===
Báo Nhân văn số 2 (phần thứ ba)
* Ngược dòng lịch sử
* Cùng chủ đề:
* 1
* 2
* 3
* 4
* 5
* 6
* 7
* 8
* 9
* 10
* 11
* 12
* 13
* 14
* 15
* 16
* 17
* 18
* 19
* 20
* 21
* 22
* 23
Elsa Triolet
Alexandre Fadéev [1]
Tử Phác dịch
(Fa-đê-ép sinh năm 1901, con một y sĩ ở nông thôn nước Nga. Sau khi gia đình rời đi Si-bi-ri là năm, Fa-đê-ép theo học Vla-đi-vô-stốc. Năm 1918 vào Đảng Cộng sản, hoạt động bí mật trong phái Bôn-sơ-vích, chiến đấu chống quân Bạch Nga của tướng Côn-chát (Kolt-chak) và bọn can thiệp Nhật Bản. Bắt đầu vào nghề viết văn từ năm 1922. Từ năm 1926 là một trong những người sáng lập và lãnh đạo Hội các nhà văn Liên Xô, làm Chủ tịch Hội suốt 15 năm liền.
Fa-đê-ép là đại biểu trong Xô-viết tối cao Liên Xô, hai lần được bầu vào Trung ương Đảng do Đại hội lần thứ 18 và Đại hội 19. Tới Đại hội 20 mới đây thì được bầu là uỷ viên dự khuyết của Trung ương Đảng. Fa-đê-ép là uỷ viên Hội đồng Hoà bình thế giới. Theo báo „Études soviétques“ số 33, tháng 6 năm 1956 thì trong một cơn đau và thần kinh hệ bị rối loạn. Fa-đê-ép đã tự sát ngày 13-5-56. Lúc đó ông 54 tuổi. [2] )
Fa-đê-ép [3] đã chết rồi. Fa-đê-ép mất đi là mất theo cả một thời kỳ của văn học Xô-viết. Cả một thời kỳ của cuộc sống Xô-viết. Và cả một thời kỳ của đời sống chúng ta nữa, vì chúng ta là những người đã đem cuộc đời của bản thân mình gắn liền với cuộc sống của Xô-viết ấy.
Năm 1930, tôi cùng với A-ra-gông và Gioóc-sa-đun [4] đi dự hội nghị các nhà văn ở Khắc-cốp [5] . Tôi đã gặp Fa-đê-ép lần đầu tiên ở đó, khi hội nghị đã gần bế mạc mới thấy anh ta đến. Người anh ta lớn và rất gầy. Tất cả hành lý chỉ có một chiếc cặp nhét đầy phồng lên.
Mốt-scu hồi đó chưa có những dinh thự như Mốt-scu bây giờ. Mỗi lần ở cuộc họp ra về thì phải tìm lấy một chỗ mà trú thân. Fa-đê-ép đưa A-ra-gông và tôi về chỗ ở của anh ta, một căn buồng nhỏ xíu trong dãy nhà ngang của toà nhà Héc-den lúc đó dùng làm trụ sở của Hội các nhà văn. Trong buồng có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, còn cái khả năng tắm giặt thì mong manh lắm. Fa-đê-ép [6] đi ngủ chỗ khác, bất kỳ là ở đâu, đem theo chiếc cặp đầy phồng, bước chân đi nhẹ nhàng, rõ là một người không hề bị đồ đạc ràng buộc bao giờ, vì vốn là không hề có đồ đạc gì cả… Fa-đê-ép là cái loại người đi ra phố tưởng chỉ là đi mua bao thuốc lá thế mà rất có thể hai năm sau mới trở về…
Hồi đó, đối với tôi, Fa-đê-ép là cả một sự bí mật, khó hiểu hơn cả một người Trung Hoa. Điều đó, tôi cũng đã từng nói thẳng cho anh ta biết, vì thường là tôi không đồng ý được với anh ta về các vấn đề nghệ thuật. Fa-đê-ép là một trong những người lãnh đạo Hội các nhà văn vô sản (RAPP). Ít lâu sau, hội này bị giải tán. Chắc hẳn anh ta đã nhận ra những sai lầm của hội đó, nhưng vẫn còn giữ lấy những tàn tích của nó.
(Sau Cách mạng tháng 10, văn học Nga có nhiều môn phái: nhóm Bạn đường của A.Tolstoi, nhóm vị lai của Maiakovski, nhóm hiện thực của M.Gork, có người theo cổ điển như Trichunv, có người còn mới nguyên như Simonov, có nhóm độc lập tự do như Ehrenbourg, có người theo khuynh hướng Trotsky như Zonine… nhưng đông và thế lực hơn cả các phái là nhóm “vô sản”. Họ lập các tổ chức như Proletkult, Octobre, V.A.P.P và R.A.P.P. Fa-đê-ép ở trong tổ chức đó. Các nhà văn đảng viên ấy dựa vào bộ máy của Bộ văn hoá, Bộ giáo dục v.v… để chuyên chính trên lĩnh vực văn học và tự coi khuynh hướng của các tổ chức nhà văn “vô sản” là chính thống cách mạng. Tới 1925, thì Lê-nin chủ trương “không giao độc quyền cho một tổ chức nào, dù tổ chức ấy có vô sản nhất về mặt tư tưởng, vì làm như thế trước hết là cho nền văn học vô sản bị thất bại”, mà phải xây dựng một “nền văn học chung cho cả một giai cấp vĩ đại đang đấu tranh và thu hút theo mình hàng triệu nông dân” [Trích trong nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Bô-sê-vích Liên Xô năm 1925.] Do đó mà Lê-nin đã đặt được đường lối cho Đảng lãnh đạo văn nghệ, đã giải quyết được các vấn đề sáng tác, phê bình và tổ chức văn nghệ, tập hợp được mọi khuynh hướng nghệ thuật khác nhau; những nhà văn kể trên, sau này đều trở thành những nhà văn Xô-viết chân chính.)
Nhà văn Fa-đê-ép có nhiều đức tính xuất sắc của nhà chính trị. Anh ta tiến hành một đường lối văn học [7] , một cuộc đấu tranh trên măt trận văn học, và đặt chân lên một miếng đất chuyển động [8] . Nhưng anh ta không sáng tác. Lại có một vấn đề nữa mà không bao giờ tôi chịu nghe ra lẽ: đó là vấn đề Mai-cốp-ski. Về vấn đề này hai chúng tôi mâu thuẫn sâu sắc.
(Maiakovski thoạt đầu tham gia nhóm Vị lai – Futurisme-, sau dần dần phát triển bản sắc nghệ thuật của mình lên thành một khuynh hướng riêng biệt..., chuyên chính của phái các nhà văn “vô sản” nắm chính quyền văn nghệ lúc bấy giờ, Maiakovski xin ra khỏi Đảng làm nghệ sĩ tự do, đi vẽ tranh quảng cáo để sinh sống mà làm thơ. Thơ làm ra không xuất bản được, thì Maiakovski tự đi vào các xưởng thợ đọc thơ mình cho công nhân nghe để truyền bá lấy tác phẩm của mình. Suốt đời Maiakovski bị khinh rẻ, vùi dập cả con người lẫn thơ ca. Nhưng ở Liên Xô và nước ngoài thời đó cũng đã có một số rất ít người bênh vực thơ Maiakovski, trong số đó có Elsa Triolet.)
Tác phẩm đầu tay của Fa-đê-ép là cuốn Thất bại. Tác phẩm này đã đưa tác giả tới chỗ vinh quang. Sau đó, Fa-đê-ép có bắt tay vào xây dựng một tiểu thuyết lớn là Người U-đe-ghê cuối cùng, nhưng tác giả bị mắc sa lầy vào đó đến nỗi chính bản thân cũng chỉ coi nó là một chuyện đùa và một chuyện đau lòng mà thôi. Trong buồng, Fa-đê-ép có một cuốn Thất bại in khổ nhỏ, đóng lại rất cẩn thận, đặt trên ngăn sách, và khi chúng tôi sắp lên đường về nước thì Fa-đê-ép nhất định cứ muốn tặng tôi cuốn sách đó. Tôi muốn từ chối thì Fa-đê-ép bảo tôi rằng hễ đãi nhau có phải chịu thiệt thòi đôi chút thì mới quí!…
Fa-đê-ép tới Paris lần đầu vào năm 1935, dự “Hội nghị quốc tế các nhà văn để bảo vệ văn hoá chung” lần thứ nhất. Lần sau là nhân dịp một đoàn nhà văn của tất cả các nước đi thăm Y-pha-nho, năm 1937.
Hồi đó, Fa-đê-ép còn trẻ, đang yêu và đang sung sướng… Hồi đó Fa-đê-ép đang tràn đầy tin tưởng ở sự đúng đắn và ở công lý của đất nước mình! Anh ta cười, giọng cười oang oang, tràn đầy niềm vui và tự tin. Đoạn sau của cuốn Người U-đe-ghê cuối cùng vẫn chưa viết được.
Mãi tới khi có chiến tranh mới thấy tác phẩm lớn thứ hai của Fa-đê-ép ra đời [9] .
Tôi không có mặt ở Nga trong khoảng 1936 đến 1945. Mọi việc xảy ra, tôi đều chỉ nghe nói mà thôi. Giữa nỗi vui mừng được gặp lại Fa-đê-ép sau chiến tranh, xuýt nữa chúng tôi nối lại được tình bạn xưa. Fa-đê-ép tiếp chúng tôi tại đát-cha của anh, một toà biệt thự để nghỉ mát ở gần Mốt-scu. Vợ anh và các con riêng của vợ anh cũng ở đó. Và cũng như ngày xưa anh đã đưa cho tôi một cuốn Thất bại đóng bìa bằng da, thì nay ở đây anh cho tôi hai quả táo to, hai quả táo đầu tiên và duy nhất của một cây táo non trong vườn nhà anh mới thụ quả lần đầu, anh cho tôi và chịu thiệt thòi đôi chút… Lại còn những buổi đón tiếp đông đảo và chính thức tại biệt thự lớn của anh ở Mốt-scu; toà nhà này có vẻ là một nơi không có người ở, là một nơi bày đặt sẵn đồ vật chứ không có qua một vật nào mang cá tính của chủ nhân, như một thứ Lê-vi-tăng [10] Xô-viết, có bọc nhung như là xanh thì phải. Ở đây, Fa-đê-ép không phải là ở nhà mình thực, không hợp được, mà cũng không thiết nữa vì Fa-đê-ép vốn là thứ người sinh ra để ngủ được dưới tấm chăn mỏng của người bộ đội.
Năm 1930, Fa-đê-ép đã gây cho tôi một ấn tượng bí mật. Đến nay, Fa-đê-ép này lại gây cho tôi một loại khó hiểu khác. Điều bí mật trước kia là một vẻ quyến rũ, điều khó hiểu bây giờ chỉ kết luận rằng giữa chúng tôi không còn điều gì nói với nhau nữa. Anh ta là chủ tịch Hội các nhà văn, và đôi khi các nhà văn phản đối cái triều chính của anh ta. Và, nếu các nhà văn còn duy trì anh ta ở địa vị chỉ huy họ, chính vì họ nghĩ rằng xét cho cùng Fa-đê-ép dù sao cũng là một người Bôn-sơ-vích và là một nhà văn… Nhưng cái điều “xét cho cùng” ấy, cần phải đạt tới nó mới được. Mà thường thì không phải là dễ đạt được đâu.
Vả chăng, được bầu làm phó chủ tịch Hội đồng Hoà bình, Fa-đê-ép bây giờ hay nay đi chỗ này mai đi chỗ kia, như một nhà chính trị quan trọng, thông minh, tóc đã bạc đi, nước da quạch lại. Chúng tôi gặp lại anh ở Paris trong cuộc Hội nghị tại nhà Play-en lập ra phong trào chiến sĩ hoà bình, năm 1949, chúng tôi đã nghe thấy quần chúng đông đảo tay cầm những hình chim bồ câu của Pi-cát-xô, miệng hoan hô Fa-đê-ép. Có lẽ, từ buổi đó, Fa-đê-ép đã cống hiến phần nghị lực tinh tuý nhất của mình cho phong trào Hoà bình. Anh tự huỷ trong công việc, tự huỷ vì chúng ta. Nhưng anh vẫn không hề sáng tác gì cả.
gặp Fa-đê-ép lần cuối cùng ở Mốt-scu, vào dịp Đại hội các nhà văn Xô-viết năm 1954.
Fa-đê-ép tới ăn cơm với chúng tôi, ở khách sạn, trong buồng riêng. Vẫn như xưa, vẫn có sự vui mừng được gặp lại nhau… Fa-đê-ép nói rất dài về tập Những người cộng sản của A-ra-gông, bình luận thêm bức thư anh đã viết cho A-ra-gông về vấn đề này. Câu chuyện đã dẫn tới một bài báo cũ Fa-đê-ép viết phản đối tiểu thuyết của Grốt-sman là cuốn Vì một lý tưởng đúng. Tôi không thể nào tha thứ được cho Fa-đê-ép về bài báo đó: anh đã dùng một sức tàn bạo đến cùng cực để tấn công một cuốn tiểu thuyết mà chính anh đã cho đăng lên tờ tạp chí do chính anh phụ trách! Fa-đê-ép giải thích cho tôi hiểu vì đâu anh phải viết bài báo đó: việc này không phải cứ tự nhiên mà thành, anh đã từng bênh vực cuốn tiểu thuyết đó rất lâu, nhưng từ khắp các địa phương đều có thư từ, có nghị quyết gửi về vạch tội cuốn sách đó là một cuốn nguy hại v.v… Thế rồi, anh đâm ra không tin ở bản thân nữa, rút cục tự nghĩ rằng chẳng lẽ tất cả mọi người đều sai mà chỉ có một mình anh là đúng thôi hay sao, chẳng lẽ hàng mấy nghìn độc giả đều sai cả hay sao. Và, đến cuối hội nghị, Fa-đê-ép đọc tham luận, trong đó, ngoài nhiều vấn đề khác, có nói rằng anh chỉ trích tiểu thuyết của Grốt-sman thế là không đúng, và để sửa chữa lại cái tai hại, anh đã sử dụng đến mọi khả năng của anh để làm cho tác phẩm đó được xuất bản, không kể đến mọi sự phản đối. Tôi kể lại việc không hay chính cũng vì nó phải là một đặc điểm của một bộ máy nào đó đã buộc con người ta phải phạm vào những sai lầm như vậy.
(Bài báo này của Fa-đê-ép không những đã tiêu diệt tác phẩm của Vassili Grossman, mà còn xâm phạm cả đến sinh mệnh chính và nghệ thuật của tác giả nữa. Bản thân Fa-đê-ép đã tìm khen tác phẩm đó mà về sau lại lên án nó theo một chính sách tiêu diệt nhân tài như vậy, cho nên việc này đã trở thành một sai lầm rất lớn của Fa-đê-ép mà khi Fa-đê-ép đã chết rồi, dư luận giới văn học Xô-viết vẫn còn ráo riết chỉ trích.)
Cũng trong bữa cơm ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau lần cuối cùng và tôi nghĩ lại những lời nói cuối cùng của Fa-đê-ép. Anh bảo tôi:
“Bạn có tin rằng các nhà văn Xô-viết sẽ không bao giờ nhắc đến cái tai hoạ đã xảy ra trên đất nước mình, đến việc kết tội những người vô tội, đến hàng bao nhiêu nghìn tấn thảm kịch đó không?”
Tôi giả nhời anh:
“Tôi không thể nào giả nhời anh điều đó được. Đó là những đề tài không thể nào quyến rũ nổi tôi, đó không phải là những đề tài cho tôi…”
Phải, Fa-đê-ép cần có một đề tài sôi nổi… Và cũng còn cần phải một thời gian dài nữa thì sự anh dũng phi thường của những kẻ vô tội kia mới có thể trở thành một đề tài sôi nổi được. Phải, những kẻ vô tội kia, những con người cộng sản được phục hồi kia đều không chua xót gì cả, đều không có ý phục thù gì cả, điều đó quả thật là kỳ lạ và đáng sôi lòng lên. Đối với họ, cái điều đã xảy ra cho họ, chẳng qua chỉ là một giai đoạn của cuộc đấu tranh.
Lần nói chuyện này vào khoảng cuối năm 1954, khi tất cả những điều đó hãy còn là một bí mật tập thể và rất lớn, điều đó sẽ chỉ ra ánh sáng ở cái phần mà chúng ta được biết qua Đại hội lần thứ 20.
Có một thứ bệnh tiếng Nga gọi là da-pôi (japoi): nó gây ra từng cơn nghiện rượu cứ đúng kỳ lại nổi lên, kỳ hạn lâu hay mau tuỳ người. Giữa hai cơn nghiện, con người vẫn hoàn toàn bình thường. Fa-đê-ép chính đã mắc bệnh đó. Nếu anh ta mắc bệnh từ trước chiến tranh thì bản thân tôi không hề nhận thấy lần nào mà cũng chưa hề nghe thấy ai nói đến việc anh ta mắc bệnh đó cả. Nhưng ngay những chuyến đầu anh tới nước Pháp sau chiến tranh, tuy tôi vẫn chưa hề bắt gặp anh ta say rượu lần nào, mà tôi cũng nhận thấy được rằng trong đời hoạt động của anh, trong sự có mặt của anh đã có những lỗ hổng nào đó rồi.
Vả chăng, con người anh không còn phải là con người của ngày trước nữa. Có lúc tôi thấy thương hại anh một cách hết sức chua xót; lại có nhưng lúc anh ta làm tôi giận vô cùng. Về sau, tôi cho rằng sở dĩ uống rượu là vì đối với anh cuộc đời không còn có thể sống được nữa… Khi tôi được tin rằng từ sau Đại hội lần thứ 20, Fa-đê-ép gần như thường xuyên phải nằm bệnh viện, thì tôi tự hỏi không biết anh ta làm thế nào mà sống cho được nữa, vì bây giờ sức khoẻ anh suy sụp không thể chống đỡ được với bệnh não nữa rồi.
Và anh đã không sống được nữa.
(Trích dịch và chú thích từ Báo Văn học Pháp số 620, từ 17 đến 23-5-56)
*
Lã Tử
Thật giả khó phân [11]
(Cổ học tinh hoa)
Ở gò Lê Khưu có giống quỷ lạ. Nó bắt trước làm con cháu, anh em người ta thật giống. Có một ông trưởng giả gần vùng ấy, một hôm ở chợ về, chén say khướt, lúc đi qua gò Lê Khưu, con quỉ hiện hình lên làm con ông ta, tay ôm đỡ dìu dắt, nhưng miệng cứ lẩm bẩm nhiếc móc.
Trưởng giả về nhà, lúc tỉnh rượu, gọi con ra mắng: “Tao là cha mày; tao có điều gì ác nghiệt mà lúc tao say mày lại nỡ nhiếc móc tao như vậy!”
Người con khóc, lạy cha và thưa rằng: “Thật con không dám như thế bao giờ. Con nghe đâu ở gò Lê Khưu có giống quỷ khéo bắt chước hiện lên làm người, có lẽ đấy chăng?”
Trưởng giả đi dò hỏi, thì quả nhiên ai cũng bảo có như thế thật. Ông mới định bụng hễ gặp giống quỷ ấy là đâm chết.
Hôm sau, ông lại đi chợ, lại chén say khướt mới về. Người con sợ cha lại gặp quỷ nó quấy nhiễu gì bèn xăm xăm đi đón. Trưởng giả trông rõ con mình, nhưng cho là quỷ, lên rút gươm ra đâm chết.
*
Trần Công
Chống bè phái trong văn nghệ [12]
(Tiếp theo kỳ trước)
II. Nguyên nhân và tai hại
Nói đến văn nghệ, người ta thường nghĩ tới học phái này học phái nọ. Người ta nghĩ đến những cuộc bút chiến, tranh luận nảy lửa mục đích là càng ngày càng làm giầu thêm kho tàng văn học của nhân loại. Chính ra phải nói đến bè phái là cả một sự đau lòng. Có phải chuyện “vụn vặn giải quyết vài ngày trong nội bộ” như lời gần đây của Thúc Đại không? Sự thực nó không dễ như anh nghĩ đâu. Hiện tượng bè phái trong văn nghệ nghiêm trọng vì bè phái đó lại là một số lớn những người lãnh đạo văn nghệ có vị và có quyền.
Trong kháng chiến, trái tim của con người gần gũi nhau hơn. Cũng mặc áo nâu ngồi bên vỉa đường hút chung điếu thuốc lào, con người văn nghệ hiểu nỗi khổ của nhau thấm thía hơn. Hôm tổng kết học tập, đồng chí Tố Hữu cũng có nhận khuyết điểm là hai năm nay ít gần gũi anh em. Đấy là một hiện tượng xa rời quần chúng. Xa rời quần chúng thì nhất định không rõ tâm lý quần chúng, không rõ tâm lý quần chúng thì những điều chỉ thị xuống chỉ mơ hồ, máy móc không thích hợp. Huống chi bên cạnh mình lại có thêm một số cá nhân hẹp hòi, thiển cận thì đồng chí Tố Hữu bây giờ có thấy anh em phê bình là bè phái, cũng chỉ cho là lời đả kích của “mấy thằng bất mãn”.
Một nguyên nhân của bè phái là kém lý luận. Những người lãnh đạo văn nghệ sở dĩ đã phải cố kết thành một khối để củng cố địa vị, chống đỡ với quần chúng, là vì không có cơ sở lý luận. Do đó, họ đã không “đem trả về cho quần chúng những cái của quần chúng”. Người kém lý luận thường nhìn sự đời bằng con mắt chủ quan, một lối chủ quan duy tâm. Lối nhìn chủ quan duy tâm này nguy hiểm vì nó chỉ dựa trên cảm tính vu vơ, không biện chứng. Tôi xin lấy một đoạn của Hoài Thanh tự phê bình về vụ Trần Dần đăng trong Văn nghệ số 139 để dẫn chứng lối nhìn đời bằng con mắt chủ quan duy tâm đó: “Trong trí tôi nẩy ra ý nghĩ: Trung Quốc có Hồ Phong, biết đâu chúng ta lại không có một Hồ Phong”, và rồi Hoài Thanh suy diễn: “Lúc đầu đọc bài ‘Nhất định thắng’ tôi chỉ cảm giác đây là một tâm trạng âm u... Nhưng chẳng mấy chốc tôi đã chuyển sang nghĩ đây là một sự cố tình vu khống”.
Cũng có những người lãnh đạo vốn không bè phái, nhưng do chỗ ở một cương vị lãnh đạo phải giải quyết những yêu cầu của quần chúng văn nghệ sĩ, mà năng lực thì đuối nên rốt cuộc cũng phải dựa vào bè phái để chống chế đối với anh em. Đó là trường hợp đấu tranh chính sách ở Phòng Văn nghệ Quân đội 1955. Lúc anh em văn nghệ sĩ đưa ra thảo luận một bản đề án về chính sách văn nghệ, đại cương có ba điểm lớn:
* Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị
* Chủ trương sáng tác rộng rãi, trăm hoa đua nở
* Những điều kiện cần yếu về sinh hoạt của văn nghệ sĩ.
thì một số những người lãnh đạo Văn nghệ Quân đội (trong đó có cả văn nghệ sĩ) luống cuống. Luống cuống vì nhìn không rõ bước tiến tất nhiên của thực tế, không nhìn được xa rộng vấn đề sẽ đi tới đâu. Về sau, khi kiểm điểm sai lầm, một trong những nhà lãnh đạo đó đã thành khẩn nói: “Khi thấy anh em đề ra chính sách tôi thấy là đúng; nhưng khi thấy cấp trên bảo là sai, tôi cũng lại thấy lời cấp trên là đúng”. Rồi đàn áp, chia để trị, bằng mọi biện pháp như kiểu Hoài Thanh: “Ý thức của tôi trong khi tham gia điều khiển cuộc họp là muốn cô lập Trần Dần và tranh thủ những người khác có bài trong Giai phẩm. Cái lối cô lập tranh thủ ấy dựa trên ý định lấy nhiều người đàn áp một người...”
Nguyên nhân thứ hai của bè phái, quan trọng hơn là đầu óc sùng bái cá nhân. Khi đã kém lý luận, suy nghĩ theo lối chủ quan duy tâm thì phải dựa vào ý kiến của cấp trên. Do đó mà một câu hỏi vu vơ hay nhẹ dạ của một cán bộ cấp trên cũng được những người nặng đầu óc sùng bái cho là một chỉ thị. Và cứ thế áp dụng. Cũng anh cán bộ lãnh đạo văn nghệ trong Quân đội trên kia nói: “Trong tình thế ý kiến anh em và ý kiến cấp trên mâu thuẫn thì bao giờ tôi cũng làm theo ý kiến cấp trên chứ không cần suy xét gì nữa”. Cũng cần nói đến đầu óc địa vị của một số văn nghệ sĩ trong Quân đội đã nhẩy lên ghế lãnh đạo phong trào, thừa thế kết bè “làm láo, báo cáo hay”, kìm hãm phong trào văn nghệ trong Quân đội đang lớn mạnh. Tại sao, khi có lệnh gửi ra nước bạn những tác phẩm giá trị của Quân đội để giới thiệu Quân đội Việt Nam anh dũng lại thiếu hai cuốn chuyện Người người lớp lớp của Trần Dần và Vượt Côn Đảo của Phùng Quán mà chỉ thấy một số sách mà toàn quân ít hưởng ứng của một số bè phái văn nghệ sĩ trong Quân đội? Nên xét lại xem việc Tú Nam tự động đóng dấu, lấy quyền ký tên hạ lệnh cho nhà xuất bản Quân đội in hàng vạn cuốn Mất con mất cháu của mình có phải là một hành động lũng loạn không? Trước đó, nhà xuất bản của Hội đã không nhận in vì Mất con mất cháu dở quá. Bài “Một vài sai lầm của lãnh đạo văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi (Văn nghệ số 140) không công nhận có bè phái. Nhưng cũng trong bài đó, anh viết: “Số ít người nắm quyền quyết định trở thành tự mãn, độc đoán”, “Bộ phận lãnh đạo trở thành một nhóm đóng cửa, hẹp hòi, cô độc, nể nang lẫn nhau; khi có khuyết điểm thì xuê xoa không thẳng thắn đấu tranh nội bộ và mạnh dạn tự phê bình trước quần chúng”.
Đành rằng tình trạng bè phái của lãnh đạo văn nghệ không xuất phát từ một âm mưu lũng loạn từ đầu. Nhưng trên hiện tượng do anh Thi tự thú và hàng mấy trăm anh em văn nghệ sĩ đã vạch ra trong đợt học tập tháng tám vừa qua, tôi tưởng không cần phải chứng minh thêm gì nữa tính chất bè phái cũng đã quá rõ rệt rồi. Bây giờ đã đến lúc vấn đề không còn là nhận hay không nhận một danh từ nữa mà phải bắt cho đúng mạch, tìm cho đúng bệnh để cứu người ốm. Đừng kéo dài nữa mà tốn tiền, tốn thuốc, lại hại người.
Đảng ta giầu kinh nghiệm đấu tranh. Trung ương ta bao gồm những người con ưu tú của dân tộc. Tại sao xảy ra tình trạng rối ren này? Một phần lớn của vấn đề là do bè phái trung gian đã ngăn cách Trung ương với quần chúng. Đành rằng vì Đảng ta chưa có một chính sách văn nghệ cụ thể. Nhưng giá những người trung gian cứ làm việc đúng công tâm con người cách mạng, rộng rãi, biết nâng đỡ mọi người, thẳng thắn không bao che khuyết điểm thì đâu đến nỗi! Giá thử những năm vừa qua họ trung thành với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, đừng gạt bỏ ý kiến xây dựng của những người tốt, đừng sống giả dối, thích nghe những lời nịnh hót hay tâng bốc lẫn nhau, thì chúng ta đã có thể cống hiến nhiều sáng tác tốt hơn cho nhân dân và góp cả phần giúp Trung ương xây dựng chính sách văn nghệ nữa.
Cũng do đó mà phong trào văn nghệ chúng ta ì ạch, một chiều, tình thân giữa văn nghệ sĩ với nhau sút kém nặng nề, nhiều văn nghệ sĩ vẫn bị coi rẻ, đời sống văn nghệ sĩ không được bình thường. Văn nghệ là của quần chúng. Phải trả về cho quần chúng. Đảng chỉ khơi nguồn, giúp cho khả năng quần chúng dễ phát huy. Người chịu trách nhiệm lãnh đạo văn nghệ phải lắng nghe ý kiến quần chúng đặng thi hành chính sách của Đảng đúng đường lối quần chúng.
Anh em không cầu mong gì hơn một thái độ thành khẩn của những người lãnh đạo văn nghệ, để sẵn sàng cùng nhau xây dựng một nền văn nghệ phong phú cho dân tộc. Cơn sóng gió hiện nay có yên đi thì mới nói chuyện sáng tác và tiến hành chuẩn bị Đại hội tốt được. Nhưng muốn được thế, những người lãnh đạo văn nghệ phải có thái độ rõ rệt hơn, đừng úp mở nữa; bè phái phải giải thể đi, thì mới tạo nên điều kiện tốt cho Trung ương gần gũi văn nghệ sĩ hơn để lãnh đạo họ bằng một đường lối sát đúng và một chính sách cụ thể.
*
Không phải truyện cười [13]
Trúc Lâm
Mất mỹ quan
2-9, Thủ đô tưng bừng trong ngày Quốc khánh. Bà con nông dân phấn khởi kéo nhau về dự lễ và xem hội.
Hai bà cháu lân la qua Tràng Tiền tiến đến Nhà hát lớn: Đương bỡ ngỡ không biết ở trong biểu diễn gì và có được vào xem không, thì một đồng chí C.A tiến đến:
"Cụ có giấy mời không?"
"Không ạ."
"Thế thì mời cụ đứng xa xa ra một chút kẻo mất trật tự."
"Đề nghị thầy cho bà cháu tôi đứng xem một tí."
Đồng chí công an cau mặt:
"Đã bảo là không được, mất trật tự.” Nói rồi quay ngoắt đi.
Bà cụ ôn tồn:
"Bà cháu tôi đứng lảnh ở đây, làm gì mà mất trật tự hả thầy?”
Một đồng chí công an khác tới nghiêm nghị giảng giải:
“Không mất trật tự nhưng mất mỹ quan Nhà hát lớn.”
Đứa cháu rời tay bà lúc nào không biết làm bà cụ ngơ ngác:
“Gái ơi! Về đi thôi không mất mỹ quan Nhà hát lớn.”
Y Du
Bổ thận cũng như bổ phổi
Mới nhận được một chiếc séc truy lĩnh. Anh vốn là người yếu phổi. Anh ra cửa hàng mậu dịch bán thuốc.
Lệ mua séc thì phải mua cho kỳ hết số tiền ghi ở séc. Cuối cùng còn đủ để mua một lọ thuốc bổ phổi, mà ngày hết hạn của chiếc séc cũng chẳng còn lâu!
“Cô cho ghi một lọ thuốc bổ phổi.”
“Hết thuốc bổ phổi rồi... chỉ còn thuốc bổ thận thôi!”
Cô hàng cười... Anh cán bộ bị mua thuốc cũng cười... Anh ngần ngừ, cuối cùng mua lọ thuốc bổ thận cho trọn tiền ở séc.
Anh chặc lưỡi:n “Vẽ... biết đâu mình chả yếu thận, còn hơn để séc hết hạn, chả bổ được phổi lại cũng chẳng bổ được thận! Được tý nào hay tý ấy!”
Nguyên tắc
Anh cán bộ kỹ thuật bậc 5 đi khám bệnh đau bụng run... Ở ruột anh có rất nhiều thứ run! Run đũa, run kim... và run v.v... Bệnh đau bụng run của anh cần phải được nằm điều trị ở bệnh viện ấy mới trừ tiệt được những loại run kia, nhưng ở bệnh viện này chỉ có cán bộ kỹ thuật bậc ba mới được nằm điều trị!
Vì vậy người ta cho anh uống thuốc điều trị bệnh run thường mà thôi!... Còn những chứng run khó trị kia... phải chờ đến khi nào anh được hưởng lương kỹ thuật bậc ba... thì chúng sẽ biết tay! Không có trường hợp nào người ta thấy nguyên tắc lương bổng lại có lợi và hợp lý cho... giống run như trường hợp này!
Lại nguyên tắc
Một đồng chí cán bộ bị hỏng tuột cả chân, thịt đỏ loét! Người ta vội đưa đồng chí xuống bệnh viện Bạch Mai! Bệnh viện xét không đúng nguyên tắc nên không nhận!...
Người ta lại đưa anh cán bộ ấy lên bệnh viện Phủ Doãn. Bệnh viện này xét không đúng nguyên tắc nên không nhận!
Do đó chúng ta mới biết thêm một thứ bệnh mới dễ làm chết bệnh nhân như ôn dịch... đó là bệnh Nguyên tắc máy móc!
Bệnh ấy nghe đâu các bệnh viện chưa nghĩ cách chữa.
*
Tranh châm biếm [14] , ký tắt “SN”, vẽ Hoài Thanh đeo kính, tay phải túm áo ngực Trần Dần, tai trái cầm cuốn sách đề tên Hồ Phong giấu sau lưng. Trần Dần tay cầm cuốn Người người lớp lớp.
Hoài Thanh: Làng nước ôi! Đích thị Hồ Phong đây rồi!
Trần Dần: Thưa đồng chí Vụ trưởng, quả thực tên tôi là Trần Dần, nếu không tin xem lại giấy khai sinh.
__________________
[1] Trang 4 (trang 3 & 4 đề ngày 5-10-1956)
[2] Những phần in nghiêng và để trong ngoặc đơn là chú giải của người dịch. Các chú thích khác trong bài này cũng của người dịch.
[3] Trong nguyên bản là Alexandre Alexandrovitch Fadéev
[4] Aragon, nhà thơ Pháp và Georges Sadoul, nhà phê bình điện ảnh Pháp
[5] Kharkov, một thành phố thuộc xứ Ukraine
[6] Trong nguyên bản là "Sacha Fadéev", một lối xưng hô thân yêu
[7] Politique litéraire
[8] Terrain mouvant
[9] Đội thanh niên Cận vệ
[10]Lévitan, một xưởng đóng đồ gỗ nổi tiếng ở Pa-ri
[11] Trang 5, đóng khung, in chen vào giữa bài "Không sợ địch lợi dụng"
[12] Trang 6
[13] Trang 6, góc châm biếm, kèm hai minh hoạ
[14] Trang 6, dưới cùng, bên trái
Nguồn: Nhân văn số 2, ngày 30.9.1956. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Nguồn: Talawa
No comments:
Post a Comment