽ dĩ nhiên “thực đơn” của tụi này cũng nghèo nàn. Và nếu bên cạnh một mâm hút đã có những khách kê tới 4, 5 trăm bạc thuốc một lần hút, thì ở tiệm nghèo nàn này, đã có những khách hàng hút mỗi bữa chỉ sài 5$ thuốc cộng 3$ nhựa (sái). Và có khi để được dặm đủ say, người ta kêu 5$ thuốc với 10$ sái!

Trong khi ấy tại tiệm X… đường Đồng Khánh, trên bục gỗ nhẵn bóng, bên cạnh những khách nghiện Việt Nam người ta thấy một khách hút người da trắng, phốp pháp có vẻ là người Tây, nằm dài, cởi trần đang giơ ngang ống, một tay tiêm thoăn thoắt. Tây nghiện tiêm lấy, thực quả lần đầu tiên, tôi mới chứng kiến cảnh… bi hài này.

Người Tây vừa tiêm vừa liếc nhìn tôi có vẻ nghi kỵ. Có lẽ vì y thấy tôi ngắm nhìn y kỹ quá. Y cởi trần, mặc chiếc quần len mầu sám để lộ một thân hình mập, nhiều mỡ, bũng lùng nhùng. Y đã theo thói quen ở tiệm là phải được hoàn toàn dễ chịu đến lỗ mãng, phần vì còn có việc chỉ phải đi không tiện nằm lâu, cho nên y còn để nguyên chiếc quần dài.

Vì nếu là dân nghiện biết thực hiện đến nơi đến chốn ý niệm dễ chịu, thì người ta đã đi bài quần đùi hay si-líp. Người Tây đã tiêm xong điếu thuốc liền quay đầu dọc tẩu vào miệng hút một cách rất thạo. Ro ro thì vẫn ro ro đều nhưng khói không thấy thả ra một cách phí phạm. Khi y ngửng cái đầu lên để chiêu ngụm nước thì khói trong miệng đã theo nước mà bí mật đi vào trong người.

Tôi thấy cứ như vậy anh hút liền chừng một chục điếu, anh liền hạ dọc tẩu đặt xuống bục gỗ ngả lưng nằm ngửa một cách rất thoải mái, khoan khoái, mắt lim dim, hai tay đặt trên ngực, mê ly. Xứ sở Việt Nam quả là Đất Hứa trong kinh Thánh.

Người Tây này nhất định phải sinh tử với đất này, để rồi phải làm bất cứ sự gì dù bẩn thỉu để bảo vệ Đất Hứa. Cứ trông cái vẻ mặt tầm thường ti tiện, cái mẽ người hạ cấp của y, ta có thể đoán y có thể lãnh để thi hành những công tác… sát nhơn, nếu cần, để giữ lấy Đất Hứa.

Tôi lại nằm bên cạnh y, kêu một mâm hút. Thấy có người và tiếng động y liền mở mắt nhìn. Tôi liền mỉm cười gật đầu chào một cách rất xã giao. Y không động tĩnh vẫn cứ nhìn tôi. Tôi liền gợi chuyện bằng tiếng Pháp:

“Chà! Thời buổi khó khăn! Anh bạn già của tôi ơi. Đến bao giờ chúng ta mới được dễ thở?”

Câu nói bâng quơ này không ngờ đã gây một đòn cân não đánh đúng vào tâm lý người Tây đang có một tâm sự bực dọc chờ dịp là thổ lộ và tung ra. Y chồm lên:

“Khó khăn mà thôi ư? Rồi còn đen tối nữa cơ. Chúng tôi sẽ bị thải hồi một loạt. (Y ngừng một giây rồi thêm:) Lẽ dĩ nhiên là sẽ có phụ cấp thải hồi”.

Y đã ngồi dậy, bĩu môi nhún vai nói tiếp:

“Nhưng vẫn là thành thất nghiệp”.

Qua mấy lời y thốt ra như một mối uất hận, tôi đã nhìn thoáng sự trạng của y. Vừa chìa bao thuốc lá mời y hút tôi vừa gợi thêm chi tiết:

“Anh sinh trưởng ở đây ư?”

Y trả lời lưu loát và ôn tồn:

“Tôi sinh trưởng ở đây. Từ bé đến lớn tôi đều ở đây. Tôi biết cả Đô Thành này, tất cả hang củng ngõ hẻm, tất cả nhân vật, tất cả mặt phải lẫn mặt trái của Sài Gòn – Chợ Lớn”.

Y hút mạnh một hơi thuốc lá thả một luồng khói dài bật bật cái môi coi bộ khổ hạnh. Rồi anh nói tiếp:

“Và còn tiền thuốc phiện của ông Ba Tầu này, ai sẽ trả cho tôi? Bây giờ mà đã phải giảm thuốc hút thì còn gì khó chịu cho bằng! Ngày trước, mỗi bữa năm ngao. Từ hôm qua rút xuống có hai. Thuốc phiện anh đã biết chỉ có lên thôi, có lên mới thấy khoan khoái. Đằng này lại giảm đi thì thật cực. Chao ôi, thời oanh liệt còn đâu?”

Tôi đã không ngờ có dịp may là thết anh hai ngao thuốc, anh ta cảm ơn nhiệt liệt, lấy kéo sửa lại ngọn đèn và không quên kêu chủ tiệm (lần này thì bằng tiếng Việt rất sõi) đổ thêm dầu lạc vào bầu.

Anh ta vừa nằm xuống bên cạnh, thì có 2 người lai vẻ lưu manh và hạ cấp đi vào kiếm anh chừng muốn xin hút trạc, Nhưng anh đã xua như xua ruồi, miệng cho ra một tràng tiếng Pháp:

“Ta rất tiếc. Ta cạn túi hôm nay”.

Với những điệu bộ rất thô bỉ, bọn kia lui ra.

A! Đất Hứa! Ở đây ảnh hưởng của người Tây quả đã bao trùm sâu rộng.

Nó tràn lan ngoài đường trên mặt những tụi lai căng lũ trẻ mắt xanh tóc vàng mà nói tiếng Việt, trên những biển tên đường phố, những biển hàng, trong gia đình xen vào tên người, tên họ, qua những cuộc chơi công cộng của người Pháp mà lại địa phương như lối chơi boules. Đồng thời, tính tình người bản xứ cũng chịu ảnh hưởng, người thượng lưu, người bình dân ông Hội Đồng, ông Đốc Phủ đã nói tiếng Pháp thạo hơn tiếng Việt và anh Ba vào tiệm ăn đã chỉ biết dùng cơm đặt trong đĩa lớn và lấy đồ ăn bằng phua-xét (nĩa) chứ không bằng đũa. Bữa ăn lót dạ anh Tám X, đã ngán xôi cháo để thưởng thức phó-mát với bánh mì.

Vật chất vốn chi phối tinh thần, ở cái Đất Hứa mà cái gì cũng đượm màu chính trị. Thực dân đã nghiện hút và biết tiêm thuốc lấy, đã lưu manh và thất nghiệp, tinh thần thực dân quả đã ghê gớm và chính trị thực dân đã là một cái nhọt bọc thấm độc và giết người.

Pê-tô –tên anh ta – đã hút xong gọn hai ngao thuốc mà xem chừng vẫn còn thòm thèm. Anh đặt ống hút xuống mà còn tiếc nhớ. Cho đến lúc người làm trong tiệm lại thu ống và vỏ ngao về, anh mới chịu thôi, với điếu thuốc lá bên tôi, chậm rãi đưa lên đèn châm hút, thả luồng khói dài.

Lúc ấy vào khoảng 7 giờ chiều tranh tối tranh sáng.

Đó là lúc mà công việc sinh nhai được tạm ngừng và người ta đã có thì giờ rỗi rãi tìm đến tiệm hút. Tiệm đã trở nên ồn ào nhộn nhịp tấp nập. Ro ro từng hồi chập nhau cùng một lúc hay nối tiếp nhau và khói trắng bệch đã toả ra sặc sụa mù tịt cả căn tiệm.

Pê-tô nằm dí trên sàn gỗ trà trộn với đám đông Việt, Hoa, chàng y như ở ngoài cuộc sống thường ngày công khai…


*


Trong một đọan trên tôi đã có dịp nhắc tới tiệm số 8… đường Lacaze, là một tiệm dưới mực trung bình, hạng bét. Hôm nay tôi cần phải trở lại tiệm đó, vì đây là một hình thức cuối cùng của tiệm hút công khai, tiếp nhận những khách hút nghèo nàn, ít tiền mà lại nghiện nặng, gần như lâm vào bước đường cùng của nghiện hút sa đọa tới hình thức sa đọa nhất, và xuống nước tới mức tuyệt vọng nhất.

Nếu phương pháp khoa học là chia và phân loại, thì theo phương pháp đó tôi đã chia những tiệm hút làm 3 loại phong lưu mà mẫu hàng là tiệm X… đường Đồng-Khành, trung bình là tiệm I… đường Lacaze là tượng trưng và mạt hạng mà đại diện là tiệm 8… đường Lacaze này. Ngoài ra rất có thể có những nhà riêng có 1, 2 bàn đèn, tiếp nhận một số khách nho nhỏ, quen thuộc. Khi sang khi nghèo không nhất định, và như vậy không tiện xếp vào thiên phóng sự này. Sau cái “mũ” chụp ngọn đèn, chúng ta trở lại tiệm số 8…

Chà! Anh X. sao mà xuống nước thế! Ngày nào còn ở Hà Nội, anh còn là một phong lưu mã thượng, con một lại nhà giầu, lại đẹp giai nữa. Ngày ấy phong trào ca kịch đang thịnh hành, một kép hay một đào đã làm vua hay làm hoàng hậu trên sân khấu, mỗi khi ánh mặt trời tắt thay thế bằng ánh đèn điện nên về phần đời còn được hưởng mặc dầu giả tạo cái dư hương của vinh quang. Anh X. đã chịu cái ảnh hưởng của dư hương sân khấu đó nên anh đã thoát ly gia đình, bỏ lại tất cả những quyền lợi vật chất trong gia đình và ngoài xã hội để theo một gánh hát cải lương nổi tiếng ngày ấy. Song điều đáng tiếc là tài anh không đóng kịch được và giọng hát là điều kiện cần thiết thì anh cũng lại không có. Anh chỉ có tấm lòng hâm mộ và có thể nếu cần… hy sinh. Thực ra anh đã hy sinh rồi đó, hy sinh cả sự nghiệp và gia đình. Chủ gánh hát, chạnh lòng vì lòng nghĩa hiệp của ông tướng Quảng Lạc, đã vui lòng thâu nhận anh làm một nhân viên giúp việc gánh hát. Anh X. được phụ trách việc viết các tờ quảng cáo, xếp đặt các tin ca kịch, trưng một vài đào kép có giọng ca mùi, v.v. Anh sẽ cho in hàng nghìn hàng vạn tờ quảng cáo, phát tới mọi nhà, trong các đường phố, khắp các hang cùng ngõ hẻm. Rồi thì tối đến, khi màn kéo lên, cuộc sống vinh hoa vàng son được diễn ra với ảo mộng, anh trông nom việc bài trí sắp phông và kéo màn.

Để cho được chu đáo, anh phải phụ trách những “say-nét” (sen nhỏ) khôi hài, pha trò:

“Tôi là con mèo, meo-meo-meo. Đời tôi đã từng bắt chim năm ba chú chuột chí chí chí”.

Ấy có thế, anh bắt chước con mèo con chuột, mua vui cho khán giả, sau khi họ đã chứng kiến việc con giết cha nuôi, Lã Bố vác kích đâm chết Đổng Trác, và Thôi Tử thí Tề Quân. Meo meo meo chí chí chí. Ngày nào ở Bắc Việt, người anh em còn phong vận lắm. Da dẻ còn hồng hào trông người còn nhuận sắc. Thế mà vào đây, ở trong tiệm 8... đường Lacaze này, chen chúc giữa đám khách hút điêu tàn, xanh sao và khẳng kheo tôi đã chỉ thấy một anh X. tụt xuống dốc đến tận đất đen. Cứ một sự thấy anh nằm tiệm này cũng đủ tỏ anh ít tiền phải hút sái; ở đây người ta chỉ dùng sái, có mua ít thuốc không thì chỉ để “bao” gọi là thôi cũng như anh ngào phải gậm xương, mà xương thì chỉ có lòng thòng một ít thịt nạc, đủ để đánh lừa ta, để khỏi khổ vì thấy mình chỉ gậm xương, chỉ có hút sái!

Trông thấy anh tôi thấy có bổn phận phải chìa bao thuốc lá Cotab. Và tôi biết hiện nay anh không có đủ tiền mua thuốc lá thơm mà anh thì vẫn thích hút thuốc lá loại ấy.

Tôi đưa anh hút một điếu, và trao liền cho anh mấy điếu để dự trữ. Tôi cũng hiểu tâm lý người nghiện thuốc lá bao giờ cũng muốn có một số thuốc lá dự trữ, dẫu rằng chỉ là 2 điếu thôi.

Nhận thuốc rồi anh cảm ơn nhưng còn kêu: anh Triều Đẩu?

Tôi hất hàm hỏi gì, X… nói tiếp:

“Anh cho tôi 10 đồng”.

Tôi móc ví lấy tiền đưa anh.

Anh chỉ sẽ sàng cảm ơn. Ý chừng lúc ấy thiếu thuốc hút, anh cũng như hết sinh lực. Chà! Một tranh thanh niên đáng lẽ tuấn tú đầy hy vọng đầy tương lai, mà vì ngập vào cái bàn đèn nên đã như sống trong cõi chết. Hy vọng và tương lai đều tan ra khói. Thân thể đã bị thiêu đốt trên ngọn đèn dầu lạc thì ngày nay nếu có những lúc hối hận và tiếc than, tay vắt lên trán ôn lại quá khứ và nhắm mắt nhìn tương lai mịt mù, anh có cất lên tiếng thở dài hay bật lên lời sám hối thì ro, ro, ro tiếng nhạc muôn đời của Sa Tăng đã đánh át đi ngay mất rồi. Chao ôi! Biết làm sao được! Tôi đành để yên anh với cái mâm hút của anh, với số phận anh. Tôi toan tiến sâu vào trong cùng tiệm để khám phá một sự gì mới lạ hơn nữa, trong cái kiếp sa đọa nhất của dân nghiện thì gặp một người nhỏm dậy, chìa tay ra bắt.

Tôi nhìn kỹ xem ai, và vội thốt lên:

“A! Anh Y. Từ ngày vào đây bây giờ mới gặp anh”.

Y. thản nhiên trả lời:

“Mà lại gặp nhau ở chỗ này!”

Y. là một thi sĩ.

Thơ anh không có gì xuất sắc, song ngày nào còn ở Bắc gặp đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà, anh đã cho xuất bản được một vài cuốn văn vần, tả tình xuân hạ thu đông và ca ngợi mây, nước, gió, trăng. Một chút tiếng tăm trong giới văn nghệ như vậy đã giúp anh kiếm cách sanh nhai và ăn hút đều đều trong cuộc đời thực tế. Nhiều khi người ta phải thán phục tài xoay xở tháo vát của anh.

Một người vợ trẻ đẹp, một đàn con kèm theo đứa ở đàng hoàng và một bàn đèn, lửa thiêng tỏ suốt ngày đêm, từng ấy thứ rườm rà, phiền toát nặng nề và đắt đỏ, anh gây dựng và đặt vững trên một thực tại mong manh và giản dị, nhẹ nhàng và rẻ giá vẫn đời đời mệnh danh là thơ thơ. Có gì đâu. Anh vốn là một nhà tâm lý thực tiễn đã thức những đêm trắng bên cạnh bàn đèn, cái giang sơn rút nhỏ lại của anh. Anh đã nghĩ ra những chước, những thuật để làm tiền. Đây là một thí dụ: Thường thường, anh có trong túi một số giấy phép mở báo hoặc đứng tên anh, hoặc đội tên người khác. Báo ấy sẽ chỉ ra những số đặc biệt ca tụng và trưng ảnh một nhân vật hay một số nhân vật thời cuộc có thế lực trong chánh giới. Báo sẽ in một số tờ nhất định đủ để biếu những nhân vật được ca tụng mà không cần bán cho công chúng. Là vì ông chủ báo đã tiếp nhận bí mật những món tiền lớn của những nhân vật được ca tụng kia rồi. Mỗi năm anh chỉ cần làm 2, 3 lần như thế là đủ sống đuỳnh huỳnh suốt 12 tháng của đất trời.

Tôi vẫn biết cái “tuýnh” của anh như vậy, nên khi gặp anh ở tiệm 8… đường Lacaze tôi đã hỏi anh câu sau đây tưởng chỉ là hàn huyên xã giao nhưng vô tình đã mang một hậu ý:

“Thế nào? Anh vào đây đã bắt đầu làm gì chưa?”

Hậu ý của tôi là muốn biết anh đã tiếp tục tục làm công cuộc bịp bợm chưa. Cho nên tôi đã nói tiếp ngay, chưa kịp nghe câu anh trả lời:

“Đất này xem chừng kiếm ăn cũng dễ…”

Con người bẩm sinh vốn chủ quan đã không chịu cho mình là bịp bợm khi cả cái xã hội xung quanh đều công nhận mình là như vậy! Cho nên anh đã trả lời tôi đầy vẻ tự cao:

“Vâng! Tôi vẫn theo đuổi chủ trương phục vụ nhân dân như ngày còn ở ngoài Bắc”.

Câu chuyện trên đây đã được trao đổi trong một tiệm nghèo nàn và khổ hạnh. Có lẽ lúc ấy anh Y. mới “dô” chưa kịp thi hành những kế họach xoay tiền nhà nghề nên anh đã thực sự sống với quần chúng, cái quần chúng nghiện ngập và kiết cú. Song chỉ mấy tháng sau đấy thôi, tôi đã lại gặp anh trong một tiệm lớn đàng hoàng tại Guynemer, Chợ cũ. Chắc chắn anh đã thành công rồi vì tại đất này anh có thể đã mở rộng phạm vi họat động ngoài khuôn khổ chật hẹp một cá nhận một thế lực hay một “bự” để len lỏi vào những cơ quan quân sự hoặc hành chánh trước tác thuê những sách tuyên truyền hoặc đượm mầu văn nghệ dân tộc và đại chúng v.v.

Có điều đáng buồn là giờ đây thuốc phiện đã in dấu vết tàn phá trên gương mặt anh, biến một trang thi sĩ khôi ngô, tuấn tú thành một kẻ mưu sinh da sạm đen với nhiều vết nhăn. Mắt bớt sáng và tinh thần sa sút. Thực ra anh cũng có tài. Nếu phải đi vào con đường bịp bợm và phải dùng cái bàn đèn để trợ lực cho sự bịp bợm đó, lỗi ấy nhất định không phải tại anh. Cũng không phải tại người vợ trẻ đẹp của anh hay đàn con thiên thần cùng bầy tôi tớ chất phác. Cũng nhất định không phải tại cái bàn đèn mặc dầu trong rất nhiều trường hợp tương tự, cái bàn đèn vẫn là cái bung xung kiến cho trăm tội đều đổ lên đầu nhà oản, lên ngọn đèn dầu lạc.

Lỗi chỉ tại các thực thể thế lực và quyền hành bao trùm tất cả, có trách nhiệm về hành động của tất cả và có tham vọng mưu hạnh phúc cho tất cả. Đó là cái thực thể lý tưởng vì cũng có cái thực thể giả tạo, tuỳ theo hoàn cảnh và xã hội của khối người đương thời sống trong sự chi phối của thực thể đó. Song dẫu lý tưởng hay giả tạo, cái thực thể ấy vẫn được mệnh danh dưới cái tên nôm na: Nhà Nước.

Vậy thì, sau cái bắt tay thân mật thường có giữa đôi bạn văn nghệ sĩ, tôi ngồi đối diện anh Y. Anh vốn là con người lịch sự, nên đã ngồi tiếp chuyện tôi và chỉ ngả nằm khi nào điếu thuốc tiêm đã xong, người bồi tiêm đã giơ ngang dọc tẩu về phía anh mời hút. Anh nằm và ngồi 2, 3 lần như thế.

Đến điếu thuốc thứ tư thì có lẽ vì mệt mỏi hay vì ngại sự cử động luôn luôn bất tiện anh đã phải áp dụng hoàn toàn cái kiểu cổ điển của dân nghiện là nằm nghiêng hẳn, đầu gối cao vừa hút vừa tiếp chuyện mặc dầu vì nằm dài hoài mà có thể bị … bẹp tai! Ro ro từ bàn đèn anh. Ro ro từ các bàn đèn xung quanh anh. Và từ khắp tất cả, luồng khói trắng và khét đã toả ra u uất cả căn tiệm rộng. Tôi suy nghĩ một mình:

“Nhà nước kia mới là thủ phạm sự sa đọa của thi sĩ. Không kể những hình thức nhà nước giả tạo thời đô hộ trong đó con người kể cả văn nghệ sĩ đã chỉ là những cán bộ tay sai để duy trì và phát triển cuộc đô hộ, và đồng thời những tụi bất tài đức thiểu đã xông ra lợi dụng và đầu cơ một cách trâng tráo vô liêm sỉ. Họ là chủ nhiệm tờ Chánh Đạo để nhẩy tót vào Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời (!). Họ ra những tờ báo ma, sống vẻn vẹn chỉ qua một số đặc san Nói Thật để lấy quảng cáo và thu tiền mua dài hạn (!), mặc thây sau đấy những độc giả khờ khạo và những nhà buôn, nhà kỹ nghệ sắp khuyếch trương nghề mình.

Những độc giả này đã chỉ được đọc độc một số đặc san chào hàng đó thôi. Nói Thật là nói giả dối. Những nhà đăng quảng cáo đã chỉ quảng cáo lẫn nhau vì thực ra người ta đã chỉ cho in đủ số báo để phát cho những nhà trả tiền quảng cáo và ngoài ra nào có ai đọc!

Ấy là nói những khoảnh khắc thời gian mà Nhà Nước đã không xứng đáng vì chỉ là sản phẩm của những thế lực ngoại lai, những Nhà nước giả tạo để bảo tồn những thế lực đó. Trong thời gian đen tối đó, những hình thức trục lợi đều có mang danh văn nghệ như Chánh Đạo hay Nói Thật đã chỉ như những hoa dại cỏ hoang tất nhiên trong cánh đồng điêu tàn giữa dòng lịch sử văn học.

Kịp đến thời kì độc lập, nhà nước đáng lẽ phải có một hậu thuẫn văn nghệ xứng đáng hoặc phải gây giống cành hoa văn nghệ để làm tiêu biểu cho tinh thần đất nước và lãnh đạo bước tiến của quốc dân, thì trái lại chúng ta đã thấy gì? Một bầy, một lũ đầu cơ chuyên nghiệp đã thay thế cho lớp cũ và đã xổ ra để mang danh văn nghệ, múa môi khua mép nào phục vụ nhân dân, nào vì đại nghĩa tổ quốc. Vô tình Nhà nước đã thâu nhận, giao cho công tác cao cả và thiêng liêng vẫn dành cho văn nghệ để chỉ bớt được một lượt mỡ béo nhoàng nổi trên mặt bát nước sáo, theo bản chất, thường vẫn quyện vào trong lắng xuống đáy. Người ngày xưa muốn chiếm được những cái tinh tuý, nắm lấy phần thực giá trị đó phải công phu phải dùng cả một nghệ thuật cầu hiền, cả một triết lý chân thành để dụng người sau khi đã cầu được. Vẫn biết việc nước là việc chung ai ai cũng đều phải đem tài năng ra để cùng gánh vác. Song bất cứ thời đại nào tài năng và đức độ không thể sỗ sàng tự bỏ lều gianh để ra chìa tay xin việc. Và người biết tự trọng không thể được triệu về chỉ do lời tiến cử của kẻ trung gian không tín nhiệm hoặc một giấy thỉnh cầu mang đủ số và ngày gửi của một công văn suông! Trường hợp vụng về dốt nát đã xảy ra khi công văn này đã mang hình thức một trát đòi! Cho nên ai cũng hiểu vai trò quan trọng và quyết liệt của văn nghệ nhưng trước sau cũng chỉ là một vấn đề nhân sự biết hay không biết thực hiện. Người ta vẫn đề cao giá trị của văn nghệ nhưng người ta chỉ thu dụng được một lũ văn nghệ bất tài và thiếu đức độ, tạo thành những công chức ăn lương tháng để rồi cố bám lấy số lương đầu bằng cách nào để quên khuấy sứ mệnh cao cả và thiêng liêng mà nhà nước, mà quốc dân đã đặt trên vai mình. Cho nên đáng lẽ lãnh đạo quần chúng thì người văn nghệ công chức đã chỉ chạy theo đuôi; đáng lẽ làm tiêu biểu cho cả một chế độ hiện hữu, người văn nghệ ăn lương tháng đã bị chi phối bởi chế độ.

Tôi không chê trách vì không lý do để chê trách một số ít anh em văn nghệ chân chính, có tài năng và thành tích, giờ đây cam chịu sống thanh bạch dưới mái tranh giữa Đô Thành san sát những lầu buyn-đinh, để hàm dưỡng nguyên khí hoặc đọc sách giữa thời loạn. Họ sống vì dầu sao văn nghệ sĩ cũng phải như ai có một nghề để sống, họ sống do mồ hôi, do những nỗ lực, do những khó nhọc hằng ngày để lấy tiền nuôi sống họ, nuôi sống gia đình họ. Họ gạt bỏ tất cả những vinh hoa phú quý nếu phải cầu xin và xu nịnh, nếu lương tâm nghệ sĩ không cho phép họ hạ sơn chỉ vì chút hư danh và vinh hoa giả tạo đó. Vả lại họ trà trộn sao được giữa một Triều Đình còn nhiều nịnh thần sẵn sàng gièm pha sớ thất trảm của Chu Văn An. Và giúp ích sao đặng khi nạn đầu cơ văn nghệ và trục lợi nghệ sĩ vẫn còn tồn tại trầm trọng.

Ro, ro, ro. Một loạt khói tung ra. Tiếng anh Y. thốt lên, cao giọng như trút mọi nỗi bực dọc làm cho tôi ngừng suy nghĩ trở về thực tế, về một thi nhân bên cạnh bàn đèn, bên cạnh những khách hút nghèo nàn và những bàn đèn xấu xí và cáu ghét:

“Anh Đẩu ơi! Bọn văn nghệ chúng mình có ai muốn sáng tác bắt buộc, làm những việc theo com măng (commande: đặt trước) đâu. Nhưng tình thế xui nên mình sống trong cái nhà nước ba vạ. Để mưu sinh cho mình cho gia đình mình và ngoài ra “đệ” còn đa mang cái nghiệp thuốc sái, nhiều lúc, huynh là bậc tri kỷ, “đệ” chẳng giấu mà có giấu huynh cũng không được, nhiều lúc “đệ” đã phải làm liều, nhưng là trái với sở thích và khả năng của mình hầu như là viết mướn, viết thuê vậy…”

Tôi liền an ủi anh bằng một câu khôi hài:

“Ồ! Có gì lạ hở anh. Nàng Kiều có muốn làm đĩ đâu mà cũng cứ phải tiếp khách. Cũng như có rất nhiều văn sĩ, thi sĩ đã bị bắt buộc đánh đĩ với cây bút của mình…”

Rồi tôi nghĩ thầm, mỉm cười:

“Có điều là nàng Kiều đánh đĩ vì giữ trọn đạo hiếu, còn anh, anh đánh đĩ để giữ tròn chữ tình với nàng Phù dung”.

Con mắt hau háu, Y. hỏi tôi:

“Anh cười gì?”

Tôi không ngần ngại, đối với một bạn văn nghệ, đã nói to cái điều mình suy nghĩ thầm kín:

“Tôi bảo anh là người tình nhân chung tình”.

Y. vốn thông minh, miệng bận ngậm dọc tẩu hút nên đã chỉ tay vào ngọn đèn gật gật dẫu mấy cái mắt nhay nháy để tỏ mình hiểu rồi.

Lặng im một lát, anh nói:

“Nhưng anh ạ, có nhiều lúc, đêm khuya hút nhiều quá rồi, nghĩ xa thôi lại nghĩ gần, thấy đời mình khổ quá, tôi đã muốn co chân đạp tung, đạp cho vỡ quả địa cầu này”.

Nhà viết phóng sự đã vội ghi nơi đây, trong tiệm 8… đường Lacaze, một câu nói hào hùng hiếm có mặc dầu là hiếm có và hào hùng ở … một dân nghiện.


*


Như trên tôi đã có dịp nhắc, mấy tháng sau đấy, muốn rõ ràng hơn thì sau những ngày xung đột Bình Xuyên cuối tháng Tư và đầu tháng Năm d.l. – tôi tình cờ đã gặp anh Y. nằm co trong một tiệm hút rất lịch sự tại Chợ Cũ, Sài Gòn. Y. cũng co chân nhưng không phải để đạp tung quả địa cầu tìm cái chết ghê gớm trong cái chết của cả nhân loại. Vì chắc chắn nhà thi sĩ nghiện hút cũng như gã tiều phu của thi hào La-Phông-Ten, dẫu có khổ cực đến mấy cũng vẫn muốn sống, khi có thể được chết ngay. Trông thấy tôi, Y. đã tươi cười và giơ tay bắt con mắt vẫn hau háu tinh khôn:

“Chà! Anh Triều Đẩu, ở đâu cũng gặp anh”.

Tôi trả lời gọn:

“Tại tôi có tính tò mò về những thiên hạ sự”.

Và nói thêm:

“Trông anh kỳ này phong vận rồi. Chắc rằng anh đã có mười vạn binh và mặc áo gấm về làng… mà chỉ thiếu có con ngựa trắng!”

Y. cười:

“Đại ca cứ giễu tiểu đệ hoài. Ý chừng đại ca cho rằng đệ không biết cưỡi ngựa mà chỉ có biết lái máy bay”.

Tôi cười không nói gì, được anh Y. mời cùng nằm bàn đèn và tâm sự:

“Đúng như lời đại ca, kỳ này đệ kiếm được nhiều tiền vì viết mướn đắc lực và có rất nhiều com măng. Đệ đã phải lập một ê-kíp mới kham hết công việc”.

Biết tôi không nghiện, nên anh cũng không mời hút. Trái lại, điếu thuốc lá thơm anh vừa chìa cả hộp ra thiết tôi lại thuộc loại thượng hảo. Tôi nằm ngửa, thả khói lên trần nhà, vị thuốc thơm làm thơm cả môi, khói thuốc thơm làm thơm lây cả mũi. Tôi nghĩ tới nước Mỹ xa vời, nghĩ tới đồng nghiệp Hê-Minh-Oay vừa được phần thưởng Nobel, nghĩ tới hoàn cảnh tươi đẹp của những văn nghệ sĩ sống trong xứ sở đó. Và tôi tự hỏi biết đâu, phải biết đâu không vì cảm thấy mình khốn nạn trong cái quê hương khốn nạn mà một số văn nghệ sĩ đã tìm cái quên với nàng á phiện.

Và tôi đã trở lại cái thiên đường nhân tạo của anh Y. Tức là căn tiệm hút đờ luých (Deluxe: Lịch sự) này. Vì các hình thức để kích thích thị dục con người bất cứ ngành nào cũng được người ta khuếch trương và tô điểm tới cực độ. Nếu đã có những tiệm ăn sang trọng mà người ta kê giá một món ăn Tầu tới ngót hai ngàn đồng, nếu đã có những phòng trọ được bài trí lộng lẫy và gồm đủ tiện nghi lẫn lịch sự đến mức xa hoa hầu như không cần thiết thì tại sao lại không có tiệm thuốc phiện mà chúng tôi đang nằm tại đây. Đó là một căn phòng ấm cúng tại lầu thứ ba một căn phố (nhà) lớn giữa con đường Guynemer Chợ Cũ. Chỉ một vị trí cao vút như vậy cũng đem lại cái thú vị là mình nằm trên mấy từng đầu người, trên tất cả sự ngọ nguậy họat động điên cuồng của thế nhân. Và chẳng cần tu tại chùa chiền nào, chúng tôi cũng nghiễm nhiên là những vị… Thượng tọa. Tường quét vôi mầu hồng đã trở nên hung hung giữa ánh đèn sáng đầu lạc bởi tuy ban ngày mà mọi cửa đều đóng lại, như ngăn đứng lại phía ngoài cả cuộc đời vật lộn và bầy người bon chen. Quạt trần không cần chạy vì đã có gió mát lùa qua khe cửa. Những bức cổ họa treo trên cao như đưa khách say vào cuộc đời tiền cốt, gần thiên nhiên. Bàn đèn được đặt trên đệm gấm. Khách hút cũng ngự trên đệm hoa. Dọc hút bằng ngà. Và diện hút thuộc loại Song Tiên quý giá. Bồi tiêm là một thiếu phụ dịu dàng có 2 bàn tay đẹp. Mỗi khi nàng tiêm thuốc những ngón tay lăn que tiêm thoăn thoắt, lửa ánh lên trong lại càng đẹp. Lẽ dĩ nhiên, giá thuốc ở đây đắt hơn mọi tiệm nhiều nhưng khách có cái thú đặc biệt là được dùng thuốc ngoài Bắc đưa và nguyên chất. Và sau một số điếu gần đủ say khách có thể dùng chất sái nhất bao rất thú vị đặc biệt. Dân nghiện đã từng có câu cách ngôn: Chết kèn trống sống sái bao. Nếu người ta đã thích đến tiệm nào phần vì thuốc ngon, phần vì dễ chịu lịch sự thì ở đây người ta đã có cả hai điều-kiện đó.

Bỗng nhiên Y. nói:

“Vừa gặp một anh bạn di cư khóc dở mếu dở”.

Tôi hỏi tại sao, được anh điềm nhiên trả lời: Tại nó vừa sang được cái nhà tại khu Chợ Quán thì vừa rồi bị thiêu huỷ cả, cả nhà, cả mấy lạng vàng và tiền bạc. Vợ ốm với 9 con nhỏ chạy lạc lõng làm mấy tốp. Mãi mấy hôm sau mới tìm được.
Tôi nói:

“Tôi vẫn chủ trương con người ta có số. Cái số nó đã run rủi anh bạn đến ở đường Chợ Quán”.

Y. gật gù cái đầu chậm rãi nói:

“Lại còn ông tướng Quảng Lạc gây nên vụ xung đột sát nhân đó. Đáng lẽ khôn ra thì sung sướng chán, lịch sử loài người ít thấy có một nhân vật giầu phú gia địch quốc mà lại có cả quân sự để… định quốc. Sự nghiệp vĩ đại như vậy nay than ôi! Tan ra gio và thân thế có thể xếp vào bậc anh hùng thì đã trở về với kiếp lưu manh đặt ngoài vòng pháp luật! Chỉ vì quá tham lam đánh bạc không biết ăn non lại kém thuật dùng người, kém mưu sĩ. Nói tóm lại, chỉ tại ngu. Cho nên tôi lại càng phục câu này của một văn hào Tây phương “Cuộc đời là cuộc thử thách của khối óc. Suy nghĩ sai lạc đưa đến thất bại khổ ải cũng như người ăn ở thiếu vệ sinh thì thế nào cũng bị đau ốm.

Nguyên văn của Pau Bourget:

“La vie est l’épreuve de la pensée.
Le malheur démontre les idées fausses comme les maladies la mauvaise hygiène”

Tôi mỉm cười:

“Đấy cũng là tại số…”

Y. tỏ vẻ hoài nghi rút thuốc lá châm hút.


*


Có nhiều ngành kỹ nghệ ở đây, người Tầu từ lâu vẫn nắm độc quyền coi như chỉ riêng họ có bí thuật sản xuất về ngành đó. Thí dụ kỹ nghệ nấu mằn thắn mì. Hay là kỹ nghệ mở tiệm hút. Thực ra nói người Tầu nắm độc quyền về sự làm chủ tiệm thuốc phiện thì cũng không đúng lắm, vì trong nghề này, người Việt Nam cũng chiếm một phần không nhỏ. Song ở đây người V.N. đã kém người Tầu ở số lượng. Số tiệm đã ít hơn, công cuộc lại nhỏ bé hơn, mỗi tiệm chỉ có nhiều chừng 5, 6 bàn đèn là cùng.

Trái lại bất cứ ở một tiệm Tầu nào chúng ta cũng thấy một công cuộc lớn lao, đồ sộ, một tiệm lớn nghênh ngang giữa một đường phố lớn, bên cạnh những tiệm lớn khác, gồm cả nhà dưới lẫn lầu cao, trên dưới đặt song song tới ngót 100 chiếc bàn đèn, vào những buổi chiều 7, 8 giờ tức là giờ đông khách nhất.

Cho nên người Tầu chỉ chiếm độc quyền tiệm hút về cách tổ chức đại quy mô mà thôi. Và ở họ, kỹ nghệ mở tiệm hút cũng quan trọng, đòi hỏi những khả năng tổ chức y như ở tiệm buôn lớn, những hãng công nghệ to giữa Đô Thành. Chứng minh mấy mẫu tiện hút đường Lacaze và Đồng Khánh thuộc mấy loại mà độc giả đã từng duyệt qua. Ở Sài Gòn, những tiệm như vậy chiếm đầy rẫy mấy con đường lớn như Chaigneau, Guynemer, La Somme, Lefèvre, Bonnard. Nó lan tràn trong mọi đường phố khác để ngự trị ngay giữa những đường lớn như Charner, hay xa xa riêng biệt tại vùng ngoại ô Khánh Hội, Phú Nhuận. Có thể nói rằng không một con đường phố nào là không có một hay hai tiệm hút. Và thiên phóng sự này đã có lần được đặt dưới 4 đại tự ĐÔ THÀNH NGHIỆN HÚT tưởng cũng không ngoa. Đô Thành nghiện hút! Ngày nào ở Bắc Việt trong khoảng thời gian từ 1935 đến 1940 có ai đi qua Hải Phòng, cái bến dừng chân của những thuỷ thủ khắp năm châu, cái thương cảng của những khách vãng lai bốn bể, tất sẽ chú ý về số lượng các nhà hộ sinh với cái biển kẻ chữ lớn treo trước cửa. Có thể rằng một phố có tới 1 hay 2 nhà hộ sinh. Sao người ta đẻ nhiều quá vậy? Đó là câu hỏi mà khách hữu tâm đã bắt buộc tự đặt cho mình khi đặt chân trên đất Hải Phòng năm ấy.

Giờ đây điểm qua số lượng những tiệm hút tại Đô Thành Sài Gòn – Chợ Lớn khách hữu tâm cũng bắt buộc tự đặt cho mình câu hỏi: Sao người hút quá nhiều vậy? Ở một hải cảng tứ chiếng đẻ nhiều tuy là một hiện tượng nhưng cũng dễ giải thích, thì ở đây giữa một đô thị ngụp lặn trong những vui thú sa đọa của tứ đổ tường công khai và đồ sộ, thì số lượng vĩ đại tiệm hút cũng là một hiện tượng cũng dễ giải thích. Đô Thành nghiện hút! Trong cái nghiệp đen tối đầu độc này, người Tầu đã đóng một vai trò quan trọng như ngày nào họ đã từng chủ động trong Đại Thế Giới và Kim Chung! Song, biết làm sao được! Đây đó chỉ là một công cuộc kinh doanh thì tự do cạnh tranh và tự do họat động cũng chỉ là một nguyên tắc dân chủ. Và chỉ những kẻ xướng xuất mới đắc tội với quốc dân.

Về những họat động thương mại và kinh tế đã có nhiều người lo ngại sự tràn lan, bành trướng của các nhà buôn nhà kỹ nghệ Trung hoa tại đây. Tôi còn nhớ năm 1930 hay 1932 đọc báo Phụ Nữ Tân Văn đã từng thấy nêu lên hiểm họa của sự tràn lan về kinh tế và tài chánh của người Tầu, người Chà, giữa sự thờ ơ thản nhiên thụ động của người bản xứ. Ngày nay, sau 25 năm, số phận bắt buộc sống trên đất này tôi đã nhận thấy tình trạng nguy hại nói trên không hề thay đổi mỗi khi bước chân vào tiệm hút Tầu hay gặp những ông Chà bận váy thoăn thoắt sách cặp đi thu tiền! Cho nên, ở bất cứ ngành nào, thấy một người Việt Nam xen được vào cạnh tranh với người Tầu và kinh doanh họat động coi bề phát đạt, tôi đều khấp khởi mừng, mặc dầu ở đây chỉ là một ngành đen tối, không đáng để cho bành trướng mà chỉ đáng cho chết càng sớm càng hay. Vì mỗi ngày nó còn sống, là một ngày nguy hại cho xã-hội, ấy là ngành mở tiệm hút.

Trong những người Việt Nam đi tiên phong trong công cuộc tranh thủ thị trường với người Tầu về ngành này, tôi rất có hân hạnh được giới thiệu cùng bạn đọc ông Bảy Lùn chủ tiệm số 6… đường Chaigneau Sài Gòn. Tiệm ông cũng nghiễm nhiên đứng giữa một con đường lớn đàng hoàng không kém gì tiệm người khách trú. Có điều là nhỏ bé hơn theo tỷ lệ một mười một bốn, song được cái này kéo lại và làm tăng giá trị đối với tất cả tiệm Tầu là khách hút ở đây đã thấy bầu không khí ấm cúng dễ chịu cần thiết. Ông Bẩy lại là người xuề xoà và bình dân, lẽ dĩ nhiên chỉ xuề xoà và bình dân đối với khách hút kêu nhiều ngao và trả tiền sòng phẳng. Ông Bẩy xuề xoà và bình dân sống cùng gia đình cũng gồm những người chất phác và tính tình dễ dãi. Cho nên khách hút nằm đây đã như nằm ở nhà mình với mâm hút riêng biệt không ai quấy rộn và nhiều khi trong những cuộc rắc rối gia đình của ông Bảy thường rất hay xảy ra mình cũng xen vào, có khi khách quan có khi chủ quan là chính việc nhà mình vậy.

Khách hút lạ biết tiếng tiệm ông Bẩy muốn lại thăm cứ việc hỏi địa chỉ bất cứ một phu xe xích lô nào hay một người nào ở con đường Chaigneau. Từ cổng số 6 … qua một ngõ, bên cạnh là một cầu thang gác lớn đưa lên dãy nhà trên lầu, khách qua một ngõ tranh tối tranh sáng vào một cái sân rộng bề ngang. Ngay phía bên trái, căn nhà số 2 sắp hàng lẫn với những nhà khác, dưới một dãy nhà lầu có cầu thang chung bằng gạch đặt từ sân bên trái. Ấy là tiệm ông Bảy. Như vậy vào tiệm này người ta có thể đi thẳng tới mà không cần phải leo trèo gì. Tiệm cách ngăn với cái sân rộng bề ngang bằng cái rãnh ẩm ướt bẩn quanh năm. Bước qua ngưỡng cửa, khách sẽ thấy bên tay phải một gia đình nhỏ thuê ở riêng biệt có đủ giường và tủ gương. Gia đình này đã thuê lại góc nhà với ông Bảy chỉ gồm ít người thôi: một người chồng da ngăm đen, nói giọng Nam Việt, một người vợ tóc uốn, khuôn mặt đen và gầy có vẻ lai tây đen, đứa con chừng 4, 5 tuổi là nguồn vui cho đôi vợ chồng trong cái giang san nhỏ bé.

Họ sống trực tiếp trong tiệm hút mà xem chừng là những người xa lạ đối với những cái bàn đèn đặt trên ghế ngựa phía bên kia cùng với một số khách hút tạm bợ khi ngăn trong đã đông đủ khách rồi. Trước khi vào ngăn trong – và đây mới là phần chính của tiệm, khách hút sẽ thấy ngồi cạnh cửa ra vào một người đàn ông tóc hoa râm, miệng loe, đang mải miết phết thuốc phiện vào những ngao đồng màu vàng bẩn; lòng ngao nông choèn gần như phẳng, ngang với miệng ngao và lòng ngao có lẽ như lòng người đời, đã nông thì nông một cách chán chường, tàn nhẫn. Người ngồi đó là ông Bẩy chủ tiệm.

Ông ít nói, lầm lầm lỳ lỳ, người ta nói rằng vì lúc nào cũng phải lo toan tính toán vì tiền. Nhà đông người, hai vợ, con trai con gái đã lớn mà chưa có vợ có chồng, chưa có cả cái sự cần thiết nhất là một nghề để sống. Trước mặt ông, dưới ánh ngọn đèn điện lờ mờ, mấy dọc tẩu đã dùng rồi vừa được đưa ra nằm chờ để sau đấy người bồi tiêm sẽ nạo lấy nhựa trước mặt ông.

Cái bàn nhỏ xíu nhất định không lịch sự ngăn nắp như một bàn giấy của một chủ hãng lớn. Nó chỉ là một nơi làm việc của một chủ tiệm thuốc phiện, vừa để làm sái, vừa được làm chỗ tựa để lúc nào rỗi việc ông Bảy ngồi ngủ gật. Cho nên nó có vẻ lôi thôi, xoàng xĩnh, dùng vào đủ việc như một con sen trong một nhà trưởng giả mà chủ nhân là một gã đứng tuổi sống độc thân. Và trên mặt gỗ loang lổ chiếc dọc tẩu nằm gối lên một cái hộp róc sơn, bên cạnh mấy tờ giấy bạc một đồng còng queo.

Qua cái bàn án ngữ đó, khách đã vào tới nơi trung tâm của tiệm hút. Trên hai tấm phản kê phía bên trái, hai mâm hút được đặt lên, bên cạnh hai tấm đệm bọc vải trắng giải song song cùng với đủ gối bông cao vừa đến mức để khách ngự nghiêng mình, kề tai vẹ xuống hút. Xung quanh phản gỗ gắn ngay vào tường quét vôi màu xanh, là những tấm gỗ mỏng lát lâu ngày đã lên nước hợp với mầu của tiệm, tức là mầu nâu đen bóng nhoáng. Trên những tấm lát gỗ liền miếng đó có những ngăn rộng và dài gắn liền khiến cho khách có cảm tưởng như đang nằm trên một cái đi văng lớn, số báo chí, sách vở thuộc đủ loại, đủ cỡ, đủ mầu sắc. Thường những khi thuốc đã no nê, khách hút có cái thú tinh thần là đọc báo.

Những sách báo cũ rích trên dây, người ta bất cần mới cũ và có thể giờ đây người ta chăm chú đọc những tin, tưởng chừng vẫn sốt rẻo: ông Truman đang ngồi ghế Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí cùng nhân viên tuỳ tùng đang đi kinh lý vùng Thuỷ Nguyên (Kiến An) được dân chúng hoan hô nhiệt liệt!

Cuộc kinh lý đã được đăng bên cạnh hai bức hình ghi rõ dân chúng sắp hàng tiếp đón và đoàn học sinh dang tay làm một hàng rào danh dự. Lẽ dĩ nhiên là trước trước micro, Thủ hiến đang hùng hồn kêu gọi dân chúng và cho ra một chương trình dân sinh và bài trừ thối nát.

Mặc dầu lúc ấy Nguyễn Hữu Trí đã ở dưới âm ty nhưng có hề chi, ngự yên ổn trên đệm bông đầu cao gối, tơ mơ trong giấc thức ngủ của trần gian đầy sinh thú, đầy hạnh phúc nầy, khách á phiến đã chỉ đọc để giết thì giờ hoặc để lừa dối chính mình mà thôi. Năm tháng, thời sự, chiến tranh hay hoà bình, ngoại giao hay nội bộ, thủ đọan nhất thời hay chương trình 3 năm, dân nghiện cũng xếp bẹp dưới tai. Trên đi văng, đã có mặt không biết tự bao giờ tuy chắc chắn mà coi bề đã lỏng lẻo, bức họa một thiếu nữ ngắm trăng lồng trong chiếc khung vàng sơn đã róc. Bên cạnh cũng lồng trong kính một thiếu nữ xoà tóc, mắt buồn rượi giữa một khung cảnh ảm đạm chiều mùa thu.

Thiếu nữ buồn vì đâu và vì ai? Nằm hút nơi đây mà lòng đã say, mắt ngước trông, người khách cũng lây nỗi buồn mà chạnh lòng thương cho ai mà lại tiếc cho ai! Nhưng chao ôi, biết làm sao được! Kiếp này đây thôi đã thôi rồi! Vì nàng chỉ còn lờ mờ nhân ảnh mà ta đây cũng giành lấy lấy giả làm chân, bên cạnh ánh đèn dầu lạc. Và lại bên cạnh khung ảnh nàng, ông Bẩy đã chửi mỹ thuật bằng cách cho treo một bức họa một đĩa món ăn lớn có tôm hùm, cua bể và cá chép…

Phía đi văng có đệm chiếu và gối bông lịch sự là chỗ đặt bàn đèn dành cho những khách lịch sự. Lịch sự ở đây chỉ có nghĩa là “sộp” hút nhiều thuốc lại ít đếm xỉa đến tiền chi phí. Qua một lối đi giữa nhà từ cái cửa có cái bàn làm việc của ông Bẩy đến phía trong là bếp, chuồng tiêu, cái sân con và những chum đựng nước.

Muốn kỹ lưỡng hơn chút nữa, chúng ta cần phải ghi thêm mấy tấm gỗ ghép thành giường kê cạnh cái sân ăn liền với một căn nhà con con phía tận cùng. Trong căn này, một tiểu tiểu gia đình nữa ở. Nói tiểu tiểu vì ngăn này quá nhỏ mà gia đình này cũng qua nhỏ. Nhỏ xíu tất cả. Nhỏ xíu với hai chiếc ghế nằm nhỏ bé tạm đủ dùng cho một gia đình gồm có 2 vợ chồng thường vắng mặt.

Ấy là gia đình ông B. bồi tiêm. Ông B. làm nghề tiêm thuốc ở ngay trong tiệm, vợ ông làm nghề điếm quanh quẩn gần đường phố ấy thôi. Cả hai vợ chồng đều nghiện. Sống thường thì ở chỗ khác, tức là ở ngăn ngoài có bàn đèn, hai vợ chồng ông B. chỉ có mặt tại gia đình và sum họp với nhau chỉ những đêm đêm vào khoảng từ quá khuya đến sáng, nghĩa là cũng ngoài giờ làm việc. Chúng tôi phải ghi rõ và dài dòng về khoản này để giải nỗi thắc mắc cho một khách hút nào ngự trên đệm dài ở ngăn giữa và nhìn vào trong tất nhiên đã phải chú ý tới căn nhà quá nhỏ và quá vắng lạnh kia sẽ vô tình có thể bít lối tháo lui nếu ngộ nhỡ có xảy ra cuộc khủng bố ban đêm.

Bây giờ xin mời bạn đọc trở lại ngăn giữa, trong đó bạn đọc vừa được thấy cả bộ đi văng vĩ đại chiếm quá nửa căn nhà. Thực ra, cái đi văng có thể cho ta một cảm giác đồ sộ quý giá hơn.

Chứ ở cái xứ sở mà gỗ sản xuất nhiều hơn gạch ngói, mà gỗ dùng để lát giường, làm tường thay thế cho gạch vữa, thì cái sự đi văng liền mặt gồm cả một phiến gỗ rộng lớn có nghĩa lý gì. Cho nên, ở đây, ở cái nơi dùng làm cơ sở để đặt bàn đèn, mỹ thuật đã bị hy sinh cho tiện dụng. Người ta cần tiện hơn cần đẹp. Và do đấy, tưởng rằng có một đi văng mà chính ra lại có hai. Đi văng duy nhất chỉ là do tưởng tượng. Hai đi văng đặt liền đầu dành giới hạn cho một lối đi nhỏ bé. Lối đi này là một cái khe có cái bất tiện nhỏ là khách có thể để rơi xuống đó những thứ vặt, bao diêm, tờ báo, cái mùi soa, còn gì nữa?

Nhưng có điều tiện lợi kéo lại là khách sau khi mặc áo đi giầy rồi toan đi, mà còn cần lấy thứ gì đặt trên ngăn cao sát tường kia, khách có thể lách qua khe đó mà vào gần được. Điều tiện lợi nữa và điểm này mới đáng kể ở một tiệm hút hơn ở chỗ khác, là cái khe cái lạch nhân tạo này đã chia ranh giới cho hai nơi riêng biệt và cần sống riêng biệt, cho hai thế giới cần được biệt lập mặc dầu thuộc cùng một giới tức là giới bàn đèn. Tôi vẫn phục các ông chủ tiệm Việt Nam hay Trung Hoa vẫn có một khoa tâm lý thực tiện lợi là dựa vào cái định thức bất di bất dịch: Suy bụng ta ra bụng người. Bởi lẽ các chủ tiệm đều là dân nghiện nên đã xác nhận rằng nằm hút riêng biệt với một mâm hút của riêng mình là một điều kiện trước tiên của hạnh phúc. Và nếu có phải có ai nằm cạnh thì người đó – lẽ dĩ nhiên là không đời nào có thể là vợ mình được – người đó chỉ có thể là một bạn tri kỷ tâm giao nằm cùng nói câu tâm sự hay cùng thưởng thức cái thú đi gió về mây. Còn gì khó chịu bằng vì hoàn cảnh thiếu điều kiện của tiệm mà phải tự ghép mình nằm cạnh một đồng bệnh và đồng nghiệp (!) mà mình chưa từng quen biết – đã có những thói quen ghê tợn như khạc nhổ không ngừng hoặc “săng đèn” như nói dóc không ngừng.

Cũng có thể ông bạn nằm bên đã hàng tháng không tắm để toả ra làn hơi hôi hám và chỉ một lát nằm và gối cũng đủ làm thấm ướt mồ hôi và cáu ghét đen sì cả một hệ thống gối đệm vừa giặt ủi và thay xong.

Cái ngoặc dặm trên dây cũng không ngoài mục đích chứng minh tài xếp đặt tâm lý của ông Bẩy chủ tiệm. Và giờ đây đã đến lúc ta vượt qua làn mức tức là cái lối đi phân cách bên này là cái xã hội lịch sự giầu có, hút không cần đếm xỉa đến số lượng ngao nhiều hay ít, nằm đệm bông gối đầu thoải mái và tơ mờ sung sướng thoả thuê kiến cho những đồng bào ít tiền nằm phía bên kia làn mức phải ghen tuông.

Bên kia làn mức tức là cái nơi có cái giường nghèo này, cái chiếu xộc xệch hoen bẩn và thiếu ánh sáng điện, tất cả được đặt áp tường vôi không có gì bài trí. Vì rằng ông Bẩy như chúng ta đã biết là một chủ tiệm hút sành tâm lý nên đã chia khách hàng ra từng loại hơn kém và đã liệt dân nghiện nằm trên giường khổ hạnh này vào hạng… cùng đinh.

Nói theo danh từ chuyên môn thì đây là giai cấp vô sản. Gái điếm, anh lưu manh, hay kép hát thất nghiệp. Có điều làm cho nhà cầm quyền có thể yên tâm là các dân nghiện đều thành thực phục vụ hoà bình và mặc dầu là vô sản họ không hề nghĩ tới đấu tranh giai cấp.

Nhà ông Bẩy vẫn có thường trực hai người bồi tiêm. Một gã mặt dỗ hoa tái xanh, lẽ dĩ nhiên là vì nghiện nặng lại đói thuốc. Có hút thì anh ta chỉ hút sái. Khách hút có cho tiền riêng thì nào tiền cơm tháng, tiền may mặc, tiền tiêu vặt. Còn thừa chút ít anh mới có thể mua thêm thuốc để bao sái. Bao một cách mỏng manh như chút mỡ lòng thòng dính vào xương cháo mà thôi. Vì phần thuốc mà ông Bẩy mỗi ngày dành cho anh thì chỉ đủ tạm cho anh qua cơn nghiện.

Thế nhưng anh vẫn sống, sống lay lắt vất vơ vất vưởng, thất thường do những tiền “puốc-boa” của khách – để kéo dài cái đời nghiện ngập như hầu hết các đồng nghiệp khác, những bồi tiêm, Anh sống không vợ không con, bên lề của cuộc sống chung thiên hạ và chỉ biết có một quê hương mượn, một gia đình người. Đó là nhà ông Bảy và cái bàn đèn công cộng kia.

Anh sống lầm lầm lỳ lỳ trong tiệm từ bao năm nay ít ăn nói, ít cử động. Nếu có khách vào và là khách quen, anh sẽ nhếch miệng chào. Nếu là khách lạ thì cái miệng anh không hề động đậy. Vì anh chỉ cần làm mấy cái cử động máy móc như sắp chỗ nằm cho khách hút, rót sẵn một ly nước chè rồi nằm xoà ra chiếu hay ghé trên phản không, chênh chếch bên cạnh khách. Anh tiêm, tiêm đều cho tới khi khách bảo thôi thì anh cũng “sì tốp”, ngừng một cách tự động. Khách cho tiền riêng thì dẫu quen dẫu lạ, anh cũng cảm ơn. Đó là lời nói duy nhất của anh, từ khi có cái nghiệp bàn đèn. Tên anh là gì? Người ta cũng không biết. Chỉ biết rằng người trong nhà vẫn kêu anh là anh Sáu thì khách hút cũng cứ kêu anh là Sáu.

“Anh Sáu! Đi mua hộ ly cà phê ngon thơm dặm như mọi khi hẻ”.

Anh gật đầu và đi mà cũng không cần dạ, dạ, như thường tình. Người ta cứ tưởng anh câm, thực ra anh chỉ câm khi đói thuốc mà thôi.

Nếu giàu có như anh, nếu đủ tiền như nó, nếu thừa điều kiện như tôi thì Sáu nhất định sẽ lúc nào cũng no thuốc, say thuốc. Và theo những đặc điểm về tâm lý người nghiện, anh sẽ họat động siêng năng và mạnh mẽ, đồng thời sẽ trở nên họat bát, nói năng phải đường như ai. Và lúc ấy, chỉ lúc ấy, thuốc phiện mới có tác dụng một cách xứng đáng. Anh sẽ nhanh nhẹn chứ không lầm lầm lỳ lỳ, đa ngôn chứ không ít nói. Vì rằng ngay từ ngày nào ngoài Bắc Việt, thuốc phiện vẫn được anh em gọi đùa là cao khướu, hay nói, nói như khướu.

Đồng nghiệp của Sáu trong tiệm nầy là ông B. Ông B. người xương xương, cao mảnh khảnh, da ngăm ngăm đen, râu cứng, rậm, mắt sâu trên cái miệng loe ra như lúc nào cũng sẵn sàng đón dọc tẩu hút. Ông này thuộc hạng người rậm râu sâu mắt nghĩa là cũng có tướng nhưng tiếc rằng ông chỉ là một bồi tiêm.

Ngoài ra tiệm ông Bẩy còn một số bồi tiêm dự bị trong số những bồi tiêm thường trực, và một hai bồi tiêm phụ nữ. Hạng bồi tiêm này được “mần” khi tiệm đông khách hút mà số bồi thường trực không đủ để thoả mãn nhu cầu sự vụ. Nói một cách rất trang trọng, thì ông B. và anh Sáu là nhân viên chánh ngạch, thường xuyên, còn những ông Tư, anh Ba thì chỉ là nhân viên công nhật hoặc phù đông hoặc phụ khuyết. Như vậy dù thường xuyên hay công nhật họ cũng đều là đồng nghiệp với nhau và đã là đồng nghiệp thì họ đã như mọi đồng nghiệp cứ hục hặc nhau hoài, hục hặc không phải vì quyền lợi xung đột như các đồng nghiệp mà chỉ vì người ta đều đói thuốc thế thôi! Song, trong nhà ông Bẩy vẫn có hẳn hoi những sự sắp đặt gần như là chính thức, những sự tổ chức kỷ luật ngầm mà mọi người phải tôn trọng. Thí dụ như đối với nhân viên chánh ngạch công việc đã rõ rệt nhứt định mà quyền lợi cũng đã được ấn định một cách phân minh. B. có khách hút của B. và B. chỉ phục vụ những ông khách đó. Thế có nghĩa là khi một ông khách nào vào mà B. nhận thấy là của Sáu thì B. sẽ kêu Sáu ra “mần” thuốc cho ông… ông Hai, mặc dầu lúc ấy B. đang rảnh tay mà Sáu thì bận một việc gì trong nhà. Ông khách – ông Hai – đành nằm dài hút thuốc lá hay xem báo, đèn có thể đã thắp sẵn, chén nước đã rót đầy và những ngao thuốc đã được đưa ra đặt lấp lánh trên mâm hút. Thành ra khách đã vô tình lệ thuộc một sự gì đã sắp đặt trước mà chính mình có khi cũng không hay để rồi mãi sau này mới nhận ra rằng mình chỉ là người của anh Sáu hay của ông B. Vậy chỉ khi nào hai nhân viên chánh ngạch này vì một lẽ gì đều vắng mặt cả, khách mới thấy, khúm núm và e dè, một anh bồi tiêm loại công nhật lại tiêm thuốc cho mình. Sự thực thì lối tổ chức như vậy cũng có cái thú vị. Là vì cái nghề đi hút cũng giống như cái nghiệp đi cắt tóc cạo mắt, hoặc cái sự đi ăn tiệm. Cắt tóc, cạo mặt mà gặp được anh thợ vẫn làm cho mình thì mình sẽ thấy dễ chịu. Anh thợ đã thuộc cái kiểu tóc mình ưa, thuộc từng cái nốt ruồi hay mụn trứng cá trên da mặt cần phải thận trọng, sau nữa thuộc cái tật râu mình vốn cứng cần phải xoa hai lượt xà phòng để khỏi đau và rát đến chẩy nước mắt.

Còn đi ăn tiệm quen, mình sẽ gặp anh bồi bàn quen thuộc biết mình thích một bát hành tây chộn dấm ớt, anh sẽ tự động đưa ra và tra đúng độ lượng chua cay để cho mình cứ việc phóng tay phát động phong trào ăn uống và ba hoa cùng bạn tri âm đối diện mà không cần phải bận bịu vì những cái biện chứng pháp về gia vị sắng sáu và xì dầu. Cho nên trong tiệm hút quen thuộc nằm thoải mái ta đã đặt cả cái thân hình có trọng lượng trong cõi mộng nhẹ nhàng phiêu diêu để chỉ việc đỡ khẽ cái dọc tẩu thuốc do anh bồi tiêm quen đã đưa tận miệng. Không phải sai bảo điều gì, không phải để tâm mảy may đến những cái vật chất. Khi đã say say, choàng mắt nhìn trần thế thì ly cà phê đen đúng giọng mình đã đặt sẵn gần kề, ta chỉ việc trề môi ra nhắp và chép chép cái miệng. À ngon! Trong khi ấy ông B. vẫn lặng lẽ và đều đều lăn que tiêm nướng thuốc trên mặt diện, lửa ánh lên để làm cho ta điếu thuốc thứ 7. Thấy ta vui, ông B. sẽ họa theo chiều vui của ta mà kêu: “Thuốc hôm nay ngon!” để kích thích a-pê-ti hút của ta. Thản hoặc thấy ta ưu tư buồn buồn rười rượi: “Chà! Bả nhỏ nó nhà tôi lại bị giữ”. Ta sẽ tròn đôi mắt như có vẻ ngạc nhiên mặc dù ta thừa hiểu rằng bà vợ ông B. vốn là gái điếm lậu thuế thì cái sự bà bị bắt giữ vẫn là sự thường gần như cơm bữa. Thế có nghĩa là ta đã chia tâm sự cùng người trong cuộc. Rồi tới khi chạnh lòng vì người cộng sự tiêm cho mình vừa gập hồi đen, ta chìa điếu thuốc lá thơm ra mời, ông B. “dạ” một tiếng rồi đỡ điếu thuốc giơ lên đèn châm và hóp cả hai má lại hút, hút. Lúc ấy ông B. mới cho ra hết cả nỗi bực mình: Con chó yêu quý, con chó “vzàng” là nguồn vui và lẽ sống của ông bên cạnh người vợ già, con chó đó vừa bị bắt chỉ vì cái tội chạy ra đường! Con người không con cái, không tương lai, không cả hiện tại nữa, ông B. của tôi đã khổ sở khi thấy vợ và chó đều bị giữ. Để ngày ngày ông đã phải có lúc bỏ cả “mần” (tiêm) thuốc cho khách tức là tạm bỏ nghề sinh sống để tay nắm cơm, tay gói quà đưa vào cho chó cho vợ!

Ngoài ra trong số nhân viên phụ khuyết người đáng chú ý nhất là ông Tư, ông này thân già quắt queo, mắt đeo “kiếng”, miệng trều ra dưới cái mũi hếch và đôi lưỡng quyền rô. Da mặt ông tái sạm vì thuốc sái. Ông cũng thường ở luôn đây và thỉnh thoảng người ta thấy một cô gái trẻ, mập xinh tươi và phong nhuỵ lại kiếm ông. Đó là con gái ông đang học nghề thợ may. Hai bố con chuyện trò thủ thỉ và thủ thỉ. Rồi thấy ông Tư rút tiền cho con. Tiến “puốc boa” của ai, của anh, của tôi, của tứ phương, của thiên hạ!

Tôi lại tiệm ông Bẩy được cái không ai để ý tới vì chỉ là đi tòng một anh bạn nghiện thực thụ. Năng lui năng tới cái nơi hút xách này tôi rất sợ nhớ phải mang lấy nghiệp vào thân. Chỉ vì trong nhà tôi đã có một cái gương tầy liếp: một ông chú nghiện. Tôi thấy đời ông ba chìm bẩy nổi chín lênh đênh cũng chỉ vì cái nghiệp thuốc sái. Và cuộc đời khốn đốn của ông nào phải chỉ có riêng ông chịu. Nó đã cuốn theo cả một gia đình cơ cực. Vợ con, anh em đã vì ông mà bị khổ lây. Cho nên, từ khi ra đời tôi đã tự đặt cho tôi một khẩu hiệu để luôn luôn tuân theo. Cả những lúc vui anh vui em, trong những cuộc truy hoan, tôi đã luôn luôn tự nhắc mình câu này: “Có thể tất cả trừ thuốc phiện”. Vậy thì tới nhà ông Bẩy, tôi đã cố tránh những hành động những sự kiện có thể kiến cho tôi nhiễm thói quen đó. Nghiện hút chung quy cũng chỉ là một thói quen. Và lúc ấy hình ảnh ông chú nghiện quắt người, má hóp một cách kinh khủng đã hiện ra trước mắt tôi cùng với thím tôi đói rách và các em họ tôi không có tương lai. Để hết sức giữ gìn và để cứu vãn tình thế, tôi đã có một đức tính mà các bạn lấy làm thú vị bằng lòng tôi vô cùng và không những không thấy khó chịu, bực tức lại còn đến tìm tôi mỗi khi đi ra… “sân bay”.

Ấy là đức tính kiên nhẫn và không sốt ruột, không đếm xỉa đến thì giờ, có thể nằm dài cả buổi, nửa ngày cả ngày, cùng anh bạn nghiện. Để làm gì? Để cho có bạn. Vì cái nghiệp đi hút thường cần lôi kéo một anh bạn tâm giao nằm cạnh, có thế thôi. Mà nhất là anh bạn chầu rìa với nhiệm vụ một phụ tá đó về cái nghiệp đổ tường này phải có thái độ trung lập không lên mặt đạo đức, luân lý khuyên răn.

Vậy thì đã có những buổi tôi nằm cả ngày tại nhà ông Bảy, trên đệm trắng, gối bông gòn, bên cạnh anh X. Bạn tôi là một khách hút chi tiêu rộng rãi nên được ông Bảy kính nể. Tôi nằm cạnh có choán không mất một chỗ cũng chẳng sao.

Song muốn được biệt đãi như vậy tôi cần phải đi cùng với X. Bởi vì có một hôm quen mui tưởng rằng có thể hưởng cái thú tơ mơ nằm tiệm, thả tư tưởng theo làn khói tứ phương mà không phải tốn kém lắm, tôi đã lại một mình, và cũng cứ ngự như mọi ngày trên đi văng dành cho những khách hút lịch sự. Bên cạnh tôi, trên đệm êm mọi ngày vẫn là chỗ nằm của X. bây giờ là một “sừ” tây kết nghĩa, mặc quần áo cáu ghét, sờn rách và chỉ đủ năng lực tài chánh kêu có 1 ngao với sái mà lại tiêm lấy không cần bồi. Chúng tôi đang nằm yên ổn, tôi đọc báo, “sừ” tây thì nước thuốc và tiêm một cách chiến thắng. Bỗng có 2 người khách vào đứng nhìn xem có chỗ nào vắng thì nằm hút. 2 người này thuộc loại khách quen và “sộp” vẫn chiếm chỗ thường xuyên trên đi văng gối đệm lịch sự. Thấy họ vào ông Bẩy xun xoe chào mừng và giơ tay mời lên chỗ dành cho những khách lịch sự rộng rãi. Lúc ấy ngoài hai chúng tôi ra phía bên cạnh cũng có khách nằm hút thuộc vào hạng lịch sự rộng rãi rồi. Ông Bẩy liền đuổi chúng tôi một cách rất tàn nhẫn. Khuôn mặt hiền lành của ông ngày thường bỗng trở nên ác nghiệt. Giọng nói ôn tồn vui vẻ của ông vừa rồi bỗng đổi ra mắc mỏ, khắc khe:

“Ông Hai! Xuống dưới kia nằm”.

Xuống dưới kia tức là sang cái giường bên cạnh, phía bên phải lối đi giữa nhà, nơi dành cho những loại kiết cú.

Chỉ 2 tiếng xuống dưới cũng đủ hình dung được cái cảnh nhát tự cách trùng và tình trạng vô cùng thấp kém của chúng tôi. Tôi đã ngoan ngoãn nghe theo vì cũng nhận rõ cái địa vị của mình trong bọn khách nằm nơi đây. Vả lại, trong cách xử thế, tôi vẫn hằng theo cái triết lý an phận thủ thường của cố nhân. Trong khi ấy ông Tây kiết hút xong đã lâu, còn mải miết xem một cuốn tiểu thuyết cũ rách bìa, không nghe rõ lời hiệu triệu của ông Bảy, nên đã bị ông lôi xềnh xệch xuống dưới kia. Đến lúc ấy ông Tây mới hiểu rõ, ngoan ngoãn để người ta lôi đi, Ông ta đem theo nào bao thuốc lá, cái “kiềng”, quyển sổ tay, một ly cà phê đen uống đã gần cạn và cả cuốn sách khổ. Ông ta dọn chỗ sang giường dưới kia cũng cồng kềnh đồ đạc đi lại hai ba lượt như là dọn nhà vậy. Hai quý khách thấy vậy có lẽ cũng ngượng rằng mình đã gián tiếp không lịch sự nên đã ra hiệu cho ông Tây cứ ở yên chỗ cũ để mình nằm giường dưới cũng được. Nhưng ông Tây đã tay mang tay xách, miệng nói dằn tiếng: Ca-ca-va! C-c-ca-va! (Được rồi)

Chúng tôi đã nằm yên chỗ trên cái giường vô sản lúc ấy đã có một cô điếm đang ngủ say. Tôi mỉm cười hỏi người Tây:

“Ca va?” (Có khá không?)

Thì được ông ta cho ra một tràng tiếng Pháp lời và ý lâm ly và buồn thiu như một bài văn thiêng tường:

“Ồ! Khá gì, thất nghiệp đã 3 tháng nay. Vác đơn vào đâu cũng chi thấy có rán người. Mà tôi thì thầu khoán được, chữa máy, trồng tỉa được… Nếu tôi chưa xin hồi hương cũng chỉ vì tôi thương vợ tôi – người Việt Nam – hiện chửa 6 tháng và đã có một con với tôi…”

“Mỗi ngày hút bao nhiêu? Mấy bữa?”

“Ồ hai bữa, mỗi bữa một ngao 10 đồng”.


*


Do lẽ cha truyền con nối, tiệm ông Bẩy có ngót 30 năm thâm niên. Nếu 30 năm có thể tính là một đời họat động thì thành tích của tiệm này không phải không đáng kể. Vì rằng trong một đời người, thời gian 30 năm dài dằng dặc đã giúp một vĩ nhân thừa sức xây dựng một sự nghiệp vĩ đại. Ba mươi năm làm văn nghệ, ba mươi năm làm chính trị, ba mươi năm thương truyền hay kinh doanh thì sao lại không thể ba mươi năm mở tiệm hút với ba mươi năm nghiện ngập! Nếu ta tính đốt ngón tay và thử định lại mốc đi của dòng năm tháng, ta sẽ nhận thấy tiệm này khai trương vào khoảng những năm 1926 – 27. Nghĩa là nhằm thời hoàng kim của chủ nghĩa thực dân. Đời sống thanh bình êm ả dưới chế độ những quan cai trị Pháp, cao su mọc tốt lắm. Cà phê, chè, lúa cũng “bố cu” tốt. Nhân công thì rẻ như bèo. Người dân một mực phục tòng dưới sự điều khiển của các ông Huyện, ông Phủ, ông Tuần trung thành và tận tâm với “Mẫu Quốc”.

Cái thằng dân “An-Nam” tuy rằng chỉ thừa hưởng cơm thừa canh căn nhưng do cuộc sống trong cái “hoà bình” kiểu Pháp quốc (la paix francaise) thẩy được làm ăn yên ổn. Và theo câu thơ của một thi sĩ Pháp ở thuộc địa – auteur colonial – thì trong nhà anh Nguyễn Văn Nguyên buổi tối đèn thắp sáng, người ta nghe thấy:

“Sụch sạch tiếng chạy của một máy khâu!”

Phải! Giữa cảnh thanh bình kiểu thuộc địa ấy người ta thấy có những ông Tây sung sướng từng phả cái nhịp sống đầy đủ đẹp đẽ vàng son vào những đợi khói làm của bàn đèn, và chất nhựa nâu ma tuý của nha phiến. Ông này đi liền giới thiệu ông kia tới. Cũng vì vậy tiếng ông Bẩy đã vang sang tận kinh đô Ánh sáng và danh tiếng tiệm 6… Chaigneau đã vọng tới Ba-Lê!

Hình như vị Hàn lâm Pháp Cl. Farrère đã ca tụng tiệm ông Bẩy trong cuốn sách Khói nha phiến của ông. Ông đã có dịp nằm dài trên cái đi văng này, thả tư tưởng loại Hàn lâm viện theo làn khói trắng và quyện những cảm tình người Tây phương vào trong nhạc điệu ro ro của Viễn Đông. Nếu một nhân vật tiếng tăm vẫn để dấu vết đó sẽ vì người mà cũng được tiếng thơm. Cho nên tôi tưởng, nếu ông Bẩy là người biết thưởng thức cái đẹp, ông có thể cho gắn tại đầu đi văng kia trên phiến ván gỗ áp tường đã lên mầu thời gian một cái biển đồng kỷ niệm với mấy dòng chữ vàng Ở chỗ này ông Claude Farrère trong Hàn lâm viện Pháp đã từng nằm và đi mây về gió. Và tôi cũng tưởng, nếu ông Bẩy là người biết yêu chuộng cái thực – cái thiện ở đây đã không thành vấn đề - ông cũng không có thể gắn song song bên cạnh, một tấm biển đồng kỷ công trong lúc nước nhà đã hoàn toàn độc lập, văn hoá cũng bình đẳng ngoài biên giới và người văn nghệ Việt Nam cũng đồng đẳng với người văn nghệ quốc tế.

Ở chỗ này ông X. phóng sự gia Việt Nam đã từng nằm ca bản Không quân Việt Nam…

Thực là một hành động, một công cuộc vì Chân và Mỹ! Thế nhưng tại nơi nàng Farrere đã từng nằm, chúng ta đã thấy gì? Cũng một dân Pháp nhưng là một “Oặt công”, mũi càng lõ, mắt càng sâu, mà lòng con người xanh đã ngả mầu vàng đục. Va nằm ngủ, há hốc cái miệng, người thon ốm gầy quấn trong chiếc chiên mầu xám bẩn. Va là một khách hút suốt năm tháng tại đây, biên sổ đồng chịu đồng trả, ăn cơm tiệm và ngoài 2 buổi làm việc tại một công sở Pháp thì lại về đây hút hút và hút. Không vợ con không tham vọng, Va lấy tiệm làm nhà, bồi tiêm làm thân thích và ông Bẩy làm cột trụ. Thường thường, Va nằm trong một góc trong cùng đi văng, coi như là chỗ ở của riêng mình. Xung quanh, trên ngăn gỗ, Va để sách vở chiếc cặp da và đôi giầy của Va. Treo lưng chừng cao trên sợi dây thép trước mặt là một dẫy áo lót đã là ủi sẵn và phất phơ cái cà vạt cùng ướt sũng với một chiếc khăn mặt bông dài. Với cung cách ấy, Va đã rắp tâm trọn đất nước này làm nơi sinh tử và lấy tiệm ông Bẩy làm cái đích đi tới của cuộc đời mình…

Cờ-rét-sông – tên của Va – đã tươi cười lịch thiệp nhận cái bắt tay của tôi chìa ra như để khởi đầu một cuộc gặp gỡ bình đẳng và cởi mở. Là vì trong số những khách hút tại tiệm này, trừ mấy người Tây và Đầm cùng một số ít người V.N. lịch sự ra còn thì toàn những dân kiết cú thất nghiệp gái điếm không xứng đáng giao-du với Cờ-rét-sông.

Vả lại trong tiệm hút thường thường người ta dễ làm quen với nhau. Hơn nữa, người ta cần làm quen, cần kết bạn, dẫu rằng chỉ trong thời gian nằm gần nhau cạnh bàn đèn. Hình như ánh đèn dầu lạc vàng vàng, khói thuốc thơm toả ra trắng trắng, tiếng vọng ro ro đều đều, cả cái bầu không khí của hạnh phúc nhân tạo và ảo ảnh đã khiến con người cùng một nghiệp dễ dàng trở nên những bạn tâm giao (!). A! Đây thực sự mới là những đồng nghiệp!

“Ca va? Me sừ Cờ-rét-sông?” (Chào ô. Cresson khá chứ?)

“Ô! Pa ma, e vu?” (Ồ phải chăng, còn ông?)

“Mét-sì, pa-ma ốt-sì”. (Cảm ơn cũng khá vậy)

Sau mấy câu xã giao trên, chúng tôi đã nằm gần nhau cùng chung một bàn đèn. Song ở đây cũng như trong tiệm hút, cá nhân chủ nghĩa đã được thực hiện triệt để và quyền tư hữu được tôn trọng hết sức dẫu rằng chỉ là quyền tư hữu 1, 2 ngao thuốc con con và cá nhân chủ nghĩa chỉ có nghĩa là của ai người ấy hút. Mời mọc nhau 1 ngao 2 ngao giữa đôi bạn nghiện thực thụ là cả một chuyện hy sinh hiếm có.

Tôi muốn làm thân với Cờ-rét-sông vì nhận thấy ở người anh từ cái khuôn mặt mỏng manh, cái cằm nhọn vút đến cái khổ người thon thon, những cử động khoan thai, đã có cái gì điển hình một hàng người Tây phương lịch sự, tri thức. Từng biết “dân” Pháp dễ bị mua chuộc mà có khi chỉ bằng cái lợi con con - điều này giới quan lại biết rõ hơn ai hết – tôi đã mời Cờ-rét-sông một ngao thuốc. Tức thì anh ngồi nhỏm dậy giơ tay bắt rất chặt, cảm ơn rối rít và để lộ vẻ sung sướng hả hê khi tiếp nhận một đôi gà tây, một rổ trái quả đầu mùa do nhân viên Việt Nam tuỳ thuộc dâng lễ trong dịp Tết Tây hoặc Noel.

Cờ-rét-sông đã hóp đôi má, lim dim đôi mắt, để hết tinh thần kéo điếu thuốc thần tiên và cả miệng, tay, toàn thân y đã gắn vào đầu dọc tẩu như con người khổ sở bám lấy một nguồn vui, nguồn sinh lực. Tông Cờ-rét-sông hút một cách mù quáng, mê say và khốn khổ như vậy, ta có cảm tưởng rằng:

“Nước Pha-lăng-Sa đang lâm vào tình trạng sa đọa, truỵ lạc ghê gớm mà số phận cả nước đã được định đọat một cách quyết liệt bới cái đọc tẩu tượng trưng!”

Điếu thuốc đã hút rứt. Cờ-rét-sông nhả đầu dọc tẩu và buông tay, nghếch đầu với ly nước chiêu một ngụm, rồi nằm cả toàn thân trên đệm, trên gối một cách thoải mái, thoả mãn sung sướng để chờ tiếp thu điếu sau. Tôi gợi chuyện về cuộc đời của anh, được anh cho biết rõ như đối với một bạn tri kỷ:

“Tôi sinh trưởng ngay ở Sài Gòn này. Hiện nay làm công chức tại Sở X. thuộc Cao Ủy Phủ. Bố tôi mất từ lúc tôi còn nhỏ. Còn mẹ tôi mới mất năm 1942 tại Pháp giữa cuộc chiến tranh mọi đường giao thông bị gián đọan. Cho nên ở Đông Dương tôi đã được tin đau đớn đó mãi 4 tháng sau, do bức điện tín gửi qua Hồng Thập Tự Quốc Tế.

Tôi từ bé vẫn được nuông chiều hơn anh tôi hiện cũng làm công chức ở đây. Nên khi được tin mẹ tôi mất mà biết quá chậm tôi đã đau đớn vô cùng.

Và từ đó tôi cứ đi hút hoài. Để rồi mắc nghiện. Tôi bỏ và cai được bốn năm lần rồi rút cục, “A qua bông hẻ” [1] , tôi lại hút. Tôi hút biên sổ ở tiệm này cuối tháng lãnh lương trả. Bố Bẩy chỉ được cái hay quên và quên lấy được. Vừa rồi “Bay” (tức Bẩy kêu theo giọng tây) – đã xập xí xập ngầu của tôi bốn trăm đồng”.

Cờ-rét-sông nói một thôi dài đi từ cái đại thể cuộc đời đến các chi tiết bất ngờ và vạn vật. Anh đã đỡ điếu thuốc thứ 25, chắc đêm nay anh có điều phiền muộn hơn đêm qua. Vì ông B. bồi và tiêm của anh - đã lẩm nhẩm lẽ dĩ nhiên bằng tiếng Việt và yên trí rằng người Tây này không hiểu: “Chà! Thằng bé con này hút dữ. Mọi tối nó hút có 3 ngao 12 điếu là cùng”

Và Cờ-rét-sông đã nói tiếp:

“Cứ cái cung cách này, tôi đến phải cảm ơn “Bay” để đi hút chỗ khác mất thôi”.

Cờ-rét-sông đã hạ giọng, ghé đầu lại gần tôi như nói một điều bí mật:

“Sớm mai tôi nằm tại một tiệm giữa đường Guynemer tiệm Tầu, thuốc vừa ngon vừa rẻ, một ngao cũng 20$, được 5 điếu cả nhựa”.

Tôi thấy anh ngồi dậy, tôi tưởng anh phát lộ nỗi tức giận gì. Nhưng không! Anh ngồi dậy chỉ để sửa soạn để đi làm buổi chiều. Bỗng nhiên, hướng về phía tôi, anh tươi cười nói:

“Cuối tháng túng qua. Không đủ tiền đi xe ra sở nữa. Anh giúp tôi việc này nhé”.

Tôi tưởng việc quan trọng nên chăm chú nghe, rất đứng đắn. Nhưng Cờ-rét-sông cười nói tiếp:

“Tôi biên sổ ở đây. Tôi sẽ bảo biên vào sổ tôi 3 ngao 6 chục của anh và của anh bạn kia. Vậy đáng lẽ cho “Bay” 6 chục, anh đưa cho tôi để tôi có tiền đi xe…”

Anh bạn tôi nằm bàn đèn ngay bên cạnh đã vui lòng chấp thuận loại “com-bin” đó vì cũng tưởng rằng mình chẳng thiệt hại gì mà lại làm ơn cho anh bạn hút quen. Anh không ngờ rằng khi ra về qua trước mắt ông Bảy, anh cho biết hôm nay Cờ-rét-sông thết anh 3 ngao biên sổ “luý” [2] , ông Bẩy cần tiền và cần trả ngay đã thất vọng mặt thống xuống y như… chữ nài.

Đọan kết

Thiên phóng sự Đô Thành nghiện hút với những tiệm thuốc phiện tại Sài Gòn – Chợ Lớn đến đây có thể tạm dừng. Bởi lẽ cái gì thuộc về thuốc phiện, theo bản chất lầy nhầy, quanh quách và hung hung đen của nó, vẫn có thể “cô” lại để cho tiện việc. Thuốc lỏng phải 7, 8 tiên mới được một điếu, đem “cô” lại chỉ cần có hai ba tiêm thôi. Như vậy tiết kiệm được công chuyện và thời giờ mà hiệu lực cũng như nhau. Vậy thì nếu cứ để nguyên thể lòng mà phóng, phóng sự, độc giả sẽ mất nhiều công chuyện và thì giờ để thưởng thức một món thuốc tinh thần, có thể thú vị, có thể nhạt nhẽo trong khi đem “cô” lại, những hình ảnh dung từ thú và nhạt vẫn còn được nguyên vẹn, mặc dầu hôm nay độc giả và phóng sự giả, chúng ta đã bắt tay nhau chào tạm biệt. Nếu độc giả nào đã sửng sốt vì hai đại tự ĐOẠN KẾT và cho rằng câu chuyện “sì tốp” đã bất ngờ thì thực chưa hiểu công dụng của sự kiện “cô” trong cái nghiệp đời đời của thuốc sái.

Vậy thì để kết luận, nhà phóng sự, trong câu chuyện có thể còn dài, đã hạ bút chấm hết cũng chỉ vì không muốn kéo dài hơn nữa. Cô điếm ơi! Tôi để yên cô ngủ say sau những đêm trắng quyện với làn khói trắng. Tôi không muốn đánh thức cô bằng cách lôi cô ra ánh sáng của phóng sự. Cô ngủ há hốc cái miệng, mặt nhợt nhạt như đã chết mấy lần, như để cụ thể hoá cái sa đọa nha phiến. Và các chú Tầu chủ tiệm, các chú Tầu bồi tiêm. Các ông Bẩy chủ mươi cái bàn đèn, các ông Bẩy 1, 2 mâm hút, và ông B. và ông Tư tôi hãy tạm gởi các ông 2 chữ Bình An. Kia nữa bên lề cuộc đời họat động tưng bừng và gay go, anh Năm, ông X. Y. Z., Bạn Ng. V. Mỗ, “sừ” Pê-tô, “sừ” Cờ-rét-sông, những khách hút Việt và Pháp sống thác với cái bàn đèn, chào… quyết thắng! Với tất cả những chủ và khách, đã từng năm tháng, sống chung quanh ngọn đèn dầu lạc luôn thắp sáng, với những gái điếm và bồi tiêm, trai lưu manh và dân thành tích bất hảo đã khiêu vũ triền miên trong ánh sáng úa vàng, tôi chấm dứt thiên phóng sự này với ước mong mãnh liệt một tác động mãnh liệt của nhà cầm quyền để tắt phụt ngọn đèn muôn kiếp, đập vỡ bàn đèn truyền nghiệp, và giải tán những đoàn người quỷ hay ma. Sao còn được tồn tại gần như công khai cái hệ thống gớm ghiếc người và vật, ro ro cả ban ngày ro ro cả ban đêm? Ngọn đèn chắc nịch qua làn kính đầy ran sao vẫn còn được ngạo nghễ tượng trưng cho lửa thiêu đốt giống nòi Việt-Nam? Giờ đây nước Việt Nam đã độc lập và những sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới đã bị đập tan. Câu chuyện giới yên, cai thuốc phiện, giác ngộ bùn sơ, vẫn biết là công việc của cá nhân cùng cương quyết, nghị lực và quật cường song người anh hùng đã không thể lực và quật cường, song người anh hùng đã không thể anh hùng mãi mãi khi mùi thuốc thơm vẫn công khai tung hoành và ánh đèn dầu cổ điển vẫn toả ra công cộng. Cai dễ kiêng khó. Chừa được giữ làm sao? Cho nên yếu tố định đọat và quyết liệt phải từ ngoại lai. Ở đây chính quyền phải đóng vai trò can thiệp duy nhất và hữu hiệu. Một qui định phải được thảo ra và được thi hành triệt để, đóng cửa các tiệm hút và kết tội các gã nhân tình của ả phù dung, các chủ chứa chủ tiệm, các bồi săm bồi tiêm.

Vậy để gây hào hứng đôi chút cho đọan kết, tưởng không gì hơn là tung ra mấy trang nhật ký sau đây của anh X. một người suýt mắc nghiện và kịp thời giác ngộ. Nói một cách nôm na không có dính dáng gì đến đẳng cấp quân sự, đến hình thức đấu tranh của thợ thuyền, thì đây là một cuốn nhật ký… Cai.


*


4.6.55, 8 giờ sáng – Hôm nay nhất định bỏ, nhất định thôi, nhất định không đi hút nữa. Thằng bạn nào rủ cũng nhất định từ chối. Nó có vật nài thì mắng thẳng vào mặt nó. Ừ! Mà sao lại có thể mềm yếu? Hiện tại và tương lai của mình nó có thể đảm bảo được không? Còn thân thế, còn sự nghiệp, còn gia đình, còn xã hội nữa. Chao ôi! Đã nghiện rồi thì tất cả đều là những tiếng trống rỗng.

12 giờ trưa – Ô hay! Ăn cơm sao thấy ngán. Bụng cứ chướng lên, cái gì đè trong cổ họng không nuốt được nữa. Thịt dim giò kho mà mùi cứ gây gây, lợm giọng. Ăn được 2, 3 miếng cơm đành buông bát đũa. Vợ hỏi sao, mình phải nói thác đi là đầy bụng.

Suốt buổi chiều – Cứ buồn ngủ hòi. Có khi đang đứng, đang ngồi mà chợp mắt ngủ lịm đi. Thôi đi ngủ nhưng ngủ cứ chập chờn, mệt nhọc.

8 giờ tối – Phải bỏ cơm, không ăn gì được cả. Người mệt lả. Đọc sách cũng không được. Tinh thần mỏi mệt.

9 giờ tối – Đi ngủ. Suốt đêm mê. Có lúc như đầu dọc tầu quay về phía mình đưa đến tận miệng!

5.6.55, 9 giờ - Sáng dậy mệt quá, miệng đắng, sùi đờm rãi, hắt hơi luôn 10, 12 cái và nước mũi cứ chảy hoài. Không ăn được gì cả. Người mệt chỉ muốn nằm hay có ngồi thì phải tựa lưng.

12 giờ - Mệt quá, tay không có sức và không buồn với chén nước ngay bên cạnh. Phải sai người lấy dùm. Không ăn gì, chỉ uống nước cam vắt đá cho đỡ khát háo và mệt.

15 giờ - Ngủ chợp trên ghế xích đu…

Tối – Đêm ngủ lại mê sảng.

6.6.55, Sáng sớm – Mệt quá, không muốn dạy, không nghĩ tới súc miệng, đánh răng. Mệt lả đi. Bởi vì đã không ăn uống gì lại đi ngoài không biết bao nhiêu lượt.

Trưa – Cố gượng dậy. Lấy hết nghị lực để đi đứng. Lảo đảo mấy bước rồi lại nằm vật trên giường. Người nhà lo lắng tính chuyện đi mời bác sĩ, ông lang... Mình đều một mực chối từ, bởi mình biết bịnh mình lắm lắm.

Nằm lơ mơ trên đi văng mà mê thấy cùng nằm với 2, 3 bạn thân trong một tiệm hút quen. Dọc tẩu chĩa về phía mình hoài!

Chiều 4 giờ - Bụng thấy hơi đói vì đã chỉ đi ngoài rồi. Ăn một chút cơm tấm giò chả và canh gan. Ăn xong mệt quá lại đi nằm dí.

Đêm – Ngủ vẫn chập chờn. Gióng chân khuỷu tay buồn ray rứt như muốn dời khỏi tay khỏi chân. Các bắp thịt rời rã. Gân bụng trườn lên bứt rứt, buồn buồn, rất khó chịu. Ngủ vẫn mê sảng.

7-8.6.55 – Sao mắt cứ long chong liền mấy đêm không ngủ được. Nguy quá!...

Hết


[1]Cần quái gì hả?
[2]Luý: ông ấy

Nguồn: Những thiên đường lỡ. Phóng sự của Triều Đẩu. Họa sĩ Phạm Tăng trình bày bìa. In xong ngày 30.11.1957 tại nhà in Phan Thanh Giản, 21 Võ Tánh, Sài Gòn. Giấy phép số 1.417 – X.b. ngày 2.9.1957 do Nha Thông tin Nam Việt cấp. Tựa của Bùi Xuân Uyên. Nhà xuất bản Tấn Quảng Lợi.

No comments: