===
CHỐNG NHÂN VĂN GIAI PHẨM
1 2 3
==
Thư của 304 văn nghệ sĩ và cán bộ văn hoá ở lớp học văn nghệ lần thứ hai gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Chúng tôi 304 văn nghệ sĩ và cán bộ văn hoá ở trung ương và địa phương được Tiểu ban văn nghệ của Đảng triệu tập về học từ ngày 3-3-1958 đến ngày 14-4-1958, vô cùng sung sướng báo cáo lên Trung ương Đảng lớp học của chúng tôi đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.
Từ trước tới nay dưới ánh sáng của Đảng, chúng tôi mỗi ngày càng thấy con đường đi của mình một sáng sủa thêm, càng vững lòng tin ở tương lai của đất nước và tiền đồ của văn học, nghệ thuật. Đến lớp này, sau khi nghiên cứu hai văn kiện lịch sử của các Đảng cộng sản và Đảng công nhân họp ở Mát–scơ–va, chúng tôi nhận thấy rằng thời đại lịch sử của chúng ta ngày nay, mặc dù còn những đám mây u ám, chính là thời đại mà những người nghệ sĩ, những nhà văn hoá lớn của nhân loại từ bao thế kỷ nay hằng ao ước mơ tưởng: thời đại thắng lợi của hoà bình và của chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi rất phấn khởi với những thành tựu to lớn của dân tộc ta trên con đường đấu tranh đầy chông gai để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Do nhận thức được những sự chuyển biến mới mẻ của tình hình thế giới và cách mạng trong nước, chúng tôi càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình, những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và văn nghệ.
Trong những thành tích lớn lao của nhân dân ta trong ba năm qua phong trào văn học, nghệ thuật đã có những cống hiến nhất định. Nhưng bên cạnh những thành tích đó, một bài học lớn cho chúng tôi là trong một thời gian dài, chúng tôi đã mơ hồ để cho những phần tử phá hoại len vào trong hàng ngũ, lôi kéo một số người, hoạt động gây nhiều thiệt hại cho phong trào văn học, nghệ thuật, đồng thời tiến hành những âm mưu đen tối chống lại chế độ và chủ nghĩa xã hội, chống Đảng và nhân dân. Bọn chúng là nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm, trước đây một năm đã hoạt động như một bọn “tác động tinh thần” ở miền Bắc. Trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, Trung ương Đảng đã chỉ rõ tính chất phá hoại của nhóm Nhân văn-Giai phẩm và vạch đường đi tới cho văn nghệ sĩ. Song số đông chúng tôi vẫn mất cảnh giác nghiêm trọng, vấn đề bọn chúng tiếp tục những hành vi ám muội, lũng đoạn các cơ quan văn học, nghệ thuật, gây ra những tác hại lớn.
Trong tình hình ấy, lớp học này, do Đảng mở ra đã thức tỉnh chúng tôi, giúp chúng tôi nhận rõ được bộ mặt thật của bọn phá hoại, và càng xác định tính chất đúng đắn đường lối văn nghệ của Đảng. Chúng tôi càng thấy cần phải luôn luôn đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng đi theo đường lối văn nghệ của Đảng, càng phải nâng cao cảnh giác, xiết chặt hàng ngũ thành một đội văn nghệ lớn mạnh của Đảng và của nhân dân, tiếp tục đấu tranh quét sạch những tư tưởng chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội trong văn nghệ, bảo vệ và phát triển đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng. Chúng tôi kiên quyết sẽ lột mặt nạ của bọn phá hoại trước nhân dân đông đảo, bóc trần những âm mưu, luận điệu, hành động và thủ đoạn thù địch của chúng.
Chúng tôi sẽ tích cực theo lời khuyên nhủ của Đảng trong bức thư của Trung ương gửi Đại hội văn nghệ lần thứ hai, trước hết: “cần ra sức học tập chủ nghĩa Mác–Lê-nin, học tập đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, nâng cao lập trường, trau dồi tư tưởng và nghệ thuật”.
Chúng tôi nguyện, theo lời kêu gọi của Đảng, đi vào đời sống sản xuất và chiến đấu của công nông binh, tuỳ sức mỗi người mà tham gia lao động, để tiếp tục cải tạo mình và phản ánh được trung thực sự nghiệp vĩ đại của Đảng và nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng bức thư của Ban chấp hành trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ lần thứ hai và nghị quyết của Bộ chính trị của Trung ương Đảng về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ và quyết tâm của tất cả chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng từ đây nền văn học, nghệ thuật chúng ta sẽ tiến lên theo đà mới, phục vụ đắc lực hơn nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn mới.
Hà Nội, ngày 14-4-1958
*
Tú Mỡ (nhà thơ)
Nếu không có lớp học, cái chỗ ngứa mà địch gãi vào tôi sẽ nhiệm trùng tư sản, thành ra ghẻ lở mụn nhọt
Một số chúng ta cũng không phải ít đâu, trải qua ba năm sống trong hoà bình, liều thuốc phòng bệnh trước đây đã phai nhạt tiêu tán, và do tâm hồn yếu đuối chúng ta không đủ sức chống lại, nên các bệnh cũ của giai cấp tiểu tư sản lại có cơ ngóc dậy: bệnh tự kiêu, tự đại, bệnh địa vị, bệnh cầu an hưởng lạc, bệnh cá nhân chủ nghĩa với những biến chứng tai hại như quan liêu, tham ô, lãng phí, hủ hoá, tự do vô kỷ luật v.v…
Rồi những mầm mống độc của bọn gián điệp của địch còn cài lại reo rắc đã gặp được đất tốt để nẩy nở, những sự việc phỉnh khích, mua chuộc bằng đủ hình thức của bọn tư sản đầu cơ đã lũng đoạn tinh thần chúng ta, khiến một số chúng ta đã vô tình hay hữu ý sa vào những cạm bẫy rất nguy hiểm.
Trong tình trạng ấy, Đảng đã sáng suốt nhìn thấy những nguy cơ mà mắt chúng ta đã mù quáng chưa trông thấy, và từ xưa đến nay vẫn thế, Đảng như một người mẹ hiền đã tận tình đối với chúng ta để kịp thời cứu vớt chúng ta lên, cho chúng ta khỏi sa ngã xuống hố sâu vực thẳm.
Đảng đã kịp thời mở lớp chỉnh huấn này cũng như trước đây Đảng đã nhiều lần dạy bảo chúng ta.
Bằng lý luận Mác–Lê-nin Đảng đã soi sáng cho chúng ta thấy rõ bộ mặt ghê tởm của kẻ thù bên ngoài, đã vạch cho chúng ta thấy rõ mồn một những tư tưởng thù địch trong người chúng ta, khiến chúng ta đã phát giác được ra, chưa hẳn là tất cả, nhưng khá nhiều sai lầm khuyết điểm và tội lỗi nữa, tội lỗi với Tổ quốc, đối với Đảng, với Chính phủ, đối với nhân dân, đối với gia đình và cả đối với bản thân chúng ta nữa.
Qua những sự việc phát hiện trong lớp học, tôi đã rợn người kinh hãi, không ngờ chúng ta, những người đã đi theo cách mạng đã được rèn luyện trong kháng chiến như thế, lại có thể sa ngã đến như thế!
Tôi không khỏi rùng mình rằng dưới chế độ ta, trong đời sống tập thể lại có những hiện tượng thủ đoạn lừa lọc, mánh khoé đảo điên để kiếm chác tiền nong tranh giành địa vị, cuộc đời đầy cạm bẫy kiểu như người trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm sống như vậy thật là mệt quá.
Vì riêng bản thân tôi, tôi cũng đau xót nhận thấy rằng, mặc dầu tôi không có điều gì bất mãn đối với Đảng, xưa nay vẫn tự hào là đã học tập và tiếp thu được chút vốn đức tính cách mạng, được các bạn, các đồng chí cho là tương đối trong sạch, mặc dầu đã già nửa đời người, hai thứ tóc trên đầu rồi, mà vẫn bị lôi cuốn vào con đường xấu, vẫn còn những tư tưởng sai lầm, biểu hiện ra những ý nghĩ, những lời nói, một vài hành động trái với đường lối của Đảng mà tôi đã tự nguyện noi theo. Tư tưởng xấu của nhóm phản động Nhân văn-Giai phẩm đã chui vào đầu óc tôi lúc nào, tôi cũng không biết.
Lớp học đã cho tôi thấy nguyên nhân bên trong thì chưa rứt hết được rễ sâu của giai cấp tính tiểu tư sản; bên ngoài thì bị bọn phản cách mạng phỉnh kích, bọn tư sản phản động cám dỗ mua chuộc, lợi dụng bằng những mánh khoé rất nham hiểm, xảo quyệt, gãi trúng vào chỗ ngứa để xỏ mũi [1] lôi đi theo chúng mà tôi vẫn không biết, vì tôi chân thực, dễ tin, tưởng rằng bụng người như bụng ta. Các đồng chí trong tổ học tập đã chỉ rõ tôi biết bản tâm tôi là lương thiện, nhưng chỉ vì chưa có một cơ sở chính trị vững vàng, cho nên thiếu cảnh giác, nhìn lệch lạc một chiều lập trường mơ hồ, không phân rõ gianh giới giữa bạn và thù.
Nếu không có lớp học chỉnh huấn này, cái chỗ ngứa mà địch gãi vào tôi sẽ nhiệm trùng tư sản, thành ra ghẻ lở, mụn nhọt, có thể nguy hại, cản bước tiến của tôi cũng như bước tiến của các bạn văn nghệ sĩ đến dự lớp học này, trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Lớp học này không những là một lớp huấn luyện chính trị mà là còn một lớp học luân lý thực hành luân lý cách mạng. Những bài giảng của các giảng viên cộng với những lời thảo luận, phê phán của các bạn học trong tổ và trên hội trường đã soi sáng vào những góc cạnh thầm kín nhất trong tâm hồn chúng ta để vạch rõ cho ta nhìn thấy ta, và như lời đồng chí Lê Duẩn nói, có nhìn thấy ta mới nhìn rõ địch, như vậy mới xây dựng cho ta được một lập trường đúng đắn, quyết tâm đi đúng con đường của Đảng, làm đầy tớ cho nhân dân lao động chứ không chịu làm thầy – nói chi làm tay sai cho tư bản.
Lớp học đã thành công rực rỡ. Điều làm tôi sung sướng nhất là: 304 anh em, không ai rơi rụng cả. Đối với những người có mụn nhọt, Đảng đã chích nặn máu mủ độc ta thấy đau rát nhưng đã được nhịt thuốc và băng bó khỏi; đối với những người mụn nhọt chưa phát ra Đảng đã cho ta uống những chén thuốc đắng, có người xưa nay chỉ quen mùi đường mật đã cố ý phun thuốc ra, nhưng Đảng đã kiên trì giỗ cho uống hết, thuốc đắng đã tiêm độc và chữa khỏi bệnh.
Trước những kết quả ấy, chúng ta phấn khởi, nhưng không chủ quan và thấy cần còn phải đấu tranh lâu dài và gian khổ nữa sau lớp học, để cải tạo tư tưởng, có thế ta mới tránh khỏi bệnh cũ tái phát, mới có đủ nghị lực để đấu tranh với địch, dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta nguyện đoàn kết nhất trí đi với Đảng tới cùng vì con đường của Đảng là con đường vinh quang, con đường duy nhất, không có con đường nào khác, để làm Tổ quốc thân yêu của chúng ta độc lập, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh.
14-4-1958
*
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn–Giai phẩm, trang 59-121.
====
Ý kiến của các văn nghệ sĩ phản đối nhóm phá hoại “Nhân văn–Giai phẩm”
1 2 3
Tạ Phước (nhạc sĩ)
Đảng đã cho tôi thấy đâu là ánh sáng đâu là bóng tối đâu là bạn đâu là thù
Ở lớp học này, một lần nữa tôi thấy Đảng đã mở mắt cho tôi nhìn rõ trong bước ngoặt mới của cách mạng: đâu là ánh sáng đâu là bóng tối, đâu là bạn đâu là thù…
Đảng đã tiếp sức cho tôi một nguồn sinh lực mới để mà phấn đấu. Tôi đã thấy trong cuộc đấu tranh giai cấp gay go hiện này, tôi phải dứt khoát đứng hẳn vào hàng ngũ giai cấp vô sản để mà nhìn nhận các vấn đề để mà hoạt động. Tôi đã giải quyết cho tôi được nhiều sự thắc mắc, sự hoang mang trong thời gian mấy năm qua. Những thắc mắc và đời sống gia đình, trong công tác, những hoang mang về thời cuộc trong nước và quốc tế.
Nhưng đến nay tôi đã vững vàng hơn: tinh thần quốc tế vô sản nhất là đối với Liên xô và Trung quốc được thêm củng cố và thắm thiết. Tôi thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn cách mạng mới, và càng thấy rõ trách nhiệm của mình phải tham gia phục vụ cách mạng tích cực hơn nữa.
Điểm nữa tôi muốn nói là lòng thương yêu và sự rộng lượng vô bờ bến của Đảng, đối với chúng ta và nhất là đối với các anh em Nhân văn-Giai phẩm. Nếu các anh em Nhân văn-Giai phẩm biết nhìn nhận một cách khách quan sẽ thấy rõ lòng thương yêu và sự rộng lượng đó. Sở dĩ các anh em có phạm sai lầm tai hại như trong giai đoạn qua một phần là vì các anh em đã ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ phục vụ mình.
Không đặt mình ở địa vị chủ mà đặt vấn đề, lại cho mình là khách, luôn luôn đòi hỏi được đãi ngộ. Vì sự đãi ngộ không bao giờ được vừa ý, vì cho sự cống hiến của mình rất là nhiều. Nhưng các anh em đó đã không khiêm tốn mà nhận rằng một số ít cống hiến của mình là do nhờ Đảng, nhờ nhân dân mà có, chính Đảng và nhân dân đã bồi dưỡng cho các anh, mà các anh không biết mà lại còn phụ ơn và phản bội.
Nhưng hy vọng rằng, các anh đó sẽ nhận rõ sự thương yêu và rộng lượng của Đảng, và rồi đây lại chịu sự giáo dục của Đảng, Chính phủ mới có tiền đồ được.
Ở lớp học này, tôi đã thu được nhiều kết quả, nhưng để duy trì và phát triển những kết quả đó, tôi thấy luôn luôn phải cảnh giác và đấu tranh với bản thân. Và tôi cũng biết rằng trong lớp không khí học tập đấu tranh, luôn luôn giúp đỡ tôi, nhưng bước ra khỏi lớp, sự sinh hoạt ở ngoài, nhất là ở thành phố, luôn luôn những ảnh hưởng phi vô sản tấn công; sự cảnh giác cho tôi càng cần phải đề cao hơn nữa, để phát triển số kết quả tốt của lớp học, ra về tôi thấy có nhiệm vụ:
Phải cương quyết đấu tranh chống tư tưởng và hành động phản động ở chung quanh tôi.
Phải luôn luôn học tập chính trị, cải tạo tư tưởng.
Phải thấy rõ trách nhiệm của công tác, phục vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
*
Trọng Loan, Văn An, Tô Hải, Cao Sơn, Xuân Thịnh, Trần Dư (Đoàn văn công quân đội)
Phải đập cho tan nát những nọc độc Nhân văn-Giai phẩm ảnh hưởng vào văn công quân đội
Nọc độc của nhóm Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Dần, Lê Đạt v.v… qua các báo Nhân văn-Giai phẩm năm 1956 cũng đã ảnh hưởng rất xấu tới một số đơn vị văn công quân đội chúng tôi, cũng đã reo rắc những tai hại đáng kể tới một số anh chị em diễn viên hoặc mới nhập ngũ, hoặc vì trình độ chính trị thấp kém, nông cạn, vì tư tưởng lệch lạc: bất mãn, hưởng lạc, vô kỷ luật, chịu ảnh hưởng xấu của tư tưởng tư sản một cách ngấm ngầm từ khi Hoà bình lập lại, nhất là ở các vùng thành thị. Những luận điệu phản động của Nhân văn-Giai phẩm như đòi “tự do dân chủ”, “Chống công thức” v.v… đã kích thích số diễn viên non nớt đó về lập trường giai cấp, có những lần đã chống đối lại tổ chức, chống đối lại lãnh đạo trong đơn vị ngay những tháng đầu tiên khi các loại báo phản động đó ra đời. Không nhận rõ thực chất “Tự do của Nhân văn - Giai phẩm” là tự do vô tổ chức, vô chính phủ, có những diễn viên đã coi thường điều lệnh nội vụ của quân đội, đi về không báo cáo, ra, vào trạm gác bất chấp cả kỷ luật cảnh giới, gây nên một nếp sống mất trật tự trong doanh trại, đả kích cán bộ khi chấp hành nội quy đối với mình. Đối với sự giáo dục một tư tưởng lành mạnh trong việc quan hệ nam nữ trong đoàn, số anh chị em đó cũng cho là “ngột ngạt, khó thở”, “thiếu dân chủ”; họ cứ quan hệ bừa bãi với nhau, toàn mượn những lời thơ văn của nhóm Nhân văn-Giai phẩm để mớm cho nhau những tư tưởng bỉ ổi, gây nên những hiện tượng gái đa dâm, trai đa tìm, phá hoại tình cảm lành mạnh của những diễn viên hãy còn rất ít tuổi. Vì trách nhiệm xây dựng cuộc đời cho diễn viên về tài năng cũng như về đời sống, vì trách nhiệm đối với xã hội, nhất là đối với các bậc cha mẹ, họ hàng có con em ở trong đoàn, chúng tôi kiên quyết ngăn cản những vấn đề “tự do yêu đương, tự do luyến ái xằng bậy” thì số diễn viên đó lại mượn lời Lê Đạt cho là “đem bục công an đặt giữa trái tim của họ”. Họ cũng đòi hỏi “học kỹ thuật trên hết” theo luận điệu phi chính trị của Đặng Đình Hưng, Văn Cao là những phần tử Nhân văn trong giới nhạc, lợi dụng danh nghĩa đảng viên để cấu kết chống Đảng, không thích học tập chính trị, lười sinh hoạt nội quy, chê lao động, ngại công tác; thậm chí có anh em còn mơ tưởng một cách mù quáng rằng có thể sau này sẽ lại mở lại những “tiệm trà”, “tiệm khiêu vũ” đòi xin giải ngũ ra ngoài quân đội để đem “tài nghệ” của mình lăn vào đó kiếm chác, làm ăn hoặc giậy đàn hát tư để “sống cho nó ra con người tự do thoải mái” v.v… Những anh chị em đó đã ngoặc chặt tư tưởng của mình vào tư tưởng phản cách mạng của bọn Nhân văn-Giai phẩm.
Nhưng quân đội ta là quân đội của nhân dân, của Đảng Lao động Việt nam, đã được rèn luyện sắc bén trong bao năm chiến đấu anh dũng, đã được Đảng ta giáo dục cho một đạo đức Cách mạng vững chắc, cho nên, những anh chị em nói trên chỉ là một số người hãy còn rơi rớt lại những cái xấu xa mà thôi. Nhóm Nhân văn-Giai phẩm kia đã không thể nào đánh lừa được tất cả. Cán bộ và toàn đơn vị đã cảnh giác kịp thời, nỗ lực đề cao trách nhiệm hơn trong việc xây dựng tổ chức, cho nên những hiện tượng xấu kể trên cũng không thể tồn tại được lâu dài và đã bị dập tắt.
Nhưng gần đây, những luận điệu bỉ ổi, độc ác của nhóm Nhân văn-Giai phẩm lại thấy ngốc đầu dậy, lại thấy xuất hiện lại trên tuần báo Văn, lại vẫn: tranh đả kích của Trần Duy, “Ông Năm chuột” của Phan Khôi, “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán, “Bài thơ trên ghế đá” của Lê Đạt, v.v… Chúng tôi nhận thấy những nọc độc đó lại rất sẽ có thể gây lại những ảnh hưởng tai hại vào trong các đơn vị chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết cùng các anh chị em văn nghệ sĩ đấu tranh mạnh mẽ và triệt để, lên án một cách nghiêm khắc tất cả cái bọn đã đội lốt văn nghệ sĩ, đã lạm dụng chữ nghĩa, văn chương (là bọn Nhân văn-Giai phẩm) để reo rắc những nọc độc phản cách mạng vào tư tưởng trong trắng của thanh thiếu niên nghệ thuật đang vươn lên một sức sống xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta và nhất định giữ vững đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo.
*
Phạm Văn Chừng, Dzoãn Mẫn, Phạm Ngữ, Hoàng Dương, Vũ Tuấn Đức, Vũ Thuận, Đào Trọng Từ (Trường âm nhạc Việt Nam)
Chúng tôi lên án những âm mưu đen tối của nhóm Nhân văn
Bộ mặt thật chống đối về chính trị và phản động về văn nghệ của nhóm Nhân văn-Giai phẩm thật là rõ ràng. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, lợi dụng và xuyên tạc phương châm “trăm hoa đua nở” “tự do sáng tác”, họ đã có những âm mưu nhằm phủ nhận giá trị các tác phẩm Cách mạng và Kháng chiến, gieo rắc nọc độc chống đối, hoài nghi trong anh em giới nhạc. Dùng thủ đoạn bè phái, ly gián “vừa đánh vừa kéo” như chính lời họ đã thú nhận để lũng đoạn hội Nhạc sĩ, chúng đã dựng đứng lên những “nhóm” này, “phái” kia một cách giả tạo, thực chất là đi đến chỗ phục hồi những khuynh hướng sáng tác lai căng, uỷ mị, xa lìa thực tế. Tung ra khẩu hiệu “chiến tranh kỹ thuật” trong khi chính bản thân họ lại là những người ít nắm được kỹ thuật hơn ai hết - những phần tử như Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Tử Phác, Nguyễn Văn Tý… đã một mặt tác động tinh thần những người có trách nhiệm lãnh đạo, gây cho những người này tâm lý “đóng cửa trau dồi bản lĩnh” lỏng tay cho bọn thừa cơ len lỏi vào những cương vị có tính chất chi phối đường lối phát triển âm nhạc (trong Ban chấp hành Hội Nhạc và Tập san âm nhạc); một mặt gây hoang mang trong anh em trẻ, khích động họ để biến những yêu xách bồi dưỡng chuyên môn đi đến chỗ “kỹ thuật trên hết” “chỉ cần nhân tài”, tách rời chính trị và xa lìa quần chúng.
Là những người công tác âm nhạc trong phạm vi giáo dục, chúng tôi nghiêm khắc lên án những tư tưởng chống đối nguy hại, những hành động bất chính và âm mưu đen tối của nhóm Nhân văn-Giai phẩm kiên quyết kiểm tra để tẩy trừ những di hại của nọc độc đó, đoàn kết chặt chẽ với nhau hơn nữa để đẩy mạnh công tác giáo dục âm nhạc trên đường lối văn nghệ của Đảng.
*
*
Thanh Hương (nữ diễn viên Đội Văn công nhân dân Nam bộ)
Tôi nguyện đi theo con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo
Hôm nay tôi xin phát biểu một số ý kiến và tỏ bày với Hội nghị vài nét về tâm sự của tôi.
Trước hết, tôi xin tỏ lòng trung thành biết ơn Trung ương Đảng, biết ơn Hồ Chủ Tịch đã cho tôi được dự khoá học này. Khoá học này đã mở cho tôi một chân trời mới, chân trời Cách mạng xã hội chủ nghĩa chói rạng khắp tâm hồn của toàn thể nhân dân lao động trong xã hội đều được danh dự cống hiến sức lao động của mình để kiến thiết và xây dựng xã hội chủ nghĩa thắng lợi, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động.
Được dự khoá học này, nhờ Đảng chỉ cho tôi cách nhìn và đứng trên lập trường Cách mạng của giai cấp vô sản, dựa theo hai văn kiện của Đảng cộng sản và các Đảng công nhân họp ở Mát–scơ–va mà soi rọi thì tôi thấy rằng: trước kia tôi đã đi vào kháng chiến với ý thức Cách mạng giải phóng dân tộc. Cái mơ ước chính của tôi là góp công sức vào công cuộc kháng chiến vĩ đại để đánh đuổi đế quốc ra khỏi nước, giành độc lập Tổ quốc, giải phóng ách áp bức bóc lột ngàn đời cho toàn dân, trong đó nghệ thuật được giải phóng. Mục đích chính của tôi lúc bấy giờ là sau khi kháng chiến thành công, sân khấu cải lương sẽ được diễn những vở nội dung lành mạnh, tôi cũng sẽ được biểu diễn phục vụ đại đa số nhân dân, sẽ thoát khỏi cảnh trước kia bọn đế quốc phong kiến dùng nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền cho chính sách áp bức bóc lột dã man của chúng người nghệ sĩ phải chịu cảnh chà đạp, rẻ rúng, tủi nhục từ vật chất lẫn tinh thần, nhất là nữ giới chúng tôi. Vì thế nên khi Hoà bình lập lại là tôi đã tự thoả mãn, đã tự coi như chỉ còn lo biểu diễn nghệ thuật mà thôi. Thời gian qua tôi đã nghiêng hẳn về công tác chuyên môn, nhẹ học tập lý luận, không áp dụng lý luận chính trị vào công tác thực tế của mình.
Hôm nay, tuy nhận thức chưa đầy đủ, nhưng tôi thấy rằng: nhờ khoá học này đã làm cho tôi thức tỉnh, đã mở mắt cho tôi bước đầu thấy được con đường đi tới Cách mạng xã hội chủ nghĩa là con đường đấu tranh giai cấp, nghĩa là giữa chúng ta và giai cấp tư sản, đấu tranh cải tạo dần từ cá nhân đi vào tập thể, từ tư hữu thành công hữu, xoá bỏ giai cấp bóc lột là một vấn đề gay go phức tạp, mà vấn đề cải tạo tư tưởng lại càng gay go phức tạp. Nhưng chỉ có con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa thì con người mới được ấm no hạnh phúc và nghệ thuật mới được phát triển lành mạnh để phục vụ nhân dân lao động được kết quả và vinh quang hơn hết.
Trong khoá họp này có dịp tôi ôn lại, từ khi tham gia kháng chiến đến 3 năm hoà bình, văn nghệ nói chung đều nhờ có đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà công tác văn nghệ phục vụ được tốt và lập được nhiều thành tích vẻ vang, đẹp đẽ. Riêng tôi, luôn luôn từng bước đi đều có Đảng chỉ bảo dắt díu.
Bọn phá hoại Nhân văn - Giai phẩm xuyên tạc rằng Đảng ta giáo dục con người rập khuôn. Tinh thần của chúng chẳng qua chỉ là muốn phá hoại mọi tổ chức, mọi kỷ luật để được tự do phát triển cá nhân chủ nghĩa đồi truỵ của chúng mà thôi. Nhưng theo tôi, nếu rập khuôn để được rèn luyện, cải tạo cho mình có một tinh thần vì nhân dân phấn đấu, một đời phụng sự Cách mạng, đem sức lao động của mình cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi, thì tôi xin tự nguyện rập theo khuôn mẫu của Đảng ta giáo dục ấy để phụng sự Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi.
*
No comments:
Post a Comment