====
thơ vắt dòng
một hiện tượng thi ca hải ngoại
trần văn nam
Thơ xuất hiện đã quá nhiều trên sách báo Việt Ngữ ở hải ngoại, ai cũng muốn thơ mình nổi bật, ai cũng muốn có một chỗ đứng riêng biệt trong nền thi ca, đó là nói riêng những người định làm văn học. Còn thơ để giải tỏa tâm sự, thơ để làm quà tặng cho tình nhân, thơ để tạo danh trên thương trường hoặc chính trường, cũng khá nhiều, nhưng bài này xin gác qua một bên vì không phải là vấn đề văn học ta định bàn tới. Riêng về thơ dành cho văn học hải ngoại cho đến nay vẫn là ánh sáng le lói cuối đường hầm, le lói vì còn quá ít sự độc đáo, mà thơ hay trong sự độc đáo ấy lại thêm phần ít hơn nữa. Ta gọi là đường hầm thi ca, vì cái bóng của thời Thơ Mới Tiền Chiến 1932 - 1945, cái bóng Thơ Tự Do sáng sủa tình tự quê hương của thời kháng chiến, cái bóng Thơ Tự Do có vẻ trí thức mờ tối ý nghĩa của thời văn học miền Nam do Thanh Tâm Tuyền phát huy; cái bóng tình ca tân kỳ Thơ Tám Chữ của Nguyên Sa; cái bóng Thơ Lục Bát đùa giỡn với chữ của Bùi Giáng; cái bóng Thơ Lục Bát có vẻ Thiền Vị Hư Không của thời văn hóa Phật Giáo lên mạnh sau cuộc đảo chánh năm 1963 tại miền Nam; cái bóng ưa sáng tạo ngôn ngữ tân kỳ trong thơ Tô Thùy Yên và Cung Trầm Tưởng. những cái bóng đó làm thành đường hầm thi ca, nói rõ thơ của họ đã xây xong đường hầm, ta làm theo họ chỉ mang tính đồng dạng, không làm nên ánh sáng cuối đường hầm. Vì thơ quá nhiều, khi mở một tạp chí để đọc, vẻ đồng dạng thơ tự do; thơ khó hiểu; thơ vần tình yêu và quê hương, thường làm cho ta hờ hững không đọc đến hết bài.
Đoạn trước, ta đã nói mới chỉ có ánh sáng le lói cuối đường hầm, ánh sáng đó ngoi ra từ vẻ đồng dạng, cố gắng mặc bộ đồ khác đồng phục, đó là vài bản sắc hiện đại hóa trong thơ hải ngoại, ít nhất là về văn thể, còn về phần nội dung thì vẫn chưa ra ngoài các đề tài: tình yêu; tình quê hương; tâm linh siêu hình; đấu tranh chính trị; hiện thực dục tính; hiện thực xã hội; nổi loạn chống phi lý. Về văn thể thì có hình thức vay mượn như áp dụng trường phái thơ cụ thể (thịnh hành trong vài năm ở xứ Ba Tây, bên Đức và tại Hoa Kỳ); hoặc cố gắng cách tân văn thể như thơ tự do với những dấu chấm lặng thời gian (thơ Nguyễn Xuân Thiêp); thơ lục bát nhịp điệu mới và hoán chuyển thi đoạn tùy theo độc giả (thơ Du Tử Lê); thơ Vắt Dòng với cách xuống hàng khi chưa hết ý nghĩa trong câu (nhiều người trong "Tạp Chí Thơ"). Thơ vay mượn hình thức của Trường Phái Thơ Cụ Thể thấy cũng có một số người hưởng ứng trong Tạp Chí Thơ, Tạp Chí Hợp Lưu, Tạp Chí Việt; nhưng không đông đảo bằng số người áp dụng kiểu văn thể mới sáng kiến (thơ Vắt Dòng) cũng trên các tạp chí ấy, và rải rác trên vài báo khác. Vì vậy gọi Thơ Vắt Dòng là một hiện tượng thi ca ở hải ngoại. Ta lần lượt phân tích hiện tượng đó như sau:
- Muốn làm mới làm khác với thời kỳ Thơ Tự Do Khó Hiểu.
- Công khai tỏ bày chịu ảnh hưởng thơ Hoa Kỳ
- Đi vào cách vắt dòng của vài người.
Lật qua vài trang tạp chí văn chương, về phương diện thị giác (visual), kiểu Thơ Vắt Dòng làm ta bắt mắt ghé trang, thử đọc nó xem sao thơ gì mà không phải thơ văn xuôi thường thấy câu thật dài; thơ gì không phải thơ tự do thường thấy xen kẽ nhiều câu ngắn không đồng đều và từ ngữ khó hiểu; thơ gì không phải thơ vần thường thấy câu thơ xuống hàng đều đặn và ôm vần với nhau; thơ gì mà câu trên chưa trọn nghĩa thì đã xuống câu dưới nối tiếp nghĩa, . đó là Thơ Vắt Dòng gây chú ý bằng thị giác 1. Quả thật về phương diện thị giác đã thấy nó khác thơ tự do dễ hiểu hay thơ tự do khó hiểu, đã thấy nó khác thơ văn xuôi, đã thấy nó khác thơ vần dù mới nhìn qua có vẻ đều đặn về số chữ trong từng câu. Rõ ràng là Thơ Vắt Dòng đã bức phá làm nên một bản sắc riêng biệt, một thể thơ riêng biệt. Ta phải công nhận cái độc đáo văn thể của nó. Lập dị mà đạt tới chất thơ, làm ra các bài thơ hay, thì lập dị trở thành độc đáo. Lập dị mà ai cũng bình phẩm lập dị thì làm sao gọi là Thơ được. Vì vậy, Thơ Vắt Dòng có là thơ hay không thì tùy theo từng người thể hiện. Quả thật Thơ Vắt Dòng muốn thoát khỏi tính cách đồng dạng của "Thơ Tự Do Khó Hiểu". Có nhiều người làm thơ "tự do hũ nút" nhưng ta hãy hỏi sau Thanh Tâm Tuyền ai là người thừa kế trỗi bật. Trong văn học miền Nam, chưa có nhà thơ tự do đáng gọi thừa kế Thanh Tâm Tuyền. "Thơ Tự Do Dễ Hiểu" thì lại càng khó đạt, vì dễ hiểu nên phải thực sự có giá trị về tứ thơ, về nhạc tính, về thi ảnh, mà phần lớn giá trị của "Thơ Tự Do Dễ Hiểu" đều làm rạng rỡ cho thời thơ kháng chiến với các tình tự quê hương và dân tộc. Dễ cho sự đánh giá về tứ thơ, về tình tự, về thi ảnh; cho nên "Thơ Tự Do Dễ Hiểu" cũng dễ bị loại ra khỏi tâm trí con người nếu không đạt. Biết bao nhiêu người làm "Thơ Tự Do Dễ Hiểu" mà chỉ có một vài người thành công. Thơ tình loại "tự do dễ hiểu" lại càng hiếm vì tứ thơ tình yêu trai gái mà không độc đáo thì nhàm chán đường mòn, sáo ngữ, sáo ý. "Lá Diêu Bông" của Hoàng Cầm là tình ca loại Thơ Tự Do Dễ Hiểu, thành công nhờ tứ thơ lạ, từ ngữ lạ, lại thêm những bình phẩm nó có ẩn ý chính trị, rồi đến lượt tác giả cải chính không có ẩn ý chính trị mà là câu chuyện tình có thật thời tác giả mới bắt đầu biết luyến ái; rồi câu chuyện lạ được phổ thành nhạc hay, được nhiều ca sĩ trình diễn. Văn học không có nhiều những bài "thơ tình loại thơ tự do dễ hiểu". Nhắc lại: phần lớn nội dung tình tự quê hương và dân tộc chiếm lĩnh danh dự địa hạt thơ tự do dễ hiểu. Thơ tự do khó hiểu dễ bị xếp vào thơ trí tuệ của trí thức, thơ nổi loạn phi lý (Thanh Tâm Tuyền), thơ trần trụi dục tính (Đô Kh.). Ta theo các tác giả trên là tự mặc áo đồng dạng, vì vậy Khế Iêm mới nói Thơ Vắt Dòng muốn vượt thơ tự do (loại Tự Do Khó Hiểu), gọi là "Cuộc Phản Kháng lần thứ hai" đối với thi ca (Phản Kháng Thơ Tự Do sa vào trò chơi chữ xa lánh đời sống) 2. "Cuộc Phản Kháng lần thứ nhất" tại miền Nam, chống Thơ Mới, với phong trào thơ tự do (loại Tự Do Khó Hiểu). Còn Thơ Tự Do Dễ Hiểu sau bài "Tình Già" của Phan Khôi, đã lớn mạnh bắt đầu từ Thơ Kháng Chiến rực sáng với tình tự quê hương dân tộc. Theo Khế Iêm, người ta ngộ nhận Thơ Vắt Dòng là thừa kế Thơ Tự Do với cùng mặt trận chống Thơ Vần Điệu, vì người ta chưa hiểu mục tiêu chính của Thơ Vắt Dòng là xa lánh trò chơi chữ bí hiểm, đem thơ trở về đời sống. Vì vậy Thơ Vắt Dòng phục hồi và vinh danh tính truyện kể trong thể Thơ Hát Dạo, Vọng Cổ và Nhạc Rap của người da đen Hoa Kỳ.
Đến đây ta đề cập đến sự công khai xác nhận chịu ảnh hưởng văn học Hoa Kỳ của lớp người trẻ. Cái bóng của Thơ Đường Trung Hoa, cái bóng của thi ca Pháp với thời kỳ Lãng Mạn Tượng Trưng, đã phủ trùm xuống tâm thức thưởng ngoạn thi ca của ta. Ta cũng thán phục một số thi sĩ Đức, một số thi sĩ Anh, nhưng thơ Hoa Kỳ dường như ít người trong chúng ta (thế hệ được giáo dục từ các chương trình cũ nặng về văn hóa Trung Hoa và Pháp) biết đến, và có biết là những tác giả văn xuôi Mỹ sau khi họ được các giải Nobel văn chương và nhât là sau khi tác phẩm của họ được làm thành những kiệt tác phim ảnh, như tác phẩm của Hemmingway, William Faulkner, John Steinbeck, Herman Melville, Margaret Mitchell. Chỉ vài nhà thơ ta biết như Edgar Poe, Henry Wadsworth Longfellow, Walt Whitman. Từ khi ra hải ngoại, nhất là giới trẻ định cư tại Hoa Kỳ, giới trẻ thuộc thế hệ thứ nhất (không phải giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai chủ yếu viết tác phẩm ngoại ngữ) bắt đầu tìm hiểu sâu hơn văn học Hoa Kỳ, và họ đã công khai nhìn nhận ảnh hưởng. Họ đã áp dụng trường phái Thơ Cụ Thể (không phải phát xuất từ Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ có nhiều áp dụng). Họ đã áp dụng cách dùng từ ngữ dung tục rất phổ biến trong văn chương Tây Phương, Mỹ Châu La Tinh và Hoa Kỳ. Thơ Vắt Dòng cũng rút tỉa được vài điều mới lạ trong thơ Hoa Kỳ, lưu ý cách nhấn hay không nhấn làm nên nhạc tính cho các câu nói đời thường (Lối nói của Mỹ với âm vực cao thấp do nhấn hay không nhấn phân biệt rõ hơn giọng khá đều đều của người Anh). Khế Iêm viết: "Vào đầu thập niên 1990, cuộc phản kháng lần thứ hai xảy ra, chủ yếu ở hải ngoại với những nhà thơ như Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam. với đề tài tính dục, và những bài thơ Tân Kỳ trên Tạp Chí Thơ. Không giống thời kỳ Thơ Tự Do thập niên 1960, những nhà thơ ở thập niên 1990 sống và tiếp xúc trực tiếp với xã hội, ngôn ngữ và nền văn hóa Tây Phương." 3. Không phải vọng ngoại mà tìm kiếm cái mới về chất liệu để thi ca thoát ra hẳn ảnh hưởng của thời kỳ THƠ MỚI (1932 - 1945), thời kỳ THƠ TỰ DO DỄ HIỂU (1945 - 1954), thời kỳ THƠ TỰ DO KHÓ HIỂU (1954 - 1975). Không vọng ngoại, không hoàn toàn hội nhập văn hóa Anglo-Saxon của Mỹ, vì thật ra "THƠ CỤ THỂ" mà họ ảnh hưởng có nguồn gốc từ Mỹ Châu La Tinh (xứ BRAZIL, BA TẤY) và tính truyện kể trong thơ mà họ muốn phục hồi đã lấy hứng cảm từ nhạc Rap của người Mỹ đen. Mỹ Châu La Tinh còn có Gabriel Garcia Marquez, người xứ Columbia, đoạt giải Nobel văn chương với tác phẩm chủ yếu "Trăm Năm Cô Đơn" (One Hundred Years Of Solitude). Ta có cảm tưởng đây là "Cuốn Thánh Kinh được Tiểu Thuyết Hóa Kỳ Ảo". Tác giả chủ ý "Gây Tự Kỷ Ám Thị: Kể chuyện Thần Kỳ Như Là Chuyện Thật", rút kinh nghiệm từ thơ ấu thấy bà ngoại kể chuyện cổ tích mà nét mặt của bà nghiêm trọng y như là kể chuyện thật. Ngoài thủ pháp hiện-thực-hóa một chuyện siêu-thực, trong tác phẩm của Gabriel Garcia Marquez còn nhễ nhại cái tính dục ở miền nhiệt đới. Văn hóa Mỹ Châu La Tinh, sau các điệu nhạc Tango, Belero, Cha Cha Cha, đã một thời theo quân đội Mỹ vào Việt Nam, nay là tác phẩm văn chương (Thơ Cụ Thể, văn chương nhễ nhại tính dục) đã đóng góp chất liệu mới vào văn học Việt Nam. Đã có một số bài báo Việt Ngữ đề cập đến "Trăm Năm Cô Đơn" mà trước đây trong thời Văn Học Miền Nam hình như chưa hề có ai nói đến.
Bây giờ ta đi vào sự tìm hiểu cách vắt dòng của vài người thấy rõ nét, vắt dòng có chủ ý, không hẳn là cứ xuống hàng giữa câu khi câu trên câu dưới gần bằng nhau về số chữ. Theo Khế Iêm thì nhịp điệu Thơ Vắt Dòng tiềm phục nơi cú pháp, nơi dòng chữ đang trôi chảy có những từ lập lại. Giống như ở thể hát dạo ta nghe có nhịp điệu kể, không rõ ràng như cách lặp lại vần ở các bài thơ niêm luật. Vì vậy mỗi người làm Thơ Vắt Dòng có một cú pháp riêng, do đó có một nhịp điệu riêng. Không ai giống ai về nhịp điệu, nhưng giống nhau về thị giác (visual) khi nhìn vào bài thơ, khi thấy các câu bị ngắt lưng chừng "cứ thản nhiên" xuống hàng. Có vài bài thơ cũng làm cho ta thị giác như vậy, nhưng đó chỉ là "thơ cũ không viết hoa ở đầu mỗi câu" (Mỗi câu vẫn trọn nghĩa). Nên không phải là Thơ Vắt Dòng. Trái lại, có bài thơ ta thị giác, như là thơ vần, chữ cuối mỗi câu bắt vần với nhau, nhưng mỗi câu hụt hẫng nghĩa, vậy đây phải nói là "Thơ Vắt Dòng Có Vần". Ví dụ bài "Ở PHÍA CHẤN TRỜI VÔ SẰC" của Đức Phổ (Tạp Chí Thơ, Xuân 2002). Khế Iêm viết: "Giá trị của bài thơ chỉ xác định khi đọc lên. đọc làm cho người làm thơ nắm bắt nhịp điệu. Thơ Hoa Kỳ phân biệt rõ các loại thơ, như "Rap Poetry", "Jazz Poetry" 4. Ta thử đọc những đoạn thơ dưới đây để thấy nhịp điệu trong cú pháp mà có người bảo rằng: "Nếu xem các chữ ấy tạo thành vần của bài thơ, thì vần kiểu này chỉ mang lại tính cách lượm thượm rườm rà" (Lập lại phần trích dẫn của Nguyễn Đăng Thường khi bênh vực thơ Khế Iêm). Nhịp điệu của Rap Poetry trong bài thơ của Khế Iêm, nếu sánh với âm nhạc thì chính là những luyến láy:
...tôi đã làm gì cho cái tủ lạnh
và đừng hỏi cái tủ lạnh đã làm
gì cho tôi, bởi cái tủ lạnh là
mã số của tôi, cái tủ lạnh là.
(Trích bài: Cái Tủ Lạnh)
người đàn bà ngủ với người đàn ông
không phải chồng của mình, trong căn phòng
không phải căn phòng của mình, với cái tôi
không phải cái tôi của mình, vào
buổi tối không giống buổi tối nào (vào
buổi tối không khác buổi tối nào) giữa
nhà ga đầy muỗi mòng và nước đái
ngựa, nhai lại bất cứ thứ gì có.
(Trích bài: Người đàn bà)
Một vài bài Thơ Vắt Dòng của Nguyễn Hoài Phương (Tạp Chí Thơ, Xuân 2002) còn trùng điệp từ lập lại, ví dụ bài "Người Đàn Bà Của Chúng Ta". Thơ Vắt Dòng của Nguyễn Đăng Thường mang một vẻ khác, không lập lại từ một cách luyến láy như Khế Iêm, mà đôi khi lại thấy dùng chữ chẻ vần một ngoại ngữ (có nghĩa đối với ngoại ngữ mà cốt tạo âm trong câu thơ Việt Ngữ). Vần chẻ từ ngoại ngữ tạo âm hưởng lắp bắp như kịch phi lý, hoặc "bắt vần vui vẻ rộn ràng" của nhạc Rap:
a la cộng thêm đời sống xa hoa
ngồi chơi xơi cá vĩnh viễn trên para
dise với bảy mươi hai trinh nữ và
bảy chục chỗ chứa cho thân nhân là.
...rồi hai tôn giáo blớn tuy thờ chung
một ông blời to mà bên na – god
bless america còn bên ni
thì god blamn yankees và không như.
(Trích bài: Miss America Becomes Miss World,
Hay Là Được Giáp Mật Đắng)
Ngoài ra trong thơ cũng như trong văn xuôi tham luận văn chương của Nguyễn Đăng Thường thường dùng những tiếng lóng, làm cho văn bình luận của ông như mất vẻ nghiêm chỉnh tranh luận, và thơ thì không quá độ dung tục nhưng mà như viết giỡn chơi:
đêm nọ nằm mơ nghe tiếng đập
cửa thình lình như có lính tới
mời đi chơi trong lúc mình đang kỳ
cọ đánh bóng lại thằng nhỏ sau cơn.
(Trích bài: Blue Moon River, Hay Là Mộng Và Thơ)
Tuy lối viết tham luận văn chương của Nguyễn Đăng Thường "vui miệng nhằm đâu nói đó" làm cho văn của ông cũng giỡn như thơ, không nghiêm nghị thuyết phục hay phản bác, nhưng một số ý kiến của ông cũng làm sáng rõ chủ trương của Thơ Vắt Dòng: văn chương ở chỗ không dụng tâm làm văn chương, thơ ở chỗ không dụng tâm cần chất thơ theo nghĩa mỹ cảm, nghệ thuật ở chỗ tưởng như không nghệ thuật của tiếng lóng hè phố, chịu ảnh hưởng từ những cuốn sách theo khuynh hướng hiện đại quá độ như "ULYSSES" của James Joyce", "En attendant Godot" của Samuel Beckett. Có người thích văn chương óng chuốt, người thích văn chương huyền ảo mơ hồ, người thích văn chương trần trụi, người thích văn chương hiện thực nghiêm chỉnh, người thích văn chương có trách nhiệm văn hóa không quá lố. đó là tùy theo quan điểm từng người. Cho nên ta trích ý kiến của ông Nguyễn Đăng Thường không phải là ta hoàn toàn đồng ý với tính truyện kể ở trong thơ, không cần chất thơ theo nghĩa mỹ cảm, đảo lộn bậc thang đánh giá thế nào là quý đẹp. Ông viết như sau: "Tân Hình Thức muốn đem ngôn ngữ đời thường vào thơ nên không buồn trau chuốt. Văn xuôi dù có vẻ không chải chuốt (Alain Robbe Grillet) cũng là một cách để trau chuốt. Câu văn ngắn gọn của Hemingway, hay câu văn bất tận của Faulkner cũng đều là văn xuôi trau chuốt cả. một cái tin đôi khi tự chính nó đã có thể là một bài thơ rồi, nhưng không phải vì lời lẽ chải chuốt như thơ. Trọn chương 7 của quyển Ulysses gồm toàn những đoạn văn ngắn có tựa đề riêng, nhại lại các bản tin đăng báo, đọc thấy thú vị như đọc những bài thơ văn xuôi. Đọc truyện của Kafka, hay xem kịch của Beckett ai muốn hiểu thế nào thời cũng tốt. Khi chọn cái bồn tiểu, Duchamp nhìn thấy cái đẹp trong một đồ vật không những tầm thường mà còn bẩn thỉu là đằng khác. Fountain (Cái Bồn Tiểu) là tác phẩm ý niệm (conceptual art) đầu tiên với mục đích phủ nhận các bậc thang giá trị quý đẹp của một tác phẩm nghệ thuật cổ điển.". Đọc đoạn trên ta thấy Nguyễn Đăng Thường chịu ảnh hưởng nhiều của văn học nghệ thuật Tây Phương, văn học phi lý và nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, chưa thấy làm rõ nét đặc thù của Thơ Vắt Dòng hay Tân Hình Thức Việt Nam muốn vượt khỏi cái bóng Thơ Tự Do thời tạp chí Sáng Tạo, cái bóng văn hóa hiện đại Tây Phương và kết nạp một ít chất liệu của văn nghệ Tân Thế Giới: tính dục không e dè; tính nhạc trong câu nói đời thường; tính truyện kể trong thơ. Thấy đó, một "bức phá" còn loay hoay, nên có lẽ ta chọn hướng văn nghệ có những đặc tính: tân kỳ chứa chất thơ mỹ cảm; gần gũi đời; tâm tình không quá thái cực; thể thơ văn xuôi với nội dung mờ ảo; hoặc thể thơ vần điệu nhưng đề tài một mình một cõi 5.
Trần văn Nam
(Trong sách dự thảo: THI NHẤN VIỆT NAM HẢI NGOẠI)
Chú thích:
(1) Nguyễn Đăng Thường, trong bài "Những Kẻ Giết Thơ", Tạp Chí Thơ số Mùa Thu 2001, trang 173.
(2) Khế Iêm, trong bài "Tân Hình Thức Và Hiệu Ứng Cánh Bướm", Tạp Chí Thơ số Mùa Xuân 2002, trang 208.
(3) Khế Iêm, bài đã dẫn, cùng trang 208.
(4) Khế Iêm, trong bài "Tân Hình Thức Và Quan Điểm Thẩm Mỹ Mới", Tạp Chí Thơ, số mùa Xuân 2001, trang 68.
(5) Trần Văn Nam, trong bài "Cảm Thức Thi Ca Đối Với Nền Văn Học Phi Lý", tạp chí PHỐ VẮN (Texas), số 16, tháng 2 năm 2002.
■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■
Nhân Văn | Tin Văn | Phỏng Vấn | Ðiểm Sách | Ðọc Sách
Thư Viện | Thư Quán | Nối Vòng Tay | Biên Tập
===
No comments:
Post a Comment