===
updated: 8.5.2005
Về mối Quan Hệ Giữa Tự Đức và Nguyễn Du, Hay Là Vấn Đề Muôn Thuở của Tự Do Sáng Tác
Tham luận của Trần Mạnh Hảo tại Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII
Kính thưa quý vị đồng nghiệp tôn quý,
Kính thưa quý vị lãnh đạo và quan khách
Trần Mạnh Hảo tôi tuy 70 ký nhưng thực ra chỉ là một con sâu, nói đúng hơn, là một con sâu ăn lá dâu internet, nghĩa là mới đốc ra mê các tờ báo mạng, dù sáng nào cũng phải vượt qua bức tường lửa mới đọc được cái gì mình thích đọc, mà không cần ai chọn món ăn tinh thần dùm cho mình như bà bảo mẫu chọn cháo, hay thực đơn sữa cho trẻ nhỏ. Sáng sớm 21-4-2005, tôi đang đọc báo mạng, thì nhà thơ Hữu Thỉnh gọi vào bảo : Ông viết tham luận chưa, gửi bằng email ra ngay để đăng ký đọc sớm. Tôi bảo : thôi anh Thỉnh ạ, tôi xin im lặng ngồi nghe là quý cho Đại hội bội phần rồi, cho tôi lên tiếng là hơi bị mệt đấy. Anh Thỉnh bảo : ông cứ viết đi, viết cho hay vào ! Tôi ra điều kiện : tôi sẽ viết tham luận, nhưng viết thật lòng những suy nghĩ của mình về nghề văn, cả điều vui và nỗi buồn, mong được sự “đối thoại” lại của đồng nghiệp, thậm chí của sự giải thích từ cấp trên, nếu cấp trên “hạ cố” đối thoại cùng văn nghệ. Anh Thỉnh khuyến khích : thì có ai cấm ông nói thật đâu. Vâng, được lời như cởi tấm lòng, tôi xin thành thật đây, mặc dù biết : “ Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Bài tham luận này của tôi, vì sự thật đôi lúc rất khó nghe, có làm mất lòng ai đó thì xin làm ơn bỏ quá cho, cũng đừng vỗ tay đuổi xuống mà lớp trẻ nó lại cười cho rằng các bố già không biết “đối thoại”, ai nói hơi trái tai một tí là “Phong Lai mặt đỏ phừng phừng”. Vâng, vì tương lai của nền văn học, hơn nữa là tương lai của văn hoá Việt Nam mà chúng ta có mặt ở đây, trong hội trường Ba Đình lịch sử này, không chỉ để hoan hỉ chén chú chén anh đặng bầu bán nhau lên chấp hành chấp tỏi, mà thiết yếu là bàn xem, làm cách nào có được tác phẩm lớn như nghị quyết đảng từng nhiều lần yêu cầu chúng ta .
Tương truyền, vua Tự Đức là người rất mê Truyện Kiều, như mê “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn y lại để dành hơi”. Nhưng khi đọc đến câu thơ Nguyễn Du viết về Từ Hải : “ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhà vua đập bàn quát : “ Bắt ngay Nguyễn Tiên Điền vào đây cho ta, quất cho 20 roi để gã biết trên đầu còn có ai hay không ?”. Quan hầu thưa : “ Khải tấu, Nguyễn Tiên Điền tịch đã khí lâu rồi tâu hoàng thượng !”. Nhà vua không thể rút lệnh đánh roi Nguyễn Du về được, bèn phán : “ Treo cái án 20 roi ta ban cho Nguyễn Du lên giữa giời, để bọn văn nhân thi sĩ đời sau nhìn thấy gương tày liếp này mà liệu liệu cái thân phận bút nghiên thấp cổ bé họng thi với phú cứ thích chơi trèo !”. Hai trăm năm qua rồi, hậu thế vẫn còn mừng cho Nguyễn Du không bị vua nọc ra đánh toét đít, bởi vì cái chết đã cứu ông ! Cũng may vô cùng cho hậu thế, may vô cùng cho văn hoá Việt Nam, đội ơn vua Tự Đức bội phần. Ngài đã không vì một câu thơ “khi quân” của Truyện Kiều mà ra lệnh đốt hết sách Nguyễn Tiên Điền hay bỏ “Đoạn trường tân thanh” vào cối giã để lấy giấy tái chế như hôm nay. Ngài đã hi sinh cái “sĩ diện thiên tử” bị xúc phạm đi, như nuốt một mối nhục lớn, để dâng hiến cho ngàn sau dân tộc một kiệt tác vĩ đại nhất là Truyện Kiều mà Ngài từng rung đùi thưởng ngoạn cùng trăng thanh gió mát nơi Khiêm Lăng tuyệt mỹ. Ôi, giá mà thời nay có được vài ông vua như vua Tự Đức thì mấy cuốn sách “hiền như bụt” kiểu : “ Thượng Đế thì cười” của Nguyễn Khải, “ Truyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn”, “ Đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh… dù lục lọi mỏi tay, tìm bới mỏi mắt cũng chẳng thấy một câu văn khi quân nào, đã không phải ném vào máy nghiền để thành bột giấy !Than ôi, thời Nguyễn Du, thời vua Tự Đức làm gì đã có pháp lệnh : “TỰ DO SÁNG TÁC” như hôm nay. Nhưng cái món roi vọt kia vốn là món sở trường vua chúa Trung Hoa dành cho văn thi sĩ, tuy chưa kịp quất vào thân xác Nguyễn Du, thì nó vẫn còn hằn đầy ra đấy trong Truyện Kiều. Mỗi câu lục bát nổi lên như một vết lươn không chỉ của lằn roi định mệnh quất nỗi đau lên trang giấy xưa, mà là đòn roi hiện thực Tú Bà quất vào thân xác Thuý Kiều, hiện thành thơ rơm rơm máu, xót xa lòng mai hậu nỗi kêu thương đoạn trường muôn thuở. Về mối quan hệ giữa roi vọt và thi ca, tôi đã viết bài tứ tuyệt có nhan đề : “Tú Bà định hướng Thuý Kiều” như sau : “Này tấm lòng trinh bạch / Bà đánh chừa nghe con / Thuý Kiều đâu trang sách / Để câu thơ chịu đòn”…
Để truyền nỗi đoạn trường của thời đại mình lại cho hậu thế, cũng chính là nỗi buồn đau muôn thuở kiếp người một cách đệ nhất tài tình, đệ nhất rung động nhường ấy, tôi đồ rằng, khi ngồi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết với tâm thức tự do sáng tác tuyệt đối. Nghĩa là trong thế giới sáng tạo của bút nghiên, thi sĩ chính là Thượng Đế, là ông chủ của vũ trụ thi hứng, phải ứng xử như đấng toàn năng với nguyên tắc bất di bất dịch : “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai !”. Vâng, tự do sáng tác là khi ngồi trước trang giấy, nhà nghệ sĩ là Chúa Trời sáng thế. Anh tuyệt nhiên không được phép để một ám ảnh sợ hãi nào quấy nhiễu mình. Ví như anh còn phải day dứt viết thế này, viết thế nọ mới được duyệt in; rằng đang có bao nhiêu đôi mắt soi mói vô hình kiểm duyệt anh từ xa ví như viết xong một câu văn là cứ phải mắc bệnh tương tư, nhớ đến anh Khổng Minh Dụ [1], anh Đỗ Kim Cuông [2], anh Trịnh Đình Khôi [3], anh Nguyễn Đình Nhã [4], anh Vũ Duy Thông[5], nhớ mấy anh canh cửa phê bình, nhớ anh giám đốc duyệt bài, anh biên tập viên cầm hai tay hai cái kéo, nhớ anh duyệt lưu chiểu hồi này với máy dò câu chữ nghe đồn còn kỹ hơn máy dò hành lý hải quan; thì than ôi, bằng ấy cơ chế kiểm duyệt đè nặng lên tâm lý sáng tạo của anh, nên “vừa viết vừa run” như thế; nghĩa là anh vừa viết vừa tự thiến đứa con tinh thầm của mình, cho khi ra đời nó không được có cơ hội cuồng lên vì phát dục, xóa hết bản năng sinh tồn bùng sôi của nó đi, đẽo gọt chân nó sao cho vừa với đôi giày “chính trị” đi, thì nhà văn ơi, tự do sáng tác ơi, ta chào mi, vì mi quá nhiêu khê, quá rách việc, quá nhiều cơ quan và nhiều cá nhân quyết định việc sống còn của ngòi bút mi theo kiểu nhiều cha con khó lấy chồng. Quá nhiều người gác cửa, có thể bất cứ lúc nào vui thì cho anh qua, buồn thì giữ anh lại khám xét, lục vấn, xử lý cấm cản tuỳ tiện vô nguyên tắc như từng thô bạo xử lý bao nhiêu nhà văn, bao nhiêu tác phẩm chết oan vì vừa ra đời đã bị bóp mũi.
Với cơ chế luật pháp lằng nhằng, cấm thì bảo cấm, thu hồi thì bảo thu hồi, kiểm duyệt thì bảo kiểm duyệt y như thời Tây đi một nhẽ thì nhà văn sẽ mừng vô cùng. Nhưng đảng ta bảo, chế độ ta tự do báo chí, tự do sáng tác, không kiểm duyệt mà khi thực hiện thì than ôi, ai có qua cầu mới biết, gò bó cấm cản muôn phương. Thời Tây, nước ta mất, dân ta nhục, Tây nó bảo tao không cho chúng mày tự do sáng tác, tự do báo chí, tao kiểm duyệt rõ ràng đây này; luật nó khiếp hãi, gian ác là vậy mà dân ta rón ra rón rén đến cười cười nói nói giả lả làm quen, thử xin nó ra báo tư, xuất bản tư xem thằng Tây này mày nô lệ các quan đến hồi nào mới thôi đây! Tây xem giấy phép tí tẹo xong, cho liền anh này ra báo tư, anh kia xuất bản tư, mừng quá ! Thời Mặt trận bình dân nó còn cho cả báo chí, xuất bản của đảng cộng sản ra công khai, mới có hàng loạt tiểu thuyết lớn xuất hiện, tố cáo chính chế độ gian ác, phản tự do, phản dân chủ của nó;mà thằng Tây gian ác cũng lạ, sách ra, có nhẽ nó cóc đọc được tiếng Việt nên nó cóc có cấm, cóc có ban tư tưởng, cóc có A 25, có hàng chục cơ quan, hàng trăm người có thể thò tay thò chân vào nắn nắn từng con chữ như chế độ độc lập tự do bây giờ. Trong thời Tây nô lệ muôn vàn, gian ác muôn vàn, không hiểu các bố nhà văn ta hồi ấy lấy tự do sáng tác ở đâu ra mà sinh ra bao nhiêu kiệt tác : “Số đỏ”, “Chí Phèo”, “Tắt đèn”, “Kép Tư Bền”, “Bỉ vỏ”, “Vang bóng một thời”, “Thơ Mới 1932-1945”…truyền tới hôm nay !Viết báo viết văn chống Tây, công bằng nó cũng bắt, cũng bắn, cũng bỏ tù một mớ, nhưng thường thì nó chép miệng bảo : chuyện vặt, cho chúng mày chửi, coi như tao xả xú bắp cho dân chúng an nam mít chúng mày, ăn thua mẹ gì, xưa nay trong lịch sử nhân loại có thấy bọn văn sĩ nhát như cáy miệng hùm gan sứa kia đưa tiểu thuyết, thi ca ấm ớ ra mà lật đổ được triều đại nào bao giờ ?
Khi đưa nhân vậy cô gái lầu xanh Thuý Kiều ra làm nguyên mẫu cho cái đẹp, nâng cô gái phạm huý, phạm phong, phạm pháp kia lên thành nguyên lý CHÂN THIỆN MỸ CỦA THỜI ĐẠI, Nguyễn Du đã vượt qua mặt chế độ phong kiến dã man, vỗ cái đốp vào mặt chế độ nó nảy đom đóm mắt ra như thế mà nó tha chết cho thì kể cũng là một sự thậmhay và thậm lạ! Rồi Nguyễn Du lội qua chế độ phong kiến chưa có đảng ta lãnh đạo ấy mà tiến thẳng tới thời đại tự do dân chủ định hướng xã hội chủ nghĩa hôm nay, chính nhờ có nguyên tắc sáng tạo : “ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai !” đấy. Cái mà thời nay ta gắn cho nhà văn một thiên chức vô cùng tốt đẹp, vô cùng cao quý là : “Nhà văn là người hướng dẫn tinh thần thời đại”. Thời đó, Việt Nam ta chưa có chủ nghĩa Marx, chỉ có Nho giáo là tư tưởng chính thống của thời đại. Mà Nho giáo thì cương cường nghiêm chỉnh, khắc khổ, tu thân : “trai thì trung hiều làm đầu/ Gái thì tiết hạnh là câu sửa mình”; Nho giáo chúa là ghét chuyện ong bướm, chuyện lả lơi trai trên gái dưới gần như là chuyện phản động, thế mà Nguyễn Du lại đưa một cô gái lầu xanh ra từ nhà thổ để thông qua chữ hiếu của nàng, thông qua vẻ đẹp thân xác và tâm hồn của nàng mà xóa sổ những giáo điều giả dối phong kiến, đưa cô gái bị xã hội cho là thập thành ấy lên thành BÀ CHÚA CỦA CÁI ĐẸP thì “tội” ấy còn ghê hơn cả tội khi quân !
Thế mới biết quan niệm thẩm mỹ về văn học của ông cha ta thoáng vô cùng ! Nguyễn Du tất nhiên là thoáng vô cùng, mà Tự Đức cũng vô cùng thoáng, không thì làm gì chúng ta có được Truyện Kiều trên tay. Hi vọng, những nhà quản lý văn học nghệ thuật của chúng ta hôm nay cần phải học được lối ứng xử với nhà văn không hơn được thì ít ra cũng bằng với ông cha, mới hi vọng có tác phẩm lớn. Xin thực hiện đúng cương lĩnh ‘TỰ DO SÁNG TÁC’ của đảng và nhà nước vẫn ban hành, xin bơn bớt dùm đi các cấp trung gian, quan tâm tới nhà văn vượt mức các chỉ tiêu trên giao thì quý hoá biết là chừng nào. Xin chư vị Bắc Đẩu Nam Tào chứng giám, nếu NÓI và LÀM đượp khớp với nhau đẹp đôi như Nguyễn Du – Thuý Kiều ( nhà văn và nhân vật) thì cánh viết lách chúng em đây cứ là mở cờ trong bụng như lúa chiêm tháng tư này đang ngấp nghé đầu bờ, chờ tiếng sấm mưa móc tự do của đảng, hồn vía lúa sẽ phừng phừng phọt lên mà phất đòng đòng sáng tác, báo hiệu vụ chiêm văn học bội thu chứ chẳng chơi; rồi thì chúng em rúc rích họp cho hết đại hội 7 nhà văn xong là lại tưng bừng, phấn khởi chuẩn bị họp tiếp đại hội 8 ạ ! Chúng em sẽ túc tắc bảo nhau mà viết ra tác phẩm xứng đáng với thời đại, với dân tộc Việt Nam; một dân tộc mà số phận đã giành cho nó một khung cửa hẹp vào thiên đường độc lập tự do qua hàng triệu hi sinh xương máu, để cho quyền làm người được có cơ tồn tại dưới mặt trời, như chính Nguyễn Du, và Thuý Kiều từng khát vọng.
Hình như, trong kỳ họp đại hội nhà văn lần thứ 7 này, tôi đã manh nha thấy cái tinh thần cha ông xưa, cái quan hệ giữa chính trị và văn nghệ vừa cương vừa nhu, vừa thương khó, vừa phục sinh, vừa thuỷ vừa hoả tương khắc mà thực ra là tương hỗ . Truyện Kiều sở dĩ có được là bởi nó biết cách thai nghén, giáng sinh trong hang Betlem bò lừa của tự do sáng tác, nơi lãnh đạo chính trị và văn nghệ quan hệ với nhau theo nguyên mẫu cặp bài trùng kỳ ảo giữa Tự Đức và Nguyễn Du, rất nên được tham chiếu hôm nay. Chừng như mối quan hệ ấy đang ẩn hiện thấp thoáng đâu đây như khói như sương, giục giã chúng ta cùng tiễn đưa những rào cản đi khỏi nỗi sợ hãi của nhà văn, như xưa nàng Kiều từng tiễn đưa Thúc Sinh (hay tiễn đưa chính cái chuyện tình dấm dúi bán chính thức nhá nhem tối sáng của mình lên đường, đi tìm danh chính ngôn thuận dưới mặt trời). Đoạn, cùng nhau mà lảy Kiều, rằng : “ Người lên ngựa, kẻ chia bào / Rừng văn nghe sắp nhuốm màu rưng rưng”. ( Xin cụ Nguyễn Du tha lỗi) và xin chấm hết ở đây.,.
Sài Gòn 22-4-2005
Trần Mạnh Hảo
[1] Khổng Minh Dụ : thiếu tướng công an- Cục trưởng Cục Bảo vệ tư tưởng văn hoá ( A 25) Bộ Công An
[2] Đỗ Kim Cuông : Vụ trưởng Vụ Văn Nghệ Ban tư tưởng văn hoá Trung Ương
[3] Trịnh Đình Khôi : chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng Văn Hoá Trung Ương phụ trách theo dõi Hội Nhà Văn VN
[4] Nguyễn Đình Nhã : Cục trưởng Cục xuất bản – Bộ Văn hoá Thông tin
[5] Vũ Duy Thông : Cục trưởng Cục báo chí Ban Tư Tưởng Văn hoá Trung Ương
( Bài đã đọc chiều ngày 23-4-2005 trên diễn đàn Đại Hội Nhà Văn lần thứ 7 trong Hội trường Ba Đình- Hà Nội. Chiều 24-4-2005 thiếu tướng Khổng Minh Dụ –Cục trưởng Cục Bảo vệ tư tưởng văn hoá Bộ Công An có lên diễn đàn phản ứng tham luận này của Trần Mạnh Hảo)
In ra @ Gởi cho bạn hữu
top page
Home
© Giao Điểm. Bài vở, thư từ gởi về: giaodiem@giaodiem.com
===
No comments:
Post a Comment