Saturday, November 15, 2008

17. TỐ HỮU * ĐẤU TRANH VĂN NGHỆ

=
Tố Hữu
Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ



Trong phong trào sôi nổi học tập nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa như là một luồng gió mới lành mạnh thổi đến trên miền Bắc, toàn giới văn nghệ đang tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt chưa từng thấy trong lịch sử văn nghệ cách mạng nước nhà.

Đội quân văn nghệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ dân chủ cộng hòa, bước đầu được vũ trang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, càng thấm sâu lòng yêu nước, đã đứng lên đầy sức sống mới, đấu tranh kiên quyết chống những tư tưởng chính trị thù địch, vạch mặt những phần tử phá họa lén lút trong hàng ngũ của mình, và chống những quan điểm sai lầm trong văn học nghệ thuật.

Một ánh sáng mới, ánh sáng xã hội chủ nghĩa, đã chiếu rọi vào tình hình văn nghệ của ba năm qua, vào tâm hồn tư tưởng của mỗi người công tác văn hóa, của mỗi nhà văn và nghệ sĩ trên giai đoạn mới của cách mạng. Dưới ánh sáng mới ấy, đã bật rõ ranh giới giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa cái mới và cái cũ; mỗi người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đều đã có thể nhìn thấy, phân biệt rõ ràng những con người và những con quỷ, những hoa thơm và những cỏ độc trong văn nghệ.

Hơn hai tháng nay, mấy nghìn văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa, trải qua học tập đấu tranh dưới sụ lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, đã bắt đầu nhận rõ sự thật mới,. Thật là một sự bừng tỉnh trước bước ngoặt to lớn của thời đại và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.

Hai văn kiện có ý nghĩa quốc tế lớn lao của các đảng cộng sản và đảng công nhân trên thế giới, nhận định của Trung ương Đảng ta về cách mạng chuyển biến, và về tình hình và nhiệm vụ trước mắt, đã cho mọi người một chỗ đứng vững vàng và con mắt sáng để nhìn đúng hiện thực vô cùng phức tạp. Sự đánh giá đúng tình hình trên thế giới và trong nước đã giúp xua đuổi những tâm trạng hoang mang, hoài nghi, bi quan trong một thời gian khá dài dè nặng tâm trí của nhiều văn nghệ sĩ. Một sức phấn khởi cách mạng mới trên cơ sở nhận thức khoa học, đã đưa mọi người lên vị trí chiến đấu mới, tiến lên đảm đương nhiệm vụ vẻ vang mà Trung ương Đảng ta đã đề ra: tham gia cuộc cách mạng văn hóa, xây dựng nền văn nghệ mới dưới lá cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, góp phần xây dựng tu tưởng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh quét sạch những tư tưởng thù địch, chống tư tưởng tư sản và những thói quen lạc hậu.

Và mỗi người càng nhận thấy rõ ràng sự cần thiết cấp bách xây dựng một đội quân văn nghệ thật lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với chủ nghĩa xã hội, một đội quân văn nghệ xã hội chủ nghĩa.

Không thể nào khác, muốn là “kỹ sư tâm hồn” xã hội chủ nghĩa, không thể nào không tự cải tạo bản thân văn nghệ sĩ thành những tâm hồn xã hội chủ nghĩa thật sự. Không thể nào xây dựng những tâm hồn mới với những tâm hồn rác rưởi thối nát của giai cấp tư sản, hoặc với những tâm hồn bạc nhược, lạc lõng của giai cấp tiểu tư sản. Càng không thể để lén lút vào trong hàng ngũ văn nghệ, những con rắn độc thù địch phun nọc giết người.

Phải xác định rõ ràng thái độ của mỗi người công dân:

* Ủng hộ hay phản đối chế độ dân chủ nhân dân ở miền Bắc, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà?
* Ủng hộ hay phản đối sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và đảng của nó – Đảng lao động Việt Nam?
* Ủng hộ hay phản đối phe xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Liên-xô?


Đó là tiêu chuẩn chính trị để phân rõ ranh giới: ai là thù, ai là bạn. Không thể mập mờ. Mỗi người, trên giai đoạn mới của cách mạng, phải tự hỏi và trả lời dứt khoát. Không phải trả lời bằng những lời tuyên bố đầu lưỡi như nhóm Nhân văn–Giai phẩm gian trá, như bọn Tơ-rốt-ski và những phần tử phản cách mạng nguy hiểm khác, mà trả lời bằng hành động thực tế cách mạng.

Mỗi văn nghệ sĩ lại phải tự trả lời dứt khoát: ủng hộ hay phản đối đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối văn nghệ phục vụ công nông bình, phục tùng chính trị, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng?

Đó là tiêu chuẩn để phân rõ ranh giới giữa hai đường lối văn nghệ vô sản và tư sản. Không thể nhập nhằng. Không thể lừa dối mình và lừa dối người bằng những lập luận quanh co của quan điểm văn học nghệ thuật tư sản đồi trụy trá hình dưới nhiều chiêu bài giả dối “chống công thức”, “chống giáo điều”, “đi tìm cái mới”.

Đã đến lúc cáchmạng đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ và mỗi cán bộ văn hóa “duyệt lại” những tư tưởng, tình cảm của mình, những sáng tác và công tác trong ba năm qua, và dưới ánh sáng của tư tưởng xã hộ chủ nghĩa, làm một cuộc phê phán thật nghiêm trang, không khoan nhượng đối với mình, đối với bạn, đối với địch.

Trong kháng chiến, chỉnh huấn đã là một cuộc đấu tranh tư tưởng thắng lợi, vạch rõ ranh giới giữa lập trường tư tưởng dân tộc dân chủ và lập trường tư tưởng đế quốc phong kiến, nâng cao ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cuộc đấu tranh ngày nay là một cuộc đấu tranh tư tưởng vạch rõ ranh giới giữa lập truwongf tư tưởng xã hội chủ nghĩa và lập trưởng tư sản, tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng đế quốc phong kiến còn rơi rớt trong xã hội nói chung và trong giới văn nghệ nói riêng.

Cũng thông qua cuộc đấu tranh lần này mà lột trần bộ mặt gian ác của những phần tử phản cách mạng, chống chế độ, chống nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Phải lôi chung ra ánh sáng, xé toạc mặt nạ của chúng mà ném xuống đất.

Đó là một yêu cầu của tất cả những người văn nghệ và trí thức yêu nước. Đó cũng là một yêu cầu của nhân dân toàn quốc, miền Bắc và miền Nam, một yêu cầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Trong không khí phần khởi và tin tưởng, giới văn nghệ Việt Nam đã nhiệt liệt hoan nghênh bản nghị quyết của Bộ chính trị ra ngày 6-1-1958 về công tác văn nghệ.

Một lần nữa, sau bức thư của Trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, Trung ương Đảng ta phát biểu ý kiến về tình hình văn nghệ nước nhà, phần tích và phê phán sâu sắc những trạng thái tư tưởng chính trị và những quan diểm văn học nghệ thuật sai lầm từ hơn một năm nay, và chỉ ra phương hướng cụ thể cho văn nghệ tiến bước, theo kịp yêu cầu của cách mạng.

Nhận xét tình hình chung của văn nghệ sĩ, nghị quyết Bộ chính trị vạch rõ:

“Nhìn chung tình hình văn nghệ sĩ hiện nay, ta thấy một số đông, nhất là lớp văn nghệ sĩ trẻ, đang cố gắng sáng tác hoặc chăm lo học tập, nâng cao trình độ chín trị và nghệ thuật. Một số tác phẩm tốt đã xuất hiện. Các đội văn công đã có những cố gắng mới về sáng tác và biểu diễn nghệ thuật, về ý thức phục vụ nhân dân.

Nhưng trong giới văn nghệ đã có nhiều biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng và sinh hoạt. Số đông văn nghệ sĩ tập trung ở Hà Nội, mấy năm nay đã xa rời thực tế lao động và sinh hoạt của quần chúng công nông binh, lại rất ít học tập chính trị, không hiểu rõ tính hình và nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, chưa được giáo dục về tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Do đó, lập trường chính trị rất mơ hồ, ý chí phấn đấu cách mạng bị giảm sút nghiêm trọng. Trạng thái dao động hoang mang còn nặng, ngay cả trong hàng ngũ đảng viên, ranh giới giữa địch và ta có lúc bị lu mờ, tình trạng mất cảnh giác là phổ biến. Đồng thời, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tự mãn, hiếu danh, tham tiền, tư tưởng an nhàn hưởng lạc ngày càng nảy nở. Tư tưởng tự do chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật, chia bè, chia nhóm cũng đang trên đà phát triển.

Về văn học nghệ thuật, ranh giới giữa tư tưởng văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ tư sản bị xóa nhòa. Trên tuần báo Văn và trong một số sách xuất bản hoặc tái bản, đã biểu hiện khuynh hướng xa rời thực tế đời sống của nhân dân lao động ở nông thôn và thành thị, thoát ly chính trị và không nhằm đúng những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng trong giai đoạn mới. Những tình cảm cá nhân chủ nghĩa đang có chiều hướng phát triển, những chủ đề lớn do đời sống thực tại đề ra không được chủ ý. Hình ảnh công nông binh phấn đấu dũng cảm trong hòa bình mờ nhạt trong văn thờ và trong các tác phẩm nghệ thuật khác. Nhiều quan điểm văn nghệ của giai cấp tư sản lại được nêu lên.

Cuộc tranh luận giữa tạp chí Học tập và báo Văn gần đây lại là một biểu hiện cụ thể của cuộc đấu tranh giữa đường lối văn nghệ của Đảng với khuynh hướng chống lại hoặc xa rời đường lối đó. Tư tưởng chủ đạo biểu hiện trên báo Văn chính là tư tưởng tách rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, tách rời những nhiệm vu trung tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại, tách rời sụ lãnh đạo của Đảng.”


Những lời phê phán hết sức đúng đắn và thẳng thắn ấy của Trung ương Đảng đã như một ngọn đèn pha rất sáng chiếu thẳn vào giới văn nghệ, không nể nang khoan nhượng mà cũng chân tình độ lượng biết bao.

Tất cả anh chị em văn nghệ sĩ yêu nước đã lắng nghe trong tiếng nói của Trung ương Đảng ta, những đòi hỏi nóng hổi của Tổ quốc, của nhân dân, của cách mạng đang sục sôi trên đất nước, đối với những văn nghệ sĩ của mình, những người con của mình. Mỗi người đều “giật mình” nhận ra rằng: với cách mạng chuyển biến giai đoạn, tất cả đời sống chung quanh đã chuyến khác rồi, đã đổi mới và từng bước tiến dần lên lý tưởng đẹp đẽ của loài người là chủ nghĩa xã hội. Mỗi người ít nhiều đều thấy rõ mình ba năm qua, đã lếch thếch đi sau cuộc sống mới, “xác” ở hiện tại mà “hồn” như còn ngẩn ngơ ở giai đoạn trước. Có biết bao nhiều điều mới mẻ, vĩ đại, mà mình chưa thấy, chưa nghe, chưa biết, vẫn đem con người cũ mà nhìn, đầu óc cũ mà nghĩ. Chính vì vậy mà nhiều khi đã không thể hiểu được ý nghĩa của những hiện tượng, bản chất của những người và những vấn đề phức tạp trong đời sống hàng ngày. Làm sao trong trạng thái tư tưởng chính trị mơ hồ và lệch lạc ấy, có thể phân biệt được trong hiện thực cái gì là hồng, là đen, cái gì là phải, là trái, cái gì là tốt, là xấu? Làm sao có thể sáng tác tốt, và đoàn kết tốt, vì lợi ích của Tổ quốc và của chủ nghĩa xã hội?

Nếu khuyết điểm phổ biến trong giới văn nghệ ta là lạc hậu đối với cách mạng, tình hình ấy cũng đã là một trở lực lớn trong công cuộc xây dựng một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Nhận ra được khuyết điểm phổ biến ấy là một thắng lợi bước đầu để đi tới những sáng tác tốt.

Nhưng đó mới chỉ là một thứ bệnh “sốt rét kinh niên” bên cạnh một cái họa nguy hiểm hơn: những hoạt động phá hoại của những phần tử thù địch trong giới văn nghệ.

Qua học tập, đấu tranh, dưới ánh sáng của nghi quyết Bộ chính trị, tất cả những văn nghệ sĩ yêu nước, trung thực, đã nhận ra bộ mặt thật ghê tởm và những âm mưu thủ đoạn đen tối của chúng. “Cháy nhà ra mặt chuột”. Đúng như vậy. Những con chuột dịch đã không thể giấu mình được nữa trong những mảng bóng tối của tình hình văn nghệ.

Nghị quyết Bộ chính trị đã vạch trần chân tướng của chúng:

Tình hình trên đây (tình hình của số đông văn nghệ sĩ như đã nêu ở trên - T.H) là một miếng đất tốt cho những phần tử thù địch tiến hành những hoạt động phá hoại. Nhằm vào chỗ yếu của mặt trận văn nghệ, nhất là dựa vào sự mơ hồ về lập trường tư tưởng của số đông văn nghệ sĩ, những phần tử phá hoại đã tiếp tục hoạt động và tác hại một cách nghiêm trọng. Rõ ràng những phần tử chống chủ nghĩa xã hội, chống Đảng đã nhân chỗ sơ hở của ta mà tiếp tục tiến công ta về mặt tư tưởng dưới hình thức văn nghệ. Sự hoạt động của những phần tử phá hoại trong giới văn nghệ là một hiện tượng hết sức nguy hiểm, một vấn đề cấp bách cần giải quyết. Vậy mà một số cán bộ đảng viên của ta đến nay vẫn chưa nhìn thấy sự thật đó. Bọn phá hoại dùng những thủ đoạn thâm độc, phao đồn tin nhảm, gieo hoang mang, gây mâu thuẫn giữa cá văn nghệ sĩ. Chúng mua chuộc, phỉnh phờ, thậm chí dọa nạt một số văn nghệ sĩ lạc hậu và cả một số ít đảng viên thiếu trách nhiệm, thiếu kỷ luật, lôi kéo họ vào việc đả kích sự lãnh đạo của Đảng và đả kích những cán bộ phụ trách, những đảng viên tốt và những người ngoài đảng tích cực ủng hộ Đảng. Chúng truyền bá những tài liệu và những báo chí phản động. Dưới chiêu bài “chống giáo điều, máy móc”, chúng gieo rắc những nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ, nhằm lôi kéo văn nghệ sĩ đi vào con đường nghệ thuật tư sản suy đồi. Trước những hoạt động có hại đó, số đông văn nghệ sĩ, kể cả một số văn nghệ sĩ đảng viên, đã mất cảnh giác hoặc bị động, không kiên quyết đấu tranh, thậm chí một số còn hùa theo chúng.

Tình hình trên đây tồn tại ở các hội văn học nghệ thuật dưới mức độ khác nhau. Ta cần phải tiếp tục đi sâu kiểm tra từng ngành một cách chính xác. Riêng ở Hội nhà văn, những cơ quan xung yếu (tuần báo Văn, ban biên tập nhà xuất bản, câu lạc bộ, ban nghiên cứu sáng tác, ban văn học nước ngoài), mặc dù về hình thức do các đồng chí của ta lãnh đạo, song về thực tế đã bị một số phần tử xấu hoặc lạc hậu lũng đoạn. Trong khi nắm lấy những công việc thực tế, những phần tử này đã lái những hoạt động của các cơ quan Hội nhà văn đi chệch đường lối văn nghệ của Đảng và lợi dụng những cơ quan ấy làm nơi gieo rắc những quan điểm văn nghệ và chính trị sai lầm.


Nhận định sáng suốt của Bộ chính trị trên đây đã thức tỉnh tính cảnh giác cách mạng của mấy nghìn văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa tham gia học tập và đấu tranh. Trong trí nhớ của mỗi người, cả một số người đã từng bị lôi kéo, vào những hoạt động phản cách mạng, dồn dập hiện lên hình thù quái ác và những thủ đoạn gian xảo của bọn mặt người dạ thú. Chúng là những ai?

Là những tên đã quen nghề “tác động tinh thần” của địch, có tên như Thụy–An đến bây giờ vẫn còn nức nở khen những tên tướng giặc là “đại tướng cao quý thơm tho” (!), khen những thằng bán nước là “lịch duyệt thông thái”(!). Là những tên đã từng làm chó săn cho giặc tham gia những trận càn quét hoặc chỉ huy những hệ thống chỉ điểm giết hại đồng bào và cán bộ.

Chúng là những tên phản trắc, có kẻ như Phan-Khôi một đời đã năm lần phản bội Tổ quốc, kẻ đã từng phục mạ “người An-nam là chó, và đã là chó thì phải ăn cứt” để “thuyết phục” người khác đầu hàng địch, mà vẫn dương dương tự cho mình là “học giả tiết tháo”, và được kẻ đồng bọn phong cho là “anh hùng của ba trăm nô lệ” (!).

Chúng là những con buôn “mác-xít”, “cách mạng” đầu lưỡi như Trương-Tửu, Trần-Đức-Thảo mà thực chất là những tên tơ-rôt-skit vô tổ quốc đã từng nấp dưới nách của địch chống lại cách mạng, suốt đời thù ghét những người cộng sản và tất cả những ai tin yêu Đảng vẻ vang đã lãnh đạo cách mạng thắng lợi, luôn luôn thù ghét phe xã hội chủ nghĩa và nuôi lòng căm giận tột độ đối với Liên–xô là trung tâm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là hy vọng tươi sáng nhất của loài người.

Chúng là những kẻ đầu cơ cách mạng, như Nguyễn-Hữu-Đang, mượn màu cách mạng tô điểm cho dã tâm cá nhân, mưu đồ “vương tướng”, và một khi không được thỏa mãn thì quay ra phản bội cách mạng, “ăn cháo đá bát”, “đâm bị thóc chọc bị gạo”, cam tâm làm đầy tớ cho những phần tử phản động trong giai cấp tư sản, kết bè kéo cánh với cả những tên chó săn tơ-rôt-skit, lập kế bày mưu, thừa cơ đục nước béo cò, dù có nhúng tay vào tội ác phản lại Tổ quốc, phản lại nhân dân, chống lại sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, chống lại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng không từ.

Gặp nhau trong một mục đích chung, chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ, chống phe xã hội chủ nghĩa, chống Đảng lãnh đạo, tất cả bọn chúng đã liên minh thành một khối, phối hợp hoạt động phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong các hội văn học nghệ thuật, một số cơ quan văn hóa, trong giới đại học, v.v… Những kẻ nguy hiểm ấy đã lạm dụng lượng khoan hồng của cách mạng. Nhân dân ta, Đảng và Chính phủ ta hiểu rõ những lịch sử xấu xa của chúng, nhưng đã không muốn nhắc lại, để cho chúng có cơ hội tự cải tạo; chẳng những thế, đã hết lòng giúp đỡ cho chúng đi vào con đường cách mạng, đi tới tương lai. Nhưng chúng đã lợi dụng thái độ rất nhân đạo ấy để che đậy tội ác, và làm thêm tội ác.

Chúng đã lợi dụng những quyền tự do dân chủ rộng rãi mà chế độ ta bảo đảm cho mọi người công dân, chúng đã lợi dụng lòng tin độ lượng của nhân dân, của giới trí thức và văn hóa yêu nước, để làm những điều phi nghĩa, phục vụ cho những âm mưu đen tối.

Không từ một thủ đoạn nào để làm “ma dẫn lối, quỷ đưa đường”, chúng đã lôi kéo một số văn nghệ sĩ lạc hậu vào con đường trụy lạc về thể chất và tinh thần. Vũ khí của chúng là: từ những phòng trà đến những bàn đèn thuốc phiện, từ những cái liếc cái cười đến những cái giường sa đọa, từ những tin đồn nhảm đến những luận điệu phản động, những sách báo chửi rủa chủ nghĩa xã hội và các đảng cộng sản, v.v...

Phối hợp chặt chẽ với tất cả những thủ đoạn bỉ ổi ấy, là cả một kế hoạch tinh vi lôi kéo, trung lập, đả kích đối với từng người, tùy theo mỗi thái độ, mỗi tính nết, mỗi trường hợp…Tất cả nhằm đạt mục đích: chia rẽ Đảng lãnh đạo với quần chúng, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ, trí thức, tăng thêm vây cánh bao bọc cho chúng, tăng thêm sức lực phá hoại của chúng.

Trên thực tế, rõ ràng chúng đã làm như những tay sai của địch thực hành kế hoạch phá hoại của Mỹ-Diệm ở miền Bắc là “chống cộng trong lòng cộng”.

Không phải ngẫu nhiên mà đài phát thanh và báo chí của Mỹ-Diệm đã hết lời khen ngợi chúng từ khi báo Nhân văn và các tập Giai phẩm xuất hiện dưới chế độ ta, và trên báo Văn cũng như trên một số sách xuất bản và tái bản lại thấy trồi lên những tư tưởng và những con người “Nhân văn”.

“Trong kia Nhân vị, ngoài này Nhân văn”. Người ta không thể không đặt vấn đề: vì sao “Nhân vị” ở miền Nam và “Nhân văn” ở miền Bắc lại “đồng khí tương cầu” đến như vậy.

Sự phẫn nộ của nhân dân, của mấy nghìn văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa yêu nước, trung thành với cách mạng, với chế độ dân chủ cộng hòa, đã cháy lên ngùn ngụt như một ngọn lửa chiếu thẳng vào mặt những kẻ phá hoại:

“Chớ gọi bóng tối là ánh sáng, cũng chớ gọi ánh sáng là bóng tối.”

“Chớ gọi sói là cừu, cũng chớ gọi cừu là sói.”


Đúng như vậy. Hãy gọi những kẻ phá hoại là những kẻ phá hoại, những kẻ phản cách mạng là những kẻ phản cách mạng. Chớ để chúng che giấu bộ mặt thật xấu xa ấy dưới những danh nghĩa đẹp đẽ trong chế độ ta: “văn nghệ sĩ”, “học giả”, “triết gia”, “trí thức”.

“Kẻ gieo gió phải gặt bão”. Chúng phải chịu sự trừng phạt của búa rìu dư luận, và nếu cần thiết, của pháp luật Nhà nước cách mạng.

Nhưng vấn đề văn nghệ của chúng ta ngày nay không phải chỉ giải quyết bằng một kết luận ấy. Đó là một kết luận cần thiết, nhưng không đủ.

Vấn đề còn phải đặt ra là:

Vì sao bọn phá hoại đã có thể khuấy đục tình hình văn nghệ của ta một thời gian?

Và phải trở lại nhận định của Bộ chính trị về tình hình số đông văn nghệ sĩ, để mỗi người tìm ra kết luận cần thiết cho mình và phấn đấu để khỏi trở thành “miếng đất tốt cho những phần tử thù địch tiến hành những hoạt động phá hoại”.

Cuối năm1956, nói đến báo Nhân văn và các tập Giai phẩm, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Đó là những hạt giống xấu gieo trên miếng đất của những tư tưởng sai lầm.” Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là vứt bỏ những hạt giống xấu, mà còn là dọn lại đất cho tốt.

Phải đấu tranh trừ bỏ mọi tư tưởng sai lầm, trước hết là những ảnh hưởng tư tưởng tư sản, những tư tưởng tiểu tư sản còn nặng gốc trong số đông văn nghệ sĩ chúng ta. Phải nhổ không ngừng, nhổ cho sách những cỏ dại ấy đi để cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa nảy nở trong mỗi người chúng ta.

Đương nhiên, đó là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không dễ mấy ngày mấy tháng có thể làm xong.

Nhưng con đường tiến lên đã rõ trước mắt mỗi người.

Con đường ấy là con đường mà Trung ương Đảng ta đã vạch ra trong bức thư gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, và Bộ chính trị đã nhắc lại trong bản nghị quyết quan trọng vừa rồi:

“Sau đợt giáo dục về tư tưởng và chấn chỉnh về tổ chức, cần có kế hoạch khuyến khích, giúp đỡ các văn nghệ sĩ xuống các cơ sở sản xuất, đi vào công nông binh, và nếu có thể thì tham gia lao động để thâm nhập thực tế và gần gũi quần chúng hơn. Mặt khác, cần có kế hoạch tổ chức cho văn nghệ sĩ học tập một cách thường xuyên những vấn đề thời sự và chính sách trong giai đoạn mới của cách mạng, tiến tới tổ chức học tập chủ nghĩa Mác–Lê-nin, cải tạo tư tưởng một cách có hệ thống.”


Chắc chắn những lời khuyên nhủ ân cần ấy của Trung ương Đảng sẽ thấm sâu vào lòng của mỗi anh chị em văn nghệ.

Cùng lúc này, mỗi chúng ta lại nhớ lời khuyên ấm áp và sâu xâu xa của Hồ Chủ tịch trong đêm bế mạc Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai: “Mong anh chị em hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, và luôn luôn giữ lấy tính khiêm tốn.

Chúng ta đã qua mùa xuân 1958, một mùa xuân đấu tranh cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa giành thắng lợi bước đầu, mở đường cho một thời kỳ phát triển mới của văn học nghệ thuật Việt–nam.

Nhất trí lập trường xã hội chủ nghĩa, giới văn nghệ chúng ta qua đấu tranh đã đoàn kết thật sự, đoàn kết cao hơn, đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng lãnh đạo.

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã chuyển bước sang thời kỳ kiến thiết theo kế hoạch dài hạn, sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà không ngừng phát triển. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng kêu gọi mỗi văn nghệ sĩ phấn khởi đi tới, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng lao động Việt-nam, xây dựng một nền văn nghệ mới, nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa.

Trách nhiệm thật lớn, khó khăn. Nhưng nhất định giới văn nghệ Việt-nam có đủ nhiệt tình và nghị lực để làm tròn nhiệm vụ của mình.
Nguồn: Học Tập, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, số tháng 4.1958, trang 22-28


==

No comments: