Saturday, November 15, 2008

2. NHÂN VĂN SỐ 2 , PHẦN I

Báo Nhân văn số 2 (phần thứ nhất)

* Ngược dòng lịch sử

* Cùng chủ đề:
* 1
* 2
* 3
* 4
* 5
* 6
* 7
* 8
* 9
* 10
* 11
* 12
* 13
* 14
* 15
* 16
* 17
* 18
* 19
* 20
* 21
* 22
* 23

Báo văn hoá, xã hội - Chủ nhiệm: Phan Khôi - Thư ký toà soạn: Trần Duy - Trụ sở: 43 Tràng Tiền, G.N. (Giây nói 21.17) - Khổ 38 x 55, 5 trang - Số 2, ra ngày 30-9-1956. In tại nhà in Xuân Thu. Mỗi số: 300 đ.


Mục lục

* Trần Duy - Phấn đấu cho trăm hoa đua nở

* Trần Lê Văn - Không sợ địch lợi dụng

* Bạn đọc phát biểu về những bài phê bình báo Nhân văn số 1

* Đào Duy Anh - Phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ

* Sỹ Ngọc - Đi đấu tranh, tranh sơn mài

* Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy - Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị: Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân

* Y Du - Tranh châm biếm

* Phan Vũ - Xem phim Anh gắng nuôi con

* Trần Y Du - Địa ngục miền Nam

* Hoàng Tích Linh - Xem mặt vợ (kịch ngắn một hồi)

* Pha Y - Tranh châm biếm

* En-xa Tơ-ri-ô-lê: A-lêch-xăng Fa-đê-ep, Tử Phác trích dịch và chú thích

* Lã Tử - Thật giả khó phân (Cổ học tinh hoa)

* Trần Công - Chống bè phái trong văn nghệ (Tiếp theo kỳ trước)

* Trúc Lâm, Y Du - Không phải truyện cười

* SN – Tranh châm biếm





Trần Duy
Phấn đấu cho trăm hoa đua nở [1]

left
Câu kết trong nhóm Nhân văn–Giai phẩm, Lê Đạt say sưa chống Đảng ta, bản chất tư tưởng của Lê Đạt không dung hoà, không đội trời chung với giai cấp vô sản. Cho nên khi Lê Đạt làm thơ “ca ngợi” chế độ, thì thật là giả tạo ra khắp các lỗ chân lông; đến khi làm thơ đả kích chế độ ta, thì thật là say sưa xuất phát tự đáy lòng, một cái lòng đen tối, bạc ác. Đứng lên lập nhóm Giai phẩm mùa xuân, cùng với Nguyễn Hữu Đang làm bộ óc của báo Nhân văn, đứng làm “nhà lý luận” của bọn chống chế độ, Lê Đạt là một tay cổ vũ trong bọn đó, bởi “nhiệt tình” chống Đảng sâu sắc của mình. Sau khi báo Nhân văn bị cấm, Lê Đạt liên lạc, câu kết với Thụy An, Lê Đạt đóng vai trò quan trọng trong việc lũng đoạn Hội Nhà văn, Lê Đạt tích cực dùng ngòi bút viết lối văn hai mặt; Lê Đạt luôn luôn giữ một cương vị đứng chủ trường phái; mãi đến trong lớp học văn nghệ lần thứ hai (tháng 3 và 4-1958) vẫn còn tìm cách quay quắt. Cho nên, xét Lê Đạt, ta phải nhìn thấy cho hết, rằng Lê Đạt chống đối ta, phá hoại ta từ trong bản chất giai cấp thù địch.
» Xuân Diệu - Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt
Chính sách trăm hoa đua nở trong thời gian gần đây, được luôn luôn nhắc nhở đến. Chính sách ấy đến với chúng ta như một ánh sáng mới mẻ.

Chúng ta, những người văn nghệ sĩ chào đón nó như một cứu tinh của tâm hồn và tình cảm, có người cho nó là mới lạ. Kỳ thật! Trăm hoa đua nở có là mới lạ với chủ nghĩa Mác-Lê không?

Nói về cá tính trong văn học, Mác đã nói: "Cái của tôi, ấy là hình thức, đó là cá tính tinh thần của tôi. Văn tức là người… Anh thán phục cái muôn vẻ lộng lẫy, phong phú không cùng của thiên nhiên. Anh không bắt bông hoa hồng phải có mùi thơm của hoa vi-o-lét, vậy mà cái phong phú nhất ở đời là trí tuệ lại chỉ có thể tồn tại theo một kiểu duy nhất thôi ư?" (Về vấn đề kiểm duyệt)

Bài này tuy Mác dùng trong trường hợp chống chế độ kiểm duyệt của nước Phổ lúc bấy giờ, nhưng trên tinh thần của Mác chống tất cả những chủ trương nào muốn rập theo một kiểu duy nhất và hạn chế cái phong phú của trí tuệ văn học.

Vì chính sách trăm hoa đua nở nhằm phát triển những khía cạnh độc đáo của con người nghệ sĩ, là một trong những cơ sở lý luận văn học và nghệ thuật của chủ nghĩa Mác-Lê, nên nó không thành mới lạ. Có mới lạ chăng là nó không được áp dụng đúng mức, hoặc pha chế cải biến đi trong lúc thi hành chính sách văn nghệ của Đảng ở hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam.

Người văn nghệ sĩ Việt Nam, đi dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản đấu tranh giành độc lập thống nhất cho tổ quốc không bao giờ có ý muốn điên dại thoát ly nghệ thuật khỏi chính trị, nhưng nó phản đối cái tác phong lãnh đạo của chính trị đã buộc tâm hồn người nghệ sĩ vào những chủ trương nghệ thuật kịp thời nông cạn, phục vụ chính sách một cách cứng nhắc khô khan, trực thuộc vào chính trị một cách máy móc và thực dụng.

Mác và Ăng-ghen cho rằng "Cung cấp cho công nhân một cái gì chưa hoàn hảo là một lỗi lớn“ Không hoàn hảo có nghĩa là áp dụng vào tác phẩm lối văn tuyên truyền khô khan coi nhẹ nghệ thuật, "những thứ khẩu hiệu thay thế cho sự mô tả cuộc sống, sơ đồ làm sai lạc nghèo nàn và khô cạn".

Mác và Ăng-ghen quan niệm rằng tư tưởng chính trị không thể thay thế cho một tài năng trong văn nghệ.

Mác cho rằng có lòng tin tưởng đúng không đủ để viết nên những cuốn sách hay; vì một tác phẩm chỉ đứng vững và thành trường cửu lúc nào giá trị nghệ thuật của nó được quần chúng công nhận.

Ở hoàn cảnh nước Việt Nam, người văn nghệ sĩ cách mạng và những người lãnh đạo văn nghệ của Đảng đều thống nhất với nhau trong việc đấu tranh chống những tư tưởng tách rời nghệ thuật khỏi thực tế xã hội và lịch sử… chống văn hoá đồi truỵ tư sản, nhưng người nghệ sĩ sáng tác mâu thuẫn với những người lãnh đạo văn nghệ ở chỗ đấu tranh chống mọi chủ trương đưa đến chỗ đơn giản hoá chủ nghĩa Mác.

Ăng-ghen viết: “Phương pháp duy vật sẽ biến thành ngược lại nếu như người ta dùng nó không phải như một sợi dây dẫn đường cho việc nghiên cứu lịch sử, mà sử dụng như một khuôn mẫu chế tạo sẵn để căn cứ vào đấy mà đẽo gọt những sự kiện lịch sử".

Áp dụng chính trị máy móc, thực dụng vào văn học, nghệ thuật, kéo thấp thẩm mỹ thành một môn xã hội học sơ đẳng, tất cả những chủ trương biến văn nghệ thành những đồ dùng có ích không cần chất, tất cả chủ trương định bỏ rơi hoặc thu nhỏ lại cái cá tính, sở trường của người nghệ sĩ trong sáng tác đều là làm méo mó chủ nghĩa Mác.

Không thể có công thức định sẵn để dùng cho việc "giải quyết" một tác phẩm văn nghệ, không giải quyết vấn đề văn nghệ như giải quyết một phương trình thức. Một tác phẩm nghệ thuật thành công không bao giờ lại là một sơ đồ hoặc tổng kết tình hình kinh tế hoặc hiện tượng xã hội. Một tác phẩm sơ lược không nói lên được gì, nhưng một tác phẩm chỉ nhằm đi sâu vào những hiện tượng xã hội có tính chất "sống" kỳ thật nô lệ về tài liệu, sẽ không gây được một tác dụng gì về tình cảm (vì tác dụng của văn nghệ là đưa nội dung chính trị vào con người bằng tình cảm) dù tác phẩm ấy chứa nhiều luận đề về chính trị, đề cập nhiều đến chính sách v.v… Ở đâu có chủ nghĩa công thức, đại khái chủ nghĩa, ở đấy biểu hiện sự non yếu về tư tưởng và nghệ thuật, ở đấy dễ rơi vào tình trạng lãnh đạo đặt văn nghệ "làm theo com măng".

Những người đã từng lãnh đạo văn nghệ muốn biết rằng mình đã thực hiện đúng đường lối văn học Mác-Lê chưa, thì chỉ cần xét lại bản thân mình đã từng nhiều hay ít đã "com măng" trong việc thực hiện tác phẩm của người nghệ sĩ.

Tác phẩm… [2] trong óc và được đề ra do sự xúc cảm của tâm hồn người nghệ sĩ. Nó tuân theo một yêu cầu thôi thúc nội tâm, và chỉ thành tựu khi nào ở nội tâm ấy, bốc cháy một ngọn lửa chân thành sáng rực.

"Nghệ sĩ cộng sản sáng tạo, không phải là theo những chỉ thị và mệnh lệnh của một đảng ác nghiệt, nhưng là theo mệnh lệnh tâm tình của trái tim mình cùng đập một nhịp với trái tim nhân dân" – (Mô-ri-xơ TÔ-RÊ)

"Cho nên Marx và Engels luôn luôn tránh việc ban bố những điều lệnh về thẩm mỹ và làm Thái Thượng hoàng của các nghệ sĩ. Hai ông ủng hộ và khuyên nhủ những nhà thơ cách mạng, nhưng không bao giờ ức hiếp cảm hứng và văn tài của họ." (Jean Fréville)

Mác, Engels, Lê-nin lên án sự trốn tránh thực tế, chủ nghĩa “nghệ thuật siêu chính trị và phi chính trị – chủ nghĩa hình thức làm tôi tớ cho nghệ thuật vị nghệ thuật, chủ nghĩa tự nhiên lấy cớ trung thành với chủ nghĩa thực tế kỳ thực bóp méo thực tế, nhưng Mác Engels Lê-nin còn lên án và chống kịch liệt những quan niệm cố định máy móc, bè phái về nghệ thuật.

Vì thực tế tư tưởng bè phái, tự cho là bảo bệ sự trong sạch và nguyên lý của chủ nghĩa, kỳ thực đã đặt nguyên lý và chủ nghĩa chết cóng trong một cái tủ ướp lạnh.

Nó điều khiển tình cảm, hạn chế cảm hứng, ban bố những khuôn vàng thước ngọc, nó bắt quả tim con người phải hoà nhịp cùng với những công văn và chỉ thị... Đó là những khuyết điểm của thời kỳ ấu trĩ của văn học ta và cũng là những khuyết điểm thông thường của văn học công nhân chủ nghĩa (danh từ của Jean Fréville).

A. Nivov trong bài “Tiến tới xét lại văn sử học Liên Xô” có viết:

“Cái lối mệnh lệnh trong những quan hệ với nhà văn, cái lối hẹp hòi không chịu dung nạp tự do tư tưởng, cái lối dùng quyền hành chánh để cắt đứt những vấn đề văn học đang bàn cãi sôi nổi, tất cả những cái đó là những bộ mặt khả ố của kẻ vỗ ngực cộng sản trong văn học, đã xuất đầu lộ diện trong không khí sùng bái cá nhân”.

Lê-nin đã lên án lối cào bằng, lối san bằng máy móc, lối đa số đàn áp thiểu số trong văn học.

Đầu óc bè phái vẫn thường kết hợp với những tư tưởng trên, đã từng bôi nhọ lịch sử văn học từ những vụ Cóc-nay, Mô-lie, Stăng-đan, Xếch-spia Dơ-la cơ roa v.v... cho đến vụ Gờ-gốt-man, Mai-a-kốp-sky v.v... và ở nước ta là vụ Giai phẩm mùa Xuân...

Một tác phẩm văn học là một sản phẩm trí tuệ và tư tưởng – công nhận nó hay không công nhận nó cũng phải là một việc làm trí tuệ và tư tưởng chứ không phải là một việc làm của bản năng và cảm tính. Do đó thái độ nhận xét về văn học mà hồ đồ, vội vàng phần nhiều là những thái độ kém tư tưởng và đều đáng tiếc.

Chủ nghĩa cơ hội và hẹp hòi, trong văn học nghệ thuật tưởng rằng mình đã thích ứng kịp thời với thực tế, với những sự kiện lịch sử, kỳ thực chỉ thu lượm được một ít lợi ích trước mắt, nhưng thực chất nó đã xa rời những nguyên tắc cơ bản của đường lối văn học Mác Lê-nin. Nó tưởng rằng chống tư tưởng duy tâm và tiểu tư sản, kỳ thật nó đã bị rơi vào cái nhìn cận thị và thiển cận, ảo tưởng thú vị (danh từ của Ninord) nhất thời của phái duy tâm và tiểu tư sản.

Nó đưa nghệ thuật chết cứng trong chủ nghĩa thực dụng.

Một sự lãnh đạo đúng mực để thực hiện được trăm hoa đua nở, là sau khi gắn bó người nghệ sĩ chặt chẽ hơn với thực tế để lấy tài liệu xây dựng cho tác phẩm, giúp cho nghệ sĩ nắm được cái chủ yếu, giúp cho nghệ sĩ những bí quyết bắt được cái “thần” của cuộc sống, lãnh đạo sau khi đã làm xong công việc ấy rồi thì nên dừng lại ở đấy.

"Và chúng ta cần phải đảm bảo cho các nhà văn và nghệ sĩ của chúng ta có được đầy đủ khả năng mà phô diễn được hết cái sáng kiến cá nhân của họ, cái trí tượng của họ, cái sở thích của họ, không thể bắt buộc họ nhất loạt cùng theo một hình thức nào!" (Mô-ri-xơ TÔ-RÊ)

Đúng như thế, chỉ có làm như vậy mới nghiêm chỉnh thi hành chính sách trăm hoa đua nở. Lãnh đạo phải tin vào óc tưởng tượng sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Tưởng tượng ở đây không có nghĩa là bịa ra những chuyện mơ hồ đâu đâu, mà tưởng tượng có nghĩa là dựa trên chất liệu của cuộc sống, định chắc được ý nghĩa sự việc, nắm và xây dựng được điển hình của người và sự việc, tìm ra mấu chốt chính mà không rơi vào chi tiết của vấn đề, để cô đúc lại, tạo nên một thế giới mới rút từ cái đã có, đẹp hơn cái đã có mà không lý tưởng hoá cuộc đời, thực mà không rơi vào tự nhiên chủ nghĩa.

Nghệ thuật đòi hỏi tưởng tượng cũng như khoa học đòi hỏi phân tích.

Nếu ai không coi trọng lao động nghệ thuật, không coi đó là một sản phẩm tư tưởng, mà bắt nó rập khuôn theo bộ máy của chính quyền và tổ chức Đảng, là vô hình chung đã đi vào con đường mà bọn đế quốc đã từng nhằm để xuyên tạc đường lối văn học của chủ nghĩa Mác Lê-nin.

“Lênin đã vạch rõ điều đó ra rồi. Kẻ thù của chúng ta cho rằng đảng tính chỉ là một mối quan hệ mệnh lệnh và phục tùng tiêu cực.” (Mô-ri-xơ TÔ-RÊ)

Những ai đi ngược lại quyền lợi tinh thần của người văn nghệ sĩ trong việc phấn đấu cho “trăm hoa đua nở”, hành động ấy sẽ có tác hại lớn đến sự nghiệp văn học của Đảng.

Thực tế ở xã hội chúng ta, vấn đề thực hiện “trăm hoa đua nở” không phải là một việc đơn thuần dễ dàng.

Một khẩu hiệu không thôi, không đủ sức mạnh để khai thông tất cả những đầu óc bảo thủ, quan liêu đã quen với những tác phong lãnh đạo lỗi thời, chỉ lăm le buộc văn học, nghệ thuật vào những khẩu hiệu khô khan, những chính sách cùng những nguyên tắc máy móc về kinh tế và xã hội v.v…

Muốn thực hiện hiệu quả chính sách trăm hoa đua nở, chúng ta còn cần những biện pháp chính quyền và tổ chức Đảng để tiến hành giáo dục quần chúng trong việc giáo dục và chịu sự giáo dục của văn nghệ sĩ, trong việc làm thầy và làm học trò ở địa hạt văn học và nghệ thuật.

Ngoài ra, chúng ta phải nói đến chính quyền và Đảng, là vì thực tế việc tự do sáng tác, nghiên cứu, trăm hoa đua nở... mà không có sự nâng đỡ thích đáng, cụ thể về phương diện ấn loát, giấy má, phát hành của chính quyền và các cơ quan Đảng, thì “trăm hoa đua nở” sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực tế mà bản thân người nghệ sĩ không thể khắc phục được.

Thực tế trăm hoa đua nở sẽ tiến hành gay go bằng một cuộc đấu tranh tư tưởng, và đến lúc bấy giờ những vấn đề phức tạp hơn sẽ đề ra, vấn đề lý luận và trình độ nghiên cứu, vấn đề cuộc sống và nội tâm của người văn nghệ sĩ v.v...

Lúc bấy giờ người văn nghệ sĩ sẽ tự mình lớn lên, vươn lên với tất cả cái thực chất của mình... với trí tuệ và tâm hồn của mình.

Chủ nghĩa Mác Lê chỉ có thể đem đến cho chúng ta một nhãn quan đúng về cuộc sống, chứ tuyệt đối không thể biến một người quét vôi thành một Rambrand hoặc Vinci, một người thợ đục đá thành một Praxitèle hoặc Phidias, một người làm vè pha trò tầm thường thành một Aristophane, một người hát xẩm thành một Béthoven [3] .

Mà cái đòi hỏi chủ quan này về phía người sáng tác mới là cái yếu tố căn bản quyết định sự thành tựu trong việc “trăm hoa đua nở”.



*


Trần Lê Văn
Không sợ địch lợi dụng [4]

Hiện nay trong nhân dân quần chúng nói chung, trong giới văn nghệ nói riêng, không khí phê bình để xây dựng lãnh đạo thật là hào hứng sôi nổi. Sau lớp học tập lý luận văn nghệ do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức, một trong những nguyện vọng tha thiết của anh em văn nghệ sĩ là có thêm những tờ báo góp phần với báo Văn nghệ xây dựng Đại hội Văn nghệ Toàn quốc và tạo điều kiện cho “trăm hoa đua nở” lâu dài. Trong hoàn cảnh ấy, báo Nhân văn ra đời.

Số 1 vừa ra đã gây nên những luồng dư luận khá sôi nổi. Ở đây, chúng tôi chưa làm cái việc tổng kết dư luận, cũng chưa đáp lại những ý kiến tán thành hay không đồng ý. Chúng tôi chỉ bàn về một vấn đề thường làm quan tâm một số bạn đọc, nhất là trong giới lãnh đạo: vấn đề “địch lợi dụng”.

Trong cuộc đấu tranh chính trị gay go giữa địch và ta, nhất định kẻ địch lợi dụng mọi cơ hội để tấn công chế độ ta. Hoặc chúng cho tay sai lẻn lút vào hàng ngũ ta để phá hoại, hoặc chúng dùng lối tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt vu cáo để lừa gạt nhân dân ta hòng che đậy cái bản chất thối nát của chế độ chúng và những hành động cướp nước, bán nước đã bị lịch sử lên án từ lâu. Vì vậy, sáng suốt nhìn rõ cái tầm phá hoại của địch để ngăn chặn, đề phòng là đúng. Chúng ta không bao giờ nên đánh giá địch quá thấp mà sinh ra chủ quan khinh địch.

Đánh giá địch quá thấp thì dễ xảy ra những tai hại lớn. Ngược lại đánh giá địch quá cao cũng dễ xảy ra những tai hại không phải là nhỏ.

Xét lại một số công tác từ trước đến nay, trong lề lối lãnh đạo chúng tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân của những sai lầm nghiêm trọng là đánh giá địch quá cao. Cán bộ khi chấp hành công tác, bị chi phối bởi tư tưởng sợ địch, rồi sinh ra cảnh giác quá trớn, đa nghi, mất bình tĩnh sáng suốt trong khi nhận định sự thật. Nhận định sai tất nhiên làm sai và gây ra những hậu quả đáng tiếc: tưởng ta là địch, lầm bạn là thù, thậm chí có khi đẩy bạn sang thù.

Thí dụ: Cải cách ruộng đất đã đạt được một số thành công. Điều đó không ai có thể phủ nhận. Nhưng bên cạnh những thành công đó, có những sai lầm, tổn thất khá đau xót. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng: tư tưởng sợ địch, cảnh giác quá trớn.

Hầu hết các đội cải cách ở đợt 4 và đợt 5, về nông thôn nhìn chỗ nào cũng thấy địch bao vây, địch phá hoại, cho những chi bộ cũ là tổ chức của địch rồi làm ẩu, bắt lầm, xử trí sai, gây nên nhiều hiện tượng bối rối mà hiện nay Chính phủ và Đảng phải tốn rất nhiều công phu để sửa chữa.

Công tác hộ khẩu ở các thành phố xuất phát từ một dụng ý tốt là củng cố trật tự an ninh cho nhân dân. Nhưng cái tinh thần sợ địch, cảnh giác quá trớn làm cho một số cán bộ có thái độ nghi ngờ, xét nét quá đáng xâm phạm cả đến đời tư và sinh hoạt của người dân, làm giảm sút tác dụng của một chính sách tốt.

Giả thử trong nhân dân, trên báo chí sự phê bình công khai được tiến hành từ trước, mọi người được nói thẳng, nói thật, nói hết để lãnh đạo dần dần thấy cái đúng, cái sai ngay trong khi đang thực hiện chính sách thì chắc chắn nhiều tai vạ lớn đã tránh được. Sở dĩ sự phê bình công khai và rộng rãi trước kia hoặc không có hoặc có nhưng chỉ vụ hình thức cũng chỉ vì quá lo xa: nào là sợ địch lợi dụng, nào là sợ quần chúng hoang mang. Những bộ phận trung gian, trong khi hạn chế phê bình công khai đã làm tách biệt quần chúng với Trung ương Đảng, làm cho ở trên không nhìn thấy thật thấu đáo tình hình ở dưới để kịp thời uốn nắn những sai lầm. Sai lầm không kịp thời uốn nắn, quần chúng càng hoang mang, tự do và dân chủ càng bị hạn chế, thì địch càng có nhiều điều kiện để nói xấu chế độ ta. Thế là tư tưởng sợ địch đã làm cho ta bị động và ở trong một cái vòng luẩn quẩn!

Để cho quần chúng phê bình công khai ư? Bất lợi vì địch có thể lợi dụng.

Không để cho quần chúng phê bình công khai ư? Thế thì thấy sao được sai lầm mà sửa chữa? Sai lầm không sửa chữa thì địch nó càng lợi dụng để phản tuyên truyền.

Tôi thấy rằng cần phải nhắc lại lời cụ X.Y.Z. trong bài "Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng":

“Có nhiều cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại vì:

* Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền;
* Giảm bớt uy tín đoàn thể và chính quyền;
* Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy;
* Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình…”

Quả thế, có những cán bộ lãnh đạo ở bộ phận trung gian sự phê bình, chỉ làm cái việc phê bình “qua loa ở nội bộ” bỏ phí cái “lực lượng phê bình” vĩ đại của quần chúng! Coi nhẹ “lực lượng phê bình ấy” tức là làm phương hại cho đường lối quần chúng của Đảng. Trong bản báo cáo về vấn đề sửa đổi điều lệ Đảng của đồng chí Đặng Tiểu Bình tại Đại hội lần thứ 8 Đảng Cộng sản Trung Quốc có phản ánh một thực trạng tương tự ở nước ta: Đường lối quần chúng trong công tác của Đảng có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc về mặt lý luận và thực tế. Bệnh chủ quan đang nẩy nở ở nhiều nhân viên công tác của các tổ chức Đảng và của cơ quan Nhà nước. Những hiện tượng xấu đó chứng tỏ đường lối quần chúng trong công tác của Đảng còn chưa thực hiện hoàn toàn đầy đủ trong Đảng. Cần phải thường xuyên đấu tranh chống những hiện tượng thoát ly quần chúng và quan liêu đó.

Ấy là chưa kể những phần tử xấu vin cớ tránh địch lợi dụng để che đậy lỗi lầm của mình, duy trì địa vị của mình. Trong công tác văn nghệ bao nhiêu cái ấm ức chất chứa trong lòng anh em văn nghệ sĩ hàng mười năm chưa được nói ra, đến nỗi có người ví nó như “cục máu đọng lại không tan được” chính vì sự thiếu mở rộng dân chủ, mở rộng phê bình để lấy ý kiến quần chúng xây dựng đường lối văn nghệ thật đúng đắn. Giả sử “quần chúng văn nghệ” được luôn nói thẳng, nói thật, nói hết thì làm gì thỉnh thoảng có “vụ” này “vụ” khác nổi ra như “trái bom”.

Mỗi khi có cuộc phê bình công khai nổi lên, nghe chừng cái là nó bắt đầu hăng một tí, là bộ phận lãnh đạo đã vội vàng tìm cách dập tắt: “Ấy chớ! Hại cho đoàn kết, địch nói lợi dụng xuyên tạc!”, thế là phong trào xẹp xuống, “quần chúng văn nghệ” lèn chặt cái ấm ức trong bụng. Lãnh đạo không nhìn thấy sự thật nữa, xa rời quần chúng, làm việc chủ quan, càng ngày càng đi sâu vào những sai lầm khuyết điểm nặng.

Trong lớp học lý luận vừa qua, lí luận gì học cũng không vào, anh em phát hiện ra một hiện tượng, hai hiện tượng rồi phong trào phê bình lãnh đạo nổi lên như cồn. Lãnh đạo ban đầu còn có thái độ quanh co đối phó nhưng rồi cũng dần dần nhìn ra sự thật. Trong buổi tổng kết, đồng chí Nguyễn Đình Thi nhận những khuyết điểm của lãnh đạo trước anh em, đồng chí Tố Hữu sơ bộ tự kiểm thảo. Quần chúng chưa thoả mãn nhưng dù sao như thế cũng là triệu chứng tốt rồi! Báo Nhân văn ra đời chỉ là kế tục cái tinh thần phê bình công khai và rộng rãi của lớp học tập lý luận. Nó mạnh dạn mở rộng cho một phong trào đấu tranh công khai với cái cũ để xây dựng cái mới. Nó phê bình công khai những cái mà có người tưởng tượng rằng chỉ nên phê bình trong nội bộ. Phê bình thì có nhiều cách. Người thì dùng lối văn lý luận nghiêm nghị ngang bằng sổ ngay. Người thì dùng lối văn mỉa mai châm biếm, khi cái xấu nó nặng quá thì dùng lối văn đả kích. Tất nhiên trong phê bình không thể nào tránh được những cái lệch lạc, thâm chí những ý nghĩ sai nữa. Thiết tưởng muốn nhận định đúng một phong trào phải nhìn vào cái ý nghĩa căn bản, cái thực chất của nó. Nguyên nhân vì đâu? Quá trình thế nào? Hiện trạng ra sao? Giải quyết thế nào cho đúng?

Đáng lý bình tĩnh mà làm như vậy thì một số anh em cán bộ chính trị lại xuất phát từ ý nghĩ quen thuộc sợ (hoặc vin cớ sợ) đich lợi dụng, rồi chỉ chú ý bắt bẻ những cái phụ mà lướt qua những cái chính. Địch lợi dụng là chuyện dĩ nhiên rồi. Ngăn sao được chó dại sủa càn, từ trước tới nay việc gì chúng ta làm mà chúng chẳng xuyên tạc rêu rao, phản tuyên truyền bậy bạ. Chẳng có chuyện gì nó cũng dựng đứng lên thành chuyện để nói xấu ta, nữa là..

Cách đây không bao lâu có một sự việc lớn mà địch cho là một cơ hội rất “bở” để phản tuyên truyền. Ấy là việc Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô phê bình công khai những sai lầm của đồng chí Sta-lin. Chẳng những kẻ địch ở nước ta mà toàn thể phe đế quốc trên toàn thế giới đều nằm lấy cơ hội ấy để vu cáo phe ta thế này thế nọ. Nhưng chúng ngăn sao nổi Đảng Cộng sản Liên Xô và lực lượng dân chủ hoà bình thế giới ngày một lớn mạnh thêm sau khi gột bỏ những sai lầm cũ, bước vào một giai đoạn mới.

Thế là phe ta đã cân nhắc và đã kiên quyết làm một việc lúc đầu có thể làm cho nhiều người sửng sốt: phê bình công khai một lãnh tụ vĩ đại của cách mạng thế giới. Địch nó muốn xuyên tạc thì nó cứ xuyên tạc. Ta thấy cần phê bình công khai để đẩy cách mạng tiến lên thì ta cứ phải phê bình công khai.

Có người nói: bên Liên Xô không có vấn đề đấu tranh cho thống nhất thì làm thế được, ở ta hiện nay đang có vấn đề đấu tranh gay go để thực hiện thống nhất, tình hình rất phức tạp không nên làm cho nó phức tạp thêm. Ý nói: phê bình công khai, nói thẳng, nói thật, nói hết là khiến cuộc đấu tranh cho thống nhất thêm khó khăn. Thiết tưởng không phải thế. Nếu việc phê bình Sta-lin bị địch lợi dụng - mà thực sự nó đã bị lợi dụng - thì toàn thể sự nghiệp cách mạng thế giới phải chịu thiệt thòi. Điều đó không đáng e ngại hay sao? Thế mà sao Liên Xô không e ngại? Sở dĩ Liên Xô cứ làm cái việc phê bình ấy là vì đã cân nhắc cái lợi cái hại: phê bình là cái lợi lớn, địch phản tuyên truyền là cái hại nhỏ.

Trở lại phong trào văn nghệ của ta hiện nay. Cần phải nhận định rằng: trải qua ngót 12 năm dưới chế độ Dân chủ Cộng hoà, qua 9 năm kháng chiến và hơn 2 năm hoà bình, văn nghệ của ta đã lớn mạnh. Ảnh hưởng tốt của những phong trào mới mẻ nhất của Liên Xô, Trung Quốc càng làm cho nó lớn mạnh thêm. Lề lối lãnh đạo cũ không còn phù hợp với cái lớn mạnh ấy nữa. Quan hệ giữa lãnh đạo văn nghệ và quần chúng văn nghệ có mâu thuẫn. Mâu thuẫn này chỉ là dấu hiệu của một cái mà người ta thường gọi là “khủng hoảng trưởng thành”. Những cuộc phê bình “nảy lửa” trong lớp lý luận vừa qua, những bài văn, bài báo có vẻ “táo bạo” mà ta thấy ít lâu nay, đều biểu thị cái khủng hoảng trưởng thành ấy. Phong trào có thể có những lệch lạc, nhưng nó đúng ở căn bản là đòi duyệt lại những sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo để xây dựng một đường lối tốt đẹp hơn, rộng rãi hơn, phù hợp với nhu cầu mới hơn. Trong khi nó phê bình công khai, đưa ra những hiện tượng xấu, dĩ nhiên kẻ địch lợi dụng, nhưng cũng như việc phê bình Sta-lin, cái hại là nhỏ, cái lợi là lớn.

Nếu không nhìn thấy rõ như vậy, nếu chỉ thấy ngọn, mà không thấy gốc, cứ sốt ruột trước một vài thái độ lệch lạc của quần chúng, lo lắng về việc địch lợi dụng, tôi thiển nghĩ: lợi bất cập hại. Quan niệm hẹp hòi ấy dễ đưa đến những hành động động hẹp hòi. Nói trắng ngay ra rằng: gần đây trong giới lãnh đạo có khuynh hướng cô lập hoá, đối lập hoá tờ báo Nhân văn. Nếu khuynh hướng này còn kéo dài và tăng cường lên nữa thì tác hại sẽ là: hạn chế tự do dân chủ, hạn chế phê bình công khai, tưởng ta là địch, tưởng bạn là thù, tự mình đối lập với quần chúng của mình. Thế là mắc mưu ly gián của kẻ địch nham hiểm. Thế mới là thực sự bị địch lợi dụng.

Cho nên vì sợ hay vin cớ sợ địch lợi dụng mà chụp mũ nhau là bôi đen chế độ, là thoát ly chính trị v.v… và suy diễn rằng: phê bình công khai những cái sai trái của ta là “nối dáo cho giặc”, cần phải đề phòng!

Phê bình công khai là một công tác cách mạng. Nó là một phương tiện giáo dục quần chúng rất cần thiết, đồng thời lấy áp lực của dư luận để sửa chữa những cái xấu mà sự đấu tranh nội bộ trong các tổ chức của Đảng và Nhà nước không đủ để giải quyết. Một vài nhận thức chưa được sâu sắc, một vài thái độ chưa đúng mức của người phê bình sẽ dần dần được uốn nắn lại trong quá trình thảo luận, không nên thổi phồng những cái nhỏ nhặt đó để gạt bỏ những vấn đề trọng đại kia.

Để kết luận, tôi mượn ý của đồng chí Đặng Tiểu Bình trong bản báo cáo nói trên: “Trong cuộc đấu tranh để thực hiện đầy đủ đường lối quần chúng và chống bệnh quan liêu, việc hợp tác chặt chẽ với các nhân sĩ ngoài Đảng tham gia cuộc đấu tranh có một ý nghĩa rất lớn… Nhiệm vụ của chúng ta là thật sự củng cố liên hệ giữa người lãnh đạo và quần chúng làm cho nguyên tắc dân chủ và đường lối của Đảng được thi hành triệt để về mọi mặt”.


*


Bạn đọc phát biểu về những bài phê bình báo Nhân văn số 1 [5]

Dưới đây chúng tôi trích đăng một số ý kiến bạn đọc về một vài bài của báo NHÂN DÂN phê bình báo NHÂN VĂN.

Nguyễn Tuân (sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa)

Báo Nhân dân đăng những bài phê bình gay gắt tập Giai phẩm mùa Thu và báo Nhân văn có hơi sớm. Vì trong phong trào “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” tiếng nói của Đảng là tiếng nói tiêu biểu nhất được quần chúng tin tưởng nhất. Đăng như thế có khác gì là vừa cho phép người ta nói, vừa bịt miệng người ta lại. Vả lại tôi vẫn thường nghĩ rằng nguyên tắc phê bình xây dựng thật sự bao giờ cũng bắt đầu bằng tự phê bình, nghĩa là báo Nhân dân, tờ báo của lãnh đạo, phải phê bình những sai lầm về lãnh đạo của Hội Văn nghệ trước đã.

Quang Phòng (Hoạ sĩ)

Đọc báo Nhân dân, nhiều người trong giới hoạ sĩ chúng tôi rất công phẫn. Tôi thấy Nguyễn Chương, Xuân Trường v.v... chỉ giải quyết vấn đề văn nghệ bằng lý luận chung chung, và thành kiến rõ ràng với báo Nhân văn. Đáng lẽ trước tiên, báo Nhân dân phải tìm hiểu thực tế văn nghệ, hoàn cảnh văn nghệ, lãnh đạo văn nghệ sai lầm như thế nào, không nên kéo dài tình trạng thành kiến một chiều như thế nữa.

Đối với báo Nhân văn trước hoàn cảnh đó, tôi muốn nhắc đến một câu của Púc-kin: “Đội quân của những nhà bác học và những nhà văn phải luôn đứng hàng đầu mọi cuộc đột kích của văn minh. Họ không được hèn nhát run sợ rằng chính họ là những người sẽ vĩnh viễn chịu mọi quả đấm đầu tiên, mọi nghịch cảnh và mọi nguy hiểm”.


*


Tranh: “Đi đấu tranh”, ảnh: Lúa Vàng, bản kẽm: Tham, với lời ghi: "Tranh sơn mài của Sỹ Ngọc, rất được chú ý trong Triển lãm 1955" [6]


*


Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ
Ý kiến của ông Đào Duy Anh, nhà sử học [7]

Câu hỏi

1. Theo ý ông, lúc này giới trí thức nói chung và giới văn nghệ nói riêng, cần phải làm những gì để góp phần thực hiện mở rộng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu và sáng tác?

2. Theo ý ông và trên cơ sở nhu cầu phát triển của ngành ông thì chúng ta cần phải đem ra thảo luận rộng rãi những vấn đề gì?

Trả lời

1. Chế độ của chúng ta căn bản là tự do. Phàm những loại tự do dân chủ chúng ta đều có cả. Nhưng trong quá trình xây dựng chế độ, chúng ta đã gặp, chính trong nội bộ chúng ta, những cái hạn chế và ngăn trở tự do. Tên tuổi của những kẻ thù nội bộ của tự do ấy, người ta đều biết cả: tức là những tệ quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái còn ngự trị lén lút hay công nhiên ở địa vị điều khiển và lãnh đạo của nhiều cơ quan, những bệnh giáo điều chủ nghĩa, công thức chủ nghĩa, sùng bái cá nhân còn ngự trị trong công tác lãnh đạo văn nghệ và học thuật và còn nặng nề chính trong tư tưởng của nhiều người trong giới trí thức chúng ta. Để góp phần thực hiện những thứ tự do mà quý báo đề ra trong câu hỏi, giới trí thức là những người thiết tha nhất đối với các thứ tự do ấy chỉ có một cách là đấu tranh. Đấu tranh trong công tác chuyên môn, đấu tranh trong hoạt động xã hội. Đấu tranh bằng hoạt động phê bình, phản phê bình, tự phê bình. Chúng ta đấu tranh nội bộ để đánh lùi những lực lượng lạc hậu làm vướng bước tiến của chế độ chúng ta, cản trở sự phát triển của văn hoá chúng ta, để cho chế độ chúng ta càng ngày càng tốt, văn hoá chúng ta càng ngày càng cao. Trong cuộc đấu tranh gay go phức tạp nhưng chính nghĩa ấy, chúng ta chắc được Đảng lãnh đạo tán thành, chúng ta chắc được quần chúng ủng hộ.

Nhưng chỉ nói đấu tranh chung chung như vậy thì không thiết thực. Không ai ngăn cấm anh tự do nghiên cứu, sáng tác, nhưng nếu anh không có phương tiện nghiên cứu sáng tác thì thực tế anh chẳng có quyền đâu. Không ai ngăn cấm anh tự do ngôn luận, nhưng nếu anh không có phương tiện để in sách báo thì thực tế anh cũng chẳng có quyền đâu. Hơn nữa, nếu anh có được những điều kiện đặc biệt may mắn mà in sách in báo được, nhưng nếu không có phương tiện phát hành thì anh cũng đừng nên mạnh nói tự do. Trong khi về thực tế phần nhiều những phương tiện xuất bản, phát hành, đến cả các phương tiện nghiên cứu và sáng tác đã tập trung ở các cơ quan chính quyền, thì vấn đề không phải là đấu tranh để đòi tự do gì gì, mà là đấu tranh để tranh thủ sự giúp đỡ thiết thực của Chính phủ tạo điều kiện cho sự thực hiện những tự do ấy, ví dụ giúp đỡ thiết thực cho tư nhân xuất bản dễ dàng, giúp đỡ việc phát hành, cho phương tiện thuận tiện để sáng tác và nghiên cứu, săn sóc sự xuất bản rộng rãi các tác phẩm văn nghệ và đặc biệt chú ý xuất bản những tác phẩm nghiên cứu khoa học. Ở trong chế độ ta, Chính phủ và nhân dân là nhất trí. Những yêu cầu trên là nghĩa vụ của Chính phủ phải thoả mãn để phát huy hết khả năng của nhân dân và của giới trí thức nói riêng.

2. Chỗ tôi công tác là trường Đại học tổng hợp. Vậy tôi nói đến những vấn đề cần phải đề ra trong công tác xây dựng trường ấy. Theo nhiệm vụ của Chính phủ đặt cho thì trường Đại học phải là trung tâm văn hoá tiêu biểu của nước nhà. Nó chính phải đánh dấu trình độ phát triển của văn hoá, trình độ nghiên cứu của khoa học. Muốn gánh được nhiệm vụ ấy, trường Đại học phải là một trung tâm nghiên cứu khoa học cao độ. Sự xây dựng trường Đại học gặp rất nhiều khó khăn lớn, về trường sở, về cán bộ. Những khó khăn ấy nhất định phải khắc phục được nếu nguời ta có quyết tâm khắc phục. Cho nên, theo ý tôi, vấn đề đầu tiên phải đặt ra là làm thế nào cho các cơ quan có liên quan trách nhiệm thấy rằng xây dựng trường Đại học là một vấn đề quốc gia trọng đại, không tích cực góp phần vào xây dựng nó mà có khi còn trở ngại nó là có tội với nước, với dân. Vấn đề ý thức, vấn đề tư tưởng ấy mà giải quyết được thì mới khỏi gặp phải tình trạng như đối với cái quỹ tí hon 10 vạn đồng một tháng để xây dựng cái thư viện văn khoa cho trường Đại học, bộ Tài chính lại thỉnh thoảng xén xẻo đi một nửa lấy cớ là mua sách nhiều quá (trong khi để có kẻ tham ô lãng phí mỗi lần hàng mấy trăm triệu), hoặc tình trạng như sách Trung Quốc viện trợ cho nước ta rất nhiều, thế mà hơn nửa năm nay, bộ Giáo dục và nhiều người quan trọng can thiệp, bộ Văn hoá vẫn giữ cả chưa chuyển cho trường Đại học quyển nào, đến nỗi các giáo sư rất cần những sách ở đó để chuẩn bị khai giảng sắp tới mà sách vẫn nằm mốc trong kho của Thư viện Trung ương, không tài nào gỡ ra được.

Một vấn đề quan trọng nữa phải đặt ra là đối với một trung tâm nghiên cứu khoa học là trường Đại học thì sự bố trí cán bộ nói chung và đặc biệt là cán bộ điều khiển và phụ trách, nên nặng về tiêu chuẩn chuyên môn hay nên nặng về tiêu chuẩn chính trị? Do vấn đề đó nẩy ra hai vấn đề phụ:

Dù là một tổ chức nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn chính trị cũng cần phải có, vì chúng ta không quan niệm có nhà khoa học phi chính trị, có nhà chuyên môn siêu giai cấp. Nhưng nên yêu cầu tiêu chuẩn chính trị như thế nào? Có cần nhất thiết phải là đảng viên hay dự bị đảng viên thì mới dùng? Có cần phải là người ngoan ngoãn phục tùng, khôn khéo, mềm dẻo, ít đấu tranh, tức là ít làm phiền cho cấp trên thì mới dùng, mà người có tinh thần đấu tranh thì nhất thiết gạt đi? Hay là cần đặt tiêu chuẩn rộng rãi hơn như thế nào?

Về tiêu chuẩn chuyên môn thì cấp trên nên bằng cứ vào đâu? Nếu bằng cứ vào thành tích nghiên cứu và công tác chuyên môn do quần chúng - quần chúng trực tiếp là học sinh và giáo sư, quần chúng gián tiếp là công chúng rộng rãi và giới khoa học quốc tế - nhận định, hay chỉ bằng vào sự xét đoán riêng, không khỏi có phần hẹp hòi chủ quan và cảm tình cá nhân, của người lãnh đạo?
Cuối cùng tôi muốn nêu lên vấn đề học tập nước bạn. Trong công cuộc xây dựng ngành Đại học, chúng ta cần phải học tập, mà cần phải học tập rất nhiều các nước bạn, nhất là Liên Xô và Trung Quốc là những nước làm thầy chúng ta về nhiều mặt. Chúng ta cần phải thành khẩn học tập kinh nghiệm cũng như kiến thức của các chuyên gia nước bạn. Nhưng có nên lấy tinh thần tự ti dân tộc mà phủ nhận khả năng sáng tạo của chuyên gia Việt Nam không? Vấn đề này cũng cần phải thảo luận để nhằm thực hiện sự học tập một cách sáng tạo; không sa vào cái tệ học tập máy móc và giáo điều có thể gây nên tai hại.

Những vấn đề trên đều có nội dung cụ thể của chúng nhưng đây không phải là chỗ thảo luận nên tôi không nêu ra. Đó chỉ là những khiá cạnh cụ thể của một vấn đề lớn là sự nhận định vai trò của giới trí thức chuyên môn và sự tín nhiệm họ trong công cuộc xây dựng nền Đại học nói riêng và sự nghiệp kiến thiết văn hoá và kinh tế nói chung.



*


Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy
Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị - Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân [8]

Sau khi số 1 báo Nhân văn ra rồi, những anh em văn nghệ sĩ và trí thức tham gia tờ báo đã cùng nhau kiểm điểm. Đồng thời, những bạn thân, những độc giả nhiệt tình và một số đồng chí phụ trách những cơ quan chính quyền hay đoàn thể đã góp ý với chúng tôi về đường lối tờ báo. Và tất cả mọi người đều thống nhất với nhau ở hai điểm:

1) Nội dung số 1 chỉ trích, phản đối nhiều quá; tán thành đề cao ít quá. Sẽ phải chú trọng cả hai mặt

2) Nội dung số 1 nặng về bút chiến, nhẹ về lý luận. Sẽ phải chú trọng cả hai phần.

Dụng ý toát ra từ số báo rất rõ: một là những vấn đề giải quyết nội bộ không xong thì bất đắc dĩ phải đưa ra công chúng và “kêu thấu” tới Trung ương; hai là muốn "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói” thì trước hết phải tấn công mạnh vào thái độ ngoan cố không chịu rời bỏ óc bè phái hẹp hòi, độc đoán, khinh miệt quần chúng của một số người trong lãnh đạo văn nghệ; phải đòi gắt gao việc sửa chữa sai lầm và mở rộng tự do, dân chủ.

Còn tác dụng thực tế thế nào thì bài “Không sợ địch lợi dụng” của Trần Lê Văn ở số báo này trả lời đầy đủ, chúng tôi không nhắc lại ở đây.

Chúng tôi nghĩ rằng những người thẳng thắn đều thấy như trên. Chỉ khi nào mang sẵn thành kiến rồi cố tình xuyên tạc thì mới có thể nói như bạn Nguyễn Chương trên báo Nhân dân ra ngày 25-9-56.

Bạn Nguyễn Chương đã nghĩ và nói những gì?

Trước hết cần đính chính ngay cách đặt vấn đề sai lệch dụng ý hay vô tình của bạn Nguyễn Chương, gói chung Giai phẩm mùa Thu (Tập I) và báo Nhân văn vào làm một. Chẳng rõ bạn Nguyễn Chương nhận định thế nào chứ sự thực là hai tổ chức đó khác hẳn nhau tuy có nhiều người viết hay vẽ ở cả hai nơi. Song cũng trong số anh em tham gia báo Nhân văn nhiều người đồng thời viết và vẽ cho cả báo Văn nghệ thì có lẽ ta cùng gói cả hai báo đó vào làm một?

Bởi vậy, chúng tôi gạt ra một bên những lời của bạn Nguyễn Chương hướng vào bài của cụ Phan Khôi in trong Giai phẩm mùa thu (Tập I). (Chính chúng tôi cũng không tán thành thái độ phê bình của cụ Phan trong nhiều đoạn của bài ấy). Chúng tôi chỉ đáp lại những cái bạn nói về báo Nhân văn mà thôi.

1. Bạn Nguyễn-Chương khẳng định rằng chúng tôi “muốn nhân việc phê bình lãnh đạo văn nghệ hẹp hòi, mệnh lệnh mà làm cho người ta tưởng rằng toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và toàn bộ chế độ chính trị ở miền Bắc là độc đoán, độc tài, chà đạp con người, không có nhân văn”.

Bạn Nguyễn Chương căn cứ vào đâu mà khẳng định như thế? Như bạn nói, bạn căn cứ vào bài “Con người Trần Dần” (của Hoàng Cầm) và bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” (của Lê Đạt). Hai bài đó chỉ phản ảnh những sự thật đã xảy ra hoàn toàn do những sai lầm cá biệt của một số người sâu mọt chứ có một câu nào nói đó là những hiện tượng phổ biến do tinh thần của Đảng hay do bản chất của chế độ miền Bắc này đâu!

Bạn Nguyễn Chương suy diễn, tưởng tượng ra cả, rồi lại làm như đã đi guốc trong bụng chúng tôi:

“Báo Nhân văn không tuyên bố rõ mà ám chỉ miêu tả như vậy để độc giả tự suy nghĩ.”

“Miêu tả như vậy”! Đó là điều mà bạn dựng đứng lên.

Đối với bạn Nguyễn Chương những câu văn của Hoàng Cầm:

“tôi tin ở chân lý mà Đảng ta nắm rất vững”, “sở dĩ anh được về là nhờ có sự sáng suốt của Trung ương Đảng”, “Trước mắt tôi là lòng tin vào ánh sáng của Đảng. Áhh sáng đó sẽ soi rọi vào bất cứ chỗ nào đang cần bảo vệ con người”… không phải là ca ngợi Đảng và kết tội mấy kẻ làm xằng mà lại hoá ra nói xấu Đảng?

Và nhưng câu thơ của Lê Đạt:

Chế độ ta không cấm họ yêu nhau
Mà sao họ chết?...
Giữa năm Cộng hoà lớn khôn mười một tuổi
Vẫn còn lọt lưới
nhiều thói “an nam”
Dán nhãn hiệu
“made in cách mạng”
Ngang nhiên xúc phạm con người
Đẩy họ đi tự tử
Đất nước trong khó khăn
Đối với chúng ta càng yêu càng quý

cũng không phải là đề cao chế độ và kết tội mấy kẻ làm xằng mà lại hoá ra chống chế độ?

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết làm sao!

Theo ý bạn Nguyễn Chương có lẽ Hoàng Cầm phải đồng loã với bè phái lãnh đạo, ỉm đi vụ Trần Dần, mặc cho một số nhà văn tiêu ma trong đau khổ, oan ức thì mới là có lợi cho Đảng, có lợi cho chế độ? Và cũng theo lối suy nghĩ ấy thì có lẽ Lê Đạt cũng phải nhắm mắt trước một số hành động chà đạp lên tình cảm chính đáng và phẩm giá người ta mới là có lợi cho Đảng, có lợi cho chế độ?

Bây giờ bình tĩnh lại, bạn có thấy bạn độc đoán không?

2. Sau khi suy diễn một cách vô lý như trên, bạn Nguyễn Chương viết một đoạn dài mập mờ chẳng rõ rệt là ám chỉ chúng tôi hay là nhằm vào những kẻ đâu đâu, đại ý nói: “nếu vì thấy có những khuyết điểm trong Cải cách Ruộng đất, Quản lý Hộ khẩu v.v… mà cho rằng toàn bộ chế độ ta, bản chất chế độ ta là không dân chủ thì rất sai lầm”.

Có lẽ bạn Nguyễn Chương hiện nay bị cái ám ảnh là nhiều người hoang mang, lệch lạc cứ nhìn qua Cải cách Ruộng đất và Quản lý Hộ khẩu mà hoài nghi, chán nản đối với chế độ ta nên trong đầu bạn lúc nào cũng sắp sẵn những câu giải thích biện bác, nhưng câu “đập lại”, chỉ chờ có dịp là đưa ra. Bởi vậy mặc dầu trong Nhân văn số 1 chúng tôi không hề đả động gì đến Cải cách Ruộng đất và Quản lý Hộ khẩu, bạn cũng gò bằng được những chuyện đó vào bài phê bình của bạn. Và cái lối mập mờ đó đã gây ra một sự hiểu nhầm nguy hiểm.

Bạn cố tình đến thế chúng tôi còn biết nói sao!

3. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi “không nêu lên được những vấn đề gì có tính chất phương châm, đường lối rõ ràng về văn nghệ”.

Nêu những vấn đề có tính chất phương châm, đường lối là việc chúng tôi chưa làm chứ không phải nhất định không làm. Báo ra hàng chục số rồi mà chúng tôi vẫn chưa đề cập đến thì bạn Nguyễn Chương có quyền trách. Báo mới ra một số, bạn đã đòi hỏi ngay điều đó thì hơi vội.

Bạn là một cán bộ tuyên huấn cao cấp vẫn thường đi huấn luyện chính trị, hãy hỏi trong buổi học đầu bạn có dạy được cả duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, kinh tế chính trị Mác và nguyên lý của chủ nghĩa Lê-nin không?

Bạn thông cảm với chúng tôi đấy, nhưng bạn cứ chất vấn.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao!

4. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi “công kích địch thì ít, công kích ta thì nhiều”.

“Công kích ta” là một câu mơ hồ, xuyên tạc, chúng tôi xin trả lại bạn Nguyễn Chương. Chúng tôi đấu tranh chống những cái xấu (tạm thời còn tồn tại) của ta, nghĩa là những cái thù địch đối với nhân dân, đối với cách mạng, như thế không thể coi là “công kích ta” được. Bạn là cán bộ tuyên huấn cao cấp, lẽ nào bạn lại lẫn lộn hai khái niệm đó?

Còn công kích bọn Mỹ, Diệm, tuy chưa được cung cấp tài liệu như các báo khác, chúng tôi cũng đã dành một chỗ nếu không rộng hơn thì ít ra cũng ngang bằng nhiều bạn đồng nghiệp.

Bạn biết cả, nhưng bạn cứ bắt bẻ.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao!

5. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi “nặng về đả kích cá nhân”. [9]

Nêu ra những hiện tượng xấu, sự việc xấu, những chủ trương sai, chính sách sai thì lập tức bạn Nguyễn Chương kêu chúng tôi chống Đảng và bôi đen chế độ. Mà nêu ra những người này xấu người nọ làm sai thì bạn lại kêu chúng tôi đả kích cá nhân.

Bạn muốn đặt chúng tôi vào tình thế lửa cháy hai đầu, không có lối thoát ngoài cách “im đi”.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao?

6. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi đã “dùng rất nhiều những lời hằn học, giễu cợt”. [10]

“Giễu cợt” (nghĩa là châm biếm, vui cười) đúng lúc, đúng chỗ thì không phải là dở. Mà chúng tôi cả quyết là trong số 1 chúng tôi đã giễu cợt đúng lúc, đúng chỗ.

Còn “hằn học” thì đáng khinh, đáng ghét lắm rồi. Nhưng để dẫn chứng, bạn Nguyễn Chương chẳng tìm được gì ngoài mấy tiếng “thủ phạm”, “bè phái”, “ăn cánh”, “tên này, tên nọ”.

Hai tiếng “bè phái” là một danh từ rất chính xác, để chỉ một tình trạng xấu trong hàng ngũ cách mạng. Trong Nhân văn số 1 chúng tôi dùng nó vào những bài hoàn toàn nghiêm chỉnh, tại sao bạn lại phàn nàn?

Hai tiếng “thủ phạm” báo Nhân dân đã dùng trong mục “Chuyện vô lý” với ý nghĩa mỉa mai, khi nói về vụ Nọc rắn. Tại sao bạn không thấy là báo Nhân dân hằn học, còn chúng tôi cũng dùng hai tiếng đó với cùng một ý nghĩa, vào cùng một trường hợp, thì lại là hằn học?

Chúng tôi chỉ viết “hai tên Quan liêu và Mệnh lệnh”, “tên Không biết gì” để gọi những khuyết điểm mà thôi chứ không gắn tiếng “tên” với cá nhân nào.

Nhưng bạn Nguyễn Chương lại dẫn chứng gọt đầu cắt đuôi mấy tiếng “tên này, tên nọ”, làm cho người đọc tưởng chúng tôi đã dùng tiếng “tên” để gọi một cách mạt sát những cán bộ nào đó.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao!

Đến đây, chúng tôi đã trả lời về hết mọi điều mà bạn Nguyễn Chương chỉ trích.

Bây giờ, để kết luận, chúng tôi xin bộc lộ vài thắc mắc về thái độ bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân:

1) Bạn Nguyễn Chương là cán bộ tuyên huấn cao cấp, báo Nhân dân là cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng.

Mấy năm nay bộ phận lãnh đạo văn nghệ phạm bao nhiêu sai lầm nghiêm trọng, bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân đã không biết gì hết hoặc có biết mà đã không lên tiếng phê bình. Bây giờ cực chẳng đã, chúng tôi phải đem phê bình công khai những sai lầm kia sau khi đóng cửa bảo nhau không được, thì bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân lại tìm cách chụp mũ để đe doạ.

Như thế bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

2) Vụ Giai phẩm mùa Xuân đã bị Trung ương Đảng chỉ trích hơn nửa năm nay nhưng bè phái lãnh đạo văn nghệ ỉm đi, không chịu phục hồi Trần Dần một cách đầy đủ trước dư luận cả nước.

Bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân không lên tiếng trong sự im lặng tội lỗi đó thì có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

3) Đợt học tập của giới văn nghệ tháng tám vừa qua đã là một cuộc đấu tranh sôi nổi của trên 300 người công tác văn nghệ; phát hiện sự việc thế nào, chỉ trích bè phái lãnh đạo văn nghệ thế nào, xây dựng Trung ương Đảng thế nào, Nguyễn Đình Thi tổng kết quanh co thế nào, Nguyễn Hữu Đang tham luận mạnh bạo thế nào, Tố Hữu nhận lỗi qua loa thế nào, anh em đề nghị những gì... báo Nhân dân biết rõ cả và bạn Nguyễn Chương cũng không lạ gì. Thế rồi bè phái lãnh đạo văn nghệ vẫn cứ ngoan cố làm thinh, tuyệt nhiên không phản ảnh một dòng một chữ nào những buổi học cuối và buổi tổng kết lên báo Văn nghệ, tuyệt nhiên không giải quyết một nguyện vọng nào của anh chị em và cũng không thèm trả lời anh chị em. (Từ hôm tổng kết đến hôm báo Nhân văn ra số 1 đã ngót một tháng trời).

Bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân không lên tiếng trong sự im lặng tội lỗi đó thì có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

4) Báo Nhân văn khi ra đời, tuyên bố rõ là tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là lời nói chân thành do nhiệt tình cách mạng và do lòng tin, yêu Đảng của hàng trăm văn nghệ sĩ và trí thức đã đi theo cách mạng từ mấy chục năm, ít ra cũng tham gia kháng chiến chín năm ròng. Họ nói là nói với Trung ương Đảng, với nhân dân miền Bắc và miền Nam, với cả thế giới.

Bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân có được uỷ nhiệm của Trung ương Đảng để tỏ thái độ đối với lời tuyên bố đoàn kết và phục tùng kia không mà lại hống hánh và mỉa mai hạ lời phê phán nó là “chiêu bài” để ruồng rẫy? Có phải bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân định bày ra một tình thế đối lập giả tạo để dọn đường cho một vụ Giai phẩm mùa Xuân thứ hai không?

Đào một cái hố sâu giữa Đảng và một số đông văn nghệ sĩ, trí thức như thế, bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

5) Trong các công tác Cải cách Ruộng đất, Quản lý Hộ khẩu và ngay trong vụ Giai phẩm mùa Xuân, chúng ta rút ra được một bài học đau đớn mà chúng ta đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt: luận điệu vu cáo chính trị gây tình hình căng thẳng, thủ tiêu tự do và dân chủ, ngăn cách Đảng với quần chúng, phá hoại mọi chính sách tốt, bôi nhọ chế độ ta.

Tất cả các tầng lớp nhân dân đã đồng tâm nhất trí lên án luận điệu nguy hiểm ấy từ lâu rồi.

Thế mà nay bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân vẫn còn dùng nó thì có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?


*


Tranh châm biếm của Y Du [11]

(Vẽ hình hai người, trong đó một người đang bê một chồng mũ, trên mũ ghi "Văn học thoát ly chính trị bất mãn phản động bôi đen chế độ")

“Độ này anh lại đi buôn mũ à?”

“Không! Tôi chuẩn bị viết bài phê bình báo Nhân văn”


________________________

[1] Trang 1, vị trí xã luận, trên cùng, bên trái, xem tiếp ở trang 2 (các chú thích đều của talawas)

[2] Mất mấy chữ vì báo rách, chưa khôi phục được

[3] Chúng tôi giữ nguyên cách viết tên nước ngoài của bản gốc.

[4] Trang 1, vị trí bài cái, xem tiếp ở trang 5

[5] Trang 1, xem tiếp ở trang 2

[6] Trang 1

[7] Trang 1, xem tiếp ở trang 2

[8] Trang 1, chỉ có tiêu đề, xem tiếp ở trang 6, từ trang 6 xem tiếp và kết thúc ở trang 5

[9] Trong nguyên bản đánh số 4, chúng tôi sửa thành số 5.

[10] Trong nguyên bản đánh số 5, chúng tôi sửa thành số 6.

[11] Trang 1, dưới cùng, bên trái

Nguồn: Nhân văn số 2, ngày 30.9.1956. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Nguồn: Talawa

No comments: